Ngày 03-03-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:06 03/03/2009
THÔ LỖ

N2T


Đại sư nói với người chủ trương là phải học tập bản thân mình, tự mình dạy mình, mà không nên một chút là nghe và tin vào quyền uy của người khác, lời nói ấy có lúc cũng có vài sơ suất. Có một đệ tử kiên trì dùng thuốc mê ảo để đi vào thế giới thần bí, thậm chí còn nói: “Con người ta nên mạo hiểm, bởi vì con người ta chỉ có thể học tập khi nếm thử mạo hiểm và khi bị sai lầm.”

Đại sư không thể không nói với anh ta một câu chuyện khác –cái đinh và con ốc vít:

“Khi con không biết trên tấm gỗ này nên dùng đinh hay dùng ốc vít, có một cách, tức là lấy cái đinh đóng vào, nếu tấm gỗ nứt ra, thì con biết nên dùng ốc vít mới đúng.”

(Trích: Huệ nhãn thiền tâm)

Suy tư:

Người thô lỗ thì hành động theo bản năng của mình, người khôn ngoan thì hành động theo lý trí của mình, nhưng người có đức tin thì hành động theo đức tin của mình.

Cùng một sự việc xảy ra, chẳng hạn như bị người khác vu khống cáo gian, thì:

- Người thô lỗ lập tức giận dữ vung tay vung chân đòi trả thù và kiện cáo.

- Người khôn ngoan thì dùng lý trí để giải quyết cách êm đẹp mà không ồn ào.

- Người có đức tin thì cầu nguyện, và coi đó là thánh ý Chúa đang dạy dỗ họ một bài học kiên nhẫn và khiêm tốn...

Muốn nhìn xem đức tin của người Ki-tô hữu đã đạt tới mức độ trưởng thành chưa, thì hãy coi cách xử lý công việc của họ khi họ gặp gian nan khốn khó...
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:08 03/03/2009
N2T


97. Kích thích lương tâm của con người, thì có thể được bình an trong nội tâm của mình.

(Thánh Francis of Assisi)
 
Mỗi ngày một câu Cách Ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:09 03/03/2009
N2T


41. Theo đuổi bất cứ việc gì, nhưng không cố đòi hỏi.

 
Đọc Sứ điệp Mùa Chay của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI dưới ánh sáng Kinh Thánh và trong truyền thống Kitô giáo
Đ.Ô. Phanxicô Borgia Trần Văn Khả
03:39 03/03/2009
MÙA CHAY 2009: Đọc Sứ điệp Mùa Chay của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI dưới ánh sáng Kinh Thánh và trong truyền thống Kitô giáo

Ngày 4-2-2009, Báo l’Osservatore Romano đã công bố Sứ điệp Mùa Chay năm 2009 của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI cho toàn thể Giáo Hội. Năm nay Sứ điệp này trình bày cách đặc biệt về việc Ăn Chay. Nội dung của Sứ điệp rất súc tích và phong phú. Mỗi người tìm đọc chính bản văn của Sứ điệp để thấu hiểu được giáo huấn của Đức Thánh Cha và sống Mùa Chay cách cụ thể nhất là trong việc thực hành ăn chay trong thời gian thánh này.

Trong bài này tôi ghi thêm một số những bản văn Kinh Thánh cũng như của các Giáo phụ, của phụng vụ, của Giáo quyền tuyên huấn, - nghĩa là theo truyền thống Kinh thánh, Giáo phụ, và truyền thống Kitô giáo - liên hệ tới những đề mục chính của Sứ điệp để giúp đào sâu giáo huấn của vị Cha chung.

Với mỗi đề mục, tôi ghi lại bản văn của Sứ điệp – tuy phân chia rải rác, nhưng tất cả Sứ điệp được đọc lại ở đây – và ghi thêm một vài bản văn khác liên hệ như vừa nói trên đây. Các bản văn của Sứ điệp thường được ghi chữ đậm.

I MỞ ĐẦU

Ý NGHĨA MÙA CHAY THÁNH

Mùa Chay là thời gian thao luyện một cách dấn thân hơn trong đời sống siêu nhiên:

“Anh Chị Em thân mến,

Vào lúc bắt đầu Mùa Chay, là thời gian thiết lập một cuộc hành trình đi vào một cuộc thao luyện thiêng liêng một cách dấn thân hơn. ..”

Câu mở đầu này nói tới Mùa Chay với một kiểu nói truyền thống vẫn có trong phụng vụ và trong văn chương của các Giáo phụ: Mùa Chay là “một cuộc thao luyện thiêng liêng một cách dấn thân hơn. ..” Mùa chay là một thời gian tập dượt, huấn luyện, làm đi làm lại một cử điệu, một bộ môn thể thao, trước khi người lực sĩ đi ra thao trường để tranh giải. Đây là một kiểu nói, một hình ảnh lấy từ môi trường thể thao, thể dục, của các sinh hoạt trong thế vận hội, và cả trong môi trường chiến tranh bên ngoài.

Trong Phụng vụ chúng ta có những chỗ chứa đựng kiểu nói này. Lời nguyện nhập lễ, Thứ tư Lễ Tro đã gợi ý tới điểm này. Bản văn đọc lên như sau:

[Bản văn latinh]: “Concede nobis, Domine, praesidia militiae christianae, sanctis inchoare iuieniis, ut contra spiritales nequitias pugnaturi, continentiae muniamur auxiliis. Per Dominum”

Bản văn tiếng Việt đọc như sau: “Lạy Chúa, ngày hôm nay, tất cả chúng con ăn chay hãm mình, để bước vào mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng. Xin giúp chúng con hằng biết sống khắc khổ, để ngày thêm vững mạnh mà chiến thắng ác thần. Chúng con cầu xin”.

Trong bản văn latinh của Lời nguyện này, chúng ta có các từ liên hệ tới thao trường, cuộc chiến đấu, một cách rõ ràng hơn: như “praesidia”(= sự trợ lực), “militiae christianae” (= cuộc chiến đấu Kitô giáo), “pugnaturi” (= chiến đấu trong một cuộc chiến), “auxiliis” (= viện binh, trợ giúp).

Chúng ta biết, kiểu nói “thao trường” được gợi ý từ lời của Thánh Phaolô nói trong thư thứ I gửi tín hữu tại Corintô: “Anh em không biết sao: trong cuộc chạy đua tại thao trường, tất cả mọi người đều chạy, nhưng chỉ có một người đoạt giải. Anh em hãy chạy làm sao để chiếm được phần thưởng. Phàm là tay đua, thì phải kiêng kỵ đủ điều, nhưng họ làm như vậy để đoạt phần thưởng chóng qua; còn chúng ta nhằm phần thưởng không bao giờ hư nát. Vậy tôi đây cũng chạy như thế, chứ không chạy mà không xác tín; tôi đánh như thế, chứ không phải đánh vào không khí. Tôi bắt thân thể phải chịu cực và phục tùng kẻo sau khi rao giảng cho người khác, chính tôi lại bị loại” (1Cr 9, 24-27).

Nhưng cuộc tập dượt, thao luyện này nằm trong lãnh vực siêu nhiên và phải mang tính cách dấn thân hơn, dành nhiều thời giờ hơn, làm một cách tận lực, với chú ý nhiều hơn là trong các Mùa phụng vụ khác. Văn kiện Những Quy Luật tổng quát về Năm Phụng vụ và Niên Lịch nói như sau: “Vào các Mùa khác nhau của Năm Phụng vụ, theo những tập tục cổ truyền, Hội Thánh thực hiện việc huấn luyện các tín hữu những hoạt động thiêng liêng và thể xác, nhờ việc giáo huấn, sự cầu nguyện, các việc hãm mình đền tội và bác ái” (s. 1). Điều này áp dụng cho các Mùa của Năm Phụng vụ, thì đặc biệt áp dụng cho Mùa Chay thánh. Vì thế Mùa Chay được phụng vụ gọi là một trong những Mùa Lớn, Mùa Quan Trọng trong Năm phụng vụ.

Trong phần mở đầu Sứ Điệp, Đức Thánh Cha nói: Phụng vụ giới thiệu 3 hoạt động để tín hữu thực hành công việc thống hối theo truyền thống kinh thánh và Kitô giáo, đó là: cầu nguyện, bố thí, ăn chay.

Sứ điệp Mùa Chay năm 2009 nói như sau:

“Phụng vụ đề nghị lại cho chúng ta ba việc thực hành đền tội luôn được truyền thống Kinh thánh và Kitô giáo trân trọng – cầu nguyện, bố thí và ăn chay – để chuẩn bị chúng ta sẵn sàng cử hành Lễ Phục Sinh cách tốt đẹp xứng đáng hơn và làm cho ta có được cảm nghiệm về quyền năng của Thiên Chúa như chúng ta sẽ nghe hát lên trong Đêm Vọng Phục Sinh, ‘sẽ khử trừ muôn tội vạ, đêm vạn năng thanh tẩy mọi lỗi lầm, biến tội nhân thành con người công chính, đem vui mừng cho hồn nặng đau thương. Đêm tiêu diệt hận thù. Đêm giải hòa bất thuận, khuất phục mọi quyền uy” (SLRM, Bài công bố Tin mừng Phục sinh).

Từ lời kinh phụng vu, Sứ điệp Mùa Chay 2009 nhắc lại và giải thích các yếu tố của Mùa Chay thánh. Trong bài giảng thứ 43, thánh Phêrô Crisologo nói: “Anh Chị Em thân mến, có ba việc mà nhờ đó đức tin đứng vững, nhờ đó lòng đạo đức được thành hình, và nhân đức còn tồn tại. Đó là Cầu nguyện, ăn chay, lòng thương xót. Điều mà lời cầu nguyện gõ cửa xin, thì việc ăn chay khẩn nài, thì lòng từ bi làm cho nhận được. Cầu nguyện, ăn chay, lòng thương xót, ba điều này là một thôi, ba điều này làm cho nhau có được sự sống”.

Chúng ta có thể tóm tắt mục đích khi tín hữu sống Mùa Chay và thực hành các việc đạo đức trong Mùa phụng vụ này này như sau: chuẩn bị tín hữu cử hành Đại Lễ Phục Sinh một cách tốt đẹp, xứng đáng hơn để họ có được cảm nghiệm về quyền năng của Thiên Chúa có sức đánh bại sự dữ, rửa sạch tội nhơ, đem lại sự trong trắng nguyên thủy cho tội nhân đem lại niềm vui cho những ai sầu khổ xóa tan ghen ghét bẻ gẫy sự cứng cỏi của những người quyền thế cổ võ sự hòa thuận và bình an phụng vụ thêm một mục đích nữa, đó là chuẩn bị các dự tòng lãnh nhận ba bí tích khai tâm Kitô giáo vào Đêm Vọng Phục Sinh.

Về ba hành động mà phụng vụ đề nghị tín hữu phải làm trong Mùa Chay: cầu nguyện, bố thí và ăn chay, chúng ta có nhiều chứng cớ trong các bản văn phụng vụ trong Mùa Chay, nhất là từ Thánh Lễ. Tôi chỉ ghi lại một vài bản văn mà thôi.

CẦU NGUYỆN: Mùa Chay là mùa tăng cường việc cầu nguyện. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhắc nhở lại cho tín hữu trong Sứ Điệp Mùa Chay năm 2009:

“Phụng vụ đề nghị lại cho chúng ta ba việc thực hành đền tội luôn được truyền thống Kinh thánh và Kitô giáo trân trọng – cầu nguyện, bố thí và ăn chay. . .”

Trong Sứ điệp Mùa Chay năm nay tuy nói đặc biệt về việc ăn chay, nhưng Đức Thánh Cha cũng gợi ý một đôi tư tưởng về việc cầu nguyện. Trước tiên cầu nguyện và ăn chay phải đi đôi với nhau. Ngài nhắc lại lời Thánh Phêrô Crisologo:

“Việc ăn chay là linh hồn của việc cầu nguyện và việc biểu lộ lòng từ bi là sự sống của việc ăn chay, vì thế ai cầu nguyện thì cũng phải ăn chay. Ai ăn chay thì phải có lòng từ bi. Ai trong khi cầu xin mà ước muốn được lắng nghe, thì hãy lắng nghe kẻ nói lên với mình lời cầu xin. Ai muốn con tim Thiên Chúa mở rộng ra với mình, thì không được đóng lòng mình lại với ai cầu xin mình” (Bài giảng 43: PL 52, 320. 332).

Chỗ khác Sứ điệp nói về ý nghĩa của việc cầu nguyện, đó là:

“Cùng với việc ăn chay và cầu nguyện chúng ta để cho Thiên Chúa đến mà làm thỏa mãn cơn đói sâu xa nhất mà chúng ta cảm nghiệm thấy trong chỗ thâm sâu nhất của con người ta: đó là cơn đói và khát chính Thiên Chúa”.

Đức Thánh Cha khuyến khích chúng ta cầu nguyện nhiều trong Mùa Chay thánh này, Ngài nói:

“...đồng thời Tôi cũng khuyến khích vun trồng việc lắng nghe Lời Chúa, việc cầu nguyện và bố thí”.

Đi chung với việc ăn chay, các tín hữu cũng phải tăng cường việc cầu nguyện trong Mùa Chay thánh này, nhất là trong các gia đình. Ngài nói:

“Vì thế Mùa Chay cần được đánh giá lại trong mỗi gia đình và trong mỗi cộng đoàn Kitô hữu. .. Tôi đặc biệt nghĩ tới một cố gắng dấn thân hơn trong việc cầu nguyện, trong việc đọc lời Chúa với việc cầu nguyện (lectio divina). ..”

Như vậy mấy việc thực hành thiêng liêng này quyện lấy nhau và được củng cố nhắc nhở nhiều trong Mùa Chay thánh. Chính Đức Thánh Cha cũng tăng cường việc cầu nguyện cho tín hữu trong Mùa Chay thánh này, vào cuôi Sứ điệp Ngài nói:

“Cùng với lời cầu chúc này, trong khi Tôi bảo đảm với Anh Chị Em là Tôi sẽ cầu nguyện cho Anh Chị Em, để mỗi tín hữu, mỗi cộng đoàn trong Giáo Hội trải qua hành trình của Mùa Chay này với nhiều ích lợi, Tôi vui lòng ban Phép Lành Tông Tòa cho tất cả mọi người “.

Đó là gương cầu nguyện trong Mùa Chay, lời cầu nguyện của vị Cha chung cho từng người chúng ta, bao gồm tất cả chúng ta. Chúng ta hợp lời cầu nguyện của chúng ta theo những chỉ dẫn trên đây và cho anh chị em khác, nhất là những anh chị em dự tòng, được nhiều ơn thánh trong Mùa Chay này.

Lời nguyện nhập lễ Chúa nhật thứ III Mùa Chay nói tới việc cầu nguyện cùng với viêc ăn chay và bố thí. Bản văn đọc như sau: “Lạy Chúa là Đấng rất từ bi nhân hậu, Chúa đã từng chỉ dạy chúng con cách chữa lành những vết thương tội lỗi: là ăn chay hãm mình, siêng năng cầu nguyện, và chia sẻ cơm áo cho kẻ khó nghèo. Này chúng con nhận biết mình yếu hèn lầm lỗi, và hết lòng sám hối ăn năn; xin Chúa thương đoái nhìn chúng con và đưa tay nâng đỡ. Chúng con cầu xin”. Việc cầu nguyện này cũng nhắm một điều phải xin đó là được tha thứ tội lỗi, như Lời nguyện tiến lễ Chúa Nhật thứ III Mùa Chay đọc lên: “Lạy Chúa nhờ những của lễ này, xin tha thứ tội lỗi chúng con đã phạm, và giúp chúng con biết thật tình tha thứ mọi lỗi lầm cho anh chị em chúng con. Chúng con cầu xin”.

Việc cầu nguyện của Giáo Hội được thể hiện nhất là qua việc cử hành Phụng Vụ Các Giờ Kinh (Liturgia Horarum). Đây là một lời cầu nguyện của Giáo Hội, do Giáo Hội thực hiện như là phần mình của Chúa Kitô. Hiến chế về Phụng Vụ nói: “Chính Chúa Kitô kết hiệp toàn thể cộng đoàn nhân loại với Người và liên kết họ với Người để cùng hát bài thánh ca ngợi khen Chúa” (s. 83). Phụng Vụ Các Giờ Kinh được coi là một lời cầu nguyện liên lỉ của Giáo Hội. Công đồng Vaticanô II trong Hiến chế về phụng vụ nói như sau: “Theo truyền thống xa xưa của Kitô giáo, Kinh nhật tụng được lập ra để thánh hiến trọn ngày đêm bằng lời ngợi khen Thiên Chúa. .. đó là tiếng chính Hiền Thê nói với Phu Quân của mình, và hơn thế nữa, còn là lời cầu nguyện của Chúa Kitô và thân thể Người dâng lên Thiên Chúa Cha” (s. 84). Như vậy trong Mùa Chay thánh việc cử hành Phụng Vụ Các Giờ Kinh là một cách thế cầu nguyện cần khuyến khích trong cộng đoàn tín hữu. Các linh mục và các người được trao cho nhiệm vụ cử hành các Giờ Kinh này, các tu sĩ, cần trung thành thực hiện với tâm tình sốt sắng và ý thức hơn, vì họ đại diện Giáo Hội mà dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện liên lỉ trong tất cả ngày sống, từ hừng đông cho đến lúc chiều tối trước khi đi ngủ. Giáo dân cũng được mời gọi để cử hành Phụng Vụ Các Giờ Kinh, ít là một phần. Văn kiện nói như sau: “Cũng vậy các tu sĩ nam nữ có luật buộc phải đọc kinh chung, và các thành phần của bất cứ tu hội nào, thì cũng nên họp lại, hoặc với nhau hoặc với giáo dân mà đọc hết hay một phần Các Giờ Kinh Phụng Vụ... Cuối cùng gia đình với tư cách là một đền thờ nhỏ của Hội Thánh thì chẳng những nên đọc kinh chung với nhau mà thờ phượng Chúa, mà còn nên tùy nghi đọc một phần nào đó trong Các Giờ Kinh Phụng Vụ, để được kết hợp chặt chẽ hơn với Hội Thánh” (Sách Các Giờ Kinh Phụng vụ, Văn Kiện trình bày và quy định, s. 26. 27).

Thánh Augustinô còn cho chúng ta biết giá trị của lời cầu nguyện của chúng ta vì được kết hợp với Chúa Kitô: “Không có ơn huệ nào lớn lao hơn mà Thiên Chúa làm cho con người, hơn là ơn huệ ban cho con người Ngôi Lời của Ngài, Đấng mà nhờ đó Thiên Chúa đã tạo dựng nên tất cả, để trở nên đầu của họ và nhận họ như là thân thể của Ngài... chính Ngôi Lời này cầu nguyện cho chúng ta, cầu nguyện trong chúng ta và được chúng ta cầu nguyện với”.

Chúng ta phải nói gì tới việc cầu nguyện cá nhân mà mỗi người có bổn phận thực hiện. Đây là lệnh truyền ban cho mọi tín hữu như lời thánh Tông đồ Phaolô nói với các tín hữu tại Thessalonica: “Hãy cầu nguyện không ngừng” (1Ts 5, 17). Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công giáo đã dành trọn phần thứ IV để bàn về việc cầu nguyện. Vậy trong Mùa Chay thánh, nếu chúng ta phải tổ chức lớp giáo lý về việc cầu nguyện, thì đây là thủ bản chính yếu phải được sử dụng trước tiên.

BỐ THÍ CHO NHỮNG NGƯỜI NGHÈO KHỔ: đây là một trong ba việc mà truyền thống phụng vụ đã nói tới và đề nghị các tín hữu phải thực hiện trong Mùa Chay thánh. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nói trong Sứ điệp Mùa Chay năm 2009 như sau:

“Phụng vụ đề nghị lại cho chúng ta ba việc thực hành đền tội luôn được truyền thống Kinh thánh và Kitô giáo trân trọng – cầu nguyện, bố thí và ăn chay. ..”.

Rồi Ngài nói tiếp theo như sau:

“Chọn lựa tự nguyện để cho mình thiếu một vài vật gì để giúp đỡ người khác, một cách cụ thể chúng ta tỏ ra rằng người thân cận đang gặp khó khăn không hề là kẻ xa lạ với chúng ta. Chính để giữ được thái độ tiếp đón này và sự chú ý tới những người anh chị em mình, tôi khuyến khích các giáo xứ và mỗi cộng đoàn khác hãy tăng cường trong Mùa Chay này thực hành việc ăn chay cá nhân và tập thể, cũng như vun trồng việc nghe Lời Chúa, việc cầu nguyện và bố thí. Đây là điều đã có từ xưa, ngay từ thời kỳ đầu, một cung cách sống của cộng đoàn Kitô hữu, trong đó họ tổ chức các cuộc lạc quyên đặc biệt (x. 2Cr 8-9; Rm 15, 25-27), và các tín hữu được mời gọi để cho các người nghèo, nhờ việc ăn chay, những gì họ để ra được. Cả ngày nay nữa thói quen này cũng cần được tái khám phá và đem ra thực hành nhất là trong thời gian phụng vụ của Mùa Chay.”

Chúng ta nên nhớ là các bản văn phụng vụ Mùa Chay thường nói tới các việc bác ái, mà việc bố thí chỉ là một hình thức biểu lộ cụ thể và đã được truyền thống Kitô giáo nhấn mạnh rất nhiều trong sinh hoạt tôn giáo hằng ngày, nhất là trong Mùa Chay thánh. Lời nguyện nhập lễ thứ bảy sau tuần thứ I Mùa Chay đọc lên như sau: “Lạy Thiên Chúa hằng hữu là Cha chúng con, xin cho lòng chúng con về với Chúa, để khi hằng tìm Chúa như việc quan hệ nhất trong đời, và lấy tình bác ái phục vụ anh em, chúng con hoàn toàn hiến thân phụng thờ Chúa. Chúng con cầu xin”. Lời nguyện nhập lễ Chúa nhật thứ III Mùa Chay nói tới việc bố thí cho kẻ nghèo khó. Bản văn đọc như sau: “Lạy Chúa là Đấng rất từ bi nhân hậu, Chúa đã từng chỉ dạy chúng con cách chữa lành những vết thương tội lỗi: là ăn chay hãm mình, siêng năng cầu nguyện, và chia sẻ cơm áo cho kẻ khó nghèo. Này chúng con nhận biết mình yếu hèn lầm lỗi, và hết lòng sám hối ăn năn; xin Chúa thương đoái nhìn chúng con và đưa tay nâng đỡ. Chúng con cầu xin”.

Thánh Augustinô nói về việc bố thí trong tương quan với các việc khác như sau: “Vậy đây là hai chiếc cánh trên đó việc cầu nguyện nâng lòng lên tới Thiên Chúa: đó là việc tha thứ các lỗi lầm và việc bố thí cho người túng thiếu”. Nhưng thánh nhân cũng cảnh cáo ngay và đề phòng để các tín hữu làm việc bố thí một cách chính đáng. Ngài nói: “Cần phải tăng cường thật nhiều việc bố thí trong thời gian thánh này. Nhưng tôi phải nói gì về việc thương xót trong đó không phải lấy gì từ hào bao túi tiền riêng của mình nhưng tất cả phải xuất phát từ con tim là cái làm cho người ta cảm thấy mất mát nhiều khi phải giữ nó lại hơn là thiếu nó. Tôi có ý nói tới cơn thịnh nộ mà người ta giữ nó trong lòng đối với người anh em”.

Trong khi Thánh Augustinô gắn liền việc bố thí với kết hợp với Thiên Chúa, thì Thánh Lêô Cả nhìn ra trong việc bố thí ơn tha thứ tội khiên. Ngài nói: “Chúng ta không thể đi qua trước một người nghèo khó mà lại làm ngơ giả điếc trước tiếng than van của họ; Chúng ta hãy thực tập với lòng nhân từ mau mắn việc thương xót với những người túng thiếu để chính chúng ta xứng đáng tìm ra được lòng từ bi thương xót Chúa trong giờ phán xét”.

Chứng từ của Giáo phụ Clêmentê về việc bố thí cũng không kém rõ ràng: “Bố thí là một việc tốt lành, như để thống hối tội lỗi; ăn chay thì hơn là rao giảng, nhưng bố thí thì hơn hai việc này; vì đức ái che lấp muôn vàn tội lỗi: việc rao giảng do lương tâm tốt sẽ cứu thoát cho khỏi chết. Hạnh phúc cho tất cả những ai được nhận ra là hoàn thiện trong những việc này, vì chưng bố thí cất đi khỏi tội khiên”.

Còn về VIỆC ĂN CHAY, chúng ta sẽ trình bày sau đây một cách sâu rộng, như nội dung Sứ điệp Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI muốn đặc biệt nói tới cho tín hữu trong Năm 2009 này.

II THỰC HÀNH VIỆC ĂN CHAY

Trước khi cùng nhau đọc lại Sứ điệp Mùa Chay năm 2009, mà nội dung chính là việc ăn chay, chúng ta nói tới gợi ý của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI ngay ở phần đầu của Sứ điệp nói về việc ăn chay:

“Phụng vụ đề nghị lại cho chúng ta ba việc thực hành đền tội luôn được truyền thống Kinh thánh và Kitô giáo trân trọng – cầu nguyện, bố thí và ăn chay – để chuẩn bị chúng ta sẵn sàng cử hành Lễ Phục Sinh cách tốt đẹp xứng đáng hơn.... ”

Trên đây chúng ta đã nói về việc cầu nguyện và bố thí. Ở đây chúng ta sẽ theo sát Sứ điệp để nói nhiều về việc ĂN CHAY.

ĂN CHAY: trong từ ngữ phụng vụ tiếng Việt Nam, mùa phụng vụ này được gọi là MÙA CHAY, chắc hẳn với sự nhấn mạnh đặc biệt việc đạo đức này, trong khi vẫn khuyến khích việc cầu nguyện và bố thí.

Trước tiên chúng ta ghi lại đây giáo huấn từ phụng vụ. Lời nguyện hiệp lễ Thứ tư Lễ Tro đọc như sau: “Lạy Chúa, chớ gì Mình và Máu Thánh Đức Kitô chúng con vừa lãnh nhận, giúp chúng con biết ăn chay hãm mình sao cho đẹp lòng Chúa, và nhờ đó, tâm hồn chúng con được khỏi hết tật nguyền. Chúng con cầu xin”. Còn Kinh Tiền tụng Chúa Nhật thứ I Mùa Chay nói tới gương của Chúa Giêsu: “Khi nhịn ăn bốn mươi đêm ngày, Người đã nêu gương chay tịnh. Khi phá vỡ mưu chước của con rắn xưa, Người dạy chúng con thắng mọi cơn cám dỗ. ..”.

Giáo huấn của các Giáo phụ giúp chúng ta hiểu thêm về việc ăn chay.

Giáo phụ Origenes ghi lại việc thực hành ăn chay của Giáo Hội thời xưa như sau: “Chúng ta có những ngày của Mùa Chay dành cho việc ăn chay. Chúng ta có ngày thứ tư và thứ sáu trong tuần trong đó chúng ta cử hành trọng thể việc ăn chay. Kitô hữu được hoàn toàn tự do trong suốt thời kỳ ăn chay, vì đó không phải là việc làm mê tín dị đoan, nhưng là để thực hành nhân đức kiềm hãm con người mình. Vì chưng làm sao nơi một số người có thể giữ được sự khiết tịnh hoàn toàn, nếu không được trợ giúp bởi sự kiềm hãm nhiệm nhặt hơn? Làm sao có thể thấu hiểu được Kinh Thánh? Làm sao có thể học hỏi thêm và có được sự khôn ngoan? Không phải là nhờ kiềm hãm cái dạ dày và cổ họng sao? Làm sao một người có thể phạt mình để chiếm đoạt được Nước Trời, nếu không bớt giảm của ăn, nếu không coi việc kiêng cữ như là người giúp việc? Đó là lý do theo Kitô giáo của việc ăn chay. Nhưng còn lý do siêu nhiên khác, mà trong thư của các Thánh Tông đồ đã ca ngợi. Chúng ta tìm ra trong một vài cuốn sách của các Tông đồ lời nói sau đây: “Hạnh phúc người ăn chay vì Người, để nuôi dưỡng người nghèo khó”. Ăn chay như thế là điều rất đẹp lòng Chúa, và thật xứng đáng”.

Thánh Athanasiô đã cho chúng ta giáo huấn về việc ăn chay, cầu nguyện và bố thí như sau: “Chúng ta hãy yêu thích rất nhiều việc ăn chay, vì chưng việc ăn chay là sự trợ giúp rất lớn, việc cầu nguyện và bố thí cũng vậy; vì chúng cứu con người thoát khỏi sự chết. Vì chưng do việc ăn uống và bất tuân, mà ông Adong đã bị đuổi ra khỏi Vườn Địa Đàng, thì cũng thế, những ai muốn, thì nhờ việc ăn chay mà được vào lại Thiên Đàng. Thưa trinh nữ, qua nhân đức này, con tìm cách tôn thờ thân xác con và làm đẹp cho Phu Quân trên trời. Vì những ai kết hợp với thế gian, và trang điểm bằng thuốc thơm, dầu hảo hạng thơm tho và các mùi hương có vị tuyệt hảo khác, cũng như mặc áo quý báu, mang thêm vàng bạc cho thân xác mình, để làm đẹp lòng người chồng của con, nhưng những thứ đó không thể làm đẹp lòng Thiên Chúa. Chúa Kitô không hề đòi hỏi nơi con những điều này, mà chỉ muốn con dâng Ngài tấm lòng trong trắng và thân xác vẹn toàn và bị xé nát ra vì ăn chay”.

Bộ Giáo luật năm 1983 cũng đưa ra những chỉ dẫn cụ thể và luật lệ về việc giữ chay như sau: “Luật Thiên Chúa buộc tất cả mọi Kitô hữu phải làm việc sám hối, mỗi người theo cách thức của mình, nhưng để mọi người được hiệp nhất trong cách tuân giữ chung việc sám hối, luật quy định những ngày sám hối, và trong những ngày ấy, các Kitô hữu phải cầu nguyện cách đặc biệt, phải thực hành việc đạo đức và bác ái, phải từ bỏ chính mình bằng cách chu toàn nghĩa vụ của mình cách trung thành hơn, và nhất là bằng cách giữ chay và kiêng thịt, chiếu theo quy tắc của các điều khoản sau đây” (Giáo luật, khoản 1249). Khoản luật 1252 nói về việc ăn chay như sau: “... Nhưng phải kiêng thịt và ăn chay trong ngày thứ tư Lễ Tro và thứ sáu kính cuộc Thương Khó và Tử Nạn của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta”. Khoản 1252 nói tiếp: “Những người đã được 14 tuổi trọn buộc phải giữ luật kiêng thịt, nhưng tất cả mọi người từ tuổi thành niên cho đến khi bắt đầu được sáu mươi tuổi phải giữ luật ăn chay. Tuy nhiên, các vị chủ chăn các linh hồn và các bậc cha mẹ phải liệu sao để cả những người được miễn khỏi giữ luật ăn chay kiêng thịt vì lý do tuổi tác cũng được giáo dục về ý nghĩa đích thực của việc sám hối”. Khoản luật 1253 nói thêm: “Hội đồng Giám Mục có thể ấn định rõ ràng hơn những thể thức ăn chay và kiêng thịt. Cũng như những hình thức sám hối khác, nhất là những công việc bác ái và những việc đạo đức có thể thay thế toàn phần hay một phần việc kiêng thịt và ăn chay”.

Với các điều khoản của Bộ Giáo Luật vừa được ghi lại trên đây, chúng ta nhận ra mấy điểm này về việc ăn chay: trước tiên việc ăn chay nằm trong sinh hoạt sám hối của Giáo Hội và của mọi tín hữu. Đó là một sinh hoạt không thể thiếu được trong đời sống đức tin như Phúc âm đã kêu gọi chúng ta ngay từ những trang đầu của Phúc âm. Việc ăn chay được thích nghi với hoàn cảnh xã hội thời đại chúng ta, nhưng vẫn còn một số ngày tối thiểu. Tuy nhiên tín hữu vẫn được khuyến khích để thực hành trong những hoàn cảnh khác thích hợp với mình. Đồng thời việc ăn chay cần được tăng giá trị từ tâm thức sám hối chân chính bên trong. Sau cùng việc ăn chay là một giới hạn đối với cá nhân, nhưng lại là một thúc đẩy tín hữu mở rộng lòng mình ra với người nghèo khổ qua các việc bác ái. Như vậy việc bác ái như là một hình thức tích cực của việc ăn chay, hay đó là ăn chay cách tích cực.

Nhưng các khoản luật ban hành năm 1983 này đã được gợi hứng từ giáo huấn Kinh Thánh và các Giáo phụ, cũng như truyền thống Kitô giáo, và gần nhất là Tông hiến “Hãy Thống Hối” (Paenitemini) của Vị Tôi Tớ Chúa, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI ban hành ngày 17-2-1966. Trong Tông hiến này, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã trình bày giáo huấn ngàn đời của Giáo Hội về việc thống hối; sự cần thiết và tính cách thời sự của việc thống hối trong thời đại chúng ta và sau cùng Tông hiến bàn về các hình thức biểu lộ sự thống hối trong Giáo Hội, mà việc ăn chay là một trong những hình thức truyền thống căn bản. Chúng ta đọc lại một đoạn của Tông hiến này để hiểu thêm về việc thống hối, việc sửa phạt thân xác qua hình thức ăn chay: “Trong đức tính chính truyền liên hệ tới việc thống hối kỷ luật “khổ chế” (asceseos), bao gồm cả việc sửa phạt thân xác, không thể được bỏ qua. Bởi vì tất cả con người – nghĩa là linh hồn và thân xác – và con người lại có bản tính mang lý trí, như Kinh Thánh nhắc nhở cho biết – phải lo thực hành việc tập luyện thánh thiện này, nhờ đó, mọi vật được tạo dựng xác quyết sự thánh thiện và uy quyền của Thiên Chúa. Ngoài ra việc cần phải sửa phạt thân xác, thì đây là một điều hiển nhiên, nếu người ta nghĩ tới thân phận mỏng dòn của bản tính nhân loại, bởi vì sau khi Adong phạm tội, thì xác thịt lại chống đối lại tinh thần, tinh thần cũng chống lại xác thịt... cho dù không bao giờ lên án xác thịt, vì chính Con Thiên Chúa đã mặc lấy xác thịt này. Rồi việc kiềm chế thân xác có mục đích là để con người được giải thoát, vì con người đã bị bại trận vì những dục vọng lăng loàn như là xiềng xích trói buộc họ qua các giác quan của họ, và qua việc “ăn chay nơi thân xác” họ chiếm đoạt lại được sức mạnh, và sau cùng thì nhân phẩm của con người bị hủy hoại vì những điều vô độ, thì được tái tạo qua cố gắng sống tiết độ như là liều thuốc chữa lành”.

Hiến chế về Phụng vụ thánh của Công đồng chung Vaticanô II còn cho chúng ta một ý nghĩa khác về việc ăn chay, nhất là ngày thứ sáu Tuần thánh và thứ bảy Vọng phục sinh. Hiến chế nói: “Tuy nhiên việc giữ chay mang tính cách vượt qua phải được giữ cách nhiệm nhặt, khắp nơi vào ngày Thứ Sáu Chúa chịu thương khó và chịu chết, và nếu tiện cũng phải kéo dài qua Thứ Bảy Tuần Thánh, để tâm hồn người tín hữu được hưởng niềm vui Chúa sống lại một khi được nâng cao và giải thoát” (s. 110). Theo Hiến chế Phụng vụ, thì việc ăn chay còn có ý nghĩa là tham dự vào mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô, cùng chịu khổ với Chúa và cùng hưởng niềm vui phục sinh với Chúa. Ăn chay như là hình thức tham dự vào cuộc thương khó của Chúa và là nguyên nhân của niềm vui lớn lao phục sinh. Điều này thật ý nghĩa với việc ăn chay trong Mùa Chay như Giáo Hội vẫn khuyến khích trong Mùa Chay.

III VIỆC ĂN CHAY THEO GIÁO HUẤN CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG BÊNÊĐICTÔ XVI

Sứ điệp Mùa Chay năm 2009 muốn nói về giá trị và ý nghĩa của việc ĂN CHAY. Đức Thánh Cha nói:

“Trong Sứ điệp theo thông lệ của Tôi về Mùa Chay, năm nay Tôi muốn ngừng lại để suy tư cách đặc biệt về giá trị và ý nghĩa của việc ăn chay.”

Rồi trong tất cả phần tiếp theo của Sứ điệp, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nói về chủ đề này. Những suy tư của Đức Thánh Cha được trình bày cách thật dễ hiểu. Vì thế ở đây chúng ta chỉ cùng nhau đọc lại bản văn của Sứ điệp và thêm vào những gợi ý từ Kinh Thánh, các Giáo Phụ hay từ các Giáo huấn của Giáo Hội, mà không chú giải gì thêm.

A KINH THÁNH, NHẤT LÀ GƯƠNG CỦA CHÚA GIÊSU DẠY CHÚNG TA VỀ VIỆC ĂN CHAY

Mùa Chay gợi tới 40 ngày chay tịnh của Chúa Giêsu đã sống trước khi ra thi hành sứ vụ giảng đạo công khai. Sứ điệp nói:

“Quả vậy Mùa Chay nhắc lại trong tâm trí chúng ta 40 ngày chay mà Chúa Kitô đã sống trong sa mạc trước khi Ngài thi hành sứ mệnh công khai”.

Các Thánh sử Nhất Lãm đã ghi lại cho chúng ta sự kiện Chúa Kitô ăn chay và bị ma quỷ cám dỗ, như Matthêu tường thuật biến cố này (x. Mt 4, 1-2). Sứ điệp gợi ý tới biến cố này như sau:

“Chúa Giêsu đã được Thánh Thần dẫn vào trong sa mạc để bị ma quỷ cám dỗ. Sau khi đã ăn chay 40 ngày và 40 đêm, Ngài cảm thấy đói” (x. Mc 1, 12-13; Lc, 4, 1-2).

Kinh Tiền tụng Chúa Nhật thứ I Mùa Chay gợi hứng từ bản văn Phúc âm liên hệ tới việc Chúa Kitô ăn chay trong sa mạc như sau: “Khi nhịn ăn bốn mươi đêm ngày, Người đã nêu gương chay tịnh, và khi phá vỡ mưu chước của con rắn xưa, Người dạy chúng con thắng mọi cơn cám dỗ; để khi cử hành mầu nhiệm Vượt qua với tâm hồn trong sạch, chúng con có thể tới dự lễ Vượt qua muôn đời”.

Gương trong Cựu Ước:

Nhưng ngay từ trong Cựu Ước chúng ta cũng đã thấy ghi lại những gương ăn chay và nối kết sự việc này với các sứ vụ mà những người của Chúa sẽ thực hiện. Sứ điệp gợi ra hai nhân vật, đó là Ông Maisen và Ngôn sứ Êlia.

Chúng ta còn nhớ trường hợp Ông Maisen, trước khi lãnh nhận các Tấm đá chứa đựng Lề Luật (x. Xh 34, 28). Sứ điệp nói:

“Như Ông Maisen trước khi lãnh nhận các Bia Đá ghi khắc Lề Luật (x. Xh 34, 28)”.

Sách Xuất Hành thường thuật lại sự việc liên hệ với ông Maisen như sau: “Chúa nói với Ông Maisen: Hãy ghi khắc những lời này bởi vì chính trên căn bản những lời này mà Ta ký kết với ngươi một khế ước, cũng như với dân Israel. Vậy Ông ở trên đó với Chúa 40 ngày và 40 đêm. Ông không ăn bánh cũng như không uống nước. Ông ghi các lời đó trên các tấm bảng, những lời của Giao Ước, tất cả là 10 lời” (Xh 34, 27-28).

Còn tiên tri Êlia trước khi gặp Thiên Chúa trên núi Oreb (x. 1 V 19, 8) cũng đã lên núi ăn chay. Sứ điệp nói:

“Như Ông Êlia trước ghi gặp gỡ Thiên Chúa trên núi Oreb (x. 1 V 19, 8)”.

Sách Các Vua quyển thứ nhất tường thuật sự việc Thiên Chúa gọi ông Êlia làm ngôn sứ cho dù Êlia sợ hãi hoàng hậu Jezabel đang tìm giết và ông chạy trốn lên núi Oreb. Ông được thiên sứ nuôi dưỡng bằng bánh và có sức đi suốt 40 đêm ngày cho tới khi tới núi Oreb (x. 1V 19, 1-8).

Thánh Giêrônimô viết về việc ăn chay trong khi trưng dẫn gương của ông Maisen và ông Êlia như sau: “Sau khi đã suy nghĩ chín chắn và cẩn trọng thì con hãy mang lấy khí giới của việc ăn chay và cùng với Vua Đavit hát lên rằng: ‘Con đã đem hồn con xuống thấp trong việc ăn chay của con’ (Tv 34, 13); và rồi chỗ khác ‘Con đã ăn tro như bánh của con’ (Tv 101, 10); và chỗ khác ‘Khi họ làm khổ con, thì con mặc lấy áo nhặm’ (Tv 34, 23). Bà Eva đã bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng vì một của ăn; ông Êlia đã ăn chay 40 ngày, và ông đã được cất nhắc lên trời bằng cỗ xe bằng lửa; Ông Maisen suốt 40 ngày 40 đêm được nuôi dưỡng bằng sự thân mật với Thiên Chúa và bằng lời của Ngài, và như vậy ông làm chứng là đúng thực nơi ông, lời nói: “Người ta không chỉ sống bằng bánh mà thôi, nhưng còn bởi lời từ miệng Thiên Chúa phán ra (Mt 4, 4)”

Liền theo hai gương trong Cựu Ước, Sứ điệp nói ngay tới Chúa Giêsu, dù trước đây đã có gợi ý rồi. Điều này cho thấy tính cách liên tục giữa Cựu Ước và Tân Ước, cũng như xác tín lại giáo huấn của Chúa về việc ăn chay, bằng chính gương sống của Ngài. Sứ điệp nói:

“Chúa Giêsu qua cầu nguyện và ăn chay đã chuẩn bị cho sứ vụ của mình, mà khởi đầu sứ vụ này là một cuộc đụng độ thật cam go với kẻ cám dỗ mình”.

B GIÁ TRỊ VÀ Ý NGHĨA CỦA VIỆC ĂN CHAY

Sau khi trình bày sơ lược trong phần mở đầu của Sứ điệp, cũng như sau khi nói tới các gương ăn chay trong Kinh Thánh, Cựu Ước và Tân Ước, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nói tới nội dung và ý nghĩa việc Ăn chay.

Một câu hỏi được đặt ra với mọi người, có lẽ đã một lần đặt vấn đề khi thấy người Kitô hữu ngày nay vẫn còn ăn chay. Vậy đối với người Kitô hữu, việc nhịn một phần của ăn có ý nghĩa gì? Sứ điệp nói:

“Chúng ta thử hỏi xem đâu là giá trị và đâu là ý nghĩa đối với chúng ta, những Kitô hữu, của sự việc chấp nhận thiếu một số phần ăn vật chất, mà tự chúng vẫn tốt và có ích lợi cho việc nâng đỡ chúng ta”.

Tông hiến “Hãy thống hối” (Paenitemini) cũng đã đặt cách sơ qua vấn đề thực hành các hình thức thống hối đã có từ xưa trong Giáo Hội và ngày nay vẫn còn giữ nguyên giá trị của chúng, nhưng cần được thích nghi và đồng thời cũng cần tìm ra những hình thức thống hối mới cho thích hợp với người thời nay. Tông hiến nói: “Trước tiên, Giáo Hội muốn nhắc tới ba cách thế chính yếu được truyền lại từ xa xưa và có thể giúp thực hiện lệnh truyền của Chúa về việc thống hối: đó là cầu nguyện, ăn chay và thi hành việc bác ái, cho dù trước tiên nhắm tới việc kiêng thịt và ăn chay. Việc thực hành thống hối này áp dụng chung cho mọi thời đại; nhưng vào thời đại chúng ta có những lý do vì một số hoàn cảnh của một số nơi, một hình thức nào đó cần áp dụng hơn” (Phần I).

Để nhận ra được giá trị và ý nghĩa của việc ăn chay, chúng ta phải dựa vào Giáo huấn từ Kinh Thánh và truyền thống Kitô giáo dạy. Về điều này chúng ta đã làm trên đây. Sứ điệp xác quyết rằng chúng ta có thể nhận ra hai ý nghĩa của việc ăn chay:

“Kinh Thánh và tất cả truyền thống Kitô giáo dạy chúng ta rằng”:

“Việc ăn chay là một sự trợ giúp lớn lao để chúng ta tránh tội lỗi”

“ và tránh tất cả những gì đưa đến tội”.

Một lời nguyện trong Sách cử hành các bí tích (Sacramentarium Veronense, s. 927) đọc lên như sau: “Lạy Chúa chúng con nài xin Chúa, xin ban cho chúng con trong khi ăn chay được tràn đầy sức mạnh của Chúa và, trong khi hãm mình, thì được trở nên mạnh mẽ hơn tất cả mọi thù địch của chúng con”.

Và Sứ điệp đã đưa chúng ta vào trong lịch sử thánh để giúp hiểu ra ý nghĩa của việc ăn chay. Bao nhiêu lần đã có lời mời gọi dân Chúa và một số người của Thiên Chúa phải ăn chay. Sứ điệp nói:

“Vì thế trong lịch sử ơn cứu rỗi đã hơn một lần vang lên lời mời gọi ăn chay”.

Điều này đã được thánh Giêrônimô trình bày trong bức thư 130, mà chúng ta đã trích dẫn trên đây. Việc ăn chay đã khởi sự ngay từ khi Thiên Chúa truyền lệnh cho Ông Adong không ăn trái cấm; rồi Vua Đavít đã nói tới việc ăn chay trong các thánh vịnh, như thánh vịnh 34. Việc ăn chay có liên hệ tới cuộc đời của ông Maisen, của tiên tri Êlia, của Dân Chúa khi từ Babilon trở về, với dân thành Ninivê. Rồi chính Chúa Giêsu đã ăn chay, các tông đồ của Chúa cũng đã ăn chay.

CỰU ƯỚC

Ngay từ trang đầu tiên của Kinh Thánh: Thiên Chúa bảo Adong đừng ăn trái cấm (St 2, 16-17) và đó là lệnh truyền đầu tiên liên hệ tới việc ăn chay. Sứ điệp nói:

“Đúng vậy, ngay trong những trang đầu của Kinh Thánh Chúa đã truyền lệnh cho con người tránh không được dùng trái cấm: ‘Ngươi có thể ăn từ tất cả những cây trong vườn, nhưng từ cây biết lành biết dữ, ngươi không được phép ăn, bởi vì, ngày nào ngươi ăn từ cây đó, ngươi sẽ chết” (St 2, 16-17).

Về lệnh cấm này, Thánh Basiliô dạy rằng: Việc ăn chay đã được truyền dạy trong Vườn địa đàng. Đó là lệnh truyền thứ I ban ra cho Adong. Sứ điệp nói:

“Khi chú giải lệnh truyền của Thiên Chúa, Thánh Basiliô lưu ý rằng ‘lệnh truyền được ban ra trong vườn địa đàng’, và đó là lệnh truyền đầu tiên theo nghĩa đó đã được ban ra cho ông Adong’. Vì thế thánh nhân kết luận: vậy kiểu nói ‘ngươi không được ăn’ trở nên lệnh buộc ăn chay và kiêng thịt’”.

Cựu Ước cũng giới thiệu việc ăn chay như một cách thế để nối lại tình thân thiện với Thiên Chúa, như gương Esdra mời gọi dân Chúa ăn chay trước khi về đất hứa. Sứ điệp nói:

“Bởi vì tất cả chúng ta bị đè nặng chĩu xuống do tội lỗi và vì những hậu quả của tội lỗi, vì thế việc ăn chay được giới thiệu cho chúng ta như một phương thế để nối lại tình thân thiện với Thiên Chúa. Ông Esdra đã làm như thế trước khi lên đường từ nơi lưu đầy trở về Đất Hứa, khi ông mời gọi dân chúng tập họp lại để cùng nhau ăn chay “với mục đích hạ mình – như ông nói – trước Thiên Chúa chúng ta” (Esdra 8, 21). Từ đây Đấng Toàn năng đã nghe lời cầu nguyện của họ và bảo đảm ban ơn phúc lộc cũng như chở che họ”.

Tác giả sách Esdra đã ghi lại việc ăn chay của đoàn người theo ông Esdra trở về Giêrusalem như sau: “Ở đó, gần sông Ahava, tôi truyền giữ chay, để chúng tôi hạ mình xuống trước mặt Thiên Chúa, và cầu khẩn Chúa ban cho chúng tôi đi đường được may mắn, cầu cho cả chúng tôi, con cháu và mọi tài sản của chúng tôi” (Edr 8, 21).

Dân thành Ninivê cũng thực hành ăn việc ăn chay trong ý hướng này, họ làm với tất cả lòng thành kính, khi họ sốt sắng nghe lời tiên tri Giona kêu mời ăn chay (3, 9). Thiên Chúa đã ngó lại và tha thứ cho họ. Sứ điệp nói:

“Dân thành Ninivê cũng đã làm như thế, khi họ lắng nghe lời kêu gọi của tiên tri Giona hãy ăn năn thống hối, họ đã công bố một cuộc ăn chay tập thể, như là biểu lộ chân thành của họ, khi họ nói: ‘Ai lại không biết được rằng có thể Thiên Chúa sẽ đổi ý, sẽ ngó nhìn lại chúng ta, sẽ nguôi cơn giận phừng phực cháy lên nơi Ngài và nhờ đó chúng ta sẽ thoát cơn nguy hiểm” (3, 9). Cả trong hoàn cảnh này Thiên Chúa đã nhìn xem việc làm của họ mà tha cơn phạt cho họ”.

Sách ngôn sứ Giona ghi lại: “Ông Giona vào thành; sau khi đi được một ngày ông loan báo: ‘Còn bốn mươi ngày nữa thành Ninivê sẽ bị phá hủy’. Dân thành tin vào Thiên Chúa; họ công bố ăn chay và hết mọi người từ người lớn nhất đến em bé nhất, đều khoác áo nhặm. Tin ấy truyền đến vua thành Ninivê. Vua xuống khỏi ngai. Cởi áo cẩm bào, mặc áo nhặm và ngồi trên đống tro. Rồi vua công bố trong thành Ninivê sắc lệnh sau đây: ‘Ta và các thủ lĩnh quyết định: Người, vật, bò và cừu sẽ không được ăn uống gì. Ai nấy đều phải khoác áo nhặm, hết sức kêu cầu Thiên Chúa, từ bỏ cách ăn ở gian ác hung bạo. Ai biết được Thiên Chúa lại chẳng đổi ý mà rút lại điều đã quyết định, thôi nổi giận và cho sống?” (Gn 3, 4-9).

Cựu Ước còn cho chúng ta nhiều gương về việc ăn chay, như trong Sách các Vua quyển thứ I, 7, 6: “Người Israel đã bị Thiên Chúa phạt, vì họ đã thờ thần Baal và Astaroth, nên họ đã đến đền Masphath. .. và ở đó họ ăn chay trong cả ngày và thưa lên: ‘Chúng tôi đã phạm tội đến Chúa”. Trong câu truyện Vua Achab, nhà Vua cũng đã ăn chay và thống hối: “Tiên tri Êlia nói với Vua Achab: Vì ngươi đã làm điều dữ trước mặt Chúa, nên Ta làm điều dữ trên ngươi. .. Khi Vua Achab nghe những lời nói đó, nhà vua xé áo mình ra, mặc áo nhặm, ăn chay và ngủ trên bao bố cũng như đi lại để đầu trần” (1Sm 21, 20 và 27). Xin coi thêm các chỗ khác như: Gr 36, 9; 2V 1, 12; Br 3, 35. ..

TÂN ƯỚC

Còn trong Tân Ước giáo huấn về giá trị và ý nghĩa của việc ăn chay cũng không thiếu và rất rõ ràng.

Chúa Giêsu cho việc ăn chay một ý nghĩa thật sâu xa: khi Ngài khiển trách những người Pharisêu chỉ giữ các việc đạo đức theo hình thức bên ngoài, mà trong lòng của họ thì xa Thiên Chúa. Sứ điệp nói:

“Trong Tân Ước, Chúa Giêsu đã đem tới ánh sáng đích thực cho việc ăn chay, khi Ngài lên án thái độ của những người biệt phái, là những kẻ giữ gìn một cách thật tỉ mỉ các điều khoản do lề luật áp đặt, nhưng lòng của họ thì lại xa Thiên Chúa”.

Thánh Matthêu nhắc lại giáo huấn của Chúa Giêsu về việc ăn chay như sau: “Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả, chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh” (Mt 5, 16-18).

Với một lối hành văn dí dỏm, thánh Gioan Crisostomo mô tả những cách ăn chay không đúng như sau: “Khi anh em ăn chay, tôi đã nói với anh em là anh em có thể đã ăn chay mà lại không ăn chay tí nào. Xem ra câu nói này có vẻ khó hiểu, bí ẩn. Nhưng tôi nói ngay chìa khóa để hiểu nó. Làm sao mà lại không ăn chay khi có ngươi đang ăn chay? Điều này xẩy ra khi người ta từ bỏ của ăn thông thường, mà lại không từ khước tội lỗi. Làm sao có thể ăn chay mà lại không ăn chay? Điều này xẩy ra là khi người ta ăn uống nhưng không phạm tội. Đây là việc ăn chay tốt hơn là cách ăn chay khác, nhưng không phải chỉ là cách tốt hơn, mà lại là cách dễ thực hiện nhất”.

Còn thánh Lêô cả Giáo hoàng đã khuyên nhủ tín hữu như sau: “Anh Chị Em rất thân mến, trong mọi thời gian đây là một điều thuận tiện mà mỗi Kitô hữu hãy thực hiện, nhưng bây giờ cần thực hiện cách ân cần hơn và sốt sắng hơn, để định chế 40 ngày được tràn đầy việc giữ chay, không chỉ là bớt đi của ăn vật chất, nhưng nhất là bỏ đi những tính xấu.

Lời nguyện nhập lễ thứ hai Tuần thứ II Mùa Chay cầu xin như sau: “Lạy Chúa, Chúa đã dạy chúng con chế ngự thân xác để chữa trị tâm hồn, xin giúp chúng con hằng tránh xa tội lỗi và đáp ứng những đòi hỏi của tình thương Chúa. Chúng con cầu xin”.

Trong giáo huấn của Chúa Giêsu, việc ăn chay đích thực là thi hành thánh ý Chúa Cha trên trời, Đấng nhìn thấy tận tâm hồn (x. Mt 6, 18). Sứ điệp nói:

“Việc ăn chay đích thực, Thày Chí Thánh từ Thiên Chúa, lặp lại nhiều nơi ở chỗ khác, đúng hơn là thi hành ý của Chúa Cha trên trời, là Đấng “nhìn thấy cả trong nơi bí ẩn, và Cha sẽ thưởng công cho con (Mt 6, 18).. ..”

Vậy việc ăn chay có mục đích là giúp con người đạt tới của ăn đích thực là làm thánh ý Thiên Chúa (x. Ga 4, 34). Sứ điệp nói:

“Vậy việc ăn chay đích thực được hướng tới mục đích là để ăn ‘của ăn đích thực’, đó là làm ý của Chúa Cha” (x. Ga 4, 34).

Một Lời nguyện trong phụng vụ thời xưa đã cầu xin như sau: “Lạy Chúa, nhờ việc giữ chay thánh này, xin làm cho chúng con hoàn toàn tuân phục Chúa”.

Qua việc ăn chay người tín hữu biểu lộ thái độ ngược lại với hành động bất tuân phục của ông Adong xưa. Sứ điệp nói:

“Vì thế nếu xưa Ông Adong đã bất tuân lệnh truyền của Thiên Chúa là ‘không được ăn quả từ cây biết lành biết dữ’, thì bây giờ với việc ăn chay người tín hữu có ý đặt mình khiêm nhường dưới Thiên Chúa, và phú thác hoàn toàn nơi lòng tốt và từ bi của Ngài”.

“Chính Chúa Giêsu đã cho ta gương khi Ngài trả lời cho quỷ Satan, vào những ngày kết thúc thời gian ở sa mạc, rằng “người ta không chỉ sống bởi nguyên bánh, nhưng còn bởi tất cả những gì bởi miệng Thiên Chúa phán ra (Mt 4, 4)”.

Chúa Giêsu diễn tả việc tuân theo thánh ý Chúa như là lương thực của Ngài. Như vậy Ngài ăn chay, tức là không dùng của ăn vật chất, nhưng lại nuôi sống mình bằng ý muốn của Thiên Chúa Cha. Trong câu truyện Chúa gặp người phụ nữ Samaritana, Chúa Giêsu nói với các môn đệ như sau: “Người nói với các ông: Thày phải dùng một thứ lương thực mà anh em không biết. Các môn đệ mới hỏi nhau: Đã có ai mang thức ăn đến cho Thầy rồi chăng? Đức Giêsu mới nói với các ông: Lương thực của Thày là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thày và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4, 31-34).

Khi trả lời cho Satan đến cám dỗ Ngài, Chúa Giêsu nói: “Bấy giờ Chúa Giêsu được Thánh Thần dẫn vào sa mạc để chịu quỷ cám dỗ. Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó Người thấy đói. Bấy giờ tên cám dỗ đến gần Người và nói: Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hóa bánh đi. Nhưng Người đáp: Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ bằng bánh, nhưng còn bằng những lời từ miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4, 1-4).

CÁC GIÁO PHỤ:

Sau khi trình bày ý nghĩa chân chính của việc ăn chay theo như Kinh Thánh, Sứ điệp đã nói tới giáo huấn của các Giáo phụ về việc ăn chay theo nhiều khía cạnh khác nhau.

Việc ăn chay có một sức mạnh đặc biệt trong đời sống siêu nhiên: có sức cầm giữ không phạm tội; lấn át các dục vọng của con người Adong cũ; mở rộng lòng mình ra cho các nẻo đường Thiên Chúa định liệu. Sứ điệp nói:

“Các Giáo phụ cũng nói tới sức mạnh của việc ăn chay, có khả năng cầm hãm tội lỗi, lấn át các dục vọng tham muốn của con người Adong cũ, và mở ra con đường cho Thiên Chúa tới trong cõi lòng tín hữu. ‘Thánh Phêrô Crisologo viết: “Việc ăn chay là linh hồn của việc cầu nguyện và lòng thương xót là sự sống của việc ăn chay, vì thế ai cầu nguyện là ăn chay. Ai ăn chay là có lòng thương xót. Ai muốn được nhận lời khi cầu nguyện, thì hãy lắng nghe kẻ khác kêu xin mình. Ai muốn Thiên Chúa mở lòng Ngài ra cho mình, thì đừng đóng kín lòng mình trước những ai kêu cầu mình” (Bài giảng 43: PL 52, 329. 332).

Thánh Athanasiô diễn tả ý nghĩa việc ăn chay một cách tỉ mỉ như sau: “Con hãy coi, việc ăn chay làm được gì, chữa lành người đau yếu, làm cho hết những chứng bệnh xuất huyết, xua đuổi ma quỷ, đẩy xa những tư tưởng xấu xa, làm cho tâm trí nên tươi sáng hơn, cho cõi lòng con người được tẩy sạch, cho thân xác được thánh hóa, và đứng bên tòa Thiên Chúa ngay cạnh con người. .. Việc ăn chay là nhân đức lớn lao, và nhờ nó mà các tội lỗi lớn lao được xóa tan. Nói cách khác nhờ nó mà con người làm được những việc thật lớn lao và những dấu lạ phi thường, và qua các việc của họ, Thiên Chúa trao ban sức khỏe cho những kẻ ốm đau, không nhờ gì khác nếu không nhờ khổ chế, sự khiêm nhường và việc có nếp sống chân thành?”.

Một lời nguyện Thánh Lễ xưa đã cầu xin để nhờ việc ăn chay mà tín hữu tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa. Lời nguyện đọc lên như sau: “Xin Chúa ban cho chúng con, để khi thực hiện một việc ăn chay xứng đáng, chúng con trở nên những người nhận ra các ơn huệ đã ban cho và lòng biết ơn này còn tăng thêm vì những ơn huệ chúng con sẽ còn nhận được”.

CỘNG ĐOÀN CÁC TÍN HỮU ĐẦU TIÊN ĐÃ ĂN CHAY:

Ngay từ đầu Giáo Hội sơ khai các tín hữu đã thực hành việc ăn chay trong nhiều trường hợp. Sứ điệp nói:

“Chúng ta nhận ra việc thực hành ăn chay đã có cách rõ ràng trong cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên (x. Cv 13, 3; 14, 22; 27, 21; 2Cr 6, 5)”.

Cộng đoàn tín hữu tiên khởi tại Antiochia đã ăn chay khi sai Phaolô và Barnaba đi rao giảng Tin Mừng: “Bấy giờ, sau khi đã ăn chay và cầu nguyện, họ đã đặt tay và tiễn biệt các Ngài” (Cv 13, 3); cũng tại Giáo đoàn Antiochia ở Siria, cộng đoàn đã ăn chay khi thiết lập các người đứng đầu các cộng đoàn: “Vậy các ngài đã thiết lập nơi họ trong mỗi cộng đoàn một vài vị trưởng lão và sau khi đã cầu nguyện và ăn chay họ đã trao phó những vị này cho Chúa Đấng họ đã tin vào” (Cv 14, 23); Phaolô đã ăn chay trong cơn bão táp tại vùng biển ở Creta: “Từ thời gian lâu người ta không ăn uống gì, lúc đó Phaolô đứng dậy giữa họ và nói với họ. ..” (Cv 27, 21). Phaolô đã nói về sứ mạng của mình như là một điều chính thực, qua nhiều dấu hiệu, trong đó có việc ăn chay: “Còn phần chúng tôi trong mọi sự chúng tôi đã tỏ ra là những thừa tác viên chính thực của Thiên Chúa với sự kiên vững mạnh mẽ khi chịu các gian truân,. .. trong cảnh cực nhọc, những buổi canh thức, trong việc chay tịnh. ..” (2Cr 6, 5). Như vậy trong cộng đoàn tín hữu sơ khởi việc ăn chay gắn liền với các sinh hoạt khác của cộng đoàn, chứ không chỉ có mục đích sám hối mà thôi.

Trong cuốn sách “Giáo huấn của 12 Thánh Tông đồ” (Didache, 7, 1-4), được coi là cuốn sách có sớm nhất, sau Sách Kinh Thánh, vào khoảng đầu thế kỷ thứ II, cũng đã mô tả việc cử hành bí tích rửa tội và việc ăn chay trước khi rửa tội. Bản văn viết như sau: “Còn về việc rửa tội, hãy rửa theo cách thế sau đây: sau khi đã nói trước tất cả những gì cần phải nói, thì hãy rửa tội nhân danh Cha và Con và Thánh Thần trong dòng nước thường. Nếu không có nước thường, thì rửa với nước khác, nếu không thể rửa tội với nước lạnh, thì hãy rửa bằng nước nóng. Nếu không có thứ nước nào như vậy, thì hãy đổ ba lần nước trên đầu nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Ước gì người ban bí tích rửa tội, người lãnh nhận bí tích rửa tội và những người khác, nếu có thể, hãy ăn chay trước khi cử hành bí tích rửa tội; nhưng hãy truyền cho người lãnh nhận bí tích rửa tội phải ăn chay một hay hai ngày trước”.

Thánh Giustinô (khoảng giữa thế kỷ thứ II) trong Sách Minh Giáo (Apologie I, 61, 2-3) của ngài, khi nói tới việc chịu phép rửa tội, đã mô tả việc ăn chay như là một yếu tố gắn liền với bí tích này. Ngài nói: “Những người thật xác tín và tin thật những gì chúng tôi đã dạy cho họ và trình bày cho họ, thì trước tiên họ tuyên xưng là họ có thể sống như thế; rồi người ta dạy cho họ biết cầu nguyện và cùng với việc ăn chay, họ khẩn xin Thiên Chúa ơn tha thứ các tội lỗi đã phạm trong quá khứ, và cả chúng tôi cũng cầu nguyện và ăn chay với họ. Rồi, chúng tôi đưa họ tới chỗ có nước và có việc tái sinh mà chính chúng tôi cũng đã được tái sinh, và họ được tái sinh; nhân danh Thiên Chúa, là Cha và Thày của vũ trụ và Chúa Cứu thế Đức Giêsu Kitô, các người này được tắm trong nước. ..”

Vào giữa thế kỷ thứ III, Sách Truyền thống các Thánh Tông đồ (Traditio Apostolica, khoảng năm 250) đã ghi lại định chế về việc ăn chay như sau (s. 23): “Các quả phụ và các trinh nữ hãy năng ăn chay và cầu nguyện nhiều cho Hội Thánh. Các linh mục hãy ăn chay khi họ muốn, và giáo dân cũng làm như vậy. Vị giám mục thì không thể ăn chay nếu tất cả dân Chúa không ăn chay. Có thể xẩy ra là khi có người nào đó muốn dâng lễ vật và vị giám mục không thể nào từ chối. Tuy nhiên khi ngài bẻ bánh, thì đừng nếm thử gì cả”.

Tiếp theo lối sống của cộng đoàn tiên khởi trong Sách Công Vụ các Tông đồ, những cộng đoàn khác cũng thực hành việc ăn chay một cách nhiệm nhặt. Tôi đan cử Luật của Thánh Bênêđictô (480-547) viết cho các thày dòng của mình. Trong chương 49 về Mùa Chay, Thánh nhân viết: “Việc tuân giữ Mùa Chay. Điều này đúng là tất cả đời sống của một đan sĩ phải đậm nét của một lối sống đầy thống hối, như trong Mùa Chay; nhân đức này không phải là mọi người đều có. Vì thế chúng tôi nhấn mạnh tới, ít là trong thời gian Mùa Chay này, trong cố gắng thanh luyện đời sống riêng của mình, mỗi người hãy cố gắng tẩy rửa trong những ngày thánh này những lỗi lầm trong suốt cả năm. Chúng ta có thể làm được điều này, chỉ khi nào lo lắng để thanh tẩy mình khỏi mọi tật xấu, chuyên chăm vào việc cầu nguyện cùng với những giọt nước mắt ăn năn và tấm lòng đau đớn để chuyên lo đọc Sách Thánh và kiêng cữ. Vậy trong những ngày này, chúng ta thêm vào một vài điều khác cho việc làm vẫn thường có: cầu nguyện đặc biệt, kiêng cữ các của ăn và thức uống. Tóm lại mỗi người hãy xem có thể làm gì để hiến dâng Thiên Chúa, theo sáng kiến riêng của mình, và làm trong niềm hân hoan của Chúa Thánh Thần, làm một vài điều gì hơn và khác với những việc vẫn thường làm. Thí dụ, chấp nhận thiếu thốn về đồ ăn, thức uống hay giấc ngủ; kìm hãm ước muốn nói truyện dông dài và nói những điều không đâu, rồi hãy chờ đợi Ngày Đại Lễ Phục Sinh trong niềm hân hoan do mức độ nóng hổi siêu nhiên. Tuy nhiên điều mà mỗi người tự ý muốn dâng lên Thiên Chúa thì hãy cho vị Đan Viện phụ biết trước và hãy thực hiện với sự đồng ý của ngài và với việc cầu nguyện. Như thế ai mà làm không có sự đồng ý của cha linh hướng sẽ bị coi như là làm để phô trương và huênh hoang tìm vinh danh hư ảo và không đáng gì để ghi công trạng. Tất cả phải được thực hiện với sự đồng ý của vị Đan Viện Phụ”.

Chúng ta có nhiều chứng cớ của các Giáo Phụ về việc ăn chay ngay từ đầu Giáo Hội, và không chỉ trong nghi thức thống hối, mà còn trong các nghi thức khác nữa.

C CÁC TÍN HỮU NGÀY NAY CŨNG ĐƯỢC MỜI GỌI ĂN CHAY

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI cũng đã phân tích hoàn cảnh xã hội cụ thể thời nay và nói về việc ăn chay nơi các tín hữu thời nay. Sứ điệp nói:

“Vào thời chúng ta, tập tục thực hành việc ăn chay đã mất đi một phần giá trị thiêng liêng và hơn nữa, trong một nền văn hóa được ghi dấu bởi việc tìm kiếm sự an nhàn vật chất, việc ăn chay đã có giá trị của một việc chữa trị để chữa lành thân xác. Chắc chắn việc ăn chay giúp cho cuộc sống an nhàn thể xác, nhưng đối với các tín hữu trước tiên đó là một việc “chữa trị” để giúp chữa lành tất cả những gì cản trở cho con người làm cho chính mình phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa. Trong Tông Hiến Hãy Thống hối (Paenitemini) năm 1966, Tôi tớ Chúa Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã làm sống lại sự cần thiết phải đặt việc ăn chay trong bối cảnh của ơn gọi mọi tín hữu Kitô để “họ không còn sống cho chính mình, mà sống cho Đấng đã yêu thương họ và đã thí chính mạnh sống mình cho họ,. .. và cũng để họ sống cho anh chị em của mình” (x. chương I của Tông Hiến).

Ngày nay việc ăn chay vẫn còn trong Giáo Hội, như chúng ta nói trên đây trong Bộ Giáo Luật và trong Tông hiến “Hãy Thống Hối” (Paenitemini) của Đức Phaolô VI, đã được nói trước đây, và đặc biệt trong Sứ điệp Mùa Chay năm 2009, mà chúng ta đang tìm đọc.

D LẤY LẠI CÁC LUẬT THỰC HÀNH THỐNG HỐI

Đọc lại Tông hiến “Hãy Thống Hối” (Paenitemini) của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã cho thấy những ích lợi cụ thể của việc ăn chay và đề nghị lấy lại những luật lệ thực hành về việc thống hối.

Theo những chỉ dẫn trên đây của các Đức Giáo Hoàng tiền nhiệm, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nói tới việc áp dụng thực hành ăn chay trong thời đại chúng ta. Việc thống hối này cũng đem lại cho chúng ta những lợi ích thiêng liêng, như loại trừ tính ích kỷ cố hữu nơi ta. Sứ điệp nói:

“Vậy Mùa Chay có thể là một cơ hội thuận tiện để lấy lại những luật chứa đựng trong Tông Hiến trên đây, đồng thời cũng giúp đánh giá ý nghĩa chân chính và trường cửu của việc thực hành thống hối như đã có từ lâu đời, vì nó có thể giúp chúng ta từ bỏ tính ích kỷ của chúng ta và giúp chúng ta mở lòng chúng ta ra trước tình yêu của Thiên Chúa và tình yêu tha nhân, vì đó là giới răn trước hết và cao cả nhất của Luật Mới và là toát lược tất cả Phúc âm” (x. Mt 22, 34-40).

Việc ăn chay giúp con người có được sự hiệp nhất giữa xác và hồn. Sứ điệp viết:

“Hơn nữa việc trung thành thực hiện việc ăn chay cũng mang sự hiệp nhất cho con người, giữa xác và hồn”.

Thánh Phaolô cảm nghiệm được sự trái ngược giữa xác và hồn nơi chính mình, và tin rằng chỉ Chúa Kitô mới giải thoát mình và đem lại sự hiệp nhất: “Thật vậy tôi không hiểu điều tôi làm. Tôi không làm điều tôi muốn, trái lại tôi cứ làm điều tôi ghét. .. Như vậy là tôi có kinh nghiệm này: khi tôi muốn làm sự lành, thì sự dữ đã hiện ra bên cạnh tôi. Trong thâm tâm tôi, tôi vốn yêu mến lề luật Chúa. Nhưng tôi lại thấy xuất hiện trong mình tôi một lề luật khác, chống đối lề luật nơi lương tâm tôi và lôi cuốn tôi vào cạm bẫy của tội lỗi trong tôi. Khốn thân tôi! Ai sẽ cứu tôi thoát khỏi thân xác hay chết này? Cảm tạ Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 7, 15. 21-25). Trong đường tu đức việc ăn chay sẽ giúp Chúa Kitô đem lại sự hiệp nhất hồn và xác nơi con người.

Việc ăn chay

“giúp tín hữu tránh tội và lớn lên trong việc sống thân mật với Chúa”.

Gương thánh Augustinô: Thánh Augustinô là con người biết rõ những khuynh hướng xấu của mình đã gọi các khuynh hướng này là ‘nút vạy vọ và rối rít” (Tự thuật, II, 10.18), đã viết trong tác phẩm bàn về Sự ích lợi của việc ăn chay, như sau: “Đó là một hình phạt đối với tôi, nhưng là để Ngài tha thứ cho tôi; tôi tự ra hình phạt cho tôi, để Ngài trợ giúp tôi, để làm vui thỏa con mắt của Ngài, để tiến tới với người con yêu của sự ngọt ngào của Ngài”.

Ăn chay giúp con người dễ dàng nghe Lời Chúa. Sứ điệp nói:

“Khi người ta chấp nhận thiếu thốn của ăn vật chất, thì điều này làm cho dễ dàng tâm thức bên trong sẵn sàng lắng nghe Chúa Kitô và để mình được nuôi dưỡng bằng Lời ban ơn cứu rỗi”.

Giáo Hội thời xưa đã cầu xin như sau: “Lạy Thiên Chúa, cùng với việc ăn chay và cầu nguyện, Chúa đã dạy chúng con biết sống khiêm nhường theo gương Chúa Kitô Chúa chúng con, Con Một Chúa. ..”

Lời nguyện nhập lễ của Chúa Nhật thứ I Mùa Chay cho chúng ta thấy ý nghĩa thật sâu xa của thời gian thanh luyện và thực hành đạo đức này. Lời nguyện đọc như sau: “Lạy Thiên Chúa toàn năng, hằng năm Chúa ban cho chúng con bốn mươi ngày chay thánh để tôi luyện hồn xác chúng con. Xin giúp chúng con sống những ngày khắc khổ này để học biết Đức Kitô, và dõi theo gương Người, hầu xứng đáng hưởng ơn Người cứu độ. Người là Thiên chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời”. Như vậy mục đích sau cùng của Mùa Chay, là học biết Chúa Kitô và theo gương của Người. Việc ăn chay, cầu nguyện và bố thí, đọc Lời Chúa, là những phương thế giúp chúng ta tới Chúa Kitô, đi sâu vào mầu nhiệm của Ngài, nhất là Mầu nhiệm Vượt qua sẽ được mừng trọng thể trong Ngày Lễ Phục Sinh. Vì thế khoa học về Chúa Kitô là điều chúng ta phải nhắm tới trước tiên và sau cùng trong Mùa Chay thánh hằng năm. Điều này chúng ta phải làm và làm mãi, vì không bao giờ chúng ta nắm trọn được khoc học về Chúa Kitô (scientia Christi), đạt tới chiều sâu, chiều dọc, chiều ngang, chiều dài, chiều cao của khoa học này.

Ăn chay và sự đói khát Thiên Chúa. Sứ điệp còn nói:

“Cùng với sự ăn chay và cầu nguyện chúng ta cho phép Chúa Kitô đến để làm thỏa mãn cơn khát sâu xa nhất mà chúng ta cảm nghiệm được trong thâm tâm chúng ta: đó là cơn đói khát Thiên Chúa”.

Công đồng chung Vaticanô II đã phân tích tình trạng đói khát này trong Hiến chế mục vụ “Vui mừng và Hy vọng” như sau: “Bởi vì ngay chính trong con người có nhiều yếu tố xung khắc nhau. Vì một đàng, là tạo vật, con người thấy mình bị giới hạn trong nhiều phương diện, nhưng đàng khác, lại cảm thấy mình có những khát vọng vô biên và còn cảm thấy được mời gọi tới một cuộc sống cao cả hơn. .. Vậy dưới ánh sáng Chúa Kitô, Hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, Trưởng tử giữa mọi thụ sinh, Công đồng muốn nói với mọi người để làm sáng tỏ về mầu nhiệm con người và để cùng nhau tìm giải đáp cho những vấn đề chính yếu của thời đại chúng ta” (s. 10).

Đ VIỆC ĂN CHAY VÀ SỐNG BÁC ÁI

Khi tín hữu ăn chay, thì hành động này không chỉ nhắm vào con người của họ, nhưng cũng có tiếng vang vọng tới người anh chị em chúng ta. Trong Sứ điệp Mùa Chay năm 2009, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nói:

“Cùng lúc, việc ăn chay giúp chúng ta có được ý thức về tình trạng mà bao nhiêu người anh chị em chúng ta đang sống trong đó”.

Thánh Phaolô cho chúng ta một bài thánh ca tuyệt vời về đức ái. Ngài nói: “Dù tôi nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần, nếu tôi không có đức ái, thì tôi chỉ là người khua chiêng gõ trống. Dù tôi nói tiên tri, dù tôi thấu suốt mọi mầu nhiệm cùng mọi khoa học, hay dù tôi có đức tin mạnh mẽ khiến được núi non di chuyển, nếu tôi không có đức ái, thì tôi chỉ là hư vô. Dù tôi phân phát mọi của cải tôi cho người nghèo khó, nếu tôi không có đức ái, thì những hy sinh ấy cũng thành vô ích” (1Cr 13, 1-3).

Rồi Sứ điệp đã quảng diễn như sau:

Lời cảnh cáo của Thánh Gioan từ xa xưa với những người khép kín lòng từ tâm trước những người anh chị em nghèo khổ, được Sứ điệp nhắc lại như sau:

“Trong thư thứ nhất của mình, Thánh Gioan đã cảnh cáo như sau: ‘Nếu một người có tiền của trong thế gian này và khi nhìn thấy người anh em của mình sống trong cảnh túng thiếu, mà lại khép kín lòng mình lại, thì làm sao họ có thể ở trong tình yêu Thiên Chúa?’” (1Ga 3, 17).

Trong khía cạnh tích cực, việc ăn chay giúp tín hữu sống theo cung cách của người Samaritanô nhân hậu được ghi lại trong Phúc âm. Sứ điệp nói:

“Tự nguyện ăn chay giúp chúng ta vun trồng một nếp sống của người Samaritanô nhân hậu, là người đã cúi mình xuống và trợ giúp người anh em đang đau khổ” (x. Thông điệp Thiên Chúa là Tình yêu, s. 15).

Thánh Lêô Cả giúp chúng ta đào sâu mối liên hệ giữa việc ăn chay và thi hành bác ái. Ngài nói như sau: “Nơi các tín hữu, không có việc lành đạo đức nào đẹp lòng Chúa hơn là việc chăm lo cho người nghèo khó; nơi nào họ tìm thấy việc bác ái phải làm, thì họ nhận ra hình ảnh của chính lòng tốt của mình”.

Người anh chị em không là người xa lạ. Sứ điệp nói:

“Khi tự chọn thiếu thốn một vài điều gì để giúp người khác, thì trong cụ thể chúng ta chứng tỏ rằng người anh chị em đang gặp khó khăn không phải là người xa lạ với chúng ta”.

Thánh Gregorio Nazianzeno nói về việc bác ái như sau: “Về điều này, nếu anh chị em nghĩ phải nghe tôi điều gì, hỡi các tôi tớ của Chúa Kitô và là anh em với Ngài, là những người đồng thừa tự với Ngài, bao lâu còn được thì chúng ta hãy đến thăm viếng Chúa Kitô, hãy chữa trị cho Chúa, hãy nuôi nấng Chúa, hãy mặc áo cho Chúa, hãy tiếp đón Chúa, hãy tôn kính Chúa,. .. và thực hành tất cả qua lòng từ bi đối với người nghèo khó”.

Lời khuyên cụ thể của Đức Thánh Cha với các cộng đoàn giáo xứ. Sứ điệp nói:

“Chính để giữ thái độ đón tiếp và lưu tâm tới người anh chị em luôn được sống động, Tôi khuyến khích các giáo xứ và các cộng đoàn khác trong Mùa Chay này, hãy tăng cường việc thực hành ăn chay cá nhân và tập thể, đi đôi với việc vun trồng thái độ lắng nghe Lời Chúa, cầu nguyện và làm phúc bố thí. Ngay từ đầu tập tục này đã là cung cách của cộng đoàn Kitô giáo sơ khởi, theo đó người ta cho tổ chức các cuộc lạc quyên đặ biệt” (x. 2Cr 8-9; Rm 15, 25-27).

Các cộng đoàn của Phaolô đã nhận được từ Thánh nhân những chỉ thị về việc quyên tiền giúp các cộng đoàn túng thiếu và các người nghèo. Phaolô ra chỉ thị như sau: “Về việc quyên tiền giúp các tín hữu, tôi đã chỉ thị cho các giáo đoàn tại Galatia làm như thế nào, thì anh em cũng hãy làm như vậy. Cứ ngày đầu tuần lễ, mỗi người anh em hãy để dành ra một món tùy sức mình và để sẵn tại nhà mình, đừng đợi khi tôi tới nơi rồi mới quyên góp. Khi tôi đến, tôi sẽ viết thư giới thiệu cho những người mà anh em lựa chọn để mang các đồ quyên tặng của anh chị em cho giáo đoàn tại Giêrusalem. Và nếu xét tôi cần phải đi thì họ sẽ cùng đi với tôi” (1Cr 16, 3.4).

Các tín hữu được kêu mời để đem cho kẻ khó, những gì mà do việc ăn chay họ dành ra được, để đem cho kẻ khó” (x. Didascalia Apostolica, V, 20, 18).

Đức Thánh Cha khuyến khích ngày nay cũng hãy làm sống lại thói quen lạc quyên để giúp các cộng đoàn túng thiếu, như mô tả trên đây. Sứ điệp nói:

“Cả ngày nay nữa tập tục trên đây cần được tái lập lại và cần được cổ võ nhất là trong Mùa Chay phụng vụ này”.

Việc bố thí phải thực hiện cho hết mọi người như Thánh Lêô Cả dạy: “Cả ngay nếu sự khó nghèo của các tín hữu phải được trợ giúp trước tiên, thì cả những người chưa được rao giảng Tin Mừng cũng đáng được trợ giúp trong sự túng thiếu của họ, bởi vì người ta phải yêu thương tất cả mọi người trong sự hiệp thông cùng một bản tính như nhau”.

E VIỆC ĂN CHAY VÀ NẾP SỐNG KHỔ CHẾ

Trong sinh hoạt của đời sống thiêng liêng và khổ chế, việc ăn chay cũng có một giá trị và ý nghĩa riêng của nó. Sứ điệp đã trình bày cách đại cương như sau:

“Theo như những điều Tôi nói trên đây, thì người ta thấy thật rõ ràng hiển nhiên là việc ăn chay cho thấy một tập tục khổ chế thật quan trọng, một khí giới thiêng liêng để chống lại mọi quyến luyến có thể có và mang tính cách lăng loàn vô trật tự đối với chính mình ta”.

Qua lời trình bày này Đức Thánh Cha xác nhận việc thực hành ăn chay vẫn còn là một hình thức khổ chế quan trọng trong đời sống siêu nhiên và đó là một khí giới để thắng lướt việc quyến luyến quá độ với chính mình ta.

Rồi Sứ điệp nói tiếp:

“Khi người ta tự nguyện chấp nhận thiếu thốn một số đồ ăn hay những của cải vật chất khác, thì điều này giúp cho người môn đệ của Chúa Kitô biết kiềm chế các ước muốn của bản tính con người bị làm cho ra yếu nhược vì tội nguyên tổ, mà các hậu quả tiêu cực của chúng ảnh hưởng tới toàn thể con người”.

Trong đoạn văn này Sứ điệp đi vào tận trong căn cốt sâu thẳm của con người, tức là bản tính của họ, và nói tới vết thương nặng nề mà họ mang theo do tội nguyên tổ. Như vậy do công nghiệp của Chúa Kitô, tội nguyên tổ và các tội khác đã được tha thứ, tuy nhiên vẫn còn lại các hậu quả ảnh hưởng trên bản tính con người và làm cho nó ra yếu đuối không thể vươn lên được. Và để thắng các dục vọng lăng loàn này, thì việc ăn chay là một trong những phương thế cứu chữa.

Tới đây Sứ điệp trích dẫn một thánh thi phụng vụ mang tính cách tu đức xa xưa, cho thấy con người phải ăn chay những gì. Sứ điệp nói như sau:

“Một bài thánh thi phụng vụ xa xưa dùng trong Mùa Chay khuyên bảo tín hữu như sau: ‘Chúng ta hãy dùng một cách điều độ:

+ lời nói

+ của ăn và thức uống

+ trong việc nghỉ ngơi,

+ vui chơi

và luôn giữ mình tỉnh thức

chú ý ngày càng thêm nhiều’”.

Năm điều phải ăn chay: lời nói, ăn, uống, nghỉ và vui chơi; hai thái độ phải có: tỉnh thức và chú ý. Thật là kinh nghiệm tu đức sâu xa của tín hữu thời xưa, và vẫn còn giá trị cho tín hữu thời nay.

Thánh thi Giờ Kinh Sáng Thứ Năm Tuần thứ II Mùa Thường niên diễn tả những việc này như sau: “Ánh bình mình đã nhuốm hồng khóm trúc, hãy mở hồn cho tỏa ngát hương kinh, nguyện suốt ngày trong mọi nơi mọi lúc, Chúa giữ ta khỏi vương vấn tội tình. // Này ngôn ngữ, xin dằn cho êm lại, nỗi bất bình, thu xếp gọn một bên, còn đôi mắt, ngăn đừng cho cuồng dại thu bóng hình những ảo ảnh phù vân. // Cho tấc dạ trinh bạch như tuyết trắng, mãi can trường trong thử thách đau thương, khi tiết độ khi cầu kinh nguyện ngắm vững tâm theo đường đạo lý luân thường. // Ngày vừa xế Chúa cuốn thời gian lại, mảnh trời tây còn bảng lảng bóng vàng, Ta sẽ được Chúa khoan hồng thanh tẩy, vui ngập lòng ta miệng hát vang vang. // Vinh danh Chúa, Lạy Ngôi Cha hằng có, Vinh danh Ngài, tâu Thánh Tử Giêsu, Vinh danh Ngài, lạy Thánh Thần Thiên Chúa tự muôn đời và mãi tới thiên thu”. Thánh thi này thật đáng cho chúng ta suy niệm và sống theo các chỉ dẫn trong đó để hãm mình về khía cạnh thân xác trong Mùa Chay thánh.

IV KẾT LUẬN

Để kết thúc Sứ điệp, Đức Thánh Cha tóm lại những gì Ngài đã trình bày. Sứ điệp nói:

“Anh Chị Em thân mến, chúng ta nhìn thấy rõ ràng rồi, mục đích của việc ăn chay là giúp mỗi người chúng ta, như vị Tôi Tớ Thiên Chúa, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói, đó là làm cho mình trở nên một lễ hiến dâng hoàn toàn cho Thiên Chúa” (x. Gioan Phaolô II, Tđ, Hào quang chân lý, s. 21).

Như vậy cuối cùng thì việc ăn chay mang tính cách thần học cao quý, đó là làm cho con người nên lễ hiến dâng cho Thiên Chúa. Chúng ta có ăn chay, không để tìm mình, phạt mình, nhưng là để đem chúng ta đi vào sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa. Thật cao đẹp và giải phóng việc ăn chay khỏi mọi ý niệm giới hạn trần tục, hay tu đức xả kỷ, nhắm vào con người của mình. Ở đây trong cái nhìn này, việc ăn chay nhắm vào Thiên Chúa và nhờ đó con người thuộc trọn về Thiên Chúa và được chia sẻ sự vinh quang của Thiên Chúa chân thật.

Rồi Đức Thánh Cha lại hướng tới các thành phần và cộng đoàn Dân Chúa để nhắc nhở cho họ về việc ăn chay. Sứ điệp nói như sau:

“Vì thế Mùa Chay cần được đánh giá lại trong mỗi gia đình và trong mỗi cộng đoàn Kitô hữu, để làm cho họ tránh những gì làm cho họ xa lìa tinh thần và tăng cường những gì nuôi dưỡng linh hồn biết mở rộng lòng ra trước tình yêu Thiên Chúa và người khác”.

Và Đức Thánh Cha nhắc lại một cách vắn tắt những điều phải làm trong Mùa Chay thánh này. Ngài nói với chúng ta:

“Tôi nghĩ tới một sự dấn thân nhiều hơn trong việc

+ Cầu nguyện

+ Đọc Lời Chúa với việc cầu nguyện (lectio divina)

+ Lãnh nhận bí tích thống hối và hòa giải

+ Tham dự tích cực bí tích Thánh Thể, nhất là việc tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật.

Cùng với tâm thức bên trong và thống hối này chúng ta đi vào bầu khí của Mùa Chay”.

Kiểu nói “lectio divina” trong các văn kiện chính thức thường được dịch là “việc đọc Lời Chúa kèm theo việc cầu nguyện” (la lecture priante). Ở đây tôi xin nói tới một số yếu tố trong cơ cấu của việc đọc Kinh Thánh với cầu nguyện, gồm:

Đọc một đoạn Kinh Thánh: đọc chậm, với chú ý, với hồi tâm; đọc trong đức tin; đọc lại một lần nữa, hay hai lần, nếu thấy cần;

Lắng nghe Lời Chúa: trong thinh lặng để Lời Chúa nói với ta, gợi hứng cho ta, soi sáng cho ta; nhận ra những điểm nổi bật của đoạn Kinh Thánh;

Suy niệm: nghiền ngẫm đoạn Kinh Thánh, như là “nhai đi nhại lại”; ngừng lại nơi những điều quan hệ, có giá trị trường cửu; đánh động ta hơn;

Chiêm ngắm: để cho tâm hồn ở trước Lời Chúa: với tâm tình ngạc nhiên, ngỡ ngàng, vui mừng, tin cậy, phú thác, phó dâng trọn vẹn cuộc sống, sẵn sàng làm những gì Chúa muốn, Lời Chúa muốn, cầu xin, cầu khẩn ơn tha thứ, xin ơn hiệp nhất;

Thờ lạy Lời Chúa, tức là thờ lạy chính Chúa Kitô là Ngôi Lời của Thiên, nhìn nhận uy quyền của Lời Chúa, sức mạnh của Lời Chúa, bày tỏ sự tùng phục hoàn toàn nơi thánh ý Chúa được bày tỏ ra qua Lời Chúa;

Cầu nguyện: để tâm hồn hướng hoàn toàn về Chúa và thân thưa với Chúa trong sự đơn sơ, chân thành, tín thác, yêu mến.

Nhận sứ điệp Lời Chúa gửi cho mình trong hoàn cảnh hiện thời, trong giây phút hiện tại.

Đọc lại đoạn Kinh Thánh với ánh sáng mới và niềm hân hoan nhận được từ Lời Chúa.

LỜI CHÚC LÀNH CỦA ĐỨC THÁNH CHA

Vào cuối Sứ điệp, Đức Thánh Cha cầu xin sự trợ giúp của Mẹ Maria, là nguồn mạch của sự vui mừng cho tất cả mọi tín hữu (Causa nostrae laetitiae). Sứ điệp nói:

“Xin Đức Trinh Nữ Maria, nguồn mạch sự vui mừng của chúng ta, cùng đồng hành với chúng ta và nâng đỡ chúng ta trong nỗ lực giải thoát cõi lòng chúng ta khỏi ách nô lệ của tội lỗi và như thế biến tâm hồn chúng ta mỗi ngày nên đền thờ xứng đáng hơn cho Thiên Chúa hằng sống ngự trị. Cùng với lời cầu chúc này, trong khi Tôi bảo đảm với Anh Chị Em là Tôi sẽ cầu nguyện cho Anh Chị Em, để mỗi tín hữu, mỗi cộng đoàn trong Giáo Hội trải qua hành trình Mùa Chay này với nhiều lợi ích, Tôi vui lòng ban Phép Lành Tông Tòa cho tất cả mọi người”.

Lời cầu chúc này hướng về Mẹ Maria, như người Mẹ dẫn dắt chúng ta trong hành trình Mùa Chay, và nhắc lại cố gắng chính yếu trong Mùa Chay là giải thoát khỏi tội lỗi và sống hiệp thông với Thiên Chúa.

Ký tại Vaticano 11-12-2008: ĐGH Bênêđictô XVI.

Công bố trong báo L’Osservatore Romano, 4-2-2009, tr. 1.

Rôma, ngày 20-2-2009.

Lm. Phanxicô Borgia Trần Văn Khả
 
Lậy Chúa, chỉ mình Chúa là đủ cho con
LM. Giuse Nguyễn Hữu An
15:41 03/03/2009
LẠY CHÚA, CHỈ MÌNH CHÚA LÀ ĐỦ CHO CON.

Tôi nhận email của Hồng Nhung: “Xin Cha vui lòng cho độc giả Vườn Hồng biết CẢM TƯỞNG CỦA MỘT LINH MỤC khi 'bị' các người đẹp Yêu ???”.

Tôi rất ái ngại vì mình chưa có chút kinh nghiệm “bị yêu” nên viết ra e nhiều người cười cho.

Sau khi suy nghĩ và cầu nguyện, tôi gởi đến quý độc giả vài chia sẽ về sứ vụ, đời sống độc thân khiết tịnh của Linh mục.

Không biết chị em nào đã “trót lỡ Yêu linh mục với mối tình đơn phương và hoàn toàn Yêu trong câm lặng” (Chữ của HN) thì khi đọc bài chia sẽ này, xin hãy “tha” cho các ngài, hãy cầu nguyện cho các linh mục nhiều hơn nữa nhé!

1. Sứ vụ chính yếu của Linh mục.

Có người hỏi tôi rằng: hình ảnh nào đẹp nhất, xúc động nhất trong ngày thụ phong linh mục?

Tôi trả lời: hình ảnh đẹp nhất, xúc động nhất là hình ảnh tiến chức nằm phủ phục dưới đất, cộng đoàn đọc kinh cầu các Thánh.

Trong thánh lễ truyền chức linh mục, Đức Giám Mục hỏi ứng viên:

- “Con quý mến, con có muốn trở thành linh mục, cộng tác viên của Giám Mục trong chức linh mục, để phục vụ và dẫn dắt Dân Chúa dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần không?”.

- “Con có muốn trung thành chu toàn tác vụ Lời Chúa, nghĩa là rao giảng Tin mừng và trình bày giáo lý Đức Tin Công Giáo theo truyền thống của Hội Thánh để ngợi khen Thiên Chúa và thánh hóa Dân Kitô giáo không?”

- “Con có muốn mỗi ngày kết hiệp với Linh Mục Thượng Phẩm là Chúa Kitô, Đấng tận hiến mình cho Cha Người và với Người, thánh hiến con cho Thiên Chúa để cứu rỗi loài người không ?”.

Sau khi ưng thuận và hứa vâng phục Đức Giám Mục, tiến chức đến quỳ gối đặt tay vào lòng bàn tay Đức Giám Mục. Rồi cộng đoàn đọc kinh cầu Các Thánh, cả triều thần thánh, cộng đoàn Dân Chúa đều tập hợp và cầu nguyện cho tiến chức đang nằm phủ phục dưới đất. Đó là hình ảnh tuyệt đẹp, gây xúc động trong ngày thụ phong linh mục.

Tiến chức nằm phủ phục dưới đất với cảm thức sâu xa về “cái bình sành dễ vở” nơi con người của mình.Thân phận con người với những giới hạn của bản thân luôn mỏng dòn, yếu đuối. Nhờ lời chuyển cầu của các Thánh và lời cầu nguyện của cộng đoàn dân Chúa mà tiến chức đón nhận thánh chức Linh mục. Đón nhận hồng ân diệu vợi mà Thiên Chúa trao ban. Tiến chức từ thân phận “bụi tro” được Chúa thương yêu “nâng lên hàng tư tế”, rồi được Chúa “chọn làm bạn nghĩa thân tình” và còn “ban muôn thiêng dẫn đưa”.

Qua Bí Tích Truyền Chức Thánh, linh mục được trao ban những sứ vụ chính yếu là rao giảng Tin mừng, cử hành các Bí tích và dẫn dắt đoàn chiên Chúa giao phó. Cả ba chức năng ấy gắn liền và hòa trộn lẫn nhau chẳng khác nào việc hô hấp, tiêu hóa và tuần hoàn trong cùng một cơ thể. Lời Chúa không ngừng lại ở ngưỡng cửa Bí tích, mà luôn âm vang mạnh mẽ vì tất cả các Bí tích đều là những Bí tích đức tin. Cũng vậy, chức vụ chủ chăn quy tụ Dân Chúa để cử hành Thánh Thể. Một khi đã dành ưu tiên cho việc phúc âm hóa và quan tâm đến các con chiên lạc, thì các bổn phận khác sẽ được bảo đảm và hòa chung trong một chức vụ chăn chiên. Như vậy, linh mục là người quy tụ mọi người trong Đức Kitô Giêsu, xây dựng cộng đồng, mở rộng cộng đồng ấy và liên kết với mọi cộng đồng trên thế giới. Nói cách khác, linh mục là người đào tạo và làm tăng trưởng Thân Thể Chúa Kitô.

a. Linh mục là Tư tế lo việc phụng tự.

Linh mục được thánh hiến cho Thiên Chúa để trở thành tư tế lo việc phụng tự.

Ngày xưa, Thiên Chúa đã tuyển chọn các tư tế trong 12 gia tộc Israel. Mỗi tộc trưởng nộp một cây gậy ghi tên của mình và đặt trước Hòm Bia Thiên Chúa. Ngày hôm sau, một trong số 12 cây gậy đã đâm chồi và nở hoa. Đó là cây gậy của ông Aaron, tộc trưởng Lê-vi. Ông Aaron đã được tuyển chọn để trở thành tộc trưởng của gia tộc tư tế. Từ đó, các thầy Lê-vi trong gia tộc được thánh hiến cho Thiên Chúa để trở thành tư tế lo việc phụng tự (Ds 17,16-26).

Thiên Chúa vẫn tiếp tục kêu gọi và tuyển chọn các linh mục để thánh hiến và sai đi. Chiếc gậy trong tay người lữ hành đã nở hoa và vẫn mãi nở hoa trên cuộc hành trình tình yêu.

Người ta mua một chiếc xe mới liền đến xin Linh Mục làm phép xe cho họ; người ta mua một ảnh tượng mới cũng tới xin Linh mục làm phép cho họ; người ta mới mua được chiếc ghe, chiếc thuyền cũng tới xin Linh mục làm phép; người ta mới cất một căn nhà đẹp cũng đến xin Linh Mục làm phép nhà cho họ; Linh Mục đến thăm nhà, họ cũng mời Linh Mục chúc lành cho họ và gia đình...Không phải người ta tin dị đoan, nhưng người ta tin Chúa Giêsu nơi con người của Linh Mục, người ta xác tín Linh Mục là người của Chúa Kitô đang thay mặt Ngài để giáng phúc cho họ. Do đó, dù biết rằng Linh Mục vẫn chỉ là một con người như họ, có những bất toàn và những thói hư tật xấu, nhưng họ vẫn tin tưởng và yêu mến Chúa Kitô nơi vị mục tử của mình.

b. Linh mục là người loan báo TìnhYêu Chúa:

Các linh mục được Thiên Chúa hiến thánh để tham dự đặc biệt vào chức linh mục của Chúa Kitô. Với nhiệm vụ cử hành các việc thánh, linh mục hành động như những thừa tác viên của Đấng, nhờ Thánh Thần, vẫn không ngừng thi hành chức vụ để mưu ích cho chúng dân Chúa. Nhờ phép rửa, linh mục dẫn đưa con người gia nhập vào Dân Thiên Chúa. Nhờ Bí tích thống hối, linh mục giao hòa tội nhân với Thiên Chúa và Hội Thánh. Nhờ việc Xức dầu bệnh nhân, linh mục xoa dịu những ai đang đau đớn. Nhất là nhờ việc cử hành Thánh lễ, linh mục tiến dâng hy lễ của Đức Kitô cách Bí tích. Như thế, tiệc Thánh Thể là trung tâm của cộng đoàn tín hữu mà chủ sự là linh mục. Ngoài ra, kinh Nhật Tụng hay Phụng Vụ Các Giờ Kinh làm cho linh mục kéo dài thánh lễ suốt ngày, đồng thời qua đó, các linh mục nhân danh Giáo Hội, thành khẩn cầu cùng Thiên Chúa cho toàn dân đã được trao phó cho các Ngài, và hơn nữa, các Ngài cầu cho toàn thể thế giới.

Thế giới ngày nay đang cần đến các linh mục can đảm, yêu thương, những người hân hoan loan báo tình yêu Thiên Chúa đến với mọi người, giúp họ nhận ra Chúa hằng yêu thương và thánh hoá cuộc đời của họ, đặc biệt là những ai đang lầm than trong nghèo đói hay đang vất vả vật lộn với những khó khăn.

c. Linh mục là nơi nương tựa cho mọi người.

Linh mục nương tựa vào Chúa để trở thành chỗ tựa nương cho mọi người. Những người theo Chúa luôn được mời gọi đi vào cuộc hành trình mục tử của Chúa. Vì thế, ơn gọi linh mục không gì khác hơn là ơn gọi mục tử: đi theo Chúa là vị "Mục Tử Nhân Lành" (Ga 10,11) để trở thành "mục tử như lòng Chúa mong ước" (Gr 3,15). Như thế, cuộc đời linh mục là cuộc hành trình mục tử gồm hai khía cạnh: được Chúa dìu dắt để dắt dìu người khác. Linh mục được mời gọi trở nên "chiếc gậy mục tử" của Chúa. Vì thế, chiếc gậy không còn là biểu tượng "uy quyền hay thống trị", nhưng luôn mang ý nghĩa "đỡ nâng và dẫn đường".

Cuộc đời linh mục luôn nở hoa yêu thương giữa trần thế, luôn tỏa hương thơm đức ái cho mọi người. Linh mục là nhịp cầu yêu thương cho Chúa Giêsu Mục Tử tiếp tục đến với nhân loại hôm nay. Linh mục trở nên người "Mục Tử Mới" cho thời đại: biến đời mình thành "đồng cỏ xanh tươi" với trái tim luôn tuôn trào "nguồn suối mát" và vắt kiệt đời mình nên "chén rượu đầy tràn chan chứa" cho mọi người. Dù thế nào, linh mục vẫn bước đi không ngại ngùng vì tin rằng "lời nguyện hiến tế" của Chúa dành cho các môn đệ ngày xưa, vẫn còn tiếp tục dành cho người linh mục hôm nay: để tình cha đã yêu thương con ở trong họ (Ga 17,26)

Thưa bạn,

Ơn gọi Linh mục chính là một cuộc hành trình tình yêu. Cuộc hành trình nào mà chẳng có gian truân. Cuộc ra đi nào mà không phải từ bỏ? Cuộc hành trình ơn gọi linh mục có khi đầy gian khó như cuộc hành trình của ngôn sứ Êlia trên núi Hôreb: để giữ gìn Giao Ước và đức tin, ông đã bị truy đuổi đến kiệt sức trong cơn tuyệt vọng. Nhưng Chúa đã sai thiên sứ đến nâng đỡ để ông tiếp tục cuộc hành trình (1V 19,1-8). Cuộc hành trình ơn gọi linh mục cũng đầy thử thách như cuộc hành trình của tổ phụ Abraham: lên núi sát tế Isaac, người con trai duy nhất. Chúa đã ban ơn cho ông vì đã thấy lòng tin mạnh mẽ của ông (St 22,1-14). Cuộc hành trình ơn gọi linh mục cũng có lúc đầy gian nan như cuộc hành trình tông đồ của thánh Phaolô. Ngài đã chiến đấu không ngừng, đã chạy đến cùng đường và giữ vững đức tin (2Tm 4,7). Lời Thánh Phaolô khuyên dạy “Ai tường mình đứng vững, hãy coi chừng kẻo ngã”, các linh mục “ghi nhớ và suy niệm trong lòng”. Linh mục chỉ tựa nương một mình Chúa mà thôi vì “Chúa là thành luỹ bảo vệ đời tôi”.

Dù cuộc hành trình ơn gọi đầy thử thách và hy sinh, Chúa vẫn đồng hành và nâng đỡ linh mục. Có cây gậy của Chúa giữ gìn, bảo vệ, linh mục luôn an tâm vững bước (Tv 23,4). Hoa vẫn nở trên những nẻo đường gập ghềnh sỏi đá của đời linh mục. Vì thế, cuộc đời linh mục chính là một lời ngợi ca không ngừng: lòng nhân hậu và tình thương Chúa ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời (Tv 23,6).

2. Đời sống độc thân khiết tịnh.

Tình yêu nam nữ là một thực tại luôn có sức hấp dẫn lôi cuốn và mãnh liệt nhất. Được cưu mang, sinh ra, nuôi dưỡng và lớn lên trong yêu thương, mỗi người được tháp nhập vào quỹ đạo của tình yêu.Từ tình yêu nơi gia đình, nơi học đường,nơi tha nhân, con người ngày càng khám phá và cảm nhận một khả năng là muốn yêu và được yêu.

Tình yêu là nhu cầu cần thiết. Tình yêu là khát vọng sâu xa. Ngươì nam và người nữ đi tìm một nửa của mình để nên “một xương một thịt”. Ai cũng muốn nếm cảm tình yêu từ tuổi thanh xuân. Ai cũng muốn tìm đến một ai đó, một nữa hồn mình để nói hết lý lẽ của trái tim. Xa một nửa hồn mình, người ta thấy trống vắng, thấy tẻ nhạt như thi sĩ Hàn Mặc Tử diễn tả:

Người đi một nửa hồn tôi mất.

Một nửa hồn kia bổng dại khờ.


Khước từ tình yêu có nhiều sức hấp dẫn kỳ lạ. Điều ấy dường như trở nên một nghịch lý, nhất là đời sống tự do luyến ái, tự do tình dục thời đại hôm nay. Do vậy, đời sống độc thân khiết tịnh của linh mục càng trở nên một phản chứng cho những gì thế giới bên ngoài đang tôn thờ. Thế nhưng, nó lại trở thành lời hùng biện vĩ đại,có sức lôi cuốn con người nhìn đến thực tại cao hơn trong lý tưởng dâng hiến mà những linh mục đang sống và thể hiện.

Dâng hiến cho Chúa, linh mục hiểu rằng: tất cả cuộc đời mình đã trao dâng về Ngài, thân xác, linh hồn và cả tình yêu.

Độc thân khiết tịnh, đó chính là lời ký ước để biết yêu thương nhiều hơn nhờ sức mạnh của Thiên Chúa nơi trái tim. Tình yêu đó không còn mang mùi vị đam mê trần thế, ích kỷ và chiếm đoạt. Linh mục chỉ còn sống tình yêu với Thiên Chúa để đến với mọi người cho dù bên ngoài tình yêu vẫn vẫy gọi thiết tha, cho dù nhiều cô luôn “thương thầm nhớ trộm” hay “chủ động tấn công”.

Linh mục thể hiện sâu xa hơn một tình yêu không bị chia sẻ, một con tim dâng hiến trọn vẹn cho Đức Kitô. Khi chọn Đức Kitô, linh mục được Ngài trợ lực, vượt qua những lời mời gọi hạnh phúc lứa đôi, lắng im tiếng tơ lòng quyến rũ. Tất cả đều ở lại phía sau, trở nên lãng quên và trả về qúa khứ một tình yêu khao khát hạnh phúc riêng hồn mình.

Nhưng để hoàn toàn thuộc về Đức Kitô, linh mục luôn cảm thức sâu xa “Cái bình sành dễ vở” nơi con người mình, thấy rõ những giới hạn của bản thân, mỏng dòn, yếu đuối, để từ đó họ luôn ý thức được hồng ân diệu vợi nơi Thiên Chúa ban tặng cho mình trong đời sống dâng hiến.

Hương thơm của đời sống độc thân khiết tịnh đã mang đến cho cuộc đời một mùa xuân dịu mát trong những vẻ đẹp thanh cao nhất, biến đổi thế giới trong những ích kỷ chiếm đoạt của tình yêu đam mê, hướng nhân loại nhìn về Nước Trời mai sau trong hạnh phúc vĩnh cửu tuyệt mỹ.

Linh mục vẫn là con người vương mang nhiều yếu đuối và giới hạn phận người. Cuộc đời các ngài không thay đổi trong chớp nhoáng, không biến hình để trở thành người của thế giới siêu phàm.

Dâng hiến không có nghĩa là biến trái tim trở nên khô cứng lạnh giá,không còn biết rung cảm trước những vẻ đẹp. Dâng hiến cũng không phải là trở nên lạc lỏng, cô độc, khinh thường tình yêu trần thế. Trái lại, linh mục vẫn là người giữa cuộc đời,vẫn tiếp nhận những làn sóng yêu thương mời gọi trong rung động trái tim, vẫn có thể bị dao động trước một đối tượng mình tiếp xúc, vẫn nhìn thấy những điều kỳ lạ trong tình yêu đi tìm một nửa hồn mình. Nhưng các ngài dám từ bỏ tất cả, chỉ để dâng tình yêu cho Thiên Chúa mà thôi.

Bạn thấy đó,

Sứ vụ linh mục cao đẹp lắm, bởi được nhận lãnh từ Chúa Kitô.

Sứ vụ Linh mục nặng nề lắm, bởi vừa phải chu toàn trách vụ riêng vừa phải chăm lo phục vụ Dân Chúa.

Sứ vụ càng cao đẹp, linh mục càng thấy mình bất xứng.

Sứ vụ càng phức tạp, linh mục càng thấy mình giới hạn.

Sứ vụ càng trường kỳ, linh mục càng sợ mình mệt mỏi.

Chính vì thế, linh mục cần đến lời cầu nguyện của mọi người.

Chỉ yêu một mình Đức Kitô. Đó là động lực cơ bản khiến linh mục chỉ đi tìm Thiên Chúa và sống với Ngài. Linh mục cảm nếm sự ngọt ngào vô biên, hạnh phúc diệu kỳ của tình yêu tuyệt đối nơi Đấng mà mình tôn thờ.

Xin hãy cầu nguyện cho các linh mục luôn sống thánh thiện. Cầu nguyện cho các ngài mãi mãi thuộc về Chúa Kitô. Cầu nguyện cho các ngài luôn sống an vui, hạnh phúc với trọn tâm tình:

Lạy Chúa,chỉ mình Chúa là đủ cho con.

Và Lạy Chúa, xin cho con thấy Chúa thật bao la,để mọi sự đối với con chỉ là bé nhỏ.Amen.
 
Vâng nghe lời Người
LM. Giuse Nguyễn Hữu An
16:13 03/03/2009
Vâng nghe lời Người.

Tin mừng Nhất Lãm tường thuật lời loan báo về cuộc tử nạn. Đức Giêsu đưa Nhóm Mười Hai đi lên Giêrusalem, dọc đường, Người nói với các ông: “Này chúng ta lên Giêrusalem, và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án xử tử Người, sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá và ngày thứ ba, Người sẽ chỗi dậy” (Mt, 17-19).

Theo tin mừng Luca và Marcô thì các môn đệ không hiểu và sợ hãi khi nghe Thầy loan báo về cuộc thương khó. “Nhưng các ông không hiểu gì cả;đối với các ông, lời ấy còn bí ẩn, nên các ông không rõ những điều Người nói” (Lc 18,34); “Người dẫn đầu các ông. Các ông kinh hoàng, còn những kẻ theo sau cũng sợ hãi. Người lại kéo riêng Nhóm Mười Hai ra, và bắt đầu nói với các ông về những điều sắp xảy đến cho mình” (Mc 10,32).

Vì không hiểu nên sợ. Sợ nên không muốn đi. Phêrô kéo riêng Chúa ra mà ngăn cản và trách móc nên bị Chúa mắng cho là satan.

Chúa đưa ba môn đệ lên núi Tabor. Biến Hình rực rỡ nhằm củng cố tinh thần cho các môn đệ sau khi Chúa loan báo cuộc khổ nạn.

Tôi được diễm phúc lên Núi Tabor. Từ khách sạn ở Nazareth xe đi qua những thung lũng với nhiều vườn cây ôliu, vườn chuối, vườn cam xanh tươi ngút mắt. Tabor là ngọn núi rất đẹp, nó đưa mình lên êm ả từ một cánh đồng cỏ xanh. Xe buýt chỉ đến chân núi, sau đó phải đổi xe chuyên leo núi. Lên dốc cao, đường ngoằn ngoèo theo vòng xoáy trôn ốc như đường Đèo Ngoạn Mục. Trời thật lạnh khoảng 40c, gió thổi rét buốt trên đỉnh có độ cao 600m làm ai nấy run lên vì lạnh. Núi Tabor có một ngoại hình rất cân đối. Núi mọc lên giữa cánh đồng như một bàn thờ giữa trời đất, giống như lễ đàn của các bộ lạc để tế thần minh. Lúc Chúa Giêsu đem ba môn đệ yêu quý lên đây, không gian phải rất im vắng. Chỉ có gió vi vu và mây nắng với rừng cây thắm một màu xanh hùng vĩ.

Núi tiêu biểu cho quyền năng và vinh quang của Thiên Chúa. Núi là nơi mặc khải những điều trọng đại như khi xưa Thiên Chúa hiển linh trên núi Sinai với Môisê, núi Khoreb với Êlia, núi Tabor với ba môn đệ. Từ đỉnh núi, nhìn về hướng nam là làng Naim, một thành cổ hiện tại người Ảrập sinh sống, nơi đây Chúa cho con trai bà goá sống lại. Nazareth, một thị trấn sầm uất về hướng tây và Biển hồ Galilê mênh mang phía đông. Tabor, ngọn núi thiêng tạo thành một tam giác đều. Cả ba nơi đều gắn liền với cuộc đời Chúa Giêsu: lớn lên, truyền đạo và hiển dung. Bên ngoài, phía trái Nhà thờ vẫn còn dấu vết tường đá tu viện các cha dòng Bênêđictô một thời Trung cổ huy hoàng.

Theo sử gia Josephus thì nhóm Nhiệt Thành (Zelot) đã chiến đấu với quân Roma tại đây vào năm 66tcn. Năm 1634 các thầy Phanxicô mới dành lại được ngọn núi này từ tay quân Thổ. Nhưng mãi gần 300 năm sau mới xây đựơc Nhà thờ. Nhà Thờ Hiển Dung xây dựng từ năm 1925 do các cha dòng Phanxicô phụ trách. Mặt tiền nhà thờ đựơc kiến trúc nổi bật với hai ngọn tháp vuông cao vút. Bên trong hai ngọn tháp này là hai nguyện đường nhỏ kính tổ phụ Môisen và Êlia. Một bức tranh tuyệt đẹp theo nghệ thuật mosaic phía trên bàn thờ vòm cung thánh. Chúa biến hình trong hào quang rực sáng. Hai bên có Môisen trên núi Sinai và Êlia trên núi Carmel. Phía dưới là ba môn đệ Phêrô, Gioan và Giacôbê.

Tường thuật biến cố biến hình, cả ba Phúc âm đều nhấn mạnh đến thái độ hoảng sợ của các môn đệ. “Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông hoảng sợ” (Mc 9,6); “Khi thấy mình vào trong đám mây, các ông hoảng sợ” (Lc 9,34); “Nghe vậy, các môn đệ kinh hoàng ngã sấp mặt xuống đất” (Mt 17,6). Và khi Phêrô “ngã sấp mặt xuống đất” thì Chúa đến chạm vào ông và bảo: “Chỗi dậy đi, đừng sợ”. Các môn đệ không thể hiểu được hành trình của Đấng Cứu Thế sao lắm gian nan; kẻ theo Ngài làm sao không ngại ngùng sợ hãi cho được! (x. Mt 17,13-14; Mc 8,34; Mt 8,18; Mc 13,9; Lc 9,26). Nếu người ta làm an toàn những viên thuốc đắng bằng vỏ bọc kẹo ngọt, thì Chúa Giêsu cũng hoá giải tin cuộc khổ nạn bằng cuộc Biến hình rực rỡ. Bọc kẹo chứ không bọc thuốc ngũ. Hoá giải chứ không gây mê. Chúa cho các môn đệ thấy trước một thoáng Phục Sinh trước Phục Sinh. Chúa cho cảm nếm một chút Thiên đàng. Các ông đã tưởng là Thiên Đàng nên Phêrô xin làm ba lều để an nhàn trên núi cao, ngũ yên trong hào quang, quên đi các bạn và các cuộc truyền giáo dưới chân núi. Các ông không biết rằng Thầy Giêsu chỉ lên đỉnh Tabor trong chốt lát rồi xuống núi chuẩn bị vác thập giá bước vào cuộc thương khó. Hai đỉnh núi Tabor và Calvariô không xa nhau lắm về mặt địa lý, nhưng lại là con đường vạn lý. Chúa Giêsu đã nối kết hai đỉnh núi bằng con đường tình yêu cứu độ.

Biến cố Chúa biến hình trên núi Tabor là một trong những biến cố đặc biệt. Nó trở nên như một ngôi sao sáng cho các môn đệ trong đêm tối của những gian nan thử thách. Biến cố ấy vẫn luôn ghi đậm trong ký ức của các môn đệ. Nó là một điểm tựa, là một trợ lực cho đức tin của các ngài trong suốt tiến trình theo Chúa Giêsu.

Câu chuyện Chúa Biến hình trên núi Tabor được đặt làm sườn cho cả văn kiện “Tông Huấn Vita Consecrata” (đời sống thánh hiến). Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban hành ngày 25.3.1996, đúc kết những thành quả của Thượng Hội Đồng Giám Mục tháng 10.1994. Tông Huấn trình bày vẻ đẹp của đời tu. Con đường tu đức được ví như một cuộc đi tìm cái đẹp (số 19),hướng tới sự chiêm ngưỡng nhan Chúa, chân phúc dành cho các tâm hồn trong trắng. Các tu sĩ đã bị thu hút bởi vẻ đẹp của Chúa; họ mê say chiêm ngưỡng Chúa, để rồi phản chiếu khuôn mặt rạng rỡ của Ngài (số 27) sau khi lên núi chiêm ngắm Chúa Biến hình, các môn đệ được mời hãy đi xuống núi để phục vụ (số 75); họ còn phải trèo lên một núi khác đó là núi Calvariô (Số 14;40).Từ chỗ đi theo Đức Kitô (số 15;18),hoạ lại nếp sống của Ngài, đời tận hiến tiến tới chỗ “ Lắng nghe tiếng Chúa, ở kề bên Chúa”,”Đồng hoá hiện thân” ( số 16) với Ngài. Ngoài việc hoạ lại nếp sống khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục của Đức Kitô, đời thánh hiến còn diễn tả mầu nhiệm Thập giá và Phục sinh của Ngài nữa (số 23-24). Đức Kitô cần phải qua núi Calvariô để vào vinh quang thiên quốc.Trước đây, đời tu trì quen được ví với việc khắc kỷ tu thân, vác thập giá để đi theo Chúa. Nhưng đó mới chỉ là cái nhìn của truyền thống Latinh; còn truyền thống Đông phương thì muốn nêu bật sự biến dạng đổi hình từ con người phàm tục sang con người thần thiêng khi đi theo Chúa. Đức Gioan Phaolô II đã kết hợp cả hai cái nhìn về đời tu trong quang cảnh Chúa Biến hình: chủ đề thập giá và vinh quang gắn liền với nhau trong mầu nhiệm vượt qua của Đức Kitô. Đức Thánh Cha còn gọi đời Thánh hiến là một Đoàn Sủng đặc biệt trong Giáo hội,phát xuất và duy trì bởi Chúa Thánh Thần.Tu sĩ là món quà Chúa Thánh Thần ban cho Giáo hội và là một kho báu mà Giáo hội trân trọng giữ gìn.

Người sống đời tận hiến cũng như người tín hữu, muốn được “biến hình” trong đời sống cũng như muốn được trở nên “con yêu dấu” của Thiên Chúa cần phải “vâng nghe lời Người”.

Cả ba Phúc âm đều tường trình tiếng nói từ trời cao. Lời Chúa Cha như giới thiệu, chuẩn nhận Chúa Con và là lệnh truyền cho chúng ta. “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người” (Mt 17,5); “ Đây là Con yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người” (Mc 9,6); “Đây là Con Ta, Người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người” (Lc 9,35).

“Các ngươi hãy vâng nghe lời Người”. Đó là lệnh truyền của Chúa Cha, là điệp khúc kết luận của tiếng nói từ trời cao. Điệp khúc quan trọng vì cả ba Phúc âm đều nói đến. Lời của Chúa Kitô chính là chuẩn mực, là lề luật tuyệt đối mang lại ơn cứu độ cho nhân loại. Lời của Chúa Kitô là Lời Giao Ước vĩnh cửu cho con người được tham dự vào sự sống thần linh của Thiên Chúa Ba Ngôi.

“Các ngươi hãy vâng nghe lời Người”, một phán quyết long trọng và công khai của Chúa Cha. Từ nay, vâng nghe Lời Chúa Kitô, chúng ta sẽ được biến hình với Chúa Kitô, cùng được hưởng vinh quang Phục sinh với Chúa Kitô.

Chúa Kitô biến hình một khoảnh khắc thoáng qua. Cuộc biến hình trọn vẹn qua mầu nhiệm Phục sinh, đây là cuộc biến hình ngàn thu. Cuộc biến hình này là căn tính niềm tin của những người theo Chúa. Hãy để hồng ân của Chúa chiếu rực trong cuộc đời của chúng ta ngỏ hầu nhân loại thấy chúng ta biến hình, nghĩa là có thể thấy Chúa Kitô nơi khuôn mặt và đời sống chúng ta.
 
Ý nghiã biến cố Taborê
LM. Giuse Nguyễn Thành Long
16:18 03/03/2009
Ý NGHĨA BIẾN CỐ TABORÊ

Hôm thứ 2 vừa qua, tờ VnExpress đưa tin: “Tại Nhật Bản, những người thất nghiệp chán nản đang dần từ bỏ ý định tìm kiếm việc làm. Số lượng người mất nhà phải chuyển ra công viên ở ngày một tăng. Tình hình sẽ còn ảm đạm hơn khi các công ty tiếp tục đóng cửa nhà máy và cắt giảm nhân công. Những thống kê mới nhất cho thấy Nhật Bản, một đất nước từng thịnh vượng thứ hai thế giới, nay đối diện với nạn thất nghiệp gia tăng. Sản lượng sản xuất tại các nhà máy giảm 10% trong tháng 01/09 do đối tác nước ngoài cắt giảm đơn đặt hàng nhập khẩu. Kim ngạch xuất khẩu giảm tới 45,7% trong tháng trước. Các nhà xuất khẩu lớn như Toyota, Nissan đều đã phải cho nhiều nhà máy tạm ngưng hoạt động”.

Cũng theo bản tin trên thì tháng trước có 210.000 công nhân Nhật bị sa thải, góp phần nâng tổng số người không có việc làm lên đến 2,77 triệu người... Người ta dựng lều ngày càng nhiều trong các công viên, sau khi mất hết nhà cửa, việc làm. Nhìn những hàng dài nhà lều trong công viên, nhiều chuyên gia không khỏi cảm thấy bị sốc, khi mới một thập kỷ trước đây, Nhật bản còn duy trì chế độ làm việc suốt đời, không bao giờ sa thải nhân viên….

Nhìn chung các bản tin liên tục đưa ra các con số ảm đạm về viễn tượng suy thoái kinh tế ngày một tồi tệ, khiến cho người dân của một đất nước từng có GDP cao nhất Châu Á này thấy choáng váng thất vọng và ngã lòng.

Kính thưa quý ông bà anh chị em.

Trước lời loan báo về viễn tượng đen tối của cuộc thương khó Chúa Giêsu, tâm trạng của các môn đệ có lẽ cũng não nề thất vọng và ngã lòng không kém người dân Nhật hiện nay. Não nề vì khi Chúa Giêsu cho biết Ngài sẽ phải đương đầu với sự bắt bớ, bách hại, các ông không còn nhìn thấy được đâu là đấng cứu tinh mà muôn dân đang trông đợi. Thất vọng vì khi sắp sửa phải đối mặt với thập giá Chúa Giêsu, các ông chẳng còn nhận ra được đâu là thần tính của đấng mà các ông nhiều lần gọi là Chúa. Ngã lòng vì khi chạm trán với viễn tượng chết chóc, các ông chẳng còn hình dung được đâu là sự sống đời đời mà Thầy mình đã từng loan báo.

Hiểu rõ nỗi lòng của các môn sinh, Chúa Giêsu đã khéo léo đưa họ lên núi để họ được chiêm ngưỡng một biến cố đặc biệt đầy ý nghĩa, biến cố mở ra cho họ một viễn tượng mới tràn đầy hy vọng: biến cố Taborê.

1. Biến cố Taborê, biến cố chứng thực cho sự sống sau cái chết.

Quan niệm của người Dothái về sự sống lại, và sự sống sau cái chết vẫn còn có nhiều bất đồng và mơ hồ. Thậm chí nhóm Sađốc còn chủ trương không tin là có sự sống lại. Tuy nhiên, trong biến cố hiển dung trên núi Taborê, sự xuất hiện rạng ngời vinh hiển của hai nhân vật quá cố thời Cựu ước xa xưa là Môisê và Êlia, như một bằng chứng hiển nhiên và chắc chắn nói cho các môn đệ rằng có sự sống lại và sự sống sau cái chết. Nói cách khác, qua biến cố Taborê, Chúa Giêsu muốn nói với các môn đệ rằng các ông cứ tin tưởng có thế giới bên kia, nơi mà hai vị đại ngôn sứ đang sống hạnh phúc ngập tràn. Và rằng các ông cứ an tâm Thầy của của các ông có chết thì cũng sẽ phục sinh vinh quang.

2. Biến cố Taborê, biến cố biểu lộ vinh quang thần tính của Đức Kitô.

Trong cuộc sống thường nhật, Chúa Giêsu thường chỉ biểu lộ nhân tính của Ngài là một con người như mọi người, ngoại trừ tội lỗi. Còn thần tính của Ngài vẫn còn ẩn dấu, ẩn dấu trong một thân xác nghèo hèn dân dã.

Thế nhưng, qua biến cố Taborê, vinh quang Thiên Chúa, tức thần tính của Đức Giêsu tỏ hiện rõ nét và rạng ngời. Rõ nét đến độ, thánh Mathêu mô tả là các môn đệ choáng ngợp, té sấp mặt xuống đất: “Dung nhan Ngài chói lọi như mặt trời, y phục Ngài trắng sáng như sơn tuyết”. Rạng ngời đến nỗi các môn đệ chỉ còn muốn sống mãi trên núi với Chúa mà thôi. Chính thánh Phêrô xác nhận điều này: “Lạy Thầy, chúng con ở đây thì tuyệt cú mèo rồi. Nếu Thầy muốn, con xin làm 3 lều….”. Trong một bài suy niệm của mình, Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt cũng đã viết: “Thần tính Chúa Giêsu biểu lộ chứng thực Người là Thiên Chúa ẩn mình. Thì ra manh áo đơn sơ của bác thợ mộc che dấu cả một nguồn ánh sáng chói lọi. Tâm thân dân dã nghèo hèn lại là chiếc bình chứa đựng Ngôi Hai Thiên Chúa cao sang”.

3. Biến cố Taborê, biến cố khích lệ niềm tin cho các môn đệ trước viễn tượng cuộc thương khó của Thầy mình.

Chúng ta thấy rằng khi Chúa Giêsu bị bắt, ít là có 2 trong 3 môn đệ (Phêrô, Giacôbê và Gioan) đã từng chứng kiến biến cố Taborê đã không bỏ trốn như các môn đệ khác. Điều này chứng tỏ niềm tin của 3 môn đệ này được củng cố rất nhiều, nhờ thấy trước vinh quang phục sinh của Đức Giêsu. Đối tượng cụ thể của niềm tin đó chính là Đức Kitô, Con Một Yêu Dấu của Chúa Cha trên trời. Và vì tin vào Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai, là Con Thiên Chúa, các ông cần phải lắng nghe lời dạy của Ngài: “Đây là Con Ta yêu dấu. Các Ngươi hãy nghe lời Ngài”. “Lời Ngài” mà Chúa Cha muốn nói ở đây là lời Chúa Giêsu loan báo về cuộc thương khó tử nạn và phục sinh của Người. Lời Ngài ở đây là lời tiên báo về sự bắt bớ, tra tấn, đánh đập và bị giết chết nhục nhã trên Thánh Giá. Nghe để không bị chao đảo, nghe để không bị mất đức tin trước những thử thách nặng nề như thế.

Kính thưa quý ông bà anh chị em.

Khi tái khám phá những ý nghĩa của biến cố hiển dung trên núi Taborê, chúng ta được mời gọi điều gì ? Chúng ta được mời gọi mỗi khi đối diện với những bế tắc, nghiệt ngã trong cuộc sống vô thường ở đời này, hãy chiêm ngắm biến cố hiển dung để hy vọng, để cậy trông vào một cuộc sống vĩnh phúc đích thực mai sau. Hơn nữa, chúng ta còn được gọi mời khi gặp những đau thương thử thách của thập giá, hãy hướng lòng trí lên Đức Kitô vinh quang trên núi Taborê để được khuyến lệ, để được vấn an hầu có thể vượt qua được những thử thách đau thương trong đời.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha ghi nhận “có sự tưởng nhớ về mối hiệp nhất” với Chính Thống giáo
Bùi Hữu Thư
03:42 03/03/2009

Đức Thánh Cha ghi nhận “có sự tưởng nhớ về mối hiệp nhất” với Chính Thống giáo



VATICAN ngày 2, tháng 3, 2009
(Zenit.org).- Đức Thánh Cha Benedict XVI nói, việc chuyển giao một nhà thờ Ý cho Giáo Hội Chính Thống Nga gợi lên một sự “tưởng nhớ về mối hiệp nhất.”

Đức Thánh Cha khẳng định điều này trong một điện văn gửi cho một nghi lễ trong đó Tổng Thống Ý Giorgio Napolitano chuyển giao chìa khóa của nhà thờ Thánh Nicholas ở Bari, Ý, cho Tổng Thống Liên Minh Nga Dmitriy Medvedev. Ông Medvedev sau đó sẽ đưa chìa khóa cho Thượng Phụ Kirill ở Moscow.

Tổng Thống Ý
Tổng Thống Nga


Thánh Nicholas ở Bari


Hồng Y Salvatore De Giorgi, Tổng Giám Mục hưu trí của Palermo, Ý, đaị diện cho Đức Thánh Cha để đọc một điện văn của ngài.

Trong nghi lễ -- đúng ra được tổ chức vào ngày Lễ Thánh Nicholas, 6 tháng Chạp, 2008, nhưng được hoãn lại vì có tang lễ của Thượng Phụ Alexy II trong tháng đó – điện văn của Đức Thánh Cha nhắc rằng người dân Nga không bao giờ quên lãng việc kính mến “vị thánh cao quý này."

Đức Thánh Cha cũng ghi nhận việc xây cất nhà thờ Bari vào đầu thế kỷ vừa qua để đón chào các khách hành hương Chính Thống Giáo Nga, trên đường họ đi Đất Thánh.

Hầm nhà thờ Thánh Nicholas ở Bari
Mộ Thánh Nicholas trong nhà thờ Bari


Ngài hỏi, "Làm sao chúng tôi lại không công nhận sự việc đền thánh nguy nga này đã gợi cho chúng tôi sự tưởng nhớ đến việc hiệp nhất trọn vẹn, và duy trì sống động trong chúng tôi sự cam kết phải hoạt động để tiến tới sự hiệp nhất giữa tất cả các môn đệ của Chúa Kitô.”

Và ngài cũng ghi nhận là người dân thành Bari và khu vực kế cận có “một sự nhậy cảm về đại kết” như một trong những “đặc tính” của họ.

Đức Thánh Cha cũng bầy tỏ ước nguyện là khu vực này sẽ tiếp tục “cung cấp sự đóng góp quý giá cho con đường dẫn đưa tới việc hiệp thông trọn vẹn giữa các Kitô hữu."

Thượng phụ Chính Thống giáo Kirill cũng gửi một điện văn đến cho nghi lễ, được đọc bởi Giám Mục Mark, xử lý thường vụ Trưởng Phòng Ngoại Giao tại Tông Tòa Moscow. Thượng phụ Kirill giữ chức vụ này cho đến khi ngài được bầu làm thượng phụ tháng Giêng vừa qua.

Thượng phụ bầy tỏ lòng biết ơn đối với “giáo phận Công Giáo Bari, và các tu sĩ Đa Minh đã chăm sóc di tích của vị Thánh, và về sự đón tiếp nồng hậu các khách hành hương của chúng tôi."

Ngài cũng cảm ơn các chức quyền Nga và Ý đã giúp cho sự chuyển giao được thực hiện.

Vế phần Tổng Thống Napolitano, ông gọi chìa khóa nhà thờ là một “biểu tượng của tình thân hữu giữa hai quốc gia và hai dân tộc, của sự đối thoại giữa giáo hội Công Giáo và Chính Thống Giáo, của sự cam kết tăng cường nền văn hóa hòa bình với sự cảm thông hỗ tương, và của một sự xích lại gần hơn giữa các truyền thống văn hóa và thiêng liêng."
 
Người Kitô giáo đòi hỏi một chỗ đứng trong xã hội Ấn độ
Phụng Nghi
16:43 03/03/2009
NEW DELHI (AsiaNews) - Đúng vào hôm chính quyền loan báo ngày tổ chức những cuộc bầu cử toàn quốc (từ 16 tháng 4 đến 13 tháng 5 sắp tới), các tín hữu Kitô giáo Ấn đã đồng tâm cất lên tiếng nói đòi hỏi các đảng phái chính trị phải bảo đảm an ninh cho những người thiểu số trong cả nước, bảo đảm cho họ được tham gia các cuộc bầu cử, bảo vệ tự do tôn giáo và không để cho bạo hành hoặc kỳ thị xảy ra mà không bị trừng phạt.

Đại diện tất cả các chi phái Kitô giáo đã ký vào một văn thư chung gửi đến các đảng phái chính trị. Bản văn này được phổ biến hôm nay trong một cuộc họp báo do giám mục Vincent Concessao thuộc tổng giáo phận New Delhi chủ tọa. Đại diện các Giáo hội Evangelical, Pentecostal và Tin Lành khác cũng hiện diện. Ngoài ra người ta còn thấy có đại diện của các tổ chức như Liên đoàn Công giáo Toàn quốc Ấn độ, Hội đồng Toàn quốc các Giáo hội tại Ấn, Hội đồng toàn Kitô hữu Ấn độ.

Bản văn nói: Chúng tôi ít về số người, nhưng chúng tôi ảnh hưởng trên toàn quốc qua những công tác phục vụ trong lãnh vực giáo dục, xã hội và y tế; và chúng tôi là tiếng nói của những người bị áp bức, những kẻ bị đặt ra bên lề xã hội.”

Trong bản văn này, các nhà lãnh đạo Kitô giáo nhắc nhở lại “niềm hy vọng vào tiến trình dân chủ” cũng như vào xã hội đa nguyên và thế tục của Ấn độ như được minh định trong hiến pháp năm 1950.

Họ thúc giục “mọi người và nhất là những tín hữu Kitô giáo, tham gia đầy đủ vào tiến trình chính trị dân chủ, gồm cả việc thực thi quyền bầu cử trong những cuộc tổng tuyển cử sắp tới.”

“Các nhà hoạt động Kitô giáo và các tổ chức phi chính phủ phải bảo đảm rằng tên của chúng tôi được ghi trong bản danh sách cử tri.” Đồng thời các đảng phái chính trị “trong khi chọn lựa ứng cử viên, cũng nên cho cộng đồng chúng tôi có số người đại diện thích hợp.”

Bản văn nhấn mạnh rằng nạn nghèo đói và thất nghiệp ảnh hưởng lên “mọi công dân, không phân biệt tôn giáo, đẳng cấp hay phái tính”. Hơn nữa, “cuộc khủng hoảng trong các vùng nông thôn Ấn độ thật là lớn lao và đòi hỏi phải hành động gấp.”

Cuộc suy thoái toàn cầu hiện nay đưa đến một cuộc “khủng hoảng xã hội” cũng “không kém phần trầm trọng”. Và sự “bất bao dung về tôn giáo, đẳng cấp và phái tính là những biểu hiện của cuộc khủng hoảng này.”

Do đó, đối các nhà lãnh đạo Kitô giáo, những cuộc bầu cử sắp tới là “một cơ hội để làm ngưng lại chiều hướng và đảo ngược lại những điều tiêu cực.”

Các cộng đồng Kitô giáo ước mong các đảng phái sẽ áp đặt việc thi hành “luật lệ” và chấm dứt lối bao che không trừng phạt những kẻ thủ phạm những vụ bạo hành chống lại nhóm người thiểu số.

Các tác giả của văn bản nói trên phàn nàn rằng chính quyền các bang, giới chức cảnh sát và những tên tội phạm, qua các hành động làm nguy hại cho tự do tôn giáo, lại được bảo đảm không bị trừng phạt.

Để làm bằng chứng, bản tuyên bố nêu lên nhiều vụ bạo hành gây ra cho người theo Kitô giáo tại Orissa và các bang khác như Karnataka, Tamil Nadu và Madya Pradesh.

Các nhà lãnh đạo Kitô giáo muốn chính quyền trung ương và Orissa đáp ứng lại tình hình “bất an nghiêm trọng.” Họ đòi hỏi phải “chấm dứt chiến dịch thông tin sai lạc” của các đảng phái và giới truyền thông. Họ muốn Văn phòng Điều tra Trung ương điều tra “vụ ám sát người đứng đầu tổ chức Vishwa Hindu Parishad là ông Lakhmanananda Saraswati, đã từ đó gây ra những vụ bạo hành chống lại người theo Kitô giáo.”

Đối với những người còn đang phải di cư, sống trong các trại tại Kandhamal, các tác giả văn kiện này muốn họ “có được một mức sống thích hợp” cũng như “con cái được đi học.”

Ngoài ra, họ còn đòi hỏi rằng “những trại cứu trợ này tiếp tục được duy trì cho đến khi tạo được các điều kiện thích hợp […] cho những người tị nạn được tình nguyện hồi cư trong an toàn và nhân phẩm, hoặc tình nguyện tái định cư ở nơi khác.”

Họ cũng muốn có được “sự bồi thường cho những người bị thương tổn do bạo hành gây ra, gồm cả việc được bồi hoàn vì mất mùa, mất gia súc và mất việc.”

Đề cập đến sự kỳ thị đối với người Kitô giáo, những người ký tên trong văn bản nói trên kêu gọi việc thiết lập một ủy ban điều tra quốc gia, tương tự như Ủy ban Rajinder Sachar được thành lập năm 2006 để xem xét tình trạng của cộng đồng Hồi giáo.

Cơ chế này sẽ định giá “các vấn đề về kinh tế và phát triển của nhóm thiểu số theo Kitô giáo, đặc biệt là nơi những người Dalits, người các Bộ tộc, công nhân không có đất đai và nông dân nghèo, công nhân sống ven biển và ngư dân, cũng như thanh thiếu niên ở thành thị.”

Đối với những tác giả bản văn thư này, các đảng phái chính trị nên nhớ rằng bản hiến pháp năm 1950 bảo đảm cho mỗi người Dalit được các quyền lợi và ưu tiên, nhưng cho đến nay chỉ những người Sikh hoặc Phật tử mới được hưởng, còn người Kitô giáo thì không.

Họ nói thêm rằng điều khẩn thiết là phải chấm dứt kỳ thị phụ nữ, nhấn mạnh là tất cả các Giáo hội đã đề cao “điều thánh thiêng của sự sống” chống lại “bất cư âm mưu nào muốn phá hủy sự sống ở bất cứ giai đoạn nào.”
 
Đức Thánh Cha: công nhân phải có ưu tiên trong cuộc khủng hoảng
Bùi Hữu Thư
23:37 03/03/2009

Đức Thánh Cha: công nhân phải có ưu tiên trong cuộc khủng hoảng



VATICAN, ngày 2 tháng 3, 2009
(Zenit.org).- Đức Thánh Cha đã khẳng định rằng giữa cơn khủng hoảng, “phải dành ưu tiên cho các công nhân và gia đình của họ."

Đức Thánh Cha khẳng định điều này ngày Chúa Nhật khi ngài tiếp đón nhiều nhóm người nói các ngôn ngữ khác nhau sau khi cầu nguyện Kinh Truyền Tin tại quảng trường Thánh Phêrô.

Khi tiếp một nhóm công nhân nói tiếng Ý thuộc hãng xe Fiat, ngài nói, “Tôi muốn bầy tỏ sự khuyến khích của tôi với các giới chức chính trị và chính phủ, và các nhà doanh thương, để cho có sự tham gia cuả tất cả mọi người trong thời điểm kinh tế khó khăn này."

Khi đề cập đến các nơi khác cũng đang gánh chịu “những khó khăn tương tự”, Đức Thánh Cha nói, “Tôi kết hiệp với các giám mục và các giáo phận điạ phương để bầy tỏ lòng ưu ái của tôi đối với các gia đình đang chịu khổ nạn, và tôi gửi gấm họ trong kinh nguyện của tôi cho Đức Mẹ Maria Rất Thánh, và Thánh Giuse, quan thầy của các công nhân."
 
Top Stories
La police de Hô Chi Minh-Ville empêche l’avocat des fidèles de la paroisse de Thai Ha de se rendre à Hanoi pour veiller à la défense ses clients
Eglises d'Asie
16:21 03/03/2009
VIETNAM: La police de Hô Chi Minh-Ville empêche l’avocat des fidèles de la paroisse de Thai Ha de se rendre à Hanoi pour veiller à la défense ses clients

L’avocat défenseur des huit accusés de la paroisse catholique de Thai Ha, à Hanoi, Me Lê Trân Luât, a été, ce matin 3 mars 2009, « convié à un interrogatoire » par la police, dans l’aérogare de Tân Son Nhât, à Saigon, alors qu’il s’apprêtait à prendre l’avion pour Hanoi, où il devait effectuer diverses démarches relatives au procès en appel de ses clients et à la plainte déposée par eux contre deux médias officiels pour informations erronées (1).

Il était 6 heures du matin (heure locale) et l’avocat se préparait à embarquer lorsque des agents des forces de l’ordre l’en ont empêché au motif qu’il était « invité à une séance de travail ». Une dizaine de policiers l’attendaient dans la salle de sécurité de l’aérodrome où il a été ensuite conduit. Aux questions de l’avocat les interrogeant sur le motif de cette intervention, ils ont répondu qu’ils obéissaient aux ordres et qu’ils étaient chargés de le ramener à son cabinet de Saigon après la « séance de travail ». Vers le milieu de la matinée (heure locale), l’avocat se trouvait encore dans les locaux de la Sécurité de l’arrondissement de Go Vâp.

Ces derniers jours, une campagne de déstabilisation a été menée par les autorités policières contre cet avocat de Saigon, brillant défenseur de la cause des huit fidèles de la paroisse de Thai Ha (2). Le 10 février dernier, l’ordre des avocats du barreau de la province de Ninh Thuân l’avait averti que des accusations étaient portées contre lui pour infractions commises dans l’exercice de sa profession. Le 24 février, le journal de la Sécurité de l’Hô Chi Minh-Ville avait publié un article dénonçant de prétendus contrats frauduleux passés par le cabinet de l’avocat à Saigon. Le lendemain, alors que Me Luât était à Hanoi, une perquisition était effectuée à son cabinet, à Saigon, par des agents de la Sécurité de l’arrondissement de Go Vâp.

Le prétexte de cette intervention était l’exécution d’une mesure de contrainte administrative à l’encontre du cabinet, portant sur la récupération d’une somme de 42 millions de dôngs (environ 2 000 euros). Dans un conflit financier opposant le cabinet de l’avocat à une entreprise vietnamienne, une décision de conciliation du tribunal avait obligé le cabinet à verser cette somme à l’entreprise. La somme avait été rassemblée et déjà proposée au tribunal, qui avait renvoyé le règlement à plus tard. Or, brusquement, le 24 février, une mesure de contrainte administrative était émise au sujet du règlement de cette somme. C’est cette mesure qui était prétendument exécutée le 25 février, mais en réalité les policiers refusèrent de prendre la somme d’argent, pourtant déjà prête, et repartirent avec un certain nombre d’ordinateurs contenant toute la documentation du cabinet.

L’intervention de ce matin vient confirmer que l’action policière menée contre l’avocat vise en réalité son activité au service des fidèles de Thai ha et d’autres dissidents dont il défend la cause.

(1) La nouvelle provient du secrétariat de l’avocat et a été mise en ligne sur le site Internet de la paroisse de Thai Ha, où l’on peut aussi trouver un enregistrement audio de la « séance de travail ».

(2) Voir EDA 502.
 
La campagne pour les élections législatives étant officiellement ouverte, les responsables des communautés chrétiennes appellent les partis politiques à s’engager pour la justice
Eglises d'Asie
16:22 03/03/2009
INDE: La campagne pour les élections législatives étant officiellement ouverte, les responsables des communautés chrétiennes appellent les partis politiques à s’engager pour la justice

Le 2 mars dernier, N. Gopalaswami, chef de la Commission électorale indienne, a officiellement annoncé que les opérations électorales, gigantesque processus dans un pays où le corps électoral compte 714 millions de personnes, débuteront le 16 avril prochain pour être closes le 13 mai. Le décompte des résultats est fixé au 16 mai et le nouveau gouvernement qui sortira du Parlement sera normalement en place vers la mi-juin. Quelques heures avant cette annonce officielle, les responsables des principales Eglises catholique et protestantes du pays ont tenu une conférence de presse à New Delhi pour annoncer qu’ils avaient rédigé un mémorandum destiné à être communiqué aux chefs de tous les partis politiques en présence. « Tous les partis politiques doivent placer la sécurité des minorités religieuses, et particulièrement celle des communautés chrétiennes, en tête de leurs plateformes électorales respectives », peut-on lire dans ce document.

Réunis à la résidence de l’archevêque catholique de New Delhi, Mgr Vincent Concessao, les responsables chrétiens ont replacé leur démarche dans le contexte de ces derniers mois, marqué par les violences antichrétiennes en Orissa et dans plusieurs autres Etats de l’Union. Ainsi, ils ont appelé les leaders politiques indiens à s’engager à traduire en justice « les coupables de ces actes criminels ». Durant le dernier tiers de l’année 2008, les violences antichrétiennes en Orissa ont provoqué la mort de plus de 60 personnes et le déplacement de 50 000 chrétiens (1).

Les responsables chrétiens ont rappelé que les organisateurs des violences en Orissa n’avaient à ce jour toujours pas été arrêtés. Mgr Concessao a très nettement dénoncé « les campagnes de haine » menées dans plusieurs régions du pays contre les chrétiens et les musulmans pour mobiliser l’électorat hindou autour des mots d’ordre des partis politiques hindouistes. L’archevêque de Delhi souhaite que tous les partis politiques, sans exception, s’engagent à dénoncer tout acte de violence perpétré à l’encontre des minorités religieuses, tout spécialement les musulmans et les chrétiens.

Par ailleurs, le mémorandum remet sur le devant de la scène une revendication récurrente des chrétiens, à savoir la mise en place de programmes visant à favoriser le développement économique des chrétiens. Il est ainsi rappelé que les chrétiens dont les origines personnelles les rattachent aux basses castes et aux hors-castes n’ont pas accès aux mesures de discrimination positive mises en place pour aider à la promotion sociale des basses castes et des hors-castes, au motif que le système des castes n’a pas cours dans la religion chrétienne.

L’évêque auxiliaire de Delhi, Mgr Franco Mulakkai, a précisé qu’une délégation œcuménique allait être constituée et qu’elle recevra pour mission de présenter ce mémorandum à tous les chefs des partis politiques du pays.

Dans un contexte de crise économique, l’issue de ce scrutin électoral est incertaine. La coalition sortante, au pouvoir depuis cinq ans et menée par le Parti du Congrès de Sonia Gandhi, fait face à la très sérieuse concurrence du Bharatiya Janata Party (BJP, Parti du peuple indien), vitrine politique du mouvement hindouiste. Il est toutefois très improbable que l’un ou l’autre parti puisse former à lui seul une majorité; au sein d’un Parlement de 543 députés, les alliances avec d’autres formations seront inévitables. De plus, selon les experts de la carte électorale indienne, le récent redécoupage des circonscriptions électorales va renforcer une tendance déjà à l’œuvre depuis plusieurs années, à savoir le renforcement des partis politiques régionaux ou fondés sur une appartenance de caste. L’un des enjeux du scrutin est le glissement induit par une plus grande représentation des dalits et des aborigènes sur la scène politique.

Si aucune des deux grandes formations n’émerge du scrutin en position suffisamment forte pour rassembler une coalition autour d’elle, les analystes indiens évoquent la perspective d’un « troisième front » (‘third front’), à savoir la formation d’une coalition, plus ou moins lâche, d’un grand nombre de plus petits partis politiques.

Quoi qu’il en soit, avant même l’issue du scrutin, l’organisation matérielle de celui-ci est un défi logistique et sécuritaire de taille: 714 millions d’électeurs potentiels – dont, reflet de la jeunesse de la population indienne, 43 millions voteront pour la première fois –, 2,1 millions de policiers et de gardes nationaux déployés pour assurer la sécurité de 828 000 bureaux de vote. Dans un souci d’efficacité et de sécurité, les opérations électorales se dérouleront en cinq phases successives, un processus nécessaire pour respecter les différents jours chômés, les fêtes religieuses, la saison des semailles, de la mousson et des examens scolaires.

(1) Voir EDA 490, 491, 492, 493, 494, 495, 496, 499.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Viếng thăm và chăm sóc bệnh nhân phong nhân ngày Thầy Thuốc Việt Nam
Nữ Tu Mân Côi Bùi Chu
03:48 03/03/2009
VIẾNG THĂM VÀ CHĂM SÓC BỆNH NHÂN PHONG NHÂN NGÀY THẦY THUỐC VIỆT NAM

THÁI BÌNH - Nhân dịp mừng ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-02-2009, Linh mục Giuse Mai Trần Huynh cùng đông đảo quý Thầy, quý Dì nữ tu dòng Đaminh Thái Bình và Mân Côi Bùi Chu cùng quí khách xa gần đã đến viếng thăm khoảng 600 bệnh nhân phong cùi đang chữa trị tại trại phong Văn Môn, Thái Bình, đồng thời chúc mừng tập thể y bác sĩ tại trại.

Vào buổi trưa ngày 26-2-2009 là ngày đoàn đến viếng thăm trại, Linh mục Huynh cùng các tu sĩ đã tổ chức một bữa tiệc thiết đãi các bệnh nhân nhằm chia sẻ và cảm thông cùng với họ, các nữ tu và các Thầy trở thành những người phục vụ bàn ăn cho thực khách là bệnh nhân.

Cha Huynh, coi sóc các giáo xứ Trà Vy và Thái Sa, là người đã gắn bó và trực tiếp chăm sóc tinh thần và vật chất cho các bệnh nhân ở đây hàng chục năm rồi, cho biết: “Đây là ngày truyền thống vì năm nào vào dịp này chúng tôi cũng đều tổ chức mừng ngày Thầy Thuốc, đồng thời tạo niềm vui động viên cho các bệnh nhân và tập thể y bác sĩ tại đây.”

Ngài cho biết thêm: “Ngày truyền thống năm nay, để có thể phục vụ các bệnh nhân cách chu đáo tận tình hơn trong ngày này, tôi đã lần đầu tiên mời 20 nữ tu Dòng Mân Côi Bùi Chu cùng với các nữ tu Dòng Đaminh Thái Bình, quý Hội Đồng Mục vụ và bà con giáo dân xứ Thái Sa cùng cộng tác trong việc dọn bàn ăn và tiếp cơm đến từng bệnh nhân nặng đang nằm tại bệnh xá của trại.”

Được biết Trại Phong Văn Môn do nhà nước quản lý, trai có lịch sử thành lập khoảng 100 năm do các vị Thừa Sai thành lập thời đó, nay thuộc địa bàn giáo xứ Thái Sa, Giáo Phận Thái Bình.

Giám đốc của trại hiện nay là Ông Bùi Huy Thiện, còn về phía Giáo Hội người cộng tác chính là Linh mục Giuse Mai Trần Huynh cùng hai Thầy Phương, Thầy Khiên và gần đây có thêm hai nữ tu Thái Hòa và Thu Hương thuộc Dòng Mân Côi Bùi Chu cùng cộng tác chăm sóc các bệnh nhân.

Thầy Giuse Bùi Văn Phương, kể lại: “Cha Huynh rất có tâm huyết với các bệnh nhân tại trại phong Văn Môn từ khi ngài còn là một chủng sinh của Giáo Phận Thái Bình, Ngài lãnh chức linh mục vào năm 1987, sau đó ngày 28-10-1992 ngài chính thức được bổ nhiệm làm Cha xứ Trà Vy, Thái Sa và trực tiếp coi sóc các bệnh nhân phong tại Văn Môn kể từ đó.”

Thầy giải thích, tuy Cha không phải là một Bác sĩ hay là một Lương y đúng nghĩa chuyên môn, nhưng với sứ mạng của một người mục tử thì ngài được coi như là “người Thầy Thuốc tinh thần của các bệnh nhân” của trại, vì qua việc ban các Bí Tích ngài đã chữa lành tinh thần phần đông các bệnh nhân ở nơi này, khi họ cần lãnh nhận ân sủng của Thiên Chúa, khi họ cần được ngài đến viếng thăm cho họ của ăn, áo mặc, thuốc men…và những nhu cần thiết.

Mặc dù đã ở vào tuổi 62, với đôi chân khập khễnh, lại mang trong mình chứng bệnh tiểu đường và huyết áp cao nhiều lần phải đi viện cấp cứu, nhưng đôi chân của Linh mục Mai Trần Huynh vẫn thoăn thoắt, gương mặt luôn tươi cười đến với từng bệnh nhân chăm sóc họ.

Bà Trần Thị Na, 77 tuổi, một bệnh nhân phong quê ở xã Vũ Thư, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, xúc động chia sẻ trong bữa tiệc: “ con là một phật tử, đến ở trại từ năm 1960, khi biết mình mắc vào căn bệnh này con chẳng còn thiết sống chỉ muốn chết đi cho xong, hiểu được tâm trạng của con, linh mục Huynh đã không ngừng đến thăm trại, gặp gỡ khuyên răn con hãy cố gắng sống tốt cuộc đời mà Đấng Tạo Hóa đã trao ban, kéo phí đi, vì tình thương và sự quan tâm tận tình của Linh mục, của quý Thầy cũng như bao người mà con đã sống cho đến hôm nay.”

Bà nói thêm: “Tôi đã từng hỏi Cha rằng, thưa Cha con được biết là bệnh phong rất dễ lây vì vậy ai cũng sợ đến gần các bệnh nhân, nhưng Cha thì luôn tiếp cận với người bệnh, giải tội, chăm lo cho các bệnh nhân rất chu đáo có thể hơn cả cha mẹ của họ, động lực nào đã khiến cha hy sinh quên mình đến thế? Cha đã nhìn lên trời và chỉ trả lời một câu ngắn gọn “ Vì tình yêu của Đức Ki tô đã thúc bách tôi; những người cùi là hình ảnh của Đức Ki tô”

Chính vì nhận ra được khuân mặt đáng thương của Đức Kitô nơi mỗi bệnh nhân nên không chỉ riêng Linh mục Mai Trần Huynh yêu mến, quên mình vì các bệnh nhân mà hầu hết những ai đã một lần đến với trại phong đều nhận ra được các bệnh nhân nơi đây họ rất cần tình thương và lòng quảng đại của mỗi người chúng ta.

Chúng ta cùng hiệp lời cầu nguyện và quảng đại cộng tác Linh mục Giuse Mai Trần Huynh cùng quý Thầy đang phục vụ tại xứ Trà Vi, xã Vũ Thư, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình không ngừng đem tình yêu thương của Đức Ki tô đến với các bệnh nhân tại trại phong Văn Môn.

Không chỉ viếng thăm chăm sóc các bệnh nhân, nhưng linh mục, các thầy và quí nữ tu còn đến chúc mừng Ban giám đốc bệnh viện phong da liễu Văn Môn nhân dịp đặc biệt này.
 
Thanh Hóa: Hội thầy thuốc Samaritanô chăm sóc người nghèo vùng sâu
Hoài Thanh
15:27 03/03/2009
THANH HÓA: HỘI THẦY THUỐC SA-MA-RI-TA-NÔ CHĂM SÓC NGƯỜI NGHÈO VÙNG SÂU.

Trong tinh thần của Mùa Chay, mùa của sự sám hối, đặc biệt là mùa thực thi bác ái và để đánh dấu « ngày thầy thuốc Việt Nam »( 27.02), hội Y Bác sĩ Sa-ma-ri-ta-nô Thanh Hóa (được giáo phận thành lập để khám chữa bệnh cho người nghèo) đã tổ chức họp mặt và lên đường phục vụ chăm sóc bà con xứ Yên Khánh, vào ngày 28-02-2009. Yên Khánh là một giáo xứ mới “ra đời” chưa tròn hai năm tuổi, được tách ra từ xứ Kẻ Bền, thuộc xã Định Tân, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Tổng số giáo dân là 2000, nhưng trên dưới 50% sống lênh đênh sóng nước trong phạm vi gần 40km đường sông. Người Thanh hoá gọi họ là « dân thuyền chài », vì gia tài sự nghiệp của họ chỉ là một chiếc thuyền con, dài chỉ độ 6-8m, rộng không quá 2m. Cả ba thế hệ sống chồng chất trên cái không gian nhỏ hẹp đó. Họ mò cua bắt ốc quanh năm suốt tháng, đói no theo con nước của dòng sông Mã, dòng sông văng vẳng điệu hò nổi tiếng xứ Thanh, nhưng cư dân chỉ đắp đổi qua ngày bằng miếng rau bát cháo. Cũng vì tình cảnh « bèo dạt hoa trôi » như thế mà họ đã được Hội Samritanô chọn làm hiện trường phục vụ lần này.

Địa điểm tập trung là ngôi Nhà Chung thân yêu của giáo phận. Các thành viên quây quần bên nhau để nhìn lại những hoạt động trong tháng ngày qua, để cùng “hâm nóng” tinh thần y đức và nhân đức Kitô giáo là sống bác ái, vì người khác và cho người khác, đặc biệt là những người nghèo. Trong dịp này, vị Cha chung của giáo phận- Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh đã ân cần dặn dò các thành viên: “Hãy khơi dậy niềm thương nơi tâm hồn của các đồng nghiệp và của chúng ta đối với những người kém may mắn, không chỉ là những người Kitô hữu, mà cả những lương dân. Để chúng ta sẵn sàng “cắt” một phần đời, một phần lợi nhuận, để đầu tư vì hạnh phúc của những người nghèo. Hơn 80% dân số của tỉnh chúng ta sống dưới mức trung bình. Chúng ta hãy dành cho họ một chỗ đứng rộng rãi trong tấm lòng nhân ái của mình. Hãy dám sống chết vì người nghèo. Những con người mà Đức Giêsu không ngần ngại đồng hóa với Ngài. Hãy có sự dung hòa giữa nghiệp vụ chuyên môn với sứ mạng loan báo Tin Mừng tình thương của Chúa. Hãy khám phá niềm vui trên khuôn mặt của những người nghèo, đó là tia sáng bừng lên trong cuộc đời vốn tối tăm của họ….”

Một số Y Bác sĩ cũng bày tỏ thiện chí của mình đối với người nghèo, dù bận rộn với công việc tại các bệnh viện và trạm xá, các thành viên cũng muốn có nhiều chuyến công tác từ thiện định kỳ, dù biết nguồn tài trợ thuốc còn thiếu trước hụt sau, không thấm vào đâu với nhu cầu của những người nghèo.

Sau một hồi “lên xe xuống ngựa” trên đoạn đường dài toàn “ổ gà, ổ voi”, phái đoàn đã đến khuôn viên nhà thờ xứ Yên Khánh vào lúc 14g. Cha Phó xứ Phêrô Vũ Văn Cung cùng Ban hành giáo và trên dưới 200 bệnh nhân đã có mặt với bộ quần áo trang trọng nhất để tham dự thánh lễ và cũng để đón tiếp phái đoàn của Hội. Trước tượng Chúa Giêsu Thánh Tâm cùng với hai vị thánh tử đạo quê hương- Giacôbê Mai Năm (Kẻ Bền) và Phaolô Ngân (Yên Khánh), các Y Bác sĩ sốt sắng cầu xin ơn Chúa Thánh Thần để công tác của Hội được thấm nhuần tinh thần Tin Mừng.

Đợt khám bệnh này được dành ưu tiên cho người cao tuổi. Trên những khuôn mặt nhăn nheo rạng rỡ niềm vui. Một người đàn bà hơn 85t đã cho chúng tôi biết, hầu hết trong số họ mới khám bệnh lần đầu tiên. Những khi bị ốm đau, thường là con cái xuống thị trấn mua thuốc tại những cửa hàng mang về uống, nghe thật xót xa…

Với 3 bàn khám và 1 bàn phát thuốc cho trên 200 người nghèo, trong vòng gần 2 tiếng đồng hồ, công tác của Hội đã hoàn tất tốt đẹp. Mọi người cũng kịp vào tham dự thánh lễ. Có đôi vợ chồng già không thể rời thuyền, cha Tôma Khấn – linh mục đồng hành của Hội, đã phân cho các Bác sĩ xuống khám tận nơi và phát thuốc tận chỗ. Những khoang thuyền ẩm thấp trên giòng nước đục ngầu…các Bác sĩ phải “bò” xuống mới vào được trong khoang.

Mọi người trong phái đoàn tâm đắc trước sự trật tự của giáo dân nơi đây. Họ biết nhường nhịn nhau, kiên nhẫn đứng chờ nhận thuốc, hiền hòa như cỏ nội hoa đồng…Trên đường về, ai cũng ước mong được có thật nhiều dịp, thật nhiều thuốc để mang đến chữa trị cho những người chưa một lần khám bịnh trong đời. Cha Tôma Khấn cho biết, trong vòng ba tuần tới, sẽ có một chuyến khám phát thuốc cho người dân chài tại giáo xứ Kẻ Láng. Mọi người nhiệt thành hưởng ứng, chia tay nhau với lời hẹn sẽ sớm gặp lại để nối dài vòng tay nhân ái….
 
Sinh viên công giáo Thanh Hoá tại Hà Nội đi tĩnh tâm hành hương về giáo xứ Hà Thạch
Peter Anh Thái & Peter Tuấn Trần
15:51 03/03/2009
Chủ nhật ngày 1/3/2009 nhóm sinh viên công giáo Thanh Hoá tại Hà Nội đã có chuyến đi tĩnh tâm hành hương về giáo xứ Hà Thạch – giáo phận Hưng Hoá - tỉnh Phú Thọ.

“Theo Chân Chúa Giêsu” – Đó là mục đích mà chúng tôi đã đặt ra cho cuộc hành trình này. Từ Hà Nội chúng tôi di chuyển lên thị xã Phú Thọ bằng xe lửa, gọi nhau ý ới từ 4h sáng, chưa bao giờ chúng tôi lại dậy sớm như hôm nay, cái rét tháng ba cùng những hạt mưa phùn cũng không thể làm chùn bước những con tim trẻ yêu mến Chúa. Tàu vắng khách nên cả nhóm chiếm trọn trong 1 toa tầu, cùng nhau tập những bài thánh ca và mặc sức ngắm nhìn quanh cảnh.

Cập ga Phú Thọ, chúng tôi cuốc bộ 2 km về nhà thờ giáo xứ Hà Thạch. Đây là một giáo xứ có bề dày lịch sử của giáo phận Hưng Hoá, nằm trên địa bàn thị xã Phú Thọ. Tại đây đoàn đã vào chào và nói chuyện cùng cha quản xứ Jiuse Nguyễn Trọng Dưỡng, vinh dự được cha và đại diện BHG xứ mời bữa cơm trưa thân mật. Quả là Thiên Chúa quan phòng sắp đặt cho chuyến đi, nào có ngờ đâu giáo xứ lại đón rước chúng tôi nồng hậu đến vậy! Sau bữa cơm trưa anh em trong đoàn thăm quan giáo xứ, chụp ảnh lưu niệm rồi tiếp tục cuộc hành trình đến Tu viện cổ (Trường chủng viện Hà Thạch),trước khi vào thăm quan chủng viện đoàn đã đến vườn thánh của chủng viện thắp nến cầu nguyện dưới chân Chúa, thắp nén nhang viếng mộ các Thánh tử đạo và các vị thừa sai. Vườn thánh này đã chôn cất các thánh tử đạo, các đấng thừ sai (có cả các vị thừa sai nước ngoài). Trong đó có Thánh tử đạo Phêrô Vũ Văn Truật là người giáo xứ Hà Thạch. Đặc biệt có cây thánh giá với tượng Chúa to bằng Người thật đúc từ 1 khối đồng nguyên chất và được mang từ Pháp sang.

Chúng tôi đến tu viện cổ hơn 100 năm với sự bình yên đến lạ, cầu nguyện trong tu viện mà cảm thấy như chúa đang ngồi bên. Tĩnh lặng tới mức cảm nhận được tất cả những tiếng chim chuyền cành ở bên ngoài. Những ánh nến lung linh, những bài thánh ca nồng ấm, những lời nguyện cầu đơn sơ chắc chắn đựơc Chúa thương đón nhận.

Cuộc hành trình đơn giản nhưng chưa bao giờ chúng tôi lại cảm nhận được sự ấm áp của tình yêu Chúa, sự gắn kết giữa các thành viên, sự vất vả của việc đi bộ như thế. vừa có gì đó mệt nhọc, vừa có rất nhiều niềm vui và cũng rất nhiều cảm xúc lắng đọng.

Chúng tôi hiểu sâu hơn về sự khó khăn của giáo phận Hưng Hoá, sự vất vả của các linh mục nơi đây, sự sùng đạo mến chúa ở những con người chân chất và sự quan phòng, thương yêu của Thiên Chúa dường như đã ban cho chúng tôi một phép lạ ( xin được giữ cho riêng chúng tôi).

Lạy Chúa, ước gì mỗi chúng con, sẽ trở nên những ngọn nến, ngọn hải đăng trong cuộc sống trần gian này, luôn biết chiếu rọi ánh sáng chân lý Chúa đến với tất cả mọi người xung quanh con và ban cho chúng con thêm sức mạnh niềm tin để chúng con tôn thờ và phụng sự Chúa.
 
ĐHY Phạm Đình Tụng và Dòng Chúa Cứu Thế -Giáo xứ Thái Hà
LM. Phêrô Nguyễn Văn Khải
16:04 03/03/2009
Đức Hồng Y Paul Jos Phạm Đình Tụng và DCCT_ Giáo Xứ Thái Hà

ĐỨC HỒNG Y PHAOLÔ-GIUSE PHẠM ĐÌNH TỤNG VÀ VẤN ĐỀ LO LIỆU NGƯỜI KẾ VỊ CHA GIUSE VŨ NGỌC BÍCH GIỮ ĐỀN ĐỨC MẸ HẰNG CỨU GIÚP-GIÁO XỨ THÁI HÀ

Từ năm 1990 Đức Hồng Y khi được Toà Thánh bổ nhiệm về coi sóc Tổng Giáo Phận Hà Nội, Đức Hồng Y rất quan tâm đến vấn đề nhân sự của giáo xứ Thái Hà-DCCT Hà Nội, nơi lúc này chỉ còn một mình cha Giuse Vũ Ngọc Bích, người bạn cao niên của ngài, đang phục vụ trong tuổi già và bệnh tật.

Thấy cha Giuse Vũ Ngọc Bích bị loà, cuối năm 1990 Đức Hồng Y đã khuyến khích ngài đi Rôma chữa bệnh. Đức Hồng Y đã nhờ một số cha thuộc Tổng Giáo Phận Hà Nội, trong đó chủ yếu là cha Giuse Nguyễn Văn Long, chính xứ Phùng Khoang và quản xứ Hàng Bột, là hai xứ láng giềng của Thái Hà, hàng tuần đến Thái Hà dâng lễ và cử hành các bí tích thay cha Giuse Vũ Ngọc Bích.

Giữa năm 1991 Cha Giuse Bích về lại Hà Nội mà bệnh tật không thuyên giảm. Ngài tiếp tục bàn tính với Đức Hồng Y vấn đề liệu người kế vị ở Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Lúc này giáo dân rất muốn các đấng xin cha Giuse Tiến Lộc về Thái Hà, vì ngài quê ở Hà Đông. Ngặt một nỗi ngài mới ở tù về mấy năm và ngay tại Sài Gòn ngài cũng phải ở gia đình và không được làm mục vụ chính thức. Hơn nữa, ngay sau đó ít tuần ngài đến làm lễ ở giáo họ Anphongsô, Nam Định và bị chính quyền tỉnh Hà Nam Ninh trục xuất.

Đức Hồng Y và cha Giuse Bích ngỏ ý với nhà cầm quyền vấn đề xin một linh mục từ Miền Nam ra Thái Hà liền bị từ chối. Thấy giải pháp này gặp khó khăn, trong khi nhu cầu của giáo dân ở Thái Hà thì bao la và bản thân mình thì không biết sống chết lúc nào, cho nên sau đó, cuối năm 1991 cha Vũ Ngọc Bích ngỏ ý xin Đức Hồng Y cho một cha triều về Thái Hà phục vụ và gia nhập gia nhập DCCT.

Tuy nhiên, Đức Hồng Y, khi ấy đang làm Giám quản Hà Nội, đã không đồng ý. Lý do chính theo chúng tôi ấy là Tổng Giáo Phận Hà Nội thời điểm này không có nhân sự để “cho” DCCT, vì Tổng Giáo Phận lúc này chỉ có hơn 20 linh mục già trẻ trên tổng số hơn 200 nghìn dân. Bản thân Đức Hồng Y cũng đang đi tìm kiếm nhân sự cho Tổng Giáo Phận Hà Nội vả lại vấn đề xin một linh mục triều nào đến phục vụ ở Thái Hà rồi gia nhập DCCT xem ra cũng không dễ dàng được đương sự chấp thuận.

May mắn, đến đầu năm 1992 có cha Anphongsô Hoàng Gia Khanh DCCT mới từ nhiệm chức cha xứ Bình Khánh ở Sài Gòn, ra thăm quê hương Thái Hà. Ít tuần ở Thái Hà không hiểu sao lại lọt vào mắt xanh của chính quyền và ngài được phép làm việc mục vụ ở nhà thờ Thái Hà lâu dài. Chẳng ngờ ít tháng sau, có mấy giáo dân ở trong UBĐK Công giáo Quận Đống Đa lợi dụng sự đơn sơ của ngài, kéo ngài đi hội hè đính đám trong mấy dịp lễ tết của xã hội. Sợ rằng ngài có thể bị lợi dụng làm ảnh hưởng đến truyền thống đức tin tốt đẹp của Tổng Giáo Phận, lập tức Đức Hồng Y và cha Giuse Bích phải xin Tỉnh Dòng rút ngài về Sài Gòn. Thế là vấn đề tìm người quản Đền Đức Mẹ vẫn dở dang.

Trong khi đó, cuối năm 1992, vì phải phục vụ quá nhiều lúc tuổi già bệnh tật, cho nên tình trạng sức khỏe của cha Giuse Vũ Ngọc Bích càng ngày càng kém hơn. Ngài nhìn không được, đi cũng không được, sự sống phập phù, leo lét như ngọn đèn trước gió. Vì thế Đức Hồng Y và cha Giuse Bích cùng giáo dân lại tiếp tục yêu cầu nhà nước cho các linh mục DCCT từ Miền Nam ra phục vụ ở Thái Hà.

Đức Hồng Y phải đóng vai chính, vì cho đến lúc này nhà cầm quyền Hà Nội không công nhận vị giám tỉnh và không làm việc với cấp Tỉnh Dòng ở Sài Gòn, mà chỉ nhận quyền của vị giám mục giáo phận và làm việc với các ngài. Về phần mình, nhận thức được tầm quan trọng của Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp đối với giáo dân Miền Bắc và sự cần thiết phải bảo đảm sự hiện diện của DCCT ở đây Đức Hồng Y đã không quản ngại khó khăn gian khổ để đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của giáo dân Thái Hà, của các con cái Đức Mẹ ở Đền Thánh và của chính DCCT và Tổng Giáo Phận Hà Nội.

Để tạo áp lực với nhà cầm quyền và là một giải pháp tạm thời, đầu năm 1992, Đức Hồng Y thống nhất với cha Giám tỉnh ở Sài Gòn đã bổ nhiệm cha Giuse Trần Hữu Thanh đang ở Hải Dương làm Bề Trên-Chính xứ Thái Hà, có toàn quyền mục vụ tại đây. Vì DCCT ở Miền Bắc ngoài cha Giuse Bích thì chỉ còn cha Giuse Trần Hữu Thanh. Cha Tân Bề Trên-Chính xứ kế thừa toàn bộ các công việc mục vụ của cha Giuse Bích ở Hà Nội, kể cả việc giải tội ở 40 Nhà Chung cho các đấng bậc và cho chị em Dòng MTG. Từ đó, bất chấp sự cấm cản của nhà cầm quyền, hàng tuần ngài vẫn hiên ngang từ Hải Dương lên Thái Hà một hai ngày, gặp gỡ và sắp đặt các công việc trong giáo xứ và tu viện.

Sang năm 1993, giữa lúc tiến trình đàm phán để bình thường hoá quan hệ Việt - Mỹ đang đi đến bước quyết định, giữa lúc Hoa Kỳ đang xúc tiến thành lập một văn phòng liên lạc tại Hà Nội, giữa lúc Hoa Kỳ đang đòi tự do tôn giáo là một trong những điều kiện để xoá bỏ cấm vận và bình thường hoá quan hệ với Việt Nam, giữa lúc Nhà Nước đang muốn chứng tỏ cho Hoa Kỳ và thế giới thấy mình có tự do tôn giáo, thì Đức Hồng Y, cha Giuse Trần Hữu Thanh và cha Giuse Vũ Ngọc Bích tiếp tục làm đơn kiến nghị chính quyền giải quyết vấn đề người kế vị ở giáo xứ Thái Hà. Trong khi đó, trả lời phỏng vấn của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) và báo Nhân Dân Cha Giuse Vũ Ngọc Bích còn công khai nói lên nguyện vọng chính đáng này và yêu cầu nhà nước đáp ứng.

Lúc này để rộng đường cho nhà cầm quyền chọn lựa và để chứng tỏ Giáo Hội không muốn làm khó nhà cầm quyền. Đức Hồng Y và Tỉnh Dòng thoả thuận tiến cử thêm hai ứng viên khác là thầy Giuse Trịnh Ngọc Hiên và cha Giuse Trần Thế Phiệt. Trường hợp cha Giuse Trần Thế Phiệt nếu được nhà nước chấp thuận, thì ngài vừa phụ trách Thái Hà, vừa có thể dạy học ở Chủng viện Hà Nội. Như vậy cùng với cha Giuse Trần Hữu Thanh, nhà nước có 3 người để chọn lựa.

Theo phán đoán của Đức Hồng Y và các đấng bề trên dòng, thì chính quyền lúc này buộc phải cho một trong hai ứng viên thành viên trẻ kia của DCCT. Nếu không, cha Giuse Trần Hữu Thanh, với năng quyền đã được Đức Hồng Y ban cho cách công khai, công cộng, hợp pháp, ngài sẽ công nhiên thực hiện nhiệm vụ chính xứ của mình tại Thái Hà. Mà điều này thì nhà cầm quyền không muồn vì họ thừa biết người có bản lĩnh như cha Giuse Trần Hữu Thanh, khi hiện diện tại Hà Nội sẽ chẳng có lợi cho họ. Nhà cầm quyền cũng không chấp thuận cha Giuse Trần Thế Phiệt, vì cho rằng trước đây ngài cũng đã bị bắt đi tù trong khi phục vụ đồng bào K’hor mà họ cho là có liên hệ với FULRO.

Kết quả là cuối năm 1993 thầy sáu Giuse Trịnh Ngọc Hiên, 46 tuổi, trẻ nhất trong số 3 ứng viên là “kẻ được chọn”. Nhà cầm quyền chấp thuận cho thầy sáu Giuse Trịnh Ngọc Hiên được chính thức phục vụ tại nhà thờ Thái Hà. Lúc này, Đức Hồng Y lại tiếp tục can thiệp với các cơ quan chính quyền để tháng 2 năm 1994, thầy được nhập học khoá bổ túc của Đại Chủng Viện Hà Nội. Chưa đầy 5 tháng sau, thầy Hiên được Đức Hồng Y truyền chức linh mục tại Đại Chủng viện Hà Nội. Đấy là một kỷ lục về vấn đề thủ tục và thời gian tính cho đến lúc bấy giờ và ngài cũng là trường hợp đầu tiên kể từ năm 1955 được nhà cầm quyền cho thuyên chuyển ra Miền Bắc từ Miền Nam và cho thụ phong linh mục ở Miền Bắc.

Từ đó, ngôi Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở Thái Hà có người kế vị chính thức được đạo đời chấp thuận. Cha Giuse Trịnh Ngọc Hiên đã góp phần quan trọng làm hồi sinh tu viện và giáo xứ như mọi người xa gần đã thấy. Cha Giuse Vũ Ngọc Bích vui mừng vì có người kế vị chính thức nên khoẻ lại. Ngài sống và phục vụ thêm 10 năm nữa để thấy các đệ tử của ngài đào tạo ban đầu cũng đã làm linh mục. Cha Giuse Trần Hữu Thanh đến năm 2000 cũng từ Hải Dương về Thái Hà. Ngài cũng còn 7 năm để giảng dạy tại đấy cho đến khi các đệ tử của ngài được làm linh mục và thay ngài quản xứ Phú Tảo, Hải Dương, giáo phận Hải Phòng (2007).

Xét lại, trong cuộc đời Đức Hồng Y, chúng tôi thấy bên cạnh những nỗi buồn, cũng có nhiều niềm vui. Một trong những niềm vui của ngài mà chúng tôi biết ấy là ngài đã lo liệu thành công cho DCCT Hà Nội được tiếp tục tồn tại và hồi sinh. Cho đến khi gần qua đời, mỗi khi có ai đề cập đến DCCT Thái Hà hoặc khi có anh em DCCT chúng tôi đến thăm ngài, ngài thường nhắc lại sự kiện ngoạn mục này như là một quà tặng lạ lùng của Thiên Chúa.

Chúng tôi xác tín rằng DCCT-Giáo xứ Thái Hà còn tồn tại và góp phần phục vụ Giáo hội được cho đến hôm nay, ấy là nhờ ơn Chúa, nhờ sự hy sinh và cầu nguyện của nhiều người thuộc nhiều thế hệ, song một phần quan trọng có tính cách quyết định cũng là nhờ những hành động quyết đoán, khôn ngoan, đúng thời đúng buổi của các Đấng Bề Trên, trong đó có sự đóng góp to lớn của Đức Hồng Y trong cương vị là Chủ chăn của Tổng Giáo Phận Hà Nội- một đại ân nhân, một người bạn, một người lãnh đạo, một người cha của toàn thể mọi người già trẻ lớn bé trong tu viện và giáo xứ Thái Hà chúng tôi./.

Hà Nội ngày 29 tháng 2 năm 2009
 
Hiệu quả truyền giáo ở Việt Nam trong những năm gần đây - Nghi vấn và giải thích
LM. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
18:24 03/03/2009
HIỆU QUẢ TRUYỀN GIÁO Ở VIỆT NAM TRONG NHỮNG NĂM GẦN ĐÂY NGHI VẤN VÀ GIẢI THÍCH

(Bài chia sẻ trong dịp tĩnh tâm tháng cho anh em linh mục hạt Tân Định, ngày 10-2-2009 và các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế, ngày 27-2-2009)

NHẬP ĐỀ

Truyền giáo hay loan báo Tin Mừng là bản chất của Giáo Hội Chúa Kitô (x. Công đồng Vatican II, Sắc lệnh Ad Gentes, số 4, 16), dựa trên sứ mạng mà Chúa Cha đã giao cho Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21). Vì vậy, qua mỗi thời kỳ lịch sử, chúng ta có thể nói rằng Giáo Hội thế nào thì kiểu truyền giáo thế ấy. Truyền giáo như thế nào thì có kết quả như vậy. Giáo hội Việt Nam cũng như nhiều giáo hội địa phương khác không nằm ngoài định luật này.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam, chúng ta thử nhìn lại nỗ lực truyền giáo trong những năm qua để rút ra bài học kinh nghiệm cũng như để hoạch định những đường hướng truyền giáo cho tương lai.

Muốn hiểu được sâu hơn hiện trạng sống đạo và truyền đạo của người tín hữu Việt Nam hiện nay chúng ta phải nhìn lại cả một bối cảnh truyền giáo rộng lớn của Giáo Hội toàn cầu và của Giáo hội Việt Nam, vì kết quả của công cuộc loan báo Tin Mừng này là công lao gieo vãi và vun xới cho cánh đồng truyền giáo của biết bao thế hệ đi trước. Tuy nhiên, chúng tôi muốn dành phần nghiên cứu này cho những loạt bài nghiên cứu sâu hơn.

Trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ muốn bàn đến hiệu quả truyền giáo ở Việt Nam trong vài chục năm gần đây với nghi vấn rằng hiệu quả ấy chưa cao như lòng mong ước và tìm cách giải đáp nghi vấn này.

Chúng tôi xin trình bày đề tài này theo 4 phần:

- Dựa vào đâu để nói việc truyền giáo tại Việt Nam có hiệu quả chưa cao?
- Nhận định về tình trạng truyền giáo ở Việt Nam.
- Đi tìm một vài nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
- Những gợi ý để đổi mới công cuộc truyền giáo tại Việt Nam.

1. DỰA VÀO ĐÂU ĐỂ NÓI VIỆC TRUYỀN GIÁO TẠI VIỆT NAM CÓ HIỆU QUẢ CHƯA CAO?

1.1. Lời cảm thông

Khi nói việc truyền giáo tại Việt Nam trong vài chục năm gần đây đạt hiệu quả chưa cao, chúng tôi có thể đã làm buồn lòng một số người và dường như chối bỏ công sức của bao vị tông đồ gồm cả giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân đang làm việc miệt mài trên cánh đồng truyền giáo.

Nhiều vị đã lập luận rằng: con số mấy chục ngàn người lớn trở lại Công giáo mỗi năm ở Việt Nam lại không phải là thành quả đáng khích lệ hay sao? Nhất là khi so sánh với vài nước ở châu Âu như Pháp, Đức, Ý mỗi năm chỉ có một vài ngàn! Số người tín hữu Việt Nam tăng từ 2 triệu vào năm 1960 đến 5,2 triệu vào năm 2000 và 6 triệu vào năm 2007 (xem Bảng 3, Thống kê Giáo hội Việt Nam 1933-2007, phần Phụ lục) lại không phải là kết quả lớn lao sao!? Những nghi lễ phụng tự trang nghiêm, đông đảo tín hữu tham dự mỗi Chủ Nhật lại không biểu lộ nét sống đạo mạnh mẽ của người Công giáo Việt Nam đó sao!? Nhất là khi nhiều nhà thờ ở các nước Âu Mỹ trống vắng đến lạnh lùng!

Quả thực, chúng tôi luôn trân trọng mọi hoạt động tông đồ và hiểu rằng giá trị thực sự của hoạt động loan báo Tin Mừng nằm ở sự lượng định hay phán quyết của Thiên Chúa chứ không phải của con người. Dù cả một đời không rửa tội được một ai, nhưng nhà truyền giáo vẫn được đánh giá rất cao vì sự hiện diện tích cực, hiền lành, nhân ái của người ấy trong một cộng đồng xa lạ, vì những nỗ lực rao giảng Tin Mừng của người ấy đã thấm nhập vào xã hội, vào nền văn hoá của dân tộc… và cuối cùng chỉ có Thiên Chúa mới nhìn thấu hết những gì nhà truyền giáo ấy thực hiện và thưởng công cho người đó.

1.2. Dựa vào thực trạng của Giáo Hội qua số liệu thống kê

Nhận định của chúng tôi dựa vào tình trạng thực tế của Giáo hội Việt Nam được tổng kết trong các báo cáo hằng năm của Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi sang Toà Thánh Vatican hay công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng như Bản tin Hiệp Thông, Đài Vatican, Đài Asia Veritas (Chân lý Á Châu)…

Chúng tôi đã thu tích hàng chục ngàn số liệu về Giáo Hội toàn cầu, Giáo hội các châu, Giáo hội Việt Nam trong mấy chục năm qua và tổng kết trong 26 bảng thống kê ở phần Phụ lục cho loạt bài nghiên cứu này về công cuộc Truyền giáo. Vì thế, chúng tôi mời bạn đọc theo dõi các con số trên các bảng tổng kết và biểu đồ về tình trạng truyền giáo của Giáo Hội toàn cầu cũng như Giáo hội Việt Nam để hiểu hơn về việc loan báo Tin Mừng của Giáo Hội.

Những con số này chắc chắn không thể nào nói lên được thực trạng của công cuộc loan báo Tin Mừng vì đây vừa là một hoạt động mang tính xã hội tác động lên con người (qua các chỉ số người lớn trở lại đạo, tham dự các bí tích, hoạt động xã hội…), vừa mang tính siêu nhiên vì tác động lên tinh thần con người, lên văn hoá dân tộc và cả nền văn minh nhân loại mà không ai có thể đo lường và thống kê được.

Tuy nhiên, dựa vào những số liệu thống kê, chúng ta có thể nhận ra một số dấu hiệu về công cuộc loan báo Tin Mừng của một cộng đồng hay của một giáo hội địa phương. Dấu hiệu này có giá trị tích cực hay tiêu cực là tuỳ theo người nhận định nó dựa trên các tiêu chuẩn nào. Chúng giống như ngọn đèn vàng trong tín hiệu giao thông cảnh báo cho chúng ta chuẩn bị dừng lại hay cẩn thận trước khi tiến tới.

1.3. Nguồn dữ liệu

Các số liệu này chúng tôi thu thập trong các nguồn chính sau đây:

- Tổng cục Thống kê Việt Nam, Niên giám Thống kê, từ năm 1993-2007, NXB Thống Kê, Hà Nội, in và phát hành.
- Các sách Niên giám Thống kê từ năm 1997 đến 2007 do Cục Thống kê TP. HCM in và phát hành.
- Niên giám Giáo hội Công giáo Việt Nam 2004, 2005 do Văn phòng Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam in và phát hành.
- Việt Nam Công giáo Niên giám 1964 do tủ sách Sacerdos thực hiện, Nhà in Nguyễn Bá Tòng, 12-1963.
- Catholic Almanac hằng năm, từ năm 1999 đến 2009, của NXB Our Sunday Visitors, Huntington, Indiana, Hoa Kỳ, phát hành.
- Annuario Pontificio của Văn phòng Thống kê Toà Thánh Vatican.
- Bản tin Hiệp Thông của Văn phòng Thư ký - Uỷ ban Văn hoá của Hội đồng Giám mục Việt Nam, từ năm 2000-2009.
- Và nhiều nguồn truyền thông khác.

1.4. Vài điểm cần lưu ý về số liệu

Nhiều số liệu về Giáo hội Việt Nam cần được điều chỉnh vì có sự khác biệt hay sai sót do các nguyên nhân sau: do hoàn cảnh chiến tranh, do ngăn cách hai miền Nam Bắc suốt từ năm 1954-1975; hoặc ít có tổ chức trong nước quan tâm đến các số liệu về tôn giáo của Giáo hội Công giáo Việt Nam (từ năm 1975-1990), trừ thống kê của Nhà nước trong cuộc Tổng Điều tra năm 1999; do ranh giới hành chính và tôn giáo không trùng khớp nhau (nhiều giáo phận bị chồng chéo lên nhau, có giáo phận nằm trong 3-4 tỉnh, hoặc có khi một tỉnh thuộc về 2-3 giáo phận khác nhau nên khi làm thống kê nhiều lúc diện tích của Giáo hội Việt Nam lại lớn hơn vài ngàn kilômet vuông so với diện tích nước Việt Nam, hoặc số dân mà các giám mục quản lý cũng tăng hơn so với dân số Việt Nam chừng 3-4 triệu); do những biến động xã hội như cuộc di cư từ Bắc vào Nam năm 1954 (vì thế số liệu ở các giáo phận bị xáo trộn nhiều); do di tản từ Việt Nam sang nhiều nước khác từ năm 1975-1985; do di dân vì tình hình kinh tế xã hội khó khăn từ năm 1990-2008.

Chúng tôi đã trình bày những lý do đó trong cuốn Người Mục tử Cộng đồng Hướng về Tương lai. Sách này trình bày rất nhiều những số liệu và chứng minh nhiều số liệu không ổn định như có giáo phận ở miền Bắc chỉ tăng có 2 giáo dân trong suốt 13 năm! (x. Nguyễn Ngọc Sơn, Người Mục tử Cộng đồng Hướng về Tương lai, NXB TP.HCM, 1996, tr. 51-59).

Vì thế, những số liệu về diện tích, dân số Việt Nam đăng trong bảng tổng kết hằng năm của HĐGMVN đã được chúng tôi thay thế bằng số liệu của Cục Thống kê Nhà nước cho chính xác hơn.

Những số liệu về Giáo hội Việt Nam cũng như của các giáo phận ở Việt Nam được báo cáo về Toà Thánh Vatican và được công bố khá chậm, trung bình phải 2-3 năm sau. Chúng tôi đã có dịp so sánh các số liệu với nhau. Những số liệu này mất 2 năm mới xuất hiện trên Annuario Pontificio của Toà Thánh Vatican rồi sau đó mất thêm 1 năm mới được trích lại trên cuốn Catholic Almanac. Thí dụ: Dân số toàn cầu hiện nay đã vượt quá 6.750 tỷ nhưng trong Catholic Almanac 2009 mới chỉ có 6.542.824.000 (tr. 335), và số tín hữu Việt Nam ở đây là 5.990.000 (tr. 333). Đó là các số liệu Giáo hội Việt Nam báo cáo về Toà Thánh vào năm 2006. Vì thế, khi xem các số liệu của Giáo Hội toàn cầu ta nên hiểu đó là số liệu của 2-3 năm về trước. Thí dụ: Thống kê năm 1963 là số liệu của năm 1960. Còn các số liệu của Giáo hội Việt Nam trong các bảng từ số 13-20 được tính đúng năm theo bảng thống kê.

2. NHẬN ĐỊNH VỀ TÌNH TRẠNG TRUYỀN GIÁO Ở VIỆT NAM

2.1. Tình trạng truyền giáo của Giáo hội toàn cầu

Trước khi tìm hiểu tình trạng truyền giáo ở Việt Nam, chúng tôi muốn nói sơ qua về tình trạng truyền giáo của Giáo hội toàn cầu. Ở đây chúng tôi chỉ đưa ra vài con số để làm bối cảnh cho công cuộc loan báo Tin Mừng ở Việt Nam.

Trong mấy chục năm qua, chúng tôi thấy số người Công giáo tăng từ 558.220.654 người (x. Việt Nam Công giáo Niên giám 1964, tr. 139) trên tổng số 3.068.275.975 vào năm 1960 lên đến 1.130.750.000 người trên tổng số 6.542.824.000 người của dân số thế giới vào năm 2006 (x. Thống kê Catholic Almanac, năm 2009, tr. 334, Bảng 1).

Số tăng này phần lớn là tăng tự nhiên theo số trẻ sinh ra. Ngoài ra, mỗi năm có khoảng từ 1-2 triệu người lớn được rửa tội. Tuy nhiên, nếu tính theo tỷ lệ giữa số dân Công giáo và dân số thế giới thì tỷ lệ này giảm từ 18,2% vào năm 1960 còn 17,99% vào năm 1975, và còn 17,2% vào năm 2006 (x. Thống kê Giáo hội Toàn cầu từ 1962-2009, Bảng 1, tr. 2).

Nếu so sánh với dân số Hồi giáo vào năm 1960 có 433.840.000 người trên tổng số 3.068.275.975, chiếm 14,13% dân số thế giới (x. Việt Nam Công giáo Niên giám 1964, tr. 140) thì vào năm 2006 đã vượt qua Công giáo và chiếm 19,2% dân số. Có người giải thích rằng người Hồi giáo sinh nhiều con nên dân số tăng nhanh.

Số người lớn được rửa tội trung bình cả thế giới là 2,5 triệu người/năm, trong khoảng 10 năm gần đây, trong khi Giáo Hội toàn cầu có hơn 1.000 giám mục, 400.000 linh mục triều và dòng, hơn 800.000 tu sĩ nam nữ, 200.000 tông đồ giáo dân, gần 3 triệu giáo lý viên (x. Thống kê Giáo hội Toàn cầu từ 1962-2009, Bảng 1, tr. 2). Như thế, trung bình cứ 2 người Công giáo ưu tuyển mới cuốn hút được 1 người theo đạo/năm.

Nói như vậy để chúng ta thấy Giáo Hội toàn cầu trong suốt 50 năm qua không tăng thêm được 1%. Điều này chứng tỏ việc truyền giáo chưa có hiệu quả cao về mặt số lượng. Còn chất lượng sống đạo có tốt hơn không lại là chuyện khác. Chúng ta sẽ tìm hiểu và phân tích sâu hơn về tình trạng này trong một bài khác.

2.2. Tình trạng truyền giáo của Giáo hội Việt Nam

Về tình trạng truyền giáo của Giáo hội Việt Nam, chúng tôi xin tóm tắt qua các số liệu sau đây:

* Từ năm 1960-2008, tỷ lệ dân số Công giáo Việt Nam so với dân số cả nước không tăng lên được 1%.

- Năm 1960: tổng số dân Việt Nam là 30.172.000. Công giáo là 2.094.540, chiếm tỷ lệ khoảng 6,93%.

- Năm 2000: tổng số dân Việt Nam là 77.635.400. Công giáo là 5.234.303, chiếm tỷ lệ 6,7% (x. Thống kê Giáo hội Việt Nam 1933-2007, Bảng 12, tr. 26).

- Năm 2007: tổng số dân Việt Nam là 85.154.900. Công giáo là 6.087.659, chiếm tỷ lệ 7,15% (x. Thống kê Giáo hội Việt Nam 1933-2007, Bảng 12, tr. 26).

Nếu so sánh số liệu năm 1933 với tỷ lệ 7,2% dân số và năm 1939 với tỷ lệ 7,5% dân số ta sẽ thấy tỷ lệ này đang có nguy cơ giảm (x. Thống kê Giáo hội Việt Nam 1933-2007, Bảng 12, tr. 26).

* Trong vòng 50 năm qua, số dân Công giáo Việt Nam tăng từ 2 triệu vào năm 1960 lên đến hơn 6 triệu vào năm 2007. Như thế là tăng gấp 3 lần. Số tăng này hầu như là do số sinh tự nhiên nên chưa có thể nói được là do truyền giáo. Nếu ta so sánh số trẻ sơ sinh được rửa tội hằng năm với số Công giáo tăng hằng năm sẽ thấy hai số đó gần như bằng nhau (x. Tổng kết Nhân sự các Giáo phận từ 2000-2007, Bảng 21, tr. 48).

Tổng số trẻ rửa tội từ 2001 đến 2007 là 761.711 (x. Tổng kết Tình trạng Bí tích từ năm 2000-2007, Bảng 23, tr. 50). Trong khi số tăng tín hữu từ năm 2001 đến 2007 là: 6.087.659 – 5.324.492 = 763.167 người (x. Bảng 21, tr. 48). Chênh lệnh (761.711 - 763.167) 1.456 người.

* Số người lớn trở lại đạo từ năm 2001 đến 2007 là 242.176 và số trẻ từ 1 đến 7 tuổi được rửa tội là 52.524 (x. Tổng kết Tình trạng Bí tích từ năm 2000-2007, Bảng 23, tr. 50). Nếu tính số tử của người Công giáo là 8%o như số trung bình của toàn quốc thì số trẻ được rửa tội từ 1 đến 7 tuổi tương đương với số người chết. Còn số người lớn trở lại đạo 242.176 đáng lẽ phải được cộng thêm vào tổng số tín hữu (6.087.659 + 242.176 - 1.456 = 6.328.379), nhưng lại biến mất mà không tìm được lời giải thích. Không lẽ có cả hàng trăm ngàn người bỏ đạo từ năm 2001-2007?!

* Trong vòng 7 năm gần đây (2001-2007), số người trở lại đạo trung bình mỗi năm khoảng 35.000 người (242.176: 7 năm = 34.597 (x. Bảng 23, tr. 50). Nếu quan sát các lớp học giáo lý tân tòng, ta thấy có tới 80-90% người muốn theo đạo là để lập gia đình với người có đạo. Vậy động lực theo đạo thật sự của họ là gì? Họ có thể sống đạo và giữ đạo lâu dài không? Đã có câu mỉa mai để nhắc nhở ta về tình trạng này:

Sấp mình lạy Chúa Ba Ngôi
Tôi lấy được vợ, tôi thôi nhà thờ!


* Một nhận xét khác là số người trở lại đạo không tương xứng với số nhân sự lo việc truyền giáo. Nếu ta tổng cộng số linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và giáo lý viên trong cả nước hay trong một giáo phận, ta sẽ thấy kết quả này là khá nhỏ bé.

Thí dụ: năm 2007, Giáo hội Việt Nam có 3.510 linh mục, 1.370 chủng sinh, 1.765 chủng sinh dự bị, 1.798 tu sĩ nam, 13.170 tu sĩ nữ, 56.133 giáo lý viên (x. Bảng 21, tr. 48) vậy mà chỉ thu hút được 40.778 người (x. Bảng 23, tr. 50). Đây là số cao nhất trong mấy năm gần đây. Trung bình cứ 2 người tín hữu ưu tuyển mới thu hút được 1 người theo đạo. Đó là chúng ta chưa nói đến cả triệu đoàn viên các hội đoàn Công giáo Tiến hành.

* Nhiều giáo phận có số người lớn trở lại đạo rất thấp:

Thí dụ năm 2007:

§Cả giáo phận Huế chỉ có 87 người lớn trở lại đạo, trong khi tổng số giáo dân là 67.780 người, 109 linh mục, 39 chủng sinh, 85 tu sĩ nam, 689 tu sĩ nữ, 722 giáo lý viên (x. Bảng Tổng kết các Giáo phận năm 2007, Bảng 20, tr. 46).

§Giáo phận Bùi Chu có 411 người lớn trở lại đạo, trong khi có 388.013 tín hữu, 160 linh mục, 39 chủng sinh, 589 tu sĩ nữ, 3.255 giáo lý viên (x. Bảng Tổng kết các Giáo phận năm 2007, Bảng 20, tr. 46).

§Giáo phận TP.HCM có 651.046 tín hữu, 576 linh mục triều và dòng, 61 chủng sinh, 275 tu sinh, 945 tu sĩ nam, 3.110 tu sĩ nữ (chưa kể 560 tu sĩ thuộc tu hội), 5.243 giáo lý viên. Số người lớn được rửa tội cả năm là 7.623 người (x. Bảng Tổng kết các Giáo phận năm 2007, Bảng 20, tr. 46), đông nhất trong 26 giáo phận.

2.3. So sánh hoạt động truyền giáo của vài giáo hội khác

Nếu nhìn vào Giáo hội Tin Lành ở Việt Nam, năm 1999: số tín hữu là 400.000 người (x. Thống kê Quốc gia 1999, tr.133). Năm 2008: con số này đã lên tới 1.500.000 người. Như thế, số tín hữu tăng gần 4 lần trong vòng 10 năm. Đó mới chỉ là vài hệ phái chính, chưa kể các hệ phái khác như Pentecostist (Ngũ Tuần), Chứng nhân Yavê…

Nói đến thành công này, một số người giải thích rằng tại vì anh em Tin Lành có nhiều phương tiện như tiền bạc, thuốc men, phân phối sách Kinh Thánh, dạy Anh ngữ miễn phí… nên có thể giúp đỡ nhiều người và thu hút người khác theo đạo. Chúng ta không biết có phải đó là lý do chính yếu không hay còn những hoạt động tích cực nào khác cần phải tìm hiểu và học hỏi lẫn nhau? Nếu có dịp đến hớt tóc ở góc đường Kỳ Đồng gần Nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, TP.HCM, chúng ta sẽ thấy những người thợ vừa hớt tóc vừa giảng đạo, dù rằng chúng ta không muốn nghe nhưng họ vẫn cứ nói. Ở Giáo xứ Chợ Đũi, Q.1, TP.HCM, nhóm Pentecostist mượn hội trường của giáo xứ để mỗi tuần tổ chức buổi họp mặt của nhóm. Nhìn những người tham gia nhóm hát với tất cả niềm hăng say ta mới thấy sức cuốn hút của những ai được Chúa Thánh Thần tác động.

Nếu nhìn vào Giáo hội Hàn Quốc, vào năm 1949, người Công giáo xuất phát cùng với anh em Tin Lành ở mức 1% dân số, đến năm 2005, tổng kết của Hàn Quốc: Công giáo là 9,1% và anh em Tin Lành là 26%. Chúng ta cần học bài học truyền giáo của anh em Hàn Quốc. Khi sang làm việc ở Việt Nam, nhóm Công giáo đã gặp gỡ nhau tại Giáo xứ Vườn Xoài. Họ lo lắng và tích cực truyền giáo không chỉ cho cộng đồng của họ mà còn truyền giáo cho những người Việt Nam, truyền giáo cho những thương gia Hàn Quốc đã sang đây làm việc. Chương trình của Giáo hội Hàn Quốc cách đây nhiều năm là mỗi gia đình Công giáo nhận đỡ đầu cho một gia đình không Công giáo, và họ quyết tâm là trong 5 năm phải tăng gấp đôi số người tín hữu. Họ đã hoàn thành điều này chỉ trong vòng 3 năm! Giáo hội Việt Nam sẽ có chương trình truyền giáo như thế không?

Do đó, chúng ta cần phân tích những nguyên nhân gây nên thiếu hiệu quả trong công cuộc truyền giáo để thấy cần thay đổi thế nào cho công cuộc truyền giáo được kết quả.

3. MỘT VÀI NGUYÊN NHÂN DẪN ĐẾN TÌNH TRẠNG THIẾU HIỆU QUẢ

Tình trạng thực tế về truyền giáo đòi hỏi chúng ta phải quan tâm và đặt vấn đề cho việc truyền giáo của mình: Tại sao Giáo hội Việt Nam với bao nhiêu dòng tu, bao nhiêu hoạt động tích cực trong xã hội, bao nhiêu lễ nghi rất hoành tráng (thí dụ như Đại hội Đức Mẹ La Vang 2008 với khoảng 500.000-600.000 người tham dự) mà vẫn không cuốn hút được người ta theo đạo? Nếu tình trạng kém hiệu quả chỉ xảy ra trong 1-2 năm thì chúng ta còn cho là ngẫu nhiên, nhưng kéo dài đến 50 năm thì đó là vấn đề đáng ta tìm hiểu và phân tích.

Đã có rất nhiều những hội nghị, hội thảo thuộc đủ các cấp, các miền, từ Giáo hội trung ương đến Giáo hội địa phương, được tổ chức để tìm hiểu và nghiên cứu sâu xa vấn đề truyền giáo của Giáo hội Công giáo nhưng kết quả chưa thu được là bao. Nhiều tài liệu hướng dẫn cho các thành phần dân Chúa học hỏi về công cuộc truyền giáo đã được soạn thảo và phân phối cho các linh mục, tu sĩ và giáo dân ưu tuyển nhưng hình như chúng vẫn chưa tạo nên những kết quả thiết thực.

Chúng tôi nghĩ rằng những nghiên cứu và khám phá từ các giới chuyên môn trong Giáo Hội đã khá phong phú để giúp chúng ta tìm ra những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên. Chúng tôi xin tóm tắt vào mấy điểm sau đây:

3.1. Chưa có một nhận thức đầy đủ về việc loan báo Tin Mừng

Nhận thức này được khoa Truyền giáo học cung cấp cho ta để hiểu rằng người loan báo (chủ thể) cần những điều kiện nào, người được loan báo (đối tượng) cần được quan tâm như thế nào và Tin Mừng (nội dung) được loan báo là loại tin gì và loan báo ra sao (phương thức) (x. Felippe Gomez, S.J., Truyền giáo học, Antôn & Đuốc Sáng xuất bản, 2003).

Dù đã được hướng dẫn bằng những nghiên cứu sâu xa của Công đồng Vatican II với các Hiến chế Lumen Gentium (Ánh sáng Muôn dân) năm 1965, Gaudium et Spes (Vui mừng và Hy vọng) năm 1965, Sắc lệnh Ad Gentes (Đến với Muôn dân) năm 1965, Apostolicam Actuositatem (Hoạt động Tông đồ) năm 1965, cũng như nhiều văn kiện của các Đức Thánh Cha, đặc biệt là ĐTC Phaolô VI với Thông điệp Evangelii Nuntiandi (Loan báo Tin Mừng) năm 1975, và ĐTC Gioan Phaolô II với Thông điệp Redemptoris Missio (Sứ vụ Đấng Cứu Thế) năm 1990, nhất là Thông điệp Hậu Thượng Hội đồng Ecclesia in Asia (Giáo Hội tại châu Á) năm 1999, nhiều tín hữu Việt Nam hầu như không được học hỏi chúng nên chưa có một nhận thức đầy đủ về việc loan báo Tin Mừng. Đến ngày Khánh nhật Truyền giáo (tháng 10 hằng năm), nhiều người chỉ nhắc đi nhắc lại điệp khúc “Truyền giáo là bản chất của Hội Thánh” chứ không biết thể hiện bản chất ấy thành những hành động cụ thể như thế nào trong đời sống.

Nhiều tín hữu còn cho rằng loan báo Tin Mừng là công việc chuyên môn của linh mục, tu sĩ hay một số giáo dân chuyên nghiệp đã được học về Thần học, chứ không phải là bổn phận của chính mình. Nhiều vị có trách nhiệm lại cho rằng truyền giáo là mở những lớp giáo lý tân tòng để dạy cho người muốn theo đạo những bài học soạn sẵn hay bắt họ học thuộc lòng một số kinh. Nhiều người tích cực hơn thì mua các sách Kinh Thánh hay Tân Ước phát tặng cho anh em lương dân hay tặng quà cho họ trong những dịp lễ Tết.

Uỷ ban Loan báo Tin Mừng của HĐGMVN hay của các giáo phận trong mấy chục năm qua dường như vẫn còn để ngỏ mảnh đất này cho các nhà thần học tự khám phá, các tín hữu riêng lẻ hay các dòng tu tự dấn thân hoạt động hơn là tổ chức, định hướng và liên kết các hoạt động truyền giáo trong Giáo hội Việt Nam. Người ta đưa ra gương mẫu của thánh Phanxicô Xaviê, thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu hay nhiều gương mẫu khác mà quên đi Đức Giêsu Kitô mới là người mẫu loan báo Tin Mừng tuyệt hảo nhất cho mọi thời đại. Người loan báo tin vui Nước Trời với niềm phấn khởi, xác tín, và quyền năng của Ngôi Lời Thiên Chúa thể hiện nơi chính bản thân Người: “Đức Giêsu đi khắp các thành, các làng rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa lành mọi bệnh hoạn, tật nguyền” (x. Mt 9,35; 4,23). Người đúng là sứ giả của Lời để Thiên Chúa trực tiếp dạy bảo chúng ta, để Thiên Chúa nói với chúng ta qua Con của Ngài và đưa mọi người vào cuộc hiệp thông toàn diện với Thiên Chúa (x. Hội đồng Chủ tịch Năm Thánh 2000, Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ Duy nhất, Rôma 1999, bản dịch, tr. 24).

3.2. Thiếu nền tảng Kitô học vững chắc

Để có nhận thức đầy đủ về công trình loan báo Tin Mừng cứu độ của Đức Giêsu Kitô, Giáo Hội cần những nhà thần học trình bày một học thuyết thật rõ ràng, trong sáng, mạch lạc về Đức Giêsu Kitô. Học thuyết này sẽ giúp người tín hữu thống nhất về mặt tư tưởng cũng như hành động với Đức Giêsu và giới thiệu Người cho người khác. Các Nghị phụ của Thượng Hội đồng Giám mục châu Á đã xin Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đề nghị các nhà thần học soạn một giáo trình cơ bản về Kitô học vừa trung thành với Thánh Kinh, Thánh Truyền và Giáo huấn của Hội Thánh, vừa giải đáp thoả đáng các vấn đề về Đức Kitô do các khoa học đặt ra trong tinh thần đại kết và đối thoại liên tôn. Dù được khuyến khích rất nhiều nhưng các nhà thần học chưa dám viết giáo trình này vì trong lịch sử những vấn đề Kitô học là nguồn gây tranh cãi và chia rẽ trong Giáo Hội suốt những thế kỷ đầu. Đa số chỉ dừng lại ở những điểm cơ bản của Công đồng Nicea (năm 325) và Calcedonia (năm 451).

Để chuẩn bị cho nền tảng Kitô học mới mẻ này, ĐTC Gioan Phaolô II luôn luôn trình bày về Đức Kitô trong các văn kiện và lời rao giảng của ngài; còn ĐTC Bênêđictô XVI đã viết cuốn Đức Giêsu Nazareth, năm 2007 (x. Joseph Ratzinger, Jesus of Nazareth, NXB Vatican) ngay khi mới lên ngôi Giáo hoàng. Thực ra, khi còn là Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, ngài đã trình bày một số điểm tranh luận trong Kitô học qua cuốn Giáo lý Hội Thánh Công giáo (năm 1992) và bản Toát yếu Giáo lý của Hội Thánh Công giáo (năm 2005).

Nếu người ta nắm vững nguyên tắc Kitô học và giảng dạy tinh thần đối thoại liên tôn thì rất nhiều người tín hữu sẽ vượt qua mặc cảm sợ hãi và tội lỗi khi phải tham dự những lễ nghi với những anh em không cùng tôn giáo, và những anh em lương dân chắc chắn sẽ có nhiều thiện cảm khi hiểu ra những thái độ ứng xử thân thiện và tôn trọng của người Công giáo. Ví dụ ở Việt Nam vẫn còn nhiều căng thẳng về văn hoá và tôn giáo: nhiều người vẫn hiểu rằng vào đạo thì không được vào chùa lạy Phật, không được làm mâm cúng, không được ăn đồ đã cúng Phật vì sợ mắc tội!

3.3. Thực trạng sống đạo chưa đáp ứng với yêu cầu của Tin Mừng

Nhìn vào đời sống người Kitô hữu hiện nay, chúng ta thấy có một khoảng cách khá lớn giữa điều người ta hiểu và điều người ta sống. Đời sống đạo tập trung vào các nghi lễ, các hoạt động bên ngoài hơn là vào niềm xác tín và cảm nghiệm bên trong.

Ở Việt Nam, hơn 60% dân số dưới tuổi 30. Những người trẻ đang có xu hướng đi tìm biết sự thật ẩn chứa trong thiên nhiên, trong con người cũng như xã hội qua việc say mê học hỏi khoa học kỹ thuật. Nhưng nhiều người chúng ta lại quá quan tâm đến thần học, ít chú trọng đến các khoa học, và chưa trình bày cho người trẻ hiểu rằng Đức Giêsu chính là sự thật toàn diện và vĩnh cửu (x. ĐTC Gioan Phaolô II, Giáo Hội tại châu Á, số 10) và Người sẵn sàng khai mở tâm trí để giúp con người hiểu biết những sự thật đó.

Hơn nữa, những người trẻ này cũng đang có xu hướng chạy theo cái đẹp qua sự say mê cuồng nhiệt đối với các thần tượng như cầu thủ, diễn viên, người mẫu và ham chuộng thời trang, âm nhạc, thể thao như biểu hiện của cái đẹp. Trong khi đó chúng ta hô hào họ hãy xoá bỏ thần tượng, sống đơn giản, nghèo khó, nhưng lại chưa giới thiệu cho họ một Thiên Chúa là chủ của cái đẹp và chưa giúp họ hiểu tinh thần nghèo khó của Đức Giêsu thật sự là gì.

Đức Giêsu dạy: “Con người làm chủ ngày Sabbat” (Mt 12,8) như mời gọi chúng ta chú ý đến con người hơn những luật lệ, hình thức đạo đức bên ngoài. Thế nhưng, những ngôi nhà thờ đồ sộ, những tu viện to lớn bên cạnh các căn nhà tồn tàn, rách nát như trở thành những pháo đài kiên cố khiến nhiều người ngại ngùng không dám tìm gặp Đức Kitô ở đó. Nhìn những cuộc hành hương với vài trăm ngàn người tham dự, mà người ở xa tiêu hàng triệu đồng, người ở gần tốn vài chục ngàn cho việc đi lại ăn ở, và nếu tính tổng cộng có thể lên tới hàng chục, hàng trăm tỷ đồng, trong khi hàng trăm ngàn học sinh vẫn còn thiếu lớp, cả triệu (5,5) người tàn tật còn thiếu điều kiện sinh sống, hàng trăm ngàn người nghèo thất nghiệp đang phải chật vật kiếm ăn, thì có lẽ chúng ta phải nhìn lại cách thức bày tỏ lòng đạo của mình đối với Chúa và Đức Mẹ cho âm thầm, khiêm tốn hơn chăng?

Nếu chúng ta chỉ rao giảng Lời Chúa như một người tiếp thị, quảng cáo Tin Mừng mà chưa phải là chứng nhân thực sự của Tin Mừng Đức Kitô với những hành động cụ thể trong đời sống thì việc truyền giáo vẫn khó đạt kết quả như lòng mong ước.

4. VÀI GỢI Ý ĐỂ ĐỔI MỚI CÔNG CUỘC TRUYỂN GIÁO TẠI VIỆT NAM

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã mời gọi chúng ta xuất phát lại từ Đức Giêsu Kitô và sống với Người thì mới có thể chia sẻ kinh nghiệm cho người khác trong đời sống thường ngày. Đây là gợi ý để chúng ta suy nghĩ về công việc truyền giáo của mình. Tuy nhiên, muốn xuất phát lại từ Đức Kitô trước hết chúng ta cần trở lại với Người (x. Thông điệp Giáo Hội tại châu Á, số 10).

4.1. Trở lại với Đức Kitô để cảm nghiệm được nội dung loan báo Tin Mừng là chính Đức Kitô

Trở lại với Đức Kitô là chúng ta tìm lại cảm nghiệm sống động của các Tông đồ về Đức Giêsu Phục Sinh như là tâm điểm cho mọi hoạt động và suy tư của mình. Đức Giêsu không phải là một mớ thông tin mà ta đã thu thập được trong những giờ học giáo lý hay qua những bài giảng, bài kinh. Đức Giêsu cũng chẳng phải là những câu Tin Mừng chúng ta học thuộc lòng và nhắc lại cho người khác mà không cảm nghiệm được ý nghĩa thâm sâu và sức cứu độ mãnh liệt trong từng lời nói của Người. Người cũng chẳng phải là những cuốn sách Thánh Kinh ta trân trọng trao tặng anh em lương dân và khuyến khích họ đọc Lời Chúa trong khi chính ta cũng cảm thấy khó khăn trước những bản văn cần giải thích của Thánh Kinh.

Tin Mừng hay Lời Chúa phải là một con người đang sống giữa chúng ta và sống trong ta để ta có mối tương quan mật thiết với Người. Để hiểu trọn vẹn về một con người đang sống, ta không phải chỉ cần thông tin mà còn phải gặp gỡ, tiếp xúc, yêu thương và nếu cần, có thể hoà nhập thành một “để tôi sống nhưng không còn phải là tôi mà là Đức Kitô sống trong tôi” (x. Gl 2,20). Có như thế chúng ta mới có thể chia sẻ Đức Giêsu cho những người khác, mới “kể chuyện về Đức Giêsu” như đề nghị của Đại hội Truyền giáo châu Á được tổ chức tại Chiang Mai, Thái Lan, từ ngày 18 đến 22-10-2006. Nếu nội dung loan báo thật sự là Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô thì chính Người sẽ “củng cố lời rao giảng bằng những phép lạ kèm theo” (Mc 16,20) để thể hiện ơn cứu độ và giải thoát con người.

4.2. Trở lại với Đức Kitô để khám phá ra giá trị cao cả của người nghe Tin Mừng

Trở lại với Đức Giêsu Kitô để thấy rằng qua việc Ngôi Lời Thiên Chúa trở thành con người (x. Ga 1,14), thì con người trở thành con đường của Thiên Chúa và cũng là con đường của Giáo Hội (x. UBBAXH/HĐGMVN, Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2007, số 62). Lúc đó nhà truyền giáo mới tập trung mọi cố gắng lo cho biết bao con người trong vùng đất Á châu và Việt Nam, nhất là những người nghèo khổ, yếu kém, bị bóc lột và bị gạt ra ngoài lề xã hội, như Đức Giêsu đã tất bật từ sáng sớm đến tối mịt để rao giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ cho con người. Tất cả những công việc này đều là hoạt động truyền giáo, đều nhằm xây dựng một nền nhân bản toàn diện và liên đới mà Công đồng Vatican II đã khởi xướng vào năm 1965 và được khai triển trong Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo từ năm 2004. Các tổ chức của Giáo Hội được mời gọi để khai triển và thể hiện nền nhân bản này.

Trở lại với Đức Kitô ta sẽ khám phá ra mầu nhiệm Nhập Thể luôn gắn liền với mầu nhiệm Nhập Thế để can đảm dấn thân vào xã hội trần thế hôm nay. Ngôi Lời Thiên Chúa đã trở thành Đức Giêsu Nazareth, đã đi vào dòng lịch sử con người, đã đón nhận những yếu tố của vũ trụ vật chất qua thân xác của mình. Người đã đưa tính tuyệt đối, vĩnh hằng, thánh thiện, vô biên của Thiên Chúa vào trong cái tương đối, nhất thời, tội luỵ, hữu hạn của con người và vũ trụ để từ nay tất cả đều được biến đổi và thần hoá. Từ đó, mỗi con người đều có giá trị vô song dù họ già nua, tàn tật, xấu xa đến đâu chăng nữa. Từ đó, mỗi công việc đều có giá trị vĩnh hằng, đem lại ơn cứu độ dù nó chỉ kéo dài một vài giây như nụ cười, dù có vẻ tầm thường như các chậu quần áo ta giặt mỗi ngày, như làm vệ sinh, rửa mặt, đánh răng mỗi bữa. Truyền giáo bây giờ chính là kết hợp với Đức Kitô trong đời sống thường ngày để dâng lên Người những công việc tưởng như nhỏ bé vô nghĩa nhưng thực ra có giá trị vô song nếu ta làm vì yêu mến Đức Kitô để cứu độ anh em mình.

Sống trong một châu lục với nhiều dân tộc có các nền văn hoá và tôn giáo khác nhau, ta cần trở lại với Đức Kitô để thấy Người không phải là của riêng Kitô giáo nhưng là Đấng Cứu Độ của toàn thể nhân loại và vũ trụ. Cha Trên Trời muốn cứu độ tất cả con cái mình nên đã ban Người Con Một cho chúng ta, và Chúa Thánh Thần vẫn đang chuẩn bị cho việc Đức Kitô đến với mọi người cũng như không ngừng nói trong các tôn giáo (x. CĐ. Vat. II, Tuyên ngôn Nostra aetate, số 1; Giáo Hội tại châu Á, số 15,18). Việc truyền giáo là một cố gắng liên tục để hội nhập văn hoá và đối thoại liên tôn của từng người tín hữu cũng như từng tổ chức của Giáo Hội. Trong hoạt hoạt động này, chúng ta cần học lại thái độ khoan dung của Đức Kitô (x. Mc 9,38-39) để biết phân biệt những hình thức mê tín dị đoan đồng thời biết đánh giá đúng các nghi thức phụng vụ, lời kinh và cách sống của những người không cùng tôn giáo với mình, thậm chí ngay trong việc trừ ma diệt quỷ của họ (x. Mc 9,39-40).

4.3. Trở lại với Đức Giêsu Kitô để nhà truyền giáo trở thành hiện thân sống động của Người

Sứ mạng truyền giáo bắt nguồn từ chính sứ mạng của Đức Kitô vì chính Người là Ngôi Lời hằng hữu đã được Chúa Cha sai đến trần gian (x. Lc 4,18) để mạc khải tình thương cứu độ của Chúa Cha và tất cả những ai tin Người sẽ được sống đời đời (x. Ga 3, 16). Tin Mừng cứu độ ấy được Đức Kitô loan báo bằng toàn thể con người mình, bằng lời nói cũng như hành động. Chính Người sai chúng ta đi loan báo Tin Mừng: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho muôn loài thụ tạo” (Mc 16,15) và ban muôn ân sủng của Thánh Thần để giúp chúng ta hoàn thành sứ mạng ấy.

Vì thế, xét về bản thân, nhà truyền giáo cần 4 điểm sau đây: xác tín về sứ mạng cứu độ Chúa Cha trao cho mình, hoà nhập thành một với Đức Kitô, gắn bó mật thiết với Chúa Thánh Thần và hiệp thông sâu xa với Giáo Hội. Khi có đủ 4 yếu tố này, bản thân nhà truyền giáo trở thành hình ảnh sống động của Chúa Ba Ngôi, trở thành hiện thân của Chúa Giêsu Kitô ở trần gian và trở nên Tin Mừng sống động là nội dung của việc truyền giáo (x. Gl 2,20). Việc truyền giáo ngày nay không phải chỉ tìm đến một dân tộc xa lạ, đến với những người khác mình về tôn giáo và văn hoá, cũng không phải chỉ là việc dạy giáo lý hoặc thăng tiến con người và phát triển cộng đồng nhưng là tiếp xúc với mọi người mọi vật trong đời sống thường ngày để chia sẻ bản thân mình cho họ như chính Đức Kitô đã làm. Nhà truyền giáo là tấm bánh Đức Kitô được bẻ ra để nuôi sống thế giới (x. Sứ điệp ĐTC Gioan Phaolô II nhân dịp Khánh nhật Truyền giáo 2005; Ga 6,35.51.58.68).

Nhà truyền giáo cần phải trở lại với Đức Kitô và hoà nhập thành một với Người qua đời sống cầu nguyện và phụng vụ để Người chuyển thông quyền năng làm chứng cho Tin Mừng qua các dấu lạ như chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ, nói được thứ ngôn ngữ mới lạ của tình thương mà Thánh Thần thúc đẩy trong lòng ta (x. Mc 16,16-20). Nhà truyền giáo có thể chữa lành bệnh tật không phải như một bác sĩ hay xua trừ ma quỷ không phải như một thầy pháp nhưng với tư cách là chứng nhân của Đức Kitô vì họ có thể làm được mọi sự với Đấng ban sức mạnh cho họ (x. Pl 4,13). Như thế, việc rao giảng Lời Chúa, cử hành bí tích và bác ái từ thiện đều gắn bó mật thiết với nhau, hình thành nên bản chất của Giáo Hội mà người tín hữu nào cũng cần thể hiện trong đời sống (x. ĐTC Bênêđictô XVI, Thông điệp Thiên Chúa là Tình yêu, số 25).

Lời kết

Khi suy nghĩ về hiệu quả truyền giáo ở Việt Nam trong những năm gần đây, chúng ta cùng cảm tạ Chúa vì những ơn lành Người ban cho Giáo hội Việt Nam. Dù kết quả truyền giáo chưa đạt được như lòng mong ước, chúng ta vẫn cảm nghiệm được sức sống mãnh liệt và niềm hăng say vô tận của người tín hữu Việt Nam muốn dấn thân cho công cuộc loan báo Tin Mừng. Một vài dấu hiệu trình bày trong bài viết này chỉ nhằm mục đích mời gọi mỗi người chúng ta trở lại với Đức Kitô để gắn bó mật thiết với Người vì Đức Kitô chính là con đường dẫn ta và dân tộc đến sự thật toàn diện và sự sống vĩnh hằng.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Tin mới về Luật Sư Lê Trần Luật
Thư ký luật su
03:44 03/03/2009
TIN MỚI VỀ LUẬT SƯ LÊ TRẦN LUẬT

Sáng sớm ngày 3/3, từ Sài Gòn, luật sư Lê Trần Luật bắt chuyến bay ra Hà Nội. Bất ngờ, khoảng 6h, lực lượng an ninh tại sân bay đã ngăn luật sư lại với lý do "mời làm việc". Trong phòng làm việc của an ninh sân bay, có chừng hai chục người anh ninh đang chờ sẵn.

Luật sư đã hỏi lý do mời làm việc và được trả lời rằng: lực lượng an ninh được lệnh của cấp trên và không cần biết lý do. Họ có ý thỏa thuận rằng sau buổi làm việc, sẽ đưa luật sư trở về Văn phòng luật sư Pháp Quyền của anh.

Theo dự định, trong chuyến đi Hà Nội lần này, luật sư cùng các giáo dân của giáo xứ Thái Hà sẽ tiếp tục vụ kiện báo Hà Nội Mới (về việc đưa tin sai sự thật rằng "các bị cáo đều đã cúi đầu nhận tội" trong phiên xử sơ thẩm của tòa án nhân dân quận Đống Đa ngày 8/12/2008).

Có thể nói, việc làm này của an ninh là một hành động cản trở cố ý, gây khó khăn cho công tác của luật sư. Nếu muốn mời ai đó làm việc, an ninh phải mời đàng hoàng, bằng cách báo trước và có lý do thỏa đáng, chứ không thể làm càn như vậy!

Hiện tại, luật sư đang bị giữ lại tại trụ sở công an quận Gò Vấp.
 
Di sản thế giới
Lữ Giang
18:44 03/03/2009

Di sản thế giới



Nhật báo Los Angeles Times số ra ngày 16.1.2009 có đưa ra 29 nơi có danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử đẹp nhất trên thế giới nên đến viếng thăm trong năm 2009 như Yosemite National Park, Jurmala ở Latvia, Athens ở Georgia, Joggins Fossil Cliffs, Nova Scotia ở Canada, Cape Town ở South Africa, v.v. Nhưng chúng tôi đã ngạc nhiên khi thấy có một nơi ở Việt Nam được nhật báo này giới thiệu, đó là Đồng Hới!

Đọc vào mục này, chúng tôi thấy tờ báo giới thiệu “Vườn Quốc Gia Phong Nha - Kẻ Bàng” (Phong-Nha Ke-Bang National Park) ở Quảng Bình đã được tổ chức UNESCO liệt vào loại di sản thế giới với một hệ thống hang động thiên nhiên rất kỳ diệu. Đây là một kỳ quan của thế giới nằm trên đất nước chúng ta, nhưng được rất ít người Việt hải ngoại biết đến và ghé thăm mỗi khi trở về Việt Nam.

CÁI TÊN ĐỒNG HỚI

Trước khi nói về Vườn Quốc Gia Phong Nha - Kẻ Bàng, chúng tôi xin nói qua về cái tên Đồng Hới mà tờ Los Angeles Times đã nói đến. Đây là một cái tên nghe rất lạ.

Trước khi Pháp đô hộ Việt Nam, Động Hải là trung tâm của Quảng Bình và được gọi là Động Hải doanh. Động có nghĩa là sâu, hải là biển. Động Hải là biển sâu. Vì thời đó Quảng Bình được đặt dưới chế độ quân sự, nên Chưởng Cơ coi luôn việc binh lẫn việc hành chánh. Động Hải doanh gồm có 7 làng sau đây: Động Hải, Lệ Mỹ, Trấn Ninh (còn gọi là Phú Ninh), Tiền Thiệp, Hướng Dương, Kiên Bính, Thạch Lũy. Các làng này đều trực thuộc Phủ Quảng Ninh.

Ngày 19.7.1885, Pháp chiếm Động Hải và đến năm 1893 Pháp đã biến Động Hải thành thành phố và lấy tên là thành phố Đồng Hới.

Tại sao không gọi là thành phố Động Hải mà gọi là thành phố Đồng Hới? Chữ Hới ở đây nghe gióng tiếng Mường quá!

Người Pháp không đọc chữ Động Hải được nên đổi thành “Dong” và “Hoi”. Hai chữ này được người Pháp ghép lại với nhau theo kiểu tiếng Pháp thành “Donghoi”. Các tài liệu của Pháp đều viết “Donghoi”. Khi phiên âm ngược lại tiếng Việt, các viên chức của ta đã viết thành Đồng Hới!

Sử liệu cũng cho biết, đa số người Động Hải đều có góc ở thôn Hới thuộc vùng Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa di cư vào. Nhưng chữ Hới khi được viết theo chữ Hán đều ghi là Hải, vì trong chữ Hán không có chữ Hới. Nhưng chữ “Hới” trong cái tên Đồng Hới không dính líu gì đến tên cái thôn góc của người di dân.

VÀI NÉT VỀ ĐỘNG PHONG NHA

Vườn Quốc Gia Phong Nha - Kẻ Bàng nằm trong dãy Trường Sơn, thuộc huyện Bố Trạch và huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình. Trước đây người ta ước lượng vùng này có diện tích 85.754ha, nay những khám phá mới cho thấy vườn này rộng đến 200.000ha. Đây là một trong hai vùng hoang mạc đá vôi lớn nhất thế giới với 300 hang động tuyệt đẹp và có nhiều động thực vật quí hiếm nằm trong Sách Đỏ của thế giới.

Động Phong Nha còn được gọi là Động Tiên Sư hay Động Sài Sơn, nó được tạo thành do một con sông ngầm chảy luồn trong dãy núi đá vôi nói trên. Theo tính toán của các nhà khảo sát ngoại quốc, con sông ngầm này có thể dài đến 27km.

Mới đây, người ta khám phá ra nhánh dài nhất là một phần của con sông ngầm có tên là Nậm Aki mà sông Son là phần lộ ra mặt đất, nó chui ngầm dưới đất ở vùng núi Pu-Pha-Đam cách đó hơn 20km về phía Nam.

Đường vào động là một khe nước cao từ 7m đến 10m và rộng từ 10m đến 15m, nước chảy trong vắt và uốn khúc quanh co.

Trước đây, các nhà khảo cứu chỉ mới đi sâu vào được khoảng 3km và phát hiện ra một dãy hang dài khoảng 2.000m, vách thẳng đứng, có 14 hang nối nhau. Hang ngoài cao 12m, các hang trong cao từ 20 đến 40m, nhưng cứ hẹp dần. Vách có nhiều nhủ đá kiểu rất lạ. Cách cửa động khoảng 350m có lỗ thông thiên, ánh mặt trời lọt qua lỗ này phản chiếu vào khe nước tạo nên những màu sắc kỳ lạ và ngoạn mục. Trong hang nghe có tiếng gió, tiếng nước chảy róc rách vào các hóc đá và những âm thang vang lên như tiếng nhạc, có khi vi vu, có khi bập bùng, làm cho cảnh tượng trong hang mang màu sắc huyền bí. Trong động có chùa Hang và bàn thờ Chăm, vách có khắc chữ và nhiều mãnh tượng.

Hang chính dài 1.451m. Hang số 7 có một đường ngách, đi khoảng 600m thì quẹo ngang theo hướng hang chính, qua một cửa thấp, dẫn vào một con đường thật dài, hai bên có nhủ đá rất lạ. Hang 14 có đống đá vụn và hai lối đi vào các hang khác, rất đẹp nhưng rất dễ lạc đường.

KHẢO SÁT ĐỘNG PHONG NHA

Người Tây phương đến thám hiểm Động Phong Nha đầu tiên có lẽ là linh mục Cadière, một nhà khảo cổ người Pháp nổi tiếng. Sau khi khảo sát, ông phát hiện dấu tích chữ Phạm của người Chàm khắc trên các vách đá. Trong một lá thư gởi cho ông Finot vào tháng 12 năm 1899, linh mục có viết: “Những gì còn lại ở đó đều rất quý báu đối với sử học. Gìn giữ nó giúp ích không ít cho khoa học”.

Tháng 4 năm 1924, một nhà thám hiểm người Anh tên là Barton đã đến Phong Nha khảo sát trong 15 ngày. Ông cho rằng Động Phong Nha không thua gì Động Padirac của Pháp hay Động Cue' vas del Drach của Tây Ban Nha.

Năm 1990, một đoàn thám hiểm gồm một nhóm chuyên gia thuộc Hội Nghiên Cứu Hang Động Anh (British Cave Research Association - BCRA) do Tiến sĩ Howard Limbert cầm đầu, và các nhà khoa học Việt Nam thuộc Đại Học Quốc gia Hà Nội, đã bắt đầu mở các đợt khảo sát sâu rộng về Động Phong Nha. Nhóm này đã tiến sâu vào hang được 15 cây số (trước đây chỉ mới 3 cây số).

Đây là một cuộc thám hiểm khá khó khăn và vất vã, phải có khả năng và dụng cụ chuyên môn mới thực hiện được. Thí dụ khi chống thuyền đi vào hang khoản 3 cây số, đoàn phải dừng lại vì một bức tường cao vút chận lại. Đoàn phải xử dụng thiết bị lặn đặc biệt để lặn sâu xuống và vượt qua phiá dưới bức tường đá, mới có thể đi tới cuối động và xác nhận động này dài 7.729m.

Năm 1994, tiến sĩ Howard Limbert cho biết: "Sau hai chuyến thám hiểm trước (1990 và 1992), chúng tôi không những chỉ xác định động Phong Nha dài đến 7.729m, mà còn phát hiện thêm hàng chục hang động khác như hang Vòm dài đến 13.969m, hang Rục Cà Ròn dài 2.800m..."

Hang Vòm có Động Khô. Động Khô nằm cao hơn Động Phong Nha khoảng 200m.

Trong cuốn “Đất Trời Việt Nam”, ông Thái Văn Kiểm cho biết Động Khô được tìm thấy tháng 4-1935 do một người dân địa phương phát hiện. Thời kỳ đầu mới được tìm thấy, Động Khô được người dân gọi là Động Tiên do vẻ đẹp kỳ bí của nó. Sau này khi tìm ra động Phong Nha là động nước nên người ta gọi động Tiên là Động Khô.

Phong cảnh trong Động Khô ví như chốn bồng lai tiên cảnh: Tua tủa trong động hàng nghìn khối nhũ đá với nhiều màu sắc. Vòm động cao thoáng, nổi rõ nhiều vân trắng như vàng bạc. Những hàng cột đá màu cẩm thạch nhiều dáng vẻ diệu kỳ khiến ta ngây ngất như đang lạc vào thiên cung hay thủy cung.

Động Khô có nét đặc biệt hơn Động Phong Nha là có những phiến đá và cột đá cộng hưởng âm. Khi người ta gõ nhẹ vào thì nó sẽ phát ra những âm thanh lạ kỳ như vọng ra từ chốn sâu thẳm của lòng đất.

Theo đoàn thám hiểm BCRA, Động Khô được hình thành cách đây khoảng hàng chục triệu năm, khi một dòng nước chảy qua đục rỗng, bào mòn núi đá vôi Kẻ Bàng. Sau đó do kiến tạo địa chất, khối núi này hoặc đã được nâng lên, hoặc đã bị hạ xuống khiến các khối đá đổ sụp ngăn chặn dòng chảy làm nên Động Khô ở phía trên, còn phần có sông ngầm chảy qua tạo ra hang Động Phong Nha. Theo doàn, giữa hai Động Phong Nha và Động Khô không có sự ăn thông với nhau. Động Khô có chiều dài là 980m. Từ cửa động đi vào khoảng 400m có một vực sâu chừng 10m, và sau đó là động đá ngầm tiếp tục dài gần 500m. Hiện nay có thể đi vào khoảng 400m từ của động để quan sát.

RỪNG TRÊN ĐỘNG PHONG NHA

Trong một cuộc khảo sát, các nhà lâm nghiệp Việt Nam đã phát hiện trên nóc Vườn Quốc Gia Phong Nha – Kẻ Bàng ở độ cao khoảng 800m, có một khu rừng nguyên sinh diện tích khoảng 45.000 hecta, có nhiều loại thực vật và động vật quý, như những cây chò thật lớn, rùa vàng nặng 5 kg, vượn bạc mày, cá chép tím, v.v.

Năm 2005, các chuyên gia của Trung Tâm Nghiên Cứu Khoa Học và Cứu Hộ Động Vật Hoang Dã của Việt Nam và Giáo Sư V. Averyanov Leonis, chuyên gia hàng đầu về thực vật của Viện Hàn Lâm Khoa Học Nga, đã leo lên khu rừng nói trên và đã khám phá ra cả một rừng cây bách xanh trải dài và rộng gần như như vô tận. Những thân bách xanh đường kính từ 1m đến 1,5m, cao từ 20m đến 30m, cứ tựa vào nhau gần như san sát trên một diện tích khoảng 5000ha. Trung bình, các cây bách xanh ở đây có tuổi từ 500 đến 600 năm. Có những thân cây quá già đã gục ngã theo thời gian, giờ còn trơ lõi với nhưng vỏ và lá mục, nhưng chính những võ và lá mục này đã làm thức ăn nuôi sống cho thế hệ bách xanh kế tiếp.

Giữa núi đá vôi trùng trùng điệp điệp chỉ có bách xanh mới có thể bám chắc vào đá để tồn tại qua hàng trăm năm.

ĐÁNH GIÁ CỦA ĐOÀN THÁM HIỂM

Đoàn thám hiểm BCRA đã công bố những bức ảnh được chụp bằng phương tiện hiện đại nhất cho thấy những bí ẩn đã bị che dấu hàng triệu năm trong bóng tối của hang động. Nhưng tiến sĩ H. Limbert nói: "Đây chỉ mới là một phần rất nhỏ chân dung của Phong Nha mà thôi".

Một cuộc hội thảo khoa học về danh lam thắng cảnh Phong Nha đã được tổ chức tại Quảng Bình vào tháng 4 năm 1997, Kết quả nghiên cứu và khảo sát cho biết Phong Nha có 7 cái nhất:

1. Hang nước dài nhất (Hang Vòm-28km)

2. Cửa hang cao và rộng nhất

3. Bãi cát và đá rộng đẹp nhất

4. Hồ ngầm đẹp nhất

5. Thạch nhũ tráng lệ và kỳ ảo nhất

6. Dòng sông ngầm dài nhất (13.969m)

7. Hang khô rộng và đẹp nhất.

Ngày 5.7.2003, Vườn Quốc Gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã được UNESCO công nhận là Di Sản Thế Giới (UNESCO World Heritage Site). Chương trình này được thành lập do “Hiệp Định Liên Quan đến Bảo Vệ Di Sản Văn Hoá và Thiên Nhiên” và được chấp thuận tại Hội Nghị UNESCO ngày 16.11.1972.

Quỹ Bảo Tồn Thiên Nhiên Thế Giới (WWF) công nhận Vườn Quốc Gia Phong Nha - Kẻ Bàng là vườn quốc gia có tính đa dạng sinh học cao nhất hành tinh.

Đến năm 2007, đoàn thám hiểm đã công bố cho thế giới biết những kết quả hoàn toàn khác xa 18 năm trước, khi chuyến thám hiểm đầu tiên được tiến hiện: Có khoảng 300 hang động lớn nhỏ tồn tại trong khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng với những giá trị hàng đầu thế giới: (1) hệ thống sông ngầm dài nhất; (2) cửa hang cao và rộng nhất; (3) bờ cát rộng và đẹp nhất; và (4) thạch nhũ đẹp nhất.

ĐUỜNG VÀO PHONG NHA

Nếu đi bằng xe từ Đồng Hới, có thể theo quốc lộ 1A đi về hướng Bắc 17 cây số, đến ngã ba Hoàn Lảo thuộc huyện Bố Trạch thì rẻ về phía Tây theo một tỉnh lộ nhỏ hai bên có đồi thông, đi khoảng 30 cây số đến bến phà Xuân Sơn. Từ đây, du khách dùng thuyền cho trôi trên dòng sông Son đi vào cửa động. Nếu đi bằng xe lửa, du khách có thể xuống ga Thu Lộc rồi đi đường bộ về phía Tây khoảng 20 cây số sẽ gặp động. Nếu du khách xuống ga Ngân Sơn, có thể đến động bằng thuyền trong 6 tiếng đồng hồ. Du khách cũng có thể đi thuyền trên sông Gianh, khởi sự từ Quảng Khê, vào nguồn Son, qua Troóc để tới động.

Muốn vào quan sát trong các hang, cần phải có thuyền, đèn và pháo sáng. Có khúc phải vác thuyền đi bộ, có khúc thả thuyền xuống nước chèo đi. v.v.

MỘT CÁI NHÌN VỀ PHONG NHA

Đầu tiên, tỉnh Quảng Bình đã giao cho Công Ty Phát Triển Văn Minh Đô Thị để thực hiện dự án khu nghỉ mát và giải trí sinh thái Phong Nha, gọi tắt là khu nghỉ mát PEER, có diện tích rộng hơn 50ha, với tổng vốn hơn 155 tỷ đồng. Khu nghỉ mát này gồm tiểu khu lưu trú, vui chơi nằm ở phía Hữu ngạn sông Son và khu nghỉ dưỡng, tham quan, giải trí sinh thái nằm ở phía Tả ngạn sông Son.

Tiếp theo, tỉnh Quảng Bình lại giao cho Công Ty Cơ Khí Xây Dựng và Thương Mại Minh Tân thuộc tỉnh Đồng Nai làm chủ dự án thứ hai về du lịch sinh thái Phong Nha-Kẻ Bàng, với tổng vốn đầu tư hơn 90 tỷ đồng. Dự án này gồm ba hạng mục chính là khai thác du lịch ở ba hang động mới là hang Tối, hang Mẹ bồng con và hang Vòm trên diện tích xây dựng các cụm công trình rộng 48ha.

Nhưng tất cả đều chưa tạo được cho Phong Nha tầm vóc của một trung tâm du lịch quốc tế. Sau đây là một số đoạn nhân xét được trích trong bài “Phong Nha: Đánh thức vẫn chưa dậy!” được đăng trên VietnamNet và sinhhocvietnam.com:

“Đang thăm động, tôi chợt bắt gặp vẻ mặt ''day dứt'' của anh bạn đi cùng, tôi băn khoăn: "Không hiểu ông này cứ lao vào những ngách đá tối tối để tìm cái gì". Chết thật, thì ra trong hang động không hề có một... nhà vệ sinh nào. Vấn đề vô cùng tế nhị nhưng lại vô cùng thiết yếu, nhất là để đảm bảo vệ sinh cho Phong Nha.

“Để thăm hết động nước bằng đường bộ phải mất khoảng 45 phút, động khô phải leo hơn 400 bậc xi măng và cũng phải mất chừng ấy thời gian nữa mới xem hết. Ở đây chỉ có 1 nhà vệ sinh ở cửa Động Khô và 1 nhà vệ sinh ở chân Động Khô, gần cửa Động Nước. Tuy nhiên hành trình của khách lại đi thẳng từ bến thuyền xuất phát (Trung tâm xã Sơn Trạch) vào Động Nước hết khoảng hơn 1 giờ rồi mới ra bến thuyền đến để lên Động Khô. Rủi thay có vị khách nào... yếu thận chỉ có cách tìm cái cột thạch nhũ nào ''khuất khuất''.

“Thăm xong Động Tiên Sơn (Động khô) trở ra, mới 3 giờ chiều, thấy những người bán hàng đã lục đục thu dọn ''đồ nghề''. Hàng hoá cũng chỉ mấy lon nước ngọt, vài quả trứng luộc, mấy quả xoài, chai bia. ''Nếu là ngày lễ, Tết, khách đông thì mới bán muộn, còn bình thường thì họ chỉ dọn hàng từ 9 giờ sáng tới 3 giờ chiều'', Thiết nói.

“Lúc đi xuống bến thuyền chúng tôi gặp 1 thằng nhóc vác bao tải phăm phăm đi lên Động Khô, hỏi xem nó mang con thú hay củ gì đi bán thì nó nói ''Đi nhặt loong bia''. "Kiếm được bao nhiêu tiền?" - "Một ngày được khoảng 3-4 ngàn". "Thế thôi à?" Nó nói ngay: ''Cho cháu xin 1 ngàn''.

“Theo Ban Quản Lý Vườn Quốc Gia Phong Nha - Kẻ Bàng, họ đang tập trung quy hoạch lại bãi bến thuyền, bãi xe, nhà đón tiếp. Ông Đặng Đông Hà cũng cho biết, hiện Phong Nha mới khai thác du lịch được một phần nhỏ là Động Khô và Động Nước, còn mảng du lịch rất lớn là du lịch sinh thái thì vẫn như nàng công chúa ngủ yên hàng ngàn năm chưa được ai đánh thức. Điều đó cũng có thể lý giải bởi Vườn Quốc Gia Phong Nha - Kẻ Bàng vẫn thuộc sự quản lý của Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn chứ không thuộc ngành du lịch.

“Phong Nha quý hơn hẳn các điểm du lịch khác ở Việt Nam là động nằm trong khu rừng nguyên sinh Kẻ Bàng dường như còn nguyên sơ và tinh khôi. Cư dân nơi đây vẫn nghèo khó và lạc hậu, trẻ con vẫn hồn nhiên cởi truồng chạy theo khách lạ. Những cư dân bản địa nơi đây mang một phong cách rất riêng. Họ cư xử thân thiện và tình cảm mang tính cách của người nông dân thuần khiết hơn là nhìn nhận du khách như là một cơ hội để tìm kiếm nguồn tài chính. Điều này càng đòi hỏi Phong Nha phải biết giữ gìn để thêm hấp dẫn khách du lịch.

“Hệ thống hang động trong khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng chính là nơi cư trú của các tộc người thiểu số từ lâu đời với nhóm người Rục, ARem, Mã Liềng thuộc tộc người Chứt. Những tộc người này vẫn còn giữ nguyên vẹn các lễ hội dân tộc: lễ cầu mùa, lễ mừng cơm mới, lễ rằm tháng ba... Các điệu hát sắc bùa, hát dân ca, các tập tục văn hoá phong phú và lạ.

“Mỗi tộc người này có một nền văn hoá riêng rất độc đáo và quý giá có thể khai thác phục vụ du lịch. Như vậy, tại sao Quảng Bình chưa tổ chức thêm các nhà trưng bày các mẫu vật quý về rừng nguyên sinh Kẻ Bàng cũng như giới thiệu về các dân tộc nơi đây. Đặc biệt là những tư liệu về người Rục (người Arem) - một tộc người thiểu số còn giữ lại rất nhiều những đặc điểm sinh hoạt của người nguyên thuỷ mà chỉ còn duy nhất ở Phong Nha - Kẻ Bàng...

“Ông Phan Lâm Phương- Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình trong hội nghị thu hút đầu tư của tỉnh đã khẳng định với VietNamNet, thời gian tới tỉnh này sẽ chú trọng phát triển mạnh du lịch, dịch vụ, tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá di sản thiên thiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cũng như tiếp tục đầu tư hạ tầng các khu du lịch trọng điểm.

“Về Hà Nội, hay tin Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư, Chính Phủ Đức vừa cam kết tài trợ trên 13 triệu USD vốn ODA cho Dự án Vườn Quốc Gia Phong Nha - Kẻ Bàng, hy vọng rằng người dân nơi đây sẽ không chỉ được biết đến số tiền trên qua báo chí.

“Phong Nha vẫn được ví như 1 kho báu để quên trong rừng. Phong Nha ơi, bao giờ mới mở cửa ra? Công bằng mà nói, Quảng Bình chưa tạo được trước mắt du khách một Phong Nha tuyệt đẹp và vô cùng quý giá như chính cái danh hiệu của nó: Di sản.”

(Hết trích dẫn).

Chúng tôi nghĩ rằng UBND tỉnh Quảng Bình nên cử một phái đoàn đi quan sát một số trung tâm du lịch thế giới như Disneyland ở Orange County, California, chẳng hạn, để quan sát họ tổ chức như thế nào, rồi bắt chước mà làm như thế.
 
Thông Báo
Cáo phó: LM Vinh Sơn Vũ Văn Duyệt qua đời
TGM Thái Bình
01:47 03/03/2009
Thái Bình ngày 01 tháng 3 năm 2009

CÁO PHÓ

Tòa Giám Mục Thái Bình và gia đình đau buồn kính báo:

Cha Vinh Sơn Vũ Văn Duyệt, nguyên Chánh xứ An Lạc, giáo phận Thái Bình, đã qua đời vào lúc 15g 30 ngày Chúa Nhật, 01 tháng 3 năm 2009, tức mồng 5 tháng 2 năm Kỷ Sửu, hưởng thọ 62 tuổi.

Thánh lễ an táng do Đức Giám Mục giáo phận chủ sự sẽ được cử hành vào lúc 9g ngày thứ tư ngày 04 tháng 3 năm 2009.

Trong niềm tin vào Đức Kytô Phục Sinh, xin quý Đức Ông, quý cha, quý tu sĩ Nam Nữ và toàn thể cộng đoàn Dân Chúa hiệp lời cầu nguyện cho cha Cố Vinh Sơn sớm được về hưởng tôn nhan Chúa.

T/M TÒA GIÁM MỤC THÁI BÌNH

Đa Minh Đặng Văn Cầu

Sơ lược tiểu sử Cha cố Vinh Sơn Vũ Văn Duyệt

Cha Vinh sơn Vũ Văn Duyệt sinh ngày 20/ 05/ 1948, tại thôn An Lạc, xã Trung An, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, thuộc Giáo xứ An lạc, Giáo phận Thái Bình.

Sinh ra trong một gia đình đạo hạnh, cha Vinh sơn là trưởng nam của một gia đình gồm 5 anh chị em: 4 trai và 1 gái.

Một trong những Hồng phúc nhất của ông bà cố là: trong số 4 người con trai đã có 2 người thuộc hàng ngũ Linh Mục đoàn của Giáo Phận Thái Bình.

Lên 9 tuổi, cậu Vinh sơn Duyệt dâng mình vào Nhà Chúa và theo học tại trường tiểu chủng viện Mỹ Đức (1957 - 1967)– nay là Chủng viện Thánh tâm Chúa Giêsu Giáo Phận Thái Bình, trong thời gian này, cậu được Đức Cha Đaminh Đinh Đức Trụ nhận nâng đỡ Ơn Gọi.

Năm 1967, vì hoàn cảnh tiểu chủng viện Mỹ Đức tạm thời đóng cửa, cậu Vinh sơn Duyệt trở về gia đình, tham gia các sinh hoạt của một cuộc sống đời thường nhưng vẫn nung nấu chí hướng sống đời tận hiến. Hàng tuần hoặc hàng tháng cậu vẫn âm thầm đến Tòa Giám Mục Thái Bình để được thụ huấn và bồi dưỡng cho ơn gọi tận hiến.

Nhận thấy nơi người thanh niên này có một chí hướng tu trì tốt, một trí khôn thông minh, một đức tính ngay thẳng và một lòng đạo hạnh, năm 1972, Bề trên địa phận đã tuyển chọn thầy Vinh sơn Duyệt vào lớp đào tạo Linh mục tại chủng viện Mỹ Đức niên khoá 1972 – 1977. Tại đây thầy được Cha Cố Gioakim Trần Trọng Uyên nhận nâng đỡ. Sau khi mãn khoá, thầy được Đức Cha Đaminh Đinh Đức Trụ truyền chức Linh Mục, ngày 16/10/1977.

Từ năm 1977 – 1995 Cha Vinh sơn Duyệt được bổ nhiệm về coi sóc Giáo xứ Nguyệt Lãng, kiêm Giáo xứ Gia Lạc và Nghĩa Chính.

Năm 1995 Ngài được Bề Trên Giáo Phận cử đi du học tại Pháp. Khi đang theo học, cha lâm bệnh và trở về Giáo Phận vào ngày 03/08/1996. Sau đó cha xin về quê dưỡng bệnh và làm việc mục vụ tại quê hương An Lạc nơi mà ngài đã nỗ lực để được nâng lên hàng giáo xứ như hiện nay.

Trong tinh thần Người Mục Tử nhiệt tâm làm việc Tông Đồ và lo lắng cho việc truyền giáo, Ngài luôn tìm cách nâng đỡ Ơn Gọi. Công khó của ngài nay đơm hoa kết trái, đó là: Cha Gioakim Đặng Văn Hội, 2 Thầy đang học tại Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội, 6 chú đang tìm hiểu đời sống Tu trì và 4 Nữ tu.

Trong những năm phục vụ tại các Giáo xứ, Ngài luôn quan tâm đến đời sống tâm linh cho giáo dân, thăng tiến đời sống gia đình, cho mở nhiều khoá đào tạo Giáo lý viên, mở các lớp Giáo Lý phù hợp với mỗi lứa tuổi, xây dựng và củng cố nhiều hội đoàn như Ban kim nhạc nữ Giáo xứ An Lạc…. Ngài cũng lưu tâm nâng cấp và xây mới các cơ sở Nhà Thờ, Nhà chung, Nhà Giáo lý, ñặc biệt là Ngôi Tân Thánh Đường Giáo xứ An Lạc, và được Đức Giám Mục Giáo Phận khánh thành và Thánh hiến vào ngày 11 tháng 01 năm 2009 vừa qua. Ngoài ra cha Vinh sôn cũng để lại những công trình phục vụ lợi ích cộng đồng như: những đoạn đường làng sạch đẹp, chiếc cầu bê tông kiên cố liên xã Trung An và Vũ Đoài...

Trong tinh thần người phục vụ, Cha Vinh sơn không chỉ là Người Mục Tử trung kiên theo Thầy Chí Thánh, cuộc đời của Ngài còn là một nhịp cầu nối giữa Đạo và Đời. Ngài đang nung nấu những ước nguyện cho một tương lai tốt đẹp hơn bằng dự kiến thành lập quỹ khuyến học dành cho học sinh viên nghèo không phân biệt lương giáo. Nhưng vì cơn bệnh hiểm nghèo không qua khỏi, Ngài đã an nghỉ trong Chúa vào hồi 14h 30 ngày 01 tháng 03 năm 2009 (tức ngày mồng 5 tháng 02 năm Kỷ Sửu), hưởng thọ 62 tuổi.

Xin Chúa nhân từ đón nhận Linh hồn Cha Cố Vinh sơn vào Nước Trời.
 
Thông Báo: Xin cầu nguyện cho cha Tadeo Nguyễn Ngọc Ban
LM. Nguyễn Xuân Hương
18:37 03/03/2009
Xin cầu nguyện cho cha Nguyễn Ngọc Ban

Xin thông báo để quý cha, qúy nam nữ tu sĩ và quý anh chị em biết là cha Tadeo Nguyễn Ngọc Ban, thuộc dòng Đồng Công, hiện phục vụ tại cộng đoàn Công Giáo tại địa phận Sacramento, đã bị tại nạn xe hơi từ sang sớm thứ Hai 16/02/2009.

Cho đến nay cha Ban vẫn còn nàm trong phòng cấp cứu trong bệnh viện UC Davis ở Sacramento, CA. Tình trạng sức khỏe chưa có gì khả quan. Tính tới Chúa Nhật 1 tháng 3 lúc 10 giời tối, Bác sĩ vẫn không cho ai thăm viếng.

Chúng tôi loan tin này tới qúy cha, qúy nam nữ tu sĩ cùng toàn thể anh chi em để xin lời cầu nguyện cho cha Tadeo Nguyễn Ngọc Ban.

Thân ái trong Chúa,

Giuse Maria Nguyễn Xuân Hương

Chánh xứ và Quản Hạt Sacramento.
 
Văn Hóa
Hạt giống chứng nhân
Hiền Thạch
16:10 03/03/2009
HẠT GIỐNG CHỨNG NHÂN

Kính dâng hương linh Đức cố Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng

Hạt-giống-kiên-trung tan vào đất
Càng thêm triển nở mạch hồi sinh
Chúng con hưởng truyền ơn bất khuất
Từ cha: cây-đại-thụ-chứng-nhân

Cha đã về trời đẹp ý Chúa
Trao lại thế gian một kho tàng:
Nhân đức đối Thần: Tin-Cậy-Mến,
Đem tính nhân bản diệt tà man

Cha người mục tử luôn trổi vượt
Này trang giáo sử đã khắc ghi:
Xả thân xây dựng cầu Ô Thước
Nâng, nhắc chúng nhân mỗi bước đi

Cha từng là Cha: viên đá dựng
Của toàn Giáo Hội buổi qua phân
Trơ gan tuế nguyệt trên đất Bắc
Keo sơn thông hiệp với phương Nam

Chính Cha: chân nhân giữa thế kỷ
Giữa triều ma mị giữa thị phi
Tai trời ách nước luôn vây bủa
Khiêm hạ chuyễn lay. .. đá vô tri !!!

Hạt-giống-chứng-nhân: PHẠM ĐÌNH TỤNG!
Hoa trái từ Cha vẫn nguyện ca:
Để cho sự ác thành sung rụng
Sự chết hồi sinh giữa trầm kha

Cha về trên ấy ! vê trên ấy !
Dâng bài thơ mọn bái tạ Người
Hội Thánh Việt Nam Ngợi Khen Chúa
Đã cho chúng con: có-được-Người.Amen
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Tắm
Thérésa Nguyễn
06:10 03/03/2009

TẮM



Ảnh của Thérésa Nguyễn

Ai làm con vịt xa chuồng,

Cho nên quân tử bữa buồn bữa vui.

(Ca dao)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền