Ngày 12-02-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thứ Tư Lễ Tro ABC
Lm Đan Vinh
06:38 12/02/2018
Ge 2,12-18 ; 2Cr 5,20-6,2 ; Mt 6,1-6,16-18

LÀM VIỆC LÀNH, CẦU NGUYỆN VÀ ĂN CHAY VỚI SỰ KHIÊM HẠ

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mt 6,1-6,16-18

(1) Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời ban thưởng. (2) Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. (3) Còn anh khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, (4) để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh. (5) Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: Chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: Chúng đã được phần thưởng rồi. (6) Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh. (16) Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: Chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. (17) Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, (18) để không ai thấy là anh ăn chay, ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh.

2. Ý CHÍNH:

Sau khi trình bày về sự công chính mới trong việc tuân giữ các giới răn, Đức Giê-su đề cập tới một nền đạo đức mới là phải làm các việc lành thế nào cho phù hợp với tinh thần mới của Người. Điều cốt yếu khi làm các việc đạo đức là phải khiêm tốn và theo thánh ý Chúa Cha: Tránh làm các việc đạo đức như cầu nguyện để được người ta ca tụng; Tránh khua chiêng đánh trống khi bố thí để tìm tiếng khen nơi người đời; Tránh làm bộ mặt rầu rĩ khi ăn chay để mong được thiên hạ nể phục.

3. CHÚ THÍCH:

- C 1-2: + Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng. Chớ có phô trương cho thiên hạ thấy: Đức Giê-su đòi hỏi các môn đệ của Người phải tránh thói đạo đức giả hình của các người Pha-ri-sêu (Biệt Phái), là những kẻ “nói mà không làm”, “làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy” (x Mt 23,3.5). + Bố thí: Thời Đức Giê-su, bố thí là việc công chính bậc nhất (x Hc 7,10). Hình như người ta ưa làm việc bố thí công khai, nên dễ đưa tới sự phô trương bề ngoài để được người khác ca tụng. + Đừng có khua chiêng đánh trống: Rất có thể những người Pha-ri-sêu thời bấy giờ dùng chiêng trống để loan báo cho người ăn xin nghèo khó tập trung lại nhận quà. Tuy nhiên, không thấy bản văn nào nói đến việc này. Do đó, ta có thể coi đây chỉ là một ví dụ có tính phóng đại để làm nổi bật đòi hỏi tinh thần khiêm tốn, mà Đức Giê-su muốn các môn đệ của Người phải có, khi làm các việc đạo đức. + Chúng đã được phần thưởng rồi: Lời khen của người đời chính là phần thưởng dành cho những ai làm việc bố thí chỉ nhằm mục đích tự nhiên. Do đó, họ sẽ không được hưởng công phúc thiêng liêng trước mặt Chúa Cha trên trời.
- C 3-4: + Đừng “cho tay trái biết việc tay phải làm”: Là một kiểu nói có nghĩa là phải giữ kín, đừng nói cho người khác biết việc mình đang làm. Người môn đệ Đức Giê-su cần tránh cho mọi người biết việc bố thí của mình, nên phải thực hiện trong sự âm thầm khiêm tốn.
- C 5-6: + Cầu nguyện: Chính Đức Giê-su đã làm gương và dạy các môn đệ về sự cầu nguyện (x. Mt 14,23). Theo các huấn thị của Người rải rác trong các Tin Mừng thì lời cầu nguyện phải như sau: Phải cầu nguyện cách khiêm tốn trước mặt Thiên Chúa (x Lc 18,10-14) và người đời (x Mt 6,5-6); Phải chân thành, phát xuất tự đáy lòng (x Mt 6,7); Phải tin tưởng vào lòng nhân từ của Chúa Cha (x Mt 6,8; 7,7-11) và kiên trì nài xin (x Lc 11,5-8; 18,1-8). Lời cầu nguyện sẽ chỉ được Chúa chấp nhận khi cầu nguyện với lòng tin (x Mt 21,22); Khi cầu nguyện nhân danh Đức Giê-su (x. Mt 18,19-20); và khi xin Chúa ban những điều tốt lành (x Mt 7,11). + Chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư cho người ta thấy: Ở đây Đức Giê-su không đả kích việc cầu nguyện công khai và có tính cộng đồng (x Mt 18,19-20), nhưng Người chỉ muốn tránh ý đồ phô trương công đức để được ca tụng. + Hãy vào phòng đóng cửa lại mà cầu nguyện cùng Cha của anh: Đức Giê-su gợi lại cách thức của ngôn sứ Ê-li-a khi ông cầu nguyện để làm cho đứa bé mới chết được sống lại (x 2 V 4,33). Cách thức cầu nguyện kín đáo này trái với cách phô trương của những kẻ giả hình. Cầu nguyện là gặp gỡ Thiên Chúa. “Vào phòng” là hồi tâm, đặt mình trước sự hiện diện của Thiên Chúa nhờ đức tin. Thiếu điều này sẽ không còn là sự cầu nguyện đích thực nữa.
- C 16-18: + Ăn chay: Đã từ rất lâu, dân Ít-ra-en có tục lệ ăn chay mỗi khi có tang chế (x 2 Sm 3,35), khi cầu xin Chúa một ơn đặc biệt (2 Sm 12,16). Ăn chay theo luật Mô-sê là nhịn ăn uống vào lúc ban ngày. Sự nhịn ăn uống này sẽ kéo dài trong một thời gian lâu hay mau tùy trường hợp. Trong thời gian ăn chay, người ta sẽ không tắm rửa, để râu tóc mọc dài, và mặc một loại quần áo vải thô đặc biệt. Thời Đức Giê-su, dân Do Thái chỉ buộc phải ăn chay trong lễ Xá Tội vào mùng mười tháng Bảy, tức khoảng cuối tháng Chín dương lịch (x. Lv 16,29-31; Cv 27,9), trong ngày kỷ niệm Đền thờ bị tàn phá và những lúc gặp thiên tai. Riêng người Pha-ri-sêu còn tự nguyện ăn chay mỗi tuần hai lần (x. Lc 18,12), nhưng việc chay tịnh chỉ mang tính bề ngoài nhằm phô trương (x Mc 2,18), nên Đức Giê-su đã không chấp nhận sự khổ chế này của họ (x Mc 2,19-20). + Còn anh, khi ăn chay…: Đức Giê-su muốn cho các môn đệ của Người phải ăn chay trong sự kín đáo khiêm tốn: thay vì rắc tro lên mặt, để râu tóc bù xù, quần áo dơ bẩn… thì họ phải rửa mặt, chải dầu thơm giống như họ vẫn thường làm mỗi khi đi ra đường để người khác không biết họ đang ăn chay.

4. HỎI ĐÁP:

- HỎI : 1) Khi nói: “Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh” (c. 4b.6b.18b), phải chăng Đức Giê-su cổ võ một thứ luân lý vụ lợi: Cho đi để được nhận lại ?
2) Muốn có giá trị trước mặt Thiên Chúa và đón nhận được nhiều ơn lành Chúa ban, thì trong Mùa Chay này chúng ta cần tránh và cần làm những công việc gì ? 3) Nguồn gốc và ý nghĩa của nghi thức xức tro trong ngày lễ Tro ra sao ?

- ĐÁP:
1) Đức Giê-su không dạy chúng ta tìm lợi ích cho bản thân mình khi làm việc thiện để được Chúa trả công. Vì nếu như vậy thì Người đã hứa ban thưởng cho họ những gì thuộc về thế gian như tiền bạc, sức khỏe, thành công… Nhưng ở đây Người không nói rõ họ sẽ được Chúa Cha ban cho phần thưởng gì. Nơi nhiều đoạn khác, phần thưởng được hứa hầu như luôn là Nước Trời hay một trong những hoa trái thiêng liêng của nó là sự sống muôn đời (x. Mt 25,46; Mc 10,30). Các môn đệ sẽ được tham dự vào quyền bá chủ của Người (x. Lc 22,28-29), được xét xử mười hai chi tộc Ít-ra-en trong ngày tận thế (x. Mt 19,28). Như vậy, phần thưởng Đức Giê-su hứa cho những kẻ làm việc lành đều qui hướng về mầu nhiệm Cánh Chung sau này, và được Chúa ban cho không, không do việc làm của họ đáng được thưởng, mà chỉ vì tình thương và lòng nhân hậu vô biên của Người mà thôi (Dụ ngôn đầy tớ vô dụng: Lc 17,7-10). Hơn nữa, phần thưởng ở đây còn là chính Thiên Chúa. Những ai làm việc thiện trước mặt Thiên Chúa, với ý hướng làm vui lòng Ngài và nhằm tôn vinh Ngài, thì sẽ được gặp gỡ Ngài, được nhìn thấy nhan Ngài và sẽ được hưởng hạnh phúc đời đời.

2) Muốn cho việc ăn chay có giá trị trước mặt Thiên Chúa, thì cần tránh cách ăn chay hình thức bề ngoài như dân Do thái đã bị Đức Chúa quở trách. Nhưng để xứng đáng được Chúa chấp nhận, việc ăn chay phải kèm theo các việc lành như I-sai-a tuyên sấm: “Này, ngày ăn chay, các ngươi vẫn lo kiếm lợi, vẫn áp bức mọi kẻ làm công cho mình. Này, các ngươi ăn chay để mà đôi co cãi vã, để nắm tay đánh đấm thật bạo tàn…”. Nào, cách ăn chay mà Đức Chúa ưa thích chẳng phải thế này đó sao: “Mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm… Chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ. Thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục”. Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, vết thương ngươi sẽ mau lành. Đức công chính ngươi sẽ mở đường phía trước, vinh quang Đức Chúa bao bọc phía sau ngươi. Bấy giờ ngươi kêu lên Đức Chúa sẽ nhận lời, ngươi cầu cứu Người liền đáp: “Có Ta đây!” (Is 58,6b-9a).

3) Về nguồn gốc và ý nghĩa của nghi thức xức tro: Lễ nghi xức tro đã thay đổi như sau: những ai phạm tội nặng công khai, như chối bỏ đức tin, giết người, ngoại tình… sẽ bị loại trừ ra khỏi cộng đoàn. Để được hòa nhập trở lại, họ phải thi hành việc sám hối công khai trong Mùa Chay như sau:

- Đầu tiên vào Thứ Tư trước Chúa Nhật I Mùa Chay, các tội nhân công khai sẽ phải tập trung trong nhà thờ chính toà. Sau khi mỗi tội nhân lần lượt công khai xưng thú các tội đã phạm, Đức Giám Mục sẽ trao cho họ một chiếc áo nhặm để mặc vào và rắc một ít tro trên đầu họ. Sau đó họ sẽ từ nhà thờ đi đến một tu viện để có giờ hồi tâm sám hối. Đến sáng Thứ Năm Tuần thánh, họ sẽ lại đến nhà thờ chính toà. Sau khi xem xét thái độ sám hối của hối nhân trong Mùa Chay, Đức Giám Mục sẽ ban phép xá giải các tội lỗi cho họ và giao hoà họ lại với cộng đoàn. Từ dây, họ sẽ được tham dự vào các buổi cử hành bí tích.

- Khi xức tro trên đầu hối nhân, chủ sự sẽ đọc một trong hai câu: “Là thân cát bụi sẽ trở về với cát bụi” (St 3,19); hoặc: “Hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Các Thừa Tác Viên không có chức thánh cần phải được chuẩn bị nghi thức và học thuộc các câu nói trên.

- Tro dùng trong phụng tự từ thời Cựu Ước để biểu tượng cho u buồn, cái chết và sự thống hối. Mordecai đã mặc áo vải thô và xức tro khi nghe chiếu chỉ tru diệt dân Do Thái (x. Et 4,1). Ông Gióp cũng mặc áo vải thô và xức tro khi sám hối (x. G 42, 6). Dân thành Ninivê ăn chay, mặc áo nhặm, ngồi trên đống tro (x. Gn 3, 5-6) khi Giona rao giảng về sự thống hối và hoán cải.
Chúa Giêsu nói về sự cần thiết cho một số người tội lỗi để làm việc đền tội, là mang áo nhặm và xức tro (x. Mt 11, 21). Từ thế kỷ thứ hai, Giáo Hội đã dùng tro trong nghi thức Sám Hối. Nhiều Giáo Phụ nhắc đến việc thực hành này.

Lòng sám hối sẽ thúc bách các tín hữu dấn thân sống Tin Mừng, bằng việc từ bỏ mọi xa hoa không cần thiết và thể hiện tình liên đới với người đau khổ.

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Khi bố thí đừng cho tay trái biết việc tay phải làm” (Mt 6,3).

2. CÂU CHUYỆN:

1) CẦU NGUYỆN LÀ LẮNG NGHE LỜI CHÚA:

Một cụ già có thói quen ngồi bất động hằng giờ ở cuối nhà thờ. Một ngày nọ, cha xứ hỏi cụ là Chúa đã nói gì với cụ. Cụ trả lời :
- Thưa cha, Chúa chẳng nói gì cả, Ngài chỉ nghe con nói.
- Vậy à ? Thế thì cụ nói gì với Chúa ?
- Dạ, con cũng chẳng nói gì, con chỉ nghe Chúa !
Thực ra, đỉnh cao của cầu nguyện là sự hoàn toàn kết hợp với Chúa, lúc đó không còn ai nói ai nghe mà chỉ có sự im lặng, để con tim nói với nhau. Chúng ta có thể nói đây là một sự thinh lặng hùng biện, không nói gì mà lại nói rất nhiều. Vì thế cầu nguyện có 4 mức độ :
a) Ta nói và Chúa nghe.- b) Chúa nói và ta nghe.- c) Không ai nói nhưng cả hai cùng nghe.- d) Không có nói mà cũng chẳng có ai nghe.
Ngoài ra chúng ta còn thực hành lời Chúa: “Anh em hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ” (Lc 22,40). Làm sao chúng ta có thể luôn cầu nguyện khi chúng ta có trăm công nghìn việc phải làm? Hãy biến mọi công việc ta làm trở thành lời cầu nguyện. Hãy cùng làm việc với Chúa, làm vì lòng mến Chúa và phục vụ Chúa đang hiện thân nơi những người nghèo khổ chung quanh chúng ta. Qua đó những việc chúng ta làm và những lời chúng ta nói đều vì Chúa, trong Chúa, với Chúa và để cứu rỗi các linh hồn… như thánh nữ Tê-rê-sa Hài Đồng đã nêu gương cho chúng ta.

2) CHỖ NÀO TRONG NHÀ THỜ LOÀI CHUỘT ÍT BỊ QUẤY RẦY NHẤT ?

Có một con chuột cống sống trong một ngôi nhà thờ cổ ở miền quê nước Pháp. Một hôm khi đi lang thang trong nhà thờ kiếm cái gì ăn cho đỡ đói, bỗng nó gặp một con chuột khác cũng đang đi tìm thức ăn. Hai con chuột làm quen và hỏi thăm về chỗ ở của nhau. Con thứ nhất tâm sự: “Tớ đang sống chui rúc dưới gầm tòa giải tội trong nhà thờ này, nhưng chẳng mấy khi được yên thân. Vì lúc nào cũng có người đến xưng tội làm mất giấc ngủ của tớ !”. Nghe vậy, chuột thứ hai cảm thông với bạn nên đề nghị: “Vậy thì bạn hãy dọn đến ở chung với tớ. Chỗ tớ đang ở vừa ấm áp sạch sẽ, lại vừa yên tĩnh và ít bị quấy rầy !” Chuột thứ nhất ngạc nhiên nói: “Có một chỗ ở lý tưởng như thế trong nhà thờ này thật ư ? Hãy cho tớ biết là chỗ nào vậy ?”. Chuột thứ hai đáp: “Đó là thùng quyên góp giúp đỡ người nghèo đặt ở cuối nhà thờ này đấy !”.

3) BÁC ÁI YÊU THƯƠNG THA NHÂN LÀ CÁCH ĂN CHAY ĐẸP LÒNG CHÚA NHẤT:

Một vị ẩn tu sống đơn độc trên ngọn núi cao. Ngày đêm ông ăn chay cầu nguyện. Ông ăn chay rất nghiêm ngặt và cầu nguyện rất tha thiết. Ðể thưởng công, Chúa cho xuất hiện một ngôi sao trên đầu núi. Khi nào ông ít ăn chay và không cầu nguyện thì ngôi sao bị lu mờ đi. Khi ông gia tăng ăn chay cầu nguyện thì ngôi sao lại rực sáng lên.
Một hôm ông muốn leo lên đỉnh cao nhất của ngọn núi. Khi ông chuẩn bị lên đường thì một bé gái trong làng đến thăm và ngỏ ý muốn đi cùng với ông lên núi. Thày trò hăng hái lên đường. Đường càng lên cao thì càng dốc và khó đi. Mặt trời mỗi lúc càng nắng gắt. Hai thày trò đều bị ướt đẫm mồ hôi và bị khát nước, nhưng theo luật giữ chay nghiêm ngặt nên thầy trò đều không dám uống nước. Vị ẩn tu không dám uống vì sợ phá chay mất hết công phúc trước mặt Chúa. Nhưng khi thấy em bé mỗi lúc bị mệt thêm, vị ẩn tu thương hại em nên mở chai nước ra uống. Lúc ấy em bé mới dám mở chai nước mang theo ra uống. Uống nước xong, em cảm thấy khỏe hơn và mỉm cười rất tươi như bày tỏ lòng biết ơn thày. Thày ẩn tu ngước mắt nhìn lên ngôi sao trên đỉnh núi vì sợ ngôi sao kia biến mất vì hành động không hãm mình vừa qua. Nhưng lạ thay, trên đầu núi thày thấy không phải một mà có đến hai ngôi sao sáng xuất hiện. Thì ra, để thưởng công lòng bác ái yêu thương tha nhân của thày, Chúa đã cho xuất hiện thêm một ngôi sao nữa.

4) TÁC HẠI CỦA RƯỢU TRÊN CON NGƯỜI :

Trong kho tàng chuyện cổ nước Pháp có câu chuyện về tác hại của rượu trên con người như sau:
Khi ông Nô-e trồng nho, Sa-tan lấy làm lạ nên tiến lại gần hỏi:
– Ông đang trồng gì thế?
– Cây nho.
– Nó có lợi gì không?
– Có chứ. Trái nó vừa đẹp mắt, vừa ngon miệng. Từ trái nho, ta còn có thể làm ra rượu giúp lòng người hưng phấn nữa.
– Vậy thì để tôi giúp ông.
Sa-tan mới giết một con chiên, một con sư tử, một con lừa và một con heo. Sa-tan lấy máu của chúng tưới vào gốc cây nho. Thế là cây nho lớn rất nhanh. Ông Nô-e lấy trái nho làm rượu.
Từ đó trở đi người ta uống một chút rượu vào thì sẽ vui vẻ và dễ thương như con chiên; uống thêm chút nữa thì trở nên mạnh bạo như con sư tử; Nếu uống thêm ly nữa thì sẽ hóa ra ngu dốt như con lừa; Nếu lại uống thêm nữa thì… sẽ tìm hưởng lạc thú bất chính như con heo vậy. Giữ chay sẽ giúp người ta biết lúc nào phải dừng lại. Một người có bản lãnh, sẽ có khả năng làm chủ mình là người biết dừng lại đúng lúc.

3. SUY NIỆM:

1) YÊU THƯƠNG LÀ CHO ĐI:

Cho nhiều là dấu hiệu yêu nhiều. Thánh Phao-lô đã khuyên các kỳ mục ở Ê-phê-xô như sau: “Và phải nhớ lại lời Chúa Giê-su đã dạy: Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35). Thánh Gia-cô-bê dạy các tín hữu phải có một đức tin hành động như sau: “Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hàng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: “Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no”, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích gì ?” (Gc 2,15-16).

2) HÃY BỐ THÍ CHIA SẺ CƠM ÁO CHO THA NHÂN:

Việc đạo đức chúng ta cần quan tâm thực hiện trong Mùa Chay này là sự bố thí chia sẻ « cơm áo gạo tiền » cho những kẻ nghèo đói bệnh tật. Việc bố thí này tuy khó thực hiện, nhưng sẽ mang lại nhiều hữu ích cho tâm hồn ta:
- Khó thực hiện vì “Đồng tiền liền khúc ruột”: Chỉ những người quảng đại mới thực hiện được tốt công việc bác ái chia sẻ này.
- Việc bố thí giúp ta sử dụng đồng tiền Chúa ban theo ý Chúa muốn: Ý thức được giá trị tương đối của tiền bạc ; Biết dùng tiền để làm vinh danh Chúa và cứu rỗi các linh hồn ; Giúp ta biết từ bỏ của cải vật chất để có thể thuộc về Chúa trọn vẹn như lời Đức Giê-su khuyên thanh niên giàu có muốn nên hoàn thiện: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà chia sẻ cho người nghèo, để sẽ có được một kho báu trên trời, rồi hãy đến đây theo tôi” (Mc 10,21).
- Bố thí còn là cách đền tội hữu hiệu: Sứ thần Ra-pha-en đã khuyên bảo hai cha con Tô-bi-a như sau: “Bố thí đi đôi với đời sống công chính, thì tốt hơn có của mà cư xử bất công. Làm phúc bố thí thì tốt hơn có nhiều vàng bạc. Việc bố thí cứu người ta khỏi chết và tẩy sạch mọi tội lỗi. Những người làm phúc bố thí chắc sẽ được sống lâu” (Tb 12,8-9).

3) CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ? :

Trong Mùa Chay, ngoài việc chăm chỉ dự lễ đọc kinh tại nhà thờ, chúng ta cần tham dự các buổi tĩnh tâm và hồi tâm xét mình Mùa Chay để khám phá ra mình mang mối tội đầu hoặc thói hư nào nơi bản thân để tu sửa và sửa bằng cách nào ?
- Việc đạo đức: Ngoài việc năng dự lễ và rước lễ hằng ngày, chúng ta nên làm thêm vài ba việc hãm mình hay việc bác ái để đền tội, quyết tâm sửa một thói hư như: Chửi thề tục tĩu, lười biếng đọc kinh tối gia đình, hay uống rượu say xỉn, dự lễ Chúa Nhật trễ, xem phim ảnh xấu…
- Hãy dốc lòng làm một việc tốt đối lập với thói xấu, và nói một lời nguyệt tắt như: “Lạy Chúa, xin ban ơn Thánh Thần giúp con chừa bỏ được thói hay nói xấu kẻ con không ưa, bằng cách kể ra một điều tốt của họ với người khác, để mỗi ngày con được nên giống Chúa hơn”.- Năng đấm ngực mình với lời cầu xin Chúa ban ơn thứ tha mọi tội lỗi.

5. LỜI CẦU:

- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Cùng với toàn thể Hội Thánh, con bắt đầu bước vào Mùa Chay. Con xin tạ ơn Chúa đã ban cho con một thời gian thuận lợi để có dịp duyệt xét lại đời con, hầu phát huy điều tốt và chấn chỉnh các sai lỗi thiếu sót nơi bản thân mình. Xin chiếu dọi ánh sáng Lời Chúa để con nhận ra con người yếu hèn của con. Nhất là xin đổ Thần Khí Chúa nâng đỡ con. Chỉ nhờ ơn Chúa giúp, con mới có thể trỗi dậy và quyết tâm trở về làm hòa với Chúa sau mỗi lần vấp ngã.

- LẠY CHÚA. Trong cuộc sống hằng ngày, con thường tỏ ra ích kỷ, khép kín cửa lòng trước tha nhân. Đôi lúc con cũng làm được một vài việc tốt, nhưng con lại muốn được nhiều người biết đến và khen ngợi con. Hôm nay xin Chúa giúp con biết ăn ở khiêm tốn theo lời Chúa dạy: “Đừng cho tay trái biết việc tay phải làm”, để những việc con làm sẽ vui lòng Chúa và xứng đáng được Chúa ban thưởng hạnh phúc Nước Trời đời sau.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.





 
Hãy hồi tâm đổi mới
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
06:46 12/02/2018
Chúa Nhật 1 Mùa Chay B
Mc 1, 12 – 15

Mùa chay mời gọi chúng ta hồi tâm, sám hối, đổi mới để trở về với Chúa. Mùa chay cũng nhắc nhở chúng ta ý thức, tỉnh thức trước những thử thách, những cám dỗ, cạm bẫy đang bủa vây xung quanh chúng ta. Do đó, Chúa luôn cảnh tỉnh chúng ta hãy sáng suốt, hãy tỉnh thức để biết phân định đâu là cám dỗ, đâu là cạm bẫy, đâu là những gì phải chọn lựa để đi theo đúng đường lối củả Chúa.

Thánh Máccô thuật lại cho chúng ta về câu chuyện Chúa Giêsu vào sa mạc ăn chay, cầu nguyện bốn mươi đêm ngày để chuẩn bị sứ vụ công khai của Ngài. Trong hoang địa, Chúa Giêsu đã chìm đắm trong chay tịnh, cầu nguyện thân mật với Thiên Chúa Cha. Ngài sống hòa hợp với mọi loài dã thú, mọi loài thọ tạo và với các thiên thần. Nơi sa mạc, Chúa Giêsu đã tỏ cho nhân loại, cho chúng ta biết thời kỳ đã mãn và Thiện Chúa đã tới gần. Nên, Ngài mời gọi tất cả chúng ta hãy vứt bỏ những gì là cồng kềnh, những gì là quá khổ để bước vào con đường hẹp. Những cồng kềng, quá khổ là những điều tiêu cực, ham mê tiền tài, danh vọng, địa vị, thú vui xác thịt. Ngài nói rằng đó là những cạm bẫy, những cám dỗ và là tội lỗi làm ngăn cản con người đến với Chúa. Ngài tỉnh thức con người hãy hồi tâm, thay đổi lối sống, đổi mới tư duy, lối nhìn và hành động tốt, hãy làm nhưng việc tỏa sáng. Ngài truyền cho chúng ta tin, chứ đừng cứng lòng vì Nước Thiên Chúa đã tới gần.

Vâng, ngày nay văn minh đã vượt bực, con người đang gặp phải những cạm bẫy nghiêm trọng, những cám dỗ ghê gớm. Một thế giới văn minh nhưng vì quá văn minh, nên con người sống xa Thiên Chúa. Một thế giới có nhiều những tiện nghi vật chất, con người tìm kiếm hưởng thụ, sống ích kỷ và ham hố lợi danh. Chủ nghĩa cá nhân thống trị. Con người tìm kiếm lạc thú trong những tiêu khiển vô vọng. Con người đòi hỏi xác thịt với những cám dỗ thân xác mời mọc, những khêu gợi, kích thích giác quan vv…Tội lỗi càng chồng chất, Chúa mời gọi chúng ta, mời gọi con người luôn phải cảnh giác trước những cạm bẫy giăng mắc tràn đầy.

Đức Giêsu theo Tin Mừng hôm nay trình bầy đã phải đối phó liên tục với những cám dỗ ma quỷ giăng ra trong suốt bốn mươi đêm ngày :” Người ở trong sa mạc bốn mươi đêm ngày chịu ma quỷ cám dỗ “ ( Mc 1, 13 ). Việc ma quỷ, satan cám dỗ không phải chỉ một lần là chấm dứt, là xong, nhưng ma quỷ giăng bẫy, cám dỗ liên tục con người, cám dỗ triền miên cả một kiếp người, cả một đời người.

Ngày hôm nay, tiếng Chúa vẫn vang lên và lời kêu gọi của Gioan Tẩy Giả:” Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng “ luôn có giá trị. Tin vào Thiên Chúa dù cuộc đời có là cạm bẫy, thử thách, chông giai. Tin vào Chúa, nương tựa vào Chúa là đủ như lời thánh Phaolô nói:” Tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi”. Hoặc như lời Chúa phán :” Ơn của Ta là đủ cho ngươi rồi”. Xung quanh chúng ta, xung quanh con người có biết bao thử thách, cám dỗ của ma quỷ, nếu con người và tất cả chúng ta không đủ can đảm, tỉnh thức và tin tưởng mãnh liệt vào Chúa, chúng ta sẽ dễ rơi vào sa ngã…Con người phải dám hồi tâm, quay về như Phêrô đã chối Chúa ba lần, nhưng thánh nhân đã khiêm tốn, can đảm quay về vì tin Thiên Chúa sẽ tha thứ cho Ngài…Như Phaolô cũng đã hồi tâm, quay về và can đảm hỏi :” Ngài là ai ?”. Có khiêm tốn và dám can đảm quay về với Chúa, chắc chắn, Ngài sẽ tha thứ và đưa tay ôm như người con hoang đàng quay về…Hãy tin tưởng vào Lòng Thương Xót và thứ tha của Thiên Chúa. Can đảm đứng dậy chứ đừng ngồi lì trong tội lỗi, trong tật xấu vv…

Chúng ta hãy nhớ dù sống trong xa hoa, giầu sang phú quý nhưng xa vắng Thiên Chúa, tất cả đều vô ích vì chỉ duy nhất Thiên Chúa mới cứu độ, mới giải thoát và ban hạnh phúc cho con người…

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con ơn biết hối cải để chúng con luôn biết quay về với Chúa vì chỉ có Chúa mới ban ơn cứu rỗi cho chúng con.Amen.

Gợi ý để chia sẻ :

1.Tại sao Chúa lại bị satan cám dỗ ?
2.Ma quỷ chỉ cám dỗ một lần là buông tha con người phải không?
3.Ơn sám hối là gì ?
4.Chúng ta có cần hồi tâm, sám hối không ?
5.Ơn cứu độ là gì ?
 
Suy Niệm Thứ Tư Lễ Tro - Năm 2018
Lm. Anthony Trung Thành
10:31 12/02/2018
Suy Niệm Thứ Tư Lễ Tro - Năm 2018

Lời Chúa ngày Thứ Tư Lễ Tro hôm nay nhắc nhở chúng ta về ba nhiệm vụ chính của Mùa Chay, đó là: ăn chay, cầu nguyện và làm phúc bố thí.

1. Ăn chay: Giáo hội chỉ buộc các kitô hữu từ 18 tuổi trọn đến bắt đầu tuổi 60 giữ chay 2 ngày trong năm, đó là Thứ Tư lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh. Cách thức ăn chay: Ăn một bữa no, còn hai bữa khác chỉ ăn một chút. Thông thường chúng ta lấy bữa trưa làm bữa ăn chính (ăn no), bữa sáng nhịn hoặc ăn một chút gọi là lót lòng, còn bữa tối ăn 1/3 phần ăn chính. Ngoài các bữa ăn trên, trong ngày giữ chay chỉ được dùng thức uống lỏng như nước, trà…chứ không được dùng thức ăn đặc. Giáo hội còn khuyến khích các kitô hữu ăn chay mỗi khi có thể hoặc để cầu nguyện cho một ý nguyên nào đó. Chẳng hạn, ngày 23/03 sắp tới, Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi tất cả các tín hữu ăn chay để cầu nguyện cho Hòa bình. Ngoài ra, người kitô hữu cũng được mời gọi giữ chay theo các cách thức khác như: Giữ chay thánh thể trước khi rước lễ; giữ chay tự nhiên như kiêng ăn kiêng uống; giữ chay luân lý như hãm bớt những vui thú.

Khi giữ chay, người kitô hữu không chỉ giữ luật mà còn đem lại nhiều lợi ích khác. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói: “Việc chay tịnh giải tỏa bạo lực của chúng ta, và là cơ hội quan trọng để tăng trưởng. Một đàng chay tịnh cũng giúp chúng ta cảm nghiệm điều mà nhiều người khác đang thiếu thốn, thiếu những điều cần thiết và bị đói. Chay tịnh biểu lộ tình trạng tinh thần của chúng ta, đang đói khát lòng từ nhân và sự sống của Thiên Chúa. Chay tịnh thức tỉnh và làm cho chúng ta chú ý hơn đối với Thiên Chúa và tha nhân, thúc đẩy ý chí vâng phục Thiên Chúa, là Đấng duy nhất có thể thỏa mãn sự đói khát của chúng ta.” (Sứ điệp Mùa Chay 2018)

Ăn chay thường đi liền với kiêng thịt. Luật kiêng thịt buộc các kitô hữu từ 14 tuổi cho đến chết.

2. Cầu nguyện: Đức Giêsu đã từng nói với các Tông đồ rằng: “Các con hãy cầu nguyện luôn kẻo sa chước cám dỗ.”(Mc 14,38). Ngài cũng dạy các Tông đồ cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha. Vì thế, cầu nguyện là bổn phận của người kitô hữu. Cầu nguyện để liên kết với Thiên Chúa là Cha. Cầu nguyện để xua trừ ma quỷ. Cầu nguyện để xin ơn. Cầu nguyện để cám tạ, chúc tụng và ngợi khen Chúa. Cầu nguyện cần thiết cho linh hồn như hơi thở cần cho sự sống phần xác. Người kitô hữu có thể cầu nguyện ở khắp mọi nơi và bất cứ thời gian nào trong ngày: cầu nguyện chung, cầu nguyện riêng, cầu nguyện tại tư gia, cầu nguyện tại nhà thờ, cầu nguyện tại nơi làm việc, cầu nguyện sáng mai, chiều hôm hay ban tối.

Ước gì chúng ta luôn biết dành nhiều thời gian trong ngày để cầu nguyện. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói: “Khi dành nhiều thời giờ hơn cho kinh nguyện, chúng ta sẽ để cho tâm hồn mình khám phá những gian dối bí mật chúng ta thường dùng để đánh lừa chính mình, để tìm kiếm sự an ủi trong Thiên Chúa là Cha và là Đấng muốn cho chúng ta được sống.”(Sứ điệp Mùa Chay 2018)

3. Bố thí: Tin mừng Mathêu cho chúng ta biết, đến ngày tận thế, vị thẩm phán sẽ dựa vào việc chúng ta làm phúc bố thí hay không để thưởng hay phạt chúng ta (x. Mt 25, 31-46). Như vậy, đối với các kitô hữu, việc làm phúc bố thí là một bổn phận. Nếu ai không làm thì sẽ mắc tội thiếu sót. Chúng ta nhớ dụ ngôn nhà phú hộ và ông Lazarô: Nhà phú hộ vì thiếu lòng bác ái đối với ông Lazarô nên khi chết phải sa hỏa ngục (x. Lc 16, 19-31).

Trong sứ điệp Mùa chay năm nay, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng đề cập đến việc làm phúc bố thí, Ngài nói: “Việc thực hành làm phúc bố thí giải thoát chúng ta khỏi sự ham hố và giúp khám phá tha nhân là anh chị em chúng ta: điều chúng ta sở hữu không phải chỉ là của chúng ta. Tôi ước mong việc làm phúc được biến thành lối sống đích thực của mỗi người!” (Sứ điệp Mùa Chay 2018).

Nhưng bố thí không chỉ bằng tiền bạc, của cải mà còn bằng nhiều cách thế khác nữa. Câu chuyện sau đây cho chúng ta thấy điều đó.

Một ngày nọ, có người đàn ông chạy đến trước mặt lão hòa thượng, vừa khóc vừa kể lể: “Thưa ngài, vì sao con làm việc gì cũng đều không thành? Số con thật khổ!”

Lão hòa thượng điềm tĩnh trả lời anh rằng: “Đó là vì con không học được cách bố thí mà thôi.”

Người đàn ông nước mắt giàn giụa, nói: “Nhưng thưa ngài, con chỉ là một kẻ nghèo đói, ngày ăn không đủ bữa, lấy gì để bố thí đây ạ!”

Lão hòa thượng nghe xong, mỉm cười hiền từ nói với anh ta rằng: “Không phải thế! Này con, một người dù chẳng giàu sang, không tiền bạc, dù nghèo khổ mấy cũng vẫn có thể cho người khác được 7 thứ này. Để ta giảng cho con nghe. Đó là:

Thứ nhất, bố thí bằng vẻ mặt. Con có thể tặng người khác vẻ mặt tươi cười, niềm nở.

Thứ hai, bố thí bằng lời nói. Con có thể cho người khác những lời cổ vũ, an ủi, động viên, lời khiêm tốn và lời ấm áp.

Thứ ba, bố thí bằng tấm lòng. Con hãy mở rộng lòng mình và đối xử chân thành với người khác.

Thứ tư, bố thí bằng ánh mắt. Con hãy dùng ánh mắt trìu mến, cái nhìn thiện lương dành tặng mỗi người mà con gặp trên đường đời.

Thứ năm, bố thí bằng hành động. Con hãy thật lòng giúp đỡ người khác, làm điều tốt cho người.

Thứ sáu, bố thí bằng chỗ ngồi. Khi đi xe hay thuyền, có thể đem chỗ ngồi của mình tặng cho người khác.

Thứ bảy, bố thí bằng nơi ở. Con có thể đem phòng trống, không sử dụng để cho người khác nghỉ nhờ một đêm.

Dù giàu hay nghèo, bất luận là ai, chỉ cần học được 7 loại bố thí ấy thì cuộc đời của con sẽ mãi ngập tràn hạnh phúc, có đâu còn đau khổ, buồn bực nữa đây con của ta!”.

Người đàn ông nghe xong chợt như bừng tỉnh cơn mê, cúi rạp người xuống, run rẩy nói: “Thưa đại sư, giờ thì con đã hiểu. Trên đời, người cho đi nhiều nhất chính là người hạnh phúc nhất!.” (Sưu tầm)

Xin cho tất cả chúng ta biết siêng năng cầu nguyện, ăn chay và làm phúc bố thí. Và khi làm những việc đó hãy làm trong tinh thần âm thầm, khiêm tốn chứ không làm để phô trương cho người ta thấy.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết chu toàn bổn phận ăn chay, cầu nguyện nhất là luôn biết làm phúc bố thí cho những người xung quanh. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành
 
Suy Niệm Thánh Lễ Tất Niên
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
10:33 12/02/2018
Tạ Ơn Và Phó Thác

(Is 63 7-9, 1Cr 1, 3-9, Lc 1, 39-55)

Một năm với tháng ngày dần trôi, giờ chúng ta đang sống là thời khắc cuối cùng của năm cũ 2017, năm Đinh Dậu và chuẩn bị bước vào năm mới 2018, năm Mậu Tuất, giờ phút thật linh thiêng. Vào dịp tạ ơn cuối năm, Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđíctô XVI giải thích như sau : “Giáo hội gợi ý rằng chúng ta không nên kết thúc năm cũ mà không bày tỏ lời cảm tạ Chúa, vì những ơn lành Ngài đã thương ban”. Quả thật, do bởi tình thương mà chúng ta được hiện hữu trên đời và mỗi giây, mỗi phút, mỗi một ngày qua đi là biết bao hồng ân của Chúa tuôn đổ trên chúng ta.

Một năm sắp kết thúc, làm chúng ta liên tưởng đến sự kết thúc cuộc hành trình nơi dương thế của mỗi người. Có khởi đầu ắt sẽ có kết thúc như sách Giảng Viên dạy, “một thời để được sinh ra và một thời để chết” (Quoleth 3: 2). Sự thật này rất đơn giản và cơ bản nhưng lại thường bị lờ đi và lãng quên. Mẹ Hội Thánh dạy chúng ta, khi kết thúc một năm và mỗi ngày, chúng ta phải tự vấn lương tâm, và nhìn lại những gì đã xảy ra để tạ ơn Chúa.

Nhân loại nói chung vừa trải qua năm 2017, một năm đầy khó khăn, thách thức, thiên tai bão lũ gây thiệt hại nặng nề, giữa thế giới nhiều biến động, nhiều quốc gia, nhiều vùng bất ổn.

Việt Nam nói riêng, thiên tai ngày càng khốc liệt, dị thường, tính trái quy luật ngày càng gia tăng và ở mức độ, cường độ ngày càng lớn hơn, liên tục hơn, đặc biệt là những trận mưa lớn vào cuối mùa khi các hồ chứa đã tích đầy nước, bão rất mạnh vào khu vực ít khi xảy ra…

Và điểm đặc biệt của năm 2017, bão lũ không chỉ còn là “đặc sản” của miền trung, vùng Bắc Trung Bộ, mà đã lan xuống Nam Trung Bộ, ngược lên các tỉnh miền núi phía bắc và để lại những dư chấn nặng nề. Cứ mỗi trận bão lũ qua đi, nhìn lại con số người chết và những thiệt hại về kinh tế không khỏi giật mình ám ảnh.

Nhìn tổng thể cả năm, APEC 2017 quy tụ lãnh đạo nhiều cường quốc tại Đà Nẵng, GDP tăng trưởng vượt mục tiêu, hàng loạt cán bộ cấp cao bị xử lý trong chiến dịch chống tham nhũng của Nhà Nước, Nam Trung Bộ hứng bão lớn chưa từng có trong 30 năm, người dân phản đối trạm thu phí BOT bất hợp lý, chiến dịch giành vỉa hè cho người đi bộ, TP HCM có cơ chế đặc thù, Khủng hoảng Đồng Tâm, Khách quốc tế tăng kỷ lục, tai biến y khoa hiếm gặp…phác họa một năm đầy biến động.

Dầu vậy cũng có bao nhiêu cử chỉ tốt lành, yêu thương và liên đới diễn ra trong năm cũ, mà không được các bản tin tức nói tới! Không thể để cho quyền lực sự ác che khuất những dấu chỉ tình thương ấy. Sự thiện luôn chiến thắng, cho dù có lúc sự thiện xem ra yếu ớt và âm thầm. Vì thế chúng ta phải dâng lời tạ ơn Chúa.

Tạ ơn

Lại một năm sắp đến hồi kết thúc, người kitô hữu chúng ta dựa trên Thánh Kinh thấy thời gian không mang tính tuần hoàn mà là một đường thẳng: thời gian là con đường dẫn đến chung cuộc, nên một năm trôi qua là một bước đi hướng đến sự hoàn tất của lịch sử, đến cứu cánh của nhân loại là hy vọng và vui mừng được gặp Chúa, thì việc tạ ơn này thật là ý nghĩa.

Chúng ta bày tỏ lòng biết ơn đối với Thiên Chúa vì tất cả những dấu chỉ hào phóng Thiên Chúa thể hiện trong lịch sử nhân loại. Một lòng biết ơn không phải là một sự nhìn lại chẳng sinh ơn ích gì hay một ký ức trống rỗng về một quá khứ được lý tưởng hóa xa vời, nhưng là một ký ức sống động, một ký ức giúp hình thành nên sự sáng tạo cá nhân và cộng đoàn khi chúng ta biết rằng Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

Tạ ơn Chúa là thái độ căn bản của người Kitô hữu đối với Thiên Chúa, vì tất cả những gì con người có đều là hồng ân của Thiên Chúa. Trong cuộc sống, chúng ta thường quên đi những gì là ân huệ của Chúa. Và để sống tâm tình tạ ơn và phó thác vào Thiên Chúa thật không dễ chút nào!

Đi vào tâm tình tạ ơn, chúng ta nhìn nhận rằng, tội lỗi và yếu đuối đã làm ta xa rời Thiên Chúa Tình Yêu. Dù nhận thức được những điều mình phạm mất lòng Chúa, nhưng với sức con người, chúng ta khó thoát ra vòng xoáy tội lỗi. Chỉ có Chúa mới kéo chúng ta về với Chúa.

Trong giờ phút linh thiêng này, thật là đẹp, khi giờ đây chúng ta đồng thanh hiệp ý với Mẹ Maria hát lên bài ca tạ ơn Chúa vì những điều kỳ diệu Thiên Chúa đã và còn đang thể hiện trong lịch sử : Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, vì Người đã và còn đang biểu lộ quyền năng của Ngài... đã và còn đang làm tan rã những kẻ kiêu căng... đã và còn đang hạ xuống người quyền thế... đã và còn đang nâng dậy kẻ khiêm cung... đã và còn đang ban tràn đầy ơn lành cho người đói khát... đã và còn đang đuổi người giàu có ra về tay không... đã và còn đang cứu giúp Israel Dân Người. Ðó là bảy hành động của Thiên Chúa là Chúa của lịch sử cứu độ. Thánh Phaolô nhắn nhủ chúng ta rằng: “Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu” (1 Tx 5, 16-18). Chúng ta cảm tạ Chúa về ân huệ Người đã thương ban (1Cr 1, 3-9). Cảm tạ Chúa và xin Chúa thứ tha, kèm theo lòng phó thác cho Chúa năm mới sắp tới.

Xin ơn tha thứ

Cũng vào dịp cuối năm, cùng với việc tạ ơn, Đức Thánh Cha Phanxicô còn thức tỉnh con cái mình : “Chúng ta được kêu gọi kiểm điểm xem những thế sự có được thực hiện theo ý Thiên Chúa hay là chúng ta chỉ ưu tiên lắng nghe những dự án của con người, nhiều khi đầy những tư lợi, lòng khao khát quyền lực vô độ và bạo lực vô cớ” (Bài giảng Kinh Chiều cuối năm 2015). Nên chúng ta phải tạ lỗi với Chúa và với mọi người nữa. Tạ lỗi để nói lên lòng sám hối, ăn năn. Tạ lỗi về những điều thiếu sót, điều gì chưa chu toàn, điều gì chưa tốt, hoặc lỗi bác ái với tha nhân, hay chưa biết thương xót người như Chúa đã thương xót chúng ta. Xin Chúa thương tha thứ những lỗi lầm mà chúng ta đã phạm trong năm qua. Tương lai tùy thuộc ở Chúa, chúng ta phải có tinh thần phó thác.

Sống phó thác

Nhìn lại một năm đã qua, chúng ta thấy các biến cố lần lượt diễn ra : các thảm kịch về tai nạn hàng không, những vụ khủng bố người giết người giã man hơn, niềm vui và đau khổ, chiến thắng và thất bại, đạo đức con người như đang bị suy giảm tới mức báo động trong các ngành nghề. Nhìn qua mọi sự, đến giờ phút này đây, chúng ta phải khẳng định rằng, Thiên Chúa là chủ lịch sử, Ngài hướng dẫn các biến cố nhân loại, đồng thời phó thác vận mệnh tương lai cho Chúa và thưa rằng: Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con được làm người, được làm con Chúa thêm một năm nữa. Xin cho đời chúng con trở thành bài ca tạ ơn Chúa bằng tâm tình sống biết ơn mọi người đang yêu thương giúp đỡ chúng con để danh Chúa được toả sáng. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Thánh Lễ Giao Thừa Năm 2018
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
10:34 12/02/2018
Chìa Khóa Hạnh Phúc

(Mt 5, 1-10)

Lẽ đất trời có khởi thuỷ phải có tận cùng, một năm có bắt đầu ắt phải có kết thúc, bắt đầu vào lúc giao thừa, cũng lại kết thúc vào lúc giao thừa. Và đây là giây phút thiêng liêng và tuyệt đẹp, trời đất giao hòa, âm dương đan dệt vào nhau, mỗi người đều cảm thấy như có một cái gì đó thôi thúc, nhưng cũng có một cái gì đó níu kéo lòng ta, chúng ta đang ở vào thời khắc cũ giao lại, mới đón lấy, năm cũ sang năm mới.

Trong giờ phút huyền nhiệm này, mở ra những ngày mới, giúp con người hy vọng, cậy trông và tín thác vào Đấng tác tạo cả đất trời, Đấng ấy là Cứu Chúa của chúng ta. Không gì thích hợp bằng việc chúng ta phải làm trước tiên là hướng tâm hồn lên Chúa là nguồn mạch mọi ơn phúc, để xin Ngài giáng phúc thi ân cho mọi người, mọi nhà, hầu tất cả được sống bình an và yêu thương trong sự quan phòng của Chúa là Đấng Giầu Lòng Thương Xót và thứ tha.

Lời Thánh vịnh 133,3 mới đẹp làm sao : “Cúi xin Đấng tạo thành trời đất, xuống cho đoàn con muôn ngàn phúc cả từ núi thánh Sion” ( Tv 133, 3 ). Lời nguyện dưới đây lôi kéo chúng ta về với Chúa, Đấng là Alpha và Ô Mêga, là Nguyên thủy và là Cùng đích: “Lạy Thiên Chúa là Đấng vô thủy vô chung, là căn nguyên và cùng đích vạn vật, trong giờ phút giao thừa này, chúng con hướng tâm hồn lên Chúa. Cúi xin Chúa rộng ban cho chúng con một năm dồi dào phúc lộc, và đầy lòng hăng hái làm việc lành để tôn vinh danh thánh” (Lời Ca nhập lễ).

Lời Môsê ngỏ với Aaron và các con ông Aaron như sợi dây lôi kéo phúc lành và bình an của Chúa xuống cho dân : “Nguyện Đức Chúa ban phúc lành và gìn giữ anh em ! Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em! Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em” Chúc như thế là đặt con cái Israel dưới quyền bảo trợ của danh Chúa và Chúa sẽ chúc lành cho chúng (Ds 6n 22,27). Tác giả Thánh Vịnh nói cho chúng ta biết lý do tại sao phải hướng lòng lên Chúa và van xin Ngài : “Ơn phù hộ tôi đến từ Đức Chúa là Đấng dựng nên cả đất trời” (Tv 120, 1-2). Nếu như khi xưa thánh Phaolô đã khuyên tín hữu Thêxalônica, nay ngài cũng khuyên chúng ta : “Hãy cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh” (1Tx 5,16).

Trước thềm năm mới, mỗi người chúng ta đều mang trong mình những những tâm tư và ước muốn. Ưu tư nhìn lại quá khứ, hy vọng hướng tới tương lại. Vậy giờ đây chúng ta có những tâm tình nào, ước muốn gì, chờ đời gì và nhất là nói gì với Chúa ? Chắc chắn một điều là ai cũng xin Chúa là Đấng vô thủy vô chung, là căn nguyên và cùng đích vạn vật, rộng ban cho một năm mới phúc lộc dồi dào, và lòng hăng hái làm việc lành để tôn vinh Danh Chúa.

Về phương diện con người, điều đầu tiên trong năm mới chúng ta cầu chúc cho nhau đó là chúc được bình an, hạnh phúc, vui vẻ, may mắn, mà người có đạo còn chúc nhau được đầy niềm vui và phúc lành của Thiên Chúa.

Về phía Thiên Chúa, vì Ngài là Thiên Chúa Tình Yêu, Ngài yêu thương con người và hằng mong muốn con người được hạnh phúc, nên Ngài sẵn sàng chúc phúc cho chúng ta, chúng ta hãy tin tưởng vào Ngài. Ngài vui khi nhìn thấy chúng ta mạnh khoẻ, cả về thể xác lẫn tâm hồn. Cha mẹ nào mà không vui khi thấy con cái mình lớn lên, khôn ngoan, khoẻ mạnh? Huống chi là Thiên Chúa, Đấng đã dựng nên chúng ta, không để chúng ta hư không đời, mà lại sinh ra ta cho ta được làm người…lại cho Ngôi Hai Xuống thế làm người để cứu độ, giải thoát ta khỏi mọi tội lỗi và sự dữ, cứu chúng ta khỏi án phạt đời đời. Lời Chúa trong Thánh lễ Giao thừa minh chứng rõ ràng rằng, Thiên Chúa muốn, chúng ta là những người hạnh phúc (x. Mt 5, 1-10).

Năm hết, Tết đến, người ta đều chúc nhau thật nhiều sức khoẻ, bình an, khang an và hạnh phúc trong năm mới. Chúc nhau đong đầy hạnh phúc, xuân sang đắc lộc, gia đình hạnh phúc, vạn sự cát tường… tựu chung lại là cầu mong cho nhau được hạnh phúc. Câu hỏi được đặt ra : Đâu là căn nguyên hạnh phúc của đời người chúng ta ? Chúng ta phải quả quyết rằng : chỉ có Chúa mới là nguồn hạnh phúc của đời chúng ta, là hoan lạc của mọi tâm can, là bình an cho đời tươi thắp sáng.

Ở đầu mỗi câu Tin Mừng (Mt 5, 1-12) hôm nay là một loạt các từ "phúc", chúng ta có thể suy diễn rằng, Thiên Chúa là Hạnh Phúc, nên Chúa cũng muốn chúng ta là những người hạnh phúc, những phúc nhân.

Thánh lễ Giao thừa này, Tin Mừng trình bày bài giảng dài đầu tiên của Chúa Giêsu nói với dân chúng trên ngọn đồi thoai thoải quanh hồ Galilêa. Thánh Mathêu viết: "Khi thấy đám đông, Chúa Giêsu lên núi: Người ngồi xuống và các môn đệ đến gần. Người bắt đầu giảng dạy họ" (Mt 5,1-2). Chúa Giêsu tuyên bố "phúc" cho người có tinh thần nghèo khó, người sầu khổ, người có lòng thương xót, những người đói khát công lý, có lòng trong sạch, những người bị bách hại (x. Mt 5,3-10). Ðây không phải là một ý thức hệ mới, nhưng là một giáo huấn đến từ trên cao và liên hệ tới thân phận con người chúng ta, thân phận mà Chúa đã muốn nhận lấy khi nhập thể, để cứu vớt. Vì thế, "Bài giảng trên núi được gửi đến tất cả mọi người, trong hiện tại và tương lai… và người ta chỉ có thể hiểu và sống bài giảng này trong hành trình theo Chúa Giêsu, đồng hành với Người" (Ðức Giêsu thành Nazareth, tr. 92). Năm Mới khỏi đầu, chắc chắn các Mối Phúc là một chương trình sống mới cho chúng ta, để được giải thoát khỏi những giá trị giả dối của trần gian và cởi mở đối với những thiện ích chân thực, hiện tại cũng như tương lai. Thực vậy, khi Thiên Chúa an ủi, thỏa mãn sự đói khát công lý, lau sạch nước mắt của những người sầu khổ, có nghĩa là Thiên Chúa mở Nước Trời, nơi hạnh phúc cho họ.

Trước thềm năm mới, chúng ta hãy khẩn cầu các thánh là những người đã được xem là phúc nhân, đặc biệt xin Mẹ Maria, là ‘Đấng đầy ơn phúc’, giúp con cái Mẹ trở thành những phúc nhân trong năm mới, nhất là trước tòa Chúa Giêsu Kitô, Con Mẹ đến muôn thủa muôn đời ! Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Phép Lạ Lộ Đức Thứ 70 : Một Nữ Tu Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ Được Khỏi Bệnh
Lê Đình Thông
10:03 12/02/2018
Nữ tu Bernadette Moriau sinh năm 1939, nhập dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ (Franciscaines Missionnaires de Marie) năm 19 tuổi, là y tá phục vụ người nghèo. Từ năm 1966, chị bị đau thắt lưng. Tuy được giải phẫu nhiều lần nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm.

Tháng 7/2008, chị hành hương Lộ Đức và nhận bí tích dành cho bệnh nhân. Ngày 11/07/2008, chị trở về Picardie, cảm thấy thư giãn, thân thể ấm lại, chị linh cảm có lời phán bảo hãy bỏ đi tất cả y cụ và dụng cũ nâng đỡ hình móng ngựa, đồng thời chị cũng ngưng không uống thuốc nữa.

Năm 2009, 2013, 2016, ba phiên nhóm của văn phòng ghi nhận y khoa tại Lộ Đức đã đồng thanh xác nhận ‘‘tính cách bất ngờ, chớp nhoáng, hoàn toàn, lâu dài không thể cắt nghĩa được của việc bình phục’’.

Tháng 11/2016, trong phiên họp thường niên tại Lộ Đức, Ủy ban Y học Quốc tế (CMIL) đã xác nhận ‘‘việc bình phục của nữ tu Moriau không thể cắt nghĩa được, trong tình trạng hiện nay của kiến thức khoa học’’.

Bác sĩ Alessandro de Franciscis, chủ tịch Văn phòng Chứng nhận Y khoa Lộ Đức ghi nhận : ‘‘Nữ tu Bernadette Moriau đã trở về cuộc sống bình thường, sức khỏe tốt, tiếp tục làm y tá săn sóc bệnh nhân’’. Văn phòng Y khoa Lộ Đức được thành lập vào năm 1883, áp dụng các phương pháp giám định rất nghiêm ngặt.

Tính tới nay, Văn phòng ghi nhận 7200 trường hợp khỏi bệnh nhưng chỉ có 70 hồ sơ được công nhận là phép lạ. Trường hợp trước đây vào năm 1989, một phụ nữ Ý bị biến chứng huyến áp cao, được khỏi bệnh. Năm 2013 được công nhận là phép lạ thứ 69.

Lê Đình Thông
 
Sứ Điệp Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân 2018 của Đức Thánh Cha Phanxicô
Vietcatholic Network
18:51 12/02/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Hàng năm vào ngày 11/2, Giáo Hội mừng Lễ Đức Mẹ Lộ Đức. Đó cũng là Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II giải thích về tương quan của hai ngày lễ này như sau: Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân là một cố gắng để tái khám phá “quan hệ sâu sắc” giữa Đức Mẹ và những người đau yếu.

“Điều đáng nói là có một sự liên kết gần gũi giữa Đức Mẹ Lộ Đức và thế giới những người đau khổ và yếu đau. Trong đền thánh vươn lên bên cạnh hang đá Massabielle, những bệnh nhân luôn là những người được ưu tiên và theo giòng thời gian, Lộ Đức đã trở nên một cứ điểm thật sự của đời sống và hy vọng. Nguồn suối phun lên từ lòng đất, mà Đức Mẹ đã mời Bernadette uống, mang đến sức mạnh của Thần Khí Chúa Kitô, là điều chữa lành con người hoàn toàn và mang đến cho con người sự sống muôn đời”.

Theo ý hướng đó, ngày Chúa Nhật 11 tháng 2 vừa qua, Giáo Hội trên toàn thế giới đã cử hàng Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân.

Trong sứ điệp nhân ngày này Đức Thánh Cha Phanxicô viết:

Anh chị em thân mến, việc phục vụ của Giáo hội cho các bệnh nhân và cho những ai chăm sóc họ phải luôn được tiếp tục canh tân mạnh mẽ, trong sự trung thành với sứ mệnh của Thiên Chúa (x. Lc 9: 2-6; Mt 10: 1-8; Mc 6: 7-13) và noi theo mẫu gương rất hùng hồn của Đấng sáng lập và là Tôn sư. Năm nay chủ đề của Ngày Thế Giới Bệnh Nhân được giới thiệu cho chúng ta lấy từ lời của Chúa Giêsu, khi bị treo trên thập giá, Người đã nói với Mẹ của mình là Đức Maria và thánh Gioan: “Này là con bà…. Này là Mẹ con”. Và từ giờ đó môn đệ đón Mẹ về nhà mình” (Ga 19,26-27)

1. Những lời trên đây của Chúa Giêsu rọi chiếu sâu xa mầu nhiệm của Thập giá. Thập giá không được coi như một bi kịch không có hy vọng, nhưng đó chính là nơi mà Thiên Chúa biểu lộ vinh quang của Người, và để lại những ước muốn yêu thương đến cùng của Người, qua đó chúng trở thành những quy luật của cộng đoàn tín hữu và của cuộc sống nơi mỗi người môn đệ. Đặc biệt là những lời của Chúa Giêsu làm nên căn nguyên ơn gọi của Mẹ Maria trong mối tương quan với toàn thể nhân loại. Cách riêng, Mẹ sẽ là mẹ các đồ đệ của Con của mình, Mẹ sẽ chăm sóc họ và mọi bước đường của họ. Và chúng ta biết rằng, việc người mẹ chăm sóc một người con trai, con gái nó bao gồm cả các khía cạnh vật chất và tinh thần đối với việc giáo dục của bà. Nỗi đớn đau không nói thành lời của thập giá đâm xuyên qua tâm hồn của Mẹ (xem Lc 2:35), nhưng Mẹ không bị tê liệt. Trái lại, như một người mẹ của Thiên Chúa, một hành trình mới của sự dâng hiến đã khởi sự nơi Mẹ. Trên thập giá, Chúa Giêsu đã lo lắng về Giáo hội và toàn thể nhân loại, và Đức Maria được mời gọi chia sẻ chính sự lo lắng ấy. Sách Tông Đồ Công Vụ khi diễn tả sự tràn đầy Thánh Thần vào ngày lễ Hiện Xuống, đã cho chúng ta thấy rằng Đức Maria bắt đầu thi hành sứ vụ của mình trong cộng đoàn đầu tiên của Giáo hội. Một nhiệm vụ không bao giờ kết thúc.

2. Môn đệ Gioan, người được yêu, tượng trưng cho Giáo hội, cho dân thiên sai. Ngài phải nhìn nhận Đức Maria như là mẹ của mình. Và trong sự nhìn nhận này, ngài được mời gọi đón nhận Mẹ, chiêm ngắm nơi Mẹ mẫu gương của người môn đệ và cũng như ơn gọi làm mẹ mà Chúa Giêsu đã ủy thác, với những lo lắng và những dự phóng, điều ấy hàm ý: Mẹ là người mẹ yêu thương và sinh ra những đứa con có khả năng yêu thương theo lệnh truyền của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, ơn gọi làm mẹ của Đức Maria là chăm sóc cho các con cái của Mẹ, qua thánh Gioan và toàn thể Giáo hội. Toàn thể cộng đoàn các môn đệ được mời gọi tham dự vào ơn gọi làm mẹ của Đức Maria

3. Như thánh Gioan, người môn đệ đã chia sẻ mọi sự với Chúa Giêsu. Thánh Gioan biết rằng Thầy muốn đưa dẫn tất cả mọi người đến gặp Chúa Cha. Ngài có thể làm chứng rằng Chúa Giêsu đã gặp rất nhiều người đau yếu trong tinh thần, vì lòng họ đầy kiêu căng (x. Ga 8,31-39) và những người bệnh tật trong thân xác (x. Ga 5,6). Chúa Giêsu đã ban cho họ lòng thương xót và tha thứ, và Người cũng cho các bệnh nhân ơn được chữa lành thể lý. Đó là dấu chỉ của cuộc sống dồi dào trong Nước Trời, nơi mà mọi giọt lệ được lau khô. Giống như Đức Maria, các môn đệ được mời gọi để chăm sóc lẫn nhau, chứ không phải riêng mình. Các môn đệ biết rằng trái tim Chúa Giêsu đã mở ra cho tất cả mọi người, không loại trừ một ai. Tin mừng Nước trời phải được loan báo cho tất cả mọi người, và đức ái của các kitô hữu phải hướng đến tất cả những ai đang túng thiếu, vì đơn giản họ là con người, là con cái của Thiên Chúa.

4. Ơn gọi hiền mẫu này của Giáo hội hướng đến những người túng thiếu và bệnh tật được cụ thể hóa, qua 2000 năm lịch sử, qua hàng loạt những sáng kiến phong phú hữu ích cho các bệnh nhân. Không bao giờ được quên lịch sử về sự cống hiến này. Lịch sử ấy vẫn tiếp tục cho đến ngày nay, trên toàn thế giới. Ở các quốc gia có đầy đủ các hệ thống y tế công cộng, công việc của các dòng tu Công Giáo, các giáo phận và các nhà thương Công Giáo, không những cung cấp sự chăm sóc sức khỏe có chất lượng mà còn tìm cách đặt con người ở trung tâm tiến trình trị liệu và thi hành việc nghiên cứu khoa học trong tinh thần tôn trọng sự sống và cá giá trị luân lý Kitô giáo. Tại các quốc gia không đầy đủ hoặc không có các hệ thống y tế, Giáo hội cố gắng cung cấp cho người dân hết sức có thể việc chăm sóc sức khỏe, loại trừ nạn trẻ em chết yểu và chống lại một số bệnh tật lan rộng. Ở khắp nơi, Giáo hội tìm cách săn sóc, ngay cả khi không thể chữa lành. Hình ảnh Giáo Hội như một “nhà thương dã chiến”, đón nhận tất cả những người bị tổn thương vì cuộc sống, là một thực tại rất cụ thể, bởi vì ở một vài nơi trên thế giới, chỉ có các nhà thương của các thừa sai và của các giáo phận cung cấp sự chăm sóc cần thiết cho người dân.

5. Việc nhớ lại lịch sử phục vụ lâu dài cho các bệnh nhân là nguồn vui đối với cộng đoàn kitô hữu và đặc biệt là đối với những người hiện tại đang thi hành công việc phục vụ này. Cũng cần nhìn lại quá khứ, trước hết là để thấy mình được phong phú. Từ đó chúng ta phải học hỏi: lòng quảng đại đến độ hy sinh hoàn toàn của nhiều vị sáng lập các cơ sở phục vụ cho các bệnh nhân; tính sáng tạo, được đề xuất bởi lòng bác ái, của rất nhiều sáng kiến được thực hiện qua nhiều thế kỷ; dấn thân trong việc nghiên cứu khoa học, để cống hiến cho các bệnh nhân các phương pháp trị liệu mới mẻ và đáng tin cậy. Di sản quá khứ ấy giúp đề ra những dự phóng tốt đẹp cho tương lai. Ví dụ, gìn giữ các nhà thương Công Giáo khỏi nguy cơ duy hãng xưởng, mà khắp nơi trên thế giới đang tìm cách đưa việc chăm sóc sức khỏe vào trong lĩnh vực thị trường, rồi sau đó gạt bỏ người nghèo. Sự khôn ngoan có tổ chức và lòng bác ái đòi hỏi phải làm sao để phẩm giá người bệnh được tôn trọng và luôn được đặt ở vị trí trung tâm trong tiến trình điều trị. Những hướng này phải là đường hướng của các kitô hữu, đang làm việc trong các cơ cấu chung và qua việc phục vụ, họ được mời gọi làm chứng hữu hiệu cho Tin mừng.

6. Chúa Giêsu đã để lại nơi món quà dành cho Giáo hội quyền năng chữa lành của Người: “Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin… nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ (Mc 16,17-18). Chúng ta đọc thấy trong sách Tông đồ Công vụ diễn tả những hoạt động chữa lành của thánh Phêrô (Cv 3,4-8) và của thánh Phaolô (Cv 14,8-11). Món quà của Chúa Giêsu thích hợp với nhiệm vụ của Giáo hội. Giáo hội biết rằng phải mang vác trên mình các bệnh nhân với cái nhìn đầy âu yếm và từ bi của chính Chúa. Mục vụ chăm sóc sức khỏe vẫn còn và luôn là nhiệm vụ thiết yếu và cần thiết, sống động với một đà tiến được đổi mới khởi đi từ các giáo xứ cho đến những trung tâm chăm sóc sức khỏe tốt nhất. Đến đây chúng ta không thể quên được sự dịu dàng và kiên trì của rất nhiều gia đình đang chăm sóc con cái của mình, cha mẹ và người thân, những bệnh nhân mãn tính hoặc khuyết tật nặng. Sự chăm sóc trong gia đình là một chứng tá phi thường của tình yêu thương đối với con người và cần phải được hỗ trợ bằng sự nhìn nhận thích đáng cùng với những chính sách phù hợp. Vì thế, các bác sĩ, y tá, các linh mục, những người sống đời sống thánh hiến và thiện nguyện viên, các thành viên gia đình và tất cả những ai dấn thân trong việc chăm sóc các bệnh nhân, đều tham dự vào sứ mạng này của Giáo hội. Đó là trách nhiệm chia sẻ, làm tăng thêm giá trị phục vụ hằng ngày của mọi người.

Để kết luận, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dâng lên lời nguyện sau:

7. Lạy Đức Maria, Mẹ hiền diệu, chúng con muốn phó dâng tất cả các bệnh nhân trong thể xác và tinh thần, để Mẹ nâng đỡ họ trong niềm hy vọng. Chúng con cũng xin Mẹ giúp chúng con biết đón nhận các anh chị em bệnh nhân. Giáo hội biết rằng cần có ân sủng đặc biệt để có thể sống cho sự cao quý trong việc phục vụ tin mừng chăm sóc cho các bệnh nhân. Vì thế lời cầu nguyện lên Mẹ Thiên Chúa cho chúng ta thấy mọi người cùng hiệp nhất trong một lời khấn xin, để mỗi chi thể của Giáo hội biết sống với lòng mến yêu ơn gọi phục vụ cho sự sống và sức khỏe con người. Xin Đức Trinh nữ Maria cầu bầu cho ngày thế giới các bệnh nhân lần thứ XXVI này; xin Mẹ giúp các bệnh nhân biết sống kết hiệp sự đau khổ của mình với Chúa Giêsu, và xin Mẹ nâng đỡ những ai đang chăm sóc họ. Tôi ban Phép Lành Tòa Thánh của tôi cho tất cả mọi người, cho các bệnh nhân, các nhân viên y tế và các tình nguyện viên.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Biếu quà cho các bệnh nhân phong khi Tết đến Xuân về
Lm. Giuse Phan Tấn Hồ, CSC
10:00 12/02/2018
Tết là thời gian linh thiêng của người dân Việt. Ngày Tết không chỉ người sống sum họp bên nhau trong gia đình, mà người đã khuất cũng được con cháu xin lễ cầu nguyện, dâng hương kính viếng.

Xem Hình

Tết đối với người có của ăn của để thì không đáng ngại, nhưng Tết đối với người nghèo thì đáng lo. Còn Tết đối với người mắc bệnh phong cùi, cũng như bệnh nhân tâm thần và trẻ em ở các Trung tâm, Mái ấm thì càng lo hơn nữa.

Những ngày trước Tết năm nay, quý Cha, quý Thầy Dòng Thánh Tâm Huế, được các ân nhân cộng tác nên đã lên đường đến với người cùi cùng trẻ mồ côi ở Gia Lai và người cùi ở Quỳnh lập cùng trẻ em khuyết tật ở Mái Ấm Thiện Tâm Faustina.

Nhờ sự ủng hộ của một số ân nhân và anh chị em Ca đoàn Giáo xứ Lệ Chí cùng các bác sĩ, y sĩ Bệnh viện Da liễu Quy Hòa và Bệnh viện Tỉnh Gia Lai, nên gần 400 bệnh nhân phong cùi và người tàn tật, nghèo khổ được quy tụ từ 26 buôn làng trong huyện Đăk Đoa tỉnh Gia lai, đã được khám chữa bệnh, được ăn tiệc Tất niên và nhận quà Tết.

Vào buổi sáng ngày 25/1/2018 sau khi chia sẽ quà Tết cho người cùi xong, đoàn chúng tôi lên đường đến Mái ấm Giuse tại xã Ia HLốp – Huyện Chư Sê – Tỉnh Gia Lai, do thầy Đinh Minh Nhật cựu tu sĩ Dòng Đa Minh phụ trách. Chứng kiến cảnh gà trống nuôi đàn con 95 trẻ em côi cút bị bỏ rơi được thầy Nhật nhận nuôi, ai trong đoàn cũng day dứt trước hoàn cảnh éo le.

Từ suy nghĩ người cùi ở đâu cũng do vi trùng Hansen làm cho cụt tay cụt chân, và mắt mũi bị bào mòn, nên ngày 7-8/2/2018 anh em Thánh Tâm chúng tôi lại lên đường đến với người cùi ở Quỳnh Lập và trẻ em mồ côi cũng như người bệnh tâm thần ở Mái Ấm Thiện Tâm Faustina.

Sáng ngày 8/2/2018, nhờ sự cộng tác của Lm. Luca Trần Đức, Lm. Phêrô Nguyễn Thái Công,CSC, của quý Thầy Thánh Tâm, của một số anh chị em thiện nguyện nên 200 người cùi ở Quỳnh Lập được nhận quà Tết, và 100 trẻ em khuyết tật cùng người thiểu năng trí tuệ ở Mái Ấm Thiện Tâm đã được nhận quà.

Người ta hay nhắc. .. người điên không biết nhớ và người say không biết buồn... không biết có thật không? Nhưng khi chia tay trẻ em cùng những người tâm thần lớn tuổi đang lưu trú tại đây, để về lại Huế, chúng tôi thấy mắt nhiều người đẫm lệ.​
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Bài ca của Môsê trước khi qua đời
Vũ Văn An
04:56 12/02/2018
Lúc được 120 tuổi, cái tuổi không còn có thể ‘đi ra đi vào’ được nữa, cái tuổi ‘sắp đến ngày ngươi phải lìa đời’ như chính Giavê cho ông hay, sau khi đã trao quyền và tấn phong cho Giôsuê nối nghiệp, với lời hịch hết sức bi hùng: ‘mạnh bạo lên, can đảm lên, đừng sợ, đừng run trước mặt chúng’ vì ‘Chúa luôn ở với ngươi’, Môsê cho triệu tập toàn dân để nghe ông đọc ‘bài ca’ sau đây:

Trời hãy lắng tai, này tôi sắp kể, đất nghe cho tường lời lẽ miệng tôi:

Giáo huấn của tôi như giọt mưa thánh thót, lời tôi dạy bảo tựa sương móc nhỏ sa, khác nào mưa rơi trên nội cỏ, giống như nước đổ xuống đồng xanh.

Này tôi xưng tụng thánh danh Chúa, trời đất hãy suy tôn Thiên Chúa ta thờ!

Người là Núi Đá: sự nghiệp Người hoàn hảo, vì mọi đường lối Người đều thẳng ngay.
Chúa tín thành, không mảy may gian dối, Người quả là chính trực công minh.

Những đứa con mà Chúa đã sinh ra không tì ố lại lỗi đạo với Người, ôi nòi giống lưu manh tà vạy!

Hỡi dân tộc ngu si khờ dại, ngươi đáp đền ơn Chúa vậy sao?

Há chính Người chẳng phải cha ngươi, Đấng dựng nên ngươi, Đấng tạo thành, củng cố?
Hãy nhớ lại những ngày xưa tháng cũ, và ngẫm xem từng thế hệ qua rồi.

Cứ hỏi cha ngươi là người sẽ dạy, thỉnh bậc lão thành, họ sẽ nói cho nghe.

Khi Đấng Tối Cao định phần riêng cho muôn nước, và khiến loài người khắp ngả chia tay, thì Người vạch biên cương cho từng dân tộc theo số các thần minh.

Nhưng sở hữu của Chúa chính là dân Chúa, nhà Gia-cóp là cơ nghiệp của Người.

Gặp thấy nó giữa miền hoang địa, giữa cảnh hỗn mang đầy tiếng hú rợn rùng,
Chúa ấp ủ, Chúa lo dưỡng dục, luôn giữ gìn, chẳng khác nào con ngươi mắt Chúa.

Tựa chim bằng trên tổ lượn quanh, giục bầy con bay nhảy, xoè cánh ra đỡ lấy rồi cõng con trên mình.

Duy một mình Chúa lãnh đạo dân; chẳng có thần ngoại bang nào bên cạnh Chúa.

Người cho nó phóng ngựa trên các vùng đất cao trong xứ, nó được ăn hoa màu đồng ruộng; Người cho nó nếm mật ong chảy ra từ hốc đá, nếm dầu từ tảng đá hoa cương; nếm sữa bò chua và sữa chiên dê, với mỡ chiên con, chiên đực miền Ba-san, mỡ dê đực, với lúa mì tinh hảo; ngươi uống máu trái nho đã hoá rượu nồng.

Giơ-su-run mập ra, nó hất chân đá hậu -ngươi mập, béo, phát phì- nó đã bỏ Thiên Chúa, Đấng đã làm ra nó, Núi Đá độ trì nó, nó đã khinh thường.

Chúng thờ các thần xa lạ khiến Người phải ghen tương, làm những điều ghê tởm mà trêu giận Người; chúng tế những quỷ không phải là Thiên Chúa, tế những thần chúng không biết, những thần mới, vừa mới đến, mà cha ông các ngươi đã không khiếp sợ.

Núi Đá sinh ra ngươi, ngươi lại coi thường, ngươi quên Thiên Chúa, Đấng đã sinh ra ngươi.

Chúa thấy vậy thì khinh miệt, vì con trai con gái Người đã trêu giận Người.

Người phán: "Ta sẽ ẩn mặt đi không nhìn chúng, để xem hậu vận chúng ra sao; vì chúng là giống nòi tráo trở, những đứa con chẳng chút tín trung.

Chúng đã thờ các thần không phải là Thiên Chúa khiến Ta phải ghen tương, thờ những thần hư ảo mà trêu giận Ta;Ta sẽ dùng một dân không phải là dân khiến chúng phải ghen tương, dùng một dân tộc ngu si mà trêu giận chúng.

Phải, lửa thịnh nộ đã bùng lên trong Ta, nó đốt đến tận đáy sâu âm phủ, thiêu huỷ đất đai với cả hoa màu, làm chân núi đồi bốc cháy.

Trên chúng, Ta sẽ chồng chất tai ương, sẽ phóng hết mũi tên của Ta vào chúng.

Khi vì đói, chúng phải hao mòn, vì sốt, vì ôn dịch tàn khốc mà phải tiêu tan, Ta sẽ gửi đến chúng nanh thú dữ, với nọc của loài bò sát trên bụi đất.

Ngoài thì lưỡi gươm sẽ làm chúng mất con, trong thì là nỗi kinh hoàng.

Cả trai tráng lẫn người trinh nữ, trẻ đang bú cũng như người bạc đầu sẽ chung số phận.
Ta đã phán: Ta sẽ đập chúng tan tành, làm cho loài người chẳng còn ai nhớ tới, nếu như Ta không sợ kẻ thù xúc phạm.

Đối thủ chúng chớ có hiểu lầm mà nói rằng: "Chúng ta cao tay hơn, tất cả điều đó, đâu phải là Chúa đã làm.

Quả thế, chúng là một dân tộc phán đoán sai lạc, thiếu hẳn trí thông minh.

Nếu là người khôn ngoan, chúng sẽ hiểu điều đó, sẽ thông suốt hậu vận của mình.

Làm sao một người đuổi được một ngàn người, và hai người khiến mười ngàn người trốn chạy, nếu không phải vì Núi Đá của chúng đã bán chúng đi, và Chúa đã nộp chúng rồi?

Vì núi đá của chúng không phải như Núi Đá của chúng ta. Chính kẻ thù chúng ta đều công nhận.

Nho của chúng lấy giống từ nho của Xơ-đôm, từ những cánh đồng của Gô-mô-ra; trái nho của chúng là trái nho độc, chùm nho của chúng mới đắng làm sao!

Rượu của chúng là nọc mãng xà, là chất độc giết người của rắn hổ mang.

Điều này chẳng được giữ kỹ bên Ta, được niêm phong trong các kho tàng của Ta sao?

Chính Ta sẽ báo oán và đáp trả, vào lúc mà chân chúng lảo đảo té xiêu, vì ngày chúng lâm nạn đã gần, và vận hạn chúng đang sầm sập tới."

Thật vậy, Chúa sẽ xét xử cho thần dân, sẽ dủ lòng thương hàng tôi tớ, khi Người thấy rằng bàn tay chúng yếu đi, và người nô lệ, kẻ tự do cũng chẳng còn.

Bấy giờ Người phán: "Đâu rồi các thần của chúng, đâu rồi núi đá chúng ẩn thân?

Đâu rồi những kẻ ăn mỡ lễ tế của chúng, uống rượu tế chúng dâng?

Các thần đó hãy đứng lên và phù trợ các ngươi, cho các ngươi có một nơi ẩn náu!

Bây giờ hãy coi đây: Ta chính là Ta, bên cạnh Ta, chẳng có thần nào khác, Ta cầm quyền sinh tử, Ta đánh phạt, rồi Ta lại chữa lành, không ai cứu khỏi tay Ta được.

Phải, Ta giơ tay lên trời, Ta nói: Ta sống đến muôn đời!

Khi Ta mài lưỡi gươm sáng loé của Ta, khi Ta ra tay xét xử, thì Ta sẽ báo oán các đối thủ của Ta, sẽ đáp trả những kẻ ghét Ta,
Ta sẽ làm cho các mũi tên của Ta say máu, gươm của Ta sẽ ăn thịt: máu những người bị giết và những tù nhân, thịt đầu các thủ lãnh quân thù."

Hỡi các dân tộc, hãy reo hò mừng dân Chúa, vì Người bắt đền nợ máu các tôi tớ của Người, báo oán các đối thủ của Người, và xá tội cho đất, cho dân của Người.


Ông Mô-sê cùng đến với ông Hô-sê-a, con ông Nun, và nói cho dân nghe tất cả những lời của bài ca này (Đnl 32:1-44).



Bài cầu nguyện trên đây thường được mệnh danh là Bài Ca Môsê. Nhiều người cho rằng: điều độc đáo nơi Môsê là ông hát cả ở những lúc không có lý do gì để hát. Ta nên nhớ, đây không phải là lần đầu ông hát, ít nhất đây cũng là lần thứ hai. Lần đầu ông cùng toàn dân hát vì lúc ấy dưới sự lãnh đạo của ông, toàn dân đã được giải phóng một cách vinh quang bằng cách vượt qua Biển Đỏ ráo chân, trong khi chiến mã với kị binh, binh hùng với tướng mạnh của Ai Cập bị “quăng tùm xuống biển”, vùi thân dưới lòng biển bao la. Người không biết hát, những lúc như thế, cũng phải bật lên tiếng hát. Nhưng lần này, có gì đâu mà hát. Đám dân cùng ông ra khỏi Ai Cập đã gần như chết hết, chính bản thân ông cũng sắp theo chân họ vào mộ huyệt rồi. Vậy mà ông vẫn cất cao một bản trường ca, dài hơn cả bài ca chiến thắng, thường được gọi là Bài Ca Biển Cả. Có người còn cho bài ca này hết sức độc đáo về hình thức. Chưa ở chỗ nào trong Bộ Cựu Ước mà tư tưởng tiên tri lại được khóac một bộ áo thi ca có tầm cỡ đến thế (xem Emil G. Hirsch và George A. Barton: Song of Moses, JewishEncyclopedia.com).

Nhưng thực ra, bài ca này không do sáng kiến của Môsê. Đệ Nhị Luật 31: 19 viết như sau: “Bây giờ các ngươi (Môsê và Gio-suê) hãy viết cho mình bài ca này, (các) ngươi hãy dạy con cái Ít-ra-en, hãy đặt vào miệng chúng, để Ta (Gia-vê) lấy bài ca ấy làm chứng cáo tội con cái Ít-ra-en”. Thiên Chúa thấy trước các bất trung của Ít-ra-en: họ sẽ được đưa vào Đất Hứa, đất tràn trề sữa và mật, được ăn, được no nê, sẽ béo mập, nhưng rồi sẽ hướng về các thần khác mà làm điếm phụng thờ chúng và khinh thị Gia-vê, phá vỡ giao ước. Bài ca này sẽ là lời chứng cáo tội họ.

Và do đó, bài ca này xem ra không hẳn chỉ là một bài ca mà còn là một luật sống. Ngôn từ để gọi nó có lúc thay đổi giữa bài ca và luật sống là vì vậy. Câu 21: “Bài ca này sẽ làm chứng cáo tội nó, vì dòng dõi chúng sẽ không quên lặp lại bài ca này”. Câu 22: “hôm ấy, ông Môsê đã viết bài ca này và dạy con cái Ít-ra-en”. Câu 24-26: “Ông Môsê đã viết xong các lời của luật này vào một cuốn sách, từ đầu chí cuối...sách ấy sẽ làm chứng cáo tội anh em”. Câu 30: “Ông Môsê nói cho toàn thể đại hội Ít-ra-en nghe những lời của bài ca này, từ đầu chí cuối”. Và sau khi đã nói xong tất cả những lời ấy với toàn thể Ít-ra-en, Môsê bảo họ: "Hãy để tâm vào tất cả những lời mà hôm nay tôi cảnh cáo anh em, hãy truyền những lời đó cho con cái anh em, để chúng lo đem ra thực hành tất cả những lời của Luật này.Thật vậy, đó không phải là một lời trống rỗng đối với anh em, mà đó là sự sống của anh em, và nhờ lời ấy, anh em sẽ được sống trên đất mà anh em sắp qua sông Gio-đan để chiếm hữu." (câu 45-47).

Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ dường như không đồng ý như vậy khi ghi chú câu 45 như sau: “Tiếp theo 31:27. Những lời ở đây là thánh luật, chứ không phải là bản thánh ca nói trên”. Cha Nguyễn Thế Thuấn cũng cùng một ý kiến như thế: “Tiếp 31:27. Lời ở đây là lời của lề luật, c.46, chứ không phải của bài ca. C. 48 tiếp c. 44”.

Các nhà chú giải trên rất có thể dựa vào các phân tích nguồn văn sâu sắc mà đưa ra các chú giải ấy. Tuy nhiên, cũng có người tin rằng bài ca này đã được viết xuống và được đặt trong Hòm Bia Giao Ước cùng với chiếc gậy của A-ha-ron và Ngũ Thư (Song of Moses, trong Bách Khoa mở Wikipedia). Nếu chỉ coi các chương 31-32 như từ một nguồn thì khó mà không tin như vậy, vì quả tình sau khi viết xong “các lời của luật này” Môsê ra lệnh cho các thầy Lêvi đặt sách ấy vào Hòm Bia Giao Ước (xem câu 26).

Joseph Blenkinsopp, giáo sư Thánh Kinh tại Đại Học Notre Dame, khi chú giải Sách Đệ Nhị Luật, đã giải thích đầy đủ hơn về lối chú giải của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ và của Cha Nguyễn Thế Thuấn. Nhận định về các câu 31:16-23, nhà chú giải này cho rằng: bài ca đã được lồng vào song song với lề luật để làm chứng tố cáo lòng bất trung của Ít-ra-en, chính vì thế, cả hai phải được viết xuống. Nhận định các câu 31:24-29, tác giả này cho hay: đoạn này tiếp nối đoạn 31:9-13 và được đoạn 32:45-47 tiếp nối. Riêng “lời này” ở câu 28 nên hiểu là “bài ca này”; hai câu 28-29 đương nhiên đề cập tới bài ca vì việc đọc luật cách tư riêng cho các trưởng lão và viên chức sau khi đã ra lệnh phải thi hành việc đọc công khai (câu 31:11) xem ra không chỉnh. Sở dĩ có sự lẫn lộn này là do những thích ứng có tính biên tập lúc bài ca được thêm vào (xem The New Jerome Biblical Commentary, tr.108).

Hầu hết các nhà chú giải, dựa vào giả thuyết tài liệu (documentary hypothesis) đều nghĩ bài ca này khởi thủy vốn là một bản văn độc lập, sau đó được các soạn giả Đệ Nhị Luật lồng vào ấn bản thứ hai của sách. Ấn bản này được đưa ra như là một phản ứng đối với việc Vương Quốc Giu-đa bị lưu đày qua Babylon. Vì có giả thuyết cho rằng ấn bản đầu của Đệ Nhị Luật có cái nhìn tích cực hơn, từng gợi ý về một hoàng kim thời đại sắp tới. Cái nhìn ấy đến lúc này không còn thích hợp nữa. Do đó, bài ca này thích hợp hơn với ấn bản hai, khi nhìn lại các bất hạnh của Ít-ra-en và chắc chắn đã được soạn thảo vào cùng một thời gian.

Blenkinsopp cũng nghĩ thế. Theo ông, bài ca này đã được lồng vào ở một niên hiệu sau này vì sự đồng điệu trong các thể tài của nó với các lời khuyến dụ (parenesis) của đệ nhị luật. Luận điểm cho rằng nó có niên hiệu rất sớm đã căn cứ vào một trong các điểm sau đây: giống nhau về cấu trúc với truyền thống Êlôhít trong Ngũ Thư; dùng ngôn ngữ cổ; dùng loại hình thi phú mà theo Albright khá thích ứng giữa Xuất Hành 15 và Thủ Lãnh 5 một bên và bên kia là 2 Sm 1. Tuy nhiên, theo tình trạng các nghiên cứu đệ nhị luật hiện nay, khó mà dựa vào truyền thống Êlôhít; ngôn ngữ ở đây phải nói là đang trở thành cổ xưa chứ chưa cổ xưa thực sự (như trong Hbc 3); và người ta hoài nghi không biết các lý thuyết cứng rắn về thi phú có diễn dịch thành thứ tự thời gian chính xác hay không. Các ngụ ý thi ca trong các câu như 7, 15, các ý niệm thần học giả thiết là tiến bộ, cũng như những dấu chỉ ảnh hưởng của khôn ngoan và tiên tri, như hình thức kiện tụng, xem ra muốn nói đến một niên hiệu không thể nào trước thời quân chủ và lưu đầy (đã dẫn, tr.108).



Tóm lại, bài ca rất có thể không phải của Môsê. Bách khoa mở Wikipedia cho rằng: theo khoa chú giải phê phán hiện nay, mặc dù truyền thống Do Thái và Kitô giáo vốn gán bài ca này cho vị tiên tri từng lãnh đạo Dân Do Thái ra khỏi Ai Cập, nhưng các điều kiện do bài ca này giả định đã làm ý niệm ấy khó chấp nhận được. Cuộc Xuất Hành và cuộc lang thang trong sa mạc đã thuộc một dĩ vãng quá xa. Người đồng thời với tác giả bài ca hình như phải học hỏi những điều đó từ cha ông họ (câu 7). Dân Do Thái lúc ấy như đã định cư tại Pa-lét-tin rồi (các câu 13-14); thì giờ đủ lâu cho họ không những sa vào việc thờ ngẫu thần (các câu 15-19) mà còn bị đem tới chỗ gần diệt vong. Họ chịu áp lực nặng nề của các kẻ thù ngoại đạo (câu 30); nhưng Gia-vê hứa sẽ can thiệp và cứu vớt họ (các câu 34-43).

Tuy nhiên, các nhà chú giải không nhất trí về niên hiệu chính xác của bài ca. George E. Mendenhall thuộc trường Đại Học Michigan thì cho là nó được viết ra trong khoảng thời gian liền sau thất bại của dân quân Do Thái tại Eben-Ezer, và tác giả của nó là tiên tri Samuel. Nhưng khi toàn bộ đoạn Đnl 31: 14-23 được gán cho hai truyền thống Gia-vít và Ê-lô-hít, thì người ta lại tin là nó có trước đó, đồng thời với các trận chiến Xi-ri-a dưới thời Giơ-hô-a-kh á t và Gia-róp-am II. (c. 780). Kuenen và Driver, khi cho rằng kiểu nói “một dân không phải là dân” ở câu 21 có ý ám chỉ người Át-xi-ri, đã cho rằng bài thơ này có từ thời tiên tri Giêrêmia và Êdêkien (c. 630). Trong khi đó những tác giả như Cornill, Steuernagel, và Bertholet lại cho nó thuộc thời sắp kết thúc Lưu Đày, từ thời Isaia thứ hai. Hiện nay, khó có thể xác định được một niên hiệu chính xác, nhưng phần đông nghiêng về thời Lưu Đày.

Ronald Bergey, thuộc phân khoa thần học cải cách ở Aix-en-Provence, Pháp, thì lại cho rằng sự tương đồng về ngôn ngữ giữa Đệ Nhị Luật 32 và các chương chủ yếu của Sách Isaia (tức các chương 1, 5, 28 và 30) cho thấy Bài Ca này và các sách tiên tri có tính Isaia có liên hệ với nhau về phương diện ngữ học. Mặt khác, khi so sánh về phương diện thể tài, người ta thấy giữa hai nguồn này có cả một khuôn mẫu khá nhất quán trong việc lấy thể tài của nhau hay đảo ngược lại các thể tài ấy. Nhưng khó mà nhận định bên nào vay mượn của bên nào.

Điều ấy, một lần nữa, đối với chúng ta không quan trọng. Bài ca này, khi được Giáo Hội chính thức nhìn nhận là qui điển, vượt qua những khía cạnh ấy để nói với ta những diệu kỳ của Chúa, bằng một văn phong độc đáo. Bài ca mở đầu bằng một khúc dạo (câu 1-3) trong đó trời và đất được huy động để lắng nghe lời nhà thi sĩ. Blenkinsopp thì cho rằng trời và đất ở đây được kêu mời làm nhân chứng (xem Giêrêmia 2:12; Tv 50:4-6); và điều này phản ảnh việc nại tới thần minh chứng giám cho việc lên án một chư hầu sau khi một hiệp ước bị vi phạm, mà theo ông, vốn là chủ đề của bài ca này. Về câu 2, có người cho rằng Môsê muốn dẫn khởi lời ông như chính lời Thiên Chúa, theo đó giáo huấn của Người “như giọt mưa thánh thót”, lời Người dạy bảo “tựa sương móc nhỏ sa, khác nào mưa rơi trên nội cỏ, giống như nước đổ xuống đồng xanh”. Có lẽ, lúc suy tư về chính thừa tác vụ của mình, Môsê muốn nói rằng: Lời Chúa qua miệng lưỡi ông, tức giáo huấn, phải rơi trên mọi người như những hạt mưa nhỏ rơi trên đám cỏ non hay như trận mưa rào rơi trên cỏ đồng nội, từ từ thấm nhiễm sâu biến thành những xác tín vững chắc không phải chỉ riêng cho đầu mà còn cho cả tim lòng nữa. Dù sao, theo Blenkinsopp, chữ giáo huấn, lequah, trong tiếng Hípri, chính là điển hình của ngôn ngữ khôn ngoan (xem Gióp 11:4; Cn 1:5; 4:2). Niềm xác tín kia được Môsê phát biểu ở câu 3: “Này tôi xưng tụng thánh danh Chúa, trời đất hãy suy tôn Thiên Chúa ta thờ!”, điều mà lúc còn ở Meribah, ông cương quyết không bao giờ thiếu sót thực hành trước mặt dân: sẽ luôn hiển dương danh Thiên Chúa.

Trong các câu 4-6, thể tài của bài ca được xác định. Thể tài ấy nói về sự chính trực và trung tín của Gia-vê đối với dân hư đốn và bất tín của Người. Sự chính trực và trung tín của Giavê được gói ghém trong hạn từ “Núi Đá” mà Môsê dùng ở đây để gọi tên Người. Môsê sử dụng tên này đến 5 lần trong bài ca này (các câu 4, 15, 18, 30, 31). Đây là một tước hiệu thường được Thánh Vịnh (Tv 18:3) cũng như các tiên tri (2 Sm 23:3; Is 44:8; 51:1) dùng để chỉ Thiên Chúa. Đá ở đây chỉ quyền thống trị không bao giờ đổi thay của Chúa, nền tảng chắc chắn để ta nương tựa. Thực thế, Môsê cho rằng sự nghiệp của Chúa hoàn hảo, đường lối của Người thẳng ngay, Người tín thành, không mảy may gian dối, Người chính trực công minh. Nhưng khi nói đến đá, hình như Môsê còn muốn nhắc tới biến cố Chúa cho nước phọt ra từ đá để nuôi sống dân (Xh 17), một loại hình được ông dùng tới dùng lui trong chính Bài Ca này (câu 13: người cho nó nếm mật ong chẩy ra từ hốc đá, nếm dầu từ tảng đá hoa cương) sau này được Thánh Phaolô dùng để áp dụng vào Chúa Kitô, khi ngài viết: “Hết thẩy đã được uống cũng một của uống thần thiêng, quả họ đã uống tự Tảng đá thần thiêng đi theo họ, Tảng đá ấy tức là Chúa Kitô” (1Cor 10:4). Sự chính trực vững như núi đá ấy quả trái ngược với lòng dạ đổi thay của con người. Thực vậy, họ vốn được Chúa “sinh ra không tì ố”, nhưng nay đã tráo trở mà ra “lỗi đạo, lưu manh, tà vậy, ngu si, khờ dại”.

Các câu 7-14 đề cập tới sự quan phòng từng dẫn dắt Israel an toàn qua sa mạc và ban cho họ mảnh đất phì nhiêu. Câu 8 được Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ dịch là: “Người vạch biên cương cho từng dân tộc theo số các thần minh”. Cha Nguyễn Thế Thuấn thì dịch là “theo số các con cái Thiên Chúa” và tuy ghi chú thêm rằng lời dịch đó là dịch theo bản Hy-lạp, chứ bản Hípri ghi rõ là “con cái Israel”, Cha cũng đồng ý: con cái Thiên Chúa đây chỉ các thiên thần canh giữ các dân tộc. Blenkinsopp chú thích hai câu 8-9 như sau: trong nguyên bản Hípri, Elyon (Đấng Tối Cao), vốn là một tước hiệu của Thượng Đế có trước thời người Do Thái, có lẽ của người Giêrusalem xưa (được Men-ki-xê-đê và Bi-lơ-am sử dụng, xem St 14: 18-22; Dân số 24:16). Đấng Tối Cao, theo ý niệm phẩm trật thần minh Ca-na-an, này chỉ định mỗi một dân nước trong số 70 dân nước của thế giới (St 10) cho một trong số 70 vị thần của phẩm trật, riêng Israel được diễm phúc Chúa dành riêng cho mình, một dân được Người ưu tuyển. Dân ấy được Người chăm sóc một cách đầy ấp ủ, dưỡng dục và giữ gìn như “con ngươi mắt Người” (câu 10), một thuật ngữ sau này được tác giả Thánh Vịnh mô phỏng tại Tv 17:8. Nhưng câu 11 mới nói lên hết nét tài hoa và nghệ thuật thi ca của tác giả: “Tựa chim bằng trên tổ lượn quanh, giục bầy con bay nhẩy, xòe cánh ra đỡ lấy rồi cõng con trên mình”. Hình ảnh chim bằng này từng được Xuất Hành 19:4 sử dụng. Câu 14 có nhắc tới chiên đực miền Ba-san. Đây là một vùng phì nhiêu phía bắc Hồ Ga-li-lê, nổi tiếng về chiên dê và gỗ sồi. Trên đường từ Ai Cập tới Ca-na-an, người Do Thái đã đánh bại Vua Ốc của Ba-san, và lãnh thổ của ông được phân phối cho chi tộc Mơ-na-se (Đnl 3; Tv 22:12; Is 2:13). Cũng trong câu 14 này, Môsê dùng lại kiểu nói trong lời Giacóp chúc phúc cho con cái ở St 49:11 đó là “máu trái nho” để chỉ rượu nho nồng.



Câu 15-18 được dùng để mô tả sự bất trung và rơi vào việc thờ tà thần của Israel, trong đó, Israel được gọi là Giơ-su-run một tước hiệu chỉ có ở đây, ở 33: 5, 26; Is 44:2. Tước hiệu này có thể rút ra từ chữ yasar có nghĩa là “chính trực” mà cũng có thể rút ra từ chữ sor, có nghĩa là “bò mộng”. Trong câu này, Giơ-su-run chắc chắn đã được rút ra từ chữ sau, với nghĩa xấu chỉ con bò đá hậu nhưng trong Is 44:2, chắc chắn nó được rút từ chữ trước, chỉ “kẻ Ta tuyển chọn”. Con bò mộng này sau khi no nê đẫy đà đã rẫy bỏ Thiên Chúa, Đấng tạo ra mình (đúng ra là hạ sinh theo nghĩa mẹ sinh con) mà đi thờ qủy. Theo Blenkinsopp, chữ qủy đây là sedim vốn từ gốc sedu của tiếng Accadian mà ra, chỉ được dùng ở đây và ở Tv 106:37.

Việc Israel rơi vào bất trung và thờ ngẫu tượng buộc Gia-vê phải đe dọa họ (các câu 19-27) với tai ương cả nước và gần như với việc tận diệt cả nước, để dùng một “dân không phải là dân”. Câu 21 này tổng quát, khó định là dân nào, có thể là Philitinh mà cũng có thể là Babylon. Câu 22 với lửa hủy hoại đất đai hoa mầu là hình ảnh thi ca của án phạt Thiên Chúa (xem Tl 9:15,20; Am 2:4; Grm 15:4). Nhưng câu 26 bắt đầu chuyển hướng: Ít-ra-en sẽ không bị diệt hoàn toàn vì nếu không kẻ thù sẽ cướp công (xem Gs 7:9; Is 10:7). Các câu 28-43 mô tả việc Gia-vê quyết định nói với Israel ra sao qua sự cùng cực khốn khổ của họ, dẫn họ tới một tâm trí tốt hơn, và ban cho họ chiến thắng trên các kẻ thù của họ. Có người nhận định: ngôn từ khôn ngoan trong hai câu 28-29 là điều đáng lưu ý. “Điều này” ở câu 34 được Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ chú thích là: “dịch một đại từ Hípri cũng có nghĩa là nó. Sau khi nói về chúng (địch thù của Ít-ra-en), có thể ở đây lại bắt đầu nói về bản thân Ít-ra-en để báo tin ơn giải thoát. Theo hướng này, sẽ dịch là: còn nó, chẳng phải nó được dấu kín bên Ta, phong trữ trong kho tàng...? (xem Tv 27:5): thật rõ ràng Ít-ra-en luôn được Thiên Chúa trân trọng, ấp ủ (câu 10 trên; Tv 23:6...) ngay khi Người phải đánh phạt nó”. Bản Thánh Kinh Jerusalem dịch theo lối này: Mais lui, n'est-il pas à l'abri près de moi, scellé dans mes trésors? Câu 43: có người dựa vào Bản Bẩy Mươi và Văn Chương Qumran để dịch là: “Hỡi các tầng trời, hãy mừng vui cùng dân Người, hỡi các thần minh, hãy thờ lạy Người, vì Người bắt đền nợ máu các tôi tớ Người, và xá tội cho đất đai dân Người”. “Hôsêa” (có nghĩa người cứu) trong câu 44, theo Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ, mới là tên thật của con ông Nun; sau này ông Môsê sửa lại thành Giosuê để nhấn mạnh ý: “chính Đức Chúa cứu” (xem Ds 13:16). Bản Jerusalem thì dùng tên Giosuê: Moïse vint avec Josué fils de Nûn, et prononça aux oreilles du peuple toutes les paroles de ce cantique. Cha Nguyễn Thế Thuấn cũng theo lối dịch này.

Dàn bài tổng quát của bài ca này giống dàn bài của Thánh Vịnh 78, 105, 106, và đoạn văn xuôi Edk 20, cũng như các phúng dụ ở Edk 16 và 23. Tuy nhiên, trong Bài Ca Môsê, thể tài được xử lý trọn vẹn hơn và với một ý lực thi ca cao hơn.
 
Văn Hóa
Tản Mạn Đời Tha Hương: Đón Xuân Này Nhớ Xuân Xưa
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thư
20:22 12/02/2018

Xuân Quê Hương



Xuân tha hương, nhấp giọt tiên-tửu sầu, nhớ vòm trời đất nước !
Tết xứ người, hớp ngụm cà-phê đắng, thương mảnh đất quê nhà !


Hơn 3 triệu người Việt tha hương hẳn đều phần nào mang cái tâm trạng man mác buồn (như một nhà thơ ẩn danh đã tả trên đây) mỗi khi cùng nhau đón Tết vui Xuân. Thật ra, dù thời gian có qua đi, không gian có ngăn cách, con dân Hồng Lạc tại hải ngoại vẫn mãi mãi ráng duy trì, bảo vệ những lễ nghi, phong tục, những tập quán cổ truyền của ngày Tết Nguyên Đán vào đầu mùa Xuân, trong tâm tình tưởng nhớ về nơi quê cha đất tổ bên kia đại dương.

Những ngày mới định cư ở đất lạ, có người đã tưởng như không còn biết Xuân, biết Tết là gì. Bài hát ‘Xuân tha hương’ của Phạm đình Chương có lời ca “Chiều nay lê bước phiêu du, thầm nhớ Xuân về làng cũ, tình quê chan chứa trong lòng, chua xót thay sầu tha hương” đã làm bao người muốn khóc. Còn nhạc sĩ Nhật Ngân thì viết “Lại một xuân buồn xa xứ, nghe nhớ thương vây kín trong hồn, từ những mùa xuân qua lạnh lùng, nghe lòng bâng khuâng....Nhưng chỉ sau vài năm ráng vươn lên và vất vả hội nhập, làm quen với nếp sống mới, văn hóa mới, người Việt đã tạo lại được truyền thống đón Tết, mừng Xuân trên quê người. Họ đã tái lập quân bình cho cuộc sống, đồng thời làm cho dân bản xứ thán phục không ít.

Có người đã nói: Đón mừng Tết là một cái truyền thống quý giá của người mình, mà đi chợ Tết lại càng thêm hào hứng, hấp dẫn : Bà con mính có dịp gặp nhau ở những hội chợ Tết, rồi chúc cho nhau những gì đẹp tốt nhất cho một năm đang tới, như những dịp đón Xuân tại quê hương. Dĩ nhiên trong mỗi gia đình, vẫn còn lai rai những nghi thức chúc tết và mừng tuổi ông bà, cha mẹ, lì xì cho con cháu, sau khi ra thăm mộ tổ tiên tại nghĩa trang, cùng lúc với việc lập bàn thờ gia tiên với mâm ‘ngũ quả’. Rồi đốt pháo, múa lân, xông đất ngày Tết, dựng cây nêu, cúng Táo quân, tảo mộ, đi lễ đầu năm tại nhà thờ hay chùa, cầu Chúa khấn Phật cho được may lành suốt năm mới.

Cỗ Tết phải có bánh chưng, giò thủ, thịt đông, dưa hành, như ngày tại quê nhà. Đi các khu phố Việt Nam tại những tiểu bang đông người Việt như California, Texas…sắm Tết thứ gì cũng có. Thiên hạ cũng thích tìm mua những chậu hoa, cây cảnh về chưng tại nhà cho được lấy hên năm mới. Bà con còn thích lai rai với mục vui Xuân qua những màn ‘bầu cua tôm cá’ hay xổ số cầu may.

Bà con mình cũng hay sốt sắng tham gia những cuộc lạc quyên tiền bạc, mong gửi về giúp những tổ chức bác ái từ thiện tại quê nhà, như một nghĩa cử chia sẻ niềm vui năm mới cho đồng bào nghèo khổ xấu số. Mừng Xuân hưởng Tết như thế vẫn có tác động rất nhiều về tình quê hương, giúp liên kết nhau trong cộng đồng, cũng như gây phấn khởi và ý nghĩa cho cuộc sống tha hương xứ người.

Tết đến không quên nguồn tông tổ
Xuân về tưởng nhớ gốc quê hương.


Bạn cảm thấy mình ‘lạc mất mùa Xuân’ ư ? Hãy chung tay với láng giềng Việt Nam mừng Xuân. Bạn nhâm nhi bài hát ‘Tôi chưa có mùa Xuân’ ư ? Hãy tham dự hội chợ Tết. Bạn sẽ tìm lại được mùa Xuân đẹp tươi thực sự.

Xuân yêu thương



Khí Xuân dịu dàng phải gợi lên nét dịu dàng thực sự trong tâm hồn bà con mình. Hoa Xuân tươi thắm cũng đòi ai nấy nở những nụ cười thắm tươi vào dịp năm mới. Đón Xuân năm nay, bạn cùng tôi hãy giang tay rước Xuân vào nhà. Hãy thật vui với bạn bè đón năm mới, để rồi chia sẻ niềm vui này với mọi người, để rồi mình đem mùa Xuân cho những ai còn thấy buồn chán lẻ loi…

Năm cũ tạo nhiều éo le trái khoáy ư ? Không sao. Ta cùng chôn nó vào dĩ vãng. Hãy tin tưởng chúng ta có khả năng rước cái may vào nhà, và vào chính đời mình, bắt đầu từ mồng một tết năm nay.

Niềm tin tưởng và lạc quan đó cho phép bạn và tôi dẹp tan những giận hờn ghét ghen năm ngoái. Ai cũng mong cùng chúng ta bỏ qua những chuyện buồn, cũng mong hòa giải nối lại tình thân, cùng mong cùng chung tay tạo dựng lại niềm tin yêu chân tình.

Xa quê nhớ nhà ư ? Thiếu vắng thân bằng quyến thuộc ư ? Không sao ! Các cụ dạy ta ‘bán anh em mua láng giềng gần’ mà ! Rất nhiều người đang mong được ‘kết thân’ với ta đấy. Đừng bi quan mà tìm đọc lớn câu thơ của thi sĩ Chế lan Viên “Ta có chờ đâu có đợi đâu. Mang chi Xuân lại chỉ thêm sầu !”

Thế là chúng ta cần mở rộng tâm tư, chào đón bè bạn xa gần, kể cả những bạn ‘chưa quen’, để rồi cùng mừng Xuân đón Tết trong tình đồng hương chân thành.

Riêng năm nay, 2018, ta mừng xuân Mậu Tuất : Con giáp ‘Cẩu’ tượng trưng cho sự trung thành khác thường. Chớ gì bà con mình mãi sống thương yêu trung thành với nhau. Tử vi còn bảo người tuổi Tuất thường siêng năng tháo vát, ưa giúp ích tha nhân và có tâm tư hào phóng. Mong ai nấy ráng cư xử với nhau được như thế. Đặc biệt ta cùng cầu nguyện cho vị tổng thống đương nhiệm cũng ‘cầm tinh con cẩu’đáng yêu !

Chúa là mùa Xuân



“Chúa là mùa xuân rất tuyệt vời!
Đem xuân đẹp mãi đến muôn nơi
Gió xuân rợp trời xuân phơi phới
Chúa là mùa xuân của đất trời.”

Lại được nghe 4 câu thơ của một tác giả ẩn danh nữa. Với Chúa thì không có thời gian. Không có tuổi trẻ già. Thiên quốc của Ngài là hạnh phúc bất tận, là bình an viên miễn. Ngài dựng nên ta và chờ ta để lãnh phần thưởng Nước Trời. Còn gì vui và may mắn hơn ? Năm mới ta mong ước có Chúa là gia nghiệp, là niềm vui tối hậu. Ta chúc nhau có Chúa ở cùng, nhất là luôn vui trong ơn thánh của Ngài, nhất là luôn biết tìm và thi hành thánh ý Ngài từng phút giây.

Niềm xác tín này được xây trên nền tảng giáo lý ngàn xưa : chính Chúa là khởi nguyên và cùng đích của mọi phúc lành. Ta bảo nhau chạy tới Chúa, đặt quê hương và dân tộc Việt Nam, gia đình, thân hữu, xóm giềng dưới sự quan phòng và bảo trợ của bàn tay Chúa trong năm mới này, tâm hồn mình sẽ thấy thơ thới hân hoan.

Một khi biết sống trong sự bảo trợ chăm sóc của Chúa Giê-su, chắc chắn chúng sẽ nhận được một đời sống bình an, phước hạnh thật sự, sẽ tràn vui tươi và đầy hy vọng, từ năm mới này cho đến khi từ giã cuộc đời, để bước vào cuộc sống lâu dài tuyệt diệu với Chúa.

Nhạc sĩ Thế Thông đã sáng tác bài ‘Chính Chúa là mùa xuân’ có lời hát như sau : “Chúa là mùa Xuân, nguồn sức mới cho nhân trần. Chúa là mùa xuân gieo nỗi vui giữa ngàn vương vấn. Cõi đời buồn tênh mang giá đông. Ngóng chờ mùa Xuân trong nắng hồng. Đất trời bừng vui. Mùa hồng ân thắm tươi...” Thật tuyệt vời !

Xuân về Tết đến, muốn hưởng trọn vẹn niềm hạnh phúc năm mới, bạn và tôi cùng dâng lên Chúc trọn niềm tin yêu phó thác. Mình sẽ vui trong an bình và sung sướng cả năm và suốt đời, dẫu tháng ngày vẫn dẫy đầy những thách đố của cuộc đời tha hương viễn xứ.


Linh Mục Giuse Nguyễn Văn Thư
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Có Đôi
Thérésa Nguyễn
09:07 12/02/2018
CÓ ĐÔI
Ảnh của Thérésa Nguyễn
Dù cho hoa cỏ
cũng còn có đôi
Chúc mừng ngày lễ TìnhYêu !!!
(tn)
 
VietCatholic TV
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay, Thứ Hai 12/2/2018
VietCatholic Network
13:42 12/02/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria.
Kính thưa quý vị và anh chị em, trước thềm năm mới Mậu Tuất 2018, các anh chị em chương trình Video Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay xin kính chúc đến quý Hồng Y, quý Đức Cha, quý Linh Mục, quý Tu sĩ và quý khán thính giả một năm mới an khang thịnh vượng, tài đức và bình an. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính sau đây:

1- Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha, Chúa Nhật ngày 11 tháng 2 năm 2018.

2- Sứ điệp Mùa Chay 2018 của Đức Thánh Cha Phanxicô: 'Hãy hết lòng trở về với Chúa trong mùa Chay Thánh'.

3- Đức Thánh Cha kêu gọi cùng hành động chống lại tệ nạn buôn người.

4- Hacker xâm nhập vào Web site của Vatican xuyên tạc ý kiến Đức Thánh Cha.

5- Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Trong nội tâm, tôi đang hành hương về Nhà.

6- Bảo vệ các trẻ em trong thế giới internet.

7- Đấu trường Colosseum ở Rôma được thắp sáng màu đỏ nhắc nhở cuộc bách hại các Kitô hữu trên toàn thế giới.

8- Một giáo dân Việt Nam tại Đức được Đức Giáo Hoàng vinh danh.

9- Kết quả thống kê ơn gọi tu trì ở Hoa kỳ cho biết nhiều Linh mục trẻ là người Việt Nam.

10- Giới thiệu bài hát: Đám Cưới Đầu Xuân.

Xin mời qúi vị theo dõi phần tin chi tiết