BÀI ĐỌC I: St 15, 5-12. 17-18
“Thiên Chúa đã thiết lập giao ước với Abraham”.
Bài trích sách Sáng Thế.
Trong những ngày ấy, Thiên Chúa dẫn Abram ra ngoài và nói với ông: “Ngươi hãy ngước mắt lên trời, và nếu có thể được, hãy đếm các ngôi sao”. Rồi Chúa nói tiếp: “Miêu duệ của ngươi sẽ đông đảo như thế”. Abram tin vào Thiên Chúa, và vì đó ông được công chính. Và Chúa lại nói: “Ta là Chúa, Ðấng dẫn dắt ngươi ra khỏi thành Ur của dân Calđê, để ban cho ngươi xứ này làm gia nghiệp”. Abram thưa rằng: “Lạy Chúa là Thiên Chúa, làm sao con có thể biết con sẽ được xứ đó làm gia nghiệp?” Chúa đáp: “Ngươi hãy bắt một con bò cái ba tuổi, một con dê cái ba tuổi, một con cừu đực ba tuổi, một con chim gáy mái và một con bồ câu non”. Abram bắt tất cả những con vật ấy, chặt ra làm đôi, đặt phân nửa này đối diện với phân nửa kia; nhưng ông không chặt đôi các con chim. Các mãnh cầm lao xuống trên những con vật vừa bị giết, song ông Abram đuổi chúng đi. Lúc mặt trời lặn, Abram ngủ mê; một cơn sợ hãi khủng khiếp và u tối bao trùm lấy ông. Khi mặt trời đã lặn rồi, bóng tối mịt mù phủ xuống, có một chiếc lò bốc khói và một khối lửa băng qua giữa những phần con vật bị chia đôi. Trong ngày đó, Chúa đã thiết lập giao ước với Abram mà nói rằng: “Ta ban xứ này cho miêu duệ ngươi, từ sông Ai-cập cho đến sông Eu-phrát”.
Ðó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 26, 1. 7-8a. 8b-9abc. 13-14
Ðáp: Chúa là sự sáng và là Ðấng Cứu Ðộ tôi. (c. 1a)
1) Chúa là sự sáng, là Ðấng Cứu Ðộ, tôi sợ chi ai? Chúa là Ðấng phù trợ đời tôi, tôi sợ gì ai?
2) Lạy Chúa, xin nghe tiếng con kêu cầu, xin thương xót và nhậm lời con. Về Chúa, lòng con tự nhắc lời: “Hãy tìm ra mắt Ta”.
3) Và lạy Chúa, con tìm ra mắt Chúa, xin Chúa đừng ẩn mặt xa con, xin đừng xua đuổi tôi tớ Ngài trong cơn thịnh nộ. Chúa là Ðấng phù trợ, xin đừng hất hủi con.
4) Con tin rằng con sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh. Hãy chờ đợi Chúa, hãy sống can trường, hãy phấn khởi tâm hồn và chờ đợi Chúa!
BÀI ĐỌC II: Pl 3,17 – 4,1
“Chúa Kitô sẽ biến đổi thân xác chúng ta nên giống thân xác hiển vinh của Người”.
Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philípphê.
Anh em thân mến, anh em hãy bắt chước tôi, và hãy để mắt nhìn coi những người ăn ở theo như mẫu mực anh em thấy nơi chúng tôi. Bởi chưng như tôi đã thường nói với anh em, và giờ đây tôi đau lòng ứa lệ mà nói lại, có nhiều người sống thù nghịch với thập giá Ðức Kitô. Chung cuộc đời họ là hư vong, chúa tể của họ là cái bụng, và họ đặt vinh danh của họ trong những điều ô nhục; họ chỉ ưa chuộng những cái trên cõi đời này. Phần chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời, nơi đó chúng ta mong đợi Ðấng Cứu Chuộc là Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Người sẽ biến đổi thân xác hèn hạ của chúng ta nên giống như thân xác hiển vinh của Người, nhờ quyền lực mà Người vẫn có, để bắt muôn vật suy phục Người. Bởi thế, anh em thân mến và yêu quý, anh em là niềm hoan lạc và triều thiên của tôi; anh em thân mến, hãy vững vàng trong Chúa.
Ðó là lời Chúa.
CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: Mt 17, 5
Từ trong đám mây sáng chói có tiếng Chúa Cha phán rằng: “Ðây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”.
PHÚC ÂM: Lc 9, 28b-36
“Ðang khi cầu nguyện, diện mạo Người biến đổi khác thường”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi cầu nguyện. Và đang khi cầu nguyện, diện mạo Người biến đổi khác thường và áo Người trở nên trắng tinh sáng láng. Bỗng có hai vị đàm đạo với Người, đó là Môsê và Êlia, hiện đến uy nghi, và nói về sự chết của Người sẽ thực hiện tại Giêrusalem. Phêrô và hai bạn ông đang ngủ mê, chợt tỉnh dậy, thấy vinh quang của Chúa và hai vị đang đứng với Người. Lúc hai vị từ biệt Chúa, Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm; chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”. Khi nói thế, Phêrô không rõ mình nói gì. Lúc ông còn đang nói, thì một đám mây bao phủ các Ngài và thấy các ngài biến vào trong đám mây, các môn đệ đều kinh hoàng. Bấy giờ từ đám mây có tiếng phán rằng: “Ðây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”. Và khi tiếng đang phán ra, thì chỉ thấy còn mình Chúa Giêsu. Suốt thời gian đó, các môn đệ giữ kín không nói với ai những điều mình đã chứng kiến.
Ðó là lời Chúa.
14. Hạnh phúc hoan lạc càng công khai chia sẻ thì càng đẹp, con có may mắn vinh phúc mà không có người cùng chia sẻ thì không thể coi là hạnh phúc; người ghét ghen thì ngược lại, nói hạnh phúc hoan lạc thì phải hưởng thụ một mình và tìm cách để được phúc, cho nên nếu cùng với người khác cùng hưởng thì giống như không có vậy.
(Thánh nữ Veronica)Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")
------------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Cùng với Tần Cối mưu sát Nhạc Phi là gian thần Trương Tuấn, bình nhật rất tham tiền, tích trử một số lượng của cải rất lớn, bởi vì có tiền và có thế lực nên ai cũng không dám đắc tội với ông ta.
Một lần nọ, Tống Cao Tôn làm yến tiệc khoãn đãi các quần thần, kêu diễn viên đến nói chuyện hài tiếu lâm ngay trong nhà để giúp tiệc rượu thêm hứng thú.
Có một diễn viên nói là mình biết coi thiên tượng, chỉ cần dùng thiên nghi chiếu một cái, thì biết ngay ai là tinh tú nào trên trời xuống phàm, nhưng lại nói:
- “Dùng thiên nghi không tiện, nhưng có thể dùng đồng tiền lớn cũng được”.
Các đại thần nhao nhao muốn anh ta coi mình thuộc loại tinh tú nào, diễn viên lấy ra một đồng tiền lớn, từ trong con mắt tiền (cái lỗ ở giữa đồng tiền xu) nhìn ngay người, từng người từng người một đều nhìn qua và nói ra ngôi sao của từng người.
Khi nhìn đến Trương Tuấn thì anh ta ngắm rất lâu và nói nhìn không thấy ngôi sao, các đại thần thúc anh ta coi thật kỷ, anh ta ngắm một hồi rồi vui vẻ nói:
- “Đúng là nhìn không thấy tinh tú nào cả, chỉ thấy Trương vương ngồi trong con mắt tiền ! Không tin thì xin mời các ngài tự xem”.
Mọi người đột nhiên lĩnh ngộ lời nói dụng ý của diễn viên, bèn cười ha ha, khiến cho Trương Tuấn mắc cở đỏ mặt đỏ mày.
(Kiên Hồ tập)
Suy tư 19:
Con người được Thiên Chúa dựng nên từ bùn đất, chứ không phải là được dựng nên từ các vị tinh tú trên bầu trời, cho nên đừng nghĩ rằng mình là một tinh tú trên trời giáng hạ làm người...
Có một vài người may mắn giàu có thì tự đắc nói mình sinh vào một ngôi sao tốt, và cho người khác là ngôi sao xấu rồi khinh rẻ, coi thường; có người vì quá nghèo và luôn gặp chuyện rủi ro, nên oán trời trách người đã cho mình sinh ra nhằm ngôi sao xấu !?
Người Ki-tô hữu là người có đức tin nên không hề tin ba cái chuyện ngôi sao tốt ngôi sao xấu, nhưng tin rằng mình có mặt trên trần gian là do thánh ý của Thiên Chúa, để cộng tác với Ngài vào công cuộc tạo dựng và đổi mới vũ trụ này, nhất là đem tình thương của Thiên Chúa đến cho tha nhân bằng chính đời sống gương mẫu, và bằng chính việc phục vụ bác ái vô vị lợi của mình. Đó chính là “thiên nghi” xác định mức độ kính Chúa yêu người của người Ki-tô hữu vậy.
Mỗi người như là một ngôi sao được Thiên Chúa dựng nên và đặt để trong thế gian này, để làm cho thế gian phát sáng tình yêu của Thiên Chúa, nhưng sao sáng hay tối thì do tâm của họ có phát ra sức nóng tình yêu của Thiên Chúa để phục vụ tha nhân không mà thôi...
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)
-----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Tin mừng : Lc 9, 28b-36
“Đang lúc Đúc Giê-su cầu nguyện, dung mạo Ngài bổng đổi khác.”
Bạn thân mến,
Đức Chúa Giê-su biến hình sáng láng tốt lành là một trong những biến cố quan trọng của Phúc Âm để củng cố đức tin cho các tông đồ, cũng như mạc khải cho các ngài biết về vinh quang và nguồn gốc của Ngài, từ cuộc biến hình này của Ngài, mà Ngài muốn hướng chúng ta đến hai điểm:
- Sự đổi mới ở đời này.
- Sự biến hình ở đời sau.
1. Đổi mới ở đời này.
Điển hình một: Người hàng xóm của chúng ta có tật xấu là hay đi nói chuyện của người khác khiến ai cũng phải tránh, hôm nay tự nhiên trở nên tốt lành sẵn lòng giúp đỡ người khác, ăn nói nhỏ nhẹ: đó là cuộc biến hình đổi đời của họ...
Điển hình hai: Anh thanh niên ấy ngày ngày uống rượu, đức hạnh được gọi là xấu xa, hôm nay tự nhiên sống tốt lành, siêng năng đi lễ và hay giúp đỡ người khác: đó là cuộc biến hình đổi mới của anh ta.
Điển hình ba: Trong cuộc sống hằng ngày tôi đã tự kiêu, thường hay phê bình người khác, thường hay thoá mạ chửi bới người khác, nay tôi đã trở nên một người sống chan hoà giữa anh em chị em, tôi đã đổi mới cuộc sống của mình cho phù hợp với tinh thần Phúc Âm...
Cuộc đổi mới này của người hàng xóm, của người thanh niên, của tôi hoặc của bạn hoặc của tất cả những người tội lỗi nào khác, đều được ân sủng của Thiên Chúa đánh động trong tâm hồn, Đức Chúa Giê-su biến hình trên núi là để cho những người tội lỗi hôm nay là chúng ta có niềm hi vọng: đó là hy vọng từ cõi chết qua sự sống, từ tội lỗi đến hoán cải và trở nên con người mới trong Đức Ki-tô.
Cuộc đổi mới này không đợi đến ngày tận thế, cũng như không đợi đến ngày lên thiên đàng mới được biến hình sáng láng tốt lành, nhưng cuộc đổi mới này sẽ ảnh hưởng rất lớn trong ngày chúng ta đứng trước tòa phán xét của Thiên Chúa.
2. Biến hình ở đời sau.
Cuộc biến hình của chúng ta ở đời sau đều tuỳ thuộc vào cuộc đổi mới của chúng ta ở ngày hôm nay, ngày hôm nay chúng ta đổi mới con người cũ của mình từ cuộc sống bon chen phù phiếm vật chất đến cuộc sống tích cực tìm Nước Chúa trong đời sống thường ngày; ngày hôm nay chúng ta đổi mới cuộc sống không phù hợp với đạo lí của Phúc Âm của mình, để trở thành con người mẫu mực tuân giữ và thực hành Lời Chúa dạy trong cuộc sống.
Đức Chúa Giê-su đã biến hình trước mặt các tông đồ không phải là chuyện thần thoại cổ tích, nhưng là một thực tại có thật với quyền năng của Thiên Chúa, thực tại này sẽ được bày tỏ rõ ràng trong ngày Ngài phục sinh vinh hiển, và dù cho Ngài có chịu nhiều đau khổ, chịu chết nhục nhã chăng nữa, thì thực tại vinh quang này vẫn sẽ được thực hiện, bởi vì đó là chân lí của những ai tin vào Ngài...
Bạn thân mến,
Thánh sử Lu-ca tường thuật rằng, có ông Môi-sen và tiên tri Ê-li-a hiện ra khi Đức Chúa Giê-su biến hình sáng láng là để cho chúng ta biết: Đức Chúa Giê-su đến để làm cho lề luật nên trọn hảo, và lời loan báo của các tiên tri về Ngài đã được ứng nghiệm.
Tuy nhiên có một điều rõ ràng nhất mà chúng ta cảm nghiệm được khi đổi mới con người cũ của mình, đó là khi chúng ta tuân giữ lề luật và giới răn của Chúa, khi chúng ta quyết tâm trở nên người môn đệ của Chúa, thì chúng ta cảm thấy như có một sức mạnh thần thiêng thôi thúc trong tâm hồn, khiến chúng ta vui vẻ hân hoan và sống hướng thiện ngay trong đời sống đời thường, đó chính là sự đổi mới cuộc sống đích thực của tâm hồn chúng ta, khi chúng ta thực hành Lời Chúa vậy.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
------------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
15. Lời nói của người khác thì không nên khinh khi mà không tin tưởng, không nên tùy tiện làm theo xung động của bản thân mình, nhưng trước tòa Thiên Chúa phải suy nghỉ thật kỷ, sau đó lại quyết tâm không làm điều sai trái.
(Sách Gương Chúa Giê-su)Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")
-------------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Mùa xuân hạ giữa năm Ất Dậu thời Thuận Trị, vì nạn chiến tranh nên bá tánh trong thành nhao nhao chạy loạn, trốn vào các thôn làng trong khe núi, các gia sư đều thất nghiệp.
Có người chơi đùa dùng bút pháp sửa đổi thơ thất tuyệt của Đỗ Mục như sau:
- “Thời tiết thanh minh rối bời bời, trong thành thầy giáo hồn muốn đoạn, xin hỏi chủ nhân đi đâu cả, thằng nhỏ xua tay chỉ thôn làng”.
(Kiên Hồ tập)
Suy tư 20:
Thời nay, có những người thích đùa lấy bài hát của người khác được mọi người ưa thích đổi lời lại cách nham nhỡ, rồi hát lên, rồi làm trò hề cách rẽ tiền để chọc cười thiên hạ, rất phản giáo dục.
Lấy văn của người khác làm của mình gọi là đạo (1) văn; lấy thơ của người khác đổi lại làm của mình thì gọi là đạo thơ; đạo văn hay đạo thơ thì cũng đều mắc hai tội: tội ăn cắp và lỗi đức công bằng.
Ăn cắp và lỗi đức công bằng là bản chất của ma quỷ do kiêu ngạo và tham lam mà ra.
Người Ki-tô hữu có một thứ bắt chước rất dễ thương, đó là bắt chước cách sống tốt lành của các thánh nam nữ; có một thứ “đạo” rất đẹp, đó là “đạo” lại những bài giảng của linh mục để sống cho đẹp lòng Chúa, “đạo” lại những câu Lời Chúa mà cảm thấy rất phù hợp với hoàn cảnh của mình để thực hành trong cuộc sống; “đạo” lại những gương hy sinh phục vụ của người khác...
Đó là những cái “đạo” không phải là tội, cũng không phải lỗi đức công bằng, nhưng là những cái “đạo” đã được thánh hóa bằng ân sủng của Đức Chúa Giê-su.
(1) 盜: đạo, nghĩa là ăn trộm, ăn cắp.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)
-----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Một bức tượng Chúa Kitô đã được di tản khỏi Nhà thờ Armenia ở Lviv để bảo quản an toàn. Câu chuyện này đã được lan truyền trên Twitter.
Bức ảnh được đăng bởi Tim Le Berre vào ngày 5 tháng 3, cho thấy năm người đàn ông đang hạ một bức tượng của Chúa Kitô xuống khỏi một bức tường. Một tweet tiếp theo từ Le Berre mô tả bức tượng được bọc trong các tấm xốp đóng gói trước khi vận chuyển.
Theo Le Berre, bức tượng sẽ “được cất giữ trong boong-ke để bảo vệ,” và lần cuối cùng bức tượng bị dỡ bỏ như thế này là vào hồi Thế chiến thứ hai.
Các lực lượng Nga đã mở cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm 2022. Lviv, nằm ở phía tây Ukraine gần Ba Lan, đã phải hứng chịu các cuộc không kích. Kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu, Lviv đã trở thành “thủ đô phía Tây” của đất nước khi thủ đô Kiev bị tấn công.
Nhà thờ của Công Giáo Armenia Lviv, được xây dựng lần đầu tiên vào năm 1363, có một lịch sử thú vị được đánh dấu bởi một loạt các vụ hỏa hoạn, chiến tranh và các biến động xã hội khác. Từ những năm 1600 cho đến năm 1945, nhà thờ là nơi cư trú của cộng đồng Công Giáo Armenia ở Lviv.
Năm 1945, sau Chiến tranh thế giới thứ hai và việc Liên Xô sáp nhập Lviv, chính quyền Liên Xô đã bắt giữ Linh mục Dionizy Kajetanowicz, cha sở nhà thờ, sau khi ngài từ chối trở thành một linh mục Chính thống giáo. Kajetanowicz chết trong tù khổ sai 9 năm sau đó. Trong thời gian này, hầu hết người Công Giáo Armenia ở Ba Lan buộc phải rời Lviv đến Ba Lan.
Tổng giáo phận Công Giáo Armenia Lviv đã bị bỏ trống kể từ năm 1938.
Vào năm 2000, nhà thờ đã trở thành tài sản của Giáo hội Armenia Tông Truyền mới được thành lập bởi Tòa Giám Mục Ukraine của Giáo Hội này, nhưng người Công Giáo Armenia vẫn được phép sử dụng nhà thờ cho các nghi lễ.
Source:Catholic News Agency
Nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương đã cảm ơn Ba Lan vì đã chào đón hơn một triệu người chạy khỏi Ukraine.
Trong một thông điệp video được ghi lại vào ngày 7 tháng 3 tại thủ đô Kiev của Ukraine đang bị bao vây, Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk cũng ca ngợi Đức Thánh Cha Phanxicô vì đã mô tả cuộc xâm lược ở Ukraine như một cuộc chiến.
“Hôm nay, tôi đặc biệt cảm ơn người dân Ba Lan, Hội Đồng Giám Mục Ba Lan, chính phủ Ba Lan, vì các ngài đã đón nhận hơn một triệu người tị nạn vào vòng tay của các ngài, vào nhà của các ngài, và các vị đang cố gắng làm mọi thứ để giúp cho người Ukraine”.
“Cầu xin Chúa, là Thiên Chúa chúng ta trả ơn cho các vị gấp trăm lần”
Cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc ngày 7/3 đưa tin hơn 1.7 triệu người đã chạy khỏi Ukraine kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh tấn công toàn diện vào ngày 24/2.
Gần 1.2 triệu người đã vào nước láng giềng Ba Lan, nơi Giáo Hội Công Giáo đang giúp đỡ hàng triệu người.
Đức Tổng Giám Mục 51 tuổi bày tỏ lòng biết ơn đối với Đức Thánh Cha Phanxicô vì đã lựa chọn từ ngữ trong diễn từ buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 6 tháng Ba.
Đức Thánh Cha nói: “Những dòng sông máu và nước mắt đang chảy ở Ukraine. Nó không chỉ đơn thuần là một hoạt động quân sự, mà là một cuộc chiến, gieo rắc chết chóc, tàn phá và đau khổ. Số nạn nhân ngày càng gia tăng, người dân bỏ trốn, đặc biệt là các bà mẹ và trẻ em cũng ngày càng gia tăng. Nhu cầu hỗ trợ nhân đạo ở đất nước đang gặp khó khăn đó đang tăng lên đáng kể.”
Đức Tổng Giám Mục Shevchuk nhấn mạnh rằng Đức Phanxicô đã bác bỏ ý kiến được Điện Cẩm Linh đưa ra, rằng cuộc tấn công của Nga ở Ukraine là “một cuộc hành quân đặc biệt” chứ không phải là một cuộc chiến tấn công.
“Đức Thánh Cha nói rõ ràng và minh định rằng đây không phải là một loại hành quân nào đó, đây là một cuộc chiến,” Đức Tổng Giám Mục nói. “Chiến tranh, trước hết, là chống lại những người hòa bình, chống lại những người dân thường vô tội.”
Văn phòng nhân quyền Liên Hiệp Quốc ngày 6/3 cho biết họ đã ghi nhận 1,123 thương vong dân sự, với 364 người thiệt mạng và 759 người bị thương.
Video của Shevchuk được đưa ra khi lực lượng Nga tiến gần đến Kiev, nơi vị Đức Tổng Giám Mục đang trú ẩn cùng những người khác dưới Nhà thờ Phục sinh của Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương.
Ngài cho biết anh cảm thấy vô cùng đau buồn trước những đau khổ của thường dân ở ngoại ô Kiev.
“Đặc biệt là trái tim tôi rất đau khổ cho tổng giáo phận Kiev của tôi. Những trận chiến ác liệt đang diễn ra ở ngoại ô Kiev”.
“Ba thành phố đã trở thành chiến trường rộng lớn và khủng khiếp, cách trung tâm Kiev vài chục km theo đúng nghĩa đen. Đây là Irpin, Hostomel và Bucha”.
Đức Cha Shevchuk nói rằng ngài đã biết rằng người đứng đầu hội đồng thành phố Hostomel, một thị trấn phía tây bắc Kiev, đã bị giết khi đang phân phát thực phẩm và thuốc men.
Ngài than thở về việc không có các tuyến đường “xanh” an toàn cho dân thường đang tìm cách rời khỏi các thành phố bị quân Nga bao vây và kêu gọi lập vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine.
Ngài nói: “Thật không may, tất cả những lời bàn tán về các hành lang xanh cho khả năng di tản người dân khỏi các thành phố đang hứng chịu nhiều cuộc vây hãm và bắn phá đều không thành hiện thực.
“Hôm nay, chúng tôi yêu cầu cộng đồng thế giới: 'Hãy đóng cửa bầu trời Ukraine!”
Đức Tổng Giám Mục nhận xét rằng rằng ngày thứ Hai đánh dấu sự khởi đầu của Mùa Chay đối với các tín hữu Kitô Ukraine theo lịch Julian.
Ngài nói: “Hôm nay chúng tôi cầu nguyện, ăn chay và làm việc lành”.
Đức Cha Shevchuk kết thúc thông điệp của mình bằng một lời cầu nguyện.
“Hôm nay chúng tôi cầu nguyện cho quân đội Ukraine. Chúng tôi chúc phúc cho các tình nguyện viên của chúng tôi, tất cả những người mang ngày chiến thắng đến gần hơn,”
“Lạy Chúa, xin phù hộ cho Ukraine! Lạy Chúa, xin chúc lành cho đất nước Ukraine! Lạy Thiên Chúa, hãy cứu dân Ngài và ban phước cho cơ nghiệp của Ngài!”
“Cầu xin phước lành của Chúa ở trên anh chị em qua ân sủng và tình yêu của Ngài dành cho nhân loại, luôn luôn, ngay bây giờ và mãi mãi, và cho đến thiên thu vạn đại. Amen.”
Source:Catholic News Agency
Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 6 tháng Ba, Đức Thánh Cha nói:
“Những dòng sông máu và nước mắt đang chảy ở Ukraine. Nó không chỉ đơn thuần là một hoạt động quân sự, mà là một cuộc chiến, gieo rắc chết chóc, tàn phá và đau khổ. Số nạn nhân ngày càng gia tăng, người dân bỏ trốn, đặc biệt là các bà mẹ và trẻ em cũng ngày càng gia tăng. Nhu cầu hỗ trợ nhân đạo ở đất nước đang gặp khó khăn đó đang tăng lên đáng kể.”
Việc lựa chọn những từ ngữ mạnh mẽ như thế được cho là phản ánh thái độ thất vọng của Tòa Thánh đối với cả Putin lẫn Thượng Phụ Kirill, sau các cố gắng không thành công nhằm chấm dứt cuộc chiến. Một ngày sau thông điệp nẩy lửa của Đức Thánh Cha Phanxicô, Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa đã ra một tuyên bố. Trong tuyên bố này, Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa đã không hề đề cập đến lý do tối quan trọng trong chuyến viếng thăm của Sứ thần Tòa Thánh. Giữa hoàn cảnh chiến tranh kinh hoàng, ngài không đến để nói chuyện xã giao mà để chuyển lời của Đức Thánh Cha Phanxicô yêu cầu Thượng Phụ Kirill tác động với Putin chặn đứng cuộc xâm lược Ukraine.
Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ
Về phía Giáo Hội Chính thống Nga, cuộc họp có sự tham dự của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo Nga Archimandrite Philaret (Bulekov) và một nhân viên của Ủy ban Đối Ngoại về Quan hệ giữa các Giáo Hội Kitô Ivan Nikolaev.
Đức Tổng Giám Mục Giovanni D'Agnello được tháp tùng bởi một Linh mục của Tòa Sứ thần Tòa thánh là Cha Igor Chabanov.
Phát biểu chào mừng quan khách, Đức Thượng phụ Kirill lưu ý rằng Giáo Hội Chính thống Nga và Giáo Hội Công Giáo Rôma đóng một vai trò quan trọng trong thế giới Kitô và mối quan hệ tốt đẹp đã phát triển giữa họ mở ra triển vọng hợp tác trong nhiều lĩnh vực.
Đức Thượng Phụ cũng tuyên bố rằng Đức Thánh Cha Phanxicô “đóng góp quan trọng vào việc kiến tạo hòa bình và công lý giữa mọi người.” “Tôi giữ một kỷ niệm rất đẹp về cuộc gặp gỡ cá nhân của chúng tôi, chắc chắn nó đã mở ra một trang mới trong lịch sử quan hệ của chúng tôi. Chúng tôi trong Giáo hội Chính thống Nga đánh giá rất cao việc một trang mới như vậy đã mở ra”.
Đức Thượng Phụ chỉ ra rằng lập trường ôn hòa và khôn ngoan của Tòa thánh trong nhiều vấn đề quốc tế là phù hợp với lập trường của Chính thống giáo Nga. “Điều rất quan trọng là các Giáo hội Kitô, bao gồm cả các Giáo hội của chúng ta, tự nguyện hoặc không tự nguyện, đôi khi không có ý muốn, sẽ không trở thành người tham gia vào những khuynh hướng phức tạp, mâu thuẫn đang hiện diện trong chương trình nghị sự thế giới ngày nay,” Đức Thượng phụ Kirill nhấn mạnh.
Ngài nói: “Chúng tôi đang cố gắng thực hiện một quan điểm xây dựng hòa bình, kể cả khi đối mặt với những xung đột hiện có. Bởi vì Giáo hội không thể là một bên tham gia vào một cuộc xâm lược - nó chỉ có thể là một lực lượng xây dựng hòa bình”.
Giáo chủ của Giáo hội Chính thống Nga nói rằng Đức Tổng Giám Mục Giovanni D'Agnello có kinh nghiệm đối phó với các tình huống chính trị khó khăn, vì ngài đã phục vụ ở Mỹ Latinh trong một thời gian dài: “Đây là một lục địa rất khó khăn. Một mặt, nó là một lục địa, phần lớn cư dân thuộc về Giáo Hội Công Giáo. Đến thăm các nước Mỹ Latinh, tôi đã chứng kiến một tình cảm tôn giáo mạnh mẽ, sống động trong nhân dân. Nhưng, mặt khác, cũng có rất nhiều mâu thuẫn trên lục địa này: xã hội, chính trị, kinh tế và những thứ khác, và chúng làm phức tạp thêm cuộc sống của người dân”.
Đức Thượng Phụ nói tiếp: “Khi chủ đề về cuộc gặp gỡ của tôi với Đức Thánh Cha Phanxicô được đưa ra, tôi đã nghĩ về việc cuộc gặp này có nên diễn ra hay không. Sau đó, tôi nghĩ rằng chúng ta nên gặp nhau trên mảnh đất mà Chính thống giáo chưa bao giờ có xung đột với người Công Giáo. Trên một lục địa đang chống chọi với các vấn đề và bất công, cần sự hỗ trợ tinh thần, đồng thời, chưa bao giờ bị lu mờ bởi những xung đột giữa các tôn giáo liên quan đến chủ đề Đông và Tây”.
Về phần mình, Sứ thần Tòa thánh tại Nga chân thành cảm ơn Đức Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa và Toàn nước Nga đã có cơ hội gặp gỡ và trò chuyện.
Đức Tổng Giám Mục Giovanni D'Agnello đã chuyển lời chào của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Giáo chủ Chính thống Nga, lưu ý rằng với cảm xúc sâu sắc Đức Giáo Hoàng luôn nhớ lại cuộc gặp với Đức Thượng phụ Kirill và đặc biệt là bầu không khí thân mật mà cuộc gặp gỡ đó đã diễn ra.”
Ngài cũng đề cập rằng khi ngài đến Nga sau nhiều năm làm Sứ thần Tòa thánh tại Brazil, Đức Tổng Giám Mục São Paulo, là Đức Hồng Y Odilo Pedro Scherer, và Đức Tổng Giám Mục Rio de Janeiro, là Đức Hồng Y Orani João Tempesta, đã yêu cầu ngài chuyển lời chào thân ái nhất tới Giáo chủ của Giáo hội Chính thống Nga.
Theo Đức Tổng Giám Mục Giovanni D'Agnello, nhiệm kỳ Sứ thần Tòa thánh tại Liên bang Nga là cơ hội để ngài “làm quen với một thế giới hoàn toàn mới, đặc biệt là với mục vụ của Giáo hội Chính thống Nga.” Ông nói: “Đây là một cơ hội quý giá, bao gồm cả việc phát triển mối quan hệ hợp tác của chúng ta.
Source:Moscow Patriarch
Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich, Chủ tich Hội Đồng Giám Mục Âu Châu,trong một lá thư đề ngày 8 tháng 3 gửi Đức Thượng phụ Kirill của Mátxcơva và Toàn thể nước Nga, đã viết:
“Trong những thời khắc đen tối này đối với nhân loại, kèm theo cảm giác vô vọng và sợ hãi mãnh liệt, nhiều người nhìn vào Ngài, thưa Đức Thượng Phụ, như một người có thể mang lại dấu hiệu hy vọng về một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột này,”
Dẫn lời Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói “'những dòng sông máu và nước mắt đang chảy ở Ukraine', ĐHY Hollerich viết" Tôi khẩn cầu Đức Thương Phụ trong tinh thần huynh đệ xin hãy hãy lên tiếng kêu gọi khẩn cấp chính quyền và nhân dân Nga, ngăn chặn ngay lập tức các hành vi thù địch chống lại người dân Ukraine và thể hiện thiện chí tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột, dựa trên đối thoại, ý thức chung và tôn trọng luật pháp quốc tế, đồng thời cho phép các hành lang nhân đạo an toàn và khả năng hỗ trợ nhân đạo không hạn chế. ”
Thượng phụ Kirill là người lãnh đạo Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga với khoảng 150 triệu thành viên, chiếm hơn một nửa số người theo Chính Thống Giáo trên thế giới.
Các giám mục Công Giáo trên khắp châu Âu đã thúc giục Thượng Phụ Kirill tìm cách chấm dứt chiến tranh của Nga với Ukraine. Ngoại trưởng củaVatican cũng bình luận về lập trường của Thượng Phụ Kirill đối với cuộc xung đột. Hồng Y Pietro Parolin nói với truyền thông Ý trong tuần này rằng những nhận xét gần đây của Thượng phụ Chính thống giáo Nga có thể khiến chiến tranh tại Ukraine càng trở nên tồi tệ hơn.
Gần đây Đức Thượng Phụ Kirill đã nói về cuộc xung đột Ukraine trong hai bài giảng. Trong bài đầu tiên, Thượng Phụ bày tỏ sự ủng hộ đối với phe ly khai ở khu vực Donbas, miền đông Ukraine, và trong bài thứ hai, Ngài gọi người Nga và người Ukraine là “một dân tộc”, cáo buộc phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine nhằm làm suy yếu một nước Nga hùng mạnh.
ĐHY Parolin cũng đưa ra nhận xét về cuộc gặp gỡ lần thứ hai dự kiến giữa ĐGH Phanxicô và Đức Thượng Phụ Kirill khó có thể diễn ra vào mùa hè này như đã báo cáo vào tháng Hai.
Trong lá thư gửi Đức Thượng Phụ Kirill, ĐHY Hollerich nói rằng các giám mục của Liên minh Châu Âu đã rất đau lòng khi nhìn thấy nỗi đau khổ của những người bị mắc kẹt trong chiến tranh ở Ukraine”.
Ngài nói: “Hàng nghìn - binh lính và dân thường - đã thiệt mạng và hơn một triệu người phải di dời hoặc chạy trốn khỏi quê hương, hầu hết trong số họ là phụ nữ và trẻ em dễ bị tổn thương.
“Khi các cuộc tấn công vào Ukraine ngày càng gia tăng, nhu cầu hỗ trợ nhân đạo tăng lên từng giờ, trong khi các nỗ lực ngoại giao vẫn không có kết quả. Hơn nữa, khi lời nói và hành động tiếp tục leo thang, không thể loại trừ khả năng xảy ra một cuộc xung đột toàn cõi Âu Châu, thậm chí toàn cầu với những hậu quả thảm khốc ”.
“Trong thời gian của Mùa Chay,” Đức Hồng Y kết luận, “chúng ta là những Kitô hữu, loan báo cùng một Tin Mừng và cầu nguyện với cùng một Thiên Chúa, là Thiên Chúa của hòa bình và không chiến tranh, hãy cầu nguyện và làm hết sức mình để giúp chấm dứt tình trạng vô nghĩa này để hòa giải và hòa bình có thể lại tồn tại trên lục địa châu Âu. "
Nguyễn Long Thao
Trong một diễn biến hết sức phức tạp Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc đã được triệu tập vào hôm thứ Sáu theo yêu cầu của Nga, để thảo luận về các tuyên bố của Mạc Tư Khoa, được đưa ra mà không có bằng chứng nào, về các hoạt động sinh học của Mỹ ở Ukraine.
Hoa Kỳ đã bác bỏ những tuyên bố của Nga là “nực cười”, nhưng cảnh báo rằng Mạc Tư Khoa có thể đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hóa học hoặc sinh học.
Tình hình đặc biệt nguy hiểm vì Trung Quốc cũng tung ra một luận điệu tương tự như Nga.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nhận định “Cáo buộc này gây lo ngại sâu sắc vì thực sự có thể chỉ ra rằng Nga đang chuẩn bị một chiến dịch khủng khiếp khác”.
Trong bối cảnh đó, Các đền thờ Đức Mẹ Fatima trên toàn thế giới đang yêu cầu tất cả chúng ta hiệp nhất cầu nguyện cho sự hoán cải của nước Nga vào ngày Chúa Nhật 13 tháng Ba.
Lời kêu gọi được đưa ra bởi Cha Andrzej Draws, Giám đốc đền thánh Đức Mẹ Fatima ở Krisovychi, miền tây Ukraine.
Ngài đã mời tất cả các đền thờ kính Đức Mẹ Fatima hiệp nhất trong lời cầu nguyện cho sự hoán cải của nước Nga và cho hòa bình được lặp lại.
Lời kêu gọi được đưa ra sau khi các giám mục Công Giáo theo nghi thức Latinh của Ukraine yêu cầu Đức Giáo Hoàng Phanxicô dâng Ukraine và Nga cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội của Mẹ Maria.
Trong một lá thư gửi cho Đức Giáo Hoàng, các giám mục Ukraine nói rằng các ngài đã viết “trong những giờ phút đau đớn khôn lường và thử thách khủng khiếp đối với nhân dân của chúng con” để đáp lại nhiều yêu cầu thánh hiến.
“Đáp lại lời cầu nguyện này, chúng con khiêm tốn cầu xin Đức Thánh Cha công khai thực hiện hành động thánh hiến Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Maria ở Ukraine và Nga, theo yêu cầu của Đức Trinh Nữ ở Fatima/”
Trong lần hiện ra Fatima năm 1917, Đức Trinh Nữ Maria đã tiết lộ ba bí mật.
Bí mật thứ hai là một tuyên bố rằng Thế chiến I sẽ kết thúc, và một dự đoán về một cuộc chiến khác sẽ bắt đầu dưới triều đại của Đức Piô XI nếu mọi người tiếp tục xúc phạm đến Thiên Chúa và nước Nga không được thánh hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Maria.
Chị Lucia, một trong ba thị nhân của Fatima, nhớ lại trong hồi ký của mình rằng Đức Mẹ đã yêu cầu “Hiến dâng nước Nga cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội của Mẹ, và Rước lễ đền tạ vào các ngày Thứ Bảy đầu tháng” để ngăn chặn một cuộc chiến tranh thế giới.
Đức Maria đã nói với Chị Lucia: “Nếu những yêu cầu của Mẹ được chú ý, nước Nga sẽ hoán cải và sẽ có hòa bình; nếu không, nước ấy sẽ gieo rắc lỗi lầm của mình ra khắp thế giới, gây ra chiến tranh và đàn áp Giáo hội, thậm chí tử đạo; Đức Thánh Cha sẽ phải chịu nhiều đau khổ; nhiều quốc gia sẽ bị tiêu diệt.”
“Cuối cùng, Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ sẽ chiến thắng. Đức Thánh Cha sẽ thánh hiến nước Nga cho Mẹ, và nước ấy sẽ được hoán cải, và một thời kỳ hòa bình sẽ được ban cho thế giới”.
Trong một lá thư được viết vào năm 1989, Sơ Lucia xác nhận rằng Đức Giáo Hoàng Đức Gioan Phaolô II đã đáp ứng yêu cầu của Đức Mẹ về việc thánh hiến nước Nga vào năm 1984. Các cơ quan chức năng khác, bao gồm Bộ Giáo lý Đức tin, cũng đã xác nhận rằng việc thánh hiến đã được hoàn tất theo sự hài lòng của Sơ Lucia.
Source:Catholic News Agency
Vào Ngày Quốc tế Phụ nữ, Agata Kornhauser-Duda đã kêu gọi tất cả phụ nữ đoàn kết xung quanh một chiến dịch kêu gọi hòa bình cho Ukraine.
Trong một video được công bố gần đây, Đệ nhất phu nhân Ba Lan, Agata Kornhauser-Duda, đã nói lên một sự thật có thể chứng minh được: khi phụ nữ đến với nhau và làm việc vì cuộc sống và hòa bình, họ có thể đạt được những điều đáng kinh ngạc.
Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8 tháng 3, Kornhauser-Duda kêu gọi phụ nữ trên toàn thế giới kêu gọi phụ nữ Nga hãy đặc biệt góp phần ngăn chặn chiến tranh ở Ukraine:
Tôi kêu gọi phụ nữ trên toàn thế giới. Chúng ta không thể thờ ơ khi đối mặt với cuộc chiến ở Ukraine, nơi đang khiến số lượng nạn nhân ngày càng gia tăng hàng ngày, bao gồm cả dân thường. Ngày Quốc tế Phụ nữ 8 tháng 3 là một trong những ngày lễ quan trọng nhất ở Nga. Chúng ta hãy sử dụng cơ hội đặc biệt này để kêu gọi phụ nữ Nga dừng cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine. Chúng ta hãy yêu cầu họ - những người mẹ, người vợ và con gái - của các sĩ quan và binh sĩ Nga tham gia cuộc xâm lược Ukraine, biểu tình vào ngày này để chống lại đổ máu và lên tiếng cho cuộc sống và hòa bình.
THÔNG ĐIỆP CỦA AGATA KORNHAUSER-DUDA
Phu nhân Tổng thống Cộng hòa Ba Lan
Đệ nhất phu nhân đã kêu gọi một chiến dịch truyền thông xã hội, yêu cầu phụ nữ ở khắp mọi nơi đăng một bức ảnh chụp bản thân họ đang giơ một mảnh giấy với dòng chữ #RussianWomenStopTheWar, nghĩa là Phụ nữ Nga dừng chiến tranh
Tôi đề xuất rằng vào Thứ Ba, ngày 8 tháng 3, mỗi người chúng ta hãy đăng trên mạng xã hội một bức ảnh chân dung tự chụp với thông điệp được viết trên một mẩu giấy có nội dung: #RussianWomenStopTheWar. Tôi tin rằng nếu chiến dịch này được lan truyền trên toàn cầu, nó sẽ vượt qua sự kiểm duyệt của Nga và cuối cùng chạm đến trái tim và khối óc của hàng nghìn phụ nữ Nga. Cùng nhau hành động, phụ nữ có thể làm nên chuyện và tôi tin rằng họ thậm chí có thể ngăn chặn chiến tranh ở Ukraine!
Ngày Quốc tế Phụ nữ được tổ chức hàng năm vào ngày 8 tháng 3 để kỷ niệm những thành tựu kinh tế - xã hội, văn hóa và chính trị của phụ nữ trên toàn thế giới.
Source:Aleteia
Theo Jonathan Luxmoore (https://www.catholicherald.com/article/global/russian-catholic-current-situation-very-like-the-atheist-soviet-union/), một giáo sư Công Giáo cho biết các giáo sĩ của Nga lo sợ bị bắt nếu họ đặt vấn đề đối với cuộc chiến tranh chống Ukraine và cảnh báo rằng Giáo Hội hiện đang đối đầu với một “kỷ nguyên im lặng mới”.
Người giáo dân Công Giáo trên, đề nghị giấu tên, cho biết, “Những lời cầu nguyện cho một cuộc ngừng bắn ngay lập tức đang được gióng lên tại các giáo xứ - nhưng các linh mục không còn được nói công khai nữa”.
“Chúng ta đang trở lại trong một tình huống rất giống như Liên Xô vô thần, khi một linh mục phải bật đài hoặc TV để không bị các đặc vụ nghe thấy. Họ giải thích rằng họ không muốn nói bất cứ điều gì có thể gây hại cho cộng đồng Công Giáo hoặc chứng kiến cảnh họ bị tống vào tù khi nhà thờ của họ bị đóng cửa”.
Người Công Giáo này phát biểu vào ngày 10 tháng 3 khi cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine bước sang tuần thứ ba và chính phủ Nga đã kiểm soát tất cả các tin tức và thông tin không chính thức. Các sửa đổi của Bộ luật Hình sự, được Quốc hội Nga thông qua ngày 4 tháng 3, cho phép phạt nặng và án tù lên đến 15 năm vì tội “phổ biến công khai những điều sai trái về việc sử dụng các lực lượng vũ trang của Nga,” trong khi các phương tiện truyền thông nổi tiếng, bao gồm cả trang mạng của Credo Press, hiện đã bị đóng cửa.
Vị Giáo sư này cho biết nhiều người Công Giáo có bạn bè và thành viên gia đình ở Ukraine và vẫn được thông báo đầy đủ về các biến cố nhưng nói thêm rằng các linh mục có thể phải đối mặt với án tù nếu họ sử dụng những từ ngữ sai trong các bài giảng lễ.
Người Công Giáo này nói thêm, “Mặc dù người Công Giáo bị chia rẽ vì cuộc chiến này, với một số người ủng hộ nó, nhưng hầu hết đều hiểu đủ giáo huấn xã hội của Giáo Hội để phân biệt giữa chiến tranh chính nghĩa và chiến tranh xâm lược”.
“Nhiều người Công Giáo dũng cảm đang bù đắp cho sự dè dặt của các giáo sĩ bằng cách tự do gọi mọi điều bằng tên thật của chúng”.
Người Công Giáo Giáo dân này cho biết các giám mục Công Giáo của Nga đã không cho công bố thông điệp lúc đọc kinh Truyền tin ngày 6 tháng 3 của Đức Giáo Hoàng, vì ngài đã mô tả cuộc tấn công là "không chỉ là một hoạt động quân sự, mà là một cuộc chiến gieo rắc chết chóc", để tránh "tổn hại, thiệt hại và đàn áp có thể xảy ra" dưới các qui định pháp lý mới.
Người phát ngôn của Hội đồng giám mục gồm năm thành viên của Nga, Cha Kirill Gorbunov, cho biết ngày 8 tháng 3 rằng các giám mục sẽ tranh luận về đạo luật mới tức đạo luật nói tới việc "phổ biến công khai sự giả dối" tại hội nghị toàn thể ngày 15 tháng 3 của các ngài.
Vị Giáo sư này cho biết cuộc đàn áp thông tin đã "dễ dàng bị qua mặt" bởi các nguồn tin tức được mã hóa và mạng ảo tư nhân nhưng có khả năng sẽ còn hiệu lực vô thời hạn.
Vị giáo sư Công Giáo này nói, “Lãnh vực công cộng của Nga hiện đang bị chi phối bởi thứ luận lý học chúng ta và bọn chúng - và thật dễ dàng để nhận diện người Công Giáo khi bạn đang tìm kiếm một kẻ thù”.
“Đây là lý do tại sao không ai trách cứ các giáo sĩ của chúng tôi đã không lên tiếng, như giáo huấn Công Giáo vốn đòi hỏi. Những thế hệ từng sống qua chủ nghĩa cộng sản đặc biệt hiểu rõ sự cần thiết phải thận trọng”.
Giáo dân Công Giáo này cho biết nhiều tín đồ Giáo Hội lo sợ thất nghiệp và nghèo đói từ các lệnh trừng phạt của phương Tây, trong khi các giáo phận và dòng tu Công Giáo đã gặp khó khăn trong việc nhận tiền quyên góp từ nước ngoài.
Giáo sư nói thêm rằng nhiều người Công Giáo rời Nga để tránh một cuộc đàn áp quân sự đáng sợ và việc đi quân dịch có thể xảy ra, trong khi các linh mục tu sĩ đang phục vụ trong nước từ các nước NATO, chẳng hạn như Ba Lan và Đức, cũng có thể đối đầu với áp lực phải hồi hương.
“Nhiều người đang mong đợi một Bức màn sắt mới sụp xuống, đóng cửa biên giới của chúng tôi và cắt đứt khả năng tiếp cận thế giới của chúng tôi. Mặc dù hiện giờ cảnh sát đang bận rộn với các nhiệm vụ khác, nhưng họ có thể sớm quay sang chúng tôi. Lúc này Giáo Hội của chúng tôi có thể đang phải đối đầu với một kỷ nguyên im lặng mới”.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã tham dự Thánh lễ tại Nhà thờ Thánh Danh Chúa Giêsu của Dòng Tên, còn được gọi là nhà thờ “Gesù” ở Rôma, nhân kỷ niệm 400 năm ngày phong thánh cho các Thánh Y Nhã thành Loyola, Thánh Phanxicô Xaviê, Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, Thánh Isidore Nông Gia, và Thánh Philip Neri.
Hôm thứ Bảy, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đi đến trung tâm của Rôma, đến nhà thờ Gesù, nhà thờ mẹ của Dòng Tên ở Rôma, nơi ngài tham dự Thánh lễ và thuyết giảng nhân kỷ niệm 400 năm ngày phong thánh cho vị sáng lập Dòng Tên.
Thánh Inhaxiô thành Loyola, hay còn được gọi là Thánh Y Nhã, được phong thánh vào ngày 12 tháng 3 năm 1622, cùng với các đồng đạo Dòng Tên là Thánh Phanxicô Xaviê, Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, Thánh Isidore Nông Gia, và Thánh Philip Neri, còn được biết đến như Vị Tông đồ thứ hai của Rôma.
Giảng trong thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:
Động từ đầu tiên, hành động đầu tiên trong những hành động này của Chúa Giêsu, là mang theo với Người. Thánh Luca cho chúng ta biết rằng Chúa Giêsu “đưa Phêrô, Giacôbê và Gioan” lên núi với Người (9:28). Chúa Giêsu “đưa” các môn đệ, và đưa cả chính chúng ta nữa đi cùng “với Ngài”. Chúa Kitô đã yêu chúng ta, đã chọn chúng ta và gọi chúng ta. Mọi thứ bắt đầu với mầu nhiệm của một ân sủng, một sự lựa chọn, một “cuộc bầu chọn”. Quyết định đầu tiên không phải của chúng ta; đúng hơn, Chúa Giêsu đã kêu gọi chúng ta, chẳng phải vì bất kỳ công đức nào về phần chúng ta. Trước khi trở thành những người biến cuộc đời mình thành một món quà trao ban, chúng ta là những người đã nhận được một món quà được ban tặng một cách nhưng không: đó là món quà nhưng không của tình yêu Thiên Chúa. Hành trình của chúng ta, thưa anh chị em, cần phải bắt đầu lại mỗi ngày từ ân sủng ban đầu này. Như đã làm với Phêrô, Giacôbê và Gioan, Chúa Giêsu đã gọi tên chúng ta và dẫn chúng ta đi cùng. Ngài đã nắm lấy tay chúng ta. Đi đâu? Thưa: Đến núi thánh của Ngài, nơi mà ngay cả bây giờ chúng ta vẫn thấy mình đang ở với Ngài mãi mãi, và được biến hình bởi tình yêu của Ngài. Ân sủng, ân sủng đầu tiên này, dẫn chúng ta đến đó. Vì vậy, khi chúng ta cảm thấy cay đắng hoặc thất vọng, khi chúng ta cảm thấy bị coi thường hoặc bị hiểu lầm, chúng ta đừng đi lạc vào những lời phàn nàn hoặc hoài niệm về những khoảng thời gian đã qua. Đây là những cám dỗ ngăn cản sự tiến bộ của chúng ta, khiến chúng ta chẳng đi đến đâu. Thay vào đó, chúng ta hãy nắm lấy cuộc sống của mình, bắt đầu lại một lần nữa với ân sủng, trung thành với ơn gọi của chúng ta. Chúng ta hãy đón nhận ân sủng biết nhìn mỗi ngày là một bước trên con đường hướng tới mục tiêu cuối cùng của chúng ta.
Chúa Giêsu dẫn theo Phêrô, Giacôbê và Gioan. Chúa dẫn dắt các môn đệ lại với nhau; Ngài coi họ như một cộng đồng. Ơn gọi của chúng ta có nền tảng là sự hiệp thông. Để bắt đầu lại mỗi ngày, chúng ta cần cảm nghiệm một lần nữa mầu nhiệm được tuyển chọn của chúng ta và ân sủng của việc được sống trong Giáo hội, trong Giáo Hội Mẹ phẩm trật của chúng ta, và sống cho Giáo hội, là người phối ngẫu của chúng ta. Chúng ta thuộc về Chúa Giêsu, và chúng ta thuộc về Người với tư cách là một Hội Dòng. Chúng ta đừng bao giờ mệt mỏi khi cầu xin sức mạnh để hình thành và thúc đẩy sự hiệp thông, để trở thành men huynh đệ cho Giáo hội và cho thế giới. Chúng ta không phải là nghệ sĩ độc tấu để tìm kiếm khán giả, mà là những người anh em được sắp xếp như một dàn hợp xướng. Chúng ta hãy suy nghĩ với Giáo hội và từ chối sự cám dỗ để quan tâm đến thành công hoặc thành tựu cá nhân của chúng ta. Chúng ta đừng để mình bị cuốn vào một chủ nghĩa giáo quyền dẫn đến cứng nhắc hoặc một ý thức hệ dẫn đến chia rẽ. Các vị thánh mà chúng ta kính nhớ ngày nay là những cột trụ của sự hiệp thông. Các ngài nhắc nhở chúng ta rằng, bất kể tất cả những khác biệt về tính cách và quan điểm, chúng ta đã được kêu gọi ở bên nhau. Nếu chúng ta sẽ vĩnh viễn được hợp nhất trên thiên đàng, tại sao không bắt đầu ở đây? Chúng ta hãy trân trọng vẻ đẹp của việc được Chúa Giêsu “đưa” xích lại gần nhau, mời gọi với nhau. Đây là động từ đầu tiên: đưa đi.
Động từ thứ hai là đi lên. Chúa Giêsu “lên núi” (câu 28). Con đường của Chúa Giêsu là một con đường đi lên, không phải đi xuống. Ánh sáng của sự biến hình không được nhìn thấy trên đồng bằng, mà chỉ được nhìn thấy sau khi đi lên một cách vất vả. Khi bước theo Chúa Giêsu, chúng ta cũng cần phải rời xa những vùng đất tầm thường và những chân đồi của sự tiện lợi; chúng ta cần từ bỏ các thói quen yên tâm của mình và bắt đầu một cuộc di cư. Sau khi lên núi, Chúa Giêsu nói với Môisê và Êlia một cách chính xác về “cuộc xuất hành mà Ngài sẽ hoàn thành tại Giêrusalem” (câu 31). Môisê và Êlia đã đi đến Sinai và Horeb sau hai lần “xuất hành” trong sa mạc (xem Xh 19; 1 Các Vua 19); bây giờ họ nói chuyện với Chúa Giêsu về cuộc xuất hành dứt khoát, cuộc Vượt qua của Ngài. Thưa anh chị em, chỉ có sự đi lên của thập tự giá mới dẫn đến mục tiêu là vinh quang. Đây là con đường: từ thập giá đến vinh quang. Cám dỗ thế gian là tìm kiếm vinh quang khi bỏ qua thập tự giá. Chúng ta thích những con đường quen thuộc, trực tiếp và êm ái, nhưng để gặp được ánh sáng của Chúa Giêsu, chúng ta phải liên tục bỏ lại phía sau và đi theo Ngài về phía trước. Như chúng ta đã nghe, Chúa, Đấng đã “đưa Ápraham ra ngoài” (Stk 15: 5), cũng mời gọi chúng ta hướng ra ngoài và hướng lên trên.
Đối với các tu sĩ Dòng Tên chúng ta, hành trình di chuyển ra ngoài và đi lên này theo một con đường cụ thể, được biểu tượng độc đáo bởi ngọn núi. Trong Kinh thánh, đỉnh núi tượng trưng cho sự cực độ, cho độ cao, cho biên giới giữa trời và đất. Chúng ta được kêu gọi đi chính xác đến đó, đến biên giới giữa trời và đất, nơi nhân loại “đối đầu” với Thiên Chúa với những khó khăn của họ, để đến lượt chúng ta có thể đồng hành với họ trong cuộc tìm kiếm không ngừng nghỉ và sự hoài nghi tôn giáo của họ. Đó là nơi chúng ta cần phải có mặt, và để làm được như vậy, chúng ta phải đi ra ngoài và hướng lên. Kẻ thù của bản chất con người sẽ thuyết phục chúng ta đi theo con đường của những thói quen trống rỗng nhưng thoải mái và những cảnh quan quen thuộc, trong khi Thánh Linh thúc giục chúng ta cởi mở và đến một nền hòa bình không bao giờ khiến chúng ta yên ổn. Ngài gửi các môn đệ đến những giới hạn cực độ. Chúng ta chỉ cần nghĩ đến Thánh Phanxicô Xaviê.
Trong cuộc hành trình này, khi đi theo con đường này, tôi nghĩ cần phải đấu tranh. Hãy nghĩ đến Ápraham già đáng thương, ở đó với của lễ hiến tế của mình, chiến đấu với những con chim săn mồi đang muốn nuốt chửng của lễ (xem Stk 15: 7-11). Với quyền trượng của mình, ông đuổi chúng đi. Ông già tội nghiệp. Chúng ta hãy nghĩ về điều này: đấu tranh để bảo vệ con đường này, hành trình này, và sự dâng mình này của chúng ta cho Chúa.
Trong mọi thời đại, các môn đệ của Chúa Kitô thấy mình đứng trước ngã ba đường này. Chúng ta có thể hành động như Phêrô, người đáp lại lời tiên đoán của Chúa Giêsu về cuộc xuất hành của Ngài bằng cách nói, “Thật tốt khi được ở đây” (câu 33). Đây là nguy cơ của một đức tin tĩnh, một đức tin “đậu lại ngay ngắn”. Tôi sợ loại đức tin “đậu lại” này. Chúng ta có nguy cơ coi mình là những môn đệ “đáng kính”, nhưng thực tế chúng ta không đi theo Chúa Giêsu; thay vào đó, chúng ta thụ động ở yên một chỗ, và không nhận ra điều đó, ngủ gật như các môn đệ trong Tin Mừng. Trong vườn Giệtsimani các môn đệ cũng ngủ gật. Hỡi anh chị em, chúng ta hãy nghĩ rằng đối với những người theo Chúa Giêsu, bây giờ không phải là lúc để ngủ, để tâm hồn mình bị an thần, bị mê hoặc bởi văn hóa tiêu thụ và chủ nghĩa cá nhân ngày nay, bằng thái độ “cuộc sống là tốt miễn là tốt cho tôi”. Bằng cách đó, chúng ta có thể tiếp tục nói và đưa ra các lý thuyết, trong khi đánh mất đi thực tại của anh chị em mình, và tính cụ thể của Tin Mừng. Một trong những bi kịch lớn của thời đại chúng ta là từ chối mở mắt nhìn thực tại và thay vào đó là nhìn theo hướng khác. Thánh Têrêxa giúp chúng ta vượt lên khỏi chính mình, lên núi với Chúa, để nhận ra rằng Chúa Giêsu cũng tỏ mình ra qua những vết thương của anh chị em chúng ta, những cuộc đấu tranh của nhân loại, và những dấu chỉ của thời đại. Đừng sợ chạm vào những vết thương đó: chúng là những vết thương của Chúa.
Phúc Âm cho chúng ta biết rằng Chúa Giêsu lên núi “để cầu nguyện” (câu 28). Đây là động từ thứ ba: cầu nguyện. “Khi Ngài đang cầu nguyện, sắc mặt của Ngài đã thay đổi, và quần áo của Ngài trở nên sáng chói” (c. 29). Sự biến hình được sinh ra từ sự cầu nguyện. Chúng ta hãy tự hỏi mình, ngay cả sau nhiều năm thánh chức, ngày nay cầu nguyện có ý nghĩa gì đối với chúng ta, đối với tôi? Có lẽ sức ép của thói quen hoặc một nghi lễ hàng ngày nào đó đã khiến chúng ta nghĩ rằng lời cầu nguyện không thay đổi cá nhân hay lịch sử. Tuy nhiên, cầu nguyện thay đổi thực tế. Cầu nguyện là một sứ mệnh tích cực, một sự chuyển cầu không ngừng. Nó không phải là xa cách thế giới, nhưng thay đổi thế giới. Cầu nguyện là mang trái tim đang đập của các vấn đề hiện tại vào sự hiện diện của Thiên Chúa, để ánh mắt của Người soi rọi lịch sử. Cầu nguyện có ý nghĩa gì đối với chúng ta?
Hôm nay chúng ta nên tự hỏi bản thân xem liệu lời cầu nguyện có làm chúng ta chìm đắm trong sự thay đổi này hay không. Nó có làm sáng tỏ những người khác và biến đổi tình huống của họ không? Vì nếu lời cầu nguyện là sống động, thì nó “khơi dậy” chúng ta từ bên trong, thắp lại ngọn lửa sứ mệnh, khơi lại niềm vui của chúng ta, và liên tục thúc giục chúng ta phải biết lo lắng trước những lời cầu xin của tất cả những ai đang đau khổ trong thế giới của chúng ta. Chúng ta cũng hãy hỏi: làm thế nào chúng ta đưa cuộc chiến hiện tại đến với những lời cầu nguyện của chúng ta? Chúng ta có thể nhìn vào lời cầu nguyện của Thánh Philip Neri, lời cầu nguyện đã mở rộng trái tim của ngài và khiến ngài mở rộng cửa với những đứa trẻ đường phố của thành Rôma vào thời của ngài. Hoặc là của Thánh Isidore, người đã cầu nguyện trên cánh đồng và mang công việc đồng áng của mình đến với lời cầu nguyện của mình.
Mỗi ngày, hãy làm mới lại lời kêu gọi của cá nhân chúng ta và lịch sử dòng của chúng ta; rồi đi lên những đỉnh cao mà Chúa chỉ ra cho chúng ta; và cầu nguyện để thay đổi thế giới mà chúng ta đang đắm chìm trong đó.
Tuy nhiên, cũng có một động từ thứ tư, xuất hiện trong câu cuối cùng của bài Tin Mừng hôm nay: “Chúa Giêsu ở lại một mình” (câu 36). Ngài vẫn ở lại, trong khi mọi thứ khác đã qua đi ngoại trừ dư âm của “lời chứng” của Chúa Cha: “Hãy lắng nghe người” (câu 35). Tin Mừng kết thúc bằng cách dẫn chúng ta trở lại điều cốt yếu. Chúng ta thường bị cám dỗ, trong Giáo hội và trên thế giới, trong tâm linh và trong xã hội của chúng ta, coi các nhu cầu thứ yếu là chính. Một cám dỗ hàng ngày là biến mọi nhu cầu thứ cấp trở thành chính yếu. Nói một cách dễ hiểu, chúng ta có nguy cơ tập trung vào các phong tục, tập quán và truyền thống khiến tâm hồn chúng ta đổ dồn vào những điều phù du chóng qua và khiến chúng ta quên đi những gì còn mãi. Điều quan trọng biết bao là chúng ta phải rèn luyện tâm hồn mình, để chúng có thể phân biệt giữa những điều vĩnh hằng của Thiên Chúa và những điều thuộc về thế gian chóng qua!
Anh chị em thân mến, xin Cha Thánh Inhaxiô giúp chúng ta giữ gìn sự sáng suốt, di sản quý giá của chúng ta, như một kho tàng luôn kịp thời đổ ra cho Giáo hội và trên thế giới. Vì sự phân định cho phép chúng ta “nhìn thấy mọi sự mới mẻ trong Chúa Kitô”. Thật vậy, sự phân định là điều cần thiết, để như Thánh Peter Faber đã viết, “điều tốt có thể đạt được, suy nghĩ hoặc tổ chức, có thể được thực hiện với một tinh thần tốt chứ không phải ác tâm” (xem Memorial, Paris, 1959, n (51). Amen.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
Xem hình
Thánh lễ do Linh mục Anthony Nguyễn Hữu Quảng, trưởng ban tuyên úy Tổng Giáo Phận Melbourne chủ tế cùng quý cha Lê Văn Sơn. Phạm Long, cha Huy, cùng hai cha Philippine đồng tế. Ca đoàn Nữ Vương tiếp tục đồng hành cùng hội trong suốt 24 năm qua, đã dùng lời ca tiếng hát để vinh danh Thiên Chúa, giúp cho buổi lễ thêm sống động, long trọng và sốt sắng hơn.
Ông Trần Ngọc Cẩn và một số thành viên đại diện ban điều hợp Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Tổng Giáo phận Melbourne cũng đã về hiệp dâng thánh lễ giỗ cầu cho Cha Trương Bửu Diệp cùng hội và cộng đồng.
Trước khuôn viên ngôi giáo đường, có một băng rôn ghi: Mừng lễ giỗ lần thứ 76 Cha Phanxico Xavier Trương Bửu Diệp với bức di ảnh của cha một bên. Trước bục giảng, một bàn thờ với đèn nến sáng trưng chung quanh di ảnh cha Diệp. Như thường lệ, trước khi thánh lễ giỗ bắt đầu, Ông Trịnh Hùng và bà Lại Thị Hoa đã lên chào mừng mọi người và đọc tiểu sử của Cha Trương Bửu Diệp, các hội viên nữ trong đồng phục áo dài tím rất đẹp, đã rước đoàn đồng tế lên bàn thờ. Năm nay, Thầy Đạt vẫn giúp cho hội có được các bài đọc, bài hát được dùng để chiếu lên trên màn ảnh lớn để cho mọi người cùng theo dõi và đọc theo.
Trong bài chia sẻ lời của Chúa. Linh mục Nguyễn Hữu Quảng đã hết lòng ca ngợi Cha Phanxico Xavier Trương Bửu Diệp, một vị mục tử nhân lành đã sống hết mình để bảo vệ cho đoàn chiên. Sống đúng theo gương Chúa Giê Su, để chịu chết thay cho con chiên mà mình có nhiệm vụ coi sóc. Mặc dù, theo tiểu sử thì Cha cũng đã được bề trên và quý bằng hữu khuyên nên bỏ đi nơi khác, nhưng Ngài đã không nỡ bỏ lại những người là đoàn chiên đã theo Ngài. Nhờ sống đẹp lòng Chúa, Chúa đã thương và trao chìa khóa kho tàng ân sủng để Cha Trương Bửu Diệp ban phát. Và những ai đã đến xin Ngài, để Ngài cầu bầu cùng Chúa đều không thất vọng. Trong các ơn lành mà Cha Diệp ban phát, có rất nhiều người đã không phải là người Công Giáo. Cha cũng kể một lần về thăm mộ cha ở Tắc Sậy, cha đã chứng kiến người ta mang cả heo quay để bên mộ cha.
Cô Phương Thanh đã đọc lời cảm ơn bằng Anh ngữ và bà hội trưởng Đỗ Thị Nhơn đã ngỏ lời cảm ơn đến quý cha, quý tu sỹ nam nữ, đại diện cộng đồng và toàn thể mọi người đã về dự để cầu cho Cha Trương Bửu Diệp, cho cơn dịch mau qua, và cầu cho chiến tranh tại Ukraine mau chấm dứt để hòa bình sớm về trên toàn thế giới.
Cuối lễ, trước khi mọi người ra về, Cha chủ tế đã kêu gọi mọi người ủng hộ Hội Bác ái Cha Trương Bửu Diệp, để hội có khả năng tài chánh để tổ chức các buổi lễ giỗ, và làm các công việc bác ái, từ thiện.
Kết thúc, mọi người đã lên viếng di ảnh cha, sau đó hội có bữa ăn nhẹ cầm tay thân mật, vì dịch bệnh không cho phép hội tổ chức phần văn nghệ xổ số như mọi năm, để quyên góp giúp đỡ những anh chị em kém may mắn nơi quê nhà, và các nơi khác. Mặc dù ảnh hưởng của mùa dịch, Năm 2021 – 2022, hội cũng quyên góp được hơn 9,000.00 Dollars và cũng gửi hầu như hết số tiền có thể về các nơi cần giúp đỡ.
Bài Tin Mừng Luca 7:11-17: Chúa Giêsu Cho Con Trai Một Bà Góa Tành Nain Sống Lại
11Sau đó, Đức Giêsu đi đến thành kia gọi là Nain, có các môn đệ và một đám rất đông cùng đi với Người. 12Đức Giêsu đến gần cửa thành đang lúc người ta khiêng một người chết đi chôn, người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà goá. Có một đám đông trong thành cùng đi với bà. 13Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: “Bà đừng khóc nữa!” 14Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Đức Giêsu nói: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!” 15Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Đức Giêsu trao anh ta cho bà mẹ. 16Mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng: “Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người.” 17Lời này về Đức Giêsu được loan truyền khắp cả miền Giuđê và vùng lân cận
(Trích trực tuyến Tin Mừng Luca của Nhóm CGKPV)
Chú Thích
Nain. Một thị trấn ở nam Galilê (nay là Nein) chỉ được nhắc đến ở đây trong Kinh Thánh. Nó tọa lạc không xa Endor về phía tây bắc Nebi Dahi một ngọn đồi nằm giữa Gilboa và Núi Tabor, cách Nadarét mấy dặm về tây nam. Nó cũng không cách xa địa danh Sunêm của Cựu Ước bao nhiêu.
Con trai duy nhất. Luca thích dùng chữ monogenēs (duy nhất) (8:42; 9:38) để nhấn mạnh sự khó khăn mà bà mẹ góa phải chịu đựng khi mất đứa con trai duy nhất và do đó là phương thế duy nhất chu cấp cho bà.
Trông thấy bà, Chúa... Đây là lần đầu tiên tước hiệu Chúa (ho kyrios) được dùng chỉ Chúa Giêsu trong một đoạn trình thuật của Tin Mừng.
Chạnh lòng thương. Lý do của phép lạ được trình bầy ở đây. Nó tiến hành do lòng cảm thương bột phát của Chúa Giêsu đối với người đàn bà; là “tác giả sự sống” (Cv 3:15), Người chứng tỏ quyền năng của Người đối với bà trong lúc nguy khốn. Nó không đòi hỏi “đức tin” như tình tiết trước đây với viên bách quân Rôma.
Và bắt đầu nói. Luca tự chế không thêm điều người thanh niên sống lại nói, chỉ nhắc đến việc anh ta lên tiếng trở lại để chứng tỏ là người ta thấy anh ta thật sự sống cách hữu hình và qua lời nói.
Mọi người đều kinh sợ. Luca thường dùng chữ phobos (sợ) để diễn tả phản ứng của khách bàng quan đối với sự can thiệp của trời hay việc Chúa Giêsu tỏ rõ quyền năng của Người (xem 1:65; 5:26; 8:25, 37; Cv 2:43; 5:5, 11; 19:17).
Một vị ngôn sứ vĩ đại. Giống như Êlia trong Cựu ước, như việc ám chỉ về truyện của vị này ở câu 15 đã gợi ý; Chúa Giêsu cũng sẽ được nhìn nhận như thế một lần nữa trong câu 24:19. “Ngôn sứ” cũng đã được dùng cho Người cách mặc nhiên ở câu 4:24,27 (trong so sánh cả với Êlia lẫn Êlisa). Liệu “ngôn sứ vĩ đại” này có ám chỉ đấng tiên tri cánh chung như Môsê hay không thì có tác giả cho là có, có tác giả cho là không. Tuy nhiên, chắc chắn tước hiệu này chưa có ý nghĩa “xức dầu” (messianic) mà chỉ có ý nghĩa phục vụ dân Thiên Chúa. Thừa tác vụ của Người không chỉ phục vụ người nghèo, tù nhân, người mù, người bị chà đạp, mà cả người chết nữa.
Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người. Luca dùng hình ảnh “viếng thăm” này nhiều lần (xem 1:68; 1:78). Phản ứng này của dân chúng nhắc lại một chủ đề quán xuyến vốn có trong trình thuật tuổi thơ. Việc Thiên Chúa viếng thăm dân Người một cách đầy cảm thương và nhân hậu lại được nhìn thấy trong việc Chúa Giêsu làm người trai duy nhất của bà góa Nain sống lại. Việc đặt việc viếng thăm và cái chết bên cạnh nhau từng đã có tại St 50:24-25 trong đó, tổ phụ Giuse liên hệ cái chết của ngài với một cuộc viếng thăm.
Nhận định
Đoạn này đề cập đến một bước tiến triển mới trong thừa tác vụ của Chúa Giêsu. Ta đã thấy trong tình tiết trước, Chúa chữa người đầy tớ viên bách quân ngoại giáo khỏi bệnh sắp chết từ xa, nay quyền năng của Người tiến thêm một bước thật xa là phục hồi sự sống cho người con trai duy nhất của một góa phụ đang được mang tới nơi an nghỉ cuối cùng.
Nó cũng dọn đường cho câu trả lời cho Gioan Tẩy giả ở tình tiết tiếp theo khi vị này sai môn đệ tới hỏi có phải Chúa Giêsu là người phải đến hay không? Trong câu trả lời này, ngoài những công trình khác, Chúa Giêsu kể “kẻ chết được làm cho sống lại” (7:22).
Đoạn này nhắc ta nhớ tới biến cố tiên tri Êlia hồi sinh người con trai của bà góa Xarépta trong 1Vua 17:8-24. Chúa Giêsu tới Nain, Tiên tri Êlia tới Xarépta; ở cổng thành, các ngài gặp một bà góa; sau đó, người con trai của bà được hồi sinh. Và theo cha Fitzmyer, ám chỉ minh nhiên của câu 1V 17:23 tìm thấy ở câu Lc 7:15, hay nói cách khác, lời lẽ trong 1V 17:23 của Bản Bẩy Mươi y hệt như lời lẽ của Lc 7:15. Và cũng theo cha sự gần gũi giữa Nain và Sunêm còn khiến nhiều nhà chú giải cho rằng đoạn này gợi nhớ cả câu truyện tiên tri Êlisa hồi sinh đứa con trai của người đàn bà Sunêm trong 2Vua 4:18-36. Nhưng cha cho hay sự so sánh này không mấy có cơ sở. Ngài muốn dừng lại với câu truyện của tiên tri Êlia. Tuy nhiên, vẫn có những dị biệt giữa hai biến cố hồi sinh này: trong khi Chúa Giêsu ra lệnh bằng chính lời quyền năng của Người, thì Êlia phải nằm lên đứa trẻ 3 lần để hồi sinh em.
Có tác giả, như Jeremy Myers (https://redeeminggod.com/sermons/luke/luke_7_11-17/), nhấn mạnh đến sự khác biệt giữa Chúa Giêsu và các kinh sư cùng luật sĩ khi Người chạm vào quan tài người chết, một điều bị nhóm người này coi là việc không được làm vì nó khiến người ta ra bẩn thỉu (Lv 21:1-12). Tác giả này cũng nhấn mạnh đến lòng cảm thương của Chúa Giêsu: không đợi lời cầu xin của bất cứ ai trong cuộc. Bà góa không hề lên tiếng, những người bao quanh bà cũng không lên tiếng, các môn đệ và những người đi theo cũng không ai lên tiếng. Nhưng Người đã lên tiếng và hành động, hoàn toàn do lòng cảm thương của Thiên Chúa làm người.
Một tác giả khác, Eric D. Barreto (https://www.huffpost.com/entry/luke-7-11-17-women-work-and-the-word_b_3386130), nhấn mạnh tới khía cạnh: trong tình tiết này, không phải người con trai đã chết khiến Chúa Giêsu cảm thương mà là người mẹ khóc than. Tại sao? Vì ngoài nỗi nhớ thương con, bà còn nỗi thương tâm rất lớn: không còn nơi nương tựa trong xã hội Do Thái xưa. Và ông tự hỏi: ngày nay, nếu Chúa Giêsu không gặp bà góa khóc con mà là một bà mẹ đơn chiếc đang can đảm gánh vác một gia đình trên bờ vực nghèo đói, Người sẽ làm gì? Tác giả không có câu trả lời, chắc ông để độc giả tự trả lời lấy. Câu truyện này cho thấy Chúa Giêsu quả là Chúa của các bà góa (Grm 49:11)! Nó cho thấy dù người góa phụ đơn chiếc, không quyền hành, sức lực, không người bênh vực tranh đấu cho nhưng Chúa Giêsu vẫn “thấy” ra bà. Môn đệ Chúa Giêsu cũng thế họ phải biết "nhìn ra" những con người “vô hình” đầy rẫy trong xã hội hiện đại, xã hội mạnh ai nấy sống, đang kêu gào giúp đỡ trong thầm lặng vô vọng.
Một tác giả khác, Gerald M. Bilkes, (https://www.christianstudylibrary.org/article/miracle-gate-nain), nhận xét rằng Chúa Giêsu làm cho người con trai bà góa sống lại bằng cách nói thẳng với anh ta. Đối với kẻ ưa hoài nghi, việc này đáng nực cười. Không có gì đáng buồn cười hơn việc nói chuyện với một ai hai lỗ tai chết đã đóng lại. Ấy thế nhưng sự chết vẫn không giữ người ta khỏi đáp lại tiếng Chúa. Như Tin Mừng Gioan 5:25 vốn quả quyết: “chính là lúc này đây– giờ các kẻ chết nghe tiếng Con Thiên Chúa; ai nghe thì sẽ được sống”.
1. Nga yêu cầu triệu tập Hội đồng bảo an Liên hợp quốc để cáo buộc Hoa Kỳ dùng vũ khí sinh học tại Ukraine
Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc đã được triệu tập vào hôm thứ Sáu theo yêu cầu của Nga, để thảo luận về các tuyên bố của Mạc Tư Khoa, được đưa ra mà không có bằng chứng nào, về các hoạt động sinh học của Mỹ ở Ukraine.
Hoa Kỳ đã bác bỏ những tuyên bố của Nga là “nực cười”, đồng thời cảnh báo rằng Mạc Tư Khoa có thể đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hóa học hoặc sinh học.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba trả lời:
“Nỗi ám ảnh kinh hoàng mà nhiều quan chức Nga tưởng tượng về các mối nguy hiểm hoặc vũ khí sinh học hoặc hóa học không hề tồn tại ở Ukraine. Cáo buộc này gây lo ngại sâu sắc vì thực sự có thể chỉ ra rằng Nga đang chuẩn bị một chiến dịch khủng khiếp khác”.
Các cuộc đàm phán cấp cao giữa Nga và Ukraine - cuộc đàm phán đầu tiên thuộc loại này kể từ khi Moscow xâm lược nước láng giềng cách đây hai tuần - đã kết thúc mà không có lệnh ngừng bắn. Ngoại trưởng Ukraine, Dmytro Kuleba, cho biết không có tiến triển nào trong việc đạt được một lệnh ngừng bắn trong các cuộc đàm phán ở Thổ Nhĩ Kỳ với Ngoại Trưởng Nga Sergei Lavrov.
2. Twitter đã xóa một bài đăng của tòa đại sứ Nga ở London
Twitter đã xóa một bài của tòa đại sứ Nga ở London về vụ đánh bom bệnh viện Mariupol hôm thứ Tư, trong đó Nga tuyên bố rằng cơ sở này không còn hoạt động và hình ảnh về vụ tấn công đã bị làm giả. Họ đã đưa ra tuyên bố này sau những lời chỉ trích của Thủ tướng Anh Boris Johnson.
Thủ tướng Anh Boris Johnson đã trút sự khinh miệt đối với Nga.
“Còn thứ nào khốn nạn hơn hơn là nhắm vào những người dễ bị tổn thương và không có khả năng tự vệ,” ông Johnson viết trên Twitter.
“Vương quốc Anh đang tìm kiếm sự hỗ trợ nhiều hơn cho Ukraine để phòng thủ trước các cuộc không kích và chúng tôi sẽ buộc Putin phải chịu trách nhiệm về những tội ác khủng khiếp của hắn”.
Một quan chức Liên Hợp Quốc cho biết cuộc không kích hôm thứ Tư nhằm vào một bệnh viện phụ sản ở Mariupol là lần thứ ba một bệnh viện phụ sản của Ukraine bị phá hủy kể từ khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu, một quan chức Liên Hợp Quốc cho biết.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết ba người, bao gồm một trẻ em, đã thiệt mạng trong cuộc không kích.
3. Thông điệp của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy dành cho người dân Nga
Trong một thông điệp dành cho người dân Nga liên quan đến vụ đánh bom bệnh viện Mariupol hôm thứ Tư, Tổng thống Zelenskyy, đã tâm sự với người dân Nga bằng tiếng Nga như sau:
Các nhà tuyên truyền Nga ngày nay đã rất ồn ào và cố gắng hết sức để che đậy tội ác của quân đội họ ở Ukraine, tội ác chống lại Mariupol, Donbas, Kharkiv, tội ác chống lại hàng chục thành phố khác. Để che đậy, họ tung ra những lời buộc tội mới và những điều giả mạo cũ mới. Họ cáo buộc chúng tôi đang phát triển một vũ khí sinh học, rằng chúng tôi có chủ đích đang âm mưu một cuộc tấn công hóa học. Tôi lo lắng về điều đó vì chúng tôi đã nhiều lần tự mình chứng kiến rằng nếu bạn muốn tìm hiểu các kế hoạch của Nga, hãy nhìn vào những gì Nga đang buộc tội những người khác. Họ sẽ làm chính những gì họ cáo buộc người ta.
Họ đến với chúng tôi bằng xe tăng và hỏa tiễn, lấy những gì của chúng tôi, chiếm đóng. Họ xấu hổ khi cho các sĩ quan biết, lường gạt từ hàng tướng tá cho đến dân thường để có thể triển khai quân đội nhằm tăng sức mạnh xâm lược. Và chúng tôi là những người có tội. Chúng tôi đang bị cáo buộc tấn công nước Nga yêu chuộng hòa bình.
Tôi là một tổng thống lành mạnh của dân tộc lành mạnh. Tôi là cha của hai đứa trẻ. Không có hóa chất hoặc bất kỳ loại vũ khí hủy diệt hàng loạt nào khác đang được phát triển trên đất của chúng tôi. Cả thế giới đều biết điều đó. Các bạn cũng biết điều đó. Và nếu các bạn làm bất cứ điều gì để chống lại những người vô tội chúng tôi, hành động ấy sẽ được đáp trả bởi những biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhất.
4. Thượng nghị sĩ Lindsey Graham lặp lại lời kêu gọi người Nga ám sát Putin
Hôm thứ Sáu, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham của Đảng Cộng Hòa đơn vị South Carolina đã lặp lại lời kêu gọi người dân Nga ám sát hoặc lật đổ Tổng thống Nga Vladimir Putin. Diễn biến này xảy ra ngay cả sau các phản ứng dữ dội từ Tòa Bạch Ốc và các đồng nghiệp của ông trong Quốc hội, những người cho rằng ông Graham đã đi quá xa. Phản ứng cũng đã xảy ra từ các quan chức Nga, những người cáo buộc ông ủng hộ chủ nghĩa khủng bố.
“Đó không phải là quan điểm của chính phủ Hoa Kỳ và chắc chắn không phải là một tuyên bố bạn sẽ nghe thấy từ miệng của bất kỳ ai làm việc trong chính quyền này”, Thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki cho biết hôm thứ Sáu.
Ông Graham lần đầu tiên kêu gọi ám sát Putin trong lần xuất hiện trên chương trình của Sean Hannity trên Fox News hôm thứ Năm. Ông lặp lại bình luận trên Twitter, ám chỉ cả kẻ phản bội Julius Caesar và kẻ tạo ra một âm mưu bất thành năm 1944 nhằm giết Adolf Hitler.
“Ở Nga có Brutus không? Có Đại tá Stauffenberg thành công hơn trong quân đội Nga không?” ông ấy hỏi. “Cách duy nhất để chuyện này kết thúc là có ai đó ở Nga đưa gã này ra ngoài. Bạn sẽ phục vụ cho đất nước của bạn - và thế giới - một dịch vụ tuyệt vời”.
Bình luận của ông Graham được đưa ra nhằm đáp trả việc Nga xâm lược Ukraine, vốn đã dẫn đến cuộc khủng hoảng người tị nạn và khiến phương Tây áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với nền kinh tế Nga.
Sáng thứ Sáu, Thượng nghị sĩ Graham đã lặp lại lời kêu gọi người dân Nga giết hoặc lật đổ ông Putin trong một lần xuất hiện trên kênh Fox News.
Ông Graham nói: “Người dân Nga không phải là kẻ thù của chúng ta. Tôi tin rằng đó là vấn đề của một người đàn ông được bao quanh bởi một vài người.”
Lời nói của ông Graham đã thu hút sự lên án từ các thành viên của cả hai đảng trên Đồi Capitol.
“Đây là một ý tưởng đặc biệt tệ hại,” Thượng nghị sĩ Ted Cruz của Đảng Cộng Hòa đơn vị Texas đã tweet.
“Sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế ồ ạt; tẩy chay dầu khí của Nga; và cung cấp viện trợ quân sự để người Ukraine có thể tự vệ”, ông nói. “Nhưng chúng ta không nên kêu gọi ám sát các nguyên thủ quốc gia.”
Dân biểu Ilhan Omar của đảng Dân Chủ đơn vị Minnesota đã tweet rằng nhận xét của ông Graham không hữu ích.
“Tôi thực sự mong muốn các thành viên Quốc hội của chúng ta sẽ hạ nhiệt điều đó và điều chỉnh các nhận xét của họ khi chính quyền làm việc để tránh thế chiến thứ ba,” cô nói.
Trả lời Thượng nghị sĩ Graham, phát ngôn viên Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết hôm thứ Sáu rằng “thật không may, trong bầu không khí cực kỳ căng thẳng như vậy, và thậm chí còn hơn thế nữa ở các quốc gia như Hoa Kỳ, một trận cuồng loạn chống người Nga đang được thổi bùng lên”.
Đại sứ Nga tại Mỹ, Anatoly Antonov, gọi bình luận của Thượng nghị sĩ Graham là không thể chấp nhận được và gây phẫn nộ.
Ông Antonov nói: “Không thể tin rằng một thượng nghị sĩ của một quốc gia đề cao các giá trị đạo đức của mình như một 'ngôi sao dẫn đường' cho toàn nhân loại lại có thể kêu gọi một hành vi khủng bố như một cách để đạt được các mục tiêu của Washington trên trường quốc tế.”
Một người quen thuộc với suy nghĩ của Thượng nghị sĩ Graham cho biết không hy vọng thượng nghị sĩ sẽ giảm bớt ngôn ngữ của mình khi đối mặt với những lời chỉ trích, từ các đồng nghiệp của ông trong Quốc hội hoặc từ Nga.
Ông Graham đã phục vụ hơn ba thập kỷ trong Lực lượng Không quân Hoa Kỳ, phục vụ tại ngũ và sau đó là trong lực lượng dự bị. Ông được coi là một tiếng nói có ảnh hưởng trong Đảng Cộng hòa về các vấn đề quân sự và chính sách đối ngoại.
Đứng trước các thương vong kinh hoàng tại Ukraine, đặc biệt là sau vụ Nga ném bom vào một bệnh viện phụ sản ở Mariupol, nhiều người không thấy Thượng nghị sĩ Graham là vô lý. Họ so sánh Putin với một tên giết người hàng loạt và tự hỏi thông thường cảnh sát sẽ hành động ra sao trong trường hợp như vậy.
Source:Wall Street Journal
5. Theo Reuters, Facebook và Instagram sẽ tạm thời cho phép người dùng ở một số quốc gia kêu gọi ám sát Putin
Meta Platforms sẽ cho phép người dùng Facebook và Instagram ở một số quốc gia kêu gọi bạo lực đối với người Nga và binh lính Nga trong bối cảnh Ukraine xâm lược, theo các email nội bộ mà Reuters nhìn thấy hôm thứ Năm, trong một sự thay đổi tạm thời đối với chính sách về ngôn từ kích động thù địch.
Công ty truyền thông xã hội này cũng đang tạm thời cho phép một số bài đăng kêu gọi giết chết Tổng thống Nga Vladimir Putin hoặc Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko ở các quốc gia bao gồm Nga, Ukraine và Ba Lan, theo một loạt email nội bộ gửi đến người kiểm duyệt nội dung của họ.
Những lời kêu gọi tử vong này sẽ được cho phép trừ khi chúng chứa các mục tiêu khác hoặc có hai chỉ số về độ tin cậy, chẳng hạn như vị trí hoặc phương pháp, một email cho biết, trong một thay đổi gần đây đối với các quy tắc của công ty về bạo lực và kích động.
Meta đã không trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận.
Tuần trước, Nga cho biết họ đang cấm Facebook tại quốc gia này để đáp lại những gì họ nói là hạn chế quyền truy cập vào các phương tiện truyền thông Nga trên nền tảng này. Mạc Tư Khoa đã thẳng tay đàn áp các công ty công nghệ trong cuộc xâm lược Ukraine, mà họ gọi là một “cuộc hành quân đặc biệt”.
Nhiều nền tảng truyền thông xã hội lớn đã công bố các hạn chế nội dung mới xung quanh cuộc xung đột, bao gồm cả việc chặn các phương tiện truyền thông nhà nước như RT và Sputnik của Nga ở Âu Châu, đồng thời thể hiện sự nhượng bộ của họ trong một số chính sách của họ liên quan đến thời kỳ chiến tranh.
Các email cũng cho thấy Meta sẽ cho phép ca ngợi trung đoàn Azov, vốn thường bị cấm.
Người phát ngôn của Meta, Joe Osborne trước đây cho biết công ty “trong thời điểm hiện tại, chỉ dành một ngoại lệ hẹp để khen ngợi Trung đoàn Azov trong bối cảnh bảo vệ Ukraine, hoặc trong vai trò của họ như một phần của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine.”
1. Nhà thờ Armenia của Lviv dỡ bỏ tượng Chúa Kitô để đưa đến nơi an toàn giữa cuộc xâm lược Ukraine
Một bức tượng Chúa Kitô đã được di tản khỏi Nhà thờ Armenia ở Lviv để bảo quản an toàn. Câu chuyện này đã được lan truyền trên Twitter.
Bức ảnh được đăng bởi Tim Le Berre vào ngày 5 tháng 3, cho thấy năm người đàn ông đang hạ một bức tượng của Chúa Kitô xuống khỏi một bức tường. Một tweet tiếp theo từ Le Berre mô tả bức tượng được bọc trong các tấm xốp đóng gói trước khi vận chuyển.
Theo Le Berre, bức tượng sẽ “được cất giữ trong boong-ke để bảo vệ,” và lần cuối cùng bức tượng bị dỡ bỏ như thế này là vào hồi Thế chiến thứ hai.
Các lực lượng Nga đã mở cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm 2022. Lviv, nằm ở phía tây Ukraine gần Ba Lan, đã phải hứng chịu các cuộc không kích. Kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu, Lviv đã trở thành “thủ đô phía Tây” của đất nước khi thủ đô Kiev bị tấn công.
Nhà thờ của Công Giáo Armenia Lviv, được xây dựng lần đầu tiên vào năm 1363, có một lịch sử thú vị được đánh dấu bởi một loạt các vụ hỏa hoạn, chiến tranh và các biến động xã hội khác. Từ những năm 1600 cho đến năm 1945, nhà thờ là nơi cư trú của cộng đồng Công Giáo Armenia ở Lviv.
Năm 1945, sau Chiến tranh thế giới thứ hai và việc Liên Xô sáp nhập Lviv, chính quyền Liên Xô đã bắt giữ Linh mục Dionizy Kajetanowicz, cha sở nhà thờ, sau khi ngài từ chối trở thành một linh mục Chính thống giáo. Kajetanowicz chết trong tù khổ sai 9 năm sau đó. Trong thời gian này, hầu hết người Công Giáo Armenia ở Ba Lan buộc phải rời Lviv đến Ba Lan.
Tổng giáo phận Công Giáo Armenia Lviv đã bị bỏ trống kể từ năm 1938.
Vào năm 2000, nhà thờ đã trở thành tài sản của Giáo hội Armenia Tông Truyền mới được thành lập bởi Tòa Giám Mục Ukraine của Giáo Hội này, nhưng người Công Giáo Armenia vẫn được phép sử dụng nhà thờ cho các nghi lễ.
Source:Catholic News Agency
2. Lãnh đạo Công Giáo Ukraine cảm ơn người Ba Lan đã chào đón 1 triệu người lánh nạn khỏi chiến tranh Ukraine
Nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương đã cảm ơn Ba Lan vì đã chào đón hơn một triệu người chạy khỏi Ukraine.
Trong một thông điệp video được ghi lại vào ngày 7 tháng 3 tại thủ đô Kiev của Ukraine đang bị bao vây, Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk cũng ca ngợi Đức Thánh Cha Phanxicô vì đã mô tả cuộc xâm lược ở Ukraine như một cuộc chiến.
“Hôm nay, tôi đặc biệt cảm ơn người dân Ba Lan, Hội Đồng Giám Mục Ba Lan, chính phủ Ba Lan, vì các ngài đã đón nhận hơn một triệu người tị nạn vào vòng tay của các ngài, vào nhà của các ngài, và các vị đang cố gắng làm mọi thứ để giúp cho người Ukraine”.
“Cầu xin Chúa, là Thiên Chúa chúng ta trả ơn cho các vị gấp trăm lần”
Cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc ngày 7/3 đưa tin hơn 1.7 triệu người đã chạy khỏi Ukraine kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh tấn công toàn diện vào ngày 24/2.
Gần 1.2 triệu người đã vào nước láng giềng Ba Lan, nơi Giáo Hội Công Giáo đang giúp đỡ hàng triệu người.
Đức Tổng Giám Mục 51 tuổi bày tỏ lòng biết ơn đối với Đức Thánh Cha Phanxicô vì đã lựa chọn từ ngữ trong diễn từ buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 6 tháng Ba.
Đức Thánh Cha nói: “Những dòng sông máu và nước mắt đang chảy ở Ukraine. Nó không chỉ đơn thuần là một hoạt động quân sự, mà là một cuộc chiến, gieo rắc chết chóc, tàn phá và đau khổ. Số nạn nhân ngày càng gia tăng, người dân bỏ trốn, đặc biệt là các bà mẹ và trẻ em cũng ngày càng gia tăng. Nhu cầu hỗ trợ nhân đạo ở đất nước đang gặp khó khăn đó đang tăng lên đáng kể.”
Đức Tổng Giám Mục Shevchuk nhấn mạnh rằng Đức Phanxicô đã bác bỏ ý kiến được Điện Cẩm Linh đưa ra, rằng cuộc tấn công của Nga ở Ukraine là “một cuộc hành quân đặc biệt” chứ không phải là một cuộc chiến tấn công.
“Đức Thánh Cha nói rõ ràng và minh định rằng đây không phải là một loại hành quân nào đó, đây là một cuộc chiến,” Đức Tổng Giám Mục nói. “Chiến tranh, trước hết, là chống lại những người hòa bình, chống lại những người dân thường vô tội.”
Văn phòng nhân quyền Liên Hiệp Quốc ngày 6/3 cho biết họ đã ghi nhận 1,123 thương vong dân sự, với 364 người thiệt mạng và 759 người bị thương.
Video của Shevchuk được đưa ra khi lực lượng Nga tiến gần đến Kiev, nơi vị Đức Tổng Giám Mục đang trú ẩn cùng những người khác dưới Nhà thờ Phục sinh của Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương.
Ngài cho biết anh cảm thấy vô cùng đau buồn trước những đau khổ của thường dân ở ngoại ô Kiev.
“Đặc biệt là trái tim tôi rất đau khổ cho tổng giáo phận Kiev của tôi. Những trận chiến ác liệt đang diễn ra ở ngoại ô Kiev”.
“Ba thành phố đã trở thành chiến trường rộng lớn và khủng khiếp, cách trung tâm Kiev vài chục km theo đúng nghĩa đen. Đây là Irpin, Hostomel và Bucha”.
Đức Cha Shevchuk nói rằng ngài đã biết rằng người đứng đầu hội đồng thành phố Hostomel, một thị trấn phía tây bắc Kiev, đã bị giết khi đang phân phát thực phẩm và thuốc men.
Ngài than thở về việc không có các tuyến đường “xanh” an toàn cho dân thường đang tìm cách rời khỏi các thành phố bị quân Nga bao vây và kêu gọi lập vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine.
Ngài nói: “Thật không may, tất cả những lời bàn tán về các hành lang xanh cho khả năng di tản người dân khỏi các thành phố đang hứng chịu nhiều cuộc vây hãm và bắn phá đều không thành hiện thực.
“Hôm nay, chúng tôi yêu cầu cộng đồng thế giới: 'Hãy đóng cửa bầu trời Ukraine!”
Đức Tổng Giám Mục nhận xét rằng rằng ngày thứ Hai đánh dấu sự khởi đầu của Mùa Chay đối với các tín hữu Kitô Ukraine theo lịch Julian.
Ngài nói: “Hôm nay chúng tôi cầu nguyện, ăn chay và làm việc lành”.
Đức Cha Shevchuk kết thúc thông điệp của mình bằng một lời cầu nguyện.
“Hôm nay chúng tôi cầu nguyện cho quân đội Ukraine. Chúng tôi chúc phúc cho các tình nguyện viên của chúng tôi, tất cả những người mang ngày chiến thắng đến gần hơn,”
“Lạy Chúa, xin phù hộ cho Ukraine! Lạy Chúa, xin chúc lành cho đất nước Ukraine! Lạy Thiên Chúa, hãy cứu dân Ngài và ban phước cho cơ nghiệp của Ngài!”
“Cầu xin phước lành của Chúa ở trên anh chị em qua ân sủng và tình yêu của Ngài dành cho nhân loại, luôn luôn, ngay bây giờ và mãi mãi, và cho đến thiên thu vạn đại. Amen.”
Source:Catholic News Agency
3. Thượng phụ Kirill nói gì trong cuộc gặp gỡ Sứ thần Tòa thánh tại Nga
Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 6 tháng Ba, Đức Thánh Cha nói:
“Những dòng sông máu và nước mắt đang chảy ở Ukraine. Nó không chỉ đơn thuần là một hoạt động quân sự, mà là một cuộc chiến, gieo rắc chết chóc, tàn phá và đau khổ. Số nạn nhân ngày càng gia tăng, người dân bỏ trốn, đặc biệt là các bà mẹ và trẻ em cũng ngày càng gia tăng. Nhu cầu hỗ trợ nhân đạo ở đất nước đang gặp khó khăn đó đang tăng lên đáng kể.”
Việc lựa chọn những từ ngữ mạnh mẽ như thế được cho là phản ánh thái độ thất vọng của Tòa Thánh đối với cả Putin lẫn Thượng Phụ Kirill, sau các cố gắng không thành công nhằm chấm dứt cuộc chiến. Một ngày sau thông điệp nẩy lửa của Đức Thánh Cha Phanxicô, Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa đã ra một tuyên bố. Trong tuyên bố này, Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa đã không hề đề cập đến lý do tối quan trọng trong chuyến viếng thăm của Sứ thần Tòa Thánh. Giữa hoàn cảnh chiến tranh kinh hoàng, ngài không đến để nói chuyện xã giao mà để chuyển lời của Đức Thánh Cha Phanxicô yêu cầu Thượng Phụ Kirill tác động với Putin chặn đứng cuộc xâm lược Ukraine.
Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ
Về phía Giáo Hội Chính thống Nga, cuộc họp có sự tham dự của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo Nga Archimandrite Philaret (Bulekov) và một nhân viên của Ủy ban Đối Ngoại về Quan hệ giữa các Giáo Hội Kitô Ivan Nikolaev.
Đức Tổng Giám Mục Giovanni D'Agnello được tháp tùng bởi một Linh mục của Tòa Sứ thần Tòa thánh là Cha Igor Chabanov.
Phát biểu chào mừng quan khách, Đức Thượng phụ Kirill lưu ý rằng Giáo Hội Chính thống Nga và Giáo Hội Công Giáo Rôma đóng một vai trò quan trọng trong thế giới Kitô và mối quan hệ tốt đẹp đã phát triển giữa họ mở ra triển vọng hợp tác trong nhiều lĩnh vực.
Đức Thượng Phụ cũng tuyên bố rằng Đức Thánh Cha Phanxicô “đóng góp quan trọng vào việc kiến tạo hòa bình và công lý giữa mọi người.” “Tôi giữ một kỷ niệm rất đẹp về cuộc gặp gỡ cá nhân của chúng tôi, chắc chắn nó đã mở ra một trang mới trong lịch sử quan hệ của chúng tôi. Chúng tôi trong Giáo hội Chính thống Nga đánh giá rất cao việc một trang mới như vậy đã mở ra”.
Đức Thượng Phụ chỉ ra rằng lập trường ôn hòa và khôn ngoan của Tòa thánh trong nhiều vấn đề quốc tế là phù hợp với lập trường của Chính thống giáo Nga. “Điều rất quan trọng là các Giáo hội Kitô, bao gồm cả các Giáo hội của chúng ta, tự nguyện hoặc không tự nguyện, đôi khi không có ý muốn, sẽ không trở thành người tham gia vào những khuynh hướng phức tạp, mâu thuẫn đang hiện diện trong chương trình nghị sự thế giới ngày nay,” Đức Thượng phụ Kirill nhấn mạnh.
Ngài nói: “Chúng tôi đang cố gắng thực hiện một quan điểm xây dựng hòa bình, kể cả khi đối mặt với những xung đột hiện có. Bởi vì Giáo hội không thể là một bên tham gia vào một cuộc xâm lược - nó chỉ có thể là một lực lượng xây dựng hòa bình”.
Giáo chủ của Giáo hội Chính thống Nga nói rằng Đức Tổng Giám Mục Giovanni D'Agnello có kinh nghiệm đối phó với các tình huống chính trị khó khăn, vì ngài đã phục vụ ở Mỹ Latinh trong một thời gian dài: “Đây là một lục địa rất khó khăn. Một mặt, nó là một lục địa, phần lớn cư dân thuộc về Giáo Hội Công Giáo. Đến thăm các nước Mỹ Latinh, tôi đã chứng kiến một tình cảm tôn giáo mạnh mẽ, sống động trong nhân dân. Nhưng, mặt khác, cũng có rất nhiều mâu thuẫn trên lục địa này: xã hội, chính trị, kinh tế và những thứ khác, và chúng làm phức tạp thêm cuộc sống của người dân”.
Đức Thượng Phụ nói tiếp: “Khi chủ đề về cuộc gặp gỡ của tôi với Đức Thánh Cha Phanxicô được đưa ra, tôi đã nghĩ về việc cuộc gặp này có nên diễn ra hay không. Sau đó, tôi nghĩ rằng chúng ta nên gặp nhau trên mảnh đất mà Chính thống giáo chưa bao giờ có xung đột với người Công Giáo. Trên một lục địa đang chống chọi với các vấn đề và bất công, cần sự hỗ trợ tinh thần, đồng thời, chưa bao giờ bị lu mờ bởi những xung đột giữa các tôn giáo liên quan đến chủ đề Đông và Tây”.
Về phần mình, Sứ thần Tòa thánh tại Nga chân thành cảm ơn Đức Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa và Toàn nước Nga đã có cơ hội gặp gỡ và trò chuyện.
Đức Tổng Giám Mục Giovanni D'Agnello đã chuyển lời chào của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Giáo chủ Chính thống Nga, lưu ý rằng với cảm xúc sâu sắc Đức Giáo Hoàng luôn nhớ lại cuộc gặp với Đức Thượng phụ Kirill và đặc biệt là bầu không khí thân mật mà cuộc gặp gỡ đó đã diễn ra.”
Ngài cũng đề cập rằng khi ngài đến Nga sau nhiều năm làm Sứ thần Tòa thánh tại Brazil, Đức Tổng Giám Mục São Paulo, là Đức Hồng Y Odilo Pedro Scherer, và Đức Tổng Giám Mục Rio de Janeiro, là Đức Hồng Y Orani João Tempesta, đã yêu cầu ngài chuyển lời chào thân ái nhất tới Giáo chủ của Giáo hội Chính thống Nga.
Theo Đức Tổng Giám Mục Giovanni D'Agnello, nhiệm kỳ Sứ thần Tòa thánh tại Liên bang Nga là cơ hội để ngài “làm quen với một thế giới hoàn toàn mới, đặc biệt là với mục vụ của Giáo hội Chính thống Nga.” Ông nói: “Đây là một cơ hội quý giá, bao gồm cả việc phát triển mối quan hệ hợp tác của chúng ta.
Source:Moscow Patriarch
1. Nga tuyển mộ lính đánh thuê từ Syria và Trung Đông
Các kênh truyền thông xã hội và các nhóm nhắn tin riêng đang được sử dụng ở Nga nhằm tuyển mộ một lữ đoàn lính đánh thuê mới để chiến đấu ở Ukraine cùng với quân đội Nga, BBC đưa tin.
BBC đã nói chuyện với một lính đánh thuê đang phục vụ và một cựu chiến binh có liên kết chặt chẽ với một trong những tổ chức lính đánh thuê hàng đầu của Nga, là những người đã chia sẻ chi tiết về chiến dịch tuyển mộ.
Một vài tuần trước khi bắt đầu cuộc chiến, người lính đánh thuê đang phục vụ nói với BBC rằng nhiều cựu chiến binh của tổ chức bí mật Wagner đã được liên lạc trên một nhóm Telegram riêng. Họ được mời tham gia một “bữa ăn ngoài trời ở Ukraine”, có đề cập đến việc nếm “Salo”, một loại mỡ lợn được ăn theo truyền thống ở Ukraine.
Thông điệp kêu gọi “những người có tiền án, nợ nần, bị cấm tham gia các nhóm lính đánh thuê hoặc không có hộ chiếu bên ngoài” nộp đơn. Thông điệp cũng bao gồm rằng “những người đến từ các khu vực do Nga chiếm đóng ở các nước cộng hòa Luhansk và Donetsk và Crimea - được mời một cách thân ái”.
Nhóm Wagner là một trong những tổ chức bí mật nhất ở Nga. Về mặt chính thức, nó không tồn tại - vì phục vụ như một lính đánh thuê là vi phạm luật pháp quốc tế và Nga. Nhưng có tới 10,000 nhân viên được cho là đã ký ít nhất một hợp đồng với Wagner trong bảy năm qua.
Người lính đánh thuê đang phục vụ nói với BBC rằng các tân binh đang được đưa vào các đơn vị dưới sự chỉ huy của các sĩ quan từ GRU, là đơn vị tình báo quân sự của Bộ Quốc phòng Nga.
Anh nhấn mạnh rằng chính sách tuyển dụng đã thay đổi và loại bỏ rất nhiều các hạn chế. “Họ đang tuyển dụng bất kỳ ai và tất cả mọi người,” anh nói, và tỏ ra không hài lòng với những gì anh mô tả là tính chuyên nghiệp quá thấp của các võ sĩ mới.
Anh cho biết các đơn vị mới được tuyển dụng không còn được gọi là Wagner nữa, mà những cái tên mới - chẳng hạn như The Hawks - đã được sử dụng.
Vào năm 2021, BBC đã truy cập được vào một máy tính bảng điện tử do một chiến binh Wagner ở Libya bỏ lại
Candace Rondeaux, giáo sư nghiên cứu về Nga, Á-Âu và Đông Âu tại Đại học tiểu bang Arizona, cho biết, điều này dường như là một phần của xu hướng gần đây tránh xa tai tiếng của tập đoàn Wagner, vì “thương hiệu đã bị vấy bẩn”.
Wagner đã nhiều lần đối mặt với những cáo buộc vi phạm nhân quyền và tội ác chiến tranh trong các hoạt động của mình ở Syria và Libya.
Các nguồn tin lính đánh thuê nói với BBC, cho biết các tân binh được huấn luyện tại căn cứ Wagner ở Mol'kino, miền nam nước Nga, bên cạnh một căn cứ quân sự của Nga.
Bản đồ cho thấy căn cứ Wagner tiếp giáp với căn cứ quân sự của Nga như thế nào
Bên cạnh các nhóm nhắn tin riêng tư, ở Nga cũng đã có một chiến dịch công khai chiêu mộ lính đánh thuê.
Trên nền tảng truyền thông xã hội VK của Nga, một trang tự mô tả mình là một chuyên gia trong các hoạt động an ninh, đã đăng một quảng cáo trong tuần đầu tiên của cuộc xâm lược kêu gọi “nhân viên bảo vệ” từ các nước thuộc Liên Xô cũ khác nộp đơn làm việc làm việc ở “ra nước ngoài sát bên”. Các chuyên gia quân sự nhận định đây là động thái ám chỉ Ukraine.
Trước đây, có tiền án là một rào cản cho những người muốn tham gia lính đánh thuê. Ngoài ra, các hạn chế cũng được đặt ra đối với bất kỳ ai sinh ra bên ngoài nước Nga vì những nghi ngờ liên quan đến lòng trung thành.
Jason Blazakis, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Soufan, một tổ chức tư vấn an ninh có trụ sở tại Hoa Kỳ, cho biết “nhu cầu cao đối với các chiến binh” và để tạo ra sự khác biệt trên trận địa “họ sẽ cần hàng nghìn lính đánh thuê”.
Hôm thứ Sáu, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết 16,000 chiến binh từ Trung Đông đã tình nguyện chiến đấu cùng quân đội Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh cho phép các chiến binh từ Trung Đông được triển khai trong cuộc chiến.
Có thông tin cho rằng có tới 400 chiến binh của nhóm Wagner đã ở Ukraine.
Nhóm Wagner lần đầu tiên được xác định vào năm 2014, khi nhóm này đang hậu thuẫn cho phe ly khai thân Nga trong cuộc xung đột ở miền đông Ukraine.
Chiến binh Wagner đang phục vụ nói chuyện với BBC, giải thích rằng trong những ngày đầu tiên của cuộc xâm lược Ukraine, anh ta được cử đến thành phố thứ hai của đất nước, Kharkiv, nơi anh ta nói rằng đơn vị của anh ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà không tiết lộ đó là nhiệm vụ gì.
“Sau đó chúng tôi được trả 2,100 đô la, tức là 1,600 bảng Anh, cho một tháng làm việc và được trở về nước Nga,” anh nói với BBC.
Blazakis mô tả việc sử dụng lính đánh thuê là “dấu hiệu của sự tuyệt vọng” trong cố gắng giữ được sự ủng hộ của công chúng Nga. Cuộc xâm lược Ukraine của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khuấy động nhiều cuộc biểu tình ở Nga. Hàng ngàn người đã bị bắt. Blazakis nói thêm rằng việc sử dụng lính đánh thuê cho phép Điện Cẩm Linh “giảm thiểu số người chết vì lính đánh thuê được sử dụng giống như bia đỡ đạn”.
Moscow luôn phủ nhận mọi liên kết với các nhóm lính đánh thuê.
BBC đã hỏi Bộ Quốc phòng Nga liệu căn cứ ở Mol'kino có được sử dụng để tuyển mộ lực lượng bổ sung cho cái mà chính quyền Nga gọi là “một cuộc hành quân đặc biệt ở Ukraine” hay không. Không nhận được phản hồi.
https://www.bbc.com/news/world-europe-60711211
2. Đoàn xe của Nga đã giải tán
Các hình ảnh vệ tinh cho thấy một đoàn xe quân sự lớn của Nga, được nhìn thấy lần cuối về phía tây bắc của Kiev gần sân bay Antonov, phần lớn đã giải tán, một công ty tư nhân của Mỹ cho biết hôm thứ Năm.
Maxar Technologies cho biết các hình ảnh được chụp hôm thứ Năm cho thấy các đơn vị thiết giáp đang di chuyển vào và qua các thị trấn xung quanh gần sân bay, theo báo cáo của Reuters.
Theo công ty Maxar của Mỹ, một hình ảnh vệ tinh cho thấy các xe tải tiếp tế và nhiều vụ phóng tên lửa có thể xảy ra ở Berestyanka, phía tây Kiev /ki-ép/.
Nó cho biết các hình ảnh cũng cho thấy nhiều chiếc trong đoàn xe xa hơn về phía bắc đã bố trí lại gần Lubyanka với các khẩu pháo ở các vị trí khai hỏa gần đó.
3. Nguy cơ kinh hoàng: Nga cáo buộc Hoa Kỳ phổ biến vũ khí sinh học tại Ukraine
Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc, Vasily Nebenzya, đã trình bày cáo buộc của Điện Kremlin rằng Ukraine và Mỹ có âm mưu phổ biến vũ khí sinh học với các loài chim di cư, dơi và côn trùng.
Nebenzya đã đưa ra một cảnh báo lạnh tóc gáy tới Đông Âu rằng các tác nhân sinh học có thể lây lan qua biên giới Ukraine:
Chúng tôi kêu gọi bạn suy nghĩ về mối nguy hiểm sinh học rất thực sự đối với người dân ở các nước Châu Âu, có thể là kết quả của sự lây lan không kiểm soát được của các tác nhân sinh học từ Ukraine. Và nếu có một biến cố như vậy thì toàn bộ Âu Châu sẽ bị bao phủ.
Nguy cơ của điều này là rất thực tế khi lợi ích của các nhóm dân tộc chủ nghĩa cực đoan ở Ukraine đang hướng tới công việc nghiên cứu các mầm bệnh nguy hiểm được tiến hành cùng với Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ.
Sau khi Nebenzya phát biểu, Albania, Mỹ và Pháp đã lên tiếng cảnh báo rằng những cáo buộc này có thể là một câu chuyện che đậy trước cho kế hoạch tung ra vũ khí hóa học hoặc sinh học của Nga.
Đại sứ Hoa Kỳ tại LHQ, Linda Thomas-Greenfield, cho biết:
Mục đích đằng sau những lời nói dối này có vẻ rõ ràng và nó gây rắc rối sâu sắc. Chúng tôi tin rằng Nga có thể sử dụng các tác nhân hóa học hoặc sinh học để ám sát như một phần của mưu toan đánh lừa dư luận hoặc để hỗ trợ các hoạt động quân sự chiến thuật.
4. Vụ bắt cóc thị trưởng Melitopol, ông Ivan Fedorov
Tổng thống Volodymyr Zelensky và các quan chức Ukraine cho biết, thị trưởng thành phố Melitopol miền nam Ukraine đã bị bắt cóc hôm thứ Sáu bởi những người lính Nga đang chiếm đóng thành phố.
Quốc hội Ukraine cho biết trên Twitter: “Một nhóm 10 tên chiếm đóng đã bắt cóc thị trưởng Ivan Fedorov”.
“Anh ta từ chối hợp tác với kẻ thù”
Tuyên bố cho biết thị trưởng đã bị bắt khi ông đang ở trung tâm khủng hoảng của thành phố để giải quyết các vấn đề về nguồn cung ứng.
Trong một tin nhắn video vào cuối ngày thứ Sáu, tổng thống Zelensky xác nhận vụ bắt cóc, gọi Fedorov là “một thị trưởng dũng cảm bảo vệ Ukraine và các thành viên trong cộng đồng của mình”.
Ông nói: “Đây rõ ràng là một dấu hiệu cho thấy sự yếu kém của những kẻ xâm lược... Họ đã chuyển sang một giai đoạn khủng bố mới, trong đó họ đang cố gắng loại bỏ các đại diện của chính quyền địa phương hợp pháp của Ukraine”.
“Do đó, việc bắt giữ thị trưởng Melitopol là một tội ác, không chỉ chống lại một người cụ thể, nhưng chống lại một cộng đồng cụ thể, và không chỉ chống lại Ukraine. Đó là một tội ác chống lại chính nền dân chủ... Các hành động của những kẻ xâm lược Nga sẽ bị coi như hành động của những kẻ khủng bố Nhà nước Hồi giáo”.
Phó Chánh Văn Phòng phủ tổng thống Ukraine, Kirillo Timoshenko, trước đó đã đăng một đoạn video trên Telegram cho thấy các binh sĩ Nga bước ra từ một tòa nhà ôm một người đàn ông mặc đồ đen, đầu của anh ta dường như được che bằng một chiếc túi đen.
Theo Quốc hội Ukraine, một quan chức khu vực khác, phó chủ tịch hội đồng khu vực Zaporizhzhia - cách Melitopol 120 km (75 dặm) về phía bắc - đã bị bắt cóc và sau đó được thả sau vài ngày trước.
Trước cuộc xâm lược của Nga, Melitopol chỉ có hơn 150.000 cư dân.
Theo đánh giá mới nhất của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Anh, “sự chống trả mạnh mẽ” của lực lượng phòng không Ukraine đang buộc Nga phải dựa vào các loại vũ khí “dự phòng” để tiến hành các cuộc tấn công vào sâu bên trong Ukraine.
Đánh giá cũng cho biết, các lực lượng hỏa tiễn và không quân Nga đã nhắm mục tiêu vào các thành phố phía tây Lutsk và Ivano-Frankivsk trong 24 giờ qua và các máy bay chiến thuật hỗ trợ lực lượng mặt đất của Nga chủ yếu dựa vào các loại đạn “ngu ngốc” không được điều khiển “tương đối không chính xác”.
Đánh giá cho biết: “Việc sử dụng chúng làm tăng đáng kể khả năng thương vong dân sự.
https://twitter.com/DefenceHQ/status/1502410531323453442
5. Nga bắt dân chúng làm con tin
Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết tổng cộng 7,144 người đã phải di tản khỏi bốn thành phố của Ukraine vào thứ Sáu trong một bài phát biểu trên truyền hình, một con số thấp hơn nhiều so với con số người cố gắng lánh nạn trong hai ngày trước đó.
Ông Zelenskiy cáo buộc quân Nga từ chối cho phép người dân ra khỏi thành phố Mariupol bị bao vây và cho biết Ukraine sẽ cố gắng cung cấp thực phẩm và thuốc men tới đó một lần nữa.
Gần 40,000 người đã rời khỏi một số thành phố thông qua các hành lang nhân đạo vào hôm thứ Năm, bên cạnh con số 35,000 người đã chạy trốn hôm thứ Tư.
Ông Zelenskiy cho biết cư dân của Chernihiv, Energodar, Hostomel và Kozarovichi đã tìm cách trốn thoát vào hôm thứ Sáu.
6. Nga tìm cách đánh sập Internet của Ukraine.
Các cơ quan tình báo phương Tây đang điều tra một cuộc tấn công mạng của tin tặc không rõ danh tính làm gián đoạn truy cập internet vệ tinh ở Ukraine trùng với cuộc xâm lược của Nga, Reuters dẫn nguồn tin từ 3 người có kiến thức trực tiếp về vụ việc.
Các nhà phân tích của Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, tổ chức an ninh mạng ANSSI của chính phủ Pháp và tình báo Ukraine đang đánh giá xem liệu vụ phá hoại các dịch vụ của một nhà cung cấp internet vệ tinh có phải là do các tin tặc được nhà nước Nga hậu thuẫn chuẩn bị chiến trường bằng cách cố gắng cắt đứt liên lạc hay không.
Cuộc tấn công kỹ thuật số trên dịch vụ vệ tinh bắt đầu vào ngày 24 tháng 2 từ 5 giờ sáng đến 9 giờ sáng, ngay khi lực lượng Nga bắt đầu tiến vào và bắn hỏa tiễn, tấn công các thành phố lớn của Ukraine bao gồm cả thủ đô Kiev.
Hậu quả vẫn đang được điều tra nhưng modem vệ tinh của hàng chục nghìn khách hàng ở Âu Châu đã bị gián đoạn, theo một quan chức của công ty viễn thông Hoa Kỳ Viasat, là công ty sở hữu mạng bị ảnh hưởng.
Tin tặc đã vô hiệu hóa các modem kết nối với vệ tinh KA-SAT của Viasat Inc, nơi cung cấp quyền truy cập internet cho một số khách hàng ở Âu Châu, bao gồm cả Ukraine. Hơn hai tuần sau, một số người dùng vẫn không kết nối được vào Internet.
Những gì dường như là một trong những cuộc tấn công mạng quan trọng nhất trong thời chiến được tiết lộ công khai cho đến nay đã thu hút sự quan tâm của tình báo phương Tây vì Viasat đóng vai trò là nhà thầu quốc phòng cho cả Hoa Kỳ và nhiều đồng minh.
Các hợp đồng chính phủ được Reuters xem xét cho thấy KA-SAT đã cung cấp kết nối internet cho các đơn vị quân đội và cảnh sát Ukraine.
Pablo Breuer, một cựu kỹ thuật viên của Bộ chỉ huy các chiến dịch đặc biệt của Mỹ, hay SOCOM, cho biết việc loại bỏ kết nối internet vệ tinh có thể làm mất khả năng của Ukraine trong việc chống lại các lực lượng Nga.
“Các liên lạc vô tuyến trên đất liền có thể tiếp cận được. Nhưng nếu bạn đang sử dụng các hệ thống thông minh hiện đại, vũ khí thông minh, cố gắng thực hiện các cuộc điều động vũ khí kết hợp, thì bạn phải dựa vào các vệ tinh này,” Breuer nói.
Đại sứ quán Nga tại Washington đã không đưa ra bình luận ngay lập tức. Mạc Tư Khoa đã nhiều lần bác bỏ các cáo buộc rằng họ tham gia vào các cuộc tấn công mạng.
7. Bộ trưởng Năng lượng Hoa Kỳ lo ngại về tai nạn phóng xạ.
Bộ trưởng Năng lượng Hoa Kỳ Jennifer Granholm cho biết Hoa Kỳ lo ngại về “hành động liều lĩnh của Nga và vi phạm các nguyên tắc an toàn hạt nhân” vào thứ Sáu. Trong một loạt các tweet, Granholm cho biết trong khi các giám sát ở Ukraine không phát hiện bất kỳ dấu hiệu phóng xạ nào, Mỹ vẫn “lo ngại về việc thiếu dữ liệu từ các giám sát bảo vệ tại #Chernobyl hoặc #Zaporizhzhia, điều này cản trở khả năng theo dõi tài liệu của thế giới từ các trang web đó. “
1. Các đền thờ Đức Mẹ Fatima trên thế giới yêu cầu tham gia cầu nguyện cho sự hoán cải của nước Nga
Trong một diễn biến hết sức phức tạp Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc đã được triệu tập vào hôm thứ Sáu theo yêu cầu của Nga, để thảo luận về các tuyên bố của Mạc Tư Khoa, được đưa ra mà không có bằng chứng nào, về các hoạt động sinh học của Mỹ ở Ukraine.
Hoa Kỳ đã bác bỏ những tuyên bố của Nga là “nực cười”, nhưng cảnh báo rằng Mạc Tư Khoa có thể đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hóa học hoặc sinh học.
Tình hình đặc biệt nguy hiểm vì Trung Quốc cũng tung ra một luận điệu tương tự như Nga.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nhận định “Cáo buộc này gây lo ngại sâu sắc vì thực sự có thể chỉ ra rằng Nga đang chuẩn bị một chiến dịch khủng khiếp khác”.
Trong bối cảnh đó, Các đền thờ Đức Mẹ Fatima trên toàn thế giới đang yêu cầu tất cả chúng ta hiệp nhất cầu nguyện cho sự hoán cải của nước Nga vào ngày Chúa Nhật 13 tháng Ba.
Lời kêu gọi được đưa ra bởi Cha Andrzej Draws, Giám đốc đền thánh Đức Mẹ Fatima ở Krisovychi, miền tây Ukraine.
Ngài đã mời tất cả các đền thờ kính Đức Mẹ Fatima hiệp nhất trong lời cầu nguyện cho sự hoán cải của nước Nga và cho hòa bình được lặp lại.
Lời kêu gọi được đưa ra sau khi các giám mục Công Giáo theo nghi thức Latinh của Ukraine yêu cầu Đức Giáo Hoàng Phanxicô dâng Ukraine và Nga cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội của Mẹ Maria.
Trong một lá thư gửi cho Đức Giáo Hoàng, các giám mục Ukraine nói rằng các ngài đã viết “trong những giờ phút đau đớn khôn lường và thử thách khủng khiếp đối với nhân dân của chúng con” để đáp lại nhiều yêu cầu thánh hiến.
“Đáp lại lời cầu nguyện này, chúng con khiêm tốn cầu xin Đức Thánh Cha công khai thực hiện hành động thánh hiến Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Maria ở Ukraine và Nga, theo yêu cầu của Đức Trinh Nữ ở Fatima/”
Trong lần hiện ra Fatima năm 1917, Đức Trinh Nữ Maria đã tiết lộ ba bí mật.
Bí mật thứ hai là một tuyên bố rằng Thế chiến I sẽ kết thúc, và một dự đoán về một cuộc chiến khác sẽ bắt đầu dưới triều đại của Đức Piô XI nếu mọi người tiếp tục xúc phạm đến Thiên Chúa và nước Nga không được thánh hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Maria.
Chị Lucia, một trong ba thị nhân của Fatima, nhớ lại trong hồi ký của mình rằng Đức Mẹ đã yêu cầu “Hiến dâng nước Nga cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội của Mẹ, và Rước lễ đền tạ vào các ngày Thứ Bảy đầu tháng” để ngăn chặn một cuộc chiến tranh thế giới.
Đức Maria đã nói với Chị Lucia: “Nếu những yêu cầu của Mẹ được chú ý, nước Nga sẽ hoán cải và sẽ có hòa bình; nếu không, nước ấy sẽ gieo rắc lỗi lầm của mình ra khắp thế giới, gây ra chiến tranh và đàn áp Giáo hội, thậm chí tử đạo; Đức Thánh Cha sẽ phải chịu nhiều đau khổ; nhiều quốc gia sẽ bị tiêu diệt.”
“Cuối cùng, Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ sẽ chiến thắng. Đức Thánh Cha sẽ thánh hiến nước Nga cho Mẹ, và nước ấy sẽ được hoán cải, và một thời kỳ hòa bình sẽ được ban cho thế giới”.
Trong một lá thư được viết vào năm 1989, Sơ Lucia xác nhận rằng Đức Giáo Hoàng Đức Gioan Phaolô II đã đáp ứng yêu cầu của Đức Mẹ về việc thánh hiến nước Nga vào năm 1984. Các cơ quan chức năng khác, bao gồm Bộ Giáo lý Đức tin, cũng đã xác nhận rằng việc thánh hiến đã được hoàn tất theo sự hài lòng của Sơ Lucia.
Source:Catholic News Agency
2. Tổng thống Zelenskiy: 'Tất cả chúng ta đang đối phó với một nhà nước khủng bố'
Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy nói rằng các cuộc tấn công của Nga là “cuộc khủng bố công khai từ những kẻ khủng bố có kinh nghiệm”.
Trong bài phát biểu gần đây nhất, ông cho biết khoảng 100,000 người đã di tản khỏi các thành phố của đất nước trong hai ngày qua, nhưng cáo buộc các lực lượng Nga đã tấn công vào một hành lang nhân đạo ở thành phố Mariupol.
Zelenskiy cho biết ông đã cử một đoàn xe tải vào thành phố cảng bị bao vây với thực phẩm, nước uống và thuốc men nhưng các lực lượng Nga “đã tiến hành một cuộc tấn công bằng xe tăng chính xác nơi mà hành lang này được dự trù”, ông nói trong một tuyên bố video, mô tả điều đó “hoàn toàn là khủng bố “.
Trong hai ngày qua, chúng tôi đã di tản khoảng 100,000 người thông qua các hành lang nhân đạo. Tuy nhiên Mariupol, Volnovakha vẫn hoàn toàn bị chặn. Mặc dù chúng tôi đã làm mọi cách để tổ chức một hành lang nhân đạo, quân đội Nga vẫn không ngừng pháo kích. Mặc dù vậy, tôi quyết định gửi một đoàn xe tải chở hàng đến Mariupol với nước thực phẩm và thuốc men.
Tôi cảm ơn tất cả những người lái xe, những người dũng cảm đã sẵn sàng hoàn thành sứ mệnh này. Một nhiệm vụ quan trọng. Tuy nhiên, những kẻ xâm lược đã bắt đầu một cuộc tấn công bằng xe tăng vào nơi mà hành lang đó được cho là sẽ diễn ra. Hành lang sống sót cho người dân Mariupol.
Họ cố tình làm điều đó, họ biết những gì họ đang làm nổ tung, họ có lệnh giữ thành phố làm con tin, lạm dụng nó và ném bom nó liên tục, và bao vây nó. Hôm nay họ đã phá hủy tòa nhà của cơ quan dịch vụ khẩn cấp nhà nước ở vùng Donetsk. Điểm hẹn của những người chờ di tản nằm cạnh tòa nhà đó. Đó là khủng bố công khai từ những kẻ khủng bố có kinh nghiệm.
Thế giới phải biết điều đó. Thế giới phải nhìn nhận điều đó. Tất cả chúng ta đang đối phó với một nhà nước khủng bố. Bất kể điều gì có thể xảy ra, chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng cung cấp viện trợ nhân đạo cho Mariupol mà người dân của nó đang rất cần. Hỡi người dân Ukraine. Những kẻ xâm lược đang làm mọi thứ để đánh lừa người dân trong các thành phố bị bao vây.
Chúng ngăn chặn liên lạc, không cho thông tin, nhà nước đang làm mọi cách để giúp đỡ thành phố, để cư dân Mariupol biết rằng: Chúng tôi đang chiến đấu. Chúng tôi sẽ không dừng cuộc chiến. Nếu bạn có cơ hội nói chuyện với người dân ở Mariupol, hãy thông báo cho họ, hãy nhắc họ rằng Ukraine hết lòng với họ và đang làm mọi cách để ngăn chặn sự tra tấn thành phố của quân Nga.
3. Đệ nhất phu nhân Ba Lan kêu gọi phụ nữ tham gia chiến dịch truyền thông xã hội chặn đứng cuộc xâm lược của Nga
Vào Ngày Quốc tế Phụ nữ, Agata Kornhauser-Duda đã kêu gọi tất cả phụ nữ đoàn kết xung quanh một chiến dịch kêu gọi hòa bình cho Ukraine.
Trong một video được công bố gần đây, Đệ nhất phu nhân Ba Lan, Agata Kornhauser-Duda, đã nói lên một sự thật có thể chứng minh được: khi phụ nữ đến với nhau và làm việc vì cuộc sống và hòa bình, họ có thể đạt được những điều đáng kinh ngạc.
Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8 tháng 3, Kornhauser-Duda kêu gọi phụ nữ trên toàn thế giới kêu gọi phụ nữ Nga hãy đặc biệt góp phần ngăn chặn chiến tranh ở Ukraine:
Tôi kêu gọi phụ nữ trên toàn thế giới. Chúng ta không thể thờ ơ khi đối mặt với cuộc chiến ở Ukraine, nơi đang khiến số lượng nạn nhân ngày càng gia tăng hàng ngày, bao gồm cả dân thường. Ngày Quốc tế Phụ nữ 8 tháng 3 là một trong những ngày lễ quan trọng nhất ở Nga. Chúng ta hãy sử dụng cơ hội đặc biệt này để kêu gọi phụ nữ Nga dừng cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine. Chúng ta hãy yêu cầu họ - những người mẹ, người vợ và con gái - của các sĩ quan và binh sĩ Nga tham gia cuộc xâm lược Ukraine, biểu tình vào ngày này để chống lại đổ máu và lên tiếng cho cuộc sống và hòa bình.
THÔNG ĐIỆP CỦA AGATA KORNHAUSER-DUDA
Phu nhân Tổng thống Cộng hòa Ba Lan
Đệ nhất phu nhân đã kêu gọi một chiến dịch truyền thông xã hội, yêu cầu phụ nữ ở khắp mọi nơi đăng một bức ảnh chụp bản thân họ đang giơ một mảnh giấy với dòng chữ #RussianWomenStopTheWar, nghĩa là Phụ nữ Nga dừng chiến tranh
Tôi đề xuất rằng vào Thứ Ba, ngày 8 tháng 3, mỗi người chúng ta hãy đăng trên mạng xã hội một bức ảnh chân dung tự chụp với thông điệp được viết trên một mẩu giấy có nội dung: #RussianWomenStopTheWar. Tôi tin rằng nếu chiến dịch này được lan truyền trên toàn cầu, nó sẽ vượt qua sự kiểm duyệt của Nga và cuối cùng chạm đến trái tim và khối óc của hàng nghìn phụ nữ Nga. Cùng nhau hành động, phụ nữ có thể làm nên chuyện và tôi tin rằng họ thậm chí có thể ngăn chặn chiến tranh ở Ukraine!
Ngày Quốc tế Phụ nữ được tổ chức hàng năm vào ngày 8 tháng 3 để kỷ niệm những thành tựu kinh tế - xã hội, văn hóa và chính trị của phụ nữ trên toàn thế giới.
Source:Aleteia