Ngày 06-03-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:20 06/03/2011
RƯỢU CHUA

N2T


Có một người ngồi uống rượu trong quán rượu, nói rượu có chút mùi vị chua. Chủ riệm rượu nổi giận kêu người đến trói người ấy lại và treo trên xà nhà.

Một người qua đường nhìn thấy trong quán rượu có treo một người, bèn hỏi chủ quán rượu đã xảy ra chuyện gì ? Chủ quán giận dữ nói:

- “Rượu của tiểu điếm rất ngon, nhưng người này nói có chút mùi chua, ông coi có nên treo lên hay không chứ ?”

Người qua đường nói:

- “Đưa tôi một ly nếm thử xem !”

Chủ tiệm bèn đưa cho người qua đường một ly rượu. Người qua đường hớp một ngụm, liếm môi, sau đó nói với chủ tiệm rượu:

- “Thả anh ta xuống, treo tôi lên !”

Suy tư:

Nói thật thì mất lòng nhưng nói thật thì vẫn cứ hơn.

Có rất nhiều người vì sợ nói thật sẽ làm cho tình bạn kém vui nên không muốn nói sự thật; có rất nhiều người sợ nói sự thật thì mất đi “nồi gạo” nên không muốn nói sự thật với cấp trên; có rất nhiều người sợ nói sự thật nên cứ nói dối cho qua chuyện, họ vô tình tích lũy cái xấu ngày càng nhiều cho chính mình.

Có người nói sự thật thì bị đánh đập bắt bớ tù dày và bị giết, đó là các thánh tử đạo; có người nói sự thật thì bị đuổi việc, đó là những người can đảm coi sự thật hơn cả nồi gạo; có người nói sự thật thì bị bề trên đuổi về không tiếp; có người nói sự thật thì bạn bè xa tránh…

Chúa Giê-su đã dạy các tong đồ và những người Ki-tô hữu rằng: “Có thì nói có, không thì nói không, thêm điều bịa đặt là do ma quỷ mà ra”.

Không ai uống rượu có mùi chua mà nói ngon cả, chỉ có những người nịnh bợ và những người bị…tâm thần mới nói ngon mà thôi. Ha ha ha…

-----------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:25 06/03/2011
N2T


11. Thánh nhân càng im lặng thì chúng ta càng gia tăng lòng nhẫn nại, quyết không thể nản lòng nhụt chí.

(Thánh Gregogy)
 
Món ăn mùa chay
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
18:32 06/03/2011
Có một món ăn các nhà hàng nhiều sao không quen thết đãi, nhưng những quán ăn tôn giáo lại xem như đặc sản của mình. Món ăn ấy người đời không quen thưởng thức, nhưng kẻ có đạo lại tìm đến ăn như một thứ lương thực sớm tối. Món ăn ấy không có trong thực đơn của những đầu bếp trứ danh nhưng luôn gặp thấy trên bàn ăn của Giáo Hội lữ hành. Món ăn ấy đơn giản lắm nhưng lại là món ăn có đầy đủ mọi hương vị chua cay mặn chát ngọt bùi của quá khứ hiện tại tương lai. Món ăn chữa bệnh nhưng đồng thời cũng là món ăn bổ dưỡng tâm linh. Món ấy là món gì?

Thưa đó là món “ăn năn sám hối”, một món ăn màu tím truyền thống của Mùa Chay.

Đó không phải là món ăn mới nhưng luôn có diệu cảm mới dành cho những ai biết ăn đúng cách. Đó không phải là món ăn lạ, nhưng luôn là những phép lạ tâm linh dành cho những ai biết ăn đúng liều lượng. Đó không phải là món ăn đặc sản chỉ thết đãi trong thời gian cao điểm như Mùa Vọng Mùa Chay, mà là món quanh năm ngày tháng mở cửa cho hết mọi người bất kể giàu nghèo lớn bé. Đó không phải là món ăn cầu kỳ trong các nhà hàng quý tộc, mà thực ra là một nhịp cầu vô cùng kỳ diệu dẫn ta ra khỏi tình trạng tối tăm và dẫn ta bước tới đời sống thánh ân. (x. Làm Nụ Hoa Trắng. ĐGM Vũ Duy Thống).

Mùa Chay được khởi đầu bằng nghi thức xức tro trên đầu. Linh mục đọc "Hỡi người hãy nhớ mình là tro bụi và sẽ trở về bụi tro” và xức tro trên trán tín hữu. Đây là lời Thiên Chúa báo cho Ađam biết khi ông vừa phạm tội. Giáo Hội lặp lại những lời ấy trong phần xức tro để nhắc nhở về thân phận cát bụi của con người.

Nghi thức xức tro bắt nguồn từ truyền thống xa xưa của dân Do thái. Trong Cựu ước, mỗi khi muốn tỏ lòng ăn năn sám hối, người Do thái thường xức tro trên đầu, ngồi trên đống tro và mặc áo vải thô hoặc xé áo ra. Việc xức tro và xé áo trước hết nói lên sự buồn phiền đau đớn vì đã phạm nhiều tội lỗi. Việc xức tro và xé áo cũng làm cho tội nhân ý thức thân phận con người bọt bèo, cuộc đời mau chóng tàn phai như giấc mộng. Đời người như một nắm tro bụi, chỉ một làn gió nhẹ thoảng qua đủ xoá sạch vết tích.

Mùa Chay là mùa đặc biệt dành cho sự trở về của người biết ăn năm sám hối. Sự trở về này gồm nhiều giai đoạn, phần lớn xảy ra trong nội tâm. Ăn năm sám hối bắt đầu từ nội tâm, từ cõi lòng.

Bước đầu tiên của hành trình ăn năm sám hối là ý thức tội lỗi. Trong thâm sâu của cõi lòng, trong nội tâm, chúng ta thấy mình có tội, nhận ra tội lỗi của mình. Chúng ta phán xét chính mình, nhận điều xấu mình đã làm, hay cái tâm địa xấu xa của mình. Đối với nhiều người, bước đầu tiên này đã là khó. Nhiều người trong thời đại hôm nay dù đã làm bao nhiêu điều xấu, vẫn không thấy mình có tội. Họ đã đánh mất ý thức tội lỗi, và đó là nguy cơ lớn nhất của nhân loại ngày nay.

Bước thứ hai là sự hối hận, đau buồn, ray rứt trong lòng vì những điều xấu mình đã làm. Sự đau buồn này là một liều thuốc đắng, chữa lành cho vết thương tội lỗi. Sự ăn năn phản tỉnh của một con người sau khi đã lỡ làm điều ác, sẽ làm cho người đó trở nên tốt hơn, sâu sắc hơn.

Bước thứ ba là sự gặp gỡ Thiên Chúa trong nội tâm, là một sự gặp gỡ trong tin yêu. Khi đã lỡ phạm tội, nhiều người rất hối hận, vì yêu Chúa. Càng yêu Chúa, chúng ta càng hối hận, càng hối hận chúng ta càng yêu Chúa. Chúng ta gặp gỡ Chúa, thú nhận tội lỗi với Chúa và xin Chúa tha thứ. Chắc chắn Chúa tha thứ và ban lại cho chúng ta niềm vui và sự bình an. Giai đoạn này Chúa cho chúng ta cảm nghiệm được Tình yêu và lòng thương xót của Chúa.

Bước thứ tư là quyết tâm thú nhận tội lỗi của mình, không những với Chúa, mà còn với Giáo hội. Giai đoạn này, cần phải lướt thắng sự ngại ngùng trong việc xưng tội, nói ra sự thật và tất cả sự thật với cha giải tội là đại diện cho Chúa và cho Hội Thánh. Giai đoạn này cũng rất cần thiết, vì nó biểu lộ sự chân thực của lòng thống hối, tránh cho chúng ta ảo tưởng và sự chủ quan.

Bước thứ năm là thực sự sửa đổi đời sống. Sống khác đi, không sống như cũ nữa, không làm điều ác nữa; dứt khoát với tình trạng tội lỗi mà mình đang mắc phải. Giai đoạn này rất khó và đòi hỏi sự hy sinh, sự chiến đấu với chính mình, và sự chiến thắng, làm chủ được chính mình. Chính vì thế mà cần rất nhiều ơn Chúa, cần sự giúp đỡ của những anh chị em đồng đạo với mình.

Để có thể canh tân đổi mới đời sống cách hữu hiệu và bền bỉ, phải cầu nguyện rất nhiều như lời Chúa dạy. Cầu nguyện âm thầm kín đáo trong lòng, chứ đọc kinh bên ngoài thôi chưa đủ. Rồi phải ăn chay, nghĩa là phải nhịn, không chỉ nhịn ăn mà thôi, có khi còn phải nhịn nói, nhịn thỏa mãn sở thích của mình, nhịn, kiềm hãm tình cảm nóng giận. Và cuối cùng hãy tập làm việc lành, tập giúp đỡ những người nghèo khổ hơn mình. (x. Bài giảng lễ Tro 2007, ĐGM Bùi Văn Đọc).

Thánh Kinh kể nhiều câu chuyện ăn năn sám hối rất cảm động.

Vua Ðavít phạm tội ngoại tình với Bát Seva, vợ của tướng Urigia. Sau khi phạm tội vua Ðavít cố tình che đậy tội lỗi của mình. Nhà vua sai chồng bà đang ở ngoài mặt trận về nhà với vợ, để mai mốt bà có sinh con, thì thiên hạ sẽ cho rằng đó là con của vị tướng. Tuy nhiên tướng Urigia nhất định không chịu về nhà vì ông là một tướng lãnh chuyên nghiệp, muốn sống chết với binh sĩ ngoài mặt trận. Giấu giếm bằng cách này không được, vua Ðavít lại toan che đậy tội lỗi của mình bằng cách lập kế cho giết vị tướng là chồng bà ngoài trận địa để vua có thể cưới bà.Ðến đây Thiên Chúa sai ngôn sứ Nathan đến để làm thức tỉnh lương tâm của nhà vua. Ðược thức tỉnh lương tâm, vua Ðavít liền ăn năn sám hối, vội trở về với Chúa. Nhà vua thốt lên: Tôi đã đắc tội với Thiên Chúa (2Sm 12,13). Vua tỏ lòng ăn năn sám hối cho tội lỗi đã phạm được bầy tỏ trong Thánh vịnh 51 mà truyền thống cho rằng vua Đavid là tác giả.

Câu chuyện người phụ nữ tội lỗi được trong Phúc âm. Tội lỗi đã đọa đầy chị ra ngoài vòng xã hội. Cuối cùng chị đến xin Chúa Giêsu ban cho chị đời sống mới và một tình yêu đổi mới. Chị ta chứng tỏ cho Chúa thấy biểu hiệu của tình yêu bằng cách rửa chân Chúa bằng nước mắt và dùng tóc lau chân Chúa và sức dầu thơm cho Chúa. Do đó tội lỗi của chị đã được tha thứ nhiều vì yêu nhiều (Lc 7,47). Hành vi của Chị biểu lộ tâm tình ăn năm sám hối. Ðể có được tâm tình sám hối, người ta phải tỏ lòng khiêm tốn, chấp nhận thân phận yếu hèn và tội lỗi của mình. Người biết sám hối là người ý thức về sự yếu hèn và tội lỗi của mình. Người đàn bà tội lỗi khi nhận thức được mình là kẻ có tội, đã ăn năn sám hối bằng những giọt nước mắt. Chỉ khi nào người ta ý thức được về tội lỗi của mình, người ta mới cảm thấy nhu cầu cần Chúa. Còn người Pharisêu tự coi mình là công chính nên mới không cảm thấy cần sám hối.

Khi còn thuộc nhóm Pharisiêu, Phaolô kiêu ngạo, cứng lòng và bách hại các tín hữu. Nhờ ăn năm sám hối, ngài đổi mới hoàn toàn, ngài có được kinh nghiệm sống trong tình yêu lòng nhân từ và tha thứ của Ðấng đã quật ngã mình khỏi lưng ngựa.Thánh Phaolô yêu Chúa trên hết mọi sự và đã trở thành Tông đồ dân ngoại.

Thành Phêrô chối Chúa. Chúa thức tỉnh ký ức của Phêrô bằng tiếng gà gáy và ánh mắt tha thứ nhân từ. Nhờ ăn năn sám hối bằng những giọt nước mắt hối hận “ Phêrô ra ngoài khóc lóc thảm thiết”( Lc 22,62), Phêrô đã nên vị lãnh đạo chăm sóc đàn chiên của Chúa.

Câu chuyện về những người tội lỗi có lòng ăn năn sám hối và được tha thứ như vua Ðavít, như người đàn bà tội lỗi và như thánh Phaolô như thánh Phêrô nói lên lòng thương xót thứ tha của Chúa. Tâm tình ăn năn sám hối ở đây khác với mặc cảm tội lỗi. Ðược tha thứ rồi, ta không cần mang mặc cảm tội lỗi. Mang mặc cảm tội lỗi có thể khiến ta nghi ngờ lòng thương xót tha thứ của Chúa. Tuy nhiên ta nên duy trì tâm tình sám hối vì sống trong tâm tình sám hối sẽ giúp ta sống gần bên Chúa mãi.

Ðể có thể sám hối, cần phải có ơn biết kính sợ Chúa. Không phải sợ mà không dám đến gần Chúa, nhưng sợ làm điều mất lòng Chúa như sách Huấn ca dạy: Kính sợ Chúa là bước đầu của khôn ngoan (Hc1,14). Ơn biết kính sợ Chúa là cần thiết để được hưởng nhờ ơn cứu độ.

Xã hội càng duy vật và giàu có, người ta càng có khuynh hướng quên đi một số quy luật cơ bản của đời sống tinh thần. Quy luật xem ra bị lãng quên nhiều nhất chính là ăn năn sám hối, để rèn luyện ý chí hầu có thể làm chủ bản thân. Trong mọi cuộc đấu tranh, sự đấu tranh với bản thân là gay go hơn cả. Chính vì thế có một số người, sau khi đã đấu tranh thất bại với bản thân thì hoàn toàn nản chí, không còn muốn đấu tranh với chính mình nữa và thường xuyên chiều theo con người hư đốn của mình. Có những người khác, vì không bao giờ đấu tranh với chính mình, nên chỉ dành thời giờ và sức lực để đấu tranh chống tha nhân và ức hiếp người yếu thế. Mùa Chua là mùa ăn năm sám hối. Mục đích của việc ăn năm sám hối là hãm mình. Hãm con người mình lại, hãm bớt dục vọng, hãm bớt đam mê, hãm bớt thói hư tật xấu, hãm bớt sự tham lam của cải, hãm bớt sự hung hăng gây chiến, hãm bớt lòng tự cao tự đại, hãm bớt cả những sở thích thường nhật. Sự hãm bớt như thế có một tác dụng rất lớn, nếu được thực hành thường xuyên, sẽ tạo cho ta một nội lực, một sức mạnh giúp ta làm chủ bản thân khi cần thiết. Ðức tính tự chủ dễ nảy sinh và phát triển nơi những con người quen hãm mình. Và chính đức tính ấy làm cho con người thực sự tự do, làm chủ bản thân, không nô lệ chính mình và bất cứ điều gì. Thoạt nghĩ tới thì sự hãm mình có vẻ là một sự gò bó, giới hạn, cắt xén, làm cho con người không còn được tự do thoải mái. Chính vì thế mà nhiều người trong xã hội hôm nay, kể cả những người có đạo, thậm chí cả những người sống đời tu trì, không thích hãm mình, và hầu như không còn hãm mình nữa. Ðó là lý do của sự xuống dốc về đạo đức trong gia đình và ngoài xã hội. (ĐGM Bùi Văn Đọc).

Giáo Hội biết rõ cứ sự thường người ta không thích hãm mình, nên thường dạy hy sinh đi đôi với sự hãm mình. Hy sinh là tự nguyện chết đi, là thông phần với cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu, kết hợp với hiến tế thập giá của Ngài. Hy sinh làm những điều mình không thích quả thật là từ bỏ chính mình để bước theo Chúa. Hy sinh là liều mất sự sống, thì sẽ được sống, là đánh mất bản thân, thì sẽ gặp lại bản thân. Hy sinh là chết đi để được vui sống muôn đời. Hy sinh là đi con đường thập giá dẫn tới vinh quang Phục Sinh. Nếu không có động lực nào thúc đẩy thì con người rất ngại hy sinh hãm mình. Nhưng khi có động lực là tình yêu, con người có thể hy sinh dễ dàng. Hãm mình hy sinh không còn là gánh nặng, trái lại còn trở nên nhẹ nhàng cho những ai đang yêu Chúa và yêu những người khác. Chính vì thế mà hãm mình hy sinh thường đi chung với cầu nguyện. Có cầu nguyện, tiếp xúc với Chúa, gặp gỡ Chúa, cảm nghiệm tình yêu của Chúa, chúng ta sẽ sẵn sàng hy sinh nhiều thứ, và dễ dàng làm chủ bản thân mình. Đời sống cầu nguyện thường được nuôi dưỡng bằng những hy sinh nho nhỏ trong đời sống thực tế mỗi ngày. Mùa Chay là thời gian thuận tiện để cầu nguyện, để ăn năn sám hối để hy sinh hãm mình, nhờ đó mà canh tân bản thân mình ngày mỗi hoàn thiện hơn.

Mùa Chay linh thiêng lại về với đời sống tín hữu công giáo. Mùa chay là thời gian 40 ngày dọn lòng mừng lễ Phục Sinh, trải dài từ Lễ Tro cho đến Tuần Thánh, lặp lại thời gian 40 ngày chay tịnh của Chúa Giêsu năm xưa khi chuẩn bị bước vào đời công khai rao giảng Tin Mừng (Mt 4,2). Con số 40 còn lặp lại nhiều biến cố khác trong lịch sử cứu độ như 40 ngày của Êlia trên núi Horeb dọn mình thực thi sứ vụ Chúa trao (1 V 19,8), như 40 ngày của Môsê trên núi Sinai chuẩn bị đón nhận thập điều Chúa dạy (Xh 34,28), và như 40 năm dân Chúa lưu lạc trong hoang địa dọn lòng đặt chân vào đất hứa. Mùa Chay như vậy là thời điểm thuận lợi để sống mầu nhiệm Tử Nạn của Chúa Kitô thông qua việc chay tịnh để sẵn sàng mừng lễ Phục Sinh. Nhưng Mùa Chay không chỉ là việc chay tịnh, cho dẫu khởi đầu và kết thúc Mùa Chay được diễn ra bằng việc buộc ăn chay và kiêng thịt thứ tư Lễ Tro và thứ sáu Tuần Thánh. Mùa Chay còn là mùa xuân tâm hồn với những sinh hoạt đổi mới đời sống đức tin.

Cầu nguyện, canh tân, chia sẻ: đó là ba sinh hoạt mỗi người chúng ta cố gắng thực hiện trong Mùa Chay năm nay, cũng là ba chiều kích với Chúa, với mình, với tha nhân dệt nên nhịp sống Giáo Hội trong “lúc thuận tiện và mùa cứu độ” này. Nhưng để có được ý lực bền bỉ trong suốt chiều dài 40 ngày, theo tinh thần sứ điệp Mùa Chay của Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI, nhấn mạnh đến bí tích Rửa Tội với chủ đề “cùng được mai táng với Đức Kitô khi chịu phép rửa, sẽ cùng được sống lại với Người” (Col 2,12), chúng ta cần bước đầu là làm sao gặp được Đức Kitô để kiên trì sống dưới mái trường của Người, và bước tiếp theo là tổ chức đời sống mình rập khuôn theo đời sống của Đấng Cứu Thế, để ngày từng ngày trở nên đồng hình đồng dạng với Người rõ nét hơn mà tiến tới Lễ Phục Sinh trong niềm hoan lạc tràn đầy. Trong khi đợi chờ Lễ Phục Sinh đang đến, nguyện chúc anh chị em một Mùa Chay thánh đức.(x. Thư Mục Vụ Mùa Chay 2011, ĐGM Giuse Vũ Duy Thống).
 
Vượt qua chính mình
Trầm Thiên Thu
18:34 06/03/2011
Mùa Chay về, chúng ta chú trọng nhiều đến việc hy sinh, hãm mình và sám hối để có thể sống tốt hơn, xứng đáng là Kitô hữu hơn. Chúng ta cùng rút ra bài học riêng khi đọc chuyện đời của Matthêu Fradd, 28 tuổi, người đã chiến thắng tật “nghiện phim tươi mát”, và anh muốn giúp người khác cũng chiến thắng tật xấu như vậy. Thiết tưởng, câu chuyện của anh có ích lợi cho chúng ta về lĩnh vực nào đó trong Mùa Chay Thánh này.

Matthêu Fradd bắt đầu xem phim tươi mát từ khi anh 8 tuổi. Anh thấy một tạp chí ở nhà kho của một người bà con và anh bị nó “quyến rũ”. Anh cứ loanh quanh tìm điều gì đó tương tự, và lúc anh 11 hoặc 12 tuổi, anh và một người bạn đi ăn cắp báo ở mấy quầy báo và ở các cây xăng. Đó là những tờ báo Playboy (Tay ăn chơi) hoặc Penthouse (Nhà thổ). Fradd lợi dụng lúc người ta không để ý thì anh lấy giấu trong áo.

Đó là câu chuyện mà anh kể nhiều lần trên đài truyền hình và đài phát thanh, kể cho nhiều người ở Canada, Ai-len và Mỹ. Anh làm vậy vì anh cho rằng hình ảnh khiêu dâm vô hại, nhưng ma quỷ dùng nó để làm mất khả năng yêu thương của con người. Anh nói rằng nó làm suy nhược nam giới và làm thoái hóa nữ giới.

Anh và vợ là Cameron cùng con gái sống ở Ottawa, Canada. Anh nói rằng bước ngoặt đời anh là Ngày Giới Trẻ 2000 ở Rôma. Lúc đó anh hoàn toàn không biết về tình trạng của mình và càng đi lễ ít càng tốt. Khi diễn ra Đại hội Giới trẻ, anh bị thu hút bởi chuyến đi tới Âu châu. Anh nói: “Tư tưởng đó lớn dần theo đức tin hoặc khám phá Chúa Giêsu hoặc lắng nghe ĐGH nói. Thật lòng thì tôi cũng không ham thích”.

Anh bị thuyết phục bởi các thanh niên khác trên máy bay. Anh nói: “Tôi chưa bao giờ gặp các Kitô hữu trẻ thực sự tin vào niềm tin của họ, họ sống ngoài giáo huấn của giáo hội về mọi thứ, kể cả về giới tính. Tôi chưa gặp những người bình thường như vậy. Không chỉ bình thường mà rất lạnh nhạt, nhưng tự tin”.

Anh bắt đầu cầu nguyện xin một dấu chỉ có Thiên Chúa hiện hữu. Trước đó lâu, có vẻ như lời cầu nguyện của anh được đáp lại. Anh cho biết: “Tôi chưa bao giờ cảm thấy vui như vậy. Tôi chỉ có cảm giác tràn ngập là Thiên Chúa có thật, Ngài yêu thương tôi, và nếu đó là sự thật thì điều đó thay đổi mọi thứ được bao nhiêu? Đó là quá trình tiệm tiến của sự thánh hóa”.

Anh nhận nhiều lời khuyên về hình ảnh khiêu dâm từ các linh mục. Một số người nói với anh rằng đó là “sự chuẩn bị khủng khiếp đối với hôn nhân”, những người khác nói đó chỉ là “sự giả trí lành mạnh đối với giới trẻ” (Fradd cảm thấy cách nói này không thỏa mãn).

Anh bỏ một thời gian không xem hình ảnh đồi trụy. Anh gia nhập Bộ quản lý mạng ở Canada, và đi làm công tác đạo đức trong nước suốt một năm. Anh kết hôn năm 2006. Lúc này anh “không phải chống trả nhiều mà chỉ thi thoảng”. Anh đã sa ngã tồi tệ. Anh nói: “Khi vợ tôi đọc Kinh thánh với các phụ nữ khác, nói với họ về phẩm cách phụ nữ, thì tôi xem hình ảnh tươi mát”.

Anh nói anh cảm thấy “rất xấu hổ”, và anh nói với linh mục giải tội rằng anh “yếu đuối và mệt mỏi” vì cứ tái phạm hoài. Vị linh mục đề nghị anh xin Đức Trinh nữ Maria trợ giúp. Anh không tin sẽ tác dụng nhưng anh nghĩ cứ thử xem sao. Anh tâm sự: “Từ hôm đó, tôi đọc kinh Mân Côi và cầu nguyện theo ý đó. Sau mỗi chục kinh Mân Côi, tôi nâng chuỗi Mân Côi lên trên đầu như sợi xích ở hai tay và nói: Lạy Đức Mẹ, xin nhận xâu chuỗi của Mẹ, bây giờ con lột bỏ xiềng xích của lòng ham muốn đê hèn”. Cuối cùng anh cảm thấy “cơn nghiện bỏ đi”. Và anh đã bỏ được tật xấu đó mãi mãi.

Matthêu Fradd nói thêm: “Điều đó không xảy ra qua đêm, tôi không có ý nói nó không thể nào lại xảy ra. Sự thuần khiết là cuộc chiến thường nhật. Nó không là đích để bạn đạt tới và bạn tỉnh thức nghĩ rằng: Ồ, tôi thuần khiết rồi. Là một Kitô hữu, sự thuần khiết không là đích đến, Nước Trời mới là đích đến”.

Chỉ vài tháng sau, Fradd không biết có thể giúp người khác bằng cách nào khi họ phải đấu tranh như mình. Anh thu băng lời nói và tung lên các trang mạng “rẻ tiền” mà anh đã từng xem. Anh được nhiều người trên thế giới trao đổi qua e-mail.

Năm 2009, một linh mục cho anh 12.000 USD để chuyển trang ThePornEffect.com thành cái gì đó “sạch sẽ” và chuyên nghiệp. Hiện nay, trang này mỗi ngày có khoảng 7.000 lượt truy cập, có những bài viết và phỏng vấn những người đã làm về công nghệ phim ảnh khiêu dâm, kể cả Donny Pauling (một cựu nhà xuất bản báo Playboy), và April Garris (một cựu diễn viên đóng phim tươi mát).

Trang này cũng có diễn đàn “The Revolution” (Cách mạng), dành cho những người đang muốn “vượt qua chính mình”, với những câu chuyện chiến thắng chính mình của những người đã bỏ được thói xấu đó và mục “battle cry” (cuộc chiến nước mắt) của những người đang giữa đường chiến đấu. Trang này gây xúc động và tự thuật: Đọc để cảm nghiệm.

Fradd khuyên người ta nên chân thật và thừa nhận rằng những người đi nhà thờ vẫn có thể nghiện xem hình ảnh tươi mát. Anh nói: “Những người ngồi kế tôi trong nhà thờ có thể không tin có vấn đề về phim ảnh khiêu dâm, có thể họ cũng xem và nghiện”. Có những người “dị ứng” khi nói về phim anh khiêu dâm. Fradd bây giờ cũng vậy.

Anh nhận ra rằng “quỷ dâm dục” không dễ triệt nếu không cẩn trọng. Anh tổ chức những buổi họp mặt tại các quán bar hoặc CLB nhạc jazz để nói chuyện về công nghệ phim ảnh dồi trụy. Có khi anh phỏng vấn Garris hoặc Pauling trên sân khấu. Anh nói: “Mọi người có thể đến một môi trường lãnh đạm, mua ít rượu và chỉ để nghe nói chuyện… Đó là cách Phúc âm hóa cũng thuyết phục được 50%”.

Từ kinh nghiệm thực tế của mình, Fradd khuyên ăn chay, chầu Thánh Thể và lần chuỗi Mân Côi. Anh nói: “Nếu không thể khước từ một miếng bánh, một ly cà-phê, thì làm sao có thể cưỡng lại cơn cám dỗ về phim ảnh tươi mát? Cầu nguyện mà không ăn chay cũng giống như đấu quyền anh với hai tay bị trói phía sau lưng vậy, và ăn chay mà không cầu nguyện chỉ như ăn kiêng mà thôi”.

Vấn đề không phải là xem hay không xem phim ảnh xấu, mà là cố gắng hoàn thiện và nên thánh. Fradd nói thêm: “Chúng ta muốn là loại người đó thì khi chúng ta chết, ma quỷ sẽ mở tiệc ăn mừng. Nó sẽ nói: Cảm ơn Chúa đã đi xa. Tôi không muốn ma quỷ ăn mừng, và tôi nghĩ chắc hẳn các bạn cũng muốn như tôi”.

(Chuyển ngữ từ CatholicHerald.co.uk)
 
Vượt qua cơn cám dỗ
Trầm Thiên Thu
18:34 06/03/2011
Không một thử thách nào đã xảy ra cho anh em mà lại vượt quá sức loài người. Thiên Chúa là Đấng trung tín: Người sẽ không để anh em bị thử thách quá sức; nhưng khi để anh em bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em có sức chịu đựng (1Cr 10:13).

Con gái tôi là Emily, 10 tuổi, đã qua giai đoạn “cãi lại” khi phải đi ngủ sớm, ăn bánh ít, hoặc giảm giờ chơi. Mỗi lần cãi xong thì nó luôn nói: “Con đã xin Chúa Giêsu đừng cho con mở miệng để con không cãi lại, nhưng Ngài không làm vậy”. Trước tòa công lý, Emily đã có quyết định, Chúa Kitô là Đấng ngồi chờ mà không có bánh, không phải nór, vì Ngài đã không làm khi nó cần. Trong ý nghĩ của nó, Ngài “thất hứa” vì không giúp nó vượt qua cơn cám dỗ phạm tội. Nó cảm thấy đó là lỗi của Chúa Giêsu chứ không phải của nó. Nó tin tưởng và phó thác, nhưng Ngài không bày tỏ.

Không chỉ riêng Emily hiểu lầm về cơn cám dỗ, về tội lỗi, và về sức mạnh Thiên Chúa đã ban cho chúng ta để chiến thắng mọi thứ. Nếu chúng ta sa ngã, đó là vì chúng ta không tận dụng sức mạnh của Đức Kitô trong chúng ta để vượt qua cơn cám dỗ, chứ không phải tại Chúa không ban sức mạnh cho chúng ta.

Trong thư của Thánh Phaolô gởi giáo đoàn Corintô, ngài dạy rằng mọi cơn cám dỗ mà chúng ta gặp trong đời sống là điều thường xảy ra với con người. Đôi khi chúng ta muốn tin rằng chúng ta đang đối mặt với điều gì đó trong cuộc sống thường nhật mà không ai có kinh nghiệm, và vì không có kinh nghiệm mà chúng ta không thể trông mong vượt qua được. Ngay trong cuộc sống cũng có nhiều lần tôi kết án Thiên Chúa để tôi chịu đựng quá sức mình. Tuy nhiên, điều đó đi ngược với những gì Thiên Chúa dạy chúng ta qua Lời Chúa.

Vì chúng ta là con người sa ngã, chúng ta rất yếu đuối. Vì yếu đuối, khi gặp cám dỗ, chúng ta thường bị thua và thất bại. Đây là tình trạng tự nhiên từ khi con người được sinh ra. Ngoài Chúa Thánh Thần, con người không đủ sức vượt qua cơn cám dỗ.

Nhưng khi chúng ta đến với Chúa Kitô, Ngài sẽ sai Thánh Linh đến với chúng ta. Lúc đó, chúng ta có đủ sức mạnh để nói “không” với tội lỗi và nói “có” với Thiên Chúa. Khi gặp cơn cám dỗ, chúng ta được Thiên Chúa hứa 2 điều: Thứ nhất, Ngài không bao giờ để chúng ta bị cám dỗ quá sức; thứ hai, Ngài sẽ giúp cách vượt qua để chúng ta không chỉ chịu đựng được mà còn vượt qua được. Cách “thoát” đó là sức mạnh của Chúa Kitô trong chúng ta giúp chúng ta tránh xa cơn cám dỗ mà không đầu hàng nó. Nếu chúng ta đầu hàng, đó là vì chúng ta không dùng sức mạnh của Chúa, chứ không phải Ngài không ban cho chúng ta.

Emily, con gái tôi, (cũng như nhiều người trong chúng ta) chỉ mong Chúa Giêsu gõ “chiếc đũa thần” trên nó để nó không bị cám dỗ cãi lại. Theo nó nghĩ, nếu nó thực sự có sức mạnh của Chúa Giêsu để vượt qua cơn cám dỗ phạm tội thì nó sẽ không phải trải qua cơn cám dỗ, Chúa Giêsu rõ ràng đã không ban cho nó những gì nó cần, thế nên nó sa ngã.

Có sức mạnh của Chúa Giêsu trong chúng ta không có nghĩa là chúng ta không phải trải qua cơn cám dỗ, mà có nghĩa là khi chúng ta thấy mình phải chống trả cơn cám dỗ, Chúa Giêsu sẽ ban sức mạnh giúp vượt qua để chúng ta không phải đầu hàng nó. Tùy chúng ta có biết đón nhận và sử dụng sức mạnh đó hay không. Chúa Giêsu sẽ không dùng sức mạnh đó thay cho chúng ta.

Nhiều người nghĩ rằng bị cám dỗ là phạm tội, nhưng không phải vậy. Chính Chúa Giêsu cũng bị cám dỗ khi còn tại thế, và đó không là tội. Cơn cám dỗ trở thành tội lỗi khi chúng ta đầu hàng nó.

Điều gì làm chúng ta thất bại nhiều lần khi gặp cơn cám dỗ? Đó là vì muốn chiến thắng cơn cám dỗ, người ta phải chết hoàn toàn? Thân xác chúng ta thù địch với Thiên Chúa. Nó muốn những gì nó muốn và ghét những gì bị giới hạn. Luôn có sự giằng co giữa Thánh Thần của Chúa trong chúng ta và nhu cầu của bản chất tội lỗi nơi chúng ta. Nếu chúng ta muốn được Chúa Thánh Thần kiểm soát cuộc sống, nghĩa là xác thịt chúng ta phải biết “chết”. Nó phải bị đóng đinh vào Thập giá. Thập giá bị đau đớn. Vì chúng ta không muốn đối mặt với nỗi đau bị đóng đinh, nên chúng ta dễ đầu hàng cơn cám dỗ và dễ bỏ Chúa hơn là dám “chết” để vượt qua cơn cám dỗ. Chúng ta không đầu hàng cơn cám dỗ vì chúng ta biết dùng sức mạnh Chúa Giêsu đã ban để tránh xa nó. Chúng ta đầu hàng cơn cám dỗ vì chúng ta không dùng sức mạnh đó, và chúng ta phải chết thật!

Nếu sức mạnh của Chúa có trong chúng ta, có phải là chúng ta không bao giờ phạm tội phản nghịch Ngài? Chúng ta có thể sống hoàn hảo, không tỳ vết tội lỗi, nếu chúng ta sẵn sàng dùng sức mạnh của Chúa mỗi khi gặp cơn cám dỗ? Tôi nghĩ là không. Vấn đề không phải là Đức Kitô không ban sức mạnh đó cho chúng ta. Nguyên nhân tại bản chất yếu hèn hay sa ngã của chúng ta, ngăn cản chúng ta sử dụng sức mạnh của Chúa. Thánh sử Gioan dạy: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của tôi, tôi viết cho anh em những điều này, để anh em đừng phạm tội. Nhưng nếu ai phạm tội, thì chúng ta có một Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha: đó là Đức Giêsu Kitô, Đấng Công Chính. Chính Đức Giê-su Ki-tô là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta, không những tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn tội lỗi cả thế gian nữa" (1Ga 2:1-2). Những vị lãnh đạo giáo hội sơ khai đã nhận thấy rằng vì chúng ta là phàm nhân, chúng ta vẫn sẽ quên Thiên Chúa, quên cả sức mạnh của Ngài trong chúng ta. Do đó, chúng ta mới trải nghiệm sự tha thứ bất cứ lúc nào chúng ta cần.

Nếu chúng ta muốn chiến thắng cơn cám dỗ ở đời này, chúng ta phải biết cầu nguyện. Không cầu nguyện liên lỉ thì chúng ta có thể quên chiến đấu. Khi Chúa Giêsu cầu nguyện trong Vườn Cây Dầu, Ngài đã cảnh báo các môn đệ: “Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu hèn" (Mt 26:41).

Tinh thần của chúng ta luôn sẵn sàng sống theo Ý Chúa, nhưng xác thịt tội lỗi luôn đối nghịch với Thiên Chúa. Thời gian dành cho Chúa qua việc cầu nguyện sẽ làm tinh thần chúng ta mạnh mẽ. Khi tinh thần mạnh mẽ, chúng ta dễ tránh xa chước cám dỗ hơn khi chúng ta không cầu nguyện. Cầu nguyện làm chúng ta mạnh mẽ. Đó là lý do Chúa Giêsu dành nhiều thời gian để cầu nguyện khi Ngài thực hiện sứ vụ trên trần gian. Ngài nêu gương cho chúng ta và cho chúng ta thấy rằng nếu chúng ta muốn chiến thắng thế gian như Ngài, chúng ta phải biết cầu nguyện không ngừng.

Nếu chúng ta phải chống lại cơn cám dỗ nào đó, hãy cầu nguyện với Thiên Chúa và cho Ngài biết cơn cám dỗ đó. Hãy “thực tế” trong lời cầu nguyện, đừng che giấu bằng những ngôn từ hoa mỹ. Hãy tâm sự với Ngài về những gì bạn đang phải đối mặt, đừng ngại nói rõ từng chi tiết. Ngài luôn lắng nghe và thấu hiểu.

Dù tôi không tin chúng ta có thể hoàn hảo và vô tội, tôi vẫn tin rằng nhiều người trong chúng ta không chiến thắng vẻ vang vì chúng ta coi thường việc tận dụng sức mạnh mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta để vượt qua cơn cám dỗ. Chiến bại là điều khó tránh, vì chúng ta là phàm nhân yếu đuối, các thất bại đó không nhiều như chính chúng. Lời cầu nguyện hằng ngày có thể biến đổi nhiều thất bại thành chiến thắng.

Nhiều người thiếu cảm nghiệm về vẻ đẹp và sự thoải mái khi cầu nguyện vì khi họ cầu nguyện với Chúa, họ còn giấu giếm chứ không nói thật lòng mình. Bạn sẽ không bao giờ biết sự thân mật giữa bạn và Chúa là gì đến chừng nào bạn biết cách “trò chuyện” với Ngài tự đáy lòng. Bạn sẽ không bao giờ biết sự dịu dàng của Ngài đến chừng nào bạn biết trút lòng mình ra với Ngài. Đặc biệt là bạn sẽ không bao giờ biết thân mật với Ngài là gì đến chừng nào bạn biết “tâm sự” với Ngài mỗi sáng thức dậy và mỗi tối trước khi ngủ. Khi chúng ta song hành với Chúa, chúng ta ít có thể chọn cách làm buồn lòng Chúa. Ma quỷ biết vậy, đó là lý do nó hoạt động suốt ngày đêm để tìm mọi cách kéo bạn xa Chúa và khiến bạn không muốn cầu nguyện.

Thiên Chúa rất yêu thương chúng ta, và Ngài biết rõ chúng ta chỉ là cát bụi. Thiếu Ngài, chúng ta không có sức mạnh, không có chiến thắng, và không thể biết làm vui lòng Ngài. Chúng ta hoàn toàn lệ thuộc vào Ngài, không chỉ để chúng ta được cứu độ mà còn để được che chở. Khi chúng ta khinh suất việc cầu nguyện hằng ngày, đó là vì chúng ta quên thân phận yếu đuối của mình, quên rằng chúng ta rất dễ sa ngã. Bản chất tội lỗi luôn sẵn sàng hướng về điều xấu, nó chỉ có thể bị kiềm chế nhờ Chúa Thánh Thần. Nếu chúng ta muốn được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, chứ không bị bản chất tội lỗi điều khiển, chúng ta phải biết dành thời gian cầu nguyện với Thiên Chúa để Chúa Thánh Thần nuôi dưỡng chúng ta, chứ không phải xác thịt.

Chính sức mạnh của Chúa Thánh Thần là sự quan phòng của Thiên Chúa và là cách thoát cơn cám dỗ của chúng ta, chứ không phải “chiếc đũa thần” của Chúa Giêsu. Nếu bạn đầu hàng cơn cám dỗ, đó là vì bạn không tận dụng sức mạnh đó chứ không phải vì Thiên Chúa không ban.

Lạy Chúa, xin xót thương và tha thứ chúng con. Xin giúp chúng con biết ở trong Chúa để sinh hoa kết trái (x. Ga 15:1-4). Chúng con xấu xa và tội lỗi, nhưng luôn vững tin vào Ngài. Vâng, tất cả là hồng ân (Rm 4:16), vì con có làm được gì thì cũng là nhờ ơn Chúa (x. 1Cr 15:10).

(Chuyển ngữ từ Catholic.net)
 
Thông điệp của ngày lễ tro
LM Inhaxiô Trần Ngà
18:39 06/03/2011
Đừng chỉ chăm sóc thân xác mà lãng quên linh hồn.

Nhà kia có hai đứa con. Một đứa thì được cha mẹ chăm sóc tối đa: cho ăn cho mặc, cho tiêu xài, cung cấp cho đủ thứ, không từ chối nó bất cứ điều gì nó muốn, thậm chí nó đòi hỏi những điều trái luân thường đạo lý thì cũng cho luôn.

Còn đứa con thứ hai thì không được cha mẹ đoái hoài: không cho ăn, không cho mặc, không cho thuốc men, không cho bất cứ gì nó cần.

Làm cha mẹ như thế có công bằng không? Có xứng đáng làm cha mẹ nữa không? Làm cha mẹ như thế có đáng bị lên án không?

Hai đứa con nói trên tượng trưng cho hai thành phần của tôi: linh hồn và thân xác. Con người tôi có xác nhưng cũng có linh hồn. Vậy mà tôi chỉ biết chăm lo cho thân xác mà quên mất linh hồn. Châm ngôn sống của tôi là: Tất cả cho thân xác, tất cả cho cuộc sống đời nầy.

24 giờ của một ngày, tôi đều dành trọn cho thân xác.

168 giờ của một tuần, tôi cũng đều dành trọn cho thân xác.

720 giờ của một tháng cũng đều dành trọn cho thân xác.

Và cứ thế, từ ngày nầy trải qua ngày khác, hết tháng nầy đến tháng kia, tôi chỉ biết chăm lo cho thân xác mà thôi.

Còn linh hồn thì bị bỏ rơi, không được đoái hoài. Suốt 24 giờ của mỗi ngày, 168 giờ của mỗi tuần, 720 giờ của một tháng… tôi chẳng dành cho linh hồn một phút nào.

Thế rồi mai đây thân xác tôi sẽ ra sao ?

Lời Chúa vang lên trong nghi thức xức tro nhắc nhở tôi nhớ đến số phận mình:

"Hỡi người, hãy nhớ mình là bụi tro, mai sau người sẽ trở về với bụi tro."

Những hạt bụi tro li ti rắc trên đầu trong ngày lễ tro hôm nay nhắc nhở chúng ta nhớ rằng mai đây, sớm muộn gì thân xác ta cũng sẽ hóa thành bụi tro như thế. Bụi tro là chung cuộc của thân xác con người. Sống thêm một năm là nhích lại gần nấm mồ hơn một chút. Tăng thêm một tuổi là rút ngắn thêm một chặng nữa tiến trình hóa thành tro bụi của thân xác mình.

Thế là cuối cùng, thân xác tôi chỉ còn là một nắm tro bụi li ti.

Không lẽ hôm nay tôi đầu tư hết tất cả thời gian, công sức, trí tuệ, tài năng, nghị lực, tiền bạc của mình cho thân xác nầy để rồi cuối cùng chỉ thu hoạch được một nắm tro!

Như thế có khác chi những con dã tràng cố công xây những lâu đài trên cát để rồi chốc lát sau sóng biển ập đến và xóa sạch không để lại vết tích gì.

Nói như thế không phải để bi quan chán sống, nhưng để tìm cách sống sao cho kiếp người có một kết cục tươi sáng vẻ vang hơn.

Biết như thế để từ nay, ta không mê muội đầu tư tất cả cho thân xác, không để cho những đam mê xác thịt nhận chìm hồn thiêng của ta trong địa ngục muôn đời, nhưng biết chăm lo xây dựng đời sống thiêng liêng, quyết tâm vun đắp đời sống tâm linh để cho hồn thiêng của mình mãi mãi trường tồn trong vinh quang thiên quốc.

Biết thế thì ta phải công bằng với linh hồn ta. Thân xác nầy nay còn mai mất thì ta chăm sóc vừa đủ, còn linh hồn ta sống mãi muôn đời thì phải được chăm lo chu đáo hơn.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Người Công Giáo coi các giá trị thiêng liêng là công việc của mình
Bùi Hữu Thư
13:53 06/03/2011
VATICAN (CNS) – Khi các nhà lãnh đạo các doanh thương và các chuyên gia tụ tập tại Vatican cho một buổi họp mới đây, họ được mời gọi tham gia vào một kinh nghiệm khác thường về cách suy tư.

Andreas Widmer, một cựu vệ binh Thụy Sĩ cao lớn và một chủ nhân một doanh thương nói với họ: “Xin tưởng tượng xem nếu bạn bị đưa ra xét xử vì là một Kitô hữu, và họ sẽ dùng công ty của bạn và cách thức bạn điều hành công ty này làm chứng cho đức tin của bạn. Trường hợp tệ hại nhất là họ không thể lên án bạn vì không có bằng chứng gì."

Widmer, là người đồng sáng lập Quỹ Bác Ái (SEVEN Fund), dùng thí dụ này để nhấn mạnh là rất khó khăn khi phải sử dụng đức tin trong công việc, và làm cho đức tin gợi hứng cho các chính sách và sinh hoạt của công ty.

Ông là một trong khoảng 40 người khách được mời tham dự một cuộc hội thảo từ ngày 24 đến 26 tháng Hai, đồng bảo trợ bởi Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình và Viện John A. Ryan về Tư Tưởng Xã Hội Công Giáo của Đại Học St. Thomas tại St. Paul, Minnesota.

Mệnh danh là: "Caritas in Veritate: Luận Lý về Quà Tặng và Ý Nghĩa của Doanh Thương,” hội thảo này tìm cách giúp các thương gia và các nhà giáo dục Công Giáo đem các giá trị thiêng liêng vào trong các thực hành của doanh nghiệp. Đặc biệt hơn, hội thảo nhắm sử dụng các nguyên tắc được trình bầy trong Thông Điệp “Bác Ái trong Chân Lý” Đức Thánh Cha Benedict XVI đã viết năm 2009 về các vấn đề công lý xã hội.

Michael Naughton, Giám đốc Viện Tư Tưởng Xã Hội Công Giáo nói: không sai lầm khi cho rằng một doanh nghiệp được xây dựng quanh luận lý (logic) về quà tặng, vì điều này phản ảnh tư tưởng tự nguyện cho đi của Kitô hữu, và là một sự khiếm thế đáng kể so với các doanh nghiệp chỉ nhắm được nhiều lợi tức dù bất cứ phải trả giá nào.

Ông nói: Và cũng không đúng khi nói rằng luận lý về tiền tài là bí quyết để thành công như tình trạng tài chánh khó khăn tiếp diễn hiện nay cho thấy. "Điều chúng ta đã thấy là luận lý về sản xuất và giá cả gần đây không được khá lắm.”

Ông Naughton nói: Một doanh nghiệp dựa trên các giá trị đặt sự phát triển con người chân chính và ích lợi chung trên hết có thể không “luôn luôn đem lại lợi tức cho bạn, nhưng cũng không dẫn đưa bạn tới sự thất bại về kinh tế.”

Ông nói: Một doanh nghiệp dựa trên các giá trị vẫn sẽ cần phải chú trọng đến khả năng, sự hữu hiệu, sự cần kiệm và lợi nhuận mới thành công được, nhưng các ưu tiên không dừng lại ở đây.

Ông Naughton nói: Đây là việc xây dựng các mối tương quan lo lắng vững chãi với tất cả mọi thành phần trong lãnh vực doanh thương: các công nhân, giới tiêu thụ, các nhà đầu tư và cộng đồng, kể cả môi sinh và các thế hệ tương lai. Các giá trị Kitô giúp lấy các quyết định liên quan đến các yếu tố trần thế của mọi doanh nghiệp: lương bổng, việc định nghĩa các công việc, cách đối xử với mọi người khi mướn họ hay sa thải họ, và cách thức xử thế đối với các khách hàng và những nhà cung cấp nguyên liệu.

Ông Naughton ở trong ban giám đốc của một công ty sản xuất và khi công ty này gặp khó khăn trong cuộc khủng hoảng kinh tế trên thế giới, công ty của ông đã vượt qua được cơn sóng gió.

Ông nói: "Như một gia đình; gia đình bị nhiều khó khăn xảy đến nếu các mối tương quan bị bế tắc. Nếu dựa trên nhân đức và có một tương quan tinh thần, họ thường có hể vượt qua các khó khăn này nhiều hơn là nếu các mối liên hệ chỉ dựa trên sợi giây chỉ mỏng manh của giá cả.”

Các tham dự viên trong buổi hội thảo tại Vatican nói: Giáo hội đã cung cấp một giáo huấn cao cả về các trách nhiệm luân lý và xã hội của các doanh thương, nhưng có ít hướng dẫn hay khuôn mẫu để giúp cho các doanh gia và các nhà giáo dục về doanh nghệp Công Giáo áp dụng các nguyên tắc này trong thực hành.

Để bổ túc cho thiếu sót này, ông Naughton và hai diễn giả khác đã soạn thảo và trình bầy cho hội đồng Giáo hoàng một bản nháp 11 trang về các áp dụng thực tiễn “sơ khởi” về các nguyên tắc xã hội cho các chuyên gia về doanh thưong và các nhà giáo dục về doanh nghiệp.

Bây giờ hội đồng đã thành lập một nhóm hoạt động để khai thác bản nháp này, và các giới chức cho hay ho sẽ cố gắng hoàn tất một phiên bản cuối cùng vào tháng Bẩy.

Các diễn giả đều đồng ý trong buổi hội là một sự khủng hoảng về tâm linh là gốc rễ của sự thất bại về tài chánh, và họ đề cao tâm quan trọng của việc đem các giá trị thần học về hy vọng, đức tin, và bác ái vào trong những nguyên tắc đạo đức về thương mại.

Ông Widmer lưu ý là có một khuynh hướng đáng lo ngại trong một vài doanh nghiệp là định nghiã một cách hạn hẹp “trách nhiệm xã hội” hay cách hành xử theo “đạo đức”. Ông nói, hiểm nguy là một công ty chỉ cần “ném một cái xương cho người nghèo và cho rằng tất cả mọi sự đều tốt đẹp và cứ tiếp tục như vậy."

Ông nói: Các doanh thương đã được chúc lành bởi quà tặng về sản nghiệp, số vốn và lợi nhuận, và tất cả những cái này phải được “chia sẻ như qùa tặng” theo nhiều cách khác nhau, kể cả cho những kẻ bị xã hội loại trừ để cho họ có thể phát triển các tài năng và cơ hội giúp biến đổi sự “nhàn rỗi thành công việc, những bố thí thành lương bổng, và quà tặng của việc giã từ nghèo khó để bước sang sự giầu có.”

Một nữ tu 43 tuổi từ Paris đã mang lý luận của Kinh Thánh vào phòng họp của các ban giám đốc.

Sơ Cecile Renouard Dòng Đức Mẹ Lên Trời bước trong các hành lang của các chi nhánh của các kỹ nghệ do người ngoại quốc làm chủ, và đang hoạt động trong thế giới đang phát triển, như tại Nigeria và Indonesia, và lo việc mục vụ cho các nhà điều hành và giám đốc.

Với các bằng cấp về thương mại, thần học và triết học, sơ rất thoải mái khi phải hợp tác với các giới chức soạn thảo các chính sách trong việc hướng dẫn họ đầu tư cách nào để trao quyền cho các cộng đồng điạ phương..

Sơ nói: Các công ty cần phải thấy “vai trò của họ không phải là thay thế chính phủ,” đây là điều sơ đã khuyến cáo một công ty đào giếng dầu hỏa vĩ đai tại Nigeria đang làm là cung cấp điện nước cho thành phố và gần như “ném tiền cho dân chúng.”

Sơ nói: Công ty này đã công nhận rằng đường lối họ đối xử với dân chúng điạ phương “đã là một thất bại”

Sơ khuyên các công ty thiết lập các quan hệ với các cơ quan và tổ chức ngoài chính phủ (NGO) đã có kinh nghiệm về phát triển đích thực, đó là cổ võ cho các khả năng và cơ hội để đưa dân chúng ra khỏi sự nghèo khó.

Sơ cũng giúp cho các công y ý thức được ảnh hưởng của các chính sách của họ bằng cách phác họa những cải tổ về xã hội, kinh tế và môi trường đã phát hiện trong các cộng đồng điạ phương và sơ cũng vạch ra những lợi ích nhân bản của việc đầu tư của họ.
 
Thánh Tượng Don Bosco tới thăm viếng Úc châu
Lm Anthony Nguyễn Hữu Quảng sdb
17:15 06/03/2011
THÁNH TƯỢNG THÁNH GIAON BOSCO TỚI ÚC CHÂU: DON BOSCO CHA VÀ THẦY CỦA GIỚI TRẺ

LỜI MỞ ĐẦU

Nhân dịp thánh tượng Don Bosco có khảm cánh tay phải của Ngài trong pho tượng đang chu du trên 130 quốc gia sẽ tới Úc Châu. Nhân dịp này chúng ta học hỏi về vị thánh đặc biệt được gọi là “Cha và Thầy của Giới trẻ”:

Xuyên suốt dòng lịch sử, Thiên Chúa đã gởi các ngôn sứ và các Thánh tới nhắc bảo và hướng dẫn Dân Ngài. Thiên Chúa gởi các Thánh tới để khai sinh các dòng tu nam nữ đáp ứng các nhu cầu đặc biệt. Thiên Chúa đã gởi các vị tử đạo đến để làm chứng nhân cho đức tin, và những con người như Don Bosco, để lo cho giới trẻ.

Vào đầu thế kỷ XIX, thành phố Tôrinô thay đổi, tội ác nở rộ. Khi còn trẻ, Don Bosco dấn thân làm việc giữa những tội phạm và những thanh thiếu niên hè phố.

Tôrinô của thế kỷ 19 cũng giống như nhiều thành phố tại Châu Mỹ và Châu Âu, đã thay đổi từ một trung tâm tỉnh lỵ vắng vẻ thành một thành phố công nghiệp náo nhiệt. Quả vậy, nhà máy mỗi ngày mỗi mọc lên, dòng người từ những nông trại bắc Ý và từ bên kia thung lũng dãy Alpe mỗi ngày mỗi tuôn về Tôrinô để tìm việc làm.

Lớp trẻ lao động vừa nhập cư này sống chen chúc nhau trong những phòng trọ ngột ngạt và dơ bẩn, có khi sáu hoặc tám người một phòng. Tội ác, bệnh tật và những tệ nạn nở rộ. Đối với hầu hết cư dân khu ổ chuột này thì Thượng Đế chỉ còn là ký ức nhạt nhòa gắn liền với những trang trại hoặc những cửa hàng bơ sữa mà họ đã bỏ lại để lên thành phố. Các băng đảng đã thành hình trên các đường phố và thường tràn vào những khu khá giả hơn của Tôrinô, thực hiện hàng loạt các vụ trộm cướp, đôi khi cả giết người. Chính quyền thành phố đã tăng cường lực lượng cảnh sát. “Ngôi làng đáng yêu nhất thế giới” nay đã có 150.000 cư dân, hãnh diện có không dưới bốn nhà tù cỡ lớn mà phần nhiều tù nhân chỉ là những nam thanh thiếu niên, có em chưa đến tuổi thành niên.

CON NGƯỜI DON BOSCO

Một vấn đề mới gây thêm khó chịu cho người dân Tôrinô, đó là sự xuất hiện của vị linh mục chẳng giống ai. Từ mấy năm qua, vị giáo sĩ này được biết đến là Don Bosco hay cầm đầu một đám trẻ nghèo vừa đi vừa ca hát và la ó khắp các ngả đường thanh lặng của Tôrinô. Khoác trên mình một cái áo vá dính bột, đi đôi giầy lao động nhà nông, vị linh mục này đã bắt đầu mọi việc với một nhúm trẻ. Nhúm trẻ buổi đầu kia nay đã nở lớn thành 400 đứa. Dầu chúng chẳng gây ra tội gì, nhưng người ta cứ ái ngại về khả năng kiểm soát của Don Bosco đối với đạo quân nhóc tì này.

Chính quyền, các chủ báo và những kẻ thù sợ rằng Don Bosco đang gầy dựng quyền lực chính trị tương lai cho mình. Vào thời Don Bosco, nước Ý chưa thống nhất. Ý được chia làm bảy lãnh thổ khác nhau. Áo và Pháp cai trị tới nửa đất Ý. Lãnh thổ giáo triều do Đức Thánh Cha Piô IX cai quản nằm giữa phần trung tâm đất Ý. Đức Piô IX không có quân đội nên đã từ chối hỗ trợ cuộc chiến đánh đuổi quân Áo xâm lăng. Nhiều người Ý cho rằng Đức Thánh Cha đã bênh vực ngoại bang, nên coi ngài là thù địch của mối đoàn kết dân tộc. Đợt triều cường chống đối giáo sĩ vốn đã tích tụ lâu nay đã càn quét khắp nơi.

Những kẻ thù của Giáo hội đã đuổi các giám mục ra khỏi giáo phận, đàn áp các cơ sở tôn giáo, đầy ải các linh mục tu sĩ. Đức Piô IX và hàng giáo sĩ Ý đã trở thành như nạn nhân của cuộc đàn áp cách mạng này.

Tháng 11 năm 1848, sự căm ghét đã lên tới cực điểm khi các đảng cách mạng xông vào điện Vatican bắt tù Hồng Y Quốc Vụ Khanh, bắn chết vị khác trong Hội Đồng Tư Vấn. Đức Piô IX đã trốn về Napolie qua đường hầm bí mật và bị lưu đày ở đó sáu tháng.

Do bản chất của công việc cùng với sự thành công mà Don Bosco có được vì giới trẻ, Don Bosco đã trở thành mục tiêu người ta nhắm tới. Ngài đã bình thản trả lời đối với tất cả những lời chỉ trích nhắm về phía mình: “Trong chính trường, tôi không đứng về phe nào. Tôi là một linh mục. Nước mà tôi phục vụ chính là Vương quốc của Thiên Chúa”.

GIẤC MƠ HỒI CHÍN TUỔI

Cha Gioan Bosco đã khao khát phục vụ cho Vương quốc kia từ khi còn bé. Ngài đã viết: “Vào lúc chín tuổi, tôi đã muốn trở thành một linh mục để giúp đỡ giới trẻ”. Dù cảnh nghèo đã gây lên biết bao khó khăn để hiện thực giấc mơ này.

Cha của Gioan là một nông dân cần mẫn đã qua đời lúc Gioan chưa tròn hai tuổi. Mẹ của Gioan là bà Magarita. Bà đã giữ cho gia đình được nguyên vẹn, điều hành cái nông trại Bosco nhỏ, nuôi ba đứa con, chăm sóc bà mẹ chồng lớn tuổi và hay đau yếu. Mẹ Magarita là người nữ đầy can đảm, đã đương đầu với cuộc sống dãy đầy khó khăn và đắng cay này.

Tuy nhiên, bất kể cái nghèo, mẹ Magarita luôn khuyến khích Gioan ươm trồng giấc mơ của cậu.

Dù nghèo nhưng Gioan có sẵn những tài năng thiên phú. Cậu đã học các mánh lới của những tay ảo thuật, và những trò nhào lộn nguy hiểm của những kẻ gánh xiệc. Gioan hiểu rằng các ngón ảo thuật và đi thăng bằng trên dây sẽ hấp dẫn được các bạn trẻ đến với mình.

Gioan cũng rất thông minh, có một trí nhớ đáng nể. Điều đó được chứng tỏ vào một buổi tối nọ trong một dịp tĩnh tâm, cha sở hỏi xem Gioan có nhớ gì về bài giảng của ngài không. Gioan ngày ấy mới chín tuổi, đã nhắc lại trọn vẹn bài giảng không sót một câu.

Gioan thời trẻ cũng có những khuyết điểm. Dù còn trẻ, nhưng cậu rất nóng nảy và cương trực. Trước tinh thần hăng say làm việc thiện, đôi lần ngăn cản các bạn không chủi tục, cậu đã dùng tới bạo lực bằng cú đấm cú đá.

Cậu ý thức tính kiêu căng của mình, nhưng cậu đã thành công trong việc kiềm chế những xung lực ấy để giữ được nét điềm đạm, bình an và thân thiện với mọi người.

Gioan đã làm việc cật lực trong thời làm chủng sinh. Suốt những năm dài học tập, cậu phải làm nhiều nghề khác nhau để phụ mẹ trong những chi phí học hành. Bởi thế, trước khi làm linh mục, Gioan đã biết làm bánh kẹo, sửa giày, cắt may, điều hành tiệm ăn, tổ chức một gánh xiếc. Buổi biểu diễn của cậu đã cuốn hút được nhiều thanh thiếu niên. Sau những giây phút tuyệt làm xiệc cậu đã dạy cho các bạn mình một hai bài học đaọ đức và tôn giáo.

LINH MỤC ĐỜI ĐỜI

Năm 1841, Đức Tổng Giám Mục Tôrinô đã phong chức linh mục cho Gioan, lúc đó vừa tròn 25 tuổi. Trong thời gian đào luyện thầy Gioan Bosco được khích lệ làm việc và phục vụ tại các nhà thương, trại giam, cô nhi viện và các khu ổ chuột trong thành phố. Kinh nghiệm đầu đời mục vụ này đã vạch rõ cho vị tân linh mục con đường ngài được mời gọi để phục vụ là giới trẻ nghèo hé phố!

Giấc mơ năm chín tuổi, Gioan đã mơ thấy mình được làm linh mục. Điều này đã được thực hiện. Nay Gioan phải thực hiện phần thứ hai của giấc mơ để phục vụ giới trẻ.

Thuở nhỏ, Gioan mơ thấy một bà đẹp bảo rằng: đời của ngài có nhiệm vụ là biến đổi sói thành chiên. .. trẻ hè phố lang bạc thành công dân lương thiện và người hữu ích.

Từ lúc làm chủng sinh mỗi cuối tuần thầy Gioan đã quy tụ các bạn trẻ tới chủng viện sinh hoạt.

Gioan kiên nhẫn làm bạn với các trẻ đường phố theo lời dạy của thánh Phanxicô Salê: “Một giọt mật ngọt có thể bắt được nhiều ruồi hơn là một thùng giấm chua”. Gioan đã bắt được ruồi. Trẻ trẻ đường phố đã đi theo Ngài. Khắp các khu ổ chuột Tôrinô, Gioan mời các bạn trẻ mỗi Chúa nhật đến với nhau tại học viện mà thầy gọi là “Nguyện xá Chúa nhật”. Nguyện xá có những hoạt động như vui chơi, ca hát, cầu nguyện và học hỏi về đạo lý.

Một bạn trẻ của thời ban đầu ấy còn nhắc lại những ngày Chúa nhật xưa thân ái như sau: “Vào cuối mỗi ngày Chúa nhật đi chơi như thế, Don Bosco luôn báo cho chúng tôi biết chương trình của Chúa nhật sắp tới. Ngài hướng dẫn chúng tôi biết cách cư xử trong cuộc sống và yêu cầu chúng tôi mời thêm các bạn tới sinh hoạt. Niềm vui luôn ắp đầy giữa chúng tôi. Những ngày hạnh phúc ấy đã khắc sâu vào lòng chúng tôi và ảnh hưởng tới cuộc sống tương lai của chúng tôi”.

Tuy nhiên không phải mọi người ở Tôrinô đều hài lòng. Quả vậy, Don Bosco dù đã dùng cả lưu xá Học viện vẫn chưa tìm ra đủ chỗ để tập hợp 400 bạn trẻ. Có vài nhà hảo tâm đã cố gắng giúp đỡ, nhưng sự có mặt ồn ào của đám trẻ ồn ào làm hàng xóm kêu ca. Trong khoảng năm tháng, không dưới mười người đã cho Don Bosco sử dụng nhà của mình. Nhưng vì ồn ào của nhóm trẻ, ai nấy đều rút lại lời hứa. Don Bosco rõ ràng chẳng còn nơi nào để thu nhận lũ trẻ rách rưới của mình nữa.

Nhiều lúc Don Bosco ngã lòng cảm thấy công cuộc của mình đã chấm tận, ngài đã thố lên: “Nhìn vào đám đông thanh thiếu niên và nghĩ đến mùa gặt phong phú, tôi cảm thấy tim mình tan nát, cô độc, không người nâng đỡ, sức khỏe suy sụp… và tôi cũng không còn một manh đất nào tụ họp những bạn trẻ tội nghiệp của tôi!!!”.

Don Bosco vững tin và hối thúc bọn trẻ cầu nguyện và lời nguyện xin đã được Chúa nhận lời. Vào năm 1846 đo, Ông Pinardi đã cho Don Bosco thuê một miếng đất ngay tại khu đầm lầy Valdocco. Ông cho biết khu nhà đất ấy bao gồm một cái chái nhà nhỏ lợp bằng tranh, có thể dùng làm nhà nguyện. Tuy nhiên, vừa nhìn thấy cái chái nhà kia, Don Bosco đã thất vọng não nề. Nó quá thấp để có thể chui vào. Ông Pinardi không nao núng góp ý: “Cha đừng lo. Chúng tôi sẽ cho người đào nền xuống để Cha có thể dâng Lễ vào Chúa nhật Phục Sinh”.

Lời tiên đoán của ông Pinardi đã thành sự thật. Sáng Chúa nhật Phục Sinh, Don Bosco đã cử hành Thánh Lễ trên cái bàn mộc mạc, chung quanh là đám trẻ nghịch ngợm ngồi như nêm trong cái chái nhà xiêu veo ẩm thấp những đây là thánh lễ Lễ Phục Sinh trọng thể trong hân hoan đáng ghi nhớ muôn đời. Cuối cùng thì nguyện xá đã có được một ngôi nhà dù cha Don Bosco chưa biết mình sẽ kiếm tìm đâu ra tiền để trả tiền thuê mướn.

Trong vòng 5 năm cũng như suốt thời sinh viên hậu thần học, Don Bosco đã hiến cuộc đời mình cho các bạn trẻ. Tuy chỉ gặp chúng vào ngày Chúa nhật, nhưng mỗi khi rảnh trong tuần, Don Bosco luôn đáp ứng yêu cầu của các em. Ngài thăm các em nơi các em làm việc, tìm việc cho ai bị mất việc, săn sóc cho các em đau yếu, lo những em phạm pháp và bằng mọi cách tranh đấu cho các bạn trẻ của ngài không bị bóc lột và lợi dụng.

Lao lực ấy đã đẩy Don Bosco vào lâm bệnh! Sau ba tháng mua được miếng đất của ông Pinardi, Cha hầu như bị kiệt sức vì chứng sưng phổi trầm trọng tấn công. Tại bệnh viện, các bác sĩ ái ngại về bệnh tình của cha! Nghe được tin ấy, các bạn trẻ thật đau lòng, lúc nào cũng túc trực ở sân bệnh viện cầu nguyện xin Chúa cứu chữa người cha va người thầy và người bạn của chúng được tai qua nạn khỏi.

Các em đã tổ chức những cuộc canh thức cầu nguyện suốt đêm. Không ít em đã ăn chay, hoán cải đời sống và hứa đánh đổi đời sống cho cha Bosco… Nhưng bệnh trạng của Don Bosco vẫn tiếp tục trầm trọng thêm. Ngài dọn mình chết lành. Bên cạnh Don Bosco lúc ấy có cha Borel là người bạn thân đang cúi xuống thì thầm: “Này Gioan Bosco, đám trẻ cần đến cha. Hãy xin Chúa cho cha ở lại. Xin cha lặp lại lời cầu nguyện này theo tôi: Lạy Chúa, nếu đẹp ý Chúa, xin chữa con, con nguyện xin Chúa nhân danh giới trẻ”. Cha Bosco đã chậm rãi lập lại lời cầu nguyện và khi cha vừa kết thúc thì cơn sốt dần tan biến, chứng sưng phổi cũng biến đi.

Khoảng hai tuần sau, các bác sĩ cho phép Don Bosco xuất viện. Ngoài sân kia, đám trẻ đang đợi chờ cha. Khi Don Bosco xuất hiện, các em ùa tới, khiêng bổng cha lên và kiệu cha trên vai ngang qua các đường phố Tôrinô. Niềm vui tràn trề các em ca hát, hò la và hoan hô đến độ cư dân của thành phố cũng phải cảm động đến rơi lệ.

MẸ MAGARITA

Không lâu trước khi Don Bosco bị bệnh, bà hầu tước Barolo, một phụ nữ quý phái, giầu có và là người đã cung cấp nơi ăn chốn ở cho Don Bosco tại Tôrinô. Khi vị linh mục này bắt đầu miệt mài với công việc mới của mình và không còn điều hành cô nhi viện nữ của bà được nữa, thì bà yêu cầu Don Bosco rời khỏi cư xá, nên lúc xuất viện, Don Bosco không nơi trú thân cha đành về tĩnh dưỡng tại nhà của mẹ mình ở Becchi.

Khi Don Bosco trở lại thành phố, ông Pinardi một lần nữa lại tìm Don Bosco để cho thuê thêm bốn phòng tại khu đang có nguyện xá. Don Bosco đã xin mẹ hy sinh bỏ căn nhà thân thương, về làm người mẹ cho lũ thanh thiếu niên bơ vơ của Don Bosco. Tháng 11 năm 1846, bà đã gom góp tất cả chút tài sản nghèo nàn, rồi theo con lên thành phố Tôrinô. Hai mẹ con đã quốc bộ suốt quãng đường 40 cây số vì không đủ tiền đi xe.

THẾ GIỚI CỦA NGƯỜI TRẺ

Tuổi thơ lam lũ của Don Bosco đã giúp ngài những học được nghề mộc, may mặc và đóng giày, và hôm nay ngài truyền lại cho các học sinh của mình thành những tay nghề sống lương thiện và ngay lành.

Chỉ ít lâu sau khi mẹ của Don Bosco tới nguyện xá, đám trẻ đã gọi bà là “Mẹ Magarita”. Don Bosco thường nói với bà: “Này mẹ, sẽ có ngày tất cả nơi đây sẽ là một sân chơi với những lớp học và xưởng thợ. Sẽ có những người cộng sự và biến đây thành một thế giới của những người trẻ”.

Bà Magarita từ xưa vốn biết tính hoạt náo của con, nên chỉ nghe vậy. Tất cả những gì mà vị linh mục con bà có là một mảnh đất chẳng có giá trị, một nhà nguyện lụp xụp, một căn nhà như cái chuồng xúc vật mà cuối tuần có khoảng 600 thanh thiếu về. Tuy nhiên, cha Gioan Bosco vẫn quyết tâm xây dựng...

Don Bosco quyết định trước tiên phải cho học sinh của mình nền giáo dục thực tiễn vững chắc. Để xuất phát, cha dạy ba môn sơ cấp như đọc, viết và toán học. Đạo giáo được coi là môn cốt yếu trong chương trình. Cha chọn giáo lý đơn sơ làm bài học vỡ lòng cho các em.

Khởi đầu, Don Bosco mở các lớp tại các phòng của nhà Pinardi. Khi càng ngày càng có thêm học sinh lui tới, lớp học quá tải lại tràn qua nhà nguyện và phòng áo. Dầu vậy, chỗ học vẫn không đủ. Hết cách, Don Bosco đành phải thuyết phục ông Pinardi cho thuê luôn toàn bộ khu đất.

Chẳng bao lâu chương trình dạy vỡ lòng được mở rộng, Don Bosco thêm vào môn địa lý, ngữ pháp và vẽ. Cha còn thêm môn hát, vì theo cha “Nguyện xá mà không có đàn hát thì chẳng khác cái xác không hồn”.

Để đảm bảo số giáo viên dự bị cho lớp học, Don Bosco giao kèo với một số học sinh giỏi. Cha kèm cho họ các môn phụ, Ý ngữ, Văn chương, Pháp văn, Toán; còn họ sẽ dạy một số giờ cho trường. Sự thỏa thuận ấy có lợi cho cả Don Bosco lẫn cho ban giáo viên.

Sau một năm xây dựng khu đất Pinardi, Don Bosco đã có khoảng 600-700 trẻ, từ tám đến mười tám tuổi. Bọn trẻ được sắp xếp vào mọi ngõ ngoách từ khu nhà Pinardi đến nhà nguyện. Don Bosco không từ chối một em nào vì vậy vấn đề chỉ là thiếu chỗ chẳng có gì ngac nhiên cả!

Don Bosco không hề nao núng. Vào một buổi tối, cha chia sẻ với toàn thể nguyện xá: “Khi bầy ong đông qúa chúng sẽ di chuyển thành đàn đi nơi khác làm tổ mới. Chúng ta cũng phải làm như vậy. Bắt chước bầy ong, chúng ta hãy kiếm tìm một nguyện xá mới”.

Tuy Don Bosco không có tiền, nhưng cha không ngại mạo hiểm, vì biết rằng Thiên Chúa sẽ lo liệu cho con cái Ngài… vì thế mà những nguyện xá khác lần lược được mọc lên tại Tôrinô.

Nhờ sự tiếp tay và hy sinh của mẹ Magarita, công cuộc của Don Bosco được lớn mạnh với những trường, xưởng, lưu xá... Giấc mơ thuở nhỏ của cậu bé Gioan Bosco đang được hình thành.

Vào một tối mưa lạnh tháng 5 năm 1847, mẹ Magarita nghe có tiếng gõ cửa nhà Pinardi. Mẹ mở và thấy tại bậc cửa một bé trai quần áo sũng đang rét run lảy bảy. Mẹ vội đem em vào, ngồi trước lò sưởi lớn lửa để hong khô, cho em ăn rồi chỉ chỗ cho em ngủ. Em đã gọi với cái tên “cậu bé tới ăn tối” của Don Bosco. Em bé mồ côi cùng với tiếng gõ cửa nhẹ nhàng đã mở ra trước mắt Don Bosco cả một khung trời mới. Những mảnh đời khốn khổ của các em bé mồ côi, không cửa không nhà, là mối quan tâm của Don Bosco.

Bây giờ Don Bosco cảm nhận cha có thể làm được đôi việc cho giới trẻ. Nhà nội trú với một nếp sống gia đình kể là khác thường vào thuở ấy. Buổi sáng, sau giờ cầu nguyện chung, các em đi học hoặc đi làm. Buổi trưa, các em tụ về nhà dùng cơm trưa do chính Don Bosco làm đầu bếp sau bữa tối, Don Bosco đóng vai làm thầy giáo rà lại bài vở cho các em.

Các hoạt động của lưu xá tăng làm mẹ Margarita vất vả thêm, làm mẹ phải luôn tay suốt ngày: lau nhà, giặt vá, chăm sóc các em bị bệnh. Mẹ cảm thấy qúa sức nên mẹ có ý định cho Don Bosco biết ý định muốn về quê. Don Bosco thấu hiểu lòng mẹ mình nên cứ thầm im lặng, Cha chỉ lên cây Thánh Giá treo trên tường... Thế là mẹ Magarita đã hiểu, nước mắt mẹ long lanh. Mẹ nói nhỏ với Don Bosco: “Con có lý” và rồi khoác chiếc khăn làm bếp lên người tiếp tục công việc…

NHỮNG DỰ ÁN VÀ KẾ HOẠCH

Don Bosco vừa kết thúc một kế hoạch thì cha đã khởi sự một kế hoạch khác. Cha xây liên tiếp một nhà nội trú cho 150 em, một nhà nguyện mới tương xứng với số học sinh gia nhập nguyện xá tăng lên, đồng thời cha cũng đi đầu mở các lớp học buổi tối và trường huấn nghệ cho các em có tay nghề. Cha xây các xưởng dạy đóng giầy, cắt may, mộc, đóng sách, in và hàn xì… Một lần nữa, Don Bosco lại dùng nhóm giáo viên có gốc ở nguyện xá. Các trường của Don Bosco được xếp vào loại nhất ở Tôrinô nhờ vào tinh thần và sự hướng dẫn của chính Don Bosco, là người được coi là nhà giáo dục tuyệt vời của Châu Âu thời đó.

Một vị giáo sư nổi tiếng và là bạn cộng sự của Don Bosco đã giải thích lý do: “Tình yêu của Don Bosco tỏa ra trong ánh mắt và lời nói. Người ta có thể cảm nhận được điều ấy mà chẳng chút hồ nghi. .. Người ta còn cảm nghiệm được niềm vui dạt dào khi có sự hiện diện của Don Bosco”.

Tuy nhiên, Don Bosco có những yêu sách đối với các cộng sự viên là không được dùng hình phạt trong việc giáo dục thanh thiếu niên. Cha khuyên: “Hãy làm cho mình nên đáng yêu. Muốn được trẻ vâng lời, hãy sống với các em như người cha, chứ không phải như người bề trên”.

Theo quan điểm của Don Bosco, trách nhiệm của người thầy không chỉ trải rộng trong lớp học mà còn làm sao cho môi trường sống được chan hòa yêu thương trong niềm yêu an bình của Chúa Kitô.

Don Bosco đã nêu gương hòa mình vào giờ chơi với học sinh, dù tuổi ngoài 50, Don Bosco vẫn chạy nhảya với đám trẻ. Don Bosco tôn trọng sự tự do của trẻ và còn đem sự tôn trọng vào mọi lãnh vực và chương trình sống của nguyện xá. Nếu cần phạt một học sinh nào, cha cẩn thận không bao giờ hạ nhân phẩm các em hoặc làm các em cay đắng.

Don Bosco có những kỹ năng của một nhà giáo dục: biết liên kết giữa quyền bính và tự do, kỷ luật và tình bằng hữu, mệnh lệnh và sự bồng bột của tuổi trẻ. Don Bosco thường nhắc nhở: “Không có tình thân sẽ không có tin tưởng, không có tin tưởng sẽ không có giáo dục”.

Đạo giáo đối với Don Bosco nắm giữ vai trò quan yếu trong việc giáo dục. Mối giây tương giao với Thiên Chúa là cội nguồn hoạt động và tăng trưởng của mọi người.

Đối với Don Bosco, việc trình bày cho học sinh về Thiên Chúa là Cha được coi là điều căn bản. Don Bosco đã thực hiện được điều ấy một cách hiệu quả, bởi vì cha là người cha đáng yêu của nguyện xá. Cha thúc đẩy cho học sinh biết rằng, các em đang sống trong sự hiện diện của Cha trên trời, Đấng yêu thương các em.

Don Bosco xác tín chính Đức Maria mà ngài xin làm Đấng Bảo Trợ, đã muốn ngài xây ngôi Đền thờ Thánh Tâm, đây là trung tâm hành hương và tôn kính Thánh Thể Chúa.

Trong suốt thời gian xây dựng đền thờ Thánh Tâm vĩ đại và nguy nga tại Roma, Don Bosco luôn luôn nhận được những cống hiến tài chánh từ các ân nhân hảo tâm. Ngày kia, khi giấy nợ xếp chồng khá cao, Don Bosco đi thăm một người rất giàu đã nằm liệt giường đã ba năm. Sau một hồi chuyện trò, Don Bosco xin ông thay áo đến ngân hàng để rút tiền nhằm thanh toán cho các chi phiếu xây dựng nhà thờ. Ông lẩm bẩm: “Tôi không đi được. Ba năm qua tôi đã ra khỏi giường đâu!” Don Bosco nói với ông: “Ông hứa đi, Đức Mẹ sẽ cho ông trổi dậy!”. Ông hứa và rồi ông đã đứng dậy và cùng Don Bosco tới ngân hàng.

Nhiều người nghĩ rằng Don Bosco là nhà kinh tế tài năng vì khả năng kiếm ra tiền. Thật ra điều gì nói về cha cũng có thể đúng, trừ điều trên. Một bà nhà giàu xem Don Bosco là nhà tư bản tài chính lớn, đã xin ý kiến xem nên đầu tư tiền bạc của bà ở đâu cho tốt nhất. Chẳng nói câu nào. Don Bosco đơn sơ ngửa hai bàn tay của mình ra trước mặt bà.

Đã có hàng triệu Mỹ kim đi qua bàn tay Don Bosco, nhưng cha không giữ lại một xu cho mình. Quả vậy, cha sống nghèo; thậm chí còn tiết kiệm từng phần giấy trắng của những lá thư đã viết, biết nhuộm đen sợi làm dây giày, tiết kiệm từng tờ giấy báo, từng sợi dây. Cha dùng chiếc áo khoác phế thải nhà binh và chiếc mền cũ nhà binh xếp ở giường. Xem mình như người đầy tớ, một người giúp việc, cha vui vẻ phục vụ bàn ăn cho học sinh, khâu vá quần áo và cắt tóc cho các em. Vốn là người nghèo, cha lam tất cả mọi việc cực nhọc. Cha nghiêm khắc cảnh cáo các tu sĩ của mình rằng: “Ngày nào các con không còn yêu sự nghèo khó nữa, thì đó là ngày tàn của Tu hội!”

Don Bosco đã kêu cầu nhiều với Mẹ Rất Thánh. Một lần, có cha sở xin Don Bosco phụ trách giảng tuần tam nhật trước lễ Mẹ Lên Trời cho giáo xứ. Giáo xứ đau khổ vì ở trong khu vực bị hạn hán khủng khiếp và lâu dài. Những người nông dân trong vùng hầu như đã tuyệt vọng!

Mở đầu bài giảng, Don Bosco nhắn mọi người: “Hãy tham dự đủ ba ngày tĩnh tâm. Hãy xưng tội. Hãy sửa soạn sốt sắng rước Chúa trong ngày lễ Mẹ Lên Trời, và tôi xin hứa nhờ danh Mẹ, sẽ có mưa để làm tươi lại mảnh đất khô cằn của anh chị em”.

Sau bài giảng đầu tiên đó, cha sở đã nổi nóng và la Don Bosco đừng tạo nên những hy vọng hão huyền. Cha sợ dân chúng sẽ trút cơn giận lên cả hai người, khi trận mưa hứa hẹn không xảy ra.

Ba ngày dân chúng đã chen chúc trong ngôi thánh đường. Đúng lễ Mẹ Lên Trời, ngày sẽ có biến cố được hứa trước, Don Bosco thức giấc nhìn lên bầu trời. Trời vẫn trong xanh, không một vẩn mây. Trên đường tới thánh đường dâng lễ sáng, Don Bosco đã bị đám đông vây quanh hỏi: “Liệu trời có mưa không?” Don Bosco vẫn bình thản đáp: “Hãy thanh tẩy tâm hồn!”

Ngày đã tàn, bầu trời vẫn xanh. Tối đến, dân chúng lại họp mặt tham dự lễ bế mạc, trời chẳng có lấy một cụm mây báo hiệu có mưa. Khi Don Bosco vào thánh đường cử hành lễ, cha nhìn lên trời trong vắt chỉ thyấ một vẩn mây xám như một miếng vải con trêng bầu trời xanh.

Don Bosco bước lên tòa giảng. Hàng trăm con mắt đổ dồn về cha, như muốn la lên “Khi nào trời mưa hả cha?” Phút chốc, những gương mặt thắc mắc dân chúng đanh lại, chua cay và thất vọng.

Đột nhiên chớp xé ngang bầu trời, sấm nổ, những hạt mưa to đầu tiên rơi lộp bộp trên mái nhà. Nông dân có cơ hội sống hạnh phúc hơn, đã hò reo và cất lên những bài ca tạ ơn. Cha sở được nhẹ nhõm…

NHỮNG NĂM CUỐI ĐỜI

Công cuộc phục vụ cho thanh thiếu nam được mở rộng, bao gồm cả các em nữ nữa. Các nữ tu Salêdiêng, một trong những tu hội lớn trong Giáo hội đã tiếp nối giấc mơ xưa của Don Bosco.

Khi Don Bosco bước vào tuổi 60, sức khỏe của cha ngày càng yếu, nhưng cha vẫn tiếp tục làm việc. Một ngày của cha được lấp đầy bằng dạy học, thuyết trình thảo luận và duyệt xét nhiều dự án.

Đầu năm 1880, các hội viên Salêdiêng Don Bosco đã vượt qua biên giới nước Ý để thiết lập nhà tại Pháp và Tây Ban Nha. Cha mong ước được đi thăm họ. Bởi thế, năm 1883, khi Đức Thánh Cha Lêo XIII yêu cầu Don Bosco qua Pháp quyên tiền để hoàn tất công trình xây cất đền thờ Thánh Tâm ở Roma, Don Bosco đã hân hoan vâng lời. Cha có thể vừa quyên góp cho Đức Thánh Cha vừa thăm con cái của mình.

Don Bosco đã xúc động trước sự tiếp đón nồng nhiệt mà người dân Pháp dành cho cha. Họ đã đáp lại lời kêu gọi cách quảng đại cho việc xây dựng nhà Chúa.

Một nhân chứng đã kể lại: “Chưa hề thấy dân chúng tập trung đông đảo ở Paris chung quanh một vị linh mục như thế, kể từ cuộc viếng thăm của Đức Piô VIII”. Don Rua khi nhớ chuyến thăm Paris này đã nói: “Nếu chúng tôi có tới bảy thư ký, thì vẫn không kiểm và trả lời thư từ hết được”. Chuyến đi quả là bận rộn và mệt mỏi cho Don Bosco. Vả lại con mắt bên phải của Don Bosco bị đau triền miên, do bị thương trong một lần bị ngã từ nhiều năm trước. Chứng viêm tĩnh mạch khiến việc đi bộ của Don Bosco không được vững, hai hội viên phải đi kèm hai bên.

Ba năm sau, Don Bosco lại thực hiện một cuộc hành trình tương tự sang Tây Ban Nha và cũng được dân chúng tiếp đón nồng nhiệt như thế. Cha đã giảng thuyết trong những Vương cung Thánh đường nổi tiếng nhất ở Pháp và Tây Ban Nha. Don Bosco có thể nói cả tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha, tuy nhiên điều quan yếu nhất là Ngài nói với dân chúng bằng ngôn ngữ của trái tim.

“Cha đã tiêu hao đời mình vì lao lực quá sức. Các bác sĩ đều khuyên cha phải nghỉ ngơi hoàn toàn một thời gian”. Và câu trả lời của Don Bosco thường là: “Thưa bác sĩ, ông đã thừa biết đó chính là thứ thuốc mà tôi không thể uống, vì tôi còn quá nhiều việc phải làm”.

Gần những ngày cuối đời Don Bosco được hai hội viên túc trực bên cạnh, Ngài vẫn hành trình đi Tôrinô thăm những người nghèo, quyên góp nơi những người giàu, khích lệ những ai buồn phiền. Bác sĩ của Don Bosco đã báo cho các Bề trên Salêdiêng rằng: “Cha Bosco không chết vì một căn bệnh nào hết, người cha giống như một ngọn đèn tắt vì hết dầu”.

Bệnh của Don Bosco kéo dài. Don Rua lãnh trách nhiệm điều hành Tu hội Salêdiêng. Ngài yêu cầu mọi người trong gia đình, nếu được, hãy về Tôrinô để chào tạm biệt người cha già khả kính... Từ khắp nơi, con cái của Don Bosco đã về với cha, từ các em nhỏ bụi đời xưa tới các hội viên tất cả c ốgnắg trở về để nhận phép lành của cha.

Cha ban phép lành cho tất cả. Vào đêm 31.1.1888, Don Bosco hướng mặt về phía Don Rua và nói: “Hãy nói với con cái của cha rằng, cha đợi tất cả ở thiên đàng”. Sau những lời đó, cha đã nhắm mắt lìa đời.

Năm 1939, Đức Thánh Cha Piô XI đã tôn phong Don Bosco lên hàng hiển thánh và năm 1988, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã gọi Don Bosco là “Cha và Thầy của Giới trẻ”.

SALÊDIÊNG PHỤC VỤ GIỚI TRẺ TRÊN THẾ GIỚI NGÀY NAY

Gần 40.000 linh mục, sư huynh và nữ tu Salesian đang phục vụ trên 130 quốc gia trên khắp các châu lục. Người Salêdiêng đã và đang đem lại một nền giáo dục dự phòng của Don Bosco cho triệu triệu các bạn trẻ nam nữ.

“Là dấu chỉ và người mang tình yêu của Thiên Chúa đến cho giới trẻ.”

Thánh Gioan Bosco là một thiên tài của giới trẻ. Ngài khao khát mãnh liệt dành trọn cuộc sống để làm việc cho giới trẻ. Ngài đã đạt tới điều mong ước đó bằng sự sáng tạo, táo bạo và lòng quảng đại lạ lùng.

Ngày nay, người Salêdiêng đang nỗ lực tiếp nối công cuộc của Don Bosco vì nhu cầu của giới trẻ nơi các trường học, tại các câu lạc bộ thanh niên, giáo xứ, gia đình và nhiều hoạt động đa dạng khác giúp người trẻ đạt được hạnh phúc bây giờ và mai sau.

Để sửa soạn kỷ niệm 200 năm ngày sinh nhật của Cha thánh Gioan Bosco 1815-2015, một mấu chốt thời gian quan trọng đó là cơ hội gợi nhớ cho các tu sĩ và những thân hữu Salesian nguồn sống theo ơn đoàn sủng của Cha Thánh Gioan Bosco để lại cho chúng ta.

CHƯƠNG TRÌNH NGHINH ĐÓN THÁNH TƯỢNG TẠI ÚC CHÂU

Nhân dịp này một Thánh tượng được khảm cánh tay phải của Thánh Gioan Bosco và một Thánh quan với di hài bàn tay phải của Cha thánh đang đi chu du qua 130 quốc gia như dấu chỉ “Cha đến với chúng con”. Thánh tượng Cha thánh Gioan Bosco sẽ tới thăm Úc Châu từ ngày 8/3 tới 24/3/2011

Các giờ cho đại chúng:

- Thứ Ba 8/3/2011 Thánh tượng từ Nhật tới Úc và rước về trường Salesian College ở Bosco St Chadstone Victoria: 7.30pm: Cầu nguyện

- Thứ Năm 10/3 lúc 7.30pm thánh lễ tại trường Salesian do ĐGM Tim Costelloe cử hành

- Thứ Sáu 11/3 thánh tượng được đón về trường trung học St Joseph’s College, Ferntree Gully. Và 7.00pm sẽ được rước về nhà thờ St Peter’s Church, 258 Clayton Rd, Clayton và có thánh lễ bằng tiếng Ý.

- Thứ Bảy 12/3 lúc 9am thánh lễ bằng tiếng Anh tại St Peter’s Clayton 11am tại Holy Redeemer Church, East Oakleigh và 4pm thánh lễ bằng tiếng Ý cũng tại Holy Redeemer’s East oakleigh. Và 6pm thánh lễ bằng tiếng Anh tại Sacred Heart Church, 76 Warragul Rd, Oakleigh.

- Chúa nhật 13/3: 8.30am Thánh lễ bằng tiếng Ý tại Sacred Heart Church,76 Warragul Rd, Oakleigh và 11.15am thánh lễ tiếng Ý tại St Peter’s Church, 258 Clayton Rd, Clayton 3pm chiều cùng ngày thánh tượng được tôn kính tại Đại học Monash và thánh lễ 5.10 do ĐGM Tim Costelloe cử hành

- Thứ Ba 15/3/2011 6pm giờ cầu nguyện tại nhà thờ St John Bosco Church, 29 Muriel St, Niddrie

- Thứ Tư 16/3 từ 12.30pm tới 4pm: có các giờ cầu nguyện cửa trường và 7.30 thánh lễ tại giáo xứ tại St John the Baptist Church, Clifton Hill.

- Thứ Năm 17/3 thánh tượng được cung nghinh tới trường Salesian College ‘Rupertswood’, Sunbury.

Và ba ngày thánh du cao điểm được tổ chức tại giáo xứ St Margaret Mary’s Brunswick:

- Thứ Sáu 18/3 dành cho linh mục tu sĩ;

- Thứ Bảy ngày 19/3 dành cho giới trẻ bắt đầu từ 10 giờ sáng với nhiều sinh hoạt... Mong ước các bạn Việt Nam tới tham dự cùng với các bạn trẻ Úc... Lúc 2 giờ trưa Đức Tổng giám mục Dennis Hart sẽ tới thăm và nói chuyện với các bạn trẻ và đặc biệt lúc 7 giờ tối có buổi thắp nến cầu nguyện với Don Bosco. Ước mong qúi thính gỉa người Việt Nam tới để cùng giới trẻ cầu nguyện cho giới trẻ và hòa bình thế giới cũng như hòa bình cho Việt Nam sau đó tham dự buổi văn nghệ của giới trẻ với một hoạt cảnh ca múa diễn tả cảnh thanh bình tại Việt Nam nhưng rồi chiến tranh ly loạn đã đến đẩy đưa nhiuề ngưiờ trong chúng ta vượt biên và may mằn được định cư và thành công vươn lên tại Úc Châu. Ngày giới trẻ sẽ được kết thúc bằng buổi bắn pháo bông vào lúc 10 giờ đêm.

- Chúa Nhật ngày 20/3 với các thánh lễ tiếng Anh lúc 9 giờ sáng; tiếng Ý lúc 10.30 và tiếng Việt lúc 12 giờ trưa... cao điểm của ngày hôm nay sẽ là cuộc rước Thánh tượng lúc 4 giờ chiều và thánh lễ đại trào tại sân trường sau nhà thờ lúc 5 giờ chiều do Đức Giám mục Salesian là Tim Costelloe cử hành và ban phép lành đặc biệt của cha thánh Gioan Bosco.

- Thứ Hai 21/3: Thánh tượng lên đường đi Sydney tới Our Lady of the Rosary Parish, St Marys, NSW. 26 Swanston St, St Marys, NSW

- Thứ Ba 22/3 tại giáo xứ Our Lady’s với chương trình:

9.30am: đón tiếp và cầu nguyện, suy niệm

12.00noon Thánh lễ

6.00pm Chầu Thánh Thể và cầu nguyện cùng Don Bosco

- Thứ Tư 23/3

7.00 pm Thánh lễ do ĐGM Anthony Fisher OP cử hành

tại Our Lady of the Rosary Church 26 Swanston St, St Marys, NSW

- Thứ Năm 24/3 thánh tượng rời Úc Châu
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo đoàn Marrickville Sydney Mừng Lễ Bổn Mạng
Diệp Hải Dung
10:33 06/03/2011
SYDNEY - Chiều Chúa Nhật 06/03/2011 đông đủ giáo dân thuộc Giáo đoàn Thánh Tử Đạo ĐaMinh Vũ Đình Tước Marrickville Sydney và các quan khách thuộc các Giáo đoàn bạn đã đến nhà thờ St. Britgid Marickville tham dự Thánh lễ mừng kính lễ Quan Thầy của Giáo đoàn.

Xem hình ảnh

Đúng 3 giờ 30 tất cả mọi người tập trung tại khuôn viên nhà thờ và Cha Tuyên úy Trưởng Nguyễn Khoa Toàn xông hương tượng Thánh Tử Đạo VN Đa Minh Vũ Đình Tước sau đó kiệu cung nghinh tượng Thánh Tử Đạo tiến vào nhà thờ an vi trên cung thánh. Cha Nguyễn Văn Tuyết Đặc trách Giáo Đoàn, Cha Tuyên úy Trưởng Nguyễn Khoa Toàn và Cha Jeff Foale cùng thắp nén hương dâng lên bàn thờ tượng Thánh Tử Đạo Đa Minh Vũ Đình Tước.

Kế tiếp là phần đọc tiểu sử của Thánh Đaminh Vũ Đình Tước, Ngài rất can trường và hiên ngang bất chấp mọi thủ đoạn của đám quan quân triều đình. Ngài vẫn một mực kiên trì trung thành với Thiên Chúa và sẵn sàng chấp nhận cái chết để vinh danh Thiên Chúa và Ngài đã nêu một tấm anh dũng gương sáng ngời cho hậu thế. Sau khi chấm dứt phần tiểu sử quý Cha Nguyễn Văn Tuyết, Cha Tuyên úy Trưởng Nguyễn Khoa Toàn, Cha Mai Đào Hiền, Cha Tony Egar Phó xứ Marrickville, Cha Xavier Ubagara và Cha Jeff Foale cùng đồng tế dâng Thánh lễ tạ ơn.

Đặc biệt trong phần Thánh lễ có nghi thức cung nghinh Phúc Âm và Thánh Vũ tiến dâng Lễ Vật do các em Thiếu Nhi Thánh Thể phối hợp với Ca Đoàn Vô Nhiễm dâng lên Thiên Chúa vũ khúc Lời Con Như Trầm Hương tạo cho buổi Lễ thêm phần linh động sốt sắng.

Trước khi kết thúc Thánh lễ Cha Tony Egar Phó xứ Marrickville ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng Giáo đoàn Mariickville, đồng thời Cha giới thiệu Cha Jeff Foale Dòng Passionist ở Việt Nam mới qua và Cha Jeff ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng Giáo Đoàn, Cha nói Cha về Việt Nam tìm Ơn Gọi và thành lập Dòng Passionist ở Thủ Đức Việt Nam và hiện nay cũng có 2 Thầy trong Dòng là Thầy Trực và Thầy Thành cùng qua bên Úc với Cha để tìm thêm sự trợ giúp và Ơn Gọi. Cha chúc Giáo Đoàn luôn thăng tiến. Kế tiếp anh Trần Anh Vũ Phó Chủ tịch Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Sydney thay mặt cho Cộng Đồng lên ngỏ lời chúc mừng bổn mạng của Giáo đoàn, sau cùng ông Hứa Thanh Sâm Trưởng Ban Mục Vụ Giáo đoàn lên ngỏ lời cám ơn quý Cha, quý Quan Khách, quý Hội đoàn Đoàn thể đã đến tham dự Thánh lễ mừng kính Bổn Mạng của Giáo đoàn Marrickville hôm nay. Đặc biệt ông chúc mừng Huynh Đoàn Thánh Đa Minh Vũ Đình Tước nhân ngày mừng Bổn Mạng. Cha Nguyễn Văn Tuyết ngỏ lời cám ơn quý Cha, quý Sơ, quý Thầy và tất cả mọi người đã đến tham dự Thánh lễ mừng kính Quan Thầy Giáo đoàn Marrickville.

Sau khi kết thúc Thánh lễ, mọi người ở lại tham dự bữa tiệc liên hoan thưỏng lãm văn nghệ cây nhà lá vườn và tham gia cuộc vui xổ số may mắn lấy hên. Sau đó kết thúc bế mạc vào lúc 7pm.
 
Thánh lễ phong chức Phó tế tại Đan Viện Thánh mẫu Châu Sơn
Mai Thi
10:36 06/03/2011
ĐƠN DƯƠNG - Đan viện Châu Sơn Đơn Dương: Vào lúc 10 giờ Sáng thứ 7 ngày 5 tháng 3 năm 2011 tại Đan Viện Thánh Mẫu Châu Sơn Đơn Dương có thánh lễ phong chức phó tế cho 4 thành viên trong Đam viện.

Các thầy lãnh nhận chức phó tế gồm:

1. Thầy Ignatiô Trần Thanh Toàn.
2. Thầy Raphael Mai Quang Khoa.
3. Thầy Théophan Vénard Ngô Xuân Toán.
4. Thầy Athanasio Nguyễn Văn Lợi.

Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, Giám mục giáo phận Buôn Mê Thuột chủ sự thánh lễ với nghi thức phong chức phó tế. Cùng đồng tế với Đức Cha Vinh Sơn trong lễ phong chức phó tế còn có viện phụ đương nhiệm Ephrem và qúi cha trong đan viện. Các thành viên trong cộng đoàn đan viện và quí thầy học viện thần học năm 3 và 4 của hội dòng Xitô Thánh Gia cùng sốt sắng hiệp dâng thánh lễ để chia sẻ niềm vui, tình hiệp thông, cầu nguyện và tạ ơn Chúa với các tân chức.

Được biết, trước lễ nhận chức phó tế, các thầy đã tham dự khoá tĩnh tâm 5 ngày. Trong những ngày hồi tâm, các thầy được cha giúp hướng dẫn tĩnh tâm gợi ý học hỏi về tác vụ, sứ mạng và nhiệm vụ của phó tế giữa lòng Giáo hội dựa trên các văn kiện của toà thánh. Sứ mạng quan trọng nhất của phó tế là người phục vụ: phục vụ Lời Chúa, phục vụ bàn thờ và làm việc bác ái. Các tân chức được nhắc nhở: khi lãnh nhận thừa tác vụ phó tế không phải là một đặc ân, vinh dự nhưng thực sự là một sứ mạng, được chọn để phục vụ. Trong bài bài huấn từ của Đức cha Vinh Sơn trong nghi thức phong phó tế, ngài cũng nhắn nhủ các tân chức cố gắng ghi khắc kỹ lưỡng những chỉ dẫn của Giáo hội và nhiệt tâm thực hành những tác vụ của chức phó tế.

Vì các tiến chức là những phó tế của một hội dòng chiêm niệm nên tự bản thân các tân chức cũng ý thức được những đòi buộc kỹ càng hơn về đời sống thiêng liêng và sứ mạng tư tế mình lãnh nhận theo tinh thần Tu luật thánh phụ Biển Đức. Theo đòi hỏi của thánh tổ phụ, người lãnh nhận chức thánh: “không tự phụ kiêu căng”, “không tự tiện làm gì ngoài lệnh viện phụ”, “đừng quên vâng giữ kỷ luật nhưng nên biết rằng mình càng phải tuân giữ kỷ luật kỹ càng hơn” (x. Tu luật chương 62, 2- 4). Chức thánh là để phục vụ chứ không phải một đặc ân và đích điểm lý tưởng các đan sĩ nhắm tới khi gia nhập đan viện. Là tư tế cũng có nghĩa là phải cố gắng nhiều hơn về mọi phương diện; bị đòi hỏi nhiều hơn, nhất là nêu tinh thần gương mẫu trong cộng đoàn.

Thánh lễ kết thúc sau gần 2 giờ đồng hồ trong lời kinh tạ ơn Chúa để từ nay cộng đoàn đan viện có thêm những phó tế phục vụ cộng đoàn và Giáo hội theo ơn gọi của mình. Các tân chức từ nay bắt đầu gánh vác một nhiệm vụ mới, họ sẽ được nâng đỡ và thêm nhiệt huyết tông đồ khi thi hành thừa tác vụ họ vừa lãnh nhận trong gia đình đan viện của mình.
 
Thanh Sinh Công Phan Thiết họp mặt mừng Ngày Quốc Tế Phụ Nữ
Tâm Phúc
12:45 06/03/2011
PHAN THIẾT - “Con không thể quên” là chủ đề của buổi họp mặt để mừng ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 do Liên đoàn Thanh Sinh Công Phan Thiết (TSC PT) tổ chức tại nhà thờ Giáo xứ Thanh Hải, GP Phan Thiết chiều Chúa Nhật 6.3.2011. Đông đảo các bạn Thanh sinh, Huynh trưởng, Giáo lý viên tham dự buổi họp mặt.

Xem hình ảnh

Trong ngày 8.3, hướng giới trẻ đến và tạ ơn Mẹ Maria là người Mẹ chung của Giáo hội, hướng giới về những người mẹ đã sinh ra và cưu mang mình với lòng hiếu thảo và biết ơn sâu sắc là mục đích của buổi họp mặt.

Tụ họp về đây, các bạn tay bắt mặt mừng và cùng nhau tiến vào Thánh đường sốt sắng tham dự thánh lễ để tạ ơn và xin Thiên Chúa Ba Ngôi, Mẹ Maria chúc phúc cho nữ giới nói chung và cách riêng những người mẹ được hạnh phúc, kiên vững trong vai trò và sứ mạng cao quý của mình. Thánh lễ do cha Giuse Trần Đức Dậu, quản xứ Thanh Hải chủ sự, cùng đồng tế có cha Phêrô Nguyễn Thiên Cung, Giám đốc CV Thánh Nicôla Phan Thiết, Cố vấn phong trào TSC PT. Trong bài giảng lễ, Cha Phêrô từ Tin Mừng Mt 7, 21-27 đã nhấn mạnh đến giá trị của việc giữ đạo hệ tại ở tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa chứ không phải vì luật lệ hay vì sợ hãi mà giữ đạo. Nhất là đối với các bạn trẻ, khi phải xa gia đình vì công ăn việc làm, học hành không có người kề cận nhắc nhở thì phải tự mình ý thức sống đức tin, tham dự Lễ Chúa Nhật và lấy Lời Chúa làm nền tảng cho cuộc sống của mình.

Sau thánh lễ, phần giao lưu giữa các bạn được mở đầu với nhạc phẩm Tình Mẹ Cha (Lm Hoàng Kim Tốt) với giai diệu tha thiết do Quốc Khánh (Giáo xứ Thánh Mẫu) trình bày thật truyền cảm để dẫn vào chương trình. Những tiếng cười vui tạo bầu khí rộn ràng cho buổi trò chuyện để các bạn chia sẻ về những quan tâm của mình với mẹ. Mỗi người mỗi cách, có khi thổ lộ ra ngoài như đơn giản mời mẹ một ly chè, có khi lặng lẽ bằng những chăm sóc thầm lặng, nhưng ai cũng rất thương mẹ mình. Có bạn thốt lên sau khi xem một slide về mẹ là “Mình nhớ mẹ quá đi”, khiến các bạn bật cười nhưng thật sự xúc động. Cha Cố Vấn cũng chia sẻ với các bạn hình ảnh người mẹ thân thương đã khuất của mình. Là mẹ có người con đi tu, Bà Cố chăm sóc, cầu nguyện nhiều cho cha và luôn giữ gìn cha cẩn thận (nhất là khi cha giao tiếp với phái nữ). Nhưng Bà Cố là dù sinh ra cha, vẫn là một “người con” của cha trong đức tin khi Bà Cố lãnh các Bí tích từ cha (lúc xưng tội Bà Cố vẫn thưa là con đến xưng tội cùng cha). Bà Cố là một người mẹ hết lòng vì con như những người mẹ khác, những hình ảnh đó cha suốt đời không quên.

Tiếp sau đó, các bạn rất vui được nghe anh Vũ Đức Hậu, Liên đoàn trưởng Thanh Sinh Công Sài Gòn trao đổi về vai trò, trách nhiệm, cách ứng xử của một Thanh Sinh Công trước những tình trạng tiêu cực phổ biến hiện nay trong giới trẻ. Một Thanh Sinh Công không chỉ bảo vệ và giữ mình khỏi những tệ nạn xấu mà còn phải tác động đến những người trong môi trường mình hiện diện để làm cho tất cả đều nên tốt hơn.

Sau cùng, tất cả hướng về Mẹ Maria, người mẹ tuyệt vời nhất của toàn thể nhân loại với tâm tình tôn kính, tạ ơn, và gởi gắm cho Mẹ tất cả những người mẹ trần gian. Buổi họp mặt kết thúc sau phép lành của cha Giuse, các bạn chia tay nhau trong luyến tiếc và hẹn ngày tái ngộ.

Ngày 8.3, phái nam thường bận tâm gởi lời mừng và quà đến những người nữ mình quen biết như bạn học, bạn cùng cơ quan, người yêu, cô giáo … nhưng lại ít quan tâm đến những người gần gũi với mình nhất là bà, mẹ, chị gái, em gái của mình. Hãy trao cho những người phụ nữ mình quý mến, đặc biệt là mẹ, những lời chúc, những biểu lộ yêu thương tốt đẹp nhất với cả tấm lòng là sứ điệp mà Ban Tổ Chức muốn nhắn nhủ đến các bạn.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Kinh tế Việt Nam năm 2010: Lạm phát tăng mạnh (tiếp)
Hà minh Thảo
16:52 06/03/2011
KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2010

CHƯƠNG 3: LẠM PHÁT TĂNG MẠNH (tiếp theo).

B. Công việc Quản lý kinh tế Việt Nam yếu kém vì dựa vào nguyên tắc ‘hồng hơn chuyên’ trọng dụng các đảng viên hơn chuyên viên, chứ không phải vì Quê Hương không có nhân tài để thiết lập một cơ cấu xây dựng và quản lý một nền kinh tế bền vững và lâu dài. Kế hoạch sai vì mục đích của nền kinh tế Việt Nam hiện nay chỉ nhắm vào con số tăng trưởng kinh tế, bất kể sự nguy hiểm cho ổn định kinh tế và sự nghèo nàn của người dân.

Sự quản lý kinh tế yếu kém của bộ chính trị đảng cộng sản có thể thấy qua hai sự kiện sau:
- ‘vneconomy.vn’, ngày 24.02.2011, đăng lời phát biểu của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn đức Kiên nói về tình hình giá cả tăng cao: « Giờ cầm 100 nghìn đi chợ cứ như đi tay không, rất may là có bà vợ đi chợ giúp chứ không lương của tôi mà ra chợ bây giờ chỉ được mươi mười lăm ngày là hết. »

Khi nhà báo hỏi nhận định về việc chính phủ chuẩn bị một nghị quyết riêng về vấn đề lạm phát, ông cho rằng: « Chính phủ đã tỏ ra tích cực, khẩn trương trong ứng phó với lạm phát cao. Nhưng cần khẩn trương và tích cực hơn nữa. Đến giờ mà mới chuẩn bị ban hành nghị quyết cho vấn đề này thì cũng đã là chậm. »
Là Phó chủ tịch Quốc hội, đảng viên trung kiên, đại nhân của chế độ, ông Nguyễn đức Kiên còn than như vậy, thì người dân thường còn khổ đến mực nào?

II. LẠM PHÁT ĐẦU NĂM 2011.

Ngày 12.01.2011, Tổng bí thư xuất nhiệm Nông đức Mạnh trình bày tại phiên khai mạc Đại hội XI, đã đưa ra vài con số cụ thể tại Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng trưởng Tổng Sản lượng Nội địa (TSLNĐ) bình quân 7-8%/năm, TSLNĐ bình quân đầu người theo giá thực tế đạt khoảng 3.000 mỹ kim... giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 45% trong TSLNĐ… Sau đó, ông Mạnh rời Bộ Chánh trị nhường chức Tổng bí thư cho Nguyễn phú Trọng, nhưng quyền hành nằm trong tay Nguyễn tấn Dũng, tiếp tục chức vụ Thủ tướng Chính phủ. Hiện tượng ‘sùng bái số lượng’ tiếp tục…

1.- Lạm phát tại Việt Nam tháng 01.2011 tăng 1,74% so với tháng trước.

Ngày 24.01.2011, Tổng cục Thống kê công bố chỉ số giá tiêu dùng toàn quốc tháng 01.2011 tăng 1,74% so với tháng 12.2010. Tuy thấp hơn so với mức 1,98% của tháng 12.2010, nhưng con số này cao hơn khá nhiều so với mức 1,36% của tháng 01.2010. So với tháng 01.2010, lạm phát tại Việt Nam tháng 01.2011 tăng 12,17% so với thời kỳ trước.

Quan sát rổ hàng hóa, ‘giáo dục’ là nhóm có số bách phân tăng giá mạnh nhất trong tháng với mức 2,9% so với tháng trước. Hàng ăn và dịch vụ ăn uống vẫn tăng mạnh nhưng con số 2,47% của tháng đã có phần giảm hơn so với bách phâân 3,31% của tháng 12.2010. Chỉ ‘bưu chính viễn thông’ là nhóm duy nhất giảm giá với mức 0,06% so với tháng trước.

Mức tăng Chỉ số giá tiêu dùng tại khu vực nông thôn trong tháng là 1,86%, cao hơn so với mức trung bình toàn quốc và tại khu vực thành thị. Vùng Tây Bắc là khu vực có mức lạm phát tăng mạnh nhất trong nước với 2,68% so với tháng 12.2010.

2.- Lạm phát tại Việt Nam tháng 02.2011 tăng 2,09% so với tháng trước.

Ngày 23.02.2011, Tổng cục Thống kê công bố: chỉ số giá tiêu dùng tháng 2.2011 đã tăng 2,09% so với tháng 1.2011. Tỷ lệ lạm phát này được xem như là ‘trung bình’ trong tháng Tết nguyên đán, tiêu dùng tăng nên chỉ số giá tăng cao.

Quan sát 10 năm qua, chúng ta thấy chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 đã có 8 năm (trừ năm 2009: 1,17% và năm 2010: 1,96% so với tháng giêng trước đó) vượt mức tăng 2% và tháng 2 năm nay cũng đạt mức tăng thấp nhất trong 8 năm vừa nêu. Tuy nhiên, nếu so sánh với các tháng trước, thì mức tăng tháng 2 này đã tăng cao hơn mức của hơn 30 tháng liền.

Phân tích các nhóm hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng, tháng 2 là tháng ăn Tết, nên nhóm ‘hàng ăn và dịch vụ ăn uống’ đã có mức lạm phát tăng 3,65% so với tháng 01.2011 (trong đó, chỉ số chi dùng lương thực tăng 1,51%; thực phẩm tăng mạnh 4,53% và ăn uống ngoài gia đình tăng 3,31%). CPI nhóm thuốc lá cũng đã tăng 2,14%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,38%; giao thông tăng 1,01% (do tăng giá vé của nhiều loại hình vận tải); nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,83% (do tiêu dùng điện, nước tăng trong khi giá xi măng, thép… cũng đã cao hơn trước); thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,64%... Tuy không tính vào ‘rổ hàng hóa và dịch vụ’, chỉ số giá mỹ kim tháng này đã tăng 0,94% so với tháng trước và, Ngược lại, chỉ số giá vàng giảm 0,35%.

3.- Lạm phát 2 tháng đầu năm 2011 tăng 2,09% so với tháng 12.2010.

Chỉ số giá tiêu dùng toàn quốc tháng 01.2011 tăng 1,74% so với tháng 12.2010 và đã tăng, trong tháng 02.2011, 2,09% so với tháng 01.2011. Như vậy, tổng số chỉ số giá tiêu dùng trong 2 tháng này đã tăng 3,87% so với tháng 12.2010 và đã tăng 12,31% so với tháng 02.2010.

Lưu ý: Chỉ số giá tiêu dùng toàn quốc 2 tháng đầu năm 2011 không phải là (1,74% + 2,09%) = 3,87% mà là:
- Chỉ số giá tiêu dùng tháng 01.2011: 1 + (1 x 1,74%) = 1,0174 hay 101,74%;
- Chỉ số giá tiêu dùng tháng 02.2011: 1,0174 + (1,0174 x 2,09%) = 1,0174 + 0,0213 = 1,0387 hay 3,87%

Trong đó, có thể viết: 100% là 1; 1,74% là 0,0174 và 2,09% là 0,0209.

4. Việt Nam giới hạn bách phân lạm phát năm 2011 ở mức 7% so với năm 2010?

a.- Chiều ngày 08.11.2010, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2011 với chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế từ 7-7,5%, lạm phát không quá 7%. Nghị quyết được 84,58% số đại biểu tán thành. Trước đó, báo cáo tổng hợp thảo luận của đại biểu Quốc hội nêu rõ, đa số ý kiến nhất trí với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban kinh tế của Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2010.

b.- Từ ngày 20.02.2011, người dân đất Việt được biết chắc Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý tăng giá bán điện, từ ngày 01.03.2011, lên 15,28% so với giá trung bình thực hiện năm 2010, tức sẽ là 1.242 đồng/KWh.
Căn cứ vào mức điều chỉnh đó thì các hộ có mức tiêu thụ điện từ 50 KWh/tháng trở xuống sẽ phải trả thêm khoảng 5.000 đồng/tháng, các hộ có mức tiêu thụ điện dưới 100 KWh/tháng sẽ trả thêm khoảng 21.000 đồng/tháng, các hộ có mức tiêu thụ đến 200 kWh/tháng sẽ trả thêm trên 53.000 đồng/tháng và tiêu thụ đến 400 kWh/tháng sẽ phải trả thêm từ 100.000-135.000 đồng/tháng.

Theo các chuyên gia kinh tế, với việc tăng giá điện này, một loạt các hàng hóa và dịch vụ cũng sẽ điều chỉnh tăng. Yếu tố lạm phát do tăng giá điện này cũng có thể bị đẩy thêm từ 1%-2%.

c.- Ngày 24.02.2011, Chính phủ Việt Nam loan báo quyết định tăng giá xăng dầu thêm 2.900/lít. Dù vậy, Bộ Tài chính cho rằng mức tăng như vậy chưa phải là cao vì, nếu tính đủ thuế và chi phí, lẽ ra xăng phải tăng thêm 6.493 đồng/lít trong đợt điều chỉnh này. Viên chức này còn đe: « Từ quý 2-2011 trở đi nếu giá thế giới tăng sẽ tăng giá trong nước, nếu giá thế giới giảm sẽ khôi phục mức thuế nhập khẩu, sau đó mới thực hiện giảm giá bán. »

d.- Ngoài ra, dựa vào chỉ số giá tiêu dùng nhóm ‘hàng ăn và dịch vụ ăn uống’ hàng tháng đều tăng và tăng nhanh vì giá lương thực và thực phẩm ngày càng tăng trên thị trường thế giới do thời tiết khắc nghiệt. Riêng tại Việt Nam, do sự tham nhũng lan tràn của các đảng viên cộng sản, diện tích canh tác nông nghiệp bị giới hạn do cướp đất đai để xây cất các dự án không vì công ích, nhất là chiếm để làm sân golf.

e.- Kết luận, với bao nhiêu sự tăng giá đầu vào về nguyên, nhiên liệu đó thì bắt buộc giá thành sản phẩm và dịch vụ phải gia tăng. Thêm vào đó, giá xăng dầu gia tăng thì phí vận chuyển cũng gia tăng. Nhưng tăng giá thành, giảm lợi nhuận bao nhiêu còn phụ thuộc vào việc quản lý, sắp xếp sản xuất, tiết kiệm, chống lãng phí và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng của từng đơn vị trong nền kinh tế. Do đó, việc điều hành giá năm 2011 với mục tiêu lạm phát tăng không quá 7% so với 2010 sẽ gặp rất nhiều khó khăn và, nếu không khéo, chỉ số giá tiêu dùng năm nay cũng sẽ là 2 con số.

III. THỜI NÀO DÂN VIỆT SƯỚNG NHẤT.

Đó là tựa đề một bài có địa chỉ như sau: http://baotoquoc.com/2009/11/01/th%E1%BB%9Di-nao-dan-vi%E1%BB%87t-s%C6%B0%E1%BB%9Bng-nh%E1%BA%A5t/

Trong đó, tác giả Nguyễn Hội đã đọc sách về phát triển kinh tế tại Miền Nam Việt Nam từ 1955 đến 1975 do Douglas C. Dacy của đại học Austin (Texas) viết vào năm 1986 và viết về lương công nhân từ 1956 đến 1974 để so sánh với lương công nhân năm 2006 (một trong những năm phát triển mạnh nhất của Việt Nam cộng sản, có nguồn từ: http://www3.tuoitre.com.vn/ViecLam/Index.aspx?ArticleID=166977&ChannelID=269 ).

1.- Lương Công nhân lao động được phân biệt có nghề hay không có nghề chuyên môn và sự chêch lệch giữa hai loại lương này rõ ràng nhất vào năm 1956 với 76%:

Năm | lương ngày cho thợ chuyên môn | lương ngày cho thợ nam | Chỉ số giá tiêu thụ của dân lao động (1962=100) | Giá gạo
(1 kg)
1956 | 88,9 | 50,5 | 96,4 | 4,6
1957 | 91,5 | 58,6 | 92 | 4,4
1958 | 101,5 | 72,3 | 90,2 | 4,8
1959 | 100 | 69,3 | 92,4 | 3,9
1960 | 102,5 | 72,3 | 91,2 | 4
1961 | 102,7 | 73,7 | 97 | 5,2
1962 | 106,1 | 75,7 | 100 | 5,2
1963 | 110,6 | 77,2 | 107,9 | 5,3
1964 | 114,4 | 81 | 110,4 | 5,5
1965 | 126,6 | 90,1 | 128,4 | 6,5
1966 | 190,6 | 132,6 | 209,6 | 10,5
1967 | 314,5 | 208,2 | 299,4 | 20,3
1968 | 371,9 | 255 | 380 | 20,7
1969 | 449,9 | 311,6 | 463,1 | 31,4
1970 | 592,6 | 416,4 | 633,5 | 40,2
1971 | 772,9 | 516,5 | 749,3 | 48
1972 | 870,1 | 652,1 | 938,3 | 72,3
1973 | 1104 | 843 | 1355,5 | 111,7
1974 | 1493 | 1039 | 2004,5 | 171,3
… | | | | …
2006 | 54000 | 32000 | | 6283


Lương của người lao động vào năm 2006 được tính dựa vào dữ kiện của trang báo ‘Tuổi Trẻ’ nói trên. Theo đó, lương tháng công nhân là 800.000đ và lương của nhân viên bảo dưỡng sửa chữa trung bình 1.350.000đ (từ 1.200.000đ – 1.500.000đ). Công nhân làm việc 6 ngày một tuần, mỗi tháng làm việc ít nhất 25 ngày, vì thế lương ngày của công nhân là 32000 = 800.000/25 và cho công nhân có tay nghề là 54000. Giá gạo cho năm 2006 được tính theo giá trung bình từ cách tỉnh miền Tây Cần Thơ, Kiên Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long lấy từ bài http://vietbao.vn/Kinh-te/Gia-gao-lien-tuc-tang/20645402/88/.

Lương của người lao động không có nghề tăng 50% trong vòng 6 năm từ 1956 đến năm 1962 trong khi đó vật giá chỉ tăng tổng cộng 3,6% trong thời gian này. Nghĩa là đời sống của người dân tăng rất cao, ít nhất 46% trong vòng 6 năm trời. Đặc biệt vật giá giảm hơn 4,4% vào năm 1957 và giảm gần 2% trong năm 1958 trong khi lương thợ tăng hơn 23% trong năm này.

2.- Mỗi ngày người lao động làm được bao nhiêu kí gạo?

Phương pháp so sánh lương người lao động giữa các thời đại tại Việt Nam hữu hiệu nhất là so sánh đồng lương tính ra bằng sản phẩm tiêu dùng hàng ngày như phần trên chúng ta đã so sánh với những năm từ 1956 đến 1974. Để có thể so sánh với năm 2006 cụ thể và đon giản nhất chúng ta là tính ra bằng gạo. Sự so sánh này có tính cách tương đối, bởi vì người lao động và gia đình của họ tiêu thụ những sản phẩm khác ngoài gạo hàng ngày, đồng thời giá cả sản phẩm nông nghiệp giảm mạnh do cải tiến kỹ thuật trong ngành nông nghiệp:

Năm | lương thợ tính ra kg gạo | lương thợ chuyên môn tính ra kg gạo
1956 | 11| 19,3
1957 | 13,3 | 20,8
1958 | 15,1 | 21,1
1959 | 17,8 | 25,6
1960 | 18,1 | 25,6
1961 | 14,2 | 19,8
1962 | 14,6 | 20,4
1963 | 14,6 | 20,9
1964 | 14,7 | 20,8
1965 | 13,9 | 19,5
1966 | 12,6 | 18,2
1967 | 10,3 | 15,5
1968 | 12,3 | 18
1969 | 9,9 | 14,3
1970 | 10,4 | 14,7
1971 | 10,8 | 16,1
1972 | 9 | 12
1973 | 7,5 | 9,9
1974 | 6,1 | 8,7
2006 | 5,1 | 8,6


Biểu thị trên đây cho chúng ta thấy ‘Lương của người lao động’ trong năm 2006 tính ra được 5,1 kg gạo một ngày trong khi năm 1960 họ làm được 18,1 kg và ‘Lương của người lao động’ Việt Nam có lương cao nhất trong những năm thời Đệ nhất Cộng hoà, trước đây nửa thế kỷ, và thấp nhất trong năm 2006 trong thời ‘kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Do đó, người dân thiện chí Việt Nam ghi ơn ông Ngô đình Diệm, vị Tổng Thống yêu nước, thương dân và thanh sạch.

Thế giới mỗi ngày mỗi phát triển, đời sống con người mãi cải thiện, thăng tiến. Tại sao đời sống người dân Việt Nam mãi đi thoái lui?
 
Hội Đồng Qúy Chức- Chương V: Tham gia vào thừa tác vụ giảng huấn
Lm. Mai Đức Vinh
21:30 06/03/2011
HỘI ĐỒNG QÚY CHỨC

CHƯƠNG V: THAM GIA VÀO THỪA TÁC VỤ GIẢNG HUẤN.


Trong chương này, chúng tôi sẽ trình bày ba mục chính:

I. Dạy kinh bổn trong họ đạo.

II. Rao giảng Tin Mừng.

III. Công tác văn hóa và xã hội.

MỤC I: DẠY KINH BỔN TRONG HỌ ĐẠO

I.Bổn phận của các chức- việc

Sau khi bàn về trách vụ của các linh mục (1), các thầy giảng và các nữ tu (2), bây giờ chúng tôi bàn về bổn phận dạy kinh bổn của quí chức, điều mà các Công Nghị, các cuốn Chỉ Nam và các thư chung của các đức giám mục hết sức lưu tâm. Chẳng hạn, các cuốn Chỉ Nam của ba giáo phận Qui Nhơn, Hà Nội và Huế đều xác quyết: "Các chức việc phải canh chừng sao cho các thiếu nhi thuộc kinh nguyện và giáo lý" (3); đức cha Hồ Ngọc Cẩn cũng khẳng định như thế: "Các chức việc phải hiểu rằng việc dạy giáo lý là điều cấp thiết đầu tiên" (4). Vì vậy, trong những họ đạo không có linh mục, thày giảng, nữ tu, thì chính những chức việc phải lo dạy giáo lý cho người lớn và trẻ em; còn trong những họ đạo có linh mục, thày giảng hay nữ tu, thì các chức việc phải đến nhà thờ, hoặc để nghe giáo lý và làm gương cho người lớn dõi theo; hoặc tham dự vào việc dạy giáo lý cho các em và trông nom chúng (5)

II. Ông bà quản giáo.

Nếu họ đạo có nhiều trẻ em, các chức việc, với sự đồng ý của cha xứ, phải chọn trong bổn đạo, các ông bà đạo đức, có khả năng, lo giáo lý cho các trẻ em trong họ đạo. Họ cũng là những thành viên của Hội Đồng Chức Việc. Chúng tôi có nhiều văn bản chính thức liên hệ tới việc tổ chức, vai trò và nhiệm vụ của các quản giáo:

1) Công nghị Tonkin đầu tiên 1900

Công Nghị tuyên bố: "Trong mỗi họ đạo, thường có một hay nhiều quản giáo nam cho các em trai, một hay nhiều quản giáo nữ cho các em gái, tùy con số các em học giáo lý. Các quản giáo dạy giáo lý cho các em, in vào tâm trí các em những thói quen lành mạnh, giúp chúng sống đạo đức và chú tâm trong nhà thờ và trong những công việc đạo đức chung của họ đạo. Các ông bà quản giáo được các chức việc tuyển chọn và đệ lên cha xứ xin ngài chấp nhận. Cha xứ phải quan tâm đến việc giúp các em và cha mẹ các em biết kính trọng và tuân phục các quản giáo" (6).

2) Hai cuốn Chỉ Nam của hai giáo phận Qui nhơn và Huế:

Hai cuốn này đồng quyết định: "Các ông bà quản giáo phải được Hội Đồng Quí Chức đề nghị và được cha sở hay vị đại diện ngài chuẩn nhận. Phận sự chính của các quản giáo là dạy các em học thuộc kinh nguyện và giáo lý (7). Cần phân biệt các quản giáo với các nữ tu và các đại chủng sinh đi thực tập, được đức giám mục gửi tới họ đạo" (8).

3) Cuốn Chỉ Nam của giáo phận Hà Nội:

Các quản giáo cũng là những thành viên của Hội Đồng Quí Chức của họ đạo. Dạy giáo lý xong, họ phải chăm lo các em trong nhà thờ, bảo toàn trật tự trong họ đạo và điều hành các cuộc thi giáo lý mỗi năm (9). Hơn nữa, theo qui luật họ đạo do đức cha P.M. Gendreau, giám mục Hà Nội soạn thảo và ban hành, các quí chức phải thúc dục các ông bà quản giáo quan tâm cả đến các em thuộc các gia đình không ghi danh trong họ đạo, và ngày thi giáo lý, phải dành chỗ cho các em dự thi, bởi vì các em cũng là con nhà có đạo. Tóm lại, các chức việc, hội quản giáo phải quan tâm tới các em như những thành phần của họ đạo (10)

4) Hội quản giáo:

Nhằm đẩy mạnh việc dạy giáo lý, không những cho người lớn và trẻ em có đạo, mà còn cho những dự tòng, các giám mục luôn nhắc nhở các linh mục phải tổ chức 'Hội Quản Giáo' trong mỗi họ đạo và giúp họ chu toàn việc dạy đạo. Sau thư chung của đức cha Marcou, giám mục Phát Diệm ra năm 1921 (11), các cuốn Chỉ Nam của ba giáo phận Hà nội, Qui nhơn và Huế đều khẳng định: "Trước kia cũng như bây giờ, việc lập Hội Quản Giáo trong mỗi họ đạo cần được duy trì và phát triển" (12)

III. Bổn phận của cha mẹ:

Các giám mục đã lập lại nhiều lần bổn phận của cha mẹ trong việc dạy giáo lý cho con em. Trong thư chung mùa chay 1883 về "bổn phận của cha mẹ đối với con cái", đức cha Colombert đã quả quyết: "Nhiệm vụ đầu tiên của cha mẹ là chuẩn bị cho con cái học giáo lý trong gia đình hay ở nhà thờ" (13). Trong thư chung năm 1980 về "Việc dạy đạo các con em", đức cha Gendreau đã có cùng một ý tưởng, khi nhấn mạnh tới sự kiện là làm sao cho con em theo học trường công giáo (14). Còn đức cha Victoire Quinton trong thư chung "Về giáo lý ngày chủ nhật cho người lớn", không quên dành một phần để nói về nhiệm vụ của cha mẹ đối với việc giáo dục đạo đức cho con cái (15). Và chính các linh mục phải nhắc nhở cho cha mẹ về nghĩa vụ này.

Bản văn của cuốn Chỉ Nam của hai giáo phận Qui Nhơn và Huế khẳng định lại những điều chúng tôi vừa trình bày: "Các linh mục có bổn phận giáo huấn các bậc cha mẹ và hội quản giáo, làm sao cho họ thấu triệt nhiệm vụ quan trọng của họ là dạy kinh nguyện và giáo lý cho con em; làm sao cho họ ý thức rằng: đưa con em và gia nhân đi học giáo lý chưa đủ, còn phải dạy chúng hiểu biết về Chúa, yêu mến kính, sợ Ngài, giữ luật Ngài truyền, và ngay từ khi có trí khôn biết dâng lên ngài kinh nguyện sáng tối" (16).

Sau vai trò của linh mục là của chức việc, nhất là ông chánh trương hay ông trùm họ đạo, "Họ phải biết các bậc cha mẹ có lưu tâm cho con em ăn học hay ủy thác cho những người có khả năng dạy dỗ; nhất là có dạy các em những kinh nguyện sáng tối? có dạy giáo lý? có gửi các em tới trường? có lo cho các em đi xưng tội? Tình thực, phải nhắc nhở cho tất cả am tường rằng: khi một em nhỏ được sáu bảy tuổi, em phải giữ luật Giáo Hội là đi xưng tội hàng năm. Nếu cha mẹ không dạy dỗ được các em, thì người chức việc phải lo toan chuyện đó. Chức việc cũng phải nhắc nhở các cha mẹ đỡ đầu đừng quên những nhiệm vụ đã được ủy thác cho họ (17).

IV. Chương trình giáo lý.

Chương trình giáo lý trong mỗi họ đạo được chia làm bốn loại: giáo lý cho người dự tòng, giáo lý cho các em chịu lễ lần đầu, giáo lý cho các em rước lễ trọng thể, và giáo lý cho người lớn tuổi. Tất cả đều đòi hỏi linh mục và chức việc phải ưu tư và quán xuyến đặc biệt.

1) Cho người dự tòng.

Sau sáu tháng suy nghĩ, nếu người dự tòng còn muốn trở lại đạo, thì cần phải dạy giáo lý họ. Ngoại trừ trường hợp khẩn cấp và tội đồ rất nặng (extra casum gravissimi damni), họ không thể được rửa tội, nếu chưa được huấn luyện kỹ càng về giáo lý công giáo trước. Việc huấn luyện kéo dài một tháng tròn. Nên dạy cho họ trong vòng một hay hai tuần, rồi gửi họ đi để được học tiếp kỹ lưỡng hơn với những người có khả năng (thầy giảng, nữ tu, chức việc, ông bà quản giáo) và sau cùng, chính linh mục phải gặp gỡ, trao đổi và hoàn bị chương trình giáo lý với người dự tòng. Nếu số dự tòng khoảng 20 người, cha xứ sẽ chủ tọa lễ nhận hồ sơ cho rửa tội (18).

2) Cho các trẻ em chịu lễ lần đầu.

Các trẻ em được chuẩn bị rước lễ lần đầu khi có trí khôn (19), nghĩa là khi các em có thể hiểu được.

Những mầu nhiệm cần thiết về Ơn cứu độ, về lòng tôn kính và yêu mến Phép Thánh Thể. Đặc biệt, các em phải học hết chương trình "bổn đồng nhi và bổn trẻ em", cũng như phải thuộc lòng những kinh cần thiết: kinh Tin Kính, kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng, kinh Tin, Cậy, Mến…(20)

3) Cho các trẻ em rước lễ trọng thể.

Các em không thể được rước lễ trọng thể, bao lâu chưa học hết cuốn sách bổn (sách phần, sách giáo lý) (21). Vì thế, trước khi được chấp nhận rước lễ trọng thể, các em phải qua một kỳ thi về toàn thể sách bổn, cha đại diện hay một vị được ngài ủy nhiệm, sẽ chủ tọa kỳ thi này (22). Chính vì vậy, các linh mục và các chức việc phải thu xếp làm sao cho cả những em phải đi chăn trâu, chăn bò, cũng được giáo huấn, bằng cách buộc cha mẹ phải lo gửi con đi học giáo lý (23).

4) Cho người lớn, và cho cả các phụ huynh.

Chúng tôi gặp được một thư chung sâu sắc của đức cha Victoire Quinton ra năm 1919. Chúng tôi xin tóm lược như sau: Học giáo lý là một bổn phận rất quan trọng cho mọi tín hữu, giáo lý sẽ giúp họ sống và nhất là thấu hiểu những điều họ phải tin và phải sống: đức tin, đức cậy, đức mến và các đức khác… Giáo lý không những bó buộc cho các trẻ em và các dự tòng, nhưng cho cả người lớn nữa. Họ phải tiếp tục học hỏi giáo lý để thấu hiểu đạo thánh hơn, và từ đó sống đạo và giáo dục con cái tốt đẹp hơn. Vì vậy các linh mục phải giáo huấn những người lớn tuổi về giáo lý ít là vào các ngày chúa nhật ở nhà thờ, và các bổn đạo buộc phải tham dự. Tốt hơn là nên tổ chức giáo lý cho người lớn ban sáng trước khi lễ hay ban chiều trước khi chầu Mình Thánh (24).

Cuốn Chỉ Nam của giáo phận Qui Nhơn còn tuyên bố: "Thật là hạnh phúc cho những họ đạo mà các thanh niên nam nữ kiên tâm học giáo lý cho tới ngày thành hôn! Nếu lý tưởng này có thể đạt được mọi nơi, thì mỗi người hãy cố gắng khi có thể" (25).

V. Phương pháp dạy giáo lý.

Hai cuốn Chỉ Nam của giáo phận Hà Nội và giáo phận Sài Gòn đều đề ra những nét đại cương, nhưng chính xác và thực dụng về 'phương pháp dạy giáo lý' dành cho các linh mục và những ai có trách nhiệm về vấn đề này. Sau đây, chúng tôi xin trích dẫn những bản văn của cuốn Chỉ Nam của giáo phận Sài Gòn.

1) Đối với các người mới theo đạo (tân tòng):

Phải tránh hai điều trái ngược: một là không cho lãnh phép rửa tội người lớn nào chưa sát hạch kỹ lưỡng, chưa học giáo lý đầy đủ, dù họ đã cao niên, có trình độ hiểu biết, và có hoàn cảnh sinh sống tốt. Đàng khác, không nên đòi hỏi quá nhiều đối với những người mới trở lại đạo, trì hoãn hồng ân được tái sinh (trong phép rửa tội), khiến họ nản lòng, khiến họ nhửng nhưng. Cần khảo hạch kỹ lưỡng mỗi tân tòng, nhằm phân biệt, tùy theo cách nói năng và hành động, xem ai có thể sẽ lãnh bí tích rửa tội, ai sẽ bị hoãn lại về sau… Hơn nữa, tất cả những người có trách nhiệm xin hãy quan tâm đặc biệt tới việc giáo dục con em của những người mới theo đạo nói trên…

2) Đối với các em mới chịu lễ lần đầu.

Người có trách nhiệm phải năng họp các em từ 7, 8 tuổi để dạy kinh bổn vỡ lòng. Đọc cho các em nghe một câu sách giáo lý, rồi cắt nghĩa cho các em hiểu bằng những lời lẽ hoặc hình ảnh thật đơn sơ vừa tầm hiểu của các em. Sau đó có thể cho các em đọc đi đọc lại một vài lần câu giáo lý để thấm dần dần. Cũng phải dạy cho các em biết nghiêm trang cung kính khi vào nhà thờ, lúc đọc kinh hay dự thánh lễ, và cả khi đi ra khỏi nhà thờ: cho các em biết bái gối, biết làm dấu Thánh Giá, biết mở miệng đọc kinh, biết thờ phượng Chúa, biết cầu nguyện với Ngài… Lại có thể kể cho các em nghe câu chuyện Phúc Âm, câu chuyện về đời sống các vị Thánh, hoặc câu chuyện lịch sử của Giáo Hội… Phải in vào tâm trí các em hình ảnh một Thiên Chúa vô cùng cao cả, quyền phép, thánh thiện, chí công, nhân hậu, giầu tình thương, biết hết mọi sự, thưởng người lành phạt kẻ dữ… Ba thời điểm thuận lợi cho các em rước lễ lần đầu là dịp Giáng Sinh, lễ Phục Sinh và lễ Mình Thánh Chúa..

3) Đối với các em rước lễ trọng thể.

Sau khi rước lễ lần đầu, các em ra khỏi lớp 'bổn đồng ấu' để gia nhập lớp giáo lý cao hơn. Các em phải theo đuổi ít nhất hai năm, và phải trên mười tuổi mới được rước lễ trọng thể. Các em phải học cuốn bổn đầy đủ, và phải thuộc lòng hết các phần đoạn giáo lý công giáo. Phải giải thích tuần tự và kỹ lưỡng để các em nắm hiểu được mọi khía cạnh của giáo lý công giáo, hợp với tầm hiểu của các bạn trẻ. Cứ tiến hành từng điểm một, và khi biết chắc đã hiểu mới sang điểm sau. Thường phải trở lại những điều đã trình bày, lập đi lập lại cốt cho các em nhớ, thuộc và nhiễm tâm dần dần...

Cần nâng đỡ sự chú ý của các em bằng cách thuật những câu truyện có thật và ý nghĩa. Như vậy, sau này lớn lên, các em sẽ không nghĩ rằng người ta lạm dụng sự dễ tin của mình. Về những câu truyện này, cần tán dương vẻ đẹp của nhân đức, vẽ lại nét thô bỉ của tật xấu. Cần nói về sự công bằng của Thiên Chúa, để các em biết ưu tư về sự phán xét của Ngài, và nhất là tán tụng sự toàn thiện, toàn mỹ, tình thương, nhân hậu, để các em yêu Chúa hơn.

Trong sứ vụ này, nếu giáo lý viên biết ăn nói dễ dàng, lưu loát, với nhiều hình ảnh sẽ thu hút đuợc các em; nếu giáo lý viên tỏ ra đại lượng, thân tình, nhưng không dễ dãi khinh nhờn, sẽ gây được nhiều thiện cảm và quí mến nơi các em, và như vậy sẽ mở lòng trí các em tiếp thu giáo lý cách dễ dàng và chắc chắn… Chúng tôi tin rằng ba buổi giáo lý mỗi tuần (kể cả chủ nhật), mỗi lần 45 phút đã dư đủ để công việc dạy giáo lý có hiệu quả.

4) Đối với người lớn:

Trong mỗi họ đạo, các ngày chủ nhật và lễ buộc phải cử hành thánh lễ vào giờ có giáo dân tham dự đông đảo. Các linh mục có bổn phận giải thích giáo lý cho người lớn. Cần cắt nghĩa giáo lý đúng theo tầm hiểu biết và tương hợp với nhu cầu của người nghe. Muốn cho việc dạy giáo lý thành công, trước tiên phải có một chương trình rõ ràng, một phương pháp trình bày ngắn gọn và hấp dẫn. Cần cầu nguyện và suy gẫm trước. Trình bày giáo lý cho người lớn quan trọng như việc giảng Lời Chúa…

VI. Thi Kinh Bổn

Tại Việt Nam, nhất là tại các giáo phận ngoài Bắc, từ lâu đã có thông lệ thi giáo lý trong mỗi họ đạo, thường thì hai lần trong năm, vào dịp lễ các Thánh và Phục Sinh. Cuốn Chỉ Nam của giáo phận Hà Nội qui định rằng: 'Theo luật giáo phận, các cha xứ phải tổ chức các cuộc thi giáo lý cho các bổn đạo, hai lần trong năm, kỳ lễ Phục Sinh và kỳ lễ các Thánh, trừ phi điều đó đã được đức giám mục chuẩn chước. Cuộc thi này phải được tổ chức nhiều lần và cho mọi tầng lớp giáo dân (27). Cuộc thi giáo lý sẽ do cha xứ hay một thầy giảng chủ tọa, cùng với các chức việc của họ đạo (28).

Để trình bày rõ ràng sự diễn tiến trong một cuộc thi giáo lý, chúng tôi xin trích dẫn dưới đây hai bản tường trình, một do E.M.D. năm 1848 với tựa đề 'một cuộc thi giáo lý vào buổi tối tại An Nam', tựa đề thứ hai do đức cha Vignau năm 1945 'thi giáo lý ở Việt Nam'. Đọc hai bản tường trình này, chúng tôi thấy cuộc thi giáo lý trong thời bách hại và thời sống hòa bình vẫn có hai khác biệt: Trong thời bị bách hại, cuộc thi thường tổ chức vào ban tối và các thí sinh thường được lựa chọn có tính cách cá nhân, nhưng trong thời bình thì cuộc thi tổ chức vào ban ngày, và đây là cuộc thi nhóm, vì có sự tham gia của mọi tín hữu.

1) bản tường trình của E.M.D.

Tác giả viết: 'Chúng tôi đang sống trong năm hồng ân 1848, đàm thoại với nhau. Các giáo lý viên thường nói với tôi về cuộc thi giáo lý diễn ra hàng năm tai Kẻ Sen. Mọi họ đạo của hai miền đều được mời tham gia. Có một ngày, tôi nói với cha Trung và các thầy giảng là phải tổ chức cuộc thi. Mọi người đều đồng ý. Và chủ nhật tiếp theo đó, họ đã loan báo công khai trong nhà thờ là sắp có cuộc thi về giáo lý. Đối với trẻ em, đây quả là một niềm vui sốt dẻo. Và có một tháng để chuẩn bị. Sau cùng, thời điểm ấn định cho cuộc thi đã tới. Mỗi ứng sinh, mà Hội Đồng Chức Việc của họ đạo biết là có khả năng đi thi, phải ghi danh trước. Cuộc thi tiếp diễn trong hai buổi tối liền tại hai họ đạo. Cuộc thi thứ nhất tại nhà nguyện Kẻ Bạng. Nhà nguyện tuy lớn, nhưng không đủ chỗ cho những người tham dự… Cha Trung, con người nghiêm nghị và khả kính, chủ tọa cuộc thi. Các vị chấm thi, do các chức việc tuyển chọn từ mỗi họ đạo, an tọa phía giữa.

Một hồi chiêng loan báo cuộc thi bắt đầu. Sau khi khẩn cầu Chúa Thánh Thần, một vị mặc áo thụng dài, rút ra từ đáy thùng phiếu tên của hai ứng viên dự thi, và lớn tiếng gọi tên ứng thi. Một vị khác, cũng mặc áo thụng dài, rút trong thùng phiếu khác, một thẻ có ghi rõ các câu hỏi 'về Kinh và Bổn' là đề tài cuộc thi, và ông cũng đọc lớn tiếng. Và cuộc thi bắt đầu.

Hai thí sinh hỏi thưa lẫn nhau theo những câu hỏi ghi sẵn trên thẻ đã rút ra, trong thinh lặng hoàn toàn… Đôi khi một tiếng trống làm gián đọan: Đó là khi một trong hai thí sinh đọc sai một chữ. Bấy giờ, họ phải ngưng lại để các vị chấm thi xét xem sự sai lỗi đó nặng nhẹ như thế nào… Trong cuộc thi giáo lý, các thí sinh phải cố cho được hạng nhất hay hạng nhì: Thí sinh nào đọc trôi chảy những lời kinh hay những câu bổn đã út số, thí sinh ấy được đứng thứ nhất. Chỉ một chữ đọc lên ngần ngừ, thí sinh sẽ bị tụt xuống hạng hai. Bị ba lần sai, thì chả còn gì để nói; lần thứ tư, thí sinh sẽ bị khiển trách… Xong cuộc thi, hai chức việc mặc áo thụng xướng tên của những thí sinh thắng cuộc thi. Kèn trống nổi lên, rước những người thắng cuộc thi đi tới bàn thờ Đức Mẹ. Họ tôn vinh Mẹ Maria đã giúp họ đạt được kết quả tốt trong cuộc thi giáo lý, họ đọc kinh dâng mình cho Đức Mẹ, và sau đó trở lại phòng thi nhận phần thưởng giữa những tiếng hoan hô và những bản kèn rộn ràng…

Cuộc thi ở Kẻ Bạng diễn ra suốt đêm, và còn tiếp tục đêm sau, trong khi ở họ đạo Kẻ Sen: mọi việc cũng diễn tiến y như vậy… Cuộc thi kéo dài cho tới ban sáng, kết thúc bằng một Thánh lễ Tạ ơn do cha Trung cử hành… Tuy nhiên, nơi người An Nam, một lễ hội, dù là tôn giáo, sẽ không toàn vẹn, nếu không kết thúc bằng một bữa ăn… (29)

2) Tường trình của cha Vignau

Cha viết: "Trong mỗi họ đạo Việt Nam, hầu như mọi người đều tham dự vào cuộc thi Giáo lý, thanh thiếu niên cũng như thiếu nhi, trưởng thành cũng như quí vị có tuổi, ai cũng phải biết đạo. Thật đáng thán phục! Và để thôi thúc lòng nhiệt thành của mỗi người, từ lâu đã tổ chức hai lần trong một năm, những cuộc thi giáo lý, trong mỗi họ đạo hay trong mỗi hạt. Ai nấy đều được mời tham dự. Tân tòng hay đạo dòng, mọi người đều muốn tham dự buổi thi giáo lý. Đây là dịp lễ lớn trong họ đạo. Các thí sinh được triệu tập theo nhóm, chứ không có tính cách cá nhân, vì không phải là cuộc thi về phép Rửa Tội. Ban đầu, chia theo họ đạo, rồi trong mỗi họ đạo, tùy theo lứa tuổi, được chia thành những nhóm nhỏ: các ông bà cao niên, trung niên nam nữ, tráng niên, tráng nữ, các em học sinh lớn, thiếu nhi, nam một bên, nữ một bên. Ngày thi, mọi người hao hức tới, mỗi nhóm đều nôn nao đợi phiên mình. Lúc đầu là một thách đố: họ đạo thi với họ đạo, trẻ với già, các em nam với nữ… Ai sẽ được nhỉ, nếu đức giám mục không cấm chơi trò chơi may rủi này?. Trong một phòng nhỏ, các vị kỳ lão nhớ lại trong ký ức những phần thi kinh bổn mà họ có thể được hỏi thí sinh. Câu hỏi thường được lập lại một phần trong cuộc thi giáo lý lục cá nguyệt trước. Câu trả lời là nhắc lại một lời cầu nguyện hay giải thích một trong những đoạn Phúc Âm ngày chúa nhật, giải thích một trường hợp cụ thể… Buổi thi giáo lý thường do cha xứ hay thầy giảng với các chức việc điều hành" (30).

VII. Phần thưởng.

Các cuốn Chỉ Nam của giáo phận Huế và giáo phận Qui Nhơn mong ước rằng: 'Để các em hứng khởi và ganh đua cần có phần thưởng cho những em chuyên cần và học hỏi nhiều hơn' (31). Cha Vignau đã viết: 'Buổi chiều ngày thi, khi loan báo long trọng những người hay những nhóm được trúng thưởng và lãnh thưởng, ban chấm thi không quên ra hình phạt, năm hay sáu xu mà những người lười biếng phải nộp đền. Thường có nhiều phần thưởng hơn là hình phạt. Các chức việc, sau khi đã quan sát những phần khảo thí, và khi có vấn đề, thực hay hư, đều trình lên cha xứ. Mỗi nhóm sẽ nhận một phần thưởng như bằng khen, tràng hạt, ảnh đeo, hình tượng; nhiều khi cũng trao tặng bánh trái và thuốc men (32).

MỤC II: RAO GIẢNG TIN MỪNG

I. Thừa tác vụ của linh mục

Linh mục chọn những người ngoại giáo như một phần gia nghiệp trong cánh đồng của Chúa. Các ngài yêu thương họ hết lòng. Giống như anh nông phu gắn bó với ruộng vườn, nên hết lòng cày bừa cho kỹ. Linh mục phải luôn giầu lòng bác ái đối với họ, cố làm những gì có thể giúp anh em ngoại giáo, nhằm dẫn đưa họ về đức tin. Ngài bắt đầu bằng việc cầu nguyện. Nếu linh mục thân thiết với phần gia nghiệp của ngài là người ngoại giáo thân thương, thì ngài sẽ liên lỉ cầu nguyện để họ được ơn trở lại. Không có lời cầu nguyện, lòng nhiệt thành sẽ không mang lại hiệu quả bền bỉ và lâu dài. Nếu một người ngoại giáo nào đó tìm gặp một linh mục để nói chuyện về tôn giáo, thì ít là vì những lý do riêng, ngài không nên từ chối cuộc đàm thoại này. Ngài cần tỏ ra lịch thiệp và kiên tâm. Không nên quá thúc dục người nghe và ép họ trở thành tín hữu. Ngài sẽ trình bày những chân lý đức tin làm sao cho họ có thiện cảm và niềm xác tín; ngài cân nhắc mọi lời nói khi bàn về tà thần, ngẫu tượng và lối thờ cúng…

Như chúng ta thấy, môi trường hoạt động của linh mục rất rộng rãi. May thay, ngài có những cộng sự viên, giúp ngài tại một hay nhiều họ đạo xa cách nhau hay nằm gọn trong những làng ngoại giáo. Cộng tác viên của linh mục là những thầy giảng, nữ tu hay đại chủng sinh đang đi thực tập, và những tín hữu đạo đức và nhiệt tâm tông đồ, nhất là các chức việc của mỗi họ đạo. Ngài phải huấn luyện những người tín hữu ưu tuyển này thành những tông đồ của Tin Mừng (33).

II. Mục đích chọn những chức việc.

Ngay từ buổi đầu, cách thức chọn chức việc cũng tương tự như cách thức Chúa Giêsu đã chọn 72 môn đệ trước kia: Muốn đến rao giảng Tin Mừng ở một nơi nào, Ngài đều sai các môn đệ đi chuẩn bị trước. Ngày nay, các vị bề trên trong Giáo Hội cũng theo gương Chúa Giêsu tuyển chọn các chức việc của các họ đạo với mục đích đó: Ngay từ đầu, một trong mục đích thiêng liêng chủ yếu là truyền giáo, là mở rộng nước Thiên Chúa cho mỗi ngày thêm rộng lớn, thêm vinh quang, và cho ơn cứu độ mỗi ngày được tràn lan đến mọi người, mọi nơi… Nghĩa là củng cố niềm tin của người Kitô giáo và rao truyền Tin Mừng cho người ngoài Kitô giáo. Khoảng 100 năm sau, các cuốn Chỉ Nam của giáo phận Huế và giáo phận Quy Nhơn cùng lập lại một luận cứ như trên: "Các chức việc đã hoàn tất bao nhiêu việc trong quá khứ, nhằm mở rộng đạo Chúa tại Việt Nam. Các vị còn phải phấn đấu hơn nữa, hoặc bằng gương lành, hoặc bằng lời nói, để dẫn độ những người đồng hương ngoài Kitô giáo, trở lại, tin nhận Thiên Chúa chân thật. Và đây là mục đích của việc chọn lựa quí chức" (35).

Để đạt được mục đích rao giảng Tin Mừng, theo lịch sử, các chức việc phải tận tụy cho việc dạy bổn cho các người mới theo đạo, thăm viếng và chăm sóc người ngoại đạo khi đau yếu, tham dự vào việc cử hành bí tích Rửa Tội các trẻ em hay người lớn sắp ly trần v.v…

III. Dạy kinh bổn cho người mới theo đạo

1) Một sự cộng tác thật cao qúy

Một trong những công tác thật cao quí, biểu hiện sự tham gia thân thiết giữa các linh mục và những chức việc của họ đạo, đó là lòng nhiệt thành dạy kinh bổn cho những người mới theo đạo. Chính do sự linh ứng của Chúa Thánh Thần, mà sự cộng tác này đã được thể hiện ngay từ khi Tin Mừng được loan truyền vào Việt Nam. Các tín hữu nhiệt thành, nam cũng như nữ, đều đảm nhận trách nhiệm dạy kinh bổn cho những người mới theo đạo, khi thiếu bóng linh mục, thầy giảng hay nữ tu, hay lúc không có mặt những vị này.

Ngay từ những trang đầu của Lịch sử Truyền giáo tại Việt Nam, chúng ta đã chứng kiến bao gương mẫu cao quí. Vì tầm giới hạn của việc nghiên cứu, chúng tôi chỉ có thể nêu lên vài trường hợp: ông chức việc có tuổi Gioan Kim thuộc họ đạo An Vực, hai vị chức việc đầu tiên của họ đạo Văn Nô, ông bà Phanxica của họ đạo mới Quảng Bình, ông Đa Minh, chức việc của một họ đạo tại Thuận hóa, ông Nicolas Hào, chức việc của một họ đạo tại Qui Nhơn, bà chức việc Madeleine và ông Antoine Tê, chức việc của một họ đạo tỉnh QuảngNam (36).

Chúng ta đã thấy: qua những tấm gương sáng ngời của những chức việc, chúng ta đã thấy bản văn của Công Đồng Indochine (Đông Dương) và những cuốn Chỉ Nam rút ra từ Công Đồng này, lập lại không ngừng và tự tin rằng "Trong đất nước ta, qui chế cổ xưa của Hội Đồng Chức Việc và của các bậc chỉ huy họ đạo có thể giúp chúng ta rất nhiều trong công giáo Tiến hành. Họ đã giúp các vị Thừa Sai trong việc bảo tồn đức tin nơi tín hữu và loan truyền đức tin đến cho lương dân" (37).

2) Một trong những điểm nổi bật của nội quy.

Năm mươi năm trước khi Công Đồng Indochine nhóm họp, tức năm 1884, đức cha Colombert đã lập lại cho quí chức: "Việc giảng dậy kinh bổn cho người mới theo đạo là một trong những bổn phận quan trọng. Các chức việc phải nhớ rằng: các bề trên tha thiết xin họ tận tâm lo cho phần rỗi của các linh hồn trong họ đạo, ngay cả những người ngoại đạo cư ngụ trong họ đạo. Vậy, các chức việc có đủ khả năng hãy tận lực rao truyền đức tin, tìm gặp những người mới theo đạo, dạy cho họ kinh nguyện sáng chiều, hãy khôn khéo duy trì mọi liên hệ tốt đẹp với lương dân hầu rao giảng đức tin cách dễ dàng và hiệu lực hơn. Như vậy, chính cha sở phải giúp quí chức sống vững đức tin, và quí chức phải bao bọc đức tin lẫn cho nhau ngay trong họ đạo. Tắt một lời, cha xứ phải quan tâm đến quí chức giống như cha mẹ đối với con cái trong tuổi ấu thơ. Theo đó, các chức việc phải nằm lòng những nguyên tắc căn bản của đức tin và thuộc sách 'kinh bổn cho người mới theo đạo'. Họ phải hiểu sâu lẽ đạo để dạy cho người mới theo đạo, nhất là khi những người này lâm bệnh nặng. Lại nữa, cha xứ phải giúp các chức việc, nhất là các ông trùm họ đạo, biết trả lời sao cho đúng những vấn nạn người ta đặt ra, và đồng thời phải kiên tâm lắng nghe và tuân theo những lời chỉ bảo của cha xứ" (38).

3) Hai trường hợp cụ thể.

Trung thành với qui tắc vàng ngọc này, nhiều chức việc đã tỏ ra xứng đáng với phẩm cách của người cha, người thày, người tông đồ bên cạnh những người tân tòng. Họ xứng đáng là những cộng tác viên gần gũi với các linh mục. Hai gương tốt sau đây minh chứng điều đó:

• Cha Thuyết phụ trách họ đạo Cái Bông, họ này thuộc về xứ Cái Bè. Cha lo sửa lại nhà thờ, thu xếp các hoạt động của họ đạo và chọn ra một ông trùm và nhiều chức việc cho họ đạo. Mọi chức việc đều nhiệt tâm dạy đạo cho các tân tòng như các thầy giảng đã từng làm (39).

• Ông Gioan Baotixita Sốc, trùm họ đạo Giông Miêu, thuộc xứ Cái Mơn. Ông hết tâm lo lắng cho họ đạo, chi xuất lúa gạo không tính toán. Ông cam đoan lo lương thực cho các nữ tu tới họ đạo, trả lương cho ông từ, giúp đỡ tiền nong và cấp đất đai cho những bổn đạo nghèo từ phương xa tới lập nghiệp, ông lo cho cả dân ngoại chưa trở lại đạo nữa. Ông qua đời năm 1894, sau 27 năm đứng đầu họ đạo. Tiếp nối sự nghiệp của ba, ông Long, con trai ông Sốc, cũng làm trùm, cư xử rất đại lượng và nhiệt tâm với họ đạo (40).

IV. Thăm hỏi và chăm sóc những người ngoại đạo đau ốm.

Giáo dân và nhất là các chức việc được ủy thác đi thăm viếng và chăm sóc, không những các bệnh nhân công giáo mà cả những bệnh nhân không công giáo nữa. Đây là một công tác tông đồ có hiệu quả của những bổn đạo sống giữa lương dân. Đức ái kèm theo lời cầu nguyện luôn luôn là một phương thức tốt nhất để loan truyền Tin Mừng. Khi bổn đạo hay tin có một người ngoại đạo ngã bệnh trong làng mình, vì thường thì họ đạo chỉ là một phần hay một nửa của làng dân sự, hay trong những làng lân cận, họ thường luân phiên thăm hỏi bao nhiêu lần có thể, để ủy lạo, an ủi, trao tặng vật, thuốc men, trò truyện với người ốm về tôn giáo. Tóm lại 'khi một ai đó (bổn đạo hay lương dân) bị liệt giường trong xóm mình, vị chức việc phải thường xuyên thăm viếng' (41). Cuốn Chỉ Nam của giáo phận Sài Gòn còn nhấn mạnh thêm: 'Nội quy của các chức việc đòi hỏi họ đi thăm viếng và trợ giúp bệnh nhân. Họ phải nhất tâm chu toàn bổn phận nàỵ' (42).

Cần nói thêm rằng: thăm hỏi và chăm sóc những người đau ốm là việc tông đồ mà các chị nữ tu dòng Mến Thánh Giá đã chu toàn thật tốt đẹp và hiệu quả hơn cc chức việc và những người công giáo khác. Các chị thể hiện công việc với tâm tình dịu dàng, kiên nhẫn và nhân ái. Nhiệm vụ này đã được chính luật dòng xác nhận: 'Điều luật thứ năm là các nữ tu phải thay phiên nhau, theo sự cắt đặt của Mẹ Bề Trên, đi thăm viếng, huấn dụ và chăm sóc bệnh nhân cho tới khi họ qua đời hay khỏi bệnh' (43).

V. Cầu nguyện cho người ngoại đạo đau ốm.

1) Ưu tiên của kinh nguyện.

Cầu nguyện luôn có một vai trò then chốt trong việc đem lương dân tìm vào đạo Chúa. Nếu mọi bổn đạo biết làm việc tông đồ bằng lời cầu nguyện, nếu lòng nhiệt thành làm việc tông đồ của họ đạo luôn được hun nóng bởi lời cầu nguyện, thì mọi sứ vụ truyền giáo của giáo dân, của họ đạo, của linh mục… sẽ thu được kết quả dồi dào, sẽ đánh động được nhiều trái tim cứng cỏi của lương dân. Không có lời cầu nguyện, không thể nào hoán cải được lương dân.

Ý thức tầm quan trọng của cầu nguyện, Công Nghị Tonkin năm 1900, khi bàn về 'những phương thức truyền bá Đức Tin ' đã dạy rằng: "Vì việc trở lại đạo của dân ngoại với Chúa Kitô là mục đích chính của những công cuộc truyền giáo, các người thợ tông đồ phải hết sức lưu tâm. Họ phải nhớ rằng việc hoán cải các tâm hồn là công trình hoàn toàn siêu nhiên và là kết qủa của ơn thánh Chúa, và ơn thánh này đạt được chủ yếu là nhờ lời cầu nguyện. Do đó, phương thức đầu tiên và chính yếu để quảng bá đức tin, là việc cầu nguyện thiết tha với Chúa, xin Ngài tỏa sáng và đánh động tâm hồn người ngoại giáo. Hơn thế, lời cầu nguyện của nhiều người sẽ đem lại nhiều ơn Chúa hơn cho việc tông đồ. Các bổn đạo phải cầu nguyện với Chúa, hết tâm hồn, nhiệt thành và bền bì cho sự hoán cải của lương dân. Trong mỗi hạt, cần thiết lập một hiệp hội, tỷ như hiệp hội 'Cầu nguyện cho việc Truyền Giáo"… (44)

2) Hiệu quả của những gương lành.

Nhưng kinh nguyện phải đi đôi với gương lành, hy sinh, công việc đạo đức. Nói tắt là đời sống công giáo gương mẫu. Bởi lương dân không biết được lời cầu nguyện của bổn đạo, nhưng họ chứng kiến đời sống lương thiện công chính, hành vi đậm đà yêu thương, công việc bác ái, lời nói bao dung… của mỗi người tín hữu. Sống giữa môi trường của những lương dân như vậy, người công giáo phải là chứng nhân của đức tin, của đạo giáo, nghĩa là qua đời sống gương mẫu của người công giáo, dân ngoại sẽ thiện cảm với đạo, rồi dần dần nhận ra Thiên Chúa tình yêu… và xin gia nhập Giáo Hội.

Vì vậy, các nghị phụ Công Nghị Tonkin năm 1900, không quên nhấn mạnh tới gương tốt mà các bổn đạo thể hiện đối với lương dân: "Đây quả là sự giao thiệp liêm chính và hợp luật Chúa của các bổn đạo sống giữa lương dân, nhất là khi bổn đạo hiếu hòa, không lăng nhục ai, liêm chính và công bình trong các khế ước, tín trung trong lời nói, nhân ái và quả cảm, nhu hòa trong những giao tiếp xã hội. Vì vậy, chúng ta nên khuyến khích bổn đạo tăng cường những tương quan tốt đẹp này, như những hình thức tông đồ hữu hiệu. Nhờ đó, họ sẽ hợp tác tích cực hơn trong việc hoán cải lương dân. Quả vậy, nhiều bổn đạo đã lo rửa tội cho những trẻ em của lương dân trong giờ lâm tử, và họ sẽ loan truyền đạo Công Giáo cho những người lớn trong những điều kiện tương hợp. Nếu những lương dân này lắng nghe, các quí chức sẽ dẫn họ đến gặp linh mục hay thầy giảng để họ được giáo huấn thêm" (45).

3) Những câu chuyện đầy khích lệ.

Chúng tôi cảm thấy thật sung sướng khi đọc trong những tài liệu lịch sử về việc rao giảng Tin Mừng tại Việt Nam, những mẩu chuyện nho nhỏ về lời cầu nguyện của bổn đạo cho lương dân. Những mẩu chuyện này nói lên tầm quan trọng và hiệu quả của việc cầu nguyện, lòng bác ái siêu nhiên, lòng nhiệt thành tự phát của các bổn đạo được thể hiện vì phần rỗi của anh chị em lương dân. Không thể trích dẫn mọi chuyện, chỉ xin đan cử vài chuyện như sau:

a) Một thiếu phụ giàu có thuộc làng Kê Thiên Nhiên (sic), từ 22 năm qua, bà bị một căn bệnh hiếm hoi hoành hành. Ông chồng đã chi phí biết bao tiền của cho việc cúng tế và mọi thứ mê tín mong bà khỏi bệnh, nhưng vô hiệu. Cuối năm nay (1685), ông khẩn khoản xin một chức việc thuộc họ đạo lân cận, để xin Chúa chữa bệnh cho vợ ông. Cầu được ước thấy, vợ ông đã lành bệnh. Khỏi bệnh, bà, ông chồng và người chị họ đã xin trở lại đạo, ngoại trừ hai người chị của người thiếu phụ này (47).

b) Một nữ bổn đạo còn trẻ tuổi, thuộc làng Kẻ Tràm. Bà đã thành hôn với một người ngoại đạo và tuyên bố bỏ đạo. Về sau bà bị bệnh nặng. Mười năm mang bệnh hoạn. Tháng 5 năm nay, người mẹ, thấy con mình có thể lâm tử, đã khuyên con xin vài bổn đạo quen thân cầu nguyện xin Chúa chữa lành. Linh nghiệm thay, mấy người bổn đạo chưa hết một tuần thì bà đã lành bệnh... Bà đã hoán cải và xin xưng tội ngay… Người chồng, toàn thể gia đình, và nhiều người đồng hương, rất cảm động trước phép lạ này. Họ xin theo đạo. Theo gương họ, số người xin tòng giáo mỗi ngày tăng thêm. Trong số những tân tòng này, có hai người giầu có, đức độ và quyền thế, đã cho đất và xuất tiền xây một nhà thờ khá đẹp làm nơi thờ phượng chung (48).

c) Bà vợ của ông lý trưởng làng Kẻ Ô không thể khỏi bệnh bằng những phương thuốc và mê tín đã xử dụng đối với một căn bệnh đã làm bà suy nhược từ nhiều năm tháng. Bà xin bổn đạo cầu nguyện và hứa sẽ vào đạo… Bà được khỏi bệnh… Nhưng ngay sau đó, bà quên lời hứa và bỏ rơi việc vào đạo Chúa… Mấy năm sau, bà bị một chứng bệnh ngặt nghèo hơn trước. Biết mình có lỗi, bà đã mời các bổn đạo tới nhà, xin họ cầu nguyện cho được khỏi bệnh và để thực thi 'lời hứa vào đạo', bà xin một linh mục đến ban phép Rửa Tội cho bà. Nhưng thấy rằng không đủ thời giờ giảng dạy cho bà những mầu nhiệm căn bản trong đạo, đồng thời muốn thử thách sự kiên tâm của bà, và muốn 'phạt bà về sự thất tín', linh mục đã hoãn lại việc rửa tội cho bà. Việc khoan giãn này đã làm bà xao xuyến rất nhiều, nhưng cũng thành bài thuốc tốt cho bà. Linh mục bắt bà phải tạm bỏ công việc gia đình, đến một họ đạo lân cận để học thêm kinh bổn trong khoảng một tháng, thắm nhuần cách sống đức tin bền vững. Thời gian trôi qua, bà đã được diễm phúc lãnh nhận bí tích Rửa Tội với bốn người con và 37 dân làng (49).

d) Lời cầu nguyện của một chức việc: Cha Martin, cha xứ của Bùi Chu, đã quả quyết rằng ông Giuse Hoan, một chức việc của họ đạo Thuận Hóa thuộc vùng ngài quản nhiệm, do lời cầu nguyện, đã chữa lành một người bên lương mà không phương thuốc nào làm ông bớt đau (50).

Còn nhiều câu chuyện khác nữa, nhưng bốn chuyện nhỏ trên đây cho phép chúng tôi kết luận bằng một câu viết thật đẹp đăng trong tờ báo 'Mission du Tonkin': "Thật kỳ diệu khi Thiên Chúa đã dùng những người nam, nữ, đơn sơ và nghèo túng, đọc lên những lời nguyện đơn thường, nhằm tác dụng những cuộc khỏi bệnh bất thường, theo đó đã khơi mầm nơi những người ngoại đạo, dù họ phải đối diện với một vài bệnh nhân, mà không có phương thức nào, không có tà thần nào có thể chữa khỏi, tựa như một châm ngôn "hãy mời các tín hữu đến, họ sẽ cầu xin Thiên Chúa cho quí ông và chữa bệnh cho các ông" (51).

VI. Rửa tội cho những trẻ em hay người lớn lúc lâm tử

1) Các bề trên đồng lòng nhấn mạnh và khích lệ

Chúng tôi có thể nói rằng mục đích chính yếu của những cuộc thăm viếng và chăm sóc các bệnh nhân ngoại giáo, trẻ em hay người lớn, là nhằm cứu rỗi linh hồn của họ bằng phép Rửa Tội. Công tác này quả thật đáng phục, được thực hiện bởi các linh mục, thầy giảng, nữ tu, các chức việc và giáo hữu đạo đức.

a) Mọi cuốn Chỉ Nam đều nhấn mạnh rằng: 'Linh mục phải chọn trong số tín hữu đạo đức của họ đạo, những người giáo dân đạo đức, nhiệt thành và có khả năng chuyên lo việc rửa tội. Phải cho họ đạo biết tên tuổi những 'người chuyên lo rửa tội này', để khi gặp trường hợp khẩn cấp, người ta biết chạy đến với họ. Dĩ nhiên, các chức việc, thày thuốc và bà mụ (hộ sinh) là những người ưu tiên được chọn 'lo việc rửa tội' (52). Thật vậy, những minh xác này đã nói lên ước vọng của Công Nghị Tonkin lần đầu tiên năm 1900: 'Hortandi valde sunt ommnes christiani, ut ad hoc tam excellens misericordiae opus inquerendi et baptizandi filios infidelium in articulo mortis, praecipue vero medici et obstetrices' (53).

b) Trong cuốn Chức Sở Mục Lệ, đức cha Colombert cũng nhấn mạnh rằng: 'Người chức việc phải ưu tư về công tác thánh thiện này, nghĩa là việc cử hành bí tích Rửa Tội cho những trẻ em ngoại giáo sắp ly trần. Quí chức phải nhớ rằng cử hành bí tích Rửa Tội cho trẻ em hấp hối là một công việc nhiều ơn phúc trước mặt Chúa, vì đó là mở cửa thiên đàng cho các linh hồn. Như vậy, người được rửa tội chắc hẳn được vào nước Chúa (54). Đàng khác, trong họ đạo không có linh mục, các chức việc phải chọn trong cộng đoàn mình một hay hai phụ nữ đạo đức và nhiệt thành, giới thiệu họ với cha sở, để ngài dạy cho họ biết phải hành xử ra sao, trao cho họ một khoản tiền dành cho tuổi thơ thánh đức này, hầu giúp các bà trong công tác tông đồ. Các ông cũng phải cho cha biết tên những cô mụ và những thày thuốc trong làng, vì những người này thường gặp những trường hợp, trẻ em hay người lớn, cần kíp muốn được rửa tội. (55) Họ phải ghi vào sổ mỗi lần rửa tội cho người ngoại giáo sắp ly trần. Họ giữ cẩn thận sổ này hầu trình cho cha xứ khi ngài hỏi đến (56).

c) Những khoản chi hay phần thưởng: Nhằm khuyến khích bổn đạo trong việc rửa tội cho những người ngoại giáo sắp ly trần, các giám mục sẵn sàng hoàn lại những chi tiêu cần thiết và ban thưởng cho những người đã tận tâm lo việc rửa tội. Đức cha Thaurel (Chiêu) đã trình bày điều này trong thư chung đề ngày 27/8/1868: 'Chúng tôi xin các linh mục và giáo dân lưu tâm tới những người ngoại giáo trong việc dẫn dắt họ về đức tin. Những gì đã chi ra, cần cho chúng tôi biết để chúng tôi hoàn lại đầy đủ. Chúng tôi chỉ mong một điều là giáo dân và quí chức quan tâm đặc biệt tới việc rửa tội cho dân ngoại, và tường trình lại cho các bề trên. Xin các cha xứ cũng ghi danh những người xứng đáng trong công tác rửa tội này, hầu ban cho họ phần thưởng tưởng lệ xứng đáng theo lòng họ mong muốn, nhất là khi một người cần cặp mắt kính, thì phải nói rõ người đó bao nhiêu tuổi' (57).

2) Vài con số đáng khích lệ.

Chúng tôi xin đưa ra một vài con số tiêu biểu để làm bằng chứng: Theo phúc trình năm 1818-1819, đức giám mục Hà Nội cho biết trong giáo phận ngài đã rửa tội 18.180 trẻ em ngoại đạo sắp ly trần; đức giám mục Bùi Chu cho biết con số 8.126 em (58). Trong tờ phúc trình năm 1937-1938, thành quả của công tác tông đồ 'rửa tội cho trẻ em thuộc gia đình lương dân' là 16.624 em trong giáo phận Hà Nội, 3.520 em thuộc giáo phận Bùi Chu (59). Riêng giáo phận Sài Gòn, thì năm 1818, có 1.257 trẻ em ngoại đạo sắp ly trần được rửa tội (60), năm 1884, có 2.790 em (61), năm 1921 có 4.484 em (62), và năm 1923 có 8.333 em (63).

Chúng ta đừng quên rằng, song song với việc rửa tội cho những trẻ em ngoại đạo sắp ly trần, còn phải nói tới công trình các gia đình công giáo chuộc trẻ em ngoại đạo về làm con nuôi và cho các em vào đạo. Thư chung của đức cha P.M. Gendreau (Đông) đề ngày 21/11/1890, đã nhấn mạnh về sự kiện này (64). Cha Launay đã nêu lên con số 3.808 trẻ em ngoại giáo được các gia đình công giáo thuộc giáo phận Bùi Chu mua làm con nuôi trong năm 1918-1819 (65).

3 )Một mẩu truyện đẹp.

Để kết thúc, chúng tôi xin trích dẫn dưới đây một mẩu truyện đẹp giữa cha Patuel, cha xứ họ đạo Bái Thượng hiện nay thuộc giáo phận Thanh Hóa, và mấy bà 'chuyên lo việc rửa tội cho trẻ em ngoại giáo'. Không ra ngoài đề lịch sử mục vụ, mẩu truyện này cho chúng ta thấy rõ tinh thần cộng tác tông đồ giữa linh mục và bổn đạo thật đáng mừng, lòng nhiệt thành cứu rỗi các linh hồn của người công giáo Việt Nam thật cao quý. Cha Patuel thuật lại như sau:

Trong họ đạo của tôi, có một nhóm phụ nữ thánh thiện, chuyên tâm cầu nguyện và đi tìm rửa tội cho những trẻ em sắp ly trần. Tôi thấy họ thường trẩy đi với một thúng thuốc để thăm viếng những làng lân cận. Địa bàn hoạt động của các bà rộng khoảng 20 cây số. Thúng thuốc của họ nổi tiếng lắm. Thuốc viên, thuốc lá của người công giáo xem ra linh nghiệm hơn các thang thuốc của mấy thầy lang thông thường. Đi tới đâu, các bà cũng được hoan hỉ tiếp đón. Nhiều khi, các bà được người ta từ xa đến mời về làng của họ. Sau mỗi chuyến đi về, các bà có thêm nhiều kinh nghiệm, học hỏi được nhiều chuyện như tục ngữ Việt Nam quen nói 'đi một ngày đàng, học một sàng khôn'… Hôm nay gặp lại các bà, thấy các bà vui vẻ với nụ cười hạnh phúc, tôi hiểu ngay: các bà đã thành công, đã rửa tội được một hay hai em nhỏ ngoại giáo! Tôi cố tâm khuyến khích các bà và nài nỉ các bà nhận vài món thuốc tôi tặng thưởng. Nhưng tôi không khuất phục được các bà, vì những người phụ nữ can đảm này thâm tín rằng, nếu họ chấp nhận sự giúp đỡ, hoặc bằng tiền của, hoặc thuốc men, họ sợ bị đánh mất công đức của những lần rửa tội. Có những cuộc rửa tội mà họ không ghi vào sổ được. Những cuộc 'rửa tội đặc thù' mà dường như họ đã mất nhiều công sức, nhưng không biết ai sẽ được thừa hưởng công lao của họ. Nếu sự thể là thế, và các bà cũng hài lòng như thế. Bởi lẽ, dù những phúc trình cuối năm có thiếu sót chăng nữa, thì con số các linh hồn gia tăng cho nước trời vẫn không suy giảm. Cũng như mọi lần, đến thăm viếng tôi, hôm nay chúng tôi chỉ nói về những cuộc rửa tội. Bà Anna nói với tôi: - "Thưa cha, năm nay con không 'thành công' như năm ngoái ". - "Bao nhiêu? ". - "Không nhiều". - "Vậy là bao nhiêu?" - "Thưa sáu linh hồn" -"Sáu linh hồn! Tuyệt vời, tôi chúc mừng bà nhiều"… Bà Maria ngồi bên cạnh, có vẻ hồi hộp. Tôi hỏi bà: - "Chắc bà cũng thành công như thế!" - "Thưa cha, năm nay con không được mùa bao nhiêu" - "Ít hơn bà Anna sao?". - " Thưa cha, vâng, con không đạt được như vậy, vì bà Anna đã 'ăn cắp' của con một linh hồn. - "Ăn cắp! bà có cáo gian không đấy? Làm sao bà ta đánh cắp được ?". Bà Anna phản đối: - "Con đâu có 'ăn cắp'. Em bé được rửa tội đó thuộc về con mà". - "Sao vậy hả? bà giải thích cho tôi nghe xem!" - "Vâng, sự kiện là như thế này: hay tin có một em nhỏ ở làng bên cạnh Bái Thượng sắp ly trần, cả hai chúng con cùng chạy gấp đến dò cơ hội. Phải mất nhiều tháng lắm để đạt được giờ hạnh phúc này. Cả hai chúng con đua tranh nhau, thỉnh thoảng người này xin người kia nhường bước. Bà Maria nói với con: 'Chị đã có hai vụ rửa tội hơn em rồi, chị nhường cho em vụ này đi'. Con trả lời: "Nhường, em còn trẻ mà chị đã già, em còn có thời giờ để rửa tội nhiều 'vụ' hơn. Chị đã già rồi, em vui lòng nhường cho chị thiên thần này nhá v.v…". - "Cha hiểu rồi, cha hoan hô cả hai chị em và cha cầu chúc năm tới cả hai chị em sẽ được mùa, sẽ 'dâng cho Chúa nhiều thiên thần nhé!"… (66)

MỤC III: CÔNG TÁC VĂN HÓA VÀ XÃ HỘI.

Dưới tựa đề 'công tác văn hoá và xã hội', mục này sẽ trình bày về việc tham gia của các chức việc vào sứ vụ của linh mục, liên quan tới việc tổ chức và chỉ huy các hiệp hội tôn giáo, các trường đạo và những chương trình bác ái của họ đạo. Chúng ta sẽ thấy, tất cả những hạt động này đều nhắm một mục đích duy nhất và tối hậu: rao giảng Tin Mừng

I. Các hội đoàn tôn giáo.

1) Từ đầu cho tới năm 1884.

a) Giai đoạn đầu: Trong chương III, chúng tôi đã trình bày: họ đạo được tổ chức làm sao cho mọi tầng lớp bổn đạo được kết hợp trong những hội hay nhóm sống đạo. Khởi đầu, chưa có những hội hay phong trào dưới hình thức Công Giáo Tiến Hành, họ đạo Việt Nam được tổ chức theo cách thức của một làng cổ truyền: sau các chức việc, các bổn đạo được chia thành ba lớp hay ba hàng, hàng bô lão, hàng tráng niên và hàng thanh thiếu niên. Mỗi hàng có vai trò và nghĩa vụ chung trong đời sống cộng đồng, tuy vẫn ở dưới sự chỉ đạo tổng quát của Hội Đồng Chức Việc hay Hội Đồng Quí Chức. Nhờ hệ thống này, việc dạy đạo tiến hành, công việc chung xuôi chảy, những sáng kiến chung được thể hiện, chẳng hạn, họp nhau cầu nguyện ở nhà thờ, thi giáo lý và những công tác tập thể khác… Chúng ta còn thấy vai trò quan trọng của các chức việc dưới danh hiệu 'quản giáo', lo cho các trẻ em của họ đạo. Họ huấn luyện các em, đào tạo chúng thành những người công giáo tốt, để mắt tới chúng trong nhà thờ và mọi nơi… Quả thật, rất khó làm cho người ngoại giáo trở lại đạo, và không dễ gì giúp người tân tòng thành người công giáo sốt sáng, cũng không dễ gì huấn luyện cho trẻ em đã rửa tội nên người công giáo thuần thục… Vì vậy, cần sự huấn luyện kiên trì, tận tình, chu đáo về mọi điểm, một sự cộng tác tích cực giữa những người có trách nhiệm trong mỗi họ đạo. Những người nói đây là linh mục và quí chức. Cha Cadière có lý khi viết: "Các chức việc khi xưa đã không bỏ rơi trẻ em sau khi rửa tội. Khi em có trí khôn, họ quan tâm tới em. Qui luật xưa truyền cho họ phải dạy các em biết cầu nguyện và biết những chân lý căn bản trong đạo. Chính nhờ hoạt động của các chức việc mà các bổn đạo, từ khi rửa tội cho tới khi ly trần, đều trung thành gắn bó với đạo Chúa, ngay trong những cơn bắt đạo lâu dài và đẫm máu nhất (68).

b) Các hội đoàn đầu tiên. Từ những thời kỳ đầu tiên của việc rao giảng Tin Mừng tại Việt Nam, chúng ta đã thấy xuất hiện vài hội đoàn, dù chưa được phát triển lắm, tỉ như 'Hội Bác Ái' do cha Courtaulin thành lập tại Faifo. Trong thư đề ngày 30/8/1675, gửi cho đức cha Lambert de la Motte, cha viết: "Con đã khích lệ tất cả mọi tín hữu ở tỉnh này (Faifo) gia nhập Hội Bác Ái mà con vừa thành lập với ba mục đích: - 1/ Trợ giúp những ai bị sách nhiễu vì Đạo, - 2/ Trợ giúp những người nghèo đói và những bệnh nhân nghèo, chết vì thiếu thuốc men. - 3/ Cầu nguyện cho các linh hồn còn trong luyện tội (69). Theo chúng tôi, chắc đây là một hội đạo xưa nhất tại Việt Nam. Sau đó, là 'hội Nghĩa Binh' dành cho các thiếu niên do cha Lopez, bề trên dòng Tên lập tại Nam Kỳ. Cho các ông thì có 'Hội Chúa Ba Ngôi', 'Hội Máu Thánh'. Cho các bà thì có 'Hội Đức Mẹ Đồng Trinh', 'Hội Chết Lành'. Cần minh xác rằng hội cầu cho 'Các Linh Hồn Luyện Tội' rất phổ biến trong các họ đạo, vì quan niệm này rất tương hợp với lòng tôn kính Tổ Tiên của dân Việt Nam. Hội Dòng Ba Phanxicô cũng phổ biến sớm tại Nam Kỳ, giống như hội Dòng Ba Da Minh tại Bắc Kỳ (70). Luôn luôn, các chức việc có một ảnh hưởng lớn đối với các hội đoàn trong họ đạo. Thường thường, tại Việt Nam, một người có thể ghi danh vào nhiều hội và đồng thời đảm nhận hai, ba trách nhiệm khác nhau.

2) Sau năm 1884.

a) Các hội đoàn chính: Đặc biệt sau thời kỳ bách hại, nghĩa là sau năm 1884, hay còn gọi là giai đoạn tái thiết, nhiều hội đoàn hay tổ chức khác nhau được chính thức thành lập và phát triển nơi các giáo xứ. Các hội đoàn chính được nhắc lại trong các cuốn Chỉ Nam của các giáo phận: Hội Truyền Bá Đức Tin, Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể, Hội Mân Côi, Hội Đức Bà núi Carmêlô, Đoàn Nghĩa Binh Thánh Thể, Phong Trào Hùng Tâm Dũng Chí, Đoàn Hướng Đạo Công Giáo, Hội Con Đức Mẹ (71).

b) Trước Công Đồng Đông Dương năm 1934: Những hội đoàn và những hiệp hội chưa được thiết lập theo cấp địa phận, mà mới ở cấp giáo xứ thôi. Thường có một tên gọi chung, nhưng việc điều khiển và huấn luyện các thành viên, tùy thuộc vào sáng kiến riêng của cha xứ, thầy giảng, nữ tu hay các chức việc. Các chức việc thường lãnh trách nhiệm khi họ đạo không được may mắn có có sự hiện diện thường xuyên của linh mục, thầy giảng hay nữ tu.

c) Sau Công Đồng Đông Dương: Mọi hội đoàn và tu hội được tổ chức lại trên cấp giáo hạt và được chấn chỉnh lại do Công Giáo Tiến Hành (72). Tuy vậy, ảnh hưởng và trách nhiệm của các chức việc vẫn còn nhiều. Lý do là các cuốn Chỉ Nam, do ảnh hưởng của Công Đồng Đông Dương, đã đồng thanh tuyên bố: "Các chức việc, như cây trầm hương cho Công Giáo Tiến Hành, không hủy đi những tổ chức cũ, nhưng thích nghi vào một mục tiêu đã được đức giáo hoàng Piô XI qui định: việc tông đồ của mỗi người trong môi trường của mình là do lời cầu nguyện, gương sáng, hoạt động âm thầm và quan tâm đến anh chị em lương dân sống xung quanh mình (73). Và đây là nghị quyết của Công Đồng Đông Dương năm 1934: "Nếu những chức việc được tuyển chọn kỹ lưỡng, nghĩa là được đào tạo và tôi luyện sống liêm khiết và công chính, hiếu hạnh và đạo giáo, họ sẽ là những phần tử tinh anh của các tín hữu và là nhân tố cho hoạt động của Công Giáo Tiến Hành" (74).

3) Tất cả cho việc rao giảng Tin Mừng.

a) Mục đích chung của các hội đoàn: Một điểm cần lưu ý, là hầu hết các hội đoàn, ngay cả những hội đoàn đạo đức, như hội Thánh Thể, đều có một mục đích là rao giảng Tin Mừng. Đó là lẽ đương nhiên đối với một xứ truyền giáo như Việt Nam. Cha Courtaulin đã qui định mục đích thứ nhất của hiệp hội Bác Ái do ngài sáng lập năm 1675: trợ giúp những ai bị nhiễu nhương vì Đạo (75). Rồi tập 'Quy luật của hiệp hội Thánh Thể, do đức cha Marcou xuất bản, khẳng định rằng: "Các thành viên của hiệp hội phải nêu gương sáng, sống đạo đức, khiêm nhường, chịu đựng và luôn nhớ rằng bổn phận của ho: là rửa tội cho những trẻ em gia đình ngoại đạo sắp ly trần, hoặc chuộc chúng lại để nuôi dưỡng; hơn nữa, khi thấy một người ngoại quốc gián đoạn cuộc du lịch vì bệnh nặng sắp chết, nếu ông là tín hữu, thì phải mời cho ông một linh mục, còn nếu ông là người ngoại giáo, thì phải khuyên ông trở lại đạo" (76). Vả lại, những hội đoàn phát triển nhất tại Việt Nam là những hội đoàn nhắm việc rao giảng Tin Mừng như mục đích chính: hội Truyền Bá Đức Tin, hội Thiếu Nhi, hội những Người lo Rửa Tội, hội Quản Giáo… Điều này hoàn toàn ứng hợp với nguyện vọng của Công Nghị Tonkin đầu tiên năm 1900: "Vì việc đưa dân ngoại trở lại với Chúa Kitô là mục đích của các xứ truyền giáo… Vì vậy cần thiết lập trong mỗi hạt vài hội đoàn, như hội Truyền Bá Đức Tin" (77).

b) Những ân xá do Tòa Thánh ban: Qua những thư chung của các giám mục, chúng ta thấy các ngài đã xinTòa Thánh ban nhiều ân xá cho những thành viên của các hội đoàn có mục đích chính 'rao giảng Tin Mừng', chẳng hạn như hội Quản Giáo. Theo thư chung của đức cha Marcou đề ngày 8.9.1908, thì thành viên của hội đoàn này được hưởng ân xá 7 năm mỗi lần khuyên nhủ được ai đi học giáo lý hay đi nghe cắt nghĩa về đạo; ân xá 7 năm mỗi khi họ tháp tùng linh mục mang Mình Thánh Chúa cho kẻ liệt; ân xá 7 năm mỗi khi họ mang trẻ em tới nhà thờ để nghe giảng nghĩa giáo lý và cho chức việc nào cắt nghĩa giáo lý ngày chúa nhật; hưởng ân xá 10 năm mỗi khi chức việc đi tới họ đạo hay trang trại xa xôi để dạy giáo lý (78). Thư chung của đức cha Retord (Liêu) ngày 14/01/1847 đã trình bày tất cả những ân xá mà Tòa Thánh ban cho các bổn đạo, đặc biệt cho các người nam nữ lo rửa tội. Sau đây là bản văn: "Tòa Thánh mong muốn rằng mọi người, linh mục cũng như bổn đạo, đều nhiệt tâm lo cho phần rỗi các linh hồn. Vì vậy, ngày 27/8/1843, Tòa Thánh đã ban hành một tự sắc, ban rất nhiều ân xá cho các bổn đạo khuyến dụ được người ngoại giáo trở lại đạo hay rửa tội cho trẻ em ngoại giáo gần sinh thì.

Các ân xá đó là như sau:

• Ai, do lời nói và việc làm, khuyên nhủ được một người ngoại giáo trở lại đạo và được rửa tội, hay rửa tội cho một trẻ em thuộc gia đình ngoại giáo gần sinh thì, hay lo cho người nào rửa tội cho em đó, thì được hưởng ân xá 7 năm và 7 mùa chay (sic); và ân xá này có thể chỉ cho các linh hồn nơi luyện tội.

• Ai, trong thời gian một năm, do lời nói và việc làm, đã khuyên được 10 người ngoại giáo trở lại, hoặc rửa tội cho 10 em thuộc gia đình ngoại giáo sắp lâm tử (hoặc chính mình rửa tội hoặc nhờ người khác rửa tội), thì được hưởng ơn toàn xá vào ngày họ lựa chọn, miễn là có xưng tội và rước lễ. Ân toàn xá này có thể chỉ cho những linh hồn quá cố" (79).

II. Các trường học thuộc giáo xứ.

Tại Việt Nam, các trường thuộc giáo xứ thường được chia làm hai: các trường dạy giáo lý và các trường phổ thông.

1) Các trường dạy giáo lý (dạy bổn).

a. Các trường dạy giáo lý có trong hầu hết các họ đạo, dù họ đạo nhỏ: "Scholae catechisticae fere in unaquaque christianitate habentur " (80). Các trường này được lập nên do sự cộng tác giữa cha xứ và Hội Đồng Quí Chức của họ đạo, rồi được bảo trì do một hay nhiều chức việc đã được huấn luyện, quen gọi là 'các quản giáo', do Hội Đồng Quí Chức tuyển chọn và cha xứ chấp nhận. Chung chung thì trong những họ đạo lớn, các trường dạy giáo lý thường do các thầy giảng hay các nữ tu làm việc sở tại, điều hành, trong sự cộng tác mật thiết với các quản giáo. Các trường dạy giáo lý thường mở cửa bốn đến năm tháng một năm. Các em học mỗi ngày một giờ rưỡi đến hai giờ. Các em học bổn khá đông trong mỗi giáo xứ (81). Nhờ những trường này, các trẻ em công giáo đã tinh thông sách bổn và thuộc nằm lòng những kinh nguyện mà tín hữu Việt Nam thích xướng lên trong nhà thờ hay tại gia đình. Cuốn Chức Sở Mục Lệ không bàn gì về phận vụ của họ về trường dạy bổn, nhưng cha Louvet đã xác quyết rằng 'các chức việc của mỗi họ đạo đều nhiệt tâm hoàn thành trách nhiệm này' (82).

b. Các cuốn Chỉ Nam nhấn mạnh: các cuốn Chỉ Nam của giáo phận Hà Nội và Qui Nhơn đều khuyến cáo minh bạch như sau: "Cha xứ sẽ khai triển mọi hoạt động của ngài, để thấy rằng các trường dạy kinh bổn trong mỗi họ đạo đều được các chức việc bao quản" (83). Cuốn Chỉ Nam của giáo phận Qui Nhơn còn thêm: "Cha quản hạt có thể giúp đỡ các cha xứ của họ đạo nghèo, khi cung cấp cho các ngài ít sách kinh nguyện và giáo lý, khi một số sách đạo khác để tưởng thưởng và khích lệ các em xứng đáng nhất" (84). Cuốn Chỉ Nam của giáo phận Huế cũng xác định: 'Tầm quan trọng của các trường dạy giáo lý chắc không còn cần minh chứng nữa. Các trường này do các nữ tu điều hành tăng vượt hẳn lên. Nếu hiện nay, giáo xứ nào thiếu ngân quỹ tài trợ cho một nữ tu, thì hội Truyền Giáo Thánh Nhi (Sainte Enfance) sẵn sàng ứng giúp 100 đồng’ (85).

2) Các trường phổ thông.

a) Lâu hơn và chậm rãi hơn các trường kinh bổn. Nguyên do chính là chiến tranh và các cuộc bách hại. Nhờ thư của cha Longer viết cho cha Boilet, năm 1784, chúng ta biết là đã có bốn trường được thiết lập trong các họ đạo tại Dinh Cát, Đất Đỏ, An Ninh và Di Loan (86). Trong bức thư gửi cho các cha quản hạt địa phận Vinh năm 1916, đức cha Eloy đã viết: "Các trường phổ thông (thuộc nhà xứ) thường mới được thành lập. Ngoài giáo lý, còn dạy đọc sách, chữ viết, phép tính và chữ nho. Tuy nhiên, những môn này chỉ có trong những trung tâm lớn và lúc đầu còn khiêm tốn lắm: vào thời buổi này, mới có vài trăm học sinh thôi" (87). Chúng tôi có thể nói rằng chỉ sau năm 1860, người ta mới thiết lập các trường phổ thông trong những xứ đạo nhỏ hay trong những họ đạo lớn. Lịch sử chứng minh rằng các trường phổ thông đã được mở tại hạt Sài Gòn trước các hạt khác. Hai tu hội công giáo lưu tâm tới sứ vụ này là các sư huynh trường Công Giáo (Frères des Écoles Chrétiennes) và các nữ tu dòng Thánh Phaolô (St Paul de Chartres). Các nữ tu này tới Sài Gòn năm 1860 và các sư huynh năm 1866. Cha Louvet đã viết: 'Bên cạnh các viện mồ côi, còn có những trường xứ đạo, và đó cũng là một trong những quan tâm của các nữ tu dòng Thánh Phaolô’ (88).

b) Vì đòi hỏi mục vụ, các trường dạy kinh bổn trở thành những trường tiểu học để dạy các em vừa học giáo lý, kinh nguyện, vừa học viết, học phép tính… Để nhấn mạnh tầm quan trọng của các trường công giáo, cuốn Chỉ Nam của Sài Gòn đã tuyên bố: "Chúng ta luôn nhớ rằng trường công giáo là một trong những công trình mục vụ quan trọng nhất của sứ vụ chúng ta phải đảm nhiệm. Khi công giáo hóa những người chủ gia đình, chúng ta quan tâm đặc biệt tới hiện tại, khi thiết lập và duy trì các ngôi trường, chúng ta chuẩn bị cho tương lai. Đối thủ của chúng ta họ biết rõ như vậy. Vì thế họ tìm mọi cách để đưa các em nhỏ ra khỏi các trường công giáo và đưa vào trường ngoại giáo. Con cái của sự sáng phải can đảm và khôn ngoan hơn con cái của bóng tối. Vậy xin quí linh mục phải dồn mọi nỗ lực để bảo đảm việc giáo dục đạo đức cho các con em thuộc họ đạo mình" (89).

3) Bổn phận của các chức việc.

Bổn phận của các chức việc đối với các trường nhà xứ, hệ tại họ cộng tác với cha xứ và các bổn đạo:

a) Để xây dựng trường học: Cha Cadière thuật lại rằng: - với sự trợ giúp của các chức việc và các người công giáo ở Di Loan, Hoa Ninh và Loan Lý, ngài đã hoàn thành những ngôi trường đẹp. Và mọi việc cũng diễn tiến tốt đẹp như vậy trong các vùng truyền giáo thuộc giáo phận Huế và toàn cõi Đông Dương. Rồi cha nêu bằng chứng cụ thể là việc xây dựng ngôi trường Loan Lý: dưới sự điều hành của các chức việc, mọi người đều bắt tay vào việc, từ các ông, các bà, đến các trẻ em. Công trình diễn tiến tuần tự, các trẻ em tại Loan Lý đã có một ngôi trường khang trang, mỗi ngày có hai nữ tu của tu viện Di Loan đến dạy học, dạy các em tập đọc tập viết, dạy các em kinh nguyện và những chân lý của đạo Chúa… Ai nấy đều thỏa lòng…" (90).

b) Nhằm bảo vệ trường học: các chức việc, nhất là các quản giáo, phải lưu ý tới những vấn đề tài sản, trật tự trong nhà thờ và trường học. Sao cho những nơi thánh được hoàn hảo… Nếu họ thấy có gì hư hỏng, phải lo sửa ngay (91).

c) Trong việc chọn lựa các giáo viên nam nữ: Khi họ đạo không có cơ may được một thầy giảng hay vài nữ tu cư ngụ thường xuyên, thì chính những chức việc phải chọn các giáo viên nam nữ cho trường học xứ đạo, với sự chấp thuận của cha xứ. Điều này đã được minh định trong Công Nghị Tonkin đầu tiên năm 1900 (92).

d) Lo gây tài sản cho trường học, để khi cần, có thể trả lương cho giáo viên nam nữ, hay sửa trường v.v… Cuốn Chỉ Nam của giáo phận Hà Nội đã qui định: "Nhằm tiếp tục và phát triển trường học xứ đạo, cần tạo nên một nguồn vốn vững chãi cho trường. Thực hiện công việc lớn lao này là do sự cộng tác giữa cha xứ và những chức việc của mỗi họ đạo (93). Cuốn Chỉ Nam của giáo phận Sài Gòn còn đi xa hơn: "Vì nguồn lợi khiêm tốn nên giáo phận không thể cung ứng hết mọi phí tổn, nên các họ đạo kỳ cựu phải góp phần chi phí các trường nhà xứ. Với sự hiểu biết và kiên tâm, cha sở và Hội Đồng Chức Việc làm sao cho các bổn đạo có tuổi tác, dễ chấp nhận chi phí này. Lý do, quỹ Truyền giáo chỉ giúp bảo trì được những trường của họ đạo không tự trang trải nổi mà thôi" (94).

e) Thúc dục các bậc làm cha mẹ gửi con cái đến trường công giáo, và khuyên răn chúng đi học: Các bậc làm cha mẹ, bằng mọi cách, phải chu toàn trách vụ này. Cha xứ có thể từ chối giải tội (refuser l'absolution) (trừ trường hợp bất khả kháng) cho những ai không muốn gửi con tới trường công giáo, trừ khi minh chứng được rằng các em có thể được huấn luyện chu đáo tại nhà (thuê thầy về dạy)… (95) Chúng tôi thấy từ Công Nghị Bắc Kỳ đầu tiên, 1900, cha xứ phải tường trình hàng năm cho bề trên địa phận về những trẻ em học trường nhà xứ, nhất là trường dạy kinh bổn (96).

III. Hoạt động bác ái

1) Đức ái là nền tảng và rao giảng Tin Mừng là chủ đích.

Những hoạt động bác ái của các chức việc họ đạo tại Việt Nam thường rất khiêm tốn và ẩn danh. Rất ít tài liệu nói về điểm này. Dầu sao, có thể nói rằng: những hoạt động bác ái của các chức việc chính là những hoạt động rao giảng Tin Mừng: chăm sóc mọi tín hữu của họ đạo, nhất là những người đang học giáo lý, mới theo đạo, bệnh tật, chôn cất người nghèo khó, làm gương cho mọi người sự tận tụy với bổn phận, năng đi xem lễ, cầu nguyện, tuân giữ qui luật của họ đạo. Đức ái (mến), đối với Thiên Chúa và các linh hồn là nguyên nhân đầu tiên, là động lực tiên khởi của mọi hoạt động rao giảng Tin Mừng của các linh mục, các chức việc và mọi giáo dân: "Một sứ vụ được thực thi một cách lịch thiệp, vô vị lợi, đầy lòng bác ái, sẽ đánh động người lương hơn là một luận cứ hùng hồn về chân lý tôn giáo và có thể quyết định việc trở lại của một hay nhiều gia đình. Do đó, chúng ta hiểu lý do thúc dục các Đấng bề trên trong Giáo Hội, luôn nhấn mạnh tới những đức tính tốt, gương lành, ý nghĩa của công ích, và gương tốt cũng như đời sống kitô giáo của một ứng viên vào trong Hội Đồng Chức Việc" (97).

Những hành động của đức ái là những biểu hiện của việc rao giảng Tin Mừng, của đời sống tín hữu. Chúng ta thấy rõ điều này khi đọc lại nội quy của các hội đoàn công giáo. Đầu tiên là hoạt động bác ái của hiệp hội mà cha Courtaulin đã sáng lập năm 1675: 'Một trong ba mục đích của hiệp hội bác ái là chăm sóc những người cùng quẫn và những bệnh nhân nghèo qua đời, vì thiếu trợ giúp y dược. Vì vậy, mọi hội viên buộc phải đi thăm và chăm sóc người bệnh và tù nhân, an ủi những người bị áp bức, dạy cho các em chưa biết cầu nguyện hay chưa biết lẽ đạo. Nếu vị nào muốn cúng tiền, ông sẽ trao tận tay người thủ quỹ của tu hội, người này sẽ kín đáo trao cho kẻ nghèo' (98). Tiết VII trong qui luật của hội 'Thánh Thể' đã xác định rằng: "Mọi hội viên của hiệp hội, khi thấy ai và nhất là người thân thuộc muốn kiện cáo một người nào, phải cố gắng khuyên nhủ để cả hai cùng làm hòa, hay khuyên nhủ nhau biết sống huynh đệ hơn, khiêm nhường chấp nhận mất mát đôi chút hầu giữ đức bác ái…". Hơn nữa, nếu ai thấy một trong những người anh em của mình say sưa rượu chè và thuốc phiện, hay sống trong tội lỗi và gây gương mù, phải động lòng xót thương và khuyên nhủ họ thống hối. Nhân đó, ta có thể khuyên nhủ người ngoại trở lại đạo" (99).

Sau cùng, điều luật của Hội Thiên Thần cũng yêu cầu "các hội viên phải làm gương sáng, sống đạo đức, khiêm nhường chịu đựng và luôn nhớ rằng: bổn phận của họ là rửa tội cho các trẻ em trong gia đình ngoại giáo gần sinh thì hay chuộc lại các em để nuôi dưỡng. Trong trường hợp họ không có đủ tiền, họ có thể xin với ông trùm họ đạo để ông gíúp đỡ tùy khả năng" (100).

2) Vài thực hiện khiêm tốn.

Trung thành với truyền thống của Giáo Hội, các giám mục Việt Nam, đã hết sức lưu tâm tới công trình của đức bác ái, và bệnh viện có một vai trò đặc biệt. Các nghị phụ của Công Nghị Nam Kỳ năm 1880 mong rằng: "Các công trình của đức ái Kitô giáo sẽ có một sức lôi kéo rất mạnh với người ngoại giáo. Các bệnh viện cho tới giai đoạn này vẫn là cơ hội cứu rỗi cho nhiều người, cần tăng thêm con số này tùy khả năng của chúng ta" (101). Mười tám năm sau, các nghị phụ của Công Nghị Bắc Kỳ, năm 1900, đã mong mỏi thiết lập những bệnh viện không những trong những thành phố lớn của mỗi giáo phận, mà cả trong những giáo xứ lớn nữa" (102).

Thực vậy, từ năm 1687, vài vị thừa sai đã bắt đầu công tác bác ái này trong họ đạo của mình. Thí dụ, cha Longois đã cho chúng ta hay, qua thư tín của ngài, đã thiết lập ba bệnh xá trong một cánh đồng rộng rãi, cao ráo và có không khí trong lành vào năm 1687 và bốn nhà phát thuốc cho bệnh nhân (103). Cha Cappony cũng viết 'Tôi xây một bệnh xá nhỏ có 8 phòng để săn sóc người bệnh công giáo hay dân ngoại' (104).

Tuy nhiên, bên cạnh những tấm gương anh hùng của đức ái nơi người công giáo Việt Nam cũng có những trường hợp mà người công giáo thật ích kỷ. Và những trường hợp này đã khiến các nghị phụ Công Nghị Bắc Kỳ năm 1900, phải thông tri cho các cha xứ như sau: 'Thật đau lòng khi hay biết có những người nghèo hấp hối, bị đưa ra khỏi làng và để chết ngoài nắng. Các cha xứ phải lưu tâm để bổn đạo đừng tái diễn những hành vi vô nhân đạo này, hoàn toàn tương phản với đức ái Kitô giáo' (106).

Các chức việc không điều hành bệnh viện. Đó là phận vụ của cha xứ. Tuy nhiên, họ phải giúp ngài trong thời gian xây cất, kiểm soát thợ, khuyến khích các tín hữu hỗ trợ vào công tác này hoặc bằng tiền nong, hay như phần đông, bằng những ngày tham công.

3) Tấm gương của một quí chức.

Chúng tôi hân hạnh kết thúc phần này bằng câu truyện của ông Phanxicô, một chức việc đầy lòng nhân ái: ông là một chức việc thuộc họ đạo miền Bắc Việt Nam và là vệ sĩ của vua. Ông rất thương người nghèo, luôn sẵn lòng giúp đỡ họ. Nhất là luôn tự nguyện chôn cất người nghèo, hoặc xin sự trợ giúp của các gia đình trong khu xóm hay trong thôn làng, hoặc đưa tiền riêng cho gia đình họ để mua khăn liệm và quan tài cùng những vật dụng cần thiết khác. Tóm lại, ông luôn có mặt trong nhiều đám tang.

Chính do sự tận tụy với những người nghèo khó, ông Phanxicô bị tố cáo lên vua, một vị vua chống đạo Công Giáo. Vua truyền lệnh bắt ông, truất chức ông và tống ngục, bắt ông bỏ đạo. Ông Phanxicô quyết liệt từ chối lệnh vua và thân thưa rằng với bất cứ giá nào, ông vẫn luôn giữ vững đức tin công giáo, kính mến Thiên Chúa Tốt Lành hết tâm hồn và mong ước thể hiện luật nhân ái mãi mãi. Tức giận vì lòng trung thành của ông Phanxicô đối với đạo Chúa, nhà vua, sau khi phạt ông ba chục trượng, đã ra lệnh chém đầu. Ông Phanxicô là vị chức việc đầu tiên tử đạo tại miền Bắc Việt Nam (107).

Âm thầm, khiêm nhượng, nhưng rất tích cực và nhiệt tâm, đó là những đặc tính mà chúng tôi muốn nêu bật để ca ngợi sự tham gia của các chức việc họ đạo Việt Nam vào sứ vụ giảng dạy của các linh mục. Như chúng ta đã thấy, sự tham gia này âm thầm và khiêm nhương, vì không lãnh nhận một mối lợi vật chất nào hết. Tước vị và hành động của các chức việc phải nhìn dưới ánh sáng đức tin và ơn ích thiêng liêng, giới hạn trong phạm vi của một họ đạo, nhiều khi xa cách các họ đạo khác hay nằm sâu trong làng ngoại giáo.

Tuy nhiên, đây là một sự tham gia tích cực và nhiệt tâm, vì đã thể hiện không biết mệt, với ý thức niềm tin, bằng mọi hình thức cụ thể và những hoạt động tông đồ đa dạng: dạy giáo lý cho tân tòng, cho trẻ em, và cho người lớn, đem Tin Mừng tới dân ngoại dưới hình thức thăm viếng và chăm sóc kẻ liệt, điều khiển các hội đoàn, xây cất và bảo trì trường dạy kinh bổn hay trường tiểu học của họ đạo, và sau cùng dấn thân trong những công tác xã hội và bác ái… Họ làm tất cả trong tinh thần cộng tác chân thành và ngoan hiền đối với các linh mục, thầy giảng và các nữ tu.

Đúng ra phải nói rằng 'âm thầm, khiêm nhượng, nhưng rất tích cực và nhiệt tâm' là những điểm nổi bật trong sứ vụ tông đồ của các chức việc khi họ tham gia vào thừa tác vụ thánh hóa (officium sanctificandi) của linh mục. Các đặc tính này sẽ còn là những điểm son trọng yếu, khi họ tham gia vào thừa tác vụ quản trị (officium regendi) của các linh mục, như chúng tôi sẽ trình bày trong chương kế tiếp.

-----------------------------------------------------------------------------



Chú thích


(1) AD tit IV; cap. IV tr.112; DQN 322, DH 283, DHN 131.

(2) DQN 324,326, DH 284/1; DHN 131; PCI 118-119.

(3) DH 101, DQN 115, DHN 150

(4) SI 7 (1933)

(5) SI 7 (1933) tr.147

(6) AD tit IV cap. IV n.11, tr.113; DQN 324, DH 284, DHN 150, tr.146

(7) DQN 104,118

(8) DQN 324

(9) DHN 150

(10) Thư chung 1890, trong TCĐPTĐN, II, tr.205

(11) trong TCĐPT, I, tr.56-78

(12) DQN 325 DHN 132.

(13) MBTC II, tr.1-13.

(14) trongTCĐPTĐN, III, tr.26-37

(15) tron MBTC, II, tr.14

(16) DQN 332, DH 287

(17) CSML 42

(18) DH 127, DQN 144, xem DHN 205-207, PCI 325-329,DCO ch.V, tr. 235-246

(19) DQN 327, DH 284

(20) DHN 361-362 et

(21) DQN 329 DH 284/1

(22) DQN 330, DH 285, xem DHN 361-362

(23) DQN 330, DH 285

(24) xem chú thích số 13

(25) DQN 326

(26) DCO, part.I I, chap. IV, tr.225-234

(27) DHN 132

(28) DHN 150

(29) trong APF 20 (1848), tr.375-382

(30) trong Miss.Cah. 77 (1945) tr.172-177

(31)DQN 334 DH 389

(32) trong Miss.Cath. 77 (1945), tr.177

(33) xem DCO part II, ch.V, tr.235-246

(34) CSML I, xem PCI 364

(35) DQN 116, DH 102

(36) xem tr.18-23 của chương I, 68-75 của chương II

(37) PCI 364-365, DQN 116, DH 102

(38) CSML 38

(39) NKĐP (1920) số 596, tr.474

(40) NKĐP (1921), số 649, tr.490

(41) CSML 43

(42) DCO part. I, ch. tr.127

(43) xem Launay A., Histoire de la Mission de Cochinchine, I tr.550

(44) AD tit. IV, cap.VIII, n.1, tr.121-122

(45) AD tit. IV, cap.VIII, n.5, tr.123-124

(46) Il faut remarquer que les Tonkinois ont la coutume d'attribuer au démon toutes les maladies dont ils ne connaissent ni la cause, ni la nature ou celles qu'ils peuvent guerir par leurs remèdes, leurs sacrifices aux idoles et les autres superstitions… Et ils croyaient alors les gens attaques de telles maladies 'les possédés'. C'est la raison pour laquelle Iers missionnaires donnaient souent le nom 'possédé' aux paiens gravement malades. (xem Launay A. Histoire de la Mission au Tonkin, I, trg 300,note I).

(47) Launay A., sd, I, tr.300

(48) Launay A., sd I, tr.301.

(49) Launay A., sd I; tr.302

(50) Archives des MEP, vol. 657, tr.61

51) Archives des MEP, vol. 680, tr.276

(52) xem DH 130, DQN 148, DHN 293.

(53) AD tit.IV, cap.IX, nn.5-6, tr.123-124.

(54) CSML 39

(55) CSML 40

(56) xem CSML 41, DH 130, DQN 147, DHN 294

(57) Những thư chung của đức cha Chiếu và đức cha Phước đã lâm tử năm 1868 (thư chung của các đức cha Theurel và Puginier từ năm 1868), tr.14

(58) Launay A., Histoire de la Mission au Tonkin, I, tr.479

(59) Missions Catholiques en l'Indochine 1939, tr.56-58

(60) Launay A., Histoire de la Mission de Cochinchine, III, tr.455

(61) NKĐP (1921), số 661, tr.676

(62) NKĐP (1922), số 720, tr.1

(63) xem chú thích số 59

(64) xem TCĐPTĐN I, tr.222

(65) Launay A., Histoie de la Mission du Tonkin, I, tr.173.

(66) Miss.Cath. 47 (1915), tr.185-186

(68) OFCV trg Bull. MEP ( 1955), số 79, tr.962,965

(69) Launay A., Histoire de la Mission de Cochinchine, I, trg 159-160

(70) Louvet L., La Cochinchine Religieuse, I; trg 354-355; Phan phát Hườn, Việt Nam Giáo Sử, tập II, trg 483-517

(71) DQN 343-354, DH 292-296, DHN 173-176, Phan phát Hườn, sd II, tr.485-517

(72) Théodore, Esquisse surl'action catholique dans le Vicariat Apostolique de Bui Chu, trg 17-19

(73) PCI 364, DQN 116, DH 102

(74) PCI 365

(75) Launay A., Histoire de la Mission de Cochinchine, I, tr.122

(76) Xem TCĐPT, I, tr.169-170

(77) AD tit IV, cap VIII, n.1, tr.122

(78) XemTCDPT, I, tr. 92-107.

(79) TCDPTDN, I, tr. 286-287.

(80) Missiones Catholicae Descriptae 1888, trg 225, 1891, tr.234

(81) Chẳng hạn, tại giáo hạt Vinh, theo bản tường trình của đức cha Eloy, năm 195, đã có 15000 em đến các trường dạy bổn, xem Miss. Catho. 48 (1916), tr.232

(82) Louvet L. sd, II, tr.450

(83) DQN 335, DHN 131, 134, 135, 158

(84) DQN 335

(85) DH 290

(86) Launay A., Histoire de la Mission de Cochinchine, III, tr.87

(87) trg Miss.Catol. 48 (1916), p.232

(88) Louvet L.; sd, II, tr.359-360

(89) DCO part II, ch.IV, n. 1, trg 225; Xem một thư chung của các giám mục miền Bắc, Tam Đao ngày 7.9 tong Miss.Cath.51 (1919), tr. 565.

(90) OFCV rrong Bull.MEP (1955), n.82, tr. 574-575

(91) CSML 21,22,24, 26.

(92) AD tit.IV cap. IV, n.II, tr.113

(93) DHN 163, xem thư chung của đức cha P.M.Gendreau ngày 21.11. 890 trong TCĐPTĐN, III, Trg 26-29.

(94) DCO, part II, ch.IV, n.2, trg 226; Xem thư chung của đức cha Marcou 1908, trong TCĐPT, I, trg 53-56

(95) CSML 42

(96) xem chú thích số 92

(97) xem CSML I, 7, DHN 150, DQN 113-114, DH 99-100

(98) Launay A. Histoir de la Miss. De Cochinchine, I, tr.160.

(99) TCĐPT I, tr.16

(100) trong TCĐPT I, p.390

(101) SC 50, trong Teysseyre, Un Missionnaire Albigeois, en Cochinchine, Mgr Galibert, app.352.

(102) AD tit IV, cap IV, n. I, II, tr.139-140

(103) Thư của cha Langois viết cho các cha giáo sư Đại chủng viện MEP, ngày 7.1.1689 và 4.12.1697, Trích dẫn lại theo cha Launay A., Histoire de la Mission de Cochinchine, I, tr.109

(104) Thư của cha Cappony à M.X. ngày 12.5.1692. Cha Launaytrích dẫn lại trong Histoire la de la Mission Cochinchibe, I, tr.109.

(105) xem cha Cadière, La Mission de Huê, trg ASME ( 1911), trg 295-296, Patuel, Egoisme Paien et Charité Chrétienne, trg Miss.Cath. 47 (1915) tr.303-305; Egoisme des Infidèles et la Charité des Chrétiens pendant le temps de la colérie, trg APF 22 (1850), tr. 393-395.

(106) AD cap IX n.11/2, tr.140: "Non enim sine magno animi moerere interdum auditur, incolas alicujus pagi mendicum prope examinem extra pagi seta asportare, et sub dio, ubi miserabiliter obit deserere. Haec adeo inhumana in christianitatibus accidere non ferant Sacerdotes; sic enim omnino graviter laeditur proximo debita charitas. Caute tamen pro locis et personis procedendum est, ubicumque agitur de aliquo rereusso aut vulnerato…'

(107) Nguyễn Hồng, Lịch Sử Truyền Giáo tại VN, I, tr.207

Nội dung bằng đức giám mục khen thưởng một quản giáo

Chúng tôi, Giám mục Giáo phận Thanh Hóa, đại diện cho đức giáo hoàng tại Roma, quyết định trao bằng tri ân này cho ông LÊ BÁ CẦN, quản giáo của họ đạo Thượng Chiểu, dựa trên những lời chứng của cha xứ họ đạo:

Ông Lê Bá Cần, tín hữu của họ đạo, là người đạo đức và xứng đáng được tưởng thưởng do những công trình đã làm cho đạo Công Giáo.

Chúng tôi trao cho ông bằng tri ân đặc biệt này, như biểu hiệu những lời cầu chúc chân thành, đối với công trạng và gương lành của ông.

Thanh hóa, ngày 06/10/1933


 
Thông Báo
Cáo phó: LM Rocô Nguyễn Tự Do, CSsR, mới từ trần tại Việt Nam
Hà-Minh Thảo
14:04 06/03/2011
Chân thành Thông báo

Trong niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh,
chúng tôi xin báo tin cùng quý thân hữu:

Linh mục Rôcô Nguyễn Tự Do, CSsR

Tuyên Uý Quân Đội Việt Nam Cộng Hoà, phụ tá Trưởng khối Giáo vụ, lo phát thanh, báo chí, truyền hình…
Trong thời gian này, công trình đáng kể nhất ngài thực hiện được, đó là “Mỗi quân nhân một Tân Ước”.
Hơn 300.000 cuốn Tân Ước được trang bị đầy đủ cho các quân nhân Công giáo thuộc quân đội Việt Nam Cộng Hoà.
Đi tù tại Chí Hoà, Sài Gòn (1976-1982).
Cha được gọi về Nhà Cha lúc 17g00 ngày 05 tháng 03 năm 2011,
hoàn tất hành trình 83 năm ở trần gian,
60 năm tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế và 55 năm thi hành sứ vụ Linh mục.

Thánh Lễ an táng cử hành lúc 08 giờ 00, thứ Ba 08.03.2011,
tại Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sài Gòn, 38 Kỳ Đồng, Phường 9, Quận 3.

Xin cầu nguyện cho linh hồn Linh mục Cha Rôcô Tự Do được Thiên Chúa
ban ơn phúc trường sinh nơi Quê hương Thiên Quốc.

Xin Chúa an ủi những người thân yêu của Cha và tất cả những bạn hữu
đã cùng đồng hành với Cha, cách riêng Chị Nguyễn Thy Phương và Nữ tu Cécile Vũ trang Nhung.
 
Văn Hóa
Vầng mây trắng (White Cloud)
Quyên Di
10:27 06/03/2011
VẦNG MÂY TRẮNG (A WHITE CLOUD)
Tưởng niệm bạn tôi, linh mục Andre Trần Cao Tường (Nov. 21, 2010)

Như vầng mây trắng
Bay bổng tuyệt vời
Như là tia nắng
Về với Mặt Trời.

Vẫy chào cõi thế
Lòng nhẹ như tơ
Kiếp người nhỏ bé
Như một vần thơ.

Người là ống sáo
Chúa thổi hơi vào
Nhạc vàng huyền ảo
Vươn mãi lên cao.

Nhạc vẳng về nguồn
Hồn nương theo nhạc
Như một giọt sương
Mơ vầng trăng bạc.

Đôi tay mở ra
Là niềm hoan lạc
Lạy Chúa là Cha
Nhận lòng thơm ngát.

Chào nhé vầng mây
Về trời lồng lộng
Ơn thánh tràn đầy
Cho tròn giấc mộng.

A White Cloud
(Translated by Quế Nghi)

As the white cloud
Fly with delight
As the sunlight
Home to the Sun

Salute the world
Light as a silk
A trivial life
Like a poesy

Thou art a flute
God blew in breath
Golden music
Reach way up high

Echo downstream
Thy soul along
Like a dewdrop
Dream of silk moon

Open thy hands
An ecstasy
Pray to Father
Accept thy soul

Salute the cloud
Home to vast sky
Ample blessing
Fulfill thy dream.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Vầng Ô Tắt Sáng
Lm. Nguyễn Trung Tây, SVD
21:51 06/03/2011
VẦNG Ô TẮT SÁNG

Ảnh của Lm. Nguyễn Trung Tây, SVD

Xa xa nơi đó vầng ô tắt,

100 ngày rồi, mất ánh sao.

(NTTây)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền