Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
Khi ấy, vừa ra khỏi hội đường Ca-phác-na-um, Đức Giê-su đi đến nhà hai ông Si-môn và An-rê. Có ông Gia-cô-bê và ông Gio-an cùng đi theo. Lúc đó, bà mẹ vợ ông Si-môn đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người về tình trạng của bà. Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.
Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. Cả thành xúm lại trước cửa. Đức Giê-su chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai.
Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó. Ông Si-môn và các bạn kéo nhau đi tìm kiếm. Khi gặp Người, các ông thưa: “Mọi người đang tìm Thầy!” Người bảo các ông: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng mạc chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó.” Rồi Người đi khắp miền Ga-li-lê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ.
Đó là lời Chúa
39. Nếu con muốn khống chế bản thân mình để hưởng thụ sự bình an trong lòng cách chân chính, thì con phải từ bỏ ý riêng và sự thiên kiến của con.
(Thánh John Berchmans)Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")
--------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Trương Sở Môn dạy học tại động Thái Hồ Đình ở Đông Sơn, một tối nọ, thầy trò đang làm luận văn dưới đèn thì có một con quỷ từ trong cửa sổ lò đầu ra.
Bắt đầu, cái mặt của nó to như cái bàn đánh cờ, tiếp đến thì to như cái miệng nồi, sau đó thì to như cái bánh xe, lông mày thì giống cái chổi, con mắt thì như quả chuông đồng, xương gò má cao to lớn, phía trên bụi chất đống đầy năm đấu có.
Thầy giáo Trương liếc mắt cười nhẹ, thuận tay cầm lấy tập “Cát Mạc” mà mình vừa mới làm xong đưa cho nó xem, và hỏi:
- “Biết được mấy chuyện này không?”
Con quỷ ấy trầm mặc.
Thầy giáo Trương nói:
- “Mặc dù không biết chữ, hà tất phải giả làm mặt mày to lớn để dọa người chứ !”
Nói xong thì dùng hai ngón tay búng vào mặt con quỷ, phát ra âm thanh như da trâu bị thủng. Thầy giáo Trương cười nói:
- “Da mặt quá dày, hèn gì cái chi cũng không hiểu.”
Con quỷ ấy rất xấu hổ, da mặt co lại nhỏ như hạt đậu.
Thầy giáo Trương rút đao đeo bên mình ra chém, nhưng chỉ nghe một tiếng “keng”, té ra là đồng tiền nhỏ.
(Lữ Viên Tùng Thoại)
Suy tư 64:
Ở đời ai cũng có thể tượng tưởng:
- Có người tưởng tượng bạn mình là con quỷ, vì bạn giỏi hơn mình, đó là con quỷ ghen ghét.
- Có người tưởng tượng bạn mình là con quỷ, vì bạn hay nói những lời thẳng thắn, đó là con quỷ thù hận.
- Có người tưởng tượng bạn mình là con quỷ, vì bạn luôn có ý kiến trái ngược với mình, đó là con quỷ kiêu ngạo.
- Có người tưởng tượng bạn mình là con quỷ, vì bạn hay bênh vực người khác, đó là con quỷ ích kỷ.
- Có người tưởng tượng bạn mình là con quỷ, vì bạn có đời sống tốt lành, đó là con quỷ...sa tan.
Có những người Ki-tô hữu đi dự lễ thì sốt sắng nhưng không đi rước Mình Thánh Chúa (rước lễ), hỏi ra mới biết là họ tưởng tượng tội của họ cao hơn trời rộng hơn biển nên Thiên Chúa không bao giờ tha tội cho họ: họ đã tưởng tưởng ra một Thiên Chúa thích phạt và cố chấp, và tưởng tượng ra một Thiên Chúa không biết cảm thông trước những đau khổ của con người.
Thiên Chúa vẫn là Thiên Chúa, dù cho con người tưởng tượng Ngài như thế nào chăng nữa, thì Ngài vẫn cứ là Thiên Chúa toàn năng và rất yêu thương con người.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)
--------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
(Thứ Năm sau Chúa Nhật I TN – 1Sm 4,1-11; Mc 1,40-45)
Dòng lịch sử cho chúng ta thấy hiện tượng đời sống tâm linh là nét riêng có của loài người. Theo chiều kích này thì người ta có thể nói: “con người là sinh vật có “tín ngưỡng - tôn giáo”. Vào thời đại sơ khai khi đối diện với các mảnh lực của thiên nhiên thì con người ít nhiều mặc lấy tâm tình sợ hãi. Vị thế nảy sinh nhiều hình thức kính tôn, sùng bái bằng các lễ vật dâng tạ, có khi bằng cả mạng sống con người. Bên cạnh đó việc xây đền đài, tạc tượng ảnh thần minh cũng dần phát sinh. Chuyện gì đến rồi sẽ đến. Có lễ vật lấy lòng thần minh thì muốn chiếm luôn lòng của thần đã hưởng lộc của mình. Tạc tượng ảnh thần minh và xây đền cho thần ngự thì lại dần muốn “nhốt” thần, sở hữu thần và điều khiển thần.
Chước cám dỗ này hiện rõ trong lịch sử dân được tuyển chọn, Israel. Khi Môisen lên núi thì dân đã yêu cầu Aaron tạc tượng con bê vàng. Không phải dân Chúa đan tâm bỏ Chúa mà đi thờ bò vàng. Thực ra họ muốn làm một cái ngai để Thiên Chúa ngự. Thiên Chúa đã ngự trên cái ngai “con bò vàng” này thì họ sẽ nắm giữ được Thiên Chúa và dĩ nhiên sẽ điều khiển được Người theo ý họ. Sau khi vào hứa địa dân Chúa lại sử dụng hòm bia thánh và qua đó muốn buộc Thiên Chúa phải phục vụ cho lợi ích của họ. Hai người con của tư tế Hêli là Ophni và Phinê dù cũng là hàng tư tế nhưng thiếu phẩm hạnh. Lần kia khi giao chiến với quân Philitinh, hai ông đem hòm bia thánh ra trận, một cách nào đó muốn bắt Thiên Chúa đánh giặc cho mình. Ai ngờ quân Israel hôm ấy thảm bại và mất luôn cả hòm bia thánh vào tay quân Philitinh (x.1Sm 4,1-11).
Chiếc bình sành mà muốn làm chủ người thợ gốm là chước cám dỗ muôn thuở của kiếp người. Là tạo vật thì phải thần phục Đấng Sáng Tạo. Thế mà khi các lễ nghi, kinh kệ ra đời, khi các đền đài được xây, khi các ảnh tượng được làm thì con người dễ lầm tưởng rằng mình đã nắm được các thần minh. Luật Cựu Ước cấm dân Chúa không được tạc vẽ hình tượng Thiên Chúa là tránh cho dân khỏi rơi vào chước cám dỗ này. Chúa Giêsu đã từng căn dặn là khi cầu nguyện chớ có nhiều lời như bà con lương dân hay anh chị em khác đạo vì họ lầm tưởng rằng đọc đủ đầy các kinh kệ thì thần mình phải thực hiện ý nguyện của mình (x.Mt 6,7).
Bài Tin Mừng ngày thứ Năm sau Chúa Nhật I mùa Thường Niên tường thuật câu chuyện Chúa Giêsu chữa lành cho một người phung cùi (x.Mc 1,40-45). Lời van xin của người phung cùi với Chúa Giêsu thật đẹp: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch”. “Nếu Ngài muốn”, một lời tuyên xưng đức tin thật rõ ràng. Người phung cùi nhìn nhận Chúa Giêsu mới thực sự là người chủ có quyền năng và không ai có thể bắt Người làm những gì nếu Người không muốn.
Ranh giới giữa việc xin Chúa ban ơn lành và việc bắt Chúa ban ơn lành quả thật rất mỏng manh. Một lòng đạo đức mà thiếu ý thức và sự trưởng thành thì sự lấn ranh rất dễ xảy ra. Điều đáng cẩn trọng hơn, đó là nhiều tâm tình phó thác những tưởng rằng tốt nhưng thực ra là lỗi “đức trông cậy”, vì thụ động, quá ỉ lại, vi lười biếng hoặc sợ hãi mà chờ hoặc bắt Thiên Chúa phải ra tay. Vẫn có đó nhiều lời than thở như trách cứ: “Tại sao Chúa lại để cho sự dữ lan tràn? Tại sao nhiều kẻ độc tài, gian ác vẫn nhởn nhơ?” Nhưng Thiên Chúa sẽ trả lời: “Ta đã dựng nên ngươi. Ngươi là chiếc bình sành. Ta là người thợ gốm. Hãy làm điều Ta muốn! ”.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
Thưa quý vị, thưa quý bà và quý ông!
Hôm qua kết thúc mùa phụng vụ Giáng sinh, một thời kỳ đặc biệt để vun đắp các mối liên hệ gia đình, mà đôi khi chúng ta có thể bị phân tâm và xa cách do nhiều cam kết trong năm. Hôm nay chúng ta muốn tiếp tục tinh thần đó, khi một lần nữa chúng ta đến với nhau như một đại gia đình để thảo luận và đối thoại. Xét cho cùng, đó là mục đích của tất cả các hoạt động ngoại giao: giúp giải quyết những bất đồng nảy sinh từ sự chung sống của con người, thúc đẩy sự hòa hợp và nhận ra rằng, một khi vượt qua xung đột, chúng ta có thể khôi phục cảm thống nhất sâu sắc của mọi thực tại. [1]
Do đó, tôi đặc biệt biết ơn qúy vị hôm nay đã tham gia “buổi họp mặt gia đình” hàng năm của chúng ta, một dịp thuận lợi để trao đổi những lời chúc tốt đẹp cho Năm Mới và để cùng nhau xem xét ánh sáng và bóng tối của thời đại chúng ta. Tôi đặc biệt cảm ơn Vị Niên Trưởng, Ngài George Poulides, Đại sứ Cộng hòa Síp, đã có bài phát biểu ân cần với tôi nhân danh toàn thể Ngoại giao Đoàn. Qua tất cả qúy vị, tôi xin gửi lời chào âu yếm của tôi đến các dân tộc mà qúy vị đại diện.
Sự hiện diện của qúy vị luôn là một dấu hiệu hữu hình cho thấy sự quan tâm mà các quốc gia của qúy vị dành cho Tòa thánh và vai trò của Tòa thánh trong cộng đồng quốc tế. Nhiều người trong qúy vị đã đến từ các thành phố thủ đô khác để tham dự biến cố hôm nay, do đó, tham gia cùng nhiều Đại sứ cư trú tại Rome, những vị sẽ sớm tham gia với Liên bang Thụy Sĩ.
Thưa các Đại sứ,
Trong những ngày này, chúng ta biết rằng cuộc chiến chống đại dịch vẫn đòi hỏi sự nỗ lực đáng kể của mọi người; chắc chắn, năm mới sẽ tiếp tục đòi hỏi nhiều về mặt này. Coronavirus tiếp tục gây ra sự cô lập xã hội và cướp đi nhiều sinh mạng. Trong số những người đã qua đời, tôi muốn nhắc đến cố Tổng Giám mục Aldo Giordano, một Sứ thần Tòa thánh, người nổi tiếng và được kính trọng trong cộng đồng ngoại giao. Đồng thời, chúng ta cũng nhận thấy ở những nơi có chiến dịch chích ngừa hữu hiệu, nguy cơ ảnh hưởng nặng nề của bệnh đã giảm xuống.
Do đó, điều quan trọng là phải tiếp tục nỗ lực tạo miễn dịch cho dân số nói chung càng nhiều càng tốt. Điều này đòi hỏi một cam kết đa dạng trên các bình diện bản thân, chính trị và quốc tế. Đầu tiên, trên bình diện bản thân. Mỗi người trong chúng ta có trách nhiệm chăm sóc cho bản thân và sức khỏe của mình, và điều này được hiểu là tôn trọng sức khỏe của những người xung quanh. Chăm sóc sức khỏe là một nghĩa vụ đạo đức. Đáng buồn thay, chúng ta ngày càng nhận thấy mình đang sống trong một thế giới có sự chia rẽ mạnh mẽ về ý thức hệ. Mọi người thường để mình bị ảnh hưởng bởi ý thức hệ của thời đại, thường được củng cố bởi những thông tin vô căn cứ hoặc những sự kiện ít được dẫn chứng bằng tài liệu. Mọi phát biểu ý thức hệ đều cắt đứt mối ràng buộc của lý trí con người với thực tại khách quan của sự vật. Mặt khác, đại dịch thúc giục chúng ta áp dụng một loại “liệu pháp thực tại” khiến chúng ta đối diện trực tiếp với vấn đề và áp dụng các biện pháp phù hợp để giải quyết nó. Vắc-xin không phải là một phương tiện ma thuật để chữa bệnh, nhưng chắc chắn chúng đại diện cho giải pháp hợp lý nhất để phòng bệnh bên cạnh các phương pháp điều trị khác cần được phát triển.
Do đó, cần có cam kết chính trị để theo đuổi lợi ích chung của dân số nói chung qua các biện pháp phòng ngừa và chích ngừa nhằm thu hút sự tham gia của người dân để họ cảm thấy có liên hệ và có trách nhiệm, nhờ một cuộc thảo luận rõ ràng về các vấn đề và các phương pháp giải quyết chúng thích hợp. Việc thiếu khả năng ra quyết định kiên quyết và thông đạt rõ ràng sẽ tạo ra sự mơ hồ, ngờ vực và làm suy yếu sự gắn bó xã hội, thúc đẩy những căng thẳng mới. Kết quả là một “chủ nghĩa duy tương đối xã hội” có hại cho sự hài hòa và đoàn kết.
Cuối cùng, một cam kết toàn diện của cộng đồng quốc tế là điều cần thiết, để toàn bộ dân số thế giới tiếp cận như nhau các dịch vụ chăm sóc y tế và vắc xin thiết yếu. Chúng ta chỉ có thể ghi nhận một cách tiếc nuối rằng, đối với các khu vực rộng lớn trên thế giới, khả năng tiếp cận chăm sóc sức khỏe phổ quát vẫn là một ảo tưởng. Vào thời điểm trầm trọng này trong cuộc sống của nhân loại, tôi nhắc lại lời kêu gọi của tôi xin các chính phủ và các tổ chức tư nhân có liên quan thể hiện tinh thần trách nhiệm, khai triển một phản ứng phối hợp ở mọi bình diện (địa phương, quốc gia, khu vực, hoàn cầu), thông qua các mô hình liên đới và công cụ mới để tăng cường các khả năng của những quốc gia có nhu cầu lớn nhất. Cách riêng, tôi kêu gọi tất cả các quốc gia, những quốc gia đang nỗ lực thiết lập một cơ quan quốc tế sẵn sàng chuẩn bị và đối phó với đại dịch dưới sự bảo trợ của Tổ chức Y tế Thế giới, lấy chính sách chia sẻ quảng đại làm nguyên tắc chính để bảo đảm việc mọi người được tiếp cận với các phương tiện chẩn đoán, vắc xin và thuốc chữa. Tương tự như vậy, điều thích hợp là các tổ chức như Tổ chức Thương mại Thế giới và Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới điều chỉnh các phương tiện pháp lý của họ kẻo các quy tắc độc quyền sẽ tạo thêm nhiều trở ngại hơn nữa đối với sản xuất và tiếp cận có tổ chức và nhất quán việc chăm sóc sức khỏe ở bình diện hoàn cầu.
Thưa các Đại sứ,
Năm ngoái, cũng nhờ việc giảm bớt các hạn chế áp dụng năm 2020, tôi đã có dịp tiếp kiến nhiều Nguyên thủ Quốc gia và Chính phủ, cũng như các cơ quan dân sự và tôn giáo khác nhau. Trong số rất nhiều cuộc gặp gỡ đó, tôi muốn nhắc đến ngày 1 tháng 7 năm 2021, dành để suy tư và cầu nguyện cho Lebanon. Cho người dân Lebanon thân yêu, những người đang nỗ lực tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị đang bám sát đất nước này, hôm nay tôi mong được lặp lại sự gần gũi và những lời cầu nguyện của tôi. Đồng thời, tôi tin tưởng rằng những cải cách cần thiết và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế sẽ giúp đất nước kiên trì trong chính bản sắc riêng của mình như là khuôn mẫu chung sống hòa bình và tình anh em giữa các tôn giáo khác nhau.
Năm 2021, tôi cũng có thể tiếp tục các Hành trình Tông đồ của tôi. Tháng 3, tôi có niềm vui được du hành tới Iraq. Chúa Quan Phòng đã muốn điều này, như một dấu hiệu hy vọng sau nhiều năm chiến tranh và khủng bố. Người dân Iraq có quyền lấy lại phẩm giá của mình và được sống trong hòa bình. Các nguồn gốc tôn giáo và văn hóa của họ có từ hàng ngàn năm trước: Lưỡng Hà là cái nôi của nền văn minh; chính từ đó Thiên Chúa đã kêu gọi Ápraham khai mở lịch sử cứu độ.
Tháng 9, tôi đến Budapest để bế mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế, và sau đó đến Slovakia. Đó là cơ hội để tôi gặp gỡ các tín hữu Công Giáo và các Kitô hữu của các tín phái khác, và đối thoại với cộng đồng Do Thái. Tôi cũng đã du hành đến Síp và Hy Lạp, một Hành trình vẫn còn sống động trong ký ức của tôi. Chuyến thăm đó cho phép tôi thắt chặt mối liên hệ sâu sắc hơn với những người anh em Chính thống giáo của chúng tôi và trải nghiệm tình huynh đệ hiện hữu giữa những tín phái Kitô giáo khác nhau.
Một phần rất xúc động trong Hành trình đó là chuyến thăm của tôi đến đảo Lesbos, nơi tôi được tận mắt nhìn thấy sự quảng đại của mọi người đang làm việc để cung cấp lòng hiếu khách và sự giúp đỡ cho các di dân, nhưng trên hết, để thấy khuôn mặt của rất nhiều trẻ em và người lớn, vốn là khách qúy của các trung tâm hiếu khách này. Đôi mắt của họ nói lên nỗ lực hành trình của họ, nỗi sợ hãi về một tương lai không chắc chắn, nỗi buồn của họ đối với những người thân yêu mà họ đã bỏ lại và nỗi thương nhớ quê hương mà họ buộc phải rời xa. Trước những bộ mặt đó, chúng ta không thể thờ ơ hay núp sau những bức tường và hàng rào kẽm gai lấy cớ bảo vệ an ninh hay một phong cách sống. Chúng ta không thể làm điều đó.
Do đó, tôi cảm ơn tất cả các cá nhân và chính phủ đang làm việc để bảo đảm rằng các di dân được chào đón và bảo vệ, cũng như hỗ trợ việc cổ vũ và hội nhập họ vào các quốc gia đã tiếp nhận họ. Tôi rất biết các khó khăn mà một số chính phủ đang gặp phải khi đối diện với một khối lượng lớn di dân ào vào. Không thể yêu cầu bất cứ ai làm những điều họ không thể làm, nhưng có một sự khác biệt rõ ràng giữa việc chấp nhận, mặc dù một cách hạn chế, và việc từ khước hoàn toàn.
Cần phải khắc phục lòng thờ ơ và bác bỏ ý niệm cho rằng di dân là một vấn đề của người khác. Các hậu quả của phương thức này hiển hiện ở việc hạ nhân phẩm của những di dân bị tập trung ở các điểm nóng, nơi họ trở thành con mồi dễ dàng cho tội phạm có tổ chức và nạn buôn người, hoặc tham gia vào những nỗ lực tuyệt vọng để trốn thoát mà đôi khi kết cục bằng cái chết. Đáng buồn thay, chúng ta cũng nên lưu ý rằng chính các di dân thường bị biến thành một vũ khí tống tiền chính trị, trở thành một loại “hàng hóa mặc cả” chuyên tước mất phẩm giá của họ.
Ở đây, tôi muốn nói lại lòng biết ơn của tôi đối với các nhà chức trách Ý, nhờ đó mà một số người đã có thể cùng tôi đến Rome từ Síp và Hy Lạp. Đây là một cử chỉ đơn giản nhưng đầy ý nghĩa. Đối với nhân dân Ý, những người đã chịu nhiều thiệt hại khi bắt đầu đại dịch, nhưng cũng đã có những dấu hiệu phục hồi đáng khích lệ, tôi xin bày tỏ niềm hy vọng tận đáy lòng rằng họ sẽ luôn giữ vững tinh thần quảng đại, cởi mở và liên đới rất đặc trưng của họ.
Đồng thời, tôi cho rằng điều cần thiết là Liên hiệp châu Âu phải đạt được sự gắn bó nội bộ trong việc xử lý các đợt di dân, giống như cách họ đã làm trong việc đối phó với các hậu quả của đại dịch. Cần phải tiếp nhận một hệ thống nhất quán và toàn diện để phối hợp các chính sách về di dân và tầm trú, nhằm chia sẻ trách nhiệm trong việc tiếp nhận di dân, duyệt xét các đơn xin tầm trú, tái phân bổ và hòa nhập những người có thể được chấp nhận. Khả năng thương thảo và khám phá các giải pháp chung là một trong những điểm mạnh của Liên hiệp châu Âu; nó đại diện cho một mô hình hợp lý cho cách tiếp cận có tầm nhìn xa hơn đối với những thách thức hoàn cầu trước mắt chúng ta.
Tuy nhiên, vấn đề di dân không chỉ liên hệ tới một mình châu Âu, mặc dù châu Âu bị ảnh hưởng đặc biệt bởi nhiều đợt di dân đến từ châu Phi và từ châu Á. Trong những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến, trong số nhiều điều khác, làn sóng di dân của những người tị nạn Syria và gần đây hơn là nhiều người đã chạy trốn khỏi Afghanistan. Chúng ta cũng không thể bỏ qua những đợt di dân ồ ạt ở lục địa Châu Mỹ, gây áp lực lên biên giới giữa Mễ Tây Cơ và Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Nhiều người trong số những di dân này là người Haiti đang chạy trốn những thảm kịch đã xảy ra với đất nước của họ trong những năm gần đây.
Vấn đề di dân, cùng với đại dịch và biến đổi khí hậu, đã chứng minh rõ ràng rằng chúng ta không thể được cứu một mình và bởi chính mình: những thách thức lớn lao của thời đại chúng ta đều mang tính hoàn cầu. Do đó, điều đáng lo ngại là, cùng với sự liên kết qua lại lớn hơn giữa các vấn đề, chúng ta đang chứng kiến sự phân mảnh ngày càng nhiều của các giải pháp. Không có gì là bất thường khi gặp phải tình trạng không sẵn lòng mở cửa sổ đối thoại và dành không gian cho tình huynh đệ; điều này chỉ làm tăng thêm căng thẳng và chia rẽ, cũng như các cảm giác tổng quát hóa về sự không chắc chắn và không ổn định. Thay vào đó, điều cần thiết là phục hồi cảm thức của chúng ta về bản sắc chung như một gia đình nhân loại duy nhất. Cảm thức thay thế chỉ có thể là sự cô lập ngày càng gia tăng, được đánh dấu bằng việc từ khước và phủ nhận hỗ tương gây nguy hiểm hơn nữa cho chủ nghĩa đa phương, phong cách ngoại giao vốn là đặc trưng cho các mối liên hệ quốc tế từ cuối Thế Chiến hai đến nay.
Đã một thời nay, nền ngoại giao đa phương đang trải qua một cuộc khủng hoảng lòng tin, do sự giảm sút tính khả tín của các hệ thống xã hội, chính phủ và liên chính phủ. Các nghị quyết, tuyên bố và quyết định quan trọng thường được đưa ra mà không có diễn trình đàm phán thực sự trong đó tất cả các quốc gia đều có tiếng nói. Sự mất cân bằng này, hiện đã rõ ràng một cách đáng kể, đã gây ra sự bất bình đối với các cơ quan quốc tế từ phía nhiều quốc gia; nó cũng làm suy yếu hệ thống đa phương nói chung, với kết quả là càng ngày, nó càng trở nên kém hữu hiệu hơn trong việc đương đầu với các thách thức hoàn cầu.
Tính hữu hiệu giảm sút của nhiều cơ quan quốc tế cũng là do các thành viên của chúng nuôi dưỡng các tầm nhìn khác nhau về các mục tiêu họ muốn theo đuổi. Thông thường, trọng tâm lưu ý đã chuyển sang các vấn đề, tự bản chất gây chia rẽ của chúng, không hoàn toàn thuộc về mục tiêu của tổ chức. Kết quả là, các chương trình nghị sự ngày càng được ra lệnh bởi một não trạng chuyên phủ nhận nền tảng tự nhiên của nhân tính và cội nguồn văn hóa từng tạo nên bản sắc của nhiều dân tộc. Như tôi đã nói trong những dịp khác, tôi coi đây là một hình thức thực dân hóa ý thức hệ, một hình thức không chừa chỗ cho tự do ngôn luận và hiện đang mang hình thức “triệt tiêu văn hóa” xâm nhập vào nhiều giới và định chế công cộng. Dưới chiêu bài bảo vệ tính đa dạng, nó kết cục ở việc triệt tiêu mọi cảm thức bản sắc, với nguy cơ làm im lặng các chủ trương nhằm bảo vệ sự hiểu biết đầy tôn trọng và cân bằng về các mẫn cảm khác nhau. Một loại “tư duy một chiều” đầy nguy hiểm [suy nghĩ độc nhất] đang hình thành, người ta buộc phải phủ nhận lịch sử hoặc tệ hơn là viết lại lịch sử theo các phạm trù ngày nay, trong khi bất cứ tình huống lịch sử nào cũng phải được giải thích dưới ánh sáng khoa thông diễn học của thời đặc thù đó, không phải của ngày nay.
Do đó, nền ngoại giao đa phương được kêu gọi phải thực sự bao gồm, không triệt tiêu nhưng trân qúy các khác biệt và mẫn cảm vốn đánh dấu lịch sử của nhiều dân tộc khác nhau. Bằng cách này, nó sẽ lấy lại tính khả tín và hữu hiệu trong việc đương đầu với những thách thức sắp tới, những thách thức đòi hỏi nhân loại phải đoàn kết lại như một đại gia đình, một gia đình, bắt đầu từ những quan điểm khác nhau, phải chứng tỏ có khả năng tìm ra giải pháp chung vì lợi ích của mọi người. Điều này đòi hỏi sự tin tưởng lẫn nhau và sẵn lòng đối thoại; nó đòi hỏi “lắng nghe lẫn nhau, chia sẻ quan điểm khác nhau, đi đến thỏa thuận và cùng nhau bước đi” [2]. Thật vậy, “đối thoại là cách tốt nhất để thể hiện điều luôn phải được khẳng định và tôn trọng ngoài bất cứ sự đồng thuận mau tàn nào” [3]. Chúng ta cũng không nên bỏ qua “sự tồn tại của một số giá trị lâu bền” [4]. Những điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng nhận ra, nhưng việc chấp nhận chúng “tạo nên một nền đạo đức xã hội vững chắc và mạnh mẽ. Một khi những giá trị căn bản đó được tiếp nhận nhờ đối thoại và đồng thuận, chúng ta sẽ nhận ra rằng chúng vượt lên trên sự đồng thuận ” [5]. Ở đây tôi muốn đặc biệt đề cập đến quyền được sống, từ khi thụ thai cho đến khi kết thúc tự nhiên của nó, và quyền tự do tôn giáo.
Về phương diện này, trong những năm gần đây, chúng ta ngày càng nhận thấy ý thức tập thể ngày một tăng về nhu cầu cấp thiết phải chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta, vốn đang bị khai thác các tài nguyên một cách bừa bãi và liên tục. Ở đây, tôi đặc biệt nghĩ đến Phi Luật Tân nơi, trong mấy tuần trước đây, bị tấn công bởi một cơn bão kinh hoàng, và các quốc gia khác ở Thái Bình Dương, dễ bị tổn thương bởi những hậu quả tiêu cực của biến đổi khí hậu, gây nguy hiểm cho cuộc sống cư dân của họ, hầu hết là những người sống phụ thuộc vào nông nghiệp, đánh cá và tài nguyên thiên nhiên.
Chính việc nhận ra này sẽ thúc đẩy cộng đồng quốc tế nói chung khám phá và thực thi các giải pháp chung. Không ai có thể coi mình được miễn trừ nỗ lực này, vì tất cả chúng ta đều có liên hệ và chịu ảnh hưởng như nhau. Tại Hội nghị COP26 gần đây ở Glasgow, một số biện pháp đã được đưa ra đúng hướng, mặc dù chúng khá yếu dưới góc độ trầm trọng của vấn đề cần đương đầu. Con đường đạt được các mục tiêu to lớn của Hiệp ước Paris rất phức tạp và xem ra rất dài, trong khi thời gian chúng ta có ngày càng ngắn hơn. Vẫn còn nhiều việc phải làm và vì vậy năm 2022 sẽ là một năm căn bản nữa để xác minh mức độ và cách thức mà các quyết định đưa ra ở Glasgow có thể và cần được củng cố hơn nữa theo quan điểm của COP27, được lên kế hoạch cho Ai Cập vào tháng 11 tới.
Thưa quý vị, thưa quý bà và qúy ông!
Đối thoại và tình huynh đệ là hai tiêu điểm thiết yếu trong nỗ lực của chúng ta nhằm vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay. Tuy nhiên, “bất chấp nhiều nỗ lực nhằm đối thoại xây dựng giữa các quốc gia, tiếng ồn chói tai của chiến tranh và xung đột đang ngày càng gia tăng” [6]. Toàn thể cộng đồng quốc tế phải giải quyết nhu cầu cấp thiết là tìm ra giải pháp cho những cuộc xung đột bất tận có lúc xuất hiện như những cuộc chiến tranh ủy nhiệm thực sự.
Tôi nghĩ đầu tiên đến Syria, nơi mà sự tái sinh của đất nước vẫn chưa xuất hiện rõ ràng trên đường chân trời. Ngay cả hôm nay, người dân Syria vẫn đang than khóc những người đã khuất của họ và việc mất mát mọi sự, và tiếp tục hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn. Cải cách chính trị và hiến pháp là cần thiết để tái sinh đất nước, nhưng việc áp đặt các biện pháp trừng phạt không nên tấn công trực tiếp vào cuộc sống hàng ngày, nhằm mang lại tia hy vọng cho người dân nói chung, đang ngày càng bị khốn khổ vì đói nghèo.
Chúng ta cũng không thể bỏ qua cuộc xung đột ở Yemen, một thảm kịch nhân bản đã diễn ra trong nhiều năm, âm thầm, xa rời sự chú ý của các phương tiện truyền thông và với sự thờ ơ nào đó của cộng đồng quốc tế, ngay cả khi họ cho rằng có nhiều nạn nhân dân sự, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.
Trong năm qua, không có bước tiến nào được thực hiện trong tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine. Tôi thực sự muốn thấy hai dân tộc này xây dựng lại lòng tin lẫn nhau và tiếp tục nói chuyện trực tiếp với nhau, để đạt tới điểm mà họ có thể sống ở hai quốc gia, cạnh nhau, trong hòa bình và an ninh, không có hận thù và oán giận, nhưng được chữa lành nhờ việc tha thứ lẫn nhau.
Các nguồn quan tâm khác là căng thẳng định chế ở Libya, các đợt bạo lực của chủ nghĩa khủng bố quốc tế ở khu vực Sahel, và các cuộc xung đột nội bộ ở Sudan, Nam Sudan và Ethiopia, nơi cần “tìm lại con đường hòa giải và hòa bình qua một cuộc gặp gỡ thẳng thắn biết đặt nhu cầu của mọi người lên trên hết ” [7].
Các tình huống bất bình đẳng và bất công sâu xa, nạn tham nhũng đặc hữu và các hình thức nghèo đói khác nhau xúc phạm nhân phẩm cũng tiếp tục thúc đẩy các cuộc xung đột xã hội trên lục địa Châu Mỹ, nơi mà sự phân cực ngày càng gia tăng không giúp giải quyết các vấn đề thực sự và cấp bách của người dân, đặc biệt là những những người nghèo và dễ bị tổn thương nhất.
Sự tin tưởng lẫn nhau và sự sẵn sàng tham gia cuộc thảo luận bình thản cũng cần truyền cảm hứng cho mọi bên liên hệ, để các giải pháp có thể chấp nhận được và lâu dài có thể được tìm thấy ở Ukraine và ở nam Caucasus, đồng thời có thể tránh bùng phát các cuộc khủng hoảng mới ở Balkan, chủ yếu ở Bosnia và Herzegovina.
Đối thoại và tình huynh đệ thẩy đều là những điều cấp thiết hơn để đối phó một cách khôn ngoan và hữu hiệu với cuộc khủng hoảng gần một năm nay đã ảnh hưởng đến Miến Điện; các đường phố của họ, từng là nơi gặp gỡ, nay là cảnh chiến đấu không chừa cả những nhà cầu nguyện.
Đương nhiên, những xung đột trên càng trở nên trầm trọng hơn bởi lượng vũ khí dồi dào trên tay và sự vô lương tâm của những người luôn nỗ lực để cung cấp chúng. Đôi khi, chúng ta tự đánh lừa mình khi nghĩ rằng những vũ khí này dùng để xua đuổi những kẻ có tiềm năng xâm lược. Lịch sử và, đáng buồn thay, ngay cả các báo cáo tin tức hàng ngày, cho ta thấy rõ không đúng như thế. Những người sở hữu vũ khí cuối cùng sẽ sử dụng chúng, vì như Thánh Phaolô VI đã nhận xét, “một người không thể yêu với vũ khí tấn công trong tay” [8]. Hơn nữa, “Khi chúng ta nhượng bộ luận lý học vũ khí và xa rời thực hành đối thoại, chúng ta quên một cách tai hại cho chính mình rằng, ngay cả trước khi gây ra các nạn nhân và hủy hoại, vũ khí có thể tạo ra ác mộng” [9]. Ngày nay, những lo ngại này càng trở nên hiện thực hơn, nếu chúng ta coi việc có sẵn và việc sử dụng các hệ thống vũ khí tự động có thể gây ra những hậu quả khủng khiếp và khôn lường, và cần phải chịu trách nhiệm trước cộng đồng quốc tế.
Trong số các loại vũ khí mà nhân loại đã sản xuất, vũ khí hạt nhân được đặc biệt quan tâm. Cuối tháng 12 vừa qua, Hội nghị Duyệt xét Lần thứ 10 của các bên tham gia Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân, đáng lẽ đã họp tại New York trong những ngày này, nhưng, một lần nữa, bị hoãn lại do đại dịch. Một thế giới không có vũ khí hạt nhân là điều khả hữu và cần thiết. Do đó, tôi bày tỏ hy vọng rằng cộng đồng quốc tế sẽ coi Hội nghị đó là một cơ hội để thực hiện một bước quan trọng theo hướng này. Tòa thánh tiếp tục kiên định chủ trương rằng trong thế kỷ XXI, vũ khí hạt nhân là phương tiện phản ứng không thỏa đáng và không thích hợp trước các mối đe dọa an ninh, và việc sở hữu chúng là vô luân. Việc sản xuất chúng đã lấy đi các nguồn tài nguyên dành cho việc phát triển toàn diện con người và việc sử dụng chúng không chỉ gây ra những hậu quả thảm khốc về nhân đạo và môi trường, mà còn đe dọa chính sự hiện hữu của nhân loại.
Tòa thánh cũng coi việc nối lại các cuộc đàm phán ở Vienna về hiệp định hạt nhân với Iran (Kế hoạch Hành động Toàn diện chung) đạt được những kết quả tích cực, nhằm bảo đảm một thế giới an ninh và huynh đệ hơn.
Thưa các Đại sứ!
Trong Thông điệp của tôi cho Ngày Thế giới Hòa bình được cử hành vào ngày 1 tháng 1 vừa qua, tôi đã tìm cách nêu bật một số yếu tố mà tôi cho là cần thiết để thúc đẩy văn hóa đối thoại và tình huynh đệ.
Giáo dục có một vị trí đặc biệt, vì nó đào tạo thế hệ trẻ, tương lai và hy vọng của thế giới. Thực thế, giáo dục là phương tiện chính của việc phát triển toàn diện con người, vì nó làm cho các cá nhân trở thành tự do và có trách nhiệm. [10]. Diễn trình giáo dục diễn ra chậm chạp và tốn nhiều công sức, đôi khi có thể dẫn đến sự chán nản, nhưng chúng ta không bao giờ được bỏ rơi nó. Đó là một biểu thức xuất sắc của đối thoại, vì không một nền giáo dục chân chính nào có thể thiếu cấu trúc đối thoại. Giáo dục cũng phát sinh văn hóa và xây dựng những nhịp cầu gặp gỡ giữa các dân tộc. Tòa thánh mong muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục bằng việc tham gia Expo 2021 tại Dubai, với gian hàng lấy cảm hứng từ chủ đề của Expo: “Connecting Minds, Create the Future” [Nối kết Các Tâm trí, Tạo dựng Tương lai].
Giáo Hội Công Giáo luôn công nhận và coi trọng vai trò của giáo dục đối với sự phát triển tinh thần, đạo đức và xã hội của giới trẻ. Vì vậy, tôi rất đau lòng thừa nhận rằng trong các môi trường giáo dục khác nhau - giáo xứ và trường học - việc lạm dụng trẻ vị thành niên đã xảy ra, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về tâm lý và tinh thần cho những người đã trải qua chúng. Đây là các tội ác, và chúng đòi một quyết tâm điều tra chúng cách toàn diện, khảo sát từng trường hợp để xác định rõ trách nhiệm, bảo đảm công lý cho các nạn nhân và ngăn chặn những hành động tàn bạo tương tự xảy ra trong tương lai.
Bất chấp mức độ nghiêm trọng của những hành vi như vậy, không một xã hội nào có thể thoái thác trách nhiệm của mình đối với giáo dục. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là ngân sách nhà nước thường phân bổ ít nguồn lực cho giáo dục, vốn có xu hướng được coi là một tốn phí, thay vì là khoản đầu tư tốt nhất có thể cho tương lai.
Đại dịch đã ngăn cản nhiều người trẻ tuổi đến trường, gây tổn hại đến sự phát triển bản thân và xã hội của họ. Kỹ thuật hiện đại cho phép nhiều người trẻ trú ẩn trong thực tại ảo tạo ra những liên kết mạnh mẽ về tâm lý và xúc cảm nhưng lại cô lập họ với những người xung quanh và thế giới xung quanh, làm thay đổi hoàn toàn các mối liên hệ xã hội. Khi đưa ra điểm này, tôi không có ý phủ nhận tính hữu ích của kỹ thuật và các sản phẩm của nó, những thứ giúp chúng ta có thể kết nối với nhau dễ dàng và nhanh chóng, nhưng tôi khẩn thiết kêu gọi chúng ta hãy cẩn thận kẻo những công cụ này thay thế cho các mối liên hệ của con người ở bình diện liên ngã, gia đình, xã hội và quốc tế. Nếu chúng ta học cách tự cô lập mình ngay từ khi còn nhỏ, thì việc xây dựng những nhịp cầu của tình huynh đệ và hòa bình sau này sẽ trở nên khó khăn hơn. Trong một thế giới chỉ có “tôi”, khó mà dành chỗ cho “chúng tôi”.
Điều thứ hai tôi muốn nói ngắn gọn là lao động, “một nhân tố không thể thiếu trong việc xây dựng và gìn giữ hòa bình. Lao động là việc phát biểu bản thân và các tài năng của chúng ta, nhưng cũng là sự cam kết, tự đầu tư và hợp tác của chúng ta với những người khác, vì chúng ta luôn làm việc với hoặc cho người khác. Nhìn ở viễn ảnh rõ ràng có tính xã hội này, nơi làm việc cho phép chúng ta học cách đóng góp của chúng ta hướng tới một thế giới tươi đẹp và đáng sống hơn ” [11].
Chúng ta đã thấy rằng đại dịch đã thử thách nghiêm trọng nền kinh tế hoàn cầu, với những hậu quả nghiêm trọng đối với các gia đình và người lao động trải qua những tình huống đau khổ về tâm lý ngay cả trước khi những rắc rối kinh tế bắt đầu. Điều này càng làm nổi bật tình trạng bất bình đẳng dai dẳng trong các lĩnh vực kinh tế và xã hội khác nhau. Ở đây chúng ta có thể kể ra quyền tiếp cận nước sạch, thực phẩm, giáo dục và chăm sóc y tế. Số người thuộc diện nghèo cùng cực đã tăng lên rõ rệt. Ngoài ra, cuộc khủng hoảng y tế buộc nhiều người lao động phải thay đổi ngành nghề, và trong một số trường hợp buộc họ phải tham gia vào nền kinh tế bí mật, khiến họ mất đi sự bảo vệ xã hội vốn có ở nhiều nước.
Trong bối cảnh đó, chúng ta càng thấy rõ hơn tầm quan trọng của lao động, vì sự phát triển kinh tế không thể thiếu nó, cũng như không thể nghĩ rằng kỹ thuật hiện đại có thể thay thế giá trị thặng dư của sức lao động nhân bản. Lao động nhân bản tạo cơ hội cho việc khám phá ra phẩm giá bản thân của chúng ta, cho việc gặp gỡ người khác và cho sự trưởng thành nhân bản; đó là một phương tiện đặc quyền, nhờ đó mỗi người tham dự tích cực vào công ích và đóng góp cụ thể cho hòa bình. Ở đây, cần có sự hợp tác lớn hơn giữa tất cả các bên ở bình diện địa phương, quốc gia, khu vực và hoàn cầu, đặc biệt là trong ngắn hạn, vì những thách thức đặt ra bởi diễn trình chuyển đổi sinh thái mong muốn. Những năm tới sẽ là một thời điểm may mắn để phát triển các dịch vụ và doanh nghiệp mới, thích ứng các dịch vụ và doanh nghiệp hiện có, tăng khả năng tiếp cận với công việc xứng đáng và tạo ra các phương tiện mới để bảo đảm việc tôn trọng các nhân quyền và mức đãi ngộ tương xứng và bảo trợ xã hội.
Thưa quý vị, thưa quý bà và qúy ông,
Tiên tri Giêrêmia nói với chúng ta rằng Thiên Chúa có “kế hoạch cho phúc lợi của [chúng ta] chứ không phải cho điều ác, để ban cho [chúng ta] một tương lai và một hy vọng” (29:11). Vì vậy, chúng ta không nên sợ hãi dành chỗ cho hòa bình trong đời sống của chúng ta bằng cách nuôi dưỡng đối thoại và tình huynh đệ với nhau. Hồng ân hòa bình có tính "hay lây"; nó tỏa ra từ trái tim của những người khao khát nó và khao khát được chia sẻ nó, và lan tỏa ra toàn thế giới. Đối với mỗi người trong số qúy vị, gia đình của quý vị và những dân tộc mà qúy vị đại diện, tôi xin nhắc lại phúc lành của tôi và gửi những lời cầu chúc tự đáy lòng tôi cho một năm thanh thản và bình an.
Cảm ơn qúy vị!
________________________________________________________________
[1] Xem Tông huấn Evangelii Gaudium (24 tháng 11 năm 2013), 226-230.
[2] Thông điệp cho Ngày Thế giới Hòa bình 2022 (8 tháng 12 năm 2021), 2.
[3] Thông điệp Fratelli Tutti (ngày 3 tháng 10 năm 2020), 211.
[4] Đã dẫn.
[5] Đã dẫn.
[6] Thông điệp cho Ngày Thế giới Hòa bình 2022, 1.
[7] Thông điệp Urbi et Orbi, ngày 25 tháng 12 năm 2021.
[8] Diễn văn trước Liên hiệp quốc (4 tháng 10 năm 1965), 5.
[9] Gặp gỡ vì hòa bình, Hiroshima, ngày 24 tháng 11 năm 2019.
[10] Xem Thông điệp cho Ngày Thế giới Hòa bình 2022, 3.
[11] Thông điệp cho Ngày Thế giới Hòa bình 2022, 4.
Hội đồng giám mục Tây Ban Nha đã nói rằng một bản tin cho rằng các linh mục không được tiêm vắc-xin COVID-19 sẽ bị cấm thi hành thừa tác vụ là một trò lừa bịp.
Báo cáo xuất hiện vào một ngày được người nói tiếng Tây Ban Nha coi như Ngày Cá tháng Tư của người nói tiếng Anh.
Alerta Digital đưa tin ngày 28 tháng 12 rằng Đức Hồng Y Juan José Omella của Barcelona, chủ tịch hội đồng giám mục Tây Ban Nha, cho biết: “Hội đồng giám mục ra sắc lệnh rằng chỉ những linh mục được tiêm chủng theo tất cả các hướng dẫn mới có thể thi hành thừa tác vụ của mình”.
Báo cáo của Alerta Digital cũng nói rằng các linh mục không muốn được “tiêm vắc-xin sẽ có ba mươi ngày để được tiêm chủng” và nếu các ngài không tuân thủ “các ngài sẽ bị cảnh cáo nghiêm khắc và sau đó bị xử phạt bằng hình thức treo cả chén lẫn tiền lương”.
Alerta Digital tuyên bố thêm: “Nếu họ vẫn tiếp tục bất tuân, việc họ bị sa thải khỏi hàng giáo sĩ không bị loại trừ. Như thế, các linh mục không được tiêm chủng sẽ không thể dâng Thánh lễ trước công chúng, hoặc ban phát các bí tích trong bất kỳ trường hợp nào,”
Tuy nhiên, hội đồng giám mục Tây Ban Nha đã trả lời vào ngày 5 tháng Giêng trên Twitter rằng: “Tin tức này là sai sự thật, rất điển hình với ngày 28 tháng 12.”
Ngày lễ các Thánh Anh Hài, vào ngày 28 tháng 12, là một ngày dành cho những trò đùa ở Tây Ban Nha và các nước nói tiếng Tây Ban Nha khác.
Source:Catholic News Agency
Hôm 7 tháng Giêng, tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, có bài “Chef of popes spills the beans” nghĩa là “Đầu bếp của các vị Giáo Hoàng tiết lộ”. Cụm từ “spills the beans” không có nghĩa là “làm đổ đậu”. Nó có nghĩa là tiết lộ một chi tiết có tính cách riêng tư, cá nhân.
Đầu bếp riêng của ba vị giáo hoàng cuối cùng cho chúng ta biết các ngài thích ăn gì!
Sergio Dussin, người đã trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới vì là bếp trưởng của ba vị giáo hoàng, nói: “Thức ăn nói với những người phục vụ và những người chế biến nó, nhưng niềm vui thực sự là được chia sẻ. Là người gốc Treviso, Ý, ông năm nay 65 tuổi và đã có gần 20 năm ở Vatican trong nhà bếp của dinh các giáo hoàng”.
“Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II yêu thích măng tây, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI không thể nói không với một lát bánh Sacher (một loại bánh sô cô la của Vienna), Và Đức Giáo Hoàng Phanxicô ăn bánh mì và pho mát ngon hoặc bánh pizza,” ông nói. “Bữa ăn cảm xúc nhất là bữa trưa dành cho 1,500 người nghèo “.
Câu chuyện của anh và gia đình anh đã được Nicoletta Masetto mô tả trong ấn phẩm Sứ giả Thánh Anthony của Ý.
Ông có thể rảnh một chút không?
Sergio Dussin và vợ Manuela có ba người con, trong đó hai người đều tham gia vào công việc kinh doanh của gia đình. Ông được gọi đến nấu ăn tại Vatican “hàng tháng, thậm chí hai tuần một lần”.
“Khi họ gọi cho tôi, câu hỏi nghi thức là, 'Ông có thể rảnh một chút không?' và câu trả lời theo nghi thức không kém của tôi là 'Vâng ạ.' Đối với một đầu bếp, mọi lúc đều là cảm xúc và là một đặc ân khi được phục vụ một vị giáo hoàng. Đây thường là những bữa trưa riêng tư giống như một bữa ăn trưa của Đức Thánh Cha Phanxicô với các nhân viên của ngài tại Santa Marta”.
Các sản phẩm ông ấy sử dụng tại Vatican
Người đầu bếp thú nhận rằng ông ấy không có “bí quyết” nào cho ẩm thực của mình ngoại trừ thực tế là bất cứ khi nào có thể, ông ấy sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc địa phương và hơn hết là các sản phẩm theo mùa. Chúng đến thẳng Vatican từ những ngọn đồi ở Veneto: radicchio từ Treviso, được sản xuất nhiều nhất trong những tháng mùa đông này; cần tây từ Rubbio; bông cải xanh từ Bassano. Còn khoai tây thì từ Rotzo; hành tím và măng tây trắng từ Bassano; pho mát từ Grappa, Collina Veneta và Asiago; và polenta từ Marano…
Món ravioli của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Dussin tiết lộ một số món ăn tiêu biểu được ba vị giáo hoàng đánh giá cao, mỗi người có khẩu vị và sở thích riêng:
“Đức Thánh Cha Phanxicô là một người thích các món ẩm thực; ngài ăn mì ống ngon và đậu, bánh mì và sopressa hoặc polenta từ Marano và pho mát. Thỉnh thoảng tôi cũng chuẩn bị bánh pizza cho ngài. Ngài không thể đoán trước được, chính ngài cũng như vậy: ngài tuân thủ các nghi lễ cho đến khi nhìn thấy ai đó. Sau đó, ngài dừng lại để ôm họ, hoặc ôm một đứa trẻ trong tay, hoặc đứng dậy và chào hỏi nhân viên của tôi. Tôi đã dành riêng một món ăn cho ngài trong thực đơn của các nhà hàng của tôi: 'Ravioli papa Francesco', một món mì ống tự làm với pho mát Asiago, hạt Asiago và pho mát Collina Veneta bào sợi. “
Măng tây của John Paul II
Về phần hai vị giáo hoàng khác, “Tôi đã gặp Đức Giáo Hoàng Wojtyla khi ngài đã ốm và chịu nhiều đau đớn, ngài ăn ít và nhẹ nhàng. Tuy nhiên, ngài rất thích món măng tây được chế biến theo đủ mọi cách. Tôi rất gắn bó với Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô, một vị Giáo hoàng vĩ đại, một người tốt bụng. Chẳng hạn, ngài không uống rượu vang mà chỉ uống nước trái cây. Ngài không ăn nấm, nhưng thứ ngài chưa bao giờ từ chối là một lát bánh Sacher”.
Source:Aleteia
Thông tấn xã Aljazeera cho rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã mạo hiểm với những người nuôi chó, mèo và không có con trên thế giới, khi cho rằng những người thay thế trẻ em bằng các thú cưng thể hiện “một sự ích kỷ nhất định”.
Phát biểu về vai trò làm cha mẹ trong một buổi tiếp kiến chung vào thứ Tư hàng tuần tại Vatican, Đức Phanxicô đã than thở rằng thú cưng “đôi khi chiếm vị trí của trẻ em” trong xã hội.
Đức Giáo Hoàng nói: “Ngày nay chúng ta thấy một dạng ích kỷ. Chúng ta thấy rằng một số người không muốn có con”.
“Đôi khi họ có một con, và chỉ có thế, nhưng họ có những con chó và con mèo thay thế cho trẻ em. Điều này có thể khiến mọi người bật cười nhưng đó là sự thật”.
Theo người đứng đầu 1.3 tỷ người Công Giáo trên thế giới, thực hành này “là sự chối bỏ tình phụ tử và làm giảm sút chúng ta, lấy đi nhân tính của chúng ta”.
Do đó, “nền văn minh già đi mà không có nhân tính bởi vì chúng ta mất đi sự phong phú của tình phụ tử và tình mẫu tử, và chính đất nước phải gánh chịu hậu quả”, Đức Giáo Hoàng nói tại Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục.
Trong quá khứ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã được chụp ảnh đang vuốt ve những chú chó, cho phép một chú cừu non được quàng qua vai trong Lễ Hiển Linh vào năm 2014 và thậm chí còn nựng một con hổ và một con báo con của một đoàn xiếc đến trình diễn tại Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục.
Nhưng trong khi người tiền nhiệm của ngài, Đức Bênêđíctô XVI, là một người rất yêu mèo, thì Đức Thánh Cha Phanxicô không hề nuôi một con thú cưng nào tại dinh thự ở Vatican của ngài.
Vào năm 2014, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với nhật báo Il Messprisro rằng việc nuôi thú cưng thay vì trẻ em là “một hiện tượng suy thoái văn hóa khác” và mối quan hệ tình cảm với thú cưng “dễ dàng hơn” so với mối quan hệ “phức tạp” giữa cha mẹ và con cái.
Hôm thứ Tư, trong khi mời các cặp vợ chồng không thể có con vì lý do sinh học cân nhắc việc nhận con nuôi, ngài khuyến cáo các bậc cha mẹ có khả năng có con “đừng sợ” bắt tay vào việc làm cha mẹ.
Ngài nói: “Có con luôn là một rủi ro, nhưng không có con sẽ còn nhiều rủi ro hơn khi từ chối quan hệ cha con”.
Đề cập đến việc nhận con nuôi, Đức Thánh Cha nói: “Sự lựa chọn này là một trong những hình thức cao nhất của tình yêu thương, tình phụ tử và tình mẫu tử. Có bao nhiêu trẻ em trên thế giới đang chờ đợi một ai đó để chăm sóc chúng!”
Trong quá khứ, Đức Thánh Cha đã tố cáo “mùa đông nhân khẩu học”, hay tỷ lệ sinh giảm ở các nước phát triển.
Đầu năm nay, ngài chỉ trích xã hội hiện đại, trong đó sự nghiệp và kiếm tiền là những con át chủ bài trong việc xây dựng gia đình đối với nhiều người, và gọi tâm lý đó là “sự hoại tử cho xã hội”.
Source:Aljazeera
Bất chấp các diễn biến phức tạp của đại dịch coronavirus, cuộc diễn hành Lễ Hiển Linh đã được tổ chức tại hơn 600 địa điểm trên khắp Ba Lan vào hôm thứ Năm.
Các đám rước hàng năm, trong đó các diễn viên đóng vai các đạo sĩ đã đến Bethlehem để triều bài Chúa Giêsu mới sinh, diễn ra vào ngày 6 tháng Giêng, Lễ Hiển Linh.
Các nhà tổ chức tin rằng cuộc diễn hành hàng năm, được gọi bằng tiếng Ba Lan là Orszak Trzech Króli, thường là cuộc diễn hành Chúa Giáng Sinh trên đường phố lớn nhất trên thế giới.
Phương châm của các cuộc diễn hành năm nay là “Hôm nay là một ngày vui.” Lễ rước được tổ chức tại thủ đô Warsaw và 667 thị trấn và thành phố khác của Ba Lan.
Các cuộc diễu hành tương tự đã diễn ra ở Ukraine, Áo, Pháp, Anh, và thậm chí cả các nước ở Phi Châu.
Các cuộc diễu hành đã được báo cáo diễn ra tại nhiều hơn 200 địa điểm so với năm 2021, khi các sự kiện được thu nhỏ lại do COVID-19. Nhưng tổng số 668 địa điểm đã thấp hơn so với trước khi đại dịch bùng phát vào năm 2020, khi các đám rước diễn ra ở 820 địa điểm.
Theo trang web của Three Kings Parades Foundation, cuộc diễu hành Ba Vua trên đường phố đầu tiên được tổ chức ở Ba Lan vào năm 2009. Nó được tạo ra như một phần tiếp theo của vở kịch Chúa Giáng Sinh tại một trong những trường học của Warsaw.
Nghi lễ rước kiệu bắt nguồn từ truyền thống địa phương là đóng kịch và hát mừng Chúa Giáng Sinh, nhưng nó cũng được mô phỏng theo các cuộc diễn hành được tổ chức ở Tây Ban Nha và Mễ Tây Cơ.
Lễ rước Ba Lan bao gồm đi bộ qua các đường phố của thị trấn và làng mạc phía sau Ngôi sao Bethlehem. Ba Vua dẫn những người tham gia đến chuồng gia súc, nơi tất cả đều cúi đầu trước Chúa Giêsu và Thánh Gia.
Trên đường đi, những bài hát mừng Giáng Sinh được hát. Tất cả những người tham gia nhận được một tập sách bài hát mừng Giáng Sinh và vương miện giấy đầy màu sắc.
Nhờ ngày lễ Hiển Linh trở thành một ngày lễ nghỉ quốc gia vào năm 2011, số lượng các cuộc diễn hành đã tăng đều đặn.
Chủ tịch của Three Kings Parades Foundation, Piotr Giertych, đã mô tả các cuộc rước như một hình thức truyền giáo trên đường phố.
Ông nói: “Các nhà thông thái từ phương Đông, nghiên cứu về tự nhiên, vũ trụ, tìm kiếm sự thật, đã tìm ra Chân lý trong Hài Nhi nhỏ bé.
Ông giải thích rằng quỹ thu được tại sự kiện năm nay sẽ hỗ trợ các học sinh nghèo ở Nairobi, Kenya.
Ban tổ chức cuộc rước hy vọng sẽ tài trợ 10 học viên tại các trung tâm đào tạo chuyên nghiệp cho những người trẻ muốn trở thành thợ sửa xe.
Như những năm trước, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chào mừng những người tham gia các cuộc rước ở Ba Lan vào hôm thứ Năm.
Trong bài huấn dụ trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa thứ Năm 6 tháng Giêng tại Vatican, ngài nói: “Tôi khuyến khích các sáng kiến truyền bá phúc âm xuất phát từ truyền thống Hiển linh và do tình hình hiện tại, sử dụng nhiều phương tiện truyền thông khác nhau. Tôi đặc biệt nhắc đến cuộc rước Ba Vua diễn ra ở Ba Lan”.
Source:Catholic News Agency
Cha Dwight Longenecker đã xuất bản một cuốn sách có nhan đề “The Mystery of the Magi”, nghĩa là “Bí ẩn của các nhà Đạo Sĩ” nói về những nghiên cứu của ngài liên quan đến ba vị Đạo Sĩ từ phương Đông đã đến triều bái Chúa Hài Đồng.
Gần đây ngài đã tóm tắt lại các điểm chính trong cuốn sách này. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Cuốn sách Bí ẩn của các Đạo Sĩ của tôi đã được xuất bản cách đây vài năm, và trong đó tôi đã đưa ra hai tuyên bố đáng kinh ngạc: Thứ nhất, các đạo sĩ thực sự hiện hữu. Câu chuyện này không phải là một câu chuyện cổ tích được thêu dệt ra bởi Giáo Hội sơ khai. Thứ hai, các đạo sĩ đến từ vương quốc láng giềng Nabatea - quốc gia thương mại có lãnh thổ bao trùm các quốc gia ngày nay là Jordan, Syria, Ả Rập Saudi, Yemen và vùng sừng Phi Châu. Dưới đây là một số gạch đầu dòng trong luận điểm của tôi:
Thánh Matthêu nói đó là “Từ phương Đông”. Trong Cựu Ước, “người phương Đông” gần như luôn luôn là những bộ tộc khác nhau sinh sống trên bán đảo Ả Rập. “Những người từ phương Bắc” là người Babylon – Người Ba Tư – vào thời kỳ Chúa Giáng Sinh được gọi là người Parthia.
Thánh Matthêu đang viết thư cho những người Do Thái ở Giuđêa. “Phương Đông” đối với họ là kiểu nói tắt đề cập đến Ả Rập KHÔNG PHẢI Ba Tư.
Chỉ khi trung tâm của Giáo Hội di chuyển theo hướng Bắc và Tây sau khi Giêrusalem thất thủ vào năm 70 sau Chúa Giáng Sinh thì “Phương Đông” mới được cho là Ba Tư / Babylon / Parthia.
Trong lịch sử, các đạo sĩ là một giai cấp bao gồm các pháp sư, các chiêm tinh gia, học giả và “nhà thông thái” đến từ Babylon, nhưng vào thời điểm Chúa Giáng Sinh, họ đã được lan truyền khắp thế giới cổ đại nên Thánh Matthêu sử dụng “Magi” như một thuật ngữ chung để chỉ những nhà tư vấn giỏi cho một triều đình. Hầu hết các vị vua trong thế giới cổ đại đều có các chiêm tinh gia, thầy bói, người giải mộng và các pháp sư.
Từ khảo cổ học, chúng ta biết rằng tôn giáo của người Nabatea là tôn giáo liên quan đến các vì sao. Các ngôi đền của họ thẳng hàng với các vì sao và chuyển động của mặt trời và một cung hoàng đạo chạm khắc bằng đá đã được phát hiện tại ngôi đền Nabatea tại Khirbet et Tannur. Các Đạo Sĩ người Nabatea là những người ngắm sao.
Tôn giáo của người Nabatea là sự pha trộn giữa Do Thái giáo, tôn giáo của các bộ lạc Ả Rập du mục và tôn giáo Babylon bao gồm cả đạo Zoroast. Cả ba hệ thống tôn giáo đều có những tiên đoán về một Đấng Mêsia sắp đến. Các đạo sĩ Nabatea hẳn đã biết những lời tiên tri của Zoroast cũng như những lời tiên tri trong kinh thánh Do Thái.
Nabatea là một quốc gia buôn bán – họ lấy hàng hóa từ các con tàu cập cảng Yemen và vận chuyển chúng bằng các đoàn lạc đà băng qua sa mạc Ả Rập đến cảng Gaza của Địa Trung Hải và phía Tây đến phần còn lại của Đế qốc La Mã. Họ cũng chạy các tuyến đường thương mại từ Nam sang Phi Châu và Bắc vào Syria và Parthia. Thành ra, họ đại diện cho “mọi quốc gia” như đã được tiên tri trong chương 60 sách Tiên tri Isaia.
Những lời tiên tri trong chương 60 sách Tiên tri Isaia và Thánh Vịnh 72 đề cập đến các quốc gia Sheba, Midian đến để tỏ lòng tôn kính đối với Đấng Mêsia. Sheba là Yemen ngày nay. Ephah và Midian là các bộ tộc Ả Rập. Lời tiên tri cũng nói về “các con tàu của Tarshish và các đảo”. Chúng tôi không chắc Tarshish đã ở đâu, nhưng nhiều người nghĩ rằng nó ở Tây Ban Nha trong khi những người khác xác định nó là Sri Lanka và Nam Ấn Độ. Cả cực Tây của Tây Ban Nha, Ấn Độ và Trung Quốc ở phía Đông đều là đối tác thương mại với người Nabatea.
Cũng như ngày nay, trong thế giới cổ đại, những người cai trị sẽ thực hiện các chuyến thăm ngoại giao đến các vương quốc láng giềng vào những dịp đặc biệt như hôn nhân, hiệp ước hòa bình hoặc sự ra đời của người thừa kế ngai vàng. Trong những chuyến thăm này, họ sẽ tặng những món quà sang trọng đại diện cho đất nước của họ. Vàng tốt nhất trong thế giới cổ đại được khai thác ở Tây Ả Rập và vùng Sừng Phi Châu (thành ra trong lời tiên tri mới gọi là “vàng của Sheba”) Nhũ hương và mộc dược được tinh chế từ nhựa các bụi cây chỉ mọc ở bán đảo Ả Rập và Đông Bắc Phi. Vì vậy, ba món quà là đại diện cho quê hương của các đạo sĩ.
Vị vua Phraates Đệ Tứ của Parthia là một kẻ man rợ thô tục và bạo lực, người sẽ không đưa ra hai lời tán dương về một số Đấng Mêsia của người Do Thái. Rất khó có khả năng ông ta đã cử sứ giả đến xứ Giuđêa.
Vua Phraates Đệ Tứ, vào thời điểm Chúa Giáng Sinh, đã lập một hiệp ước với Rôma là không đến phía Tây sông Euphrates. Điều này đã ngăn cản một chuyến đi ngoại giao tới Giuđêa.
Vua Nabatea Aretas Đệ Tứ (cái “kho bạc” tại Petra minh họa bài này là lăng mộ của ông) cần truy cập qua miền Nam Giuđêa đến Cảng Gaza do vua Hêrôđê kiểm soát. Aretas có mọi động cơ để nịnh hót Hêrôđê, vì vậy khi các đạo sĩ của ông khuyên ông rằng họ đã nhìn ra sao để biết rằng có một vị vua mới sinh của người Do Thái, ông cho rằng Hêrôđê có một hoàng tử mới nên ông đã cử phái đoàn ngoại giao đến thăm Hêrôđê và tặng quà. Mẹ của Hêrôđê là công chúa người Nabatea và ông đã trải qua thời thơ ấu ở Petra nên đã có những mối liên hệ giữa Giuđêa của Hêrôđê và các vương quốc Nabatrea của Aretas Đệ Tứ.
Vì vậy, việc các đạo sĩ là người Nabatea không chỉ hoàn toàn phù hợp với lịch sử, chính trị và địa lý thời bấy giờ, nó còn hoàn toàn phù hợp với lời tường thuật nòng cốt trong phúc âm của Thánh Matthêu. Hơn nữa, lý thuyết Nabatea của các đạo sĩ cũng có nghĩa là những lời tiên tri trong Cựu Ước đã được ứng nghiệm gần như đúng từng chữ một.
Source:dwightlongenecker.com
Đức Hồng Y Jose Advincula của Manila kêu gọi các tín hữu sử dụng công nghệ để thể hiện lòng sùng kính với tượng Chúa Chịu Nạn Black Nazarene được trưng bày tại nhà thờ Quiapo.
Các nhà chức trách Phi Luật Tân trước đó đã thông báo hủy bỏ lễ cuộc rước tôn giáo hàng năm tượng Chúa Chịu Nạn Black Nazarene thường thu hút hàng triệu người Công Giáo mỗi năm.
Lực lượng đặc nhiệm quốc gia chống COVID-19 của chính phủ thông báo rằng họ đã yêu cầu đình chỉ tất cả các hoạt động liên quan đến “Lễ hội Black Nazarene” truyền thống tại thủ đô Manila.
Phi Luật Tân gồm hàng ngàn các đảo lớn nhỏ. Tình hình lây nhiễm coronavirus không giống nhau nên nhiều địa phương vẫn có thể cử hành “Lễ hội Black Nazarene” truyền thống.
Đức Hồng Y Advincula cho biết ngài cũng “lo lắng” bởi số ca nhiễm COVID-19 gia tăng trong nước, đặc biệt là ở khu vực thủ đô quốc gia, trong những ngày qua.
Hôm thứ Năm, ngày 6 tháng Giêng, Bộ Y tế Phi Luật Tân, gọi tắt là DOH, báo cáo có 17,220 trường hợp nhiễm COVID-19 mới, cao nhất kể từ ngày 27 tháng 9, khi có 18,449 trường hợp được báo cáo.
Các trường hợp hôm thứ Năm nâng tổng số ca nhiễm coronavirus trong cả nước lên 2,888,917 trường hợp. Trong tổng số các trường hợp, 2% tức là 56,561 người vẫn đang được điều trị. Đây cũng là mức cao nhất kể từ ngày 25 tháng 10, khi 57,763 được ghi nhận đang phải tích cực điều trị.
DOH cũng ghi nhận 81 trường hợp tử vong. Tổng số người chết do COVID-19 ở nước này hiện đã lên đến 51,743 người. Trong khi đó, số người phục hồi là 2,780,613.
Trong một tuyên bố, Đức Hồng Y Advincula cho biết ngài hiểu mong muốn của các tín hữu đến thăm nhà thờ Quiapo vào “Lễ hội Black Nazarene” truyền thống.
“Chúng tôi cầu xin sự tha thứ và xin hiểu rằng vì đại dịch, chúng tôi không thể thực hiện các hoạt động truyền thống trong ngày lễ này,” vị Hồng Y Tổng Giám Mục nói.
Ngài kêu gọi mọi người tham gia “Lễ hội Black Nazarene” truyền thống đặc biệt là Thánh lễ trên mạng.
“Mặc dù rất buồn nếu chúng ta không thể đến thăm Quiapo trong dịp lễ… chúng ta hãy sử dụng công nghệ mới và để Señor Nazareno đến thăm nhà và gia đình của chúng ta,” Đức Hồng Y nói.
Các nhà chức trách trước đó đã thông báo rằng họ sẽ không cho phép tổ chức các Thánh lễ công cộng tại Nhà thờ Quiapo và các hoạt động khác xung quanh “Lễ hội Black Nazarene” truyền thống trong bối cảnh gia tăng các ca nhiễm coronavirus trong nước.
Lực lượng đặc nhiệm COVID-19 của chính phủ đã ra lệnh đóng cửa tiểu vương cung thánh đường Quiapo từ ngày 7 tháng Giêng cho đến ngày 9 tháng Giêng, ngày lễ của Nazarene.
Lực lượng đặc nhiệm quốc gia cũng không khuyến khích các tín hữu tụ tập trong khuôn viên của nhà thờ vào những ngày đã nói và thay vào đó tham dự các thánh lễ được truyền hình trực tiếp.
Họ ra lệnh cho cảnh sát triển khai lực lượng và thiết lập các trạm kiểm soát để ngăn chặn mọi người đến vương cung thánh đường.
Chính phủ trước đó đã nâng khu vực thủ đô Manila lên Cấp độ Cảnh báo 3 nghiêm ngặt hơn từ ngày 3 tháng Giêng đến ngày 15 tháng Giêng để cố gắng ngăn chặn “xu hướng tăng” của các trường hợp COVID-19.
Source:Licas
Đức Giám Mục Giacomo Cirulli của giáo phận miền nam nước Ý Teano-Calvi và Alife-Caiazzo đã ra một lá thư chung đề ngày 8 tháng 1 năm 2022 nhằm hạn chế sự lây lan covid 19.
Lá thư viết” “Tôi cấm các linh mục, phó tế, tu sĩ và giáo dân, nếu chưa tiêm chủng ngừa Covid 19 thì không được trao mình thánh Chúa cho giáo dân”
Đức cha viết tiếp" “Về vắc xin, tôi nhắc lại những gì Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói:‘ Tiêm chủng… là một hành động của tình yêu. Và việc giúp đảm bảo phần lớn mọi người được tiêm chủng là một hành động yêu thương. Yêu bản thân, yêu gia đình và bạn bè, yêu tất cả các dân tộc,".
Trong thư, Đức Cha Cirulli cũng ra lệnh đình chỉ tất cả các hoạt động mục vụ, giáo lý, và các chương trình đào tạo trong giáo phận của mình.
ĐGM Cirulli tốt nghiệp trường y ở Naples trước khi trở thành linh mục. Ngài 69 tuổi cũng là vị Giám Mục đã phải nhập bệnh viện chữa trị COVID-19 vào tháng 11 năm 2020 và đã bình phục.
ĐGM yêu cầu những người Công Giáo trong giáo phận tuân thủ các hạn chế COVID-19 do chính phủ Ý ban hành.
Các hạn chế mới của chính phủ Ý có hiệu lực trong tuần này là cấm công dân chưa được tiêm chủng vào nhà hàng, phương tiện giao thông công cộng, phòng tập thể dục, nhà hát và các sự kiện thể thao.
Trong cuộc họp báo tối ngày 10/1 Thủ tướng Mario Draghi cho biết :“Hầu hết các vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt hiện nay là do có những người không được tiêm chủng”,.
Tháng 10 năm ngoái, chính phủ Draghi bắt buộc tất cả nhân viên ở Ý phải xuất trình bằng chứng đã tiêm chủng hoặc xét nghiệm âm tính trước khi vào làm việc mỗi tuần.
Tuần trước, chính phủ Ý cũng đã thông báo rằng họ sẽ áp dụng việc tiêm chủng bắt buộc đối với mọi người trên 50 tuổi, bắt đầu từ ngày 15 tháng 2.
Theo cơ quan y tế, hơn 86% người trên 12 tuổi ở Ý đã được tiêm chủng đầy đủ.
Với biến thể Omicron, ở Ý có hơn 100.000 trường hợp nhiễm COVID-19 được ghi nhận mỗi ngày trong 5 ngày qua
Nguyễn Long Thao
Với tỷ lệ nhập viện ở trẻ em dưới 5 tuổi cao nhất trong suốt thời gian xảy ra đại dịch, Tiến sĩ Rochelle Walensky, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, gọi tắt là CDC, kêu gọi các bậc cha mẹ vây quanh con mình với những người được tiêm vắc-xin Covid-19.
“Tôi sẽ nói rằng cách tốt nhất để giữ cho những đứa trẻ đó được bảo vệ là tiêm chủng cho chúng khi chúng đủ điều kiện và bao quanh chúng bởi anh chị em và cha mẹ đã tiêm vắc xin”, cô nói trong một cuộc họp báo hôm thứ Sáu.
Theo dữ liệu từ hệ thống giám sát COVID-NET của CDC, trong tổng số 1,000 trẻ em, trung bình có 4.3 trẻ em dưới 5 tuổi phải nhập viện vì Covid-19 vào tuần kết thúc vào ngày 1 tháng Giêng. Trong tuần trước đó, con số này là 2.6.
Đây là mức tăng 48% so với tuần kết thúc vào ngày 4 tháng 12 và là mức tăng tỷ lệ nhập viện lớn nhất ở nhóm tuổi này trong suốt quá trình từ đầu đại dịch đến nay.
Theo dữ liệu từ CDC và Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ, số ca nhập viện mới của trẻ em dưới 18 tuổi vì Covid-19 đã ở mức kỷ lục, trung bình 797 ca mỗi ngày.
Đây là mức cao nhất từ trước đến nay và tăng 80% so với tuần trước.
Walensky nói: “Đối với những đứa trẻ nhỏ nhất của chúng ta, những trẻ chưa đủ điều kiện tiêm chủng, điều tối quan trọng là chúng ta phải bao quanh chúng với những người đã được tiêm chủng để bảo vệ chúng”.
Nói cho dễ hiểu, theo quan điểm của CDC: Trước tình trạng lây lan kinh hoàng do biến thể Omicron, nếu con cháu quý vị và anh chị em đã đủ tuổi tiêm chủng, hãy tiêm chủng cho chúng. Và trong mọi trường hợp để đừng những ai chưa được tiêm chủng đến gần các cháu bé.
Source:CNN
Tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, số ra ngày 5 tháng Giêng có câu chuyện “Colorado man finds faith in ashes of home lost to wildfire”, nghĩa là “Người đàn ông Colorado tìm thấy niềm tin trong đống tro tàn của ngôi nhà bị thiêu rụi vì cháy rừng”.
Một biểu tượng đức tin bất ngờ xuất hiện: một bức tượng Đức Mẹ còn nguyên vẹn trong trận hỏa hoạn khủng khiếp và thực tế không bị tổn thương gì.
Trận cháy rừng xé toạc hạt Boulder vào ngày 29 tháng 12 đã được dập tắt, nhưng nó đã gây ra một thiệt hại to lớn. Vào thời điểm nó bị khống chế, nhờ những nỗ lực không mệt mỏi của các đội cứu hỏa, nó đã thiêu rụi 6,000 mẫu Anh và khoảng 1,000 ngôi nhà. Vụ việc đã đảo lộn cuộc sống của hàng trăm người ở các thị trấn Marshall và Superior, nhưng qua sự u sầu này, một biểu tượng đức tin bất ngờ xuất hiện.
Một bức tượng Đức Mẹ còn nguyên vẹn trong trận hỏa hoạn khủng khiếp và thực tế không bị tổn thương gì. Hình ảnh của bức tượng đã được lan truyền trên mạng xã hội. Đức Maria đang ở tư thế cúi đầu và cánh tay dang ra hướng xuống đất, gần như thể Mẹ đang ra hiệu cho đống đổ nát xung quanh mình. Hình ảnh là sự kết hợp ấn tượng giữa vẻ thanh bình kỳ lạ của một ngôi nhà hoang tàn yên tĩnh và những người lính cứu hỏa vẫn đang làm việc để dập tắt ngọn lửa ở hậu cảnh.
Gia đình Greany
Bức tượng của Đức Maria nằm trên phần đất của Tom và Kat Greany, những người đã mất gần như tất cả những gì họ sở hữu vì trận hỏa hoạn Marshall. Hai vợ chồng đã phải chuyển chỗ ở và buộc phải bắt đầu lại công cuộc tìm kiếm ngôi nhà mơ ước, điều đã được hoàn tất chỉ 9 tháng trước đó, khi họ hoàn thành việc cải tạo.
Tuy nhiên, trải qua tất cả những khó khăn này, Tom từ chối than thở về những gì đã mất. Thay vào đó, anh đang dành thời gian để suy ngẫm về tất cả những gì anh ấy có. Với đức tin nhiệt thành đối với câu chuyện ông Gióp trong Kinh thánh, anh đang nhận ra các phước lành của mình vào thời điểm mà cuộc sống hàng ngày của gia đình anh ấy đã hoàn toàn không còn nữa.
Trong suy tư của mình, Tom đã viết:
“Nhìn thấy điều này khi chúng tôi trở về thật kinh ngạc và bàng hoàng. Nhận thức về mất mát châm chích mạnh mẽ. Nhưng chúng tôi chỉ có thể cảm thấy sự mất mát ấy như một nỗi đau nhỏ nhoi trước sự to lớn phi thường của những ân sủng mà chúng tôi đã được ban tặng trong cuộc sống của mình. Chúng tôi thật là diễm phúc biết bao!”
Di tản đột ngột
Gia đình Greany không bao giờ mong đợi ngọn lửa sẽ lấy đi ngôi nhà của họ. Tom vẽ bức tranh về một khu phố ngoại ô được cắt tỉa cẩn thận, hiếm có cây nào bén lửa. Với một ít vật thể có thể đốt cháy để làm nhiên liệu cho đám cháy rừng, họ không nghĩ rằng đám cháy sẽ đến được cửa trước của họ. Gia đình Greany đã di tán chỉ với các máy tính xách tay và các tài liệu quan trọng của họ, như một biện pháp phòng hờ, và rời khỏi nhà của họ theo hướng dẫn của các viên chức cứu hỏa. Họ thậm chí còn không mang theo túi quần áo hay nhu yếu phẩm nào.
Giả định về sự an toàn khiến đống đổ nát mà họ trở về càng tê tái hơn. Tom mô tả một khung cảnh địa ngục không thể nhận ra với cấu trúc méo mó và các tiện nghi bị cháy:
“Dầm chữ I bằng thép bị xoắn, đứt rời khỏi móng, đã rơi xuống đống tro tàn. Trước hiên nhà, chúng tôi có thể nhìn thấy nền bê tông vỡ vụn, gạch nằm ngổn ngang. Và những cánh cửa trước nhà thiết kế xinh đẹp tự tan chảy thành một quả bóng xoắn. Nhưng Đức Maria vẫn ở lại. Được bao phủ bởi muội đen ở nửa bên phải của bức tượng, bức tượng Mẹ không bị tổn hại gì”.
Như thể được dự định là nguồn an ủi cho gia đình Greany, Đức Maria vẫn như một lính canh, theo dõi hiện trường. Dưới chân Mẹ, khó lòng nhìn thấy dưới đống đổ nát, là hàng chục viên đá hình trái tim, là những vật lưu niệm mà gia đình Greany đã nhặt được trong những chuyến đi bộ đường dài thường xuyên của họ. Tom giải thích rằng những viên đá nhắc nhở họ rằng họ đã dâng hiến cuộc đời mình cho Chúa Giêsu qua Mẹ Maria.
Biểu tượng của hy vọng
Những viên đá nhỏ này là biểu tượng quan trọng đối với gia đình Greany, giúp họ giữ vững niềm tin cho cuộc hôn nhân của mình. Giờ đây, chính bức tượng Đức Mẹ Maria đã trở thành một biểu tượng mới cho hai vợ chồng. Tom giải thích:
“Bức tượng là một biểu tượng. Giữa đống đổ nát âm ỉ vài giờ trước đó còn là một địa ngục, Đức Maria vẫn ở lại. Như Mẹ sẽ ở lại trong cuộc sống của chúng tôi. Mẹ đang cầu bầu cho chúng tôi vượt qua thời kỳ đen tối nhất, cầu nguyện cho chúng tôi với Chúa Giêsu Kitô, con trai của Mẹ, là Chúa và Đấng Cứu Rỗi của chúng ta. Nhìn vào điều này thật đau đớn - nhà của chúng tôi và tất cả đồ đạc trong đó đã bị cháy. Món quà Giáng Sinh mà chúng tôi đã tổ chức cùng các con trai của mình cháy iêu trong khói lửa cùng với mọi thứ khác mà các con tôi và chúng tôi sở hữu. Toàn bộ khu phố đã biến mất trong vòng chưa đầy một ngày”.
Việc mất đi ngôi nhà mơ ước của họ thật là bi thảm, nhưng gia đình Greany cho rằng tất cả những gì họ mất là thuộc về đời tạm này. Lưu ý rằng họ không thể mang ngôi nhà của họ trong cuộc sống mai hậu, gia đình Greany bày tỏ lòng biết ơn của họ rằng không ai bị hại trong đám cháy và họ vẫn ở bên nhau. Trên tất cả, họ biết ơn vì đức tin có cội rễ sâu xa của họ.
Bây giờ, Tom coi thảm kịch này là một lời kêu gọi theo Chúa. Đề cập đến các sách Phúc âm, anh nói:
“Tôi đã xin một điều duy nhất cho Giáng Sinh này. Xin Chúa cho gia đình tôi trở nên thánh thiện. Có thể điều đó bắt đầu bằng việc mất đi tài sản của chúng tôi và hoàn toàn phụ thuộc vào Người. ' Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi. ' (Mt 19:21) “
Cuộc quyên góp đặc biệt
Đức Tổng Giám Mục Samuel J. Aquila đã đưa ra một thông báo dâng lời cầu nguyện và chia buồn với những người bị ảnh hưởng bởi đám cháy Marshall. Đức Tổng Giám Mục đã viết:
“Đối với những người bị ảnh hưởng bởi những đám cháy này, xin biết rằng Thánh Giuse và Đức Maria đã phải chạy trốn với Chúa Giêsu, ngay sau khi Ngài được sinh ra. Thánh Gia ở gần anh chị em và biết những đau khổ và mất mát mà anh chị em đang cảm thấy. Anh chị em đang ở trong lời cầu nguyện của tôi và lời cầu nguyện của các tín hữu của chúng ta trong toàn giáo phận”.
Đức Tổng Giám Mục đang làm việc để giúp đỡ những người bị di dời bằng cách mở cửa hàng thực phẩm và điều phối các tình nguyện viên cùng với Hội Hiệp sĩ Columbus. Ngài đã sắp xếp cho một bộ cuộc lạc quyên đặc biệt sẽ được thực hiện tại các giáo xứ địa phương vào hai ngày cuối tuần 8 và 9 tháng Giêng. Ngoài ra, tổng giáo phận đã cam kết 250,000 đô la cho quỹ Cứu Trợ Công Giáo của Đức Tổng Giám Mục.
Tổng Giáo phận Denver cũng đã mở Quỹ Hỗ trợ Khôi phục Hỏa hoạn Marshall, quỹ này dành cho các hoạt động quyên góp trực tuyến. Quý vị và anh chị em có thể truy cập liên kết để tìm hiểu cách anh chị em có thể giúp những người phải di dời do cháy rừng Colorado.
Source:Aleteia
Cuộc gặp mới giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Thượng Phụ Kirill đã được lên kế hoạch vào năm 2022
Thông tấn xã TASS của Nga tường trình rằng Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa và Toàn Nga cho biết sau lễ Giáng Sinh tại Nhà thờ Chúa Kitô Đấng Cứu Thế rằng ngài coi trọng mối quan hệ với Đức Thánh Cha Phanxicô và hy vọng các bước chung sẽ được thực hiện để đạt được hòa bình ở các khu vực bị xung đột.
“Tôi muốn cảm ơn các vị khách của chúng ta, Đức Tổng Giám Mục Công Giáo Paolo Pezzi, người đang ở Mạc Tư Khoa này. Tôi cảm ơn hiền đệ về thông điệp từ Đức Thánh Cha Phanxicô mà hiền đệ đã chuyển tải đến tôi. Tôi đánh giá rất cao những mối quan hệ tốt đẹp giữa chúng ta và hy vọng, những mối quan hệ này sẽ chuyển thành ngày càng nhiều những hành động chung, bao gồm cả những hành động nhằm đạt được hòa bình ở những nơi không có hòa bình ngày nay”, Đức Thượng phụ nói.
Cuộc gặp đầu tiên giữa người đứng đầu Giáo Hội Chính thống Nga và Đức Giáo Hoàng đã diễn ra tại thủ đô Havana của Cuba vào tháng 2 năm 2016. Hai vị đã ký một tuyên bố chung gồm 30 điểm, đặc biệt nhằm bảo vệ sự hiện diện của Kitô Giáo ở Trung Đông và Phi Châu.
Vào tháng 12 năm 2021, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa, là Đức Tổng Giám Mục Hilarion của Volokolamsk tại Vatican. Sau cuộc hội đàm, Đức Tổng Giám Mục Hilarion cho biết cuộc gặp mới giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Thượng phụ Kirill đã được lên kế hoạch vào năm 2022.
Source:Tass
Trong một bức điện chia buồn về cái chết của ông David Sassoli, Đức Thánh Cha nhắc nhớ đến các đức tính của ông, một nhà báo, một chính trị gia được mọi người ca ngợi là người quảng bá chân thành và nhiệt tâm cho mục tiêu của Liên minh Châu Âu (EU).
(Tin Vatican - Linda Bordoni)
Trong một bức điện gửi cho phu nhân Alessandra Vittorini, vợ của ông David Sassoli, Chủ tịch Nghị viện Liên minh Châu Âu, qua đời vào rạng sáng thứ Ba (11/1/2022) sau một cơn bạo bệnh, Đức Thánh Cha Phanxicô viết ngài nhớ đến ông như một người có đức tin “sống động bởi niềm hy vọng và lòng bác ái.”
Thông điệp do Tổng trưởng Ngoại giao Vatican, Đức Hồng Y Pietro Parolin thay mặt Đức Thánh Cha ký, bày tỏ sự gần gũi thiêng liêng của Đức Thánh Cha vào thời điểm đau buồn này, đồng thời đảm bảo cùng bà và hai người con của ông Sassoli, Ngài sẽ tham dự tang lễ của ông.
Ông Sassoli, 65 tuổi, trở thành Chủ tịch của Nghị viện châu Âu gồm 705 thành viên vào tháng 7 năm 2019. Ông là Chủ tịch người Ý thứ hai kể từ khi quốc hội được bầu theo phương thức phổ thông đầu phiếu. Ông được mọi người kính trọng vì bảo vệ mạnh mẽ các giá trị cốt lõi cho Liên Minh EU, kêu gọi luôn gắn bó với tinh thần của những người sáng lập dựa trên việc bác bỏ những xung đột và chủ nghĩa dân tộc cũng như thúc đẩy hòa bình và bình đẳng.
Đức Thánh Cha Phanxicô, người đã gặp ông nhiều lần trong những dịp khác nhau, nói rằng ông được nhớ đến như một người có một niềm tin sâu sắc, “hoạt động cho hy vọng và lòng bác ái, một nhà báo có năng lực và một người đáng kính của nhiều tổ chức, là người bình thản và tôn trọng, trong vai trò và trách nhiệm quốc tế của mình, ông đã làm hết sức mình vì lợi ích chung với niềm xác tín và lòng quảng đại. ĐTC mô tả ông là một chính trị gia luôn cổ súy sự đoàn kết cho Liên minh Châu Âu với sự sáng suốt và đam mê, đồng thời dành sự quan tâm đặc biệt đến những người thấp cổ bé miệng, nhất là nhân quyền”.
ĐTC kết thúc điện văn bằng những tâm tình cầu xin Chúa Phục Sinh an ủi tang quyến đang thương tiếc về sự ra đi của ông.
Đức Thánh Cha Phanxicô và ông Sassoli
Vào ngày 17 tháng 12 năm ngoái, nhân dịp sinh nhật lần thứ 85 của Đức Thánh Cha Phanxicô, ông David Sassoli đã gửi những Lời chúc tốt đẹp nhất của mình tới Đức Thánh Cha trong một cuộc phỏng vấn với Đài phát thanh Vatican.
Vào dịp đó, ông Chủ tịch Nghị viện Liên Minh Châu Âu (EU) đã mô tả triều đại Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô là một “triều đại bao trùm cả thế giới”. Ông cũng nhắc lại những cam kết làm việc cho một Liên minh châu Âu biết rộng mở để chào đón và bảo vệ người di cư cũng như những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội, như ông đã bàn thảo với Đức Thánh Cha trong buổi tiếp kiến ở Vatican vào tháng Sáu năm ngoái. Ông cũng ủng hộ lời kêu gọi của Đức Thánh Cha, đảm bảo phân phối công bằng thuốc chủng vắc-xin chống Covid, đặc biệt cho các quốc gia nam toàn cầu.
Liên minh Châu Âu (EU) để tang
Thủ tướng Ý, ông Mario Draghi, đã đưa ra một tuyên cáo sau khi loan tin về cái chết của ông Sassoli, trong đó ông mô tả ông Sassoli là "biểu tượng của sự quân bình, nhân văn và hào phóng." Thủ tướng Draghi nói phẩm tính của ông luôn được tất cả các đồng nghiệp trân quí, trong mọi lãnh vực chính trị và ở mọi quốc gia tại châu Âu.
Cờ treo tại Liên minh Châu Âu (EU) rũ thấp xuống để tưởng nhớ tới ông Sassoli.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu bà Ursula van der Leyen, một người bảo thủ đã ủng hộ ông Sassoli trong quốc hội, cho biết bà đã mất đi một người bạn thân thiết.
Bà nói với các phóng viên: "Hôm nay là một ngày đáng buồn đối với châu Âu. Liên minh của chúng ta mất đi một người rường cột nhiệt huyết, một nhà dân chủ chân thành và một người tốt lành. Ông Sassoli luôn ước muốn châu Âu đoàn kết hơn, gần gũi hơn với người dân, trung thành hơn với các giá trị của chúng ta”.
Theo tin ngày 11 tháng 1, 2022 của The Pillar, Đức Hồng Y Blase Cupich bị la ó khi phát biểu hôm thứ Bảy tại cuộc Diễn hành Phò sinh tại Chicago.
Ngài bị la ó đến hai lần. Lần đầu tiên là khi vị Hồng Y - đeo mặt nạ, mặc dù ở ngoài trời và đứng một mình trên bục - nói rằng đeo mặt nạ là hành động phò sinh, và là một phần của việc “cổ vũ sự sống”.
Khi những lời chế nhạo bắt đầu, Đức Hồng Y Cupich nói rằng một số người trong đám đông “không tôn trọng trẻ chưa sinh” và vẫy tay, ngài yêu cầu họ để ngài nói.
Chỉ vài phút sau, những tiếng la ó lại vang lên, khi Đức Hồng Y Cupich nói rằng xử sự với sự sống của bất cứ người nào - người chưa sinh ra, người nhập cư, người sống trong cảnh nghèo khổ, v.v. - “như thể sự sống con người có thể bị vứt bỏ” là gửi đi một thông điệp cho rằng cuộc sống của mỗi con người là vô nghĩa.
Trong số những tiếng la hét từ đám đông, người ta nghe thấy “hãy nói với Joe Biden,” và “hãy nói điều đó với Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ”.
Cuối cùng, Đức Hồng Y Cupich buộc phải ngỏ lời với tiếng la ó ngày càng gia tăng; ngài nói rằng “những người này sẽ không để tôi nói chuyện vì họ không ở đây để tôn trọng thai nhi; họ không ở đây để tôn trọng các bạn".
Vị Hồng Y bị la ó cho đến khi nhận xét của ngài kết thúc, lúc đó những tiếng chỉ trích kéo dài lâu hơn và to hơn tiếng vỗ tay.
Đối với người xem, dường như những gì xảy ra với Đức Hồng Y Cupich tại cuộc Diễn hành Phò sinh là một dấu hiệu cho thấy mọi điều đang ra sao trong Giáo hội.
Tiến sĩ JD Flynn của The Pillar đã trà trộn vào đoàn người phò sinh khá lâu. Trong số những người phò sinh ôg gặp, một số khá đáng kể có quan điểm mặc nhiên thất vọng với các giám mục của họ vì đã không làm đủ - như những người phò sinh thấy - đối với thai nhi. Không có gì lạ khi gặp một cặp vợ chồng lớn tuổi ngoan đạo vốn cầu nguyện trước phòng khám phá thai mỗi tuần, và họ lặng lẽ nói rằng việc giám mục của họ hiếm khi tham gia với họ quả hết sức nản lòng.
Tiến sĩ Flynn thấy rằng khi một giám mục tham dự một sự kiện như Diễn hành Phò sinh, ngài giành được cảm tình. Giáo dân của ngài sẵn lòng cho rằng “vâng, tốt thôi khi ít nhất ngài xuất hiện, hy vọng năm tới ngài sẽ làm nhiều hơn …”
Nhưng năm nay chưa được như thế, và không được như thế với Đức Hồng Y Cupich.
Tuần trước, Tiến sĩ Flynn đã viết về sự rạn nứt của nền văn hóa giáo hội ở Hoa Kỳ. Sự rạn nứt đó đi kèm với sự thất vọng ngày càng tăng của nhiều người Công Giáo ngoan đạo với các giám mục của họ - sự thiếu kiên nhẫn ngày càng tăng đối với các khía cạnh cơ cấu phẩm trật của Giáo hội.
Chắc chắn, sự thất vọng ấy không hẳn là một chủ trương phổ quát - Cuộc thăm dò năm 2021 của The Pillar về các thái độ và thực hành tôn giáo cho thấy hầu hết những người Công Giáo tham dự Thánh lễ nói rằng họ tin tưởng các giám mục của họ. Nhưng rõ ràng là những vụ tai tiếng lạm dụng tình dục năm 2018 đã làm xói mòn niềm tin đó. Và những chế nhạo hét vào Đức Hồng Y Cupich muốn nói rằng sự thất bại của năm ngoái về “tính nhất quán Thánh Thể” - và sự lưỡng lự của nhiều giám mục trong việc lên tiếng một cách tiên tri về sự sống - đã làm tăng thêm sự thất vọng.
Đức Hồng Y Cupich rất dễ bác bỏ những người chỉ trích ngài, coi họ như một vài kẻ bất bình trong đám đông. Dù sao, ngài không bị toàn bộ đám đông la ó. Nhưng điều Tiến sĩ Flynn nhận thấy là dường như không có ai can thiệp vào. Không ai trong đám đông thúc giục những người chỉ trích hãy để Đức Hồng Y phát biểu, không ai lặng lẽ đến gần họ và bảo họ hạ giọng. Và những tiếng la ó tiếp tục sau khi vị Hồng Y rời sân khấu, và sau khi tiếng vỗ tay kết thúc.
Tuy nhiên, Đức Hồng Y Cupich cũng có thể nghĩ rằng những người la ó ngài chỉ là một nhóm bên lề của những người không hài lòng - những người bị ảnh hưởng quá mức bởi ngành công nghiệp tiểu thủ công trực tuyến của những kẻ khiêu khích mượn chủ đề Công Giáo.
Điều đó cũng có thể đúng. Nhưng nếu đúng như vậy, thì các tiếng nói của những người như vậy ngày càng lớn hơn. Và chúng đang tràn ra ngoài các diễn đàn trực tuyến, và đi vào các biến cố công cộng ở đời thực.
Rõ ràng, những người la ó Đức Hồng Y Cupich muốn được lắng nghe, ngay cả khi họ có thể đã làm mọi điều cách khác.
Nhân tiện, những người bên lề và những người không hài lòng là những người mà Giáo hội nói rằng Giáo Hội muốn lắng nghe trong thời gian có Thượng Hội Đồng về tính đồng nghị. Giáo hội nói rằng họ thậm chí có thể có sự khôn ngoan nhưng chưa được đánh giá đúng mức.
Tiến sĩ Flynn vốn lạc quan về triển vọng của Thượng hội đồng về tính đồng nghị ở cấp địa phương; ông từng nói rằng điều này giúp các giám mục có cơ hội hiểu điều gì là quan trọng đối với giáo dân của các ngài và suy nghĩ cẩn thận về cách tốt hơn để mời gọi họ tham gia mục vụ và truyền giáo. Ít nhất một số người Công Giáo địa phương ở Chicago xem ra đã sớm bắt đầu bày tỏ quan điểm của họ.
Điều đó đặt các giám mục như Đức Hồng Y Cupich vào một vị trí đáng lưu ý.
Nếu các giám mục tìm ra cách để lắng nghe những người như vậy, trong một diễn đàn tốt hơn là cuộc Diễn hành Phò sinh, các ngài có thể tìm thấy một số lợi ích hỗ tương cho việc thực hiện điều đó. Chính đoàn ngũ giáo dân có thể có điều gì đó để nói. Và cuộc trò chuyện có thể cổ vũ loại hiệp thông chân thành mà Đức Hồng Y nói rằng ngài đang cố gắng xây dựng trong tổng giáo phận của ngài.
Điều đó nghe có vẻ viển vông, nhưng ý niệm đồng nghị được định đề dựa trên quan niệm cho rằng Chúa Thánh Thần hoàn thành những điều không ngờ được.
Mặt khác, nếu họ không được lắng nghe, những bài ca chống định chế sẽ càng hấp dẫn hơn đối với những người chế nhạo Đức Hồng Y. Và những rạn nứt trong Giáo hội có thể sẽ phát triển rộng lớn hơn.
Nói tóm lại, toàn bộ tình huống là một loại thử nghiệm đối với khái niệm đồng nghị: xem nó có thực sự hoạt động được hay không? Liệu Chúa Thánh Thần có thực sự sử dụng nó để biến đổi các mối liên hệ trong Giáo hội hay không? Hay khi lý thuyết gặp thực hành, nó chỉ là một tập hợp các từ ngữ thông dụng với một kết quả được xác định trước?
Cựu thủ tướng Úc Tony Abbott sinh ngày 4 tháng 11 năm 1957. Ông giữ chức thủ tướng thứ 28 của Úc từ năm 2013 đến năm 2015, và là lãnh đạo Đảng Tự do của Úc.
Ông sinh tại ở London, Anh quốc, có mẹ là người Úc và cha là người Anh, và chuyển đến Sydney năm 2 tuổi. Ông học kinh tế và luật tại Đại học Sydney, và sau đó theo học Đại học Nữ hoàng, Oxford, nghiên cứu về Triết học, Chính trị và Kinh tế. Sau khi tốt nghiệp Oxford, Abbott trở về Úc và nói với gia đình về ý định theo đuổi chức linh mục. Năm 1984 ở tuổi 26, ông vào Chủng viện St Patrick, ở Manly. Ông Abbott đã không hoàn thành chương trình học của mình tại chủng viện, rời nhà trường vào năm 1987 để tham gia vào đời sống chính trị.
Trong một diễn biến đáng chú ý, nhà xuất bản Ignatius do linh mục Dòng Tên Joseph Fessio thành lập và điều hành vừa cho ra mắt cuốn Jesuit at Large của linh mục Dòng Tên Paul Mankowski. Trong cuốn sách, Cha Paul Mankowski cáo buộc linh mục Robert Drinan, tu sĩ Dòng Tên người Mỹ, đã ra tranh cử Hạ Viện Hoa Kỳ và làm Dân biểu từ năm 1971 đến 1981, với hai chủ trương chính là chống chiến tranh Việt Nam và phò phá thai.
Nhân dịp này, ngày 10 tháng Giêng, cựu thủ tướng Úc Tony Abbott đã viết một bài có nhan đề “American Jesuit”, nghĩa là “Dòng Tên tại Hoa Kỳ”. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Bị sốc trước cái chết không đúng lúc của ngài vào tháng 9 năm 2020, bạn bè và những người ngưỡng mộ Cha Mankowski kể từ đó đã tìm cách kỷ niệm người đàn ông họ yêu mến, và tưởng nhớ cuộc đời phục vụ gương mẫu của ngài. Jesuit at Large, một bộ sưu tập các bài tiểu luận và bài phê bình của ngài — một số bài trong số đó được xuất bản lần đầu trên tạp chí First Things — do người bạn của ngài và đôi khi cũng là cộng tác viên, George Weigel, biên tập, là nỗ lực mới nhất của họ, nhưng đó không phải là nỗ lực cuối cùng của họ. Nó kích thích sự ao ước của chúng ta muốn có thêm hiểu biết về tính cách của người đàn ông tiên tri này.
Tôi không thể nghĩ có ai khác lại có thể tự tin tiến ra trước xu hướng thời đại trong những thời điểm đó: thể chất mạnh mẽ, ý chí kiên cường, tinh thần mạnh mẽ, trí tuệ quyết liệt, và cá tính khiêm tốn, nhưng cực kỳ tự tin vào sứ mệnh của Giáo Hội và vào Dòng của chính mình. —Thực tế, ngài tự tin hơn nhiều so với các nhà lãnh đạo của Nhà Dòng. Ngài sẽ vui lòng làm một Tông đồ giữa những kẻ ngoại đạo và là người đầy tớ cho các tín hữu (vì thực sự ngài có nhiều khả năng khác nhau, kể cả với tư cách là tuyên úy ở Jordan). Không ai được trang bị tốt hơn cho một cuộc sống với các nhân đức anh hùng — tuy nhiên ngài thường bị chính những đồng nghiệp của mình từ chối vì ngài không chấp nhận thái độ thoả hiệp khập khiễng của họ với một thế giới mà lẽ ra họ phải hoán cải.
Cha Phaolô là một người viết rất nhiều —các bức thư, tiểu phẩm, và các phản bác châm biếm cũng như các bài tiểu luận và các bài báo. Những điều này thường được xuất bản ẩn danh, bởi vì các cấp trên Dòng Tên của ngài đã cấm ngài viết dưới tên riêng của mình. Mặc dù vậy, bộ sưu tập này, quan trọng và đáng giá, hầu như không làm trầy xước bề mặt sở thích và sự uyên bác của ngài. Về cơ bản, mỗi tác phẩm phản ánh sự phản đối căn bản của ngài đối với chủ trương của Dòng Tên và nói chung là của Giáo Hội Tây phương theo đó các tôi tớ tuyên tín của Thiên Chúa đã bị gạt từ việc cử hành các Thánh lễ và ban phát các phép bí tích khác đầy đức tin sang các hình thái dịch vụ xã hội đúng đắn về mặt chính trị.
Có một nỗi thống thiết đối với những bài luận này. Cho dù đó là “Những cố gắng thuần hóa trong Đời sống Giáo sĩ,” các bề trên tôn giáo có mục đích chính là tránh làm chao đảo con thuyền hoặc cố chấp theo đuổi lập trường hơn là rao giảng Phúc Âm; hay các nữ tu cực đoan và thần học về tình dục của họ trong “Điều tôi thấy ở Học viện Tôn giáo Hoa Kỳ”, chủ đề cơ bản là sự thất vọng của Cha Phaolô trước việc đi sai hướng trong đời sống tôn giáo. Đối với Cha Phaolô, một trong những thủ phạm cao cấp là cố Linh mục Robert Drinan, tu sĩ Dòng Tên người Mỹ, người đã trải qua một thập kỷ tại Quốc hội Hoa Kỳ trong tư cách là một người bạn cánh tả của phe phò phá thai: theo suy nghĩ của Cha Phaolô, làm sao một linh mục được thụ phong lại có thể nghĩ dù chỉ một thoáng qua là được bầu vào chức vụ công quyền xứng đáng hơn là ban phát các phép bí tích, và làm thế nào một tu sĩ Dòng Tên khấn trọn lại có thể kết hợp việc quảng bá đức tin với chủ trương xã hội cánh tả?
40 trang cuối cùng của bộ sưu tập bao gồm “hồ sơ Drinan”, phần lớn là tường thuật của Cha Phaolô về sự qua lại giữa Cha Drinan, và giám tỉnh Dòng Tên của linh mục ấy và vị bề trên tổng quyền Dòng Tên lúc bấy giờ về việc liệu việc ứng cử chính trị của Drinan có được sự chấp thuận của Giáo Hội hay không. Với sự đồng ý của nhân viên lưu trữ Dòng Tên, Cha Phaolô đã nghiên cứu các hồ sơ của Dòng Tên, sau đó ngài đã sẵn sàng công bố. Điều hiển nhiên là đã có sự lừa dối và sự che dấu của hai tu sĩ dòng Tên cao cấp người Mỹ, cộng với sự yếu kém và xuề xòa của bề trên tối cao của họ. Phần thưởng dành cho Cha Phaolô đối với việc tố cáo này là nhiều thập kỷ bị tẩy chay, bị quy chụp là đã vi phạm “tính bảo mật”. Đương nhiên, lệnh trù dâp của Nhà Dòng đã được che đậy trong cáo phó chính thức của Dòng Tên dành cho ngài, trong đó, giữa những điều nhạt nhẽo vô vị, có ghi nhận bất ngờ rằng ngài “có những khác biệt về thần học, triết học và chính trị với nhiều anh em Dòng Tên của ngài và, đôi khi, cả với cấp trên”.
Mặc dù những bài luận này, xứng đáng có lượng độc giả đông nhất có thể, đã có đầy đủ thông tin chi tiết và các hướng dẫn, nhưng cuộc đời của Cha Phaolô thậm chí còn mạnh mẽ hơn những lý lẽ của ngài. Nhiều người nên quen thuộc hơn với những lý lẽ ấy, bởi vì ngài đã nêu gương cho Giáo Hội tốt nhất và dũng cảm nhất. Không thể có chuyện dành thời gian cho ngài mà lại không được nâng cao tinh thần và tiếp thêm sinh lực. Ngài là bằng chứng sống cho thấy có thể trở thành một người đàn ông tốt cũng như một linh mục tốt, ngay cả trong những thời điểm khó căng thẳng nhất này. Khi chúng tôi cùng là sinh viên tại Đại học Oxford, tôi đã tham gia câu lạc bộ quyền anh theo sự thúc giục của ngài, về cơ bản là để dành nhiều thời gian hơn cho anh chàng Kitô hữu vai u thịt bắp tuyệt đỉnh này. Nơi Cha Phaolô, ít nhất ta có một cái nhìn thoáng qua về “Chúa Kitô, anh trai tôi”. Phần lớn nhờ vào nguồn cảm hứng của ngài, sau Oxford, tôi đã trải qua ba năm trong trường dòng trước khi nhận ra rằng đức tin vào các tôi tớ của Chúa không hoàn toàn giống với đức tin vào chính Chúa. Tuy nhiên, đó là một sự khởi đầu.
Phần giới thiệu tiểu sử của Weigel trích dẫn lá thư của Cha Phaolô gửi cho một thanh niên đã hỏi về việc gia nhập Dòng Tên. Bất chấp mọi thứ đã xảy ra, Cha Phaolô nói:
Nếu tôi phải làm lại tất cả... Tôi sẽ vào Dòng Tên vào ngày mai... (bởi vì) có lợi thế khi thuộc về (ngay cả) một dòng băng hoại và phần lớn là phá đổ.... Đầu tiên... là những người đàn ông chính thống mà bạn gặp, họ chính thống vì lý do đúng đắn: bởi vì họ tin rằng đó là sự thật, không phải vì đó là một động thái nghề nghiệp khôn ngoan.... Họ là những người đàn ông xuất sắc; tốt hơn ở bất kỳ mức độ nào so với những gì tôi xứng đáng có được với tư cách là bạn bè... người sẽ không rời bên bạn khi có vẻ như bạn đang đánh một trận thua.... Lời khấn dòng Tên... nói “Và như Ngài đã ban cho con ước muốn được phục vụ Ngài, thì cũng hãy ban cho con ân sủng để hoàn thành điều đó.” Ngài thực hiện.
Cha Paul Mankowski xứng đáng có một tiểu sử đầy đủ. Để làm cho niềm tin trở nên sống động đối với một khán giả phương Tây hoài nghi, khó có thể có một chủ đề nào tốt hơn; và, trong người bạn của cha ấy, khó có một tác giả nào tốt hơn là George Weigel, người viết tiểu sử của Thánh Gioan Phaolô II,. Vì vậy, quay lại với bạn, George — còn nhiều việc phải làm.
Source:First Things
1. Các giám mục Tây Ban Nha cho biết báo cáo cho rằng chỉ các linh mục được tiêm chủng mới có thể dâng lễ là tin giả
Hội đồng giám mục Tây Ban Nha đã nói rằng một bản tin cho rằng các linh mục không được tiêm vắc-xin COVID-19 sẽ bị cấm thi hành thừa tác vụ là một trò lừa bịp.
Báo cáo xuất hiện vào một ngày được người nói tiếng Tây Ban Nha coi như Ngày Cá tháng Tư của người nói tiếng Anh.
Alerta Digital đưa tin ngày 28 tháng 12 rằng Đức Hồng Y Juan José Omella của Barcelona, chủ tịch hội đồng giám mục Tây Ban Nha, cho biết: “Hội đồng giám mục ra sắc lệnh rằng chỉ những linh mục được tiêm chủng theo tất cả các hướng dẫn mới có thể thi hành thừa tác vụ của mình”.
Báo cáo của Alerta Digital cũng nói rằng các linh mục không muốn được “tiêm vắc-xin sẽ có ba mươi ngày để được tiêm chủng” và nếu các ngài không tuân thủ “các ngài sẽ bị cảnh cáo nghiêm khắc và sau đó bị xử phạt bằng hình thức treo cả chén lẫn tiền lương”.
Alerta Digital tuyên bố thêm: “Nếu họ vẫn tiếp tục bất tuân, việc họ bị sa thải khỏi hàng giáo sĩ không bị loại trừ. Như thế, các linh mục không được tiêm chủng sẽ không thể dâng Thánh lễ trước công chúng, hoặc ban phát các bí tích trong bất kỳ trường hợp nào,”
Tuy nhiên, hội đồng giám mục Tây Ban Nha đã trả lời vào ngày 5 tháng Giêng trên Twitter rằng: “Tin tức này là sai sự thật, rất điển hình với ngày 28 tháng 12.”
Ngày lễ các Thánh Anh Hài, vào ngày 28 tháng 12, là một ngày dành cho những trò đùa ở Tây Ban Nha và các nước nói tiếng Tây Ban Nha khác.
Source:Catholic News Agency
2. Đầu bếp của các vị Giáo Hoàng tiết lộ các món ăn của ba vị Giáo Hoàng
Hôm 7 tháng Giêng, tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, có bài “Chef of popes spills the beans” nghĩa là “Đầu bếp của các vị Giáo Hoàng tiết lộ”. Cụm từ “spills the beans” không có nghĩa là “làm đổ đậu”. Nó có nghĩa là tiết lộ một chi tiết có tính cách riêng tư, cá nhân.
Đầu bếp riêng của ba vị giáo hoàng cuối cùng cho chúng ta biết các ngài thích ăn gì!
Sergio Dussin, người đã trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới vì là bếp trưởng của ba vị giáo hoàng, nói: “Thức ăn nói với những người phục vụ và những người chế biến nó, nhưng niềm vui thực sự là được chia sẻ. Là người gốc Treviso, Ý, ông năm nay 65 tuổi và đã có gần 20 năm ở Vatican trong nhà bếp của dinh các giáo hoàng”.
“Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II yêu thích măng tây, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI không thể nói không với một lát bánh Sacher (một loại bánh sô cô la của Vienna), Và Đức Giáo Hoàng Phanxicô ăn bánh mì và pho mát ngon hoặc bánh pizza,” ông nói. “Bữa ăn cảm xúc nhất là bữa trưa dành cho 1,500 người nghèo “.
Câu chuyện của anh và gia đình anh đã được Nicoletta Masetto mô tả trong ấn phẩm Sứ giả Thánh Anthony của Ý.
Ông có thể rảnh một chút không?
Sergio Dussin và vợ Manuela có ba người con, trong đó hai người đều tham gia vào công việc kinh doanh của gia đình. Ông được gọi đến nấu ăn tại Vatican “hàng tháng, thậm chí hai tuần một lần”.
“Khi họ gọi cho tôi, câu hỏi nghi thức là, 'Ông có thể rảnh một chút không?' và câu trả lời theo nghi thức không kém của tôi là 'Vâng ạ.' Đối với một đầu bếp, mọi lúc đều là cảm xúc và là một đặc ân khi được phục vụ một vị giáo hoàng. Đây thường là những bữa trưa riêng tư giống như một bữa ăn trưa của Đức Thánh Cha Phanxicô với các nhân viên của ngài tại Santa Marta”.
Các sản phẩm ông ấy sử dụng tại Vatican
Người đầu bếp thú nhận rằng ông ấy không có “bí quyết” nào cho ẩm thực của mình ngoại trừ thực tế là bất cứ khi nào có thể, ông ấy sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc địa phương và hơn hết là các sản phẩm theo mùa. Chúng đến thẳng Vatican từ những ngọn đồi ở Veneto: radicchio từ Treviso, được sản xuất nhiều nhất trong những tháng mùa đông này; cần tây từ Rubbio; bông cải xanh từ Bassano. Còn khoai tây thì từ Rotzo; hành tím và măng tây trắng từ Bassano; pho mát từ Grappa, Collina Veneta và Asiago; và polenta từ Marano…
Món ravioli của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Dussin tiết lộ một số món ăn tiêu biểu được ba vị giáo hoàng đánh giá cao, mỗi người có khẩu vị và sở thích riêng:
“Đức Thánh Cha Phanxicô là một người thích các món ẩm thực; ngài ăn mì ống ngon và đậu, bánh mì và sopressa hoặc polenta từ Marano và pho mát. Thỉnh thoảng tôi cũng chuẩn bị bánh pizza cho ngài. Ngài không thể đoán trước được, chính ngài cũng như vậy: ngài tuân thủ các nghi lễ cho đến khi nhìn thấy ai đó. Sau đó, ngài dừng lại để ôm họ, hoặc ôm một đứa trẻ trong tay, hoặc đứng dậy và chào hỏi nhân viên của tôi. Tôi đã dành riêng một món ăn cho ngài trong thực đơn của các nhà hàng của tôi: 'Ravioli papa Francesco', một món mì ống tự làm với pho mát Asiago, hạt Asiago và pho mát Collina Veneta bào sợi. “
Măng tây của John Paul II
Về phần hai vị giáo hoàng khác, “Tôi đã gặp Đức Giáo Hoàng Wojtyla khi ngài đã ốm và chịu nhiều đau đớn, ngài ăn ít và nhẹ nhàng. Tuy nhiên, ngài rất thích món măng tây được chế biến theo đủ mọi cách. Tôi rất gắn bó với Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô, một vị Giáo hoàng vĩ đại, một người tốt bụng. Chẳng hạn, ngài không uống rượu vang mà chỉ uống nước trái cây. Ngài không ăn nấm, nhưng thứ ngài chưa bao giờ từ chối là một lát bánh Sacher”.
Source:Aleteia
3. Nhận xét của Đức Giáo Hoàng “Nuôi thú cưng thay vì trẻ em cướp đi nhân tính của chúng ta” có thể gây ra phản ứng
Thông tấn xã Aljazeera cho rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã mạo hiểm với những người nuôi chó, mèo và không có con trên thế giới, khi cho rằng những người thay thế trẻ em bằng các thú cưng thể hiện “một sự ích kỷ nhất định”.
Phát biểu về vai trò làm cha mẹ trong một buổi tiếp kiến chung vào thứ Tư hàng tuần tại Vatican, Đức Phanxicô đã than thở rằng thú cưng “đôi khi chiếm vị trí của trẻ em” trong xã hội.
Đức Giáo Hoàng nói: “Ngày nay chúng ta thấy một dạng ích kỷ. Chúng ta thấy rằng một số người không muốn có con”.
“Đôi khi họ có một con, và chỉ có thế, nhưng họ có những con chó và con mèo thay thế cho trẻ em. Điều này có thể khiến mọi người bật cười nhưng đó là sự thật”.
Theo người đứng đầu 1.3 tỷ người Công Giáo trên thế giới, thực hành này “là sự chối bỏ tình phụ tử và làm giảm sút chúng ta, lấy đi nhân tính của chúng ta”.
Do đó, “nền văn minh già đi mà không có nhân tính bởi vì chúng ta mất đi sự phong phú của tình phụ tử và tình mẫu tử, và chính đất nước phải gánh chịu hậu quả”, Đức Giáo Hoàng nói tại Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục.
Trong quá khứ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã được chụp ảnh đang vuốt ve những chú chó, cho phép một chú cừu non được quàng qua vai trong Lễ Hiển Linh vào năm 2014 và thậm chí còn nựng một con hổ và một con báo con của một đoàn xiếc đến trình diễn tại Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục.
Nhưng trong khi người tiền nhiệm của ngài, Đức Bênêđíctô XVI, là một người rất yêu mèo, thì Đức Thánh Cha Phanxicô không hề nuôi một con thú cưng nào tại dinh thự ở Vatican của ngài.
Vào năm 2014, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với nhật báo Il Messprisro rằng việc nuôi thú cưng thay vì trẻ em là “một hiện tượng suy thoái văn hóa khác” và mối quan hệ tình cảm với thú cưng “dễ dàng hơn” so với mối quan hệ “phức tạp” giữa cha mẹ và con cái.
Hôm thứ Tư, trong khi mời các cặp vợ chồng không thể có con vì lý do sinh học cân nhắc việc nhận con nuôi, ngài khuyến cáo các bậc cha mẹ có khả năng có con “đừng sợ” bắt tay vào việc làm cha mẹ.
Ngài nói: “Có con luôn là một rủi ro, nhưng không có con sẽ còn nhiều rủi ro hơn khi từ chối quan hệ cha con”.
Đề cập đến việc nhận con nuôi, Đức Thánh Cha nói: “Sự lựa chọn này là một trong những hình thức cao nhất của tình yêu thương, tình phụ tử và tình mẫu tử. Có bao nhiêu trẻ em trên thế giới đang chờ đợi một ai đó để chăm sóc chúng!”
Trong quá khứ, Đức Thánh Cha đã tố cáo “mùa đông nhân khẩu học”, hay tỷ lệ sinh giảm ở các nước phát triển.
Đầu năm nay, ngài chỉ trích xã hội hiện đại, trong đó sự nghiệp và kiếm tiền là những con át chủ bài trong việc xây dựng gia đình đối với nhiều người, và gọi tâm lý đó là “sự hoại tử cho xã hội”.
Source:Aljazeera
1. Cuộc diễu hành của Ba Vua được tổ chức tại hơn 600 địa điểm trên khắp Ba Lan
Bất chấp các diễn biến phức tạp của đại dịch coronavirus, cuộc diễn hành Lễ Hiển Linh đã được tổ chức tại hơn 600 địa điểm trên khắp Ba Lan vào hôm thứ Năm.
Các đám rước hàng năm, trong đó các diễn viên đóng vai các đạo sĩ đã đến Bethlehem để triều bài Chúa Giêsu mới sinh, diễn ra vào ngày 6 tháng Giêng, Lễ Hiển Linh.
Các nhà tổ chức tin rằng cuộc diễn hành hàng năm, được gọi bằng tiếng Ba Lan là Orszak Trzech Króli, thường là cuộc diễn hành Chúa Giáng Sinh trên đường phố lớn nhất trên thế giới.
Phương châm của các cuộc diễn hành năm nay là “Hôm nay là một ngày vui.” Lễ rước được tổ chức tại thủ đô Warsaw và 667 thị trấn và thành phố khác của Ba Lan.
Các cuộc diễu hành tương tự đã diễn ra ở Ukraine, Áo, Pháp, Anh, và thậm chí cả các nước ở Phi Châu.
Các cuộc diễu hành đã được báo cáo diễn ra tại nhiều hơn 200 địa điểm so với năm 2021, khi các sự kiện được thu nhỏ lại do COVID-19. Nhưng tổng số 668 địa điểm đã thấp hơn so với trước khi đại dịch bùng phát vào năm 2020, khi các đám rước diễn ra ở 820 địa điểm.
Theo trang web của Three Kings Parades Foundation, cuộc diễu hành Ba Vua trên đường phố đầu tiên được tổ chức ở Ba Lan vào năm 2009. Nó được tạo ra như một phần tiếp theo của vở kịch Chúa Giáng Sinh tại một trong những trường học của Warsaw.
Nghi lễ rước kiệu bắt nguồn từ truyền thống địa phương là đóng kịch và hát mừng Chúa Giáng Sinh, nhưng nó cũng được mô phỏng theo các cuộc diễn hành được tổ chức ở Tây Ban Nha và Mễ Tây Cơ.
Lễ rước Ba Lan bao gồm đi bộ qua các đường phố của thị trấn và làng mạc phía sau Ngôi sao Bethlehem. Ba Vua dẫn những người tham gia đến chuồng gia súc, nơi tất cả đều cúi đầu trước Chúa Giêsu và Thánh Gia.
Trên đường đi, những bài hát mừng Giáng Sinh được hát. Tất cả những người tham gia nhận được một tập sách bài hát mừng Giáng Sinh và vương miện giấy đầy màu sắc.
Nhờ ngày lễ Hiển Linh trở thành một ngày lễ nghỉ quốc gia vào năm 2011, số lượng các cuộc diễn hành đã tăng đều đặn.
Chủ tịch của Three Kings Parades Foundation, Piotr Giertych, đã mô tả các cuộc rước như một hình thức truyền giáo trên đường phố.
Ông nói: “Các nhà thông thái từ phương Đông, nghiên cứu về tự nhiên, vũ trụ, tìm kiếm sự thật, đã tìm ra Chân lý trong Hài Nhi nhỏ bé.
Ông giải thích rằng quỹ thu được tại sự kiện năm nay sẽ hỗ trợ các học sinh nghèo ở Nairobi, Kenya.
Ban tổ chức cuộc rước hy vọng sẽ tài trợ 10 học viên tại các trung tâm đào tạo chuyên nghiệp cho những người trẻ muốn trở thành thợ sửa xe.
Như những năm trước, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chào mừng những người tham gia các cuộc rước ở Ba Lan vào hôm thứ Năm.
Trong bài huấn dụ trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa thứ Năm 6 tháng Giêng tại Vatican, ngài nói: “Tôi khuyến khích các sáng kiến truyền bá phúc âm xuất phát từ truyền thống Hiển linh và do tình hình hiện tại, sử dụng nhiều phương tiện truyền thông khác nhau. Tôi đặc biệt nhắc đến cuộc rước Ba Vua diễn ra ở Ba Lan”.
Source:Catholic News Agency
2. Mười hai lý do tại sao các đạo sĩ lại là người Ả Rập chứ không phải là người Ba Tư
Cha Dwight Longenecker đã xuất bản một cuốn sách có nhan đề “The Mystery of the Magi”, nghĩa là “Bí ẩn của các nhà Đạo Sĩ” nói về những nghiên cứu của ngài liên quan đến ba vị Đạo Sĩ từ phương Đông đã đến triều bái Chúa Hài Đồng.
Gần đây ngài đã tóm tắt lại các điểm chính trong cuốn sách này. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Cuốn sách Bí ẩn của các Đạo Sĩ của tôi đã được xuất bản cách đây vài năm, và trong đó tôi đã đưa ra hai tuyên bố đáng kinh ngạc: Thứ nhất, các đạo sĩ thực sự hiện hữu. Câu chuyện này không phải là một câu chuyện cổ tích được thêu dệt ra bởi Giáo Hội sơ khai. Thứ hai, các đạo sĩ đến từ vương quốc láng giềng Nabatea - quốc gia thương mại có lãnh thổ bao trùm các quốc gia ngày nay là Jordan, Syria, Ả Rập Saudi, Yemen và vùng sừng Phi Châu. Dưới đây là một số gạch đầu dòng trong luận điểm của tôi:
Thánh Matthêu nói đó là “Từ phương Đông”. Trong Cựu Ước, “người phương Đông” gần như luôn luôn là những bộ tộc khác nhau sinh sống trên bán đảo Ả Rập. “Những người từ phương Bắc” là người Babylon – Người Ba Tư – vào thời kỳ Chúa Giáng Sinh được gọi là người Parthia.
Thánh Matthêu đang viết thư cho những người Do Thái ở Giuđêa. “Phương Đông” đối với họ là kiểu nói tắt đề cập đến Ả Rập KHÔNG PHẢI Ba Tư.
Chỉ khi trung tâm của Giáo Hội di chuyển theo hướng Bắc và Tây sau khi Giêrusalem thất thủ vào năm 70 sau Chúa Giáng Sinh thì “Phương Đông” mới được cho là Ba Tư / Babylon / Parthia.
Trong lịch sử, các đạo sĩ là một giai cấp bao gồm các pháp sư, các chiêm tinh gia, học giả và “nhà thông thái” đến từ Babylon, nhưng vào thời điểm Chúa Giáng Sinh, họ đã được lan truyền khắp thế giới cổ đại nên Thánh Matthêu sử dụng “Magi” như một thuật ngữ chung để chỉ những nhà tư vấn giỏi cho một triều đình. Hầu hết các vị vua trong thế giới cổ đại đều có các chiêm tinh gia, thầy bói, người giải mộng và các pháp sư.
Từ khảo cổ học, chúng ta biết rằng tôn giáo của người Nabatea là tôn giáo liên quan đến các vì sao. Các ngôi đền của họ thẳng hàng với các vì sao và chuyển động của mặt trời và một cung hoàng đạo chạm khắc bằng đá đã được phát hiện tại ngôi đền Nabatea tại Khirbet et Tannur. Các Đạo Sĩ người Nabatea là những người ngắm sao.
Tôn giáo của người Nabatea là sự pha trộn giữa Do Thái giáo, tôn giáo của các bộ lạc Ả Rập du mục và tôn giáo Babylon bao gồm cả đạo Zoroast. Cả ba hệ thống tôn giáo đều có những tiên đoán về một Đấng Mêsia sắp đến. Các đạo sĩ Nabatea hẳn đã biết những lời tiên tri của Zoroast cũng như những lời tiên tri trong kinh thánh Do Thái.
Nabatea là một quốc gia buôn bán – họ lấy hàng hóa từ các con tàu cập cảng Yemen và vận chuyển chúng bằng các đoàn lạc đà băng qua sa mạc Ả Rập đến cảng Gaza của Địa Trung Hải và phía Tây đến phần còn lại của Đế qốc La Mã. Họ cũng chạy các tuyến đường thương mại từ Nam sang Phi Châu và Bắc vào Syria và Parthia. Thành ra, họ đại diện cho “mọi quốc gia” như đã được tiên tri trong chương 60 sách Tiên tri Isaia.
Những lời tiên tri trong chương 60 sách Tiên tri Isaia và Thánh Vịnh 72 đề cập đến các quốc gia Sheba, Midian đến để tỏ lòng tôn kính đối với Đấng Mêsia. Sheba là Yemen ngày nay. Ephah và Midian là các bộ tộc Ả Rập. Lời tiên tri cũng nói về “các con tàu của Tarshish và các đảo”. Chúng tôi không chắc Tarshish đã ở đâu, nhưng nhiều người nghĩ rằng nó ở Tây Ban Nha trong khi những người khác xác định nó là Sri Lanka và Nam Ấn Độ. Cả cực Tây của Tây Ban Nha, Ấn Độ và Trung Quốc ở phía Đông đều là đối tác thương mại với người Nabatea.
Cũng như ngày nay, trong thế giới cổ đại, những người cai trị sẽ thực hiện các chuyến thăm ngoại giao đến các vương quốc láng giềng vào những dịp đặc biệt như hôn nhân, hiệp ước hòa bình hoặc sự ra đời của người thừa kế ngai vàng. Trong những chuyến thăm này, họ sẽ tặng những món quà sang trọng đại diện cho đất nước của họ. Vàng tốt nhất trong thế giới cổ đại được khai thác ở Tây Ả Rập và vùng Sừng Phi Châu (thành ra trong lời tiên tri mới gọi là “vàng của Sheba”) Nhũ hương và mộc dược được tinh chế từ nhựa các bụi cây chỉ mọc ở bán đảo Ả Rập và Đông Bắc Phi. Vì vậy, ba món quà là đại diện cho quê hương của các đạo sĩ.
Vị vua Phraates Đệ Tứ của Parthia là một kẻ man rợ thô tục và bạo lực, người sẽ không đưa ra hai lời tán dương về một số Đấng Mêsia của người Do Thái. Rất khó có khả năng ông ta đã cử sứ giả đến xứ Giuđêa.
Vua Phraates Đệ Tứ, vào thời điểm Chúa Giáng Sinh, đã lập một hiệp ước với Rôma là không đến phía Tây sông Euphrates. Điều này đã ngăn cản một chuyến đi ngoại giao tới Giuđêa.
Vua Nabatea Aretas Đệ Tứ (cái “kho bạc” tại Petra minh họa bài này là lăng mộ của ông) cần truy cập qua miền Nam Giuđêa đến Cảng Gaza do vua Hêrôđê kiểm soát. Aretas có mọi động cơ để nịnh hót Hêrôđê, vì vậy khi các đạo sĩ của ông khuyên ông rằng họ đã nhìn ra sao để biết rằng có một vị vua mới sinh của người Do Thái, ông cho rằng Hêrôđê có một hoàng tử mới nên ông đã cử phái đoàn ngoại giao đến thăm Hêrôđê và tặng quà. Mẹ của Hêrôđê là công chúa người Nabatea và ông đã trải qua thời thơ ấu ở Petra nên đã có những mối liên hệ giữa Giuđêa của Hêrôđê và các vương quốc Nabatrea của Aretas Đệ Tứ.
Vì vậy, việc các đạo sĩ là người Nabatea không chỉ hoàn toàn phù hợp với lịch sử, chính trị và địa lý thời bấy giờ, nó còn hoàn toàn phù hợp với lời tường thuật nòng cốt trong phúc âm của Thánh Matthêu. Hơn nữa, lý thuyết Nabatea của các đạo sĩ cũng có nghĩa là những lời tiên tri trong Cựu Ước đã được ứng nghiệm gần như đúng từng chữ một.
Source:dwightlongenecker.com
3. Hồng Y Tổng Giám Mục Manila kêu gọi các tín hữu sử dụng công nghệ để thể hiện lòng sùng kính với tượng Chúa Chịu Nạn Black Nazarene
Đức Hồng Y Jose Advincula của Manila kêu gọi các tín hữu sử dụng công nghệ để thể hiện lòng sùng kính với tượng Chúa Chịu Nạn Black Nazarene được trưng bày tại nhà thờ Quiapo.
Các nhà chức trách Phi Luật Tân trước đó đã thông báo hủy bỏ lễ cuộc rước tôn giáo hàng năm tượng Chúa Chịu Nạn Black Nazarene thường thu hút hàng triệu người Công Giáo mỗi năm.
Lực lượng đặc nhiệm quốc gia chống COVID-19 của chính phủ thông báo rằng họ đã yêu cầu đình chỉ tất cả các hoạt động liên quan đến “Lễ hội Black Nazarene” truyền thống tại thủ đô Manila.
Phi Luật Tân gồm hàng ngàn các đảo lớn nhỏ. Tình hình lây nhiễm coronavirus không giống nhau nên nhiều địa phương vẫn có thể cử hành “Lễ hội Black Nazarene” truyền thống.
Đức Hồng Y Advincula cho biết ngài cũng “lo lắng” bởi số ca nhiễm COVID-19 gia tăng trong nước, đặc biệt là ở khu vực thủ đô quốc gia, trong những ngày qua.
Hôm thứ Năm, ngày 6 tháng Giêng, Bộ Y tế Phi Luật Tân, gọi tắt là DOH, báo cáo có 17,220 trường hợp nhiễm COVID-19 mới, cao nhất kể từ ngày 27 tháng 9, khi có 18,449 trường hợp được báo cáo.
Các trường hợp hôm thứ Năm nâng tổng số ca nhiễm coronavirus trong cả nước lên 2,888,917 trường hợp. Trong tổng số các trường hợp, 2% tức là 56,561 người vẫn đang được điều trị. Đây cũng là mức cao nhất kể từ ngày 25 tháng 10, khi 57,763 được ghi nhận đang phải tích cực điều trị.
DOH cũng ghi nhận 81 trường hợp tử vong. Tổng số người chết do COVID-19 ở nước này hiện đã lên đến 51,743 người. Trong khi đó, số người phục hồi là 2,780,613.
Trong một tuyên bố, Đức Hồng Y Advincula cho biết ngài hiểu mong muốn của các tín hữu đến thăm nhà thờ Quiapo vào “Lễ hội Black Nazarene” truyền thống.
“Chúng tôi cầu xin sự tha thứ và xin hiểu rằng vì đại dịch, chúng tôi không thể thực hiện các hoạt động truyền thống trong ngày lễ này,” vị Hồng Y Tổng Giám Mục nói.
Ngài kêu gọi mọi người tham gia “Lễ hội Black Nazarene” truyền thống đặc biệt là Thánh lễ trên mạng.
“Mặc dù rất buồn nếu chúng ta không thể đến thăm Quiapo trong dịp lễ… chúng ta hãy sử dụng công nghệ mới và để Señor Nazareno đến thăm nhà và gia đình của chúng ta,” Đức Hồng Y nói.
Các nhà chức trách trước đó đã thông báo rằng họ sẽ không cho phép tổ chức các Thánh lễ công cộng tại Nhà thờ Quiapo và các hoạt động khác xung quanh “Lễ hội Black Nazarene” truyền thống trong bối cảnh gia tăng các ca nhiễm coronavirus trong nước.
Lực lượng đặc nhiệm COVID-19 của chính phủ đã ra lệnh đóng cửa tiểu vương cung thánh đường Quiapo từ ngày 7 tháng Giêng cho đến ngày 9 tháng Giêng, ngày lễ của Nazarene.
Lực lượng đặc nhiệm quốc gia cũng không khuyến khích các tín hữu tụ tập trong khuôn viên của nhà thờ vào những ngày đã nói và thay vào đó tham dự các thánh lễ được truyền hình trực tiếp.
Họ ra lệnh cho cảnh sát triển khai lực lượng và thiết lập các trạm kiểm soát để ngăn chặn mọi người đến vương cung thánh đường.
Chính phủ trước đó đã nâng khu vực thủ đô Manila lên Cấp độ Cảnh báo 3 nghiêm ngặt hơn từ ngày 3 tháng Giêng đến ngày 15 tháng Giêng để cố gắng ngăn chặn “xu hướng tăng” của các trường hợp COVID-19.
Source:Licas
1. Giám đốc CDC kêu gọi các bậc cha mẹ vây quanh trẻ nhỏ với những người đã được tiêm chủng
Với tỷ lệ nhập viện ở trẻ em dưới 5 tuổi cao nhất trong suốt thời gian xảy ra đại dịch, Tiến sĩ Rochelle Walensky, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, gọi tắt là CDC, kêu gọi các bậc cha mẹ vây quanh con mình với những người được tiêm vắc-xin Covid-19.
“Tôi sẽ nói rằng cách tốt nhất để giữ cho những đứa trẻ đó được bảo vệ là tiêm chủng cho chúng khi chúng đủ điều kiện và bao quanh chúng bởi anh chị em và cha mẹ đã tiêm vắc xin”, cô nói trong một cuộc họp báo hôm thứ Sáu.
Theo dữ liệu từ hệ thống giám sát COVID-NET của CDC, trong tổng số 1,000 trẻ em, trung bình có 4.3 trẻ em dưới 5 tuổi phải nhập viện vì Covid-19 vào tuần kết thúc vào ngày 1 tháng Giêng. Trong tuần trước đó, con số này là 2.6.
Đây là mức tăng 48% so với tuần kết thúc vào ngày 4 tháng 12 và là mức tăng tỷ lệ nhập viện lớn nhất ở nhóm tuổi này trong suốt quá trình từ đầu đại dịch đến nay.
Theo dữ liệu từ CDC và Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ, số ca nhập viện mới của trẻ em dưới 18 tuổi vì Covid-19 đã ở mức kỷ lục, trung bình 797 ca mỗi ngày.
Đây là mức cao nhất từ trước đến nay và tăng 80% so với tuần trước.
Walensky nói: “Đối với những đứa trẻ nhỏ nhất của chúng ta, những trẻ chưa đủ điều kiện tiêm chủng, điều tối quan trọng là chúng ta phải bao quanh chúng với những người đã được tiêm chủng để bảo vệ chúng”.
Nói cho dễ hiểu, theo quan điểm của CDC: Trước tình trạng lây lan kinh hoàng do biến thể Omicron, nếu con cháu quý vị và anh chị em đã đủ tuổi tiêm chủng, hãy tiêm chủng cho chúng. Và trong mọi trường hợp để đừng những ai chưa được tiêm chủng đến gần các cháu bé.
Source:CNN
2. Người đàn ông Colorado tìm thấy niềm tin trong đống tro tàn của ngôi nhà bị thiêu rụi vì cháy rừng
Tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, số ra ngày 5 tháng Giêng có câu chuyện “Colorado man finds faith in ashes of home lost to wildfire”, nghĩa là “Người đàn ông Colorado tìm thấy niềm tin trong đống tro tàn của ngôi nhà bị thiêu rụi vì cháy rừng”.
Một biểu tượng đức tin bất ngờ xuất hiện: một bức tượng Đức Mẹ còn nguyên vẹn trong trận hỏa hoạn khủng khiếp và thực tế không bị tổn thương gì.
Trận cháy rừng xé toạc hạt Boulder vào ngày 29 tháng 12 đã được dập tắt, nhưng nó đã gây ra một thiệt hại to lớn. Vào thời điểm nó bị khống chế, nhờ những nỗ lực không mệt mỏi của các đội cứu hỏa, nó đã thiêu rụi 6,000 mẫu Anh và khoảng 1,000 ngôi nhà. Vụ việc đã đảo lộn cuộc sống của hàng trăm người ở các thị trấn Marshall và Superior, nhưng qua sự u sầu này, một biểu tượng đức tin bất ngờ xuất hiện.
Một bức tượng Đức Mẹ còn nguyên vẹn trong trận hỏa hoạn khủng khiếp và thực tế không bị tổn thương gì. Hình ảnh của bức tượng đã được lan truyền trên mạng xã hội. Đức Maria đang ở tư thế cúi đầu và cánh tay dang ra hướng xuống đất, gần như thể Mẹ đang ra hiệu cho đống đổ nát xung quanh mình. Hình ảnh là sự kết hợp ấn tượng giữa vẻ thanh bình kỳ lạ của một ngôi nhà hoang tàn yên tĩnh và những người lính cứu hỏa vẫn đang làm việc để dập tắt ngọn lửa ở hậu cảnh.
Gia đình Greany
Bức tượng của Đức Maria nằm trên phần đất của Tom và Kat Greany, những người đã mất gần như tất cả những gì họ sở hữu vì trận hỏa hoạn Marshall. Hai vợ chồng đã phải chuyển chỗ ở và buộc phải bắt đầu lại công cuộc tìm kiếm ngôi nhà mơ ước, điều đã được hoàn tất chỉ 9 tháng trước đó, khi họ hoàn thành việc cải tạo.
Tuy nhiên, trải qua tất cả những khó khăn này, Tom từ chối than thở về những gì đã mất. Thay vào đó, anh đang dành thời gian để suy ngẫm về tất cả những gì anh ấy có. Với đức tin nhiệt thành đối với câu chuyện ông Gióp trong Kinh thánh, anh đang nhận ra các phước lành của mình vào thời điểm mà cuộc sống hàng ngày của gia đình anh ấy đã hoàn toàn không còn nữa.
Trong suy tư của mình, Tom đã viết:
“Nhìn thấy điều này khi chúng tôi trở về thật kinh ngạc và bàng hoàng. Nhận thức về mất mát châm chích mạnh mẽ. Nhưng chúng tôi chỉ có thể cảm thấy sự mất mát ấy như một nỗi đau nhỏ nhoi trước sự to lớn phi thường của những ân sủng mà chúng tôi đã được ban tặng trong cuộc sống của mình. Chúng tôi thật là diễm phúc biết bao!”
Di tản đột ngột
Gia đình Greany không bao giờ mong đợi ngọn lửa sẽ lấy đi ngôi nhà của họ. Tom vẽ bức tranh về một khu phố ngoại ô được cắt tỉa cẩn thận, hiếm có cây nào bén lửa. Với một ít vật thể có thể đốt cháy để làm nhiên liệu cho đám cháy rừng, họ không nghĩ rằng đám cháy sẽ đến được cửa trước của họ. Gia đình Greany đã di tán chỉ với các máy tính xách tay và các tài liệu quan trọng của họ, như một biện pháp phòng hờ, và rời khỏi nhà của họ theo hướng dẫn của các viên chức cứu hỏa. Họ thậm chí còn không mang theo túi quần áo hay nhu yếu phẩm nào.
Giả định về sự an toàn khiến đống đổ nát mà họ trở về càng tê tái hơn. Tom mô tả một khung cảnh địa ngục không thể nhận ra với cấu trúc méo mó và các tiện nghi bị cháy:
“Dầm chữ I bằng thép bị xoắn, đứt rời khỏi móng, đã rơi xuống đống tro tàn. Trước hiên nhà, chúng tôi có thể nhìn thấy nền bê tông vỡ vụn, gạch nằm ngổn ngang. Và những cánh cửa trước nhà thiết kế xinh đẹp tự tan chảy thành một quả bóng xoắn. Nhưng Đức Maria vẫn ở lại. Được bao phủ bởi muội đen ở nửa bên phải của bức tượng, bức tượng Mẹ không bị tổn hại gì”.
Như thể được dự định là nguồn an ủi cho gia đình Greany, Đức Maria vẫn như một lính canh, theo dõi hiện trường. Dưới chân Mẹ, khó lòng nhìn thấy dưới đống đổ nát, là hàng chục viên đá hình trái tim, là những vật lưu niệm mà gia đình Greany đã nhặt được trong những chuyến đi bộ đường dài thường xuyên của họ. Tom giải thích rằng những viên đá nhắc nhở họ rằng họ đã dâng hiến cuộc đời mình cho Chúa Giêsu qua Mẹ Maria.
Biểu tượng của hy vọng
Những viên đá nhỏ này là biểu tượng quan trọng đối với gia đình Greany, giúp họ giữ vững niềm tin cho cuộc hôn nhân của mình. Giờ đây, chính bức tượng Đức Mẹ Maria đã trở thành một biểu tượng mới cho hai vợ chồng. Tom giải thích:
“Bức tượng là một biểu tượng. Giữa đống đổ nát âm ỉ vài giờ trước đó còn là một địa ngục, Đức Maria vẫn ở lại. Như Mẹ sẽ ở lại trong cuộc sống của chúng tôi. Mẹ đang cầu bầu cho chúng tôi vượt qua thời kỳ đen tối nhất, cầu nguyện cho chúng tôi với Chúa Giêsu Kitô, con trai của Mẹ, là Chúa và Đấng Cứu Rỗi của chúng ta. Nhìn vào điều này thật đau đớn - nhà của chúng tôi và tất cả đồ đạc trong đó đã bị cháy. Món quà Giáng Sinh mà chúng tôi đã tổ chức cùng các con trai của mình cháy iêu trong khói lửa cùng với mọi thứ khác mà các con tôi và chúng tôi sở hữu. Toàn bộ khu phố đã biến mất trong vòng chưa đầy một ngày”.
Việc mất đi ngôi nhà mơ ước của họ thật là bi thảm, nhưng gia đình Greany cho rằng tất cả những gì họ mất là thuộc về đời tạm này. Lưu ý rằng họ không thể mang ngôi nhà của họ trong cuộc sống mai hậu, gia đình Greany bày tỏ lòng biết ơn của họ rằng không ai bị hại trong đám cháy và họ vẫn ở bên nhau. Trên tất cả, họ biết ơn vì đức tin có cội rễ sâu xa của họ.
Bây giờ, Tom coi thảm kịch này là một lời kêu gọi theo Chúa. Đề cập đến các sách Phúc âm, anh nói:
“Tôi đã xin một điều duy nhất cho Giáng Sinh này. Xin Chúa cho gia đình tôi trở nên thánh thiện. Có thể điều đó bắt đầu bằng việc mất đi tài sản của chúng tôi và hoàn toàn phụ thuộc vào Người. ' Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi. ' (Mt 19:21) “
Cuộc quyên góp đặc biệt
Đức Tổng Giám Mục Samuel J. Aquila đã đưa ra một thông báo dâng lời cầu nguyện và chia buồn với những người bị ảnh hưởng bởi đám cháy Marshall. Đức Tổng Giám Mục đã viết:
“Đối với những người bị ảnh hưởng bởi những đám cháy này, xin biết rằng Thánh Giuse và Đức Maria đã phải chạy trốn với Chúa Giêsu, ngay sau khi Ngài được sinh ra. Thánh Gia ở gần anh chị em và biết những đau khổ và mất mát mà anh chị em đang cảm thấy. Anh chị em đang ở trong lời cầu nguyện của tôi và lời cầu nguyện của các tín hữu của chúng ta trong toàn giáo phận”.
Đức Tổng Giám Mục đang làm việc để giúp đỡ những người bị di dời bằng cách mở cửa hàng thực phẩm và điều phối các tình nguyện viên cùng với Hội Hiệp sĩ Columbus. Ngài đã sắp xếp cho một bộ cuộc lạc quyên đặc biệt sẽ được thực hiện tại các giáo xứ địa phương vào hai ngày cuối tuần 8 và 9 tháng Giêng. Ngoài ra, tổng giáo phận đã cam kết 250,000 đô la cho quỹ Cứu Trợ Công Giáo của Đức Tổng Giám Mục.
Tổng Giáo phận Denver cũng đã mở Quỹ Hỗ trợ Khôi phục Hỏa hoạn Marshall, quỹ này dành cho các hoạt động quyên góp trực tuyến. Quý vị và anh chị em có thể truy cập liên kết để tìm hiểu cách anh chị em có thể giúp những người phải di dời do cháy rừng Colorado.
Source:Aleteia
3. Đức Thượng Phụ Kirill hy vọng mối quan hệ của ngài với Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ giúp thiết lập hòa bình
Cuộc gặp mới giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Thượng Phụ Kirill đã được lên kế hoạch vào năm 2022
Thông tấn xã TASS của Nga tường trình rằng Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa và Toàn Nga cho biết sau lễ Giáng Sinh tại Nhà thờ Chúa Kitô Đấng Cứu Thế rằng ngài coi trọng mối quan hệ với Đức Thánh Cha Phanxicô và hy vọng các bước chung sẽ được thực hiện để đạt được hòa bình ở các khu vực bị xung đột.
“Tôi muốn cảm ơn các vị khách của chúng ta, Đức Tổng Giám Mục Công Giáo Paolo Pezzi, người đang ở Mạc Tư Khoa này. Tôi cảm ơn hiền đệ về thông điệp từ Đức Thánh Cha Phanxicô mà hiền đệ đã chuyển tải đến tôi. Tôi đánh giá rất cao những mối quan hệ tốt đẹp giữa chúng ta và hy vọng, những mối quan hệ này sẽ chuyển thành ngày càng nhiều những hành động chung, bao gồm cả những hành động nhằm đạt được hòa bình ở những nơi không có hòa bình ngày nay”, Đức Thượng phụ nói.
Cuộc gặp đầu tiên giữa người đứng đầu Giáo Hội Chính thống Nga và Đức Giáo Hoàng đã diễn ra tại thủ đô Havana của Cuba vào tháng 2 năm 2016. Hai vị đã ký một tuyên bố chung gồm 30 điểm, đặc biệt nhằm bảo vệ sự hiện diện của Kitô Giáo ở Trung Đông và Phi Châu.
Vào tháng 12 năm 2021, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa, là Đức Tổng Giám Mục Hilarion của Volokolamsk tại Vatican. Sau cuộc hội đàm, Đức Tổng Giám Mục Hilarion cho biết cuộc gặp mới giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Thượng phụ Kirill đã được lên kế hoạch vào năm 2022.
Source:Tass