Ngày 17-02-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thiên Chúa duy nhất
Jos. Tú Nạc, NMS
09:32 17/02/2010
THIÊN CHÚA DUY NHẤT

Chúa Nhật I Mùa Chay- Năm C (Deuteronomy 26: 4-10; Psalm 91; Romans 10: 8-13; Luke 4: 1-13)

Sự vong ân là độc tố của trái tim và linh hồn và nhiều người phải chịu đau khổ những hậu quả chết người của nó. Đối với rất nhiều người, một chiếc ly luôn luôn một nửa trống rỗng chứ không phải một nửa đầy đủ và có một sự sẵn sàng tương ứng để tập trung vào những thiếu sót còn hơn thừa thãi.

Chúng ta đang đứng tại khởi điểm của Mùa Chay. Theo truyền thống, giai đoạn ăn chay, cầu nguyện và ăn năn sám hối. Nhưng sự thay đổi quan trọng nhất trên hết tất cả là làm thế nào để chúng ta được chúc phúc và Thiên Chúa ban cho chúng ta được bao nhiêu. Một sự đột phá đã được thực hiện phần còn lại thì không khó khăn cho lắm. Nhưng đạt được tới điểm đó có thể là một vấn đề. Người ta có thể bị chìm sâu trong những tiêu cực và tự nuối tiếc rằng những phúc lành đã nhận được trở nên hoàn toàn vô ảnh.Mặt khác, người ta có thể ý thức về quyền lợi, một sự ngạo mạn tin tưởng rằng người ta có quyền trước những ơn phúc và điều lành. Trong cả hai trường hợp kết quả là tự tạo sự cách ly khỏi Thiên Chúa.

Sách Deuteromony nhắc nhở dân Israel hãy luôn khắc ghi sự hiện diện của Thiên Chúa giai thoại tổng hợp về dân họ. Họ yếu đuối, số lượng ít ỏi, họ không ngoại lệ, họ chẳng là gì – và thiên Chúa chưa chọn họ. Họ được ban phúc, họ được phúc lành giải phóng, hướng dẫn, bảo vệ và một mảnh đất ban tăng để cư trú. Duy nhất sau sự mời gọi những ơn phúc này để lưu ý là họ hãy đặt món quà của họ trước ngôi nhà Thiên Chúa như một dấu hiệu tri ân. Nó không thể là sự biết ơn sâu sắc, và đồng thời là lòng ích kỷ, đắng cay, tức tối. Thực hành một mùa chay tốt đó là sự hồi tưởng và cảm ơn – đánh thức tiềm thức mỗi ngày nhiều điều cho duy nhất là thành kính tri ân. Thêm vào đó, chúng ta phải thừa nhận rằng những ân phúc mà chúng ta lãnh nhận không phải là quyền lợi cũng không phải là hầu hết mọi trường hợp mà chúng được tìm thấy hoặc xứng đáng được ban thưởng. Chúng được mang đến cho chúng ta vì một lý do: tình yêu chân thành của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Và một tấm lòng biết ơn muốn chia sẻ tình yêu đó với tha nhân.

Sự thể hiện tối cao về lòng từ bi độ lượng của Thiên Chúa là sự thay đổi và cứu rỗi được trao ban cho những ai thiết tha nài xin Người. Có lẽ tất cả những điều kỳ diệu về nó đã phai mờ đối với hầu hết chúng ta. Nhưng đối với thế hệ đầu tiên của những người theo Chúa Giê-su chỉ là sự choáng váng và kinh hoàng trước sự nhận thức rằng Thiên chúa không tạo những phân biệt bất kỳ nào giữa những con người khác nhau. Thiên chúa không còn là rào cản hoặc đường ranh chia cắt. Gời đây Thiên Chúa là Thiên Chúa của tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, sắc tộc, giới tính và bối cảnh tôn giáo hoặc tư thế xã hội. Đó là một bài học mà các Ki-tô hữu thường lãng quên suốt chiều dài lịch sử của chúng ta, và thỉnh thoảng chúng ta phải được nhắc nhở một cách dứt khoát và minh bạch. Thế còn những người mà không được khẩn xin trực tiếp danh Chúa thì sao? Có nhiều cách để thực hiện điều đó. Danh chúa biểu thị bản tính hoặc yếu tính của Thiên Chúa, đó là tình yêu. Những ai cố gắng tìm kiếm để cứ thế bước đi trong công lý, công bình và bác ái và để phản ánh những phẩm chất này trong cuộc sống của mình thực sự được kêu cầu Danh Chúa.

Vùng hoang dã – thực hay tưởng – là nơi mà chúng ta dễ bị tổn thương và là nơi những sợ hãi của chúng ta bị đe dọa và ngập tràn xúc động. Bản chất của những cám dỗ mà Chúa Giê-su phải đối diện là gì? Trước hết chúng là những cám dỗ hết sức thực tế với khả năng sa ngã. Và chúng không phải là những gì mà chúng ta thường liên tưởng đến sự cám dỗ. chúng bao hàm một cảm giác và quyền lợi tự do cá nhân. Chúng ta có thể tưởng tượng sự êm ái ngọt ngào ấy lại là tiếng nói của Quỷ thần đầy nham hiểm khi nó cố gắng để lung lạc Chúa Giê-su và sứ mệnh của Người. Sau cùng, nếu ông là Con Thiên Chúa vậy ông có những đặc quyền và và năng lực kèm theo với địa vị này. Hãy dùng chúng cho những lợi ích cảu ông. Ông có thể dễ bị tổn thương – ông cần sự bảo vệ và quyền lực, xoay sở đối phó cuộc sống bản thân – từ bỏ Thiên Chúa từ sự ngang hàng. Quỷ thần dồn nén tất cả những giận dữ thuộc tính người – sợ hãi, bất an, những nhu cầu về tình yêu và sự khao khát vượt giới hạn. Quỷ thần mời Người chuyển giao lòng trung thành và tin cậy từ Thiên Chúa cho nó. Cuối cùng nó khẳng định Thiên Chúa bất khả tín. Nhưng Chúa Giê-su từ chối diễn cái trò này. Người không thể bị điều khiển bởi sợ hãi, tàn bạo hoặc ham muốn quyền lực. Tất cả đều thuộc về Thiên Chúa, Người trả lời, và Thiên Chúa khả tín và tuyệt đối trung thành.

Những tình huống mà chúng ta gặp phải sợ hãi và bất an là những cơ hội để trưởng thành. Chúng ta có nương tựa vào Thiên Chúa và sẵn sàng để bước điềm nhiên trong đức tin và sự phó thác không? Chúng ta có thể phúc đáp như Chúa Giê-su: Thiên Chúa duy nhất.

(Nguồn: Regist College – The School Theology)
 
Nhân mùa chay cả năm Linh Mục: Tìm hiểu ''Kinh Linh Mục'' của Chúa Giêsu
Lê Đình Thông
11:03 17/02/2010
NHÂN MÙA CHAY CẢ NĂM LINH MỤC: TÌM HIỂU ‘‘KINH LINH MỤC’’ CỦA CHÚA GIÊSU

Chương 17 Phúc âm theo thánh Gioan đã chép lại ‘‘Kinh Linh mục’’ của Chúa Giêsu (prière sacerdolale de Jésus). Lễ Tro Năm Linh mục 2010 hẳn là thời điểm thích hợp cùng nhau ôn lại kinh nguyện này, lâu nay được coi là kinh cầu cho sự hiệp nhất của Hội thánh.

Vì ý nghĩa trọng đại của kinh nguyện mang dấu ấn lịch sử cứu độ, chúng tôi có sẽ lần lượt giới thiệu bốn bài nói về cùng một chủ đề:

Bài 1: Tổng quan về ‘‘Kinh Linh mục’’ của Đức Kitô. Lời kinh được chuyển thể lục bát nhằm thể hiện thông điệp tình yêu của kinh nguyện.
Bài 2: Kinh vinh danh Thiên Chúa.
Bài 3: Kinh cầu cho các linh mục.
Bài 4: Kinh cầu cho Hội thánh.

Phúc âm theo thánh Gioan (Kata Ioannen) là phúc âm thứ tư trong Tân ước, chú trọng về học thuyết Ba Ngôi cũng như Thiên tính (divinité) của Chúa Giêsu. Thư viện John Rylands (Manchester) hiện lưu giữ một đoạn phúc âm theo thánh Gioan viết trên cuộn giấy (papyus), tìm được ở Ai Cập vào năm 1920, được coi là bản thảo Tân ước cổ nhất còn lưu truyền. Thành ngữ ‘‘môn đệ Chúa yêu (le disciple que Jésus aimait) hoặc môn đệ yêu dấu (disciple bien-aimé) được thánh Gioan nhắc lại nhiều lần. Vì vậy, phúc âm thứ tư còn được gọi là phúc âm môn đệ yêu dấu.

Chương 17 phúc âm theo thánh Gioan là một bản văn riêng biệt, không liên hệ gì đến các chương trước. Kinh nguyện có bút pháp khác với những lời cáo biệt (discours d’adieu) và gồm những câu dài hơn, một số được nhắc lại nhiều lần. Vào thế kỷ XVI, David Chytraeus là nhà chú giải Kinh thánh đã đặt tên cho chương 17 là ‘‘Kinh Linh mục’’ (prière sacerdotale). Đây là kinh nguyện riêng của phúc âm theo thánh Gioan, không có trong phúc âm nhất lãm, và là lời kinh dài nhất của Chúa Giêsu.

Kinh Linh mục diễn tả những ý nguyện thầm kín của Chúa Giêsu: sống trọn vẹn tình Cha, xả thân vì các môn đệ. Lời kinh lồng trong phép cân đối của cổ văn.

Ÿ Kinh nguyện mở đầu bằng lời khẩn cầu danh Cha, ca tụng Ngôi Cha và Ngôi Con (câu 1-5).
Ÿ Phần chính (câu 6-23) nói lên công trình cứu chuộc của Đức Kitô. Sau đó là những lời nguyện xin cho các linh mục, xin Chúa Cha gìn giữ họ được luôn hiệp nhất.
Ÿ Phần kết luận (câu 24) là lời khần cầu Chúa Cha trong Đức Mến (agapè).

Về các từ ngữ, động từ ‘‘trao ban’’ (donner) được dùng tất cả 15 lần. Thánh Gioan thường nói đến ‘‘Giờ đã đến’’, trong khi Phúc âm nhất lãm sử dụng thuật từ ‘‘Ngày Chúa trở lại’’ (Parousie).
‘‘Kinh Linh mục’’ là kinh nguyện dùng mọi nơi mọi lúc. Trước khi lìa trần, Chúa Giêsu không hề nghĩ đến bản thân mà chỉ nghĩ đến việc làm vinh danh Chúa Cha và biểu hiện lòng thương yêu các môn đệ. Sau khi về với Chu Cha, Đức Kitô vẫn tiếp tục cầu nguyện cho các linh mục.

Sau đây là Phúc âm theo thánh Gioan, chương 17, chuyển thể lục bát theo bản Synopse của M.-E. Boismard:

Kinh Linh mục của Chúa Giêsu
Lạy Cha đã đến giờ rồi,
Ngôi con cả sáng Chúa Trời trên ngai.
Cha ban quyền thế Ngôi Hai,
Con ban sự sống một mai viên tròn.
Vinh danh Chúa tể càn khôn,
Công trình viên mãn nhờ ơn Chúa Trời.
Con hằng vinh hiển đời đời,
Cao rao danh thánh cho người thế gian.
Họ hằng tuân giữ thánh ân,
Và luôn thấu hiểu ơn ban bởi trời.
Những lời hằng sống đời đời,
Cha sai con xuống nói lời Chúa Cha.
Con cầu xin Chúa hải hà,
Ban cho linh mục danh Cha rạng ngời.
Ban ơn hiệp nhất Ba Ngôi,
Và luôn gìn giữ Ngôi Lời thiết tha.
Nay con về với Chúa Cha,
Niềm vui linh mục mặn mà chứng nhân.
Lời Cha phán bảo nhân trần,
Người đời ghét bỏ chứng nhân Nước Trời.
Bởi chưng linh mục tôn thờ,
Thánh danh Chúa tể càn khôn đất trời.
Xin Cha gìn giữ người người,
Khỏi sa sự dữ một thời lãng quên.
Xin Cha thánh hóa tinh tuyền,
Vâng theo sự thật rao truyền thánh ân.
Cha sai con một xuống trần,
Con sai môn đệ xoay vần khắp nơi.
Môn sinh nhận biết Ngôi Lời,
Ban lời hằng sống sáng soi đời đời.
Xin ơn hiệp nhất Ba Ngôi,
Con hằng thông hiệp những người thụ phong.
Xin cho linh mục vẹn toàn,
Trong tình yêu Chúa trao ban tấc lòng.
Nơi con nương náu sắt son,
Cho bao linh mục tấc lòng đầy vơi.
Ngôi Cha cả sáng đời đời,
Trước khi tạo dựng đất trời mờ sương.
Tình yêu phụ tử sót thương,
Tâm tình linh mục yêu thương nước Trời.


Paris, ngày 17 tháng 2 năm 2010 (lễ Tro)
Lê Đình Thông



 
MỖI NGÀY MỘT CÂU KINH THÁNH - Từ ngày 16 đến 28.2.2010
Phó tế: JB Nguyễn văn Định
15:45 17/02/2010
MỖI NGÀY MỘT CÂU KINH THÁNH

Từ 16 đến 28 tháng 2-2010

Ngày 16-2-10: Chúng tôi biết nói gì để tạ ơn Thiên Chúa về anh em. Vì tất cả niềm vui mà nhờ anh em, tôi có được trước nhan Thiên Chúa chúng ta. (I Tx 3, 9) * Ngày đầu Năm Mới, tôi vô cùng cảm tạ Thiên Chúa với nhiều niềm vui, vì Lời Chúa là sức sống của tôi.

Ngày 17-2-10: Đêm ngày chúng tôi tha thiết nài xin Chúa cho được thấy mặt anh em và bổ túc những gì còn thiếu trong đức tin của anh em. (I Tx 3, 10) * Hãy nhìn lại những nhân đức nào tôi chưa tập được, để thay đổi chính mình trước và làm chứng nhân cho Chúa.

Ngày 18-2-10: Xin chính Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa là Đức Giêsu san phẳng con đường dẫn ta đến với anh em. (I Tx 3, 11)

* Tôi hay tự tạo ra con đường làm ngăn cách đến với anh em. Con quyết dẹp tính kiêu căng, tự phụ làm trở ngại con đến với tha nhân.

Ngày 19-2-10: Xin anh em cầu nguyện cho chúng tôi, để Lời Chúa được phổ biến mau chóng và được tôn vinh… (2 Tx 3, 1)

* Lời Chúa được phổ biến là do đời sống ngôn sứ và việc làm của tôi. Tôi tìm mọi dịp để giúp nhiều người đọc, hiểu và sống thực hành Tin Mừng.

Ngày 20-2-10: Xin cũng cầu nguyện cho chúng tôi được thoát khỏi tay người độc ác xấu xa, bởi vì họ không có đức tin. (2 Tx 3, 2)

* Noi gương đại lượng, khiêm nhường và nhân ái của Chúa Gỉêsu, sẽ giúp tôi tránh được hận thù, và gian ác của những kẻ vô thần.

Ngày 21-2-10: Nhưng Chúa là Đấng trung tín: Người sẽ làm cho anh em được vững mạnh, và bảo vệ anh em khỏi ác thần. (2 Tx 3, 3)

* Ác thần đây là những sự dữ có thể xảy đến. Tôi nhớ Lời Chúa nói: Kẻ lành gặp nhiều nỗi gian chuân; nhưng Thiên Chúa cứu giúp họ.

Ngày 22-2-10: Hãy luyện tập sống đạo đức,…vì lòng đạo đức thì lợi ích mọi bề, bởi Chúa hứa ban sự sống hiện tại cũng như tương lai cho họ. (I Tm 4, 8) * Vì luyện tập đạo đức thì chế ngự được toàn thể con người. Tôi chỉ luyện tập thể xác thôi thì chưa chế ngự được tật xấu.

Ngày 23-2-10: Anh hãy nên gương mẫu cho các tín hữu về lời ăn tiếng nói, về cách cư xử, về đức ái, đức tin và lòng trong sạch. (I Tm 4, 12) * Bạn thay mặt Chúa và Giáo hội, rất cần có những nết tốt trên. Nếu không có là bạn tự đào thải khỏi những người được chọn.

Ngày 24-2-10: Hãy chuyên cần đọc Sách Thánh trong các buổi họp, chuyên cần khuyên nhủ và dậy dỗ. (I Tm 4, 13)

* Tôi cần đọc Lời Chúa lớn tiếng cho mọi người nghe, nhất là trước khi các buổi hội họp hoặc trong các đạo đức khác. Vì khi tôi đọc thì Chúa Thánh linh sẽ nói và dẫn dắt cho tập thể trước mọi quyết định.

Ngày 25-2-10: Người tôi tớ Chúa thì không được cãi cọ; nhưng phải dịu dàng vời mọi người, có khả năng giảng dạy, biết chịu đựng gian khổ. (2 Tm 2, 24) * Cách ăn nói của bạn với mọi người phải từ tốn, nghiêm trang, rõ ràng. Tư cách của tôi phải cao thượng và khiêm tốn.

Ngày 26-2-10: Người ấy phải có lòng hiền hoà mà giáo dục những kẻ chống đối; biết đâu Thiên Chúa lại chẳng ban cho họ ơn sám hối để nhận biết chân lý. ( 2 Tm 2, 25).

* Đức tính dịu dàng, kiên nhẫn, vui vẻ và uyển chuyển rất cần cho bạn trong công tác mục vụ và giáo dục. Tôi cầu nguyện và khiêm tốn trông vào ơn Chúa, để chinh phục những tâm hồn còn cứng cỏi.

Ngày 27-2-10: Vào những ngày sau hết…,người ta sẽ ra ich kỷ, ham tiền bạc, khoác lác, kiêu ngạo, nói lộng ngôn, không vâng lời cha mẹ, vô ân bạc nghĩa, phạm thượng. (2 Tm 3, 1-2)

* Hôm nay bạn thấy những điều xấu kể trên đang xảy ra. Bạn và tôi hãy tỉnh thức, cảnh giác, đề phòng và tránh làm những điều như vậy.

Ngày 28-2-10: Vô tâm vô tình, tàn nhẫn, nói xấu, thiếu tiết độ, hung dữ, ghét điều thiện, phản trắc, nông nổi, lên mặt kiêu căng, yêu khoái lạc hơn yêu Thiên Chúa. ( 2 Tm 3, 3-4)

* Đã đến lúc quỷ vương ra đời, chúng đang hoành hành như sư tử tìm mồi cắn xé. Bạn và tôi cùng nhau thanh tẩy chính mình, để đủ sức mạnh của Chúa Thánh linh, chống trả những điều thấp hèn, nguy hiểm kể trên.

Phó tế: GB. Maria Nguyễn Định * johndvn@yahoo.com
 
Chống lại cơn cám dỗ
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
19:19 17/02/2010
CHÚA NHẬT I MÙA CHAY C

+++

A. DẪN NHẬP

Chúng ta bắt đầu bước vào Mùa chay thánh. Thứ Tư vừa qua, Giáo hội mời gọi chúng ta đi vào một cuộc hành trình, hành trình Mùa chay, đó là một cuộc hành trình hướng tới lễ Phục sinh. Chúng ta là những người đã được chịu phép rửa tội, nhưng chưa hoàn toàn sống đời sống của một Kitô hữu. Mùa Chay mời gọi chúng ta thay đổi tâm hồn, và sống Tin mừng một cách trọn vẹn.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Luca cho chúng ta biết, khi nhập thể vào trần gian với thân phận con người, Đức Kitô cũng từng trải qua nhiều thử thách cam go, chịu ma quỉ cám dỗ trong thời gian 40 ngày chay tịnh trong sa mạc. Ma quỉ cám dỗ Ngài xoay quanh ba chủ đề: thú, lợi, danh.. Nhưng Ngài đã vượt thắng tất cả nhờ sức mạnh của Lời Chúa.

Chúa cũng để cho ma quỉ cám dỗ chúng ta, không phải để làm hại ta mà là để cho chúng ta trưởng thành hơn và tỏ lòng trung thành đối với Chúa. Con người yếu đuối không thể vượt qua được những mưu chước của ma quỉ, nhưng chúng ta đã có ơn Chúa trợ lực, Ngài sẽ nâng đỡ chúng ta, Ngài không để chúng ta bị cám dỗ quá sức chúng ta. Hãy cầu nguyện để múc lấy sức mạnh nơi Chúa: ”Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”. Và với ơn Chúa chúng ta sẽ chiến thắng như thánh Phaolô đã nói: ”Omnia possum in eo qui me confortat”(Pl 4,13): Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.

+ Bài đọc 1: Đnl 26,4-10.

Dâng của lễ đầu mùa trước kia là một nghi lễ của dân ngoại, trong đó con người nhìn nhận mình không nắm giữ các bí ẩn của thiên nhiên và của sức sống vạn vật. Vì vậy, con người cầu xin các thần chiếu cố ban ơn.

Tuy nhiên, trong bài đọc 1 hôm nay, ông Maisen dạy cho dân chúng: khi dâng của lễ đầu mùa phải có tâm tình gì: đó là tinh thần biết ơn. Bởi vì, nhìn ngược dòng lịch sử, tổ tiên của dân Do thái ban đầu chỉ là những kẻ phiêu bạt nơi người Ai cập, phải làm nô lệ cho họ. Thiên Chúa đã dùng quyền năng Ngài mà giải thoát họ và xây dựng họ thành một dân tộc hùng mạnh. Vì thế, hằng năm họ phải biết ơn Ngài và lấy một phần hoa lợi của mình mà dâng lên Ngài.

+ Bài đọc 2: Rm 10,8-13.

Luật đạo cũ xưa tỏ ra quá tỉ mỉ và rắc rối. Thánh Phaolô đem đối chiếu với luật xưa, để người tín hữu thấy rằng lòng tin ở Đức Kitô Phục sinh thì đơn giản như thế nào. Ơn cứu độ chỉ có được bởi lòng tin: Ai tuyên xưng trong lòng và tuyên xưng ra rằng Đức Giêsu Kitô đã sống lại và đang làm Chúa tể, thì sẽ được cứu độ.

Một khi đã có một niềm tin như thế, một niềm tin duy nhất, thì khi đó không còn phân biệt Do thái với dân ngoại. Tất cả đều có một Chúa. Đây là điểm tựa duy nhất cho đời sống đạo của chúng ta.

+ Bài Tin mừng: Lc 4,1-13.

Đoạn trình thuật của thánh Luca về các cám dỗ cũng giống như đoạn trình thuật của thánh Matthêu. Tuy nhiên thánh Luca để ý hơn đến việc chứng tỏ Đức Giêsu chiến thắng các cám dỗ với tư cách người đứng đầu một nhân loại thực sự, một dân Israel mới. Trên bước đường đi về Đất Hứa, dân Israel đã gặp nhiều cám dỗ:

- Cám dỗ trở lại Ai cập để có bánh ăn.

- Cám dỗ thờ tượng con bê vàng.

- Cám dỗ thử thách Thiên Chúa.

Họ đã sa ngã vào những cám dỗ đó. Nay Đức Giêsu chính là Israel mới, Ngài cũng sống trong sa mạc thời gian dài (40 ngày), cũng bị những loại cám dỗ dân Israel ngày xưa, nhưng Ngài đã chiến thắng tất cả. Được như thế, Đức Giêsu đã tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa. Đó là tấm gương sáng để chúng ta noi theo.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Vật lộn với ma quỉ

I. ĐỨC GIÊU BỊ MA QUỈ CÁM DỖ

1. Đức Giêsu vào trong sa mạc

Đừng ai tưởng rằng Đức Giêsu không thể bị cám dỗ vì Ngài là Thiên Chúa. Mặc dầu có bản chất thần thánh, Ngài cũng có một bản chất con người. Ngoài ra, tự thân chước cám dỗ không phải là một tội lỗi. Không có một công trình lớn lao nào của con người, hay cuộc sống thiêng liêng thực sự nào, mà không cần thời gian suy nghĩ, cô tịch và im lặng nội tâm.

Đức Giêsu đã trải qua 40 ngày trong sa mạc, trong sự suy niệm và cầu nguyện. Sa mạc có thể là một nơi khắc nghiệt, nhưng đó lại là một nơi lý tưởng để suy niệm và cầu nguyện. Và trong thời gian suy nghĩ cầu nguyện đó, ma quỉ có thể thực sự hiện ra để cám dỗ Ngài không ? Chúng ta không biết. Điều chính yếu là những chước cám dỗ của Ngài đều có thật, giống như chúng ta vậy, mặc dầu quỉ sứ không hiện ra với chúng ta với hình dáng của một con người. Ngài đã bị cám dỗ về ba phương diện: thú, lợi, danh.

2. Ý nghĩa của chữ “Cám dỗ”.

Trong tiếng Do thái, chữ “Cám dỗ” có nghĩa là “thử thách”, “thử tài”, giống như chữ “đi thi” của chúng ta ngày nay. Cám dỗ là đi thi: ai thắng cám dỗ là thi đậu, ai sa ngã là thi rớt. Bởi thế cám dỗ là dịp tốt để ta “lấy bằng cấp”. Tuy nhiên ta đừng khinh địch, hãy nhớ lời Đức Giêsu căn dặn: ”Thứ quỉ này chỉ có thể thắng nhờ ăn chay và cầu nguyện”. Nhớ lời trong kinh Lạy Cha “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”, và nhớ Đức Giêsu trong bài Tin mừng này đã chiến thắng được nhờ sự trợ giúp và che chở của Thiên Chúa (Carôlô).

3. Ba chước cám dỗ.

Theo thánh Luca, Đức Giêsu bị 3 chước cám dỗ thử thách:

- Cơn cám dỗ thứ nhất: Đức Giêsu ăn chay trong sa mạc. Ngài đói, nên cám dỗ đầu tiên của ma quỉ là tìm kiếm của ăn để nuôi dưỡng thân xác: ”Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy truyền cho đá này biến thành bánh đi”(Lc 4,3).

- Cơn cám dỗ thứ hai: Ma quỉ đề nghị Đức Giêsu dùng quyền lực của Ngài để thỏa mãn những ước muốn ái quốc của quần chúng. Dân Israel hy vọng rằng Đấng Thiên Sai sẽ đến như một người chiến thắng, và Ngài sẽ giải thoát dân Israel bằng gươm giáo. Đức Giêsu có nên dùng quyến lực của Ngài để thực hiện giấc mơ ấy không ?

- Cơn cám dỗ thứ ba: Ma quỉ đề nghị: ”Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy gieo mình xuống, Chúa sẽ truyền cho các thiên thần gìn giữ ông ! các vị đó sẽ giơ tay nâng đỡ ông khỏi vấp phải đá” (Lc 4,10). Đây là cám dỗ đòi kiểm chứng, đòi xem những dấu lạ điềm thiêng của người Do thái xưa (Xh 17), đòi thấy những cú nhảy đẹp mắt, những pha ngoạn mục: đó là cơn cám dỗ trên nóc Đền thờ Giêrusalem…

Ba chước cám dỗ này qui về ba chữ: THÚ, LỢI, DANH.

a) Về THÚ: Ma quỉ xúi giục Đức Giêsu thỏa mãn sự đói khát cơm bánh vật chất và các đam mê lạc thú. Nhưng Đức Giêsu đã thắng cám dỗ này. Ngài không phủ nhận sự cần thiết của cơm bánh vật chất, nhưng khẳng định:”Người ta không chỉ sống nhờ cơm bánh, nhưng còn sống bằng những lời do miệng Thiên Chúa phán ra”.

b) Về LỢI: Ma quỉ ban lợi lộc và quyền lực vinh quang cho Đức Giêsu nếu Ngài chịu tôn thờ nó. Nhưng Đức Giêsu chỉ nhận quyền lực từ Thiên Chúa (x. Lc 1,32b; 10,22; 22,29), chỉ công nhận một mình Chúa Cha là Thiên Chúa duy nhất đáng tôn thờ (x. Lc 4,8; Đnl 6,13).

c) Về DANH: Ma quỉ cám dỗ Đức Giêsu tìm kiếm hư danh bằng cách xúi giục Ngài nhảy từ nóc Đền thờ vì sẽ được sự can thiệp kịp thời của Thiên Chúa (x. Lc 4,10-11; Tv 91,11-12). Đức Giêsu đã không chấp nhận thái độ thử thách quyền năng Thiên Chúa đó qua lời Kinh thánh:”Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi”(Đnl 6,16).

Cuối cùng cả ba chước cám dỗ đều qui về một điều: đặt những thứ vật chất và vinh quang bản thân lên trước hết, kế đó, mới đến các điều thiêng liêng và Thiên Chúa. Nói chúng, đây là những chước cám dỗ chủ yếu trong Giáo hội của Ngài, và nơi mỗi người chúng ta là các thành viên trong Giáo hội. Chúng ta phải luôn hướng mắt về Đấng khước từ biến những hòn đá thành bánh, tự gieo mình xuống khỏi nóc Đền thờ, và cai trị bằng quyền lực.

II. CHÚNG TA CŨNG BỊ CÁM DỖ

Suy nghĩ một chút, chúng ta thấy chuyện dân Israel bị cám dỗ 40 năm và Đức Giêsu bị cám dỗ 40 ngày xem ra chỉ là chuyện đời xưa, chẳng liên quan gì đến chúng ta ngày nay. Thực ra ngày nay chúng ta cũng gặp những cám dỗ ấy, nhưng dưới những hình thức khác thôi:

- Phải chăng chúng ta cũng bận tâm quá đáng đến việc ăn uống, sinh nhai ?

- Phải chăng chúng ta ham chuộng danh vọng trần thế ?

- Phải chăng chúng ta không chịu vận dụng hết khả năng của mình mà cứ để Thiên Chúa làm phép lạ cho mình ?

1. Sự khôn ngoan của ma quỉ

Ma quỉ rất tinh quái, nó biết rõ những nhu cầu của con người từ nhu cầu ăn uống cần cho thể xác, đến nhu cầu ham mê danh vọng, địa vị, chức quyền và sau cùng là kiêu ngạo. Cái khôn của ma quỉ là làm cho cám dỗ mang một dáng vẻ hấp dẫn, hợp với sở thích và ý muốn của con người, nên mới có sức thuyết phục mạnh mẽ để ta ưng theo. Do cái vỏ quyến rũ, mỹ miều bên ngoài của nó như vậy nên mới dễ đánh lừa ta, khiến ta thường bị sa lầy, mắc bẫy.

Truyện: Mua cái bóng cây

Ngày xưa, có một người giầu có xây nhà bên đường. Trước nhà ông có một cây to, rợp bóng rộng mát. Mùa hè, khi mọi nhà phải chịu nóng bức, ngột ngạt thì ông nhà giầu cứ mặc nhiên ngả lưng dưới bóng cây, hưởng gió mát. Một hôm có anh nhà nghèo đi qua, thấy bóng cây mát liền ngồi nghỉ và thiếp đi lúc nào không biết.

- Ê, ông nhà giầu quát, Ai cho phép mày nằm nghỉ ở đây ? Xéo ngay.

- Vì sao lại thế ? anh nhà nghèo hỏi.

- Cái cây này là của tao, vì vậy cái bóng của nó cũng là của tao, ông nhà giầu lý luận.

- Nếu vậy, ông hãy bán cho tôi cái bóng. Tôi sẽ trả tiền ông đàng hoàng. Xin ông đừng lo.

Nghe nói đến tiền, ông nhà giầu bán ngay cái bóng ấy cho anh nhà nghèo. Từ hôm ấy, hễ trời trở nóng, anh nhà nghèo lại ra ngồi dưới bóng cây nghỉ mát. Khi bóng cây ngả vào sân ông chủ, anh nhà nghèo cũng vào sân nghỉ; khi bóng cây ngả vào bếp hoặc vào phòng tiếp khách, anh nhà nghèo cũng theo vào những nơi đó. Chẳng những thế, anh còn cao hứng rủ rê bạn bè đến nghỉ. Ông nhà giầu tức lắm nhưng đành bấm bụng chịu.

Một hôm ông nhà giầu có khách. Khi bóng cây ngả vào phòng khách, anh nhà nghèo cùng đám bạn bè kéo luôn vào phòng khách nằm, khiến khách rất ngạc nhiên. Hỏi nguyên cớ thì ông nhà giầu cắn môi im lặng, anh nhà nghèo giải thích: ”Cái bóng cây này là của tôi. Ông chủ đây đã đồng ý bán cho tôi rồi ! Tôi có quyền nghỉ ngơi bất kỳ lúc nào”. Đám khách cười nhạo ông chủ nhà, rồi bỏ ra về. Ít ngày sau, ông nhà giầu bị cả làng chửi bới, còn lũ trẻ con hễ gặp ông ở đâu là bỉu môi chế giễu: ”Đồ tham lam, bán cả cái bóng cây” ! Bị bẽ mặt, ông nhà giầu đành bỏ làng đi ở nơi khác. Thế là anh nhà nghèo không những được cái bóng cây mà còn được cả cái cây cùng ngôi nhà của ông nhà giầu nữa. (Nguyễn văn Thái, Sống lời Chúa giữa dòng đời, năm C, tr 107-108)

Qua sự cám dỗ về lòng tham lam tiền bạc, ông nhà giầu đã đưa kẻ thù vào ở trong nhà mình. Một cách nào đó, qua những cám dỗ, chúng ta cũng mở cửa tâm hồn cho ma quỉ vào xâm chiếm linh hồn mình. Tất cả những mưu thâm chước độc của ma quỉ thì thiên hình vạn trạng khiến con người khó mà đứng vững nếu chúng ta không cảnh giác đề phòng, không biết cầu cứu với Chúa, không năng nhận những phương thế hỗ trợ thiêng liêng.

2. Những cám dỗ của chúng ta

Ngày xưa ma quỉ cám dỗ Đức Giêsu thế nào thì ngày nay chúng vẫn cám dỗ chúng ta như vậy, mà còn nhiều trò nguy hiểm hơn nữa. Tất cả những chước cám dỗ ấy cũng qui về ba mối: thú, lợi và danh.

a) Về thú vui

Tiền nhân dạy rằng:”Nhân sinh tại thế dĩ thực vi tiên” nghĩa là con người sinh ra ở đời, thì việc ăn uống là ưu tiên và cần thiết.

Nói lên câu đó, tiền nhân có ý bảo rằng: con người sinh ra thì phải ăn uống. Có ăn có uống thì mới sống được. Có sống thì mới làm việc được, do đó mới có câu:”Có thực mới vực được đạo”. Song le, vì ma quỉ nó dốt CHỮ NHO, nên mới cắt nghĩa quẹo đi:”Con người sinh ra chỉ để ăn uống”, nên thiên hạ đâu đâu cũng thuộc giáo điều của nó:”Không ăn cũng thiệt, không chơi cũng hoài”.

Thánh Phêrô đã khuyên: ”Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỉ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé”(1Pr 5,6). Con người có khuynh hướng thỏa mãn xác thịt, muốn làm cho thân xác được béo tốt, được thưởng thức mọi thú vui không biết ngừng lại. Nhưng người ta có biết rằng “Cực lạc sinh bi ai” ? Cái gì thái quá cũng sinh tai hại. Mùa chay này nhắc lại cho chúng ta lời Đức Giêsu nói với ma quỉ:”Người ta không chỉ sống nhờ cơm bánh”.

b) Về lợi lộc

Ma quỉ hứa ban lợi lộc và quyền lực vinh quang cho con người nếu chịu tôn thờ nó. Có nhiều người nhẹ dạ đã tin vào lời hứa hão huyền này và đã bán linh hồn cho ma quỉ, trở thành tay sai của nó. Trong lịch sử thế giới, bao nhà độc tài đầy quyền thế, bao đế quốc hùng mạnh đã xuất hiện và lần lượt đều đã bị diệt vong. Ma quỉ cũng cám dỗ Đức Giêsu trở nên giầu có và quyền thế như các vua chúa trên trần gian, nhưng Ngài đã khước từ, Ngài chấp nhận “yếu đuối”(1Cr 1,27). Cơn cám dỗ về quyền hành, về giầu sang phú quí cũng là cơn cám dỗ của chúng ta.

Ngoài ra, danh vọng và giầu sang phú quí chưa hẳn là hạnh phúc vì danh vọng và giầu sang là con dao hai lưỡi: nó có thể phục vụ ta, biến nó thành tôi tớ trung thành của ta, mà nó cũng có thể ức chế ta, biến ta thành nô lệ của nó, sai khiến ta làm đủ mọi điều gian ác.

Truyện: Ca sĩ Elvis Presley

Chắc nhiều người trong chúng ta, nhất là các người trẻ, biết tên chàng ca sĩ nổi tiếng thế giới là Elvis Presley.

Chàng rất giầu có: một mình có 8 chiếc xe hơi, 6 xe gắn máy, 2 máy bay, 16 máy truyền hình, một ngôi biệt thự rất rộng và nhiều tài khoản ngân hàng. Trên tất cả những thứ đó, còn có biết bao đạo quân những người hâm mộ coi chàng là thần tượng.

Thế nhưng Elvis Presley không cảm thấy hạnh phúc. Có lần chàng thú nhận:”Càng nhiều tiền thì càng nhức đầu”. Mẹ chàng thì không mong gì hơn là con trai mình có giờ về thăm gia đình. Nhưng mong ước đơn giản như thế mà cũng không được.

Elvis Presley là một bằng chứng cho lời Đức Giêsu nói: ”Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh”.

c) Về DANH

“Nếu ông là Con Thiên Chúa thì đứng dậy, mà gieo mình xuống đi ! Vì có lời chép rằng Thiên Chúa sẽ tay đỡ tay nâng cho bạn khỏi vấp chân vào đá”(Tv 91,11-12). Đó là cám dỗ lớn và liên tục mà người ta đặt ra trước Đức Giêsu suốt đời công khai của Ngài: Hãy làm phép lạ đi – Hãy cho chúng tôi một dấu chỉ trên trời… Hãy chứng minh ông là Thiên Chúa… Hãy biểu lộ quyền hành của ông, chứng minh rằng ông là Đấng Cứu Thế chúng tôi đang mong đợi…

Đức Giêsu đã không nhận những thách thức ấy mặc dầu Ngài có thể làm được tất cả. Thực ra, những thách thức đó chỉ làm cho Đức Giêsu lìa xa con đường mà Chúa Cha đã vạch ra cho Ngài: Ngài phải chết. “Lạy Cha, nếu có thể được, xin tha cho con khỏi uống chén này”(Lc 22,42). Chính nhờ thái độ vâng phục tuyệt đối Chúa Cha, đến nỗi có cảm tưởng bị “Chúa Cha bỏ rơi”(Mt 27,46), mà chứng tỏ mình là Con Một của Cha…

Đức Giêsu lánh xa khuynh hướng khoe khoang, Ngài chịu thất bại trước những thử thách ấy để đạt được mục đích. Còn chúng ta thì luôn có khuynh hướng khoe khoang, mà quỉ lại nhằm vào khuynh hướng thích khoe khoang, nhất là sự khoe khoang đó lại không đúng sự thật. Nhiều khi chỉ cần một câu nói thách thức hay chạm tự ái là người ta làm theo thách thức đó. Một số bạn trẻ rơi vào xì ke ma túy cũng chỉ vì một lời thách thức hay khiêu khích gì đó.

Khuynh hướng khoe khoang đó cũng là tính kiêu ngạo ẩn náu trong con người. Trong bất cứ hoàn cảnh nào tính kiêu ngạo cũng muốn bùng ra làm cho con người quên đi tình trạng thật của mình mà chỉ muốn vươn lên trên mọi người. Ma quỉ cũng chỉ là các thiên thần đã quên đi bản tính của mình mà đòi bằng Thiên Chúa và đã bị Tổng Lãnh Thiên thần tống nó xuống hỏa ngục làm quỉ vương. Ngộ Không cũng thế, là khỉ mà đòi lên trời làm Tề Thiên Đại Thánh là bằng Trời, nên đã bị tướng nhà Trời tống xuống trần gian, bị núi đá đè con khỉ suốt 500 năm.

2. Hãy tỉnh thức và đề phòng

Ma quỉ rất khôn ngoan, chúng có những cách lừa đảo rất tinh vi giống như những hàng giả bây giờ. Đàng sau những cám dỗ chúng gây ra sự ảo tưởng để đánh lừa người ta, để đưa người ta vào bẫy và lúc đó không còn thể ra được. Cám dỗ nào cũng ngọt ngào hấp dẫn, thử thách nào cũng đòi hỏi phải lựa chọn. Điều quan trọng là chúng ta có nhận ra cái đắng đót chua cay trong cái vỏ ngọt ngào hấp dẫn ấy không ?

Để nhận thức đúng đâu là cơn cám dỗ và sự nguy hiểm của nó như thế nào, ta phải hiểu nội dung của cơn cám dỗ gồm có ba thành phần: người bị cám dỗ là chúng ta, kẻ cám dỗ là ma quỉ, trung gian môi giới cám dỗ có thể là người khác hoặc một sự vật hoặc một cơ hội. Do đó, diễn tiến của một cơn cám dỗ dù đột ngột hay dai dẳng đều được chuẩn bị, hành động rất khéo léo với mục đích xúi dục con người đi đến chỗ phạm tội lỗi.

Phương cách dụ dỗ của ma quỉ rất xảo quyệt vì nó không bao giờ xui ta phạm tội ngay, mà ban đầu chỉ những chiều theo đôi chút, không bao giờ dụ dỗ con người phạm ngay tội nặng, mà chỉ xúi giục phạm những tôi nhẹ, không bao giờ cám dỗ một lần rồi bỏ qua, mà là nhiều lần, lặp đi lặp lại cho đến khi ta chiều theo ý nó.

Ông Richard Wumbrand đã diễn tả điều này rất đúng bằng hình ảnh như sau: chúng ta như những cô gái vừa đến độ xuân thì. Người yêu cô thật lòng, muốn chia sẻ cuộc đời với cô, và kẻ sở khanh lừa phỉnh, chỉ muốn qua đêm để hại đời cô, cùng dùng chung một ngôn ngữ, cùng chia chung một động từ, đó là “Anh yêu em”. Nếu chỉ để ý đến những cái hào nhoáng bên ngoài hay những lời nói ngon ngọt và không có sự tỉnh táo cần thiết để phân biệt thì chắc chắn thảm họa sẽ xẩy đến.

Truyện: Bà Evà bị cám dỗ

Tại Anh quốc, trong viện bảo tàng nghệ thuật Manchester Art Gallery có một bức tranh của họa sĩ Spencer Stanhop mang tựa đề là “Eve”. Bức tranh vẽ hình một con rắn đang thì thầm những tư tưởng vào tai bà Evà. Nhìn vào nét mặt sung sướng của bà Evà, bạn phải nói rằng bà rất thích những điều đang nghe. Bà đang bị mê hoặc bởi những tư tưởng đó. Bà không nhìn thấy con rắn, nhưng con rắn đang vươn tới quấn quít sau lưng bà, từ cành cây mang đầy hoa trái, nó cong mình cúi xuống thật thấp để khi bà Evà chấp nhận những tư tưởng này thì một trái táo đỏ chói rơi ngay vào bàn tay của bà đang mở ra đón nhận.

Mặc dù trong hình vẽ bà Evà chưa cắn trái táo, tuy nhiên qua nét mặt của bà, độc giả biết rằng bà đã vượt qua giới hạn cho phép. Sự kết hợp của những tư tưởng trong tâm trí bà và trái táo đỏ chói trong lòng bàn tay mở rộng quá quyến rũ đối với bà, vườn địa đàng đã bị mất. Sự cô đơn hiu hắt và mối ác cảm với Thiên Chúa đã bắt đầu. Một cách chính xác, người họa sĩ đã bắt gặp được giây phút của sự thật, đã nhận ra được chân lý qua điều được gọi là “cám dỗ” trong cuộc đời của bạn, và của tôi.

3. Phương thế chống cám dỗ

Chúa Giêsu đã nói với thánh Phêrô:”Phêrô ơi, ma quỉ nó sàng con như sàng gạo ấy”(Lc 22,31). Những chước cám dỗ không phải là cách làm hại ta mà chỉ là cách thử thách ta xem ta có trung thành với Chúa không, nên Chúa để cho ma quỉ cám dỗ ta. Sức con người yếu đuối không thể thắng được các chước cám dỗ nếu không có sự hỗ trợ của Chúa. Thánh Phaolô đã nói rất đúng “Omnia possum in eo qu me confortat”(Pl 4,13): tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi.

Trong kinh Lạy Cha chúng ta cầu nguyện:”Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”, có nghĩa là “đừng cho phép chúng con bước vào” hay “đừng để chúng con ngã gục trước sự cám dỗ” (Giáo lý Công giáo số 2846). Đây là một lời cầu xin “trung thành” với Thiên Chúa và tuân giữ những điều răn của Ngài (2Tm 3,14; Mt 19,17; Ga 14, 23-24). Nó đòi hỏi chúng ta phải chọn lựa và quyết định. Nó mang lại những giằng co nội tâm mà chính Đức Giêsu đã trải qua trong 40 đêm ngày bị thử thách (x. Lc 4,1-13).

Sau khi đã dựa vào ơn Chúa, để chiến thắng ma quỉ thời nay, không có cách nào khác là phải chiến đấu anh dũng và kiên cường, chống lại những dụ dỗ, phỉnh gạt lừa lọc của chúng. Chiến đấu bằng chính võ khí mà Đức Giêsu đã xử dụng: đó là tinh thần tuyệt đối vâng phục đường lối và thánh ý của Thiên Chúa; đó là cách sống khiêm tốn, siêu thoát, coi rẻ của cải vật chất và danh vọng thế gian; đó còn là biết đánh giá cũng như hưởng thụ cuộc đời trong chừng mực mà Tạo hóa đã ấn định cho loài người: ăn chay là sống siêu thoát, từ bỏ, tiết độ; cầu nguyện là sống gắn bó mật thiết với Chúa.
 
Cám dỗ trong đời sống con người
Linh Mục Inhaxiô Trần Ngà
19:30 17/02/2010
Cám dỗ trong đời sống con người

(Suy niệm Tin Mừng Luca (Lc 4, 1-13) trích đọc trong Chúa Nhật I mùa Chay)

Khi bàn về thân phận con người, triết gia Platon nhận định rằng: “con người là một cỗ xe có hai ngựa kéo về hai hướng trái nghịch nhau”. Thử hình dung một con ngựa trắng kéo ta về hướng tốt, một con ngựa đen kéo về hướng xấu; và như thế, bản thân chúng ta bị giằng co xâu xé bởi hai thế lực đối kháng nhau!

Sự đối kháng nầy nhiều khi trở nên hết sức gay gắt và ác liệt đến độ thánh Phao-lô phải đau lòng than lên: “điều lành tôi muốn, tôi lại không làm; trong khi điều dữ tôi gớm ghét, tôi lại làm… Vô phúc thay con người tôi!” (Rm 7, 19.24).

Như thế, các chước cám dỗ không buông tha bất cứ ai và sẽ bám riết con người cho đến chết.

Ngay cả Chúa Giê-su cũng không thoát khỏi những cơn cám dỗ. Mặc dầu Người thực sự là Thiên Chúa nhưng đồng thời Người cũng hoàn toàn là con người như chúng ta, nên "Người cũng phải chịu trăm chiều thử thách y như ta" (Dt 4,15).

Bài Tin Mừng hôm nay đề cập đến không phải một mà là đến ba cơn cám dỗ của Chúa Giê-su.

Cám dỗ thứ nhất là sử dụng quyền lực thần linh để biến đá thành cơm bánh (Lc 4,3). Nếu Chúa Giê-su thực hiện điều nầy để cung cấp cho mọi người được dư đầy cơm bánh mà chẳng phải lao nhọc vất vả kiếm ăn thì hy vọng cả thế giới đều thần phục Người. Nhưng Chúa Giê-su bác ngay phương án nầy vì đó không phải là đường lối cứu chuộc của Thiên Chúa Cha.

Cám dỗ thứ hai là trở thành vua của thế giới, “toàn quyền cai trị các nước thiên hạ cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này…” (Lc 4, 5-7). Giả sử Chúa Giê-su chấp nhận phương án nầy thì hy vọng Người sẽ sớm chinh phục muôn dân nước về cho Thiên Chúa Cha. Nhưng Chúa Giê-su lập tực từ chối vì đó không phải là đường lối cứu độ của Thiên Chúa.

Cám dỗ thứ ba là dùng quyền lực thần thiêng để thu phục nhân tâm, chẳng hạn như đứng trên “nóc Đền Thờ Giê-ru-sa-lem rồi gieo mình xuống” an toàn, khiến cho mọi người khâm phục và tin theo (Lc 4, 9-11). Chúa Giê-su cũng từ khước phương án nầy, vì một niềm tin dựa trên phép lạ thì không có giá trị gì, và cũng không phù hợp với đường lối của Thiên Chúa Cha.

Ngoài ra, Thánh sử Luca cũng lưu ý rằng: sau ba cơn cám dỗ nói trên, Chúa Giê-su còn phải đương đầu với nhiều cơn cám dỗ khác trong đời. "Ma quỷ rút lui để chờ dịp khác” (Lc 4, 13)

Lần khác, Sa-tan còn dùng miệng lưỡi của người môn đệ thân tín là Phê-rô để cám dỗ Chúa đừng lên Giê-ru-sa-lem chịu khổ nạn. Ngay lúc ấy, Chúa Giê-su quát lại: “Sa-tan, hãy lui ra đằng sau, đừng gây cớ cho Ta vấp phạm” (Mt 16,23)

Ngay cả trong giờ hấp hối của Chúa Giê-su trên thập giá, Sa-tan cũng chưa chịu buông tha Người. Lần nầy Sa-tan dùng miệng lưỡi những kẻ qua lại để cám dỗ Người xuống khỏi thập giá: " Ông Ki-tô vua Ít-ra-en, cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, để chúng ta thấy và tin." (Mc 15, 32)

Suốt cuộc đời dương thế, Chúa Giê-su đã anh dũng chiến đấu chống mọi cơn cám dỗ và Người đã chiến thắng rất vẻ vang. Không một cám dỗ, một thách thức nào có thể khiến Người lùi bước.

Xưa kia, Sa-tan tìm mọi cách cám dỗ Chúa Giê-su từ bỏ đường lối của Thiên Chúa Cha để đi theo đường lối khác, thì hôm nay, Sa-tan cũng luôn tìm mọi cách để lôi kéo chúng ta đi trệch ra khỏi đường lối Thiên Chúa. Tàu chạy theo đúng đường rầy sẽ được an toàn vô sự, nhưng nếu tàu chạy trật đường rầy, nó sẽ lao vào chỗ chết và gây ra tang tóc đau thương. Vì thế, ma quỷ luôn tìm mọi cách lôi kéo chúng ta đi trệch ra ngoài đường lối mà Đức Giê-su đã vạch ra cho chúng ta, để xô đẩy chúng ta vào cõi chết.

Mỗi người chúng ta như người leo núi đang chênh vênh giữa lưng chừng sườn núi cao. Tiếng Chúa luôn kêu gọi chúng ta leo lên cao để chung hưởng hạnh phúc thiên đàng với Chúa; trong khi đó, tiếng gọi của Sa-tan và xác thịt lôi kéo chúng ta xuống vực để phải trầm luân muôn đời.

Thắng được những cơn cám dỗ, thắng được bản năng hư hèn yếu đuối của mình thật khó biết bao! Danh tướng Napoléon là người từng chiến thắng vang dội ở Châu Âu cũng phải thú nhận rằng: "Chiến thắng cả Châu Âu không bằng chiến thắng chính bản thân mình".

Lạy Chúa Giê-su,

Xác thịt chúng con rất ươn hèn và yếu đuối. Xin Chúa cùng chiến đấu với chúng con và thông ban Thánh Thần trợ lực cho chúng con, để chúng con không lùi bước, không thua trận, không chìm đắm trong tội lỗi nhưng được chiến thắng vẻ vang và chung hưởng vinh quang với Chúa muôn đời.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha khẳng định: mục vụ ơn thiên triệu tốt đẹp nhất là gương sáng của các linh mục
Bùi Hữu Thư
06:56 17/02/2010
Ngài viết trong điệp văn cho Ngày Thế Giới Cầu Nguyện cho Ơn Gọi

Rôma, Thứ Ba 16 tháng 2, 2010 (El Mundo Visto Desde Roma). - Không có ơn gọi nào tốt đẹp hơn là gương sáng của những ai đã “xin vâng” với Chúa. Đây là điệp văn Đức Thánh Cha Benedict XVI đề nghị cho Ngày Thế Giới Cầu Nguyện cho Ơn Gọi, sẽ được tổ chức ngày 25 tháng Tư.

Trong bản văn hôm nay được Vatican phổ biến, Đức Thánh Cha nói rằng “tất cả mọi linh mục, được thánh hiến và hoàn toàn tận hiến, trung thành với ơn gọi, họ bầy tỏ niềm hoan lạc được phụng sự Chúa Kitô, và mời mọi Kitô hữu đáp ứng ơn gọi để nên thánh.”

Vì thế, ngài tiếp, “để cổ võ đặc biệt cho đời linh mục và tu sĩ, để tuyên dương ơn gọi mạnh mẽ hơn và rõ rệt hơn, cần có những gương sáng của tất cả những ai đã “thưa vâng” với Chúa và thể hiện đời sống Chúa đã dành cho mỗi người.”

Đặc biệt, Đức Thánh Cha dành điệp văn này cho các linh mục trong Năm Linh Mục được tổ chức để kỷ niệm 150 năm Thánh Gioan Vianney qua đời, để khẳng định tầm quan trọng của chứng tá của họ bên trong cộng đồng Kitô hữu.

Đức Thánh Cha nói: Mặc dầu, ơn gọi là “một quà tặng của Chúa”, “Chúa dùng chứng nhân của các linh mục, biết trung thành với sứ vụ của mình để tạo nên những ơn gọi tu trì mới phục vụ cho dân Chúa.”

Theo ý nghĩa này, cần đề cao ba yếu tố của đời linh mục như là những thành phần của chứng tá này: tình bạn với Chúa Kitô, tự hiến dâng mình, và sự hiệp thông.

Về tình bạn với Chúa Kitô, Đức Thánh Cha Benedict XVI nói đó là “yếu tố căn bản nhất và dễ nhận biết nhất của ơn gọi làm linh mục, và chính đời sống tận hiến là tình bạn hữu với Đức Kitô."

“Nếu linh mục là ‘người của Chúa’, trực thuộc về Chúa và giúp đỡ mọi người nhận biết Chúa và yêu mến Người, sẽ không thể thất bại trong việc vun trồng một sự mật thiết với Người, ở trong tình yêu của Người, và bỏ thì giờ ra lắng nghe Lời Chúa.”

Khía cạnh thứ hai là “sự hiến dâng trọn vẹn cho Chúa,” xuất phát từ “khả năng dâng hiến và tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa trong mục vụ tông đồ, luôn luôn trung thành, và hân hoan được làm bạn đồng hành với bao nhiêu người anh chị em.”

Đức Thánh Cha tiếp và trích dẫn Pastores Dabo Vobis của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II: "Lịch sử cuả mỗi ơn gọi luôn luôn được ghép chung với chứng tá của một linh mục biết vui sống trong sự tận hiến cho những người anh chị em trong Vương Quốc Thiên Đàng. Vì sự gần gũi và lời của một linh mục có thể nêu lên những câu hỏi và dẫn đến những quyết định, có thể quyết liệt.”

Thứ ba là sự thảo luận về tầm quan trọng của một linh mục như “một người biết hiệp thông, cởi mở với tất cả mọi người, và có thể đồng hành với đoàn dân được Chúa thương ban cho dẫn dắt; một người giúp đỡ kẻ khác vượt thắng các chia rẽ, hàn gắn các nứt rạn, dung hoà các mâu thuẫn và hiểu nhầm, và tha thứ các lỗi lầm.”

Ngài tiếp, "Nếu những linh mục trẻ là những người cô đơn không hạnh phúc, và không cảm thấy hứng thú trong việc khuyến khích người khác đi theo mình. Họ có cảm tưởng mơ hồ khi hiểu rằng đây là tương lai của một linh mục. Ngược lại, điều quan trọng là sống một đời quyết chí, và bầy tỏ được sự cao quý của đời linh mục.”

Đức Thánh Cha kết luận, “điều này cũng áp dụng cho đời sống tận hiến. Sự hiện diện của các nam nữ tu sĩ nói lên tình yêu Chúa Kitô, trong khi họ hoàn toàn trung thành với Phúc Âm và hân hoan chấp nhận các tiêu chuẩn về công lý và cách hành xử của Người.”

Vì vậy, phải trở nên “một dấu chỉ của sự mâu thuẫn” cho thế gian, “trong khi luận lý của người đời chỉ được thúc đẩy bởi chủ nghĩa vật chất, ích kỷ và cá nhân, các linh mục cần có sự trung thành và sức mạnh của chứng nhân của họ; vì họ muốn trở nên những kẻ chinh phục người cho Chúa, họ tiếp tục gợi hứng cho tâm hồn của nhiều người trẻ ước muốn luôn luôn đi theo Chúa một cách quảng đại và trọn vẹn."
 
Âm hưởng Ngày Thế Giới Bệnh Nhân: Ý nghĩa của đau khổ
LM. Vũ Tiến Tặng
09:28 17/02/2010
Âm hưởng Ngày Thế Giới Bệnh Nhân: Ý nghĩa của đau khổ

VATICAN - Những phép lạ có mục đích giúp khám phá tình yêu Thiên Chúa, vị phát ngôn viên Tòa Thánh lý giải. Cũng thế, ngài nói tiếp, đau khổ được coi là một cơ hội độc nhất để mở rộng lòng mình ra.

Cha Federico Lombardi s.j., giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, phác họa một bản tổng kết hoạt động của Đức Thánh Cha và Tòa Thánh trong dịp tham dự Ngày thế giới Bệnh Nhân hôm 11 tháng 2 vừa qua, cũng là ngày lễ Đức Mẹ Lộ Đức.

« Đức Thánh Cha đã muốn cử hành trọng thể và đích thân chủ sự thánh lễ trong ngày này. Cùng với những lời huấn từ của mình, ngài muốn đưa ra ánh sáng điều được cho là những phép lạ thực sự, có nghĩa là những dấu chỉ với khả năng làm nên những điều kỳ diệu, cũng như soi sáng cho một thực tế không biên giới về đau khổ nhân loại », cha Lombardi khẳng định trong phần dành cho Tổng Biên Tập của tạp chí hàng tuần « Octava Dies » số ra vừa qua thuộc Trung Tâm Truyền Hình Vatican mà ngài cũng là giám đốc.

« Trong đau khổ, tình yêu được tôi luyện vững mạnh biểu lộ cách thức mãnh liệt nhất và trong sáng nhất. Trong sự yếu đau của bệnh nhân nan y, một cách minh nhiên thấy rằng mối quan hệ tình yêu được nhận và trao ban là mạc khải đích thực của ý nghĩa về một cuộc sống được giảm thiểu trong điều chính yếu; mà không còn tính đến tất cả những thứ khác », vị phát ngôn viên Tòa Thánh nói tiếp.

« Chúng ta không biết liệu có ý tưởng về một thế giới không đau khổ. Riêng trong thế giới ngày nay, có cơ man đau khổ, nhưng đau khổ này không chỉ có nơi con người mà nó cũng nằm trong trái tim Thiên Chúa và có thể như là một sự biểu lộ tình yêu ».

« Liệu người ta có thể hiểu và sống ý nghĩa màu nhiệm của đau khổ trong một thế giới vắng bóng Thiên Chúa và thánh giá của Đức Kitô ? », cha Lombardi đặt vấn nạn. Ngài trả lời: « Điều đó thật là khó khăn, và có lẽ là không có thể. Chính vì thế, đối với Giáo Hội, đau khổ là một phần chính yếu của cuộc sống và của phục vụ, cũng như để cứu chữa niềm hy vọng cho nhân loại ».
 
Tiến trình phong chân phước cho Gioan Phaolô II đang bị trì hoãn?
Phụng Nghi
09:45 17/02/2010
VATICAN CITY (Zenit.org).- Nhiều lời bình phẩm đã dấy lên vì những tiết lộ được trình bầy trong một cuốn sách mới xuất bản do vị cáo thỉnh viên trong vụ án tuyên phong chân phước cho cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II, tạo ra vấn nạn về tâm tính của ngài.

Để làm sáng tỏ những điều gây tranh cãi đó, Thông tấn xã Zenit đã có cuộc nói chuyện với vị cựu chủ tịch Thánh bộ Tuyên thánh là Hồng y José Saraiva Martins. Ngài nay đã hồi hưu, và đã tham dự buổi ra mắt cuốn sách bằng tiếng Ý nói trên nhan đề: “Tại sao Ngài là một Vị Thánh: Con người thật của Gioan Phaolô II được giải thích do Cáo thỉnh viên vụ án tuyên phong Chân phước”. Sách được nhà xuất bản Rizzoli ấn hành.

Trong cuốn sách này, vị cáo thỉnh viên là Đức ông Slawomir Oder người Ba lan, cùng với ký giả Saverio Gaeta, giám đốc tạp chí Famiglia Cristiana, đã thâu thập nhiều bằng chứng nói lên những chi tiết trong cuộc đời của Karol Wojtyla.

Sách được chia làm ba chương: “Con người”, mô tả những đặc tính nhân bản nhất của Karol; “Giáo hoàng”, nhấn mạnh đến những giờ phút quan trọng nhất trong triều đại giáo hoàng; và “Nhà thần bí”, mô tả cuộc sống tâm linh mãnh liệt và lòng yêu mến Thánh Thể cũng như Đức Trinh nữ Maria của ngài.

Những lời bình luận do nhiều nguồn truyền thông khác nhau viết ra đã tập trung hầu hết vào ba đề tài sau đây:

Trước nhất là vụ cho rằng Wojtyla đã tự dùng roi đánh tội. Thứ hai là một lá thư viết năm 1994 trong đó vị Giáo hoàng này nói rằng ngài có thể từ chức trong trường hợp mắc một chứng “bệnh không thể chữa trị” hoặc lâm vào một tình huống trở ngại không thể “hành xử (đầy đủ) các chức năng của sứ vụ do Thánh Phêrô để lại.” Lời bình luận thứ ba xoay quanh một lá thư ngỏ gửi cho Ali Agca, người đã âm mưu ám sát Đức thánh cha năm 1981.

Đánh tội bằng roi

Ở một trong những trang cuối cùng của cuốn sách có một đoạn văn, theo một số nhân chứng được vị cáo thỉnh viên tham vấn, cho biết rằng Gioan Phaolô II đã “tự mình dùng roi đánh tội.” Tuy nhiên, điều này tiếp tục có tính cách giả thuyết, vì rằng cho đến nay không có ai đã thực sự nói là họ đã chứng kiến hành động đó.

Cuốn sách nói rằng “trong tủ áo của ngài, giữa lớp tu phục, có treo một chiếc dây thắt lưng quần đặc biệt mà ngài đã dùng như là roi da, và ngài luôn luôn bảo đảm là phải đem theo mỗi khi đến Castel Gandolfo.”

Tác giả không cho biết thêm các chi tiết; đây chỉ là một lời mô tả duy nhất về vấn đề gây tranh cãi này, xuất hiện ở trang 192 của cuốn sách.

Một số nhà báo đã đồn đoán rằng việc đánh tội được gán cho Gioan Phaolô II như thế “có thể làm đình trệ tiến trình tuyên phong chân phước.” Một số khác khẳng định rằng những việc đền tội gắt gao của ĐGH đã là hậu quả của “sự bất quân bình về tâm trí.”

Tuy nhiên, Hồng y Saraiva Martins giải thích cho Thông tấn xã Zenit rằng đánh tội bằng roi “chẳng khác gì hơn là việc thể hiện đẹp đẽ nhất tinh thần Kitô giáo và đức tin của người muốn được giống như Chúa Kitô là đấng đã bị đánh đòn.’

Zenit có hỏi là kiểu thực hành như thế có cần thiết để đạt được sự thánh thiện hay không, và Hồng y đáp rằng một vị thánh nên “đánh tội một cách thiêng liêng”, nghĩa là, luôn luôn có tinh thần đền tội và hy sinh, và khả năng tận hiến những đau khổ tinh thần cũng như thể xác.

Ngài giải thích: “Rõ rệt là việc nên thánh đòi hỏi phải có đức tính anh hùng lớn lao trong cuộc sống, đòi hỏi phải chối bỏ chính mình rất nhiều, đòi hỏi phải có ý chí phi thường để có thể noi gương Chúa Kitô.

“Đòi hỏi phải có lòng can đảm lớn lao. Nó kêu gọi phải chuẩn bị tinh thần và từ bỏ nhiều thứ, phải sống theo những nguyên tắc của Tin Mừng.”

Ngài nói thêm: ”Trường hợp các vị thánh đã tự nguyện làm những việc đền tội khắt khe, thì những việc thực hành (đánh tội) như thế chẳng liên quan đến tình trạng bất quân bình về tâm lý gì cả.

“Các vị thánh nhân trước hết đều là những con người rất mực bình thường. Nếu không phải vậy, chắc các ngài đã chẳng phải là thánh.

“Có nhiều vị thánh đã làm việc đền tội (như thế) và thấy đó là cách quản chế được thân xác của mình; điều đó chẳng liên quan gì đến tâm lý học gì hết.”

Từ chức

Dưới một trong các đề mục nhỏ trong chương sách nói về “Giáo hoàng”, Đức ông Oder viết: “Không có chỗ nào trong Giao hội dành cho một vị Giáo hoàng Danh dự (đã hồi hưu).” Trong phần này của cuốn sách, ông có thuật lại lời của Gioan Phaolô đã nói rằng nếu ngài phải rời bỏ chức vụ giáo hoàng thì chỉ vì đó là ý Chúa muốn như thế.

Cuốn sách trưng dẫn lời ĐGH đã nói: “Tôi không muốn là một người (quyết định) chấm dứt nhiệm vụ này. Thiên Chúa đã đem tôi lên đây. Tôi sẽ đễ cho Người là đấng xét đoán hoặc quyết định khi nào nhiệm vụ này phải kết thúc.”

Trong sách có một lá thư chưa hề được công bố do Gioan Phaolô II viết năm 1994 khi ngài sắp mừng sinh nhật năm thứ 75, là tuổi mà mọi hồng y và giám mục phải đệ đơn xin từ nhiệm.

Về đề tài này, Hồng y Saraiva Martins nói rằng cuốn sách không trình bầy “điều gì mới lạ cả.”

Ngài giải thích: Đó chỉ là vấn đề “noi theo cách sắp xếp của Phaolô VI”; vị giáo hoàng này đã nói rằng ngài không thể rời bỏ nhiệm sở trừ khi bị một “chứng bệnh không thể chữa lành” làm ngăn trở về thể lý và tâm lý trong việc tiếp tục nhiệm vụ. Nếu trường hợp đó xảy ra, vị Giáo hoàng phải từ bỏ chức vụ niên trưởng của Hồng y đoàn (dean of the College of Cardinals).

Còn về lá thư ngỏ gửi Ali Agca, xuất hiện trong cuốn sách và đề ngày 11 tháng 9 năm 1981, Hồng y nói rằng trong đó viết “tất cả những gì chúng ta đều đã biết.”

“ĐGH tha thứ cho anh ta, dù cả khi anh ta không xin ngài tha thứ.”

Đấng Đáng Kính

Hồng y Saraiva Martins cho thông tấn xã Zenit biết rằng không có lý do gì vì cuốn sách mới phát hành mà làm ngưng trệ hay làm tăng nhanh tiến trình tuyên phong chân phước cho cố Giáo hoàng, vì rằng ngày 19 tháng 12 vừa qua Tòa thánh đã công bố sắc lệnh tuyên dương đức tính anh hùng của ngài. Từ lúc đó, Gioan Phaolô II đã được công nhận mang tước hiệu Đấng đáng kính.

Hồng y giải thích: “Khi nhận được các tài liệu về một ứng viên để tôn vinh trên bàn thờ, điều đầu tiên Bộ Tuyên thánh làm là nghiên cứu cách thức vị đó đã sống các nhân đức Kitô giáo như thế nào.

“Không phải là cách thức thông thường, không phải là sự thánh thiện thông thường, nhưng là sự thánh thiện đạt đến trình độ anh hùng.

“Đức tính anh hùng là điều phân biệt các vị thánh nhân với những người Kitô hữu khác.”

Ngài cho biết rằng điều duy nhất còn thiếu, khiến cho Gioan Phaolô chưa nhận được tước vị thánh nhân, là bằng chứng về một phép lạ qua lời cầu bầu của ngài, một phép lạ không thể giải thích bằng khoa học.

Các chứng từ

Hồng y khẳng định: Trong tiến trình tuyên phong chân phước, công việc của cáo thỉnh viên là thâu thập các bằng chứng, các dữ kiện xác nhận sự thánh thiện của ứng viên. Quan điểm của cáo thỉnh viên không ảnh hưởng gì đến tíến trình này; thánh bộ mới là cơ quan nghiên cứu tỉ mỉ các dữ kiện.

Được biết vai trò của cáo thỉnh viên phải có tính cách trung lập, Zenit đã hỏi: Nếu vậy phải chăng là điều thiếu khôn ngoan khi xuất bản một cuốn sách có nhan đề “Tại sao Ngài là một vị Thánh” khi ứng viên ngay cả chưa được tuyên phong chân phước?

Hồng y Saraiva Martins tuyên bố rằng vị cáo thỉnh viên, ở cấp độ cá nhân “có thể nói điều gì ông ta muốn nói cũng được.”

Ngài minh xác rằng cuốn sách mới xuất bàn “không có gì liên quan đến tiến trình tuyên phong chân phước hết”, nghĩa là nó sẽ chẳng làm tăng tiến hay làm khựng lại tiến trình này.

Hồng y cho rằng nhan đề của cuốn sách, đúng hơn đó là đáp ứng tiếng reo hò la hét của dân chúng, ngay từ lúc Gioan Phaolô II mới qua đời, đã xuống đường mang theo các khẩu hiệu "santo subito," "santo pronto" (bây giờ là vị thánh, sớm (được tuyên) thánh.”
 
Đức Thánh Cha kêu gọi các linh mục, tu sĩ làm chứng tá
LM Trần Đức Anh, OP
10:04 17/02/2010
Đức Thánh Cha kêu gọi các linh mục, tu sĩ làm chứng tá

VATICAN. ĐTC Biển Đức 16 kêu gọi các linh mục và tu sĩ nêu chứng tá cuộc sống gương mẫu như một phương thức tốt đẹp để khơi dậy ơn gọi nơi tâm hồn người trẻ.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong Sứ điệp nhân Ngày Thế lần thứ 47 cầu cho ơn gọi sẽ được cử hành vào chúa nhật thứ 4 Phục sinh - chúa nhật Chúa Chiên Lành, 25-4-2010.

Sau khi nhắc đến nhiều tấm gương trong Kinh Thánh và lịch sử Giáo Hội, ĐTC khẳng định rằng: ”Thiên Chúa dùng chứng tá của các linh mục, trung thành với sứ mạng, để khơi dậy những ơn gọi mới linh mục và tu sĩ phục vụ Dân Chúa”. Ngài nêu bật 3 yếu tố thiết yếu để chứng tá của linh mục tu sĩ được hữu hiệu: trước tiên là linh mục tu sĩ cần sống tình bạn với Chúa Kitô; thứ hai là hiến thân trọn vẹn cho Thiên Chúa, và thứ ba là sống hiệp thông yêu thương nhau.

ĐTC viết: ”Linh mục phải là con người hiệp thông, cởi mở đối với mọi người, có khả năng làm cho toàn thể đoàn chiên tiến bước trong hiệp nhất, đoàn chiên mà lòng từ nhân Chúa đã ủy thác cho linh mục, giúp họ vượt thắng những chia rẽ, hàn gắn những rạn nứt, và san bằng những xung khắc và hiểu lầm, tha thứ những xúc phạm.”

ĐTC nhắc lại rằng hồi tháng 7 năm 2005, khi gặp gỡ hàng giáo sĩ miền Aosta, tôi đã nói rằng nếu người trẻ thấy các linh mục lẻ loi và buồn bã, thì chắc chắn họ sẽ không cảm thấy được khích lệ noi gương các vị ấy. Và Đức Gioan Phaolô 2, cũng đã từng nói: ”Chính đời sống của các linh mục, lòng tận tụy vô điều kiện của các vị đối với đoàn chiên Chúa, chứng tá yêu thương phục vụ Chúa và Giáo Hội của Chúa.. sự hòa thuận huynh đệ của các linh mục với nhau và lòng nhiệt thành của các vị đối với việc rao giảng Tin Mừng cho thế giới, chính là yếu tố thứ nhất và có sức thuyết phục nhât mang lại nhiều ơn gọi” (Pastores dabo vobis, 41). thể nói rằng ơn gọi nảy sinh từ sự tiếp xúc với các linh mục, như thể một gia sản quí giá được thông truyền bằng lời nói, gương lành và toàn thể cuộc sống.

Và ĐTC kết luận rằng: ”Mỗi linh mục, mỗi người thánh hiến nam nữ, trung thành với ơn gọi của mình, đều thông truyền niềm vui phụng sự Chúa Kitô, và mời gọi mọi Kitô hữu đáp lại ơn gọi nên thánh của tất cả mọi người. Vì thế, để cổ võ ơn gọi linh mục va đời sống thánh hiến, để làm cho việc loan báo ơn gọi trở nên mạnh mẽ và quyết liệt hơn, cần có tấm gương của những người đã thưa ”xin vâng” đối với Thiên Chúa và dự phóng cuộc sống mà Chúa dành cho mỗi người.” (SD 16-2-2010)
 
30 giám mục Pháp hành hương Ars
LM Giuse Vũ Tiến Tặng
18:02 17/02/2010
30 giám mục Pháp hành hương Ars

ARS, PHÁP QUỐC - Trong khuôn khổ Năm Linh Mục, khoảng 30 giám mục quy tụ tại Ars trong vòng hai ngày 13 và 14 tháng hai để hành hương dưới sự bảo trợ của Cha Thánh Gioan Vianney. Đức Cha Guy Bagnard, với tư cách là giám mục chủ nhà, đã cho biết lý do vì sao lại có cuộc hành hương đặt biệt này dành cho các giám mục.

Số là từ mấy năm nay, nhiều giám mục bày tỏ ước nguyện được sống với nhau trong một bầu khí huynh đệ, tách biệt hẳn với các cuộc họp thường lệ của HĐGM. Đặc biệt, trong Năm Linh Mục, các ngài muốn tìm hiểu tốt hơn về Cha Thánh Gioan Vianney. Chính vì thế, đức cha Bagnard một mặt đã phát hành cuốn sách nói về tiểu sử Cha Sở Thánh giáo họ Ars, mặt khác ngỏ lời mời các giám mục hành hương Ars vào ngày 14 tháng hai, ngày Cha thánh Gioan Vianney đến nhận giáo xứ Ars.

Chương trình hành hương được bắt đầu từ chiều hôm trước thứ bảy 13/02 với thời gian cầu nguyện, nghe cha quản đốc trung tâm hành hương Ars trình bày về Vị Quan Thầy các linh mục. Tiếp theo, vào buổi sáng hôm sau, đức cha chủ nhà hướng dẫn phần suy niệm thiêng liêng. Ngài nhấn mạnh đến mối tương quan giữa màu nhiệm Thập Giá Đức Kitô trong tác vụ của Cha thánh Gioan Vianney và việc kêu gọi các bạn trẻ trong các giáo phận dấn thân trong ơn gọi đời sống linh mục. Đặc biệt, nhãn quan linh mục được rút tỉa từ đời sống của vị Thánh Quan Thầy, người đã trao phó cuộc đời mình để phục vụ giáo xứ. Đỉnh cao của cuộc hành hương là thánh lễ được cử hành tại nhà thờ Đức Bà Thương Xót. Sau cùng, nghi thức khánh thành bức tượng đài cỡ lớn Thánh Gioan Vianney khép lại cuộc hành hương của các vị Giám Chức Pháp.

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã khai mạc Năm Linh Mục vào dịp tháng sáu năm ngoái với mục đích khích lệ các linh mục hướng đến hoàn thiện chiều sâu tâm linh và bắt chước cha thánh Gioan Vianney sống tràn đầy tác vụ linh mục.

Kể từ thời điểm đó, rất nhiều các linh mục và chủng sinh trên toàn thế giới không ngừng đổ về Ars. Tưởng cũng nhắc lại rằng đợt tĩnh tâm quốc tế dành cho các linh mục vào dịp cuối tháng chín năm ngoái đã thu hút 1200 linh mục đến từ khắp nơi trên thế giới.

Cách riêng cuộc hành hương lần này của 30 giám mục Pháp mang một ý nghĩa hết sức cao đẹp. Theo như cách đánh giá của đức cha Bagnard giáo phận chủ nhà, cuộc hành hương nói lên « nhu cầu để được cùng nhau hội ngộ đặt dưới sự bảo trợ của Cha Thánh giáo họ Ars, đồng thời để xin ngài bầu cử cho các ơn gọi trong từng giáo phận, nhưng cũng là để sống trọn vẹn tác vụ thánh chức của mình ».

Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
 
Hội Thảo Chuyên Đề Về Đại Kết
Vũ Văn An
18:52 17/02/2010
Hội Đồng Giáo Hoàng Cổ Vũ Hợp Nhất Kitô Giáo vừa tổ chức một hội nghị chuyên đề kéo dài trong ba ngày, từ 8 tới 10 tháng 2, 2010 tại Vatican, qui tụ các thần học gia của các Giáo Hội Luthêrô, Cải Cách, Anh Giáo và Methodist. Mục đích của hội nghị chuyên đề là để thảo luận cuốn “Gặt Hái Các Hoa Trái: Các Khía Cạnh Căn Bản của Đức Tin Kitô Giáo trong Cuộc Đối Thoại Đại Kết” đã được công bố hồi tháng 10 năm ngoái. Các thần hoc gia này sẽ cùng nhau xem sét các bước kế tiếp trong cuộc đối thoại này, theo lời mời của Đức Hồng Y Walter Kasper, Chủ Tịch Hội Đồng.

Cuốn sách trên tóm lược thành quả của 40 năm đối thoại song phương giữa Giáo Hội Công Giáo La Mã và Liên Hiệp Luthêrô Thế Giới, Liên Minh Các Giáo Hội Cải Cách Thế Giới, Hiệp Thông Anh Giáo và Hội Đồng Methodist Thế Giới.

Theo thông cáo của Hội Đồng, Hội Nghị Chuyên Đề cũng “nêu ra nhiều vấn đề quan trọng đối với hướng đi tương lai và nội dung của cuộc thảo luận đại kết”. Bởi thế, Hội Nghị Chuyên Đề không hẳn chỉ “xem sét các yếu tố thoả thuận đã đạt được trong 40 năm đối thoại chính thức, mà còn xem sét các phương thức để thông truyền các thành quả đáng kể ấy cho các thành viên của mọi cộng đồng Kitô Giáo khác nhau”.

Hội Đồng hy vọng rằng bằng cách này, các cộng đồng sẽ chứng tỏ “một cách đầy đủ hơn qua cuộc sống của họ sự tiến bộ hướng về hợp nhất đã đạt được”. Các thần học gia đã “xem sét trong chi tiết vấn đề tiếp nhận các công bố và thoả hiệp chung, nhu cầu làm chứng chung giữa các Kitô Hữu ở mọi cấp, và bối cảnh thay đổi trong đó Kitô Giáo phải đảm nhận sứ vụ của mình”. Họ cũng đã thảo luận việc phải tiến hành cuộc đối thoại đại kết trong tương lai ra sao và cần phải thực hiện những bước nào hướng tới mục đích “hiệp thông trọn vẹn và hữu hình”.

Hiệp thông

Đức Hồng Y Kasper nói với các tham dự viên rằng: “Hiệp thông là gì theo nghĩa thần học? Nó không có nghĩa một cộng đồng theo chiều ngang nhưng là ‘việc thông công của các thánh’ -- điều mà ta có thể gọi là việc tham dự theo chiều dọc vào những gì là ‘thánh’, vào ‘những sự việc thánh’ – nghĩa là, Thần Trí Chúa Kitô hiện diện trong Lời của Người và trong các bí tích do các thừa tác viên được thụ phong xứng đáng cử hành”.

Các tham dự viên của Hội Nghị Chuyên Đề “đã thăm dò xem các bất đồng vốn có xưa nay có thể được tái thẩm định ra sao nếu ta nhìn chúng trong ngữ cảnh sứ vụ và cái nhìn của Nước Chúa”. Họ nói về cuộc đối thoại đại kết bằng ngôn từ của một “tiếp cận mới và đầy hứa hẹn” qua đó, nó được nhìn như “một trao đổi ơn phúc”. Các thần học gia cũng thảo luận “các đề nghị thực tế để khích lệ việc tìm tòi hợp nhất, cách riêng việc đưa ra Tuyên Bố Chung về điều chúng ta đã đạt được về phương diện đại kết”.

Hội Đồng Giáo Hoàng Cổ Vũ Hợp Nhất Kitô Giáo đề nghị rằng một khả thể đối với hình thức của bản Tuyên Bố trên có thể là “cùng khẳng định chung đức tin của Phép Rửa, bao gồm việc chú giải Kinh Tin Kính và Kinh Lạy Cha”. Hội Nghị Chuyên Đề lần này bao gồm các chuyên viên nhiều kinh nghiệm về đối thoại và cả “các thần học gia trẻ trung hơn mới bước chân vào phong trào đại kết”. Các đề xuất tích cực của Hội Nghị sẽ được đem ra thảo luận tại cuộc họp khoáng đại của Hội Đồng Giáo Hoàng vào tháng 11 năm 2010. Bản thông cáo của Hội Đồng thêm rằng các tham dự viên đánh giá cao tiềm năng của Rôma trong việc tổ chức những hội nghị chuyên đề loại này, chúng rất có ích cho phong trào đại kết.

Một sách giáo lý đại kết

Cindy Wooden của Hãng Tin Catholic News Service nhân dịp này nhấn mạnh tới đề nghị của Đức Hồng Y Walter Kasper ngỏ với Hội Nghị Chuyên Đề về một sách giáo lý đại kết để chứng tỏ hoa trái của 40 năm đối thoại giữa các Giáo Hội Công Giáo, Anh Giáo, Luthêrô, Methodist và các thành viên của các Giáo Hội Cải Cách. Đức Hồng Y nói với đại biểu các Giáo Hội trên như sau: “Chúng ta vốn khẳng định nền tảng chung của chúng ta trong Chúa Giêsu Kitô và Ba Ngôi Thiên Chúa như đã được phát biểu trong kinh tin kính chung của chúng ta và trong tín lý của các công đồng chung đầu tiên”.

Khai mạc hội nghị chuyên đề kéo dài ba ngày tại Vatican để thảo luận về tương lai của phong trào đại kết, Đức HY Kasper cho hay điều chủ yếu là phải luôn ghi nhớ các thành tựu của chúng ta trong đối thoại, phải giáo dục tín hữu để họ nắm vững các thành tựu đó và phải chuẩn bị cho các thế hệ tương lai để họ biết tiếp tục công trình này. Ngài cho hay các thành viên thuộc Hội Đồng của ngài đề nghị phải có một sách giáo lý đại kết, được viết ra với sự tham khảo của mọi đối tác. Tuy nhiên, ngài chưa rõ sách giáo lý ấy sẽ có cấu trúc ra sao và phải được soạn thảo như thế nào. Theo ngài, điều chắc chắn là hiện đang có nhu cầu phải có “một đại kết về những điều căn bản để nhận diện, tăng cường và thâm hậu hóa nền tảng chung” của đức tin vào Chúa Kitô và niềm tin vào các tín điều trong kinh tin kính. Các Giáo Hội có thể đang tuân giữ các tín điều đó một cách chính thức, nhưng nếu các thành viên của họ không tuân giữ một cách vững vàng các điểm căn bản của đức tin Kitô Giáo, thì cuộc đối thoại không thể tiến triển được.

Đức HY Kasper, một nhà thần học sẽ 77 tuổi vào tháng 3 này và từng điều khiển Hội Đồng Cổ Vũ Hợp Nhất 9 năm nay, cũng nói rằng cuộc đối thoại đại kết có lẽ đang có nguy cơ trở thành một vấn đề của riêng các nhà chuyên môn và do đó, tách rời khỏi quần chúng tín hữu. Ngài kêu gọi phải có một đại kết lấy tín hữu làm tâm điểm, một đại kết có thể hỗ trợ và đem lại sinh lực mới cho cuộc đối thoại thần học.

Đối với các vấn đề còn phải đương đầu ngõ hầu các Kitô hữu có thể đạt được sự hợp nhất trọn vẹn và được chia sẻ chung Phép Thánh Thể, Đức HY nhận diện hai lãnh vực căn bản: một cái hiểu chung về giáo hội và cơ cấu của giáo hội; một phương cách chung để áp dụng Phúc Âm vào các vấn đề xã hội và luân lý hiện đại mà không sa vào thuyết duy tương đối.

Đức Hồng Y cho rằng các vấn đề đạo đức như đồng tính luyến ái và quyền bình đẳng của phụ nữ không những đang chia rẽ các giáo hội, chúng còn đặt ra nhiều vấn nạn có tính nền tảng hơn cho xã hội hiện đại và hậu hiện đại, như: Con người là gì, và trong kế hoạch Thiên Chúa, làm đàn ông và làm đàn bà có nghĩa chi?

Theo ngài, trong lãnh vực cơ cấu và thừa tác vụ của giáo hội, các cuộc đối thoại đã có tiến triển hướng tới một thỏa thuận chung về bản chất bí tích truyền chức thánh và về việc kế tục tông đồ trong thừa tác vụ của giám mục, và đang có những bước khởi đầu hướng tới việc thảo luận về tính tối thượng (primacy) của giám mục Rôma, tức Đức Giáo Hoàng.

Về việc này, Đức Hồng Y Kasper đặt câu hỏi: trên bình diện căn bản hơn, các cuộc đối thoại phải đi vào vấn đề không phải chỉ là giáo hội là gì mà còn là giáo hội ở đâu? Thiên Chúa có ban cho giáo hội của Người một cơ cấu đặc thù hay để mặc cho giáo hội ấy tự tìm ra cơ cấu cho chính mình, đến độ có thể có một hình thức đa nguyên về cơ cấu? Theo ngài, Vatican cần giải thích rõ hơn cho các đối tác đối thoại của mình xác tín Công Giáo sau đây: Giáo Hội Công Giáo là giáo hội của Chúa Kitô và Giáo Hội Công Giáo là giáo hội đích thực dù trên thực tế nhiều yếu tố quan trọng của giáo hội Chúa Kitô quả có hiện diện ở bên ngoài các biên giới hữu hình của Giáo Hội Công Giáo. Giáo Hội Công Giáo tin rằng “có nhiều thiếu sót trong các giáo hội khác. Ấy thế nhưng, trên một bình diện khác, cũng có những thiếu sót hay đúng hơn những vết thương phát sinh do chia rẽ và tội lỗi bên rong Giáo Hội Công Giáo nữa”. Đức HY cho rằng cuộc đối thoại đại kết là nơi các Kitô hữu “học hỏi để lớn lên và trưởng thành trong lòng trung thành với Chúa Kitô” và nhờ mỗi người biết xích lại gần Chúa Kitô hơn, tự nhiên họ sẽ xích lại gần nhau hơn".

Mời gọi thế hệ mới tham gia đại kết

Tại Hội Nghị Chuyên Đề này, một mục sư thuộc Giáo Hội Trưởng Lão (Presbyterian), Ông Neal D. Presa, 33 tuổi ở New Jersey, Hoa Kỳ, phát biểu rằng muốn cho thế hệ mới tham gia phong trào đại kết, các giáo hội phải chỉ cho họ thấy các cố gắng vun đắp cho việc hợp nhất các giáo hội thích ứng ra sao đối với quan tâm của giới trẻ về một thế giới đổ vỡ. Ông bảo: “đại kết rõ ràng sẽ ra khác. Sở dĩ như thế chỉ vì hiện tượng hoàn cầu hóa”. Mục sư Presa là một trong các đại biểu của Liên Minh Các Giáo Hội Cải Cách Thế Giới tham dự Hội Nghị Chuyên Đề nói trên.

Trong một cuộc phỏng vấn tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô Ngoại Thành, nơi kết thúc Hội Nghị với một buổi cầu nguyện chung, Mục Sư Presa cho hay: phần lớn giới trẻ hiện nay không coi giáo hội là quan trọng. Họ có thể là Kitô hữu, nhưng với họ, tư cách thành viên cho có lệ không quan trọng bằng việc dấn thân vào các cố gắng cổ vũ hòa bình, công lý, liên đới và chăm sóc môi sinh. Theo ông, “sau ngày 11 tháng 9 và với những thống khổ nhân bản từng được khuếch đại sau không biết bao nhiêu biến cố xẩy ra trên thế giới -- thuộc kinh tế, môi sinh và chính trị -- thế hệ tôi, tức thế hệ thanh thiếu niên, sẵn sàng vượt qua ranh giới hệ phái và tôn giáo để kiến tạo một thế giới tốt hơn”. Ông bảo các nhà lãnh đạo tôn giáo phải giúp người trẻ thấy rằng: trong một thế giới đổ vỡ, được ghi dấu bằng phân mảnh, chúng ta đang đi tìm hợp nhất. Và đó mới là chứng tá mạnh mẽ. Mục sư Presa cho rằng việc hội nghị chuyên đề đưa ra sáng kiến soạn thảo các bản chú giải đại kết về Kinh Tin Kính Các Thánh Tông Đồ, Mười Điều Răn và Kinh Lạy Cha rất có ích trong phạm vi này. Vì ba bản văn đó giải thích cho người ta thấy “có một ý nghĩa ở bên ngoài bạn, thuộc một cộng đoàn lớn hơn cuộc sống bạn là điều quan trọng, cuộc sống đạo đức là điều đáng kể và có một ý nghĩa không phải chỉ cho gia đình và cộng đoàn của bạn, nhưng cho toàn thế giới”.

Các thần học gia và các nhà lãnh đạo giáo hội khác tại Hội Nghị cũng thảo luận các phương thế giúp các tín hữu của mình hiểu việc hợp nhất các Kitô hữu chia rẽ quan trọng ra sao. Nhưng họ cũng hiểu rõ điều này: trong nhiều trường hợp các tín hữu mong muốn các thần học gia và các nhà lãnh đạo giáo hội phải giải quyết những dị biệt còn lại để họ có thể tiếp nhận Thánh Thể trong các buổi phụng vụ của nhau.

Đức Hồng Y Kasper nói rằng các cuộc đối thoại đã nhận diện được một đức tin chung rất mạnh mẽ vào Chúa Giêsu Kitô và Ba Ngôi Thiên Chúa, trong nội dung kinh tin kính và trong Phép Rửa. Nhưng theo ngài, để các Kitô hữu đạt được sự hợp nhất trọn vẹn và cùng tiếp nhận Thánh Thể chung, họ phải giải quyết các dị biệt liên quan đến ý nghĩa của việc thụ phong và ai được thụ phong, đến thẩm quyền trong giáo hội, và đến việc giải thích Thánh Kinh cách chân chính.

Giám mục Anh Giáo, N. Thomas Wright của giáo phận Durham, Anh Quốc, nói rằng các cuộc đối thoại đã cho thấy người Công Giáo, người Anh Giáo, người Luthêrô, người Methodist và các thành viên các Giáo Hội Cải Cách chủ yếu đã nhất trí với nhau về các điểm căn bản của đức tin Kitô Giáo. Nhưng ông đặt câu hỏi: “Điều gì khiến ta có thể nói với nhau rằng vì ta rõ ràng đã nhất trí với nhau về bản thể nội tại của đức tin, nên ta phải có khả năng đồng ý khác biệt nhau trên các vấn đề còn lại?”

Trong một cuộc phỏng vấn sau đó, Giám Mục Wright cho rằng một số dị biệt không quan yếu bao nhiêu đối với căn tính Kitô Giáo đến nỗi có thể ngăn chặn các cộng đồng Kitô hữu khác nhau không nhìn nhận nhau và chung chia Thánh Thể với nhau. Ông đặt câu hỏi: “Nếu đã nhất trí với nhau về ý nghĩa của Thánh Thể, thì có quan trọng không khi tôi cử hành nó, tôi vốn không phải là người được thụ phong trong truyền thống Rôma? Điều ấy có thực sự quan trọng không? Hiện nay, nó là điều quan trọng. Nhưng có nên như thế hay không?”. Ông bảo: theo quan điểm Thánh Kinh và quan điểm Anh Giáo, tư cách để chung chia tình đồng bàn Thánh Thể là chung chia đức tin vào Chúa Giêsu, nhận Người là Đấng Được Xức Dầu và là Chúa, Đấng chịu đóng đinh và đã sống lại.

Mục sư Geoffrey Wainwright, thuộc Giáo Hội Methodist và là đồng chủ tịch cuộc đối thoại Công Giáo và Methodist, cho rằng một trong những dấu chỉ đại kết tích cực nhất phát sinh từ các giáo xứ và cộng đoàn địa phương là: “áp lực lớn lao đòi được chung chia Thánh Thể với nhau… Theo tôi, hiện nay chúng ta chưa thể tức khắc làm được việc đó. Cần có đủ nhất trí về điều việc gì đang xẩy ra khi chúng ta tụ họp với nhau chung quanh bàn thờ. Nhưng rõ ràng ngày càng có nhiều áp lực từ phía dân chúng, họ bảo: này, qúy vị giám mục và qúy vị thần học gia, qúy vị phải chung lưng hành động để chúng tôi thực sự, chứ không phải giả đò, đến với nhau trong tình hiệp thông đi chứ!”
 
Đức Thánh Cha chủ sự thánh lễ với nghi thức bỏ tro
LM. G. Trần Đức Anh OP
21:28 17/02/2010
Đức Thánh Cha chủ sự thánh lễ với nghi thức bỏ tro

ROMA: Chiều 17-2-2010, ĐTC Biển Đức đã chủ sự cuộc rước kiệu sám hối từ nhà thờ thánh Anselmo của dòng Biển Đức tới đền thờ thánh nữ Sabina của dòng Đa Minh và chủ sự thánh lễ tại đền thờ này với nghi thức bỏ tro mở đầu Mùa Chay Thánh.

Lúc 4 giờ rưỡi, ĐTC cùng với các HY, các tu sĩ dòng Biển Đức và Đa Minh, đi rước trên quãng đường 500 mét, vừa đi vừa hát kinh cầu các thánh, các thánh vịnh Thống hối 50 và 24.

Tại Vương cung Thánh Đường thánh Sabina, trên đồi Avventino, có từ thế kỷ thứ V, ĐTC đã chủ sự thánh lễ, cùng với nhiều Hồng Y và Giám Mục, trước sự tham dự của các linh mục tu sĩ nam nữ và giáo dân.

Trong bài giảng, ĐTC đã nhấn mạnh đến ý nghĩa mùa chay và khẳng định rằng: “Theo Chúa Giêsu trong sa mạc mùa chay chính là điều kiện cần thiết để tham dự vào cuộc Vượt Qua, cuộc xuất hành của Chúa. Xưa kia, Adong đã bị đuổi khỏi vườn địa đàng, biểu tượng sự hiệp thông với Thiên Chúa; giờ đây để trở lại tình hiệp thông ấy tức là trở lại sự sống đời đời, cần phải tiến qua sa mạc, qua thử thách đức tin. Nhưng không lẻ loi một mình, trái lại với Chúa Giêsu! Ngài luôn đi trước chúng ta và đã chiến thắng trong cuộc chiến chống ác thần. Đó chính là ý nghĩa mùa chay, mùa phụng vụ mỗi năm mời gọi chúng ta hãy canh tân việc theo Chúa Kitô trên con đường kiêm tốn, để tham dự vào chiến thắng của Chúa trên tội lỗi và sự chết”.

ĐTC giải thích về ý nghĩa việc bỏ tro trên đầu và nói rằng: ”Đây chính là một cử chỉ khiêm tốn, nói lên ý nghĩa: tôi nhìn nhận thực chất của tôi, là một thụ tạo yếu đuối, được làm bằng đất và sẽ trở về với bụi đất, nhưng thụ tạo này cũng được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và trở về cùng Ngài. Đúng vậy, tôi là bụi tro, nhưng được tình thương của Chúa yêu mến và nhào nặn, được hơi sống của Chúa làm cho sinh động, có khả năng nhìn nhận tiếng nói của Chúa và đáp lại...”

Sau khi giải thích ý nghĩa 3 bài đọc trong thánh lễ, ĐTC kết luận rằng: ”Anh chị em thân mến, ngày nay nhân loại cũng cần hy vọng có một thế giới công chính hơn, tin rằng điều đó có thể xảy ra, mặc dù có những thất vọng do kinh nghiệm thường nhật. Bắt đầu mùa chay mới, hành trình mới trong việc canh tân tinh thần, Giáo Hội nêu rõ sự hoán cải bản thân và cộng đoàn như con đường duy nhất, không ảo tưởng, để kiến tạo xã hội công bằng hơn, trong đó tất cả đều có thể có được những gì cần thiết để sống theo nhân phẩm của mình”.

Trong nghi thức bỏ tro sau bài giảng, ĐHY Josef Tomko, người Slovak, nguyên Tổng trưởng Bộ truyền giáo, có nhà thờ hiệu tòa là Đền thờ thánh Sabina, đã bỏ tro trên đầu ĐTC, trước khi ngài bỏ tro cho các Hồng y và một số tín hữu. (SD 15-2-2010)
 
Hoán cải là quyết liệt hoàn toàn đổi hướng cuộc đời
Linh Tiến Khải
21:30 17/02/2010
Hoán cải là quyết liệt hoàn toàn đổi hướng cuộc đời

Mùa chay bắt đầu với Thứ Tư Lễ Tro là thời gian đặc biệt của việc hoán cải. Hoán cải không phải là sửa đổi lại môt chút nhưng là thay đổi hoàn toàn hướng đi của cuộc sống chúng ta; không chạy theo kiểu sống hời hợt không trung thực hay cái luân lý tầm thường xoàng xĩnh, mà sống độ cao của cuộc đời kitô và tín thác nơi Tin Mừng sống động cụ thể là Đức Giêsu Kitô.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trong buổi tiếp 8.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu trong đại thính đường Phaolô VI sáng thứ tư 17-2-2010.

Vì là Thứ Tư Lễ Tro khai mạc mùa Chay Thánh nên trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã nói về ý nghĩa của mùa Chay là thời gian kéo dài 40 ngày giúp tín hữu chuẩn bị mừng lễ Phục Sinh của Chúa. Trên lộ trình thiêng liêng đó tín hữu không lẻ loi vì có Giáo Hội đồng hành và nâng đỡ ngay từ đầu với Lời Chúa chứa đựng một chương trình cuộc sống thiêng liêng và việc dấn thân sám hối, với ơn thánh của các Bí Tích.

Các lời thánh Phaolô viết trong thư thứ II gửi tín hữu Corintô cống hiến cho tín hữu một khẩu lệnh chính xác: ”Chúng tôi khuyên anh em đã lãnh nhận ân huệ của Thiên Chúa, thì đừng để trở nên vô hiệu... Đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ” (2 Cr 6,1-2). Thật ra trong nhãn quan Kitô về cuộc sống mọi lúc đều phải nói được là thuận thiện và mọi ngày đều phải là ngày cứu độ, nhưng phụng vụ Giáo Hội nhắc lại các lời này một cách đặc biệt trong mùa Chay. Chúng ta có thể hiểu được 40 ngày chuẩn bị cho lễ Phục Sinh là thời thuận tiện và là thời gian ân phước trong lời mời gọi, mà lễ nghi bỏ tro hướng tới chúng ta và được diễn tả ra trong phụng vụ với hai công thức: ”Hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng”, ”Hãy nhớ ngươi là tro bụi và sẽ trở về bụi tro”.

Thứ nhất là lời mời gọi hoán cải cần phải được tiếp nhận với tất cả sự nghiêm chỉnh ngoại thường của nó, vì nó lột trần và tố cáo kiểu sống hời hợt của chúng ta. Đức Thánh Cha giải thích sự hoán cải như sau:

Hoán cải có nghĩa là đổi hướng trên lộ trình cuộc sống, nhưng không phải là sửa lại một chút, mà việc quay ngược hướng đi trở lại một cách đích thật. Hoán cải là đi ngược dòng, nơi dòng đời là kiểu sống hời hợt, không trung thực và ảo tưởng thường lôi cuốn chúng ta, thống trị chúng ta, biến chúng ta trở thành nô lệ sự dữ hay người tù của sự tầm thường xoàng xĩnh luân lý. Với sự hoán cải, trái lại, chúng ta hướng tới chiều kích cao cả của cuộc sống Kitô và tín thác nơi Tin Mừng sống động là Chúa Kitô Giêsu. Con người của Ngài là đích điểm cuối cùng và ý nghĩa sâu thẳm của sự hoán cải; chính Ngài là con đường mà tất cả được mời gọi bước đi trong cuộc sống bằng cách để cho ánh sáng của Ngài soi chiếu và sức mạnh của Ngài nâng đỡ bước chân chúng ta. Như thế sự hoán cải biểu lộ gương mặt rạng ngời và hấp dẫn nhất của nó: nó không chỉ là một quyết định luân lý đơn sơ uốn thẳng cung cách sống của chúng ta, mà là một lựa chọn của đức tin lôi cuốn chúng ta một cách hoàn toàn vào trong sự hiệp thông thân tình với con người sống động và cụ tể của Chúa Giêsu. Hoán cải và tin vào Tin Mừng không phải là hai điều khác nhau hay trong một cách thế nào đó được đặt liền nhau, mà diễn tả cùng một thực tại. Sự hoán cải là tiếng ”xin vâng” hoàn toàn của người trao cuộc sống cho Tin Mừng bằng cách tự do đáp trả lại Chúa Kitô là Đấng đầu tiên đã cống hiến cho con người đường đi, sự thật và sự sống, như là Đấng giải thoát và cứu rỗi con người. Đó chính là ý nghĩa các lời đầu tiên mà theo Phúc âm thánh Marcô, Đức Giêsu bắt đầu rao giảng ”Tin Mừng của Thiên Chúa”: ”Thời gian đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần: hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15).

Việc hoán cải và tin vào Tin Mừng ấy không chỉ bắt đầu cuộc sống Kitô mà đồng hành với mọi bước đi của nó, tồn tại bằng cách tự canh tân và phổ biến ra trong tất cả mọi kiểu diễn tả của nó. Mỗi ngày đều là lúc thuận tiện và là thời điểm của ơn thánh, vì mỗi ngày khích lệ chúng ta phó mình cho Chúa Giêsu, tin tưởng nơi Người, và ở lại trong Người, chia sẻ kiểu sống của Người, học hỏi nơi Người tình yêu đích thưc, theo Người trong việc chu toàn ý muốn của Thiên Chúa Cha, là luật cao cả duy nhất của cuộc sống. Mỗi ngày, cả khi không thiếu các khó khăn, và mệt nhọc, vất vả và ngã qụy, cả khi chúng ta bị cám dỗ từ bỏ con đường theo Chúa Kitô và khép kín trong chính mình, trong sự ích kỷ của mình, mà không nhận ra sự cần thiết phải rộng mở cho tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Kitô, để sống chính cái luận lý của công bằng và tình yêu thương, mỗi ngày đều là thời điểm thuận tiện của ân sủng.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Trong Sứ điệp mùa Chay mới đây tôi đã muốn nhắc lại rằng: ”Cần phải khiêm nhường để chấp nhận rằng tôi cần một Đấng Khác giải thoát tôi khỏi ”cái tôi” để trao ban cho tôi ”cái của Ngài” một cách nhưng không. Điều này đặc biệt xảy ra trong các bí tích Hòa giải và Thánh Thể. Nhờ tình yêu của Chúa Kitô chúng ta có thể bước vào trong sự công chính ”lớn lao hơn”, đó là sự công chính của tình yêu” (x.Rm 13,8-10), sự công chính của người trong mọi trường hợp cảm thấy mình mắc nợ hơn là cho vay, vì đã nhận được nhiều hơn điều có thể chờ mong” (Oss. Rom. 5-2-2010, tr. 8).

Thời gian thuận tiện và của ân sủng trong mùa Chay cũng được diễn tả trong câu linh mục nói khi bỏ tro trên đầu tín hữu: ”Hãy nhớ con là bụi tro và sẽ trở về bụi tro”. Nó nhắc chúng ta nhớ lại lời Thiên Chúa phán với Adam sau khi Adam phạm tội: ”Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về bụi đất” (St 3,19). Ở đây lời Thiên Chúa nhắc cho chúng ta biết sự giòn mỏng của chúng ta, cái chết của chúng ta, là hình thái tột cùng của sự giòn mỏng đó. Đứng trước nỗi sợ hãi bẩm sinh đối với kết cục ấy, và còn sợ hãi hơn nữa trong bối cảnh của một nền văn hóa tìm mọi cách để kiểm soát thực tại và kinh nghiệm của con người đối với cái chết, phụng vụ mùa chay một đàng nhắc cho chúng ta nhớ tới cái chết bằng cách mời gọi chúng ta biết thực tế và khôn ngoan, nhưng đàng khác thúc đẩy chúng ta tiếp nhận và sống sự mới mẻ bất ngờ mà đức tin Kitô cống hiến cho trong chính thực tại của cái chết. Đức Thánh Cha khai tirển thêm điểm này như sau:

Con người là đất bụi và sẽ trở về đất bụi, nhưng nó là đất bụi qúy báu đối với con mắt của Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa đã tạo dựng con người và đặt định con người cho sự bất tử. Như thế công thức ”Con hãy nhớ mình là bụi đất và sẽ trở về bụi đất” tìm thấy ý nghĩa tràn đầy của nó trong quy chiếu về Adam mới là Chúa Kitô. Chúa Giêsu cũng đã muốn chia sẻ với con người số phận sự giòn mỏng, đặc biệt qua cái chết của Người trên thập giá. Nhưng chính cái chết tràn đầy tình yêu đối với Thiên Chúa Cha và nhân loại là một ân sủng được ban cho tất cả những ai tin nơi Người và được chia sẻ cuộc sống của Thiên Chúa.

Cuộc sống không cùng này đã bắt đầu trong giai đoạn cuộc đời chúng ta trên trần gian này, nhưng sẽ được thành toàn sau ”cuộc phục sinh của thịt xác”. Cử chỉ bỏ tro bé nhỏ vén mở cho thấy ý nghĩa đặc biệt phong phú của nó: đó là lời mời gọi bước đi trên lộ trình mùa chay như một cuộc dìm mình ý thức hơn và sâu đậm hơn trong mầu nhiệm phục sinh của Chúa Kitô, trong cái chết và sự sống lại của Người, qua việc tham dự vào bí tích Thánh Thể và cuộc sống bác ái nảy sinh từ Thánh Thể và thành toàn nơi Thánh Thể. Với nghi thức bỏ tro chúng ta canh tân dấn thân theo Chúa Giêsu, để cho mầu nhiệm phục sinh của Người biến đổi hầu chiến thắng sự dữ và làm việc thiện, để cho ”con người cũ” gắn liến với tội lỗi của chúng ta chết đi và làm sinh ra ”con người mới” được ơn thánh Thiên Chúa biến đổi.

Đức Thánh Cha đã cầu xin Mẹ Maria là Người đầu tiên tin nơi Chúa Kitô, bầu cử và đồng hành với mọi người trong 40 ngày cầu nguyện sám hối sâu đậm này để tất cả được thanh tẩy và đổi mới hoàn toàn trong tâm trí hầu cử hành mầu nhiệm Phục Sinh cao cả của Con Mẹ.

Đức Thánh Cha đã chào các tín hữu bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Croat, Tchèque, Slovac và Ý và cầu chúc tất cả một mùa Chay thánh thiện. Đức Thánh Cha đã đặc biệt xin các anh chị em đau yếu dâng khổ đau của họ để cầu nguyện cho ơn hoán cải những người sống xa Chúa. Rồi ngài cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải
 
Nhận định về cuốn sách của cáo thỉnh viên vụ án phong chân phước cho đức Gioan Phaolo II.
Chu Văn
21:31 17/02/2010
Nhận định về cuốn sách của cáo thỉnh viên vụ án phong chân phước cho đức Gioan Phaolo II.

Roma [Zenit 16/2/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Mới đây, cha Slawomir Oder, người Bal an, cáo thỉnh viên vụ án phong chân phước cho đức Gioan Phaolo II, đã cho ấn hành một cuốn sách có tựa đề "tại sao ngài là thánh?" Cuốn sách gây ra nhiều phản ứng sôi nổi vì nói đến việc vị giáo hoàng này dùng roi da đánh tội.

Cuốn sách "Tại sao ngài là thánh", một tác phẩm chung của cha Oder và ký giả Ý Saverio Gaeta, giám đốc nguyệt san "Gia đình Kitô" gồm có ba chương: chương một trình bày chân dung của con người đức Gioan Phaolo II, chương hai nói đến vị giáo hoàng với những biến cố chính trong triều đại của ngài và chương ba được dành cho đời sống thiêng liêng, lòng yêu mến Thánh Thể và tôn kính của Ðức Gioan Phaolo II đối với Ðức Trinh nữ Maria.

Ba đề tài trong cuốn sách đã tạo ra những phản ứng sôi nổi của các cơ quan truyền thông là: việc đức Gioan Phaolo II dùng roi da đánh tội, hai là lá thư được viết năm 1994 trong đó vị giáo hoàng này khẳng định sẽ từ chức nếu mắc một chứng bệnh bất trị hay bị ngăn trở không thể thi hành chức vụ của người kế vị thánh Phêrô và ba là lá thư ngỏ gởi cho Ali Agca, người đã mưu sát ngài tại quảng trường thánh Phêrô ngày 13 tháng 5 năm 1981.

Ðức hồng y Jose Saraiva Martins, cựu bộ trưởng bộ phong thánh, đã đưa ra vài nhận định về cuốn sách nói trên.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng thông tấn Công giáo Zenit, Ðức hồng y Martins cũng đề cập đến 3 điểm trên đây.

Về việc đức Gioan Phaolo II dùng roi da để đánh tội, Ðức hồng y cựu bộ trưởng bộ phong thánh nói rằng đây chỉ là một giả thuyết, bởi vì cho tới nay chưa có ai có thể nói đích xác mình đã chứng kiến điều đó. Nơi trang 192, tác giả của cuốn sách "tại sao ngài là thánh" viết rằng trong tủ áo của ngài, giữa các chiếc áo chùng, có treo một chiếc nịt da, mà ngài xử dụng như roi và luôn mang theo mỗi khi đến Castel Gandolfo". Theo Ðức hồng y Martins, tác giả không cho biết thêm chi tiết.

Một số ký giả cho rằng việc đức Gioan Phaolo II đánh tội có thể ngưng lại hồ sơ phong chân phước. Một số khác thì lại tuyên bố rằng việc hãm xác đền tội của đức Gioan Phaolo II là biểu hiện của một tâm lý không quân bình.

Trước những khẳng định trên đây, Ðức hồng y cựu bộ trưởng bộ phong thánh giải thích rằng đánh tội là một thể hiện tốt đẹp nhứt của tinh thần Kitô, của đức tin nơi một người muốn nên giống Chúa Kitô là Ðấng đã bị đóng đinh. Liệu một thực hành như thế có cần thiết để nên thánh không? Ðức hồng y Martins trả lời rằng thánh là người phải "đánh tội một cách thiêng liêng", nghĩa là phải luôn luôn có tinh thần sám hối và hy sinh, biết dâng hiến sự đau đớn trong thể xác và tinh thần.

Ðức hồng y nhấn mạnh rằng trong trường hợp các vị thánh tự ghép mình vào việc sám hối, những thực hành như thế không hề là một thể hiện của một tâm lý thiếu quân bình. Ngài khẳng định: "các thánh trước hết là những con người rất bình thường, nếu không các ngài không thể trở thành thánh".

Nhận định về việc đức Gioan Phaolo II có ý định từ chức, Ðức hồng y Martins nhắc đến một đoạn trong đó cha Oder, tác giả của cuốn sách "tại sao ngài là thánh", viết rằng "Trong Giáo hội không hề có chỗ cho một cựu giáo hoàng". Cuốn sách cho in lại lá thư mà đức Gioan Phaolo II đã viết hồi năm 1994, khi ngài sắp được 75 tuổi, tuổi mà các Ðức giám mục phải làm đơn từ chức. Trong lá thư, đức Gioan Phaolo II nói đến việc ngài có thể từ chức nếu bị ngăn trở nặng về thể lý hay tinh thần, nhưng lúc nào cũng muốn vâng theo thánh ý Chúa.

Về vấn đề này, Ðức hồng y Martins khẳng định rằng cuốn sách của cha Oder không có gì mới mẽ cả. Ðức Gioan Phaolo II chỉ làm theo những dự liệu được chính Ðức Phaolo VI đưa ra. Vị giáo hoàng này cho biết ngài sẽ xin từ chức nếu mắc phải một chứng bệnh nan y hay bị ngăn trở nặng về tâm lý khiến ngài không thể thi hành chức vụ của người kế vị thánh Phêrô.

Riêng về lá thư ngỏ gởi cho Ali Agca, người mưu sát đức Gioan Phaolo II, Ðức hồng y cựu bộ trưởng bộ phong thánh nói rằng chẳng có gì phải ngạc nhiên về nội dung lá thư, bởi vì ai cũng biết rằng ngài đã tha thứ cho kẻ sát nhân, ngay cả khi anh ta không hề mở miệng xin tha thứ.

Nhận định về thời điểm của cuốn sách, Ðức hồng y Martins nói rằng việc ấn hành cuốn sách không hề ảnh hưởng đến đến tiến trình tôn phong chân phước cho đức Gioan Phaolo II. Cuốn sách chẳng hề làm cho hồ sơ bị trì hoãn hay nhanh hơn, bởi vì ngày 19 tháng 12 năm 2009, Ðức thánh cha Benedicto XVI đã cho công bố sắc lệnh nhìn nhận những nhân đức anh hùng của Ðức Gioan Phaolo II. Kể từ nay ngài được gọi là "bậc đáng kính".

Trong hồ sơ xin phong chân phước, cáo thỉnh viên là người thu thập các chứng từ và thông tin chứng minh sự thánh thiện của người được đề nghị tôn phong chân phước. Phán quyết cuối cùng thuộc về bộ phong thánh. Phải chăng cha Oder đã thiếu khôn ngoan khi cho ấn hành cuốn sách "tại sao ngài là thánh?" Trả lời câu hỏi này, Ðức hồng y Martins nói rằng cáo thỉnh viên là người có thể nói những gì mình muốn nói và cuốn sách không ăn nhập gì đến vụ án, nghĩa là không ngăn cản cũng không đẩy mạnh hồ sơ.

Theo Ðức hồng y cựu bộ trưởng bộ phong thánh, cuốn sách chỉ nhằm mục đích đáp lại những tiếng tung hô của dân chúng trong tang lễ đức Gioan Phaolo II khi họ hô lớn: "hãy phong thánh cho ngài tức khắc".

Chu Văn
 
Hàng chục ngàn người Công giáo Brasil cử hành lễ hội Carnival theo cách riêng của mình.
Chu Văn
21:32 17/02/2010
Hàng chục ngàn người Công giáo Brasil cử hành lễ hội Carnival theo cách riêng của mình.

Sao Paolo, Brasil [CNS 16/2/2010] - Hàng chục ngàn người công giáo Brasil cử hành Lễ Hội Carnival theo cách thế riêng của mình.

Trong bốn ngày Lễ Hội Carnival, trong khi bao nhiêu người túa ra các đường phố để nhảy múa theo điệu Samba, thì hàng chục ngàn người Công giáo Brasil tham dự các buổi tĩnh tâm.

Năm nay (2010), hằng trăm giáo phận tại Brasil và các hiệp hội kito đã tổ chức các buổi tĩnh tâm. Con số những người tham dự các buổi tĩnh tâm gia tăng đáng kể. Tại một số nơi, tĩnh tâm đã hầu như trở thành một thói quen mỗi dịp bước vào mùa chay.

Cancao Nova [bài ca mới], một phong trào thánh linh Công giáo đã qui tụ được 70 ngàn người để tĩnh tâm chỉ riêng tại bang Sao Paolo.

Ngay cả tại thành phố Rio de Janeiro là nơi diễn ra lễ hội Carnival nổi tiếng, nhiều người Công giáo cũng đã tham dự tĩnh tâm thay vì ra đường nhảy múa. Tổng giáo phận Rio de Janeiro đã tổ chức 8 cuộc tĩnh tâm ở ngoại ô thành phố.
 
Kitô giáo đã trở thành thiểu số tại Liban.
Chu Văn
21:33 17/02/2010
Kitô giáo đã trở thành thiểu số tại Liban.

Vatican [Asianews 16/2/2010] - Kitô giáo đã trở thành thiểu số tại Liban.

Ðức cha Georges Bacouni, Tổng giám mục Tyre, Liban, đã đưa ra nhận định trên đây nhân dịp viếng thăm Roma.

Ðức cha Bacouni đã cai quản giáo phận Tyre từ ngày 22 tháng 6 năm 2005. Lãnh thổ của giáo phận bao gồm thành phố Tyre và được chia thành 9 giáo xứ.

Trong khi Giáo hội chuẩn bị cho Thượng hội đồng Giám mục thế giới đặc biệt về Trung Ðông sẽ diễn ra tại Roma vào tháng 10 năm 2010, Ðức cha Bacouni nói đến một số vấn đề của giáo phận Tyre. Theo Ðức cha Bacouni, các tín hữu Kitô tại Liban đang phải đương đầu với những thách đố lớn và nhiều vấn đề vì những thay đổi không những chỉ ảnh hưởng đến nước này mà còn cả Trung Ðông. Riêng người Công giáo đang phải đương đầu với con số tín hữu ngày càng giảm sút. So với thế kỷ trước, sự hiện diện của các tín hữu Kitô trong các tổ chức chính trị, xã hội, giáo dục cũng như quân đội đã giảm hẳn. Riêng tại Tyre, tỷ lệ tín hữu chỉ có 10 phần trăm. Người tín hữu Kitô cảm thấy khó hội nhập vào xã hội. Trong khi đó tại miền Nam Liban, người Hồi giáo ngày càng chiếm đa số. Bầu khí lo sợ gia tăng nơi các tín hữu Kitô: việc thực hành đạo suy giảm, nhiều người không dám kết hôn khiến cho mức sinh sản nơi các tín hữu giảm sút. Ngược lại, vì được cho phép đa thê, nên người hồi giáo sinh sản rất nhiều.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng thông tấn Asianews, Ðức tổng giám mục Tyre cũng nói đến tình trạng bỏ nước ra đi của các tín hữu Kitô. Ngay trong nước, nhiều tín hữu Kitô cũng rời bỏ nông thôn hay những thành phố nhỏ để đổ xô về thủ đô Beirut là nơi mà họ có thể có cuộc sống tốt hơn cũng như bảo đảm một nền giáo dục tốt hơn cho con cái.

Về quan hệ với người Hồi giáo, Ðức cha Bacouni nói rằng các tín hữu Kitô luôn có những quan hệ tốt với người Hồi giáo. Theo ngài cuộc xung đột tại Liban có tính cách chính trị hơn là tôn giáo.

Ðược hỏi về những hy vọng từ Thượng hội đồng Giám mục về Trung Ðông, Ðức tổng giám mục Tyr nói rằng 15 năm sau hội nghị đặc biệt các Ðức giám mục về Trung đông do đức Gioan Phaolo II triệu tập tại Roma, ngài hy vọng rằng Thượng hội đồng sắp tới sẽ thúc đẩy mọi lực lượng, từ tôn giáo, chính trị đến kinh tế liên kết với nhau để bảo tồn gia sản chung của Trung Ðông.
 
Vứt bỏ lý thuyết sai lầm của Karl Marx và Lévi-Strauss
Linh Tiến Khải
10:07 17/02/2010
Vứt bỏ lý thuyết sai lầm của Karl Marx và Lévi-Strauss: Phỏng vấn nhà nhân chủng học Pháp Maurice Godelier

Sáng 9-2-2010 ông Maurice Godelier, giáo sư nhân chủng học nổi tiếng người Pháp đã tham dự một cuộc hội thảo tại đại học Bicocca Milano bắc Italia, về đề tài ”Từ đồng tiền muối” đền ”sự bí nhiệm của qùa tặng”. Kinh nghiệm nhân chủng học kinh tế”.

Giáo sư Godelier là giám đốc trường Cao đẳng xã hội Paris và chuyên nghiên cứu lãnh vực nhân chủng học nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là Tân Guinea. Trong số các tác phẩm của giáo sư được dịch và xuất bản tại Ý ngoài cuốn ”Từ đồng tiền muối” tới ”sự bí nghiệm của qùa tặng. Kinh nghiệm nhân chủng kinh tế”, còn có cuốn ”Cộng đoàn, xã hội, văn hóa” và cuốn ”Ở nền tảng các xã hội loài người”. Trong các tác phẩm này giáo sư Godelier mạnh mẽ phê bình lý thuyết của Karl Marx và Lévi-Strauss yêu sách giải thích nguồn gốc xã hội qua các cơ cấu kinh tế hay xã hội là sai lầm và đã đến lúc phải sa thải nó đi, như vứt bỏ một chiếc xe cũ kỹ. Vì theo ông nền tảng đích thật của xã hội là sự thánh thiêng chứ không phải là các cơ cấu kinh tế hay xã hội.

Cùng tham dự buổi hội thảo có ông Enzo Mingione và bà Marinella Carosso, giáo sư xã hội học. Giáo sư Mingione cũng là điều hợp viên chương trình Tiến sĩ âu châu nghiên cứu kinh tế địa phương và thành thị, nối kết với Đại học kinh tế Luân Đôn và đại học Humbolt Berlin và Hiệp hội khoa học chính trị quốc gia Paris. Ông chuyên nghiên cứu về các vấn đề so sánh trợ cấp xã hội, thị trường lao động, sự nghèo túng và xã hội học thành thị và là tác giả nhiều sách như: ”Sự vô sản hóa giới trung lưu” (1971); ”Thị trường lao động và công việc làm tại Italia từ năm 1945 đến nay” (1974); ”Học đường và thị trường lao động” (1975); ”Xung đột xã hội và thành thị” (1981); ”Thành thị hóa, giai tầng xã hội và lao động không hình thức” (1983); ”Các xã hội bị phân tán: Xã hội học của đời sống kinh tế bên kia mô thức thị trường” (1991); ”Nghèo đói tột cùng: Các cơ cấu và lộ trình” (1994); ”Nghèo túng thành thị và giai tầng hạ lưu” (1996); ”Xã hội học của cuộc sống kinh tế” (1998) vv...

Giáo sư Marinella Carosso dậy nghành khoa học nhân văn của việc đào tạo tại đại học Biccoca Milano. Bà chuyên nghiên cứu các lãnh vực như: văn hóa chất liệu và Viện bảo tàng học về y phục và thời trang; nhân chủng học gia tài văn hóa, tinh thần và môi sinh; các đường lối chính trị văn hóa về đất đai và sản phẩm rau, trái cây và nho; cộng đoàn địa phương và việc xây dựng nhà ở vv...

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn giáo sư Maurice Godelier về sự thánh thiêng như nền tảng của xã hội loài người.

Hỏi: Thưa giáo sư, trong các tác phẩm của mình giáo sư đã cho rằng lý thuyết của Karl Marx và Lévi-Strauss dùng các cơ cấu kinh tế và xã hội để giải thích nguồn gốc xã hội loài người, là sai lầm và cần phải được loại bỏ. Và giáo sư khẳng định rằng nguồn gốc của xã hội loài người là sự thánh thiêng. Nhưng mà ở đây phải hiểu ”sự thánh thiêng” như thế nào thưa giáo sư?

Đáp: Dĩ nhiên là không thể chỉ giản lược ”sự thánh thiêng” vào lãnh vực tôn giáo. Tại Âu châu khi nói ”thánh thiêng” chúng ta nghĩ ngay tới Thiên Chúa độc thần, tới sự siêu việt, nhưng mà không phải chỉ có thế thôi: sự thánh thiêng xây nền cho xã hội bởi vì nó là sự trợ giúp sâu thẳm được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đó là cái vượt xa hơn cuộc sống của các cá nhân. Nó là điều cho phép các cá nhân sống với nhau.

Hỏi: Nói một cách cụ thể thì sự thánh thiêng là gì thưa giáo sư?

Đáp: Trong các xã hội tây phương ngày nay các vật thánh thiêng là các Hiến Pháp. Chúng không phải là của cải, chúng không thể bị mua mà chỉ được truyền lại. Nhà chính trị không tách biệt với sự thánh thiêng. Đây là ý niệm khó hiểu đối với người âu châu, vì kể từ thời đại ánh sáng và cuộc Cách Mạng Pháp chúng ta quen với việc tách biệt Nhà Nước và chính trị khỏi tôn giáo. Chính sự tách biệt này khiến cho chúng ta quên rằng trên thực tế sự thánh thiêng không chỉ thuộc lãnh vực tôn giáo. Chính trị cũng có một cái gì thánh thiêng đối với các cá nhân và đối với các nhóm xã hội. Dĩ nhiên điều khiến cho tôi chú ý không phải là mối dây xã hội mà là việc tạo dựng một xã hội.

Hỏi: Thế nhưng hai trào lưu truyền thống của các khoa học xã hội lại để sự thánh thiêng trong ngoặc và tìm nguồn gốc của xã hội ở nơi khác: Karl Marx tìm nguồn gốc xã hội trong các tương quan kinh tế, Lévi-Strauss tìm nó trong các tương quan bà con ruột thịt. Giáo sư nghĩ sao?

Đáp: Tôi chống lại hai khuynh hướng thờ vật linh này. Nhưng thử hỏi các tương quan sản xuất tư bản như được miêu tả bởi chủ nghĩa mác xít có thể giải thích được một tôn giáo như Kitô giáo trong một cách thức nào đó hay không? Chắc chắn là không rồi. Kinh tế là quan trọng, điều này được hiểu chứ không giải thích. Cũng thế, gia đình quan trọng đối với cá nhân, vì cá nhân được xây dựng qua gia đình, nhưng điều này không đủ để làm cho nó thành nền tảng của xã hội.

Hỏi: Như thế thì sự sai lầm là ở đâu thưa giáo sư?

Đáp: Điểm chiến lược của các tương quan xã hội trong ý niệm về quyền tối thượng, một ý niệm có lợi hơn các ý niệm kinh tế hay cơ cấu. Vấn đề đó là tại sao các nhóm người lại thiết lập một quyền tối thượng trên một vùng đất và làm thế nào để thiết lập nó? Tôi trả lời là với chính trị - tôn giáo, nghĩa là với sự thánh thiêng. Chính trị trong nghĩa của các hệ thống cơ cấu cai trị; tôn giáo trong nghĩa tương quan với điều vượt xa hơn con người.

Hỏi: Nhưng mà tại Âu châu lại có khuynh hướng rất mạnh gạt bỏ Thiên Chúa ra ngoài và nhấn mạnh trên điều ngược lại là ”tính cách đời” của Nhà Nước, giáo sư nghĩ sao?

Đáp: Một đàng là tính cách đời của Nhà Nước, nghĩa là việc tách rời giữa Nhà Nước và tôn giáo; đàng khác là ý niệm về sự thánh thiêng. Thế rồi bên trong Tây Phương còn có sự khác biệt giữa Âu châu và Hoa Kỳ. Bên Hoa Kỳ người ta thề trên sách Kinh Thánh chứ không thề trên Hiến Pháp. Bên Hoa Kỳ Nhà Nước cũng không tôn giáo, trong nghĩa nó không có một Giáo Hội chính thức, nhưng mà tôn giáo lại thấm nhập toàn xã hội. Truyền thống Mỹ được định hướng trên việc Nhà Nước can thiệp vào cuộc sống cá nhân, vào kinh tế ít chừng nào có thể vv...; cảm thương người nghèo thì có, nhưng thiết lập hệ thống y tế cho tất cả mọi người thì lại không. Và người ta thấy tổng thống Obama đang phải vất vả biết chừng nào trong nỗ lực đưa ra hệ thống y tế cho tất cả mọi người. Bên Âu châu trái lại kể từ sau đệ nhị thế chiến Nhà Nước đã lãnh nhiệm vụ quan phòng và lo lắng bảo vệ xã hội cho tất cả mọi công dân. Bên Hoa Kỳ tương quan giữa Nhà Nước và xã hội khác hẳn, cũng như các tương quan giữa xã hội và tôn giáo. Nhưng cũng có các trường hợp khác biệt hơn nữa cho thấy sự thánh thiêng xây dựng một xã hội như thế nào: đó là trường hợp của Hồi giáo chẳng hạn.

Hỏi: Phạm trù thánh thiêng như nền tảng chính trị-tôn giáo có giúp hiểu hiện tượng khuynh hướng cực đoan gia tăng hay không thưa giáo sư Godolier?

Đáp: Trong Hồi giáo quyền tối thượng không tùy thuộc dân chúng, mà tùy thuộc Thiên Chúa: luật dân sự dựa trên luật tôn giáo là luật sharia; quyền tối thượng thuộc tôn giáo chứ không thuộc chính trị, và con người không được thừa nhận như là các công dân, nhưng như là các tín hữu. Trong qúa khứ vấn đề của thế giới hồi giáo đã là một vấn đề âu châu, bởi vì các nước âu châu đã thực dân xâm chiếm các vùng hồi giáo. Ngày nay thế cờ domino này đã sang tay người Mỹ, trong khi các quốc gia hồi giáo vẫn chưa thắng vượt được vết chấn thương của thời thực dân, một vết chấn thương tận nền tảng, vì các khó khăn của các nước này trong việc tự giải thoát khỏi các chế độ độc tài thống trị họ. Tất cả đều đầy các mâu thuẫn. Iran của các Ayatollah là một cộng hòa, có các cuộc bầu cử và phe đối lập, nhưng có nền tảng tôn giáo.

Cả A rập Sauđi cũng có một nền tảng tôn giáo, nhưng lại là một chế độ quân chủ tuyệt đối, không có bầu cử và không có các phe đối lập... Mặc dù cộng hòa và quân chủ không phải là các phạm trù riêng tư của truyền thống hồi giáo, nhưng chúng cũng là con đẻ của chế độ thực dân tây phương. Và sự oán hờn âm ỉ khắp nơi bên Afghanistan, nơi tuyệt đối phải tìm ra một giải pháp chính trị. Tại Irak nơi đã xảy ra sự sai lầm nghiêm trọng là hủy diệt hoàn toàn Nhà Nước của ông Saddam Hussein. Cả bên Đức sau Đệ Nhị Thế Chiến Nhà Nước cũng đã không bị hủy diệt, mà đã được thay đổi. Và nhất là trường hợp của Palestina: đây là một ung nhọt còn mở của thế giới hồi giáo.

(Avvenire 9-2-2010)
 
Cuộc chiến đấu chống bệnh phong cùi tại Ấn Độ
Linh Tiến Khải
10:09 17/02/2010
Cuộc chiến đấu chống bệnh phong cùi tại Ấn Độ

Một vài nhận định của Linh Mục Vijay Rayarala, thuộc Hội Truyền Giáo Nước Ngoài Milano, về nỗ lực của các thừa sai trong cuộc chiến đấu chống bệnh phong cùi tại Ấn Độ

Chúa Nhật 31-1-2010 là Ngày Quốc Tế Phong Cùi lần thứ 57. Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin lúc 12 giờ trưa Đức Thánh Cha Biển Đức XVI cũng đã nhắc tới ngày này và nói: ”Chúa Nhật cuối cùng của tháng giêng là Ngày Quốc Tế các Bệnh Nhân Phong Cùi. Tự nhiên chúng ta nghĩ tới Linh Mục Damiano De Veuster, là người đã tận hiến cuộc đời cho các anh chị em này, và đã được tôn phong hiển thánh tháng 10 năm 2009. Tôi phó thác cho sự chở che thiên quốc của Ngài tất cả những người rất tiếc còn đang phải khổ đau vì căn bệnh này, cũng như các nhân viên y tế và các người thiện nguyện xả thân trợ giúp để cho thế giới không còn bệnh phong cùi. Tôi đặc biệt chào các thành viên Hiệp hội Bạn Người cùi Raoul Follereau”.

Trong sứ điệp gửi ngày này, Đức Tổng Giám Mục Zygmunt Zimowski, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh mục vụ y tế kêu gọi cộng đồng quốc tế và chính quyền mọi quốc gia phát huy và củng cố các kế hoạch cần thiết giúp chống lại bệnh phong cùi, làm sao để chúng được hữu hiệu và được phổ biến rộng rãi, nhất là tại những nơi còn có nhiều người mắc bệnh phong cùi. Ngoài ra cũng cần cổ võ các chiến dịch giáo dục và gây ý thức để giúp người phong cùi ra khỏi tình trạng bị gạt ngoài lề xã hội. Đây là một căn bệnh cổ xưa, nhưng không vì thế mà ít tàn phá về mặt thể lý và thường khi cả trên bình diện tinh thần nữa. Trong mọi thời đại và trong mọi nền văn hóa số phận của người bệnh là bị gạt bỏ ngoài lề xã hội, không được tham gia bất cứ hình thức cuộc sống xã hội nào và bị kết án nhìn thân thể mình tàn lụi cho đến chết.

Dấn thân của ông Raoul Follereau, của nhiều cơ quan, tỗ chức giáo hội và tổ chức phi chính quyền chống bệnh phong cùi, công việc tuyệt diệu của Thánh Damiano de Veuster và biết bao nhiêu vị Thánh và những người thiện chí, đã giúp thắng vượt các thái độ tiêu cực đối với các bệnh nhân phong cùi, bằng cách thăng tiến phẩm giá và các quyền của họ, đồng thời phát huy một tình yêu thương đại đồng hơn đối với các bệnh nhân. Sứ điệp của Đức Tổng Giám Mục Zimowski cũng ghi nhận rằng tuy ngày nay có các thuốc chữa, nhưng bệnh phong cùi vẫn lan tràn, vì nhiều lý do trong đó có tình trạng nghèo túng cá nhân và tập thể, bao gồm việc thiếu vệ sinh, thiếu dinh dưỡng, đói ăn thường xuyên, không được săn sóc thuốc men nhanh chóng. Trên bình diện xã hội vẫn còn có sự sợ hãi xa lánh vì thiếu hiểu biết khiến cho gánh nặng khổ đau của các anh chị em này càng nặng hơn, cả khi họ đã lành bệnh.

Nhân danh Giáo Hội hoàn vũ Đức Tổng Giám Mục Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Mục Vụ Y Tế kêu gọi các Giáo Hội địa phương, hàng giáo sĩ tu sĩ, các thừa sai, người thiện nguyện và tất cả mọi tổ chức hiệp hội dấn thân chống lại bệnh phong cùi, yêu thương trợ giúp các bệnh nhân để tái trao ban cho họ phẩm giá, niềm vui và sự hãnh diện được đối xử như là người.

Từ hơn 2.000 năm qua noi gương của chính Chúa Giêsu Kitô yêu thương chữa lành người phong cùi, Giáo Hội Công Giáo là tổ chức dấn thân hàng đầu trong công tác trợ giúp các anh chị em phong cùi trên thế giới. Theo thống kê năm 2005 Giáo Hội điều khiển 825 trung tâm phong cùi, trong đó có 349 trung tâm tại Á châu. Riêng Ấn Độ có hơn 263 trung tâm, Senegal 116, Brasil 43, và đã săn sóc cho 817.321 bệnh nhân. Theo thống kê của tổ chức Sức Khỏe Thế giới trong thập niên 1980 trên thế giới có 12 triệu người phong cùi sống tại 122 quốc gia, nhưng vào năm 2002 chỉ còn lại 14 nước, trong đó bệnh phong cùi vẫn tiếp tục là vấn đề sức khỏe công cộng. Và hằng năm vẫn có hơn 250 ngàn người mắc bệnh này.

Trong số các quốc gia có nhiều bệnh nhân phong cùi nhất có Ấn Độ với 70% tổng số bệnh nhân trên thế giới, Brasil, Myanmar, Angola, cộng hòa Congo, Mozambic, Tanzania, Guinea, Liberia, Madagascar và Nepal. Hiện nay còn có 3 triệu người bị bênh và 6 triệu người chịu hậu qủa thể lý xã hội của căn bệnh này.

Theo Hội Bạn người cùi Raoul Follereau, để có thể chiến thắng bệnh phong cùi cần phải cố gắng phát hiện sớm các trường hợp bị bệnh, đào tạo nhiều nhân viên y tế chuyên biệt tại các nước có nhiều bệnh nhân nhất, cải tiến tình trạng vệ sinh và dinh dưỡng, và nhất là đẩy mạnh việc thông tin tức hữu hiệu giữa dân chúng. Tuy là bệnh ít lây nhưng tại các nước nghèo rất thường khi không có các điều kiện kể trên nên khi các bệnh nhân đến trình diện tại các trạm y tế thì đã qúa muộn, khiến cho việc chữa trị ít công hiệu.

Linh Mục Carlo Torriani, người Ý, thuộc Hiệp Hội Truyền Giáo Nước Ngoài Milano, viết tắt là PIME, làm việc tại Ấn Độ từ 41 năm qua cho biết tại Ấn Độ tình hình đã tiến triển rất nhiều. Hiện tượng sợ hãi, khinh rẻ xa lánh các bệnh nhân phong cùi đã giảm nhiều nhờ dấn thân của các thừa sai. Chính quyền đã đứng ra lo cung cấp thuốc men và quy tụ các bệnh nhân vào các cơ cấu công cộng mà không gạt bỏ họ ngoài lễ xã hội như trước. Theo cha có hai yếu tố nền tảng giúp chiến thắng bệnh cùi: đó là phải làm sao đẩy mạnh nghiên cứu để sáng chế ra thuốc chích ngừa bệnh phong cùi, và phổ biến giáo dục y tế hữu hiệu sâu rộng trong dân chúng.

Cha Torriani đặc trách tổ chức kiểm soát bệnh phong cùi có tên gọi là ”Lok Seva Sangam - Phục vụ người dân” trong khu phố Chembur Kurla tỉnh Mumbai. Từ 33 năm nay tổ chức Lok Seva Sangam chuyên việc kiểm soát bênh phong cùi và trong nhiều năm đã săn sóc tất cả mọi thứ bệnh ngoài da để kịp thời khám phá ra bệnh cùi. Nhưng hiện nay nhờ sự dấn thân của chính quyền công việc đã bớt nặng nhọc hơn. Hiện nay vẫn còn có 36 nhân viên gồm các bác sĩ và y tá làm việc cho tổ chức này.

Hồi thập niên 2000 cha đã thành lập một trung tâm tĩnh niệm tại Taloja cách Mumbai 40 cây số có tên gọi là ”Ashram Swarga Dwar - Trung tâm tĩnh niệm Thiên Môn hay Cổng Trời”. Taloja là làng hồi giáo duy nhất trong vùng có đa số dân theo Ấn giáo sinh sống. Trung tâm ”Cổng Trời” hiện có khoảng 30 người già đã khỏi bệnh nhưng tàn tật và 10 trẻ em.

Cha Torriani coi các anh chị em phong cùi như là các ngôn sứ nhân danh Thiên Chúa nhắc nhớ cho mọi người biết số phận phải chết của mình. Nhưng như bệnh phong cùi không diễn tả điểm chấm dứt cuộc sống, cái chết cũng không phải là cùng tận cuộc đời mà chỉ là cánh cửa dẫn vào Nước Trời. Tại trung tâm tĩnh niệm Cổng Trời cha Torriani làm một nhà nguyện đại kết với biểu hiệu của mọi tôn giáo. Các buổi cầu nguyện và thánh lễ Chúa Nhật cha dâng cho tín hữu có sự tham dự của gia đình các bệnh nhân, cũng như tín hữu Kitô các làng lân cận và anh chị em các tôn giáo khác. Ngoài ra trung tâm Cổng Trời cũng thăng tiến giáo dục bằng cách chia sẻ các trợ giúp nhận được để xây cho làng bên cảnh một trường học.

Sau đây là vài nhận định của Linh Mục Vijay Rayarala, cũng thuộc Hội Truyền Giáo Nước Ngoài Milano, về nỗ lực của các thừa sai trong cuộc chiến đấu chống bệnh phong cùi tại Ấn Độ. Cha Rayarala hiện là giám đốc Trung tâm tĩnh niệm nói trên. Hồi tháng giêng năm nay 2010 cha đã được Hội Bạn người cùi Raoul Follereau Italia, viết tắt là AIFO, mời diễn thuyết tại một số các giáo xứ và trường học, về công tác trợ giúp người Phong Cùi tại Ấn Độ.

Hỏi: Thưa Cha Rayarala, Ấn Độ hiện là một cường quốc kinh tế đang lên. Thế mà bệnh phong cùi vẫn còn là một vấn đề tại Ấn Độ hay sao?

Đáp: Vâng, rất tiếc nó vẫn là một vấn đề trầm trọng. Chính quyền đã tuyên bố là bệnh phong cùi đã bị nhổ tận gốc rễ tại Ấn Độ, nói theo tiêu chuẩn của tổ chức Sức Khỏe Thế Giới có nghĩa là cứ 100.000 dân mới có 1 người bị bệnh. Nhưng các trường hợp của các bệnh nhân cũ què cụt, tuy đã khỏi nhưng luôn cần được phục hồi và săn sóc. Và đó là điều chúng tôi đang làm tại trung tâm ”Cổng Trời”, trong đó có khoảng 40 người phong cùi sinh sống và làm việc. Với công việc của mình họ sản xuất đủ gạo và sữa cho nhu cầu thường nhật.

Hỏi: Cha có thể cho biết một chút về căn bệnh này hay không?

Đáp: Bệnh phong cùi là một loại bệnh do vi trùng Hansen gây ra. Bác sĩ Hansen đã khám phá ra vi trùng này hồi năm 1873. Vi trùng Hansen hủy hoại các dây thần kinh chung quanh nhiều phần trong cơ thể đặc biệt là chân tay, khiến cho chúng mất cảm giác, rồi gặm nhấm từ từ khiến cho chúng bị biến dạng rữa nát và rơi rụng. Đây là một trong các căn bệnh cổ xưa của nhân loại khiến cho con người rất sợ hãi và khinh rẻ những người bị bệnh. Nhưng hiện nay bệnh phong cùi có thể được chữa trị hữu hiệu bằng ba loại thuốc phối hợp với nhau là Solfone, Rifampicina và clofazimina. Rất tiếc là vẫn chưa có thuốc chủng ngừa chống bệnh phong cùi. Vì thế chiến thuật chống căn bệnh này là kiểm soát bằng cách chẩn bệnh và chữa sớm.

Hỏi: Thưa cha, tại sao các thừa sai đã luôn luôn dấn thân săn sóc các anh chị em phong cùi như vậy?

Đáp: Việc săn sóc các người phong cùi đã luôn luôn có khía cạnh tôn giáo và một ý nghĩa biểu tượng. Theo ngôn sứ Isaia, Chúa Giêsu đã tự trở thành người phong cùi trên thập giá để cứu rỗi nhân loại. Đối với Chúa Giêsu săn sóc các người phong cùi đã là dấu chỉ của Nước Trời. Nó như là việc uốn thẳng lại một bất công hoàn vũ. Vì thế các môn đệ của Chúa Giêsu đã luôn luôn săn sóc các anh chị em phong cùi. Thánh Phanxicô thành Assisi đã ôm hôn người cùi và trở thành một hình ảnh của truyền thống Kitô. Cha Damiano de Veuster đã giam mình trên đảo Molokai để săn sóc cuộc sống thiêng liêng cho các anh chị em phong cùi, và đã được coi như là một vị thánh trước khi được tôn phong hiển thánh. Được thúc đẩy bởi gương của Chúa Giêsu thánh Phanxicô, cha Damiano và hàng trăm nhà truyền giáo khác trên toàn thế giới đã chọn việc săn sóc các người phong cùi như dấu chỉ chứng tá Kitô. Nhưng bên Ấn Độ chúng ta cũng nên nhắc tới gương của Mahatma Gandhi là người đã đưa việc kiểm soát bệnh phong cùi vào trong chương trình xây dựng xã hội của mình, và tự tay săn sóc một người cùi tên là Parchure Sastri trong trung tâm tĩnh niệm Wardha của ông.

(ASIANEWS 30-1-2010; 29-1-2005)
 
Hàng triệu người đã giữ vé xem tấm khăn liệm thành Torino.
Chu Văn
21:34 17/02/2010
Hàng triệu người đã giữ vé xem tấm khăn liệm thành Torino.

Roma [CNA 16/2/2010] - Hằng triệu người đã giữ vé để xem tấm khăn liệm thành Torino.

Ðược biết tấm khăn này sẽ được triển lãm tại nhà thờ chính tòa Torino, Bắc Ý, từ ngày 10 tháng 4 đến ngày 23 tháng 5 năm 2010.

Theo đài phát thanh Vatican, tính đến ngày thứ Bảy 13 tháng 2 năm 2010, đúng 70 ngày sau khi mở trang mạng về tấm khăn liệm, con số người đăng ký xem tấm khăn đã lên đúng một triệu người.

Sở dĩ con số người đăng ký thưởng lãm lên đến hàng triệu người trong một thời gian kỷ lục như thế là nhờ mạng lưới Internet. Cách đây 10 năm, nhân đại năm thánh 2000, khi tấm khăn liệm được triển lãm, chỉ có 200 ngàn người giữ vé xem. Lúc đó chỉ có 20 phần trăm đăng ký trên mạng.

Năm nay, tỷ lệ những người vào mạng để giữ chỗ lên đến 93 phần trăm. Số còn lại đăng ký qua điện thoại.
 
Hiệp hội Forward in Faith (Tiến tới trong niềm tin) cuả Anh giáo ở Úc nhất trí trở thành Công Giáo
Trần Mạnh Trác
22:10 17/02/2010
SYDNEY, Úc: Đây là một tuần lịch sử cho Giáo Hội tại Úc và cuả thế giới. Việc hiệp thông của nhiều tín hữu Anh Giáo với Giáo Hội Công Giáo đã rõ ràng tiến bước về phía trước.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Daily Telegraph, Giám mục David Robarts OAM, Chủ tịch Nhóm Forward in Faith cuả Úc, giải thích rằng các thành viên của hiệp hội Anh giáo ở Úc đã quyết định họ không còn có thể tiến tới trong đức tin như là một phần của Giáo Hội Anh giáo tại Úc nữa, vì lý do giáo hội này đã không trung tín với đức tin.

Vị Giám mục giải thích rằng Giáo Hội Anh giáo đã đi ra khỏi niềm tin và việc thực hành Kitô giáo chính thống và đã bỏ rơi nhóm cuả họ: "Ở Úc, chúng tôi đã cố gắng cho một phần tư của thập kỷ để giữ lại một số hình thức Tân giáo (Episcopal) nhưng chúng tôi đã thất bại.. . Chúng tôi không thực sự muốn chịu đựng nhiều hơn nữa, lương tâm của chúng tôi không được tôn trọng. "

Vị Giám mục tiếp tục, "Chúng tôi không muốn dọn nhà, chúng tôi chỉ đơn giản nói rằng chúng tôi muốn phát huy những gì Anh giáo đã luôn luôn tin tưởng - và chúng tôi không muốn thay đổi bất cứ điều gì, nhưng chúng tôi đã bị gạt ra ngoài lề do những người muốn đổi mới. Chúng tôi cần có những giám mục cũng có một niềm tin mà chúng tôi tin tưởng.. "

Vì vậy, vào ngày chủ nhật 13 tháng 2, 2010, Forward in Faith ở Úc đã bỏ phiếu nhất trí chấp nhận lời mời cuả Đức Giáo Hoàng Benedict XVI qua tông hiến Anglicanorum Coetibus. Bây giờ họ sẽ thực hiện bước tiếp theo trong việc thông hiệp đầy đủ với Giáo Hội Công Giáo.

Đức Giám mục Công giáo Peter Elliott sẽ chủ trì toàn bộ quá trình thực hiện theo thể thức được quy định trong tông hiến này. Nhóm Anh giáo này bây giờ đang tạo nên lịch sử cuả Giáo hội. Họ sẽ hiệp thông đầy đủ với Giáo Hội Công Giáo trong khi vẫn duy trì các khía cạnh phụng vụ riêng biệt của họ và những nét đặc biệt cuả Anh giáo.

Đức Giám mục Elliott giải thích quá trình trong một bài viết gần đây cho tờ báo cuả Anh Giáo:

"Vị Chủ Chăn của các quốc gia (ĐGH Benedict XVI) đã vươn tầm tay cung cấp cho quí bạn một nơi đặc biệt trong Giáo Hội Công Giáo. Hiệp thông trong niềm tin, nhưng không bị hấp thu – đó là tóm tắt tình trạng độc đáo và đặc thù mà những tín đồ Anh giáo cũ sẽ được hưởng trong các ‘Hạt tòng nhân’ của họ.

"Hiệp thông trọn vẹn với đấng kế vị thánh Phêrô, quí bạn sẽ được tập hợp trong các cộng đồng đặc biệt để bảo tồn những di sản Anh giáo tương thích với đức tin và đạo đức Công giáo, như nghi lễ, tâm linh và văn hóa. Mỗi Hạt sẽ là một cơ cấu tự trị, giống như một giáo phận, tương tự như một ‘hạt tòng nhân’ (như Opus Dei), hoặc một Hạt tuyên úy(cho các lực lượng vũ trang).

"Trong một số cách thức, các Hạt thậm chí sẽ tương tự như một nhóm Nghi Lễ (giống như Nghi Lễ Công giáo Đông Phương.) Quí bạn sẽ vui hưởng các phụng vụ riêng biệt " giống như " người Công giáo La Mã có Nghi Lễ Tây Phương. Đồng thời trong Hạt của quí bạn, giám mục hay linh mục, sẽ làm việc cùng với giám mục giáo phận của Nghi Lễ La Mã và có vị trí riêng trong Hội nghị giám mục tại mỗi quốc gia hoặc khu vực. "

Cùng với những thành viên của Forward in Faith Úc, nhiều thành viên khác của Cộng đồng Anh giáo truyền thống và những người khác cũng sẽ đồng hành với họ.

Họ đã thành lập một nhóm "làm việc", dưới sự giám sát của Đức Giám mục Elliott và theo sự hướng dẫn của Tòa Thánh, để soạn thảo một quá trình thành lập một Hạt Anh giáo tại Úc. Đây có thể trở thành một thí điểm cho những Hạt Anh Giáo tương tự ở những nơi khác trên thế giới.

Giám mục David Robarts nói, "Tôi yêu di sản Anh giáo của tôi, tôi vẫn giữ được nó qua bước đi này."

Sau khi Tông Hiến Apostolic Anglicanorum Coetibus phát hành, các Giám mục Anh giáo của Ebbsfleet và Richborough đã ban hành một lời kêu gọi tổ chức một ngày Cầu nguyện và Soi sáng vào ngày thứ Hai 22 tháng 2, là ngày lễ kính Ngai cuả Thánh Phêrô. Đây quả thật là một thời gian lịch sử.
 
Top Stories
A Java-Ouest, un tribunal administratif a statué en faveur de l’Eglise dans une affaire de construction de lieu de culte
Eglises d'Asie
09:30 17/02/2010
INDONESIE: A Java-Ouest, un tribunal administratif a statué en faveur de l’Eglise dans une affaire de construction de lieu de culte

17 février 2010 (Eglises d’Asie) – Le 15 février dernier, un tribunal administratif de Java-Ouest a statué en faveur de l’Eglise catholique dans une affaire relative à la contestation par des islamistes d’un permis de construction d’un lieu de culte chrétien.

En Indonésie, les constructions de lieux de culte sont très précisément encadrées par la loi, au point que, très souvent, les communautés religieuses minoritaires éprouvent les plus grandes peines à satisfaire à toutes les conditions légales nécessaires à l’obtention d’un permis de construire. Située dans le district de Purwakarta, à quelque 80 km à l’est de Djakarta, la paroisse du Christ-Roi avait pourtant réussi à monter un dossier complet. Souhaitant construire une chapelle secondaire dans un village où l’extension de la communauté catholique nécessitait l’édification d’un lieu de culte, le curé de la paroisse, le P. Agustinus Made, avait obtenu, comme le stipule la loi, l’accord à la fois du chef du village et du Forum de communication pour l’harmonie religieuse (FKUB), instance composée de représentants de toutes les religions dont la fonction est d’évaluer les demandes de construction de lieux de culte. L’administration locale des Affaires religieuses avait elle aussi donné son accord et, au final, le permis de construire avait été délivré en bonne et due forme. A ce stade de la procédure, l’Eglise locale avait toutefois rencontré un obstacle: sous la pression de groupes radicaux musulmans, les Affaires religieuses et le FKUB étaient revenus sur les avis favorables précédemment émis et avaient obtenu l’organisation d’une votation dans le sous-district de Bungursari dont l’objet était de se prononcer sur le bien-fondé du projet de chapelle. Seulement 53 votants s’étaient présentés le jour du scrutin et son résultat avait été défavorable à la construction envisagée. Dans la foulée, le permis de construire précédemment accordé avait été annulé par l’administration.

Face à ce nouveau développement, le P. Agustinus Made avait estimé que la justice indonésienne devait être saisie. Le 5 novembre 2009, il déposait donc un recours devant le tribunal administratif local. Le temps que le dossier soit étudié et jugé, ce n’est que le 15 février 2010 que le juge a statué, faisant droit à la demande de l’Eglise, au motif que le permis de construire avait été accordé selon les procédures et les formes prévues par la loi et ne pouvait donc être révoqué.

Entre temps, le village où doit être construit la chapelle a quitté le territoire de la paroisse du Christ-Roi pour passer à celui de la Sainte-Croix. Le curé de cette paroisse, le P. Yustinus Hilman Pujiatmoko, s’est déclaré ravi de la décision du juge. « Dès le début de cette affaire, nous avons toujours pensé que nous finirions par gagner », s’est-il réjoui, ajoutant que les 700 fidèles pour qui la paroisse sera édifiée pourront enfin disposer d’un lieu de culte digne de ce nom. Actuellement, pour les célébrations eucharistiques, ils se réunissent dans un entrepôt de la zone industrielle de Bukit Indah. « Ils ont besoin d’un vrai lieu de culte, et toute cette affaire leur a appris qu’ils ne peuvent pas toujours obtenir facilement ce qui leur est pourtant nécessaire », a conclu le prêtre. La chapelle sera dédiée à la Vierge Marie.

L’avocat de la partie adverse a toutefois déclaré que ses clients souhaitaient faire appel de la décision rendue le 15 février.

Par ailleurs, à Djakarta, le 12 février, un forum réunissant des responsables des communautés catholique et protestantes a dénoncé l’inaction de la police dans nombre d’attaques récentes de lieux de culte chrétiens par des militants islamistes. « En janvier, vingt cas de violences antireligieuses ont été dénombrés. Il semble que les autorités gouvernementales et les forces de l’ordre laissent les assaillants agir comme bon leur semble », a déclaré Siti Musdah Mulia, directrice de la Conférence indonésienne sur la religion et la paix. Auparavant, des responsables chrétiens avaient mis en cause le président de la République, lui reprochant son inaction face à la multiplication des attaques visant des églises catholiques et des temples protestants (1).

(1) Voir EDA 523
 
Les chrétiens dénoncent la remise en liberté sous caution de l’avocat soupçonné d’être responsable de la mort de la fillette catholique qu’il employait
Eglises d'Asie
09:33 17/02/2010
PAKISTAN: Les chrétiens dénoncent la remise en liberté sous caution de l’avocat soupçonné d’être responsable de la mort de la fillette catholique qu’il employait

17 février 2010 (Eglises d’Asie) – « Nous ne pouvons pas faire confiance au système judiciaire. La décision est comme un message adressé à la communauté chrétienne pour lui signifier qu’elle peut s’attendre à de nouveaux actes de violence. » C’est par ces termes que Mgr Timotheus Nasir, modérateur de l’Eglise presbytérienne unie du Pakistan, a accueilli la nouvelle de la remise en liberté de Naeem Chaudhry, avocat en vue de Lahore, soupçonné d’être responsable des mauvais traitements ayant entraîné la mort de Shazia Shaheen, la fillette catholique qu’il employait comme domestique et qui est décédée à l’âge de 12 ans le 22 janvier dernier (1).

Au Pakistan, l’émotion suscitée par cette affaire a été immédiate et forte, le président du pays étant allé jusqu’à débloquer une aide pour les parents de Shazia Shaheen, des catholiques très pauvres de Lahore, et ordonner une enquête. Toutefois, l’attention médiatique est vite retombée et les avocats de Lahore se sont, semble-t-il, ligués pour faire front et défendre leur collègue, de religion musulmane, interpellé et placé en détention le 24 janvier. Les avocats, chrétiens ou musulmans, approchés par les associations de défense des droits de l’homme qui s’intéressent à l’affaire, ont reçu des menaces pour les dissuader d’être les conseils des parents de la victime. C’est dans ce contexte que Mgr Timotheus Nasir, ancien officier de l’armée pakistanaise et juriste réputé, a annoncé qu’il assurerait la défense des intérêts de la famille de Shazia Shaheen.

A propos de la décision, annoncée le 15 février par un tribunal de Lahore, de remettre en liberté sous caution Naeem Chaudhry, son épouse, son fils et la personne par l’entremise de laquelle la fillette avait été recrutée, Mgr Timotheus Nasir a estimé qu’il s’agissait là d’un geste « planifié à l’avance ». « Tout au long de ces quinze derniers jours, je constate que la coopération, la collaboration et l’harmonie ont été totales entre les avocats, la police, la justice et le gouvernement », a déclaré l’évêque, citant notamment le rapport d’autopsie expliquant le décès de la fillette par des blessures infectées et un état de malnutrition. « Aucune infection ne peut causer une fracture de la mâchoire et des bras, pas plus que de profondes entailles ou des brûlures au fer à repasser », a dénoncé le prélat, rappelant que le corps de la fillette portait « ces marques quand elle a été transportée à l’hôpital ».

En attendant la fin de l’instruction judiciaire et l’éventuel jugement de Naeem Chaudhry, qui a toutefois été mis en examen pour le meurtre de la jeune domestique, les responsables de la communauté chrétienne tiennent à maintenir la pression. Joseph Francis, directeur du Centre for Legal Aid, Assistance and Settlement, a annoncé son intention de faire appel auprès de la Haute Cour de Lahore de la remise en liberté de Naeem Chaundhry. « Le monde est témoin du fait que les tribunaux dans ce pays musulman ne sont pas en mesure de rendre la justice aux pauvres et aux minorités », a-t-il déclaré à l’agence Ucanews (2).

A l’archidiocèse catholique de Lahore, le vicaire général, le P. Andrew Nisari, est allé dans le même sens: « La justice est prise en otage au Pakistan. Il est navrant de voir que ceux-là même qui sont chargés d’assurer la défense des justiciables font bloc pour innocenter l’un des leurs. » Au Conseil national pour le dialogue interreligieux, son directeur, un prêtre capucin, avait organisé un colloque pour dénoncer cette affaire et ce qu’elle recouvre en matière d’exploitation du travail des enfants et de mépris des minorités religieuses. Pour cela, il avait invité un juge à venir témoigner. Mais celui-ci « s’est désisté au motif que Naeem Chaudhry était un camarade de promotion et qu’il ne pouvait pas s’exprimer publiquement à son propos ». « Pour nous, il est évident que justice ne sera pas rendue » dans cette affaire, a conclu le prêtre.

Le 13 février au soir, une centaine de manifestants se sont réunis devant le Club de la presse de Lahore pour dire leur détermination à poursuivre le combat afin que justice soit rendue à Shazia Shaheen.

(1) Voir EDA 522

(2) Ucanews, 15 février 2010.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tấm bánh chưng của tấm lòng vàng
Anh Minh, SDB
09:39 17/02/2010
TẤM BÁNH CHƯNG CỦA TẤM LÒNG VÀNG

Chiều ngày 27 tết, các công nhân mới chính thức được nghỉ tết, nhiều bạn trẻ vừa tan ca đã vội vã vác ba-lô với những túi quà tết về quê. Tôi được biết có những bạn chỉ còn 2 giờ nữa là sẽ lãnh lương và tiền thưởng nhưng sợ lỡ chuyến xe về quê nên đành phải ký biên bản để sau tết trở lại lãnh.

Năm nay xe về quê nhiều hơn và các bạn về quê cũng khá nhiều, khiến cho chợ búa, đường xá, các khu nhà trọ và cả các nhà thờ cũng vắng người. Tuy nhiên, số bạn trẻ còn lại cũng vẫn là con số nhiều nên có cả hàng chục ngàn bạn trẻ còn lưu lại nhà trọ “ăn cái tết xa nhà”.

Trong tâm tình chia sẻ nỗi nhớ quê nhà trong ngày tết truyền thống, Dòng Don Bosco tại Xuân Hiệp-Thủ Đức đã tổ chức rất nhiều hoạt động giúp người di dân đón mừng xuân mới Canh Dần.

Từ sáng 28 tết, 10 bạn di dân cùng với cha Thiệu và cha Huân “đi xin ăn” với một chiếc xe 15 chỗ ngồi, vì phải chở rất nhiều thứ mà các ân nhân trợ giúp: một con heo, một tạ gạo nếp, lá gói bánh, đậu xanh và đặc biệt trên đường đi có người đã gọi cho rau tại chợ đầu mối Chợ Sặt. Quả là vui và cảm động, vợ chồng chị Dung đã kêu gọi các chủ vựa rau là công giáo đóng góp, kẻ cho rau cải, người cho xu hào, đến độ 5 em đã phải về bằng xe buýt để có chỗ chở rau.

Khi về tới nhà thờ Don Bosco Xuân Hiệp Thủ Đức, đại diện 9 nhóm nhà trọ đã có mặt để lãnh các phần lương thực về gói bánh chưng. Số thực phẩm ấy cũng được phân phối thêm cho các gia đình nghèo di dân. Cũng phải nói thêm rằng, ban di dân Don Bosco cũng đã dành ra một con heo để phân phối thịt cho 50 gia đình nghèo nhất trong số 150 em của lớp tình thương vào sáng 30 tết.

Vui nhất là cảnh các bạn trẻ di dân đã mời gọi nhau, không phân biệt tôn giáo hay giọng nói, đến quây quần với nhau để gói bánh chưng và cùng nhau canh nồi bánh để sáng 30 tết có những tấm bánh đi biếu các nhà trọ.

Tấm bánh chưng ngày tết của các bạn trẻ xa quê tuy có những bánh chưa được gói vuông vắn nhưng chất chứa bao ân tình của các vị ân nhân, của chính họ với nhau, làm rộn lên trong tim của kẻ cho và người nhận một niềm vui của “mùa xuân yêu thương”, làm vơi đi những nỗi trống vắng, buồn nhớ của kẻ đón tết xa nhà.
 
Giáo xứ Bắc Hải Hố Nai mừng xuân Canh Dần
Giuse Khổng Hữu Nguồn
09:48 17/02/2010
GIÁO XỨ BẮC HẢI ( HẠT HỐ NAI )

MỪNG XUÂN CANH DẦN 2010

Hòa với niềm vui hân hoan Chào Mừng Xuân Canh Dần trong Năm Thánh 2010, cùng với các giáo xứ trong vùng Hố Nai; mặc dù Thánh Đường còn đang xây dựng, nhưng Giáo xứ Bắc Hải đã tổ chức những ngày thăm viếng tặng quà và cử hành phụng vụ cho bà con trong những ngày đầu Năm Mới.

Xem hình GX Bắc Hải, Hố Nai mừng xuân Canh Dần

1. Ngày thứ Tư 10.02.2010 nhằm ngày 27 Tết Âm lịch. Cha xứ, cha phó Bắc Hải, cùng quý chức đi thăm viếng và tặng quà tết cho gần 200 cụ ông, cụ bà, các bệnh nhân, những người nghèo cô đơn, không phân biệt lương giáo trong xứ.

2. Ngày hôm sau 28 Tết, giáo xứ tổ chức lễ Quốc Tế Bệnh Nhân - Lễ Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức. Trong dịp này cha Đaminh Bùi Văn Án chánh xứ Bắc Hải đã kêu gọi cộng đoàn phụng vụ hãy tha thiết khấn xin Đức Mẹ chữa lành các bệnh nhân và ban cho họ sức mạnh tinh thần, can đảm giữ vững đức tin trong hoàn cảnh ốm đau bệnh tật, cũng như khi bị cô đơn, thiếu thốn cơ cực.

3. Ngày Mùng Một Tết, Lễ Cầu Bình An – Hạnh Phúc cho Năm Mới. Thánh lễ được cử hành lúc 6 giờ sáng tại Tượng Đài Thánh Giuse trong khuôn viên Xứ Đường. Trong dịp này cộng đoàn giáo xứ lên hái Lộc Thánh rất đông và dâng Chúa những phong thư, là quà tết hiệp thông xây dựngThánh Đường.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, Cha xứ có lời chúc mừng Năm Mới đến Quý cha, Quý tu sĩ nam nữ, Quý cố, Quý cụ ông bà anh chị em các gia đình, Quý ân nhân, Quý bà con gốc Bắc Hải hiện đang sinh sống khắp nơi trong ngoài Nước: Một Năm Mới Sức Khỏe – Gia Đình được An Khang – Thịnh Vượng – Hạnh Phúc và nhất là tràn đầy Hồng Ân Chúa trong Năm Thánh.

Đồng thời Ngài cũng kêu gọi mọi người, hy sinh quảng đại rộng tay giúp cho công việc xây dựng Nhà Chúa, và Ngài đã tiên phong đóng góp một vì kèo nhà thờ trị giá 40 triệu đồng. Cả cộng đoàn vỗ tay, và liền sau lễ là có một số ân nhân đã đến tình nguyện xin đóng góp những vì kèo tiếp theo.

4. Ngày Mùng Hai Tết, Lễ Kính Nhớ Tổ Tiên Ông Bà Cha Mẹ. Thánh lễ được cử hành lúc 6 giờ sáng tại Nghiã Trang giáo xứ. Năm nay bà con về tham dự lễ rất đông, Thánh lễ bên những phần mộ đầy hoa tươi, những ngọn nến sáng quyện với hương trầm ghi ngút, thân nhân quây quần bên phần mộ, lời kinh vang vang: Nguyện Chúa Nhân Từ, Xin Đón Rước Các Linh Hồn Vào Hưởng Mùa Xuân Thiên Đàng.

5. Ngày Mùng Ba Tết, Lễ Thánh Hóa Công Ăn Việc Làm. Thánh lễ được cử hành tại Đài Thánh Giuse. Năm nay số xe du lịch, xe tải, xe khách trong xứ nhiều hơn, đến nỗi trong khuôn viên nhà Thờ không còn chỗ cho xe đậu.

6. Ngày Mùng Bốn Tết, ngày Thứ Tư Lễ Tro, giáo xứ Bắc Hải cùng với Giáo Hội bước vào Mùa Chay Năm Thánh 2010.

Năm nay Thời Tiết Xuân nơi vùng đất Hố Nai tuyệt đẹp, ánh nắng xuân ấm áp, tươi vui.

Xin cầu chúc Hạnh Phúc cho mọi người, mọi nhà, cầu Bình An trong Năm Mới.
 
Ăn tết xa quê tại Don Bosco, Xuân Hiệp
Anh Minh, SDB
10:42 17/02/2010
ĂN TẾT XA QUÊ TẠI DON BOSCO XUÂN HIỆP

Nhiều hoạt động đã được tổ chức hầu giúp những bạn trẻ di dân ăn cái tết xa quê nhưng lại chan chứa tình yêu trong vòng tay của mẹ giáo hội.

Xem hình ăn Tết xa quê tại Don Bosco Xuân Hiệp

- Bán Hoa Tết để kiếm tiền lì xì: năm nay cha Thiệu đã lấy hoa từ Sa Đéc và Gia Kiệm về 900 giỏ hoa các loại, các bạn trẻ sinh viên và công nhân tham gia khá vất vả nhưng nhờ các dòng tu và nhiều người ủng hộ nên cũng đã bán hết hoa và các bạn cám ơn Chúa cũng đã có được chút tiền tiêu tết và sống thời gian rảnh cuối năm có ý nghĩa.

- Lúc 7.30’ sáng 30 tết, 100 bạn đã tập trung tại sân nhà thờ để đi hội hoa xuân tại đường Nguyễn Huệ, Sài Gòn, dưới sự dẫn dắt của cha Thiệu và cha Huân, cũng là hai thợ chụp hình kỷ niệm cho các bạn. Dù làm việc ở Thủ Đức, không xa trung tâm Sài Gòn là bao nhưng hầu hết các bạn rất háo hức vì đây là lần đầu tiên được hướng dẫn vào trong thành phố để tham quan, nhất là trong những ngày xuân xa nhà.

- Đêm giao thừa, sau thánh lễ và hái lộc xuân trong nhà thờ, 120 bạn di dân đã ở lại khuôn viên nhà dòng để đón giao thừa cùng các cha các thầy. Họ chơi lô-tô, được lì xì và cùng nhau cất lên lời kinh vào đúng giây phút đầu tiên của năm mới, cầu cho gia đình, cho tổ quốc và cho chính mình. Sau đó xem bắn pháo bông và họ tiếp tục vui đón năm mới cho tới 1.30’ sáng.

- Đặc biệt nhất là chuyến đi du lịch Nha Trang từ mùng hai đến mùng bốn tết, dành cho 40 bạn có đóng góp công sức trong hoạt động mục vụ di dân của năm qua.

Đồng hành với các bạn có cha Thiệu, cha Huân và Sơ Thuỳ, Sơ Vân Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ. Họ đã được hướng dẫn tham quan, giải trí, và học hỏi rất nhiều trong chuyến đi này.

Nhiều lời tâm sự và tỏ bày lòng biết ơn của các bạn xa quê với các cha, các thầy và các sơ. Tuy xa gia đình trong những tết là một nỗi buồn khó tả nhưng có sự chia sẻ và đồng hành của các vị bề trên, họ cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa trong giáo hội, làm họ quên đi những trống vắng của tình gia đình trong ngày tết, vui hưởng những ngày xuân lành mạnh và nhiều ơn ích.
 
Giáo xứ Tân Lộc, Cửa Lò, vui xuân trong Chúa
GX. Tân Lộc
12:55 17/02/2010
GIÁO XỨ TÂN LỘC CỬA LÒ, VUI XUÂN TRONG CHÚA

Những ngày tết nguyên đán cổ truyền của dân tộc Việt Nam, biết bao công việc mà mọi người phải chuẩn bị, đặc biệt chuẩn bị đón giao thừa, hái Lộc Thánh đầu xuân, thánh lễ kính nhớ ông bà tổ tiên v v, ngoài những công việc chiều sâu đầy ý nghĩa đó, ở đâu có điều kiện cũng không thể thiếu được tổ chức những trò chơi vui xuân dành cho tất cả mọi lớp người.

Năm nay cũng như một vài năm về trước giáo xứ Tân Lộc, hạt Cửa Lò cũng tổ chức cho toàn thể cộng đoàn trong giáo xứ và bà con chung quanh giáo xứ chơi vui xuân, nhằm giảm thiểu những tiêu cực đáng tiếc trong những ngày tết.

Các trò chơi được Ban tổ chức đưa ra như: Chơi cờ tướng, đánh bóng bàn, cầu lông, trèo chuối, chiếc nón kỳ diệu, bịt mắt đánh trống, ném vòng cổ chai, đá bóng vào cầu môn, phi lao trúng số v v, trò chơi nào cùng vui mang phong cách văn minh trí tuệ, hay và cười nắc nẻ là trò chơi bịp mắt đập nồi đất, không những giới trẻ tham gia mà tất cả các lứa tuổi từ thiếu nhi đến ông già bà lão tóc bạc cũng đến chơi.

Tối mùng ba tết giáo xứ tổ chức trò chơi tìm con số may mắn, các con số may mắn trúng thưởng lần lượt được các em ca đoàn giáo họ Tân Lộc xoay lồng cầu giơ cao, Ban tổ chức chiếu lên màn ảnh rộng kết quả, những bài múa, hát văn nghệ được đan xen sau những lượt quay của các giáo họ: Mai Lĩnh, Yên Trạch, Đức Xuân. Mấy hôm nay mưa dầm xuân tuy lớt phớt bay song ngoài khuôn viên nhà thờ nơi dự định tổ chức đêm tìm số may mắn không được khô ráo và mưa phùn, vì vậy Ban tổ chức giáo xứ xin cha quản xứ cho che màn trong nhà thờ và dùng gian trên cùng làm nơi vui chơi tìm những con số may mắn đầu xuân trong ngày mùng 3 tết, ngày giáo hội dùng thánh hoá công ăn việc làm. Bài múa “Lý Kéo Chài” được các em giáo họ Mai Lĩnh thể hiện đã làm nổi bật lên công việc lặn lỗi bám biển để làm ra con tôm, con cá phục vụ cho mọi người và khu du lịch Cửa Lò nổi tiếng sạch đẹp. đêm mùng 3 tết, ngày kết thúc các cuộc vui xuân năm Canh Dần thật sôi động vui vẻ, cha Martinô Nguyễn Xuân Hoàng cũng tham gia suốt buổi tối hôm đó, Ngài cũng mua vé để tim cho mình con số may mắn lộc xuân đầu năm.

Tôi còn nhớ mãi vào những năm 1989 đến 2001 vào các ngày tết cổ truyền giáo xứ không có những cuộc vui chơi như thế này, bù lại là những tốp chơi bài khắp xóm. người nhỏ thì chơi tú la khơ, bài ù, tam cúc, lớn thì chơi tổ tôm, xóc đĩa, người ta chơi công khai và coi đó là chuyện tự nhiên, nhỏ thì chơi lấy tiền nhỏ, lớn thì chơi tiền lớn, có người chơi mê quá cả tháng không về nhà cùng vợ con, chơi lớn và lâu như vậy họ thuê luôn người chia bài, nấu ăn, giặt giũ trong suốt thời gian chơi và như vậy không thể tránh khỏi những cuộc xô xát mất hạnh phúc trong gia đình. Thật là một bức tranh ảm đạm cho toàn giáo xứ. Những người có chút lương tâm đạo đức thì chỉ biết vào nhà thờ cầu nguyện. Có năm người ta kéo dài cuộc chơi bài ra tận ngoài rằm tháng giêng.

Từ ngày Cha già quá cố Phêrô Nguyễn văn Khang về quản xứ, Ngài đã tìm hiểu và đã vạch ra một chương trình hành động cho mùa xuân 2002. Trước đó hàng mấy tháng Ngài kêu gọi trong thánh đường, trong các ngày lễ, những buổi giờ kinh trong toàn giáo xứ “ Hãy chấm dứt nạn chơi bài bạc trong toàn giáo xứ”, bên cạch những lời kêu gọi, Ngài đã lập ra rất nhiều Hội đoàn như gia đình Thánh Tâm, Têrêxa hài Đồng Giêsu, gia đình Giuse nay là Khôi Bình v v. rồi ngài đi đến từng nhà, từng người và nhờ sự tác động của bạn bè thân và những người có uy tín đến với những người hay chơi bài bạc. Tôi còn nhớ mãi câu Ngài kêu gọi những ngày gần tết năm 2002 “ Cha xin các con năm nay đừng chơi bài bạc” một lời cầu xin thắm thiết đượm tình cha con đã làm lay động nhiều lòng người cứng cõi, kết quả mùa xuân 2002 giáo xứ Tân Lộc không còn đánh bạc một cách công khai như các năm trước, một số bỏ hẳn, số chưa bỏ thì rút vào nơi kín đáo, và từ đó đến nay không còn nạn chơi bài bạc công khai trong những ngày tết nữa và đã bỏ gần hết. Hai năm nay Cha Martinô Nguyễn Xuân Hoàng được bề trên cử về, Ngài lại có nhiều sáng kiến và hành động cụ thể, cách mục vụ của Ngài thật năng động, để thu hút tất cả các từng lớp vui chơi trong những ngày xuân, Ngài đã đồng hành sát với Ban tổ chức HĐ Mục vụ, Ngài trăn trở tìm cách hướng cho con cái mình ý thức về chiều sâu, sống đạo với một đức tin trưởng thành, Ngài vừa nói vừa làm, cầu nguyện đi đôi với hành động, vì vậy mà kết quả sống và giữ đạo trong giáo xứ dần dần đi lên, nhiều người nhìn lại quá khứ cảm thấy xấu hổ, ân hận và tự đặt câu hỏi: Tại sao lúc trước mình lại chơi bài bạc trong những ngày xuân vô tư như vậy?...

Bên cạnh công tác mục vụ, Ngài trăn trở lo nhất là lớp trẻ tương lai của giáo xứ, Ngài không ngừng kêu gọi các em cố gắng chăm học, học thật giỏi, Ngài nhắc nhở các bậc bề trên, cha mẹ phải ưu tuyển cho con em về việc học văn hoá và học giáo lý, bên cạnh lời kêu gọi, Ngài đã cụ thể bằng hành động, Ngài đã cho xây dựng ngôi trường hai tầng khang trang gồm chín phòng học giáo lý và hai phòng học cho các lớp mầm non kể cả các phòng ăn ở nội trú cho các em. Ngài bảo “ Phải có nơi đào tạo giáo dục các em từ nhỏ 2 – 3 tuổi trở đi, thì giáo xứ trong tương lai mới sánh vai với người ta được, Ngài luôn kêu gọi các anh chị học sinh, sinh viên quảng đại dâng mình cho Chúa, Ngài tạo mọi điều kiện cho những ai có dự định tìm hiểu ơn gọi tu trì bằng những hành động cụ thể.

Sáng nay mùng 4 tết, ngày lễ tro bước vào mùa chay, Ngài đã sinh hoạt cùng các anh chị em, học sinh, sinh viên trong toàn giáo xứ, buổi gặp mặt nhau trong tình cha con, anh em một nhà của giáo xứ, cuộc gặp mặt đông đảo tuy con số chưa đầy đủ lắm nhưng đây là một luồng gió mới, chắc rằng tương lai của giáo xứ sẻ có nhiều khởi sắc về chiều rộng và chiều sâu.

Cám tạ tri ân Thiên Chúa xuân đã cho chúng con có những mùa xuân vui vẻ, đầy ý nghĩa, nhất là mùa xuân này, ai ai cũng cảm nhận được sự đi lên của giáo xứ, tuy rằng về kinh tế không được như những năm 90 song đời sống đạo, đời sống đức tin đã trưởng thành hơn, việc học hành tương lai của con em nơi ý thức cha mẹ cũng đã đổi khác, không bù cho ngày trước ai có nói đến việc học của con em mình thì đại đa số cha mẹ bĩu môi trả lời “ Học làm gì, học rồi cũng đi kéo chạc” (đi biển kéo lưới, câu cá) ý thức tai hại đó đã làm cho hết thế hệ này đến thế hệ khác phải thất học, những người được gọi là “ trí thức” trong giáo xứ lâu rồi chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Lạy Chúa Xuân xin chúc lành và ban cho giáo hội Việt Nam chúng con, cách riêng là giáo xứ chúng con luôn được bình an. Vì có bình an của Chúa là có tất cả, để mọi người luôn luôn sống trong sự an bình của Chúa và càng ngày càng phát triển trên con đường đi về với Chúa.
 
GP. Đà Nẵng hành hương về núi sọ khai mạc Mùa Chay
Tôma Trương Văn Ân
13:13 17/02/2010
GIÁO PHẬN ĐÀ NẴNG HÀNH HƯƠNG VỀ NÚI SỌ KHAI MẠC MÙA CHAY

8 giờ sáng thứ tư Lễ Tro ( 17/ 2/ 2010 ), như thường lệ của nhiều năm trước, tai Núi Sọ – giáo xứ An Ngãi giáo phận Đà Nẵng, giáo phận Đà Nẵng đã tổ chức buổi Ngắm Đàng Thánh Giá và Thánh Lễ xức tro trọng thể.

Xem hình ảnh hành hương

14 Chặng Thánh Giá được xây dựng dọc theo đường bao quanh đi lên một ngọn đồi cao khoảng 200m, chặng thứ nhất ở gần chân đồi, chặng cuối ở đỉnh đồi. Ngọn đồi này gọi là Núi Sọ, một trong những điểm hành hương trong Năm Thánh 2010 của giáo phận Đà nẵng.

Từ rất sớm, từng đoàn người cứ tuôn về trên nhiều loại phương tiện khác nhau, đến gần giờ gẫm nguyện thì cả quả đồi ngập tràn màu sắc, át đi cả màu xanh của núi đồi.nhìn mọi người tươi vui chân đều bước, đi thực hiện hành vi sám hối như đi trẩy hội mà thật sự đúng là đi trẩy hội, như Lời Chúa “ khi ngươi ăn chay, đừng để mặt mày ủ dột để người khác biết mình ăn chay… Cha ngươi Đấng thấu suốt mọi kín đáo sẽ trả công cho ngươi. “

Suốt các chặng nguyện gẫm, điệp khúc “ con xin được chọn Thánh Giá là đường đời con đi… “ được lặp đi lặp lại như lời nhắc nhủ và cũng là sự minh định mọi người đi theo Chúa phải luôn vác Thánh Giá là bao hy sinh, bao khó nhọc nỗi cay đắng cuộc đời, những buồn vui bất hòa anh em mang đến cho mình cũng như mình đem lại cho người khác.

Hơn 10 giờ, gẫm Đàng Thánh Giá mới xong, suốt cả 14 chặng nguyện gẫm cái nắng đầu xuân sưởi nhẹ, nhưng vì ai đã leo lên đến đỉnh đồi thì hơi thở dồn dập, trong người cảm thấy nóng bức muốn hất tung mọi thứ còn lại trên người. Nhưng thật kỳ lạ, vừa kết thúc nguyện gẫm, một làn gió và nắng trời dịu mát đột ngột, bồi dưỡng sinh khí đem cảm giác khoan khoái cho mọi người, như hình ảnh mờ nhạt của việc vượt qua khổ nạn mới đến Phục Sinh.

Sau đó, Thánh Lễ Xức Tro do ĐGM Giu Se Giám Mục giáo phận cùng đồng tế với Linh Mục đoàn, lễ đài được xây dựng ở lưng chừng đồi nơi có thể nhìn bao quát xung quanh, mọi người tham dự cũng có thể dể thấy.

Trong bài chia sẻ Tin Mừng, ĐGM nhắc đến tro có thể làm cho cây tươi tốt, có thể hòa tan trong nước làm dược liệu chữa bệnh, có thể làm mềm lòng những tâm hồn chai đá cứng cỏi nữa … tro trở thành biểu tượng tôn giáo, xức lên đầu lên trán để tỏ lòng sám hối, hãy làm hòa với Thiên Chúa và với anh chị em xung quanh. Như lời Thánh Phao Lô gởi Torinto “ Tôi van nài, Tôi năn nỉ Anh Chị Em hãy làm hòa cùng Thiên Chúa “. Tại cổng chào và trên bàn thờ nổi bật câu “ Hãy Làm Hòa Với Thiên Chúa “. Đức Ki Tô Đấng vô tội đã trở thành tội nhân. Chúng ta không kết án chúa bất công nhưng chúng ta bất công với Anh Chị Em, trong tư tưởng trong việc làm, thiếu yêu thương công bằng. Chúng ta không đánh đòn Chúa nhưng làm khổ nhau, người thân bà con họ hàng, họ đạo, đồng bào. Chúng ta không đội mão gai cho Chúa nhưng chúng ta làm khổ, mất danh dự của nhau, nhục mạ nhau. không lột áo Chúa nhưng chiều theo tính xấu thân xác, thói quen xấu, quên rằng phải hy synh. không đóng đinh Chúa nhưng đóng đinh nhau, đã đồng lõa với người đóng đinh Chúa, phải từ bỏ bất công, đóng đinh nhau bằng những thành kiến làm cho ACE không ngóc đầu lên được, đau đớn đau khổ và nhiều khi phải chết. giáo hội mời gọi hãy làm hòa với Thiên Chúa và với nhau, sống yêu thương công bằng công lý. ĐGM cũng nhắc đến kinh năm thánh: “ nài xin Cha thứ tha mọi lỗi lầm thiếu sót đối với Cha và đối với mọi người … “

Trong mùa chay chúng ta phải có cử chỉ hoạt động tích cực: bố thí, cầu nguyện ăn chay. Bố thí tấm lòng, nụ cười, ý tưởng tốt …. lời thân ái dành cho nhau.

Đức Ki Tô đã chết vì tội chúng ta, mỗi người biết canh tân đời sống của mình.

Cùng nguyện cầu cho nhau biết đổi mới thật sự, cầu cho giáo hội, cho các nhà cầm quyền, để xây dưng giáo hội, đất nước ngày càng tốt đẹp, xin Mẹ cùng đồng hành với chúng ta.

Bầu khí Thánh Lễ thật là sốt sắng !

Cuối Lễ ĐGM đại diện cho cộng đoàn dân Chúa cám ơn cha Chính và Phó xứ, Hội Đồng Mục Vụ và các đoàn thể giáo xứ An Ngãi, nhũng người góp công góp của cho ngày khai mạc Mùa Chay Năm Thánh này.

Hơn 12 giò 30, Mọi người hân hoan nhận phép lành với ơn Toàn Xá và ra về trong an bình.

Tôma Trương văn Ân
 
Thánh Địa Trại Gáo, G.p Vinh: Ân Lộc Đầu Năm
J.B. Nguyễn Quốc Tuấn
13:22 17/02/2010
Thánh Địa Trại Gáo, G.p Vinh: Ân Lộc Đầu Năm

Ngày mồng ba Tết Canh Dần, hàng ngàn giáo dân và bà con lương dân gần xa đã về Thánh địa Trại Gáo – Đền Thánh Antôn, G.p Vinh hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn và cầu xin phúc lành cho năm mới.

Tết nguyên đán năm nay, thời tiết có phần khắc nghiệt bởi mưa phùn và gió bấc, nhưng không vì thế mà lượng người đổ về Thánh địa Trại Gáo lại kém phần đông đảo. Những người về đây mang theo tâm tình mến yêu, sùng kính Thánh Cả Antôn.

Xem hình đền thánh An Tôn tại Trại Gáo

Thánh lễ tạ ơn đã diễn ra trong bầu khí trang nghiêm, sốt sắng dưới trời mưa nặng hạt. Cộng đoàn tham dự cảm nghiệm được bao ân lộc mà Thiên Chúa đã thương ban cho quê hương Việt Nam, cho Giáo phận nhà qua lời bầu cử đắc lực của Thánh Antôn trong suốt năm qua. Mỗi người cũng thành tâm tín thác dâng những nguyện ước trong ngày đầu năm tuỳ theo nhu cầu thực tế của bản thân, gia đình,…Thánh Antôn như dấu chỉ của tình thương Thiên Chúa không ngừng đồng hành với bao đau thương, khốn quẫn của con người giữa những khó khăn thử thách của cuộc sống. Về với Thánh địa Trại Gáo trong ngày đầu năm cũng là dịp để quý khách hành hương ý thức thân phận bất toàn của mình trước quyền năng và tình thương quan phòng của Thiên Chúa.

Trong bối cảnh Năm Thánh Linh Mục và Năm Thánh của Giáo Hội Việt Nam 2010, quý Cha đồng tế và cộng đoàn tham dự thánh lễ đầu năm tại Trại Gáo cùng nhìn lên Thánh Cả Antôn như mẫu gương lý tưởng cho đời sống chứng tá và sống mầu nhiệm hiệp thông trong tình mến Chúa và quan tâm phục vụ tha nhân. Đó cũng là cũng là ý tưởng cốt lõi mà Cha Tổng đại diện F.x Võ Thanh Tâm đã chia sẻ trong thánh lễ.

Ân lộc đầu năm mà những người về Đền Thánh Antôn có thể nhận thấy, đó là tất cả được sống trong bầu khí huynh đệ, hiệp thông thật hiếm có. Cha xứ Mỹ Yên và bà con giáo dân xứ họ sở tại đã tận tình phục vụ chu đáo để hết thảy quý khách có được những điều kiện tốt nhất khi đến Thánh địa Trại Gáo, cho dù họ là lương dân, hay những người nghèo hèn nhất. Thật cảm động khi tất cả cùng cất lên trầm hùng lời Kinh Hoà Bình trong ngày khai xuân. Trước Nhan Thánh Chúa và Thánh Cả Antôn, mọi người cùng nguyện xin cho được sống những ngày tươi đẹp, hạnh phúc trong Năm Mới.

Tạm biệt Trại Gáo. Hình ảnh từng đoàn người chạy đến dưới chân Thánh Cả Antôn vẫn đọng lại trong tôi. Năm mới tôi cần thật nhiều ơn Chúa giúp để sống xứng một con người hơn.
 
Chiếc gùi và em bé buôn Tầm Ngân xây Nhà Chúa Giáo phận Nha Trang.
Nguyễn Thị Tầm / Lê Văn Hải
19:25 17/02/2010
Chiếc Gùi và em bé buôn Tầm Ngân Xây Nhà Chúa Giáo phận Nha Trang.

Một chiếc gùi con con,

Một đôi mắt tròn tròn,

Một đôi chân rảo bước,

Ồ ! Chào nhé ! Bé con.

Gùi theo em lên nương,

Bước lon ton trên đường,

Đong đưa dăm que củi,

Em gùi cả tình thương.

Xi măng và sắt thép,

Lần lượt qua cầu treo,

Chân trần không cần dép,

Mẹ đi… Em bước theo.

Qua cầu treo đung đưa,

Gạch trên lưng cười đùa,

Gùi vui xây nhà Chúa,

Mấy chuyến, còng lưng chưa ?

Gạch đá gùi trên lưng,

Chân mỏi bước, không dừng,

Theo mẹ xây nhà Chúa,

Công sức góp việc chung.

Xuân mới lòng náo nức,

Tầm Ngân cùng chung sức,

Góp công xây nhà Chúa,

Tương lại sẽ sáng rực !!!

Cảm tạ ơn Chúa Trời,

Tri ân nghĩa muôn người,

Xuân tới vui trọn vẹn,

Tầm Ngân rộn tiếng cười…

Nguyễn thị Tầm
 
Giáo xứ Tân Hội, Nha Trang mừng xuân Canh Dần 2010
Antôn Dũng
20:02 17/02/2010
Giáo Xứ Tân Hội Giáo Phận Nha Trang Mừng Xuân Mới

Hòa chung với niềm vui của mọi giới đồng bào đang nô nức đón mừng Xuân mới, vào sáng sớm ngày mồng một Tết Canh Dần, bà con giáo dân giáo xứ Tân Hội đã tề tựu đông đủ tại sân nhà thờ để cử hành thánh lễ minh niên tạ ơn Thiên Chúa và xin ơn bình an cho năm mới. Trong phần lời nguyện tín hữu, đại diện các em thiếu niên nhi đồng, các bạn thanh niên nam nữ, các bậc cha mẹ và Hội đồng giáo xứ đã sốt sắng dâng lên Thiên Chúa những lời nguyện trọng thể nhân ngày đầu năm mới cầu cho mọi thành phần và nhu cầu của giáo xứ. Cuối thánh lễ, trước khi vị đại diện Hội đồng giáo xứ chúc mừng năm mới Cha Sở, Thầy Xứ, quý Xơ và bà con giáo dân, một em thiếu nhi, bằng những lời lẽ đơn sơ và chân thành, đã mừng tuổi Cha Sở, Thầy Xứ, quý Xơ, quý Giáo lý viên và quý Ông Bà Cha Mẹ, sau đó các em đã trình bày một vũ khúc mừng xuân mới thật sôi động và dễ thương thay cho bao tâm tình biết ơn và hiếu thảo mà các em muốn dâng lên cho Ông Bà Cha Mẹ và các vị có trách nhiệm trong giáo xứ. Để kết thúc thánh lễ, Cha Sở, Thầy Xứ, quý Xơ và đại diện các gia đình đã lên nhận câu Lời Chúa như món quà Lộc Thánh Chúa ban cho nhân dịp đầu năm mới.

Xem hình giáo xứ Tân Hội mừng xuân

Vào sáng ngày mồng hai Tết, bà con giáo dân cũng đã tập trung đông đủ để tham dự thánh lễ kính nhớ Tổ Tiên Ông Bà Cha Mẹ. Trước thánh lễ, các em thiếu nhi đã thay mặt giáo xứ cử hành nghi thức tưởng nhớ công đức của các bậc tiền bối, các vị ân nhân và thân nhân đã góp phần xây dựng giáo xứ và dày công sinh thành dưỡng dục đối với bao thế hệ con cháu trong giáo xứ. “Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu... Ai bỏ rơi cha mình thì khác nào kẻ lộng ngôn, ai chọc giận mẹ mình, sẽ bị Đức Chúa nguyền rủa”. Những lời răn dạy thật thấm thía của Phụng Vụ Lời Chúa và những lời nguyện cầu đầy ý nghĩa dành cho tổ tiên ông bà cha mẹ trong suốt thánh lễ chắc chắn đã khơi dậy và hun đúc tâm tình tri ân hiếu thảo của mọi thành phần dân Chúa trong giáo xứ.

Vào sáng ngày mồng ba Tết, giáo xứ đã sốt sắng dâng thánh lễ xin ơn được mùa cho giáo xứ cũng như cho các gia đình, mùa màng vật chất, công ăn việc làm cũng như các mầm non ơn gọi sống đời tận hiến. Trước thánh lễ, cộng đoàn đã tiến hành rước kiệu xung quanh nhà thờ, trong khi Cha Sở rảy nước thánh và cộng đoàn đọc Kinh Cầu Các Thánh. Trong tâm tình tin tưởng, yêu mến và hy vọng, cộng đoàn cũng đã phó dâng cho Thiên Chúa và Mẹ Maria mọi ước nguyện liên quan đến việc xây dựng và phát triển giáo xứ.
 
Giáo xứ Công Chính vùng Đăklăk trong 3 ngày tết Nguyên Đán
Trương Trí
21:17 17/02/2010
NHỮNG SINH HOẠT MỘT GIÁO XỨ VÙNG TÂY NGUYÊN NGÀY TẾT NGUYÊN ĐÁN.

GIÁO XỨ CÔNG CHÍNH.


Khởi đầu hình thành của một giáo xứ:

Giáo xứ Công Chính là một giáo xứ non trẻ thuộc xã CưBao, huyện KrôngBuk, Đăklăk. Cách thành phố Ban mê thuột 25km, nằm trên đường quốc lộ 14. Năm 1978, nhiều gia đình từ Đà nẵng và các tỉnh dừng chân nơi đây để lập vùng kinh tế mới. Đất lành chim đậu, từ một vùng đất hoang hóa, nhưng với sự siêng năng cần cù, họ đã biến đồi núi hoang vu thành những rẩy càphê xanh tươi. Trãi qua bao năm tháng, giờ đây đã trở nên trù phú, nhà cửa khang trang.

Trong thời gian đầu, được sự thương yêu nâng đở của cha Giuse Trịnh văn Hân, quản xứ Vinh Quang, thường gọi là Hà Lan B, 6 liên gia được thành lập dựa trên các đội sản xuất. Mãi đến năm 1987, giáo họ Công Chính mới hình thành và Ban Đại diện giáo họ ra đời, thuộc giáo xứ Vinh Quang. Giáo dân hầu như chỉ tham dự những thánh lễ Chúa nhật và những lễ trọng vì phải đi bộ 8 km và tình hình an ninh không ổn định. Ngày 18.3.1989, thánh lễ đầu tiên tại hội trường của hợp tác xã do Ban đại diện mượn tạm. Bằng mọi nổ lực của cha Giuse và bà con giáo dân, giáo họ mua lại một thửa đất và dựng ngôi nhà nguyện bằng gổ, mọi sinh hoạt của giáo họ có phần thuận lợi hơn. Ngày 25.3.1995, thánh lễ tạ ơn và đặt viên đá xây dựng thánh đường do Đức cha Giuse Trịnh Chính Trực chủ sự. Nghĩa trang được quy hoạch lại một chổ gọn gàng, trở thành khu đất thánh khang trang, những ngôi mộ theo từng hàng lớp và cùng một kích thước, kiểu mẫu như nhau, không phân biệt giàu nghèo. Hằng năm, có những thánh lễ tại đất Thánh cầu nguyện cho các linh hồn.

Những sinh hoạt của giáo họ tích cực hơn kể từ khi giáo xứ Vinh Quang được tăng cường cha phó Gioan Baotixita Nguyễn Minh Tâm, ngôi nhà thờ được đẩy nhanh tiến độ và sớm hoàn thành. Nhất là khi cha phó Gioan Baotixita thay cha giuse làm quản xứ và tân linh mục Giuse Đổ Minh Hiển được cử về làm phó xứ. Với sự năng nổ của các linh mục trẻ, giáo họ càng ngày càng phát triển, các hội đoàn được thành lập và hoạt động rất tích cực như Thiếu nhi Thánh thể, Gia trưởng, Hiền mẫu v.v...giúp cộng đoàn sống đoàn kết thương yêu nhau, đạo đức hơn, giảm được nhiều tệ nạn.

Ngày 17.11.2008, giáo họ vinh dự được nâng thành Giáo Xứ Công Chính và thánh lễ tạ ơn đồng thời khánh thành ngôi nhà thờ khang trang rộng rãi. Cha phó Giuse Đổ Minh Hiển được chính thức bổ nhiệm làm cha sở tiên khởi của giáo xứ. Mọi sinh hoạt của giáo xứ đi vào nề nếp hơn, Hội đồng giáo xứ được bầu lại với những thành viên trẻ năng nổ và tích cực.

Hiện nay, giáo xứ có 5047 giáo dân, trong đó có 100 hộ người dân tộc gồm 520 người sống chan hòa và thương yêu nhau, cùng nhau sinh hoạt rất đoàn kết.

Những sinh hoạt ngày tết nguyên đán:

Dịp tết Nguyên đán, là cơ hội nghỉ ngơi và vui chơi của mọi người dân vốn quanh năm suốt tháng lao động vất vả. Do đó, cha quản xứ cũng phải tìm cách tạo những giải trí cho cộng đoàn, nhất là những thanh thiếu niên hầu tránh những tệ nạn xã hội như cờ bạc rượu chè v.v...Đồng thời cũng tạo cho mọi người tinh thần đạo đức trong những ngày đầu năm mới.

Khu hội chợ trong khuôn viên giáo xứ được mở suốt 3 ngày tết thu hút nhiều trẻ em vui chơi đu quay, thanh thiếu niên và người lớn chơi lô tô, xổ số. Số tiền thu được sẽ dành vào quỹ khuyến học của giáo xứ.

Sáng mùng một tết, thánh lễ minh niên được cử hành trọng thể với sự tham dự rất đông, giáo dân phải đứng tràn ra sân đến tận cổng nhà thờ. Sau thánh lễ, cha chủ tế ban phép lành toàn xá và mừng năm mới cộng đoàn. Hội đồng giáo xứ cũng thay mặt cộng đoàn chúc tết và tặng hoa cha quản xứ. Giáo xứ tổ chức hái lộc xuân là những lời Chúa, mỗi gia đình hân hoan đón nhận và trang trọng mang về đặt trước bàn thờ mỗi nhà.

Sáng mùng hai tết, lễ báo hiếu ông bà cha mẹ và mừng thọ các bậc cao niên. Những tu sĩ nam nữ cùng với sinh viên học sinh quanh năm xa nhà, dịp Tết là dịp đoàn tụ với gia đình, cũng là dịp tỏ bày sự tri ân đối với ông bà cha mẹ đã ưu ái dành cho các em học hành, trau dồi kiến thức sau này giúp ích cho gia đình, cho giáo xứ và cho xã hội. Trong thánh lễ này, những cụ ông cụ bà trên 80 tuổi được trân trọng mời lên ngồi trước, người nào cũng được cài bông hoa trên ngực, sau thánh lễ được tặng quà mừng thọ.

Bàn thờ ông bà tổ tiên được đặt trang trọng trước bàn thánh. Mở đầu thánh lễ, cha chủ tế cùng đại diện các sinh viên học sinh cung kính niệm hương dâng lời cầu nguyện, với lời dẫn lễ đầy xúc động của các em tỏ bày niềm tri ân đối với ông bà cha mẹ, đã dành lấy sự vất vả để cho các em được học hành:

Nước biển mênh mông không đong đày tình mẹ,

Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha.


Trong bài giảng, cha chủ tế nhấn mạnh đến việc hiếu thảo với ông bà cha mẹ:” Truyền thống dân tộc Việt nam quả rất cao quý khi ông bà tổ tiên và cha mẹ luôn được kính yêu, hiếu thảo. Giáo hội Việt nam cũng luôn dành ngày mùng 2 tết để con cái cháu chắt tưởng nhớ tới tổ tiên, ông bà cha mẹ. Trong mười điều răn, thì điều răn thứ tư Chúa dạy chúng ta phải thảo hiếu cha mẹ. Chính vì thế, trong thánh lễ này tất cả mọi con cái Chúa đều dâng lời cầu nguyện cho ông bà cha mẹ, những người đã khuất. Trong tin mừng thánh Matthêu nêu việc Chúa Giêsu đã nói giữa các người biệt phái và các kinh sư: Phải thảo kính cha mẹ, kẻ nào nguyền cha mẹ thì bị xử tử. Chúa Giêsu mở ra cho thế giới, cho mọi người một chân trời mới về nghĩa vụ và bổn phận đối với các bậc sinh thành. Của cải vật chất tuy cần nhưng tấm lòng, con tim và tinh thần còn có giá trị cao hơn...Dân tộc Việt nam luôn giữ được truyền thống hiếu thảo, giáo dân Việt nam còn luôn biết lắng nghe và thực hành lời Chúa, do đó nghĩa vụ và bổn phận đối với ông bà tổ tiên cha mẹ là những bậc sinh thành luôn được trân trọng giữ gìn.”

Giáo xứ Công chính tuy là một giáo xứ còn non trẻ, nhưng với tinh thần đoàn kết, mọi người yêu quý nhau, tôn trọng nhau nên càng ngày càng vững mạnh, về vật chất cũng như tinh thần, đời sống ngày càng phát triển.
 
Văn Hóa
Chén đắng
Lê Trần
13:37 17/02/2010
  • Đêm xuống dần trên Núi Dầu lạnh ngắt,
  • Sương mờ sương phủ đặc khắp đồi cây.
  • Giờ sắp đến rồi, buồn đến ngất ngây,
  • Buồn thê thiết, đơn côi như cõi chết !


  • Thời gian ơi, hãy dừng thoi tuế nguyệt,
  • Môn đệ ơi, hãy tỉnh thức cùng ta.
  • Hãy cùng nhau cầu nguyện lạy xin Cha
  • Cho chén đắng kề môi, con khỏi uống…


  • Hồn xao xuyến, trùng chân không muốn bước,
  • Gánh tội đời nặng chĩu mỏi đôi vai.
  • Thân phận con người, yếu đuối quá Cha ơi,
  • Tình yêu đến, mà cay mùi lật lọng.


  • Con sợ …nhưng Ý Cha con xin chấp nhận,
  • Chén đắng này xin uống cạn đêm nay.
  • Giờ đã đến rồi…bầy sói bủa vây
  • Áp giải con về Phi La Tô buộc tội.


  • Họ mang con ra, chê cười đánh đập,
  • Lột áo chia phần, mũ gai cầy tóc.
  • Thánh Giá đè vai, còng lưng gối nát,
  • Máu tuôn đấy, đinh cắm ngập bàn tay !


  • Đường lên Núi Sọ, ôi gập ghềnh thay!
  • Con ngã bao lần, mắt ướt mi cay !
  • Có tiếng nói cười: Kìa vua Do Thái
  • Vương quốc đâu rồi / Vương quyền đâu thấy ?


  • Abba. .abba …sao nỡ bỏ con !
  • Tiếng kêu thương vang dội khắp trần gian
  • Trời đất thảm sầu, thiên thần bật khóc !
  • NGƯỜI đã đi rồi, máu hòa nước mắt..


Cả trần gian nức nở nhớ thuơng Thầy

Mùa Chay, Virginia
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Sung Mãn Lộc Ơn Trới
Lm. Trần Cao Tường
22:48 17/02/2010

SUNG MÃN LỘC ƠN TRỜI



Ảnh của Cao Tường (khai máy đầu xuân)

Chụp hình là một nghệ thuật đón lộc ơn Trời:

"Tôi cảm thấy cơ thể mình rạng rỡ lên khi được cả sinh lực đất trời chạm tới. Và thấy thật hãnh diện nhận ra được lực bơm sinh khí qua bao thời đại đang đánh nhịp nhảy múa trong huyết quản tôi lúc này.” (Rabindranath Tagore, Lời Dâng #69)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền