Ngày 05-02-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chúa chữa lành bao cõi lòng tan vỡ
Lm. Nguyễn Xuân Trường
05:56 05/02/2021
CHÚA CHỮA LÀNH BAO CÕI LÒNG TAN VỠ

Năm hết Tết đến mà cả thế giới vẫn đang vật lộn chống chọi dịch bệnh Covid-19 gây nhiều chết chóc khổ đau. Trong tình cảnh ấy thì Phúc Âm tuần này thực sự là Tin Mừng vĩ đại cho chúng ta vì Chúa là Đấng chữa lành bao cõi lòng tan vỡ.

1.Chúa chữa lành thân xác. Chúa là Đấng chữa lành bệnh tật. Tuy nhiên, đáng tiếc là trong đời sống tôn giáo, nhiều khi người ta nghĩ bệnh tật do Chúa gây ra! Thế nên mới có những câu kết án nặng nề: Nó bệnh tật thế là do Chúa phạt đấy. Thật đáng đời! Rồi lại có những lời khuyên nghe rất đạo đức: Ông bà bệnh tật thế này là do Chúa gửi thánh giá cho đấy, chịu khó mà vác nhé! Rồi chính bản thân người bị đau bệnh cũng than thở: Chúa ơi, sao lại để con bệnh tật khổ sở thế này? Ôi, chả lẽ Chúa lại cứ thích làm khổ con người vậy sao? Oan cho Chúa quá! Các ông bố bà mẹ có muốn con cháu mình bị bệnh tật không? Không ai muốn. Ngược lại, khi con cháu bệnh, bố mẹ chăm sóc chữa trị cho chúng. Thế thì, Thiên Chúa là tình yêu, là Cha giàu lòng thương xót không đời nào lại muốn con cái Ngài bệnh tật, Ngài chỉ muốn chữa lành mà thôi. Phúc Âm nói rõ: Chúa chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật.

2.Chúa chữa lành tâm hồn. Chúa không chỉ chữa lành bệnh tật thân xác, hơn thế nữa, Chúa còn chữa lành bệnh tật tâm hồn. Chúa chữa lành bao cõi lòng tan vỡ khổ đau bằng các việc rao giảng Tin Mừng, trừ quỷ và cầu nguyện. Chúa nói những lời đem mừng vui; Chúa xua trừ quỷ thần độc ác gieo rắc hận thù, ghen ghét, chia rẽ; Chúa chìm đắm trong cầu nguyện để tâm hồn được bình an và vâng theo Thánh ý.

Chúa là Đấng chữa lành - đó là Tin Mừng để chúng ta cậy trông phó thác, để chúng ta sống an vui và hy vọng. Đồng thời, Tin Mừng ấy cũng thúc giục chúng ta noi gương Chúa Giêsu dấn thân yêu thương để chữa lành, để xoa dịu những đau khổ của con người trong thế giới hôm nay. Amen.

 
Hãy Tin Tưởng Vào Thiên Chúa Toàn Năng
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
11:03 05/02/2021
Hãy Tin Tưởng Vào Thiên Chúa Toàn Năng

Suy Niệm Chúa Nhật V Thường Niên – Năm B

(Mc 1, 29 – 39)

Nếu như Chúa nhật thứ IV Mùa Thường niên, Chúa Giêsu đã thi hành sứ mạng ngôn sứ của mình tại Capharnaum chứng tỏ chỉ có Chúa là Đấng toàn năng và là Thánh, thì bước vào Chúa nhật V Mùa Thường niên, sứ vụ Thiên sai của Người được tiếp tục thi hành. Là Thiên Chúa quyền năng trong lời nói cũng như trong hành động. Chúa chữa lành những người bị quỉ ám, Danh tiếng Người nhanh chóng lan truyền khắp mọi nơi. Uy quyền của một Thiên Chúa được tỏ lộ trong hành động, Chúa mở mắt cho người mù, làm cho kẻ què đi được, người điếc nghe được, nói chung là họ sung sướng vui mừng; mọi người đều …thán phục; các thần ô uế phải vâng lệnh. Cụ thể hơn, Chúa Giêsu hiện diện ở đâu thì ở đó người ta ngỡ ngàng và thán phục. Họ hỏi nhau: Người này là ai vậy, mà ngay cả thần ô uế cũng phải tuân lệnh? Quyền năng của Chúa xác nhận thẩm quyền lời Người giảng. Người không chỉ nói mà còn làm. Công trình của Thiên Chúa được thể hiện cả bằng lời nói lẫn việc làm nơi Chúa Giêsu. Trong Tin Mừng, chúng ta thấy Chúa Giêsu thực thi sứ mạng, bày tỏ tình yêu của Thiên Chúa Cha qua việc rao giảng và các hành động quan tâm, giúp đỡ người đau bệnh, người nghèo đói, các trẻ em và người tội lỗi.

Hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu đang ở Capharnaum, trung tâm thi hành sứ vụ của Chúa, đúng hơn là nhà ông Simon Phêrô: “Chúa Giêsu ra khỏi hội đường, Người cùng với Giacôbê và Gioan đến nhà Simon và Anrê” (Mt 1,29). Ở đây, chúng ta khám phá ra một gia đình lắng nghe và thực hành Lời Chúa (Lc 8,21). Bà nhạc gia ông Phêrô bị cảm sốt đang nằm trên giường, Chúa Giêsu tiến lại gần, Người cầm tay bà, một cử chỉ vượt quá những gì mà sách Tin Mừng đã trình bày như: Chúa đưa tay ra và đụng lên người bệnh, tại nhà ông Simon Phêrô, Chúa cầm tay bà và nâng đỡ bà dậy.

Cử chỉ này khiến mọi người phải thốt lên: Thiên Chúa thật quá đỗi hạ mình xuống để tìm kiếm chúng ta, và vì thế mà phẩm giá con người được tìm kiếm được nâng lên!… “Con người là chi mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì mà Chúa để ý lưu tâm? ” (G 7,17). Tôi muốn biết tại sao Thiên Chúa lại muốn đích thân đến với chúng ta và tại sao chúng ta không phải là những người đến với Thiên Chúa trước? Việc Chúa Giêsu làm trong Tin Mừng hôm nay, không phải là thói quen của người giàu đi đến người nghèo, ngay cả khi họ có ý tốt lành.

Phần chúng ta, chúng ta đến với Chúa Giêsu. Nhưng có một trở ngại ngăn cản chúng ta: mắt chúng ta bị mù lòa, không thể tiếp cận được Chúa là Áng Sáng; chúng ta đã bị liệt trên giường bệnh, khiến chúng ta không thể đạt tới sự vĩ đại của Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao Đấng Cứu Độ chúng ta, một lương y tốt lành và là bác sĩ của tâm hồn chúng ta, ngài đã từ trời cao hạ mình xuống, đến với con người, làm cho đôi mắt ốm yếu của con người thấy được ánh vinh quang huy hoàng của Thiên Chúa.

Chúa Giêsu, hiện thân của Thiên Chúa Cha đã đến gần với người nghèo và những người đau khổ mà người ta đưa đến với Chúa để được chữa lành. Bằng cử chỉ đưa bàn tay, Chúa đụng chạm tới họ, nguồn mạch sự sống tuôn trào, họ được giải thoát và được cứu.

Hết thảy mọi người đều tìm kiếm Chúa Giêsu, chỉ có một số người bị buộc đưa đến, vì “lòng chúng ta còn khắc khoải cho tới bao giờ được nghỉ ngơi trong Chúa” (Thánh Augustinô).

Nhưng, cùng một cách thức chúng ta tìm kiếm Chúa vì chúng ta cần đến với Chúa để Người giải thoát chúng ta khỏi sự ác và Sự Xấu, Gióp là nhân chứng về điều đó (x.Gob 7,1-4.6-7). Người đến với chúng ta và đến gần hơn để có thể làm điều mà chúng ta không thể làm được một mình. Người đã trở nên yếu đuối để cứu chuộc chúng ta là những người yếu đuối, “Tôi đã tự cứu mình bằng mọi giá” (1Cr 9,22).

Vẫn có một bàn tay đầy sức mạnh vô hình đang chìa về phía chúng ta, những người đang bị bủa vây bởi muôn điều xấu, như ông Gióp, bị Satan bủa vây tư bề, ông vẫn một mực trung thành kêu xin cùng Chúa. Chúng ta cúng có thể “vươn lên và bước tới” bằng lời cầu nguyện, cụ thể như Chúa: “Sáng sớm tinh sương, Người chỗi dậy, ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện tại đó”(Mc 1,35).

Trong thời đại dịch, chúng ta càng phải cậy dựa và vững tin vào Chúa hơn, để Chúa đến đưa tay ra cứu chúng ta khỏi giường bệnh tật, tội lỗi và chán nản, làm cho chúng ta sống vui, sống hạnh phúc trong Chúa và với mọi người.

Lạy Chúa, chúng con kêu cầu Chúa, xin cứu giúp chúng con. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:34 05/02/2021
10. Khoan dung là một phần quan trọng của đức ái, không có lòng khoan dung thì giữa con người với nhau khó mà qua lại với nhau. Vả lại, khoan dung là gắn bó các tình bạn hữu nghị lại với nhau, nó làm cho con người ta điều hợp những ý kiến tâm niệm và hành động, hơn nữa làm cho họ liên lạc với Thiên Chúa, do đó mà đạt được sự bình an chân chính. (Thánh Vincent de Paul)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức)


------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:38 05/02/2021
56. DÂNG LÊN PHÂN MÁU

Có một quan mới nhậm chức, các lý trưởng ở thôn quê mỗi người phải dâng cho quan một trăm gánh phân để bón ruộng.

Có một lý trưởng dâng lên chín mươi chín gánh, còn thiếu một gánh, làm thế nào cũng không kịp nên ông ta nóng ruột quá chừng, bèn lấy rau dền đỏ nấu với nước, gom lại thành một gánh sung vào cho đủ số.

Quan sứ hỏi:

- “Gánh phân này sao lại có màu đỏ vậy?”

Lý trưởng trả lời:

- “Phân trong hậu môn của bá tánh đều vét ra hết sạch, đây là do máu mới nặn ra đấy !”

(Tiếu Hải Thiên Kim)

Suy tư 56:

Người tham ô thì không có gì mà không “ăn”, ngay cả phân cũng “ăn”, cho nên người ta nói người tham ô thường ăn bẩn là như vậy.

Có những ông quan khi đến nhậm chức thì người ta vui mừng vì ông quan có tiếng là tận tâm với chức vụ, hết lòng lo cho dân; có ông quan chưa đến mà dân đã ngán ngẫm và lo lắng, vì ông ta nổi tiếng là tham ô và thích vơ vét của cải của dân chúng, bởi vì cướp đêm là trộm, cướp ngày là quan. Thời nay mánh lới của các quan tham ô rất tinh vi, thay vì ăn cướp trắng trợn, thì mở ra đề án xây dựng công trình này công trình nọ để ăn cướp tiền bạc vật chất đất đai của bá tánh, mà bá tánh đó chính là những người nghèo làm lụng vất vả...

Người Ki-tô hữu không những rất hiểu ý nghĩa của hai chữ công bằng, mà còn thêm hai chữ bác ái phía sau nữa đó là công bằng bác ái, bởi vì sống công bằng mà thôi thì cũng chưa đủ, vì công bằng mới nói lên được sự liêm chính, nhưng công bằng bác ái thì lột tả được khuôn mặt đích thực của người môn đệ Đức Chúa Giê-su, hay nói cách khác, làm cho người khác thấy rõ khuôn mặt của Ngài hơn, khi chúng ta sống công bằng bác ái với tha nhân...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 5 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:40 05/02/2021
CHÚA NHẬT 5 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Mc 1, 29-39.

“Đức Giê-su chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật.”


Bạn thân mến,

Dù là Con Thiên Chúa, nhưng Đức Chúa Giê-su vẫn luôn luôn kết hợp với Chúa Cha, việc kết hợp mật thiết này được thể hiện liên tục dù khi giảng dạy hay khi ngơi nghỉ, bất kỳ nơi đâu trong giây phút nào, Ngài cũng vẫn luôn tỏ hiện được tình liên đới mật thiết này với Cha trên trời.

Bạn và tôi là những người tin vào Đức Chúa Giê-su, cuộc sống của bạn và tôi là cuộc sống làm chứng cho Ngài, cho nên việc không ngừng cầu nguyện liên lĩ để kết hợp với Đức Chúa Giê-su là điều không thể thiếu trong cuộc đời của mình, dù cho công việc mưu sinh của bạn và tôi có bận rộn đến đâu chăng nữa, thì việc cầu nguyện liên lĩ vẫn là động cơ thúc giục chúng ta làm việc và phục vụ tha nhân cách tích cực hơn.

Công việc của Đức Chúa Giê-su chính là làm cho mọi người nhận biết tình thương của Cha trên trời dành cho họ, và qua Ngài, mà những ai tin vào Ngài là Đấng mà Chúa Cha sai đến và thực hành lời của Ngải thì được ơn cứu độ.

Tin Mừng hôm nay thánh Mác-cô cho chúng ta thấy công việc trong ngày của Đức Chúa Giê-su chỉ có ba việc duy nhất mà quan trọng nhất, đó là rao giảng, phục vụ và cầu nguyện. Ba công việc này của Đức Chúa Giê-su phải được nối tiếp trên con người của bạn và tôi, bởi vì không thể nào trở nên một người Ki-tô hữu mà không biết làm chứng (rao giảng), phục vụ và cầu nguyện trong cuộc sống của mình.

Bạn thân mến

Đức Chúa Giê-su đã rao giảng tin mừng Nước Trời bằng việc phục vụ (chữa lành) và cầu nguyện với Chúa Cha, ba công việc này làm cho ma quỷ nhận biết Ngài là Đấng mà Chúa Cha sai đến trần gian để cứu độ nhân loại.

Người ta cũng sẽ nhận biết chúng ta là Ki-tô hữu chân chính, nếu chúng ta biết sống như Đức Chúa Giê-su đã sống, biết phục vụ như Đức Chúa Giê-su đã phục vụ, và biết cầu nguyện như Đức Chúa Giê-su đã liên lĩ cầu nguyện.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Thánh Lễ Chúa Nhật V Thường Niên 7/2 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
19:52 05/02/2021

Video sẽ bắt đầu từ 2g chiều ngày 06-February-2021 theo giờ Việt Nam


BÀI ĐỌC I: G 7, 1-4. 6-7

“Tôi phải buồn sầu mãi cho đến tối”.

Trích sách Gióp.

Bấy giờ Gióp nói rằng: “Khổ dịch là đời sống của con người trên trái đất, ngày của họ giống như ngày của người làm công. Cũng như người nô lệ khát khao bóng mát, như người làm công ước mong lãnh tiền công thế nào, thì tôi cũng có những tháng nhàn rỗi, có những đêm người ta bắt tôi làm việc cực nhọc. Nếu tôi đi ngủ, thì tôi lại nói: “Chừng nào tôi mới thức dậy, và chừng nào là đến chiều? Tôi phải buồn sầu mãi cho đến tối”. Ngày của tôi qua nhanh hơn chiếc thoi đưa, nó tàn lụn đi mà không mang lại tia hy vọng nào. Hãy nhớ rằng đời sống tôi chỉ là một hơi thở! Mắt tôi sẽ không nhìn thấy hạnh phúc”.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 146, 1-2. 3-4. 5-6

Đáp: Hãy chúc tụng Chúa, Đấng cứu chữa những kẻ giập nát tâm can (c. 3a).

Hoặc đọc: Alleluia.

1) Hãy ngợi khen Chúa, vì Người hảo tâm; hãy ca mừng Thiên Chúa chúng ta, vì Người êm ái, thực Người rất đáng ngợi khen. Chúa xây dựng lại Giêrusalem, tập họp con cái Israel phân tán. – Đáp.

2) Chính Người chữa những kẻ giập nát tâm can, và băng bó vết thương của lòng họ. Người ấn định con số các ngôi sao, và gọi đích danh từng ngôi một. – Đáp.

3) Chúa chúng ta cao cả và mãnh liệt quyền năng, sự khôn ngoan của Người thực là vô lượng. Chúa nâng cao những kẻ khiêm cung, Người đè bẹp đứa ác nhân xuống tận đất. – Đáp.

BÀI ĐỌC II: 1 Cr 9, 16-19. 22-23

“Vô phúc cho tôi nếu tôi không rao giảng Phúc Âm”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, nếu tôi rao giảng Tin Mừng, thì không phải để làm cho tôi vinh quang, mà vì đó là một nhu cầu đối với tôi. Vô phúc cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng. Giả như nếu tôi tự ý đảm nhận việc ấy, thì tôi có công; nhưng nếu tôi bị ép buộc, thì tôi phải làm trọn nghĩa vụ đã giao phó cho tôi. Vậy thì phần thưởng của tôi ở đâu? Khi rao giảng Tin Mừng, tôi đem Tin Mừng biếu không, tôi không dùng quyền mà Tin Mừng dành cho tôi. Mặc dầu tôi được tự do đối với tất cả mọi người, tôi đã đành làm nô lệ cho mọi người, hầu thu hút được nhiều người hơn. Tôi đã ăn ở như người yếu đau đối với những kẻ yếu đau, để thu hút người yếu đau. Tôi đã nên mọi sự đối với tất cả mọi người, để làm cho mọi người được cứu rỗi. Tất cả những việc đó, tôi làm vì Tin Mừng để được thông phần vào lợi ích của Tin Mừng.

Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Ga 10, 27

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Chiên của Ta nghe biết tiếng Ta; Ta biết chúng và chúng theo Ta”. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Mc 1, 29-39

“Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu ra khỏi hội đường, Người cùng với Giacôbê và Gioan đến nhà Simon và Anrê. Lúc ấy bà nhạc gia của Simon cảm sốt nằm trên giường, lập tức người ta nói cho Người biết bệnh tình của bà. Tiến lại gần, Người cầm tay bà, và nâng đỡ dậy. Bà liền khỏi cảm sốt và đi tiếp đãi các ngài.

Chiều đến, lúc mặt trời đã lặn, người ta dẫn đến Người tất cả những bệnh nhân, tất cả những người bị quỷ ám: và cả thành tụ họp trước cửa nhà. Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau, xua trừ nhiều quỷ, và không cho chúng nói, vì chúng biết Người.

Sáng sớm tinh sương, Người chỗi dậy, ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện tại đó. Simon và các bạn chạy đi tìm Người. Khi tìm thấy Người, các ông nói cùng Người rằng: “Mọi người đều đi tìm Thầy”. Nhưng Người đáp: “Chúng ta hãy đi đến những làng, những thành lân cận, để Ta cũng rao giảng ở đó nữa”. Và Người đi rao giảng trong các hội đường, trong khắp xứ Galilêa và xua trừ ma quỷ.

Đó là lời Chúa.
 
Mẹ Lộ Đức, Mẹ Của Mùa Xuân
Giáo Hội Năm Châu
19:58 05/02/2021

Video sẽ bắt đầu từ 7g tối ngày 06-February-2021 theo giờ Việt Nam
 
Tránh Nhưng Không Trốn Sự Khổ Đau
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
20:29 05/02/2021
Chúa Nhật V TN B

Ông Gióp than thở: “ Cuộc sống con người nơi dương thế chẳng phải là thời khổ dịch sao?…Gia tài của tôi là những tháng vô vọng, số phận của tôi là những đêm đau khổ ê chề.” (G 7,1-3). Vấn nạn đau khổ là vấn nạn muôn thuở của kiếp người. Không riêng gì các trang của sách Gióp, kho tàng văn chương của nhân loại từ cổ chí kim vẫn đầy dẫy các hình thái khổ đau của con người được trình bày, mô tả và mạn bàn. Nói đến chuyện đau khổ, bàn đến chuyện đau khổ qua các trang sách hay phim ảnh thì như rất dễ thu hút lòng người. Có nhiều nguyên cớ tuy nhiên cần chân nhận lý do chung này: người ta thấy có chút đồng cảm nào đó, vì chính họ cũng khổ đau. Đồng bệnh thì tương liên, chuyện đời là vậy.

Bài Tin Mừng Hội thánh cho trích đọc trong Chúa Nhật V TN B này tường thuật một ngày làm việc của Chúa Giêsu là chữa lành nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật về tinh thần lẫn thể xác. Sau khi chữa cho bà mẹ vợ ông Phêrô khỏi cơn sốt nặng thì “chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. Cả thành xúm lại trước cửa. Chúa Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ” (Mc 1,32-34). Khó có thể chối cãi sự thật này đó là Chúa Giêsu tìm mọi cách xoa dịu khổ đau của con người. Thế nhưng tại sao khi người ta kéo nhau đến cùng Người thì Người lại đi nơi khác? Phải chăng Chúa Giêsu muốn “nhổ cỏ tận gốc”, tức là tìm cách diệt trừ căn nguyên của sự đau khổ?

Vì sao có đau khổ? Một câu hỏi rất khó tìm được câu trả lời cách rõ ràng và có tính thuyết phục. Anh em Phật tử thì chủ trương rằng đau khổ có căn nguyên nơi cái “dục” của con người. Vì ước muốn mà không được toại nguyện nên phải chịu đau khổ. Chính vì thế con đường thoát khỏi khổ đau được đề ra đó là “diệt dục”. Nếu nhìn cuộc đời con người với vòng đời “sinh - lão - bệnh - tử” là bể khổ thì làm sao giải thích được việc một người được sinh ra là khổ, cho dù “thoặt sinh ra thì đà khóc choé”? Người ta có thể muốn trẻ mãi không già, muốn mạnh khoẻ, không bệnh tật, muốn trường sinh bất tử, nhưng không một ai trên trần gian có thể tự mình “muốn” được hay không đựơc hoài thai trong dạ mẹ cũng như tự mình muốn được hay không được chào đời làm người.

Lão tử thì quan niệm đau khổ có ra là vì con người sống không hợp với Đạo, vói lẽ trời, với sự vận hành của giới tự nhiên. Khi con người không làm chủ ước vọng của mình, để cho tham muốn của mình đi thái quá cũng gây ra khổ đau. Chính vì thế để diệt khổ đau không gì hơn là tiết chế tham muốn của mình một cách nào đó theo kiểu cách của thi nhân Nguyễn Công Trứ:

Tri túc, tiện túc, đãi túc hà thời túc.

Tri nhàn, tiện nhàn, đãi nhàn hà thời nhàn.

Và sống thuận theo lẽ trời tự nhiên như Nguyễn Bỉnh Khiêm:

Thu ăn măng trúc, đông ăn giá.

Xưân tắm hồ sen, hạ tắm ao.

Các triết gia, các nhà đạo đức học phân biệt đau đớn với đau khổ. Các loài vật vì không có lý trí và ý chí tự do nên chỉ có đau đớn mà không có đau khổ. Đau khổ là một phạm trù thuộc lý trí. Biết được chuyện chẳng may, chẳng lành mà không tránh được thì mới có khổ đau. Người ta thường dí dỏm rằng người điên không hề có khổ đau. Một giải thích ngắn gọn đó là vì họ không biết. Tuy nhiên, ngoại trừ một vài nguyên nhân khách quan như thiên tai, dịch bệnh…thì người ta đều chân nhận rằng chính tội lỗi con người là nguyên nhân lớn gây ra đau khổ cho đồng loại. Và Kitô giáo ủng hộ lập trường này, mặc dù vẫn quan niệm đau khổ là một huyền nhiệm.

Để có cái nhìn tương đối khách quan về đau khổ, thiết tưởng chúng ta cần xem xét bản chất đau khổ là gì? Đau khổ là tâm trạng khó chịu khi gặp phải sự dữ hay khi thiếu một điều thiện hảo nào đó. Rất khó và dường như không thể xem xét đau khổ như là hiện tượng độc lập, tự thân nó. Đã nói đến đau khổ là nói đến một ai đó đau khổ. Như thế sự đau khổ luôn gắn liền với nhận thức và ước muốn của con người. Con người cảm thấy đau khổ khi các hiện tượng khách quan lẫn chủ quan như cưỡng lại ý muốn của mình.

Đến thế gian, Chúa Kitô không giải thích cặn kẻ về khổ đau cũng như các nguyên nhân của nó. Tuy nhiên qua các hành vi, lời nói và chính cuộc sống của Người, Người dẫn chúng ta đi trên con đường kinh qua đau khổ để sống yêu thương. Dù rằng vẫn cố gắng đến quên ăn, quên ngủ để làm dịu cơn khổ đau của nhân loại, nhưng Người đã biết rõ cuộc đời con người khó có thể thoát được mọi nổi khổ đau, cả về thể lý lẫn tinh thần. Người đã tự nguyện chọn con đường đối diện với với đau khổ bằng một tình yêu vị tha bao la. Không phải diệt dục là hết khổ đau, vì chính hành vi diệt dục cũng là một cách muốn, cho dù các bậc minh triết trong Phật giáo diệt dục bằng sự “tri kiến”. Không phải cứ thuận theo lẽ tự nhiên là khổ đau biến mất vì sự vận hành của giới tự nhiên lắm khi quá nghiệt ngã. Biết dừng cái ham muốn của mình trong sự trung dung, vừa đủ thì hết khổ chăng? Cũng thật cam go vì biết thế nào là đủ, là vừa.

Trong niềm tin, với lời mạc khải, đặc biệt là qua con đường Chúa Kitô đã đi, chúng ta có thể quả quyết rằng chính khi hướng cái dục là lòng muốn đến tha nhân với các mục tiêu tốt đẹp kiểu “hãy thực hiện cho tha nhân những gì ta muốn tha nhân làm cho mình”, thì sẽ có cơ may vượt qua đau khổ. Thánh Âugustinô đã từng chỉ dạy: Hãy yêu đi thì bạn sẽ vơi hết khổ đau. Nếu có đau khổ thì cái đau khổ ấy cũng đã được yêu rồi”.

Cần phải diệt trừ tội lỗi là một nguyên nhân lớn gây ra đau khổ, đồng thời cần phải tránh các khổ đau cho bản thân cũng như cho tha nhân và tích cực xoa dịu khổ đau cho đồng loại hết khả năng có thể, vì đó là điều chính đáng và phải đạo. Tuy nhiên, nếu gặp phải sự đau khổ không như ý hay chẳng đặng đừng thì hãy can đảm đón nhận nó để sống yêu thương. Tình yêu vị tha mà kinh qua đau khổ là tình yêu thật đáng giá và đượm đầy tính vô cầu. Như thế không phải là tìm cách diệt dục hay hạn chế sự dục mà là hướng cái dục của chúng ta theo thánh ý Cha trên trời, Đấng tốt lành và nhân hậu. Là Kitô hữu, chúng ta tránh, nhưng không trốn sự đau khổ.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa - Ban Mê Thuột

 
Chúa chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
20:29 05/02/2021
CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN
Chúa chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền
G 7,1-4.6-7; 1Cr 9,16-19.22-23; Mc 1,29-39

Đoạn Tin Mừng mà chúng ta suy niệm trong Chúa Nhật này mang lại cho chúng ta một bản tường trình trung thực về một ngày sống kiểu mẫu của Chúa Giêsu. Thánh Máccô cho biết: Khi rời khỏi hội đường, trước hết Chúa Giêsu đến thăm nhà ông Simon Phêrô, ở đó Người chữa lành cho mẹ vợ của ông đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Vào buổi chiều, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho người. Đức Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật và trừ nhiều quỷ. Sáng sớm, lúc trời con tối mịt, Người đã dậy và đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện; sau đó Người rời bỏ nơi đó và đi rao giảng Nước Trời cho những thành khác (x. Mc 1,29-39).

Từ trình thuật này chúng ta có thể tóm tắt một ngày sống của Chúa Giêsu là sự kết hợp của việc chữa bệnh, cầu nguyện và loan báo Nước Trời. Hôm nay, chúng ta hãy dành suy tư của chúng ta về lòng yêu mến của Chúa Giêsu đối với những người bệnh, bởi vì trong ít ngày nữa, phụng vụ kính nhớ Đức Trinh Nữ Maria hiện ra tại Lộc Đức, nước Pháp, vào ngày 11 tháng 2, cũng là ngày Quốc Tế Bệnh Nhân mà chúng ta sẽ cử hành để tưởng nhớ và cầu nguyện cho họ.

1- Bệnh tật, nỗi đau của con người

Quả thế, những thành tựu của khoa học và y khoa trong thời đại chúng ta đã thay đổi sâu xa điều kiện của người bệnh. Trong nhiều trường hợp bệnh như lao phổi, phong cùi, cả ung thư… khoa học và y khoa hôm nay mang lại những hy vọng đáng tin cậy cho việc chữa lành cho những bệnh nan y này, hay ít ra cũng kéo dài nhiều thời gian sống của người bệnh hoặc hạn chế sự phát triển của chúng nơi bệnh nhân. Tuy nhiên, bệnh tật, cái chết thì vẫn chưa và sẽ không bao giờ được giải quyết hay khuất phục một cách hoàn toàn. Nó là một phần của thân phận con người. Sinh bệnh lão tử là quy luật tất yếu của con người. Khoa học dù có phát triển đến mức nào đi chăng nữa, cũng không thể xóa bỏ được bệnh tật và sự chết.

Niềm tin Kitô giáo có thể xoa dịu tình trạng này và đồng thời mang lại ý nghĩa và giá trị của bệnh tật, đau khổ và sự chết. Bởi thế, thật là cần thiết để trình bày hai lối tiếp cận: một là đối với chính người bệnh và thứ đến là đối với những ai chăm sóc người bệnh.

Quả thế, trước khi Đức Kitô đến, bệnh tật được coi là sự liên hệ chặt chẽ với tội lỗi. Nói cách khác, con người đã tin chắc rằng bệnh tật là hậu quả của một số tội riêng mà một người đã phạm nên nó phải bị Thiên Chúa phạt bằng chính hậu quả bệnh tật. Nên những ai bị bệnh như bệnh phong cùi phải chịu cảnh bị mọi người xa lánh, bị loại trừ khỏi cộng đoàn và xã hội. Họ thuộc hàng ô uế.

2- Ý nghĩa của bệnh tật và đau khổ

Với Chúa Giêsu và những phép lạ của Người làm, ý nghĩa đau khổ đã thay đổi rất nhiều: “Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta” (Mt 8,17). Trên thập giá, Người đã mang lại ý nghĩa cho đau khổ của con người, bao gồm cả bệnh tật: Bệnh tật không còn là một hình phạt nữa, nhưng là sự cứu chuộc. Bệnh tật liên kết chúng ta nên một với Người; bệnh tật thánh hóa, thanh luyện tâm hồn, chuẩn bị cho chúng ta đón nhận một ngày mà Thiên Chúa sẽ lau khô mọi nước mắt và lúc đó sẽ không còn bệnh tật, khóc than và đau khổ nữa.

Vào ngày 13 tháng 5 năm 1981, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã bị tấn công tại quảng trường thánh Phêrô bởi tay súng Ali Aka. Suốt dọc đường tới bệnh viện Girelli, Đức Giáo Hoàng thì thầm tên Mẹ Maria bằng tiếng Ba Lan. Đức Gioan Phaolô II được phẫu thuật hơn bốn giờ liền. Cùng thời gian đó, hàng triệu tín hữu từ Ba Lan và khắp nơi trên thế giới, đều cầu nguyện cho ngài. Bốn ngày sau cuộc mưu sát, Đức Giáo Hoàng phát biểu lần đầu tiên từ giường bệnh: “Cha cám ơn các con đã cầu nguyện nhiều cho Cha và chúc lành cho hết mọi người (…) Cha cầu nguyện cho người anh em đã bắn Cha và chân thành tha thứ cho anh. Lạy Mẹ Maria, con xin lặp lại: Totus tuus ego sum, con hoàn toàn thuộc về Mẹ.” Đức Thánh Cha đã thoát nạn và không ngần ngại quả quyết rằng chính bàn tay Đức Trinh nữ Maria, Mẹ Fatima, đã đánh lạc đường bay của viên đạn định mệnh đó. Một năm sau, ngày 13 tháng 5 năm 1982, Đức Gioan Phaolô II đến thánh đường Đức Mẹ Fatima để tạ ơn Mẹ.

Sau những kinh nghiệm từ bệnh tật và đau khổ của mình, Đức Giáo Hoàng Phaolô II đã viết một lại thư nói về đau khổ, trong đó ngài nói: “Đau khổ mang lại ý nghĩa giúp chúng ta đặc biệt trở nên nhạy cảm, nhất là biết mở ra với hoạt động của những sức mạnh cứu độ từ Thiên Chúa, ý nghĩa và sức mạnh đó được ban cho nhân loại trong Đức Kitô” (x. Salvifici Doloris, no. 23).

Như thế, bệnh tật và đau khổ mở ra cho chúng ta và cho Chúa Giêsu trên thập giáo một kênh rất đặc biệt để thông truyền. Người bệnh tật không phải là những thành phần thụ động của Giáo Hội, nhưng là những thành phần năng động nhất, quý giá nhất. Trong cặp mắt của Thiên Chúa, một giờ chịu đau khổ, được đón nhận và chịu đựng với sự kiên nhẫn và lòng yêu mến Chúa, có thể xứng đáng hơn nhiều những hoạt động khác của thế giới, nếu chúng được thực hiện chỉ cho chính mình.

3- Mang niềm hy vọng an ủi cho người bệnh

Giờ đây chúng ta dành một ít lời cho những người đang chăm sóc bệnh nhân, tại tư gia hay trong những trung tâm y tế và bệnh viện. Người bệnh chắc chắn cần đến sự chăm sóc, khả năng chuyên môn khoa học, nhưng họ cũng rất cần đến niềm hy vọng và sự an ủi của chúng ta. Không có liều thuốc nào có thể xoa dịu nỗi đau của người bệnh cho bằng việc họ được nghe bác sĩ nói: “Tôi có những hy vọng tích cực cho anh… Mọi sự sẻ tốt hơn và hy vọng với cách này anh sẻ khỏe lại…” Khi có thể, chúng ta hãy nói như thế với bệnh nhân với lòng chân thành không hề dối trá. Hãy luôn mang lại cho họ niềm hy vọng, lời nói tích cực để an ủi, thay vì những lời nói gây sốc, tiêu cực, làm cho họ tuyệt vọng và đau khổ chồng đau khổ! Bởi lẽ, niềm hy vọng là “bình ôxy tốt nhất” cho một người bệnh. Không nên để người bệnh ở một mình cô đơn, cô độc trong trên giường bệnh của họ. Ngoài ra, cũng cần nói thêm rằng một trong những việc của lòng thương xót là thăm viếng người bệnh tật. Chính Chúa Giêsu đã nhắc nhở chúng ta rằng một trong những tiêu chuẩn mà Thiên Chúa sẽ phán xét chúng ta trong ngày chung thẩm là: “Khi ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng... Khi ta bệnh tật, các ngươi đã không thăm viếng” (Mt 25,36.43).

Có điều nữa chúng ta có thể làm cho những người bệnh tật đó là cầu nguyện cho họ. Hầu hết những bệnh nhân của Tin Mừng được chữa lành nhờ một ai đó đã giới thiệu họ với Chúa Giêsu và nhờ đó Người đã chữa lành họ. Những lời cầu nguyện đơn sơ cho các bệnh nhân là những lời cầu nguyện rất đẹp lòng Chúa. Chúng ta hãy nhớ đến họ trong lời cầu nguyện hằng ngày của chúng ta. Chúng ta hãy bắt chước hai chị em nhà Mácta và Maria đã cầu nguyện với Chúa Giêsu khi người em trai của họ bị bệnh nặng: “Thưa Thầy, người mà Thầy yêu mến đang bị bệnh” (Ga 11,3). Chúng ta hãy nói với Chúa lời đó khi thấy ai đó bị bệnh nặng. Lạy Chúa, người mà Chúa yêu mến đang bị bệnh, xin Chúa đến cứu chữa họ. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Tổng Giám Mục Denver thách thức người Công Giáo phò phá thai hãy tự vấn lương tâm của họ
Đặng Tự Do
16:35 05/02/2021


Đức Tổng Giám Mục Samuel Aquila
Trong bài giảng hôm Chúa Nhật, Đức Tổng Giám Mục Samuel Aquila của Denver đã chỉ trích những người Công Giáo phò lưạ chọn, tức là ủng hộ phá thai và an tử. Ngài nói nếu cuộc sống không được coi trọng ở đầu và cuối thì nó sẽ không được tôn trọng ở giữa.

Đức Tổng Giám Mục đã đưa ra lập trường trên trong Thánh lễ Phò Sinh vào ngày 23 tháng Giêng để tưởng nhớ 48 năm phán quyết Roe chống Wade tại Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội ở Denver.

Trong bài giảng, Đức Tổng Giám Mục đã thảo luận về sự chuyển đổi gần đây sang một chính quyền mới, khét tiếng ủng hộ phá thai một cách cực đoan. Ngài nêu đích danh một số chính trị gia, nổi bật là Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, những người tự xưng là Công Giáo nhưng lại bảo vệ và thúc đẩy các chính sách phá thai cực đoan.

Ngài nói rằng những chính trị gia này đã không “đặt quan điểm của họ trên chân lý Phúc âm”, và đã không “làm chứng cho cuộc sống”.

“Thật không may, cũng có nhiều người Công Giáo nghĩ rằng Chúa Giêsu bị điên, hoặc một số lời dạy của ngài là điên rồ, và đặc biệt là khi liên quan đến mạng sống con người và phẩm giá của những đứa trẻ chưa chào đời. Với tư cách là người Công Giáo, điều quan trọng đối với chúng ta là cả trái tim và tâm trí của chúng ta, lời nói, suy nghĩ và hành động của chúng ta, phải luôn luôn phù hợp với Chúa Giêsu Kitô và Phúc âm, chứ không phải theo cách của thế gian”, ngài nói.

Ngài cho biết phá thai đã ảnh hưởng đến các chủ đề phò sinh khác, chẳng hạn như nhập cư và hỗ trợ tự tử. Ngài nói rằng phẩm giá của con người sẽ không tồn tại trong những lĩnh vực này nếu phẩm giá con người không được tôn trọng ngay từ thuở ban đầu.

Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh rằng: “Điều quan trọng là phải làm chứng cho phẩm giá của các thai nhi, cũng như làm chứng cho phẩm giá của người nhập cư, người lãnh án tử hình, và các vấn đề cuộc sống khác”

“Nhưng chúng ta cũng phải rõ ràng rằng mối quan tâm tối thượng, và nơi phẩm giá con người bắt đầu, là ở những đứa trẻ chưa chào đời và những người sắp chết - khi cuộc sống bắt đầu và lúc cuộc sống đang dần kết thúc. Nếu phẩm giá không tồn tại ở hai điểm đó - ở đầu và cuối - thì ở giữa phẩm giá ấy cũng sẽ không tồn tại”.

Đức Tổng Giám Mục Aquila nói thêm rằng cần phải hình thành lương tâm của một người dưới ánh sáng của Phúc âm và các giáo huấn của Giáo hội. Lương tâm không phải là ý kiến mà thay vào đó là tiếng nói của Chúa.

Đức Tổng Giám Mục cảnh báo rằng có những người có lương tâm sai lầm hoặc thậm chí đã chết đối với sự thật. Khi một người tin rằng họ đang làm theo lương tâm của họ, họ nên đưa nó vào thử nghiệm và đặt câu hỏi liệu nó có phù hợp với giáo lý của Giáo hội hay không.

“Lương tâm của chúng ta phải được hình thành theo Phúc âm và theo những lời dạy của Giáo hội. Chúng ta phải lắng nghe điều đó, và sau đó thành quả của chúng ta sẽ trở nên tốt đẹp, và chúng sẽ mang lại ánh sáng cho thế giới”, ngài nói.

Đức Tổng Giám Mục nói rằng người Công Giáo nên rao giảng Tin Mừng Sự sống một cách rõ ràng, nhân từ và yêu thương nhưng họ không được thờ ơ hoặc ủng hộ tệ nạn phá thai.

“Trước tiên, chúng ta hãy cầu nguyện cho sự hoán cải của đất nước chúng ta và đặc biệt là sự hoán cải của những người Công Giáo có quan điểm được gọi là phò lựa chọn. Chúng ta phải cầu nguyện cho sự hoán cải của họ, cho sự tỉnh thức lương tâm họ, để họ không phải chết hoặc sai lầm, nhưng đến với sự thật của Chúa Giêsu Kitô”.

“Chúng ta hãy cầu xin Chúa mở lòng chúng ta đón nhận sự thật và chúng ta hãy cầu nguyện để chúng ta luôn có đủ can đảm trở thành những người làm chứng cho Tin Mừng Sự Sống, ngay từ thuở ban đầu khi thụ thai, cho đến cái chết tự nhiên vào cuối cuộc đời, khi chúng ta hy vọng sẽ được hưởng vinh quang của Thiên Chúa và lời hứa về sự sống đời đời”.
Source:Catholic News Agency
 
Chủ nghĩa độc tài truyền thông: Twitter đóng băng tài khoản của Catholic World Report vì đăng bài về bác sĩ chuyển giới Rachel Levine
Đặng Tự Do
16:36 05/02/2021
Rachel Levine sinh ngày 28 tháng 10, 1957 là một người đàn ông đã chuyển giới thành đàn bà. Rachel từng giữ chức Bộ trưởng Y tế tiểu bang Pennsylvania từ tháng 7, 2017 cho đến ngày 23 tháng Giêng vừa qua khi được ông Joe Biden bổ nhiệm làm phụ tá tổng trưởng Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh.

Catholic World Report đã tường trình về việc bổ nhiệm này và ghi nhận đây là người chuyển giới đầu tiên được đưa ra Quốc Hội để xác nhận hay bác bỏ.

Catholic World Report được điều hành bởi nhà xuất bản Ignatius Press, và được thành lập bởi Cha Joseph Fessio, ba mươi năm trước. Cuối năm 2011, Catholic World Report bỏ phương thức báo in và chuyển hoàn toàn sang trực tuyến. Đồng thời, Catholic World Report đã mở tài khoản Twitter của mình; và đến đầu năm 2021, tài khoản Twitter này đã có 8500 người theo dõi.

Phần lớn các Tweets của Catholic World Report chỉ là các liên kết đến các bài báo, đánh giá, phỏng vấn và tóm tắt tin tức của mình, bao gồm tiêu đề, một mô tả ngắn và đường link.

Twitter rõ ràng đang chỉ ra rằng Catholic World Report và các phương tiện truyền thông Công Giáo khác một khi đụng đến các vấn đề liên quan đến phò sinh, an tử, LGBTQ thì họ sẽ bị gán cho là đang tung ra các ngôn ngữ gây thù hận hoặc cố chấp, mặc dù điều đó chưa bao giờ xảy ra. Đường lối của Twitter không chỉ mang tính chất chủ quan mà còn là một cách tiếp cận quá thành kiến, không công bằng và phân biệt đối xử, vừa kìm hãm quyền tự do ngôn luận vừa làm suy yếu quyền báo cáo của các phương tiện truyền thông Công Giáo về các sự kiện hiện tại.

Trong thánh lễ khai mạc cơ mật viện bầu Giáo Hoàng vào ngày 18 tháng Tư, 2005, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger nhận xét rằng:

Biết bao nhiêu làn gió chủ thuyết mà chúng ta đã biết đến trong những thập niên cuối cùng. Con thuyền nhỏ tư duy của nhiều Kitô hữu đã thường bị đánh bởi những đợt sóng này – trôi giạt từ thái cực này sang thái cực khác: từ Mác Xít tới chủ nghĩa tự do, tới mức chủ nghĩa tự do phóng túng; từ chủ nghĩa tập thể đến chủ nghĩa cá nhân; từ chủ nghĩa vô thần tới chủ nghĩa duy huyền bí tôn giáo mơ hồ; từ chủ nghĩa vô tín đến chủ nghĩa hỗn tạp và vân vân. Nhiều giáo phái mới được đẻ ra mỗi ngày và xảy ra điều mà Thánh Phaolô đã nói về sự lường gạt con người và sự tinh quái nhắm lôi kéo con người đến chỗ lầm lạc (x Eph 4:14). Có một đức tin rõ ràng, theo kinh Tin Kính của Giáo Hội, lại bị gán cho nhãn hiệu cuồng tín. Trong khi chủ nghĩa tương đối, nghĩa là để chính mình “bị sóng đánh trôi giạt theo mọi chiều gió đạo lý” dường như lại là cách thức hành xử duy nhất thức thời. Người ta đang thành lập một chế độ độc tài của chủ nghĩa tương đối, nó không nhìn nhận điều gì là chung kết và để cho cái tôi và ý muốn của mình là mẫu mực duy nhất.

Nhiều người nhận định rằng nhận xét này của Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, sau này là Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 quả là có tính tiên tri. Chúng ta đã thấy điều đó được thể hiện rõ ràng trong nhiều biến cố khác nhau. Lần này lại là một thí dụ nữa về cái chế độ độc tài này.
Source:Catholic World Report
 
Linh mục Dòng Tên James Martin đi quá xa trong bộ phim mô tả Chúa Giêsu là người đồng tính
Đặng Tự Do
22:36 05/02/2021

Cuốn phim tài liệu “Wonderful Made” cho thấy linh mục Dòng Tên James Martin đã đi quá xa trong một cố gắng mô tả Chúa Giêsu là người đồng tính.

Nguyên bản tiếng Anh của Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Documentary depicts ‘LGBT Jesus,’ highlights Catholic dissenters

Catholic News Agency

Phim tài liệu mô tả ‘Chúa Giêsu LGBT’, đánh bóng tên tuổi những người Công Giáo bất đồng chính kiến


Một bộ phim tài liệu sắp tới nhằm mục đích đánh bóng hình tượng Công Giáo của những người tự nhận là LGBT sẽ miêu tả Chúa Kitô là “một người đồng tính hoặc đồng minh của cộng đồng LGBTQ+”. Bộ phim sẽ có sự xuất hiện của linh mục Dòng Tên James Martin, cũng như những người Công Giáo bất đồng chính kiến, những người từ chối giáo huấn của Giáo hội và hô hào Giáo Hội phải ban “hôn nhân bí tích” cho các cặp đồng tính.

Bích chương quảng cáo cho bộ phim “Wonderful Made” đã vẽ một cây thánh giá với một giải băng cầu vồng được treo trên đó. Nơi chỗ vẫn thường đặt 4 chữ viết tắt tiếng Latinh INRI, có nghĩa là “Chúa Giêsu thành Nazareth, Vua dân Do Thái”, người ta viết “LGBTQ+”, là từ viết tắt bao gồm đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới, đồng tính/nghi vấn giới tính và hơn thế nữa [Nói cách khác, những kẻ này bác bỏ Chúa Giêsu thành Nazareth, là “Vua dân Do Thái”, là “Vua trên hết các vua”, mà chỉ đơn giản xem Ngài là một người đồng tính].

Khẩu hiệu bên dưới bích chương viết:

“Ngay cả những người bị từ chối cũng được tạo ra một cách tuyệt vời”. Một tấm bích chương khác cho bộ phim này vẽ một người đàn ông đang cầu nguyện trong chiếc khăn choàng của người chăn cừu, được thắp sáng với các màu sắc của cầu vồng. Phim dự kiến ra mắt vào năm 2021.

Đạo diễn của bộ phim tài liệu, Yuval David, một người đàn ông theo Do Thái Giáo kết hôn đồng tính về mặt dân sự với một người đàn ông Công Giáo, đã huênh hoang tuyên bố bộ phim này là “điều gì đó chưa từng có”.

“Nó ghi lại việc tạo ra các hình tượng độc đáo bao gồm Công Giáo và LGBTQ + thông qua nghệ thuật ảnh tinh vi trong đó tái tạo hình ảnh Chúa Giêsu như một người đồng tính hoặc đồng minh của cộng đồng LGBTQ+”, ông ta nói trong một bài luận ngày 24 tháng 12 đăng trên Out, một tạp chí về văn hóa và phong cách LGBT.

“Các phản ứng của những người được phỏng vấn trong bộ phim này về nghệ thuật ảnh này - được thu hình trong thời gian thực với tất cả người được phỏng vấn – cho thấy sức mạnh và tác động đáng kinh ngạc mà một Giáo Hội bao gồm và chấp nhận Giáo Hội sẽ có”, David nói.

Trong số các nhà bình luận có linh mục Bryan Massingale, một giáo sư thần học của Đại học Fordham. Trang Facebook của bộ phim mô tả ông ta là “linh mục Công Giáo, người Mỹ gốc Phi, duy nhất tại Mỹ sống đồng tính một cách công khai”.

“Tôi mơ về một Giáo Hội nơi hai người nam hay hai người nữ có thể đứng trước cộng đoàn, công bố tình yêu của họ và được chúc phúc trong một bí tích hôn nhân. Và rằng tình yêu của họ sẽ được coi là thánh thiêng. Chúa hiện diện trong mối quan hệ đó. Khi chúng ta nhìn vào mối quan hệ của họ, chúng ta chạm vào Chúa”, ông ta viết như trên trong một bài đăng ngày 10 tháng Giêng.

Những tuyên bố của Massingale trái với cách hiểu của Công Giáo về hôn nhân là sự kết hợp của một người nam và một người nữ.

Bộ phim tài liệu cũng phỏng vấn nhiều nhóm bất đồng khác, bao gồm Marianne Duddy-Burke, giám đốc điều hành của DignityUSA, và nữ tu Jeannine Gramick, đồng sáng lập của New Ways Ministry, tức là “Những con đường mục vụ mới”.

Năm 1999, Bộ Giáo lý Đức tin đã cấm vĩnh viễn sơ Gramick và linh mục Robert Nugent là hai người đồng sáng lập ra nhóm “Những con đường mục vụ mới” không được làm bất cứ công việc mục vụ nào liên quan đến người đồng tính luyến ái do những “sai lầm và mơ hồ trong cách tiếp cận của họ”. Trong một tuyên bố ngày 12 tháng 2 năm 2010, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ lúc bấy giờ là Đức Hồng Y Francis George ở Chicago cho biết tuyên bố của nhóm tự xưng là Công Giáo “chỉ gây nhầm lẫn cho các tín hữu về giáo huấn và mục vụ đích thực của Giáo hội đối với những người có khuynh hướng đồng tính luyến ái.”

Đức Hồng Y George nhấn mạnh rằng: “Đừng ai bị đánh lừa bởi tuyên bố rằng nhóm ‘Những con đường mục vụ mới’ cung cấp cách giải thích xác thực về giáo huấn Công Giáo và thực hành mục vụ Công Giáo đích thực”.

Một nhà bình luận khác là Jason Steidl, một người tự xưng là thần học Công Giáo, nói [nhảm nhí] rằng:

“Tôi muốn Giáo Hội thấy rằng các mối quan hệ của chúng tôi, các ham muốn tình dục của chúng tôi, là thánh thiện, là những gì được Chúa ban cho chúng ta. Đó là một món quà cho Giáo Hội. Chứ không phải điều gì đó phải che giấu, không phải điều gì đó đáng xấu hổ, mà là điều gì đó đáng để tôn vinh. Điều gì đó khiến chúng ta phát triển trong mối quan hệ với nhau và khiến chúng ta phát triển trong mối quan hệ với Chúa”.

David cho biết Natalia Imperatori-Lee, một giáo sư nghiên cứu tôn giáo tại trường Cao đẳng Manhattan ở New York, đã truyền cảm hứng cho việc tạo ra nghệ thuật ảnh Chúa Giêsu.

Bà Natalia nói: “Nền tảng của giáo huấn xã hội của Giáo Hội là mỗi con người đều có phẩm giá cơ bản và được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Tất cả chúng ta đều được hưởng lợi từ việc hòa nhập. Giáo hội cần những tiếng nói bên lề hơn là những tiếng nói bị gạt ra bên lề cần đến Giáo hội”.

Các nhà bình luận khác được phỏng vấn cho bộ phim bao gồm linh mục Dòng Tên James Martin, người viết cuốn sách “Xây dựng một nhịp cầu” đưa ra lời khuyên về việc cải thiện mối quan hệ giữa Giáo Hội Công Giáo và những người xác định là LGBT.

Martin cho biết: “Khi bạn xem các sách Phúc âm, bạn thấy rằng Chúa Giêsu đã tiếp cận đặc biệt với những người ở bên lề”, Martin nói, theo trang Facebook của bộ phim. “Và vì vậy, tôi nghĩ nếu Chúa Giêsu ở đây ngày hôm nay, bằng xương bằng thịt, trên trái đất, thì ngài sẽ là người đầu tiên đến với người LGBT. Đối với Chúa Giêsu, không có chúng ta và họ. Chỉ có chúng ta mà thôi”.

Martin đã nhận được Giải thưởng Xây dựng Nhịp cầu của nhóm “Những con đường mục vụ mới” vào tháng 10 năm 2016. Bài phát biểu nhận giải của ông ta là cơ sở cho cuốn sách của ông ấy.

David, người viết tài liệu đằng sau cuốn phim “Wonderful Made”, đã mô tả cả Martin và Gramick là “những đồng minh tiên phong”.

Anh ta kết nối bộ phim với các sự kiện hiện tại như việc các cơ quan nhận con nuôi Công Giáo đang tìm kiếm sự bảo vệ của Tòa án Tối cao khỏi các chính sách yêu cầu họ phải giao trẻ em cho các cặp đồng tính, và cuộc bầu cử Joe Biden.
Source:Catholic News Agency
 
Đức Phanxicô: phải dạy giáo lý theo Công Đồng Vatican II
Vũ Văn An
23:59 05/02/2021

Theo VaticanNews, trong buổi yết kiến dành cho các tham dự viên Hội Nghị do Văn phòng Giáo lý Quốc gia của Hội đồng Giám mục Ý tổ chức ngày 30.01.2021, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh tới việc phải dạy giáo lý theo Công Đồng Vatican II.

Sau đây là nguyên văn bài nói chuyện của Đức Thánh Cha, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp.




Anh chị em thân mến,

Tôi chào mừng anh chị em, và tôi cảm ơn Đức Hồng Y Bassetti về những lời tốt đẹp của ngài. Ngài đã phục hồi được sức khỏe của ngài, cảm ơn ngài! Tôi chào mừng tổng thư ký, Đức Giám Mục Russo, và mọi anh chị em vốn hỗ trợ cam kết của Giáo hội Ý trong lĩnh vực dạy giáo lý. Tôi rất vui được chia sẻ với anh chị em lễ kỷ niệm 60 năm ngày ra đời của Văn phòng Giáo lý Quốc gia. Được thành lập ngay cả trước khi Hội đồng Giám mục thành hình, đây là một công cụ không thể thiếu để canh tân việc dạy giáo lý sau Công đồng Vatican II.
Ngày kỷ niệm này là một dịp quý giá để nhớ lại, cảm tạ những ơn phúc đã nhận được và làm mới tinh thần của việc công bố. Để đạt mục đích này, tôi xin chia sẻ ba điểm mà tôi hy vọng sẽ giúp ích cho anh chị em trong việc làm của anh chị em trong vài năm tới.

Đầu tiên: dạy giáo lý và giáo lý sơ truyền (kerygma). Dạy Giáo lý là làm vọng lại Lời Chúa. Trong việc chuyển tải đức tin, Kinh thánh - như Tài liệu Căn bản nhắc nhớ - là “Sách”; không phải trợ khoản, mặc dù nó có thể là trợ khoản đầu hết ”(CEI, Il rinnovamento della catechesi, n. 107). Vì thế, việc dạy Giáo lý là “làn sóng dài” của Lời Chúa, để chuyền tải niềm vui Tin Mừng trong cuộc sống. Nhờ tường thuật khi dạy giáo lý, Sách Thánh trở thành “môi trường” để chúng ta cảm nhận một phần của cùng lịch sử cứu độ, gặp gỡ những chứng nhân đức tin đầu tiên. Dạy Giáo Lý là cầm tay người khác và đồng hành với họ trong lịch sử này. Nó gợi hứng cho một cuộc hành trình, trong đó mỗi người tìm thấy nhịp điệu riêng của mình, vì đời sống Kitô hữu thậm chí không san bằng hay tiêu chuẩn hóa, nhưng đúng hơn, nâng cao tính độc đáo của mỗi con cái Thiên Chúa. Dạy Giáo lý cũng là một hành trình khai tâm mầu nhiệm, diễn tiến trong cuộc đối thoại liên tục với phụng vụ, một môi trường trong đó các biểu tượng tỏa sáng mà không áp đặt, nói với đời sống và ghi dấu ấn nó bằng dấu ấn ơn thánh.

Trọng tâm của mầu nhiệm là giáo lý sơ truyền (kerygma), và giáo lý sơ truyền là một con người: đó là chính Chúa Giêsu Kitô. Dạy Giáo lý là nơi đặc biệt để cổ vũ cuộc gặp gỡ bản thân với Người. Do đó nó phải được đan xen với các mối liên hệ bản thân. Không có việc dạy giáo lý thật sự nếu không có chứng từ của những người nam nữ bằng xương bằng thịt. Ai trong chúng ta không nhớ ít nhất một giáo lý viên của mình? Tôi thì tôi nhớ: Tôi nhớ vị nữ tu đã chuẩn bị cho tôi Rước lễ lần đầu và việc này rất tốt đối với tôi. Họ là những người chủ đạo đầu tiên của việc dạy Giáo lý, những sứ giả của Tin Mừng, thường là những giáo dân, những người đã quảng đại dấn thân để chia sẻ vẻ đẹp của việc đã gặp gỡ Chúa Giêsu. “Giáo lý viên là ai? Họ là những người giữ cho ký ức về Thiên Chúa luôn sống động; họ giữ cho nó sống động trong chính họ”- họ là “những nhà tưởng niệm” lịch sử cứu độ - “và họ có thể hồi sinh nó trong những người khác. …. Giáo lý viên là một Kitô hữu đặt sự tưởng niệm này phục vụ việc rao truyền, không tự tỏ ra quan trọng, không nói về bản thân họ, nhưng nói về Thiên Chúa, về tình yêu và sự trung thành của Người ”(Bài giảng nhân “Ngày dành cho Giáo lý viên” trong Năm Đức tin, ngày 29 tháng 9 năm 2013).

Để làm điều đó, ta nên nhớ rằng “giáo lý sơ truyền kêu gọi phải nhấn mạnh tới các yếu tố cần thiết nhất ngày nay: nó phải phát biểu tình yêu cứu rỗi của Thiên Chúa vốn có trước bất cứ nghĩa vụ luân lý và tôn giáo nào từ phía chúng ta; nó không nên áp đặt sự thật nhưng kêu gọi tự do của người ta, như Chúa Giêsu đã làm; nó phải được đánh dấu bằng niềm vui, sự khích lệ, sự sống động và sự cân bằng hài hòa, vốn không giảm thiểu việc giảng giải một số học thuyết mà đôi khi có tính triết học hơn là truyền giảng tin mừng. Tất cả những điều này đòi hỏi ở phía người rao giảng tin mừng một số thái độ có thể cổ vũ tính cởi mở đối với sứ điệp: sự dễ gần gũi, sự sẵn sàng đối thoại, sự kiên nhẫn, sự nồng nhiệt và chào đón không có tính phán xét ”(Tông huấn Evangelii gaudium, 165). Chúa Giêsu đã có tất cả các điều này. Đó là toàn bộ địa dư nhân tính mà giáo lý sơ truyền, la bàn không thể sai lầm của đức tin, giúp ta khám phá.

Và về điểm này - giáo lý viên - tôi xin quay trở lại một điều cũng nên nói với các cha mẹ, với các ông bà: đức tin nên được truyền “bằng thổ ngữ” (dialect). Một giáo lý viên không biết giải thích bằng “thổ ngữ” của người trẻ, của trẻ em, của những người... Nhưng qua chữ thổ ngữ, tôi không muốn nói đến các thổ ngữ thuộc khoa ngữ học, trong đó tiếng Ý hết sức phong phú, đúng không; Tôi muốn đề cập đến thổ ngữ gần gũi, thổ ngữ có thể được hiểu, thổ ngữ thân mật. Tôi rất cảm kích về đoạn văn ấy của sách Maccabê, về bảy anh em (2 Mcb 7). Trong hai hoặc ba trường hợp, nó nói rằng người mẹ đã hỗ trợ họ bằng cách nói chuyện với họ bằng thổ ngữ [“bằng ngôn ngữ của cha ông”]. Điều này rất quan trọng: đức tin chân chính phải được thông truyền bằng thổ ngữ, tức là ngôn ngữ phát xuất từ trái tim, vốn cố hữu, vốn thân thuộc nhất, gần gũi nhất với mọi người. Nếu không có thổ ngữ, đức tin không được lưu truyền một cách trọn vẹn hoặc tốt đẹp.

Điểm thứ hai: dạy giáo lý và tương lai. Năm ngoái là năm kỷ niệm lần thứ 50 tài liệu Il rinnovamento della catechesi (“Đổi mới việc dạy giáo lý”), mà qua đó, Hội đồng Giám mục Ý đã thừa nhận những định mức của Công đồng. Về phương diện này, tôi xin nhắc lại lời lẽ của Thánh Phaolô VI, ngỏ với Đại hội của Hội Đồng Giám Mục Ý lần đầu tiên sau Công đồng Vatican II: “Chúng ta phải nhìn Công đồng với lòng biết ơn Thiên Chúa và tin tưởng vào tương lai của Giáo hội; đây sẽ là sách giáo lý vĩ đại của thời đại mới” (23 tháng 6 năm 1966). Trở lại với chủ đề này, nhân dịp Đại hội Giáo lý Quốc tế lần thứ nhất, ngài nói thêm: “Đây là một trách vụ luôn được tái sinh và liên tục đổi mới để việc dạy Giáo lý hiểu các vấn đề vốn nảy sinh từ trong lòng con người, ngõ hầu dẫn họ trở lại cội nguồn tiềm ẩn của họ: hồng phúc tình yêu vốn tạo dựng và cứu rỗi” (25 tháng 9 năm 1971).Vì vậy, việc dạy giáo lý được Công đồng gợi hứng luôn biết lắng nghe trái tim con người, luôn biết chú tâm lắng nghe, luôn tìm cách đổi mới chính nó.

Huấn quyền là đây: Công đồng là huấn quyền của Giáo hội. Một là anh chị em sống với Giáo hội và do đó anh chị em vâng theo Công đồng, còn nếu anh chị em không vâng theo Công đồng hoặc anh chị em giải thích nó theo cách riêng của anh chị em, như anh chị em muốn, anh chị em không sống với Giáo hội. Chúng ta phải đòi hỏi và khắt khe về điểm này. Không nên thương lượng để Công đồng phải thêm điều này điều nọ... Không, Công đồng là như thế. Và chúng ta có kinh nghiệm về vấn đề này, về việc lựa lọc đối với Công đồng, một việc vốn được lặp đi lặp lại với các Công đồng khác trong suốt lịch sử. Khiến tôi liên tưởng đến một nhóm giám mục, sau Công đồng Vatican I, đã để cho một nhóm giáo dân, nhiều nhóm, tiếp tục “giáo lý chân chính” không phải của Vatican I: “Chúng tôi mới là những người Công Giáo chân chính”. Ngày nay, họ phong chức cho phụ nữ. Những thái độ nghiêm khắc nhất, để bảo vệ đức tin, nhưng không có Huấn quyền của Giáo hội, sẽ chỉ dẫn anh chị em đến hủy hoại. Xin đừng nhượng bộ những ai cố gắng trình bày một thứ giáo lý không phù hợp với Huấn Quyền của Giáo Hội.

Trong thời hậu Công đồng, Giáo hội Ý đã sẵn sàng và có khả năng đón nhận những dấu chỉ và nhạy cảm của thời đại thế nào, thì ngày nay Giáo hội này cũng được kêu gọi như thế để cung cấp một loại giáo lý mới nhằm gợi hứng cho mọi lĩnh vực chăm sóc mục vụ: bác ái, phụng vụ, gia đình, văn hóa, đời sống xã hội, kinh tế... Từ cội nguồn Lời Chúa, qua thân cây khôn ngoan mục vụ, các cách tiếp cận hữu hiệu đối với các khía cạnh khác nhau của đời sống được nảy nở. Như thế, việc dạy Giáo lý là một cuộc phiêu lưu phi thường: trong tư cách “đội tiên phong của Giáo hội”, giáo lý có nhiệm vụ đọc các dấu chỉ thời đại và chấp nhận các thách thức hiện tại và tương lai. Chúng ta đừng sợ phải nói ngôn ngữ của các người đàn bà và đàn ông ngày nay. Đúng, nói một ngôn ngữ ở bên ngoài Giáo hội, chúng ta phải sợ điều đó. [Nhưng] chúng ta không nên sợ nói ngôn ngữ của người ta. Chúng ta không nên sợ phải lắng nghe các câu hỏi của họ, bất kể các câu hỏi đó là chi, những vấn đề chưa được giải quyết của họ, lắng nghe những yếu đuối, những bất ổn của họ: chúng ta đừng sợ điều đó. Chúng ta đừng sợ phải khai triển những công cụ mới: vào những năm bảy mươi, Sách Giáo lý của Giáo hội Ý rất độc đáo và được đánh giá cao; thời đại ngày nay cũng đòi hỏi trí thông minh và lòng can đảm để khai triển các công cụ được cập nhật hóa, nhằm truyền đạt cho con người ngày nay sự phong phú và niềm vui của giáo lý sơ truyền, cũng như sự phong phú và niềm vui được thuộc về Giáo hội.

Điểm thứ ba: việc dạy giáo lý và cộng đồng. Trong năm được đánh dấu bởi sự cô lập và cảm thức cô đơn do đại dịch gây ra này, chúng ta thường suy gẫm về cảm thức thuộc về vốn là nền tảng của một cộng đồng. Virút đã xâm nhập vào cơ cấu sống của nhiều lãnh thổ chúng ta, đặc biệt là các vùng lãnh thổ hiện sinh của chúng ta, nuôi dưỡng sợ hãi, nghi ngờ, bất tín và bất trắc. Nó đã phá hoại các thực hành và thói quen lâu đời và do đó kích thích chúng ta tái suy nghĩ về cộng đồng của chúng ta. Thực thế, chúng ta đã nhận ra rằng chúng ta không thể sống thoát một mình, và cách duy nhất để thoát khỏi cuộc khủng hoảng mà tốt hơn là cùng nhau thoát ra - không ai được cứu một mình, chúng ta cùng nhau thoát ra khỏi đó – tái dấn thân một cách tin tưởng hơn vào cộng đồng chúng ta đang sống. Vì cộng đồng không phải là sự kết chồng nhiều cá nhân, nhưng là gia đình nơi chúng ta hòa nhập, nơi chúng ta chăm sóc lẫn nhau, trẻ chăm sóc già và già chăm sóc trẻ, chúng ta của hôm nay chăm sóc những người sẽ đến ngày mai. Chỉ bằng cách khám phá lại cảm thức cộng đồng, mỗi người mới có thể tìm thấy phẩm giá của mình một cách trọn vẹn.

Việc dạy giáo lý và việc công bố không thể nào không đặt chiều kích cộng đồng này vào trung tâm. Đây không phải là thời điểm cho các chiến lược của phái duy ưu tú. Cộng đồng lớn: Cộng đồng lớn là gì? Là Dân trung thành thánh thiện của Thiên Chúa. Không thể thăng tiến ở bên ngoài dân trung thành thánh thiện của Thiên Chúa, những người - như Công đồng nói - không thể sai lầm khi tin (in credendo). Luôn luôn với dân thánh Thiên Chúa. Thay vào đó, tìm cách thống thuộc phe duy ưu tú là tách mình ra khỏi dân Thiên Chúa, có thể với những công thức tân kỳ, nhưng anh chị em không còn thuộc về Giáo Hội, vốn là dân trung thành thánh thiện của Thiên Chúa, nữa.

Đây là lúc để trở thành những nghệ nhân của các cộng đồng cởi mở, biết quý trọng tài năng của mỗi người. Đây là thời gian dành cho các cộng đồng truyền giáo tự do và bất vụ lợi, không tìm kiếm sự nổi bật và lợi thế, nhưng bước theo các nẻo đường của người thời nay, biết cúi xuống chăm sóc những người ở bên lề. Đây là thời dành cho các cộng đồng biết nhìn vào mắt những người trẻ thất vọng, biết chào đón những người xa lạ và mang lại hy vọng cho những người ngã lòng. Đây là thời gian dành cho các cộng đồng biết tham gia đối thoại một cách không sợ hãi với những người có ý tưởng khác biệt. Đây là thời dành cho các cộng đồng, giống như Người Samaritanô nhân hậu, biết cách tới gần những người bị cuộc đời gây thương tích, băng bó các vết thương của họ một cách cảm thương. Đừng quên chữ này: cảm thương. Trong Tin Mừng, biết bao lần Chúa Giêsu đã nói về nó: “Và Người có lòng cảm thương”, “Người có lòng cảm thương”? Như tôi đã nói tại hội nghị về giáo hội ở Florence, tôi muốn một Giáo hội “ngày càng gần gũi hơn với những người bị bỏ rơi, những người bị lãng quên, những người không hoàn hảo. Tôi muốn một Giáo hội vui vẻ có khuôn mặt của một người mẹ, luôn thấu hiểu, đồng hành và vuốt ve”. Điều tôi nhắc đến lúc đó như chủ nghĩa nhân bản Kitô giáo cũng áp dụng cho việc dạy giáo lý: nó “khẳng định một cách căn để phẩm giá của mỗi con người như là Con Thiên Chúa, nó thiết lập giữa mọi người một tình huynh đệ căn bản, dạy người ta hiểu việc làm, sống trong sáng thế như ngôi nhà chung, cung cấp các lý do để lạc quan và hài hước, ngay giữa một cuộc sống khó khăn gấp bội” (Diễn văn tại Hội nghị Quốc gia lần thứ V của Giáo hội Ý, Florence, ngày 10 tháng 11 năm 2015).

Tôi đã đề cập đến Công ước Florence. Năm năm sau, Giáo hội Ý phải quay trở lại với Công ước Florence, và phải bắt đầu một diễn trình thượng hội đồng quốc gia, từng cộng đồng một, từng giáo phận một: diễn trình này cũng sẽ là một hình thức dạy giáo lý. Trong Công ước Florence, người ta thấy cần phải tìm ra chính trực giác về đường đi trong Thượng hội đồng này. Giờ đây, anh chị em hãy đi lại con đường đó: đã đến lúc phải làm thế. Và bắt đầu tiến bước.

Anh chị em thân mến, tôi cảm ơn anh chị em vì những gì anh chị em đang làm. Tôi mời gọi anh chị em tiếp tục cầu nguyện và suy nghĩ cách sáng tạo về cách dạy giáo lý tập trung vào giáo lý sơ truyền, một giáo lý biết hướng về tương lai của các cộng đồng chúng ta, để chúng có thể ngày càng bén rễ sâu hơn vào Tin Mừng, như các cộng đồng huynh đệ và hòa nhập. Tôi chúc phúc lành cho anh chị em, tôi đồng hành cùng anh chị em. Còn anh chị em, hãy vui lòng cầu nguyện cho tôi, tôi cần nó. Cảm ơn anh chị em!
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Trong cơn sốt rét
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
11:05 05/02/2021
Bệnh sốt rét có là thứ bệnh xuất hiện nơi thân thể con người từ hằng bao thế kỷ niên đại rồi, khi nhiệt độ thân thể nóng lên cao. Triệu chứng bệnh sốt rét này báo hiệu căn bệnh tiềm tàng nơi cơ quan thân thể đang trong tình trạng phát triển bung ra. Do đó sức khoẻ thân xác cũng như tinh thần rã rời mệt mỏi xuống dốc yếu hẳn đi, hầu như chỉ còn nằm rên rỉ kêu than, hay bất tỉnh…

Từ hơn một năm nay khi bị sốt rét là triệu chứng dấu hiệu khả nghi bị vi trùng bệnh dịch Corona truyền nhiễm. Cơn sốt rét báo hiệu bệnh dịch Covid 19 xâm chiếm sức khoẻ cơ quan thân thể nhất là hơi thở của buồng phổi và tinh thần con người khốc liệt.

Và nhân lọai cũng đang sống trong cơn sốt rét. Vì lo sợ bị vi trùng bệnh đại dịch Corona đe doạ lây lan truyền nhiễm tới.

Khi bị sốt rét ai cũng lo âu cấp bách đi đến thầy thuốc, hoặc bệnh viện để được điều trị, và dùng thuốc để trị bệnh. Đó là phương thức cần thiết để trị bệnh cho có sức khoẻ bình phục trở lại.

Nhưng trong Kinh thánh thuật lại Chúa Giêsu chữa bệnh sốt rét không theo phương thức thông thường đó:

„ Bà mẹ vợ ông Si-môn đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của bà.31 Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.“ (Phúc âm Thánh Markus 1,30-31).

Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, xuống trần gian không bài trừ xóa bỏ phương thức khoa học y khoa chữa trị bệnh. Nhưng Ngài là thầy thuốc về phần tâm hồn con người. Ngài muốn chữa lành vết thương trái tim tâm hồn con người mang lại nìềm vui sự bình an sức khoẻ cho trái tim tâm hồn con người.

Trong dòng sông đời sống, ai cũng sống trải qua những khúc giai đoạn lo âu hoảng sợ. Và như thế cũng ảnh hưởng sâu xa đến sức khoẻ thân xác nữa. Những lúc giai đoạn này mà có lại được bình an cho tâm hồn là linh dược giúp đời sống có niềm vui cùng có lại sức khoẻ cho thân thể nữa.

Khi Chúa Giêsu giáng sinh làm người ở Bethlehem, ngay lúc còn thơ bé nằm trong nôi, trên tay cha mẹ, các nhà Đạo Sĩ, quen gọi là Ba Vua, đã tìm lối đến tận nơi thăm viếng thờ lạy hài nhi Giêsu, và họ đã trao tặng hài nhi Giêsu „Mộc dược“ ẩn dấu ý nghĩa sâu xa.
Mộc dược - mirra, myrrha - là loại chất dùng làm thuốc thơm và cũng là một loại dùng chữa bệnh thoa bóp chữa lành vết thương.

Mộc dược- Myrrhe - không chỉ là hình ảnh nói về sự đau khổ vết thương. Nhưng còn là loại cây cỏ vị thuốc chữa lành vết thương. ( Anselm Gruen, Jesus-Wege zum Leben, Das Grosse Buch der Evangelien, tr. 42.)

Ba Vua đã nhận ra nơi hài nhi Giêsu, sau này khi lớn lên không chỉ là một vị Thánh, một Vua mà còn là một „ thầy thuốc“ chữa bệnh tâm linh tinh thần cho con người. Nên họ mới tặng món quà ẩn chứa ý nghĩa đó cho „thầy thuốc hài nhi Giêsu“.

Chúa Giêsu Kitô khi đi rao giảng nước Thiên Chúa, đã chữa lành cho nhiều người được lành bệnh qua bằng quyền năng của Ngài là Thiên Chúa, Đấng là chủ sự sống sức khoẻ của con người.

Chúa Giêsu Kitô dùng quyền năng làm phép lạ chữa bệnh không phải để tỏ ra oai quyền cho có danh tiếng. Nhưng để xoa dịu nỗi thống khổ, bệnh tật làm cho trái tim tâm hồn con người bị tan nát mất bình an. Và qua đấy cho họ có lại được niềm vui bình an cho đời sống.

Trong đời sống con người xưa nay hằng luôn không chỉ có những cơn sốt bệnh tật thể xác. Điều này nói lên sự mỏng dòn yếu đuối giới hạn của thân xác con người. Nhưng còn có những cơn sốt bệnh tinh thần nữa, như cơn sốt ước muốn chạy theo thị hiếu ý thích, nôn nóng chạy theo lòng dục vọng ham muốn, mà Kohelet trong Kinh thánh đã có suy tư:„ Tất cả chỉ là phù vân“ ( Sách Kohelet 1, 2)

Những cơn sốt như thế cần được chữa trị qua bằng phương thức tâm linh, qua bằng cuộc sống tôn trọng chân nhận giới hạn của con người, để đời sống có quân bình bằng an. Và như thế có lại niềm vui sức khoẻ cho thể xác lẫn tâm hồn.

Chúa Giêsu trao cho Giáo Hội ở trần gian nhiệm vụ loan truyền tin mừng tình yêu bình an cho con người, để giúp họ có được bình an cho đời sống tinh thần cũng như thể xác.

Đón nhận các Bí Tích cùng tâm tình lời cầu nguyện là phương thuốc thiêng liêng giúp chữa bệnh cơn sốt tinh thần cùng thể xác.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Văn Hóa
Truyện Trâu đất Việt
Đinh Văn Tiến Hùng
11:16 05/02/2021
-Tân Sửu trâu mới đến rồi,
Mọi người hy vọng hết thời nhiễu nhương,
Ai ơi ! Nếu lỡ lầm đường,
Trở về vui sống yêu thương an bình.

Ngày Xuân gặp buổi thư nhàn, ngâm nga mấy vần thơ, mở lại vài trang sử Việt, luận cổ suy kim, học hỏi gương xưa tích cũ, tưởng nhớ quê xưa, nguôi sầu viễn xứ, mong hồi cố quốc…


*Trâu trong tục ngữ ca dao.

“Rủ nhau đi cấy đi cầy,
Bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu,
Trên đồng cạn, dưới đồng sâu,
Chồng cầy, vợ cấy, con trâu đi bừa”
.
“Trâu ơi ta bảo trâu này,
Trâu ra ngoài ruộng trâu cầy với ta,
Cầy cấy nối nghiệp nông gia,
Ta đây trâu đấy ai mà quản công.
Khi nào cây lúa còn bông,
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”.

Lời Ca dao sao mà êm đềm thân thương thế, vẽ lên một bức tranh quê đơn sơ mộc mạc, nhưng không kém phần thi vị dễ thương. Phải có sợi giây chân tình giữa người và vật mới thốt lên những lời thơ ấy.
Người viết không là nhà động vật học luôn truy tìm nghiên cứu về loài vật, cũng không phải tử vi gia nghiên cứu xem vận mạng của Quí Vị có phù hợp với con Giáp trong năm hay không. Việc này đã có nhiều người bàn luận tiên đoán rất nhiều trên truyền thanh, báo chí…đôi lúc rất sôi nổi hào hứng về các nhân vật nổi tiếng nữa.

Năm nay Tân Sửu-năm con Trâu-con vật đứng thứ nhì trong 12 Giáp. Nhân dịp Xuân về, cùng Quí Vị tìm theo dấu vết Trâu trong thơ văn – một con vật gần gũi, thân thương nhất của người dân quê Việt nam trong loài gia súc như : chó, mèo, gà, heo, bò, ngựa… Trâu khi xưa sống từng bày nơi rừng hoang được con người đem về thuần hóa dùng trong việc nông trang, chở hàng hóa. Nên theo tiêu đề bài viết chỉ nói đến ‘Truyện Trâu Đất Việt’

Trâu còn được gọi là Sửu hay Ngưu theo Hán tự, chính là người bạn sớm tối đói no cùng người dân quê xưa. Trâu ngoài việc vất vả kéo cầy trong thời vụ, còn phải thồ hàng trong lúc nông nhàn. Đúng vậy, vì nuôi Trâu không phải để làm cảnh, vui chơi như đất mước Cờ Hoa…mà để đóng góp trong cuộc sống chân lấm tay bùn, nên cha ông dạy bảo ta qua nhiều câu tục ngữ rất thâm thúy :

– Con trâu là đầu sự nghiệp.
– Làm ruộng phải có trâu, làm giàu phải có vợ.

Vì thế mua trâu người ta chọn lựa, đắn đo kỹ lưỡng:

– Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà,
Trong ba việc đó ắt là khó thay.

– Muốn giàu thì nuôi trâu cái,
Muốn lụn bại thì nuôi bồ câu.

– Thứ nhất vợ dại trong nhà,
Thứ nhì trâu chậm, thứ ba rựa cùn.

“Nái, vó, giống, nòi” đều quan trọng, nhưng cũng cần phải khoẻ, vì ngoài công việc đồng áng, trâu còn kéo xe, đạp lúa sinh sản giống tốt:

– Mua trâu xem nái, lấy gái chọn dòng,
– Mua trâu xem vó, lấy vợ xem nòi.

Từ gần gũi thân thương nhất trong gia súc, phát sinh nhiều thành ngữ, tục ngữ răn đời đơn sơ nhưng sâu sắc như:

– Trâu chậm uống nước đục
– Đầu trâu mặt ngựa
– Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã
– Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết
– Đàn gảy tai trâu
– Thân trâu trâu lo, thân bò bò liệu
– Trâu cày không có, trâu ăn lúa lại đông
– Trâu lành không ai cắt cỏ, trâu ngã lắm kẻ cầm dao
– Trâu chết để da, người ta chết để tiếng
– Cứt trâu để lâu hoá bùn…
--Trâu chậm uống nước dơ, trâu ngơ ăn cỏ héo.

Xin tiếp nối Ca dao phong phú về trâu :

– Trâu ta ăn cỏ đồng ta,
Tuy rằng cỏ cụt nhưng mà cỏ thơm.

– Trâu buộc ghét trâu ăn,
Quan võ lại ghét quan văn quần dài.

– Nghé ơi ta bảo nghé này,
Nghé ăn cho béo, nghé cầy cho sâu.
Ở đời khôn khéo chi đâu,
Chẳng qua cũng chỉ hơn nhau chữ cần.

-Lao xao gà gáy rạng ngày,
Vai vác cái cày, tay dắt con trâu,
Bước chân xuống cánh đồng sâu,
Mắt nhắm mắt mở đuổi trâu ra cày.

– Trâu kia kén cỏ bờ ao,
Anh kia kén vợ khi nào có con.

– Trâu, dê lúc chết tế ruồi,
Sao bằng lúc sống ngọt bùi là hơn.

– Phình phình lớn giữa lớn ra,
Mẹ ơi con chẳng ở nhà được đâu,
Ở nhà làng bắt mất trâu,
Cho nên con phải đâm đầu ra đi.
(Tục xưa con gái chửa hoang phải đền trâu cho làng)

– Một trâu anh sắm đôi cầy,
Một chàng đôi thiếp có ngày oan gia,
Chàng ơi chàng bỏ em ra,
Nhẽ đâu một ổ đôi gà ấp chung.
(Các bà không muốn người đắp chăn bông kẻ lạnh lùng )

Đôi lúc lại còn xót xa, bạc bẽo, chua chát thế thài nhân tình hơn:

– Công anh chăm nghé bây lâu,
Bây giờ nghé đã thành trâu ai cầy?

– Phù thủy, thày bói, lái trâu,
Nghe ba anh ấy đầu lâu không còn.

( Dựa ý câu ca dao trên, nên trong thời đồ đểu việt cộng đã phát sinh câu :
Việt kiều, việt cộng, việt gian- Cả ba loại ấy ngang hàng như nhau )

*Trâu trong thơ văn.

+ Lục súc tranh công : Kể lại 6 con vật : trâu, bò, dê, lơn, gà, ngựa tượng trưng cho 6 Vị quan đầu triều tranh nhau công trạng và ai cũng cho mình đóng góp nhiều công sức hơn cho Dân Nước. Hãy nghe quan Sửu kể công:

– Trâu mỏi mệt trâu liền thăn thỉ (năn nỉ)
Một mình trâu ghe nỗi gian nan,
Lóng canh gà vừa mới gáy tan,
Chủ đã gọi thằng chăn vội vã….
Từ tháng giêng cho tới tháng chạp,
Kế Xuân, Hè, nhẫn đến Thu, Đông,
Việc cầy bừa nông cụ vừa xong,
Lại xe gỗ giầm công liên khói.

+ Bà Huyện Thanh Quan nữ sĩ đa tài, nổi tiếng qua nhiều bài thơ như :,
Thăng long hoài cổ, Chiều hôm nhớ nhà, Qua Đèo Ngang…

– Trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn,
Tiếng ốc xa đưa lẫn trống dồn,
Gác mái ngư ông về viễn phố,
Gõ sừng mục tử lại cô thôn….

Bà còn lưu lại nhiều giai thoại nhẹ nhàng lý thú nhân khi ông Huyện vắng nhà, bà đã phê vào tờ đơn thày Hương Cống xin phép mổ trâu giỗ bố trong lúc đang thiếu trâu cầy :

– Người ta thì chẳng đuợc đâu,
‘Ừ’ thì ông Cống làm trâu thì làm.

+ Học Lạc nhà nho nghĩa khí Miền Nam, không chịu hợp tác với Pháp, làm bài thơ trào phúng Vịnh con trâu, chế diễu những kẻ xu thời, nghêng ngang mũ áo, nham nhở như phường tuồng theo gót ngoại xâm :

– Mài sừng cho lắm cũng là trâu,
Nghĩ lại mà coi thực lớn đầu,
Trong bụng lam nham ba lá sách,
Ngoài cầm lún phún một chòm râu.

+ Kẻ theo giặc chỉ là những con cờ thí, bị vắt chanh bỏ vỏ sau khi không còn dùng được nữa. Tú Mỡ nhà thơ trào phúng nổi tiếng, đặt cho hạng người này cái tên Ngài trâu như trong cuộc Chọi Trâu chí tử: con thua phanh thây nằm đó, con thắng mũ lọng nghênh ngang rước về làng làm lễ sát tế cúng Thành hoàng. Thật đúng là xuống hố chết ngỏm (XHCN) !.

– Tưởng rằng danh giá những gì,
Kiếp trâu khốn nạn vẫn là kiếp trâu,
Nào người qúi hóa gì đâu,
Rước về làm thịt xúm nhau người sài.
Lắm anh danh vọng trên đời,
Chung qui cũng chỉ như Ngài Trâu thôi.

+ Nhà thơ thiên tài mệnh yểu họa vận bài ‘Bán thơ’ của Bích Khê, đã khéo dùng ca dao tục ngữ đem vào thơ cách tài tình ‘Đàn gảy tai trâu- Vỏ quit dầy có móng tay nhọn – Mạt cưa mướp đắng’ :

-Mặc người chau chuốt, mặc người mua,
Ai bảo chanh chua khế chẳng chua?
Mắc cá, hạt châu nên lừa lọc,
Miệng lằn, lưỡi mối khá thêu thùa,
Trống qua của sấm qua đâu nổi.
Đàn gảy tai trâu, gảy bằng thừa.
Có vỏ quit dầy, tay móng nhọn,
Mạt cưa mướp đắng thủa nào thua.

+ Phải chăng Nhà thơ Nguyễn huy Thiệp khắc khoải than thở cuộc sống ‘Trâu cầy’ đời người qua hình ảnh con trâu :

– Sinh ra làm kiếp con trâu,
Suốt đời tăm tối dãi dầu nắng mưa,
Thân tôi cổ cầy vai bừa,
Nào thừng buộc, nào mõ khua rộn ràng,
Xin ông, ông cứ nhẹ nhàng,
Tôi xin nộp đủ thóc vàng cho ông.

Trong những tháng năm thơ ấu, tôi luôn nhớ hình ảnh đơn sơ tràn đầy kỷ niệm bài học trong Quốc văn giáo khoa thư: “Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ. Đầu đội nón mê như lọng che, tay cầm cành tre như roi ngựa, ngất nghểnh ngồi trên mình trâu, tôi nghe chim hót trong chòm cây, mắt trông bướm lượn trên đám cỏ…. ”

“Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ. ” cũng là lời bài hát quen thuộc của Phạm Duy, mà thưở bé nhiều người trong chúng ta vẫn nghêu ngao hát cách khoái chí. Diễn tả niềm vui đơn sơ của những người thích hưởng thú thanh nhàn, tìm ra niềm vui đơn gỉan trong công việc. Nhưng dưới thời ‘Đỉnh cao trí tuệ’, than ôi thời thơ ấu mộng mơ nay còn đâu !

+ Trâu đã đi vào ký ức nhà thơ Thanh Nam trong năm tháng tuổi trẻ nơi làng quê :

-Thuở còn thơ ngây hai buổi đến trường,
Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ,
Ai bảo chăn trâu là khổ,
Tôi mơ màng như chim hót trên cao.

+ Hay say mê truyện Con Trâu của Trần Tiêu – một nhà văn có biệt tài mô tả loài vật –mà ông nhân cách hoá phản ảnh về cuộc sống vất vả của con người.

+ Trâu còn xuất hiện trong văn hóa Lễ Hội như tại Đồ Sơn Hải Phòng:

--Dù ai buôn đâu bán đâu,
Mùng chín tháng tám chọi trâu thì về,
Dù ai bận rộn trăm bề,
Mùng chin tháng tám nhớ về chọi trâu.

Gần đây, Trâu còn nhảy vào nghệ thuật điện ảnh qua phim’ Mùa len Trâu’ do Nguyễn Võ Nghiêm Minh đạo diễn, phóng tác theo tập truyện ngắn của nhà văn Sơn Nam. Nhìn trong phim, đàn trâu hàng trăm con lướt đi như vũ bão trên cánh đồng mênh mông ngập nước, cho ta thấy một cuộc sống cuốn trôi tàn bạo, nhưng cần thiết cho đời sống kinh tế nông nghiệp người dân Miền Tây. Nhưng hiện nay Trung cộng cắt nước xả đầu nguồn từ những con đập, khiến các quốc gia nơi hạ nguồn không đủ nước ngọt, nước biển tràn vào sinh ngập mặn, hủy hoại mùa màng mà đồng bằng sông Mê-kông miền tây VN gánh chịu tai họa lớn nhất. Than ôi cảnh ruộng vườn trù phú năm xưa như trong phim ‘Mùa len trâu’ giờ thành hoang địa và nông
dân phải tha phương cầu thực !

*Danh nhân Việt Nam với Loài trâu.

+ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, 3 lần đại phá Nguyên Mông vang danh lịch sử thế giới. Có lần ông cỡi voi qua sông voi bị sa lầy, may lúc đó có một em bé cho ngài mượn trâu vượt sông đuổi theo giặc. Khi quay lại thấy con voi đã từng theo ông đánh đông dẹp bắc chìm dần trong nước, ông nhỏ lệ hứa rằng :
“Khi nào ta chiến thắng trở về sẽ cho dựng tượng voi và trâu bên sông để ghi nhớ.”

+ Đinh Bộ Lĩnh nhà nghèo phải chăn trâu thuê cho chú. Ông thường cùng bọn trẻ tập trận cờ lau đánh giặc
Sau ông dẹp yên loạn 12 sứ quân hùng cứ, đem bình yên cho đất nước, lên ngôi Hoàng Đế hiệu Đinh Tiên Hoàng, đóng đô tại Hoa Lư, xưng quốc hiệu Đại Cồ Việt.

+ Thiên Hộ Dưỡng lãnh đạo nghĩa quân Đồng Tháp Mười, có tài cầm roi luyện tập đàn trâu trên sông nước và thu nhận được một nghĩa quân có tài điều khiển trâu bằng tiếng mõ. Nên lúc lâm trận, tiền hô hậu ủng, kẻ cầm roi người gõ mõ, tả xung hữu đột khiến địch quân hoảng loạn tháo chạy.

+ Đào Duy Từ khi chưa tìm được minh chủ để phò tá như Lã Vọng ngồi câu bên bờ sông Vị chờ thời. Ông có kiến thức rộng, hoạt bát, đã biện luận với các võ quan về người quân tử và kẻ tiểu nhân.- Theo ông kẻ chăn trâu tiểu nhân chỉ biết dắt trâu ra đồng ăn cỏ, đến tối dắt trâu về không nghĩ ngợi lo lắng gì cả. Còn người chăn trâu quân tử vừa chăn trâu vừa luyện chí, nên chưa gặp thời cứ tạm sống theo thời thôi. Nên viên quan thấy ông ứng đáp trôi chảy, biết là người có tài chí lớn, tiến cử với chúa Nguyễn, giúp chúa tạo nên sự nghiệp.

+ Nguyễn Xuân Ôn gia đình nghèo phải đi chăn trâu cho một phú hộ. Ông thường lén nghe thày đồ dạy con chủ để suy nghĩ học hỏi. Ngày kia, trước khi về quê thày đồ ra bài tập thật khó cho con chủ. Ông giúp cậu chủ làm xong bài dễ dàng. Ông đồ lúc trở lại biết chú Ôn làm bài hộ và biết là người tài nên hết lòng giúp học thành tài, ông thi đậu tiến sĩ ra làm quan dưới triều vua Tự Đức.

+ Phạm Phú Thứ theo phái bộ Phan Thanh Giản qua Pháp, điều đình chuộc lại 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ.
Khi ghé sông Nile Ai Cập, ông để ý đến loại xe dẫn nước giống bên ta nhưng lớn hơn và thay vì đạp bằng chân lại do trâu kéo. Ông sai người vẽ lại chi tiết cẩn thận đem về nước, sáng chế loại xe vận chuyển nước vào ruộng. Chiếc xe xuất hiện đầu tiên tại Hòa Vang, Quảng Nam.

*Danh nhân VN tuổi Tân Sửu.

Một điều đặc biệt, năm nay 2021 theo lịch Đông Phương là năm Tân Sửu (Con Trâu) ta lại thấy một số anh hùng dân Việt sinh năm Tân Sửu. Tôi không phải là nhà chiêm tinh tướng số hay dòng dõi Quỉ Cốc Tử, nhưng chợt nhớ tại sao người ta thường gọi là Trâu Vàng? Vì theo m lịch năm 2021 Tân Sửu cầm tinh con trâu có can Tân hành Kim màu vàng, nên gọi là năm Trâu Vàng. Như thế các cháu sinh năm nay Tân Sửu là Trâu Vàng đấy, sau này có chí lớn sẽ nổi tiếng như các anh hùng dân tộc.

Viết đến đây, tôi lại nhớ đến câu truyện như khoa học giả tưởng, nhưng lại có thực trong xã hội ‘Đỉnh cao trí tuệ’.- Truyện kể : Có một ông đàn em trước Tết giả bộ đến chơi để thăm dò tuổi và quà tặng xếp lớn. Bà vợ xếp cho biết chồng tuổi Tý còn quà tượng trưng tùy chú. Sáng Mồng Một Tết đàn em đem đến tặng xếp con Chuột Vàng 3 số 999.
Khi đàn em về rồi, ông chồng hỏi vợ : “ Sao nó biết tuổi tôi? “ Bà vợ trả lời : “Em nói cho nó đấy ! ”
Nghe vợ trả lời anh chồng muốn té xỉu quát lên :” Ngu bỏ mẹ ! Sao không nói tuổi Sửu? Có tăng thêm một tuổi lại được hưởng phước lớn có sao đâu ! “

Nhưng mong ước sinh con tuổi Tân Sửu không phải để hưởng Trâu Vàng, mà để nối chí những anh hùng
khi trước đã có công giữ gìn và xây dựng nên Đất Nước tươi đẹp mà chúng ta đang thừa hưởng như :

+ Phùng Hưng sinh năm Tân Sửu 761, sức khỏe vô địch vật trâu đả hổ, phát động phông trào chống nhà Đường, xây dựng nền độc lập tự chủ đất nước Việt.

+ Lê Đại Hành (Lê Hoàn) sinh năm Tân Sửu 941, sáng lập nhà Tiền Lê, tài thao lược, dẹp nội loạn, khéo bang giao, trị vì 24 năm.

+ Trần Quang Khải sinh năm Tân Sửu 1241, văn võ song toàn, dòng dõi hoàng gia nhà Trần, con vua Trần Thái Tông, chủ tướng 2 lần phá quân Nguyên và còn là một nhà thơ nổi tiếng.

+ Nguyễn Thái Học sinh năm Tân Sửu 1901 thủ lãnh Việt Nam Quốc Dân Đảng, có chí lớn, tinh thần ái quốc cao, chủ trương dùng võ lực chống thực dân Pháp. Ông cùng 12 đồng chí bị Pháp hành quyết tại Yên Bái.

*Những năm Sửu ghi nhớ trong sử Việt.

-Tân Sửu (41) : Hai Bà Trưng khởi nghĩa đánh đuổi thái thú Tô Định, chiếm 65 thành trì, xưng vương, đóng đô tại Mê Linh.

-Ất Sửu (905) : Khúc Thưa Hạo lãnh đậo nhân dân nổi lên chống giặc nhà Đường, xây dựng nền tự chủ, kết thúc ách thống trị Tàu sau 1000 năm.

-Ất Sửu (965) : Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, lên ngôi Hoàng đế là Đinh Tiên Hoàng, đóng đô tại Hoa
Lư, quốc hiệu Đại Cồ Việt.

-Tân Sửu (1001) : Thập Đại tướng quân Lê Hoàn dẹp giăc Cù Long quấy phá tại Thanh Hóa, xây dựng lại trật tự dân nước.

-Kỷ Sửu (1049) : Nhà Lý xây chùa Diên Hựu (Chùa Một Cột), 1 công trình độc đáo, biểu trưng nghệ thuật nước nhà và tinh thần tôn sùng đạo Phật.

-Kỷ Sửu (1289) : Trần Quốc Tuấn được vua Trần Nhân Tông phong Hưng Đạo Đại Vương lãnh ấn tiên phong 3 lần phá tan giặc Nguyên Mông.

-Tân Sửu (1481) : Vua Lê thánh Tông lập Văn Miếu tại kinh đô Thăng Long ghi tên 124 tiến sĩ và lập nhiều đồn điền để tăng thêm lương thực.

-Đinh Sửu ( 1697) : Vua Lê Huy Tông công bố bộ sách sử đồ sộ gồm 24 quyển sau 570 năm biên soạn.

-Đinh Sửu (1757) : Mạc Thiên Tứ con Mạc Cửu người Hoa, được phong tổng trấn Hà Tiên, vì có công mở rộng bờ cõi nước ta.

-Kỷ Sửu (1829) : Doanh điền sứ Nguyễn công Trứ khai thác các vùng sình lầy ven biển, lập 2 ấp Kim Sơn và Tiền Hải thuộc tỉnh Ninh Bình và Thái Bình.

- Ất Sửu (1865) : Tờ Gia Định Báo bằng quốc ngữ được xuất bản đầu tiên tại Nam kỳ năm 1865 do học giả Trương Vĩnh Ký sáng lập.

- Tân Sửu (1901) : Phan Chu Trinh từ chức Thừa biện Bộ Lễ, dấn thân vào đường cách mạng chống Pháp.

- Quí Sửu (1973) : Quân đội Mỹ rút khỏi Việt Nam sau 20 năm tham chiến chống Cộng Sản.
…………………….
Tuy kẻ viết bài không phải là thiền sư hay thiền giả, nhưng thường thảnh thơi ngồi thiền, qui hướng nội tâm, sực nhớ lời khuyên trong Phật giáo Thiền Tông qua bức tranh Thập Mục Ngưu Đồ :
‘Chăn Trâu’ 10 bước : 1- Tìm trâu 2-Thấy vết trâu 3- Thấy trâu 4- Bắt trâu 5- Chăn trâu 6-Cưỡi trâu- 7- Quên trâu 8- Quên cả người và trâu 9- Trở về cội nguồn 10- Thong dong vào chợ đời.

Lời thiền làm cho tâm hồn thấy lâng lâng phiêu bồng, thi hứng bỗng bật thành thơ:

– Một đời mải miết tìm trâu, (1)
Dõi theo dấu vết nông sâu mà tìm, (2)
Thấy trâu ta phải bắt liền, (3) (4)
Chăn trâu ngày tháng ưu phiền lánh xa, (5)
Cưỡi trâu miệng hát hoan ca, (6)
Quên trâu quên cả thân ta nữa rồi, (7) (8)
Cội nguồn hiện thực người ơi, (9)
Lỏng buông tay khấu chợ đời thong dong, (10)
Phù sinh dấu ấn hóa công,
Hành trình tâm thức trong vòng chăn trâu.

Kính chúc Quí Vị Năm Tân Sửu luôn mạnh khoẻ, đạt nhiều điều tốt đẹp !
Nguyện cầu Thương Đế cho đời sống tai qua nạn khỏi không như những năm tháng buồn rầu ảm đạm 2 năm vừa qua vì :

Kỷ Hợi cháy rừng do Bà Hỏa,,
Canh Tý truyền bệnh tại Cô Vi.

ĐINH VĂN TIẾN HÙNG
 
Tết, Mùa Chay và Chay Tịnh
Jos. Hoàng Mạnh Hùng
20:23 05/02/2021
TẾT, MÙA CHAY VÀ CHAY TỊNH

Vạn vật luân chuyển theo tứ thời bát tiết Xuân, Hạ, Thu, Đông. Niên lịch phụng vụ của Giáo Hội Công Giáo cũng theo chu kỳ khép kín. Mùa Vọng, mùa Giáng Sinh đã qua đi, mùa Thường niên tiếp nối, chúng ta chuẩn bị bước vào mùa Chay Thánh với thứ Tư Lễ Tro.

Theo truyền thống của người Việt, mùa Xuân bắt đầu từ ba ngày Tết. Tết là ngày lễ lớn nhất trong năm. Trong ba ngày Tết, dù giàu hay nghèo, người ta đều tạm ngưng mọi công việc để vui chơi, thăm viếng lẫn nhau. Vì thế, trong tháng Chạp, nhà nhà đều đã chuẩn bị thức ăn cho ngày Tết, không chỉ riêng cho gia đình mà còn phải nhiều hơn để tiếp đãi khách.

Ngày Tết, đi đến nhà nào cũng được mời ăn, do đó chúng ta hay nói là “ăn Tết” và khi gặp nhau người ta hay hỏi: năm nay ăn Tết lớn không? Có những món ăn mà chỉ ngày Tết mới dùng tới (ngày thường trong năm ít khi ăn) như là bánh chưng, bánh tét, dưa món, thịt đông, củ kiệu, củ hành, v.v.

Nực cười thay! Nêu không, pháo không, vôi bột cũng không, mà tết.
Thôi cũng được! Rượu có, nem có, bánh chưng đều có, thừa xuân.
Trần Tế Xương (1870-1907)

Bốn nghìn lần: xuân hạ thu đông vạn vật loanh quanh vòng lẩn quẩn.
Ba ngày tết: xôi dê rượu thịt muôn dân hì hục chén no nê.
Khái Hưng Trần Khánh Dư (1896-1947)

Nói chung người Việt ta ăn Tết rất “hoành tráng”, rượu thịt ê hề, mọi thứ đầy đủ thậm chí dư thừa mới gọi là ăn Tết! Nhưng ngày nay, khi đời sống vật chất con người được nâng cao, đã xuất hiện nhiều người ăn chay (ngoài giới tu hành). Dù có chung chữ “ăn” nhưng ăn Tết và ăn chay lại mang ý nghĩa và nét đẹp riêng. Ăn Tết mang niềm vui thỏa mãn cuộc sống hôm nay, còn ăn chay lại mang ý nghĩa tiết độ để hướng đến hạnh phúc mai sau.

Theo từ điển, ăn chay (trai, ăn lạt hay chủ nghĩa ăn chay) là một chế độ ăn uống chỉ gồm những thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật, có hoặc không ăn những sản phẩm từ sữa, trứng hoặc mật ong, hoàn toàn không sử dụng các loại thịt (thịt đỏ, thịt gia cầm và hải sản) hoặc kiêng ăn các thực phẩm có được từ quá trình giết mổ.

Theo Phật giáo, ăn chay là không ăn tất cả các sản phẩm từ động vật cũng như một số thực vật trong chi hành (có mùi thơm đặc trưng như hành, hẹ, tỏi, nén và kiệu gọi chung là ngũ vị tân).

Đối với người Công Giáo, ăn chay là không ăn hoặc ăn uống ít đi, đạm bạc hơn bình thường. Tránh việc ăn vặt trong ngày chay và nếu được chỉ nên ăn một bữa no, còn những bữa khác chỉ nên ăn chút ít để bụng còn đói.

Quan trọng hơn là cảm nghiệm được tính cách bấp bênh của sức lực con người. Ý thức mình lệ thuộc Thiên Chúa, lương thực hàng ngày do Thiên Chúa ban với sự cộng tác của con người chứ không phải “bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm”!

Chay tịnh trong mùa Chay bao gồm "ăn chay" và "kiêng thịt". Chay tịnh (cùng với việc cầu nguyện và bố thí) là một trong ba hành vi được khuyên làm để biểu lộ lòng ăn năn, sám hối. Thực hành việc chay tịnh là bắt chước Chúa Giêsu “ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày” (Mt 4, 2) và cụ thể hơn: “Trong những ngày ấy, Người không ăn gì cả” (Lc 4, 2).

Chúng ta thường chúc tuổi nhau vào những ngày đầu năm. Thêm tuổi là bớt đi thời gian sống, đó là quy luật vô thường bất biến của vạn vật. Hoa nở rồi tàn, Xuân đến rồi đi… Chẳng có gì bền vững với thời gian. Chẳng có gì là vĩnh cửu mà chỉ là phù vân mong manh sương khói.

Chấm dứt “ba ngày Tết” là chúng ta bắt đầu bước vào mùa Chay với nghi tức xức tro. Khi cúi đầu nhận lãnh những hạt tro, ta không chỉ biểu lộ hành vi sám hối, nhưng còn là dịp để nhìn lại thân phận con người được tạo tác từ tro bụi và sẽ trở về với bụi tro. Một thân phận mỏng giòn, mong manh sớm nở chiều tàn:

Như cỏ đồng trổi mọc ban mai,
nở hoa vươn mạnh sớm ngày,
chiều về ủ rũ tàn phai chẳng còn. (Tv 90)

Dù con người là loài thụ tạo cao nhất được Thiên Chúa sáng tạo theo hình ảnh Người, nhưng vẫn là những thụ tạo có giới hạn, là những tội nhân cần sám hối và hoán cải. Lời Chúa trong ngày đầu mùa Chay kêu gọi con người hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng.

Thánh Phaolô giải thích làm sao để đáp lại lời kêu gọi làm hoà với Thiên Chúa. Giải hoà không phải chỉ là nỗ lực của con người. Việc chúng ta giải hòa với Thiên Chúa và với anh em mình chỉ có thể thực hiện được nhờ Lòng Thương Xót và Tình Yêu của Chúa Cha, Đấng đã không tiếc gì Người Con duy nhất của mình...

“Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy”. Mùa Xuân là mùa của niềm vui và tình thương yêu. Tình yêu thương đó được biểu lộ qua tình yêu bản thân cùng những người ruột thịt rồi mở rộng ra cho tha nhân (Tết Thầy). Tình yêu thương đó cũng được biểu lộ một cách chân thành và rõ nét qua việc thăm viếng nhau, chúc Tết cho nhau, tặng quà cho nhau và nhất là biết yêu thương, chia sẻ cho người nghèo khổ.

Mục đích truyền thống của mùa Chay là việc chuẩn bị của các tín hữu qua việc chay tịnh, sám hối, ăn năn tội lỗi, cầu nguyện và thực hành bác ái từ thiện. Bác ái trước hết là “Phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô” (Eph 4,32). Thứ đến không phải ăn chay là tiết giảm chi tiêu rồi cất tiền vào tủ, nhưng là chia sẻ cho người nghèo.

Giáo Hội Công Giáo là Giáo hội của người nghèo, điều này đã được Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định: “Nơi những người nghèo và cùng khổ, chúng ta nhìn thấy khuôn mặt Đức Kitô; khi yêu thương và giúp đỡ người nghèo, chúng ta yêu thương và phục vụ chính Đức Kitô.” (Sứ điệp mùa Chay 2014).

Việc từ thiện vẫn được hiểu thông thường là cho đi, là chia sẻ cho kẻ thiếu thốn. Nhưng nếu hiểu xâu xa hơn theo cái nhìn đạo đức Kitô giáo, thì đó là trả lại cho người nghèo những quyền cơ bản về cái ăn, cái mặc và nơi ở xứng đáng mà lẽ ra họ được hưởng. Bao lâu thế giới còn có người nghèo đói là ta còn mắc nợ họ. Làm việc bác ái từ thiện là một cách thức trả nợ nhân sinh ngoài việc tích công góp đức.

Mùa Xuân lại về với những hạt nắng ấm áp, xua tan chút se lạnh của buổi Đông tàn. Gió Xuân lay nhẹ những cành mai, cành đào rực thắm. Chim líu lo hót, bướm lượn cánh vờn hoa, làm cho lòng người tạm quên đi những lắng lo, muộn phiền thường ngày. Hãy tận hưởng hương vị của những ngày Tết và bước vào mùa Chay như trở về với mùa Xuân của tâm hồn. Canh tân đời sống thiêng liêng, ra sức làm những việc cần thiết để được giao hòa và hiệp thông với Chúa.

Năm nào ta cũng đón Tết, ăn Tết, vui Tết nhưng dường như tâm hồn của chúng ta vẫn còn Đông giá, vẫn còn khô khan, chưa đâm chồi nẩy lộc. Hãy để cho hơi thở đầy lòng thương xót của Thiên Chúa là Chúa Xuân vĩnh cửu sưởi ấm tâm hồn mình qua bí tích Giao hoà, tha thứ và làm hoà với nhau. Hãy để cho lòng thương xót dẫn đưa chúng ta đến với những con người nghèo khổ, bệnh tật, những người bị gạt ra bên lề xã hội và những ai đang đau khổ về tinh thần cũng như thể xác. Như thế, mùa Xuân yêu thương hôm nay sẽ dệt nên mùa Xuân hạnh phúc mai sau trên Thiên đàng trường Xuân bất diệt.
 
VietCatholic TV
Tiếng nói của sự thật giữa hàng lưỡi lê. Giáo Hội chúng ta có vị Hồng Y thật can trường
Giáo Hội Năm Châu
04:12 05/02/2021


Màu đỏ huyết trên áo choàng của vị Hồng Y, là màu của máu, màu của sự tử đạo, chứ không màu sắc của một sự “ưu việt” thế tục.

Giữa bối cảnh nghẹt thở của một cuộc đảo chính kinh hoàng trong đó toàn bộ chính quyền dân sự và ban lãnh đạo của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ bị bắt. Các nhà báo, nhà văn, thanh niên, sinh viên, thậm chí một số các nhà sư ôn hòa cũng bị binh lính lôi đi, một tiếng nói cho sự thật, hòa bình, và hòa giải đã được cất lên. Đó là tiếng nói của Đức Hồng Y Charles Bo. Trong chương trình này chúng tôi sẽ trình bày với quý vị và anh chị em thông điệp của Đức Hồng Y Charles Bo gởi nhân dân Miến Điện và cộng đồng quốc tế.

Tuy nhiên, trước hết chúng tôi xin đề cập đến một vài nét về bối cảnh của cuộc đảo chính đang làm thế giới ngơ ngác trước khả năng thao túng của bọn cầm quyền Bắc Kinh.

1. Tham vọng của Tướng Min Aung Hlaing và Bắc Kinh trong cuộc đảo chính tại Miến Điện

Cuộc đảo chính tại Miến Điện không chỉ đơn giản là một cuộc tấn công vào bà Aung San Suu Kyi hoặc thậm chí vào chính phủ hoặc đảng của bà. Đó là một cuộc tấn công toàn diện vào nền dân chủ và phá bỏ một thập kỷ cải cách.

Chính quân đội Miến Điện, thường được gọi là Tatmadaw, đã khởi xướng 10 năm cải cách vừa qua và giám sát tiến trình này rất chặt chẽ. Tatmadaw đã viết hiến pháp, bảo đảm rằng nó kiểm soát ba bộ chủ chốt: Nội vụ, Hải quan, và Quốc phòng - và dành một phần tư số ghế quốc hội cho quân đội. Nó đã kẹp chặt đôi cánh của Suu Kyi, ngăn cản bà trở thành tổng thống, sử dụng bà như một bức tường lửa để thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế về tội ác chống lại loài người, đồng thời giữ quyền kiểm soát ngân sách và lợi ích kinh doanh của nó. Nói cách khác, Tatmadaw đã nắm quyền trước ngày 1 tháng 2, vậy tại sao họ lại trực tiếp nắm quyền và đưa Miến Điện trở lại chế độ độc tài quân phiệt?

Một trong những động lực đằng sau chương trình cải cách cách đây một thập kỷ là các tướng lĩnh không chịu nổi các áp lực liên tục của Trung Quốc, và họ biết cách duy nhất để làm loãng ảnh hưởng của Bắc Kinh là cải cách để thu hút sự tham gia của cộng đồng quốc tế.

Điều đó đã có tác dụng trong một vài năm, dẫn đến việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, các chuyến thăm liên tiếp của Ngoại trưởng Mỹ khi đó là bà Hillary Clinton, Tổng thống Barack Obama, Thủ tướng Anh David Cameron và các nhà lãnh đạo thế giới khác. Đến năm 2014, Miến Điện đã hội nhập vào cộng đồng quốc tế. Năm 2017, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm đất nước này.

Các vị tướng đã đạt được tất cả những điều này mà không phải nhượng bộ bao nhiêu. Trái lại, họ còn được hưởng nhiều lợi thế. Mối quan hệ giữa Tatmadaw và bà Suu Kyi đã phát triển trong những năm gần đây, đến mức bà đã đến The Hague để bảo vệ các tướng lĩnh trước cáo buộc diệt chủng. Bà đã phải phá vỡ danh tiếng quốc tế của mình vì họ.

Chủ mưu đảo chính: Tướng Min Aung Hlaing.
Thành ra, cuộc đảo chính này là vô nghĩa và bất ngờ đối với nhiều người, nếu chúng ta không nhìn nó từ góc độ của Tướng Min Aung Hlaing. Ông ta phải nghỉ hưu, giã từ tư cách tổng tư lệnh quân đội vào tháng 6 tới đây. Gia đình ông ta có nhiều lợi ích kinh doanh, ông ta bị cáo buộc là tội phạm chiến tranh, ông ta muốn trở thành tổng thống nhưng đảng của ông ta đã thua đậm trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11.

Không bằng lòng với việc nghỉ hưu để đọc hoặc viết sách, chăm sóc vườn tược hay vẽ tranh như những người khác đã làm, và không an tâm tin tưởng rằng tài sản của mình sẽ được bảo vệ, ông ta đã ra tay sau khi có những hứa hẹn từ bọn cầm quyền Trung Quốc, được thể hiện cụ thể qua chuyến viếng thăm của Bộ trưởng Ngoại Giao Bắc Kinh Vương Nghị.

Kết quả là người dân Miến Điện sẽ bị thiệt hại. Tất cả những ai muốn tự do, đã tận hưởng sự mở cửa của thập kỷ trước, giờ đây lại bị rơi vào một kỷ nguyên mới đầy những sợ hãi và nguy hiểm. Và trên hết, các sắc dân thiểu số và các tôn giáo thiểu số của đất nước đang gặp nhiều nguy hiểm hơn.

Việc quân đội, được sự ủng hộ mạnh mẽ của hàng lãnh đạo Phật Giáo cực đoan, trở lại quyền kiểm soát trực tiếp chính phủ chỉ có thể là tin xấu đối với các sắc dân thiểu số - xung đột leo thang, tăng cường các cuộc tấn công và tiếp tục các hành động tàn bạo.

Về tự do tôn giáo, nó đẩy Miến Điện sâu hơn vào bầu không khí của chủ nghĩa dân tộc tôn giáo, khiến cuộc sống đa dạng trở nên khó khăn hơn. Cuộc sống của người Công Giáo, một thiểu số chỉ có 6.4% tại quốc gia này sẽ vô cùng khó khăn.

Phản ứng của cộng đồng quốc tế đối với cuộc đảo chính này cần phải rất thận trọng để dừng đẩy Miến Điện rơi ngược trở lại tầm kiểm soát của Trung Quốc như trong các thập niên trước.

Đức Hồng Y Charles Bo đã chỉ ra rằng: “những kết luận và phán xét đột ngột cuối cùng không có lợi cho dân tộc nào cả... Những biện pháp cứng rắn này đã chứng tỏ là một phước lành to lớn đối với những siêu cường đang để mắt đến tài nguyên của chúng tôi. Chúng tôi cầu xin các bạn đừng buộc những người có liên quan đến bước đường cùng là bán rẻ chủ quyền của chúng tôi”.
Source:UCANews


2. Thông điệp của Đức Hồng Y Charles Bo gởi nhân dân Miến Điện và cộng đồng quốc tế

Đức Hồng Y Charles Bo, tiếng nói can đảm của Miến Điện, một tiếng nói thẳng thắn cho nhân quyền trong những năm gần đây, đã về tới Yangon. Ngài đang viếng thăm mục vụ tiểu bang Kachin khi cuộc đảo chính xảy ra. Trong tuyên bố đầu tiên của ngài gời đến nhân dân Miến Điện, phe đảo chính và chính quyền dân sự đang bị bắt giam, Đức Hồng Y kêu gọi lên án cuộc đảo chính này là một bước lùi cho nền dân chủ tại Miến Điện. Đồng thời, ngài kêu gọi cộng đồng quốc tế đừng vội vàng đưa ra các biện pháp cấm vận vì chỉ có lợi cho bọn cầm quyền Bắc Kinh. “Những biện pháp cứng rắn này đã chứng tỏ là một phước lành to lớn đối với những siêu cường đang để mắt đến tài nguyên của chúng tôi”

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Thông điệp của Đức Hồng Y Charles Maung Bo gởi nhân dân Miến Điện và cộng đồng quốc tế

Ngày: 3 tháng 2 năm 2021

Bạn bè thân yêu của tôi,

Tôi viết những dòng này với tư cách là một nhà lãnh đạo tinh thần, đồng cảm với tâm tư của hàng triệu người lúc này. Tôi viết thư cho những người thân yêu của tôi, các nhà lãnh đạo dân sự, Tatmadaw (giới quân nhân Miến Điện) và cộng đồng quốc tế. Tôi đã buồn bã theo dõi những khoảnh khắc tăm tối trong lịch sử của chúng ta và theo dõi với hy vọng về sự kiên cường của nhân dân chúng ta trong cuộc đấu tranh vì nhân phẩm của họ. Chúng ta đang hành trình vượt qua hầu hết các thời điểm thử thách trong lịch sử của chúng ta. Tôi viết với tình yêu hướng đến tất cả, tìm kiếm một giải pháp lâu dài, cầu nguyện cho sự chấm dứt vĩnh viễn cho bóng tối từng nơi từng lúc đang bao trùm đất nước thân yêu của chúng ta.

1. Gửi những đồng bào Miến Điện thân yêu nhất của tôi

Đức Hồng Y Charles Maung Bo
Tôi chia sẻ tình đồng bào sâu sắc với tất cả các bạn trong thời điểm này khi các bạn vật lộn với những sự kiện bất ngờ, gây sốc đang diễn ra trên đất nước chúng ta. Tôi kêu gọi mỗi người, hãy bình tĩnh, đừng bao giờ trở thành nạn nhân của bạo lực. Chúng ta đã đổ máu đủ rồi. Đừng đổ máu nữa trên mảnh đất này. Ngay cả trong thời điểm thử thách nhất này, tôi tin rằng hòa bình là con đường duy nhất, hòa bình là có thể. Luôn có những cách thức bất bạo động để thể hiện sự phản đối của chúng ta. Các sự kiện đang diễn ra là kết quả đáng buồn của sự thiếu vắng đối thoại và giao tiếp cũng như các tranh chấp đa dạng về quan điểm. Chúng ta đừng tiếp tục hận thù vào lúc này khi chúng ta đấu tranh cho phẩm giá và sự thật. Cầu xin cho tất cả các nhà lãnh đạo cộng đồng và các nhà lãnh đạo tôn giáo cầu nguyện và thúc đẩy cộng đồng phản ứng hòa bình với những sự kiện này. Cầu cho tất cả, xin cho tất cả, tránh những dịp khiêu khích.

Chúng ta đang sống trong thời kỳ đại dịch. Các nhân viên y tế dũng cảm của chúng ta đã cứu sống nhiều người. Chúng tôi hiểu nỗi đau của các bạn. Một số đã từ chức để phản đối, nhưng tôi cầu xin các bạn, đừng bỏ rơi những người đang cần đến các bạn vào lúc này.

2. Gửi đến các Tướng lĩnh Tatmadaw và Gia đình của họ:

Thế giới đã phản ứng với sự bàng hoàng và đau đớn trước những gì đã xảy ra. Vào năm 2015, khi quân đội tiến hành một quá trình chuyển đổi hòa bình sang chính phủ dân sự được dân bầu, Tatmadaw đã giành được sự ngưỡng mộ của thế giới. Ngày nay, thế giới cố gắng hiểu những gì đã xảy ra trong những năm tiếp theo. Có phải đã thiếu đối thoại giữa các cơ quan dân sự được bầu và Tatmadaw không?

Chúng tôi đã thấy rất nhiều nỗi đau trong các cuộc xung đột. Bảy thập kỷ đổ máu và sử dụng bạo lực không mang lại kết quả gì. Tất cả các bạn đều hứa hẹn hòa bình và dân chủ thực sự. Dân chủ là hy vọng giải quyết các vấn đề của đất nước từng rất giàu có này. Lần này hàng triệu người đã bỏ phiếu cho nền dân chủ. Nhân dân chúng tôi tin tưởng vào sự chuyển giao quyền lực trong hòa bình.

Bây giờ Tatmadaw đã đơn phương nắm chính quyền. Điều này đã khiến cả thế giới và người dân Miến Điện bàng hoàng. Các cáo buộc về sự bất thường trong cuộc bỏ phiếu có thể được giải quyết bằng đối thoại, với sự hiện diện của các quan sát viên trung lập. Một cơ hội tuyệt vời đã bị mất. Nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới đã lên án và sẽ lên án động thái gây sốc này.

Bây giờ anh em hứa hẹn một nền dân chủ lớn hơn - sau cuộc điều tra và một cuộc bầu cử khác. Người dân Miến Điện mệt mỏi với những lời hứa suông. Họ sẽ không bao giờ chấp nhận bất kỳ lời hứa giả mạo nào. Anh em cũng hứa sẽ tổ chức bầu cử đa đảng sau một năm. Làm thế nào anh em sẽ đạt được sự tin tưởng của người dân của chúng tôi? Họ sẽ chỉ tin tưởng khi lời nói đi đôi với hành động chân thành.

Sự đau khổ và thất vọng của họ phải được hiểu. Hành động của anh em cần chứng minh rằng anh em yêu mến họ, quan tâm đến họ. Một lần nữa, tôi cầu xin các anh em, hãy đối xử với họ trong niềm tôn trọng nhân phẩm thật sự và hòa bình. Không để xảy ra bạo lực với những người dân Miến Điện thân yêu của chúng ta.

Đáng buồn thay, các đại diện dân cử của chúng tôi thuộc đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, gọi tắt là NLD, đang bị bắt. Nhiều nhà văn, nhà hoạt động và thanh niên cũng bị bắt. Tôi mong các anh em, tôn trọng nhân quyền của họ và trả tự do sớm nhất cho họ. Họ không phải là tù nhân chiến tranh; họ là tù nhân của một quá trình dân chủ. Anh em hứa hẹn hứa dân chủ; vậy thì anh em bắt đầu với việc giải phóng họ. Thế giới sẽ hiểu anh em.

3. Gửi tới Chị Aung San Suu Kyi và Tổng thống U Win Myint cùng tất cả các nhà lãnh đạo yêu quý của chúng ta.

Kính gửi các nhà lãnh đạo NLD: Anh chị em đang ở trong hoàn cảnh này trong cuộc đấu tranh không ngừng của anh chị em để mang lại nền dân chủ cho quốc gia này. Những biến cố bất ngờ đã khiến anh chị em trở thành tù nhân. Chúng tôi cầu nguyện cho anh chị em và kêu gọi tất cả những người liên quan trả tự do cho anh chị em sớm nhất.

Chị Aung San Suu Kyi thân mến, chị đã sống cho nhân dân chúng ta, hy sinh cuộc sống của mình cho nhân dân của chúng ta. Chị sẽ luôn là tiếng nói của nhân dân chúng ta. Đây là những ngày đau khổ. Chị đã biết bóng tối, chị đã biết ánh sáng trong quốc gia này. Chị không chỉ là người con gái yêu mến của người cha của quốc gia, Tướng quân Aung San. Chị là Amay Suu cho quốc gia. Sự thật sẽ thắng. Thiên Chúa là trọng tài cuối cùng của sự thật. Nhưng Chúa vẫn đợi. Vào lúc này, tôi xin bày tỏ sự cảm thông với hoàn cảnh của chị và cầu nguyện rằng chị có thể một lần nữa bước đi giữa những người thân yêu của chị, và nâng cao tinh thần của họ.

Đồng thời, tôi muốn xác nhận rằng biến cố này xảy ra do thiếu ĐỐI THOẠI và giao tiếp và thiếu sự chấp nhận lẫn nhau. Chúng ta hãy lắng nghe người khác.

4. Đối với Cộng đồng Quốc tế:

Chúng tôi biết ơn sự quan tâm của các bạn và đánh giá cao cảm giác kinh ngạc của các bạn. Chúng tôi rất biết ơn vì sự đồng hành đầy cảm thông của các bạn vào lúc này. Điều đó rất quan trọng.

Nhưng lịch sử đã chỉ ra một cách đau đớn rằng những kết luận và phán xét đột ngột cuối cùng không có lợi cho dân tộc nào cả. Các biện pháp trừng phạt và lên án không mang lại nhiều kết quả, thay vào đó chúng đóng cửa và không đối thoại. Những biện pháp cứng rắn này đã chứng tỏ là một phước lành to lớn đối với những siêu cường đang để mắt đến tài nguyên của chúng tôi. Chúng tôi cầu xin các bạn đừng buộc những người có liên quan đến bước đường cùng là bán rẻ chủ quyền của chúng tôi. Cộng đồng quốc tế cần tiếp xúc với thực tế, hiểu rõ về lịch sử và kinh tế chính trị của Miến Điện. Các lệnh trừng phạt có nguy cơ làm sụp đổ nền kinh tế, đẩy hàng triệu người vào cảnh nghèo đói. Thu hút các tác nhân tham gia vào tiến trình hòa giải là con đường duy nhất.

Những gì đã xảy ra thật đau đớn. Nó đã làm tan nát con người của chúng tôi. Tôi viết điều này với mong muốn an ủi họ. Tôi viết không phải với tư cách một chính trị gia. Tôi tin rằng tất cả các bên liên quan ở đất nước này đều mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho người dân của chúng ta. Tôi viết với những lời cầu nguyện và hy vọng rằng quốc gia vĩ đại của chúng tôi, mảnh đất vàng của một dân tộc đầy ân sủng này sẽ bước vào sân khấu toàn cầu như một cộng đồng hòa giải của hy vọng và hòa bình. Hãy để chúng tôi giải quyết mọi tranh chấp thông qua đối thoại.

Hòa bình là có thể. Hòa bình là con đường duy nhất. Dân chủ là ánh sáng duy nhất cho con đường đó.

Hồng Y Charles Maung Bo
Tổng giám mục Yangon Myanmar
Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Myanmar
Chủ tịch Liên Hội đồng các Giám mục Á Châu
Đồng chủ tịch phong trào Các Tôn Giáo Vì Hòa Bình Miến Điện
Source:Archdiocese of Yangon
 
Vụ Title X: Chính sách phá thai cực đoan và phản ứng quyết liệt của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:31 05/02/2021


1. Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ trước thái độ thách thức của Biden liên quan đến Title X.

Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ vừa ra tuyên bố phản kháng thái độ thách thức của Biden liên quan đến Title X và gọi đó là một hành động “bất hợp pháp”.

Để hiểu rõ vấn đề này, chúng tôi xin trình bày với quý vị và anh chị em một vài nét về Title X, trước khi đề cập đến tuyên bố của các Giám Mục Mỹ.

Title X là gì?

Các khoản trợ cấp liên bang đầu tiên để giúp các gia đình có thu nhập thấp kiểm soát sinh đẻ đã bắt đầu vào năm 1965 trong khuôn khổ chương trình Chiến tranh chống đói nghèo của Tổng thống Lyndon Johnson. Đến năm 1969, cả Quốc hội và Tổng thống Richard Nixon đều ủng hộ dự luật cung cấp đầy đủ các dịch vụ Kế hoạch hóa gia đình. Vào năm 1970, Thượng viện đã nhất trí thông qua chương trình Title X và Hạ viện đã bỏ phiếu với tỷ số 298 trên 32 để thông qua dự luật. Tổng thống Nixon đã ký thành luật.

Chương trình Title X cung cấp các phương pháp ngừa thai cho các gia đình nghèo, từ việc giáo dục các phương pháp ngừa thai đến việc cung cấp các viên thuốc ngừa thai. Nhưng chương trình này không xem phá thai là phương pháp kế hoạch hóa gia đình. Trái lại, các tác giả đề nghị ra chương trình này có ý hướng dùng nó để giảm bớt các ca phá thai thông qua các phương pháp ngừa thai, mặc dù phải nói ngay rằng một số phương pháp ngừa thai này không được Giáo Hội tán đồng.

Năm 1972, Quốc hội đã thông qua một dự luật yêu cầu chương trình Medicaid của tiểu bang chi trả các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình cho các gia đình có thu nhập thấp. Theo quy định này, chính phủ liên bang đài thọ 90% chi tiêu của các bang. Dự luật thứ ba được thông qua vào năm 1975 cho phép xây dựng mạng lưới các trung tâm kế hoạch hóa gia đình trên khắp Hoa Kỳ, dẫn đến gần 4,000 địa điểm cung cấp dịch vụ vào năm 2018.

Từ năm 2014 đến năm 2019, chương trình Kế hoạch hóa Gia đình Title X đã nhận được 286 triệu đô la mỗi năm. Ngay từ đầu, quỹ Title X không thể được sử dụng để hỗ trợ phá thai.

Trong thời gian làm Bộ trưởng Tư pháp California, Kamala Harris, đã hô hào Đạo luật “Tự do Sinh sản, Trách nhiệm Giải trình, Chăm sóc Toàn diện và Minh bạch”. Đạo luật này yêu cầu các trung tâm mang thai phò sinh phải niêm yết các thông báo quảng cáo cho các bệnh xá phá thai và cung cấp cho khách hàng của mình các tài liệu thông tin về các dịch vụ tránh thai và phá thai miễn phí gần đó. Đạo luật này đã biến California thành cơ quan tiếp thị và quảng cáo cho Planned Parenthood và các nhà máy phá thai khác, đồng thời buộc các trung tâm thai nghén phò sinh phải đồng lõa với chiến dịch của mình.

Năm 2017, khi lên thay Kamala Harris trong chức vụ Bộ trưởng Tư pháp, Xavier Beccera, người đang được ông Joe Biden đề cử làm Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân Sinh, đã tiếp tục ủng hộ Đạo luật quái đản này của California. Điều này thể hiện mức độ trung thành của Becerra đối với kỹ nghệ phá thai. Quan trọng hơn, nó làm rõ cam kết của ông ta trong việc áp đặt ý thức hệ phá thai cực đoan lên mọi người, kể cả những người có thiện chí phản đối việc phá thai một cách ngay chính.

Các tổng giáo phận San Francisco, và Los Angeles cùng các tổ chức phò sinh đã kiện lên Tối Cao Pháp Viện, và đạo luật này đã bị Tòa án Tối cao Hoa Kỳ bãi bỏ vào năm 2018.

Ngay cả thẩm phán Anthony Kennedy lúc đó, người có tiếng phò phá thai, cũng đã lên án Đạo luật này vì “mối đe dọa nghiêm trọng của nó trong việc áp đặt thông điệp riêng của nó thay cho ngôn từ, suy nghĩ và cách phát biểu của cá nhân. Vì ở đây, Tiểu bang chủ yếu yêu cầu các trung tâm thai nghén phò sinh phải cổ vũ thông điệp ưu tiên của Tiểu bang nhằm quảng cáo phá thai”. Thẩm phán Kennedy nói tiếp: “Điều này buộc các cá nhân phải mâu thuẫn với những niềm tin sâu sắc nhất của họ. Những niềm tin dựa trên các giới luật triết học, đạo đức hoặc tôn giáo nền tảng, hoặc tất cả những điều này”.

Đứng trước các tranh cãi này, năm 2019, Tổng thống Trump đã đi xa hơn khi nghiêm cấm các phòng khám giới thiệu phụ nữ đến các dịch vụ phá thai. Tổng thống Trump quy định rất chi tiết rằng các phòng khám này không được chia sẻ chung không gian văn phòng với các tổ chức giới thiệu phá thai, và cũng không được chia sẻ về mặt tài chính với chúng. Nếu bị phát hiện vi phạm các cấm đoán trên, họ không còn nhận được các tài trợ trong chương trình Title X. Với các quy định của Tổng thống Trump, Planned Parenthood và nhiều tổ chức phá thai khác không còn có thể nấp dưới chiêu bài kế hoạch hóa gia đình. Chúng đã thiệt hại mỗi năm vài trăm triệu Mỹ Kim trước đây vẫn nhận được từ chương trình Title X.

Ngay sau khi nhậm chức ông Joe Biden đã ký một bản ghi nhớ cho biết ông ta sẽ bãi bỏ các cấm đoán của Tổng thống Trump.

Vì thế, Hội Đồng Giám Mục ra tuyên bố sau:

Hôm qua, Tổng thống Biden đã đưa ra một tuyên bố công bố ý định hủy bỏ quy định hiện hành điều chỉnh chương trình kế hoạch hóa gia đình Title X. Quy định hiện tại tuân theo luật liên bang bằng cách giải thích rằng phá thai không thể là một phần của chương trình kế hoạch hóa gia đình Title X bằng cách sử dụng cùng một không gian văn phòng, chia sẻ tài chính hoặc giới thiệu phá thai. Tuyên bố sau đây được đưa ra bởi Đức Tổng Giám Mục Joseph F. Naumann của tổng giáo phận Kansas City ở Kansas, chủ tịch Ủy Ban Các Hoạt Động Phò Sinh Của Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB:

“Mặc dù các Giám mục Công Giáo có những lo ngại nghiêm trọng về việc chính phủ khuyến khích các biện pháp tránh thai, chúng tôi từ lâu đã ủng hộ những nỗ lực để bảo đảm rằng việc cung cấp và khuyến khích phá thai phải bị tách biệt về mặt vật chất và tài chính khỏi các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình được tài trợ thông qua chương trình Title X. Phá thai cướp đi sinh mạng của một đứa trẻ đã được thụ thai và đang lớn lên, và hầu hết người Mỹ đồng ý rằng không nên sử dụng phá thai như một phương pháp kế hoạch hóa gia đình hoặc như một biện pháp ‘hỗ trợ’ khi việc kế hoạch hóa gia đình thất bại.

Do đó, Title X vẽ ra một ranh giới rõ ràng giữa phá thai và kế hoạch hóa gia đình. Ngoài việc nghiêm cấm dùng tiền đóng thuế của dân tài trợ cho việc phá thai, các tác giả của chương trình còn nhấn mạnh ý định này bằng cách nêu rõ rằng, ‘các quỹ được tài trợ theo luật này chỉ được sử dụng để hỗ trợ các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình có tính chất dự phòng, nghiên cứu dân số, các dịch vụ vô sinh, và các dịch vụ khác liên quan đến các hoạt động y tế, thông tin và giáo dục’. Bằng cách hủy bỏ các quy định này, chính quyền sẽ buộc phá thai vào một chương trình liên quan đến tình trạng trước khi mang thai, và được thiết kế đặc biệt để loại trừ tệ nạn phá thai; một động thái trái đạo đức, không thực tế và cũng có thể là bất hợp pháp”.


Source:USCCB

2. Đức Tổng Giám Mục Denver thách thức người Công Giáo phò phá thai hãy tự vấn lương tâm của họ

Trong bài giảng hôm Chúa Nhật, Đức Tổng Giám Mục Samuel Aquila của Denver đã chỉ trích những người Công Giáo phò lưạ chọn, tức là ủng hộ phá thai và an tử. Ngài nói nếu cuộc sống không được coi trọng ở đầu và cuối thì nó sẽ không được tôn trọng ở giữa.

Đức Tổng Giám Mục đã đưa ra lập trường trên trong Thánh lễ Phò Sinh vào ngày 23 tháng Giêng để tưởng nhớ 48 năm phán quyết Roe chống Wade tại Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội ở Denver.

Trong bài giảng, Đức Tổng Giám Mục đã thảo luận về sự chuyển đổi gần đây sang một chính quyền mới, khét tiếng ủng hộ phá thai một cách cực đoan. Ngài nêu đích danh một số chính trị gia, nổi bật là Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, những người tự xưng là Công Giáo nhưng lại bảo vệ và thúc đẩy các chính sách phá thai cực đoan.

Ngài nói rằng những chính trị gia này đã không “đặt quan điểm của họ trên chân lý Phúc âm”, và đã không “làm chứng cho cuộc sống”.

“Thật không may, cũng có nhiều người Công Giáo nghĩ rằng Chúa Giêsu bị điên, hoặc một số lời dạy của ngài là điên rồ, và đặc biệt là khi liên quan đến mạng sống con người và phẩm giá của những đứa trẻ chưa chào đời. Với tư cách là người Công Giáo, điều quan trọng đối với chúng ta là cả trái tim và tâm trí của chúng ta, lời nói, suy nghĩ và hành động của chúng ta, phải luôn luôn phù hợp với Chúa Giêsu Kitô và Phúc âm, chứ không phải theo cách của thế gian”, ngài nói.

Ngài cho biết phá thai đã ảnh hưởng đến các chủ đề phò sinh khác, chẳng hạn như nhập cư và hỗ trợ tự tử. Ngài nói rằng phẩm giá của con người sẽ không tồn tại trong những lĩnh vực này nếu phẩm giá con người không được tôn trọng ngay từ thuở ban đầu.

Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh rằng: “Điều quan trọng là phải làm chứng cho phẩm giá của các thai nhi, cũng như làm chứng cho phẩm giá của người nhập cư, người lãnh án tử hình, và các vấn đề cuộc sống khác”

“Nhưng chúng ta cũng phải rõ ràng rằng mối quan tâm tối thượng, và nơi phẩm giá con người bắt đầu, là ở những đứa trẻ chưa chào đời và những người sắp chết - khi cuộc sống bắt đầu và lúc cuộc sống đang dần kết thúc. Nếu phẩm giá không tồn tại ở hai điểm đó - ở đầu và cuối - thì ở giữa phẩm giá ấy cũng sẽ không tồn tại”.

Đức Tổng Giám Mục Aquila nói thêm rằng cần phải hình thành lương tâm của một người dưới ánh sáng của Phúc âm và các giáo huấn của Giáo hội. Lương tâm không phải là ý kiến mà thay vào đó là tiếng nói của Chúa.

Đức Tổng Giám Mục cảnh báo rằng có những người có lương tâm sai lầm hoặc thậm chí đã chết đối với sự thật. Khi một người tin rằng họ đang làm theo lương tâm của họ, họ nên đưa nó vào thử nghiệm và đặt câu hỏi liệu nó có phù hợp với giáo lý của Giáo hội hay không.

“Lương tâm của chúng ta phải được hình thành theo Phúc âm và theo những lời dạy của Giáo hội. Chúng ta phải lắng nghe điều đó, và sau đó thành quả của chúng ta sẽ trở nên tốt đẹp, và chúng sẽ mang lại ánh sáng cho thế giới”, ngài nói.

Đức Tổng Giám Mục nói rằng người Công Giáo nên rao giảng Tin Mừng Sự sống một cách rõ ràng, nhân từ và yêu thương nhưng họ không được thờ ơ hoặc ủng hộ tệ nạn phá thai.

“Trước tiên, chúng ta hãy cầu nguyện cho sự hoán cải của đất nước chúng ta và đặc biệt là sự hoán cải của những người Công Giáo có quan điểm được gọi là phò lựa chọn. Chúng ta phải cầu nguyện cho sự hoán cải của họ, cho sự tỉnh thức lương tâm họ, để họ không phải chết hoặc sai lầm, nhưng đến với sự thật của Chúa Giêsu Kitô”.

“Chúng ta hãy cầu xin Chúa mở lòng chúng ta đón nhận sự thật và chúng ta hãy cầu nguyện để chúng ta luôn có đủ can đảm trở thành những người làm chứng cho Tin Mừng Sự Sống, ngay từ thuở ban đầu khi thụ thai, cho đến cái chết tự nhiên vào cuối cuộc đời, khi chúng ta hy vọng sẽ được hưởng vinh quang của Thiên Chúa và lời hứa về sự sống đời đời”.


Source:Catholic News Agency

3. Đức Tổng Giám Mục Cordileone cảnh báo: Người Công Giáo phải phục hồi 'ý tưởng xứng đáng khi lên rước lễ'

Trong một cuộc phỏng vấn để thảo luận về lời quở trách gần đây của ngài đối với bà Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone của San Francisco nhấn mạnh sự cần thiết là người Công Giáo phải phục hồi ý thức xứng đáng để rước lễ.

“Nhiều người Công Giáo không còn hiểu được ý tưởng về sự xứng đáng khi lên rước lễ. Rước lễ chỉ được coi là một loại cử chỉ tượng trưng cho sự chào đón và thuộc về”, Đức Tổng Giám Mục Cordileone nói với EWTN Pro-Life Weekly trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng vào tối thứ Năm.

Đức Tổng Giám Mục đã đề cập đến chủ đề các thừa tác viên Thánh Thể phải có can đảm từ chối không cho một người nào đó rước lễ “vì phần rỗi linh hồn của người ấy”. Ngài nói rằng người Công Giáo trước hết phải hiểu giáo huấn của Giáo hội về Bí tích Thánh Thể ngõ hầu có thể hiểu được ý nghĩa của việc từ chối không cho một người được rước lễ.

“Để hành động từ chối không cho rước lễ có ý nghĩa đối với nhiều người, chúng ta cần lấy lại cảm thức về ý nghĩa của việc rước lễ”, Đức Tổng Giám Mục Cordileone nói và chỉ ra sự thiếu tin tưởng vào Sự hiện diện Thực sự của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể.

Theo Đức Tổng Giám Mục, chỉ có những người thiếu hoặc hoàn toàn không tin tưởng gì vào Sự hiện diện Thực sự của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể mới có can đảm lên rước lễ trong tình trạng đang mắc tội trọng.

Đức Tổng Giám Mục Cordileone nhấn mạnh rằng sự xứng đáng để rước lễ là một vấn đề rộng lớn hơn nhiều đối với mọi người Công Giáo chứ không chỉ giới hạn trong số những chính trị gia Công Giáo mâu thuẫn với giáo huấn của Giáo hội.

“Chúng ta đang có một vấn đề lớn hơn, đó là rất nhiều người Công Giáo thậm chí không hiểu khái niệm xứng đáng để rước lễ. Họ phải ở trong trạng thái có ân nghĩa với Chúa. Trước COVID, tôi thường đặt câu hỏi là có biết bao những người thản nhiên lên rước lễ khi họ thực sự không nên làm như vậy”.

Đức Tổng Giám Mục nói rằng việc cố ý bỏ qua dù chỉ một Thánh lễ Chúa nhật là một ví dụ về tội trọng cần phải được xá giải trong tòa giải tội trước khi một người Công Giáo xứng đáng được rước lễ.

Để trả lời câu hỏi rằng liệu sự ủng hộ của Pelosi đối với việc phá thai, trong tư cách là một người Công Giáo giữ một chức vụ công quyền, có gây tai tiếng hay không, Đức Tổng Giám Mục Cordileone trả lời rằng Pelosi không chỉ chống lại giáo huấn của Giáo hội, mà còn mâu thuẫn một cách tai tiếng với “các quyền cơ bản của con người”.

“Lập trường của bà ấy đang mâu thuẫn với Giáo hội về một vấn đề không chỉ đơn thuần thuộc phạm trù tín lý Công Giáo, nhưng còn là một vấn đề về các quyền cơ bản của con người. Vì thế, chúng ta rơi vào tình trạng là có các nhà lãnh đạo chính trị xưng mình là Công Giáo nhưng lại ủng hộ một hành vi gian ác là giết chết các thai nhi, và mọi người nghĩ rằng người Công Giáo làm điều đó là OK. Không, không phải như thế”.


Source:Catholic News Agency

4. Chủ nghĩa độc tài truyền thông: Twitter đóng băng tài khoản của Catholic World Report vì đăng bài về bác sĩ chuyển giới Rachel Levine

Rachel Levine sinh ngày 28 tháng 10, 1957 là một người đàn ông đã chuyển giới thành đàn bà. Rachel từng giữ chức Bộ trưởng Y tế tiểu bang Pennsylvania từ tháng 7, 2017 cho đến ngày 23 tháng Giêng vừa qua khi được ông Joe Biden bổ nhiệm làm phụ tá tổng trưởng Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh.

Catholic World Report đã tường trình về việc bổ nhiệm này và ghi nhận đây là người chuyển giới đầu tiên được đưa ra Quốc Hội để xác nhận hay bác bỏ.

Catholic World Report được điều hành bởi nhà xuất bản Ignatius Press, và được thành lập bởi Cha Joseph Fessio, ba mươi năm trước. Cuối năm 2011, Catholic World Report bỏ phương thức báo in và chuyển hoàn toàn sang trực tuyến. Đồng thời, Catholic World Report đã mở tài khoản Twitter của mình; và đến đầu năm 2021, tài khoản Twitter này đã có 8500 người theo dõi.

Phần lớn các Tweets của Catholic World Report chỉ là các liên kết đến các bài báo, đánh giá, phỏng vấn và tóm tắt tin tức của mình, bao gồm tiêu đề, một mô tả ngắn và đường link.

Twitter rõ ràng đang chỉ ra rằng Catholic World Report và các phương tiện truyền thông Công Giáo khác một khi đụng đến các vấn đề liên quan đến phò sinh, an tử, LGBTQ thì họ sẽ bị gán cho là đang tung ra các ngôn ngữ gây thù hận hoặc cố chấp, mặc dù điều đó chưa bao giờ xảy ra. Đường lối của Twitter không chỉ mang tính chất chủ quan mà còn là một cách tiếp cận quá thành kiến, không công bằng và phân biệt đối xử, vừa kìm hãm quyền tự do ngôn luận vừa làm suy yếu quyền báo cáo của các phương tiện truyền thông Công Giáo về các sự kiện hiện tại.

Trong thánh lễ khai mạc cơ mật viện bầu Giáo Hoàng vào ngày 18 tháng Tư, 2005, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger nhận xét rằng:

Biết bao nhiêu làn gió chủ thuyết mà chúng ta đã biết đến trong những thập niên cuối cùng. Con thuyền nhỏ tư duy của nhiều Kitô hữu đã thường bị đánh bởi những đợt sóng này – trôi giạt từ thái cực này sang thái cực khác: từ Mác Xít tới chủ nghĩa tự do, tới mức chủ nghĩa tự do phóng túng; từ chủ nghĩa tập thể đến chủ nghĩa cá nhân; từ chủ nghĩa vô thần tới chủ nghĩa duy huyền bí tôn giáo mơ hồ; từ chủ nghĩa vô tín đến chủ nghĩa hỗn tạp và vân vân. Nhiều giáo phái mới được đẻ ra mỗi ngày và xảy ra điều mà Thánh Phaolô đã nói về sự lường gạt con người và sự tinh quái nhắm lôi kéo con người đến chỗ lầm lạc (x Eph 4:14). Có một đức tin rõ ràng, theo kinh Tin Kính của Giáo Hội, lại bị gán cho nhãn hiệu cuồng tín. Trong khi chủ nghĩa tương đối, nghĩa là để chính mình “bị sóng đánh trôi giạt theo mọi chiều gió đạo lý” dường như lại là cách thức hành xử duy nhất thức thời. Người ta đang thành lập một chế độ độc tài của chủ nghĩa tương đối, nó không nhìn nhận điều gì là chung kết và để cho cái tôi và ý muốn của mình là mẫu mực duy nhất.

Nhiều người nhận định rằng nhận xét này của Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, sau này là Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 quả là có tính tiên tri. Chúng ta đã thấy điều đó được thể hiện rõ ràng trong nhiều biến cố khác nhau. Lần này lại là một thí dụ nữa về cái chế độ độc tài này.


Source:Catholic World Report