Ngày 16-02-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:19 16/02/2019
34. TỰ GÃI CHO SƯỚNG

Có người nọ vì trên thân mình rất ngứa bèn kêu đứa con trai nhỏ đến gãi ngứa, nó gãi ba lần đều không trúng chỗ ngứa, nên ông ta bèn kêu vợ lại gãi giùm, vợ gãi năm lần cũng không trúng chỗ ngứa, ông ta bèn nổi giận nói:

- “Vì gãi khó hay là tôi khó ?”

Liền tự mình ra tay, chỉ gãi một cái là trúng ngay chỗ ngứa !!

(Ứng hài lục)

Suy tư 34:

Mình ngứa mình gãi thì chắc chắn là gãi đúng chỗ ngứa hơn là kêu người khác gãi giùm.

Ngứa mà không được gãi thì khó chịu và đau khổ hơn cả bị tra tấn, nhưng ngứa mà được gãi đúng chỗ thì quả là sung sướng hết chỗ nói...

Có nhiều người năng lực có nhưng “được” ngồi chơi xơi nước, họ như người bị ngứa mà không được gãi, đau khổ rồi sinh ra oán hận; có nhiều người có năng lực và chuyên môn, nhưng cấp trên lại bố trí họ làm những việc không hợp với chuyên môn của họ, họ như người bị ngứa mà gãi không đúng chỗ, rất dễ bực mình và oán trời trách người. Tất cả hai loại “ngứa” trên đây đều rất dễ dàng sinh ra bất mãn, gây bè kết phái và làm cho cộng đoàn mất đoàn kết, nội bộ lủng củng...

Cũng có những người không bị ngứa, nhưng cũng làm bộ ngứa ngáy kêu anh em đến gãi giùm, tức là kêu anh em làm giùm công việc cho mình, còn mình thì nằm dài sung sướng hưởng thụ, và có khi thoá mạ anh em là không hết mình giúp nhau !!?

Đức Chúa Giê-su khi bị treo trên thập giá, Ngài không những ngứa ngáy khó chịu nhưng đau khổ tột cùng –tâm hồn và thân xác- nhưng Ngài không xin Chúa Cha “gãi” giùm, không kêu môn đệ Gioan “gãi” giùm, nhưng Ngài đã tự mình chấp nhận hy sinh để cứu chuộc tội lỗi của nhân loại và chúng ta.

Tự mình gãi, tự mình hy sinh thì lúc nào cũng sung sướng và hạnh phúc hơn là nhờ người khác gãi và hy sinh giùm.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 6 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:21 16/02/2019
Chúa Nhật VI THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa: Lc 6, 17; 20-26.

“Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó. Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có”.


Bạn thân mến,

Thế giới ngày càng phát triển và khuynh hướng hưởng thụ vật chất ngày càng cao càng nhiều, do đó mà người ta càng dốc hết sức ra để kiếm tiền và làm giàu, càng giàu càng có thế giá trước mặt thiên hạ, càng giàu thì càng dễ ăn nói. Thế nhưng, Đức Chúa Giê-su đã khẳng định với chúng ta rằng: những người nghèo khó mới có phúc, và những ai giàu có mới là những người khốn khổ.

Chính bạn cũng đang cật lực làm việc để kiếm tiền, để làm giàu, đó không có gì là sai trái cả, nhưng tôi chỉ chia sẻ với bạn điều này: nếu bạn giàu có mà thỏa mãn trong cái giàu có hưởng thụ thì khốn cho bạn, bởi vì những hưởng thụ của cải thường là con đường đưa bạn đến chổ khốn nạn đời đời, bởi vì có rất ít người sống hưởng thụ của cải vật chất thừa mứa ở đời này mà được hạnh phúc đời sau. Còn nếu bạn nghèo khó mà bạn vẫn cứ vui vẻ làm việc, vẫn thấy có nhiều người còn nghèo hơn bạn nữa, thì đúng là bạn có phúc, bởi vì chưa một người nghèo nào ra tay giúp đỡ người nghèo hơn mình mà khốn nạn cả, nhưng họ nếm được trước niềm vui thiên đàng ở đời này, vì họ biết nhìn thấy họ là người may mắn hơn những người bất hạnh.

Lời của Đức Chúa Giê-su không chói tai như mọi người lầm tưởng, nhưng là một lời cảnh cáo có tính thời sự cho mọi thế hệ, và tính thời sự đó đã xảy ra cho những ai giàu có vật chất nhưng nghèo khó về tinh thần, nghèo khó về lương tâm, nghèo khó về tình yêu thương.

Bạn có muốn trở thành người giàu có vật chất nhưng nghèo tinh thần và nghèo lòng nhân không ? Chắc chắn là không. Vậy xin chúc mừng bạn nhé !

----------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:23 16/02/2019

82. Nếu tâm của người tu sĩ không thu góp là họ tự phạt mình, là thánh giá của bề trên, là gương xấu của các tu sĩ trong cộng đoàn.

(Thánh Silas linh mục)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Thánh Lễ Chúa Nhật Thứ Sáu Mùa Thường Niên 17/2/2019 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
02:10 16/02/2019
Bài Ðọc I: Gr 17, 5-8

"Khốn thay cho kẻ tin tưởng người đời; phúc thay cho người tin tưởng vào Thiên Chúa".

Trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Ðây Chúa phán: "Khốn thay cho kẻ tin tưởng người đời, họ nương tựa vào sức mạnh con người, còn tâm hồn họ thì sống xa Chúa. Họ như cây cỏ trong hoang địa, không cảm thấy khi được hạnh phúc; họ ở những nơi khô cháy trong hoang địa, vùng đất mặn không người ở. Phúc thay cho người tin tưởng vào Thiên Chúa, và Chúa sẽ là niềm cậy trông của họ. Họ sẽ như cây trồng nơi bờ suối, cây đó đâm rễ vào nơi ẩm ướt, không sợ gì khi mùa hè đến, lá vẫn xanh tươi, không lo ngại gì khi nắng hạn mà vẫn sinh hoa kết quả luôn.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 1, 1-2. 3. 4 và 6

Ðáp: Phúc thay người đặt niềm tin cậy vào Chúa (Tv 39, 5c).

Xướng: Phúc cho ai không theo mưu toan kẻ gian ác, không đứng trong đường lối những tội nhân, không ngồi chung với những quân nhạo báng, nhưng vui thoả trong lề luật Chúa, và suy ngắm luật Chúa đêm ngày.

Xướng: Họ như cây trồng bên suối nước, trổ sinh hoa trái đúng mùa; lá cây không bao giờ tàn úa. Tất cả công việc họ làm đều thịnh đạt.

Xướng: Kẻ gian ác không được như vậy; họ như vỏ trấu bị gió cuốn đi, vì Chúa canh giữ đường người công chính, và đường kẻ gian ác dẫn tới diệt vong.

Bài Ðọc II: 1 Cr 15, 12. 16-20

"Nếu Ðức Kitô đã không sống lại, thì lòng tin của anh em cũng là hão huyền".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, nếu Ðức Kitô được rao giảng rằng Người đã từ cõi chết sống lại, thì làm sao có người trong anh em cho rằng không có sự sống lại từ cõi chết? Vì nếu kẻ chết không sống lại, Ðức Kitô cũng đã không sống lại. Nếu Ðức Kitô đã không sống lại, thì lòng tin của anh em cũng là hão huyền, và hiện anh em vẫn còn ở trong tội lỗi của anh em. Như thế ai đã chết trong Ðức Kitô, cũng bị tiêu huỷ cả. Nếu chúng ta chỉ hy vọng vào Ðức Kitô trong cuộc đời này mà thôi, thì chúng ta là những người vô phúc nhất trong thiên hạ.

Nhưng không, Ðức Kitô đã từ cõi chết sống lại, là hoa quả đầu mùa của những người đã yên giấc.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 14, 23

Alleluia, alleluia! - Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 6, 17. 20-26

"Phúc cho những kẻ nghèo khó. Khốn cho các ngươi là kẻ giàu có".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu từ trên núi xuống cùng với mười hai tông đồ, và dừng lại trên một khoảng đất bằng; ở đó có đông môn đệ và một đám đông dân chúng từ Giuđêa, Giêrusalem, miền duyên hải Tyrô và Siđon kéo đến để nghe Người giảng và xin Người chữa bệnh tật. Bấy giờ Người đưa mắt nhìn các môn đệ và nói: "Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của các ngươi. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đói khát, vì các ngươi sẽ được no đầy. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ phải khóc lóc, vì các ngươi sẽ được vui cười. Phúc cho các ngươi, nếu vì Con Người mà người ta thù ghét, trục xuất và phỉ báng các ngươi, và loại trừ tên các ngươi như kẻ bất lương. Ngày ấy, các ngươi hãy hân hoan và reo mừng, vì như thế, phần thưởng các ngươi sẽ bội hậu trên trời. Chính cha ông họ cũng đã đối xử với các tiên tri y như thế.

"Nhưng khốn cho các ngươi là kẻ giàu có, vì các ngươi hiện đã được phần an ủi rồi. Khốn cho các ngươi là kẻ đã được no nê đầy đủ, vì các ngươi sẽ phải đói khát. Khốn cho các ngươi là kẻ hiện đang vui cười, vì các ngươi sẽ ưu sầu khóc lóc. Khốn cho các ngươi khi mọi người đều ca tụng các ngươi, vì chính cha ông họ cũng từng đối xử như vậy với các tiên tri giả".

Ðó là lời Chúa.
 
CN 6 TN C : Ngẫm Về Chữ Phúc.
Lm. Alf Nguyễn Công Minh, OFM
09:55 16/02/2019
CN 6 TN C : Ngẫm Về Chữ Phúc.

Nhiều chữ “phúc” vang lên trong bài Tin Mừng hôm nay, lại là liền sau Tết Kỷ Hợi, nên suy tư về chữ “phúc” quả là xứng hợp.

Khổng Tử một ngày kia đi dạo núi Thái Sơn, gặp ông Vĩnh Khải Kỳ cũng đang ngao du tại đó. Ông này mặc áo da cừu, lưng thắt dây đai, tay gảy đàn cầm, vừa đi vừa hát. Khổng Tử hỏi: Tiên sinh làm thế nào mà thường xuyên vui vẻ thế ?

Vinh Khải Kỳ trả lời : Trời sinh muôn vật muôn loài, mà loài người là quí nhất. Ta được làm người đó là một điều quý, đáng vui. Trong loài người, đàn ông quí hơn đàn bà, mà ta được làm đàn ông, đó là hai điều quí, đáng vui. Người ta sinh ra có người đui người què có người sống yểu chết non, còn bọc trong tã mà đã chết rồi, mà ta đây hoàn toàn khoẻ mạnh, nay đã 90 tuổi, thế là ba điều quý, đáng vui. Còn cái nghèo là sự thường của thế gian, cái chết là sự hết của đời người, ta nay xử cảnh thường như nhiều người, đợi lúc hết như mọi người, thì có gì là lo là buồn.

Đức Khổng Tử nói: Phải lắm, tiên sinh thế là biết cách hưởng sự vui sướng ở đời.

Vinh Khải Kỳ quả đang sống những cái phúc ở đời.

Bài Tin Mừng hôm nay của Luca tuy chỉ vang lên 4 chữ phúc, chứ không như của Matthêu đến 8 chữ phúc, nhưng như thế cũng là phúc lắm rồi, bởi có kẻ được phúc này, có kẻ được phúc kia, có kẻ hai ba bốn phúc, có kẻ nửa chữ phúc cũng tìm không ra.

Trong cuộc sống thường ngày ta cũng dễ thấy cái Phúc nằm ở nhiều lớp người, nhiều hoàn cảnh. Lm Cao Siêu ghi :

“Chẳng có gì dễ hiểu như hai từ hạnh phúc.

Nhưng định nghĩa hạnh phúc lại là điều không dễ.

Mỗi người có một quan niệm về hạnh phúc,

và nơi mỗi người, quan niệm này cũng biến đổi theo thời gian.

khi thì hạnh phúc là cái này lúc thì hạnh phúc là cái kia.

Đói, hạnh phúc là cơm canh. Đau, hạnh phúc là chạy nhảy

Thường ta hay chạy theo những cái bóng của hạnh phúc,

để rồi vỡ mộng, nhưng nhờ đó ta dần dần hiểu hơn

thế nào là hạnh phúc đích thật.

Hạnh phúc không nằm nơi của cải, kiến thức, quyền uy.

Hạnh phúc không do chiếm được những gì mình muốn,

nhưng do trao hiến điều quý nhất của mình.

Hạnh phúc là sự ổn thỏa giữa tôi với Chúa,

giữa tôi với anh em, giữa tôi với chính tôi...” (Lm Cao Siêu)

Có những lúc hạnh phúc thật đơn sơ dễ thấy nhưng mà cũng khó đạt :

Nhà kia có người con ngoan ngoãn hiếu đễ – ta khen : ông bà là người có phúc.

Gia đình nọ, vợ chồng chí thú làm ăn, nuôi dạy con cái nên người, ta khen : anh chị là người hạnh phúc.

Nhà nọ, đầm ấm sum vầy, ta bảo : họ có phúc.

Và cũng có cái phúc thật giản đơn: Ăn được ngủ được là tiên, không ăn không ngủ mất tiền thêm lo, tức là mất phúc !

Vậy là cái phúc ở đời nằm trong tay nhiều hạng người, nhiều hoàn cảnh chứ không giới hạn ở một vài dăm ba. Thì cái phúc của người theo Đức Kitô, (Kitô hữu) cũng nằm trong tay nhiều hạng, chứ không chỉ 4 như Luca, hay 8 như Matthêu, hay thêm cái phúc tin không có trong bộ tứ, bộ bát trên, như trong Gioan, không thấy mà tin cũng phúc. “Phúc cho ai không thấy mà tin,” “phúc cho bà là người đã tin,” “phúc cho ai nghe và giữ lời Thiên Chúa”.… Do đó cái chính không phải là xem hạng người nào có phúc, nhưng xem coi : người có phúc thì họ được gì.

Cả 4 mối Phúc của Luca lẫn 8 mối Phúc của Matthêu cũng đều nhắc tới cái được. Gom tất cả các cái được đó lại và nhại theo câu chuyện giữa Khổng Tử và Vinh Khải Kỳ mà chúng ta nghe đầu bài, ta có thể thuật như sau :

“Một ngày kia, Đức Khổng Tử đi chu du thiên hạ, gặp một nhóm người ngực mang khổ giá nhưng nét mặt vẫn tươi vui. Bảng tên của họ ghi “Kitô hữu.” Đức Khổng Tử hỏi một người trong nhóm: Này anh, kẻ hậu sinh, nhóm của anh tìm được cái gì mà sao anh và họ vui tươi hớn hở như thế ? Nét mặt các anh biểu lộ tâm hồn của những phúc nhân, những chân phước.

“Chàng Kitô hữu trả lời:

“Chúa trời sinh muôn vật muôn loài mà loài người là quí nhất. Chúng tôi được làm người, đó là một điều phúc.

“Chẳng những chỉ là người bình thường mà chúng tôi còn được làm người con của Trời, con của Chúa, làm thiên tử. Về điều phúc này lớn lao quá, đến nỗi khổ mấy để đạt được cũng không quản, đạt được rồi, vui mấy cũng không vừa. Không bút nào tả cho xiết, không lời nào nói cho cùng. Chúng tôi là thiên tử, là con trời. Đó là 2 điều Phúc.

“Là con trời nhưng Trời không là vị Chúa tể oai phong cho bằng Trời là Cha, Chúa là mẹ. Chúa là Cha, cũng không phải là cha nghiêm khắc công thẳng mà là Cha nhân từ. Cha chúng tôi nhân từ đến độ có người cho là nhu nhược, nhưng Ngài vẫn cứ giữ nhân từ vô cùng như thế. Dù chúng tôi có tội lỗi bao nhiêu, dù chúng tôi có xúc phạm Ngài thế nào, chỉ cần một tiếng khóc ăn năn: Phúc cho kẻ than khóc, thì Ngài liền quảng đại thứ tha. Cha chúng tôi quyền phép vô cùng nên mới nhân từ vô hạn được như vậy. Đó là 3 điều phúc.

“Rồi khi cái chết là sự hết của đời người, chúng tôi sẽ được về cùng Cha, không phải chỉ mãi là tâm linh là khí phách sống trong nhà Cha, mà cả xác của chúng tôi cũng được phục sinh trong ngày sau hết để vui hưởng hạnh phúc trong nhà Cha như nhà mình : đó là 4 điều phúc.”

Nghe chàng Kitô hữu trả lời, Khổng Tử liền nói: “Được 4 chân phúc như các anh các chị, làm sao các anh các chị không vui, không mừng được. Lời của các anh chị nghe là lời phúc: Phúc âm. Tin mà các anh chị nhận là Tin Mừng : Tin Mừng Đức Giêsu Kitô.”

Cứ đón, cứ nhận những Tin Mừng mà Đức Kitô loan báo,

Cứ nghĩ tới cứ nhớ về những cái Phúc mà chúng ta được đó :

-phúc làm người,

-phúc làm người con Chúa,

-phúc làm người con Chúa là Cha nhân từ,

-phúc được về nhà Cha cả hồn lẫn xác,

Chúng ta sẽ đủ sức mạnh đủ nghị lực để sống vui sống hạnh phúc chẳng những đời sau mà đời này nữa, cho dù có nhiều nghịch cảnh vây quanh ta, ta vẫn vang lên những lời chúc phúc mà chắc chắn Chúa đã hứa và Chúa sẽ thực hiên. Amen.

Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Chúa Nhật 6 Thường Niên C
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
10:08 16/02/2019
CHIẾC TRÂM CÀI TÓC VÀ TIẾNG CHUÔNG TRỪ TÀ
Chúa Nhật VI THƯỜNG NIÊN (C 2019)

Nếu Chúa Nhật trước, Lời Chúa mời gọi chúng ta lên đường thực thi sứ mệnh tông đồ với lời mòi gọi của chính Chúa Giêsu : “Anh em sẽ là những tay chài lưới người”. Thì hôm nay, Lời Chúa muốn đưa chúng ta đi vào “trường huấn luyện” của Tin Mừng để những người tông đồ nắm bắt bài học cơ bản đầu tiên : SỐNG TỰA NƯƠNG VÀO CHÚA – SỐNG KHÓ NGHÈO, như lời hiệu triệu lúc khởi đầu của Ca Nhập Lễ : “Xin Chúa trở thành núi đá cho con trú ẩn, trở thành chiến lũy kiên cố để cứu độ con.”(Tv 30, 3-4)
Mà đâu phải chỉ Chúa Nhật hôm nay chúng ta mới tìm thấy sứ điệp Lời Chúa mang nội dung “Khó Nghèo” ! Người ta bảo rằng : Nội dung xuyên suốt của Kinh Thánh, cuốn sách ghi lại lịch sử thánh, lịch sử của "Dân Giao ước", chủ yếu được trình bày như "cuốn nhật ký" ghi chép những kinh nghiệm và bài ca của “những người nghèo” của Gia-vê, những người chọn Chúa làm điểm tựa, làm gia nghiệp cho cuộc đời; mà đó lại là những kẻ được Chúa chọn gọi để trao cho những sứ mệnh cao cả, vĩ đại…và thường phải đối mặt để rồi “hạ gục” những kẻ quyền lực, giàu sang, uy thế…

Ngay từ những trang Cựu Ước, chúng ta đã tìm thấy những khuôn mặt “nghèo điển hình” như thế :
- Mô-sê, một “đứa con hoang” bị săn đuổi, tên “chăn cừu bất đắc dĩ” trong hoang mạc Ma-đi-an, đã ngẫng cao đầu trước Pha-ra-ô, hoàng đế uy quyền lẫm liệt Ai Cập và đã trở thành “Nhà Giải Phóng” vĩ đại của mọi thời ! (Xh 12, 29-32).
- Đa-vít, "đứa em út chăn chiên nhỏ con", chỉ với chiếc ná và vài viên đá cuội, đã hạ gục tên dũng sĩ Go-li-át to lớn “trang bị tận răng” và rồi trở thành “Tổ Phụ của Đấng Mêsia”. (1Sm 17, 32-51).
- Ê-li-a, nhà ngôn sứ cô độc, cả một đời lao đao lận đận trước sự truy đuổi đầy thủ đoạn và quyền uy của hoàng hậu I-dê-ven và vua A-kháp, đã trở thành “tấm khiên che bất bại” trong cuộc chiến bảo vệ niềm tin cho dân Chúa. (1V 19, 1-8).
- Giu-đi-tha, người goá phụ "liểu yếu đào tơ", vì sự sống còn của dân Chúa, đã chém đầu viên đại tướng Ho-lô-phec-nê oai hùng bách chiến bách thắng. (Gđt 13, 1-10).
- Hoàng hậu Ét-te với người cậu ruột Móoc-đô-khai, những người mang thân phận lưu đầy và đang chuẩn bị bước tới đoạn đầu đài, chỉ còn lại thứ vũ khí duy nhất là niềm tin yêu phó thác, chay tịnh, nguyện cầu… đã hạ gục tên đại thần ác độc Ha-man. (Et 5-7)…

Trong khi đó, nếu lật lại từng trang Tân ước chúng ta sẽ gặp thấy :
- Giu-se, Ma-ri-a, Hài nhi Giê-su, một gia đình nghèo nàn chân chất, đã từng phải trốn chạy trước chủ trương tàn độc của bạo vương Hê-rô-đê, kẻ giàu có quyền uy nhưng lại run sợ trước một hài nhi bé bỏng, đến độ đã ra tay tàn sát các trẻ em ở Bê-lem…!
- Gioan Tẩy giả, vị ngôn sứ "bản lề" của "hai Giao ước", đã chấp nhận mất đầu để bảo vệ cương thường đạo lý khi can đảm đối đầu với những kẻ băng hoại đầy thế lực, uy quyền như Hê-rô-đi-a-đê, Hê-rô-đê.
- Nhóm Mười Hai Tông đồ, phần đông dốt nát, dân giả, qui tụ với nhau chung quanh một người nghèo kiết xác đến đổi "không có viên đá gối đầu", và luôn bị dè bỉu, khinh khi bởi giai cấp tư tế, biệt phái ...
- Và nhất là Đấng Cứu Thế Giê-su : Một em bé sinh trong hang lừa, máng cỏ, lớn lên trong xưởng thợ, thường xuất hiện giữa những người tội lỗi, bị xem thường là “con bác phó mộc”, bị gán cho là kẻ phá hoại… và cuối cùng bị kết án tử hình giữa những tội nhân…

Riêng Chúa Nhật hôm nay, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra nội dung và những cách diễn đạt thâm thuý về “cái nghèo đáng trân trọng”, là dáng đứng của niềm tin yêu phó thác đó ngay trong trích đoạn sách ngôn sứ Giê-rê-mi-a vừa được công bố :
“Phúc thay cho người tin tưởng vào Thiên Chúa, và Chúa là niềm cậy trông của họ. Họ sẽ như cây trồng nơi bờ suối,…mùa hè đến, lá vẫn xanh tươi…”
Hình ảnh “người nghèo như cây lá xanh tươi”, thanh thản tự tại vươn lên giữa trời và đất làm chúng ta liên tưởng đến cái phong cách “Hàn nho phong vị phú” của người quân tử phương đông trong ngôn ngữ của nhà thơ Nguyễn Công Trứ :
“Ngày ba bữa, vỗ bụng rau bịch bịch, người quân tử ăn chẳng cầu no,
Đêm năm canh, an giấc ngáy kho kho, đời thái bình cửa thường bỏ ngỏ…”
Đó cũng là quan niệm về cái nghèo, cái khổ đầy thi vị qua hình ảnh “những đường tơ của mạng nhện” hay “những ánh lập loè của đom đóm” nơi “Tài tử đa cùng phú” của thi gia một thuở lừng danh Ca Bá Quát :
“Túi thanh bạch ngược xuôi miền khách địa, trăm nghìn đường chỉ nhện dệt thưa mau;
Đèn toan hàn thức nhắp mái nam song, dăm ba ngọn lửa huỳnh khêu nho nhỏ…”
Đó cũng là “cái nghèo” đượm một chút “sang chảnh đầy thanh cao” của một Nguyễn Bĩnh Khiêm, có mẹ thiên nhiên bao bọc, đủ đầy để sẵn sàng xem “công danh phú quý” chỉ là “giấc chiêm bao” :
“…Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao
Rượu đến gốc cây, ta sẽ nhắp
Nhìn xem phú quí, tựa chiêm bao.”
Trong khi đó, nhà “thi sĩ vĩ đại của người nghèo”, tác giả của bài kinh bất hủ “KINH HOÀ BÌNH”, đã sống mãi với thời gian qua hơn tám thập kỷ, Thánh Phanxicô Assisi (1181-1226), không những là chứng nhân tiêu biểu của Đức Khó Nghèo Kitô giáo, của Tin Mừng Bát Phúc, mà còn là người đã trân trọng “đính hôn cuộc đời với cô Khó Nghèo”, một ý tưởng, một nhân đức, một quan niệm sống… được ngài nhân cách hoá như một ngôi vị : CÔ NGHÈO (LADY POVERTY)
Tuy nhiên, để cảm nhận thật sự “chân lý của nghèo khó”, và đón nhận như một sự khôn ngoan, một hạnh phúc, một chọn lựa cho cuộc đời, thì chúng ta phải trở lại những lời dạy độc đáo của Tin Mừng, phải tìm đến chính “người nghèo vĩ đại nhất của nhân loại” đó chính là Đức Giêsu-Kitô, là Đấng đã tự đồng hoá mình với muôn vạn người “bé mọn” khác trong nhân loại được Thiên Chúa nhìn đến, đoái thương, mạc khải :
"Lạy Cha là Chúa tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã dấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn".(Mt 11, 25).
Đặc biệt, với ngòi bút của một “thầy thuốc và nhà văn”, Thánh Luca quả đã cho chúng ta cảm nhận được một “Thiên Chúa của người nghèo”, một Thượng Đế hoá thân kẻ nghèo, một Đấng Cứu Thế thuộc hàng dân giả để giải thoát và bênh vực những “kẻ nghèo” qua chính ngôi vị Giêsu Na-da-rét, như nhận xét của nhà chú giải Kinh Thánh Noel Quesson :
“Đức Giêsu là Đấng "Mêsia của người nghèo". Chính Người đã sống khó nghèo ; nhiều lần Người đã cho thấy Người thích hướng về phía nào". Dĩ nhiên, Người đã hiệp thông trong thân xác và trong cảm thức con người với điều kiện khắc nghiệt của những ai thiếu thốn. Khi chia sẻ thân phận của họ từ lúc nằm trong máng cỏ cho đến lúc bị đóng đinh, "không có một viên đá để kê đầu!", Người đã cảm thấy một trái tim huynh đệ đang đập vì họ. Là Đấng Mêsia của người nghèo bị Do Thái giáo của giới trí thức Giêrusalem khinh bỉ, Đức Giêsu đã đau khổ như những "người phận nhỏ" và "cùng với họ" bị những "người có của" lăng nhục, khinh khi. Ôi ! sự khinh miệt đáng sợ ấy thường là vô thức đối với sự nghèo khó từ phía những kẻ no nê và cười ngạo nghễ. Vậy Đức Giêsu hứa hẹn gì với những người nghèo ấy ?
Nước Thiên Chúa là của anh em... Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng... anh em sẽ được vui cười…”
Cách riêng trong trích đoạn Tin Mừng hôm nay, một đoạn văn quan trọng của thánh sử Luca, “đoạn mở đầu” trong loạt “BÀI GIẢNG TRÊN CÁNH ĐỒNG” với 4 mối phúc và 4 mối hoạ, cũng nhằm quy chiếu vào “trọng tâm của đức khó nghèo Tin Mừng” theo nghĩa : chọn khó nghèo, tin tưởng vào Chúa luôn là một bảo đảm cho hạnh phúc hiện tại và vĩnh hằng. Trái lại, nếu chọn sự giàu có thế gian, đặt niềm tin vào chính mình, khước từ Thiên Chúa, sẽ tự giam hảm mình trong nỗi bất hạnh triền miên. (Xem thêm bài chú giải của Noel Quesson)
Thánh sử Luca đã lặp đi lặp lại nội dung ý nghĩa nầy trong Tin Mừng của Ngài, như chúng ta thấy nơi dụ ngôn người ngheo Ladarô (Lc 16,19-31), nhất là nơi bài ca Magnificat :
“Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng…” (Lc 1,51-53).
Đứng trước một trào lưu xã hội “thượng tôn vật chất”, thực dụng và hưởng thụ tiện nghi, những lời công báo “Phúc-Hoạ” hôm nay quả thật cần thiết. Bởi chưng, con người muôn nơi muôn thuở vẫn còn đó nguyên cơn cám dỗ “trái cấm” nơi vườn địa đàng, hay cơn cám dỗ “bánh mì, sự giàu có thế gian và vinh quang trần tục” nơi hoang mạc !
Trong lãnh vực đức tin, mục vụ, Giáo Hội, được mệnh danh là “Đoàn chiên nhỏ”, đâu đã thoát hẳn những cơn bệnh “thế tục hoá” của những “ông phú hộ”, của “chàng trai giàu có”: muốn nhà thờ mình, cộng đoàn mình, Hội Dòng mình, gia đình mình…phải to lớn khang trang, phải huy hoàng hoành tráng, phải hiện đại hợp thời…và bao nhiêu cái phải để “chẳng khác gì thế gian”.
Dĩ nhiên, khi chọn cái “PHÚC” của Tin Mừng cũng có nghĩa chọn “Con đường thập giá”, chọn phương án “tự huỷ” để chiếm hữu “NƯỚC THIÊN CHÚA”, để đạt được niềm hạnh phúc “PHỤC SINH”. Sự phục sinh của Đức Kitô chính là đích điểm của sự chọn lựa “khó nghèo thập giá”; đó chính là chân lý đã được Thánh Phaolô cùng với cộng đoàn tín hữu Côrintô xác tín và tuyên xưng ngay từ những buổi đầu khai sinh Giáo Hội mà chúng ta vừa nghe lại trong Bài đọc 2 : “Đức Kitô từ cõi chết sống lại là hoa quả đầu mùa của những người đã yên giấc”.

Tóm lại, sứ điệp Lời Chúa của Chúa Nhật 6 thường niên hôm nay gọi mời cộng đoàn tín hữu chúng ta một lần nữa quy tụ xung quanh Đức Kitô để lắng nghe Lời dạy quan trọng của Ngài về con đường Phúc Thật của Tin Mừng. Mà không chỉ lắng nghe, điều quan trọng hơn đó là dấn thân chọn lựa và sống hết mình con đường khó nghèo của Phúc âm, con đường quyết chọn đứng về phía Thiên Chúa, tin tưởng và phó thác cho Ngài toàn thể vận mệnh và nhịp bước trong đời ; một sự tin tưởng-phó thác của những “bước chân Đa-vít” khi đối diện với gã khổng lồ “Go-li-át” (1 Sm 17,40-51), của tấm lòng “Bà Goá” sẵn sàng cho đi những “đồng xu cuối cùng” (Mc 12,41-44).
Trong cuộc chiến đấu với những thần tượng Mammon của thời đại hôm nay, với những tên khổng lồ Go-li-át của “sự giàu có thế tục”, tấm áo da cừu và những viên đá sỏi của Đa-vít vẫn còn nguyên giá trị; đặc biệt hơn, đó là những con đường mà “Vị Hậu Duệ của Đa-vít” đã chỉ ra hôm nay : những con đường Phúc Thật của Tin Mừng.
Con đường đó, mối phúc thật đó, nếu được diễn tả lại bằng ngôn ngữ của Nhà Phật, thì đó chính “CHIẾC TRÂM CÀI TÓC CỦA LỘC NƯƠNG” đã làm nên “TIẾNG CHUÔNG TRỪ TÀ CỦA CHÙA TẾ VŨ”

LM Giuse Trương Đình Hiền
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Quyết định của Đức Giáo Hoàng: Trục xuất McCarrick khỏi hàng giáo sĩ
Đặng Tự Do
08:11 16/02/2019
Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Bộ Giáo lý Đức tin, đã ra lệnh trục xuất khỏi hàng giáo sĩ Theodore McCarrick, nguyên là một Hồng Y và Tổng Giám Mục Hiệu Tòa của tổng giáo phận Washington, và là một nhân vật đầy thế giá trong Giáo Hội, trong giới ngoại giao và chính trị tại Hoa Kỳ, cũng như trên thế giới.

Quyết định này đã được Tòa Thánh công bố vào ngày thứ Bẩy 16 tháng Hai theo sau một “thủ tục tố tụng hành chính” do Bộ Giáo Lý Đức Tin tiến hành, trong đó McCarrick bị kết tội “gạ gẫm trong Bí tích Giải tội, và phạm vào Điều răn thứ Sáu với trẻ vị thành niên và người lớn, với yếu tố gia trọng là lạm dụng quyền lực”.

Việc kết án được đưa ra theo một “thủ tục tố tụng hành chính”, là một cơ chế tố tụng nhanh gọn được sử dụng trong các trường hợp những bằng chứng phạm tội đã quá rõ ràng đến mức không cần thiết phải xét xử đầy đủ.

Chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã phê chuẩn bản án và truyền lệnh trục xuất khỏi hàng giáo sĩ, đương sự không có quyền kháng cáo, bản án không thể bị đảo ngược. Nói cách khác, phán quyết này là chung cuộc.

Tuyên bố của Tòa Thánh vào ngày 16 tháng Hai cho biết rằng phán quyết McCarrick có tội đã được công bố vào ngày 11 tháng Giêng. Đương sự kháng cáo nhưng đã bị Bộ Giáo Lý Đức Tin bác bỏ vào ngày thứ Tư 13 tháng Hai.

McCarrick đã được thông báo về quyết định trục xuất khỏi hàng giáo sĩ vào ngày 15 tháng Hai và Đức Giáo Hoàng Phanxicô “đã công nhận bản chất chung cuộc của quyết định này được đưa ra theo đúng pháp luật, xem nó là một res iudicata - phán quyết chung thẩm (tức là, xác nhận rằng miễn bàn cãi thêm nữa)”

McCarrick, 88 tuổi, đã bị buộc tội công khai hồi năm ngoái vì đã lạm dụng tình dục ít nhất hai cậu bé vị thành niên, và trong nhiều thập kỷ đã có các hành vi cưỡng ép tình dục đối với các linh mục và chủng sinh.

Các cáo buộc được công bố lần đầu tiên vào tháng 6 năm 2018, khi Tổng giáo phận New York báo cáo rằng họ đã nhận được một cáo buộc “đáng tin cậy” rằng McCarrick lạm dụng tình dục một cậu bé tuổi thiếu niên vào những năm 1970, khi đang làm linh mục ở New York. Cũng trong tháng Sáu vừa qua, theo sự chỉ đạo của Tòa Thánh, McCarrick bị buộc không được thi hành các thừa tác vụ công khai.

Tháng 7 năm ngoái, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã chấp nhận đơn từ chức khỏi Hồng Y đoàn của McCarrick và ra lệnh cho ông ta phải sống một cuộc đời cầu nguyện và đền tội trong khi chờ Tòa Thánh hoàn thành các tiến trình điều tra về giáo luật liên quan đến các cáo buộc. Kể từ cuối tháng 9, McCarrick đã cư trú tại cư xá St. Fidelis dành cho các thầy dòng Capuchin ở Victoria, Kansas.

James Grein là nhân vật chính trong số những người tố cáo McCarrick. James đã đưa ra các bằng chứng trước các viên chức đại diện cho tổng giáo phận New York vào ngày 27 tháng 12 năm ngoái. Cuộc điều trần này là một phần trong cuộc điều tra của Bộ Giáo Lý Đức Tin.

Grein cho biết McCarrick, là một người bạn của gia đình anh, đã lạm dụng tình dục anh trong một khoảng thời gian nhiều năm, bắt đầu từ khi anh lên 11 tuổi. Anh ta cũng tố cáo McCarrick đã lạm dụng tính dục anh ngay trong tòa giải tội. Chỉ với tội này mà thôi, McCarrick đã vi phạm giáo luật một cách nghiêm trọng, đến mức đáng lãnh hình phạt trục xuất khỏi hàng giáo sĩ.

Bộ Giáo Lý Đức Tin cũng đã nhận được báo cáo từ một nạn nhân khác của McCarrick – bị lạm dụng tính dục ở tuổi 13; và của 8 nạn nhân là các chủng sinh trong các giáo phận Newark và Metuchen ở New Jersey, nơi McCarrick từng là giám mục trước đây.

Trong tư cách là Tổng Giám Mục Washington, D.C., và trước đó là Giám mục Metuchen và Tổng Giám mục Newark, McCarrick đã chiếm một vị trí nổi bật trong Giáo hội Hoa Kỳ.

Ông cũng là người tham gia hàng đầu trong việc phát triển Hiến chương Dallas và Các Tiêu Chuẩn Thiết Yếu của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, nhằm thiết lập các thủ tục giải quyết các cáo buộc lạm dụng tình dục liên quan đến các linh mục.

Mặc dù bị trục xuất khỏi hàng giáo sĩ, về mặt bí tích mà nói, McCarrick vẫn còn là giám mục, vì một khi được tấn phong, bí tích truyền chức linh mục và tấn phong giám mục không thể bị hủy bỏ.

Hình phạt trục xuất khỏi giáo sĩ - thường được gọi là huyền chức hay hồi tục - ngăn McCarrick không được tự xưng hoặc hoạt động như một linh mục, dù ở nơi công cộng hoặc trong chốn riêng tư. Vì việc phong chức có một đặc tính bí tích, nên không thể bị hủy bỏ bằng một quyết định của Giáo Hội. Tuy nhiên, theo sau việc huyền chức, ông ta bị tước bỏ tất cả quyền lợi và đặc quyền của một giáo sĩ bao gồm, về mặt lý thuyết, quyền nhận được hỗ trợ tài chính từ Giáo Hội.


Source:Catholic News Agency
 
Tuyên bố của Bộ Giáo Lý Đức Tin ngày 16 tháng Hai, 2019
Đặng Tự Do
08:37 16/02/2019
Dưới đây là toàn văn tuyên bố của Bộ Giáo Lý Đức Tin được công bố hôm thứ Bẩy 16 tháng Hai, 2019

Vào ngày 11 tháng Giêng năm 2019, Hội Nghị của Bộ Giáo Lý Đức Tin, khi kết thúc một tiến trình tố tụng, đã ra một nghị định về việc tìm thấy Theodore Edgar McCarrick, Tổng Giám Mục Hiệu Tòa của Washington, DC, đã phạm vào các tội sau trong khi là một giáo sĩ: đó là gạ gẫm trong Bí tích Giải tội và phạm Điều răn thứ Sáu, với yếu tố gia trọng là lạm dụng quyền lực.

Hội Nghị đã tuyên phạt trục xuất đương sự khỏi hàng giáo sĩ. Vào ngày 13 tháng Hai năm 2019, Phiên họp thường kỳ mỗi thứ Tư hàng tuần (Feria IV) của Bộ Giáo lý Đức tin đã cân nhắc kháng cáo của đương sự đối với quyết định này. Sau khi xem xét các lập luận kháng cáo, Phiên họp thường kỳ đã chuẩn y sắc lệnh của Hội Nghị. Quyết định này đã được thông báo cho Theodore McCarrick vào ngày 15 tháng Hai năm 2019. Đức Giáo Hoàng Phanxicô “đã công nhận bản chất chung cuộc của quyết định này được đưa ra theo đúng pháp luật, xem nó là một res iudicata - phán quyết chung thẩm (tức là, xác nhận rằng miễn bàn cãi thêm nữa)”


Source:Catholic Herald
 
Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về trường hợp McCarrick
Đặng Tự Do
13:29 16/02/2019
Đức Hồng Y Daniel N. DiNardo, Tổng Giám mục Galveston-Houston và là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, đã ra tuyên bố sau đây về quyết định của Tòa Thánh trục xuất Theodore McCarrick khỏi hàng giáo sĩ.

Toàn văn tuyên bố của Đức Hồng Y DiNardo như sau:

“Thông báo của Tòa Thánh liên quan đến Theodore McCarrick là một tín hiệu rõ ràng rằng lạm dụng sẽ không được dung thứ. Không có giám mục nào, dù có ảnh hưởng đến đâu, được ngồi trên giáo luật. Đối với tất cả những người bị McCarrick lạm dụng, tôi cầu nguyện cho phán quyết này sẽ là một bước nhỏ, trong số nhiều bước khác, hướng đến việc chữa lành. Đối với các giám mục chúng tôi, điều này củng cố quyết tâm của chúng tôi phải chịu trách nhiệm trước Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô. Tôi biết ơn Đức Giáo Hoàng Phanxicô về đường lối quyết liệt mà ngài đã dẫn dắt Giáo hội trong việc đáp trả.

Nếu anh chị em đã từng bị lạm dụng tình dục dưới tay của ai đó trong Giáo Hội Công Giáo, xin vui lòng liên hệ với cơ quan thực thi pháp luật địa phương của anh chị em và giáo phận địa phương hoặc giáo phận Công Giáo Đông phương. Các Điều Phối Viên Hỗ Trợ Nạn Nhân sẽ sẵn sàng giúp đỡ. Chúng tôi quyết tâm dấn thân trong việc chữa lành và hòa giải.”


Source:Catholic Herald
 
Đất nước Ma-rốc đang mong chờ chuyến thăm của Đức Thánh Cha đến thăm vào 30-31 tháng 3
Thanh Quảng sdb
16:10 16/02/2019
Đất nước Ma-rốc đang mong chờ chuyến thăm của Đức Thánh Cha đến thăm vào 30-31 tháng 3

Cha Matteo Revelli, một linh mục Truyền giáo Châu Phi, chính xứ nhà thờ Thánh FrançoisQueryssise ở Fès, cho Fides News Agency hay ngày 14 tháng 2 năm 2019 rằng: Cộng đồng Công Giáo đang chờ đợi chuyến viếng thăm sắp tới của Đức Phanxicô, tông du đất nước này vào các ngày 30-31/3/2019 trong niềm vui, cởi mở, bác ái, yêu thương vô điều kiện.
Năm nay, tôi đã nỗ lực hướng dẫn cho 450 thầy đại chủng sinh hoạt động cho người di cư nghèo túng ở Fès. Cho đến tháng 7/2018, gần một ngàn người trong số họ đã có những căn lều tạm trên khu đất bỏ hoang, ngay bên cạnh ga xe lửa thành phố làm nơi tạm trú. Nhưng vì không có nước và đèn điện nên họ buộc phải rời khỏi nơi này đến tạm định cư ở một trại tập trung của thành phố , ít ra họ có một ít nước và đèn điện.
Thành phố Fès vào mùa đông thì rất lạnh và điều kiện sinh sống cho những người tỵ nạn thì rất bấp bênh và đầy khó khăn. Theo linh mục Revelli cho hay: Ngoài tổ chức của Caritas, họ cần nhiều nguồn trợ lực và nhân lực... Một số tình nguyện viên của Caritas ở Rabat đã trợ giúp về y tế, thực phẩm và quần áo. Cha cũng cho hay các hoạt động đã mở rộng với sự tham gia của Giáo hội Tin lành địa phương: Hiện tại, cùng với một nhóm tình nguyện viên, chúng tôi cung cấp một bữa ăn cho 45 người mỗi ngày, cũng như giúp cho khoảng hai mươi người có phương tiện tắm rửa hàng tuần. Đầu bếp là một người mẹ cũng di cư: cô ấy nấu ăn và phục vụ các bữa ăn cho các người tỵ nạn trong khu phố. Phòng ăn là phòng ngủ của cô; sau khi trẻ em và người di cư về lại chỗ tạm trú của họ thì căn phòng trở thành phóng ngủ của cô. Vào mỗi buổi sáng, người trợ giúp của tôi phân phát 45 phiếu nhận phần ăn uống cho những người có nhu cầu cần thiết nhất.
Cha Revelli cho hay: Vì dịch vụ hỗ trợ thật cấp bách trong tình hình ngày càng trở nên trầm trọng vì số người được lãnh phần ăn chỉ có là 45 trong số 250 người di cư trong khu phố đông đúc này, nên mỗi đêm thường xảy ra những tranh tụng về một phần ăn. Trong khu phố cũng có rất nhiều người Ma-rốc quá nghèo đang ước muốn có một bữa ăn tương tự...
 
Phản ứng của các Giám Mục Hoa Kỳ trước tin McCarrick bị trục xuất khỏi hàng giáo sĩ
Đặng Tự Do
19:52 16/02/2019
Dù là ngày cuối tuần, bận rộn với các nghi lễ phải cử hành, các giám mục trên toàn cõi Hoa Kỳ đã đưa ra các phản ứng trước tin tức Theodore McCarrick đã bị kết tội lạm dụng tình dục và bị trục xuất khỏi hàng giáo sĩ.

Bản tuyên bố đưa ra hôm thứ Bảy của Tổng giáo phận Washington viết:

“Việc áp đặt hình phạt trục xuất khỏi hàng giáo sĩ đối với cựu Tổng Giám mục Theodore E. McCarrick, và như thế cấm ông bất kỳ thừa tác vụ tư tế nào, nhấn mạnh sự nghiêm trọng trong các hành động của ông.”

McCarrick là Tổng Giám Mục thủ đô Washington từ năm 2001 cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2006.

Đức Hồng Y Daniel DiNardo của Galveston-Houston, chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, cho biết hình phạt của Vatican đối với McCarrick là một tín hiệu rõ ràng rằng lạm dụng sẽ không được dung thứ.

Ngài nói thêm:

“Không có giám mục nào, dù có ảnh hưởng đến đâu, được ngồi trên giáo luật. Đối với tất cả những người bị McCarrick lạm dụng, tôi cầu nguyện cho phán quyết này sẽ là một bước nhỏ, trong số nhiều bước khác, hướng đến việc chữa lành.”

Đức Hồng Y DiNardo nhận định rằng đối với các giám mục anh em của ngài “điều này củng cố quyết tâm của chúng tôi phải chịu trách nhiệm trước Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô. Tôi biết ơn Đức Giáo Hoàng Phanxicô về đường lối quyết liệt mà ngài đã dẫn dắt Giáo Hội trong việc đáp trả.”

Đức Hồng Y Joseph Tobin, là Tổng Giám Mục Newark, nhiệm sở cũ của McCarrick cho biết trong một tuyên bố khác rằng McCarrick và những kẻ lạm dụng giáo sĩ khác đã “chà đạp một sự tin tưởng thiêng liêng”, và gây ra tổn hại khôn lường cho cuộc sống của nạn nhân - già trẻ.

“Đối với tất cả những người bị giáo sĩ lạm dụng, đặc biệt là các nạn nhân của Theodore McCarrick, tôi tiếp tục bày tỏ nỗi buồn sâu sắc và xin lỗi họ với những lời xin lỗi chân thành về sự đau khổ suốt đời mà anh chị em phải chịu đựng,” Đức Hồng Y Tobin nói.

“Bất kể những hành vi sai trái đáng trách và những tội ác của tất cả những người đã lạm dụng trẻ vị thành niên, chúng ta phải kiên vững thách thức bản thân mình để tiếp tục theo Chúa Kitô Đấng Cứu Chuộc chúng ta trong Giáo Hội của Người, nơi sức mạnh chữa lành của tình yêu Thiên Chúa được thể hiện mỗi ngày.”

Tổng giáo phận Washington bày tỏ hy vọng quyết định của Vatican sẽ hỗ trợ những nạn nhân bị lạm dụng tính dục trong tiến trình chữa lành và trấn an những người đã thất vọng hoặc vỡ mộng vì những gì cựu Tổng giám mục McCarrick đã làm.

Đức Cha James F. Checchio ở Metuchen, New Jersey, cũng là một giáo phận cũ của McCarrick, đã đưa ra một tuyên bố vào hôm thứ Bảy, trong đó ngài phản ảnh những cảm xúc đa dạng của anh chị em giáo dân, và các linh mục nam nữ tu sĩ trong giáo phận của ngài trước tin Đức Giáo Hoàng trục xuất McCarrick khỏi hàng giáo sĩ.

“Hôm nay tôi cầu nguyện cách riêng cho những giáo dân và linh mục là những nạn nhân của Theodore McCarrick,” Đức Cha Checchio viết.

“Mặc dù tin tức này không làm tan biến đi những nỗi đau mà những nạn nhân này đã phải trải qua, nhưng tôi hy vọng rằng một bước tiến nữa vừa được thực hiện cho sự chữa lành của họ và đó là một tuyên bố mạnh mẽ của Giáo Hội rằng những tội ác và tội lỗi này chắc chắn sẽ không được dung thứ.”

Đức Cha Checchio cũng lưu ý rằng trên thực tế McCarrick là giám mục tiên khởi của giáo phận Metuchen sau khi được thành lập năm 1981.

“Theodore McCarrick sẽ luôn gắn liền với lịch sử của giáo phận chúng ta và di sản của ông đáng tiếc đã trở thành một trong những biểu tượng tai tiếng và phản bội,” ngài viết.

“Tuy nhiên, tôi đã được nhắc nhở khi cầu nguyện rằng giáo phận của chúng ta không được thành lập trên nền tảng của Theodore McCarrick, mà là trên nền tảng của Chúa Kitô, Đấng làm mới Giáo Hội của Ngài trong mọi thời đại ... Tôi rất biết ơn sự lãnh đạo của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã hành động dứt khoát, khi tiến hành quá trình điều tra và đi đến kết luận thích hợp này.”

Đức Cha Checchio cũng nhắc lại sự ủng hộ của ngài đối với “tất cả những ai đã bị lạm dụng và trở thành nạn nhân của các giáo sĩ” và ngài khuyến khích các nạn nhân hãy tiến ra tố cáo.

“Kể từ lần đầu tiên khi ân sủng của Chúa Thánh Thần tuôn đổ trên các tín hữu tiên khởi, qua nhiều thời đại, Giáo Hội đã từng bị bao vây bởi những vụ tai tiếng và những phản bội gây chia rẽ,”.

“Tuy nhiên, những thất bại đó không định nghĩa Giáo Hội của chúng ta, mà là làm chứng cho sự thật rằng Chúa Kitô tiếp tục làm việc thông qua những thất bại bằng cách kêu gọi tất cả chúng ta đến với một cuộc sống sám hối và thánh thiện.”


Source:Catholic News Angency
 
Có thể áp dụng phương thức quân sự vào việc giải quyết nạn giáo sĩ lạm dụng tình dục chăng?
Vũ Văn An
21:19 16/02/2019

Nghe thì có vẻ kỳ kỳ, nhưng đã có người đề nghị nên sử dụng phương thức của quân đội, ít nhất của quân đội Hoa Kỳ, để giải quyết nạn giáo sĩ lạm dụng tình dục trong Giáo Hội Công Giáo. Đó là trung tướng hưu trí James M. Dubik, hiện là thành viên hội đồng quản trị Leadership Roundtable(Bàn Tròn Lãnh Đạo), tiến sĩ triết của Đại học Johns Hopkins và là tác giả cuốn Just War Reconsidered: Strategy, Ethics, and Theory (Chiến Tranh Chính Ngĩa Tái Xét: Chiến Lược, Đạo Đức Học, và Lý Thuyết).

Trên tập san America, số ngày 13 tháng Hai, 2019, Ông Dubik viết rằng: không tổ chức nào là hoàn hảo cả. Giáo Hội Công Giáo cũng thế thôi, hiện đang phải đối phó với hai cuộc khủng hoảng, hay đúng hơn, cuộc khủng hoảng kép: cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục và cuộc khủng hoảng tín nhiệm đối với các thực hành lãnh đạo đã để xẩy ra và sau đó che đậy cuộc khủng hoảng lạm dụng.

Vấn đề hiện nay, vì thế, là làm thế nào phục hồi sự tín nhiệm vào hàng lãnh đạo Giáo Hội. Và sau đây là nguyên văn hiến kế của ông:

Kinh nghiệm của tôi trong Quân đội Hoa Kỳ hơn 37 năm, 11 năm với tư cách là một sĩ quan cấp tướng, cho thấy rằng con đường “tôi xin lỗi, hãy tin tôi lần này” không đưa đến đâu.

Thay vào đó, Giáo Hội phải trở nên đáng tin cậy, và điều đó có nghĩa là thực hiện hành động khắc phục toàn diện.

Giải quyết vụ tai tiếng trong hàng ngũ của mình

Vào một thời điểm trong sự nghiệp của mình, tôi đã mục kích cách mà vị Tham mưu trưởng Lục quân lúc ấy, Đại tướng (hiện đã nghỉ hưu) Dennis J. Reimer, và các vị lãnh đạo cao cấp khác của Lục Quân xử lý vụ tai tiếng lạm dụng tình dục ở Aberdeen năm 1996. Lúc đó tôi là một đại tá, sĩ quan điều hành của Tướng Reimer. Vụ tai tiếng này đã nổ ra khi Thiếu tướng (hiện đã nghỉ hưu) Robert Shadley phát hiện, báo cáo và bắt đầu một cuộc điều tra về các cáo buộc lạm dụng tình dục liên quan đến các huấn luyện viên quân đội chịu trách nhiệm huấn luyện tân binh tại trại Aberdeen, Md.

Cuối cùng, 12 trung sĩ bị buộc các tội ác về tình dục. Bốn người bị kết án tù. Bốn sĩ quan cao cấp nhận được thư khiển trách mà trên thực tế đã chấm dứt sự nghiệp của họ, một trong số họ là một tướng lĩnh chỉ huy. Cuộc điều tra của Lục Quân cho thấy một số sĩ quan cao cấp che đậy sự lạm dụng dưới một giả định sai lầm rằng họ “bảo vệ hình ảnh của Lục Quân”. Ngược lại, Tướng Reimer và các nhà lãnh đạo cấp cao khác thấy rằng cuộc khủng hoảng mà họ đang đương đầu là một cuộc khủng hoảng tin tưởng. Gần đây, Tướng Reimer nói với tôi “Người dân Mỹ đã trao cho chúng ta những tài sản quan trọng nhất của họ, tức các con trai và con gái của họ, và chúng ta đã làm rối tung tài sản này. Ai còn gửi con gái của họ cho Lục Quân nữa nếu chúng ta không thể bảo đảm với họ rằng chúng sẽ được đối xử cách xứng đáng và được tôn trọng và không phải chịu sự xách nhiễu tình dục?”

Tóm lại, Lục Quân phải chứng minh rằng mình là một định chế đáng tin cậy.

Vì vậy, Tướng Reimer đã thành lập một đội đặc nhiệm để tiến hành các buổi thăm dò và thu thập dữ kiện từ tất cả các căn cứ huấn luyện, chứ không chỉ ở căn cứ Aberdeen. Lực lượng đặc nhiệm nhận thấy rằng các vấn đề ban đầu chưa được phát hiện tại Aberdeen không phải là các biến cố cô lập. Ngoài việc phơi bày và trừng phạt những người bị kết tội lạm dụng tình dục hoặc che đậy, Lục Quân đã biến cuộc khủng hoảng này thành một cơ hội, một cơ hội không những chỉ giải quyết khủng hoảng lạm dụng tình dục mà thôi, mà còn giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng: cách Lục Quân đào tạo các nhà lãnh đạo của nó và bầu khí các nhà lãnh đạo tạo ra trong các đơn vị của họ.

Sử dụng thông tin có được từ lực lượng đặc nhiệm, các nhà lãnh đạo cấp cao của Lục Quân đã tạo ra chính sách “tuyệt đối không khoan nhượng” (zero tolerance), cập nhật các quy định, thiết lập đường dây nóng lạm dụng tình dục và nhấn mạnh lại vai trò của hệ thống chỉ huy cũng như việc sử dụng Phân cục độc lập của hệ thống tổng thanh tra Lục Quân và Bộ tư lệnh điều tra hình sự. Hơn nữa, nhận ra rằng vụ tai tiếng là sản phẩm của các thực hành lãnh đạo và bầu khí đơn vị, Tướng Reimer dẫn đầu các nhà lãnh đạo cao cấp trong một cuộc thảo luận kéo dài về các giá trị của Lục Quân.

Kết quả là làm cho Lục Quân minh nhiên cam kết sống một bộ các giá trị hiện vẫn là một phần của các chương trình phát triển lãnh đạo trong nội bộ đơn vị hiện tại: giáo dục trước lúc phong cấp sĩ quan Quân đội tại West Point, các chương trình R.O.T.C. (Reserve Officer Training Corps = Đoàn Huấn Luyện Sĩ Quan Trừ Bị) toàn quốc và tại Trường Ứng viên Sĩ quan; hệ thống giáo dục chuyên nghiệp cho các sĩ quan và trung sĩ; và các khóa học tiền chỉ huy cho các sĩ quan và thượng sĩ (Command Sergeants Major), những người sắp đảm nhiệm các chức vụ chỉ huy quan trọng. Các giá trị của Lục Quân cũng được dạy trong việc huấn luyện cơ bản của Lục Quân để tất cả các binh sĩ nhập ngũ hiểu được cách đối xử mà họ nên mong đợi và yêu cầu nơi các nhà lãnh đạo của họ. Lục Quân cuối cùng đã tạo ra một học viện chống sách nhiễu và tấn công tình dục và phòng chống tình dục (SHARP), nơi giáo dục và huấn luyện các chuyên gia về tấn công và sách nhiễu tình dục hiện đã được qui định trong toàn Lục Quân.

Để khôi phục lòng tin, Lục Quân đã phải vạch trần những hành vi lạm dụng, đưa cả những kẻ lạm dụng và những kẻ che đậy sự lạm dụng ra công lý, cam kết thực hiện các hành động ngắn hạn và dài hạn để ngăn chặn lạm dụng xảy ra một lần nữa và thực hiện tất cả những điều này một cách công khai và minh bạch. Lục Quân đã tổng hợp các hành động ngắn hạn và dài hạn thành một cách tiếp cận toàn diện nhằm tái lập kỳ vọng của Lục Quân sau đây (1) các nhà lãnh đạo chịu trách nhiệm bản thân về những gì họ làm hoặc không làm, (2), trong khi các nhà lãnh đạo thiết lập bầu khí trong các đơn vị họ chịu trách nhiệm, mọi người trong đơn vị chia sẻ trách nhiệm trong việc nhận diện tác phong lệch lạc, nghĩa là tác phong trái với các giá trị của Lục Quân và (3) các thủ tục báo cáo, điều tra và xét xử chính thức của tổ chức đóng vai trò như một kiểm tra, giúp đảm bảo các hành vi tiêu cực được phát hiện và xử lý. Tóm lại, Lục Quân đã tự cống hiến cho mình một lần nữa một bộ các tiêu chuẩn cá nhân, cộng đồng và định chế và các cơ chế cần thiết để chấp pháp các tiêu chuẩn đó.

Không có hành động nào trong số này, cá nhân hoặc tập thể, đã chấm dứt được mọi trường hợp tấn công hoặc sách nhiễu tình dục. Lục Quân vẫn đấu tranh với vấn đề này. Các vấn đề như thế này không được giải quyết bằng một giải pháp “một lần là xong”. Sự cảnh giác liên tục là điều cần thiết, đó là lý do tại sao cả ba bình diện tiêu chuẩn đều cần thiết. Phản ứng của quân đội đối với vụ tai tiếng Aberdeen cũng không phản ánh sự lãnh đạo hoàn hảo, vì trong một cuộc khủng hoảng kéo dài như thế này, rất có thể có những động cơ hỗn tạp, những biện pháp sai lỡ và lầm lẫn. Một số nhà lãnh đạo cấp cao ủng hộ việc tiết lộ đầy đủ, những người khác thì không. Một số hành động vì tư lợi, một số khác vì lợi ích của binh sĩ và xứ sở. Những loại tình huống này rất năng động và phức tạp, và liên quan đến một bình diện khó lường.

Tuy nhiên, cuối cùng, các nhà lãnh đạo cao cấp của Lục Quân đã thiết lập một cách rõ ràng và không hàm hồ điều mà Lục Quân mong đợi ở các nhà lãnh đạo của nó, tức các giá trị và tiêu chuẩn mà các nhà lãnh đạo sẽ chịu trách nhiệm phải giải trình và loại bầu khí mà các nhà lãnh đạo dự kiến phải thiết lập trong các bộ phận của Lục Quân do họ chịu trách nhiệm. Hơn nữa, Lục Quân đã thay đổi việc giảng dậy trong các chương trình giáo dục quân sự chuyên nghiệp, các chương trình chuẩn bị chỉ huy và các chương trình phát triển chuyên nghiệp trong đơn vị.

Các vị giám mục có thể làm như vậy.

Các câu hỏi khó chịu

Các giám mục Công Giáo của Hoa Kỳ đúng khi duyệt lại Hiến chương 2002 về việc Bảo vệ Trẻ em và Thanh thiếu niên và các bản duyệt lại năm 2005, 2011 và 2018. Các sửa đổi được thảo luận trong hội nghị tháng 11 của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ sẽ mở rộng hiến chương để bao gồm các tiêu chuẩn áp dụng cho các giám mục và các thủ tục báo cáo và xử lý các hành vi sai trái của giám mục, bao gồm một ủy ban giáo dân đặc biệt gồm các nhà chấp pháp và điều tra độc lập cũng như các chuyên gia phục vụ xã hội để theo đuổi các cáo buộc. Cách tiếp cận gồm việc phối hợp các tiêu chuẩn với việc phân tích và thẩm quyền chấp pháp bên ngoài đã xác nhận điều mà hầu hết mọi người đều hiểu: rằng không ai trong chúng ta là thẩm phán tốt nhất cho hành động của chính chúng ta. Tất cả chúng ta đều bị những thành kiến và áp lực khi đưa ra các phán kết thực tế trong những tình huống phức tạp, bất luận liên quan đến các hành động của chính chúng ta, các hành động của những cộng sự viên thân thiết hay những người khác mà chúng ta đang có mối liên hệ. Nghĩa là, mỗi chúng ta và các tổ chức chúng ta tạo ra đều không hoàn hảo.
Đó là lý do tại sao Thomas Merton, trong Love and Living (Tình yêu và cuộc sống) (1979), nhắc nhở chúng ta rằng một lương tâm trưởng thành là một lương tâm biết nhìn nhận mình có thể sai lầm, mình cần phải khiêm tốn và thừa nhận mình cần những người khác có sẵn kiến thức và kinh nghiệm về các vấn đề hiện bàn, cũng như việc cầu nguyện, đức tin và tín thác vào Thiên Chúa.

Các chính sách và tiêu chuẩn hành chính cũng như các cơ chế điều tra và chấp pháp đều là những bước cần thiết để khôi phục niềm tin vào Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Kỳ. Mọi người đều mong đợi các định chế, tôn giáo hay không tôn giáo, không những chỉ tự mình làm cảnh sát cho mình mà còn sử dụng hỗn hợp cả luật pháp, các chính sách hành chính và các tổ chức “chó giữ nhà” (watchdog) phù hợp để đảm bảo rằng các định chế luôn trung thực với mục đích và giá trị cốt lõi của mình. Tuy cần thiết bao nhiêu đi nữa, các biện pháp này vẫn không đủ.

Giống như việc khôi phục niềm tin vào Lục Quân liên hệ tới nhiều điều hơn là chỉ cập nhật các quy định và các chế độ thanh tra / chấp pháp, việc khôi phục niềm tin vào Giáo Hội cũng đòi hỏi nhiều điều hơn. Các giám mục phải hỏi một số câu hỏi khó chịu, loại mà các nhà lãnh đạo cao cấp của Lục Quân đã phải hỏi sau vụ tai tiếng ở Aberdeen. Những câu hỏi này không thoải mái vì chúng cắt vào cốt lõi tính đáng tin cậy của tổ chức; chúng tạo thành một loại xét lương tâm tập thể của một tổ chức. Một mẫu loại câu hỏi mà các giám mục phải tự hỏi và hỏi Giáo Hội bao gồm các điều sau đây:

• Điều gì trong cách chúng ta đào tạo các linh mục và chọn lựa các giám mục đã để cho hàng thập niên lạm dụng cứ thế tiếp diễn và được che đậy khắp một phần rộng lớn của Giáo Hội như vậy?

• Điều gì trong quan niệm của chúng ta về lãnh đạo, khiến, dưới mắt nhiều người, chức vụ và cách được nhìn dường như quan trọng hơn người ta?

• Làm thế nào chúng ta có thể làm ngơ số lượng các cảnh báo và phản đối của giáo dân và người thụ phong về việc lạm dụng và che đậy kéo dài quá lâu và ở rất nhiều nơi khác nhau như thế?

• Điều gì trong cách chúng ta mô tả các nhà lãnh đạo thụ phong khiến cho không ít vị phát triển một cảm thức quá đáng về quyền lợi của mình?

• Điều gì trong các kỳ vọng của chúng ta về hàng giáo dân đã giản lược nhiều người (trong số họ) “thành những người tiếp nhận thụ động các hành động thánh của các vị thụ phong”?

• Điều gì đã khiến nhiều người có cái hiểu méo mó về nhân đức vâng lời?

• Có khoảng cách nào giữa các giá trị được Giáo Hội tán thành và các giá trị được Giáo Hội thực hành không? Nếu có, đâu là các khoảng cách, và tại sao chúng đã phát triển?

• Làm thế nào chúng ta có thể phát triển một cảm thức mạnh mẽ hơn về việc quản lý cá nhân và cộng đồng tại các giáo xứ và giáo phận để tạo ra một hệ thống miễn nhiễm chống lại các hành động lạm dụng, các lạm dụng quyền lực và mưu toan che đậy các hành động vi phạm các giá trị và mục đích đã được tán thành?

• Các linh mục và giám mục của chúng ta có lắng nghe đủ, không những các nạn nhân bị lạm dụng mà cả nhiều chuyên gia sẵn có và hiểu biết về nguyên nhân gốc rễ của việc lạm dụng tình dục và lạm quyền?

• Khi lãnh đạo các giáo xứ và giáo phận, các mục tử và giám mục của chúng ta tạo ra hay chỉ giả định số tín hữu?

• Làm thế nào để chúng ta thường xuyên kiểm tra bầu khí mục vụ tại các giáo xứ và giáo phận của chúng ta?

Nêu lên các câu hỏi này, và những câu hỏi khác giống như chúng, cũng như xử lý các câu trả lời và rút ra kế hoạch hành động, sẽ chứng minh rằng các nhà lãnh đạo Giáo Hội nghiêm túc trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng song sinh mà các vị đang gặp phải. Đây là loại hành động lâu dài, minh bạch khiến một định chế di chuyển từ phương thức “xin lỗi; bây giờ bạn có thể tin tưởng ở tôi” qua phương thức có thể tạo ra một định chế đáng tin cậy.

Một phương thức như vậy cũng có tính soi sáng, vì nó cho thấy việc tạo ra một định chế đáng tin cậy là vấn đề chính trực (integrity) về tổ chức, một tổ chức sẵn sàng làm điều mình nói (walk its talk). Tướng Reimer và các nhà lãnh đạo cao cấp khác của Lục Quân, do kinh nghiệm, biết rằng các binh sĩ và lãnh đạo cấp dưới tin tưởng các chỉ huy chính trực. Họ cũng biết rằng các định chế có thể có, hoặc thiếu, sự chính trực. Việc biết này khiến họ kết luận rằng để bảo vệ Lục Quân, họ phải phơi bày toàn bộ chiều kích của tác phong gây tai tiếng và buộc những người chịu trách nhiệm về nó phải giải trình. Họ biết rằng lòng tin tưởng không phát sinh từ việc che giấu sự thật mà từ việc sống theo sự thật.

Sự chính trực - và cơ hội

Vụ tai tiếng ở Aberdeen cho thấy tác phong định chế của Lục Quân thiếu tính chính trực, vì các hành động của họ không phù hợp với các giá trị đã được nó tán thành. Tất cả các nhà lãnh đạo Lục Quân, bất kể là hạ sĩ quan hay sĩ quan, đều được kỳ vọng sẽ đối xử với các binh sĩ dưới sự chăm sóc của họ một cách hợp nhân phẩm và tôn trọng. Trong mọi trường học, các nhà lãnh đạo được thông báo rằng họ phải chịu trách nhiệm về “sức khỏe, phúc lợi, tinh thần, hạnh phúc và cuộc sống” của các binh sĩ trong đơn vị của họ. Đây là một trong “những chỉ thị hàng đầu” của giới lãnh đạo Lục quân. Vụ tai tiếng ở Aberdeen cho thấy rõ rằng, ít nhất trong một số bộ phận của Lục Quân, các nhà lãnh đạo đã nói một đàng nhưng đã làm một nẻo. Tác phong như vậy là biểu hiện thể lý của một định chế thiếu sự chính trực và là một định chế, trong Lục Quân, bị đánh giá là không xứng đáng được một người lính hay người lãnh đạo tin tưởng. Và khi một tổ chức hoặc một định chế trở nên không đáng tin cậy, mọi loại năng động tính tiêu cực bắt đầu diễn trò. Trở thành một định chế đáng tin cậy nghĩa là tái lập sự chính trực cho một tổ chức, và điều này, như Lục Quân đã phát hiện ra, đòi phải kết hợp hành động ở các bình diện cá nhân, cộng đồng và định chế.

Có cơ hội trong bối cảnh các cuộc khủng hoảng song sinh đang đặt ra cho Giáo Hội Công Giáo ở Hoa Kỳ, giống như đã có cơ hội cho Lục Quân giữa vụ tai tiếng ở Aberdeen. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo thụ phong và giáo dân của Giáo Hội, nhất là các giám mục, phải nắm lấy cơ hội này. Thiên Chúa đã ban các kỹ năng và kinh nghiệm cho mỗi cá nhân chúng ta và cho mọi người chúng ta một cách tập thể để chúng ta cùng nhau thăng tiến Nước Thiên Chúa trên trái đất cũng như trên trời. Khi chúng ta hiến mình, chúng ta sẽ giúp bầy tỏ lời lẽ và việc làm của Thiên Chúa trong cuộc sống cá nhân, cộng đồng và định chế của chúng ta. Bầy tỏ sự hiện diện của Thiên Chúa là cơ hội mà các cuộc khủng hoảng song sinh đã mở ra cho Giáo hội.

Hai đề xuất được thảo luận tại hội nghị tháng 11 của các giám mục – thiết lập (1) các tiêu chuẩn áp dụng cho các giám mục và (2) các thủ tục báo cáo và xử lý các hành vi sai trái của giám mục bao gồm một ủy ban giáo dân đặc biệt gồm chuyên viên chấp pháp và điều tra độc lập cũng như các chuyên gia dịch vụ xã hội để theo đuổi các lời cáo buộc, dù cần thiết bao nhiêu đi nữa, cũng vẫn không đủ. Khi thực hiện hai đề xuất này, các giám mục sẽ tiến hành một bước mạnh mẽ ở bình diện định chế. Sau đó là các bước khác: ở các bình diện bản thân và cộng đồng.

Các bước này sẽ đòi phải thu thập dữ kiện nhờ việc nêu ra một loạt các câu hỏi đúng về nhiều loại người Công Giáo khác nhau trên khắp Hoa Kỳ, phân tích các dữ kiện này, sau đó hành động bằng cách biến đổi các thực hành lãnh đạo và quản trị với mục tiêu khôi phục và tái lên sinh lực cho sự đáng tin cậy của Giáo Hội Công Giáo ở Hoa Kỳ. Khi thực hiện các bước này, các giám mục phải mời sự cộng tác của các chuyên gia về lãnh đạo và quản trị, như Leadership Roundtable (Bàn Tròn Lãnh Đạo). Một số giám mục đã tìm kiếm loại cố vấn này, nhưng một cuộc đối thoại toàn diện và có cấu trúc hơn là điều cần thiết.

Mátthêu 25: 16-18 nói về ba người đầy tớ được chủ ủy thác tài sản của mình: “Người đã lãnh năm yến lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán, và gây lời được năm yến khác. Cũng vậy, người đã lãnh hai yến gây lời được hai yến khác. Còn người đã lãnh một yến thì đi đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ”. Hai người đầy tớ đầu tiên đã mạo hiểm nhân danh chủ nhân của họ. Bây giờ là thời gian để mọi người chúng ta, giáo dân và người thụ phong, chấp nhận rủi ro tương tự nhân danh Chúa và Giáo hội của Người.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo Điểm Trung Mang, Giáo Phận Đà Nẵng.
Duy Trà Phạm Cảnh Đáng
09:40 16/02/2019
Giáo Điểm Trung Mang, Giáo Phận Đà Nẵng.

Trung Mang là địa danh của xã Ba, thuộc huyện Đông Giang tỉnh Quảng Nam. Từ Đà Nẵng lên Trung Mang, du khách phải vượt qua khoảng 60 cây số trên đường tỉnh lộ 14G. Người ta có thể đi theo xa lộ Hoàng Văn Thái khi đến gần Bà Nà thì rẻ trái để vào con đường 14G, tiến lên khu du lịch sinh thái Thần Tài, rồi Suối Hoa…và Lái Thiêu. Hoặc đi theo con đường Túy Loan lên. Sau khi vượt qua con dốc Kiền, quí vị đã bắt đầu đi vào địa giới xã Ba, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam. Qua khỏi dốc Kiền chừng 4 cây số là chúng ta đến Giáo Điểm Truyền giáo Trung Mang, thuộc xã Ba, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam. Bên cạnh cung đường miền núi này, du khách sẽ say mê thỏa thích nhìn ngắm những đồi chè Trung Mang thoai thoải, trải dài đến ngút ngàn, giữa núi rừng nguyên sơ, như một bức tranh thiên nhiên thơ mộng và sinh động. Đồi chè Trung Mang thuộc nông trường Quyết Thắng (xã Ba, huyện miền núi Đông Giang). Nơi đây là điểm dừng chân lý tưởng cho du khách để phóng tầm nhìn ngút ngàn tươi mát và say mê săn tìm những bức hình kỷ niệm đầy thơ mộng. Du khách mê du lịch miền núi ngang qua đây không thể bỏ qua những đồi chè Trung Mang xinh tươi này. Nếu du khách qua đây vào đúng dịp những búp chè non vừa nhô lên, hoặc đúng lúc những đóa hoa chè trắng tinh nở rộ, thì chắc chắn đồi chè Trung Mang sẽ làm ngây ngất và say đắm lòng người. Có nhiều bạn trẻ thích chọn nơi này để chụp những bức hình cưới thật lãng mạng và độc đáo, theo phong cách Hàn quốc.

Trung Mang còn nỗi danh về loại chim cảnh “Chào mào Trung Mang”.Chào mào Trung Mang có chất giọng độc đáo mà không có nơi nào sánh kịp.

Khi đến trụ sở UBND xã Ba, chúng ta rẻ vào con hẻm ở bên trái, chừng 50m, là chúng ta đến Giáo điểm truyền giáo Trung Mang. Đây là vùng rừng núi bạt ngàn với khí hậu rất dễ chịu. Những đêm hè nóng bức ở thành phố, nhưng ở Trung Mang người ta phải đắp mền vì lạnh. Giáo điểm truyền giáo Trung Mang do linh mục Giuse Đỗ Xuân Hướng đã kỳ công tạo dựng. Trung Mang là khu sinh sống của đồng bào Cà Tu, nơi đây chưa bao giờ có bóng dáng người Công Giáo, cũng như chưa bao giờ có hình ảnh của ngôi nhà nguyện hay thánh đường. Thế rồi Chúa đã muốn bóng dáng Thánh giá của Ngài phải được vươn cao nơi đây, nên có một số di dân từ các tỉnh phía bắc như Ninh Bình, Nam Định, vào vùng đất này để sinh cơ lập nghiệp như khai thác vàng ( Sông Vàng ), trồng rừng, chăn nuôi…trong số đó có nhiều người Công Giáo. Ban đầu họ tìm đến Giáo xứ Đông Vinh để tham dự thánh lễ các ngày Chúa Nhật và lễ trọng. Từ Trung Mang về Đông Vinh khoảng chừng 20 cây số.

Đông Vinh cách TP Đà Nẵng gần 40km về phía tây. Đông Vinh thuộc thôn Hòa Thọ, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, giáp ranh với huyện Đông Giang, của Quảng Nam. Đông Vinh đã có từ rất xa xưa, do một số giáo dân, trốn tránh bách hại, lên trú ẩn nơi thâm sâu cùng cốc này. Trong thời kỳ chiến tranh Việt – Pháp, nhà thờ đã bị phá hủy, giáo dân phải ly tán khắp nơi để tránh bom đạn. Sau khi đất nước hòa bình, giáo dân Đông Vinh mới lần hồi quay về quê Cha đất Tổ là ăn sinh sống, và họ cũng đã góp công góp sức xây dựng lại một ngôi nhà nguyện bé nhỏ, tạm bợ, để có nơi sớm tối đọc kinh cầu nguyện với nhau. Thời trước giáo dân Đông Vinh phải xuống tận Giáo xứ Lệ Sơn để dự lễ Chúa Nhật, lễ trọng. Sau này khi có Giáo xứ Thạch Nham thì Đông Vinh trở thành một Giáo họ của Thạch Nham.

Đầu tháng 9 năm 2010, ĐGM Giáo phận Đà Nẵng, Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri, đã bổ nhiệm Linh mục Jos.M. Đỗ Xuân Hướng, phó xứ Thạch Nham, về làm quản nhiệm ( chuẩn Cha sở ) tiên khởi Giáo họ Đông Vinh. Đến lễ Giáng Sinh năm 2010, Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri đã chính thức trao thẩm quyền quản nhiệm Giáo họ biệp lập Đông Vinh, được tách ra từ giáo xứ Thạch Nham, cho Cha Giuse Đỗ Xuân Hướng. Đông Vinh là một Giáo họ miền núi rừng, xa xôi, hẻo lánh, nghèo nàn, không có bất cứ một cơ sở vật chất nào, nhà thờ tạm bợ bé nhỏ, không nhà xứ, không nơi sinh hoạt … giáo dân lại quá khó nghèo, cuộc sống nương rẫy, trồng trọt, chăn nuôi, cũng chỉ đắp đỗi qua ngày. Tuy nhiên Giáo họ Đông Vinh là một Giáo họ đầy hứa hẹn, vì cánh đồng truyền giáo rất bao la, hai huyện giáp ranh là Đông Giang và Tây Giang thuộc tỉnh Quảng Nam là vùng toàn lương dân, và dân tộc Cà Tu.

Đến năm 2013, kỷ niệm 50 năm thành lập Giáo phận Đà Nẵng, Đức cha Châu Ngọc Tri, Giám mục Giáo phận Đà Nẵng đã nâng những giáo họ biệt lập lên thành giáo xứ để cho giáo phận có đủ 50 giáo xứ, nên giáo họ biệt lập Đông Vinh cũng được nâng thành giáo xứ Đông Vinh, và cha quản nhiệm Giuse Đỗ Xuân Hướng cũng được nâng lên là quản xứ tiên khởi của giáo xứ Đông Vinh.

Kể từ đó Cha Giuse Đỗ Xuân Hướng tìm mọi cách để mở rộng nước Chúa.

Trước hết, Cha thấy con chiên phải lặn lội trên 20 cây số để về Đông Vinh dự lễ, nhất là những ngày mưa gió, với cung đường núi rừng dốc dác, quanh co, thật là khổ sở và hiểm nguy. Từ đó Cha Hướng cố công vượt qua những khó khăn vất vã để đến tận nơi cử hành thánh lễ cho anh chị em. Ban đầu thật gian nan khốn khổ, phải mượn tạm nhà giáo dân để cử hành thánh lễ chui một cách âm thầm lén lút. Giáo dân đi lễ phải cất hết giày dép không để ngoài cửa vì sợ người ta thấy tập trung đông người. Nhưng rồi cũng không sao lén lút mãi được, nên bị địa phương cấm cách. Cha Đỗ Xuân Hướng phải tìm mọi cách để duy trì thánh lễ tại nơi đây cho anh chị em đỡ vất vã và mất công về tận Đông Vinh dự lễ. Với ơn Chúa, đần dần cha cũng đã minh chứng cho chính quyền biết rằng đạo Chúa sẽ đem lại cho con người cuộc sống tốt lành hơn, cho xã hội an vui hơn, nên chính quyền sở tại cũng hiểu ra và không còn gây khó dễ nữa. Từ đó cha chạy vạy để có thể mua một vài ngôi nhà tư nhân để làm nơi cầu nguyện cho cộng đoàn. Tất cả là hồng ân, hiện nay giáo điểm truyền giáo Trung Mang đã có một ngôi nhà nguyện tuy nhỏ nhưng cũng khang trang đầy đủ, bên cạnh đó là ngôi nhà xứ năm gian toàn bằng gỗ kiền khiền làm nơi hội họp, học hỏi giáo lý, tiếp đón khách tham quan; Nhưng cái được lớn nhất là hiện nay là chính quyền đã công nhận giáo điểm Trung Mang là nơi thờ tự của Giáo hội.…Với cái nhìn đầy lạc quan của cha quản xứ Đông Vinh, ngài nói: Hiện nay khu vực Trung Mang này có đến 5000 mét vuông đất, đủ để xây dựng nhà thờ, nhà xứ, và các công trình phụ trợ, nhưng chưa có tài chánh. Giáo điểm truyền giáo Trung Mang hiện đã có đầy đủ cơ cấu tổ chức; Có ban hành giáo, có ca đoàn, có ban lễ sinh, có ban phụng vụ… Giáo đân hiện nay đã lên gần 100 tín hữu. Đặc biệt tinh thần phục vụ nhà Chúa của giáo dân rất cao, lòng đạo đức cũng tuyệt vời. Cha quản xứ và cha phó xứ Đông Vinh cứ thay phiên nhau lên ở tại đây để làm công tác mục vụ và dâng Thánh lễ hằng ngày cho giáo dân. Chúng tôi thấy thánh lễ thường ngày mà có đến 30 % giáo dân tham dự, đó là một tín hiệu đáng mừng. Với nhiệt huyết truyền giáo của Cha quản xứ Đông Vinh, Giuse Đỗ Xuân Hướng, với lòng đạo đức và tinh thần phục vụ rất cao của anh chị em giáo dân, tôi tin chắc rằng Giáo điểm truyền giáo Trung Mang sẽ ngày càng thăng tiến, càng đem Tin Mừng đến cho nhiều anh chị em lương dân chung quanh. Để Trung Mang sớm “lớn lên” chúng tôi thấy cần phải có sự quan tâm giúp đỡ của Đấng Bản quyền, của mọi người trong Giáo phận, để đem lại cho Trung Mang diện mạo mới, sức sống mới hầu đem nhiều linh hồn về với Chúa.

Giáo điểm Trung Mang ngày mồng 8 tết Kỷ Hợi – 2019

Duy Trà Phạm Cảnh Đáng

.
 
Thông Báo
Cáo phó : Thân phụ Lm Trần Ngọc Hoan, Lm Trần Huy Huế, Nữ Tu Trần Thị Kim Hứa qua đời
Tang Gia kính báo
09:51 16/02/2019

ÔNG CỐ GIOAN BAOTIXITA TRẦN NGỌC HÂN

ÔNG CỐ GIOAN BAOTIXITA TRẦN NGỌC HÂN, là Thân phụ của QUÝ CHA :

- Linh Mục ÂN ĐỨC TRẦN NGỌC HOAN, Dòng Xitô Thiên Phước, Vũng Tàu

- Linh Mục PHANXICÔ SALÊSIÔ TRẦN HUY HUỀ, Dòng Xitô Phước Vĩnh, Trà Vinh

- NỮ TU TÊRÊSA HĐGS TRẦN THỊ KIM HỨA, Dòng Đức Maria Nữ Vương Hòa Bình, Nhà Lưu trú Hòa Bình.

Là ÔNG NGOẠI CỦA

- Linh Mục GB TRẦN VINH, Quản xứ Thuận Phúc, Hạt Chính Tòa, Giáo Phận Ban Mê Thuột

Là ÔNG NỘI CỦA QUÝ NỮ TU

- MONICA TRẦN NGỌC THIÊN ĐÀI, Dòng MTG Chợ Quán, TGP Saigòn

- TÊRÊSA AVILA TRẦN NGỌC MINH SA, Dòng Đaminh Rosa Lima, TGP Saigòn.

Ông cố Gioan Baotixia, nguyên là Ủy viên đặc trách Công Giáo Tiến hành, trong Ban Thường Vụ Hội Đồng Giáo Xứ Châu Sơn, NK 1972–1976.

Thánh lễ được cử hành tại Thánh đường Gx.Châu Sơn- Ban Mê Thuột vào lúc 4g30 sáng ngày thứ hai 18/02/2019
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Cổ Thành Huế
Nguyễn Trung Tây
09:37 16/02/2019
CỔ THÀNH HUẾ
Ảnh của Nguyễn Trung Tây Lm. (SVD)

Thành cổ rêu phong từ mấy độ
Chuông chùa vọng mãi tiếng ngàn xưa
(Trích thơ của Tâm An)