Ngày 12-02-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Khoản luật không bao giờ xưa cũ
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
00:27 12/02/2017
KHOẢN LUẬT KHÔNG BAO GIỜ XƯA CŨ

(Chúa Nhật 6 THƯỜNG NIÊN NĂM A 2017)

Khi đọc lại nhiều Thánh vịnh chúng ta mới cảm nhận được hết vẽ đẹp của đức tin sâu xa nơi Dân Cựu ước, một dân tộc nói được là say mê Thánh luật của Chúa, như cách diễn tả của Tv 118, thánh vịnh dài nhất với 176 câu, mà chúng ta vừa hát lên trong phần Đáp vịnh ca:

Hạnh phúc thay ai sống đời hoàn thiện,

biết noi theo luật pháp CHÚA TRỜI

Hạnh phúc thay kẻ tuân hành ý Chúa,

hết lòng hết dạ kiếm tìm Người…

Nhưng để hiểu được tại sao dân Ít-ra-en yêu mến và trân trọng Lề Luật như thế, chúng ta thử ngược dòng thời gian trở về thời họ còn là một bộ lạc lang thang trong hoang mạc …

Sau khi dân Ít-ra-en được Mô-sê dẫn ra khỏi đất Ai Cập, thoát khỏi cuộc đời lầm than nô lệ, thì Thiên Chúa muốn họ hướng về tương lai trong một niềm hy vọng ngút ngàn để xây dựng cuộc đời mới trong tự do, tươi sáng.

Và để làm nền tảng cho cuộc sống mới của Đoàn Dân Được Tuyển Chọn, Chúa đã trao ban cho họ một “bản hiến pháp” tuyệt vời, đó là MƯỜI ĐIỀU RĂN, mà Ngài đã long trọng khắc ghi vào bia đá, giao cho Mô-sê từ trên đỉnh núi Si-Nai trong khung cảnh uy hùng khói bốc, lửa dậy.

- Kể từ đây, họ sẽ được tự do thờ phượng một Thiên Chúa đích thực mà không còn phải nô lệ cho những thần tượng giả tạo hay những thứ mê tín dị đoan của người Ai Cập và dân ngoại. (Điều răn I)

- Kể từ đây, họ sẽ chọn Thiên Chúa là Cha đang đồng hành và hiện diện giữa họ, để họ có thể gặp gỡ và thân thưa cách thân tình, phụ tử, chứ không còn là một thần tượng xa vời, kết buộc con người bằng những lời thề thốt giả tạo. (Điều răn II).

- Kể từ nay, họ có một ngày nghĩ lễ Sabat tuyệt vời trong tuần để dành riêng thờ Chúa và sống đậm đà tình huynh đệ cộng đoàn, chứ không phải nơm nớp lo sợ cúi đầu để thờ phượng lung tung những thần tượng trống rỗng và bị trói buộc mỗi phút mỗi giây trước những quyền lực phù phiếm và trần tục. (Điều răn III)

- Kể từ nay giữa cộng đồng và xã hội Do Thái không còn có thể xảy ra việc giết người, ngoại tình, trộm cướp, làm chứng gian, cáo tội đồng loại….(Các điều răn V, VI, VII, VIII)

- Kể từ nay trong cộng đồng Dân Chúa không ai còn nghĩ đến chuyện ham muốn nhà cửa hay mê vợ của kẻ khác, hoặc muốn chiếm hữu tớ trai tớ gái hoặc bò lừa và bất cứ vật gì của người đồng loại….(Điều răn IX, X)

Đây quả thật là giấc mơ cho tương tai hoàn toàn được giải phóng và tự do, giải phóng khỏi sự sợ hãi của những tộc ác và tự do khỏi những cơn cám dỗ, khỏi những khuynh hướng làm ác.

Mục đích đó đã được Sách Huấn Ca hôm nay nhắc lại: “Người không truyền cho ai ăn ở thất đức, cũng không cho phép ai phạm tội” (Bđ 1)

Nhưng rồi, qua bao nhiêu thăng trầm lịch sử, cho tới thời Chúa Giêsu, Bản Luật Mười Điều Răn đó, đã được người Do Thái chú giải, bày đặt, thêm thắt thành hàng trăm khoản luật nhỏ (613 khoản với 365 điều cấm và 248 điều phải làm), đến độ biến thành một “mớ bòng bong lề luật” chi li, rườm rà, gần như che khuất hết vẽ đẹp rạng ngời và trong sáng thánh thiện của Mười Điều Răn. Thay vì Giới Luật của Chúa nhằm để giải thoát và cho con người được tự do trong tình yêu, lề luật đã trở thành những thứ giây chằng chịt trói buộc, biến mối tương quan giữa người và Thiên Chúa trở nên xa cách và người với người trở nên lạnh lùng.

- Vì luật họ để mặc những anh chị em bị phung cùi chết dần chết mòn trong hoang mạc với cuộc sống hoàn toàn bị cách ly, gạt bỏ.

- Vì luật, họ chẳng thèm giao tiếp với những anh chị em thu thuế, những người Samari, những bà con lương dân thấp cổ bé miệng.

- Vì luật họ khinh thường và loại trừ những hạng người như cô gái làng chơi Maria Mađalêna, hay chàng Gia-kê trưởng ty thuế vụ, hoặc người mù từ lúc mới sinh lê lết bên bờ cuộc sống…

Họ đã biến tôn giáo mặc khải trở thành tôn giáo của luật lệ, và biến lề luật trở thành những chữ viết vô hồn trong sách vở của họ hay trên những tua áo họ mang trên mình mà hoàn toàn không còn chút sức sống của tình yêu, của con tim để dành cho Thiên Chúa là Cha và cho mọi người là anh em.

Chính Đức Ki-tô đã phê phán nặng nề thái độ nầy của đám biệt phái, luật sĩ đương thời: “Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa” (Mt 15,3)

Đức Ki-tô đã đến để đem lại sức sống và vẽ đẹp tuyệt vời cho lề luật. Hôm nay, Ngài chính thức tuyên bố với những tay biệt phái bảo thủ, từng theo dõi mọi lời rao giảng và mọi hành vi của Ngài (họ soi mói việc các môn sinh của Ngài bức lúa ăn trắc trong ngày Sabat, không rửa tay trước khi ăn, không ăn chay, chữa bệnh ngày Sabat, giao tiếp với người thu thuế, gái điếm, đụng chạm đến những kẻ phung cùi, bệnh tật…), những điều mà họ hoàn toàn dị ứng và không chấp nhận được.

Tuy nhiên, Đức Kitô đã long trọng xác quyết:

“Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng không thể qua đi được, cho đến khi mọi sự được hoàn thành.”

Và điều cốt yếu mà Đức Ki-tô muốn thiết lập để kiện toàn Lề Luật đó chính là Tình Yêu. Tình yêu dành cho Thiên Chúa và Tình Yêu đối với con người. Mọi luật lệ đều phải quy chiếu vào nội dung cơ bản nầy. Đức Ki-tô muốn những ai là môn sinh của Ngài phải chu toàn Lề Luật trong tinh thần đó:

“Vậy, Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.

Sự công chính mới mà Ngài muốn các môn sinh của Ngài thực hiện không được dừng lại trên việc tuân thủ cách hình thức và đúng mực theo quy định của Lề Luật; nhưng tiên vàn đó là thái độ tinh thần và con tim làm nền tảng và định hướng cho mọi ứng xử.

“Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người. Ai giết người, thì đáng bị đưa ra tòa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai giận anh em mình, thì phải bị đưa ra tòa. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì phải bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì phải bị lửa hỏa ngục thiêu đốt. Vậy, nếu anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ đó lại trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình. …”

“Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi…”

Qua những lời tuyên bố cụ thể đó, Chúa Giê-su muốn nội tâm hóa lề luật, để con người không chỉ dừng lại trước việc thực thi và tuân thủ máy móc; nhưng là phải có một trái tim, một tinh thần, một tình yêu thực sự đối với Thiên Chúa cũng như đối với tha nhân, một thứ luật “được ghi khắc trong trái tim” như ngôn sứ Giêrêmia: “Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta” (Gr 31,33), một loại “điều răn mới” mà Ngài đặt tên là “Anh em hãy yêu thương nhau” (Ga 13,34).

Đó cũng chính là điều mà Thánh Phaolô cũng đã khẳng định sau khi Tin Mừng của Chúa Giêsu đã vượt qua biên giới Ít-ra-en để đến với thế giới: "Ai yêu thương thì đã chu toàn lề luật" (Rm 13,8), và Thánh Nhân đã gọi đó chính là “lẽ khôn ngoan nhiệm mầu của Thiên Chúa” (Bđ 2); sau nầy thánh Giáo Phụ Augustinô cũng nhắc lại “quy luật nền tảng nầy” bằng một cách diễn tả khác: "Bạn hãy yêu thương đi rồi làm theo ý bạn muốn” (Ama et fac quod vis).

Chúng ta đang sống trong một xã hội mà “luật lệ thì đầy dẫy”, nhưng người ta chỉ muốn xài “luật rừng”.

Luật cấm giết người ai mà không biết. Nhưng mỗi ngày có biết bao nhiêu vụ giết người man rợ đã xảy ra.

Luật thương mại, sản xuất có đầy đấy chứ. Nhưng ngoài thị trường hàng giả, hàng nhái đầy dẫy. Luật giao thông có đấy, nhưng hàng ngày biết bao tai nạn thương tâm vì người ta bất cần luật…

Luật cấm mê tín dị đoan có đấy chứ. Nhưng từ cán bộ trung ương đến hàng hàng lớp lớp dân chúng thay nhau mà cướp ấn cướp lộc trong những ngày lễ hội vừa qua trên mọi miền đất nước…

Phải chăng vì con người hôm nay đã đánh mất cái tâm, cái tinh thần tương thân tương ái, cái trái tim để yêu thương và tương kính lẫn nhau.

Như vậy, chúng ta, những người được chính Đức Ki-tô dạy bảo: “Vậy, Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.”, phải là chứng nhân cho một thế giới mới, một thế giới được giải thoát khỏi những tội ác và hổn loạn vì thiếu tình thương, khỏi u mê lầm lạc của mê tín dị đoan và nô lệ cho những thần tượng giả mạo; một thế giới đầy tình huynh đệ yêu thương, chia sẻ trong mái nhà của con cái cùng một Cha chung duy nhất; và mái nhà đó, địa chỉ đó, không đâu xa lạ, chính là cộng đoàn của chúng ta đây…

Và con đường để thực thi đời sống chứng tá đó không gì khác là cùng nhau tuân giữ và thực hành Lề Luật của Thiên Chúa trong tinh thần yêu thương mà Đức Ki-tô đã dạy. Khoản luật đó sẽ không bao giờ trở thành xưa cũ đối với chúng ta, với thế giới.

LM Giuse Trương Đình Hiền
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:00 12/02/2017
14. VẼ HÌNH NGƯỜI THÀNH QUỶ
Ngày xưa có một người, nhưng thật ra là quỷ.
Một hôm, ông ta mời một hoạ sư đến vẽ chân dung, sau khi vẽ xong liền nhìn và cảm thấy không hoàn toàn giống mình, bèn để cho hoạ sư vẽ lại. Vẽ rất lâu mới xong, ông ta liền cầm lấy bức hoạ mới vẽ để xem, nhưng vẫn cảm thấy không giống mình, liền nói họa sư vẽ lại. Vẽ liên tiếp bốn năm lần mà vẫn không thật giống mình, ông ta mới nghĩ rằng nên nói hoạ sĩ vẽ mình thành quỷ mới được.
Hoạ sư cảm thấy bị căng thẳng bèn chỉ vào mặt người ấy nói:
- “Tôi đã cố hết sức để vẽ ông cho đẹp, ông không những không coi trọng cái tình cảm ấy, lại còn nói tôi đem ông vẽ thành quỷ, nếu tôi nghe lời ông mà vẽ thì còn là thật giống người sao ?”
(Đạo Sơn Thanh thoại)

Suy tư 14:
Con người là hình ảnh của Thiên Chúa chứ không phải là hình ảnh của ma quỷ, và càng không thể sống theo lối sống của ma quỷ được. Hình ảnh của Thiên Chúa chính là yêu thương, là khoan dung, là bác ái, là phục vụ, là hi sinh và cuối cùng là trở nên niềm vui cho mọi người.
Chúng ta không thể và không được phép hoạ lại hình ảnh ma quỷ trên con người của tha nhân, có nghĩa là chúng ta không thể vì một phán đoán cá nhân hay vì một vài ghen tị nhỏ nhen mà nói anh em chị em là những phường tội lỗi, là con cái ma quỷ. Nhưng chúng ta cần phải hoạ hình của anh em chị em thành hình ảnh của Thiên Chúa yêu thương, đó là khi chúng ta nhìn thấy những ưu điểm của họ và khuyến khích nâng đỡ họ cố gắng vươn lên trong cuộc sống của mình.
Mỗi người là hình ảnh của Thiên Chúa, tuy nhiên ma quỷ cũng có thể hoạ lại hình ảnh của nó trên linh hồn của chúng ta, nếu chúng ta thích “đùa” với nó.
Ai cũng muốn mình giống hình ảnh của Thiên Chúa, nhưng muốn mà không chịu sống tốt lành như Thiên Chúa dạy thì chăc chắn là sẽ nên giống ma quỷ, mà ma quỷ thì không cần phải trau chuốt làm đẹp, vì tự nó đã xấu rồi.
Ai hiểu thì hiều.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:04 12/02/2017

28. Ma quỷ tận lực ngăn cản người ta suy niệm, bởi vì nó biết người bền chí suy niệm thì sẽ thoát khỏi tay độc dữ của nó.

(Thánh nữ Teresa of Avila)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

---------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha cử đặc sứ đến Medjugorje tìm hiểu nhu cầu mục vụ
Đặng Tự Do
08:21 12/02/2017


Trong cuộc họp báo hôm thứ Bẩy 11 tháng Hai, đúng ngày Lễ Đức Mẹ Lộ Đức, ông Greg Burke, Giám Đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, cho biết Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Henryk Hoser, của tổng giáo phận Varsava-Praga, Ba Lan, đến Medjugorje trong tư cách là Đặc Sứ của Tòa Thánh để tìm hiểu nhu cầu mục vụ tại đây.

ĐTGM Henryk Hoser
Ông Greg Burke nhấn mạnh rằng công việc của Đức Tổng Giám Mục Hoser tại Medjugorje không liên quan đến tính chất xác thực của các cuộc hiện ra của Đức Mẹ tại đây và chỉ thu hẹp trong phạm vi đời sống phụng vụ và bí tích ở Đền Thánh, nghĩa là những khía cạnh mục vụ.

Hiện tượng Medjugorje

Medjugorje nằm trong khu vực Herzegovina ở phía Tây của nước Bosnia và Herzegovina, cách thị trấn Mostar 25km về phiá Tây Nam và gần với biên giới Crotia. Sáu thanh niên, thiếu nữ nói đã thấy Đức Mẹ hiện ra tại Medjugorje vào ngày 24/06/1981. Từ đó dòng người lũ lượt đến hành hương địa điểm này để cầu nguyện với Đức Mẹ dưới hai tước hiệu là “Đức Mẹ Medjugorje” hay “Đức Mẹ là Nữ Vương Hòa Bình”. Đến nay đã có hơn 40 triệu người đến hành hương tại đây mặc dù giáo quyền địa phương đã điều tra và không nhìn nhận tính chất siêu nhiên của sự kiện.

Cuộc điều tra của Tòa Thánh

Trước những biến cố cho rằng đã thấy những thị kiến riêng, Giáo Hội luôn có những cuộc điều tra để có thể kết luận là “constat de supernaturalitate” – tính chất siêu nhiên được chứng thực hay “non constat de supernaturalitate” – tính chất không siêu nhiên được chứng thực – nói dễ hiểu là do người ta bày vẽ ra, không phải là thật.

Tháng Ba năm 2010, dưới thời Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16, Vatican đã thiết lập một ủy ban để điều tra về các cuộc cho là Đức Mẹ hiện ra tại Medjugorje. Năm năm sau, ngày 6 tháng Sáu, 2015, trong cuộc họp báo dành cho các phóng viên trên chuyến bay trở về từ Sarajevo, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho biết, “Chúng tôi rất gần đi đến một quyết định” liên quan đến các hiện tượng tại Medjugorje. Ngài nói rằng Bộ Giáo Lý Đức Tin (CDF) sẽ sớm đưa ra thảo luận các báo cáo do Đức Hồng Y Camillo Ruini đệ trình hồi tháng Giêng năm ngoái tại cuộc họp mỗi tháng một lần - gọi là một Feria Quarta. Nhưng trong 18 tháng qua, không có gì đã được công bố.

Chỉ vài ngày sau đó, trong một Thánh lễ buổi sáng tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô cảnh báo chống lại việc các tín hữu đặt cơ sở cho niềm tin của mình trên các thị kiến, các dự đoán hoặc bất cứ điều gì khác hơn là chính Chúa Kitô. Và cuối tháng Mười Một, ngài nhắc lại một khái niệm mà ngài đã nói trước đó, là Đức Trinh Nữ Maria không phải là một người nữ phát thư, đưa tin hàng ngày, một chủ đề ngài đã đề cập một lần nữa trong tuần.

Tình hình mục vụ tại Medjugorje hiện nay

Theo thống kê, tại Medjugorje, trong tháng Giêng năm 2017, trung bình mỗi ngày có 26 linh mục dâng các thánh lễ, hầu hết là đồng tế, và một số khoảng 36,000 người đã rước lễ trong một ngày.

Tuy nhiên, cả hai Đức Giám Mục Pavao Zanic, người đứng đầu giáo phận Mostar-Duvno từ 1980 đến 1993, và Đức Giám Mục Ratko Peric là đấng bản quyền hiện nay đều khẳng định rõ ràng rằng không có gì siêu nhiên đang xảy ra ở đây.

Tình hình còn trầm trọng hơn vào năm 2010 khi Cha Tomislav Vlasic, một linh mục dòng Phanxicô người từng là một cựu “linh hướng” cho sáu thị nhân nói trên bị buộc phải hoàn tục. Quyết định này được chính Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 chấp thuận sau một cuộc điều tra kéo dài cả năm với kết luận là Cha Tomislav Vlasic đã có một đứa con với một nữ tu.

Những quan ngại mục vụ

Trong khi có những tin đồn lan rộng tại Rôma theo đó Tòa Thánh sẽ sớm đưa ra một tuyên bố chính thức về những lời đồn đại cho rằng Đức Mẹ đã hiện ra tại Medjugorje, một nhà báo người Ý cảnh báo rằng một phán quyết tiêu cực có thể gây ra “một cái gì đó giống như là ly giáo.”

Theo nhà báo Vittorio Messori, sau Công Đồng Chung Vatican II, đạo Công Giáo đã phải gánh chịu những tấn kích tơi tả. Trong bối cảnh ấy hiện tượng Medjugorje đã hình thành nên một phong trào đạo đức bình dân lớn nhất từ sau Công Đồng. Ông trích dẫn nhiều người mà niềm tin đã được nhen nhóm trở lại sau khi đến thăm thị trấn bé nhỏ ở Bosnia-Herzegovina nơi những lần Đức Mẹ hiện ra đầu tiên được báo cáo.

Messori đề nghị Đức Thánh Cha Phanxicô nên thận trọng đừng đưa ra một lập trường chính thức về tính xác thực của các cuộc hiện ra, nhưng chỉ đơn giản là ghi nhận những hoa trái thiêng liêng.

Năm 1991, các giám mục Nam Tư lúc đó đã ban hành một tuyên bố chính thức theo đó các cuộc hiện ra được báo cáo lại “không thể nào khẳng định được là siêu nhiên”. Lời tuyên bố ấy vẫn là phán quyết có thẩm quyền nhất của Giáo Hội cho đến nay. Vatican đã cảnh báo các mục tử không được ủng hộ những sự kiện mặc nhiên nhìn nhận tính xác thực của các báo cáo cho rằng Đức Mẹ đã hiện ra.

Quan điểm của Đức Thánh Cha Phanxicô

Trong một diễn biến có liên quan chặt chẽ, một cuốn sách mới của một linh mục Brazil, dựa trên một cuộc phỏng vấn với Đức Thánh Cha Phanxicô, tường thuật rằng ngài rõ ràng đã bày tỏ thái độ hoài nghi về tính xác thực của các cuộc hiện ra được báo cáo và động cơ của những người được cho là đã nhìn thấy Đức Mẹ tại Medjugorje.

Trong cuốn sách “She’s My Mother: Encounters of Pope Francis with Mary”, cha Alexander Awi Mello - người đã thực hiện một cuộc phỏng vấn dài với Đức Thánh Cha trong chuyến tông du của ngài tại Brazil nhân dịp Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, cho biết Đức Thánh Cha đã bày tỏ sự nghi ngờ của ngài rằng những người tuyên bố đã nhìn thấy Đức Mẹ thực ra có vấn đề về tâm lý, và những người khác đang cố tình lừa dối công chúng. Đức Giáo Hoàng được cho rằng đã chế giễu ý tưởng mà các thị nhân Medjugorje đưa ra là Đức Trinh Nữ Maria sẽ hiện ra theo đúng một thời biểu được ấn định trước.

Tuy nhiên, theo linh mục Brazil này, Đức Thánh Cha ghi nhận những hoa trái thiêng liêng của các hiện tượng tại Medjugorje, và nói: “Tôi biết ở giữa những hành động điên rồ của con người, Thiên Chúa vẫn tiếp tục làm phép lạ; không phải sao?”
 
Radio Vatican sẽ có chi nhánh đầu tiên ở bên ngoài Vatican: ở Hàn Quốc.
Xavier Nguyễn Đông
18:02 12/02/2017

Chương trình Radio Vatican hiện tại đã dịch khoảng 30% ra tiếng Đại Hàn, nhưng như vậy thì dường như chưa đủ, theo ý kiến cuả các vị hữu trách Đại Hàn!

Chương trình tiếng Hàn khởi sự từ năm 2015, với sự hỗ trợ của Đại Sứ Quán Hàn Quốc tại Vatican, cuả Chính Phủ Nam Hàn, của Hội Đồng Giám Mục Hàn Quốc và cuả Tổng Giáo Phận Hán Thành (Seoul.)

Nhưng "trong thời đại thông tin nhanh chóng, đại chúng, và tức thời này, thì điều có ý nghĩa nhất là phải cung cấp tin tức cuả Vatican ở ngay tại Hàn Quốc, đúng đắn và kịp thời," cha Hur, giám đốc truyền thông của Tổng giáo phận Seoul, nói.

Và vì thế, Tổng giáo phận Seoul sẽ thiết lập một chi nhánh Radio Vatican đầu tiên ớ bên ngoài Vatican, ở ngay tại thủ đô Hán Thành.

Tổng giáo phận sẽ hoàn toàn phụ trách phiên bản Hàn Quốc, và như thế người Đại Hàn trên toàn thế giới có thể nghe tin tức cuả đài phát thanh Vatican nhanh hơn và chính xác hơn.

Nhờ dịch vụ mới này, chương trình tiếng Hàn cuà Vatican sẽ tăng lên đến 90 phần trăm và còn cung cấp thêm một dịch vụ video theo yêu cầu (video-on-demand.)

Cha Matthias Hur Young-yup, giám đốc truyền thông của Tổng giáo phận, sẽ là chủ nhiệm, cha Damasus Jeong Ui-chul, viện trưởng giáo hoàng học viện Hàn Quốc và cha Simon Kim Nam-kyun, đang theo học tại Roma, sẽ là những đại diện cho chi nhánh tiếng Hàn.

Tổng giáo phận sẽ kỵ́ kết một giấy chấp thuận với đài phát thanh Vatican vào cuối tháng Hai.

"Tin tức từ Vatican sẽ bao gồm các thông điệp từ Đức Giáo Hoàng Phanxicô và sẽ được gửi đến các tín hữu Triều tiên chính xác hơn và thống nhất hơn", Cha Hur nói thêm.
 
ĐGH Phanxicô nói rằng thế giới này sẽ không có sự hòa hợp nếu thiếu phụ nữ.
Giuse Thẩm Nguyễn
21:25 12/02/2017
ĐGH Phanxicô nói rằng thế giới này sẽ không có sự hòa hợp nếu thiếu phụ nữ.

(EWTN News/CNA) Giá trị của người phụ nữ không căn cứ vào thành tích của họ, nhưng chính là vẻ đẹp và sự hòa hợp người phụ nữ mang lại cho thế giới với tư cách là một con người. ĐGH đã nói như vậy.

Không có sự hơn thua giữa người nam và người nữ nhưng họ có những vai trò khác nhau trong xã hội.

Người nam không mang lại sự hòa hợp… chính phụ nữ mang đến sự hòa hợp và dạy cho chúng ta sự chăm sóc, yêu thương với sự dịu dàng và làm cho thế giới này thành một nơi thật đẹp.

Chúng ta thường nghe nói “xã hội này cần phụ nữ, học viện kia cần phụ nữ để họ làm việc này, việc nọ,…

Không phải thế, làm điều này điều nọ không phải là nhiệm vụ của phụ nữ. Nhiệm vụ chính của người phụ nữ là mang lại sự hòa hợp và nếu không có phụ nữ thì sẽ thiếu sự hòa hợp trong thế giới chúng ta.

Trong bài giảng tại nhà nguyện Casa Santa Marta ngày 9 tháng Hai, ĐGH đã nhắc đến sách Sáng Thế, đặc biệt là việc sáng tạo ra bà E-và từ chiếc xương sườn của ông Adong và chính ông Adong cảm thấy thiếu một cái gì đó trong Vườn Địa Đàng nếu không có bà E-và, không có phụ nữ thế giới của chúng ta cũng sẽ thiếu cái gì đó.

Nơi nào không có người phụ nữ , nơi đó thiếu vắng sự hòa hợp. Người ta có thể nói rằng xã hội này là xã hội nam tính mạnh mẽ và nếu hiểu như thế thì lại càng cần có phụ nữ.

Người ta có thể nghĩ đến việc rửa chén hay việc nào đó dành cho phụ nữ, nhưng như thế là sai rồi vì sự hiện diện của phụ nữ mang lại sự hòa hợp.

ĐGH nhắc đến đoạn Tin Mừng kể về chuyện người phụ nữ có đứa con gái bị quỷ ám. Bà đã không nản lòng và bà là người đầu tiên dám trách Chúa Giêsu khi bà nói “Lạy Chúa, nhưng những con chó dưới gầm bàn cũng được ăn những miếng bánh vụn của những đứa con làm rơi.”

Người phụ nữ chính là món quà vô giá mà Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta. Qua Thánh Kinh, chúng ta được nghe về người phụ nữ có khả năng, có lòng can đảm,…

Nhưng phụ nữ còn là những gì hơn thế nữa. Phụ nữ là sự hòa hợp, là vần thơ, là vẻ đẹp. Thiếu vắng phụ nữ thế giới này sẽ mất đi vẻ đẹp tuyệt vời của nó, sẽ không có hòa hợp. ĐGH nói tiếp “theo cái nhìn cá nhân thì – Thiên Chúa đã tạo nên người phụ nữ để mỗi chúng ta đều có một bà mẹ.”

Trong khi sự bóc lột con người vốn là một tội phạm, thì sự bóc lột phụ nữ còn gây ra những hậu quả trầm trọng hơn nữa bởi vì nó phá hủy sự hòa hợp mà Thiên Chúa đã chọn để ban tặng cho thế giới của chúng ta.

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh lễ tạ ơn thành lập giáo xứ Tân Phương, GP Vinh
Đa minh Nguyễn Tiến Khởi
10:04 12/02/2017
Tân giáo xứ Tân Phương

HỒNG ÂN VÀ BƯỚC NGOẶC LỊCH SỬ

Trong những ngày qua, khi mà những ngày tết nguyên đán, những ngày đón xuân với ánh nắng vàng rực sáng tràn ngập sắc xuân đã và đang mang đến hào khí Chúa xuân, thì những người dân, đặc biệt những người Công Giáo nơi trung tâm Thị trấn của miền bán sơn địa huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh vô cùng háo hức chờ đợi và đón mừng một sự kiện trọng đại “Ba trong một”, một sự kiện mà có lẽ là “có một không hai”. Đó chính là sự kiện giáo họ Tân Phương được lên hàng Giáo xứ, khánh thành Trung tâm mục vụ của và chào đón vị Linh mục Tiên khởi của giáo xứ.

Xem Hình

Sự kiện trọng đại này đã được bà con giáo xứ háo hức chờ đợi và được bắt đầu bằng một đêm Diễn nguyện với tựa đề “Tân Phương – Chuỗi ngọc Hồng ân” hết sức hoành tráng, sâu sắc và ý nghĩa, với màn sử thi nghệ thuật đầy cảm xúc cùng với sự có mặt của những ca sĩ nổi tiếng như ca sĩ Hồ Quang Hiếu, ca sĩ Bảo Thi v.v. Thu hút hàng nghìn người đến tham dự và chia sẻ.

Sáng ngày 8 tháng 2 năm 2017, Tại Nhà thờ giáo xứ mới Tân Phương, Đức Giám Mục giáo phận Vinh Phaolo Nguyễn Thái Hợp đã long trọng dâng Thánh lễ ta ơn, công bố quyết định thành lập giáo xứ, trao bằng sai bổ nhiệm Cha Phê rô Nguyễn Huy Hiền về đây nhận nhiệm sở và cắt bằng khánh thành Trung tâm mục vụ của giáo xứ.

Quả thật như lời thơ rằng; “Bao năm thao thức mãi đợi chờ

Hôm nay vui đến ngớ trong mơ…”

Ngay từ tảng sáng, hàng nghìn người từ khắp nơi đã nô nức đổ về trung tâm giáo xứ để cùng tham dự, chia sẻ niềm vui và hiệp thông Thánh lễ. Cùng với đó là đoàn rước Bằng công nhận thành lập giáo xứ được tiến hành từ xứ mẹ Tràng lưu hoành tráng đi giữa con đường chính của Thị Trấn xuống tận phía Bắc để đón và nhập vào đoàn rước đón Cha Tiên khởi.

Trước lúc bước vào Thánh lễ, Đức Cha Phao lo chủ chăn Giáo phận đã thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành và làm phép Trung tâm mục vụ của giáo xứ. Đây được coi là một Trung tâm mục vụ của một giáo xứ có quy mô, sang trọng và đẹp đẽ

Thánh lễ được bắt đầu vào lúc 8 giờ 30 phút, do Đức Cha Phao lo chủ tế, cùng với sự hiệp dâng của Cha Giu se Nguyễn Văn Vinh, tân Tổng đại diện giáo phận, cha Quản hạt G.B Nguyễn Huy Tuấn cùng đông đảo quý Cha trong và ngoài giáo hạt, Quý Thấy, Quý Chủng sinh, Quý Seuor và hàng nghìn người từ khắp nơi cùng về tham dự, chia sẻ niềm vui cùng Tân giáo xứ.

Mở đầu buổi lễ, Cha Tân Tổng đại diện Giu se Nguyễn Văn Vinh long trọng công bố quyết đình thành lập xứ do Đức Giám Mục Giáo phận phê chuẩn. Tiếp đến Cha quản hạt Ngàn Sâu G.B Nguyễn Huy Tuấn đọc quyết định bổ nhiệm Cha Phê rô Nguyễn Huy Hiền làm Linh mục Tiên khởi coi sóc giáo xứ. Tại đây Đức Cha Phao Lô đã chính thức trao bằng sai quyết định nhận xứ cho Cha Phê rô Nguyễn Huy Hiền. Các nghi thức được diễn ra trong một bầu khí hết sức trang trọng, phấn khởi và đầy cảm xúc.

Trong bài chia sẻ tại Thánh lễ, Đức Cha Phao lô chủ chăn giáo phận đã bày tỏ niềm vui, sự cảm kích trước tinh thần hăng say, hào hứng và sự chuẩn bị chu đáo của cộng đoàn giáo xứ. Ngài đã nói lên những ý nghĩa sâu xa của của Thánh lễ để hướng từ cho ngày đại lễ trọng đại này của những người con giáo xứ Tân Phương. Ngài đã phân tích tỉ mỉ cái tên gọi của giáo họ Tân Phương mà Cha ông đã đặt ra ngay từ khi khai sinh họ đạo này. Ngài nói: “Phải chăng cái tên Tân Phương mà Cha ông nơi đây đã đặt ra là để nhắn nhủ, để nhắc nhớ rằng; mảnh đất này, giáo họ này luôn cần phải có định hướng mới, lối đi mới để đáp ứng đầy đủ cả về đạo đức, lối sống và nhu cầu mục vụ xứng tầm với vùng quê Thị trấn Hương Khê này…”. Đặc biệt trong bài chia sẻ, Đức Cha Phao lô đã nói lên những ý nghĩa sâu xa của bài Tin mừng được coi như một dấu chỉ của ngày đại lễ nhắn nhủ với mọi người về đời sống đạo, về những bước đi mới của giáo xứ trong những ngày mai tới. Ngài cho rằng: “Quá là không hẹn mà gặp, bài Tin mừng chính ngày hôm nay đã nhắc nhớ chúng ta rằng không chỉ sống bằng hình thức, bằng vẻ bề ngoài, bằng đời sống vật chất mà chúng ta cần phải sống nội tâm, sống Tin mừng một cách sâu xa… Ước mong rằng từ đại lễ này, từ những sự kiện này mọi người chúng ta có một cách nhìn mới để có một chiều kích tôn giáo, sống niềm tin một cách trọn vẹn…”.

Sau Thánh lễ, ông Nguyễn Thế Cường, chủ tịch Hội đồng mục vụ Tân giáo xứ đã bày tỏ niềm vui, niềm cảm kích và lòng tri ân tới Đức Cha, Quý Cha, Quý Thầy, quý Seuor, quý vị ân ân cùng toàn thể bà con giáo dân đã đồng hành cùng giáo xứ. Cũng tại đây, vị đại diện giáo xứ Mỹ Dụ, nơi Cha Phê rô Nguyễn Huy Hiền từng coi sóc đã không khỏi bùi ngùi xúc động trước giây phút chia tay người mục tử đã đồng cam cộng khổ với giáo xứ trong suốt những năm qua. Trong tâm tình này, trong giây phú chia tay xứ cũ, nhận nhiệm vụ xứ mới, Cha Tân giáo xứ Phê rô Nguyễn Huy Hiền đã không cầm được cảm xúc để nói lời cảm ơn giáo xứ Mỹ Dụ, cám ơn Đức Cha, Quý Cha và bày tỏ sự đồng tâm, ý nguyện trước con đường mục vụ mà Chúa giao phó nơi miền quê mới này.

Ngược dòng thời gian trở về họ đạo Tân Phương. Đúng như tên gọi được Cha ông đạt ra bởi họ đạo Tân Phương được thành lập hoàn toàn khác với những họ đạo khác đó là không có nền móng như được tách từ họ đạo hay xứ đạo nào mà Tân Phương ở đây chính là những con người mới, những người Công Giáo từ nhiều phương về đây sinh sống, hội tụ sinh hoạt với nhau rồi cùng nhau đệ đơn thành lập giáo họ. Sau mấy lần đệ đơn trình Đức Giám Mục Giáo phận, giáo họ Tân Phương đã được chấp nhận và chính thức thành lập vào ngày mồng 3 tháng 1 năm 1993. Là một họ đạo được thành lập giữa nơi trung tâm Thị trấn huyện Hương Khê, nơi được coi là “đất lành chim đậu” và từ những con người có tầm nhìn rộng nên họ đạo đã phát triển một cách vượt bậc cả về mọi phương diện. Mặc dù trải qua nhiều thăng trầm, nhiều biến cố của thời gian nhưng Thiên Chúa đã ban cho con người nơi đây nhiều hồng ân cao cả. Những “cái khó lại ló cái khôn” nhiều người Công Giáo trong giáo họ luôn nổi trội trong cách làm ăn kinh tế, nhiều doanh nhân thành đạt. Điều đặc biệt là họ lại luôn có nền tảng sống đạo tốt, luôn hăng say chung xây giáo họ. Trải qua 25 năm xây dựng và trưởng thành, từ một nhóm người đến một giáo họ và hôm nay Tân Phương đã chính thức được công nhận lên hàng Giáo xứ cùng với 3 họ đạo có bề dày lịch sử nữa là giáo họ Hà Mâng, giáo họ Vĩnh Phúc và giáo họ Vĩnh Tuần, với số giáo dân gần 2.300 người, để trở nên một giáo xứ xứng tầm nơi Trung tâm của miền bán sơn địa huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.

Đại lễ khép lại nhưng chắc chắn dư âm vẫn còn vang mãi, ân tình và hào khí của ngày lễ sẽ còn đọng lại trong tâm thức của nhiều người dân. Như lời Đức Giám Mục Phao lô đã chia sẻ; “Sự kiện này sẽ là một bước ngoặc lịch sử để những người con Tân Phương nói riêng, người Công Giáo nói chung có một cách nhìn mới, một phương hướng mới, một chiều kích mới về sống đạo. Hơn thế nữa là một dấu chỉ cho việc rao giảng Tin mừng sống động…”. Hy vọng sau sự kiện lịch sử này, một tương lai sẽ bừng sáng trong hồng ân Thiên Chúa, trong trang sử của Giáo Hội và đây sẽ là ngọn đuốc thắp sáng Đức tin cho những người chưa biết Chúa n

Đa minh Nguyễn Tiến Khởi

Truyền thông Giáo hạt Ngàn Sâu
 
Hai nhà truyền giáo Việt Nam đi Bahia Negra, Paraguay - Cánh đồng truyền giáo bị lãng quên
Lm. Stephan Lương Tử Lân, SVD.
11:07 12/02/2017
BAHIA NEGRA, PARAGUAY– CÁNH ĐỒNG TRUYỀN GIÁO BỊ LÃNG QUÊN

Nhắc đến Bahía Negra thì hầu hết chẳng người Paraguay nào muốn đặt chân đến vùng đất khỉ ho cò gáy này vì lẽ đó là một vùng đất nghèo nàn và hẻo lánh nhất ở Paragugay cách thủ đô Asunción chừng 1.000 cây số đi đường bộ về hướng Bắc.

Xem Hình

Bahía Negra theo tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là Vịnh Đen. Nơi đây người thổ dân Chamacoco chiếm đến 73% và 27% còn lại là người Paraguay mang dòng máu tỵ nạn của những người Âu châu thời thuộc địa. Họ đến vùng đất hoang sơ cằn cỗi này để bắt đầu một cuộc sống tha hương cầu thực từ nhiều chục năm về trước. Bahía Negra cũng là giáo điểm truyền giáo của Dòng Saledieng Bosco. Họ là những người tiên phong đặt chân đến vùng vùng đất hoang sơ đầy thách đố này để đồng hành với những người dân khốn khổ trong những bước đầu đầy khó khăn trong suốt 50 năm qua.

Tuy nhiên, trong hơn 10 năm trở lại đây, do thiếu nhân sự vì ơn gọi truyền giáo và linh mục trở nên khan hiếm ở Tân Lục Địa này, Dòng Don Bosco đành rời bỏ cánh đồng truyền giáo đã từng gắn bó với họ rất nhiều năm và để lại vùng “Vịnh Đen” Bahía Negra ngày càng đen hơn cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Chính vì thế, Kể từ năm 2005, Bahía đã bị lãng quên bởi chính quyền lẫn giáo quyền, đàn chiên thiếu chủ chăn và các con chiên đang hoảng loạn.

Qua thư mời gọi của Đức Giám Quản Tông Tòa của vùng truyền giáo này, Dòng truyền giáo Ngôi Lời ở Paraguay đã đồng ý tiếp nhận một sứ vụ đầy thách đố dù nhân sự của Dòng không mấy dồi dào.

Trung tuần tháng 3 năm 2016, 3 tu sĩ tiên phong thuộc Dòng truyền giáo Ngôi Lời tại Paraguay đã được sai đi để lãnh nhận xứ truyền giáo Bahía Negra. Trước đó trong một cuộc Tu Nghị Tỉnh Dòng, bề trên giám tỉnh có thỉnh ý liệu xem ai muốn đến vùng đất hoang sơ trong thế kỷ XXI này để sống sứ vụ truyền giáo thì chỉ có mấy anh em Việt nam và một tu sĩ người Indonesia giơ tay sẵn sàng ra đi dù họ đang cai quản những giáo xứ bề thế. Ba anh em chúng tôi (2 người Việt và 1 người Indonesia) “xăm mình” để bắt đầu một sứ vụ không mấy êm ả để noi gương Thầy Chí Thánh.

Từ thủ đô Asunción đến Bahia Negra nếu đi bằng đường bộ thì một tuần chỉ có một chuyến xe bus và phải mất khoảng 20 giờ đồng hồ mới đến được nếu trời không mưa. Còn đi bằng máy bay quân đội thì mất khoảng 2 tiếng và cũng nhồi nhét như đi xe bus và một tuần chỉ có một chuyến. Nếu trời mưa thì không có phương tiện nào đi đến đó đươc.

Ba anh em chúng tôi ra đi với một tinh thần hăng hái nhưng không thiếu những lo toan bởi lẽ chúng tôi biết rằng con đường phía trước không mấy dễ dàng, một tương lai đầy chông gai thử thách đang rình rập chúng tôi. Bông hồng nào chẳng có gai, sứ vụ nào cũng có vài khó khăn nhưng chúng tôi vẫn quyết chí lên đường.

Quả thật đúng như những gì chúng tôi đã tiên đoán khi vừa đặt chân đến vùng đất này. Chúng tôi đã gặp phải nhiều thử thách “không hề nhẹ” ngay từ phút đầu, những thử thách không dễ dàng chút nào. Vừa bước vào nhà xứ gọi là Santa Teresita del Niño Jesús (Thánh Teresa Hài Đồng Giêsu) do các cha Dòng Don Bosco thành lập. Trong khoảng khắc chúng tôi không khỏi bở ngỡ sự hoang tàn và mục nát của ngôi nhà Xứ. Bên ngoài hành lang cỏ mọc um tùm như từ lâu đã lâu không có ai chăm lo quét dọn tạo nên một khung cảnh u ám, ảm đạm khó tả. Bước vào bên trong nhà Xứ chúng tôi “há mồm” không thể tin vào mắt mình với những cảnh tượng hiện ra trước mắt chúng tôi: phân của những con Dơi vung vãi khắp nơi từ phòng khách, phòng ăn, nhà bếp đến phòng ngủ toát ra một mùi hôi nồng nặc khó thở. Tất cả những cảnh tượng đó như là một dấu hiệu đã từ lâu ngôi nhà xứ này đã bị bỏ hoang và chìm vào quên lãng không ai thèm ngó ngàng đến.

Khác với những vùng đất còn lại ở Paraguay, Bahía Negra có hai mùa Mưa, Nắng đặc trưng rõ rệt. Theo người dân bản xứ, tháng 3 là tháng nóng nhất trong năm và chúng tôi lại đến đúng vào tháng này. Cái nóng khắc nghiệt của mùa Hè khiến chúng tôi liên tưởng mình đang ở trong Sa Mạc Sahara bên Phi Châu. Đất đai thì cằn cỗi, cây cỏ hoa lá như thiếu sức sống và con người cũng khô cần và đen đuốc như chính vùng đất của họ. Đã thế, hơn 4 tháng chúng tôi phải chịu đựng sống trong màng đêm vì không có điện, không có nước sạch. Tuy nhiên điều đáng buồn hơn cả là đức tin của người dân ở đây quá xuống dốc và nguội lạnh do nhiều năm qua thiếu vắng chủ chăn.

Đứng trước những thách đố đó, chúng tôi không cảm thấy nản chí dù điều kiện sống ban đầu quá cơ cực làm cho sức khỏe của anh em chúng tôi sa sút phần nào, chúng tôi xem đó như là một động lực để thúc đẩy chúng tôi trong đời sống dấn thân phục vụ. Socrates, một triết gia Hy Lạp nổi tiếng, người “đỡ đẻ cho những bộ óc trí tuệ” đã một lần thốt lên rằng: “Cuộc đời không thử thách là một cuộc đời không đáng sống”. Cha ông ta có câu: “Vạn sự khởi đầu nan, gian nan thử đức”. Đó là điểm khởi đầu của những ai muốn dấn thân quên mình để theo gương Thầy Chí Thánh Giêsu đến để phục vụ và phục vụ quên mình.

Nối gót Thầy Chí Thánh là quyết tâm cùng Ngài lên đồi Can-vê, nơi mà Ngài phải đối diện với những thử thách khó tránh khỏi và thử thách đó đã lấy đi mạng sống của Ngài. Ngài đã đánh đổi mạng sống mình để đem lại niềm hy vọng và ơn cứu độ cho muôn dân. Để làm đẹp Thánh Ý Chúa Cha, Ngài đã theo đến cùng và chết trên Thập Giá. Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không chết đi, không thối đi thì nó sẽ trơ trọi một mình, không đem lại hoa quả, bông hạt. Dù biết rằng trên con đường dấn thân phục vụ có nhiều chông gai thử thách, có nhiều cạm bẫy, gian nan, chúng tôi nguyện nối gót Thầy Chí Thánh Giêsu, như hạt lúa mì chết đi để nung nấu đức tin những người nguội lạnh, mang lại niềm hi vọng cho những người bị lãng quên và niềm an ủi cho những ai khao khát sự ủi an trên vùng đất truyền giáo Bahía Negra này. Đối với người đời có thể chúng tôi là những người thất bại, nhưng trong Thiên Chúa chúng tôi luôn tin rằng sự thất bại đó sẽ là một thành công hiển hách vì có Chúa đồng hành và sánh bước với chúng tôi trên mọi nẻo đường. Như thánh Phaolo Tông Đồ đã từng thốt lên rằng thà thất bại trong Thiên Chúa còn hơn thành công đối với người đời.

Con đường sứ vụ ở vùng đất lãng quên Bahía Negra sẽ còn nhiều thách đố ở phía trước, nhưng trong sự mời gọi của Thầy Chí Thánh, và nhờ lời cầu nguyện của ông bà và anh chị em, chúng tôi tin rằng một ngày nào đó vùng đất xa xôi hẻo lánh này sẽ triển nở và trở thành một mảnh đất phì nhiêu trong niềm tin, cậy mến như thánh Phaolo đã nói: “Tôi trồng, anh Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên” (1 Cor 3:6).

Bahía Negra, 09 tháng 02 năm 2017

Lm. Stephan Lương Tử Lân, SVD.
 
Lễ cầu nguyện cho bệnh nhân tại trại phong Bến Sắn
Maria Nguyễn Hiếu
17:56 12/02/2017
THÁNH LỄ QUỐC TẾ BỆNH NHÂN NGÀY 11/02 TẠI TRẠI PHONG BẾN SẮN

Vào lúc 9 giờ sáng thứ Bảy ngày 11/02/2017, Đức Cha Giuse Nguyễn Tấn Tước đã yêu thương và ưu ái đến thăm trại phong Bến Sắn và cử hành thánh lễ nhân ngày Quốc tế Bệnh nhân. Thánh lễ diễn ra cách long trọng tại nhà nguyện trong trại phong Bến Sắn dưới sự chủ tế của Đức Cha Giuse, cùng với sự đồng tế của cha Đa Minh - Chánh xứ Bến Sắn, và vài cha trong và ngoài giáo phận Phú Cường.

Xem Hình

Tham dự thánh lễ là đa số các bệnh nhân đang được điều trị tại đây cùng với các soeur thuộc dòng Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn và một số bà con giáo dân trong và ngoài khu vực trại phong.

Ngay từ sớm, các bệnh nhân đã có mặt tại nhà nguyện cùng nguyện kinh trong tâm tình rất sốt mến, để chuẩn bị tâm hồn tham dự thánh lễ.

Trong bài giảng, Đức Cha Giuse chia sẻ cho mọi người về hình ảnh của Mẹ Maria. Mẹ là đấng an ủi những người sầu muộn, soi sáng khuôn mặt của Giáo Hội qua những người âm thầm dấn thân hằng ngày săn sóc các bệnh nhân và những ai khốn khổ. Nơi Mẹ, con tim hiền mẫu luôn rộng mở và tràn đầy lòng thương xót. Như xưa khi tại tiệc cưới Cana, chính nhờ sự quan tâm ân cần và chu đáo, Đức Maria đã tham dự vào niềm vui của những con người giản dị, và Mẹ đã dấn thân để làm tăng thêm niềm vui đó; bên con của mình, Mẹ đã thực hiện lời bầu cử cho hạnh phúc của đôi tân hôn và cho tất cả mọi khách mời. Và Chúa Giêsu đã không khước từ lời cầu bầu của mẹ mình. Biết bao nhiêu là hy vọng đối với tất cả chúng ta nằm trong sự kiện này. Và chính nhờ sự kiện này làm cho nhân loại nhớ về sự hiện diện của Mẹ tại Lộ Đức. Mẹ chọn nơi nghèo nàn ít người biết đến để tỏ lộ tình thương của Mẹ. Đây cũng chính là nơi để tất cả con cái của Mẹ tìm đến khi gặp đau khổ khó khăn bệnh tật về thể xác cũng như tinh thần cùng cầu nguyện xin ơn chữa lành.

Trong tâm tình mến yêu, Đức Cha Giuse thiết tha mời gọi cộng đoàn thêm lời cầu nguyện cho tất cả các linh mục trong giáo phận, cách riêng cho những linh mục cách nào đó đang gặp khó khăn và yếu đuối trong sứ vụ. Chính nhờ sự cầu nguyện của các giáo dân sẽ giúp cho các ngài thêm vững vàng trên con đường mục vụ.

Nhân ngày Quốc tế Bệnh nhân, Đức Cha Giuse cầu chúc cho tất cả những ai đang phục vụ các bệnh nhân và những người đau khổ vì bệnh tật luôn được sự nâng đỡ của Đức Maria. Đức Cha Giuse cũng khích lệ tinh thần cho những người đang dấn thân phục vụ các bệnh nhân. Chắc hẵn, cũng có những lúc sẽ mệt mỏi, nặng nề, nhưng hãy tin chắc rằng, Chúa luôn hiện diện để biến những nỗ lực thuộc về con người thành một cái gì đó của Chúa. Mỗi người cũng có thể trở thành những bàn tay, những cánh tay, những con tim để giúp Chúa thực hiện những phép lạ thầm kín nhưng rất thường xuyên của Ngài.

Thánh lễ kết thúc vào lúc 10 giờ trong niềm hân hoan và tạ ơn.

Maria Nguyễn Hiếu- Truyền thông Giáo phận
 
Văn Hóa
Tình Ca Bạn Đời
Đinh Văn Tiến Hùng
12:54 12/02/2017
Tình Ca Bạn Đời

* Ngày Lễ Tình Yêu- Valentine’s Day : 14/2/17

“ Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, thi loài người không được tháo gỡ “
( Mt.19 : 6 )
“Người vợ hiền trong cửa nhà ngăn nắp, đẹp như vầng hồng trên chốn cao xanh của Đức Chúa”
( Huấn ca.26 : 16 )

Bạn Đời ta gọi là Mình,
Mình ơi ! Ta gọi thân tình Nhà Tôi.
Đời người cuộc sống lứa đôi,
Thân ta một nửa nguyện thời trao nhau,
Trọn tình vẹn nghĩa trước sau,
Dẫu trăm năm bạc mái đầu chẳng thay,
Lời đầu giao kết còn đây,
Tình yêu bền vững, nối giây thề nguyền,
An hòa gìn giữ mối duyên,
Tuân theo Thánh ý lời truyền khắc ghi :
‘Thiên Chúa kết hợp sự gì,
Con người không thể bỏ đi theo mình.’
Bạn Đời tình nghĩa trung trinh,
Mình ơi ! Ta gọi thân tình Nhà Tôi,
Cuộc đời ta đã kết đôi,
Trăm năm nương tựa vẫn thời có nhau.
Thương nhau luôn hãy nguyện cầu,
Yêu nhau xin Chúa cầu bầu chở che,
Biển trần lôi cuốn đam mê,
Chúa luôn nâng đỡ bốn bề yên vui.

ĐINH VĂN TIẾN HÙNG




 
Valentine 2017: Ta đi tìm quà Valentine cho em
Sơn Ca Linh
14:30 12/02/2017
TA ĐI TÌM QUÀ VALENTINE CHO EM
(Mùa Valentine 2017)

Mai nay trời chắc nắng thêm,
Ta đi tìm để trao em món quà,
Dẫu cho đường có trải xa,
Có xuyên rừng thấp có qua lưng đèo,
Hố sâu, núi thẳm cheo leo,
Sông dài biển rộng mây theo cuối trời…
Tìm cho em đóa hồng tươi,
Hay cành lan tím mĩm cười trao duyên.
Bắt cho em cánh bướm huyền,
Thướt tha trong gió như thuyền giữa khơi.
Mang cho em giọt sương trời,
Quyện trong gió sớm đượm ngời hương xuân.
Trao em tiếng liễu bâng khuâng,
Đàn chim én liệng không trung vẫy chào.
Biếu em hạt nắng xôn xao,
Giọt mưa tí tách mây trao gió ngàn.
Đồng xanh lúa biếc miên man,
Cho em bao giọt muôn vàn yêu thương,
Cho em tất cả thiên đường,
Tình cha tình mẹ quê hương dạt dào.
Sau cùng anh ngước lên cao,
Cho em lời nguyện ngọt ngào Thiên ân.
Chút quà mọn Va-len-tine,
Em ơi
mai nhé,
Đừng quên,
Đợi chờ !

Sơn Ca Linh
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Trái Tim Sỏi Đá
Tấn Đạt
20:51 12/02/2017
TRÁI TIM SỎI ĐÁ
Ảnh của Tấn Đạt
Gửi ai một trái tim này
Dù cho mưa nắng luôn đầy tình yêu.
(nđc)
 
VietCatholic TV
Giáo Hội Năm Châu 07-13/02/2017: Mừng 17 chân phước tử đạo Lào tại Vương Cung Thánh Đường Paris
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
15:55 12/02/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Thánh lễ tạ ơn 17 chân phước tử đạo Lào tại Vương Cung Thánh Đường Paris

Quý vị và anh chị em đang theo dõi những hình ảnh trong thánh lễ đại trào tại Vương Cung Thánh Đường Notre Dame de Paris do Đức Hồng Y André Vingt-Trois, Tổng giám mục Paris, cử hành vào lúc 18 giờ 30 chiều Chúa Nhật 05 tháng 02.

Thánh lễ này là Thánh lễ Tạ Ơn sau khi 17 vị Tử đạo Lào được Hội Thánh phong chân phước. 25 vị giám mục trên khắp nước Pháp, các linh mục Bề trên Tổng quyền Hội Thừa sai Paris, các linh mục bề trên Hội Thừa sai Tận hiến Đức Mẹ Vô Nhiễm (OMI) và nhiều linh mục đã đồng tế.

Tưởng cũng nên nhắc lại là trước đó, cụ thể là vào hôm Chúa Nhật 11/12/2016, Đức Hồng Y Orlando Quevedo người Phi Luật Tân đã đại diện Đức Thánh Cha Phanxicô chủ lễ phong chân phước cho 17 vị tử đạo nước Lào tại Nhà thờ Chính tòa Thánh Tâm, ở Vạn Tượng.

Trong lễ Tạ ơn ngày 05/02, Đức Hồng Y Vingt-Trois đã tán dương công đức của các vị tân chân phước. Các ngài là nhân chứng dũng cảm của Chúa Kitô trong thế kỷ XX, rao giảng hòa bình và công lý.

Mùa xuân 1953, du kích Lào cộng (Pathet Lao) chiếm tỉnh Sầm Nứa. Các vị thừa sai phải di tản đi nơi khác. Cha Giuse Thảo Tiên, thụ phong linh mục năm 1949, quyết định ở lại với các tín hữu. Ngài sẵn sàng hy sinh tính mạng để làm chứng cho đức tin. Cha Tiên bị cộng quân giam giữ tại trại Talang. Ngày 02/06/1954, ngài bị xứ bắn. Trước đó, ngài từ chối không hồi tục lấy vợ theo sự dụ dỗ của Pathet Lào.

Ngoài ra, cha Gioan Baotixita Malo từng truyền giáo ở bên Tầu bị bắt cùng 4 vị khác. Ngài bị đưa sang một thung lũng ở miền Trung nước Việt, chết vì bị tra tấn dã man. Năm 1960, một thầy giảng người Hmong và cha Mario Borzaga cũng tử đạo. Năm 1961, các linh mục Louis Leroy, Michel Coquelet et Vincent L’Hénoret bị cộng quân bạo hành đến chết. Tại miền Nam nước Lào, cha Noël Tenaud, cha Marcek Denis và thầy giảng Outhay cùng chung số phận. Sau đó đến lượt thầy Gioan Wauthier, tông đồ người nghèo bị xử bắn. Trong di bút, một vị tử đạo Lào đã viết như sau: ‘‘Chúng tôi là các nhà truyền giáo, cam chịu kham khổ, sẵn sàng hy sinh tính mạng. Trong thời kỳ cộng quan bách hại đạo Công Giáo, chúng tôi đều muốn được phúc tử đạo. Khi còn sống, chúng tôi hết lòng giúp đỡ người nghèo, lặn lội vào hang cùng ngõ hẻm, trong các thôn làng hẻo lánh, săn sóc các bệnh nhân và loan báo Tin Mừng’’.

Đức Hồng Y Tổng giám mục Paris kết luận: 17 anh hùng tử đạo, người Lào hay người Pháp, làm chứng cho Tin Mừng. Họ là các viên đá vững chắc xây dựng Giáo Hội non trẻ ở Lào. 17 tân chân phước còn là tấm gương sáng cho giới trẻ noi theo.

Việc các tu sĩ và tín đồ Công Giáo bị bức tử là bản cáo trạng, phản ảnh trung thực về thực trạng tôn giáo tại hai nước cộng sản Lào, và Việt Nam.

2. Chung quanh việc Huynh Đoàn Thánh Piô X tiến đến hòa giải với Vatican

“Chúng tôi hiện đang làm việc để cải tiến một số khía cạnh trong hình thức giáo luật Giáo Hạt tòng nhân.” Đức Tổng Giám mục Guido Pozzo, thư ký của Ủy ban Ecclesia Dei (Giáo Hội Chúa), phụ trách đối thoại với Huynh Đoàn Thánh Piô X, đã khẳng định như trên với tờ Vatican Insider và cho rằng thời điểm Huynh Đoàn này hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội đã gần kề. Mục tiêu nhắm đến một thỏa thuận đã hiện ra trước mắt, mặc dù vẫn còn phải mất thêm một thời gian nữa.

Hôm 29 tháng Giêng năm 2017, nhà lãnh đạo của Huynh Đoàn Thánh Piô X, là Đức Giám Mục Bernard Fellay, đã xuất hiện trên chương trình truyền hình Pháp “Terres de Mission”, được TV Liberté phát sóng.

Đức Cha Fellay xác nhận tiến trình đi đến một thỏa thuận đang được tiến hành và để đạt đến một giải pháp giáo luật, Huynh Đoàn sẽ không cần phải chờ đợi cho đến khi tình hình bên trong Giáo Hội là “hoàn toàn thỏa đáng” dưới con mắt của Huynh Đoàn Thánh Piô X. Trong vài năm qua, Huynh Đoàn Thánh Piô X đã không ngừng nhắc đến tên của Đức Giáo Hoàng và cầu nguyện cho ngài trong các thánh lễ. Đức Cha Fellay ghi nhận thái độ cởi mở của Đức Phanxicô đối với Huynh Đoàn trong bối cảnh tập trung vào các vùng “ngoại biên” của ngài; và giải thích tầm quan trọng của việc kết thúc sự chia rẽ với Rôma.

Con đường hòa giải với nhóm ly giáo này, sau biến cố Đức Tổng Giám Mục Marcel Lefebvre tấn phong 4 Giám Mục trái phép vào năm 1988, đã được bắt đầu vào năm 2000 khi các thành viên trong Huynh Đoàn đến Rôma hành hương trong Năm Đại Thánh. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II lúc đó đã đồng ý cho việc khởi sự đàm phán. Truyền thông giữa hai bên được tăng cường dưới triều đại Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16, với những vấn nạn về tín lý được mở ra để xem xét. Đức Ratzinger là vị Giáo Hoàng đầu tiên sau Công Đồng cho phép tự do sử dụng Phụng Vụ thánh lễ tiền Công Đồng và sau đó tha vạ tuyệt thông cho bốn vị giám mục của Huynh đoàn. Trong triều đại của mình, Đức Giáo Hoàng Phanxicô không chỉ cho phép truyền thông giữa hai bên được tiếp tục nhưng còn đi xa hơn khi ban năng quyền giải tội cho các linh mục của Huynh Đoàn trong Năm Thánh Lòng Thương Xót. Sự nhượng bộ này sau đó lại được mở rộng vô hạn định trong Tông Thư “Misericordia et Miser”

Về phương diện tín lý, những vấn đề chính dường như đã được khắc phục để có thể tiến đến một thỏa thuận. Các thành viên của Huynh đoàn đã được yêu cầu phải trung thành với các khía cạnh thiết yếu của đức tin Công Giáo, nói cách khác là “professio fidei”, là niềm tin vào giá trị của các bí tích được cử hành với Novus Ordo (tức là hình thức phụng vụ mới - kết quả của những cải cách hậu công đồng) và phải vâng phục Đức Giáo Hoàng. Đã có một cuộc thảo luận và chia sẻ các ý tưởng liên quan đến mối quan hệ giữa huấn quyền và truyền thống, trong khi các chủ đề khác liên quan đến phong trào đại kết, tự do tôn giáo và mối quan hệ giữa Giáo Hội và thế giới được gác lại vì cần phải được xem xét sâu hơn và có thể là căn nguyên gây ra các mâu thuẫn.

Trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình, Đức Cha Fellay, bên cạnh việc nhắc lại những nhượng bộ của Đức Thánh Cha Phanxicô liên quan đến các bí tích Hòa giải và Xức Dầu Bệnh Nhân, cũng đề cập đến việc thụ phong linh mục của các thành viên trong Huynh đoàn, và khẳng định Tòa Thánh uỷ quyền cho Huynh Đoàn tiến hành những buổi lễ này mà không cần có sự đồng ý của giám mục bản quyền địa phương. Về điều này, Đức Tổng Giám mục Guido Pozzo cho biết tình hình phức tạp hơn và bắt nguồn từ một quyết định được đưa ra bởi Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI và Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin một vài năm trước đây. Vị thư ký Ecclesia Dei giải thích “Tòa Thánh cho phép và khoan dung vấn đề phong chức linh mục của Huynh Đoàn Thánh Piô X, xem việc phong chức này là thành sự nhưng không hợp luật (valid but not licit), miễn là các giám mục địa phương phải được thông báo về tên của các ứng cử viên linh mục. Đức Thánh Cha Phanxicô chỉ ban năng quyền cho các linh mục thuộc Huynh Đoàn Thánh Piô X được cử hành hợp pháp các Bí tích Hòa Giải và Xức Dầu bệnh nhân. Chính vì để tất cả các hành vi bí tích khác là hợp pháp cũng như có giá trị mà một giải pháp về giáo luật cần phải được tìm ra cho Huynh Đoàn Thánh Piô X”.

Giải pháp giáo luật cho vấn đề là hình thức Giáo Hạt tòng nhân, một hình thức mới được giới thiệu trong bộ Giáo Luật năm 1983 và cho đến ngày nay chỉ áp dụng đối với Opus Dei. Trong suốt những năm gần đây, ngày càng có nhiều những tiếng nói tiếng chống lại các nhượng bộ với Huynh Đoàn Thánh Piô X. Giám mục Richard Williamson, một trong bốn giám mục của Huynh Đoàn Thánh Piô X đã được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 tha vạ tuyệt thông, đã rời khỏi Huynh Đoàn và thành lập một nhóm còn cực đoan hơn nữa, đang tiến hành tấn phong các giám mục mới. Trái lại, quan điểm của Đức Cha Fellay có vẻ phù hợp hơn với quan điểm của người sáng lập ra Huynh Đoàn là Đức Tổng Giám Mục Lefebvre, là người vào năm 1988 đã đến rất gần với một thỏa thuận với Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, Tổng Trưởng của Thánh Bộ Giáo Lý Đức tin, và chỉ để tuột mất cơ may này vào đúng phút cuối cùng.

3. Tổng thống Nigeria hứa cho nhiều làm chẳng bao nhiêu

Hàng ngàn người Nigeria đã xuống đường phản đối Tổng thống Muhammadu Buhari vì tình trạng kinh tế tồi tệ, công ăn việc làm bấp bênh, lương bổng chết đói và nạn khủng bố hoành hành khắp nơi.

Tổng thống Muhammadu Buhari là một người Hồi Giáo đã thắng cử trong cuộc bầu cử năm ngoái 2105. Ông nhậm chức ngày 29 tháng năm 2015 thay cho tổng thống Goodluck Jonathan là một người Công Giáo.

Bất chấp những hứa hẹn đẹp như mơ của ông trong thời gian tranh cử, tình hình tại Nigeria đã tỏ ra ngày càng tồi tệ hơn.

Một trong những vị nói rất thẳng thắn về tình trạng sa sút của quốc gia là Đức Hồng Y Anthony Okogie. Ngài là Tổng giám mục nghỉ hưu của thủ đô Lagos, Nigeria.

Đức Hồng Y Okogie viết trong một bức thư ngỏ đến tổng thống Buhari.

“Hôm nay, những tiếng kêu gào vì đói khát vang vọng trên khắp chiều dài và chiều rộng của đất nước rộng lớn chúng ta. Nigeria đói không chỉ thực phẩm, mà còn đói các nhà lãnh đạo tốt, cho hòa bình, an ninh, và công lý.”

Tổng thống Muhammadu Buhari từng là một tướng lãnh trong quân đội Nigeria. Tuy nhiên, ông vẫn thất bại trong việc ngăn chặn bọn khủng bố Hồi Giáo Boko Haram.

Những cuộc tấn công liên tục của Boko Haram đã khiến hơn 2.5 triệu người phải di dời trên khắp miền Trung và Tây Phi, với khoảng 2.1 triệu người chạy loạn trong nội bộ Nigeria. Hơn 172,000 người tị nạn đã chạy trốn qua biên giới các nước xung quang để tìm kiếm sự an toàn. Trong những tháng gần đây, quân nổi dậy đã tăng các cuộc tấn công vào các nước láng giềng của Nigeria. Những quốc gia này giờ đây phải đối phó với cả những người tị nạn Nigeria và hơn 200,000 người dân của chính họ phải chạy giặc.

Đức Hồng Y đã kết luận với lời cầu chúc:

“Cầu xin cho không có trang nào trong lịch sử ghi lại rằng người Nigeria đã chết vì đói dưới thời cai trị của ngài”.

4. Tình trạng tại các trại tị nạn tại Hy Lạp đang xấu đi

Những di dân và người tị nạn với một tương lai bấp bênh đã biểu tình dữ dội chống lại điều kiện sống tồi tệ trong một trại tị nạn tại thủ đô Athens hay còn gọi là Nhã Điển của Hy Lạp. Cuộc phản kháng đã nổ ra nhân một chuyến viếng thăm của bộ trưởng di dân Yannis Mouzalas.

Chính quyền Hy Lạp đang muốn giải tỏa toàn bộ trại này vì chính quyền cho các nhà đầu tư thuê mướn trong một nỗ lực phục hồi kinh tế.

Trại tị nạn này hiện chứa 1,600 người, hầu hết là người A Phú Hãn.

Một người di dân là anh Massoud người A Phú Hãn nói:

“Tình trạng của chúng tôi trong trại này rất tồi tệ, như là cả năm trong tù”

Khoảng 60,000 người tị nạn và di dân đang lang thang tại Hy Lạp vì biên giới với các quốc gia trong vùng Balkan đã bị đóng lại, làm cản trở cuộc hành trình của họ đến Trung và Tây Âu.

5. Chính quyền Iraq khích lệ dân chúng đi xe đạp

Xe bom tự sát là nỗi kinh hoàng của chính quyền và người dân thủ đô Baghdad của Iraq. Các chốt chặn kiểm soát được mọc lên như nấm trong thành phố đã gây ách tắc giao thông.

Hàng trăm người đã xuống đường tại thủ đô Iraq. Họ đang khích lệ nhiều người có một lối sống khoẻ mạnh hơn cũng như chống lại tình trạng ô nhiễm trong thành phố.

Thikra Sirsam, phó giám đốc viện Babylon Tower, nói:

“Với sáng kiến này, chúng tôi nhắm tới việc khích lệ người dân dùng xe đạp như là một phương tiện giao thông, đặc biệt trong các khoảng cách ngắn, để giải quyết nạn kẹt xe. Nó cũng làm giảm ô nhiễm và khói xe”.

Tuy vẫn còn trong tình trạng chiến tranh, do giá xăng dầu rẻ mạt, xe hơi là phương tiện giao thông chủ yếu. Thành ra, Baghdad phải hứng chịu tình trạng kẹt xe và ô nhiễm.

Các chốt chặn kiểm soát rải rác trong thành phố cũng góp phần làm kẹt xe. Những nhà tổ chức chiến dịch đi xe đạp cũng hy vọng có thể thực hiện các chiến dịch tương tự ở các thành phố khác của Iraq.

Tuy nhiên, an toàn vẫn còn là một quan ngại. Nhiều con đường phải được sửa sang và người đi xe đạp cần phải cẩn thận.

6. Thổ Nhĩ Kỳ mở rộng cuộc chiến chống khủng bố

Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ khoảng 400 người bị tình nghi là thành viên của bọn khủng bố Hồi Giáo IS trong các cuộc bố ráp chống khủng bố tại sáu tỉnh. Các phương tiện truyền thông nhà nước cho biết đây là cuộc bố ráp chống khủng bố lớn nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ từ trước đến nay.

Hãng tin Anadolu cho biết những người bị bắt chủ yếu là là công dân nước ngoài. Ít nhất 60 nghi can đã bị bắt giữ tại thủ đô Ankara, trong khi 150 người khác bị bắt giữ tại tỉnh Sanliurfa gần biên giới Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ có 80.3 triệu dân, trong đó 99.8% là người Hồi Giáo Sunni. Trong một thời gian dài, Thổ Nhĩ Kỳ theo đuổi đưòng lối quá khích là bằng mọi giá lật đổ cho được tổng thống Bashar al-Assad là người theo một hệ phái Hồi Giáo thuộc nhánh Shiite /ʃɪ-ɑɪ/. Cho nên, nước này đã là một cửa ngõ cho các thành phần thánh chiến Hồi Giáo cư ngụ trước khi xâm nhập vào Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ đã phải lãnh những hậu quả thê thảm từ hành động dung túng cho bọn khủng bố Hồi Giáo IS.

Ba mươi chín người, đã bị thiệt mạng trong đêm Giao Thừa đón năm mới khi bọn khủng bố Hồi Giáo IS nổ súng bên câu lạc bộ Reina ở Istanbul.

Trong các cuộc hành quân cảnh sát mới nhất, 30 người bị tình nghi là các thành viên của bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã bị giam giữ tại tỉnh Konya, và 10 người khác đã được bị bắt ở tỉnh Adiyaman.

Cảnh sát cũng bắt giữ 18 nghi phạm tại Kocaeli và Istanbul, 47 ở Gaziantep và 46 người khác ở tỉnh Bursa.

Ngoài các vụ bắt giữ mới nhất, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết ít nhất 780 người, trong đó có 350 người nước ngoài, vẫn còn bị giam giữ vì bị nghi ngờ dính líu đến bọn khủng bố Hồi Giáo IS.

7. Nhà thờ làm bằng các tảng băng ở Slovenia

Tại Slovenia có một nhà thờ Công Giáo rất đặc biệt nằm trên đỉnh núi Tatras của công viên quốc gia Slovenia. Ngôi nhà thờ này được thực hiện bằng 90 tấn băng do bàn tay của 15 nhà điêu khắc trong suốt ba tuần làm việc chăm chỉ. 720 khối đá đã được sửa đổi và trở thành một tác phẩm ngoạn mục. Tác giả chính của ngôi nhà thờ này là kiến trúc sư Adam Bakos người địa phương.

Ngôi nhà thờ này giúp Giáo Hội mang các du khách đến với các thánh lễ. Nhà thờ cũng còn được dùng trong các buổi hòa nhạc và các đám cưới.

Một người trượt tuyết nói: “Thật là tuyệt vời. Tôi đang leo núi hôm nay nhưng cảnh quan nơi đây hoàn toàn khác”.

Một nữ tu cho biết cảm tưởng như sau: “Ngôi nhà thờ này nhắc tôi đến bàn thờ tại Levoca. Vâng, thực sự có thể nói là các tượng ở đây rất giống các tượng ở Levoca mặc dù không hoàn toàn y hệt. Thật là đẹp, quá đẹp. Tôi rất vui được đến đây”.

“Tôi ngưỡng mộ công việc cuả các điêu khắc gia đã thực hiện ngôi nhà thờ này.”

Andrea Zigovan, là giám đốc văn phòng du lịch miền này, nói:

“Ngôi nhà thờ làm bằng băng của chúng tôi cũng dùng cho các đám cưới. Năm ngoái, đã có 5 đám cưới được thực hiện ở đây. Năm nay, chúng tôi đã có một vài cặp tổ chức lễ cưới ở đây. Mỗi Chúa Nhật cho đến tháng Tư sẽ có các buổi hòa nhạc tại đây. Nhà thờ được mở cửa mọi ngày cho các khách du lịch và hàng ngàn người đến thăm một ngày”.

8. Đức Thánh Cha hỗ trợ sáng kiến chung của Công Giáo và Tin Lành Đức: “Chữa lành ký ức - làm chứng về Chúa Giêsu Kitô”.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 6 tháng 2, dành cho phái đoàn đại kết Công Giáo và Tin Lành Đức, gồm 23 vị, đứng đầu Đức Giám Mục Bedford-Strohm, Chủ tịch Hội đồng các Giáo Hội Tin Lành Đức, và Đức Hồng Y Reinhard Marx, TGM Munich, Chủ tịch HĐGM Công Giáo Đức. Cuộc viếng thăm diễn ra trong bối cảnh kỷ niệm 500 năm cuộc cải cách do Martin Luther đề xướng.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha nhận định rằng điều linh hoạt và làm cho những người Cải Cách quan tâm, xét cho cùng, là chỉ đường tiến về Chúa Kitô, và đó phải là điều cũng làm cho chúng ta quan tâm ngày nay... Sự kiện lời kêu gọi canh tân của những Người Cải Cách đã đưa tới những diễn biến làm chia rẽ các tín hữu Kitô, thật là điều bi thảm. Các tín hữu Kitô không còn là anh chị em với nhau trong đức tin nữa, nhưng thành những đối thủ và cạnh tranh nhau: trong thời gian quá lâu dài họ đã nuôi dưỡng đố kỵ và hăng say chống đối nhau, do những quyền lợi chính trị và quyền bính nuôi dưỡng, và nhiều khi họ không ngại dùng võ lực chống đối nhau, huynh đệ tương tàn.”

Đức Thánh Cha cám ơn Chúa vì ngày nay, các tín hữu Công Giáo và Tin Lành khiêm tốn và thẳng thắn muốn xích lại gần nhau, và sắp cùng nhau chia sẻ một cử chỉ quan trọng thống hối và hòa giải, một buổi lễ đại kết với chủ đề “Chữa lành ký ức - làm chứng về Chúa Giêsu Kitô”.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng “như thế, các tín hữu Công Giáo và Tin Lành ở Đức có thể đáp lại trong kinh nguyện lời kêu gọi mạnh mẽ thanh tẩy trong Thiên Chúa ký ức để được đổi mới trong nội tâm và được Thánh Linh sai đi mang Chúa Giêsu đến cho con người ngày nay”.

Đức Thánh Cha cũng nhắc đến những sáng kiến Tin Lành và Công Giáo tại Đức dự kiến thực hiện chung trong năm kỷ niệm 500 cuộc cải cách, đó là cùng hành hương tại Thánh Địa, một hội nghị chung về Kinh Thánh để trình bày những bản dịch mới Kinh Thánh dùng chung cho Công Giáo và Tin Lành, Ngày đại kết về trách nhiệm xã hội của các tín hữu Kitô.

Đức Thánh Cha cầu mong rằng “Sự tái khám phá những nguồn mạch đức tin chung, sự chữa lành ký ức trong kinh nguyện và trong bác ái, sự cộng tác cụ thể với nhau để phổ biến Tin Mừng và phục vụ anh chị em được đẩy mạnh hơn nữa.. Chính nhờ sự hiệp thông tinh thần được củng cố trong những thập niên qua trong hành trình đại kết, mà chúng ta có thể cùng nhau than khóc những thất bại của hai bên về tình hiệp nhất trong bối cảnh Cuộc Cải Cách và những diễn biến sau đó”.

Giáo Hội Công Giáo tại Đức hiện có khoảng 24 triệu tín hữu và Tin Lành còn khoảng 23 triệu tín hữu, đa số là Tin Lành Luther, trên tổng số hơn 82 triệu dân