Ngày 10-03-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Phục hồi phẩm chất cao đẹp
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
12:44 10/03/2010
Chúa Nhật Thứ IV Mùa Chay, Năm C

Suy niệm Tin Mừng Luca (15, 1-3. 11-32)

Dù lũ lụt có thể cuốn trôi tất cả nhà cửa ruộng vườn, biến nạn nhân thành người tay trắng, nhưng không thể cuốn trôi phẩm giá người ta.

Dù hoả hoạn có thiêu rụi nhiều phố phường làng mạc, cướp đi tất cả tài sản của người dân, nhưng cũng không thể thiêu rụi phẩm chất con người.

Dù tai ương hoạn nạn có cướp đi một vài chi thể của ai đó, khiến nạn nhân trở nên tàn phế, nhưng cũng không thể cướp đi phẩm chất cao đẹp của người ấy.

Chỉ có tội lỗi là nguyên nhân duy nhất tàn phá phẩm chất cao đẹp của con người.

Không gì từ bên ngoài có thể làm mất phẩm chất, mất giá trị con người, nhưng chỉ có tội lỗi và chỉ có tội lỗi mà thôi mới có thể huỷ diệt phẩm giá cao đẹp của họ. Chính Chúa Giê-su cũng khẳng định điều nầy: "Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế." (Mác cô 7, 21-23)

Câu chuyện người con thứ trong Tin Mừng hôm nay minh hoạ cho thấy tội lỗi làm băng hoại phẩm giá con người đến mức nào.

Sau khi đòi chia gia tài và phung phí tài sản của mình với bọn đàng điếm, người con thứ lâm vào cảnh đói khát cùng cực và phải xin đi chăn bầy heo cho chủ để kiếm sống qua ngày. Chăn heo là việc cấm kỵ đối với người Do-thái vì luật đã chép: “đáng rủa sả thay người chăn heo.”

Không có hình ảnh nào diễn tả tình trạng xuống cấp và suy đồi phẩm giá cho bằng hình ảnh một con người đói rách thảm hại, ngày ngày sống giữa đàn heo bẩn thỉu và cầu mong được ăn bớt phần của heo nhưng chẳng ai cho.

Chính tội lỗi và chỉ có tội lỗi mà thôi mới có thể làm cho giá trị con người bị suy sụp cách thảm hại như thế.

Nhưng cũng qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su mở ra cho chúng ta một chân trời hy vọng: những con người bị tội lỗi làm mất giá trị có thể được phục hồi nhân phẩm cách tuyệt vời.

Phục hồi lại phẩm chất cao đẹp của mình nhờ quay về với Chúa.

Một người giàu có bị phá sản, phải tốn rất nhiều thời gian và công sức mới có thể dựng lại cơ đồ.

Một người bị mất hết quyền lực và chức tước, ít có cơ may dành lại quyền cao chức trọng như trước.

Nhưng thật vô cùng may mắn và hạnh phúc cho chúng ta là những người tội lỗi, một khi lỡ sa ngã phạm tội, đánh mất hết phẩm chất cao đẹp của mình, thì chỉ cần kiên quyết hoán cải và quay về với Chúa là có thể phục hồi lại được phẩm chất cao đẹp như trước.

Sau khi người con thứ lâm vào tình trạng đói khát, anh ta hồi tâm lại và quyết chí trở về nhà cha, để xin làm một người tôi tớ.

Khi vừa thấy bóng dáng người con sa đọa thấp thoáng ở đàng xa, người cha mừng rỡ chạy lại ôm choàng lấy nó và hôn nó hồi lâu.

Không để cho đứa con hư nói hết lời hối lỗi, ông truyền sai tôi tớ mau mau đem áo đẹp nhất ra mặc cho cậu, xỏ nhẫn quý vào tay cậu, mang giày sang quý vào chân cậu và hãy hạ bò tơ béo để mở tiệc ăn mừng…

Thế là từ một con người thân tàn ma dại, một thằng chăn heo hèn hạ đói khát, người con hoang đàng nghiễm nhiên trở thành chàng công tử thượng lưu với bao nhiêu tôi tớ hầu hạ. Thay vì tấm áo rách hôi hám, cậu được mặc vào người tấm áo dài quý phái. Thay vì đi chân đất bần cùng, cậu được mang giày của giới thượng lưu, được đeo nhẫn quý vào tay như những người quyền quý. Thay vì trước đây khao khát được ăn chung với đàn heo, ăn giữa đàn heo, cậu được ngồi ăn với cha, với họ hàng, với những bậc tai mắt trong làng xóm. Thay vì những đồ cặn bã của heo, nay cậu được ăn thịt bê đã vỗ béo ngon lành. Thật khác ngày hôm qua một trời một vực. Thật là một cuộc lột xác, đổi đời rất tuyệt vời, nằm mơ không thấy.

***

Chỗi dậy trở về cùng Chúa là từ bỏ tội lỗi và tính hư tật xấu, là kết hợp với Đức Ki-tô để trở nên con người mới, thụ tạo mới như lời thánh Phao lô dạy trong thư gửi tín hữu Cô-rinh-tô hôm nay: “Phàm ai kết hợp với Đức Ki-tô, đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua đi, và cái mới đã có đây rồi." (2C 5,17)

Cơ hội trở về luôn sẵn có. Lời Chúa và Hội Thánh vẫn liên tục kêu mời. Phần còn lại hoàn toàn tuỳ thuộc ở nơi ta. Điều quan trọng là chúng ta có quyết tâm quay về với Chúa, cải thiện cuộc đời và nâng cấp đời sống mình cho cao đẹp hơn hay không.
 
Thiên Chúa - Người Cha “Number One”
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
13:00 10/03/2010
Một trong những dụ ngôn tiêu biểu cho lòng thương xót của Thiên Chúa đối với tội nhân là dụ ngôn mà nhiều người vẫn quen gọi là dụ ngôn Người Con Hoang Đàng. Thực sự tên gọi của nó đúng hơn phải là dụ ngôn Người Cha Nhận Hậu. Vì trọng tâm của dụ ngôn nhấn mạnh đến thái độ và tấm lòng của người cha đối với người con, hơn là của người con đối với cha mình. Thánh Luca muốn hướng ống kính vào nhân vật người cha và những hành động của ông dành cho con mình, hơn là vào người con và những nỗ lực trở về của anh.

Điều này rất đúng với cảm nghĩ của cha Raniero Cantalamessa, một linh mục dòng Capuchin, người giảng phòng cho Phủ Giáo hoàng, trong bài giảng đầu tiên của Mùa Chay năm nay, trước sự hiện diện của Đức giáo hoàng Benedict XVI và nhân viên Giáo triều Roma. Ngài nói rằng: Các tôn giáo hoặc các nền triết học phát xuất từ con người, thường bảo cho chúng ta biết chúng ta phải làm gì để được cứu độ, được giải thoát. Kitô giáo thì khác, vì đạo này bảo cho con người những gì Thiên Chúa đã thực hiện để cứu độ con người. Và đây chính là cốt lõi đặt Đạo Chúa vào vị trí khác các tôn giáo khác (x. Tại sao Đạo Chúa không giống đạo nào khác ? Phụng Nghi, Vietcatholic.net).

Theo ý nghĩa đó, gọi dụ ngôn này là dụ ngôn “Người Cha Nhân Hậu” là hoàn toàn thích hợp. Còn nếu phải gọi bằng một tên khác, thiết nghĩ nên gọi đó là dụ ngôn “Người Con Hạnh Phúc” thì đúng hơn. Hạnh phúc vì anh có được người cha Number One đúng nghĩa, người cha nhân hậu trên cả tuyệt vời. Lòng nhân hậu ấy được thể hiện rất rõ qua các tình tiết mà thánh Luca phác hoạ.

- Trước hết, ông rất mực tôn trọng tự do của con cái: Ông đối xử với con mình như với một người trưởng thành thực sự. Ông hoàn toàn tôn trọng tự do và quyết định của con, dẫu biết rằng rất có thể đứa con sẽ lạm dụng tự do để xúc phạm đến mình. Theo tập tục Do Thái, người ta chỉ chia gia tài khi cha mình đã qua đời. Đòi chia gia tài khi cha mình còn sống là một sự xúc phạm nặng nề. Rõ ràng ở đây, người con thứ đã làm một việc trái với luân thường đạo lý. Hơn nữa, khi được chia gia tài rồi, không phải anh đã dùng gia tài này để làm ăn buôn bán, đầu tư chứng khoán, gởi ngân hàng, hay làm từ thiện…., mà là để ăn chơi cho thoã chí tang bồng. Biết trước như thế, nhưng người cha vẫn tôn trọng quyết định của anh.

- Thứ đến là kiên nhẫn đợi chờ trong thương nhớ: Chia gia tài cho con, không phải để nó đi cho rảnh nợ, cho khuất mắt là xong. Trái lại, khi con mình đi rồi, ông luôn thao thức, nhớ thương và ngóng trông con trở về. Ông không hề nhớ tới sự xúc phạm của con, mà chỉ nhớ thương con. Nhớ thương đến mỏi mòn. Ông trăn trở lo âu về số phận của con, nhất là khi có nạn đói xảy ra. Tâm trí ông luôn hướng về con khiến nhiều đêm ông không ngủ được. Chắc hẳn sự thương nhớ và trông mong phải nhiều lắm lắm thì ông mới có thể trực giác thấy con mình từ rất xa khi nó trở về, như thánh Luca mô tả.

- Sau nữa là bao dung tha thứ trong hân hoan: Khi thấy con trở về, ông đã chạy ra ôm lấy cổ, không phải để vật nó xuống và đánh cho nó một trận cho bỏ ghét, hay ít ra lườm cho nó mấy cái, rồi chiến tranh lạnh…, nhưng là để “hôn lấy hôn để”. Rõ ràng ông không hề nghĩ tới hình phạt, mà chỉ muốn tha thứ và thứ tha. Tha thứ ngay khi đứa con xúc phạm vì đã đòi chia gia tài lúc mình con sống, thứ tha ngay khi nó phung phá hết tài sản mồ nước mắt mà mình đã tích luỹ một đời.

Bốn hành động xảy ra liên tiếp: chạy ra, ôm cổ, hôn lấy hôn để, sai gia nhân… “Chạy ra, ôm cổ” là những hành động diễn tả niềm vui được gặp lại con mình. Nếu không vui chắc chắn ông không hành động như thế. “Hôn” ở đây là một cử chỉ nói lên sự tha thứ hoàn toàn.

- Cuối cùng là quảng đại cho đi không tính toán: Không chỉ dừng lại ở chổ tha thứ, ông còn cho lại đứa con tất cả: áo đẹp (phẩm giá), nhẫn (quyền hành), giày (tự do - vì nô lệ không được mang giày)… Cho đi nhiều đến độ có người muốn đặt tên cho dụ ngôn này là dụ ngôn “người cha phung phí”. Phung phí của cải, nhất là phung phí tình thương và lòng nhân hậu đối với người con đi hoang. Lòng nhân hậu yêu thương ấy không chỉ được thể hiện đối với người con thứ mà còn đối với người con cả và cả đối với người làm công. Và đây chính động lực giúp cho người con thứ hoán cải ăn năn và quyết tâm trở về.

Vâng, người cha ấy không gì khác hơn chính là hình ảnh của Thiên Chúa. Quả vậy, Thiên Chúa đã yêu thương nhân loại chúng ta bằng một tình yêu nhân hậu vô biên. Ngài yêu thương tôn trọng tự do của con người, dẫu biết con người có thể lạm dụng tự do ấy để làm những điều xấu, ngay cả việc chống lại Ngài. Rồi khi con người “đi hoang”, Ngài kiên nhẫn chờ đợi và làm mọi cách để đưa con người lầm lạc trở về, kể cả việc hy sinh chính Con Một của mình: “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối để được sống”. Và một khi con người biết hoán cải trở về, Ngài còn phục hồi cho họ gấp ngàn lần hơn: danh dự, địa vị, phẩm giá, tự do, v,v…

Hãy hãnh diện vì chúng ta có một người Cha Number One trên trời như thế đó. Hãy tri ân Chúa Giêsu vì Ngài đã mạc khải cho chúng ta dung mạo của một vị Thiên Chúa là Cha nhân hậu bao dung. Hãy cảm tạ Chúa Cha, vì Người đã yêu thương ta bằng tình yêu phụ - tử tuyệt vời.

Đồng thời hãy nỗ lực đáp trả tình yêu ấy. Đáp trả như thế nào ? Trong tư cách là người con cái Chúa, hãy nguyện luôn sống trong tình yêu của Cha mình. Nếu có lầm lỗi ngã sa, hãy mau quay trở về để được thứ tha và được giao hoà. Trong tư cách là người cha người mẹ trong gia đình: hãy sống nhân hậu yêu thương để phản chiếu cho con mình dung mạo của Thiên Chúa là Cha nhân từ; nhất là luôn biết sống bao dung tha thứ cho những người con hoang đàng tội lỗi, nhằm tạo cơ hội và động lực cho chúng hoán cải và đổi mới cuộc đời.

Xin Chúa ban ơn giúp giúp để mỗi người chúng ta sống được những tâm tình và ước nguyện đó.
 
Trở về
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
13:15 10/03/2010
Từ thời cha ông các ngươi, các ngươi đã trệch xa và không tuân hành các chỉ thị của Ta. Hãy trở lại với Ta và Ta sẽ quay lại với các ngươi. - Chúa các đạo binh phán. Các ngươi nói: "Chúng tôi sẽ trở lại thế nào?"(Malaki 3:7).

Có một người giáo dân vẫn thường đi tham dự thánh lễ hằng tuần, bỗng dưng ông ngưng. Sau vài tuần, cha xứ quyết định đến thăm ông. Vào một chiều mùa Đông giá lạnh. Cha xứ gặp ông ở nhà cô đơn một mình đang ngồi trước lò sưởi. Đoán được lý do cha xứ tới thăm, ông đón chào cha và mời cha ngồi xuống ghế cạnh lò sưởi và chờ đợi. Cha xứ ngồi thoải mái nhưng không nói chi cả. Sự im lặng sâu lắng, cha ngồi ngắm nhìn ngọn lửa bập bùng nơi các cục than cháy đỏ. Sau vài phút, cha lấy đồ gắp than và cẩn thận gắp một cục than đỏ hồng trong lò và đặt nó trơ trọi bên cạnh lò rồi ngài ngồi ngả lưng vào thành ghế, tiếp tục im lặng. Chủ nhà ngồi suy nghĩ nhìn ngắm ngạc nhiên. Cục than trơ trọi đã lịm tắt và tan biến thành bụi tro. Ngay sau đó, chủ nhà nói với cha xứ rằng: Thưa cha, con hiểu rồi. Con sẽ trở lại đi tham dự thánh lễ hằng tuần.

1. Khúc Quẹo Cuộc Đời

Chúng ta có thể bị đi lạc bởi những bảng chỉ đường hoặc những hướng dẫn sai lầm của người khác. Chúng ta cũng có thể đi lầm lạc do chính lỗi của chúng ta, cũng có khi do sự tự mãn của riêng ta. Kinh nghiệm trong đời, trong khi lái xe đi hành hương nơi tiểu bang khác, vì muốn tìm đường ngắn hơn và dễ hơn nên chúng tôi đã bị đi lạc đường. Chúng tôi đã mất hết nhiều giờ tìm kiếm nhưng vẫn không tìm được lối ra. Rồi chúng tôi cứ tự an ủi, sẽ có xa lộ gần đây mà, lo gì chứ. Chúng tôi tự tin vào sự hiểu biết ngu ngơ của chúng tôi và không muốn dừng lại hỏi ai khác. Chúng tôi cũng không lắng nghe góp ý của ai nữa. Chúng tôi tự cao tự đại muốn tự mình tìm đường đi. Càng đi lâu, chúng tôi càng lạc xa và lại càng trễ giờ. Sau cùng chúng tôi đành phải dừng lại hỏi người qua đường, rồi cảnh sát và rồi ghé trạm xăng, biết rằng mình đã lạc xa. Chúng tôi đã phải làm một cú U turn trở về. Thật vui khi tìm được hướng đi. Cũng vậy, niềm vui lớn khi chúng ta tìm lại được cái gì đã mất. Phúc âm thánh Luca kể về người đàn bà đã vui mừng biết bao khi tìm thấy đồng bạc bị mất. Đồng bạc tuy nhỏ, không giá trị bao nhiêu nhưng niềm vui của sự tìm thấy lớn gấp trăm lần: Tìm được rồi, bà ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: "Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đã đánh mất (Lc 15:9).

Truyện kể, ngày kia có một ông già nghiện rượu, ngày ngày thất thểu bên đường. Có khi ông say mềm và ngủ bên dọc đường. Gia đình vợ con của ông đau khổ vô ngần. Ông ta hết say, rồi xỉn, đánh đập vợ con và ươn lười trong công ăn việc làm. Gia tài dần lụn bại, hầu như gia đình không còn cơ hội xum vầy vui vẻ. Một hôm, sau khi tỉnh giấc say, ông thấy mình nằm lăn bên vệ đường. Rồi ông nhìn thấy một chiếc đinh cong queo han rỉ nằm ngay bên ống cống. Ông chợt nhớ đến gia đình và cuộc đời của ông. Ông nhặt chiếc đinh cong queo bỏ vào túi. Khi về đến nhà, ông lấy đe và búa ra. Ông đã uốn lại chiếc đinh rỉ sét và làm thành một chiếc đinh mới thẳng thắn. Ông cất nó trong túi áo, để nhắc nhở cho chính ông. Ông đã bỏ uống rượu và làm lại cuộc đời. Ông trở về nhà xin lỗi vợ con và bắt đầu chí thú làm ăn. Bắt đầu vợ chồng xây dựng lại một gia đình hạnh phúc. Chúng ta biết rằng không khi nào trễ, nếu chúng ta biết bắt lại từ đầu.

2. Tự Mãn

Trong mỗi Mùa Chay, chúng ta sẽ được nghe câu truyện về người con phung phá, nhưng tôi thích gọi là câu truyện của người cha nhân lành. Niềm vui vỡ òa khi người con trở về. Cha không còn nghĩ đến truyện người con đã bỏ ra đi hay phung phí tiền của. Cha chấp nhận con vì con là của cha. Con đáng được hưởng tình yêu và gia tài của cha. Người cha nhân hậu đã thốt lên trong vui mừng: Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy. Và họ bắt đầu ăn mừng (Lc. 15:24). Cuộc đời chúng ta cũng như một chuyến đi. Nếu chúng ta biết mình đi lạc, chúng ta hãy dừng lại hỏi han, tìm lại bản đồ và hướng đi. Đừng khi nào tự mãn trong sự hiểu biết của mình dễ đưa chúng ta lạc xa hơn. Hãy biết dừng lại, đó chính là những khi chúng ta cầu nguyện, đi hành hương, dự những cuộc cấm phòng hay học hỏi lời Chúa dưới ánh sáng phúc âm. Khi biết mình đi lạc, lầm lỗi hay xa đàng tội lỗi, chúng ta hãy mau trở về càng sớm càng tốt.

Sự trở về là rất cần thiết. Chúng ta biết rằng đi lầm lạc cũng có nhiều nguyên do. Có thể chúng ta không khởi hành đúng chỗ. Có thể chúng ta đổi đường hoặc đi sai dấu chỉ đường. Đôi khi ở giữa ngã tư và không biết quẹo phải hay trái. Ngập ngừng giữa ngã ba đường rất là nguy hiểm. Tôi có người bạn sống ở Brooklyn, một hôm anh ta đưa người nhà ra phi trường Kennedy, vì khởi hành từ Bronx, nơi người đó không quen nên đã bị đi lạc đường. Anh ta đành phải trở về lại Brooklyn và rồi bắt đầu khởi hành lại, để ra phi trường. Suy tư về cuộc đời cũng thế. Nếu chúng không biết nơi bắt đầu, tốt hơn chúng ta bắt lại từ điểm khởi hành. Không khi nào trễ nếu chúng ta biết bắt đầu lại. Bắt đầu làm một cái gì đó có thể hơi khó khăn và ngại ngùng. Người ta nói: Vạn sự khởi đầu nan. Chúng ta vui mừng biết bao khi có một thành viên trong gia đình xa lạc, nay trở về đoàn tụ. Giống như người tìm con chiên bị lạc mất trong Phúc âm, thánh Luca diễn tả nỗi vui của người tìm chiên: Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. (Lc 15:4-5)

3. Phấn Đấu

Cuộc đời giống như cuộc chạy đua. Mỗi người chọn cho mình một cách sống để đồng hành với người khác. Cách sống tùy theo sở thích và tính tình của mỗi cá nhân, không ai giống ai. Quan sát những người lái xe trên xa lộ, chúng ta thấy có những người chọn con đường ngoài cùng, không đua chen nhưng bình thản. Có người chọn con đường giữa vừa an toàn, vừa giữ sự trung bình, không lo lắng và chấp nhận hoàn cảnh một cách an toàn. Có những người mong vượt và chạy nhanh hơn, nguy hiểm hơn và căng thẳng hơn. Họ lo cảnh sát bắt dừng lại, lo tránh xe khác, lo tăng tốc độ để tránh né…nhưng chung cục tất cả mọi người cũng sẽ đạt đến đích điểm của mình. Cuộc đời của chúng ta cũng thế, mỗi người chọn cho mình một lối đi thích hợp và đừng qúa bon chen so sánh. Làm thế nào để chúng ta có được cuộc sống an bình, vui tươi và hạnh phúc. Đó chính là lẽ sống của cuộc đời. Trong niềm tin, chúng ta hãy cậy trông vào ơn Chúa giúp, chúng ta sẽ không sợ bị gánh nặng cuộc đời làm thất vọng. Thánh Phaolô đã khuyên dậy tín hữu thành Corintô: Không một thử thách nào đã xảy ra cho anh em mà lại vượt quá sức loài người. Thiên Chúa là Đấng trung tín: Người sẽ không để anh em bị thử thách quá sức; nhưng khi để anh em bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em có sức chịu đựng (1Cor. 10:13).

Chúng ta biết mỗi ngày sống chúng ta để lại dấu vết trong không gian và thời gian và cả nơi lòng người. Khi chúng ta sờ vào vật gì như nắm cửa, cuốn sách, đồ dùng… chúng ta để lại dấu chỉ tay. Bất cứ nơi nào chúng ta đi qua, chúng ta nên để lại dấu ấn của tình yêu. Chúng ta biết rằng có những dấu ấn khắc ghi nơi lòng người không hề phai mờ. Như Đức Trinh nữ Maria là Mẹ nhân ái. Mẹ đã để lại trái tim yêu thương nơi mọi người. Mẹ đã yêu thương và ủi an các Tông đồ khi vắng Chúa. Mẹ ở bên thập tự để cùng chia sẻ những đớn đau với Chúa. Mẹ đã hiện ra để an ủi, chữa lành và hướng dẫn chúng con trong con đường hạnh phúc. Mẹ Têrêxa thành Calcutta đã theo gót chân của Mẹ Maria, Têrêxa đã mang tình yêu của Chúa đến chia sẻ cho bao nhiêu trái tim được ủi an, bao nỗi đớn đau được xoa dịu và bao người nghèo khó đã đón nhận được tình thương. Khi mẹ đã qua đời, không biết đã có bao nhiêu giọt nước mắt khóc thương, bao nhiêu niềm mến yêu và cả triệu con tim ghi khắc.



4. Sự Khiêm Tốn


Sự trở về luôn là hành động cao qúy. Sự trở về cần có thái độ khiêm tốn và biết lỗi lầm. Biết lỗi mình là một khởi đầu tốt nhất của sự trở về. Có nhiều con đường để trở về: Trở về với gia đình, trở về với xóm làng, trở về với quê hương xứ sở, trở về với lòng mình và trở về với Chúa. Một con chiên mất, người chủ vui mừng đã tìm lại, phương chi một người con trong gia đình xa lạc trở về. Niềm vui sẽ tăng gắp trăm lần. Thánh Luca diễn tả niềm vui tìm lại: Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: "Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó (Lc 15:6).

Phúc âm kể truyện ông Giakêu. Ông Giakêu có nghe nói về Chúa Giêsu. Ông muốn được tận mắt nhìn thấy Chúa. Hình dạng của ông không được cao ráo, nên bị che khuất sau lưng người khác, ông đành chạy đi trước như một em trẻ, leo lên cây để có thể nhìn thấy Chúa. Ông đã bỏ lại uy tín, cốt cách của Trưởng Ty Thuế Vụ, ông không sợ dư luận cười chê. Ông chỉ muốn được nhìn xem thấy Chúa. Dưới con mắt người đời, ông là người tội lỗi đáng tránh xa. Họ nhìn ông một cách soi mói và kết tội. Trong khi Chúa nhìn ông bằng một cái nhìn trìu mến và yêu thương.Trên hành trình Chúa đi qua, một thay đổi bất ngờ ngoài sự mong chờ. Chúa dừng lại nhìn lên với cặp mắt nhân từ, cảm thông và Chúa nói với ông: Hỡi Giakêu hãy xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ngươi. Ông vui mừng nhảy xuống khỏi cây và về nhà tiếp đãi Chúa. Chúa chấp nhận ông và ông đã trở thành bạn hữu của Chúa. Ông đã thốt lên với cả tâm tư rằng ông sẽ đền bù thiệt hại và sẽ chia gia tài cho kẻ khó. Ông đã đổi đời và thay đổi hoàn toàn. Ông đã gặp Chúa và biết chia xẻ với tha nhân. Trái tim ông đã rộng mở. Chúa Giêsu đã gọi ông là con cái của Abraham, có nghĩa là ông sẽ được thừa hưởng niềm tin và sự sống đời đời.

5. Tình Yêu Cải Hóa

Chúa Giêsu luôn giảng về sự sám hối trở về. Chúa đã dùng nhiều dụ ngôn, hình ảnh và lời giảng để mở lòng con người. Chúa xâm mình gặp gỡ và ngồi chung ăn uống với những người bị xã hội ruồng bỏ và bị kết án là tội lỗi. Thánh Marcô diễn tả: Nghe thấy thế, Đức Giê-su nói với họ: "Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi"(Mc 2:17). Chúa Giêsu đã dùng tình yêu để cải hóa lòng người. Chúa đến để kêu gọi người tội lỗi và chữa lành các thương tích của họ. Chúa đến với con người bằng trái tim nhân hậu, bằng ánh mắt trìu mến và bằng thái độ khoan dung. Chúa dành cho những người tội lỗi một tình yêu đặc biệt trong trái tim Chúa. Họ đáng thương hơn là đáng trách. Chúa đến kêu gọi những người tội lỗi và yếu đuối. Chúa muốn chính tâm tư của họ:" Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: "Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi" (Mt. 9:13).

Câu truyện về một võ sĩ đã trở lại đạo. Ngày nọ, một người bạn của anh gặp và hỏi: Tôi nghe anh mới tòng giáo, thật là tức cười. Anh hỏi: Sao lại tức cười chứ! Đó là điều tốt mà. Người bạn tiếp lời: Nếu vậy liệu anh có thể xóa nổi chân tướng du côn và cao bồi trước chăng? Những vết sẹo trên mặt anh tố cáo tung tích của anh. Anh nhỏ nhẹ nói: Tôi không ngại chi về điều đó. Những vết sẹo kia nay trở thành cửa sổ cho ơn Chúa chảy vào hồn tôi. Cũng vậy những tội vạ đã được tha, tuy còn dấu vết nhưng là dấu vết tình thương của Chúa.

6. Chúa Là Nguồn Tình Yêu

Trở về luôn luôn là trở về với tình yêu. Tình yêu giữa vợ chồng con cái, tình yêu giữa gia đình, tình yêu của cộng đoàn, tình yêu của giáo hội và sau cùng trở về với Thiên Chúa là chính nguồn tình yêu. Tại sao người cha nhân hậu đã mở tiệc ăn mừng khi đứa con phung phá trở về? Vì đứa con bị coi như đã chết, nay lại sống. Không vui mừng sao được khi cha gặp lại chính con ruột của mình. Bao ngày xa vắng là bấy nhiêu ngày mong đợi và buồn khổ. Cha mẹ nào mà không thương con chứ! Làm cha mẹ mới hiểu được tình yêu thương mà cha mẹ dành cho con cái. Thánh Luca ghi lại tâm tình của cha già khi gặp lại con mình: "Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy."(Lc 15:32)

Trở về với lòng mình. Tâm tư con người như được chia làm hai trong sự chọn lựa. Đây chính là tiếng nói của lương tâm mà Thiên Chúa đã phú ban cho con người. Khi chúng ta chọn lựa làm điều xấu, sai trái và bất công, tâm tư cũng bị áy náy buồn phiền. Cái làm cho chúng ta áy náy chính là sự nhắc nhở của tiếng nói thầm trong lòng. Đôi khi chúng ta bị giằng co giữa sự chọn lựa tốt và xấu. Và chúng ta dễ bị sa ngã và sai phạm vì sự yếu đuối, lòng tham lam và tự ái. Khi chọn lựa làm điều bất công là chúng ta đã bị thua chính mình. Có những lý do khách quan và chủ quan chi phối trong sự chọn lựa, nhưng mỗi người phải chịu trách nhiệm về sự quyết định của mình. Chúng ta đừng tập đổ thừa cho hoàn cảnh hay cho người khác. Hãy nhìn vào chính mình, xét mình trước mặt Chúa, chấp nhận lỗi lầm của mình, xin ơn tha thứ và trở về với chính mình: Nhân chi sơ tính bản thiện.

Trở về với nhau, vợ chồng. Những ngày đầu vợ chồng yêu thương lưu luyến đã dần nhạt phai theo năm tháng. Những hấp dẫn dịu ngọt của đời sống lứa đôi ban đầu, nay trở thành gánh nặng. Sự tôn trọng và tha thứ đã trở thành những sự coi thường và bắt bẻ nhau khi tình yêu bị rạn nứt. Khởi đầu vợ chồng khao khát đến với nhau một cách tự nguyện và yêu thương. Cái gì đã gây nên kẽ hở liên kết tình yêu giữa vợ chồng? Phải chăng tình yêu bị nhạt nhòa và san sẻ, thân xác không còn hấp dẫn hay tính tình không còn am hợp, gánh nặng gia đình ràng buộc không còn tự do… Dĩ nhiên trong đời sống gia đình, chúng ta sẽ có những tháng ngày Xuân, Thu, Đông và Hạ, nhưng mùa màng thay đổi theo nhịp thời tiết của thiên nhiên. Gia đình cũng không ra khỏi những vần xoay của cuộc sống. Mùa chay giúp mỗi người chúng ta nhìn lại chính mình, tìm lại trách nhiệm và bổn phận của mình đối với vợ, với chồng. Bỏ qua và tha thứ cho nhau những lỗi lầm. Hãy trở về bên nhau sưởi ấm tình yêu ban đầu.

Trở về với cha mẹ. Con cái vẫn luôn là con cái trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù tuổi tác đã cao và công danh đã đạt, con cái vẫn còn bổn phận đối với đấng bậc sinh thành. Ai trong chúng ta cũng đã được cưu mang trong lòng mẹ. Hầu như ai cũng được sinh ra và dưỡng nuôi nơi mái ấm tình yêu trong gia đình. Mỗi người hãy tự nhìn về mình, có những người trẻ đã bỏ mái ấm gia đình mà đi hoang. Con cái đã có những tháng ngày theo chúng bạn rong chơi trong môi trường thế tục, hút sách, chơi bời và rong ruổi theo con đường trụy lạc. Hãy dừng lại! Hãy nghĩ về tình yêu của cha mẹ. Mẹ cha đang chờ ngày con trở về. Vui mừng biết bao khi con đã mất, nay lại còn sống. Hãy nhìn kìa có biết bao em trẻ mồ côi mong được một mái ấm, một sự vỗ về yêu thương của mẹ, của cha mà chẳng bao giờ có được.

Trở về với gia đình. Gia đình là tổ ấm của tình yêu. Gia đình là đơn vị xây dựng nên xã hội. Chúng ta được lớn lên trong mái ấm của gia đình. Chúng ta được chia sẻ tình yêu thương với mẹ cha và anh chị em ruột thịt. Trong gia đình, cha mẹ, anh chị đã dạy chúng ta biết đi, biết đứng, biết ăn, biết nói và lớn lên trong tình yêu. Gia đình là xã hội nhỏ và thân thương nhất. Gia đình là chiếc nôi đầu tiên dạy chúng ta làm người. Là con người, chúng ta cần có những sợi giây liên đới với cội nguồn và tạo nên một dòng tộc. Chúng ta không thể lữ hành đơn côi trong cuộc sống. Chúng ta cần nhiều sự nâng đỡ, đùm bọc và yêu thương từ những trái tim nồng cháy thân thương trong gia tộc. Mỗi người hãy nhận diện vai trò và trách nhiệm của mình trong đại gia đình. Trở về với nguồn cội. Con người sinh ra có tổ tiên, ông bà và cội nguồn. Trở về với gia đình là niềm vui xum họp được Chúa chúc phúc.

Trở về với xóm làng và cộng đoàn dân Chúa. Chúa Giêsu khi ra đi rao giảng, Ngài đã không quên trở về quê hương xứ sở để đem tin mừng cứu độ. Chúa đã trở lại làng xưa để gặp gỡ bà con, thân nhân họ hàng và bạn bè. Đây là một niềm vui chia sẻ. Cũng như chúng ta có nơi chôn nhau cắt rốn, có quê hương, có xứ nhà và nơi đó có nhiều kỷ niệm. Có những người đã thành công đỗ đạt, thăng quan tiến chức cũng trở về quê để vinh quy bái tổ. Đội ơn trời đất và bà con xóm làng. Chúng ta còn có các nhóm hội và cộng đoàn Giáo Xứ. Mỗi dịp vui buồn, chúng ta có bà con xóm làng, thành viên trong hội đoàn, trong cộng đoàn chia sẻ và nâng đỡ ủi an khi sầu muộn. Chúng ta cùng chung vui khi ai đó thành công trên đường đời. Cộng đoàn không phải là một tổ chức đòi hỏi hay gánh nặng để chúng ta phải xa tránh. Nhưng cộng đoàn là một môi trường giúp chúng ta nên người và nên thánh. Hãy trở về với Cộng Đòan, chúng ta sẽ tìm thấy niềm vui và sự nâng đỡ. Thánh Phaolô viết thơ gởi cho giáo đòan Corintô khuyến khích rằng: Nay tôi lại vui mừng, không phải vì đã làm cho anh em phải ưu phiền, nhưng vì nỗi ưu phiền đó đã làm cho anh em hối cải. Thật thế, anh em đã phải ưu phiền theo ý Thiên Chúa, nên chúng tôi không làm thiệt hại gì cho anh em (2 Cor 7:9).

Trở về với Giáo Hội. Chúng ta đựợc sinh lại làm con Chúa qua Giáo Hội. Trong Giáo Hội, chúng ta được lãnh nhận biết bao hồng ân. Giáo Hội là nơi giúp chúng ta trở nên con người hoàn hảo và thánh thiện. Chúng ta hiểu biết được ý nghĩa cuộc đời. Chúng ta học biết đâu là lý tưởng và đâu là cùng đích của cuộc đời. Qua Giáo Hội chúng ta được lớn lên trong ân sủng qua các Bí Tích. Từ Bí Tích Rửa Tội sinh chúng ta lại làm con cái Chúa và Bí tích Thánh Thể nuôi dưỡng linh hồn chúng ta. Bí tích Hòa Giải dẫn dắt chúng ta trở về với tình yêu của Chúa và Giáo Hội. Giáo Hội luôn mở rộng cửa đón mời chúng ta và dẫn dắt chúng ta vào nguồn sống thực. Nếu có lần nào chúng ta lạc bước xa rời giáo hội, giờ đây hãy trở về. Với hơn một tỉ trái tim của các tín hữu đang mong chờ, chúng ta sẽ không bị đi trong cô đơn. Giáo Hội đang hân hoan chờ đón con cái trở về dưới bóng cờ chiến thắng của Vua Giêsu.

Trở về với Thiên Chúa. Thiên Chúa chính là cội rễ và là nguồn của mọi thứ tình yêu. Xin Chúa thánh hóa chúng con trong sự thật của Chúa Thánh Thần. Chúng ta đi vào cuộc đời là đi vào sự hiện hữu. Từ không, Thiên Chúa đã cho chúng ta hiện hữu làm người. Chúa đã chia sẻ tình yêu thương của chính Chúa cho chúng ta. Thiên Chúa ban cho chúng ta có ý chí và tự do để đáp lại lời yêu thương của Chúa. Nhiều lần chúng ta đã đi lạc đường, Chúa kêu mời chúng ta trở về. Chúng ta đã phạm tội, Chúa chịu chết để đền bù và tha thứ tội lỗi cho chúng ta. Chúng ta chối bỏ Chúa, Chúa vẫn cứ chờ đợi chúng ta về để được Chúa ấp ủ yêu thương. Chúa chính là TÌNH YÊU. Tình yêu của Chúa vượt trên hết các loại tình yêu. Tình yêu của Chúa là tình yêu tha thứ. Hãy nhìn lên thập giá, Chúa đang âu yếm nhìn bạn đó. Chúa đã đổ tới giọt máu cuối cùng và chết trần trụi trên thập giá, cũng chỉ vì chúng con mà thôi. Hãy trở về với chính nguồn tình yêu, chúng ta sẽ được ngụp lặn trong biển tình.

Quyết Tâm

Lạy Chúa, khi chúng con bước vào Năm Thánh 2010, chúng con nhận biết rằng từ đời đời Chúa đã yêu thương gọi và chọn chúng con vào đời. Chúa cho chúng con được sinh lại làm con cái Chúa. Chúa ban cho chúng con một Giáo Hội kiên cường trong Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến. Chúng con có những người cha nhân lành chăn dắt và dưỡng nuôi chúng con với của ăn Thánh. Đức Tin của chúng con được lớn lên trong lòng Giáo Hội Việt Nam. Một Giáo Hội đã xây dựng trên niềm tin sắt đá và trên máu cùng nước mắt của các Vị Tiền Nhân. Các Ngài đã anh dũng giữ vững niềm tin qua mọi cơn thử thách. Xin cho chúng con được ơn trở về với tình yêu của Chúa và xin cho chúng con sống giữ đức tin và luôn gắn bó với Giáo Hội của Chúa Kitô.
 
Tha thứ
Jos. Tú Nạc, NMS
18:09 10/03/2010
Kinoshita là một dũng sỹ tài ba.Chàng sống vào thời kỳ Nhật Bản cổ đại. Kinoshita đã thắng nhiều trận chiến. Chàng kiên cường và dũng cảm. Nhưng chàng cảm thấy băn khoăn phiền muộn. Vào một đêm, hình ảnh của những trận chiến đẫm máu choán ngập tâm trí chàng. Chàng đã nghi ngờ cuộc sống và cái chết. Cuối cùng, chàng đã quyết định tìm kiếm sự giúp đỡ. Kinoshita đi một chuyến thật xa. Chàng tìm đến ngôi nhà của một nhà tu già. Người ta kể rằng ông già này rất thông thái. Kinoshita bước qua cửa. chàng la lớn:

“Hãy nói cho tôi biết nhà thông thái: Sự khác nhau giữa thiên đàng và địa ngục là gì?”

Nhà thông thái trầm ngâm một lúc. Rồi quay sang nhìn lên chỗ Kinoshita. Ông nói, “Anh tự cho anh là một dũng sỹ phải không?! Sao không nhìn vào anh đi! Trông anh không đủ to lớn hoặc đủ sức mạnh! Anh có thể không phải là một dũng sỹ thật!”

“Cái gì?” Kinoshita hét to. Và chàng đặt tay lên thanh kiếm.

“Úi chà”, nhà thông thái nói, “Tôi thấy anh với tới thanh kiếm của mình. Tôi nghĩ anh không thể chặt đứt đầu của một con ruồi với thanh kiếm ấy!”

Kinoshita vô cùng cáu giận. chàng không thể tự kiềm chế. Chàng rút kiếm ra khỏi vỏ. Chàng sẵn sàng đưa đầu lão già lìa khỏi cổ.

“Con trai của ta”, nhà thông thái nói, “Đó là cổng dẫn vào địa ngục.”

Một cách chậm chạp, Kinoshita hạ kiếm của mình. Nhà thông thái đã mạo hiểm cuộc sống của mình để dạy chàng. Kinoshita cúi đầu thật thấp trước nhà thông thái. Chàng xin được tha thứ. Và chàng cám ơn ông già với lòng tử tế của mình. Nhà thông thái nói:

“Con trai của ta, đó là cổng bước vào thiên đàng.”

Người ta đã kể câu chuyện bịa đặt này trong phạm vi của sự xung đột. Họ đã dùng nó để giảng dạy về sự khoan dung. Một số người nói thiên đàng và địa ngục là thể hiện trạng thái khác nhau của tâm trí.. Thoạt đầu, sự cáu giận choán ngập tâm trí Kinoshita. Nhưng những lời của nhà thông thái đã biến đổi Kinoshita. Tâm trí chàng đã trở nên điềm tĩnh và thanh thản. Chàng đã có thể nhận ra lỗi lầm của mình.

Nhưng đây chỉ là một câu chuyện. Làm cách nào mà một người nào đó có một tâm trí thanh thản trong một thế gới thực tại?

Vào Lễ Giáng sinh năm 2000, Đức Thánh Cha Phao-lô II đã thực hiện một điều mà không một vị tiền nhiệm nào đã làm trước đó. Ngài đã thừa nhận lỗi lầm của Giáo hội trong suốt lịch sử. Ngài đã xin lỗi tới những nhóm người khác nhau. Ngài kể cả người Do Thái và Hồi giáo. Trong cuộc đời của Ngài, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô đã chứng minh sự tha thứ cá nhân. Ngài đã tha thứ cho người đàn ông đã bắn Ngài.

Vụ ám sát xảy ra vào tháng Năm, năm 1981. Âm thanh của khẩu súng đã làm tĩnh lặng những đám đông tại Quảng trường Thánh Phê-rô, Rô-ma. Mehmet Ali Agca đã bắn khẩu súng đó. Y đã được phóng thích từ nhà tù ở Thổ Nhĩ Kỳ. Những viên đạn đã trúng bao tử của Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô. Hai năm sau, Ngài đến thăm Ali Agca trong nhà tù. Ngài yêu cầu mọi người hãy cầu nguyên cho Ali Agca. Ngài nói, “Hãy cầu nguyện cho người anh em của tôi. Tôi đã chân thành tha lỗi cho anh ta.”

Vậy Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô tha lỗi như thế là thế nào?

Chúng ta có thể nghĩ rằng những hành động đúng phải thì dễ dàng hơn đối với Đức Thánh Cha người mà đã cổ vũ để tha thứ. Tất cả những Ki-tô hữu cũng đều vậy. Nhưng thế nào họ có thể làm điều đó? Những Ki-tô hữu tin rằng Thiên Chúa đã thứ tha cho họ vì những hành động sai trái của họ. Nên họ hết sức noi theo gương của Người. Toàn bộ thông điệp của Ki-tô giáo tập trung vào sự tha thứ. Điều đó nói về sự tha thứ của Thiên Chúa đối với loài người – Qua Chúa Giê-su Ki-tô. Đó là cuộc tử nạn của Chúa Giê-su để cứu chuộc tội lỗi loài người. Sự hy tế của Người đã tạo ra lòng khoan dung cho tất cả mọi người nếu có thể. Vây những người được tha thứ có thể kêu gọi Thiên Chúa, Chúa Cha. Đây là tình yêu trong sự no đầy của nó. Nó tràn ngập tâm hồn và tâm trí của con người. Nó làm cho con ngừơi có thể yêu thương và tha thứ tha nhân nhiều hơn – ngay cả kẻ thù của mình.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:38 10/03/2010
CHỈ BÁN HẠT GIỐNG

N2T


Một phụ nữ nằm mơ thấy mình đến một siêu thị rất là mới, càng không thể tưởng tượng được là người đứng sau quầy hàng lại là Thiên Chúa.

- “Ngài thường bán những gì ?”

- “Bán tất cả những gì trong lòng ngươi nghĩ đến.”


Người phụ nữ thật không thể tin tưởng vào lỗ tai của mình nữa, sau đó quyết định muốn một vài thứ mà lòng con người thường khát vọng:

- “Con mua sự điềm đạm của tâm hồn, mua tình yêu, vui vẻ, khôn ngoan và chẳng sợ hãi gì cả.” Bà ta nghĩ một lúc rồi bổ sung thêm một câu: “Không chỉ có con, mà mỗi một người trên mặt đất này đều cần mua những thứ ấy.”

Thiên Chúa cười mĩm, nói:

- “Này con, Ta nghĩ là con sai rồi đó, ở đây không bán hoa quả, mà chỉ bán hạt giống mà thôi.”

(Lắng nghe của loài ếch)

Suy tư:

Khi đi chợ hoặc khi đi siêu thị mua sắm, thì thường là mua những sản phẩm đã hoàn thành, chứ không ai đi mua những sản phẩm chưa hoàn thành.

Nhưng cửa hàng tâm linh thì không như vậy, Thiên Chúa là người bán hàng, Ngài không bán những gì đã làm sẵn, nhưng Ngài chỉ bán hạt giống là ân sủng, để từ ân sủng ấy mà chúng ta gieo trồng tình yêu, hòa bình, vui vẻ, khôn ngoan, sự điềm đạm và tất cả những gì thuộc về sự hoàn thiện.

- Nếu trong lòng chúng ta có ân sủng của Thiên Chúa, thì chúng ta biết sản sinh những tình yêu chân thành: tình yêu vợ chồng, tình yêu bè bạn, tình yêu tha nhân...

- Nếu trong lòng chúng ta có ân sủng của Thiên Chúa, thì chúng ta biết sống vui vẻ chan hòa với mọi người.

- Nếu trong lòng chúng ta có ân sủng của Thiên Chúa, thì chúng ta biết sống khôn ngoan và hành động như con cái của sự sáng...


Thiên Chúa không đem cái đã có sẵn cho chúng ta, nhưng Ngài luôn mong muốn chúng ta biết vun trồng ân sủng (hạt giống) đã gieo vào tâm hồn của mình, để trổ sinh hoa trái tình yêu, hoa trái khôn ngoan, hoa trái vui vẻ, hoa trái khôn ngoan, hoa trái khiêm tốn và những hoa trái thánh thiện khác.

-------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:39 10/03/2010
N2T


14. Nếu con thích vui vẻ thì vui vẻ chính là chủ nhân của con.

(Thánh Thomas Aquinas)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:40 10/03/2010
N2T


386. Một người không có tranh chiến với bản thân mình, thì vĩnh viễn không thể đánh bại địch nhân.

 
Tâm Sự Với Chúa Mỗi Ngày - Tuần 4 Mùa Chay C
Lm Jos Tạ Duy Tuyền
22:27 10/03/2010
Thứ hai sau Chúa nhật 4 mùa chay

Ga 4,43-54

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,

Với đức tin chân thành, chúng con xin được thờ lạy và ngợi khen Chúa đang hiện diện trong tâm hồn chúng con qua bí tích Thánh Thể. Xin cho chúng con được lớn lên trong tình yêu và sự che chở của Chúa.

Lạy Chúa, giữa giòng đời đầy sóng gió nghi nan. Đời người luôn chìm đắm trong khó nguy trăm chiều. Từ nơi cao xanh Chúa có nhìn thấy những bất hạnh của con người hay không? Chúa có nghe thấy tiếng than khóc của biết bao cha mẹ đã hết nước mắt vì những đứa con đang chết dần trong tội lỗi, trong đam mê lầm lạc? Chúa có nhìn thấy cảnh bạo lực, cảnh thác loạn đang giết đời tuổi trẻ và gieo tai họa cho nhân thế hôm nay?

Lạy Chúa, với đức tin chân thành của viên quan chức triều đình, Chúa đã chạnh lòng thương để cho con ông được cứu sống. Xin nhận lời các người cha, người mẹ hôm nay đang kêu cầu Chúa cứu chữa, cho những người con luôn biết gìn giữ sự trong sạch trong tâm hồn, và thắng vượt những đam mê tội lỗi. Xin cho các anh, các chị đang rơi vào cạm bẫy của ma quỷ, được giải phóng khỏi tội lỗi để sống trong tự do của con cái Chúa. Xin cho thiếu nhi chúng con luôn biết chuyên chăm học lời Chúa và giáo lý của Chúa để chúng con được củng cố trong đức tin, đức cậy và đức mến, ngõ hầu chúng con luôn sống trung tín với Chúa hôm nay và suốt cuộc đời chúng con. Amen

Thứ ba sau Chúa nhật 4 mùa chay

Ga 5,1-16

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,

Với tấm bánh đơn sơ nhỏ bé, Chúa đã trao hiến thân mình nên nguồn sống cho cuộc đời chúng con. Chúng con xin tạ ơn, chúc tụng và ngợi khen tình yêu của Chúa đã dành cho chúng con.

Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã mang lấy thân phận giống như chúng con. Chúa đã hiểu được nỗi đau của bệnh tật. Chúa đã thấu hiểu được nỗi chua cay của sự bị khinh chê, khước từ. Suốt cuộc đời dương gian, Chúa đã tìm đến những con người bất hạnh, khổ đau đó để thi ân, giáng phúc và khôi phục phẩm giá làm người nơi họ. Hôm nay, Chúa đã nhìn tới thân phận bị bỏ rơi của người bại liệt. Anh đang sống lây lất một kiếp người. Anh đang sống trong tuyệt vọng của cô đơn, khước từ. Chúa đã mang lại cho anh một sức sống mới. “Hãy đứng dạy vác chõng mà về”. Từ nay anh đã có thể đi bằng đôi chân của mình. Từ nay anh có thể tự do sống một kiếp người như bao con người khác.

Lạy Chúa, chúng con xin dâng lên Chúa cuộc đời chúng con. Xin hãy thánh hoá chúng con trong tình yêu của Chúa. Xin đừng để những đam mê tội lỗi làm bại liệt mọi ý chí tốt lành nơi chúng con. Xin giúp chúng con luôn biết tự chủ trong mọi tư tưởng và việc làm của mình theo thánh ý Chúa. Xin cho chúng con luôn sống trong tự do của con cái Thiên Chúa. Amen.

Thứ tư sau Chúa nhật 4 mùa chay

Ga 5,17-30

Lạy Chúa Giê su Thánh Thể, mỗi lần chúng con rước Chúa là một lần chúng con được nuôi dưỡng bởi sức sống thần linh của Chúa. Xin cho chúng con biết học nơi Chúa luôn tận tuỵ trong công việc và trung tín với bổn phận của mình.

Lạy Chúa, vì yêu thương nên Chúa đã tự nguyện đi vào con đường đau khổ để cứu độ trần gian. Tình yêu của Chúa tựa như nhịp đập của con tim không bao giờ ngưng nghỉ,. Chúa luôn làm tất cả để chúng con được sống và sống dồi dào trong ân sủng của Chúa.

Hôm nay chúng con cũng xin Chúa chúc lành cho cha mẹ chúng con. Vì cả một đời luôn vất vả hy sinh cho chúng con. Bất kể mưa nắng. Đầu hôm sớm mai nơi ruộng vườn và ngược xuôi nơi bến chợ, để bòn nhặt từng chén cơm, từng quyển vở cho chúng con ăn học. Xin giúp chúng con biết trả ơn cha mẹ bằng đời sống ngoan hiền, chăm học và luôn chu toàn bổn phận hằng ngày của mình. Xin Chúa cũng cất đi những gánh nặng của bao cha mẹ đang đau khổ vì tội lỗi của con cái gây nên. Xin giúp chúng con đừng bao giờ chồng chất thêm những gánh nặng trên cha mẹ, nhưng biết chia sẻ những mệt nhọc của cha mẹ trong khả năng và sức lực của mình. Amen

Thứ Năm sau Chúa nhật IV Mùa chay

Ga 5,31-47

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,

Chúng con xin tạ ơn Chúa vì Chúa đã đến với chúng con qua bí tích Thánh Thể, để nâng đỡ, bổ dưỡng và trợ giúp chúng con trên đường lữ thứ trần gian.

Lạy Chúa, thế giới hôm nay cũng như hôm qua, vẫn còn đó những người lầm đường lạc lối vì thiếu ánh sáng chân lý soi đường, vẫn còn đó những người sống trong bóng tối của ích kỷ mù quáng, vẫn còn đó những Pharisêu cố chấp đến độ không nhận ra sự thật để sống theo sự thật. Họ là những con người giả dối chỉ lo dạy người mà quên sửa mình, như ca dao Việt Nam đã nói: “Chân mình còn lấm bê bê – Lại cầm bó đuốc mà rê chân người”. Nhân loại hôm nay vẫn không thiếu những người sống trong u tối từ cách nhìn, cách nghĩ và cách sống, nên hành xử thiếu đại lượng, khôn ngoan, và nhân từ. Cuộc chiến giữa ánh sáng và bóng tối vẫn còn đang tiếp diễn trên thế giới và trong lòng chúng con. Ước gì chúng con đừng chỉ lo nguyền rủa bóng tối, nhưng can đảm thắp lên những ngọn lửa, để cả trái đất ngập tràn ánh sáng Chúa. Ánh sáng của tình yêu để phá tan bóng tối của thù hận, ghen tương và ích kỷ. Ánh sáng của chân lý để phá tan bóng tối của mưu mô xảo quyệt, của đam mê lầm lạc. Xin cho cuộc đời chúng con luôn phản chiếu ánh sáng tin mừng khắp thế gian và lan tỏa trên mọi nẻo đường chúng con bước đi. Amen

Thứ sáu sau Chúa nhật 4 mùa chay

Ga 7,1-2.10.25-30

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,

Hằng ngày Chúa vẫn đến viếng thăm chúng con không chỉ một lần trong thánh lễ, nhưng trong từng giây, từng phút, Chúa vẫn ở bên chúng con. Chúa có mặt trong từng biến cố vui buồn của cuộc đời chúng con. Chúng con xin tri ân và cảm tạ tình yêu cao vời của Chúa. Xin giúp chúng con luôn nhận ra sự hiện diện của Chúa để biết sống dưới cái nhìn của Chúa.

Lạy Chúa, năm xưa Chúa đã đau khổ nhiều về sự mù quáng của các người biệt phái. Bởi mù quáng nên họ đã rắp tâm tìm cớ để loại trừ Chúa. Họ mù vì thiên kiến hẹp hòi. Họ mù vì kiêu căng tự mãn. Họ mù vì những ghen ghét giận hờn. Bởi mù loà mà họ đã giết Con Một Thiên Chúa Đấng đã được sai đến cứu độ trần gian.

Lạy Chúa, xin giải thoát chúng con khỏi sự mù quáng để chúng con có thể nhận ra Chúa trong cuộc đời chúng con. Xin đừng để những đam mê thấp hèn khiến chúng con mờ tối con mắt đến mê muội và làm những điều xấu xa xúc phạm đến Chúa. Xin cho chúng con biết sống khiêm tốn để có thể nhận ra Chúa đang hiện diện nơi tha nhân, nhờ đó chúng con biết đối xử với nhau trong yêu thương chân thành. Amen

Thứ bảy sau Chúa nhật 4 mùa chay

Ga 7,40-53

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Qua bí tích Thánh Thể, Chúa mãi lưu lại với chúng con. Chúa ở cùng chúng con để nâng đỡ và chở che cuộc đời chúng con. Chúng con xin dâng trọn xác hồn cho Chúa. Xin Chúa hãy chiếm lấy hồn xác chúng con. Xin cho chúng con luôn được sống sức sống của Chúa để chúng con nên giống Chúa hơn.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Chúa chính là lẽ sống cuộc đời chúng con. Cho dù nhiều người có bỏ Chúa để chạy theo những danh, lợi, thú trần gian. Nhưng chúng con vẫn xác tín: Chúa là cùng đích cuộc đời chúng con. Xin giúp chúng con không chỉ tuyên xưng Chúa trên môi miệng, mà còn bằng cả cuộc sống bước theo Chúa trên đường thập giá hy sinh. Xin giúp chúng con biết đón nhận những thập giá của bổn phận, thập giá của những từ bỏ, những hy sinhlàm việc thiện để sống theo thánh ý Chúa. Xin giúp chúng con dám tuyên xưng Chúa bằng cả cuộc đời dấn thân và phục vụ anh em.

Lạy Chúa, Chúa là Đấng chúng con tôn thờ trên hết mọi sự. Xin Chúa hãy chiếm lấy hồn xác chúng con. Xin Chúa hãy ngự trị trong cuộc đời chúng con. Chúng con xin được phó thác cuộc đời trong tay Chúa. Amen

Lm.Jos Tạ duy Tuyền
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tòa Thánh nhắc lại việc can thiệp để bênh vực cho phụ nữ
Bùi Hữu Thư
09:50 10/03/2010
Sự can thiệp của quan sát viên thường trực tại Liên Hiệp Quốc

ROME, Thứ Ba 9 tháng Ba, 2010 (Le Monde vu de Rome) – Đức Tổng Giám Mục Celestino Migliore đã tuyên bố như sau tại Nữu Ước: “Việc cải tiến tình trạng của phụ nữ và cuộc tranh đấu cho phẩm giá và quyền lợi của phụ nữ là một ưu tiên đối với Tòa Thánh.”

Là khâm sứ và quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc, Đức Tổng Giám Mục lên tiếng trong buổi họp thứ 54 của Ủy Ban Tình Trạng Phụ Nữ của Hội Đồng Kinh Tế và Xã Hội.

Theo Đức Tổng, cuộc tranh luận về vấn đề phụ nữ hãy còn “rất nhiều bóng đen đáng lo ngại che phủ.”

Ngài giải thích: những tiến bộ đạt được trên thế giới trong 15 năm qua, bao gồm nhiều thứ kể cả “những cải tiến trong việc giáo dục các trẻ gái, việc cổ võ phụ nữ như những yếu tố căn bản để loại trừ sự nghèo khó và khuyến khích sự phát triển, một sự gia tăng trong việc tham gia vào đời sống xã hội, những cải cách chính trị nhằm loại trừ tất cả mọi hình thức chống lại phụ nữ và những đạo luật đặc biệt chống lại sự bạo hành trong gia đình.”

Ngài đã đặc biệt nhấn mạnh về “vai trò thiết yếu của xã hội dân sự trong tất cả mọi lãnh vực để đề cao phẩm giá của phụ nữ, cũng như các quyền lợi và trách nhiệm của họ.”

Tuy nhiên, “các phụ nữ vẫn tiếp tục phải gánh chịu đau khổ tại nhiều nơi trên thế giới.”

Thực vậy, người ta không thể quên những hiện tượng ghê gớm như việc phá thai, diệt trừ và bỏ rơi trẻ em, hay cả sự kỳ thị trong việc trợ giúp về y tế và thực phẩm.

Ngài đã tố cáo: “Sự thiếu dinh dưỡng liên quan đến các trẻ gái nhiều hơn là các bé trai, bằng cách ngăn chặn sự tăng trưởng về thể lý và tâm lý. Đồng thời, các thiếu nữ trên 15 tuổi thuộc vào hai phần ba thành phần những người thất học trên thế giới.

Đức Tổng tiếp: “Ba phần tư những người mắc bệnh AIDS là các trẻ vị thành niên và phụ nữ trong lứa tuổi 15 đến 24 năm, cho thấy rằng phân nửa những nạn nhân bị khai thác, và 70% là những trẻ vị thành niên hay phụ nữ.”

“Trên toàn thế gới, những trẻ vị thành niên và phụ nữ là nạn nhân của những vụ bạo hành thể lý, tính dục và tâm lý, kể cả việc bị hãm hiếp như là một vũ khí trong cuộc chiến, và còn phải nhắc đến việc khai thác về kinh tế nữa.”

Vị đại diện Tòa Thánh nói: những lý do cho tình trạng này có rất nhiều, trong đó phải kể đến “những tác động về xã hội và văn hóa”, và những “sự chậm chạp và bê trễ về chính trị.”

Ngài tiếp: “Chúng ta cũng cần xem xét các nguyên tắc, những ưu tiên, và những hoạt dộng chính trị của các tổ chức quốc tế. Mặc dầu chúng ta cố gắng đạt được sự bình đẳng giữa nam giới và nữ giới về giáo dục, việc làm, về việc bảo vệ các quyền lợi xã hội và chính trị “trong bối cảnh của sự bình đẳng giữa hai phái”, “vẫn có những dữ kiện chứng tỏ rằng việc xuyên tạc bối cảnh này luôn luôn có tính cách lý tưởng và làm chậm trễ sự phát triển đích thực của phụ nữ.”

Ngoài ra, Đức Tổng Migliore cũng nhắc đến những văn kiện chính thức mới đây trong đó giải thích về phái tính “đã loại trừ mọi tính cách đặc biệt và bù trừ giữa người nam và người nữ.” Những lý thuyết này “không thay đổi bản chất của sự việc nhưng lại là một chướng ngại đối với sự tiến bộ trong viêc công nhận phẩm giá và quyền lợi của phụ nữ.”
 
Tuyên bố của Tòa Thánh về việc lạm dụng tình dục vị thành niên
Vũ Văn An
18:23 10/03/2010
Hôm nay, 10 tháng 3, cha Federico Lombardi, phát ngôn viên của Tòa Thánh đã cho công bố bản tuyên bố sau đây của Tòa Thánh về các trường hợp lạm dụng tình dục vị thành niên.

Trong mấy tháng nay, vấn đề rất nghiêm trọng về việc lạm dụng tình dục các vị thành niên trong các định chế do các tổ chức của Giáo Hội cũng như các người nắm giữ chức vụ có trách nhiệm bên trong Giáo Hội quản trị, nhất là các linh mục, đang phong tỏa Giáo Hội và xã hội Ái Nhĩ Lan.

Mới đây, Đức Thánh Cha đã bày tỏ sự quan ngại của ngài, cách riêng qua hai buổi gặp gỡ: buổi đầu với các vị cao cấp trong hàng giám mục, và buổi sau đó với các vị bản quyền. Ngài cũng đang chuẩn bị công bố một bức thư về chủ đề này gửi Giáo Hội Ái Nhĩ Lan.

Nhưng suốt mấy tuần qua, cuộc tranh cãi về việc lạm dụng tình dục các vị thành niên cũng đã liên quan đến Giáo Hội tại một vài quốc gia miền Trung Âu Châu (Đức, Áo và Hòa Lan). Chính vì phát triển mới này, chúng tôi muốn đưa ra một vài nhận xét đơn giản.

Các định chế chính thuộc giáo hội có liên quan ở đây, tức Tỉnh Dòng Tên của Đức (Lần đầu tiên có liên lụy vì vụ xẩy ra tại Canisius-Kolleg ở Bá Linh), Hội Đồng Giám Mục Đức, Hội Đồng Giám Mục Áo và Hội Đồng Giám Mục Hòa Lan, đã đối diện với việc xuất hiện vấn đề này bằng một hành động kịp thời và cương quyết. Họ đã chứng tỏ được ý muốn trong sáng và trong một số trường hợp, còn làm nhanh việc xuất hiện vấn đề bằng cách mời các nạn nhân lên tiếng, dù các vụ này đã xẩy ra cách nay nhiều năm. Khi làm như thế, họ đã tiếp cận vấn đề một cách đúng đắn, vì khởi điểm đúng là nhìn nhận điều đã xẩy ra và tỏ quan tâm đối với các nạn nhân và đối với các hậu quả do các hành vi phạm đến các nạn nhân này gây ra. Đàng khác, họ đã tái khảo sát các “chỉ thị” hiện hành và đã đặt kế hoạch để đưa ra các chĩ dẫn hành động mới, là các chỉ dẫn cũng sẽ nhắm nhận ra một chiến lược phòng ngừa, để có thể làm bất cứ điều gì có thể làm được ngõ hầu đảm bảo được rằng những vụ tương tự sẽ không tái diễn trong tương lai.

Các diễn biến trên đang thúc đẩy Giáo Hội tìm ra các giải pháp thích hợp và ta nên đặt các diễn biến này vào một bối cảnh rộng lớn hơn, một bối cảnh biết quan tâm tới việc bảo vệ trẻ em và các người trẻ khỏi bị lạm dụng tình dục trong xã hội nói chung. Đã đành, các lầm lỗi phạm phải bởi các định chế giáo hội và các nhân vật của Giáo Hội đáng bị nguyền rủa cách riêng vì trách nhiệm giáo dục và luân lý của Giáo Hội, nhưng mọi người khách quan và có hiểu biết hẳn biết rằng vấn đề ấy có tính bao quát hơn, nên chỉ chú tâm tố cáo một mình Giáo Hội là chứng tỏ một cái nhìn lầm lạc. Xin đơn cử một thí dụ, các dữ kiện mới đây do các nhà cầm quyền Áo cung cấp cho thấy trong cùng một khoảng thời gian, con số các vụ được chứng minh trong các định chế của Giáo Hội là 17, thì tại các khu vực khác, con số ấy là 510 vụ. Dĩ nhiên ta cũng phải quan tâm tới các vụ đó nữa.

Tại Đức, nhiều sáng kiến đang được đưa ra một cách chính xác, được Bộ Gia Đình hỗ trợ, trong việc kêu gọi một hội nghị bàn tròn giữa các cơ quan giáo dục và xã hội nhằm khảo sát vấn đề từ một quan điểm thích đáng và toàn diện. Dĩ nhiên Giáo Hội sẵn sàng tham dự và can dự vào, và có lẽ kinh nghiệm đau đớn riêng của Giáo Hội sẽ là một đóng góp hữu ích cho người khác. Thủ tướng Angela Merkel đã lên tiếng thừa nhận một cách chính xác tính nghiêm chỉnh và phương thức xây dựng của Giáo Hội Đức.

Để các nhận xét này được đầy đủ, một lần nữa cần nhớ rằng Giáo Hội vốn hiện hữu như là một phần của xã hội dân sự và sẵn sàng gánh trách nhiệm của mình trong xã hội ấy, nhưng Giáo Hội cũng có bộ luật riêng, tức bộ giáo luật, một bộ luật phản ảnh bản chất tâm linh và bí tích của mình và do đó, trong bộ luật này, các thủ tục tài phán và chấp hình có nhiều dị biệt. Thí dụ, các thủ tục này không dự liệu phạt tiền hay phạt mất tự do chẳng hạn, nhưng chỉ là ngưng việc thi hành thừa tác vụ và tước các quyền hạn trong lãnh vực giáo hội mà thôi… Trong ranh giới giáo luật, tội lạm dụng tính dục vị thành niên luôn luôn bị coi là một trong những tội nặng nhất, và các qui luật của Giáo Hội không ngừng tái xác nhận điều ấy, nhất là Thư năm 2001 tựa là "De delictis gravioribus," mà nhiều người lầm lẫn cho là nguyên nhân tạo ra “nền văn hóa câm lặng”. Những người biết và hiểu nội dung của nó biết rất rõ rằng nó là một dấu mốc cương quyết nhắc cho hàng giám mục nhớ tính nghiêm trọng của vấn đề cũng như là một thúc đẩy thực sự để các ngài đưa ra các chỉ dẫn thực hành để đương đầu với vấn đề ấy.

Để kết luận, dù không thể chối cãi tầm nghiêm trọng trong các khó khăn mà Giáo Hội đang phải trải qua, chúng ta cũng đừng bỏ qua việc phải làm mọi sự có thể để bảo đảm rằng, cuối cùng, chúng sẽ đem lại các kết quả tích cực, để bảo vệ tốt hơn các trẻ em và người trẻ trong Giáo Hội và trong xã hội, và thanh tẩy được chính Giáo Hội.
 
Thông tin về Hội ngộ Linh mục quốc tế vào tháng 6, 2010 tại Roma
Lm Nguyễn Tất Thắng OP
20:59 10/03/2010
THÔNG TIN
HỘI NGỘ LINH MỤC QUỐC TẾ
9-11, THÁNG 6 NĂM 2010.


1. Muốn tham dự Hội Ngộ Linh Mục Quốc Tế, mỗi linh mục phải ghi danh trước ngày 7 tháng 4 năm 2010.
Gửi đơn tham dự về Organizing Secretariat theo địa chỉ email hoặc fax.
Phiếu ghi danh sẽ được xác nhận sau khi đóng tiền.

2. Đóng chi phí hành chánh 30 Euro.
Số tiền này trang trải cho những tài liệu xử dụng trong Hội Ngộ, di chuyễn công cộng và Christian Open Bus trong 3 ngày Hội Ngộ.
Máy chuyển ngữ (Ý, Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Đức và Bồ)
Trợ giúp về kỹ thuật
Trợ giúp về y tế trong thời gian Hội Ngộ.

3. Sau khi nhận được giấy chứng minh đã ghi danh, linh mục có thể trình giấy này tại Tòa Đại Sứ Italia để xin Visa.

4. Ngoài chương trình 3 ngày Hội Ngộ Linh Mục Quốc Tế, Opera Romana Pellegrinaggi còn tổ chức các chuyến đi hành hương Đất Thánh, Đức Mẹ Lộ Đức, v.v...sau đó.

5. Mang theo áo Alba và Stola mầu trắng nếu muốn đồng tế trong các thánh lễ.

Lm Nguyễn Tất Thắng OP
và Ban Chấp Hành Liên Tu Sĩ Roma


La SEGRETERIA ORGANIZZATIVA del Convegno ha sede presso l’OPERA ROMANA PELLEGRINAGGI –
PIAZZA PIO XII, 9 (PIAZZA SAN PIETRO) – 00120 CITTÀ DEL VATICANO
Tel. #39.06.69896.393 / Fax #39.06.6988.5673 / E-mail: a.sacerdotalis@orpnet.o


HỘI NGỘ LINH MỤC QUỐC TẾ
“Trung thành của Chúa Kitô – Trung thành của Linh mục”

Chương trình
Thứ 4, ngày 9 tháng 6 năm 2010 - “Sám hối và Truyền giáo”
Địa điểm: Đền thờ Thánh Phaolô ngoài thành
9.00 Cầu xin Chúa Thánh Thần.
Hội thảo do ĐHY Joachim Meisner, TGM Cologna trình bầy.
Chầu Thánh Thể và xưng tội.
Thánh lễ do ĐHY Cláudio Hummes, Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ chủ tế.

Thứ năm, ngày 10 tháng 6 năm 2010. “Nhà tiệc ly: Chúa Thánh Thần hiện xuống trong hiệp thông với Đức Maria và trong tình huynh đệ”
Địa điểm: Đền thờ Đức Bà Cả
9.00 Cầu xin Chúa Thánh Thần.
Hội thảo do ĐHY Marc Ouellet, TGM Québec trình bầy.
Chầu Thánh Thể và xưng tội.
Thánh lễ do ĐHY Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh chủ tế.
Ban tối
Địa điểm: Công trường Thánh Phêrô
Canh thức.
Chứng từ cùng với nhạc đệm
Đối thoại với ĐTC Benedict 16
Chầu Mình Thánh Chúa và phép lành.

Thứ sáu, ngày 11 tháng 6 năm 2010 - “Hiệp thông trong giáo hội với Phêrô”
Địa điểm: Đền thờ Thánh Phêrô
Thánh lễ do ĐTC Benedict 16 chủ tế vào ban sáng.
......
Trang Web: http://www.annussacerdotalis.org/annus_sacerdotalis/annus_sacerdotalis___english/00001525_Annus_Sacerdotalis___English.html
 
Top Stories
Philippines: Les Philippines accueillent un sommet du Mouvement des non-alignés consacré au dialogue interreligieux
Eglises d'Asie
20:53 10/03/2010
Eglises d’Asie, 10 mars 2010 – Du 16 au 18 mars 2010, les Philippines accueilleront une réunion de niveau ministériel du Mouvement des non-alignés consacrée au dialogue interreligieux et à la coopération pour la paix et le développement. Le ministère des Affaires étrangères philippin attend une soixantaine de délégations et met en avant « la riche tradition » du pays, notamment en matière de coopération entre évêques catholiques et oulémas musulmans, pour expliquer que l’objet de la rencontre ne sera pas de débattre de théologie mais de réunir des responsables religieux autour de sujets tels que la pauvreté, le développement, la paix ou la sécurité.

S’inscrivant dans la continuité du XVème sommet des Etats membres du Mouvement des non-alignés, qui s’est tenu à Charm el-Cheikh, en Egypte, les 15 et 16 juillet derniers, la rencontre organisée à Manille se veut être un lieu d’échanges où les pratiques en matière de paix, de dialogue et de développement seront partagées pour le bien commun.

Initialement programmée au début du mois de décembre 2009, la rencontre a été repoussée à la demande des Philippines, dont le gouvernement avait alors dû gérer les conséquences du passage de deux typhons particulièrement violents sur son territoire. En dépit de ce report, le ministère des Affaires étrangères philippin estime que la participation sera élevée, 67 des 118 nations membres du Mouvement des non-alignés ayant confirmé l’envoi d’une délégation. Des tables rondes seront organisées pour mêler des responsables religieux, des hommes d’affaires et des dirigeants d’ONG. Parmi les principaux invités appelés à donner des conférences, figurent William Bentley, secrétaire général de la Conférence mondiale sur la paix et la religion, qui introduira les échanges par une réflexion sur les « Problèmes mondiaux affectant la paix et le développement », et le Rév. Christopher Ferguson, représentant aux Nations Unies du Conseil œcuménique des Eglises, dont la contribution portera sur la « Collaboration entre gouvernement et société civile à propos du dialogue interreligieux ».

Pour relancer un mouvement des non-alignés en perte de vitesse, les Philippines compte mettre en avant l’expérience acquise dans le dialogue interreligieux grâce à la Conférence des évêques et des oulémas. Depuis 1996, le Forum des évêques et des oulémas, qui est devenu plus tard la Conférence des évêques et des oulémas, est ce lieu d’échanges et de dialogue mis en place pour tenter d’apporter une solution à l’un des principaux conflits qui minent le pays depuis des décennies, à savoir la difficile cohabitation entre la majorité catholique et la minorité musulmane à Mindanao, dans le sud philippin (1). Aujourd’hui, la Conférence réunit 24 évêques catholiques, 18 pasteurs ou évêques protestants et 26 responsables religieux musulmans. Une rencontre est organisée tous les trois ans et, entre-temps, une structure de dialogue imans-prêtres-pasteurs se réunit régulièrement pour tenter de désamorcer les sources potentielles de conflits et d’incompréhension entre les communautés. Récemment, Manille a confié à la Conférence des évêques et des oulémas la tâche d’organiser une série de consultations, Konsult Mindanaw, dans le cadre des négociations de paix menées avec le Front moro de libération islamique.

Partie prenante de la Conférence des évêques et des oulémas, l’Eglise catholique des Philippines joue le jeu du gouvernement et participe aux initiatives prises pour étendre le modèle de la Conférence à d’autres pays. Ainsi, des échanges réguliers ont lieu avec l’Indonésie et, en janvier dernier, une délégation comprenant des évêques et des oulémas philippins a été accueillie au Pakistan (2). Mgr Fernando Capalla, archevêque catholique de Davao, à Mindanao, faisait partie de la délégation reçue à Islamabad. « Le ministre des Affaires étrangères (pakistanais) et ses adjoints ont été très intéressés par ce que nous leur avons expliqué. Le Pakistan a annoncé que sa délégation pour la rencontre de Manille compterait douze personnes, dont des responsables religieux. Nous les avons invités à venir nous rendre visite sur place, à Mindanao, une fois la rencontre terminée », a précisé Mgr Capalla à l’agence Ucanews (3).

(1) Voir EDA 405 (Dossiers et documents: « Une expérience de dialogue islamo-chrétien aux Philippines: la Conférence des évêques et des oulémas » par le P. Michel de Gigord, MEP)
(2) Voir EDA 522
(3) Ucanews, 10 mars 2010.

(Source: Eglises d'Asie, 10 mars 2010)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ La Phù hành hương trở về Đất Mẹ
La Phù
06:27 10/03/2010
SỞ KIỆN - Trong tinh thần trở về của mùa chay thánh, hôm nay, 9/3/2010, hai hội đoàn các cụ cao tuổi của giáo xứ La phù đã đi hành hương về Sở kiện, Vĩnh trị. Đây là hai trong bốn điểm hành hương của giáo phận trong năm thánh 2010.

Để chuyến hành hương được tốt đẹp, trước khi xe khởi hành, các cụ đã tập trung trong nhà thờ để cầu nguyện xin Chúa chúc lành.

Xe khởi hành đúng giờ đã định7g30. Đ?n 9g30, đoàn xe có mặt tại đền thánh Sở Kiện. Đoàn vào chào thăm Đức cha Giuse Nguyễn Văn Yến, cha xứ Giacobe Nguyễn Văn Tập, và cha giám đốc trung tâm Anton Trần Quang Tiến.

Không ai có thể hiểu hết nỗi niềm sung sướng của bà con khi họ tới được đất thánh. Gần một trăm cụ ông cụ bà, có nhiều cụ đã tuổi bát tuần. Ai cũng phấn khởi, như người con xa nhà hàng mấy chục năm nay có dịp về thăm cha mẹ.

Còn gì cảm động và vui mừng hơn khi mọi người được mắt thấy, tai nghe (cha giám đốc hưởng dẫn), tay được đụng đến các chứng tích thời tử đạo. Những bức tranh, những hình tượng vv thật sống động gợi lòng người hướng về quá khứ. Một quá khứ hào hùng thật đáng trân trọng và tôn vinh. Một bài học về lịch sử. Bài học về lòng cam đảm, sự hy sinh cao cả của các bậc tiền bối. Thánh lễ tại đền thánh Sở kiện do các ông bà trong đoàn hành hương chủ động. Thánh lễ rất trang nghiêm sốt sáng. Sau thánh lễ đoàn dùng cơm trưa tại nhà khách của trung tâm do giáo xứ Vinh Tr? phục vụ.

Sau khi nghỉ trưa, đúng 1g chiều, xe tiếp tục chuyển bánh đưa đoàn về Cố Đô Vinh trị. Mặc dù trưởng đoàn chỉ liên lạc qua điện thoại cho cha xứ Vĩnh trị trước 30 phút nhưng khi đoàn về tới khuôn viên nhà xứ, cha xứ và bà con giáo xứ Vĩnh Trị đã sãn sàng chờ đón. Cha xứ Fx Kiều Ngọc Viên niềm nở tay bắt mặt mừng mời đoàn vào nhà khách của giáo xứ. Với giọng nói nhẹ nhàng ấm cúng và rất chân trọng, cha giúp mọi người hình dung lại một cách vắn tắt nhưng sống động những gì dù đã rất xa, hàng 300 năm đến 400 năm và xa hơn nữa. Cha dẫn đoàn đi thăm nhà truyền thống gồm các chứng tích thời các thừa sai, chứng tích thời Tử đạo. Hai cha niệm hương rồi cùng bà con kính cẩn dâng lời cầu nguyện trước 3 bộ thánh tích, là xương thánh Trựm éớch, thánh Lý Mi và thánh Nam.

Tiếp tục, đoàn được dẫn đến chiêm ngưỡng và cầu nguyện nơi phần mộ của các Đấng thừa sai gồm 3 đức giám mục và các linh mục ngọai quốc. Phần mộ này tại nền đất cũ nơi nền móng của tòa giám mục Vĩnh trị, giáo phận Đàng ngoài 1659 (93 năm, Trước khi được rời về Sở kiện rồi Hà nội). Với khả năng ghi nhơ lịch sử, cha Fx giới thiệu cho đoàn hành hương toàn bộ khuôn viên TGM 350 năm trước đây. Những gì các đấng thừa sai đã sống, đã làm, đã xây dựng thậm trí còn để lại.

Các tín hữu đi hành hương không những để lại trong tâm hồn mình những ý tưởng tốt đẹp mà còn luôn tâm niệm rằng, chúng ta hậu thế cần trân trọng gìn giữ, tái tạo và phát huy những di sản quí báu mà các thế hệ trước đã để lại. Nhờ các di tich, thánh tích này mà đời sống đức tin thêm phong phú có nền tảng và có chiều sâu. Việc truyền giáo nhờ đó hy vọng cũng có hiệu quả hơn.

Chuyến hành hương Vĩnh trị được kết thúc sau khi đòan viếng nhà thờ. lời cầu chúc và phép lành của cha xứ Vĩnh trị. Trong tinh thần lưu luyến, lòng tràn niềm vui, Cha xúc động tiễn đoàn cho tới khi xe rời xa khuôn viên nhà thờ.

Sau hai địa điểm hành hương quan trọng, trên đường về, trong tinh thần liên đới và hiệp thông trong giáo hội, đoàn còn ghé thăm giáo họ Thát đông quê hương của cha xứ An tôn, thăm gia đình ông bà cố. Nhà thờ Thát dông vốn nhỏ bé, nhưng trang nghiêm. Trong tinh thần anh em, ăn cùng một bánh, uống chung một chén, Đoàn hành hương La Phù cùng dâng lễ tạ ơn với họ Thát đông. Anh em cầu nguyện cho nhau, được sống đạo sốt sáng mỗi ngày một hơn, đức tin ngày thêm trưởng thành hơn, cả trong chiều sâu hiểu biết cũng như trong thực hành. Sau tiệc thánh ở nhà thờ, bà con dùng cơm cùng gia đình 2 cố và các con cháu. Hai cố bày tỏ tâm tình biết ơn sâu sắc và rất cảm động tới bà con giáo xứ đã vì tình yêu trong Chúa đã dành cho gia đình sự quan tâm ưu ái như vậy.

Đúng 7g30 đoàn hành hương rời giáo họ Thát éông để trở về Hà nội. Mọi người đều mừng rỡ hân hoan sau một ngày hành hương đầy ý nghĩa như lòng mong muốn. Nhất là sâu chuyến hành hương trong mùa chay năm Thánh này ai cũng nghĩ đến việc trở về. Trở về với Chúa, trở về với chính mình (con người tốt lành khi mới được rửa tội) và trở về với anh em trong tình yêu (Xóa bỏ hận thù ghen ghét chia ly vv).

Xin Chúa tiếp tục chúc lành cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta trong hành trình trở về của Mùa chay năm Thánh 2010 này.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Chạm trán với kẻ vô liêm sỉ
Trần An Bài
10:20 10/03/2010
Chạm trán với kẻ vô liêm sỉ

Lâu lắm rồi mình bận không thể đến tham dự các buổi sinh hoạt của Hội Luật Gia Tiểu Bang Cali được. Năm nay, đặc biệt lắm, năm Con Cọp, thân phận mình đã như Cọp bị lột da từ lâu:

Gặm một mối căm hờn trong cũi sắt,

Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua.


(Nhớ Rừng, thơ Thế Lữ)

Nhưng vì Hội Luật Gia nhiệm kỳ này có một vị nữ lưu, bà xã của LS Nguyễn Hữu Thống làm Hội Trưởng, thế nên mình phải đi dự bữa Tiệc Tân Niên để ủng hộ.

Thường trong các bữa tiệc Tân Niên đều có múa lân và đốt pháo, nhưng trong bữa tiệc này, ngay sau lễ chào cờ và mặc niệm, giông bão, sấm sét hình như nổ vang dội thay cho tràng pháo Xuân. Mọi người chưa kịp "an tọa" theo lời yêu cầu của MC thì cựu Thẩm Phán Lê Duy San dõng dạc lên khán đài, cầm micro trước sự ngỡ ngàng, lúng túng rõ rệt của Ban Tổ Chức và chị MC. Ông San tuyên bố ngắn gọn, đanh thép rằng ông thấy trong bữa tiệc này có mặt của Nguyễn Hữu Liêm, một tên thân Cộng. Do đó, ông đã cáo lỗi phải dời bỏ bữa tiệc vì không muốn ngồi chung với họ. Đúng là lời phán quyết của một ông toà. Chắc như đinh đóng cột!

Phát súng liên thanh đầu tiên được vị cựu Thẩm Phán khai hoả, nổ chát chúa, tung tóe như bắp rang. Dĩ nhiên, ai cũng hoan hô lập trường Quốc gia chống Cộng vững mạnh của ông, nhưng mỗi người, tiếp theo đó, có những cách phản ứng khác nhau.

Là những người học luật, hành sử luật, một số anh em tức tốc mời Ban Tổ Chức (BTC) đến để giải quyết vấn đề trong sự thượng tôn luật pháp và công bằng, trật tự. Các ý kiến được tự do phát biểu nhưng vắn tắt và được giải quyết thật nhanh chóng, gọn gàng.

Ai mời Nguyễn Hữu Liêm? BTC khẳng định không hề mời ông này.

Nguyễn Hữu Liêm là ai? Là người đang hành nghề luật sư ở Cali, đang dạy Triết học ở San Jose City College. Trước đây, ông này đã có nhiều hoạt động toa rập với Vũ Đức Vượng ở San Francisco để đón rước các nhà lãnh đạo CSVN đến HK. Nhưng mới đây nhất, tháng 11-2009, ông đã có mặt trong Đại Hội Việt Kiều về Hà nội họp để được Nguyễn Minh Triết ôm ấp, hôn hít. Khi trở về Hoa Kỳ, ông đã phổ biến trên internet bài viết ca tụng Cộng Sản với những lời lẽ rất ư là trơ trẽn:

"Từ ấu thơ đến bây giờ, tôi từng hát Quốc ca của miền Nam, trước năm 1963 thì cùng với bài hát buồn cười "Suy tôn Ngô Tổng thống." Ba mươi bốn năm qua là Quốc ca Hoa Kỳ xa lạ, Star Spangled Banner. Nay thì tôi lại nghe và chào Quốc ca Việt Nam và lá cờ đỏ sao vàng. Con người là con vật của biểu tượng. Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước. Tôi cảm nhận được một dòng điện chạy từ đáy lưng theo xương sống lên trên cổ trên đầu như là khoảnh khắc thức dậy và chuyển mình của năng lực Kundalini. Tôi nhìn lên phía trước, khi vừa hết bài Quốc ca, mấy chục cô và bà đại biểu từ Pháp đang chạy ùa lên sân khấu, vỗ tay đồng ca bài "Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng". Tôi nhìn qua các thân hữu Việt kiều từ Mỹ, và ngạc nhiên khi thấy hầu hết kể cả những người mà tôi không ngờ đang vỗ tay hào hứng la to, Việt Nam! Hồ Chí Minh! Cả hội trường, và tôi, cùng hân hoan trong tất cả (vẫn là) cái hồn nhiên mà dân tộc ta đã bước vào từ hồi thế kỷ trước."

Mới hôm qua, ngày 6-3-2010, ông và các đồng chí trong cái được gọi là "Hiệp Hội Doanh Nhân Việt Mỹ" đã nghênh đón Thứ Trưởng Bộ Công Thương VN đến hội họp, ăn chơi ở sân golf, Gilroy (Xin xem bản TIN NÓNG của saigonecho.com).

Mình tự hỏi: Con người được học hành đàng hoàng như Nguyễn Hữu Liêm mà có thể viết được những hàng chữ mâu thuẫn như vậy ư? Có đúng là ông viết không? - Thì bài này đã được phổ biến và ký tên ông ta và đã bị nhiều tác giả đả kích nặng nề, nhưng không thấy ông ta cải chính gì cả. Thế thì đúng ông là tác giả chứ còn ai vào đây nữa!

Nếu BTC không mời nhưng tự ý vợ chồng ông ta đến thì BTC có quyền đuổi ông ra ngay tức khắc vì ông đã xâm nhập phòng tiệc bất hợp pháp. Còn nếu ông không đóng tiền ăn thì phạm thêm tội "ăn quỵt" nữa! Nhưng nếu ông đã đóng tiền thì BTC cũng không nên hẹp hòi, trả tiền lại cho ông và mời ông ra về êm ả.

Mặc dù BTC không mời, nhưng có thể một người nào đó đã mua bao bàn và mời vợ chồng ông này đến để lấp cho đầy. Vậy thì ông ta có quyền tiếp tục ngồi lại tham dự chăng? - Ngay trong giả thuyết là BTC đã chính thức mời ông, nhưng khi ông xuất hiện trước đám đông mà bị đám đông coi như một nhân tố làm cho họ nổi giận thì vì lý do an toàn của chính đương sự, BTC có trách nhiệm phải đem người đó ra khỏi hiện trường tức khắc.

Tại Nam Cali trước đây, Trần Trường có quyền hiến định treo ảnh Hồ Chí Minh trong cửa tiệm của ông. Nhưng khi dân chúng phẫn nộ biểu tình thì sự an toàn cá nhân Trần Trường thắng lướt quyền hiến định của ông. Có nghĩa là quyền an toàn nhân thân của Trần Trường quan trọng hơn quyền được treo hình Hồ tặc. Kết quả thực tế là cảnh sát Nam Cali đã làm sao cho ông ta "biến đi" thật an toàn để không còn có thể ở trong tiệm treo hình Hồ tặc, làm căn cớ gây phẫn nộ cho quần chúng nữa!

Ngay tại San Jose này, một vị linh mục Chánh Xứ được chính thức bổ nhiệm về cai quản nhà thờ hợp pháp của giáo phận và ông đã nhờ một lực lượng hùng hậu chó và cảnh sát bảo vệ để bước vào nhà thờ. Nhưng giáo dân phẫn nộ không cho ông vào. Cuối cùng, vì sự an toàn cá nhân của vị Chánh Xứ - chứ không phải vấn đề pháp lý nào khác - mà cảnh sát bắt buộc phải đưa ông lên xe ra khỏi hiện trường ngay tức khắc.

Giả thuyết rằng BTC một buổi hội họp của người da màu đã mời một đại diện KKK đến dự phiên họp với các hội viên. Khi dân chúng da màu trông thấy KKK là đã muốn nổi điên rồi thì BTC đương nhiên phải hủy bỏ lời mời và có trách nhiệm đưa người KKK này ra khỏi nơi đó ngay. Không phải vì BTC mời KKK đến thì họ có quyền ở lại, mà vì tính mạng người KKK đó đang bị đe dọa, nên bắt buộc họ phải ra đi.

Kinh nghiệm cho biết: Khi một người đã trở nên căn cớ cho đám đông phẫn nộ thì hậu quả không thể lường trước được. Người Việt quốc gia căm thù lá cờ Máu và họ có quyền xé nát hoặc châm lửa đốt nó. Lá cờ - dù biểu tượng cho một quốc gia - nhưng cũng chỉ là vật vô tri vô giác mà số phận còn như vậy, huống chi là con người ca tụng lá cờ ấy hiện diện trước mặt họ thì còn nguy hiểm đến chừng nào. Hơn nữa, nhiệm vụ cảnh sát không những là phòng ngừa tội phạm, không cho xảy ra, mà giả như có xảy ra thì cũng phải trong hoàn cảnh nào để dễ dàng tìm được bằng chứng xác thực. Trước một đám đông ồn ào, phẫn nộ, ai biết được một viên đạn từ đâu vụt tới hay một lưỡi dao phóng đến hoặc một cái ly bay vào mặt kẻ gây phẫn nộ? Bởi vậy, chỉ có một giải pháp an toàn nhất là cảnh sát phải triệt tiêu căn cớ gây phẫn nộ cho đám đông.

Tóm tắt, an toàn cá nhân và trật tự công cộng là kim chỉ nam để giải quyết rắc rối trong trường hợp này. Và đó là luật!

Với những nguyên tắc hướng dẫn đó, BTC Tiệc Tân Niên của Hội Luật Gia nhất trí lãnh trách nhiệm phải bằng mọi cách đưa Nguyễn Hữu Liêm ra khỏi phòng tiệc. Và đó chính là giải pháp tốt đẹp nhất cho tất cả mọi người và mọi phía: BTC không bị trách cứ là vô trách nhiệm và bữa tiệc vẫn vui vẻ thành công. Các quan khách và hội viên được mời cũng không phải vừa ăn vừa buồn nôn khi nhìn thấy nét mặt của những kẻ vô liêm sỉ, đã từng thú nhận là được sảng khoái khi đứng chào lá cờ Máu. Và cuối cùng, chính đương sự cũng được an toàn, không bị sỉ nhục, nhạo báng trước đám đông.

Trong lúc chào cờ Vàng Ba Sọc Đỏ và mặc niệm các chiến sĩ và nạn nhân trên đường tranh đấu tìm tự do, dân chủ, mình thấy Nguyễn Hữu Liêm và vợ cũng đứng lên nghiêm chỉnh và cúi đầu. Lạ thiệt! Nếu ông ta đã ân hận vì bao nhiêu năm phải chào lá Cờ Vàng và hát bài quốc ca HK "Star Spangled Banner" và chỉ khi được chào lá cờ Máu ở Hà Nội thì ông mới cảm nghiệm được nỗi hân hoan "Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng"; thế thì tại sao ngày hôm nay - sau khi ông đã đặt bút viết như vậy - mà ông còn có liêm sỉ để đứng nghiêm chỉnh chào LẠI lá Cờ Vàng và hát LẠI bài Quốc ca HK này nhỉ?

Mình nghĩ rằng ông này có những suy tư triết học ấm ớ và lập trường chính trị ngu ngơ. Thế thì giữ ông lại chỗ này làm gì?

Ông ta là con người kịch cỡm, đi với Bụt mặc áo Cà Sa, đi với ma, mặc áo giấy. Về Hà Nội thì chào lá cờ Đỏ. Về Hoa Kỳ thì chào lá cờ Vàng. Thế thì chờ chi mà không mời ông đi chỗ khác chơi?

Ông thú nhận rằng ông hứng chí khi hát câu "Cờ in Máu chiến thắng". Nhưng ông có biết rằng vì lá cờ Đỏ ác ôn này mà máu ai đã phải xối xả tuôn trào? Đó là Máu của các chiến sĩ VNCH, những người đã bảo vệ cho ông và gia đình ông chạy trốn qua đây lánh nạn Cộng sản. Thế thì còn chờ gì mà không đuổi?

Đó là máu của đàn bà và trẻ thơ vô tội. Đó là máu của các nạn nhân bị chết oan uổng giữa mùa Xuân Mậu Thân linh thiêng. Thế thì còn phải đợi chi mà không đuổi?

Chưa hết, đó là máu của 58.000 binh sĩ của đất nước Hoa Kỳ, nơi đã nhận cưu mang ông khi ông nạp đơn xin tỵ nạn Cộng Sản và hiện đang nuôi dưỡng ông để rồi bị ông quay lưng lại chê bai "xa lạ " với quốc ca HK và tung hô Cộng Sản. Thế thì còn chờ gì mà không đuổi?

Qua bữa Tiệc Tân Niên của Hội Luật Gia hôm nay, bài học Nguyễn Hữu Liêm phải được rút ra cho các Hội Đoàn QG khác khi gặp phải trường hợp tương tự:

- Trước tiên, các Hội Đoàn phải kiểm điểm lại danh sách hội viên của mình: Nếu có những tên thân Cộng nào trong Hội thì phải xóa đi ngay và khai trừ khỏi Hội.

- Từ nay, khi có những tên thân Cộng nào xuất đầu lộ diện trong các buổi tiệc tùng hoặc sinh hoạt Cộng Đồng thì trước hết, phải yêu cầu BTC đuổi đi tức khắc. Nếu BTC nhu nhược, không muốn làm chuyện đó thì hãy gạt bỏ BTC và gọi cảnh sát đến chứng kiến sự phẫn nộ của đám đông và cảnh sát có trách nhiệm phải đem chúng ra khỏi hiện trường để tránh mọi xáo trộn có thể xảy ra.

- Sự xuất hiện của những tên thân Cộng này có tác dụng phá hoại sự an vui của Cộng Đồng người Việt QG. Chính những tên này mới là kẻ phải rời khỏi phòng tiệc hay phòng họp chứ không phải chúng ta, vì tiệc là của ta, họp hành là cho ta - những người Việt QG - chứ không phải cho bọn thân Cộng.

Khi bọn thiên Cộng về Việt Nam hoành hành trên phần đất Cộng Sản thống trị thì mình phải đánh theo thế thủ. Nhưng khi phải chạm trán với bọn vô liêm sỉ này ngay trên phần đất tự do của mình thì phải đánh theo thế công, đánh trực diện, mới đẹp mắt được. Một bữa tiệc mà mọi người ra về, chỉ để lại một tên thiên Cộng ngồi cắm cúi ăn hết phần của mình đã trả tiền thì không coi được chút nào. Có khi còn bị mang tiếng là đánh trúng BTC thuộc phe ta. Đánh thế công tức là dùng BTC đứng chung với mình đuổi cổ những quân vô liêm sỉ đi, để mọi người ngồi ăn uống thoải mái. Đó mới là thế cờ tuyệt chiêu.

Phải nhìn nhận BTC Hội Luật Gia hôm nay đã biết tiến thoái nhịp nhàng theo sự yêu cầu của các hội viên và hành động đẹp đẽ như Cọp vồ mồi, để đuổi cho bằng được Nguyễn Hữu Liêm ra khỏi phòng tiệc. Nhờ đó, bữa tiệc được vui vẻ, ấm cúng và sôi động trở lại, tránh được những đổ vỡ tưởng như gần kề.

Chúa Nhật, ngày 7-3-2010
 
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng ép Cha xứ Cồn Dầu giảng ép dân ký giấy đồng ý giải tỏa
Song Ngọc
10:43 10/03/2010
ĐÀ NẴNG - Tin từ Cồn Dầu cho hay, hôm qua, thứ ba ngày 9 tháng 3, 2010, ông Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh, cùng một số thuộc hạ và công an, đã đến nhà xứ Cồn Dầu gặp Linh Mục Chánh Xứ Cồn Dầu Emmanuel Nguyễn Tấn Lục hơn 2 tiếng đồng hồ, từ 2 giờ đến 4 giờ chiều. Trong cuộc gặp gỡ này, ông Nguyễn Bá Thanh đã yêu cầu Cha Nguyễn Tấn Lục giảng trong nhà thờ khuyên giáo dân Cồn Dầu ký giấy đồng ý giải tỏa để chính quyền chuẩn bị giao đất cho các nhà đầu tư.

Cha Lục đã khẳng định Ngài chỉ có nhiệm vụ rao giảng Lời Chúa trong Thánh Lễ cũng như khuyên bảo giáo dân ăn ngay ở lành. Việc mua bán đất đai là việc giữa hai đối tác, thuận mua vừa bán, ở đây là giữa chính quyền và nhân dân, không phải trách nhiệm mục vụ của Ngài. Cuộc họp đã trở thành một cuộc tranh luận to tiếng khi ông Thanh tiếp tục áp lực Cha Lục phải lên tiếng với giáo dân và Cha Lục đã từ chối. Một số giáo dân ở gần nhà thờ nghe lớn tiếng đã chạy đến nhà xứ, vào nói với ông Thanh, đây không phải là việc của Cha Xứ, nếu muốn nói chuyện mua bán,giải tỏa thì hãy nói với dân, đừng làm phiền Cha Xứ chúng tôi nữa.

Ông Thanh cũng lớn tiếng tuyên bố rằng tháng tư này, ông sẽ cho hàng ngàn xe ủi đất đến san bằng ruộng vườn và lấp cánh đồng Cồn Dầu cho dù dân có đồng ý hay không.

Ông khẳng định, đất đai là của nhà nước, nhân dân chỉ là người xử dụng, khi cần thì nhà nước có quyền đòi lại để xây dựng phát triển.

Trong những ngày vừa qua, cán bộ và công an vẫn tiếp tục lung sục từng hộ của tổ dân phố 20, rình rập để gặp cho được chủ hộ để bắt họ phải ký giấy cho kiểm định. Để tránh gặp cán bộ, họ phải trốn lánh đi nơi khác. Nhà nào cũng bị dán nhiều giấy cảnh báo “Cố ý vắng mặt chống chủ trương quy hoạch của thành phố”. Cho đến hôm nay, dù gặp áp lực tứ bề, đã không có thêm một người dân nào chịu ký giấy cho kiểm định.
 
Ls.Lê Thị Công Nhân, không đơn thuần chỉ là người đấu tranh
Alf. Hoàng Gia bảo
20:36 10/03/2010
Trong tuần qua, tin tức liên quan đến việc luật sư trẻ tuổi Lê Thị Công Nhân ra khỏi ngục tù Csvn đã lan tỏa đi khắp nơi (tất nhiên là ngoại trừ mấy trăm tờ ‘lề phải’ của những kẻ đã bỏ tù cô) được nhiều người trong lẫn ngoài nước đón nhận như một tin vui.

Thế rồi cũng vẫn với cách mà hầu hết các báo đài đưa tin, bình luận trước nay về vị nữ luật sư này, mọi người lại tiếp tục ca ngợi tinh thần đấu tranh kiên cường không khoan nhượng của cô trước, trong và sau lao tù cộng sản. Sự cảm phục càng tăng thêm bội phần khi thấy một Lê Thị Công Nhân trước sự ‘săn đón’ của báo giới, hâm một của dư luận vẫn luôn tỏ ra hết sức khiêm tốn. Chẳng những không chịu nhận lấy những lời khen tặng như “Anh Thư nước Việt”, “Bông Hồng có ánh thép” hay “Thiên thần trong bóng tối”… ngược lại cô còn tỏ ra bị bối rối khi tự nhận mình là “không thành công, chưa thành công, cuộc đời bị dở dang v.v…”

Sự kỳ diệu trong ngày trở về này của luật sư theo chúng tôi là ở chỗ, ba năm tù ngục với không biết là bao nhiêu nhục hình đọa đày vẫn không thể biến Công Nhân trở nên chai sạn. Đoạn video trả lời phỏng vấn hôm 6/3 trên đài SBTN cho thấy mặc dù tinh thần luật sư luôn rất vững vàng nhưng khi đề cập đến hiện tại đen tối của 90 triệu dân Việt đang bị bao phủ bởi những đám mây u ám của bạo quyền, nước mắt vẫn cứ rơi đều đều như đứa trẻ. Chính những đoạn thước film như vậy nói lên sự ‘phá sản’ hoàn toàn của lao tù cộng sản đối với Lê Thị Công Nhân, sau lần thất bại không thuyết phục nổi cô chấp nhận đi ra nước ngoài tỵ nạn chính trị lúc còn bị giam cầm khoảng tháng 6/2008.

Tuy nhiên, phải đến khi nghe được cuộc phỏng vấn đầy thú vị trên đài VOA “Luật sư Công Nhân: 'Đã hy sinh phải hy sinh đến cùng'” do phóng viên Trà Mi thực hiện mấy hôm sau (9/3) và trước đó là bản tin thuật lại chuyến “thăm viếng kẻ tù rạc” Ls.Lê Thị Công Nhân của các bạn giáo dân Hà Nội nhân ngày Phụ nữ 8/3 bởi anh JB. Nguyễn Hữu Vinh, tôi đã nhận ra dường như đã có một sự thay đổi lớn lao nơi vị nữ luật sư này so với lúc trước khi cô đi tù. Đó là bây giờ sau khi ra tù, Công Nhân không chỉ nói đến nhân quyền, tự do không thôi, mà rất nhiều lần cô nhắc đến Chúa cùng quyển Kinh Thánh mà Ủy ban Tôn giáo Hoa Kỳ gởi tặng lúc còn ở nhà tù Hỏa Lò (và cũng khá là lạ lùng cho số phận của quyển kinh thánh này khi nó lại được chính tay một trong số những ‘ông tổ’ vô thần của CSvn có quyền giam giữ bất cứ ai, là ông Nguyễn Văn Hưởng - Thứ trưởng Bộ công an, chuyển giao tận tay Công Nhân).

Là những người có đạo, khi đọc những bản tin này hẳn chúng ta cảm nhận một cách sâu sắc trong con người của Ls.Lê Thị Công Nhân lúc này không đơn thuần chỉ có mỗi khí tiết của các bậc nữ lưu anh hùng, giúp cô xứng đáng nhận được những lời khen tặng của mọi người mà chúng ta xác tín rằng, nếu Ls.Công Nhân không có một Đức Tin vững mạnh vào Chúa, thật khó tin một thiếu nữ vóc dáng nhỏ bé khuôn mặt bầu bĩnh như búp bê kia lại có thể chịu đựng nổi những hơn 1.000 ngày sống giữa chốn lao tù cộng sản vừa qua?

Vâng! Chúng ta chỉ còn có thể lý giải sự vững vàng giữa lao tù của Ls. Công Nhân chính là nhờ cô đã được hưởng hồng ân, tình thương cùng sự chở che của Thiên Chúa một cách hết sức đặc biệt.

Nói cách khác, ‘hiện tượng’ Lê Thị Công Nhân trong con mắt đức tin của người có đạo không đơn thuần là một tấm gương đấu tranh can đảm, mà vị nữ luật sư trẻ tuổi này còn là một chứng nhân sống Kitô giáo khi đã biết cách dùng Kinh Thánh như một vũ khí tinh thần để chống lại và đã chiến thắng khỏi bị qụy ngã trong ngục tù của bạo quyền cộng sản.

Điều này cũng còn có thể dùng để lý giải được vì sao cũng trong thời gian Công Nhân ở tù, ngoài xã hội trong khi hàng triệu triệu người sợ hãi chấp nhận im lặng để được yên thân trong một xã hội ‘đảng trị’, ‘công an trị’ bao phủ đầy sự sợ hãi như ở VN, thì những vụ “nổi loạn” gần đây đều xuất phát từ nguồn gốc tôn giáo, như Tòa Khâm Sứ, Thái Hà, Tam Tòa, Bát Nhã, Đồng Chiêm v.v… hầu hết đều do những người không có trình độ lấy gì là ‘cao siêu’ vì chỉ là những tu sĩ giáo dân hết sức bình dị, thế nhưng họ lại là những người dám đi đầu trong việc gióng lên những hồi chuông cảnh tỉnh chế độ về nạn cường quyền hiếp đáp dân lành, bất công, tệ nạn tràn lan xã hội… thay vì lẽ ra nhiệm vụ ấy trước hết phải là của những bậc ‘trượng phu trí thức’?

Ls.Lê Thị Công Nhân có lẽ là trường hợp kết hợp hết sức hiếm hoi nơi một con người vừa có tri thức cao và đồng thời lại vừa có một Đức Tin Kitô giáo hết sức mạnh mẽ.

Hãy nghe cô giải thích vì sao từ chối dàn xếp của công an VN và Ngài đại sứ Hoa Kỳ hồi tháng 6/2008 với đài VOA: “Chúa an bài cho tôi một cuộc sống ở một nơi khác thì tôi sẽ vui mừng trong sự an bài đó, nhưng bây giờ tôi không cảm thấy điều đấy.”

Công Nhân muốn noí Chúa đã để cô sinh ra ở VN thì cảm thấy không có lý do gì để chối bỏ đất nước này ra đi, dù đang bị bạc đãi!

Quả là một đức tin mạnh mẽ thật ‘kinh khủng’ đáng để chúng ta, những người cũng tin vào Chúa như Ls.Công Nhân phải ‘ghen tị’ với cô.

Có nhận ra trường hợp hội tụ ‘Trí Thức + Đức tin Kitô giáo’ hiếm có này nơi Ls.Lê Thị Công Nhân chúng ta mới không còn ngạc nhiên và nghi ngờ khi nhớ lại những lời tuyên bố đanh thép của cô trước đây, như “Csvn đừng mong gì nơi cô một sự thỏa hiệp nào từ nơi tôi” hoặc “tôi sẽ chiến đấu tới cùng dù chỉ còn lại một mình v.v…”

Bỏ tù một tinh hoa đất nước như vậy, nhà cầm quyền Csvn rõ ràng chỉ tổ ‘rước họa vào thân’.

Sàigòn, 10/3/2010
 
Việt Nam: Ra ngõ chạm “tham nhũng”
Hà Long
20:41 10/03/2010
Trong Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International - TI), tham nhũng hoặc tham ô là hành vi "của người lạm dụng chức vụ, quyền hạn, hoặc cố ý làm trái pháp luật để phục vụ cho lợi ích cá nhân".

Theo cách nhìn của cộng sản VN đã được bộc bạch rõ ràng về tệ trạng tham nhũng trong một tờ báo với tiêu đề: Tham nhũng đang trở thành “chuyện thường ngày” và theo Ban Nội chính Trung Ương về dự án “Nghiên cứu đấu tranh chống tham nhũng” đã đưa ra được thứ hạng gây ra tham nhũng nhiều nhất về các ngành: Địa chính-nhà đất, hải quan và cảnh sát giao thông là ba lĩnh vực tham nhũng phổ biến nhất. Cùng nằm trong bảng “top 10” này, ngoài 3 nhóm trên, còn có 7 lĩnh vực khác là: tài chính-thuế, xây dựng, cấp phép xây dựng, y tế, kế hoạch-đầu tư, giao thông và đứng cuối bảng là công an kinh tế.

Ai cũng biết đất đai là lĩnh vực „hoá đất thành vàng“ có rất nhiều tố cáo, khiếu kiện và cũng dễ xảy ra tham nhũng nhất tại VN.

Cuộc sống của người dân VN từ nghèo hèn cho đến giàu có, từ buôn thúng bán bưng cho đến các doanh nghiệp to lớn đều đang đụng vào hệ thống quan liêu với hàng trăm thủ tục phải đút lót làm cho đời sống kinh tế trì trệ trong cái vòng tham nhũng bất trị. Tắt một điều, chính quyền từ trên xuống dưới đều nhũng nhiễu, cửa quyền, hành dân…

Cách diệt trừ tham nhũng của csVN chỉ dựa vào những lời nói trống rỗng, khi bị áp lực từ bên ngoài thì một pháp lệnh „oai phong“ đã được ban ra từ 1998: "Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn, đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để tham ô, hối lộ, hoặc cố ý làm trái pháp luật vì động cơ vụ lợi gây thiệt hại cho tài sản của nhà nước, tập thể và cá nhân, xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức".

Hơn thế nữa, năm 2005 thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi trong tuyệt vọng: Cùng kiểm tra, giám sát, phát hiện và góp ý việc thực hiện một số biện pháp cần làm ngay để chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trong giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp. Ngoài ra ông Dũng còn to mồm kêu gọi các phương tiện thông tin đại chúng cùng kiểm tra, giám sát, phát hiện và góp ý việc thực hiện nhằm đạt được kết quả thực chất, tạo hiệu ứng mạnh trong xã hội (sic!).

Đâu vẫn hoàn đấy, kết quả đóng góp của báo chí rốt cuộc là việc bắt giam những người tố cáo tham nhũng, thí dụ nhà thơ Nguyễn Việt Chiến bị bắt trong tư cách Phóng viên báo Thanh Niên cùng nhà báo Nguyễn Văn Hải (báo Tuổi Trẻ) vì “hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ” (Điều 281, BLHS), liên quan đến việc thông tin về vụ án tham nhũng to lớn có một không hai của PMU18. Toàn dân Việt Nam ngỡ rằng hai nhà báo trên sẽ được thưởng công nhưng lại bị quy chụp thành tội vạ cho chính mình. Đó là chưa kể đến thiếu tướng Phạm Xuân Quắc (nguyên Cục trưởng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội - C14, người từng cầm trịch điều tra vụ PMU 18) cũng bị khởi tố điều tra về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Thế thì còn tìm ra được ai nữa đi tiêu diệt tham nhũng?

Nhân vật tham nhũng hầu như cùng đồng nghiã với “người đảng viên” vì dễ hiểu nhất tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi cho cá nhân. Một Blogger đã liệt kê ra như sau: Tạo ra tham nhũng trong đó, người có chức vụ, quyền hạn bao gồm: cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn - kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân; cán bộ lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp của nhà nước; cán bộ lãnh đạo, quản lý là người đại diện phần vốn góp của nhà nước tại doanh nghiệp; người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó. Tất cả các nhân vật kể ra nơi đây phần lớn đều là các đảng viên.

Thế giới chê cười tham nhũng tại Việt Nam với những bảng xếp hạng

- Đảng viên cùng đồng nghĩa là chính quyền nhà nước csVN. Bởi vậy không có gì lạ khi chính quyền cộng sản Việt Nam luôn được tặng cho danh hiệu chuyên môn đội sổ về danh sách chỉ số nhận thức tham nhũng (Corruption Perceptions Index – CPI) do Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International – TI) đã được công bố vào tháng 11/2009. Việt Nam vẫn giữ nguyên ở mức 2,7 điểm, đứng gần chót bảng xếp hạng 120 trên 180 quốc gia, tăng 1 bậc so với năm 2008 và tăng 3 bậc so với năm 2007. Số điểm được Tổ chức Minh bạch Quốc tế đánh giá VN là 2,7 khi so sánh với quốc gia Somalia đứng cuối bảng là 1,1.

- Trung tâm ETF Cơ sở bảo quản dữ liệu cho các doanh nhân đang hoạt động và cho các nhà đầu tư có trụ sở tại Chicago đã liệt kê 7 quốc gia tham nhũng nhiều nhất trong giới doanh nhân và đầu tư vào ngày 17/2/2010 (Seven Most Corrupt Country ETFs - http://etfdb.com/2010/seven-most-corrupt-country-etfs/), trong đó Việt Nam đứng thứ 2 sau Liên Xô. Trung tâm ETF nhận định: Vấn đề tham nhũng ở Việt Nam gần đây đã bao gồm cả việc sử dụng tiền thu được do Ngân hàng Thế giới giúp vốn để đánh bạc trong các trận đấu bóng đá châu Âu, đây là một lịch sử gây sốc lớn dù rằng chỉ trong một góc nhìn nhỏ về đạo đức của thế giới. Vạch ra được tham nhũng này có thể giúp thiết lập một nền kinh tế năng động trở lại châu Á, nơi đang phát triển nhanh nhất trên thế giới.

- Chưa đầy 1 tháng sau, vào ngày 08/3/2010 thông tấn xã Reuters tại Singapore đã loan tin về nạn tham nhũng tại 16 quốc gia thuộc châu Á-Thái Bình Dương do Tổ chức Tư vấn Rủi ro Chính trị-Kinh tế (PERC) - trụ sở tại Hong Kong, xếp bảng về tham nhũng. Việt Nam lại được „vinh danh“ đứng vào hạng 3 với chỉ số 8.07 sau Indonesia (9.27) và Campuchia 9.10) là những quốc gia có nạn tham nhũng nhiều nhất. Năm 2009 VN còn khá hơn chút xíu được xếp vào hạng thứ 5. Tệ nạn tham nhũng đang tuột dốc tại VN như chiếc xe bị đứt phanh.

Theo nhận định của Reuters: Tham nhũng là đặc thù của Việt Nam ở mọi cấp bậc của chính phủ, và họ hoạt động như một rào cản lớn cho việc đầu tư nước ngoài. Nhà chức trách đã công bố kế hoạch tích cực chống tham nhũng, và khuyến khích các phương tiện truyền thông để hoạt động như một „chó giữ nhà“ (watchdog), nhưng những nỗ lực này đã bị mất hơi nước sau khi một số nhà báo bị bắt giam cho các bài viết về các vụ bê bối tham nhũng lớn. Nạn tham nhũng sẽ vẫn là một yếu tố quyết định quan trọng cho sức hấp dẫn đầu tư dài hạn tại Việt Nam.

Kết luận

Cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay ở Việt Nam như là một trò hề muôn thuở. Cả diễn viên, đạo diễn lẫn khán giả đều phải một lòng diễn sang „lề phải“ chấp nhận tham nhũng. Người dân phải đút lót cho các quan „đảng viên“ thì mới dễ thở, mới có thể kiếm cơm áo nuôi thân hằng ngày.

Khi nào còn sự quản lý độc quyền, độc đảng thì lúc đó đất nước vẫn còn tham nhũng, quan liêu và cửa quyền.
 
Thông Báo
Cáo Phó: LM Giuse Nguyễn Toàn Công qua đời
Lm Giuse Phạm Bá Lãm
08:52 10/03/2010
CÁO PHÓ

Trong niềm tin vào Chúa Ki-tô Phục Sinh,

VietCatholic trân trọng thông báo cùng quý Đức Cha, quý cha, quý tu sĩ và anh chị em

Cha Cố GIUSE NGUYỄN TOÀN CÔNG

Nguyên chính xứ Thánh Phaolô, Giáo phận Sàigòn.

Nguyên chính xứ Thánh Giuse, Giáo phận Long Xuyên

đã an nghỉ trong Chúa vào lúc 7h40 ngày 08 tháng 03 năm 2010 tại Giáo xứ Thánh Phaolô, số 280 Vành Đai Trong, phường Bình Trị Đông B, Q.Bình Tân, TP.HCM.,

hưởng thọ 83 tuổi, với 52 năm Linh mục.

CHƯƠNG TRÌNH LỄ TANG

- 19h thứ ba 09 tháng 3 năm 2010: Thánh lễ đồng tế tiễn biệt cha cố Giuse (sau đó di quan

về Nhà thờ Thánh Giuse, Kinh Rivera, Gp. Long Xuyên.

- 08h thứ tư 10 tháng 3 năm 2010: Thánh lễ đồng tế tại Giáo xứ Thánh Giuse, kinh Rivera.

- 09h thứ năm 11 tháng 3 năm 2010: Thánh lễ an táng do Đức Giám Mục Long Xuyên chủ tế.

Kính xin Đức Cha, Quý Cha hiệp thông trong thánh lễ cầu cho linh hồn Cha Cố Giuse (Xin Quý Cha gốc Phát Diệm dâng một lễ cầu cho Cha Cố Giuse).

Linh tông và huyết tộc kính báo:

- Lm Antôn Nguyễn Tuế, Phương Lâm.

- Lm Giuse Phạm Bá Lãm, Hoà Hưng.

- Lm Phaolô Phạm Trung Dong, Thánh Phaolô

(Nghĩa tử của Cha Cố Giuse Công)

- Và các cháu trong huyết tộc.