Ngày 11-01-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Bức Tường Thì Thầm
Lm Vũđình Tường
07:06 11/01/2008
Nam Úc châu có bức tường truyền âm thanh. Đây là bức tường hình cong khá dài, xây bằng ximăng giữ nước cung cấp cho thành phố Adelaide. Dân chúng địa phương gọi là ‘bức tường thì thầm’ do sự kiện người đứng đầu này nói người đứng đầu kia nghe rõ như nghe trong điện thoại.

Bức tường cao đến gần trăm mét tính từ lòng suối. Điều đáng nói là bức tường truyền âm khá chính xác, rõ ràng. Âm thanh không bị ảnh hưởng bởi sức gió thổi bên ngoài. Tiếng nước vỗ phía bên kia bờ tường không làm loãng âm thanh. Lạ hơn nữa là ngoài trời mưa to thế mà âm thanh truyền đi vẫn chính xác.

DI ĐỘNG

Bức tường thì thầm nổi tiếng vì không cần giây mà vẫn truyền âm chính xác nhưng từ ngày có điện thoại cầm tay thì nó trở nên bình thường. Người ta biết nhiều đến điện thoại di động. Nhiều bạn trẻ chưa bao giờ dùng điện thoại nối giây, sanh đúng thời đại khoa học kĩ thuật nhảy vọt dùng điện thoại di động hay còn gọi là điện thoại cầm tay, không giây nhợ vừa đi vừa nói chuyện nên tặng cho nó cái tên điện thoại đi động.

Chưa kịp bắt nhịp với điện thoại di động thì mạng lưới di động khai sinh tạo nên làn sóng mới. Hết phát minh này đến phát minh khác người ta có bản đồ chỉ đường di động, tivi di động, các trò chơi điện tử di động. Trong tương lai còn nhiều thứ di động ra đời.

VÔ HÌNH

Máy điện tử liên lạc với nhau bằng một bức tường vô hình mắt thường không thể nhìn thấy. Những làn sóng vô hình này chui qua các cửa đóng kín, vượt qua các rào cản đến nơi máy nhận sóng.

Không ai chối cãi bức tường điện tử hiện hữu dù vô hình vì nó quá rõ ràng trong cuộc sống. Chúng vô hình, vô dạng, vô hương, vô sắc, nhẹ đến độ vô trọng lượng đối với mắt thường nhưng lại hữu hình, hữu dạng dưới ống kính điện tử, với mắt khoa học gia. Ngoài ra còn có bức tường lửa thanh lọc tin tức theo ý muốn và trên không gian có bức tường âm thanh. Thế giới vô hình có nhiều bức tường bí mật chưa ai nghĩ đến nói chi đến thắc mắc để bàn thảo.

CON MẮT

Tìm biết sự việc chúng ta cần đến con mắt. Tùy vào sự việc mà chúng ta cần đến loại mắt nào. Để thưởng thức sắc đẹp của cánh hoa, núi cao, biển rộng, sông dài cần đến mắt thường. Thi vị hoá những cảnh đó tạo nên những áng văn, vần thơ cần đến mắt thơ phú. Nhìn cùng cảnh vật có mắt cảm nhận, nhìn thấy; có mắt không nhận ra. Đây là mấu chốt gây bất đồng về nguồn gốc vũ trụ và màu nhiệm màu nước trời. Kẻ nhìn với mắt khoa học bất đồng với kẻ nhìn dưới mắt tâm linh. Kẻ giải thích vũ trụ dựa trên khoa học thuần tuý tự giới hạn tầm nhìn của họ trong khi kẻ tin Chúa nhận biết khoa học là một phần trong chương trình sáng tạo của Chúa.

TẦM NHÌN CỦA MẮT

Khoa học nào cũng có giới hạn của nó. Ra ngoài giới hạn thì khoa đó không đưa ra câu trả lời chính xác. Khi nói về tình cảm con người khoa học phải nhờ đến khoa tâm lí. Cần giải thích về hiện tượng xã hội người ta dựa vào khoa xã hội học. Tìm biết những văn hoá cổ truyền người ta dựa vào khoa khảo cổ và nói về mầu da, ngôn ngữ, phong tục người ta lại bám lấy giải thích của khoa nhân chủng học. Khi bàn về thần học khoa học không nhờ đến khoa thần học. Phải chăng đây là mâu thuẫn căn bản của các bộ óc đặt niềm tin vào khoa học thuần tuý.

BỨC TƯỜNG THÁNH

Phúc Âm ghi ngay sau khi chịu phép rửa Chúa Giêsu lên bờ sông lúc ấy trời mở ra. Thần Khí đáp xuống như hình chim bồ câu và có tiếng từ trời phán. ‘Đây là Con Ta hằng yêu dấu’.

Lời nói phát ra từ tầng mây cao thẳm, người nghe đứng bờ sông thế mà vẫn nghe rõ lời Ngài phán. Làm thế nào Chúa biết ngày giờ, nơi chốn Con Chúa chịu phép rửa để phát ra tiếng nói.

Giải thích sự việc này phải nhờ đến khoa thần học. Khoa này tin là có sự liên kết mật thiết giữa Thiên Chúa và loài người. Mọi thông tin liên lạc qua bức tường thần linh. Bức tường này ghi lại cuộc sống con người từng hơi thở, nhịp đập của con tin. Lời nói, việc làm, cảm xúc và ngay cả ý tưởng thầm kín bức tường thần linh đều ghi nhận. Bức tường thần linh nối kết đất trời. Mọi việc dưới đất liên quan đến trời và việc trên trời đều qua Chúa Giêsu, Đấng từ trời xuống thế. Thần linh biến hoá khôn lường khi hình chim bồ câu, hình lưỡi lửa hay gió thoảng và chỉ mắt đức tin nhận ra.

Chối bỏ sự hiện hữu của bức tường thần linh không giải quyết được vấn đề. Tốt hơn là chuyên tâm nghiên cứu, tìm tòi khám phá bức tường thần linh vì bức tường đó ghi nhận từng hơi thở, nhịp đập của con tim mỗi người. Khoa học không thể phủ nhận con mắt thơ phú, phủ nhận thần giao cách cảm của giác quan thứ sáu thì khoa học cũng không thể phủ nhận sự hiện hữu tồn tại của con mắt đức tin. Phủ nhận, chối bỏ chính là chấp nhận giới hạn, tự bó tay. Những gì khoa học bị giới hạn không có nghĩa là chúng không tồn tại trên đời. Tìm được kết quả sự kiện xảy ra hàng tỉ năm trước đây sao lại đầu hàng về biến cố sống lại của Chúa Giêsu xảy ra cách đây chưa đầy hai ngàn năm. Bức tường thần linh ghi rõ từng biến cố một tìm được bức tường thần linh là có câu trả lời chính xác. Thành quả kiếm tìm giúp bộ óc khoa học nhiều hơn các tín hữu Kitô vì Kitô hữu đã nhận biết bức tường thần linh qua con mắt đức tin.

TÌM BÀI CŨ:

Suy Niệm: http://www.stmarksinala.net.au/suyniem.html

Truyện ngắn: http://www.stmarksinala.net.au/truyen.html
 
Nhạc bản:Vươn tới xuân trời
Khổng Vĩnh Thành
10:17 11/01/2008
 
Những bài giảng tĩnh tâm Linh Mục giáo phận Phan Thiết
+GM. Giuse Vũ Văn Thiên
11:24 11/01/2008
TĨNH TÂM LINH MỤC GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

BÀI MỘT: ĐỨC GIÊSU, NHÀ GIẢNG THUYẾT

Linh mục với sứ mạng loan báo Lời Chúa

Thiền Sư Thích Nhất Hạnh, trong cuốn “Sen nở trời phương ngoại” nxb Lá Bối năm 2001 tại San Jose, khi nói về con người của Đức Phật, đã diễn giải như sau: “do sự thương tiếc quý trọng, yêu mến mà người ta đã đem những phép tắc thần thông phủ trùm lên con người của Bụt, và từ một con người. Bụt biến thành một siêu nhân, một Superman. Khi vòng hào quang phủ nhiều quá lên người, thì Bụt mất đi cái tính cách người của Bụt, cho nên giữa Bụt và chúng ta có một sự xa cách…” sau khi đã phân tích chi tiết những gì người ta thêm thắt vào cuộc đời của Đức Phật, Tác giả viết: “Trong Kitô giáo ta cũng thấy những hiện tượng tương tự. Khi Đức Kitô còn sống, có lẽ người ta đã không quý trọng Ngài bằng lúc Ngài đã qua đời. Lúc đó mười mấy đệ tử của Ngài và những người đã được gần gũi Chúa mới giật mình. Bấy giờ họ mới nhận thức được rằng những giây phút mình được gần Chúa, được ngồi ăn cơm với Chúa là những giây phút rất quý báu…. Cũng trong tâm trạng thương tiếc và kính phục đó, những đệ tử đầu tiên của Chúa đã khoác lên người của Chúa những vòng hào quang rất lớn…” (tr. 27 -29).

Những nhận định của một thiền sư Phật giáo là gợi ý cho chúng ta suy gẫm về hình ảnh Đức Giêsu như một nhà giảng thuyết. Quả thực, có những lúc chúng ta quên rằng Đức Giêsu đã thi hành sứ vụ giáo huấn của mình một cách rất bình dân, gần gũi với các thính giả. Những ngôn từ trong tiếng Việt có lẽ phần nào làm cho Chúa xa chúng ta: Chúa Giêsu; Đức Giêsu Phán; Người truyền cho ma quỷ… những ngôn từ được dùng hiện nay cũng đã được thay đổi. Tại Âu Châu, chữ “Sermon” hầu như không được dùng, mà chúng ta chỉ thấy chữ “homélie” hay “prédication”. Chúng ta cùng chiêm ngưỡng chân dung một nhà giảng thuyết mà Tân ước muốn giới thiệu:

-Nhà giảng thuyết bình dân: Đức Giêsu không dùng lối nói văn hoa bóng bẩy, nhưng ưa dùng những lối nói bình dân, gợi hình. Người áp dụng những câu ngạn ngữ của người đương thời: Thày lang ơi hãy chữa mình đi; con lạc đà chui qua lỗ kim; áo cũ vải mới, rượu cũ bình mới; người mù mà dắt người mù; Ngôn sứ không được trọng vọng tại quê hương. Đức Giêsu luôn gần gũi với mọi người: Người đến nhà bà Martha và Maria; Người ngồi bắt chuyện với người phụ nữ Samaria; Người tranh luận với Ông Ni-cô-đê-mô. Các Tin Mừng cho thấy một nhân vật lỗi lạc nhưng rất bình dân

-Nhà giảng thuyết có uy quyền: nếu Đức Giêsu không ưa lối nói văn hoa bóng bẩy trong giảng thuyết, thì lời giảng của Người lại rất có uy quyền. Mọi người nghe đều cảm phục và như thấy có sức mạnh thần kỳ qua lời nói của Người. Người truyền lệnh cho ma quỷ, cho bệnh tật, cho bão tố. (Lưu ý trong truyền thống Thánh Kinh, bệnh tật hay bão tố được hiểu như Sự Dữ, như một thứ thần minh). Kết quả là bão tố, bệnh tật phải vâng lời Người.

-Lời giảng thuyết đều dẫn đến việc tuyên xưng đức tin của các thính giả. Các Tin Mừng, nhất là nơi Gioan, đều nhấn mạnh đến hiệu quả của những lời Đức Giêsu giảng dạy. TM Gioan ghi lại cho chúng ta thấy một tiến trình: lời giảng – dấu lạ – lời tuyên xưng đức tin. ( trong Ga. có 7 dấu lạ, không kể dấu lạ thứ 8 sau ngày Phục Sinh, thường được coi là phụ thêm sau này)

Ngày thụ phong Linh mục, chúng ta đã được nghe thẩm vấn: “con có muốn tỏ ra xứng đáng và khôn ngoan chu toàn nhiệm vụ Lời Chúa trong việc rao giảng Phúc âm và trình bày đức tin công giáo không?” (Lễ nghi truyền chức Linh mục). Rao giảng Lời Chúa là một trong 3 sứ mạng chính yếu của Linh mục.

Nhìn lại lịch sử Giáo Hội, vào thế kỷ 16, những người theo trào lưu Cải cách Tin Lành muốn phủ nhận tính chất hy tế của Thánh lễ và phủ nhận chức linh mục hữu hình và công khai. Đặc biệt là Luther chỉ coi chức Linh mục là thừa tác vụ rao giảng Lời Chúa (ministère de la Parole). Trong bối cảnh đó, công đồng Trentô đã định nghĩa Linh mục như “người cử hành Thánh Thể và tha tội”. Tuy vậy, Công đồng cũng nhắc các Giám mục. Linh mục quản xứ rằng nhiệm vụ chính yếu của họ là rao giảng Lời Chúa.

Nếu Công đồng Trentô nhấn mạnh đến mối tương quan giữa Linh mục và các Bí tích, thì Vatican II lại suy tư về chức Linh mục trong một không gian rộng lớn hơn, tức là trong mầu nhiệm Giáo Hội và sứ vụ của Giáo Hội trong ba chức năng: rao giảng, thánh hóa và quản trị. Như vậy, cùng một lúc, Linh mục là thừa tác viên Lời Chúa, thừa tác viên các Bí Tích và là người lãnh đạo cộng đoàn. Đức Gioan Phaolô II, trong Tông huấn hậu Thượng HĐGM “Pastores dabo vobis” đã nói đến chức năng đầu tiên của Linh mục là rao giảng Tin Mừng: “Trước hết Linh mục là thừa tác viên Lời Chúa. Linh mục được hiến thánh và sai đi để loan báo Tin Mừng Nước Trời cho mọi người, mời gọi mọi người vâng phục đức tin và hướng dẫn các tín hữu để mỗi ngày họ một hiểu biết và thông hiệp sâu xa hơn vào mầu nhiệm của Thiên Chúa, đã được Đức Kitô mạc khải và truyền đạt cho chúng ta” (số 26).

-Linh mục là thừa tác viên loan báo Lời Chúa chứ không phải loan báo lời của cá nhân mình. Linh mục loan báo Lời Chúa nhân danh Đức Kitô (in persona Christi) và nhân danh Giáo Hội (in persona Ecclesiae). Có nhiều khi chúng ta bị cám dỗ lấy tòa giảng làm nơi bày tỏ ý kiến của mình. Thậm chí đây đó có trường hợp giảng đài là nơi phân phát Lời Chúa đã trở thành vũ khí để cha xứ lăng mạ hay trả thù giáo dân. Cũng có nơi giảng đài là nơi “bới móc” những vụ việc tiêu cực xã hội. Giáo dân đến với Thánh lễ để được nghe Lời Chúa. họ muốn được nuôi dưỡng bằng Lời hằng sống, Lời hy vọng, nhưng nhiều người đã thất vọng. Hãy nghe Tông huấn “Pastores dabo vobis” nhắc nhở: “Linh mục phải là người đầu tiên tin vào Lời Chúa với ý thức tròn đầy rằng những lời lẽ trong thừa tác vụ của mình không phải là “của mình” nhưng là của Đấng đã sai mình. Linh mục không phải làm chủ Lời Chúa; Linh mục là người phục vụ Lời. Không phải Linh mục là người duy nhát chiếm hữu Lời Chúa: Linh mục là người mắc nợ Lời Chúa đối với Dân Thiên Chúa” (số 26)

-Với tư cách là thừa tác viên Lời Chúa, đời sống Linh mục cũng phải phản ánh chính Lời mình rao giảng. Tôi tớ Lời Chúa phải là những người yêu mến và tuân theo Lời Chúa. Lời giảng của Linh mục chỉ có tính thuyết phục và có hiệu quả khi chính Ngài tuân giữ và thực hiện. Đức Giêsu đã lên án gay gắt những kỳ mục và người biệt phái: “những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ; nhưng đừng theo hành động của họ mà làm, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người khác, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay lay thử” (Mt 23,3-4). Trong ngày lãnh nhận chức Phó tế, Đức Giám mục nói khi Ngài trao cuốn Phúc âm cho chúng ta: “Con hãy nhận lấy Phúc âm Chúa Kitô mà con vừa lãnh quyền rao giảng, vậy con hãy chú tâm tin điều con đọc, dạy điều con tin, và thi hành điều con dạy” (Nghi thức phong chức Phó tế). Đức Phaolô VI, trong Tông huấn “Loan báo Tin Mừng” đã viết: “Ngày nay, người ta thường hay lặp đi lặp lại rằng: thế kỷ này khao khát sự trung thực. Nhất là khi nói tới giới trẻ, người ta quả quyết rằng họ ghê tởm những gì là giả tạo, giả mạo và tìm kiếm chân lý và sự trong sáng trên tất cả.

Chúng ta phải tỉnh táo trước những “dấu chỉ thời đại” ấy. Am thầm hay lớn tiếng, thiên hạ luôn luôn vặn hỏi chúng ta: các người có thực sự tin điều các người loan báo không? Các người có sống điều các người tin tưởng không? Hơn bao giờ hết. Làm chứng bằng đời sống đã trở thành một điều kiện thiết yếu để việc rao giảng có hiệu quả thâm sâu. Bằng ngả này, chúng ta lại chịu trách nhiệm, đến một mức độ nào đó, về bước tiến của Tin Mừng mà chúng ta công bố”. (số 76). Là người gieo giống, chúng ta cũng phải là một mảnh đất màu mỡ để đón nhận Lời nơi chính tâm hồn mình.

Đức Thánh Cha Bê-nê-đi-tô đã viết trong cuốn ‘Đức Giêsu thành Na-na-rét’: “Các Thánh là những người giải thích đích thực Thánh Kinh – Les saints sont les interprètes authentiques de l’Ecriture Sainte” (Bản Việt ngữ, Tr. 95).

Sứ điệp của Đại Hội Truyền giáo tại Á châu lần thứ I tại Thái lan (10-2006) đề nghị một phương pháp truyền giáo có hiệu quả thiết thực hơn: “Chúng tôi tìm cách rao giảng Tin Mừng theo phương thức của Á Châu, một phương thức khơi dậy tâm trí bằng những cầu chuyện kể, các dụ ngôn các biểu tượng, một phương thức tiêu biểu của lối sư phạm Á Châu, như ĐTC Gioan Phaolô II đã nhắn nhủ. Đó chính là phương thức chia sẻ đức tin của chúng tôi cho những người khác, một đường lối đối thoại đích thực”.

Thực ra, đó chính là phương pháp mà Đức Giêsu đã áp dụng cách đây 20 thế kỷ. Phương pháp này đã làm cho vị Ngôn sứ thành Na-gia-rét trở nên gần gũi với mọi người để cảm thông với họ trong hành trình cuộc đời.

BÀI HAI: ĐỨC GIÊSU: ĐẤNG TỰ KHIÊM TỰ HẠ

Linh mục với lời mời gọi từ bỏ

Lời Chúa: Phl 2,6-12

Thư gửi giáo đoàn Philiphê kêu mời độc giả Kitô hữu hãy sống hợp nhất yêu thương, tránh mọi cãi vã ghen tỵ, sống vì người khác chứ không vì mình. Để nêu một mẫu gương tuyệt vời cho những lời khuyên này, tác giả đã nêu chính Đức Giêsu Kitô như mẫu mực hoàn hảo của tất cả mọi Kitô hữu: Người là thân phận Thiên Chúa mà lại không đòi cho được quyền hành của thân phận ấy. Trái lại, Người đã hạ mình, sống thân phận con người… để Thiên Chúa Cha đuợc tôn vinh.

Những điều trình bày về một Đức Kitô khước từ vinh quang Thiên Chúa để nhận lấy thân phận tôi đòi làm chúng ta dễ dàng liên tưởng tới một nhân vật ở khởi đầu lịch sử, đó là Adam.

+Adam là tạo vật mà lại muốn được như Thiên Chúa

-Đức Giêsu là Thiên Chúa lại muốn sống như tạo vật

+Adam muốn nâng mình lên

-Đức Giêsu muốn hạ mình xuống

+Adam trong tay chẳng có gì (quyền hành, danh dự, vật chất) nhưng muốn có mọi sự, biết mọi sự, thấy mọi sự.

-Đức Giêsu có mọi sự, nhưng đã tự huỷ ra không.

+ Sự kiêu ngạo của Adam là nguyên nhân của sự chết

- sự khiêm hạ của Đức Giêsu là nguyên nhân của sự sống.

Thư Rôma 5,15 đã liên hệ điều đó: “Thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người”.

Chúng ta đọc thấy trong Tin Mừng, suốt cuộc đời dương thế, Đức Kitô luôn sống vì Chúa Cha, để Chúa Cha được tôn vinh. Vinh quang của Cha là lý tưởng sống của Người. Thánh ý Chúa Cha là lương thực hằng ngày của Người (Ga 4,34) Người sống vì Chúa Cha, để Cha được tôn vinh. Ngay cả lúc hấp hối trong Vườn Cây Dầu, khi bản tính nhân loại của Người run sợ trước chén đắng, Người vẫn thưa: “xin đừng theo ý con, một theo ý Cha” (Lc 22,42). Đối với Đức Giêsu, chỉ có Thiên Chúa là đối tượng yêu mến duy nhất của Người. Lời cầu nguyện của Đức Giêsu là lời cầu nguyện “Shema, Israel !” của dân Do Thái (x Đnl 6,14). Cầu nguyện đối với Đức Giêsu là lắng nghe từng giây từng phút chân lý mạc khải này: “Thiên Chúa là Đấng duy nhất”, và trong suốt cuộc đời, Đức Giêsu đã biến lời cầu nguyện đó thành hành động. Đối với Người, ngoài Thiên Chúa, không có gì là quan trọng, kể cả quyền lực (César) tiền bạc (Mammon). Sự trung tín của Đức Giêsu đối với Chúa Cha được chính những kẻ thù ghét Người xác nhận: khi ở bên chân thập giá và chứng kiến cuộc khổ nạn, các Thượng tế và Luật sĩ chế nhạo Người và họ thốt lên: “nó đã cậy trông Thiên Chúa, xin Ngài cứu hắn nếu Ngài yêu thương” (Mt 29,43)

Trong Tin Mừng Thánh Gioan, Đức Giêsu được diễn tả như Người Con làm tất cả để tôn vinh Cha. Việc tôn vinh ấy thể hiện cách cụ thể qua sự chu toàn bổn phận mà Chúa Cha đã trao phó: “Phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã giao cho con làm” (Ga 17,4). Chúa Cha tôn vinh Chúa Con, Chúa Con tôn vinh Chúa Cha. Vinh quang Thiên Chúa lan tỏa nơi con người, nơi những môn đệ của Đức Giêsu. Đến lượt mình, những ai theo Đức Giêsu sẽ tôn vinh Thiên Chúa qua chính đời sống chứng tá của mình, nhất là qua nghĩa cử tử đạo (x. Ga 21,19).

Và, cách hành sử của Thiên Chúa thật kỳ diệu: Nếu Đức Giêsu đã tự huỷ, sinh sinh mọi sự, trút bỏ mọi sự, thì Thiên Chúa lại đem mọi sự đặt dưới chân Người. Thánh Phaolô đã chiêm ngưỡng cuộc phong vương trọng thể Chúa Cha dành cho Con của Ngài: “… đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn, là quy tụ muôn loài trong trời đất, dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô…” (Ep 1,10). Chính sự khiêm hạ và vâng lời cho đến chết của Đức Giêsu là một nghĩa cử tôn vinh Thiên Chúa Cha. Thiên Chúa đã đặt Ngài làm Đức Chúa, để rồi mọi môi miệng đều tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa để Chúa Cha được tôn vinh.

Thưa các Cha, là Linh mục, chúng ta được mời gọi diễn tả qua đời sống của mình một Đức Kitô đang sống. Qua cuộc đời của chúng ta, tâm tình của Đức Giêsu được thể hiện cách sinh động. Chúng ta hãy cùng noi gương người trong sự từ bỏ,phó thác.

-Sự từ bỏ của Linh mục noi gương Đức Giêsu trước hết là sự hy sinh, chết đi cho thế gian: chiếc áo dòng màu đen, là màu tang chế, là màu của khổ hạnh, là màu của sự chết. Bước lên Bàn thánh trong ngày thụ phong là chúng ta cam kết sẽ chết đi mỗi ngày cùng với hy tế của Đức Giêsu, để rồi, mỗi năm, khi kỷ niệm ngày giáp năm thụ phong, khi tham dự tuần tĩnh tâm Linh mục, chúng ta thấy cái tôi của mình nhỏ dần đi, nhường chỗ cho hình ảnh sống động của Đức Giêsu đang lớn dần lên. Đó chính là sứ mạng của Gioan Tẩy Giả: “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Ga 3,30).

-Sự từ bỏ của Linh mục noi gương Đức Giêsu còn là sự phó thác hoàn toàn cho chương trình của Thiên Chúa. Chúng ta chỉ là dụng cụ trong tay Chúa. những gì chúng ta làm tại Giáo xứ, do công lao vất vả của mình, nhưng còn do chính Chúa tác động. Linh mục hôm nay có nguy cơ bị cám dỗ cho rằng những gì mình làm được là do chính bản thân và tài năng riêng của mình. Chính vì thế, khi gặp phải thất bại, chúng ta bi quan chán nản. Có những việc làm, những hoạt động được mang danh là tông đồ, nhưng lại thiếu chiều kích siêu nhiên, hoặc không phát biểu được đới sống nội tâm của các tín hữu.

-Sự từ bỏ của Linh mục noi gương Đức Giêsu còn là sự tận tâm dấn thân phục vụ Dân Chúa. Tại một số nước phát triển, nhiệm vụ của Linh mục có nguy cơ bị coi như công chức hành chánh. Giáo Hội bị coi như một thứ dịch vụ ma chay cưới hỏi. Chính vì thiếu nhiệt tâm tông đồ mà đời sống linh mục trở nên đơn điệu, bậc độc thân không còn được tôn trọng và trung tín. Mối quan hệ giữa Cha Xứ và giáo dân trở nên lạnh lẽo, thiếu tình người.

Kết luận: hình ảnh Đức Kitô khiêm hạ giúp chúng ta thấy sứ mạng của Linh mục. Một Linh mục thánh thiện không thể khước từ Thập giá, không thể khước từ sự từ bỏ dấn thân phục vụ con người để vinh quang Thiên Chúa tỏ hiện nơi con người của họ. “Vinh quang Chúa chính là con người sống một cuộc sống vui tươi (St Irénée: Gloria Dei Vivens homo ‘Adversus Haereres 4, 20,7’).

BÀI BA: ĐỨC GIÊSU, ĐẤNG THIÊN SAI

Linh mục là người được sai đi

(Lc 4,16-22)

Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai muôn dân mong đợi. Những môn đệ đầu tiên được Người mời gọi “Hãy đến mà xem” (Ga 1,39) hôm sau về đã kháo với nhau: “chúng tôi đã gặp Đấng Messia” (Ga 1,41). Sứ mạng thiên sai này sau đó được nhiều người nhìn nhận, ngay cả người phụ nữ Samaria là một người ngoại (Ga 4,1-42), nhưng cũng là đề tài tranh cãi của nhiều người (x Ga 7).

Đức Giêsu luôn ý thức về sứ mạng Thiên sai của mình. Trước những đe dọa, những chống đối, Người không do dự, không chùn bước. Người không bằng lòng về những thành quả đã đạt được, nhưng tiếp tục ra đi, tiếp tục đến với các làng mạc. Trước sự đe dọa của bạo chúa Hêrôđê, Người đã thẳng thắn tuyên bố: “hãy đi nói với con cáo ấy thế này: hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, ngày thứ ba tôi hoàn tất. Tuy nhiên ngày mai và ngay mốt, tôi còn phải tiếp tục đi…” (Lc13,31-33). Tại Hội đường Nazareth nhân dịp về thăm quê hương, Đức Giêsu đã áp dụng những lời Ngôn sứ Isaia để nói về chính sứ mạng được sai đi của Người: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi… Ngài sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt…”(Lc 4,18-19). Trước sự ngỡ ngàng kinh ngạc của cử tọa, Người đã tuyên bố: “hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4,21). Với lời tuyên bố ấy, Người đã thể hiện sứ mạng của mình là đến để khai mở thời hồng ân các Ngôn sứ đã loan báo.

Trong lời cầu nguyện được ghi lại trong Tin Mừng Thánh Gioan, thường được gọi là “lời cầu nguyện tư tế” (ch 17), Đức Giêsu cầu nguyện cho các môn đệ và những ai sẽ tin vào họ được nhận biết Ngài được Cha sai đến trần gian.

Để thực hiện sứ mạng Chúa Cha đã trao phó, Đức Giêsu mời gọi sự cộng tác của con người. Những môn đệ đầu tiên theo Chúa, những người cộng sự với Người, là những người nam, nữ, người già, người trẻ, nhất làm nhóm dân chài đánh cá tại bờ Biển Hồ Galiliêa. Họ đã được mời gọi bỏ mọi sự mà theo Người, để cùng với Người xây dựng Nước Trời, xây dựng vương quốc Chúa Cha, là vương quốc bình an, sự thật và sự sống. Lời sai đi được nêu cụ thể trong giờ phút ly biệt giữa thày và môn sinh được các tác giả Tin Mừng kể lại: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thày đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,19-20).

“Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” Lệnh truyền của Đấng Cứu thế được thông chuyển đến chúng ta, thưa các Cha. Qua nghi thức đặt tay và lời nguyện của Đức Giám mục trong nghi thức truyền chức, chúng ta được thông ban sức mạnh của Chúa Thánh Thần và được biến đổi, trở nên những người được sai đi loan báo Lời Chúa. sự sai đi này khơi nguồn từ Chúa Cha, qua Đức Giêsu, qua Giám mục. Ngôn từ bình dân nhà đạo thường gọi văn thư bổ nhiệm linh mục đi xứ là “bài sai”. Một số vị đại diện Chính quyền cũng thường dùng từ này. Vậy, Linh mục lãnh nhận sự sai đi để làm gì?

-Trước hết, Linh mục như những cộng sự viên của Giám mục, như những cánh tay nối dài để cùng cộng tác với Giám mục trong sứ vụ truyền giáo. Khi đến với một cộng đoàn Giáo xứ. Linh mục có trách nhiệm nối kết họ với Giám mục của mình. Chính vì vậy, Ngài làm việc trong sự hiệp thông và vâng lời. Sách chỉ nam cho thừa tác vụ và đời sống Linh mục đã nêu rõ: “Vì trực thuộc một Linh mục đoàn nhất định, Ngài (Giám mục) phục vụ một Giáo Hội địa phương. Giáo Hội này tìm ra nguyên lý và nền tảng cho sự hiệp nhất của mình với Giám mục, người thi hành trên Giáo Hội này, toàn bộ quyền thông thường, riêng biệt và trực tiếp,cần cho nhiệm vụ của Ngài…” (số 62). Người được sai đi luôn ý thức mình chỉ là người cộng sự trong một chương trình lớn của Giáo phận, vì ích lợi chung. Trong Giáo Hội, có những trường hợp người được sai đi “đánh cắp” sản nghiệp của chủ. Có những Linh mục, vì không bằng lòng với Giám mục, khoanh vùng Giáo xứ của mình như một vùng cấm địa. Hơn thế nữa, còn gây khó khăn khi giáo dân của mình đến liên hệ với Giám mục Giáo phận. chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện những tên tá điền bất lương. Khi ông chủ sai người đến để nhận lợi tức, họ đã đánh đập, thậm chí giết chết cả con của ông chủ ngoài khu vườn của ông (x.Mc 12,1-12). Xin đừng quên, khi trao cho Phê-rô quyền chăn dắt đàn chiên, Đức Giêsu đã nhấn mạnh ba lần: “Hãy chăn dắt chiên của Thày” (Ga 21,15 tt), chứ không phải chiên của Phê-rô.

-Linh mục còn được sai đi để sống như một thành viên của xứ đạo. Bài sai của Giám mục trao cho chúng ta một xứ đạo, để rồi chúng ta coi xứ đạo đó như gia đình của mình, mọi người giáo dân trong xứ như anh chị em của mình, mọi người lương dân như những người mà mình phải yêu thương và đem ánh sáng Tin Mừng cho họ. Một xứ đạo bao gồm những người đạo đức, người còn khô khan, người ngăn trở hôn phối, người vãng lai, người thường trú… tất cả được trao phó cho chúng ta. Chúng ta hãy có tâm tình của Đức Giêsu, ý thức mình được sai đến với họ. Những Giáo xứ toàn tòng có nhiều điểm lợi cho đời sống đức tin, nhưng cũng có thể bị biến thành một pháo đài công giáo trong mối tương quan với những người xung quanh.

-Được sai đi, đương nhiên cũng có thể được rút lại. Nhu cầu của giáo phận, của giáo xứ, tình hình địa phương, hoặc đôi khi vì những lý do tế nhị, đòi hỏi phải thuyên chuyển linh mục. Việc luôn ý thức mình được sai đi sẽ giúp chúng ta sẵn sàng “lên đường” trong sự phó thác và trách nhiệm. Đây đó đã xảy ra những chuyện không đẹp khi một linh mục được điều động chuyển xứ. Với quan niệm ngày nay, việc thuyên chuyển linh mục đã trở thành những sinh hoạt bình thường của các giáo phận.

Kết luận: “Tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi (Ga 13,16). Chấp nhận sứ mạng được sai đi là chấp nhận thân phận của Vị Ngôn Sứ Thành Nazareth, là chấp nhận thập giá. Những khó khăn xảy đến có thể làm chúng ta thất vọng. Nhưng ơn Chúa đủ cho chúng ta “Hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33). Xin cho chúng ta được trang bị bằng nghị lực mới nghị lực do Chúa Thánh Thần thông ban. Ngài là sức mạnh, là sự soi sáng cho chúng ta trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời. Amen

BÀI BỐN: ĐỨC GIÊSU VỚI CƠN CÁM DỖ

Linh mục với những thách đố hôm nay

Mt. 4,1-11

Hằng năm, vào Chúa nhật thứ nhất của Mùa Chay, Phụng vụ giúp chúng ta chiêm ngắn hình ảnh Đức Giêsu đối diện với những cơn cám dỗ, sau khi Người ăn chay 40 đêm ngày trong hoang địa. Chúng ta thường chia sẻ với cộng đoàn giáo dân về những cám dỗ Đức Giêsu đã gặp, cũng là những cơn cám dỗ đã trở thành thường xuyên trong đời mỗi người, xoay quanh 3 “nết xấu”: mê ăn uống, mất lòng tin, tham quyền lực. Lối cách nghĩa truyền thống này không sai, nhưng có lẽ cần phải đi xa hơn trong những gì tác giả Tin mừng muốn truyền đạt, nhất là tính cụ thể, hiện tại của vấn đề.

Đức Bê-nê-đi-tô XVI, trong cuốn sách mới phát hành “Đức Giêsu Thành Na-gia-rét” đã chú giải đề tài này với một hướng đi rất đặc biệt, mang đậm giá trị thần học cũng như mục vụ.

Cách trình bày và thứ tự các cơn cám dỗ có khác nhau, nhất là Mc quá ngắn gọn trong trình thuật này. Chúng ta dựa trên Mt để diễn giải và suy niệm. Ba cơn cám dỗ ma quỷ đưa ra, nói cách khác, ba hành động ma quỷ “gạ” Đức Giêsu làm, thực tế, Ngài sẽ làm sau này. Ngài có quyền làm những điều đó, nhưng không phải làm để đáp lại một thách thức, không nhằm gây một ấn tượng ngoạn mục.

-Cơn cám dỗ thứ nhất: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy truyền cho những hòn đá này hóa bánh đi”. Làm cho đá hoá thành bánh, đó là điều Đức Giêsu có thể làm. Nhưng Ngài chỉ làm cho bánh hóa ra nhiều cho những ai tín thác và đi theo Người, kể cả vào hoang địa (..). Không chỉ làm cho bánh hóa nhiều để nuôi đám đông dân chúng, Đức Giêsu, trong bữa tiệc ly đã làm cho bánh trở nên Mình và rượu trở nên Máu Người. Đây là một phép lạ thường xuyên, kéo dài trong lịch sử. Bí Tích Thánh Thể giúp chúng ta hiểu lời Đức Giêsu nói với tên cám dỗ “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời từ miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4 trích dẫn Đnl 8,3)

-Cơn cám dỗ thứ hai:” Nếu Ông là Con Thiên Chúa, hãy gieo mình xuống đi…”. Đức Giêsu không gieo mình xuống theo thách thức của tên cám dỗ. Người không muốn thử thách Chúa. nhưng sự “gieo mình” của Người chính là sự phó thác tuyệt đối trong giờ của thập giá. Ngài đã bước xuống vực sâu của cái chết, trong đêm tối bị bỏ rơi, không có chút gì để tự vệ. Người ý thức rằng, khi nhảy xuống, Người sẽ hoàn toàn rơi vào bàn tay nhân ái của Thiên Chúa. Thật ngỡ ngàng và kính phục biết bao khi chúng ta chiêm ngưỡng Đức Giêsu trong cơn hấp hối tại Vườn Cây Dầu cũng như khi trên thập giá, đã một niềm phó thác hoàn toàn trong tay Cha.

-Cơn cám dỗ thứ ba: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình thờ lạy tôi”. Đây là cơn cám dỗ về quyền lực. Đức Giêsu không thờ lạy ma quỷ để có quyền lực trần gian. Trái lại, sau khi phục sinh, Người đã quy tụ tất cả những người “thuộc về mình” trên núi (Mt 28,16) và Người nói: “Thày được trao toàn quyền trên trời dưới đất”. Người không chỉ có quyền thế mà tên cám dỗ đề nghị mà cả quyền năng trên trời. Nhưng quyền lực đó, Người chỉ có sau phục sinh. Đức Bê-nê-đi-tô viết: quyền lực này giả thiết đã có thập tự, phải có cái chết đi trước. Nó giả thiết một ngọn núi khác, đó là Golgotha, nơi Người bị cười nhạo, bị bỏ rơi. Và như chúng ta thấy, mặc dù Đức Giêsu không chịu khuất phục để thờ lạy ma quỷ, thì các sứ thần vẫn đến thờ lạy Người (câu 11).

Đức Giêsu không thi hành hoặc tỏ bày quyền năng của Người theo thách thức của ma quỷ. Người không cứu độ theo kiểu trần gian, theo quan niệm của con người.

Những cơn cám dỗ Đức Giêsu đã gặp phải cũng là những cám dỗ của Giáo Hội, của mỗi người chúng ta.

-“Nếu ông là con Thiên Chúa, thì hãy truyền cho những hòn đá này hóa bánh đi”. Đây là một cám dỗ nghi ngờ chính sự hiện hữu của Thiên Chúa. Trong lịch sử, nhiều lần con người muốn thay quyền Thiên Chúa, muốn lật đổ Ngài. Họ chủ trương con người có thể làm được mọi sự. Đã một thời chúng ta nghe thuộc lòng cầu thơ của Tố Hữu: “bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm”; hoặc “vắt đất ra nước, thay trời làm mưa”. Chủ nghĩa duy vật không những loại bỏ Thiên Chúa, nhưng còn đẩy con người lìa xa Ngài do sự kiêu ngạo về hiểu biết của mình. Đức Bê-nê-đi-tô viết tiếp: “Phương Tây tin rằng họ có thể biến đá thành bánh, nhưng rồi họ đã đưa đá thay vì bánh” (tr 61)

Trong đời sống linh mục, chúng ta thường bị cám dỗ thay chỗ của Thiên Chúa. Có những lúc chúng ta muốn giải quyết công việc theo kiểu trần gian, và chúng ta quyên rằng sự nghiệp truyền giáo, trước khi là công khó của con người, thì đã là công trình của Thiên Chúa, vì chính Ngài sai chúng ta đi. Những dự tính, những chương trình không cậy dựa vào Thiên Chúa, không nhằm vinh danh Ngài, sẽ chuốc lấy thất bại.

-Khi chú giải cơn cám dỗ thử thách Chúa, Đức Bê-nê-đi-tô đã trích dẫn lời của Joachim Gnilka, một nhà chú giải Tin Mừng: “ma quỷ xuất hiện dưới hình dạng một nhà thần học”. Cuộc tranh luận thần học giữa Đức Giêsu và ma quỷ sẽ là cuộc tranh luận trong mọi thời đại xoay quanh chú giải đúng đắn về Kinh Thánh, mà vấn đề nền tảng chú giải là hình ảnh Thiên Chúa. Cuộc tranh luận về chú giải cuối cùng là tranh luận về Thiên Chúa là ai.

Chúng ta đôi khi bị cám dỗ để trình bày một hình ảnh méo mó của Thiên Chúa. tại một số nước phương Tây, có nhiều tín hữu được gọi là Công giáo theo thực đơn (Catholiques à la carte), có nghĩa chỉ chấp nhận một phần các tín điều của Giáo Hội, hoăc chỉ chấp nhận Đức Giêsu mà không chấp nhận Giáo Hội. Con người thời nay đã muốn dựng nên Thiên Chúa thay vì chấp nhận mình là tạo vật của Ngài. Họ muốn tưởng tượng một Thiên Chúa theo ý của họ, theo tham vọng của họ, một Thiên Chúa để phục vụ con người chứ không phải để con người phụng sự và tôn vinh.

-Với cơn cám dỗ quyền lực, nay có lẽ cơn cám dỗ ghê gớm và mãnh liệt nhất. Giáo Hội đang bị lôi kéo để trở thành một thứ quyền lực. Đức Giáo Hoàng viết: “Đế quốc Kitô giáo (trong lịch sử) đã tìm cách biến đức tin trở thành động lực chính trị cho sự thống nhất đế quốc. Vương quốc Đức Kitô bấy giờ mang hình dạng một vương quốc chính trị với vinh quang của nó...Qua bao nhiêu thế kỷ, biết bao hình thức của cám dỗ này luôn xuất hiện, để đức tin được quyền lực bảo đảm, nhưng chính đức tin lại gặp nguy hiểm, phải chết ngạt trong vòng tay quyền lực.Cuộc chiến đấu cho Hội Thánh được tự do,cuộc chiến giúp cho vương quốc của Đức Giêsu không bị đồng hóa với bất cứ cơ cấu chính trị, ohải diễn ra trong mọi thời đại” (tr 66).

Có người đã nói một cách thi vị và lãng mạn: Giáo Hội không thể kết hôn với một thể chế chính trị nào, vì nếu làm như vậy, không sớm thì muộn, Giáo Hội sẽ trở thành góa bụa.

“Quyền lực” được Đức Bê-nê-đi-tô đề cập trên đây là quyền lực chính trị. Tuy vậy, còn biết bao nhiêu thứ quyền lực khác đang bao vây lôi kéo con người Linh mục chúng ta. Khi có chút quyền trong tay, người ta dễ dàng quyên nguồn gốc, quên sứ mạng của mình. Người ta có thể làm bất kỳ điều gì để có được quyền lực trong tay.

Đối với mỗi chúng ta, khi có một trách nhiệm hoặc một sứ vụ nào đó, chúng ta dễ bị cám dỗ thi hành quyền lực của mình. Tư tưởng “giáo sĩ trị” đôi khi vẫn còn tồn tại nơi chúng ta và đó chính là lý do ngăn cản hiệu quả của công cuộc truyền giáo.

Kết luận: Mát-thêu gọi ma quỷ là “tên cám dỗ”. Tên cám dỗ mang hình hài và gương mặt một con người, hoàn toàn cụ thể, sống động và quyết liệt. Đức Giêsu đã chiến thắng cám dỗ bằng chính Lời Thánh Kinh. Khi chuyên tâm sống Lời Chúa, chúng ta sẽ chiến thắng như Ngài

BÀI NĂM: ĐỨC GIÊSU, MỘT NGÔN SỨ VĨ ĐẠI XUẤT HIỆN GIỮA CHÚNG TA

Linh mục: con người của đối thoại

Thiên Chúa là Đấng vô hình. Không ai xem thấy Thiên Chúa bao giờ. Từ bao thế hệ, con người mò mẫm để khám phá ra gương mặt của Thiên Chúa. Họ tìm đủ mọi cách suy luận để gọi Thiên Chúa với những tên gọi khác nhau: ông Trời, Đấng Tạo hóa, Đấng Tối cao, Đấng Linh thiêng, Đấng cao cả…Người Do thái cũng gọi Chúa bằng nhiều danh xưng: Adonai, Elohim. Nhưng những danh xưng đó là do con người đặt ra để chỉ Thiên Chúa. Khi hiện ra với Môi-sen trong bụi gai cháy bừng, chính Thiên Chúa đã mạc khải Danh của Ngài cho Ông: “Ta là Đấng Tự Hữu”. Nhưng dù có được mạc khải thì loài người cũng chẳng hiểu gì hơn về Thiên Chúa.

“Không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ, nhưng Con Một là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1,18).

Vâng, Thiên Chúa là Đấng vô hình. Qua Đức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể, Thiên Chúa đã trở nên hữu hình giữa chúng ta. Con người có thể chiêm ngưỡng, có thể tận tay rờ thấy Ngôi Lời Hằng Sống (x 1Ga,1,1). “Ai thấy Thày là thấy Cha” (Ga 14,9). Qua Đức Giêsu, Thiên Chúa muốn nói với con người bằng ngôn ngữ nhân loại để con người có thể hiểu biết ý định của Ngài.

Tin Mừng cũng cho chúng ta thấy cung cách quan hệ của Đức Giêsu đối với nhiều thành phần khác nhau:

-Kịch liệt: đối với các kinh sư và biệt phái, với những người quá câu nệ lề luật mà quên đi ý nghĩa của luật là lòng thương. Người không ngần ngại gọi họ là “những nấm mồ tô vôi, chứa đầy những xương người chết và đủ mọi thứ ô uế”. Một chuỗi những lời khiển trách “khốn cho các người…” (x Mt 23,13-32) cho chúng ta thấy một Đức Giêsu mạnh mẽ, gay gắt, đôi khi nặng lời trước thói giả hình.

-Cương quyết: trước những đối kháng của những người biệt phái, ngay cả Hê-rô-đê, Đức Giêsu không chùn bước. Ngài cương quyết đi lên Giê-ru-sa-lem

-Cảm thông: Đức Giêsu đã chạnh lòng thương trước nỗi đau của những người mù thành Giê-ri-cô (Mt 20,34), trước đám đông đi theo Chúa mà nay không có gì ăn; trước những người bệnh tật, quỷ ám, trước người mẹ goámất con. Người cảm thông không chỉ bằng lời, nhưng còn bằng hành động, nhất là bằng phép lạ cất nỗi đau của họ. Với người phụ nữ Sa-ma-ri-a bên bờ giếng Giacóp, Đức Giêsu đã phá đổ bức tường ngăn cách giữa hai dân tộc, đồng thời giới thiệu cho bà về nước hằng sống,về một nền phụng tự mới “trong tinh thần và chân lý” (Ga 4,1tt).

-Nhân từ: đối với trường hợp Giu-đa; với trường hợp Phê-rô, Đức Giêsu đưa mắt nhìn ông sau khi ông đã chối thày mình 3 lần (Lc 22,61). Với Giuđa con người phản bội, Người nói: “Giuđa ơi, anh dùng cái hôn mà nộp Con Người sao?” (Lc 22,48).

Trong tất cả những cuộc gặp gỡ đối với mọi người, Đức Giêsu đều làm cho họ một điều gì đó. Nói cách khác, mỗi người đến nghe Đức Giêsu giảng, mỗi người tiếp cận với Người, đều được lãnh nhận nơi Người điều mình đang tìm kiếm. Có thể đó là nỗi khao khát sự thật, có thể đó là nhu cầu tinh thần hay vật chất, có thể đó là sự tổn thương tâm hồn cần nâng đỡ. Những người đó là Maria Mác-đa-la đã được chữa khỏi bảy quỷ (Lc 8,2), là cô gái điếm đã cảm nhận được tình thương và sám hối (x Lc 7,36), là người mù được chữa lành đã xin đi theo làm môn đệ Đức Giêsu (Ga 9,1tt), là người bị quỷ ám đã được chữa lành, là một Ni-cô-đê-mô đến gặp gỡ ban đêm và đã trở thành môn đệ. Ngay cả trong biến cố thập giá, vị Đại đội trưởng cũng phải tuyên xưng: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15,39).

Được mời gọi để trở nên hình ảnh sống động của Đức Giêsu giữa trần gian, Linh mục phải biết đối thoại với những người đủ tầng lớp khác nhau. Khả năng đối thoại được nhấn mạnh ngay trong tiến trình huấn luyện Linh mục. Sắc lệnh Đào tạo Linh mục, sau khi đã đề cập đến những đề nghị cụ thể trong một số môn học đã nói: “được chuẩn bị đầy đủ như thế, chủng sinh sẽ hiểu đúng được tâm thức của thời đại để đối thoại được với người đương thời” (số 15). Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội (Ad Gentes) cũng viết: “ Như chính Chúa Kitô đã dò xét tâm hồn con người và đối thoại với họ đúng theo kiểu loài người để dẫn họ đến ánh sáng thần linh, thì các môn đệ của Người đã thấm nhuần tinh thần Chúa Kitô, cũng phải hiểu biết Người họ chung sống và phải đàm thoại với họ, để chính nhờ việc đối thoại chân thành và nhẫn nại đó, các môn đệ học biết những ân huệ phong phú mà Thiên Chúa ban cho các dân tộc.; đồng thời các môn đệ phải cố gắng đem ánh sáng Phúc âm chiếu soi những ơn huệ đó, giải thoát chúng và đem chúng về quy phục Chúa Cứu Thế” (số 11).

Chúng ta có thể trích dẫn rất nhiều tài liệu và văn kiện của Giáo Hội liên quan đến đối thoại như một đường hướng và nhu cầu cấp thiết trong thời đại hôm nay. Đây là sự đối thoại trong sự tương kính (en respect réciproque) chứ không phải giáo huấn và càng không phải là tranh luận, xung đột.

-Đối thoại với anh em linh mục: một chuyên viên nghiên cứu đã kết luận: mỗi Giám mục phải bỏ ra 50% thời gian để giải quyết các bất hòa giữa các Linh mục hoặc giữa các Linh mục và giáo dân trong Giáo phận mình. Một khi đã làm Linh mục, chúng ta cảm thấy rất khó mà đối thoại với nhau: vì tự ái? Vì nể nang? Vì thiếu bác ái? Không thiếu những trường hợp đau lòng đã xảy ra trong mối quan hệ giữa anh em Linh mục với nhau.

-Đối thoại với giáo dân. Do ảnh hưởng của tư tưởng “giáo sĩ trị” tại nhiều nơi, vẫn còn tư tưởng Giáo Hội được chia ra làm hai phần: Giáo Hội giảng dạy và Giáo Hội được dạy dỗ (Eglise enseignante et Eglise enseignée). Ban Hành Giáo không được coi như những người cộng tác của hàng giáo sĩ, mà chỉ là những người giúp việc. Giáo dân chỉ là những thành viên thụ động trong cộng đoàn Giáo xứ

-Đối thoại với người ngoài Công Giáo: những hoạt động đại kết và đối thoại liên tôn ở Việt Nam còn ở mức quá khiêm tốn. Phải chăng đó là vì Linh mục chúng ta chưa vào cuộc? Sắc lệnh Ad Gentes: “Đáng đặc biệt tán thưởng nhưng giáo dân, trong các đại học hay viện khoa học, biết dùng những khảo cứu lịch sử hay khoa học tôn giáo mà cổ võ sự hiểu biết về các dân tộc và các tôn giáo: như thế là họ giúp các nhà rao giảng Phúc âm và chuẩn bị cuộc đối thoại với những người ngoài Kitô giáo”. (số 41). Sách Giáo lý của GHCG cũng viết: “sứ vụ truyền giáo cần có một cuộc đối thoại kính trọng đối với những người chưa chấp nhận Phúc âm. Những tín hữu có thể tiếp thu được những ích lợi cho bản thân mình từ những cuộc đối thoại này, đồng thời thấy rõ rằng tất cả những gì thuộc về sự thật và ân sủng nơi các dân tộc đã là sự hiện diện âm thầm của Thiên Chúa…” (số 856)

-Đối thoại với Chính quyền: Mỗi Giáo phận ở Việt Nam có một phương pháp riêng trong lãnh vực này. Tuy vậy, việc đối thoại trong tinh thần hiểu biết lẫn nhau luôn là một điều kiện cần thiết cho công việc mục vụ có hiệu quả.

-Nhưng một cuộc đối thoại quan trọng hơn cả mà Linh mục không được quên, đó là đối thoại thiêng liêng với Thiên Chúa qua lời cầu nguyện. Đức Giêsu, mặc dù vất vả suốt ngày, vẫn kết hợp thâm sâu với Chúa Cha trong lời cầu nguyện. Mác-cô ghi lại: “sáng sớm, trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó” (Mc 1,35). Chính trong cuộc đối thoại thiêng liêng này mà Linh mục kín múc được nghị lực cho cuộc đời dâng hiến. Nhờ đó mà ngài suy xét những công việc mình đã và đang làm. Cũng chính nhờ lời cầu nguyện mà Linh mục cảm thấy sự bất toàn và giới hạn của con người mình. “Sự đáp trả Lời Chúa căn bản nhất là lời cầu nguyện. Lời cầu nguyện tạo nên một giá trị và yêu sách căn bản cho việc huấn luyện thiêng liêng. Chương trình huấn luyện phải hướng các ứng sinh lên chức Linh mục thêm hiểu biết và kinh nghiệm về ý nghĩa thực thụ của lời cầu nguyện Kitô giáo: đó là cuộc gặp gỡ sống động và cá nhân với Chúa Cha, nhờ Con duy nhất của Ngài, dưới tác động của Thánh Thần. Đó còn là một cuộc đối thoại làm cho chúng ta tham dự vào cuộc đối thoại thân tình nghĩa tử của Đức Giêsu đối với Cha Người. Linh mục còn có sứ mạng trở nên “người giáo dục cầu nguyện”. Nhưng Linh mục chỉ có thể huấn luyện người khác nơi trường học của Đức Giêsu cầu nguyện, nếu chính ngài không được huấn luyện và không tiếp tục tự mình huấn luyện tại trường học này. Chính vì vậy mà mọi người đang chờ mong từ các Linh mục: Linh mục là người của Thiên Chúa, là người thuộc về Thiên Chúa và làm cho người khác liên tưởng tới Thiên Chúa. Thư Do Thái, khi nói về Đức Kitô, đã trình bày Người như vị thượng tế nhân từ và trung tín trong việc thờ phượng Thiên Chúa (Dt 2,17). Nhưng tín hữu Kitô mong ước được thấy trong con người của Linh mục không chỉ một người đón tiếp họ, lắng nghe họ và tỏ cho họ thấy mối thiện cảm, nhưng còn là và nhất là một con người giúp họ hướng về Thiên Chúa và vươn lên tới Ngài. Vì vậy, Linh mục phải được huấn luyện để có sự kết hiệp thâm sâu với Thiên Chúa” (Pastores dabo vobis, số 47)

Lộ trình của đối thoại:

1-Đối thoại trước hết phải là thái độ nội tâm, với tình yêu mến và sự tôn trọng với người mình gặp gỡ. Như thế, đối thoại là sự đón nhận người khác, là thiện chí muốn tìm cách giải quyết một vấn đề. Nếu đối thoại với tâm trạng hiếu thắng, với mục đích đánh đổ người khác thì chỉ chuốc lấy thất bại.

“Này ông Gia-kêu, hãy xuống đi, vì hôm nay tôi muốn lưu lại nhà ông”: Đức Giêsu đã “đi bước trước” với một người đang mặc cảm mình thấp bé và bị lãng quên.

2-Đối thoại còn là nghệ thuật gợi chuyện và đặt vấn đề. Đây là một việc đòi hỏi sự tế nhị, thận trọng đúng mức mà vẫn giữ được sự cởi mở để dẫn người đối thoại vào bầu khí thân tình.

“Xin chị cho tôi chút nước uống…” Đức Giêsu đã xóa đi thành kiến giữa người Do Thái và Samaria bằng cách gợi chuyện.

3-Đối thoại còn là lắng nghe: đối thoại không phải là độc thoại, càng không phải là giáo huấn. Chính vì thế, người đối thoại còn phải lắng nghe.

“Thưa Thày, chúng tôi biết, Thày là một vị tôn sư…” Đức Giêsu để cho Ni-cô-đê-mô bắt đầu câu chuyện (x Ga 3,1 tt).

“Thưa Ngài, nếu Ngài ở đây thì em con không chết” Đức Giêsu lắng nghe một ngươi chị mất em giãi bày nỗi đau của mình (x Ga 11,21).

4-Đối thoại còn là biểu lộ lập trường của mình. Cách biểu lộ phải từ tốn, khiêm nhường, không áp đặt, nhưng biết tôn trọng và yêu thương tha nhân.

“Sa-tan, lui lại đàng sau Thày! Anh cản lối Thày, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của ThiênChúa, mà là của loài người” (Mt 16,23)

5-Sau cùng, đối thoại là biết nói lời cám ơn, hay lời an ủi khích lệ. Có thể cuộc đối thoại chưa đem lại hiệu quả trực tiếp như mong muốn, nhưng phải coi đó là cơ hội tốt để hiểu biết nhau hơn.

“Ta không kết tội chị. Chị hay về và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8,11)

Xin kết luận bằng một tâm tình của Thánh Augustino:

“Đây là giới răn ngắn gọn được trao cho bạn:

Hãy yêu thương, rồi bạn có thể làm bất cứ những gì bạn muốn

Nếu bạn cần thinh lặng

Hãy thinh lặng vì yêu thương

Nếu bạn phải nói

Hãy nói vì yêu thương

Nếu bạn sắp khiển trách một ai đó

Hãy khiển trách vì yêu thương

Nếu bạn muốn tha thứ

Hãy tha thứ vì yêu thương

Bạn hãy luôn giữ trong tim cội rễ yêu thương

Vì những điều tốt đẹp,

Chỉ mọc lên từ cội rễ yêu thương.

BÀI SÁU: ĐỨC GIÊSU VỚI NGƯỜI NGHÈO

Linh mục với sứ mạng phục vụ người nghèo

Đọc Tin Mừng, chúng ta thấy Đức Giêsu không có tiền bạc. Thử tưởng tượng một vị thày, cùng với các môn đệ, nay đây mai đó, không biết sẽ sống ra sao khi không có tiền bạc? Những chi tiết liên quan đến tài sản chung của nhóm rất hiếm khi được nhắc tới trong Tin Mừng. Chúng ta thấy trường hợp Giu-đa: “vì Giu-đa giữ túi tiền, nên có vài người tưởng rằng Đức Giêsu nói với y: ‘Hãy mua những món cần dùng trong dịp lễ’, hoặc bảo y bố thí cho người nghèo” (Ga 13,29). Vị thủ quỹ này cũng được nhận định không mấy tốt đẹp: “ Y nói thế không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung” (Ga 12,6).

Đức Giêsu quả thực là người vô sản. Khi cần tiền để nộp thuế, Người bảo Phê-rô đi câu con cá, cạy miệng lấy đồng tiền đủ nộp thuế cho cả hai thày trò. Có những lúc đi đường, các môn đệ phải bứt lúa ăn cho đỡ đói, gây phản ứng nơi người Biệt phái (Lc 6,1tt).

Nếu có rất ít chi tiết nói về tài sản của Đức Giêsu và các môn đệ, thì rải rác trong Tin Mừng, chúng ta thấy nhiều lần Người lên án những người giàu có, những người không biết thương xót (Mt 18,23-35). Đối với Tin Mừng, của cải là một cái bẫy nguy hiểm, nó là lý do dẫn con người đến hỏa ngục. Người có nhiều của cải thì khó vào Nước Trời, khó như con lạc đà chui qua lỗ kim vậy (Mt 19,24). Của cải làm cho người ta tối mắt đến mức sẵn sàng sát nhân để chiếm đoạt (Mt 21,33 tt). Giàu có, no nê và vui cười đã trở thành mối họa cho con người (6,24tt). Khi được nhờ vả phân xử chuyện chia gia tài, Người đã cảnh chừng thính giả hãy giữ mình, vì “chẳng phải dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu (Lc12,15).

Dựa trên hình ảnh về một Đức Giêsu nghèo, một số tác giả muốn chính trị hóa nhân vật Giêsu và họ đã khoác cho Người nhiều màu áo khác nhau. Vào thế kỷ 19, xuất hiện một số chủ trương coi Đức Giêsu như một người cộng sản. Trong cuốn Populaire, tác giả Cabet đã viết: “Chẳng lẽ các bạn lại không thấy trong Tin Mừng một Đức Giêsu, vị Giêsu được tôn thờ như một Thiên Chúa, loan báo sự huynh đệ và bình đẳng, và ngài kết án bọn trọc phú, đồng thời tôn vinh người nghèo và người bị áp bức, vị Giêsu ấy đã đề nghị một xã hội huynh đệ, sống thành cộng đoàn với các Tông đồ, tóm lại, Người chẳng là một nhà cộng sản đó sao?. Quả thật, Đức Giêsu là một nhà cộng sản, và các Tông đồ của Ngài, các Giáo phụ và những tín hữu sơ khai đều là cộng sản” (trích dẫn trong cuốn Jésus Christ à l’image des hommes của Bernard Sessboué, tr 69).

Các tác giả Tin Mừng không cho chúng ta biết sinh hoạt vật chất hằng ngày của Đức Giêsu và các môn đệ như thế nào. Thánh Luca có nhắc đến những người phụ nữ đi theo Đức Giêsu, có những người giàu có như “bà Giona vợ ông Khu-da quản lý của vua Hê-rô-đê… và những phụ nữ này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giêsu và các môn đệ” (Lc 8,1-3).

Khi nêu lên mối nguy hiểm của tiền bạc, đúng hơn là nguy hiểm của một thái độ trọng tiền bạc mà khinh nhân nghĩa, Đức Giêsu luôn bênh vực những người nghèo, những bà goá, những người thấp cổ bé họng trong xã hội. Người đã quan sát người đàn bà góa bỏ tiền vào thùng tiền công đức tại Đền thờ và khen bà đã bỏ nhiều hơn mọi người (..). Những người được hưởng ơn ban do phép lạ hầu hết là những người nghèo, những người bất hạnh.

Chúng ta cùng quan sát một người giàu và một người nghèo trong dụ ngôn ông nhà giàu và anh La-za-rô (Lc 16). Tác giả Tin Mừng đã xây dựng nhân vật một cách tài tình để nói lên sự đối kháng giữa hai nhân vật, người giàu và người nghèo. Nhưng nếu ông phú hộ, xem ra chẳng thiếu thốn sự gì về vật chất, thì lại thiếu một điều quan trọng, đó là ông chẳng có tên gọi. Tên gọi chính là bằng chứng cho sự hiện hữu của một con ngừơi trên trần gian này. La-za-rô nghèo, nhưng chí ít cũng có một cái tên để cho người ta gọi. Ông phú hộ rơi vào Hades, một vị trí trung chuyển, chứ không phải là hỏa ngục (Gehenna) là nơi ở cuối cùng và vĩnh viễn của người chết. Từ Hades này, điều người giàu có kêu lên cùng Abraham cũng là điều mà con người thời nay thách thức Thiên Chúa: Nếu Ngài muốn chúng tôi tin vào Ngài và định hướng cuộc đời chúng tôi vào lời mạc khải của Thánh Kinh, thì Ngài phải hiện ra rõ ràng. Hãy gửi đến cho chúng tôi một ai đó từ bên kia thế giới, để nói với chúng tôi có thật như thế hay không”.

Qua câu trả lời được đặt trên môi miệng Abraham, Đức Giêsu muốn ngỏ với con người mọi thời đại rằng: “Ai không tin vào lời Thánh Kinh thì cũng không tin người đến từ bên kia thế giới. Các chân lý cao độ không thể đặt trong sự tất yếu khả giác, vì đó cũng chỉ là vật chất. Hơn nữa, chúng ta thấy chính Đức Giêsu đã từ bên kia thế giới để nói với chúng ta về Nước Trời, về Chúa Cha. Người là Đấng sống lại từ cõi chết để nói với chúng ta về cõi sống

-Noi gương Đức Giêsu, Linh mục trở nên người nghèo giữa những người nghèo. Người nghèo của Thiên Chúa là một thành ngữ chỉ những ai chọn Ngài làm gia nghiệp. Họ là những người khao khát và kiếm tìm Chúa trong cuộc đời. Những người nghèo luôn cảm thấy mình cần có Chúa, phụ thuộc vào Ngài. Đức Giêsu, Đấng đã trở nên người nghèo của Thiên Chúa. Chúng ta thường bị cám dỗ sống như người nhà giàu có, đầy đủ mọi sự mà quên đi người nghèo đang sống xung quanh. Những công trình xây cất, những cuộc lễ lạt, có những lúc trở nên vô nghĩa giữa một thôn làng nghèo, đang chạy ăn từng bữa. Đức Thánh Cha viết tiếp: “chúng ta không nhận ra sau gương mặt của La-za-rô mình đầy thương tích đang nằm trước cửa nhà giàu là mầu nhiệm của Đức Giêsu, Đấng ‘chịu khổ hình ngoài cửa thành’ (Dt 13,12), trần truồng bị treo trên thập giá, trở thành trò cười và khinh khi của đám đông, thân xác Người ‘đầy máu và thương tích’ đó sao? (sđd, tr 192). Người thanh niên giàu có đã tuân giữ hết các điều răn, để được sự sống đời đời làm gia nghiệp, một điều anh còn thiếu, đó là bán hết tài sản mà theo Đức Giêsu (x.Mc10,17 tt).

-Noi gương Đức Giêsu, Linh mục cần xây dựng tình liên đới với người nghèo. Ông phú hộ không bị kết án vì ông ta giàu có. Giàu có không phải là một tội. Cũng như nghèo khó không phải là điều đáng khinh bỉ. Điều Tin Mừng muốn nêu là ông đã dửng dưng vô trách nhiệm với người nghèo đang hằng ngày trực ở cửa nhà ông. Đức Thánh Cha viết trong cuốn “Đức Giêsu Thành Na-gia-rét”: “Dụ ngôn đánh động chúng ta, nhưng đồng thời cũng là lời mời gọi đến tình yêu và trách nhiệm đối với những anh chị em nghèo khổ – một số đông lớn lao trong công đoàn thế giới cũng như nhóm nhỏ trong đời sống thường nhật mà chúng ta gặp gỡ” (sđd, tr 198).

-Trong xã hội hôm nay, Linh mục có trách nhiệm giúp con người giải phóng khỏi cái nghèo, nghèo về kiến thức, nghèo tiền bạc, nghèo tình thương. Sứ mạng của Linh mục trước hết là nuôi dưỡng cộng đoàn bằng Lời Chúa và các Bí Tích. Tuy vậy, nhà xứ, nơi Linh mục cư ngụ, không phải một pháo đài yên ổn trước những gian nan của cuộc sống. Cũng giống người Do Thái đòi hỏi một dấu lạ (x Lc 11,29-30), hôm nay, những người sống xung quanh chúng ta cũng đang đòi hỏi cuộc đời của Linh mục phải là một dấu chỉ giữa thế gian, một dấu chỉ để cho mọi người xuyên qua đó tìm được niềm hy vọng. Chăm lo những nhu cầu thiêng liêng cho Dân Chúa, Linh mục cũng được mời gọi cộng tác phần mình để phát triển xã hội, làm thăng tiến con người, xây dựng nền văn minh tình thương, vì “phát triển là ơn gọi mới của hòa bình” (Đức Phaolô VI, Thông điệp Populorum progressio). Biết bao người đang thách thức chúng ta: “Xin hãy tỏ cho chúng tôi thấy Chúa Cha; xin hãy cử một người từ thế giới bên kia về nói với chúng tôi…”. Khi nói về sự khó nghèo như một mối phúc của Tin Mừng, Đức Thánh Cha Bê-nê-đi-tô đã viết trong cuốn ‘Đức Giêsu thành Na-na-rét’ như sau: “Sự khó nghèo được nói ở đây, không bao giờ là một hiện tượng thuần tuý vật chất. Sự nghèo nàn vật chất không cứu độ được, cho dù sự thua thiệt trong thế giới này lôi kéo cách đặc biệt lòng thương xót của Thiên Chúa.Tâm hồn của những kẻ trắng tay có thể chai cứng, bị đầu độc, trở nên xấu xa – trong thâm tâm đầy sự thèm khát của cải, quên dần Thiên Chúa và bị của cải bên ngoài xâu xé” (Tr. 94).

Vâng, chúng ta phải là một con người đến từ Thiên Chúa, như chiếc thang Gia-cóp đầu kia bắc lên trời, đầu này chạm xuống đất để nói với con người về Thiên Chúa và để chuyển tải ước nguyện của con người lên Đấng Tối Cao. Không những chỉ chuyển tải ước nguyện của con người, chúng ta còn giúp họ phát triển phẩm giá và quyền lợi của họ trong cuộc sống mà Thiên Chúa đã trao ban.

BÀI BẢY: ĐỨC GIÊSU ĐẤNG THÁNH CỦA THIÊN CHÚA

Linh mục và sứ mạng nên thánh

Đọc Tin Mừng, chúng ta thấy Phê-rô chính ma quỷ cũng phải tuyên bố Đức Giêsu là Đấng Thánh: “Ông Giê-su Na-gia-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệu chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Mc 1,24; Lc 4,34). Sự thánh thiện toát lên qua con người của Đức Giêsu, đến nỗi những kẻ thù của Người cũng phải thán phục: “Xưa hay chưa hề có ai nói năng như người ấy” (Ga 7,46).

Thiên Chúa là Đấng chí thánh, Đức Giêsu là hiện thân của Đấng Chí Thánh. Qua Đức Giêsu, Thiên Chúa mang một khuôn mặt nhân loại. Đấng cao vời đã hạ cố để gặp gỡ con người và tâm tình với họ bằng chính ngôn ngữ của họ. Trong suốt cuộc đời dương thế, Đức Giêsu đã tỏ cho công chúng về sự thánh thiện của Thiên Chúa. lý tưởng mà những ai theo Đức Giêsu muốn đạt tới, đó là chính sự thánh thiện của Thiên Chúa: “Hãy nên trọn lành như Cha trên trời là đấng trọn lành” (Mt 5,48)

Khi nói với Chúa Cha, Đức Giêsu cũng tôn vinh Ngài là Đấng chí Thánh (Ga 17,12). Người có sứ mạng bảo vệ sự thánh thiện của Thiên Chúa bị hiểu cách sai lạc do tội lỗi của con người. Con người từ ban đầu đã xuyên tạc sự thánh thiện của Thiên Chúa và lòng tốt của Ngài. Đức Giêsu đã lên án một thứ phụng tự vụ hình thức, một thứ đạo đức giả (Ngài đã xua đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ). Theo Ngài, những hình thức đạo đức này làm lu mờ sự thánh thiện của Thiên Chúa, bởi lẽ con người tự xây dựng một hình ảnh về Thiên Chúa vật chất, một Thiên Chúa còn mang những nhu cầu, những tham vọng giống như con người.

Trong công cuộc loan báo Tin Mừng, Đức Giêsu đưa ra những đề nghị để giúp con người nên thánh. Các mối Phúc chính là những con đường ấy: sự nghèo khó; hiền lành; sầu khổ; khao khát nên công chính; xót thương; trong sạch; xây dựng hòa bình; bị bách hại vì sự sống công chính. Tuy vậy, nếu Đức Giêsu đề nghị con người áp dụng các mối phúc này, thì chính Người đã thực hiện các mỗi phúc ấy trước hết như mẫu gương. Đức Thánh Cha Bê-nê-đi-tô đã viết trong cuốn ‘Đức Giêsu thành Na-na-rét’ như sau: “Nếu ai cẩn thận đọc bản văn của Thánh Mát-thêu (5,3-12) sẽ thấy các lời chúc phúc này như bản tiểu sử nội tâm của Đức Giêsu, như tự tạng của Người. Người là Đấng không có nơi gối đầu (Mt 8,20), là kẻ nghèo khó thực sự nên có thể nói về chính mình: ‘Hãy đến với tôi vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường’ (Mt 11,29)….” (trang 92)

“Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến” (Ga 17, 17-19).

Nhờ Bí Tích Truyền chức, chúng ta được mang danh là Tư Tế thừa tác. “Tư Tế” là tên gọi của ba chức năng mà Bí Tích Thánh Tẩy ban cho chúng ta. Được mang danh là Tư Tế cho thấy sự thánh thiện là ơn gọi căn bản của Linh mục.

Thánh thiện trong đời Linh mục là một lệnh truyền. Sách Xuất hành đã ghi lại lệnh truyền cho các tư tế: “Ngay các tư tế đến gần Đức Chúa cũng phải giữ mình cho khỏi nhiễm uế, kẻo bị Đức Chúa đánh phạt” (Xh 19,22). Sự thánh thiện của Linh mục cũng như tín hữu được đặt trên chính nền tảng sự thánh thiện của Thiên Chúa, Đấng thánh thiện và yêu thương giải thoát: “Thật vậy, Ta là Đức Chúa, Đấng đã đưa các người từ đất Ai-cập lên, để Ta làm Thiên Chúa của các người; vậy các ngươi phải thánh thiện vì Ta là Đấng Thánh” (Lv 11,45). Là Linh mục, chúng ta được gọi để “chúng ta sống thánh thiện công chính trước nhan Người” (Lc 1,75).

Là những người được mời gọi để thực hiện những gì Đức Giêsu đã làm, sự thánh thiện là một đòi hỏi thiết thực đối với Linh mục chúng ta. Chúng ta thường nghe một cách “lượng giá” lòng đạo đức của một cộng đoàn đức tin qua tiểu chuẩn đời sống linh mục: “một Linh mục thánh thiện, giáo dân trong xứ sẽ đạo đức; một Linh mục đạo đức, giáo dân trong xứ sẽ sốt sắng; một một Linh mục sốt sắng, giáo dân trong xứ sẽ bình thường; một Linh mục bình thường, giáo dân trong xứ sẽ khô khan; một Linh mục khô khan, giáo dân trong xứ sẽ thành ma quỷ. Kiểu nói này cho thấy Linh mục thánh thiện trong đời sống là một gương mẫu cần thiết cho một cộng đoàn đức tin. Tuy vậy không nên tự cho rằng bao giờ Linh mục cũng ở trên giáo dân một bậc. Có những giáo dân đạo đức hơn cả chính Linh mục chúng ta. Hơn nữa, lý tưởng trọn lành mà các tín hữu phải đạt tới không phải chỉ là “nên thánh giống cha xứ” mà “nên thánh như Cha trên trời, là Đấng trọn lành”.

-Nên thánh trong sự hiệp thông: Như Đức Giêsu, Đấng luôn thực thi ý muốn của Đấng đã sai mình, chứ không phải tìm ý riêng (x Ga 4,34), Linh mục phải luôn biết chọn lựa và thực hành những gì đẹp lòng Chúa. Nhờ đó, ngài trở nên thừa tác viên đích thực của Đức Kitô. “Vì chức vụ Linh mục là chức vụ của chính Giáo Hội, nên chức vụ đó chỉ có thể được chu toàn trong sự hiệp thông phẩm trật của toàn thể… nhờ tự ý khiêm nhượng và vâng phục trong tinh thần trách nhiệm mà các Linh mục nên giống Chúa Kitô và có những cảm thức như Chúa Giêsu Kitô, Đấng “tự huỷ mình nhi nhận lấy thân phận tôi tớ, đã vâng lời cho đến chết (Pl 2,7-9)” (SL về chức vụ và đời sống Linh mục số 15).

Hiệp thông với Giám mục, Linh mục còn được mời gọi hiệp thông với anh em. Chỉ nam Linh mục đã nói rõ: Linh mục đoàn là một nơi đặc biệt để Linh mục có thể tìm được những phương thế đặc thù nên thánh và rao giảng Tin Mừng. Ở đó, Linh mục phải được giúp đỡ để lướt thắng những giới hạn và yếu đuối đi liền với bản tính con người, điều được đặc biệt cảm nhận ngày nay…(số 27).

Linh mục còn có trách nhiệm sống tình hiệp thông với giáo dân, với mọi người trong tinh thần phục thiện và đối thoại. Một Linh mục biết đối thoại với người khác là ngài đã bắt đầu loan báo và làm chứng về Tin Mừng. Người đối thoại tiên vàn phải là người cởi mở, nhờ đó giúp chúng ta lắng nghe người khác và đón nhận ý kiến của họ. Cởi mở giúp chúng ta đón nhận những gì phong phú của tha nhân, từ thế giới. Nhờ đó, con người chúng ta sẽ phong phú, thế giới của chúng ta sẽ tốt đẹp. Đối thoại cũng đòi hỏi sự khiêm tốn. Khiêm tốn để thấy mình không phải là tất cả, nhưng còn nhiều giới hạn và khiếm khuyết.

-Linh mục nên thánh nhờ dấn thân hoạt động tông đồ: “Như thế, nhờ thi hành những nhiệm vụ của Chúa Chiên nhân nhân lành, và trong chính khi thực thi bác ái mục vụ, các ngài tìm thấy mối giây hoàn thiện của Linh mục ràng buộc đời sống và hạot động của mình làm một” (SL về chức vụ và đời sống Linh mục số 14). Khi thi hành đức ái mục tử, Linh mục không chỉ CHO, mà còn LÃNH NHẬN rất nhiều. Đức ái mục tử là nguyên lý nội tại của đới sống thiêng liêng. Tông huấn Pastores Dabo vobis nhắn nhủ chúng ta: “Nguyên lý nội tại, nhân đức thôi thúc và hướng dẫn đời sống thiêng liêng của Linh mục, xét như đã nên đồng hình đồng dạng vứi Đức Giêsu Kitô là Đầu và Mục Tử, chính là đức ái mục tử…” (PDV số 23). Trong xã hội Việtnam cũng như ở một số nước Au Mỹ hôm nay, Linh mục bị cám dỗ trở thành công chức. Công việc của ngài chỉ đơn thuần như một thứ dịch vụ. Cuộc sống của họ trở nên tẻ nhạt. “Quan niệm hiệp hòi này về căn tính và thừa tác vụ Linhmục có nguy cơ đưa cuộc sống Linh mục vào một sự trống rỗng thường được bù trừ bằng những lối sống không phù hợp với thừa tác vụ của mình” (Chỉ Nam Linh mục, số 44). Hơn bao giờ hết, Linh mục cần phải noi gương đức ái mục tử của Đức Giêsu. Chính khi thi hành đức ái mà chúng ta được nên thánh. Nhờ đó đời sống thiêng liêng của chúng ta trở nên phong phú hơn. Khi nhiệt thành phục vụ, chúng ta thấy đời mình có ý nghĩa với tha nhân. Niềm vui của đời dâng hiến được tìm thấy ngay chính nơi niềm vui của những người mà chúng ta phục vụ. Nhờ những cố gắng mục vụ, Linh mục đồng hóa đời mình với đức ái của Đức Kitô, mỗi ngày nên giống Người hơn.

-Linh mục nên thánh nhờ yêu mến Bí Tích Thánh Thể. Thư Mục Vụ của HĐGM Việtnam năm 2004, khi mời gọi mọi người yêu mến và tôn sùng Thánh Thể, có ngỏ lời với các Linh mục: “Là những người quản lý các màu nhiệm Thánh, các Linh mục phải nên chứng tá đặc biệt về đức tin, lòng sùng kính và yêu mến đối với Mầu nhiệm cực trọng này.Điều đó phải biểu lộ rỗ nét khi các ngài cử hành Thánh lễ, cầu nguyện trước Thánh Thể và đem Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân” (số 11). Để đời sống Linh mục không bị trở thành công chức, điều cần thiết là Linh mục phải sống màu nhiệm Thánh Thể. Chính từ nơi Thánh Thể mà chúng ta cảm nghiệm sự phong phú của đời tu, sống vì mọi người, qua sự hy sinh tận hiến. Đức Gioan Phaolô II đã viết trong Thông điệp Giáo Hội từ Bí Tích Thánh Thể như sau: “Nếu Thánh Thể là trung tâm và chóp đỉnh của đời sống Giáo Hội, nó cũng là như thế đối với tác vụ Linh mục. Vì vậy, khi tạ ơn Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tôi muốn lặp lại rằng Thánh Thể là lẽ sống chính yếu và trung tâm của Bí Tích truyền chức được khai sinh thực sự ngay từ lúc thiết lập Thánh Thể và cùng với Thánh Thể” (số 31).

Mới đây nhất, ngày 8-12-2007, Bộ Giáo Sĩ đã ra một văn kiện kêu gọi mọi tín hữu trên toàn thế giới hãy nỗ lực hơn nữa để cầu nguyện cho sự canh tân đời sống thiêng liêng của các Linh mục. Hoạt động thiêng liêng được nhấn mạnh là việc chầu Thánh Thể “để sửa chữa những lỗi lầm và thánh hóa các Linh mục”. Thánh Bộ cũng nhắc nhở các Giám mục hãy cổ võ lòng yêu mến Thánh Thể trong Giáo phận của mình.

Câu truyện về Đức Mahatma Gandhi: một người mẹ đến gặp ông để xin lời khuyên về việc dạy dỗ một đứa con ngang bướng. Ngài hẹn một tháng sau. Đúng hẹn,người mẹ trở lại. Ông Gandhi trả lời: nó ăn quá nhiều đường. Đừng để nó ăn đường nữa thì nó sẽ yên !” Nguời mẹ hỏi: “đơn giản vậy sao ngài không nói ngay, mà bắt tôi lặn lội đường xa lui tới?”, Ông đáp: “vì lúc đó tôi cũng đang ăn đường!”

Để kết luận, xin được trích dẫn lời Cha Chevrier. Ngài nói:

-xin hãy giúp tôi xây dựng một ngôi thánh đường. Chỉ có ngôi thánh đường này mới cứu được thế giới.

Người ta ngạc nhiên hỏi::

-Ngôi thánh đường nào vậy?

Ngài nói tiếp:

-Tôi muốn làm hết sức để xây một ngôi thánh đường mà nền móng là những linh mục thánh thiện, các cột đỡ cũng là những Linh mục thánh thiện, nhà tạm cũng là những Linh mục thánh thiện, tòa giảng cũng là những Linh mục thánh thiện và bàn thờ cũng là những Linh mục thánh thiện. Chỉ có ngôi thánh đường này mới cần thiết cho mọi người, ở mọi nơi và trong mọi lúc.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:38 11/01/2008
LIỆT TỬ KHÔNG NHẬN KÊ

N2T


Liệt tử là một vấn gia đại học, nhưng trong nhà rất nghèo, ăn cơm thì bữa có bữa không, cho nên nhìn lên mặt thì thấy vàng ệnh.

Có người nói với tướng quốc nước Trịnh là Tử Dương: “Liệt tử là học giả có đạo đức, cư trú trong nước Trịnh của ngài đó, nhưng gia cảnh rất nghèo. Nếu chuyện này truyền ra ngoài, thì người ta nhất định sẽ nói ngài là người không hiểu được việc đối đãi tử tế với học giả.”

Thế là, Tử Dương sai người đem gạo kê đến cho Liệt tử, Liệt tử nhìn thấy sứ giả, ba bốn lần từ chối cám ơn không dám nhận.

Sau khi sứ giả trở về, vợ của Liệt tử oán trách ông ta, nói: “Tôi nghe nói vợ của người có đạo đức đều có thể sống cách an vui lạc nghiệp, nhưng chúng ta ngày hôm nay ngay cả cái bụng đều lấp không đủ no, thật sự thì ông không nên từ chối lương thực đem đến tận cửa nhà !”

Liệt tử cười nói: “Tướng quốc hoàn toàn không hiểu được con người của ta, kính phục học vấn của ta mà thành tâm tiếp tế cho ta. Hôm nay ông ta nghe lời của người khác nên mới đem gạo kê đến cho ta, sau này chắc là rất có thể nghe lời của người khác mà trách cứ tội của ta, đó chính là nguyên nhân mà ta không nhận gạo kê.”

Về sau, nhân dân không thỏa mãn với việc chấp chánh của Tử Dương, quả nhiên đứng lên nổi loạn và giết chết ông ta.

(Trang tử: Nhường vương)

Suy tư:

Các thánh nam nữ thà mất tất cả mọi sự ở đời này để được hạnh phúc viên mãn đời sau trên thiên đàng, các ngài đã nhìn xa thấy rộng bằng con mắt đức tin và ân sủng của Thiên Chúa; các thánh tử đạo Việt Nam thà mất mạng sống mình ở đời này, để được sự sống vĩnh cửu trên thiên đàng với Thiên Chúa, đó là cái nhìn xa thấy rộng của các ngài.

Gạo kê là để lấp đầy bụng cứu đói, là ý nghĩ của những người chỉ nghĩ đến mình và không nhìn xa thấy rộng; nhưng lòng tự trọng là để răn mình và dạy người, là cái nhìn xa thấy rộng của người quân tử chân chính: thà bụng đói còn hơn để người khác coi thường thương hại.

Tiền tài, danh vọng và xác thịt là những hạt kê chỉ để lấp đầy lòng tham sân si của người chỉ nhìn thấy và hưởng thụ ở đời này mà thôi. Nhưng sự khôn ngoan mà Thiên Chúa ban cho sẽ làm cho người Ki-tô hữu nhìn thấy cuộc sống đời sau mới là đời sống thật và vĩnh cửu của họ.

Ai có con mắt nhìn xa thấy rộng thì suy để biết...
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:39 11/01/2008
CHỦ NHẬT

LỄ CHÚA GIÊ-SU CHỊU PHÉP RỬA


Tin mừng: Mt 3, 13-17.

“Chịu phép rửa xong, Đức Giê-su thấy Thần Khí Thiên Chúa đến ngự trên Người.”

Bạn thân mến,

Câu Lời Chúa trên đây có làm cho bạn suy nghĩ nào không, chứ riêng tôi thì có suy nghĩ như thế này:

1. Ân sủng của bí tích Rửa Tội thật là vô cùng lớn lao, mà có khi trong cuộc sống chúng ta quên mất không biết cảm tạ Thiên Chúa, ân sủng đó là: làm cho chúng ta được trở thành con cái Thiên Chúa, và tha tội nguyên tổ cũng như những tội mà chúng ta đã phạm trước khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội.

Bí tích Rửa Tội cũng dìm chúng ta trong nước, không phải nước của sông Gio-đan, nhưng là nước được thánh hóa bởi quyền năng Thiên Chúa, nước này đủ sức rửa sạch tội lỗi của chúng ta, và trả lại cho chúng ta ơn làm con Thiên Chúa, qua sự chết và sống lại của Chúa Giê-su. Đó chính là hồng ân cao quý nhất mà Chúa Giê-su có thể ban cho chúng ta, do đó mà Chúa Cha cũng nói với chúng ta như đã nói với Chúa Giê-su: “Đây là con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về con.” Chúa Cha không hài lòng sao được khi chính Con Một của Ngài đã vì chúng ta mà chết trên thập giá !

2. Chúa Giê-su chịu phép rửa xong, Thần Khí Thiên Chúa ngự trên Ngài để từ đó Ngài công khai rao giảng tin mừng Nước Trời cho mọi người.

Bạn và tôi cũng như thế, chúng ta có bổn phận rao giảng Tin Mừng cho mọi người, bởi vì ân sủng của bí tích Rửa Tội không phải là một trò đùa, hay như một bùa phép làm cho có lệ, nhưng là một dấu chỉ được sai đi, một tác động của Chúa Thánh Thần để chúng ta trở nên chứng nhân trung thành của Tin Mừng trong cuộc sống hôm nay.

Bạn thân mến,

Lễ Chúa Giê-su chịu phép rửa là chấm dứt mùa giáng sinh, cũng có nghĩa là chúng ta đem mầu nhiệm giáng sinh ấy làm nền tảng để làm chứng có một Đấng Cứu Thế đã đến trong thế gian, Ngài đã sống và chia sẻ thân phận với con người, và vì yêu thương nên Ngài đã chịu khổ hình thập giá, đã chết đã sống lại và đã lên trời.

Đấng Cứu Thế ấy vẫn hằng ngày hiện diện với Giáo Hội với chúng ta qua bí tích Thánh Thể, và chúng ta sẽ là những chứng nhân của Ngài...

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

----------------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://360.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:40 11/01/2008
N2T


2. Khiêm tốn là cấp thứ nhất, là không hồ nghi việc phục tùng.

(Thánh Benedictus)
 
Chúa đồng hành với người tội lỗi
LM Inhaxiô Trần Ngà
18:57 11/01/2008
Lễ Chúa Giê-su chịu phép rửa

Chúa đồng hành với người tội lỗi

Dường như Chúa Giê-su có duyên nợ với người tội lỗi từ đầu đến cuối. Từ ngày khởi đầu cuộc đời công khai cho đến lúc nhắm mắt tắt hơi trên thập giá, lúc nào Chúa Giê-su cũng đồng hành, cùng hoà mình với người tội lỗi. Thế nên chẳng lạ gì người đương thời gọi Ngài là “bạn bè của quân thu thuế và phường tội lỗi” (Matthêu 11, 19)

Sau quãng thời gian ẩn dật lâu dài tại Na-da-rét, Chúa Giê-su lên đường thi hành sứ vụ. Việc đầu tiên Chúa Giê-su thực hiện trong giai đoạn quan trọng nầy là đến bên bờ sông Gio-đan, trà trộn giữa những người thu thuế, những tay cướp của giết người, những người đàng điếm, những tên côn đồ và với bao nhiêu người tội lỗi khác để nối gót dòng người tội lỗi, bước xuống lòng sông Gio-đan, chịu dìm mình trong nước và nhờ Gioan làm phép rửa cho mình như thể Ngài là người lắm tội.

Đến khi tuyển chọn tông đồ, thiếu gì người có quá khứ tốt lành đức hạnh, thế mà Chúa Giê-su lại chọn Lê-vi, một người thu thuế tội lỗi làm môn đệ của mình.

Trong số những phụ nữ tháp tùng Chúa Giê-su và đoàn môn đệ “cùng rảo qua các thành phố, làng mạc để rao giảng Tin Mừng, lại có cả Chị Maria Mađalêna, người đã được Chúa Giê-su cứu chữa cho thoát đến những bảy quỷ (!) và một số phụ nữ khác” (Luca 8, 1-3). Chúa đón nhận những chị em nầy như những người bạn đồng hành trên chặng đường thi hành sứ vụ.

Có lần ngồi dự tiệc trong nhà ông Si-môn biệt phái, Chúa Giê-su để cho một phụ nữ đầy tai tiếng quỳ khóc dưới chân, lấy nước mắt tưới ướt chân Ngài, lại lấy tóc thay khăn lau chân, xức cả dầu thơm sang quý lên đôi bàn chân và thậm chí không ngớt hôn chân Ngài. (Luca 7, 36-50)

Chúa Giê-su còn tỏ ra thân thiện với cả Trưởng Ty thuế vụ thành Giê-ri-cô là Da-kêu và không ngần ngại đến trọ tại nhà con người tội lỗi khét tiếng nầy (Luca 19, 1-10)

Thái độ thân thiện, gần gũi và cởi mở của Chúa Giê-su đối với người tội lỗi khiến “họ năng lui tới với Ngài, nên những người biệt phái và kinh sư xầm xì với nhau: “Ông nầy hay đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng” (Luca 15, 1-3), hoặc người ta còn quy kết nặng nề hơn: “Đây là tay ăn nhậu, bàn bè của quân thu thuế và phường tội lỗi” (Matthêu 11, 19) và thậm chí, người ta còn xem Ngài là kẻ bất lương: “Nếu ông nầy chẳng làm điều ác, thì chúng tôi đã không nộp cho quan”. (Gioan 18,30)

Cuối cùng, trong cuộc khổ nạn, Chúa Giê-su lại trở thành người bạn đồng hành với hai tên tử tội, cùng vác thập giá với họ trên cùng một chặng đường, cùng chịu đóng đinh với họ chung một giờ trên đồi Can-vê và cùng chia sẻ với hai tội nhân ấy cái chết vô cùng thảm khốc trên thập giá.

Tất cả những sự kiện đó chứng tỏ tình thương bao la và sâu thẳm Chúa Giê-su dành cho hết mọi người, kể cả những người tội lỗi là hạng người bị dân Do-Thái ghét bỏ, lên án và loại trừ.

Phải nói rằng tình thương của Ngài dành cho người tội lỗi trọn vẹn đến nỗi Ngài đã “yêu thương họ cho đến cùng”, chẳng khác gì đã yêu thương các môn đệ thân tín (Gioan 13, 1). Vì thế, trước khi nhắm mắt tắt hơi, Ngài vẫn xót thương họ – kể cả những kẻ lăng nhục, kết án, hành hạ và đóng đinh Ngài - nên đã khẩn thiết nài xin Chúa Cha tha thứ những lỗi lầm của họ. (Luca 23, 34).

Lạy Chúa Giê-su là Đấng cao cả thánh thiện vô cùng,

Chúa đã hoá thân làm người và mang lấy tội lỗi thế gian. Chúa đã đồng hành với người tội lỗi, đã sống chan hoà với họ và dùng tình thương, sự quý trọng để cảm hoá những tâm hồn đáng thương đó.

Xin cho con đừng bao giờ quên rằng mình cũng là một người tội lỗi cần được hoán cải và đón nhận lòng xót thương của Chúa.

Xin cho con đừng đặt mình vào vị thế người công chính, đứng lên nơi cao cách biệt các tội nhân mà lên án anh chị em sa ngã lỗi lầm.

Xin cho con trở thành một bàn tay nối dài của Chúa, biết vươn ra để nắm lấy những bàn tay của những người sa ngã đang cần cứu vớt đỡ nâng.
 
Quy chiếu vào Lời Chúa để chọn đường đi
+GM JB Bùi Tuần
19:29 11/01/2008
QUY CHIẾU

Thời gian này là đầu năm Tây và cuối năm Ta. Đây là những ngày kêu gọi hồi tâm. Hồi tâm để xem lại đời mình. Quá khứ một năm đời mình đã ra sao, và tương lai năm mới đời mình sẽ phải thế nào? Ra sao, thế nào là trong phương diện ổn định đạo đức.

Muốn thấy sự thật, tôi luôn quy chiếu. Tôi đem đời tôi quy chiếu vào Lời Chúa, xem tôi có sống theo Lời Chúa không?

Khi quy chiếu vào Lời Chúa, tôi luôn làm việc đó trong tâm tình cầu nguyện. Tôi cầu nguyện với Chúa Thánh Thần trong đức tin đơn sơ khiêm tốn.

1/ Quy chiếu vào Lời Chúa, khi chọn con đường tôi đi

Trước mắt tôi là vô số con đường. Thí dụ: Đường là một giai cấp, như nông dân, công nhân, doanh nhân; đường là một chủ nghĩa, như tư bản, cộng sản, dân tộc; đường là một nếp sống, như nếp sống tự do bất chấp, nếp sống khắc kỷ tôn ti; đường là một nhân vật, như nhân vật triết học, nhân vật chính trị, nhân vật kinh tế.

Tôi sẽ chọn con đường nào cho tôi? Thưa: Để chọn, tôi quy chiếu vào Lời Chúa. Lời Chúa giới thiệu rất rõ. Con đường tôi phải chọn chính là Chúa Giêsu Kitô.

"Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống" (Ga 14,6).

"Thầy là cây nho, các con là cành" (Ga 15,5).

Tôi tin những lời Chúa dạy trên đây. Với niềm tin vững vàng, tôi cam kết theo Người. Tôi năng đọc và suy niệm lời Người. Tôi tập trung lòng đạo vào gương sáng đời Người. Người là đường của tôi. Đường ấy không phải là một hệ thống giáo điều, nhưng là Đấng linh thiêng sống động. Người không xa tôi, Người gần gũi tôi.

Có thể nói: Đường của tôi là ở trong tôi. Đường đó có trái tim. Trái tim ấy chứa tình yêu lạ lùng. Đó là tình yêu khiêm tốn hiền lành, giầu lòng thương xót. Thương xót quá tưởng tượng của loài người. Vì xót thương mà chịu muôn vàn đau đớn để cứu chuộc nhân loại. Vì xót thương mà muốn đồng hoá mình với các kẻ khó nghèo khổ đau.

2/ Quy chiếu vào Lời Chúa, để nhận ra dấu chỉ của con đường đã chọn

Chúa sống trong tôi như một con đường. Đường ấy có những đặc điểm. Chúa Giêsu phán: "Thầy ban cho các con một điều răn mới là các con hãy yêu thương nhau. Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con. Ở điểm này mọi người sẽ nhận biết các con là môn đệ Thầy là các con có lòng yêu thương nhau" (Ga 13,34-35).

Trái tim của Chúa giúp tôi nhìn ra dấu chỉ bề ngoài của những chặng đường nào thực sự là đúng. Đó là những chặng đường tôi sống Lời Chúa một cách sống động. Sống tình yêu chấp nhận khổ đau, để cộng tác với Chúa trong chương trình cứu chuộc.

Có những khổ đau không thể tránh được, như các giới hạn về tuổi tác và sức khoẻ. Có những khổ đau nếu muốn tránh thì có thể tránh được, như các hình thức dấn thân, nhưng Chúa khuyên không nên tránh.

Khổ đau thì qua đi, nhưng đã khổ đau thì không qua đi bao giờ. Thương tích còn đó. Nhưng vết thương còn đó, để đào sâu mãi tình yêu. Chúa sẽ nhìn đến các thương tích như thế của mỗi người, để đánh giá từng người. Chính vì thế, mà giá trị mỗi người trước mặt Chúa sẽ không luôn giống như giá trị của họ trước mặt thế gian.

3/ Quy chiếu vào Lời Chúa, để thấy rõ Đấng sẽ phán xét tôi

Chúa Giêsu phán: "Khi Con Người đến trong vinh quang, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh quang của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập họp trước mặt Người, Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê" (Mt 25,31-32).

Những lời trên đây cho tôi thấy: Đấng sau cùng xét xử chúng ta là một Đấng ngoài lịch sử. Đấng ấy ở trên thế gian. Vì thế, phán đoán hoàn toàn xác thực sẽ không ở trong cái vòng người ta xét xử nhau.

Đấng phán xét mỗi người là chính Chúa Giêsu. Người sẽ phán xét không theo các phóng sự, các bút ký, các điều tra, các suy đoán, các nghiên cứu, các dư luận, các toà án. Nhưng Người sẽ xét xử theo tiêu chuẩn của Người, trong đó lòng nhân ái, bổn phận bác ái là tiêu chuẩn quan trọng nhất.

Người biết tất cả. Người biết rất rõ. Không ai che giấu được gì. Không ai có thể cãi lại phán quyết của Người.

4/ Quy chiếu vào Lời Chúa, để biết tôi đi về đâu

Chúa Giêsu phán: "Bây giờ Thầy về với Đấng đã sai Thầy" (Ga 16,5). "Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con" (Ga 17,24).

Với những lời trên đây, Chúa cho tôi biết: Tôi được về với Chúa Cha. Người Cha ấy hoàn toàn là tình yêu. Thư thánh Gioan quả quyết: "Thiên Chúa là tình yêu" (2 Ga 4,8).

Thời gian này, niềm tin trên đây đã trở thành rất sống động nơi tôi. Khi thức, tôi luôn nghĩ rằng tôi đang trên đường về Nhà Cha. Khi ngủ, tôi thường chiêm bao chuyến đi về với Cha đã gần kết thúc. Nhưng càng gần tới nhà Cha, tôi càng gặp nhiều gian nan trắc trở. Nhưng chuyến đi ấy không cô đơn. Một chuyến đi chưa đặt chân tới Nhà Cha, nhưng tấm lòng như đã bên lòng Cha giàu tình thương xót.

Khi hồi tâm là chuỗi dài quy chiếu, tôi sẽ thấy phải làm gì sau hồi tâm. Trước hết tôi phải sám hối vì những khoảnh khắc lỗi lầm. Tiếp đến là những quyết tâm sẽ sống tốt hơn. Sau cùng là tôi tạ ơn Chúa vì tất cả.

Tôi biết lịch sử sẽ có nhiều bất ngờ. Nhất là lịch sử Hội Thánh. Mất mát bất ngờ. Khổ đau bất ngờ. Tang tóc bất ngờ. Phục sinh bất ngờ. Nên phải rất tỉnh thức và khôn ngoan. Trong mọi tình huống, tôi không ngừng bám chặt vào Đấng ở trên lịch sử.

Tôi cũng biết an bình của quá khứ không bảo đảm rằng tương lai cũng sẽ thế. Nhưng tôi tin Chúa luôn ở với tôi. Và đó là suối nguồn tình yêu, tôi luôn quy chiếu và tựa nương phó thác.
 
Đức Giêsu cúi đầu, để Gioan chu toàn sứ vụ
Pm. Cao Huy Hoàng
22:07 11/01/2008
Chúa nhật I thường niên A

Đức Giêsu cúi đầu, để Gioan chu toàn sứ vụ

Khiêm tốn chu toàn sứ vụ

Hôm nay, bên dòng sông Giodan nhỏ xíu, đã diễn ra một việc thật trọng đại: người ta kéo đến xin Gioan rửa tội để tỏ lòng sám hối cho xứng đáng đón nhận Đấng Cứu Thế đến. Hết lượt người này, đến lượt người kia. Và trong đám người ấy lại có Đức Giêsu. Sự xuất hiện của Đức Giêsu đến xin nhận phép rửa, làm cho ông Gioan bối rối, đến mức từ chối: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi” (Mt 3,14). Ông Gioan có lý để từ chối, vì Ông đã nhận ra Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế. Có lần ông đã nói: “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi, và tôi không đáng cởi dây giày cho Người” (Ga 1,26-27). Ông Gioan không hiểu được công việc của Đấng Cứu Thế, nhưng đã thuận tình làm theo ý của Ngài: “Bây giờ, cứ thế đã. Chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính” (Mt. 3,15).

Để giữ trọn đức công chính của một Thiên-Chúa-làm-người thật, là thi hành đúng ý của Thiên Chúa Cha: đã đến trần gian làm người trần gian là phải là chấp nhận đồng thân phận tội lỗi của con người, mặc dầu Ngài vô tội. Đức Giêsu như người Anh cả, vì thương đàn em nhân loại, mà nhận thay tội lỗi của các em trước mặt Cha. Một nghĩa cử khiêm tốn thâm sâu và yêu thương nồng nàn. Đúng như Thánh Phaolô suy tư: "Ðấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã làm cho Ngài thành tội vì chúng ta" (2C 5,21). Như vậy đức công chính mà Đức Giêsu muốn dạy cho chúng ta là muốn cứu vớt tội nhân, phải khiêm tốn hạ mình xuống đến tận cùng để hiểu tội nhân, để đòng cảm với tội nhân, hoặc để cứu vớt người chìm trong dòng sông tội, phải dìm mình xuống nước… Đức công chính của Thiên Chúa chính là Đức khiêm tốn thẳm sâu bắt nguồn từ tình yêu. Nói như thế, đồng nghĩa với khẳng định: bao lâu còn sống trong tình trạng kiêu ngạo và ích kỷ, bấy lâu chưa tìm ra sự công chính của Thiên Chúa, của Đức Kitô mẫu mực cứu thế.

Nhìn nhận sứ vụ của anh em

Hơn nữa, việc bằng lòng để cho Gioan làm phép rửa, chính là việc khiêm tốn nhìn nhận sứ vụ tiền hô của Gioan đã nhận từ ý định Thiên Chúa Cha. Đức Giêsu cúi đầu, để Gioan chu toàn sứ vụ. Bài học Đức Giêsu chịu phép rửa cho chúng ta: không chỉ xác nhận ơn gọi của mình, sứ vụ của mình, mà còn biết xác nhận ơn gọi và sứ vụ của người khác. Và một cách tích cực hơn, tạo điều kiện để anh em phát huy ơn gọi và chu toàn sứ vụ. Đức Giêsu không giữ thế độc-tôn-cứu-thế, rồi xem thường vai trò của Gioan trong chương trình của Chúa Cha, như chúng ta vẫn thường vấp phải

Tin mừng hôm nay gửi đến các gia đình sứ điệp nhìn nhận và tôn trọng vai trò của từng thành viên trong gia đình, và khiêm tốn hổ trợ nhau chu toàn bổn phận trong yêu thương. Ơn gọi hôn nhân và sứ vụ cứu thế chia đều cho mỗi thành viên, không tập trung nơi Cha, mẹ, vợ, chồng và nhất là cũng không tập trung nơi người làm ra kinh tế. Việc tôn trọng vai trò của nhau và giúp nhau nên thánh đòi hỏi nêu gương khiêm tốn Đức Giêsu bên sông Giodan hôm nay: không xem thường sứ vụ Gioan, ngược lại, để cho Gioan chu toàn sứ vụ làm phép rửa ngay đối với một Con Thiên Chúa Vô Tội. Giúp chồng chu toàn nhiệm vụ làm Cha, giúp vợ chu toàn nhiệm vụ làm Mẹ, giúp con cái nhận ra ơn gọi và chu toàn ơn gọi của mình… tất cả đều phải được thực hiện với lòng khiêm tốn yêu thương như Đức Giêsu, ấy chính là biến sứ điệp tin mừng hôm nay thành hạnh phúc thật trong Đức Công Chính của Thiên Chúa: Ý Chúa thể hiện trong gia đình.

Cũng vậy, trong giáo hội, việc giữ tư thế độc-tôn-cứu-thế, tình trạng xem thường nhau trong việc tông đồ, phủ nhận hoặc hơn thua với nhau những đóng góp cho công cuộc rao giảng tin mừng…vẫn còn nhan nhãn. Vai trò giáo dân với ơn gọi làm tông đồ vẫn chưa được xác nhận đúng mức, có khi còn bị coi nhẹ và phủ nhận nữa là đàng khác. Còn có những linh mục bị các linh mục khác xem thường là những Gioan Vianey thời đại, huống nữa là giáo dân. Không thoát ra được cái lưới trùm của thần dữ kiêu ngạo và ích kỷ trong lòng con người làm-chứng-nhân-Chúa-Kitô, thì không thể nhìn nhận ai khác ngoài mình, và đó là tín hiệu của một cuộc suy thoái trầm trọng cho Tin Mừng Chúa Kitô. Xin ghi chú là khiêm tốn nhìn nhận nhau và tạo điều kiện cho nhau chu toàn ơn gọi, không hẳn phải là tung hô nhau, vì việc tung hô nhau lại là một chiêu bài khác của thần dữ: hãy tập cho chúng tìm vinh quang cho nhau để vinh quang của Thiên Chúa bị lu mờ!

Một Cha xứ vừa nhận xứ trước lễ Giáng Sinh vài tháng, đã tổ chức lễ Giáng Sinh thành công và trong một bản tin giáo phận có câu: “ba mươi năm qua chưa hề có”. Thấy không ổn, bản tin đã sửa lại: “Hai Cha đã thổi bùng lên ngọn lửa mà các vị tiền nhiệm đã nhen nhúm”. Xét về mặt con người, thật tội nghiệp cho các vị tiền nhiệm đã nỗ lực với bao tâm huyết dọn đường cho người đến sau, mà người đời không nhìn thấy, không biết ơn hay ca tụng theo kiểu “có mới nới cũ”; nhưng xét về chương trình của Thiên Chúa thì ấy lại là thân phận của những con người tiền hô đích thực. Tiền hô để Thiên Chúa được tung hô, danh Thiên Chúa cả sáng, để Thiên Chúa được vinh quang.

Tôi nhớ câu chuyện bà già Kiệm trong góc núi đến xin một Cha sở cho gia nhập đạo Công Giáo, Cha bảo: “Học Giáo Lý đã”.

Bà ấy thưa: “ Thưa Cha, con đã học hai năm nay rồi”.

-“Bà đùa với tôi đấy hả? Ai dạy?”

-“Thưa Cha, bà bán cháo lòng dạy. Mỗi sáng, khi đẩy xe đến nhà con là vừa hết cháo. Chị em con chuyện trò với nhau. Chị ấy thực là một người công giáo tốt”.

-“Bán cháo lòng thì biết gì mà dạy? Sáng thứ 6 hằng tuần bà phải lên đây học, tôi dạy”.

Sau mấy tuần học, Cha sở ngộ ra bà nầy không những đã học Giáo lý mà còn có đường hướng sống tinh thần giáo lý đã học. Bà Kiệm được Rửa tội, và các bí tích gia nhập Kitô Giáo, bà bán cháo lòng đỡ đầu. Trong thánh lễ, cha sở vui mừng nói lên tâm tình biết ơn bà bán cháo lòng và mời gọi mọi người sống và phát huy ơn gọi chứng nhân.

Trong thời đại nầy, có những giáo dân đã âm thầm làm sứ vụ của Gioan Tiền Hô trên mọi nẽo đường dương thế, trên mọi lãnh vực cuộc đời. Tôi nghĩ họ sẽ có niềm vui rất lớn khi biết chính Đức Giêsu đang chia sẻ sứ vụ với họ, đang hiện diện để cổ vũ, để hổ trợ cho họ chu toàn ơn gọi chứng nhân Đức Kitô. Những người làm công tác Legio chẳng hạn, họ đã tìm về biết bao con chiên lạc, họ đã giới thiệu Đức Kitô đến với biết bao người…, nhưng trong khiêm tốn, âm thầm lặng lẽ… Giáo hội nhìn nhận vai trò của Giáo dân trong đời sống chứng nhân Tin mừng. Nhưng thiết nghĩ, để những trang tông huấn ấy thành hiện thực, đòi hỏi các thành phần trong giáo hội phải ghi nhận cách sâu sắc bài học Tin mừng hôm nay: Đức Giêsu cúi đầu, để Gioan chu toàn sứ vụ.

Thiên Chúa Cha yêu thương

“Khi Đức Giêsu vừa chịu phép rửa xong, Người lên khỏi nước. Lúc ấy các tầng trời mở ra; Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và có tiếng từ trời phán rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về người” (Mt 3,16-17; Mc 1,10-11; Lc 3,21-22)

Đức Giêsu được Thiên Chúa Cha tôn phong là một Đấng Mêsia mới (x.TV 2,7), khi Thần Khí Thiên Chúa ngự xuống và được Thiên Chúa Cha giới thiệu cho nhân loại với lời giới thiệu đầy tình thương “Đây là Con yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về Người”.

Như thế Đức Giêsu đã mở đầu sứ vụ cứu thế của Ngài bằng sự khiêm tốn tự hạ, nhìn nhận và phát huy sứ vụ Gioan, và nhất là, bằng niềm vui vì được Cha yêu thương, tín nhiệm và ủy thác. Và cả ba yếu tố khởi đầu nầy đã đi suốt hành trình cứu thế của Đức Giêsu: Khiêm tốn tự hạ cho đến bằng lòng chết trên thập giá, đồng bản án tử hình với tội nhân nguy hiểm nhất; chia sẻ sứ vụ cứu thế cho các tông đồ và phát huy sứ vụ của họ bằng những giáo huấn, và cuối cùng, luôn vui sống trong tình Cha yêu thương.

Nếu hành trình đức tin của mỗi tín hữu bắt đầu bằng một cuộc sám hối-thanh tẩy, trải qua giai đoạn được soi sáng để tiến đến chung khúc kết hiệp của tình yêu, thì biến cố trọng đại trên sông Giodan hôm nay đã tiên báo và mạc khải toàn vẹn hành trình cứu thế của Đức Giêsu, mẫu mực cứu thế cho mỗi người chúng ta.

Hành trình ấy, những kỷ niệm trên sông Giodan ấy có thể được nhắc lại cho chúng ta trong mỗi thánh lễ qua các phần sám hối-Nghe lời Chúa-Rước lễ, hoặccó thể thiết lập một ngày sống trong đời bằng việc kinh đầu ngày trong khiêm tốn, ngày sống lời Chúa trong yêu thương - phục vụ - tôn trọng, và đêm bình an trong tình yêu của Thiên Chúa Cha.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chịu phép rửa vì muốn nhận thay tội lỗi nhân loại, xin cho con biết khiêm tốn nhận ra những tội lỗi thiếu sót của mình.

Chúa đã chấp nhận cúi đầu nhận phép rửa, để thánh Gioan Tiền hô chu toàn sứ vụ, xin cho con biết nhìn nhận và tôn trọng ơn gọi của anh em.

Chúa đã được Chúa Cha yêu thương và giới thiệu với nhân loại, xin cho con sống đẹp lòng Chúa mỗi phút giây trong đời.
 
Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa
Lm Đa Minh Đặng Văn Cầu
22:09 11/01/2008
LỄ CHÚA GIÊSU LĨNH PHÉP RỬA

Biến cố Chúa Giêsu lĩnh phép Rửa tại sông Giodan là một trong 3 sự kiện của việc Hiển Linh và được cả 3 Phúc âm Nhất lãm thuật lại. Sự kiện này mang nhiều ý nghĩa và nhiều bài học sâu sắc.

I. Ý NGHĨA

Chúa chịu phép Rửa tại sông Giodan để công khai chấp nhận và khai mạc sứ vụ Mesia và cũng là bắt đầu cho một phép Rửa trọng đại, mang tính quyết định cho vận mạng của nhân loại, đó chính là cái chết đẫm máu và sự Phục sinh vinh hiển của Ngài.

Chúa chịu phép Rửa tại sông Giodan mạc khải mầu nhiệm Một Thiên Chúa Ba Ngôi, Cha, Con và Thánh Thần và công cuộc cứu chuộc là công trình của Thiên Chúa Ba Ngôi(Mt 3,16-17)

Sứ mạng của Chúa Giêsu là sứ mạng của người Tôi Trung, khiêm nhu, hiền từ mà Isaia đã loan báo(Bài đọc I), một sứ mạng của Trời Cao mang tính thần linh: “Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Ngài” (Bài đọc II)

Ngài khiêm tốn, huỷ mình ra như không, xuống tận chỗ thẳm sâu của con người khi đứng chung trong hàng ngũ các tội nhân đến xin Gioan làm phép Rửa (Lc 3, 21).

Ngài là Chiên TC, gánh tội trần gian,( Jn 1,29) dìm nó xuống dòng sông An Sủng để tẩy xóa nó.

Khai mở kỷ nguyên mới cho nhân loại. Từ nay Trời mở ra (x. Mt 3,16). Từ nay, nước không chỉ để uống và tắm rửa nhưng được thánh hóa, sử dụng cho cuộc sống đời đời và nhất là toàn thể vũ trụ được tham gia vào công trình cứu độ. Đó chính là khúc mở đầu cho một cuộc tân tạo dẫn tới những con người mới trong trời mới đất mới.

Xác nhận sứ vụ tiền hô của Gioan và công nhận phép Rửa mà ông cử hành xuất phát từ ý muốn của Trời cao: Dọn tâm hồn đón nhận ơn tha thứ

II. BÀI HỌC THỰC HÀNH

“Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính” (Mt 3, 15a).

Biến cố Chúa chịu phép Rửa nhắc nhớ lại ơn huệ làm con Thiên Chúa và sứ vụ Tiên tri, Tư tế và Vương đế mà chúng ta đã lãnh nhận khi chịu phép Thánh Tẩy.

Đức Giêsu đã “trả lại” cho TC quyền của người Cha bằng cách tôn trọng, yêu mến và vâng phục Cha hoàn toàn: “Đây là Con Ta yêu dấu, Ta hài lòng về Người”. Tôi có trả lại cho Thiên Chúa quyền được yêu mên và tôn thờ không? Tôi có luôn nghĩ cách và cố gắng làm cho Chúa vui lòng không? Tôi có ý thức vinh dự được làm con Thiên Chúa không? Tôi có luôn cảm thấy tự hào là người kytô hữu không?

Chúa Giêsu đã trả lại cho Gioan Tẩy Giả quyền được xác nhận và khuyến khích cho công việc chính đáng của mình. Ai và những công iệc nào đang cần tôi ủng hộ, khuyến khích, động viên ?

Những người chung quanh tôi, những người kém may mắn, những tội nhân là những người có quyền được yêu mến, thông cảm, nâng đỡ. Thái độ của tôi với những người này là thế nào? Xa lánh hay gần gũi?

Chúa Giêsu và Gioan đã thực hiện tốt sứ vụ của mình. Đâu là sứ vụ của tôi và tôi đã thực hiện nó cách nào?

Lạy Chúa, xin giúp chúng con sống xứng đáng là những người con dấu yêu của Chúa Cha, biết công tác với Chúa trong sứ mạng cứu nhân độ thế và làm chúng nhân cho công bình, bác ái, yêu thương và tự do giữa nhân gian. Amen
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tổng Thống Bush Cảm Động Khi Đến Viếng Thăm Nơi Sinh Hạ của Chúa Giêsu
Anthony Lê
07:18 11/01/2008
Tổng Thống Bush Cảm Động Khi Đến Viếng Thăm Nơi Sinh Hạ của Chúa Giêsu

Đây Đúng Là Một Giây Phút Thật Cảm Động Đối Với Tôi

BETHLEHEM (LifeSiteNews.com) - Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush đã đến viếng thăm nơi hạ sinh của Chúa Giêsu ngày hôm qua trong chuyến viếng thăm của Ông đến Israel.

Tổng Thống Bush trước cổng Church of Nativity
Phát biểu sau cuộc viếng thăm, Tổng Thống nói:

"Đây đã từng là và hiện vẫn còn là một khoảnh khắc rất cảm động đối với tôi và phái đoàn khi có mặt tại Nhà Thờ nơi Chúa Giêsu được hạ sinh. Đối với tất cả những ai thực thi đức tin Kitô Giáo, thì chẳng có nơi thánh thiện nào hơn là nơi này để đến viếng thăm, vì đó là nơi đã sinh ra Chúa Cứu Thế của chúng ta."

Hang nơi Chúa sinh ra đời giờ đây nằm trong lòng của Nhà Thờ Chúa Sinh Ra (Church of the Nativity). Một Nhà Thờ đã được Thánh Hêlêna - Thân Mẫu của Hoàng Đế Constatine - cho xây cất trên khu đất này từ thời thế kỷ thứ 4. Nhà Thờ hiện đang được cai quản bởi Giáo Hội La Mã, Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp, và các Giáo Hội Tông Đồ Armenia.

Tổng Thống Bush cám ơn các viên chức của Nhà Thờ này đã cho phái đoàn của Ông đến viếng thăm, và Ông cũng nói lời cám ơn đến 3 giáo hội khác đã chào đón Ông.

Ông nói thêm: "Rất nhiều khi đến đây đều cảm thấy tâm hồn của họ được nâng cao lên, tôi cũng vậy, và không những thế, kiến thức về lịch sử của tôi nhờ đó cũng được trau giồi thêm."

Tổng Thống đang thực hiện chuyến công dung hòa bình, và sẽ nói chuyện với những nhà lãnh đạo địa phương ở Do Thái, Vùng Đất West Bank, Kuwait, Bahrain, các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Saudi Arabia, và Ai Cập, từ 8 đến 16 tháng 1 năm 2008.

Lấy cảm hứng từ nơi hạ sinh của Chúa Kitô, Tổng Thống Bush nói:

"Một ngày nào đó, tôi hy vọng rằng, với việc thành lập một quốc gia tự trị Palestine, thì lúc đó sẽ không còn có những bức tường và những giao lộ kiểm soát nữa, để tất cả mọi người được di chuyển qua lại một cách tự do trong một nhà nước dân chủ. Viễn ảnh này, được dun đút từ sự tín thác của tôi rằng có một Đấng Cao Cả, và món quà của Đấng đó cho từng người nam, người nữ, và con trẻ trên trái đất này, chính là sự tự do. Và tôi mạnh mẽ cảm nghiệm được điều này ngay tại đây."
 
Bà Hillary Clinton: Tôi Mới Là Người Ủng Hộ Điên Cuồng Cho Việc Phá Thai
Anthony Lê
07:47 11/01/2008
Bà Hillary Clinton: Tôi Mới Là Người Ủng Hộ Điên Cuồng Cho Việc Phá Thai

Đó Là Câu Dằn Mặt của Bà Hillary Clinton Dành Cho Barack Obama Trước Đám Đông Cử Tri Dân Chủ

MANCHESTER, New Hampshire (LifeSiteNews.com) - Ngay sau thất bại tại Iowa, Hillary Clinton đã quyết định thực hiện những cuộc tấn công cực đoan nhắm vào Ông Thượng Nghị Sĩ da đen Barack Obama - ngoài chiêu thuật dùng nước mắt của khủng long - bằng cách nói rằng: "Về việc ủng hộ cho vấn đề phá thai, thì không có ai ở nước Mỹ này, từ trước cho đến nay, lúc nào cũng cực lực ủng hộ cho việc này như chính bản thân của tôi, và chồng tôi trước kia."

Bà đưa ra lời minh định rõ ràng này là để nói cho các cử tri Dân Chủ của New Hampshire rằng: Bà mới đúng thật sự là người đại diện cho Đảng Dân Chủ, và chức vị Tổng Thống Hoa Kỳ 2009.

Trong thư gửi trực tiếp đến từng nhà cho các cử tri tại New Hampshire, ngay trước khi diễn ra cuộc bầu cử sơ bộ tại tiểu bang này, Bà Clinton đã chỉ trích Obama vì đã bỏ phiếu "có mặt" (present) thay vì bỏ phiếu đồng thuận cho các dự luật ủng hộ cho việc phá thai trong bảy dịp như vậy.

Các lá thư đó khẳng định rằng Bà mới chính là người sẽ "đứng ra để đại diện cho quyền được chọn lựa cho tất cả những người phụ nữ."

Còn đối với Obama, Ông này cũng được Tổ Chức Kế Hoạch Hóa Gia Đình (Planned Parenthood) đáng giá rất cao tới 100% dựa trên những lần bỏ phiếu của Ông trong tư cách là một vị Thượng Nghị Sĩ đại diện cho tiểu bang Illinois.

Tổ Chức này cũng còn cho biết thêm rằng: "Obama chính là người lãnh đạo và cũng là nhà hoạt động xã hội hàng đầu trong việc ủng hộ cho quyền được tái sinh sản của những người phụ nữ trong suốt hơn 20 năm qua."

Động trời hơn nữa là Bà Hillary Clinton đã lên tiếng thề thốt rằng, nếu được trở thành Tổng Thống Hoa Kỳ 2009, thì Bà sẽ là người ủng hộ bằng mọi cách cho việc Nghiên Cứu Tế Bào Phôi Thai, cũng như quyền bình đẳng và hợp hiếp của các cặp đồng tính luyến ái.

Để biết thêm "tính man rợ" về những lời thề thốt đó của Bà Clinton, mời Quý Vị vào thăm các trang Web sau:

Clinton Vows to Fund Embryonic Stem Cell Research as President at

http://www.lifesite.net/ldn/2007/oct/07100906.html

Biography Reveals Hillary Clinton Séance, Religious Devotion to Abortion at

http://www.lifesite.net/ldn/2007/sep/07092405.html

"When I am President …" - Hilary Clinton Promises Pro-homosexual Administration at

http://www.lifesite.net/ldn/2007/jun/07060407.html

Chính những chiêu thuật đó, Bà mới thắng được New Hampshire!
 
Khó có thể có đối thoại hữu ích với 138 học giả Hồi giáo
Phụng Nghi
16:22 11/01/2008

Khó có thể có đối thoại hữu ích với 138 học giả Hồi giáo



Quan điểm của Samir Khalil Samir, sj

Beirut (AsiaNews) – Bài diễn văn siêu việt tại Regensburg của Đức Thánh Cha, từng bị số đông thế giới Hồi giáo (và cả ở phương Tây nữa) chỉ trích rộng rãi, nay đang tạo ra những kết quả tích cực trong chính lãnh vực đối thoại với thế giới Hồi giáo. Tiếp theo sau bài diễn từ tại Regensburg (12 tháng 9, 2006), 38 học giả Hồi giáo gửi một lá thư đầu để phản hồi (13 tháng 10, 2006), và một năm sau, gửi một lá thư thứ hai (có ký tên 138 học giả, con số này nay tăng lên 216) trong nỗ lực tìm ra những điểm chung trong sự hợp tác giữa người Kitô hữu và người theo Hồi giáo.

Đến lượt mình, ngày 19 tháng 11 vừa qua, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI phúc đáp thư của 138 người, mở đường cho một sự hợp tác khả thi trong nhiều lãnh vực. Mấy tuần lễ trước đây (12 tháng chạp, 2007) trong thư gửi cho Hồng y Bertone, hoàng tử nước Jordan là Ghazi bin Muhammad bin Talal thỏa thuận việc đặt cơ sở cho sự hợp tác: giữa tháng hai và tháng ba các nhân vật của giáo triều Vatican và của thế giới Hồi giáo sẽ gặp mặt tại Roma để thiết lập các thủ tục và các vấn đề chủ yếu cho cuộc đối thoại này.

Nhưng có thể là tất cả những công việc này chẳng đưa đến kết quả gì. Quả vậy, dường như theo tôi nghĩ, các nhân vật Hồi giáo tiếp xúc với Đức Thánh Cha muốn lẩn tránh những vấn nạn cơ bản và cụ thể, như nhân quyền, sự tương nhượng, bạo lực v.v…để thu mình trong một cuộc đối thoại thần học không thể xảy ra được “về linh hồn và Thượng đế”. Chúng ta hãy nhìn gần hơn vào những vấn đề đã phát sinh.

I - Thư của 138 người: Một Từ Ngữ Chung giữa Chúng Tôi và Qúy Vị”

Lá thư của 138 người tràn đầy thiện chí: các học giả Hồi giáo nói rằng họ muốn nhìn vào “những gì kết hợp” Hồi giáo, Thiên Chúa giáo và các tôn giáo khác. Họ còn cố gắng diễn đạt tư tưởng bằng cách dùng những từ ngữ “Kitô giáo”, nói rằng trọng tâm của tôn giáo là “yêu Thiên Chúa và người lân cận”. Hồi giáo không thể hiện mình theo lối đó. Đấy là kiểu nói của Cựu Ước, được Đức Giêsu tái tục theo một ý nghĩa thực tiễn, cụ thể và phổ biến hơn trong dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu (Lc 10:23-37). Đức Giêsu nói hai điều quan yếu: trước nhất, Người đặt giới răn thứ nhất ngang hàng với giới luật thứ hai (và điều này ngay cả trong Cựu Ước cũng không rõ rệt như thế); kế đến, Người minh định ai là người lân cận – đó không phải là người “gần gũi nhất với tôi” (như phát biểu của các nhà trí thức Hồi giáo trong phiên bản Arập của lá thư, họ dùng từ jâr, có nghĩa là gần gũi), nhưng là người tôi biến chính tôi thành “người lân cận” với họ. Quả vậy, Sách Tin Mừng đảo ngược câu hỏi của người luật sĩ (“ai là người lân cận của tôi?”) và hỏi ai đã cư xử như “người thân cận” của kẻ sắp chết. Do đó, người lân cận là tất cả mọi người, kể cả kẻ thù nghịch của ta, như người Do thái coi người Samaritanô là kẻ thù vậy.

Trong sách Tin Mừng ta thường tìm thấy các dụ ngôn trong đó Đức Giêsu đảo ngược các giá trị chung: người Biệt phái và người thu thuế, người ngoại giáo với người Do thái, trẻ con với người lớn.

Điều nguy hiểm nhất trong lá thư của 138 người nằm ở những chỗ họ im lặng, ở những chỗ họ không nói tới: chằng hạn, không đề cập gì đến các vấn đề của cộng đồng quốc tế liên quan đến cộng đồng Hồi giáo, hoặc các vấn đề thực tiễn trong nội bộ cộng đồng Hồi giáo. Ngay Ummah (cộng đồng Hồi giáo) cũng thấy chính họ ở vào một thời điểm rất tế nhị, trong một giai đoạn chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa cấp tiến lan tràn trong một bộ phận đáng kể của người theo Hồi giáo, đó là hình thức độc quyền: ai không nghĩ như ta là kẻ thù của ta. Điều này rõ rệt xảy ra hàng ngày nơi báo chí Hồi giáo, và ta thấy bạo lực cũng như các cuộc tấn công tại Iraq, Pakistan, Afghanistan, giữa người Hồi giáo Sunni và Shiite, hoặc chống lại người Thiên Chúa giáo hoặc Do thái, hoặc đơn giản là chống lại những người Hồi giáo bao dung…và những chuyện đó có thực!

Điều nguy hiểm đối với Hồi giáo không phải là bạo lực: điều này hiện diện trên khắp thế giới, trong mọi tôn giáo và mọi ý thức hệ. Điều nguy hiểm là việc dùng tôn giáo để biện minh cho tất cả những việc đó. Ngay cả một số hình thức bạo hành đối với phụ nữ và các quyền của họ cũng được biện minh bằng cách dùng đến Kinh Koran. Chẳng hạn, tôi biết rõ một phụ nữ theo Hồi giáo không thể xin ly dị được bởi vì ly dị là quyền của người chồng; bà ta chỉ có thể xin ân huệ được người chồng bỏ. Ông ta, theo căn bản của kinh Koran, có thể tái hôn (được lấy tới bốn bà vợ) và làm lại cuộc đời, nhưng người đàn bà kia, phải sống ly thân, không có được quyền đó. Bà này, vẫn còn là một thiếu phụ trẻ trung, phàn nàn với tôi rằng “chẳng có công lý gì hết”. Những hoàn cảnh như vậy, trong đó người ta dùng kinh Koran hoặc luật sharia để loại bỏ người khác, là điều thường xảy ra.

II – Hồi đáp của Đức Thánh Cha: bốn lãnh vực hợp tác

Trong lời phúc đáp của Đức Thánh Cha – gửi qua Quốc vụ khanh là Hồng y Tarcisio Bertone - Bênêđictô XVI bày tỏ “sự cảm kích sâu xa” về tinh thần tích cực trong lá thư của 138 người, và về lời kêu gọi kết hợp hành động nhằm đề cao hòa binh trên thế giới.

Sau đó Đức Thánh Cha đề nghị tìm ra những điều cả hai phía có những điểm chung. Nhưng các yếu tố không hoàn toàn giống hệt nhau. Trước nhất, ngài đưa ra một lời ghi chú: Nên tìm ra những điểm có chung “mà không bỏ qua hoặc coi thường các điều dị biệt”. Điều này có nghĩa là đối với Đức Thánh Cha có những dị biệt giữa hai cộng đồng mà cần phải xét tới, không được giấu diếm: chúng ta có thể là huynh đệ và khác biệt nhau, là những huynh đệ bất đồng. Đây là luật vàng trong lãnh vực tôn giáo và tín lý.

Lá thư của 138 người gợi ý rằng những gì “có chung” là đức tin vào một Thiên Chúa duy nhất. Các nhà tư tưởng Hồi giáo trích dẫn chính kinh Koran khi họ nói “Tiến đến một từ chung giữa chúng tôi và quý vị”, điều này đòi hỏi rằng không có gì được đặt ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng thư này lại gửi cho người theo Kitô giáo, là những tín hữu đặt Đức Giêsu Kitô ngay cạnh Thiên Chúa.

Đối với Đức Thánh Cha, những “điều chung” là điều có thật, nhưng cũng có những dị biệt nữa, và phải được quan tâm. Đức Thánh Cha liệt kê ra ba điều trong “những điều chung” này:

- niềm tin vào một Thiên Chúa, đấng Sáng tạo quan phòng;

- Thiên Chúa, vị Thẩm phán phổ cập, “ngày thế mạt sẽ xét xử mỗi người theo các việc họ đã làm” [1];

- chúng ta được kêu gọi phải “tận trung với Người và vâng theo thánh ý Người”. [2]

Kế tiếp, Đức Thánh Cha đề nghị một áp dụng cụ thể: thành lập một nhóm đối thoại để tìm ra thế đứng chung. Địa hạt này có thể đặt ra trên một số cấp bậc:

a- Đầu tiên là xác định các giá trị có thể bảo đảm “sự kính trọng nhau, đoàn kết và hòa bình”. “Sự kính trọng” ở đây có nghĩa là có những khác biệt phải được bảo đảm và hoan nghênh. Thí dụ, một người Hồi giáo có thể nói với một Kitô hữu: Tôi không đồng ý với điều anh tin là Đức Giêsu có một nhân tính và thiên tính. Các anh, những người Kitô giáo là những kẻ đa thần, vì các anh đặt những thần khác, tức là Giêsu Kitô và Thánh Thần của các anh, bên cạnh một Thượng Đế duy nhất. Còn tôi nói: chúng ta hãy tìm cách sống trong niềm tương kính. Bạn có toàn quyền nói rằng quan niệm của Hồi giáo loại bỏ Ba Ngôi Thiên Chúa, nhân tính-thiên tính. Nhưng cứ để yên cho tôi cái quyền được nói, chẳng hạn, rằng Mohamet chẳng phải là đấng Thiên sai. Tôi có thể công nhận rằng ông ấy là một nhân vật vĩ đại trên bình diện nhân loại và chính trị, một nhà cải cách xã hội và tinh thần, rằng ông ấy cũng đã đem đến những đóng góp tiêu cực, nhưng tôi không chối rằng ông ấy là một vị tiên tri. Tôi có quyền được nói như thế hay không được nói? Cũng như bạn có quyền nói rằng bạn không tin vào thiên tính của đấng Kitô – và như vậy bạn giữ vững niềm tin của mình - chúng tôi nữa cũng có quyền nói những điều chúng tôi nghĩ về Mohamet [3]. Tóm lại, không có đề tài gì được coi như là “cấm kỵ”, nhưng chỉ có những phương tiện và phương pháp cấm kỵ, vì lẽ chúng gây ra bạo hành và thiếu kính trọng.

b- Một cấp độ khác: mạng sống con người là “linh thánh”. Chiều kích đạo đức này bao quát một lãnh vực rất rộng lớn, từ chỗ bác bỏ việc phá thai cho đến chấm dứt cuộc sống con người một cách tự nhiên. Nhưng nó cũng bao gồm sự bất bạo động là một trong những hình thức tôn trọng sinh mạng cao quý nhất. Và nó cũng có nghĩa là yêu mến tất cả các công trình văn hóa và tiến bộ của nhân loại: bình đẳng giữa con người, các quyền của con người - một sự kính trọng đời sống và những gì giúp đời sống thăng hoa và phát triển. Trong diễn từ đọc trước giáo triều Roma ngày 22 tháng 12 năm 2006, Đức Thánh Cha nói: “người ta phải hoan nghênh những thành quả đích thực của Thời kỳ Khai sáng, nhân quyền và đặc biệt là sự tự do tin tưởng và hành đạo, và công nhận đây là những yếu tố căn bản cho tính đích thực của tôn giáo”. Đối với Bênêđictô XVI, “nội dung cuộc đối thoại giữa người Kitô giáo và người Hồi giáo vào lúc này sẽ đặc biệt là một cuộc gặp nhau trong sự cam kết tìm ra các giải pháp đúng đắn”, và cùng với người Hồi giáo, hoạt động “chống lại bạo lực và cho sự tương hợp giữa đức tin và lý trí, giữa tôn giáo và tự do”, nền tảng là “phẩm giá của mỗi một nhân vị”, biểu hiện bằng các quyền con người.

Về điểm này, Đức Thánh Cha đề nghị với 138 người bốn đề mục:

1- Nhân quyền: Đây là căn bản đầu tiên của đối thoại;

2- Hiểu biết khách quan tôn giáo của người khác. Điều này có nghĩa là hiểu biết người khác theo cách họ xác định về họ. Người Kitô hữu phải biết Hồi giáo theo cách Kinh Koran và những người theo Hồi giáo tân tiến xác định về Hồi giáo; người Hồi giáo phải biết đạo Thiên Chúa qua các sách Tin Mừng và giáo huấn của Giáo hội [4]. Hiểu biết khách quan là căn bản cho mối dây liên hệ đích thực.

3- Chia sẻ kinh nghiệm tôn giáo. Yếu tố này cho đến nay vẫn chưa được nhấn mạnh. Kinh nghiệm tôn giáo là điều cao hơn sự hiểu biết. Nó công nhận rằng ngay cả khi một tín điều của người khác tuy không phải của tôi nhưng cũng có thể làm phong phú cho tôi về quan điểm nhân bản và tâm linh. Mấy ngày trước đây, khi bay từ Beirut tới Paris, tôi có cơ hội được trò chuyện suốt ba giờ với một thiếu phụ trẻ người Phi châu đi hành hương Mecca về. Thật là một cuộc đàm thoại đẹp đẽ và sâu xa. Và nó giúp chúng ta nhận thức đúng, nhưng cũng còn sửa chữa, hình ảnh chúng ta có về nhau [5].

4- Một cam kết giáo dục cho giới trẻ. Nếu hôm nay chúng ta không chuẩn bị cho người trẻ sống cuộc đời tương kính, ngày mai chúng ta thấy sẽ còn xung đột với những người trong chính nhóm chúng ta.

Đến đây chấm dứt cái nhìn của chúng ta về lá thư của Đức Thánh Cha: vắn tắt, nhưng rất cô đọng, một dấu chỉ biểu hiện sự suy tư sâu sắc của ngài.

III – Phúc đáp Đức Thánh Cha của Ghazi Ibn Talal: chỉ đối thoại về thần học

Lời phúc đáp của 138 người do hoàng tử nước Jordan là Ghazi Ibn Talal ký tên, đề ngày 12 tháng 12 năm 2007. Sau ít lời giới thiệu, lá thư nói rằng họ chấp nhận ý kiến đối thoại, và trong tháng ba họ sẽ gửi một số đại diện để xác định các chi tiết về tổ chức và thủ tục.

Nhưng rồi (nơi mục thứ năm của văn bản) họ đề nghị sự phân biệt giữa nội tại (intrinsic) và ngoại tại (extrinsic), và giải thích: “Bằng từ ‘nội tại’ tôi muốn nói đến những gì thuộc về linh hồn và cơ cấu bên trong, và bằng từ ‘ngoại tại’ tôi muốn nói đến thế giới và do đó tới xã hội”. Họ đề nghị bắt đầu trên căn bản lá thư họ đã viết, “Một Từ Ngữ Chung giữa Chúng Tôi và Quý Vị ”, và tập chú vào “tính độc nhất của Thiên Chúa và giới luật yêu mến Thiên Chúa và người lân cận”. Tất cả mọi chuyện khác thuộc vào chiều kích ngoại tại, gồm cả những điều quan tâm về xã hội.

Thành thực mà nói, tôi thấy sự phân biệt này yếu kém và ngay đến cả không có tính cách Hồi giáo nữa. Bởi vì nếu “nội tại” là linh hồn và “ngoại tại” là thế giới và xã hội, thì kinh Koran nói rất nhiều về những điều “ngoại tại” và rất ít về những chuyện “nội tại”. Kinh Koran nói về thế giới, về buôn bán, cuộc sống trong xã hội, chiến tranh, hôn nhân, v.v…nhưng nói rất ít về linh hồn và sự liên hệ giữa con người ta với Thượng Đế. Nhưng trên hết cả, kinh Koran không bao giờ đưa ra sự phân biệt này. Trái lại, vấn đề của Hồi giáo chính xác là đã không đưa ra bất cứ sự phân biệt nào giữa hai cấp độ này. Thế thì tại sao 138 người chỉ muốn đề cập đến các chuyện “nội tại”? Tôi nghĩ rằng họ sợ phải đối đầu với thực tế toàn diện của hai tôn giáo.

Phúc đáp của Ghazi nói tiếp: “Chính trên căn bản tri thức và tinh thần chung này mà chúng ta hiểu được rằng chúng ta đang theo đuổi, hợp Ý Thượng Đế, một cuộc đối thoại về ba đề mục đối thoại mà Ngài đã khôn khéo nêu lên trong bức thư của Ngài: (1) ‘Tích cực tôn trọng phẩm giá của mỗi con người’; (2) ‘Hiểu biết khách quan tôn giáo của kẻ khác qua việc chia sẻ kinh nghiệm tôn giáo’, và (3) ‘Một cam kết chung đề cao sự tương kính và chấp nhận nơi thế hệ trẻ’” [6].

Hoàng tử tiếp tục lá thư với lời cổ võ cho cuộc đối thoại, đan cử ra cuộc hội nghị do Cộng đồng Sant'Egidio tổ chức.

Và cuối cùng, họ tránh xa “một số tuyên bố mới đây phát xuất từ Vatican và các cố vấn của Vatican – chắc không thể tránh được sự lưu tâm của Ngài – liên quan đến chính nguyên tắc về đối thoại thần học”. Tôi nghĩ rằng những người mà họ nói tới là Hồng y Tauran (và có lẽ Lm Christian W. Troll cũng như chính tôi nữa), là những người đã bày tỏ sự dè dặt về khả năng một cuộc đối thoại về thần học giữa người Kitô giáo và người Hồi giáo.

Chính vị hoàng tử cũng nói rằng ông chủ trương “một cuộc thỏa hiệp toàn diện về thần học giữa người Thiên Chúa giáo và Hồi giáo là điều cố hữu không thể xảy ra” nhưng mặc dầu như thế ông vẫn muốn có cuộc đối thoại trên bình diện này, “dù chúng ta muốn gọi đó là ‘thần học’ hay ‘tâm linh’ hay gì khác – vì lợi ích chung và cho lợi ích của toàn thể thế giới, theo Ý Thượng Đế”.

Như thế hoàng tử tái xác nhận sự cam kết của ông muốn cộng tác trên bình diện thần học và tâm linh. Và ở đây có một điều hàm hồ: Hồi giáo, hơn là Thiên Chúa giáo, pha trộn thần học với chính trị, và ngay cả với quân sự. Vậy mà ở đây họ chỉ muốn nói đến thần học. Có thể có một số thần học gia đứng sau ý nghĩ của Ghazi. Tôi nghĩ đến cuộc phỏng vấn giáo sư Aref Ali Nayed của cơ quan thống tấn Catholic News Service ngày 31 tháng 10 vừa qua và có đăng lại trong tạp chí "Islamica Magazine". Trong buổi phỏng vấn ông nói: “Nhiều nhà thần học Hồi giáo không chỉ quan tâm đến đối thoại về đạo đức luân lý mà thôi…Nếu đối thoại được coi là đứng đắn, nó phải sâu xa về thần học và tâm linh”.

Mấy tháng trước đây ông cũng đã xác nhận rằng quan niệm của ông về đối thoại “loại bỏ mọi chuyện nào không phải là thần học và tâm linh”. Nhưng thành thực mà nói, không thể phân biệt như vậy được vì lẽ những hậu quả về nhân bản và xã hội trên các quan điểm thần học là điều không thể tránh được.

IV – Kết luận

Thế thì, để tổng kết, chúng ta phải nói rằng một số kết quả tốt để tiến đến đối thoại đang bắt đầu xuất hiện. Và phải nhớ rằng tất cả đều bắt đầu từ Regensburg, từ bài diễn văn tuyệt tác tưởng chừng đã hủy hoại mọi căn bản để đối thoại, nhưng thay vào đó lại làm sinh động lại.

Diễn từ tại Regensburg được xây dựng trên sự thống trị của lý trí, coi đó như là nền tảng của đối thoại. Điều này đặt để tất cả sự thích nghi của các tôn giáo theo các nguyên tắc của Thời kỳ Khai sáng, nhưng không làm cho lý trí phải nghèo nàn đi. Tóm lại, nền tảng của mọi sự không phải là tôn giáo, nhưng lý trí con người là điều chung cho mọi con người [7].

Diễn từ tại Regensburg khởi đi rõ rệt là từ vấn đề này: làm sao tìm được nền tảng chung cho nhân loại và các tôn giáo, gồm cả Hồi giáo?

Trong các nước tân tiến, nền tảng chung được biểu hiện bằng bản tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền, về tự do tôn giáo, v.v… Trong cuộc đối thoại giữa người Kitô giáo và Hồi giáo cũng vậy, những điều đó cần được lấy làm nền tảng của đối thoại; nếu không chúng ta chẳng hoàn tất được việc gì. Trong quá khứ, nhiều thần học gia Hồi giáo đã bác bỏ bản tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền, và đã soạn thảo một bản tuyên ngôn “Hồi giáo”, tố cáo bản tuyên ngôn “quốc tế” là chỉ phù hợp với “Tây phương”. Nhưng như vậy là chối bỏ tính phổ quát là điều có thể có và do vậy chối bỏ rằng chúng ta có những nguyên tắc chung. Đây là căn bản của cuộc xung đột giữa thế giới Hồi giáo và phương Tây, và phần còn lại của thế giới.

Kofi Annan, một lần khi ông được Tổ chức các Quốc theo gia Hồi giáo mời tới mở một cuộc hội nghị, đã nói rõ ràng rằng không thể có những bản tuyên ngôn “Hồi giáo”, “Phi châu”, “Kitô giáo” hoặc “Phật giáo” về nhân quyền. Hoặc bản tuyên ngôn là quốc tế hoặc không thể hiện hữu.

Nhưng lá thư của hoàng tử Ghazi dường như muốn nói, thay vào đó, rằng các quyền con người không quan trọng, và chỉ là vấn đề chính trị. Chỉ có cuộc đối thoại về thần học là đáng quan tâm. Nhưng ích lợi gì khi nói về một Thượng Đế nếu tôi không công nhận rằng con người có một phẩm giá tuyệt đối theo hình ảnh của Thượng Đế? Rằng tự do lương tâm là điều linh thánh, rằng người tín đồ chẳng có nhiều quyền lợi hơn người không phải là tín đồ, rằng người đàn ông không có nhiều quyền hơn người phụ nữ, v.v…?

Phải xác định rằng con người đi trước tôn giáo: tôn trọng con người đi trước tôn trọng tôn giáo. Đây là đường lối tiếp cận của đạo Thiên Chúa.

Tôi không muốn một số thần học gia, tuy thấy mình khó khăn trong việc công nhận phẩm giá của mỗi con người, lại đi tìm cách lẩn tránh vào cuôc đối thoại về thần học. Phương pháp này có nguy cơ chẳng sản sinh được gì ngoài sự giả dối. Nhưng đây là một khó khăn mà chính trong nội bộ Hồi giáo cũng xuất hiện. Hồi giáo sẽ không bao giờ có tính cách hiện đại cả, cho đến khi nào đặt căn bản mọi sự trên nhân vị con người và tái giải thích đức tin dưới ánh sáng nhân quyền.

Trong hai bản tuyên ngôn Hồi giáo về nhân quyền, điều được xác định lập đi lặp lại là Hồi giáo công nhận nhân quyền “khi nào những quyền này phù hợp với luật pháp”. Đối với một người không chút hoài nghi khi đọc bản dịch bằng Anh ngữ, điều này dường như đúng đắn. Điểm cần biết là trong bản dịch Anh ngữ “phù hợp với law (luật pháp)” thì các bản Arập lại nói là “phù hợp với sharia”. Điều này có nghĩa là nhân quyền “theo kiểu Hồi giáo” có nguy cơ áp đặt lại những điều bất công và bạo hành thường lệ: chối đạo, lộng ngôn, ném đá, bất công đối với phụ nữ và trẻ em, v.v… [8]

Dĩ nhiên, đối thoại liên tôn giáo không thể chỉ tập chú vào các quyền con người, nhưng cũng không thể làm như đã không có khó khăn trầm trọng rõ rệt liên quan đến vấn đề này.

Xin để cho tôi kết thúc bằng cách trích dẫn một đoạn trong thư của thánh Giacôbê, tuy có hơi dài. Trong bối cảnh này nó có vẻ khá quan trọng đối với tôi, cả cho vấn nạn trong câu 19 và vì nó đưa ra tấm gương của “Abraham, người bạn của Thiên Chúa” (Khalil Allah, như ta nói bằng tiếng Arập), người rất được tín đồ Hồi giáo kính trọng:

14Thưa anh em, ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì? Đức tin có thể cứu người ấy được chăng?15Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày,16mà có ai trong anh em lại nói với họ: "Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no", nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì?17Cũng vậy, đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết.

18Đàng khác, có người sẽ bảo: "Bạn, bạn có đức tin; còn tôi, tôi có hành động. Bạn thử cho tôi thấy thế nào là tin mà không hành động, còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin.19Bạn tin rằng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất. Bạn làm phải. Cả ma quỷ cũng tin như thế, và chúng run sợ."20Hỡi người đầu óc rỗng tuếch, bạn có muốn biết rằng đức tin không có hành động là vô dụng không?21Ông Áp-ra-ham tổ phụ chúng ta, đã chẳng được nên công chính nhờ hành động, khi ông hiến dâng con mình là I-xa-ác trên bàn thờ đó sao?22Bạn thấy đó: đức tin hợp tác với hành động của ông, và nhờ hành động mà đức tin nên hoàn hảo.23Như thế ứng nghiệm lời Kinh Thánh đã chép: Ông Áp-ra-ham tin Thiên Chúa, và vì thế Thiên Chúa kể ông là người công chính và ông được gọi là bạn của Thiên Chúa.

24Anh em thấy đó, nhờ hành động mà con người được nên công chính, chứ không phải chỉ nhờ đức tin mà thôi.25Ra-kháp, cô gái điếm cũng vậy: há chẳng phải nhờ hành động mà đã được nên công chính, vì đã đón tiếp các sứ giả và đưa họ đi lối khác sao?26Thật thế, một thân xác không hơi thở là một xác chết, cũng vậy, đức tin không có hành động là đức tin chết.

Chú thích

[1] Chúng ta sẽ bị xét xử về các hành động của chúng ta, là một ý tưởng chung của người Thiên Chúa giáo và Hồi giáo. Kinh Koran nói về “những kẻ tin vào Chúa và vào ngày Thế mạt và những người làm các việc thiện hảo (2:62, 5:69). Nhưng điều này có nghĩa là có một quy tắc đạo đức có thể cùng được giữ chung. Thiết lập những đạo đức chung sẽ rất là quan trọng. Những sự việc tương tự đã xảy ra trong quá khứ. Năm 1994, tại cuộc họp của LHQ tại Cairo về dân số và phát triển, Tòa thánh Vatican đã bỏ phiếu chung với các quốc gia Hồi giáo. Nhiều đại sứ chỉ trích Tòa thánh vì về phe với những người theo chủ thuyết cơ bản. Trong thực tế, về những vấn đề liên quan đến quyền được sống, người Kitô giáo và người Hồi giáo cùng đi chung với nhau. Sự ngạc nhiên chỉ đến từ phương Tây đã tục hóa, nơi đã tạo ra nền luân lý tương đối, để cho quyết định chủ quan của cá nhân xác định điều gì là thiện điều gì là ác. Cần làm việc gấp và mạnh về điểm này.

[2] Người Hồi giáo sẽ hoàn toàn thoải mái khi nghe điều này vì đối với họ, tuân phục là cơ cấu của cuộc đời, đó là hàng phục ý của Thượng Đế, là islâm. Còn đối với người Thiên Chúa giáo cũng thế, trung thành với Chúa (và với con người) là một lý tưởng cao cả. Nhưng cuộc thảo luận về điểm này cần được mở rộng và làm sáng tỏ: Có ý nghĩa thế nào khi ta được kêu gọi “cống hiến hoàn toàn”? Đối với một người Hồi giáo cực đoan, cống hiến chính mình cho Thượng Đế cũng có nghĩa là giết chóc, là cài bom vào người, là làm chính mình nổ tung ra. Ở đây nữa, xuất hiện sự khác biệt giữa người Thiên Chúa giáo và người Hồi giáo, và đòi hỏi phải chú ý tới: bất bạo động là một chọn lựa có tính cách tâm linh, không phải là một chọn lựa có tính cách chính trị.

[3] Chúng tôi, những người Kitô hữu sinh sống trong thế giới Arập đã chịu đựng đau khổ lớn lao liên quan đến việc này, bởi vì chúng tôi không được phép nói những điều chúng tôi thực tâm suy nghĩ. Thường những người Hồi giáo hay hỏi xin chúng tôi “trao đổi ân huệ”: chúng tôi tin rằng Giêsu là một tiên tri, vì thế bạn cũng phải tin rằng Mohamet là một tiên tri.

[4] Trong sự hiểu biết khách quan về nhau này những người Hồi giáo có nhiều rủi ro hơn. Vì Hồi giáo xuất hiện sau Kitô giáo, và vì trong kinh Koran có đề cập đến Đức Giêsu, Đức Mẹ Maria và những người theo Thiên Chúa giáo, rất thường khi người Hồi giáo không có nỗ lực nào để tìm hiểu Thiên Chúa giáo như người Kitô giáo hiểu về đạo mình, nhưng mà lại tự bằng lòng với những gì kinh Koran nói về Thiên Chúa giáo. Còn đối với người Kitô hữu muốn khám phá Hồi giáo chỉ có cách là đọc kinh Koran.

[5] Điều này có nghĩa là chúng ta có thể chia sẻ cảm nghiệm về tôn giáo mà không chối bỏ các nguyên tắc của chúng ta. Cầu nguyện chung cũng nên được cứu xét. Nhiều lần trong quá khứ có những chỉ trích (hồng y) Ratzinger rằng ngài có nhãn quan tiêu cực về các cuộc họp ở Assisi nơi các nhân vật tôn giáo đã họp nhau để cầu nguyện chung từ năm 1986. Điều gây tranh cãi đã bùng lên nhiều lần là chuyện người thuộc các tôn giáo khác nhau có nên cầu nguyện chung hay không. Theo quan điểm của Ratzinger, lúc đó còn là hồng y, điều cần thiết là phải tránh tất cả những gì có gây ra hiểu lầm và chủ trương hỗn đồng (syncretism). Nhưng cầu nguyện chung với nhau, như Đức Thánh Cha làm trong ngôi đền Hồi giáo tại Istanbul, là đỉnh cao của sự kính trọng và đối thoại.

[6] Nên chú ý rằng các vị nhận thư đã không nhận ra những điểm Đức Thánh Cha trưng dẫn là 4 chứ không phải 3: chia sẻ kinh nghiệm tôn giáo, trong bản văn của Đức Thánh Cha, là điểm thứ ba.

[7] Học thuật Hồi giáo vào thế kỷ 10 đã có những ý tưởng rất rõ rệt về vấn đề này, và nó tôn trọng một nền tảng chung cho mọi người. Về sau này thế giới Hồi giáo không ngừng khép kín chính mình, mà còn chống lại cả những người Hồi giáo duy lý (như Averroes).

[8] Điều đáng hỏi là ảnh hưởng của lá thư của 138 người như thế nào. Trong số các nhà chuyên môn, đã có sự đồng thuận ngày càng gia tăng: con số 138 người ký tên trong thư nay đã tăng thành 216. Nhưng trong dân chúng, không có gì đã xảy ra hết. Tôi đã thấy chỉ có mấy bài bằng tiếng Arập trên các báo Arập và Hồi giáo. Không có tờ nào phân tích nội dung lá thư của 138 người. Có báo chỉ đưa tin, báo khác thì chỉ tường thuật rằng người Kitô giáo và người Hồi giáo muốn gặp nhau để thảo luận về đức tin vào một Thượng Đế. Do đó không thể nói rằng lá thư này đã làm chuyển động thế giới Hồi giáo.

Phụng Nghi
 
Đức Thánh Cha tiếp kiến Phân bộ cảnh sát cạnh Vatican
G. Trần Đức Anh OP
22:52 11/01/2008
VATICAN. Sáng 11-1-2008, ĐTC Biển Đức 16 đã tiếp kiến ban chỉ huy và các nhân viên phân bộ công an Italia cạnh Vatican, đến chúc mừng ngài nhân dịp năm mới. Ngài đề cao vai trò của gia đình và khích lệ các nhân viên cảnh sát ân cần giúp đỡ các tín hữu hành hương như những người anh chị em của mình.

Đoàn cảnh sát này gồm khoảng 130 nhân viên, có nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự quanh khu vực Vatican, đồng thời cũng bảo vệ an ninh cho ĐTC trong các cuộc viếng thăm tại Italia, cũng như cứu xét và cấp phát giấy phép cư trú cho các linh mục và tu sĩ nước ngoài.

Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến, ĐTC nhiệt liệt cám ơn các giới chức cảnh sát Italia vì công tác phục vụ nhiệt thành và chuyên nghiệp. Ngài cũng mời gọi mỗi người hãy nhìn thấy nơi mỗi tín hữu hành hương khuôn mặt của một người anh chị em mà Thiên Chúa đặt trên đường của mình, một người thân hữu cần đón tiếp và kiên nhẫn giúp đỡ, lắng nghe, dù họ là người xa lạ, với ý thức rằng tất cả đều thuộc về cùng một gia đình nhân loại.

ĐTC cũng kêu gọi mỗi người dấn thân sống cuộc sống của mình trong thái độ trách nhiệm đối với Thiên Chúa, nhìn nhận Chúa là nguồn mạch nguyên thủy cuộc sống của mình và của tha nhân. Sau cùng, ngài khẳng định rằng: ”Chúng ta cần ý thức rõ: nếu không có một nền tảng siêu việt là Thiên Chúa, thì xã hội có nguy cơ trở thành một tập hợp những người sống cạnh nhau, và không còn là một cộng đồng anh chị em, được kêu gọi họp thành một gia đình đại nhân loại”.

Trong bài diễn văn, ĐTC ám chỉ tới những chính trị gia giải thích sai trái bài diễn văn của ngài trong buổi tiếp kiến chính quyền miền Lazio và thành Roma sáng 10-1-2008, và ngài nói với đoàn công an cảnh sát rằng: ”Qua sự cộng tác với chính quyền đang quan tâm làm cho thành Roma này ngày càng đẹp đẽ và hiếu khách hơn, anh chị em cũng góp phần vào cuộc gặp gỡ đầy thành quả và sự sống chung thanh thản giữa công dân thành Roma và các du khách đến từ các nước trên thế giới”.

Sáng 11-1-2008, Phòng báo chí Tòa Thánh cũng ra thông báo bác bỏ những giải thích xuyên tạc của một số chính trị gia hữu phái về lời của ĐTC, với chủ đích tấn kích và phê bình chính quyền thành Roma hiện thời về một số vấn đề xã hội được ĐTC nhắc đến.

Thông cáo nói: ”Điều chắc chắn là ĐTC không có ý coi nhẹ hoạt động xã hội mà các vị hữu trách thành Roma và miền Lazio đang làm, với tinh thần dấn thân đáng ca ngợi. Trong nhiều dịp và gần đây, với tư cách là GM Roma, ngài đã làm nổi bật những công trình đã được thi hành để phục vụ dân chúng. Nhưng ĐTC cũng không thể không nói thay cho bao người kêu cầu đến ngài, và ngài nhắc đến những vấn đề nhân bản đặc biệt cấp thiết, cần được giải quyết với sự đóng góp của tất cả mọi người. Giáo Hội cũng cộng tác và đóng góp phần của mình (SD 11-1-2008)
 
Linh mục từ chối trao Mình Thánh Chúa cho cựu Tổng Giám Mục Milingo
Nguyễh Long Thao
23:42 11/01/2008
ROME – Nguyên Tổng Giám Mục Emmanuel Milingo, người bị ĐGH rút phép thông công, đang có mặt ở Ý để vận động cho một chiến dịch cho phép các Linh Mục được lấy vợ.

“Chức sắc ”Emmanuel Milingo đã cùng với vợ Maria Sung, người Đại Hàn đến Ý vào ngày 9 tháng Giêng và ông sẽ lưu lại đây đến hết ngày 27 tháng Giêng để gặp gỡ các người ủng hộ tổ chức “Các Linh Mục Có Vợ” ( Married Priests Now).

Là người từng gây nhiều chuyện “động trời” nên các cơ quan truyền thông của Ý đã theo dõi sát các hoạt động của hai vợ chồng ông bà Milingo. Chiều ngày hôm qua, 10 tháng Giêng, ông bà Milingo đã đến dự thánh lễ tại nhà thờ ở Pompei vùng Naple.

Ông Milingo đi lên rước lễ nhưng đã bị cha chủ tế là LM Francesco Soprano từ khước trao Mình Thánh Chúa. Thay vào đó Linh Mục Soprano đã đặt tay trên đầu ông Milingo và ban phép lành cho ông.

Tổng Giám Mục Emmanuel Milingo người Zambia năm nay 77 tuổi đã kết hôn với bà Maria Sung vào năm 2001 tại nhà thờ của giáo phái “Hiệp Nhất (Unification Church) đồng thời phong chức Linh Mục và Giám Mục cho những người đã có gia đình. Do các hành động này ông đã bị Đức Thánh Cha rút phép thông công vào năm 2006.

Hiện nay ông hay đi các nơi trên thế giới để vận động cho các LM đươc lấy vợ. Theo tin, các chi phí cho việc đi lại của ông bà Milingo đều do giáo phái Unification Church đài thọ. Giáo phái này do mục sư Moon người Nam Hàn thành lập ở Hoa Kỳ và đã sắp đặt cuộc hôn nhân giữa ông Milingo và bà Mara Sung.
 
Top Stories
Jan 10 - Hanoi traffic blocked by Catholics’ mass protest
J.B. An Dang
01:13 11/01/2008
Hanoi (Jan 10 2008). A sudden mass protest of Hanoi Catholics on Thursday, January 10 blocked Hanoi traffic for hours. Prayer protests for the restitution of the old building of the apostolic delegation in Hanoi have occurred every night since December 18. But this time, it occurred at noon, drawing larger crowd.

Priests in their vestments protested after the Mass
Thousands attended the protest
After the Mass to celebrate the 89th birthday of Cardinal Paul Joseph Pham Dinh Tung, retired archbishop of Hanoi; priests, religious and the laity of the archdiocese made a sudden mass protest in front of the old apostolic delegation’s building. The protest that lasted for more than half an hour caused traffic in the nearby neighborhood blocked for hours as police were not prepared for the event. Protest organizers estimated the crowd at up to 1000 people.

“We vow to fight for the justice to the end”, said a Catholic in the crowd.

In a letter, released on December 15, 2007, Archbishop Joseph Ngo Quang Kiet of Hanoi told his congregation that the Apostolic Delegate’s Office within the premises of his palace was seized illegally by the government since 1959. He asked the congregation to pray for the return of the building.

On December 18, a rally - the first demonstration of Hanoi Catholics since the communists came to power in 1954 - was held drawing thousands Catholics to the street. There continued to be prayer protests since then.

On December 30, Vietnam Prime Minister Nguyen Tan Dung visited the archbishopric palace. He saw by his eyes people praying in front of the building and waiting in long queues to sign a petition for its return to the Church. However, so far, no concrete solution has been reached to satisfy the legitimate aspiration of Hanoi Catholics.
 
Vietnam: Catholics demand return of church properties - 10/01/2008
ABC Radio Australia
01:27 11/01/2008
Hanoi - Hundreds of Vietnamese Catholics have been holding prayer vigils over the past week, seeking the return from the government of Catholic-owned properties. They include land owned by the Thai Ha parish, and an office that once belonged to an Apostolic delegate - both located in Hanoi. Many in the Catholic community are furious at a government refusal to hand the properties back, despite earlier promises from Prime Minister Nguyen Tan Dung to resolve the disputes during a meeting with the Archbishop of Hanoi last month.

Presenter - Girish Sawlani Speaker - Father Paul Chu Van Chi, chairman of the Vietnamese Catholic Pastoral Centre; Most Venerable Thich Quang Ba, senior deputy chair for the Unified Vietnamese Buddhist Congregation of Australia and New Zealand

[This is the print version of story http://www.abc.net.au/ra/asiapac/programs/s2136100.htm]
 
Vietnam: Friedliche Proteste gegen zwangsenteignung (tiếng Đức)
Zenit
06:48 11/01/2008
Zenit (10.01.2008)

VIETNAM: FRIEDLICHE PROTESTE GEGEN ZWANGSENTEIGNUNG

Việt Nam: Biểu Tình Ôn Hòa Chống Lại Sự Cưỡng Bách Cướp Đất

HANOI, 10. Januar 2008 (ZENIT.org).- In Hanoi (Vietnam) haben die Differenzen zwischen der Polizei und der Pfarrgemeinde Thai Hà, die von Redemptoristen geleitet wird, zu massiven Protesten seitens der katholischen Bevölkerung geführt.

Wie einer Meldung der französischen Nachrichtenagentur für ausländische Missionen in Paris zu entnehmen ist (vgl. EDA 477), wurde der Großteil des Grundstücks, das zur Pfarrei gehört, vom Staat konfisziert.

Der Pfarrei, die ursprünglich über eine Fläche von 60.000 Quadratmeter verfügte und Eigentum der Eigentum der Redemptoristen war, wurden nur noch 2.700 Quadratmeter belassen. Das Grundstück hatte Bischof François Chaize, der Apostolische Vikar von Hanoi, im Namen der Redemptoristen bei ihrer Ankunft im Vietnam im Jahr 1928 erworben.

Die Gläubigen haben durch friedliche Protestaktionen gegen die Enteignung protestiert. Unter der Schirmherrschaft und dem Schutz der Polizei wird für das Unternehmen Chiên Thang gebaut, erklärte EDA.

„Am Abend des 5. Januar, während sich die Gemeindemitglieder wieder in der ehemaligen Apostolischen Delegation versammelt hatten, in die sie gekommen waren, um an den Gebeten teilzunehmen, merkten sie, dass die Arbeiten zur Errichtung einer Mauer begonnen hatten; und dies auf einem Gelände, auf dem nach einer vorherigen Zusage nichts gebaut werden sollte. Einige von ihnen versammelten sich dann, um zu protestieren. Sie ließen erst davon ab, nachdem sich die Polizei verpflichtet hatte, dem Unternehmen die Auflage zu machen, die Arbeiten einzustellen.“

Aber am frühen Morgen des 6. Januar mussten die Gemeindemitglieder miterleben, dass Hunderte von Beamten, die der Polizeistaffel 113 angehörten, mit elektrischen Schlagstöcken und Gewehren auf dem Gemeindegelände postiert worden waren, um das Gelände des Unternehmens jetzt durch Stacheldraht zu schützen.

Mit Unterstützung des Erzbischofs von Hanoi protestierten daraufhin etwa 2.000 Personen am 7. Januar, angeführt von einem großen Kreuz, vor den Beamten der öffentlichen Sicherheit, „mit Gebeten und Nachtwachen bis um Mitternacht“. Die Proteste erwirkten einen befristeten Baustopp, ohne jedoch grundsätzlich die Eigentumsverhältnisse zu klären, die seit der erstmaligen Vertreibung der Redemptoristen im Jahr 1959 unklar zu sein scheinen.
 
Ha Dong Catholics demonstrate for parish presbytery
J.B. An Dang
08:06 11/01/2008
Hanoi -
Parishioners protest in front of the building
Hundreds attended the rally
Youth attended the rally
Hundreds of Ha Dong Catholics have been holding prayer vigils every night over the past week, seeking the return of their presbytery from the government.

Located 40 km south-south-west of Hanoi, Ha Dong, with its population of 228,000 people, is the capital city of Ha Tay province.

On Sunday, January 6, a prayer vigil was held in front of the old Ha Dong People’s Committee building. The building that once was the presbytery of Ha Dong parish, was confiscated and converted into a state-owned building in 1977.

During the last twenty years, parishioners have repeatedly signed petitions to request the restitution of the building. Their requests have gone unanswered.

Last year, as the provincial Ha Dong town was given city status, the People’s Committee was moved to another location. Fr. Joseph Nguyen Ngoc Hinh, vicar of the parish, made another attempt. This time he got an answer. But, “a ridiculous answer”, said a parishioner. After months of waiting, the priest was told recently that in 1977, a parish leader of his parish offered the presbytery to the government. Fr. Joseph Nguyen argued back that a parishioner has no right to do so. Also, the parish leader mentioned above was a member of the Communist Party and institued by the government.

Parishioners attending the January 6 protest told VietCatholic (www.vietcatholic.net) that the government officials want to distribute or sell the building illegally.

Many buildings that once belonged to the Church in Vietnam have been administered by the State on the grounds that they were needed for social purposes. Even when their purposes are no longer met, the buildings are seldom returned to their owners.
 
Jan 11 - The first Saigon Catholics’ mass prayer protest
J.B. An Dang
09:04 11/01/2008
Saigon – On January 11, thousands of Catholics hold a prayer vigil at Saigon Redemptorist Monastery to ask for the restitution of more than 60 thousand square meters of Hanoi Redemptorist Monastery’s grounds that have been occupied by state buildings. The prayer vigil is seen as the largest protest, and probably, the first one since the communists came to power in 1975.

Parishioners read news on the dispute
and see pictures of the fight for justice in Thai Ha
Praying for justice to triumph
“The protest at Saigon Redemptorist Monastery tonight”, said a Redemptorist priest, “is to show our solidarity with our brother Redemptorists in Hanoi, to ask the government to stop militia’s intervention in favor of new constructions, and put justice into practice”.

In a message sent Monday to all Redemptorists, Fr. Joseph Cao Dinh Tri, the provincial superior of the Redemptorists in Vietnam, said the local government has illegally confiscated land belonging to their monastery at Thai Ha, Hanoi and is backing a business to settle there. Since Sunday, local government officials have placed security personnel in the area, enabling the Chien Thang Sewing Company to build new constructions on the land in dispute.

"Our Redemptorist confreres in Hanoi and their parishioners have responded by gathering people to pray at the construction site, asking the government to respect fairness and put justice into practice," Father Cao stated. "I would earnestly implore all of you, the whole province of Vietnam, to be in solidarity with our brother Redemptorists in Hanoi, in order to pray for our common apostolate."

Vietnam Redemptorists encountered many difficulties organizing the protest. On Wednesday, they found their Web site, with information about the protest, was hacked and forced to shut down. The site only returned to function at Thursday’s noon.

Redemptorists arrived in Vietnam in 1925. Since then, the order has taken the Good News to many provinces in the North of the country. In 1928, they bought 6 hectares at Thai Ha, Hanoi to build a monastery and a church. Mass for the Inauguration of the monastery was held on 7th May 1929. The church was inaugurated 6 years later, in 1935.

In 1941, there were up to 66 members including 17 priests, 12 brothers, 26 seminarians, and 11 novices living in the monastery. The number of members kept increasing steadily until 1954, when Vietnam was divided into two distinct states. In 1954, most Redemptorists moved to the South of Vietnam. Fr. Joseph Vu Ngoc Bich, Fr. Denis Paquette, Fr. Thomas Côté, Br. Clement Pham Van Dat and Br. Marcel Nguyen Tan Van remained in Hanoi. They lived under extremely harsh treatment by the atheist regime, and soon faced brutal persecutions. On 7th May 1955, Br. Marcel Nguyen was arrested. Four year later, on 9th July 1959, he died in the communist jail. Fr. Denis Paquette faced deportation on 23rd October 1958. A year later, Fr. Thomas Côté faced the same fate. Less than three years after that, on 9th October 1962, Br. Clement Pham was jailed. He died later in the communist jail on 7th October 1970 in a rural area of Yen Bai. Since 1962, Fr. Joseph Vu has run the church alone. Despite Fr. Joseph Vu’s persistent protests, local authorities have managed to nibble bite by bite the parish’s land. The original area of 61,455 square meters was reduced to 2,700 square meters. The communist government converted the monastery into Dong Da hospital, and distributed or sold illegally large parts of the land to state-owned companies, and government officials.

Priests, religious and the laity of Thai Ha parish have repeatedly requested for the return of the land seized by the government. In support of their demands they note that the Redemptorists hold the legal land deeds and have never signed agreements to offer any part of the land to the government even under coercive conditions.

The Catholics, recalling that the constitution safeguards religious freedom and places of worship, have underlined in particular directive 379/TTG, which specifies that places of worship borrowed by the authorities must be returned to the churches or their owners when their use is no longer justified. Added to this there is decree 26/1999/ND- which provides that church properties must be kept under the management of the state, and the state should not let these places of worships be transgressed, as well as ordinance 21/2004/PL-UBTVQH11 of June 18, 2004 regarding Religious Belief and Religious Organizations, which elaborates that the legal property of places of religious belief and of religious organizations is protected by law; any violation of this right is forbidden.

Despite all of this, the local authorities of Dong Da district persist in their attempts to take even more land away from the parish. The January 6th protest has however forced them to stop the militia’s intervention in favor of new constructions.
 
Ha Dong parishioners protest and pray in front of the People’s Committee office
Paul Anh
12:30 11/01/2008
Ha Dong parishioners protest and pray in front of the People’s Committee office

Ha Dong – Last Sunday (January 6, 2008), parishioners organized a prayer vigil in front of the People’s Committee office in Ha Dong city for the restitution of the old rectory and its land that formerly belonged to Ha Dong parish. That building was once the headquarters of the People’s Committee office in Ha Dong.

Ha Dong parish is a member of Ha Tay deanery in the Archdiocese of Hanoi. The local government has illegally occupied this rectory and its land since 1977 despite the parish’s persistent requests for the return over the past 20 years.

Now the People’s Committee office has moved to another location, but they still reject the restitution of this building to Ha Dong parishioners. Local government officials keep ignoring parishioners’ legitimate request when being questioned and/or confronted.

They even sent an official correspondence to Father Joseph Nguyen Ngoc Hinh – Pastor of Ha Dong parish confirming that this rectory and its land were donated to the local government by a so-called "church keeper."

This official letter has really irritated the pastor and his parishioners as local government officials have barbarously ignored the core truth of the matter: how can a parishioner donate a rectory and the church’s land to the local government?

They also ignored the fact that during that time, Ha Dong parish did not have a permanent-assigned priest, and the man so-called "church keeper" was appointed by the local government themselves.

As a result, parishioners gather in front of the headquarters of the People’s Committee office since last Sunday afternoon of January 6, 2008 to hold daily prayers and recite the rosaries. They continue to do so until their legitimate request is met.



 
A “protest” prayer blocks Hanoi traffic
Asia-News
15:22 11/01/2008
by J.B. An Dang

http://www.asianews.it/index.php?l=en&art=11221&size=

A thousand catholics go in procession to the building that once housed the apostolic delegation which the archbishop wants returned to the Church. A petition drive has been launched in favour of this step. For almost a month the faithful have been gathering to demonstrate their support for the demand.

Hanoi (AsiaNews) –
Priests in their vestments protested after the Mass
Thousands attended the protest
Traffic came to a halt in Hanoi after a group of Catholics organised a new form of protest. It happened yesterday when, after a Mass celebrated for the 89th birthday of Card Paul Joseph Pham Đinh Tùng, former archbishop of Hanoi, more than a thousand priests, men religious and faithful went in procession to the building that once housed the apostolic delegation that was confiscated by the authorities and is currently being used as a night club with its garden turned into a parking lot for government officials.

Hanoi’s current archbishop, Mgr Joseph Ngô Quang Kiêt, told his congregation in a letter dated 15 December that the building had been taken over in 1959 and that he was demanding its return. He also invited them to pray so that justice may be done.

Three days later Hanoi Catholics gathered in front of the building, which is part of a larger compound that includes the Bishop’s Residence and Saint Joseph cathedral, brought flowers and candles, and began praying.

Yesterday the “protest” prayer took place around noon catching police by surprise. The net result was that traffic was blocked for hours.

“We vow to fight for the justice to the end”, said one of the demonstrators.

The 18 December event was the first public demonstration by Catholics in the capital. On the 23rd a petition was launched to be submitted to local government authorities. On the 30th Mgr Joseph Ngô Quang Kiêt met Vietnamese Prime Minister Nguyễn Tấn Dũng. But so far nothing has been done.
 
Vietnam: city traffic blocked by Catholics' mass protest
Independent Catholic News
15:37 11/01/2008
Hanoi - A sudden mass protest of Catholics yesterday blocked Hanoi traffic for hours. Prayer protests for the restitution of the old building of the apostolic delegation in Hanoi have occurred every night since December 18. But this time, it occurred at noon, drawing larger crowd.

After the Mass to celebrate the 89th birthday of Cardinal Paul Joseph Pham Dinh Tung, retired archbishop of Hanoi; priests, religious and the laity of the archdiocese made a sudden mass protest in front of the old apostolic delegation's building. The protest that lasted for more than half an hour caused traffic in the nearby neighborhood blocked for hours as police were not prepared for the event. Protest organizers estimated the crowd at up to 1000 people.

A Catholic attending the protest told VietCatholic: "We vow to fight for the justice to the end".

In a letter, released on December 15, 2007, Archbishop Joseph Ngo Quang Kiet of Hanoi told his congregation that the Apostolic Delegate's Office within the premises of his palace was seized illegally by the government since 1959. He asked the congregation to pray for the return of the building.

On December 18, a rally - the first demonstration of Hanoi Catholics since the communists came to power in 1954 - was held drawing thousands Catholics to the street. There continued to be prayer protests since then.

On December 30, Vietnam Prime Minister Nguyen Tan Dung visited the archbishopric palace. He saw by his eyes people praying in front of the building and waiting in long queues to sign a petition for its return to the Church. However, so far, no concrete solution has been reached to satisfy the legitimate aspiration of Hanoi Catholics.

http://www.indcatholicnews.com/vitncit435.html

© Independent Catholic News 2008
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tĩnh tâm Linh Mục giáo phận Phan Thiết
LM. Giuse Nguyễn Hữu An
11:12 11/01/2008
TĨNH TÂM LINH MỤC GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

Thời gian: 07-11/01/2008

Chủ đề: NHÌN LẠI ĐỜI SỐNG LINH MỤC

Giảng phòng: Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên, Giám Mục Hải Phòng.

Giáo phận Phan thiết tổ chức tuần tĩnh tâm cho các linh mục từ ngày đầu năm mới.

Với dãy nhà tĩnh tâm mới khánh thành ngày 1.1.2008, Toà giám mục có đầy đủ phòng cho các cha về dự tĩnh tâm. Khuôn viên thoáng mát, rộng rãi, có núi Đức Mẹ Tàpao, tiếng róc rách của dòng suối chảy, màu xanh của cây cảnh vườn cỏ, tất cả đã tạo nên một bầu khí nhẹ nhàng tỉnh lặng thích hợp cho tâm tình cầu nguyện.

Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, chủ toạ và giảng lễ mỗi ngày.

Có 80 linh mục tham dự. Đức Cha Nicola dù tuổi cao, sức khoẻ sa sút, nhưng đã hiện diện một đôi lần, thăm hỏi các linh mục.

Đức Ông G.B Lê Xuân Hoa, Tổng đại diện, thay mặt linh đoàn giáo phận chào và cám ơn 2 Đức cha. Đức Cha Giuse đến từ Hải phòng, thành phố hoa phượng, thành phố cảng. Hai giáo phận có những nét tương đồng tạo nên nhịp cầu giao lưu trong tình hiệp thông Hải phòng - Phan thiết, hai giáo phận gần biển, quanh năm nghe sóng biển rì rào, con người miền biển vốn đơn sơ hiền hoà.

Cám ơn Đức cha Phaolô đã lo lắng cho đời sống tâm linh của các linh mục. Tổ chức tuần tĩnh tâm là bảo vệ và thăng tiến đời sống thiêng liêng các linh mục, cũng cố và phát huy tình nghĩa anh em linh mục. Tĩnh tâm năm là độ dài thời gian giúp anh em cầu nguyện với Chúa, gặp gỡ nhau, đồng thời định hướng những sinh hoạt trong giáo phận trong công tác truyền giáo.

Cám ơn Đức Cha Giuse đã nhận lời mời đến giúp giảng phòng. Đường xá rất xa nhưng Đức Cha đã nhiệt thành đến giúp linh mục đoàn Phan thiết.

ĐGM ban huấn từ khai mạc: Chúa Giêsu tĩnh tâm 40 ngày trong sa mạc trước khi bắt đầu sứ vụ rao giảng Tin mừng. Là Con Thiên Chúa thông biết mọi sự nhưng khi vào trần thế, Chúa Giêsu cũng dành thời gian dài tĩnh tâm.

Linh mục Tĩnh tâm với Chúa là vào sa mạc, tìm lại thánh ý Chúa để luôn trung thành trong sứ vụ.

Tuần tĩnh tâm là thời gian tạ ơn Chúa, dâng lên Chúa những kết quả, những công lao, những khó khăn trong công tác mục vụ một năm qua đồng thời sống tâm tình cầu nguyện sốt mến.

Tĩnh tâm là vào sa mạc, là thời gian thánh, mọi công việc được xếp qua một bên, đặt mình trước sự hiện hiện của Chúa, rà soát lại bản thân. Cần sự thinh lặng, riêng tư và cầu nguyện.

Mục đích của tĩnh tâm là: tăng cường đời sống thiêng liêng, tháp nhập con người linh mục vào Chúa Kitô và kiện toàn đời sống phục vụ trong yêu thương.

Để có hiệu quả: Cần dành mọi thời giờ để gặp Chúa, Nghiêm chỉnh giữ kỷ luật.

Thừa tác vụ linh mục là thừa tác vụ thánh được đón nhận từ Chúa Kitô: Như Cha đã sai Thầy, thầy cũng sai anh em…Thầy đã chọn anh em và sai anh em ra đi để anh em mang lại hoa trái…Công tác mục vụ của linh mục là phục vụ vì lý tưởng Tin mừng, công việc phục vụ luôn gắn bó với Chúa Kitô

Tuần tĩnh tâm là thời gian sống tình hiệp thông cao độ nhất. Hiệp thông với Chúa Giêsu qua đời sống cầu nguyện và hiệp thông với anh em qua chia sẽ kinh nghiệm mục vụ.Vì thế Đức Giám mục đã mời gọi các linh mục hãy cố gắng giữ sự thinh lặng tuyệt đối trong các giờ xét gẫm để cầu nguyện và để xét mình.

Giờ Thánh mỗi tối do các Cha Hạt Trưởng chủ sự và suy niệm trước Thánh Thể. Nội dung bao gồm các chủ đề: Linh Mục và quản trị giáo xứ, linh mục và giáo dục đức tin, linh mục và phục vụ Lời Chúa, linh mục và Truyền Giáo.

Đức Ông Tổng đại diện giúp nguyện gẫm sau kinh sáng mỗi ngày. Những gợi ý giúp suy gẫm về cuộc sống linh mục cần có sự tĩnh lặng, sống thánh thiện và thực thi bác ái mục tử. Ý nguyện ngày 10/1 nhớ đến các linh mục đã qua đời.

Chương trình các ngày tĩnh tâm đầy ắp sinh hoạt đạo đức:

Ban sáng: Kinh Sáng, Nguyện Gẫm, Thánh Lễ, Bài Giảng, Thinh Lặng Xét Gẫm.

Ban trưa: Kinh Sách, Lần Chuỗi

Ban chiều: Kinh Trưa, Bài Giảng, Thinh Lặng Xét Gẫm, Kinh Chiều.

Ban tối: Chầu Thánh Thể, Kinh Tối.

Các Linh mục tham dự tuần tĩnh tâm thật sốt mến trong các giờ đạo đức, chăm chú lắng nghe các giờ giảng bài, thinh lặng cầu nguyện xét mình trong các giờ riêng tư, trao đổi kinh nghiệm mục vụ trong các giờ giải lao.

Đức Cha Giảng Phòng trình bày lưu loát, hấp dẫn. Nhìn lên Đức Giêsu với 6 nét chân dung như 6 viên ngọc quý kết thành chuỗi ngọc quy chiếu về Đức Giêsu. Ngài minh hoạ bằng những câu chuyện đời thường, dí dỏm tạo bầu khí vui tươi thoảI mái.

Từ lời mời gọi của Chúa Giêsu: ”Hãy vào nơi thanh vắng nghĩ ngơi đôi chút”

Từ lời Thánh Phaolô nhắn gởi môn đệ Timôthêô: “ Hãy khơi dậy đặc sủng Thiên Chúa, đặc sủng mà con đã nhận được do việc đặt tay của cha”; Đức cha giảng phòng với 6 bài giảng đã giúp các linh mục nhìn lên Chúa Giêsu để nhìn lại chính mình.

Nhìn lên Đức Giêsu như là nhà giảng thuyết để linh mục soi mình trong sứ vụ loan báo Lời Chúa. Nhìn lên Đức Giêsu, Đấng tự khiêm tự hạ, linh mục sống lời mời gọi từ bỏ. Nhìn lên Đức Giêsu, Đấng Thiên Sai, linh mục ý thức rằng mình là người được sai đi. Nhìn lên Đức Giêsu từng trải qua các cơn cám dỗ để linh mục sống với những thách đố hôm nay. Nhìn lên Đức Giêsu, một ngôn sứ vĩ đại, linh mục luôn trở nên con người đối thoại. Nhìn lên Đức Giêsu, Đấng Thánh của Thiên Chúa, linh mục với sứ mạng nên Thánh hàng ngày.

Cuối tuần, Đức cha giảng phòng gởi đến mỗi cha tập tài liệu các bài giảng. Về nhà đọc lại và suy gẫm thêm.

Ngày cuối tuần tĩnh tâm, thánh lễ đồng tế tại Nhà thờ chính toà với tâm tình tạ ơn Chúa.

Tuần tĩnh tâm giúp nhiều ơn ích thiêng liêng cho các linh mục. Trở về lại giáo xứ với công việc mục vụ, linh mục luôn nhìn lên Chúa Giêsu, chiêm ngắm những chân dung sống động của Chúa, sống những gì đã nghe Chúa nói, sống những gì đã cầu nguyện.

Dân Chúa bước vào năm Giáo dục Kitô giáo. Mỗi giáo xứ tổ chức học tập Thư Chung. Linh mục nhìn lên Chúa Giêsu, nhà giáo dục vĩ đại nhất để noi gương hầu có thể trở nên nhà giáo dục đức tin gương mẫu.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An
 
Tản mạn về cuộc đời truyền giáo tại Paraguay
LM Trần Xuân Sang, SVD
17:51 11/01/2008
PARAGUAY: TẢN MẠN TRUYỀN GIÁO

GẶP ĐỒNG HƯƠNG

Vào một ngày Chúa nhật, sau thánh lễ lúc 10h00 tại một ngôi nhà nguyện bé nhỏ cách giáo xứ khoảng 45 phút xe máy, tôi vội trở về giáo xứ vì có một cuộc hẹn. Về đến giáo xứ, tôi thật ngạc nhiên vì có 3 người Việt Nam vừa đến thăm tôi. Tôi mừng đến phát khóc vì lâu rồi không được gặp người Việt. Sau lời chào hỏi thân tình, một trong số họ lại hỏi tôi một câu rất thật lòng: “Trời ơi, sao Cha lại ở vùng Kinh tế mới. 30 năm trước chúng tôi đã sống ở vùng Kinh tế mới tại Parguay rồi mà bây giờ cha lại đun đầu đến đây làm gì?” Tôi phì cuời vì họ đâu hiểu là cách đây hơn 30 năm trước họ là người tản cư và được đưa qua Parguay sau một thoả thuận giữa chính phủ Nhật và Paraguay vì họ là thuyền nhân, và 30 năm sau tôi tự nguyện đến đây với tư cách là một nhà truyền giáo. Và cũng lâu rồi tôi lại được nghe ngôn ngữ Việt của hơn 30 về trước vì họ đã ở đây từ lâu mà chưa một lần về thăm quê hương. Kinh tế mới, từ ngữ gợi lại cho tôi về lịch sử gia đình tôi. Hơn 30 năm về trước gia đình tôi sống Sài Gòn với nhiều điều kiện thuận lợi vì ba tôi là một thuyền trưởng giỏi thuộc bên kia chiến tuyến. Tuy nhiên, sau ngày chạy loạn, thay vì gia đình tôi theo đoàn người đến một chân trời khác thì ba tôi lại quyết định chuyển đến vùng kinh tế mới dù có sự phản đối mạnh từ phía những người bà con và các anh em của tôi. Thế là từ đó gia đình chúng tôi trở thành một gia đình vô danh và nghèo nàn trong vùng kinh tế mới.

Gia đình tôi có 6 anh em trai và 3 chị em gái. Tôi là người con áp út. Má tôi là một tân tòng và từng là một phật tử nên ngày tôi đi tu, những người bà con phía má tôi phản đối vì cho rằng có lẽ tôi thất tình mới vào chốn thiền môn! Tôi hoàn toàn có quyền tự do lựa chọn cuộc sống cho riêng mình. Tôi từng là một ứng sinh sinh của chủng viện nhưng số phận lại đẩy đưa tôi trở thành một tu sĩ truyền giáo.

Trở lại chuyện những người Việt tại Paraguay. Tôi rất cảm động khi họ đã bỏ ngày Chúa Nhật lặn lội đến thăm tôi và còn đem cho tôi những món ăn rất dân dã của Việt Nam như nước mắm, gạo, mắm ruốc, mì tôm, xì dầu… mà họ mua từ Brazil vì ở Paraguay không có. Họ hỏi tôi rất nhiều điều về Việt Nam và lần luợt tôi trả lời cho họ những gì họ muốn biết. Chúng tôi đã trò chuyện với nhau như là những người thân nhau từ lâu lắm rồi. Họ nói một ngày nào đó họ sẽ trở về thăm quê hương để xem những thay đổi của đất nước. Họ cũng mời tôi nếu có dịp viếng thăm gia đình họ để có thể hàn huyên tâm sự nhiều hơn và cũng để họ giới thiệu một số gia đình Việt khác đang ở Paraguay và vùng giáp biên giới của Brazil. Chúng tôi từ biệt nhau sau khi thăm viếng cha bạn cũng là người Việt nam ở Encarnación vì họ còn phải về với gia đình của họ cách chổ chúng tôi khoảng 6 giờ xe.

MÙA GIÁNG SINH

Ngày lễ Giáng sinh sắp đến, chúng tôi có nhiều việc để làm như anh em chia nhau để đi dự lễ tổng kết cuối năm học để ban phép lành cho các em học sinh, sinh viên tốt nghiệp và được lên lớp, đặc biệt là chúng tôi chuẩn bị thánh lễ cho 24 cặp hợp thức hoá hôn nhân. Có những cặp hôn nhân được hợp thức hoá này đã lên chức ông bà nội ngoại nên trước những ngày này chúng tôi lại phải ngồi toà cho chính họ cũng như bà con thân thuộc của họ. Ở đây chúng tôi muốn cử hành một thánh lễ thật trang trọng để đón những người con hoang trở về sau nhiều năm xa cách Chúa, và cũng dịp này để nói lên ý nghĩa của bí tích hôn nhân cho con cháu và những người tham dự hiểu rõ hơn. Thật sự bí tích hôn nhân không phải do linh mục cử hành mà do chính những người phối ngẫu cử hành. Rất nhiều người lầm tưởng nếu linh mục không cử hành bí tích hôn nhân thì sẽ không thành sự! Linh mục và cộng đoàn chỉ là những nhân chứng đại diện Giáo hội để chứng nhận đây là một cuộc hôn nhân hợp pháp.

Thánh lễ diễn ra lúc 20h00 tối thứ năm ngày 20/12/2007. Mặc dù lễ ban đêm nhưng hôm nay ngôi nhà thờ trở nên chật chội vì có rất nhiều người tham dự. Vị linh mục Paraguay và tôi đồng tế thánh lễ này. Khi tôi chuẩn bị công bố Phúc Âm, cha người Paraguay chạy lại nói nhỏ với tôi là chờ 1 tý vì có một cặp hôn phối đang đến trễ. Khi họ vừa hớt ha hớt hải chạy vào nhà nguyện với mồ hôi nhuễ nhoại thì vị linh mục Paraguay nói với cộng đoàn cho một tràng pháo tay để chúc mừng cặp hôn nhân này vì họ đã lặn lội từ một giáo họ rất xa giáo xứ với phương tiện thô sơ là chiếc xe ngựa để đến kịp thời. Đây cũng là một bài học cho tôi về sự hiền hoà của một vị mục tử. Nếu như ở Việt Nam có lẽ tôi sẽ bực mình và ngay cả cặp hôn phối sẽ hoảng sợ khi đến trễ, nhưng chính vị linh mục Paraguay đã có một cách xử sự rất đáng khen và làm cho mọi người cảm phục. Thánh lễ đã diễn ra thật tốt đẹp và nhiều cặp hôn nhân đã oà khóc vì cảm thấy sung sướng được hoà nhập vào cộng đồng mà trước đây họ tưởng chừng bị bỏ rơi.

Rồi ngày lễ Giáng sinh lại đến. Ở đây đang là mùa hè nên trời thật oi bức. Mọi người cùng nhau chuẩn bị cây thông Giáng sinh và những bài hát nhưng thú thật tôi chưa cảm thấy quen với bầu khí Noel ở đây vì hình như thiêu thiếu một cái gì. Đâu đó vọng lại trong tôi những bài hát Noel ở quê nhà như Hang Bê-lem, Cao Cung Lên… khiến lòng tôi rộn lên. Những bài thánh ca xứ Nam Mỹ tuy cũng rộn ràng, hoàng tráng, cũng trầm bổng nhưng tôi chưa cảm được. Ở đây người ta làm các hang đá thật sơ sài và hình như người ta chẳng còn chú trọng đến hình thức nữa. Nội dung đã thiếu vắng và hình thức cũng chẳng còn. Chủ nghĩa thế tục đang gặm nhắm vào tận hang cùng ngốc hẻm khiến nhiều người tỏ ra thờ ơ với ngày trọng đại của Con Chúa Giáng Trần.

Đêm 24 tháng 12, tôi chuẩn bị dâng thánh lễ lúc 20h00 thì lúc 19h00 trời lại nổi cơn giông tố lớn chưa từng thấy dù cả ngày trời rất đẹp. Mưa lớn, điện cúp và bên ngoài trời tối đen và sấm chớp ầm ầm nổi lên như tận thế sắp đến khiến cho đêm Noel ở đây thật ảm đạm. Chúng tôi không thể nào đi đến các giáo họ để dâng lễ và chúc mừng Giáng sinh được vì trời mưa và đường xá quá nguy hiểm. Tại giáo xứ, chỉ có 1 giáo dân đến sớm và bị kẹt mưa nên ở lại với tôi và Đêm Noel này tôi đã dâng thánh lễ âm thầm với 1 ngọn nến, 1 linh mục và một giáo dân. Qua đó tôi mới cảm nghiệm được một điều là nhiều khi mình lo lắng, bôn ba nhiều chuyện và mình nghĩ đó là tốt, là hay nhưng nếu Chúa không muốn thì mọi sự chắc chắn sẽ không thành. Ý mình không phải là ý Chúa. Mầu nhiệm Giáng Sinh hôm nay sao mà trơ trọi, vô hình, không ai biết đến! Đây là đêm Giáng sinh buồn nhất trong cuộc đời tôi. Thế kỷ XXI rồi mà dường như ở đây tôi đang sống vào thời xa xưa. Có lẽ Chúa Giêsu muốn nhắc nhở tôi cần phải sống khiêm nhường hơn, sống nội tâm hơn là hình thức bề ngoài. Tôi thầm thỉ nguyện cầu với Chúa Hài Đồng giúp tôi biết chu toàn nhiệm vụ, biết mở lòng đón nhận những nghịch cảnh và sẵn sàng chịu đựng tất cả những vui buồn trong cuộc sống truyền giáo.

Sáng ngày 25 tháng 12, trời bớt mưa và giáo dân bắt đầu đến tham dự thánh lễ khoảng chừng 80 người. Họ là những cụ già, những bà goá thường xuyên tham dự thánh lễ sẵn sàng lội mưa với đường xá sình lầy để mừng Chúa Giáng sinh. Còn giới trẻ vì đêm qua lo tiệc tùng dù trời mưa nên đến giờ này vẫn còn ngủ cho đã giấc. Trong bài giảng, tôi đã chia sẻ với họ về mầu nhiệm Con Chúa Làm Người để con người được làm Con Chúa nhưng dường như ngày nay người ta không muốn làm con Chúa nữa mà muốn điều khiển cả Chúa. Tôi chia sẻ với họ trong nước mắt vì đêm qua dường như tôi không chợp mắt được khi nghĩ đến bầu khí Giáng sinh quê nhà. Đúng là xứ truyền giáo vì ở ớ đất nước này mặc dù thiếu linh mục nhưng dường như người ta cũng chẳng cần sự hiện diện của các nhà truyền giáo, và nếu có thì chỉ có một số người đạo đức cần tham dự các bí tích mà thôi. Nhiều khi nghĩ lại cũng thấy buồn buồn, tủi tủi và hay có sự so sánh giữa giáo hội Việt Nam và cá giáo hội ở Nam Mỹ. Nếu bao lâu tôi chưa dứt được với những giấc mơ hồng ở quê nhà chắc tôi không thể nào trụ vững nơi đây được.

TẾT TÂY 2008

Ngày 2 tháng 1 năm 2008, tôi có dịp lên thành phố để chụp phim cánh tay vì ngày lễ Thánh Gia 30.12.2007 vừa qua tôi bị té xe sau khi dâng thánh lễ ở một nhà nguyện khá xa bằng xe honda với một giáo dân. Dịp này tôi cũng được nghỉ mấy ngày để sau đó tôi về lại thủ đô Asunción họp mặt và có một khoá học cho các nhà truyền giáo trẻ tại Paraguay. Tôi cũng hẹn cha bạn người Việt đang ở Paraguay để anh em có dịp gặp nhau. Và cũng dịp này chúng tôi muốn ghé thăm gia đình người Việt Nam lần trước đã ghé thăm chúng tôi. Gia đình anh Thành và chị Thanh đến Paraguay từ năm 1976 nhưng sau đó vì kế sinh nhai anh chị đã làm việc ở hai đất nước là ngày ở Paraguay và đêm ở Brazil. Anh chị có 7 người con đều đã khôn lớn, hầu hết đã lập gia đình và rất thành đạt. Dịp này anh chị mời chúng tôi qua thăm gia đình anh chị ở Brazil. Từ Ciudad del Este (Phồ Đông) của Paraguay, một thành phố sầm uất và nhộn nhịp như Phố Sài Gòn ở Việt Nam, chúng tôi đã đi qua cầu hữu nghị để vào đất nước Brazil rộng lớn. Chỉ cách một chiếc cầu ngăn cách giữa hai quốc gia vùng Nam Mỹ mà có quá nhiều khác biệt như múi giờ thay đổi (Brazil đi trước Paraguay 1 giờ đồng hồ), cơ sở hạ tầng thay đổi (đường xá ở Brazil rất đẹp và toàn là các cao ốc trong khi ở Paraguay tìm đỏ cả mắt chỉ có vài cao ốc!); ngôn ngữ khác biệt vì ở Paraguay nói tiếng Tây Ban Nha và tiếng Guarani còn ở Brazil thì nói tiếng Bồ Đào Nha); đồng tiền có sự chênh lệc rất lớn (1 Real của Brazil đổi được gần 2.500 Guarani của Paraguay). Kể ra như thế để biết được sự chậm tiến và sự tham những của Paraguay đã làm cho đất nước trì trện đến mức nào. Chúng tôi đi qua thành phố Foz của Brazil để thăm các gia đình Việt Nam. Thật là một điều bất ngờ thú vị vì khi chúng tôi đến nhà anh Thành, gia đình Việt Nam mà chúng tôi mới quen biết, chúng tôi lại được gặp 3 nữ tu thuộc Dòng Phaolô ở Việt Nam (1 Soeur thuộc tỉnh Dòng Phaolô Đà Nẵng và 2 Soeurs thuộc tỉnh Dòng Phaolô Sài Gòn) đã qua Brazil làm việc truyền giáo hơn 3 năm và một linh mục Việt Nam cũng thuộc Dòng Ngôi Lời từ tỉnh Dòng Úc đã phục vụ ở Brazil gần 3 năm nay. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, một niềm vui không thể diễn tả hết được. Chúng tôi đã nói chuyện với nhau rất nhiều. Gia đình anh Thành đã mời chúng tôi đi tham quan du lịch ở một công viên quốc gia rất nổi tiếng ở Brazil và trên thế giới đó là công viên Cataratas del Iguazú ở Brazil. Đây là một quang cảnh thiên nhiên lớn nhất vùng Nam Mỹ với thác nước cao hơn 8 mét. Rất nhiều khách du lịch tham quan mỗi ngày và khuôn viên du lịch rộng bằng cả một thành phố.

Lần đầu tiên sau khi rời Việt Nam đến giờ, hôm nay chúng tôi đã cử hành thánh lễ tạ ơn Chúa dịp đầu năm mới bằng tiếng Việt tại gia đình anh Thành với sự hiện diện của 2 anh em đồng môn, 3 nữ tu Phaolô việt Nam và những người Việt xa xứ ở Paraguay và Brazil. Trong bài chia sẻ của ngày Chúa Nhật lễ hiển linh, tôi mong ước những người Việt xa xứ trong đó có cả những tu sĩ, những nhà truyền giáo Việt Nam hãy cố gắng sống bằng chính đời sống chứng nhân của mình và đừng bao giờ lấy văn hoá của Việt Nam đặt vào văn hoá của những người bản xứ ở đây. Người mẹ của anh Thành đã gần 80 tuổi sau khi xưng tội và tham dự thánh lễ bằng tiếng Việt mà hơn 30 năm qua đã không được tham dự đã khóc nức nở vì hạnh phúc. Bà nói rằng tiếng Tây Ban Nha cũng không biết, tiếng Bồ Đào Nha cũng chẳng thông, rồi tiếng Việt lâu lắm rồi mới đối đáp trong thánh lễ nên đôi lúc cũng quên mất nhưng bà chia sẻ là không biết ngày nào mới có được niềm vui như ngày hôm nay. Anh Dũng, một doanh nhân khá thành đạt có vợ là người Brazil, là người không Công giáo nhưng anh chia sẻ trong lời nguyện giáo dân rất chân tình vì anh đã mang ơn Chúa rất nhiều từ ngày rời xa quê hương để sống nơi đất khách. Các Soeurs cũng rất vui mừng vì đây là lần thứ hai tham dự thánh lễ bằng tiếng Việt kể từ ngày đến vùng đất truyền giáo. Vào buổi tối, anh Thành đã mời những người Việt sống trong vùng lân cận và gọi tất cả con cháu, dâu rể của anh để họp mặt và gặp gỡ đồng hương. Kỳ thực đại gia đình của anh Thành cũng là gia đình liên hiệp quốc vì dâu rể và con cháu là người Việt, Brazil, người Hoa. Có người cháu của anh Thành nói được 5 thứ tiếng. Kể ra người Việt mình cũng khá và thành công ở xứ người. Mọi người được dịp thi thố tài năng qua những câu chuyện vui, qua những món ăn thuần Việt và ai cũng vui mừng với cuộc hội ngộ đầy bất ngờ này. Chỉ có những người Việt xa xứ mới có những tình cảm nồng ấm như thế này. Cuộc vui đã kéo dài đến gần 1 giờ sáng mà mọi người vẫn chưa muốn kết thúc. Chỉ trong Chúa Kitô mọi người mới có được sự hiệp nhất và niềm vui dâng tràn.

Ngày hôm sau, anh em chúng tôi phải từ biệt sau thánh lễ vì chúng tôi còn phải về lại Paraguay để tham dự khoá học cho các nhà truyền giáo trẻ. Mọi người đều quyến luyến, bồi hồi như những người yêu sắp chia tay nhau. Tôi đã cố giấu những giọt nước mắt sắp rơi xuống khi bà mẹ anh Thành chào từ biệt tôi trong nước mắt và nói rằng không biết đến khi nào tôi có thể trở lại thăm bà để có cuộc vui như thế này. Tạ ơn Chúa vì đã cho chúng con, những người con xa xứ được hội ngộ nhằm tiếp lửa để chúng con có đủ sức vượt qua những cơn sóng gió.

(Ngày 11/01/2008). Email: tranxuansang@gmail.com
 
Quí tân linh mục Bắc Ninh dâng lễ Tạ Ơn tại ĐCV Hà Nội
Đaminh Nguyễn Văn Bích
19:05 11/01/2008
HÀ NỘI -- Trên đời không có gì đẹp và ý nghĩa cho bằng lòng biết ơn. Chính trong tâm tình này, hôm nay, ngày 11 tháng 1 năm 2008, sau đúng 10 ngày lãnh nhận thiên chức linh mục, năm tân linh mục thuộc giáo phận Bắc Ninh đã hân hoan trở về gia đình Đại chủng viện thánh Giuse Hà Nội dâng thánh lễ tạ ơn. Đoàn gồm có quý cha: Giuse Lê Quốc Chinh, Giuse Trần Văn Chỉnh, Giuse Hà Mạnh Hoàn, Anrê Nguyễn Quang Phúc và Phanxicô Xaviê Bùi Quang Thuận. Năm tân linh mục này đã từng tu học tại Đại chủng viện Hà Nội niên khóa 2000 - 2007.

Thật đáng trân trọng cảm nhận sâu sắc của Cha Giuse Lê Quốc Chinh về thiên chức linh mục khi cho rằng đó là hồng ân vô giá của Thiên Chúa tặng ban cho các ngài cách nhưng không. Không vì sự xứng đáng hay tài đức… nhưng do lòng thương xót và tình yêu vô bờ của Thiên Chúa. Và như thế, cuộc đời của các ngài không gì khác hơn đó là một cuộc đáp trả không ngơi nghỉ vì tình yêu, cho tình yêu được khởi đi từ lòng tri ân Thiên Chúa thông qua việc mến yêu và phục vụ mọi người.

Bài giảng và cũng là bài cám ơn của các tân chức thật độc đáo và đầy đủ, vì đã tỏ bày lòng tri ân sâu sắc đối với Đức Hồng Y Phaolô Phạm Đình Tụng, Đức tổng Giuse Ngô Quang Kiệt, các Đấng Bề trên, Cha Giám Đốc, quý Cha Ban giám đốc, Ban giáo sư, Tổ tiên, Cha Mẹ, các Ân nhân còn sống hoặc đã qua đời đã yêu thương và dày công dưỡng dục các ngài. Và cám ơn anh em cùng mọi thành phần trong Gia đình Đại chủng viện đã hi sinh, cầu nguyện và đồng hành.

Đối với các tân chức, việc lãnh nhận chức linh mục của các ngài ngày 01 tháng 1 năm 2008 không phải là hoàn tất đời dâng hiến, nhưng là điểm khởi đầu cho một hành trình mới trong niềm vui và hy vọng song song với những vô thường và thách đố. Vì thế, các ngài xin mọi người luôn hiệp thông trong tâm tình tri ân, cầu nguyện và nâng đỡ các ngài để các ngài chu toàn sứ vụ Thiên Chúa uỷ thác.

Bữa tiệc trưa nay do các tân chức khoản đãi cả nhà thật vui và chứa chan tình Chúa, tình Thầy trò và đậm đà tình huynh đệ.

Tình yêu và niềm vui không là để dành, nhưng cần được cho đi. Vì thế, sau sau bữa cơm, dù còn bao quyến luyến, nhưng các ngài cũng phải tạm biệt Gia đình để tiếp tục lên đường chia sẻ niềm vui, thắp sáng niềm tin và hy vọng cho không chỉ 125.000 giáo dân, nhưng còn hơn 7 triệu anh chị em lương dân trong giáo phận Bắc Ninh đang cần được loan giảng Tin Mừng.

Được gọi, chọn vì tình yêu của Chúa, hân hoan ra đi vì tình yêu Chúa và Giáo Hội, tin chắc các tân chức của giáo phận Bắc Ninh sẽ chu toàn viên mãn sứ vụ mục tử của mình như lòng Chúa và Giáo Hội mong ước.

Nguyện xin Chúa Thánh Linh luôn ban cho các ngài chứa chan tình mến và ân sủng để các ngài luôn sống tin yêu và phục vụ Chúa và tha nhân.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Giáo dân Hà Đông cương quyết đòi lại giáo xứ: họ biểu tình và cầu nguyện trước UBND thị xã
PV VietCatholic
06:18 11/01/2008
HÀ ĐÔNG – Chúa Nhật vừa qua (6/01/2008), đông đảo anh chị em giáo dân đã tổ chức một buổi cầu nguyện đông đảo trước Uỷ Ban Nhân Dân thành phố Hà Đông để yêu cầu nhà nước sớm hoàn lại cho họ nhà xứ của giáo xứ Hà Đông mà nhà nước đã chiếm làm trụ sở Uỷ Ban Nhân Dân thành phố. Giáo xứ Hà Đông, nơi đang diễn ra cuộc tranh chấp, thuộc Hạt Hà Tây trong tổng giáo phận Hà Nội.

Từ cả 20 năm nay (tức là từ năm 1977) Giáo xứ Hà Đông đã liên tục làm đơn đòi lại nhà xứ bị chính quyền chiếm dụng làm trụ sở Uỷ ban Nhân dân thị xã, nhưng chính quyền địa phương vẫn làm ngơ trước những đòi hỏi chính đáng của họ.

Thành phố Hà Đông là thủ phủ tỉnh Hà Tây nằm trên quốc lộ 6A nối Hà Nội với các tỉnh Tây Bắc Việt Nam. Diện tích tổng cộng của thành phố là 48 km2 với dân số khoảng 228,000 dân, được chia thành 7 phường, và 5 xã.

Sau khi cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam, nhà nước cộng sản đã thực hiện việc phân chia lại ranh giới địa lý của nhiều tỉnh thành ở miền Bắc và miền Nam. Ngày 27/12/1975, cộng sản sát nhập Hà Tây và Hòa Bình thành một tỉnh gọi là Hà Sơn Bình gồm 3 thị xã là Hà Đông, Sơn Tây và Hoà Bình, 12 huyện của Hà Tây là Đan Phượng, Hoài Đức, Chương Mỹ, Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức; và 9 huyện của Hòa Bình là Mai Châu, Đà Bắc, Kỳ Sơn, Lương Sơn, Kim Bôi, Lạc Sơn, Lạc Thủy, Yên Thủy, và Tân Lạc.

Như vậy Hà Sơn Bình bắc giáp với tỉnh Vĩnh Phú, đông bắc giáp thành phố Hà Nội, đông giáp tỉnh Hải Hưng, đông nam giáp tỉnh Hà Nam Ninh, nam giáp tỉnh Thanh Hóa, và phía tây giáp tỉnh Sơn La.

Năm 1978, hai thị xã Hà Đông, Sơn Tây và 5 huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất cùng một số xã ở phía bắc đường số 6 thuộc huyện Chương Mỹ, Thanh Oai và Thường Tín được nhập vào thành phố Hà Nội.

Ngày 12/8/1991 nhà nước cộng sản lại tách Hà Sơn Bình ra thành hai tỉnh như hiện nay là Hà Tây và Hoà Bình.

Ngày 3/2/2007, thị xã Hà Đông được “nâng cấp” thành Thành Phố Hà Đông. Trụ sở của Ủy Ban Thành Phố này là nhà xứ mà nhà nước đã cướp từ năm 1977.

Gần đây UBND đã xây dựng ở chỗ khác, nhưng chính quyền vẫn không trả lại khu đất nhà xứ cũ. Giáo dân kéo tới chất vấn đấu tranh thì chính quyền cứ khất lần.

Nhưng vừa rồi UBND viết công văn gửi cha xứ Giuse Nguyễn Ngọc Hinh trả lời dứt khoát là đất nhà xứ Hà Đông năm 1977 đã được ông chánh trương hiến tặng cho Nhà nước.

Công văn đó đã làm cha xứ và giáo dân bất mãn vì tính cách vô lý của UBND. Làm sao một ông chánh trương có quyền lấy đất của Nhà thờ tặng nhà nước được, lý luận vô lý quá. Hơn thế vào thời kỳ mà họ trưng dụng đất nhà xứ, giáo xứ Hà Đông không có linh mục chính xứ mà ông chánh trương lại do chính UBND họ đặt lên.

Hôm Chúa Nhật (6/01/2008) vừa qua, cả ngàn giáo dân đã cũng kéo đến trước trụ sở UBND (tức đất nhà xứ cũ) đọc kinh, cầu nguyện và đòi hỏi UBND thị xã Hà Đông trả lại nhà xứ cho họ. Sau đây là ít hình ảnh đông đảo dân chúng bầy tỏ lập trường của họ:











 
Những hồi ức về đất đai của Tòa Giám Mục và Tòa Khâm sứ cũ
+GM F.X. Nguyễn Văn Sang
09:54 11/01/2008
NHỮNG HỒI ỨC VỀ ĐẤT ĐAI

CỦA TÒA GIÁM MỤC VÀ KHU TÒA KHÂM SỨ CŨ


Có người đã nói một cách hài hước rằng: bên thực sự có đất thì lại bị những vành đai chia cắt, bao bọc chung quanh, tức là những hàng rào dây thép gai, sau là bức tường vững chắc, sau cùng là hàng rào bằng sắt thép. Người ta nói đó là Tòa Giám mục bị mất phần đất nơi Tòa Khâm Sứ cũ. Còn bên không có đất thì lại có quyền dựng lên những vành đai ngăn trở những người có đất tới sử dụng và đọc kinh cầu nguyện. Nói vậy cho vui thôi, còn cá nhân tôi không muốn dùng những luận điệu tương tự như thế để như một hành động “đổ thêm dầu vào lửa”, nhất là theo tin tức những ngày gần đây, đất của Tòa Khâm Sứ cũ đang được tính toán giải quyết êm đẹp, ổn thỏa làm đẹp lòng các bên hữu quan. Vì thế, trong tinh thần xây dựng và đối thoại, tôi muốn kể lại đôi dòng lịch sử về khu đất trước đây của Tòa Khâm Sứ đã hiện diện và làm việc.

Lúc tôi còn là một thiếu niên học trường Dũng Lạc (trường Hoàn Kiếm bên cạnh nhà thờ lớn ngày nay), tức là trước năm 1950 – năm thiết lập Tòa Khâm Sứ - tôi vẫn rủ bạn bè thiếu nhi tới sân Nhà Chung trước cửa Tòa Giám Mục ăn thông từ Tòa Giám Mục ngày nay suốt mãi tới ngôi nhà của các cha thuộc Hội Thừa Sai Paris trú ngụ và làm việc. Phía đằng sau của khu nhà là vườn rau chạy dài tới xưởng của hãng sửa chữa ôtô (vẫn quen gọi là xưởng Hall). Chúng tôi còn đến gốc cây đa cổ thụ, nơi có hang đá Đức Mẹ để chơi đùa, bắn chim và lấy những búp đa thổi nghịch với nhau. Trong những năm đó, tôi còn nhớ các cha thừa sai hay đi lại, nhất là cố chính Năng, cố Lạc, cố Minh v.v... Ngôi nhà Tòa Khâm Sứ ngày trước là sở quản lý của Nhà Chung Hà Nội, hoạt động dưới sự điều khiển của cố chính Hóa. Nếu các bạn có lần vào thăm ngôi nhà đó, sẽ không khỏi ngạc nhiên trước cách bài trí rất đặc biệt của các phòng ốc nơi đây. Khu nhà gồm những phòng nhỏ, nhiều cầu thang, không giống như nhiều dinh thự mà chúng ta vẫn thường thấy. Nhưng khi hỏi ra mới biết, các cha có ý xây như thế để làm đầu của một dinh thự mà dự kiến sẽ được xây chạy dài từ đó đến hết dãy phố Tràng Thi. Về phía đằng kia, (có lẽ ở căn nhà đối diện với Bệnh viện Việt Đức bây giờ - hiện là một đại lý bán máy ảnh của hãng Sony) các cha sẽ xây dựng một tòa nhà giống như Tòa Khâm Sứ bây giờ, chứ không phải một biệt thự độc lập như các kiến trúc sư trẻ đã phát biểu. Như vậy thì Tòa Giám mục đã được xây dựng ở trên mảnh đất của chính mình. Còn Tòa Giám mục hiện nay có thể là một phần của Đại Chủng Viện (quen gọi là tràng Lý đoán), còn ngôi nhà thờ chính tòa ngày nay do Đức Cha Phước xây chỉ có ý dùng làm nhà nguyện cho các thầy chủng sinh mà thôi. Theo như ý định của ngài thì ngôi Nhà thờ Chính tòa Hà Nội sẽ phải được xây dựng bên cạnh hồ Hoàn Kiếm (tức là tại khu đất nhà in Báo Nhân Dân ngày nay). Tôi biết được điều này bởi Đức Hồng Y Giuse M. Trịnh Như Khuê đã nói với tôi, vì khi đó (khoảng năm 1970) tôi đang làm thư ký cho ngài. Như vậy, tài sản của Nhà Chung Hà Nội bao gồm cả Tòa Giám Mục, Đại Chủng Viện (tràng Lý đoán) và khu đất để xây dựng Nhà thờ lớn. Nếu như thế, diện tích đất thực sự của Nhà Chung là rất rộng chứ không phải chỉ hạn hẹp tối thiểu như ngày nay.

Còn về việc xây nhà thờ lớn Hà Nội biến diễn ra sao? Liên quan thế nào với Chùa Bảo Thiên?

Tôi nghe có nhiều người nói: nhà thờ đã được xây trên nền của Chùa Báo Thiên. Về việc này, tôi đã đọc thấy trong cuốn tiểu thuyết “Mẫu thượng ngàn” của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh. Trong tác phẩm nêu trên, từ trang 315 – 318, tác giả có đề cập đến việc xây cất ngôi nhà thờ chính tòa Hà Nội, nội dung có thể tóm tắt như sau: Đức Giám mục Pugnier (Đức Cha Phước) quyết định xây một ngôi nhà thờ lớn ở thủ đô Bắc Kỳ, ngài đã đem ý định này ra nói với ông Bonnal – lúc bấy giờ là Trú sứ Pháp tại Hà Nội. Ngài cũng bày tỏ ý muốn thích miếng đất trên nền Chùa Báo Thiên. Ông Bonnal liền tới gặp Tổng đốc Hà Nội là Nguyễn Hữu Độ, ông này cho người đi tìm nhà sư trụ trì chùa Báo Thiên để bàn bạc, nhưng mọi người đều nói không biết vị tăng đó hiện đang ở đâu. Sau một thời gian tìm kiếm nhưng cũng không thấy tung tích gì cả. Ông Tổng đốc bèn cho triệu tập các bô lão trong làng họp bàn và cùng ra xem xét ngôi chùa một thời vì chiến tranh loạn lạc đã bị tường xiêu mái thủng. Sau khi xem xét, ông liền bảo các bô lão viết một đơn xin phá chùa vì theo như nhận định của ông, để ngôi chùa trong tình trạng như thế có thể sẽ gây nguy hiểm chết người. Các bô lão nhất loạt ký vào tờ đơn đưa cho tổng đốc để nộp cho Trú sứ Bonnal. Thấy hợp với luật pháp, Trú sứ Bonnal liền quyết định cấp cái nền chùa vô chủ đã bị phá ấy cho Đức Giám mục. Ngay sau đó, Nhà thờ được khởi công và xây trong vòng bốn năm, từ năm 1884 – 1888. Đó lịch sử cây nhà thờ lớn Hà Nội.

Xem như vậy, ngôi nhà thờ Chính tòa Hà Nội đã được xây lên trên mảnh đất của ngôi chùa Bảo Thiên (lúc đó sự trụ trì), đã có đơn xin của các bô lão cho giỡ chùa ấy (Có thể việc nộp đơn này do Nguyễn Hữu Độ cưỡng bách như vẫn thường thấy ở nhiều nơi trên thế giới). Về việc này, chúng ta không thể trách được những người trong thời đại “thế thời phải thế”, nếu không, chúng ta phải làm lại lịch sử, phải phá dỡ không chỉ Nhà thờ Chính tòa Hà Nội mà là tất cả các tòa nhà, các dinh thự trong vùng đất đó có thể đã dính dáng đến những sai trái của hoàn cảnh lịch sử bấy giờ. Ai trong chúng ta sẽ có can đảm làm những việc ấy?

Khu Nhà Chung Hà Nội bao gồm những phần đất nào?

Lại nói ở trên, thực ra, đất và nhà của Nhà Chung Hà Nội (mà ngày nay chỉ còn có số 40), bao gồm toàn bộ diện tích phố Nhà Chung, Tràng Thi..., Ngoài ra, còn có một khu đất hiện nay làm Trường Mẫu giáo, trước đây là phần đất của một ngôi Nhà nguyện nhỏ. Theo như người ta kể lại, đây là nhà nguyện đầu tiên của thủ đô Hà Nội (nhà nguyện này còn được xây dựng trước cả nhà thờ Chính tòa Hà Nội). Hằng tuần, vẫn có linh mục tới dâng lễ và giáo dân sớm tối cầu nguyện. (Các cụ già còn sống chung quanh khu đó chắc có thể làm chứng). Nghe đồn rằng, khi xây dựng trường mẫu giáo trên mảnh đất đó, người ta còn đào được một số hài cốt mà nhiều người cho là hài cốt của các vị tử đạo. Thế rồi, cùng thời điểm chính quyền thu phần đất bên Tòa Khâm Sứ của Nhà Chung Hà Nội, ngôi Nhà nguyện lịch sử đó cũng bị phá hủy và nhường chỗ cho trường Mẫu giáo và một số hộ dân khác xử dụng. Nghe biết điều đó, những người nặng lòng với lịch sử đất nước và giáo hội không khỏi đau lòng, song vì mục đích nhân sinh, lo cho mầm non của đất nước, chúng tôi sẵn sàng hi sinh.

Như vậy không phải chỉ có Tòa Giám Mục nhỏ bé ngày nay, mà kể cả khu đất bên Tòa Khâm Sứ trước đây đều ở chung trên một mảnh đất như đã đề cập tới. Mọi người tự do qua lại chứ không phân biệt như ngày nay. Cho tới năm 1950, Đức Khâm Sứ Tòa Thánh là Jonh Dooley mới được Tòa Giám mục Hà Nội cho mượn để làm nơi cư ngụ và làm việc cho tới năm 1955, (tức là sau biến cố 1954) Tòa Khâm Sứ vẫn còn hoạt động, các Giám mục, linh mục vẫn đi lại, ra vào sinh hoạt bình thường. Vào những dịp lễ đại triều, Đức Khâm Sứ Tòa Thánh vẫn được rước từ đó ra nhà thờ Chính tòa để làm lễ và tham gia các lễ nghi phụng vụ. Tôi còn nhớ năm 1958, khi tôi được thụ phong Linh mục, chính Đức Khâm Sứ đã tới quỳ tại phòng áo Nhà thờ lớn để xin lĩnh Phép lành đầu tiên, rất hiền lành và khiêm tốn. Tới năm 1959, Đức Khâm Sứ lâm bệnh nặng, phải rời Hà Nội và trao lại công việc cho cha thư ký đảm trách. Một thời gian sau, cha thư ký cùng với một số thừa sai khác cũng bị trục xuất khỏi Hà Nội. Tuy nhiên, ngôi nhà đó vẫn được các linh mục Việt Nam trong giáo phận Hà Nội cư ngụ và làm việc. Tòa Khâm Sứ lúc này trở thành trụ sở của tòa quản lý của địa phận do cha Giuse Nguyễn Tùng Cương (sau này làm giám mục Hải Phòng) đảm nhiệm. Tôi còn nhớ có một số cha già về tá túc, như cha chính Tịnh… Tầng hầm của tòa nhà dành cho những người phục vụ giúp việc nhà chung như: bác Đạt (coi cổng), gia đình ông Tước (lái xe và phục vụ cho Đức Cha Khuê).

Một vài năm sau, khi Đức Khâm Sứ được chuyển vào miền Nam, chính quyền bắt đầu toan tính để lấy khu đất đó. Họ đã mời cha Cương (lúc bấy giờ đang làm quản lý của địa phận) và cha Mai ra làm việc trong nhiều ngày. Những cuộc tiếp xúc chẳng đem lại kết quả là bao. Tình hình mỗi lúc một căng thẳng, thực sự, tôi cảm thấy thương cảm cho các ngài. Sau cùng, chính quyền đã dùng một số hàng rào dây thép gai chăng từ cổng 40 Nhà Chung tới con đường vào chủng viện bây giờ. Nói là hàng rào dây thép gai, nhưng thực ra cũng chỉ cao chừng 40 cm, do đó, mọi người vẫn có thể qua lại, trẻ con vẫn chơi đùa nhảy nhót. Trước cửa Tòa Khâm Sứ có hang đá Đức Mẹ đặt dưới gốc cây đa cổ thụ. Giáo dân vẫn có thói quen đến đọc kinh, ca hát, viếng hang đá vào tối thứ bảy hàng tuần. Các hoạt động diễn ra êm thấm cho đến một ngày, tất cả các thành phần trong Nhà chung Hà Nội từ Đức Giám Mục, các linh mục, nam nữ tu sỹ đều được chính quyền triệu tập ra trụ sở suốt từ sáng tới trưa. Khi các ngài về đến nhà vào khoảng 12 giờ trưa, đã thấy một bức tường cao ngăn giữa Tòa Giám Mục và Tòa Khâm Sứ được mọc lên, bên trên có gắn dây thép gai. Được biết bức tường này do các nhóm thợ xây lên cũng vào buổi sáng hôm ấy. Tuy nhiên, bức tường chắn còn chừa lại một khoảng trống, đủ để làm một lối nhỏ thông giữa Tòa Giám Mục với Tòa Khâm Sứ. Mọi người hàng ngày vẫn có thể qua lối này để sang cầu nguyện với Đức Mẹ tại núi đá bên Tòa Khâm Sứ. Song sau một thời gian, chính quyền đánh tiếng đe dọa Đức Hồng Y Trịnh Văn Căn rằng: phải tháo dỡ núi đá và tượng Đức Mẹ chuyển sang phía 40 Nhà Chung, nếu để đó, họ sẽ không chịu trách nhiệm về việc các phần tử xấu có thể xâm phạm. Đức Hồng Y - vốn là người đạo đức và có lòng sùng kính Đức Mẹ cách đặc biệt – đã vội vàng cho di chuyển núi đá và tượng Đức Mẹ về phía bên cạnh Tòa Giám Mục như chúng ta thấy ngày nay. Khi việc di dời kết thúc, cũng là lúc bức tường ngăn được xây kín lại. Thế là: Đất lại có “Đai”.

Từ đó, mảnh Đất được “Đai” lại … Nó được gọi với một danh xưng khác là: Câu Lạc Bộ Thanh niên quận Hoàn Kiếm, vẫn giữ số nhà 40, và được trao cho Quận Ủy, Ủy Ban Nhân dân vv… quản lý và kinh doanh.

Các vị có trách nhiệm đã cho các công ty khai thác kiếm lời. Nào là câu lạc bộ Thể hình, nào là khu vui chơi giải trí… Nếu chỉ có vậy, đã là một sự việc gây chướng tai gai mắt rồi, nhưng tệ hơn nữa, họ còn cho sử dụng làm sàn nhảy để phục vụ cho các thanh thiếu niên choai choai, những cô cậu mới lớn. Hàng đêm, dưới ánh sáng chập chờn, ma quái, họ cặp lấy nhau múa nhẩy, quay cuồng, khoe mông, khoe bắp dưới những bộ y phục nghèo nàn, thiếu vải. Tiếng nhạc xập xình, đầy vẻ dâm dật không những gây ồn ào, ảnh hưởng đến nhân dân xung quanh, mà còn làm tổn hại nghiêm trọng đến bầu khí yên tĩnh của các bậc tu trì. Mà như mọi người đều biết, nơi đây, ngoài ngôi chùa Bà Đá cổ kính còn có trụ sở của các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội ở phía đằng trước; Chủng Viện Thánh Giuse ở sát góc và bên cạnh là Tòa Hồng Y - Tổng Giám Mục Hà Nội và đồng thời cũng là Trụ sở chính thức của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (nghe tin chính quyền Trung ương cũng mong muốn như vậy).

Tội nghiệp cho Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn, khi màn đêm buông xuống, thành phố bắt đầu lên đèn cũng là lúc bên kia bức tường, tiếng nhạc chát cúa vang lên với những giọng điệu lời ca lả lướt tình tứ. Ngài phải đóng chặt các cửa sổ, lấy bông đút chặt hai lỗ tai, đầu được bịt kín bởi chiếc mũ lông Liên Xô, chân xỏ bít tất, vừa đi đi lại lại ở hành lang, miệng vừa lẩm bẩm: “Bất trị thật, bất trị thật”. Tôi làm giáo sư và giám đốc Đại Chủng Viện, phòng ngủ sát tường trông ra góc sân Câu lạc bộ, mỗi lần chầu Mình Thánh Chúa ở nhà nguyện tầng hai, xen lẫn tiếng lần hạt cầu kinh là tiếng nữ ca sĩ với giọng ca ướt át, ủy mị, tiếc thương cho một mối tình: “Em đã yêu anh đến muôn đời, sao anh đành bỏ em…”. Nhất là vào dịp lễ trọng của Giáo Hội như lễ Giáng Sinh, Phục Sinh v.v.. câu lạc bộ đã cố tình tổ chức các lễ hội ca nhạc hoành tráng, mục đích để lôi cuốn các thanh niên nam nữ khỏi phải đến nhà thờ. Nhưng thực tế họ thường thất bại, vì các bạn trẻ thích đến nhà thờ hơn để được gặp gỡ Chúa và nghe lời của Ngài.

Thảm thiết nhất là thời điểm thập niên 80, hằng năm, tại Tòa Tổng Giám mục Hà Nội vẫn có cuộc nhóm họp của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Lúc đó chưa có tòa nhà ba tầng sau Đại Chủng Viện, cũng chưa có tòa nhà sát nhà xứ dành cho các Đức Giám mục lớn tuổi, mà chỉ có độc nhất tòa nhà 3 tầng, gọi là Tòa Hồng y Tổng Giám Mục. Tòa nhà 3 tầng thì tầng cuối cùng là phòng ăn, nhà khách, phòng quản lý; tầng 2 là phòng khách, phòng ngủ của Đức Hồng y và 2 phòng VIP dành cho khách quí như: các vị Tổng Giám Mục, khách Tòa Thánh v.v.. Chỉ còn tầng 3 với 10 phòng (đã phải dành 3 phòng cho thư viện, phòng họp và phòng cha thư ký vv…). Thế là gần 30 vị Giám mục, từ già tới trẻ, chen chúc nhau trong 7 phòng còn lại. Tôi nhớ có năm tôi được phân công ngủ chung phòng với 7 vị Giám mục khác, trong đó có Đức cha J.B. Bùi Tuần. Khổ nỗi, tôi lại có tật “kéo gỗ” suốt đêm, ngủ trưa cũng “kéo gỗ” luôn. Đến sáng, Đức Cha J.B. Bùi Tuần là vị Giám mục hiền từ đạo đức mà cũng lớn tiếng nói với tôi: “Ông Sang ơi! Xin ông đi chỗ khác mà ngủ, nếu cứ “ngáy” như vậy làm chết anh em”. Tôi đành len lén thu xếp hành lý đến trọ tại phòng cha Thomas Thủy, là học trò cũ của tôi. Cha Thủy nể “thầy” nên cho tôi ngủ trọ, còn ngài vác chăn chiếu đi nghỉ “hè” giữa mùa đông.

Tệ hại nhất là cả tòa nhà ba tầng đó, chỉ có các đầu nhà tầng III và tầng I là có nhà vệ sinh. Song các công trình này đã cũ nát, lại chật hẹp, hôi tanh, thế nên, coi cảnh mỗi buổi sáng, các đấng “kế vị các Thánh Tông đồ” và người phục vụ phải “xếp hàng” tranh thủ, thật không đẹp mắt chút nào, nhất là trong số đó lại có cả các vị Giám mục đã cao tuổi. Tôi có đem sự việc trình với Đức Hồng y Căn thì ngài thản nhiên trả lời: “Đất cát, phòng ốc, chỉ có vậy… phải hãm mình. Nhưng các Đức Cha đã cao niên, nhất là các vị ở miền Nam nói với tôi rằng: Các ngài sẽ không ra Hà Nội để họp Hội Đồng Giám Mục nữa, vì hãm mình thì được còn hãm các “sự ấy”… thì chịu thôi.

Đúng thế, người Tây họ nói: “đi việc cần” làm sao có thể hãm được. Ngày nay, khi đã ở cái tuổi “thất thập cổ lai hi” rồi, tôi mới thấm thía “chuyện đó”.

Sau này, thời Đức Hồng y Phạm Đình Tụng, rồi Đức Tổng Giám Mục Giuse ngày nay đã xây thêm một số nhà, góp phần hạn chế những “tiêu cực” kể trên, song vẫn còn thiếu thốn lắm. Như lời ngài phát biểu cũng như kính gửi đơn lên chính quyền xin hoàn trả lại đất bên Tòa Khâm Sứ cũ. Vậy, phải chăng, việc xin trả lại khu Tòa Khâm Sứ cũ là một nhu cầu chính đáng và cần được giải quyết thỏa đáng?

Khi tôi còn là Tổng Thư ký Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (1981-1997), tôi đã trình bày những tệ hại đó cho các vị có thẩm quyền khi được diện kiến các vị. Nhưng đa số các vị chỉ mỉm cười xã giao, hứa hẹn chung chung. Có vị thực tế hơn tuyên bố: “Đã cho các công ty xử dụng để làm kinh tế nên khó thuyết phục được họ”.

Rồi chúng tôi nghe tin đồn: người ta sẽ thiết lập một bể bơi kiểu mới ngay trên khu đất đó; mọi người đều xôn xao, nhất là người tu trì chúng tôi ở các nhà cao tầng chung quanh… Tôi có gặp cụ Vũ Quang làm Trưởng Ban Tôn giáo lúc đó. Cụ cũng tỏ ý phản đối, nhưng sau đó chừng một tuần, cụ gặp tôi phân trần: “Sẽ xây bể bơi dành cho các cháu thiếu nhi ở trong nhà kín đáo, các cụ đừng lo!”.

Nhưng những gì xảy ra trong thực tế lại khác hoàn toàn. Không phải là các em thiếu nhi, mà đám các thanh thiếu niên, đa số là nữ mặc váy ra vào; bởi tiếng là dành cho thiếu nhi, nhưng những người lớn nếu cần, chỉ phải bỏ thêm một khoản lệ phí lót tay nhỏ cho các bảo vệ cũng được vào bơi. Như một sự thách thức, họ mở cửa thông thống, ngồi khoe mông, khoe đùi, khêu gợi các vị chân tu đang vô tình đứng trên các cửa sổ của những tòa nhà cao tầng xung quanh. Nhiều lần đi qua đành phải nhắm mắt hoặc tặc lưỡi coi họ như “củ khoai”…

Cũng may, thời buổi gọi là “Bao cấp” qua mau, những năm trở lại đây, Việt Nam đang bước vào thời kỳ đổi mới, mở cửa đón ánh sáng (mặc dầu cũng có ruồi muỗi bay vào). Mở đầu bằng việc Việt Nam tham gia hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), đăng cai tổ chức hội nghị APEC, gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), rồi thành viên không thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc…, tình hình được cải thiện, xã hội văn minh, giáo dục tiến bộ, tuy rằng vẫn còn nhiều tiêu cực, điển hình là vụ án vũ trường New Century tại phố Tràng Thi, đối diện với Tòa Khâm Sứ và Tòa Tổng Giám Mục.

Về con số 40 sau đổi ra 42 là nhờ có sự lầm lẫn đáng tiếc cho cả hai bên. Một số sách báo tôn giáo, tranh ảnh được gửi tới Tòa Giám Mục lại “lạc” sang bên câu lạc bộ thanh niên, làm cho nhiều vị “phải đọc”, coi như “bị truyền giáo” vv…Ngược lại, một số thư từ sách báo tuyên truyền có khi của bên Câu lạc bộ, lại “lạc” sang Tòa Tổng Giám Mục, khiến cho nhiều “việc” bị lộ, và hiểu lầm, nên sau đó, bên Câu lạc bộ đổi số 40 thành 42 phố Nhà Chung Hà Nội.

Tranh thủ tình hình sáng sủa, tiến bộ của đất nước, các thư thỉnh nguyện được gửi tới các cơ quan liên hệ. Mở đầu là bức thư của Đức Hồng y Phaolô Maria Phạm Đình Tụng, có chữ ký của các linh mục giáo phận Hà Nội. Mới đây nhất là thời của Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt, ngài đã đệ đơn xin hoàn trả mảnh đất đã cho Tòa Khâm Sứ mượn và xin giáo dân cầu nguyện cho ý muốn được mau thành đạt.

Tòa Tổng Giám Mục cũng khẳng định mảnh đất đó thuộc về Nhà chung Hà Nội với những văn bản pháp lý hợp pháp, kể cả bức thư cảm ơn của Đức Khâm Sứ vì đã được Tòa Giám Mục cho mượn đất, mượn nhà để hiện diện và làm việc trong 4 năm.

Cộng đoàn giáo dân đã đặt tượng Đức Mẹ Sầu Bi và Thánh Giá tại gốc đa bên khu đất Khâm Sứ cũ và cùng nhau cầu nguyện. Khi bị ngăn cản không được vào khu đất đó nữa, hàng ngàn tín hữu thủ đô đã lấy hè phố làm nhà nguyện và hướng về “cung thánh” dưới gốc đa bị vây hãm để tiếp tục cầu nguyện trong tình bác ái, trật tự và anh ninh; cho tới ngày nay, không xảy ra điều gì đáng tiếc. Chúng ta có đủ cơ sở pháp lý cũng như tình cảm để mong Nhà chung Hà Nội sớm được sở hữu khu đất Tòa Khâm Sứ cũ.

Tin Mừng đã được gieo vào mảnh đất Việt vào thế kỷ XVI (1583). Như thế, có người tin đạo là có nhà Thờ, có đất đai phục vụ cho việc thờ phượng và cho các hoạt động của cộng đoàn dân Chúa. Nhưng phải tới năm 1883, giáo xứ đầu tiên của thủ đô Hà Nội mới được thiết lập và từ đó cũng có tài sản của nhà thờ, nhà xứ vv…sở hữu chính đáng đó được chính quyền công nhận. Cho tới thời dưới sự đô hộ của người Pháp, đạo Công giáo được mở rộng từ thành thị tới nông thôn, biết bao ruộng vườn cơ sở, thánh đường là tài sản của Giáo Hội, có sổ sách hợp pháp do chính quyền lúc đó cấp phát.

Khi đất nước đã giành được độc lập, Hiến Pháp của nhà nước ta vẫn bảo đảm quyền sở hữu đất đai của Giáo Hội và ngăn cấm không được xâm phạm cũng như khuyến khích hoàn trả những nơi đã bị chiếm giữ v.v..

Cách đây chừng một năm, có lẽ ban hành sắc lệnh về đất đai (sửa đổi nhiều lần) nên mới xuất hiện câu nói: “Đất đai là quyền sở hữu của Toàn Dân, Nhà nước quản lý cấp phát theo nhu cầu, không có chuyện xin đất, trả đất, mà chỉ có danh từ “Cấp Đất”.

Như thế, những người căn cứ vào văn kiện sắc lệnh về Đất Đai, nên dùng danh từ: trao trả, xin trả, hoàn trả là đúng, và vị Trưởng Ban Tôn giáo dùng danh từ “Cấp Đất” cũng là đúng luôn. Danh từ gì thì cũng vậy thôi, đất của đoàn thể, hay của cá nhân đã được nhà nước công nhận, bảo trợ, thì được quyền xử dụng. Không ai lại lấy đất đó mà “cấp” cho người khác như đất của Tòa Khâm Sứ cũ thuộc sở hữu Tòa Giám Mục mà lại cấp cho các tổ chức khác để dùng vào các công việc không phù hợp. Có một vị cán bộ trước đây đã nói với tôi rằng: “Các cơ sở tôn giáo, nhất là Công giáo đa số là của Tây, điển hình là các cố thuộc Hội Thừa Sai Pari. Nay các vị đó đã về nước, nên các tài sản này thuộc về Nhà nước. Ngay Tòa Giám Mục Hà Nội cũng mang tên cố Tây, Nhà nước cho các cụ ở nhờ là phúc lắm rồi.”

Tôi được biết, ở Hà Nội chỉ có bệnh viện Lao (một tòa nhà 4 tầng với phần đất rộng mênh mông trên khu Quần ngựa cũ) là mang tên một linh mục Việt Nam thuộc Nhà Chung Hà Nội. Từ năm 1950 đến 1954 khu nhà này đã được dùng làm chủng viện Piô 12 mà kẻ hèn này đã được trú ngụ để đi học tại trường Lyce’e ở Hồ Tây. Được biết, Nhà nước đã từng thuê tòa nhà này với giá là 300.000 đồng/tháng.

Không rõ số tiền bèo bọt đó có còn được Tòa Giám mục Hà Nội thu không, nhưng sự việc này làm tôi nhớ đến ngôi Nhà In và Nhà Sách ở góc phố Nhà Chung quay ra hồ Hoàn Kiếm, nay được gọi là nhà In của Báo Hà Nội. Nhà In và nhà Sách này trước đây thuộc quyền của Tòa Giám Mục Hà nội, là trụ sở của Báo Trung Hòa - một tờ báo đã một thời rất nổi tiếng. Nhà In sau đổi tên là nhà In Têrêxa và Nhà Sách Maria chuyên in và bán sách báo công giáo cũng như các đồ thờ phượng. Sau thời chính quyền Việt nam được thiết lập ở Hà Nội, nhà in này được liệt vào hệ thống cải tạo công thương, đáng lẽ bị tịch thu và xung vào tài sản của nhà nước (tôi có vinh dự được làm công nhân xếp chữ tại nhà in này 2 năm dưới quyền giám đốc là cha Giuse Trần Văn Mai) nhưng sau đó nhà in được “chiếu cố” phải bán cho nhà nước. Đức Cha Trịnh Như Khuê lúc đó đã tỏ ra rất cứng cỏi, ngài ra lệnh cho cha Mai rằng: tài sản đó của Tòa Giám mục cũng là của Tòa Thánh, không ai có quyền cho hay bán. Nếu bị tịch thu thì chịu vậy. Thế nhưng nhà nước “khoan hồng” chỉ “mua” chứ không thu. Họ tự định đoạt lấy giá cả và đưa một số tiền trả cho Tòa Giám mục Hà Nội. Đức Cha Khuê lại ra lệnh không được nhận số tiền đó. Nhà nước tôn trọng bỏ số tiền đó vào ngân hàng để lấy lãi. Ít lâu sau, khi Đức Hồng Y Khuê qua đời, cha Mai cũng về với Chúa, Đức Hồng Y kế vị, vốn khoan dung dễ dãi, nghĩ rằng, có thể đối thoại trong sự việc này nên ngài nhờ tôi ra ngân hàng để hỏi về số tiền đó. Song thật bất hạnh, tôi gặp vị nào trong các ngân hàng lúc đó cũng đều trả lời không biết số tiền đó hiện đang ở đâu? ai gửi? gửi vào đâu? v.v.. Sau này, khi xây dựng nhà thờ Chính tòa Thái Bình, mỗi lần nghĩ đến số tiền đó mà tiếc đứt ruột. Nhưng tôi cũng tự an ủi mình rằng: như vậy đỡ mang tiếng là “tư bản dãy chết”.

Tôi cũng nhớ có lần đã phân trần với vị cán bộ - người đã nói: tài sản của Giáo Hội đều đứng tên Tây, nên hàng Giáo Phẩm Việt Nam chẳng có quyền gì - rằng: “Nếu đứng tên cố Tây thì theo luật pháp quốc tế, các cố có quyền đòi lại số tài sản đó và hiến cho chúng tôi. Năm 1960 Tòa Thánh thiết lập hàng Giáo phẩm Việt Nam, tài sản, đất đai v.v.. hết thảy đều của Giáo hội Việt Nam. Chính quyền công nhận sự kiện này và đã giao thiệp với các tòa Giám mục Việt Nam cách rất trân trọng. Chẳng có vị nào còn gọi là Giáo hội “Phú Lãng Xa” - một cách gọi chỉ giáo hội France - mà thường gọi là Giáo Hội Việt Nam hay HĐGM Việt Nam đấy chứ. Còn chuyện làm phúc cho chúng tôi được ở chỗ cũ, chúng tôi xin cám ơn. Nhưng nếu cần, Đức Hồng Y và các nhân viên Tòa Giám mục theo gương Chúa Giêsu, có thể làm dân bụi đời, sống ở gầm cầu hay ven đê cũng được, nhưng nếu làm như vậy, hình ảnh đất nước Việt Nam tự do hạnh phúc và dân chủ sẽ ra sao?” Nghe tôi nói thế, các vị cười nhạt và thêm: “Nói đùa thế thôi”.

Đó là về mặt pháp lý, song con người nhiều khi đâu phải là gỗ đá,.mà còn có tình cảm văn minh văn hóa đối xử với nhau. Viết đến đây, Ôi! Lạy Chúa! Con đã khóc, tuy đã 77 tuổi đầu (tuổi Việt Nam). Người ta vẫn thường nói: “Tuổi già giọt lệ như sương”; tuy con vốn tinh thần lạc quan như bài thơ đã làm kết thúc bằng 4 câu thơ sau:

... Bước đi phía trước: Trời tươi sáng

Bỏ lại sau lưng: Đất bạc màu

Bảy bảy cao niên xin chấp nhận

Cuộc sống lạc quan ngẩng cao đầu
.

Song, con khóc vì thông cảm với Đức Tổng Giám Mục Giuse Hà Nội, ngày đêm lo lắng trăm nghìn chuyện, lại còn phải đau óc về chuyện đất đai trần thế.

Con khóc vì thấy các linh mục, nam nữ tu sĩ giáo phận gốc của con lại phải vác cây thánh giá nữa, thêm vào số các cây đã ủ sẵn trong sứ mệnh mục vụ.

Con khóc thương các cụ ông, cụ bà, thanh thiếu niên - những người gín hữu Hà Nội đã chịu sương, chịu gió, đã phải hứng chịu những cơn lạnh thấu xương để có thể đốt nến cầu nguyện với Đức Mẹ Sầu bi.

Con khóc thương với tất cả các vị chính quyền, nhất là với Thủ Tướng của Việt Nam. Giữa muôn vàn công việc hệ trọng của đất nước mà còn để tâm để trí tìm giải pháp cho khu đất cỏn con trong Tòa Giám Mục.

Con khóc thương những anh em làm công tác an ninh, những người giữ gìn trật tự, nhất là những anh em bị lăng mạ, khinh khi, bới móc… Thật là không nên, khi những người tín hữu chúng ta hát kinh Hòa Bình: “Đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp...”, mà lại có những hành động khiếm nhã, vì thực ra, đây chỉ là chuyện tranh chấp nhỏ giữa những người trong gia đình Đất Mẹ, chứ không phải diễn ra trên lãnh vực chính trị Tây, Tàu, Pháp, Mỹ gì. Nhân đây, tôi cũng muốn nói lên lời xin lỗi những anh em đã vì công việc chung mà phải hứng chịu những lời nói hoặc những cử chỉ không hay. Đức Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận đã từng nói với tôi về các vị đó rằng: Các anh ấy, như anh X, anh Y… là những con người tốt. Một vị Hồng Y Việt Nam sắp được phong Á Thánh đã có tấm lòng nhân từ, cao cả như vậy, rộng lượng như vậy và tha thứ như vậy, mặc dù đã phải trải qua 15 năm lao tù.

Lạy Chúa, tuy những giọt nước mắt đã lăn dài trên gò má của một người đã già nua tóc bạc như con, nhưng con vẫn tràn trề hy vọng, rằng: những giọt nước mắt này sẽ trở nên châu ngọc từ khuôn mặt rạng rỡ niềm vui. Bởi như lời Chúa đã hứa: “Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười” (Lc 6,21). Vào ngày cánh chung, Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt của họ. (x. Kh 21,4).

Thưa các vị chính quyền, tôi tin tưởng rằng: việc Đất Đai của Tòa Giám Mục sẽ sớm được giải quyết một cách ổn thỏa. Mùa xuân Mậu Tý - 2008 đã tới gần, mọi người đang nô nức mừng đón xuân về; những người tín hữu của thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến sẽ được dỡ bỏ những chiếc “Đai” ngăn cách, để có thể đem Hoa Niên, kể cả cành Đào, cành Mai, và các loài hoa muôn màu, muôn sắc đến dâng trước Tòa Đức Mẹ. Sẽ không phải là Tượng Đức Mẹ Sầu Bi nữa mà là Tượng Đức Mẹ Lavang Hà Nội với hào quang sáng chói, lung linh diệu huyền. thật đẹp biết bao khi mà trước núi đá, dưới chân gốc đa cổ thụ đang rì rào, đung đưa theo làn gió mát là hình ảnh Mẹ Lavang Hà Nội, với cặp mắt hiền từ, Mẹ đang đứng ban ơn lành cho con dân thủ đô. Khi đó, quý vị chính quyền các cấp, các nhân viên làm công tác an ninh và giữ gìn trật tự giao thông sẽ hồ hởi chào đón tin vui: Không còn Đất Đai Tòa Khâm Sứ, mà là đất của Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội, do chính quyền Việt Nam “trả lại”, “hoàn lại”, “cấp lại” v.v.., hay dù với bất cứ danh từ gì đi nữa. Như thế, chúng tôi là con dân đất Hà Thành, cũng dám nói một cách khiêm tốn rằng: Tết năm nay chúng mình được “Lì Xì” khá lớn.

Riêng giáo phận Thái Bình chúng tôi đang bước vào năm Hồng Đào, lấy biểu tượng Chúa Giêsu trưởng thành làm gương mẫu. Hi vọng đêm 26 Tết sẽ tiến hành một cuộc lễ với sự tham dự của hàng vạn giáo dân trong cả giáo phận. Mọi người ai nấy sẽ tay cầm cành đào và nến sáng đi rước tượng Chúa Giêsu Hồng Đào, rồi cùng tiến vào nhà thờ Chính Tòa để dâng Thánh lễ Giao thừa. Ngoài những mục tiêu đề ra trong Năm Thánh, chúng tôi hy vọng rằng cũng sẽ được “Lì Xì” như anh chị em đất Hà Thành, khiến cho các anh em khác cùng chung Tổ Quốc quê hương chứng kiến, họ sẽ nói với nhau trong Tình Yêu thương thông cảm rằng:

“Bấy giờ trong dân ngoại người ta bàn tán:

“Việc Chúa làm cho họ, vĩ đại thay !”

Việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại !

Ta thấy mình chan chứa một niềm vui” (Tv 125, 2-3)

Xin cảm tạ mọi người.

Thái Bình ngày 11 tháng 01 năm 2008.

+ Gm. F.X. Nguyễn Văn Sang,

Giám Mục Gp. Thái Bình, Nguyên Giám mục phụ tá Hà Nội
 
Dòng Chúa Cứu Thế Sàigòn: 4000 giáo dân thắp nến cầu nguyện cho Công lý và Hòa Bình tại Việt Nam
PV VietCatholic
10:18 11/01/2008
Sàigòn -
Bảng Thông Tin Giáo Xứ thành Bản Tin Thái Hà
Màn trời chiếu đất để giữ đất nhà thờ
Đêm canh thức
Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam, sau những năm tháng dài bị bách hại, đang dõng dạc nói lên những tiếng nói chống lại những bất công vô lý đã từng đè nặng lên Giáo Hội. Khởi đi từ cuộc cầu nguyện ngày 18/12/2007 trước Tòa Khâm Sứ, trong thời gian ngắn qua đã lần lượt nổ ra những cuộc cầu nguyện và biểu tình tại Thái Hà, tại Hà Đông, và tối nay tại Sàigòn.

Khoảng 4000 anh chị em giáo dân, những người thân sơ, những người Công Giáo và cả anh chị em không Công Giáo đã đến nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Sàigòn, số 38 đường Kỳ Đồng để nói lên tình hiệp thông với anh chị em thuộc giáo xứ Thái Hà, Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội; để dõng dạc lên án những bất công và yêu cầu nhà cầm quyền thi hành chính những luật lệ do họ đưa ra.

Trong buổi Thắp Nến canh thức kéo dài trong 2 giờ đồng hồ từ 7 giờ tối đến 9 giờ tối, Cha Tôma Phạm Huy Lãm, Bề trên chính xứ, Tu viện trưởng Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Sàigòn đã chủ tế trong thánh lễ cùng 23 linh mục Dòng Chúa Cứu Thế, 2 linh mục dòng Đa Minh, 2 thầy phó tế và toàn bộ các thầy trong Học Viện Dòng Chúa Cứu Thế Sàigòn.

Sau đó, cộng đoàn đã nghe cha Matthêu Vũ Khởi Phụng, và cha Giuse Lê Quang Uy trình bày về lịch sử Dòng Chúa Cứu Thế tại Thái Hà, những gian nan khốn khó mà cha già Giuse Vũ Ngọc Bích phải đương đầu khi một mình chèo chống nhà Dòng dưới chế độ cộng sản miền Bắc, những vụ chiếm đoạt đất đai cho đến bây giờ cũng như những diễn biến mới nhất. Các vị đã nhấn mạnh rằng buổi canh thức này không phải chỉ là để đòi đất mà thôi, nhưng đòi công lý và hoà bình thực sự cho quê hương.

Cộng đoàn cũng nhìn thật rõ những hình ảnh đấu tranh của anh chị em giáo dân thuộc giáo xứ Thái Hà qua những bản tin và những hình ảnh được chiếu trên màn ảnh rộng.

Cộng đoàn ngập tràn xúc động khi nhìn thấy trên màn ảnh những hình ảnh bi tráng của anh chị em giáo dân Thái Hà nằm “bụi đời” ở ngoài đường để giữ đất cho nhà thờ. Những tràng pháo tay vang dội tưởng chừng bất tận. Nhiều người không ngăn được những dòng nước mắt.

Sau lễ cộng đoàn đã rước nến trước hang đá Đức Mẹ thật hoành tráng và cảm động. Còn cảm động hơn nữa khi sau thánh lễ, hàng ngàn người vẫn còn ở lại lần chuỗi râm ran cả một vùng.

Thông báo của Dòng Chúa Cứu Thế về cuộc tập hợp cầu nguyện này đã được đưa ra vào Thứ Tư và buổi lễ diễn ra sau thông báo này chỉ trong vòng hơn 48 tiếng đồng hồ. Tưởng cũng nên nói thêm là chỉ vài giờ sau khi thông báo được đưa ra trên Trang Nhà Dòng Chúa Cứu Thế (http://www.chuacuuthe.com/), trang nhà đó đã bị đánh sập và chỉ hoạt động lại được vào trưa ngày thứ Năm.

Cho nên, con số 4000 anh chị em giáo dân đến dự buổi cầu nguyện này là một con số rất khích lệ cho những buổi cầu nguyện tiếp theo cho đến khi nào công lý được toàn thắng.
 
Hãy đòi lại những ''mảnh đất người''
Sơn Ca Linh
10:25 11/01/2008

HÃY ĐÒI LẠI NHỮNG “MẢNH ĐẤT NGƯỜI”



Mùa Đông chưa qua hết
Mà trong ta rộn rã những tin xuân !
Đã bao năm rồi ta ước mơ
Có một ngày anh em ta nối vòng tay lớn
Thì hôm nay, biết mấy hân hoan, ôi, Hà Nội – Sài Gòn
Cùng nhịp bước đi lên
Những “Bàn chân Quốc Toản, Quang Trung...”
Ta đòi lại những “mảnh đất quê hương bị đánh cắp !...”
Và rồi những ánh mắt hướng lên cao,
Những bờ môi nhịp nhàng lời ca kinh sốt mến,
Thác lũ người đi
tay chuyền tay niềm tin yêu rỡ ràng ánh nến
“Kinh Hòa Bình” theo nhịp bước hân hoan.

Em bước đi với niềm hy vọng ngút ngàn,
Phải tìm lại được những “mảnh đất quê hương”
Đã bao năm lạc loài trong “bàn tay kẻ cướp”.

Hoàng Sa Ơi – Trường Sa ơi !
Ải Nam Quan hay lưng đèo Bản Giốc...
Mạch máu nào rồi cũng chảy về tim !
Rồi chùa chiền, miếu mạo, thánh thất,
Những điện thờ, tòa Khâm sứ, trường học, ôi những mảnh đất thiêng !
Sẽ tới lúc phải trở về với đoàn chiên của Phật, của Chúa !

Rồi ta cũng phải đứng lên đòi lại
“Những mảnh đất cuộc đời” mang ảnh hình Thượng Đế,
Những con người kết tinh của ngàn năm lịch sử tổ tiên:
Lê thị Công Nhân, Trần Khải Thanh Thủy...
Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Văn Lý...
Những cuộc đời “bị đánh cắp”
bởi gông cùm tù ngục của những bàn tay lông lá, quỷ ma.

Việt Nam ơi cùng chung một mái nhà !
Ta phải đứng lên đòi lại
Bao “mảnh đất người” bị dập vùi, hủy hoại tang thương:
Những thai nhi chưa một lần nhìn thấy vẻ đẹp quê hương,
Đã phải vội bị cuốn chìm trong u minh cõi chết !
Các em ta, tuổi học trò, mùa xuân thanh khiết,
Ta phải đòi cho được một không gian yên lành để học, để vui chơi.

Những “mảnh đất cuộc đời người trẻ ta ơi” !
Quyết phải đòi lại
Tự do, công bình và yêu thương nhân ái.
Hãy đứng lên đi, hãy bước lên đi !
Nào các bạn kìa bình minh đang tới.
 
Hà Nội ơi, Ta hãy cùng mơ !
Bs Vũ Linh Huy
10:30 11/01/2008
Hà Nội ơi, Ta hãy cùng mơ !

Hà Nội mến thương hãy cùng mơ
Một ngày hoa nở khắp cõi bờ,
Hoa thắm Hoà Bình và Công Lý,
Mà toàn dân Việt vẫn ngóng chờ.

Ngày ấy gốc đa được nhớ riêng,
Bởi vì Mẹ Chuá rất linh thiêng,
Ngự đến nơi đây, bên Thánh Giá,
Để cứu Việt Nam thoát xích xiềng.

Ngày ấy sách sử kể “Toà Khâm”,
Nơi người công giáo đã quyết tâm,
Đòi đất, tức là đòi Công Lý,
Vốn từng vắng bóng biết bao năm!

Ngày ấy Quê Hương có Tự Do,
Toàn dân hạnh phúc, sống ấm no,
Đầu làng cuối phố vang tiếng hát,
Ruộng đồng, sông nước vẳng tiếng hò!

Ngày ấy người Việt mến thương nhau,
Kết đoàn hàn gắn những thương đau,
Quên hết giận hờn ngày tháng cũ,
Tin Yêu bền mãi đến ngàn sau!

Boston, ngày 11 tháng 1 năm 2008
 
Cha Giám Tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam hiệp thông với Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam
DCCT Việt Nam
11:37 11/01/2008
"Anh em Dòng Đa Minh Việt Nam hiệp thông với Dòng Chúa Cứu Thế trong buổi lễ và cầu nguyện chiều nay. Xin Chúa giúp chúng ta đấu tranh cho công lý. Thân mến". Email của Lm Ngô Sĩ Đình, Giám Tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam
 
Tại Saigòn: 4000 người thắp nến cầu nguyện hiệp thông với DCCT Thái Hà, Hà Nội
DCCT Việt Nam
11:43 11/01/2008
ĐÊM THẮP NẾN SÁNG CẦU NGUYỆN CHO CÔNG LÝ VÀ HÒA BÌNH
HIỆP THÔNG VỚI ANH CHỊ EM GIÁO DÂN VÀ DCCT THÁI HÀ, HÀ NỘI
19g – 20g30 THỨ SÁU 11.1.2008
ĐỀN ĐỨC MẸ HẰNG CỨU GIÚP SÀI-GÒN


Phần một: PHỤNG VỤ LỜI CHÚA VÀ CẦU NGUYỆN

- Khởi đầu, cộng đoàn hát bài "Hành trang người trẻ" ( Hoàng Đức ):

"Lạy Chúa, chúng con về từ bốn phương trời...
Hành trang con mang theo là khát vọng tìm chân lý,
Hành trang con mang theo là hát vọng tìm công bằng..."


- Đôi lời mời gọi mở đầu của cha chủ sự Mát-thêu Vũ Khởi Phụng.

- Các hình ảnh những ngày qua ở Hà Nội sẽ được chiếu lên màn ảnh lớn...

- Thầy GB. Trần Ngọc Minh đọc bài Thánh Thư của Thánh Phao-lô: Pl 4, 4 – 9:

"Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: Vui lên anh em ! Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hoà rộng rãi, Chúa đã gần đến. Anh em đừng lo lắng gì cả.
Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su.
Ngoài ra, thưa anh em, những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý.
Những gì anh em đã học hỏi, đã lãnh nhận, đã nghe, đã thấy ở nơi tôi, thì hãy đem ra thực hành, và Thiên Chúa là nguồn bình an sẽ ở với anh em".


- Thầy An Phong Trần Ngọc Hướng lĩnh xướng hát Thánh Vịnh 36, bài "Ký thác cho Chúa" ( Thành Tâm ):

"Bạn hãy ký thác đường đời cho Chúa, và Chúa, chính Chúa, Ngài sẽ ra tay..."

- Cộng đoàn vừa hát Halleluya, vừa thắp nến sáng cho nhau:

"Halleluya, Lời Chúa sáng soi con đường đi... "

- Thầy Phó Tế Gio-an Lưu Ngọc Quỳnh công bố bài Tin Mừng ( Mt 5, 1 – 12 ):

"Thấy đám đông, Đức Giê-su lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. Người mở miệng dạy họ rằng:
"Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.
Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.
Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.
Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa.
Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.
Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế".


- Bài chia sẻ Tin Mừng của cha chủ sự Mát-thêu Vũ Khởi Phụng.

- Cha Giu-se Lê Quang Uy hướng dẫn cộng đoàn cầm nến sáng, cùng hát cầu nguyện bài
"Thắp sáng Lòng Tin" ( Quang Uy ):
"Lạy Chúa, xin hãy đến, thắp sáng Lòng Tin cho chúng con.
Lạy Chúa, xin hãy đến, sánh bước cùng đi bên chúng con..."


Phần hai: PHỤNG VỤ THÁNH THỂ VÀ SAI ĐI

- 26 cha DCCT đồng tế, trong đó có hai cha Dòng Đa Minh.
- Cha Tô-ma Phạm Huy Lãm, Bề Trên DCCT Sài-gòn chủ tế cùng với 2 thầy Phó Tế.
- Ca đoàn các thầy Học Viện DCCT đảm nhận phần Thánh Ca.

Kết thúc Thánh Lễ, trong ánh nến sáng, cộng đoàn hát:

"Thắp sáng lên trong con tình yêu Chúa,
Thắp sáng lên trong con tình tuyệt vời..."


Thánh Giá, nến cao, đoàn chủ tế, cha chủ tế, các thầy, cộng đoàn xếp hàng hai, cầm nến sáng tiến ra khỏi Nhà Thờ, hướng về Hang Đá Đức Mẹ, vừa đi vừa hát nhiều lần nữa bài "Kinh Hòa Bình":

"Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa...
Xin hãy dạy con tìm yêu mến người, hơn được người mến yêu...
Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ...
Ôi Thần Linh Thánh Ái, xin mở rộng lòng con,
Xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí: Ơn An Bình..."


Cộng đoàn, ước chừng hơn 4.000 người, đã thắp hàng ngàn ngọn nến sáng rực Hang Đá Đức Mẹ, nán lại đọc thêm 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Mai Khôi, 1 Kinh Sáng Danh, Kinh Lạy Nữ Vương, hô to Halleluya rồi mới ra về...
 
Hà Đông ơi, Xin cứ thắp sáng Công Lý và Hoà Bình!
Bs Vũ Linh Huy
12:30 11/01/2008
Hà Đông ơi,
Xin cứ thắp sáng Công Lý và Hoà Bình!


Nghe tin lưả đã rực Hà Đông,
Tim vui mà nước mắt lưng tròng,
Càng thêm ngưỡng phục người Hà Nội,
Đi đầu châm đuốc chống bất công!

“Đuốc” đây chỉ là ngọn nến thôi,
Nhưng ngàn ngọn nến rực một trời,
Toả sáng Hoà Bình và Công Lý,
Đem niềm hy vọng đến muôn người.

Ta có Đức Tin, có Cậy Trông,
Vững tin nơi Chuá, Đấng Chí Công,
Luôn lắng tai nghe người cùng khổ,
Giải thoát dân đen khỏi cùm gông!

Xin gửi Hà Đông trọn mến thương,
Phục tình đoàn kết, chí can trường,
Triệu lòng hải ngoại luôn gần gũi,
Dẫu rằng xa cách vạn dặm đường!

Boston, ngày 11 tháng 1 năm 2008

(Kính tặng Quý Cha, Quý Dì, Quý Thày,
Cùng toàn thể Cộng Đồng Dân Thánh Chuá Xứ Hà Đông,
Tổng Giáo Phận Hà Nội.)
 
Thư Đức TGM Ngô Quang Kiệt ủng hộ giáo xứ Thái Hà
+TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
13:11 11/01/2008
 
Ý kiến độc giả: ''Việc gì phải đến sẽ đến''
Lại Thế Lãng
18:11 11/01/2008
Ý kiến độc giả: "Việc gì phải đến sẽ đến"

Hồi đầu tháng tôi đã có một chuyến đi California, nơi cách chỗ tôi ở khoảng 3,000 miles. Đây là lần đầu tiên tôi đặt chân đến thủ đô tỵ nạn. Thật ra tôi đã mong ước một chuyến đi Cali từ lâu vì ở đó tôi có nhiều thân nhân và bạn hữu nhưng rồi cứ ngài ngại vì sợ mình sẽ trở thành lạc hậu giữa chốn thủ đô. Tôi vẫn thường nói với bạn bè rằng Cali giống như thủ đô Sài gòn khi xưa còn chỗ tôi ở là Kontum hay Pleiku của vùng cao nguyên vậy.

Nhưng rồi có hai sự kiện đã khiến tôi hăng hái quyết định đi Cali một chuyến. Thứ nhất là dự lễ tấn phong hai linh mục của Dòng Chúa Cứu Thế hải ngoại mà một trong hai linh mục này là con của một người bạn rất thân tình. Thứ hai là dự lễ kỷ niệm 50 năm hôn phối của một người bạn lâu năm khác.

Buổi sáng thứ Bảy 5/1 chúng tôi tham dự thánh lễ tấn phong tại nhà thờ Saint Christopher ở West Covina rồi dự tiệc mừng hai tân linh mục tại hội trường nhà xứ. Buổi chiều chúng tôi dự thánh lễ tại tư gia rồi dự tiệc mừng với gia đình cũng ở West Covina.

Ở cả hai nơi tôi đã có dịp tiếp xúc với một số quý vị đang sống tại Cali cũng như những vị từ các tiểu bang khác về tham dự một trong hai sự kiện trọng đại trên. Trong câu chuyện với những người vừa quen hay được gặp lại nhau, vô tình chúng tôi đã có những cuộc “thảo luận” sôi nổi. Đề tài chính của những cuộc “thảo luận” này là những tin tức thời sự liên quan đến biến cố tòa Khâm sứ đang gây chấn động khắp mọi nơi.

Tất cả ý kiến của những người tôi có dịp trao đổi đều tán thành việc Đức TGM Hà Nội kêu gọi cầu nguyện để yêu cầu nhà nước trả lại tòa Khâm sứ đã bị họ chiếm dụng từ lâu. Mọi người cũng cho rằng đã đến lúc người Công giáo phải mạnh dạn nói lên quyết tâm đòi hỏi công bằng và lẽ phải, đòi hỏi nhà cầm quyền phải tôn trọng quyền tự do tôn giáo, trả lại tài sản của các giáo hội mà họ đã ỷ vào sức mạnh để ngang nhiên chiếm đoạt.

Tôi cũng được nghe nói đến một bức email có nội dung thật ngắn gọn nhưng dứt khoát “Việc gì phải đến sẽ đến”. Đây là câu trả lời của một vị chủ chăn khi có người đặt vấn đề về tình trạng tòa Khâm sứ. Tôi rất thích câu trả lời này. Lúc này không phải là lúc đặt vấn đề này nọ mà phải hành động. Hành động ở đây dĩ nhiên không phải là bạo động nhưng là hành động trong bác ái, yêu thương theo tinh thần Kitô giáo. Hơn lúc nào hết lúc này là lúc cần hiệp nhất một lòng một ý trong cầu nguyện và liên kết chặt chẽ với nhau thành một khối.

Mấy ngày ở Cali quá bận rộn với những cuộc gặp gỡ và không có phương tiện theo dõi tin tức tôi đã trở thành người lạc hậu đối với tình hình ở Hà Nội. Về đến nhà đọc email của một người bạn viết “Tổng Giáo Phận Hà Nội đang làm cho mọi người nức lòng” khiến tôi cũng thấy nức lòng. Tôi vội vào Vietcatholic mới biết trong thời gian tôi đang “rong chơi” ở Cali thì tại Hà Nội đã xẩy ra thêm một biến cố nữa.

Thì ra trong lúc giáo dân Thái Hà đổ dồn về cầu nguyện tại tòa Khâm sứ thì người ta đã lợi dụng cơ hội này để xâm chiếm đất đai của giáo xứ Thái Hà cũng là nơi đặt cơ sở của Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội. Không hiểu người ta nghĩ sao mà lại hành động như vậy? Họ nghĩ họ có thể trắng trợn xâm chiếm đất đai của Giáo hội hay là họ biết dù không thể “nuốt” được nhưng muốn khiêu khích? Cả hai việc làm đó đều không phải là hành động khôn ngoan trong tình hình hiện tại, khi mà càng ngày người Công giáo càng hiệp nhất trong lời cầu nguyện và trong tình liên kết.

Trước khi đi Cali tôi đã đọc bức thư ngỏ của Đức Cha Nguyễn Văn Sang, Giám mục Giáo phận Thái Bình bày tỏ sự ủng hộ và hiệp nhất với Đức Tổng Giám Mục Hà Nội trong việc đòi lại đất đai của tòa Khâm sứ.

Sau khi đi Cali về tôi đọc được thư của Đức cha Nguyễn Văn Hòa, nguyên Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam và hiện là Giám quản Tông tòa Giáo phận Ban Mê Thuột. Bức thư bày tỏ sự hiệp thông với nguyện vọng chính đáng của Đức Tổng Giám Mục Hà Nội yêu cầu chính phủ trả lại tòa Khâm sứ để đáp ứng nhu cầu của Giáo Hội.

Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam cũng đã gửi thư cho Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt bày tỏ lòng hiệp thông với Đức Tổng Giám Mục và giáo phận Hà Nội trong việc cầu nguyện để bảo vệ công bằng và chân lý. Tỉnh Dòng còn cho biết đã thông báo cho tất cả các tu viện của Tỉnh Dòng và những nhà thờ do Tỉnh Dòng đảm nhiệm để cùng hiệp thông cầu nguyện.

Mới đây nhất là điện thư của Dòng Đa Minh Việt Nam bày tỏ sự hiệp thông với Dòng Chúa Cứu Thế trong. Tôi thật phấn khởi với những lời lẽ dứt khoát trong những lá thư trên và mong rằng sẽ có thêm nhiều Giáo phận, nhiều Hội Dòng khác cùng lên tiếng hỗ trợ cho công việc chung. Xin đừng để những chiếc đũa riêng lẻ sẽ dễ bị bẻ gẫy xin hãy kết lại thành một bó đũa thì không ai có thể bẻ gẫy được.

Tôi cũng đã vào một số websites của các giáo phận và được biết tại website của Giáo phận Thái Bình có đăng thư của Đức cha Nguyễn Văn Sang, Giám mục giáo phận. Trên website của Giáo phận Vinh có đăng thư của Đức cha Nguyễn Văn Sang và Đức cha Nguyễn Văn Hòa. Riêng tại website của Giáo phận Phú Cường thì có đăng đầy đủ thư cũng như những tin tức liên quan đến những gì đang diễn ra tại Hà Nội. Hoan hô Giáo phận Phú Cường và mong rằng các Giáo phận khác cũng làm như vậy để giáo dân biết được những gì đang xẩy ra có liên quan đến Giáo hội. Đồng thời cũng để giáo dân biết được đường hướng của chủ chăn của mình. Giáo dân không đọc được tin tức để biết những gì đang xẩy ra trong giáo hội trên các websites của Giáo phận thì còn biết tìm ở đâu. Xin hãy bày tỏ sự hiệp thông và tình liên kết giữa những người con cái của giáo hội. Đã xa rồi thời cái tinh thần “Đèn nhà ai nhà ấy rạng”. Tinh thần đó không phải là cách hành xử của những người Kitô giáo.

Diễn biến của việc đòi lại tài sản của Giáo hội càng ngày càng phức tạp. Các buổi cầu nguyện từ tòa Khâm sứ đã lan rộng đến Thái Hà, Hà Đông và Dòng Chúa Cứu Thế ở đường Kỳ Đồng và chắc chắn sẽ còn lan rộng đến nhiều nơi khác nữa nếu nguyện vọng của giáo dân không được nhà cầm quyền đáp ứng. Nhiều người lo ngại không biết rồi sẽ ra sao. Thiết tưởng là người tin theo Chúa chúng ta hãy tin tưởng và phó thác cho Chúa. Việc chúng ta có thể làm được là gia tăng cầu nguyện và liên kết chặt chẽ với nhau. Và rồi việc gì phải đến sẽ đến.
 
Hiện trường tranh chấp đất nhà tại giáo cứ Thái Hà hôm 11.01.2008
PV VietCatholic
20:09 11/01/2008
NHẬT KÝ NGÀY 11.01.2008 do Nhóm phóng viên VietCatholic

HIỆN TRƯỜNG TRANH CHẤP NHÀ ĐẤT TẠI GIÁO XỨ THÁI HÀ

Hà Nội-hôm nay trời nắng nóng giữa Mùa Đông. Người ta có thể mặc áo pull như mùa hè. Bà con giáo dân Thái Hà giăng bạt dưới mấy gốc cây bên vệ đường chống nắng.

Cảnh sát và công an thay nhau túc trực tại lối vào cổng chính và trên con đường nhỏ mặt sau khu đất. Công an đến nhiều hơn, chụp hình và quay phim thường xuyên. Có mấy cán bộ lớn tới thăm. Có một số người ngồi nói chuyện với bà con giáo dân và giở chiêu “hoà nhập”. Hình như cảnh sát và công an hôm nay có cái cách ứng xử nào đó không giống ngày thường.

Giáo dân vẫn thay nhau túc trực tại hiện trường. Có người mang lương thực thực phẩm đến chia sẻ. Các thanh thiếu niên thay vì đi chơi ở đâu đấy thì nhiều em đến đây đọc kinh cầu nguyện. Ngoài những lúc đọc kinh các bà ngồi nói chuyện trên trời dưới đất nghe rất vui.

Có người hỏi sao các bà không về đi làm thì một bà nói: Chúng tôi đã có nhà nước nuôi, nhà nước trả lương hưu cho chúng tôi, chúng tôi ăn để ra đây cầu nguyện bảo vệ cho công lý. Các bà lớn tuổi vẫn là những người kiên trì và mạnh mẽ nhất.

Khoảng giữa trưa, bên trong khu đất, phía Công ty May Chiến Thắng cho xây dựng thêm. Giáo dân một số kéo vào. Có một ông đội mũ bảo hiểm mặc veston đeo cravate đỏ, mặt mày trông rất hung hãn đã hành hung một bà giáo dân là thương binh. Bà này hô lên rằng: “Ối bà con ơi cán bộ nó đánh thương binh. Ông kia thách thức: “Thương binh tao cũng đánh”. Khi chúng tôi chạy đến nơi thì ông này còn đe dọa không cho chúng tôi chụp ảnh.

Bà con giáo dân rất phấn khởi khi biết tối nay ở Sài Gòn có một buổi cầu nguyện cho Giáo xứ Thái Hà và bày tỏ tình hiệp nhất với giáo xứ Thái Hà. Họ loan tin này cho nhau và đón chờ xem Giáo dân Sài Gòn biểu lộ niềm tin và lời cầu nguyện cho công lý thế nào.

Buổi chiều gần tối, chúng tôi thấy trên bảng thông tin ở nhà thờ Thái Hà có thư của Đức Tổng Giám Mục Hà Nội gửi cha Bề trên Trịnh Ngọc Hiên ký ngày 09.01.2008.

Thư cho biết ngài ngỡ ngàng trước quyết định ngày 08.01.2008 của UBND TP Hà Nội, vì quyết định này đi ngược với lời hứa của chính quyền tối hôm 07.01. Đức Tổng Giám Mục cũng hiểu nỗi bức xúc của giáo dân Thái Hà và bày tỏ sự thông cảm với cha Bề trên và giáo dân. Ngài tuyên bố luôn ở bên Cha Bề trên trong sự hiệp thông và trong lời cầu nguyện. Ngài cũng tuyên bố kêu gọi mọi người cầu nguyện với giáo dân Thái Hà và ngài phó dâng Giáo xứ Thái Hà cho Trái Tim Chúa và Mẹ Hằng Cứu Giúp.

Giáo dân Thái Hà sau khi được đọc thư này đã rất cảm động và càng thêm xác tín vào sứ mạng cầu nguyện cho công lý của mình.

Buổi chiều, người dân ở Khu tập Thể Thảm Len tưởng chúng tôi là thanh tra đã cho chúng tôi leo lên tầng thượng nhà họ chụp ảnh và quan sát toàn bộ khu đất. Một số người nói với chúng tôi rằng: “Chúng nó (Ban Lãnh đạo mới của Công ty May Chiến Thắng) gạt những người cũ của Dệt Thảm Len ra ngoài. Chúng nó thao túng mọi chuyện ở đây và giờ thì chúng nó bán chác hết đất đai ở đây rồi. Chúng tôi nghe nói có một quan chức lớn của thành phố đứng ra mua phần lớn đất đai ở đây”.

Buổi tối giáo dân cầu nguyện đông hơn các ngày tối ngày thường trong tuần. Bà con rất vui và rất xác tín về công việc đấu tranh cho công lý của mình, khi biết Đức Tổng Giám Mục kêu gọi mọi người cầu nguyện cho Thái Hà, một số nhóm cá nhân và tập thể trong thành phố đã tới hiện trường để cầu nguyện. Chúng tôi nghe nói có một số người đến từ Phùng Khoang, Hàng Bột, và Nhà Thờ Lớn.

Chúng tôi không biết ngoài việc gia tăng cảnh sát và công an trong khu vực, chính quyền đã có những bước nào để giải quyết vấn đề đất đai của Giáo xứ Thái Hà. Theo sự phân tích của nhiều người thì chính quyền hiện nay đang lúng túng. Theo chúng tôi nếu có sự lúng túng này thì chỉ là vì một số cán bộ chính quyền vừa muốn tiếp tục là những người chiếm dụng khu đất và hưởng lợi từ khu đất này đồng thời họ cũng muốn cho giáo dân không tập trung cầu nguyện và khiếu kiện tập thể đông người tại khu đất làm mất mặt chế độ.

Trong khi đó giáo dân tiếp tục ăn bờ ngủ bụi để đòi hỏi công lý cho mình. Họ nghĩ đơn giản và rõ ràng rằng: Theo lẽ công bằng, đất đấy Xí nghiệp Dệt Thảm Len đã chiếm dụng, bây giờ Xí nghiệp này đã giải thế, trong khi Công ty May Chiến Thắng thừa kế lại đã có cơ sở sản xuất ở nơi khác và trong khi Giáo xứ Thái Hà có nhu cầu về đất đai, thì công ty Chiến Thắng phải trả lại cho Giáo xứ. Nếu Công ty không tự làm thì chính quyền phải tuyên bố thu hồi đất của Công ty May Chiến Thắng và giao lại cho Giáo xứ.

Ai cũng biết điều này là cực kỳ khó khăn trong bối cảnh hiện nay khi mà các quan chức tham nhũng liên minh ma quỷ với nhau để ăn đất của dân đã thành quốc nạn và không còn sợ gì thần thánh nữa! Có lẽ vì vậy giáo dân Thái Hà còn phải cầu nguyện kéo dài theo phương châm: “Kiên trì cầu nguyện. Nhất định thắng lợi! ”.
 
Thư của GM Hải Phòng ủng hộ việc đòi trả lại tòa Khâm Sứ và đất đai xứ Thái Hà
+GM. Giuse Vũ Văn Thiên
22:25 11/01/2008

THƯ CỦA ĐỨC CHA GIUSE VŨ VĂN THIÊN - GIÁO PHẬN HẢI PHÒNG



12/01/2008

TÒA GIÁM MỤC HẢI PHÒNG
46 Hoàng Văn Thụ, Hải Phòng, Việtnam
Đt: 0313 745 387


Hải Phòng ngày 10-01-2008

Kính gửi: Đức Cha Giuse NGÔ QUANG KIỆT

Tổng Giám mục Hà Nội

Kính thưa Đức Tổng,

Ngày 19-12-2007, sau khi được tin Đức Tổng cùng với Linh mục đoàn và giáo dân Hà Nội cầu nguyện tại Tòa Khâm Sứ đêm 18-12-2007, con đã điện thoại để bày tỏ sự ủng hộ và hiệp thông với Đức Tổng trong chương trình cầu nguyện này.

Gần một tháng đã trôi qua, những bức xúc của Giáo phận Hànội liên quan đến việc đề nghị trao trả Tòa Khâm Sứ và đất đai tại Giáo xứ Thái Hà vẫn chưa được giải quyết. Một lần nữa, mọi thành phần Dân Chúa Giáo phận Hải Phòng bày tỏ sự ủng hộ những nhu cầu chính đáng của Đức Tổng và Giáo phận Hà Nội. Chúng con luôn ở bên Đức Tổng trong lời cầu nguyện và tình mến, với xác tín rằng lời cầu nguyện xuất phát từ nguyện vọng chính đáng và những trái tim chân thành sẽ được Chúa nhận lời.

Giáo phận Hải Phòng cũng đã nhiều lần đề nghị Chính quyền trong việc trao lại Nhà Hưu dưỡng các Linh mục tại Đồng Giới và tái thiết Đền Thánh Hải Dương.

Hy vọng những dự tính này sẽ được sớm thực hiện.

Kính chúc Đức Tổng luôn bình an mạnh khoẻ và tràn đầy ơn Chúa.

+Giuse Vũ Văn Thiên
Giám mục Hải Phòng

 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Tần Tảo
Thérésa Nguyễn
00:20 11/01/2008

TẦN TẢO



Ảnh của Thérésa Nguyễn

Thương con khuya sớm bao tháng ngày

Lặn lội gieo neo, nuôi con tới ngày lớn khôn.

(Trích ca khúc Lòng Mẹ của Y Vân)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền