Ngày 05-01-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lễ Chúa Hiển Linh - 06/01/2018 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
06:26 05/01/2018



Bài Ðọc I: Is 60, 1-6

"Vinh quang Chúa xuất hiện trên ngươi".

Trích sách Tiên tri Isaia.

Hãy đứng lên, hãy toả sáng ra, hỡi Giêrusalem! Vì sự sáng của ngươi đã tới, vì vinh quang của Chúa đã bừng dậy trên mình ngươi.

Kìa tối tăm đang bao bọc địa cầu, vì u minh phủ kín các dân, nhưng trên mình ngươi Chúa đang đứng dậy, vì vinh quang của Ngài xuất hiện trên mình ngươi. Chư dân sẽ lần bước tìm về sự sáng của ngươi, và các vua hướng về ánh bình minh của ngươi.

Hãy ngước mắt lên chung quanh, và hãy nhìn coi: tất cả những người đó đang tập họp, đang tìm đến với ngươi; các con trai của ngươi tự đàng xa đi tới, và các con gái ngươi đứng dậy từ khắp bên hông.

Bấy giờ ngươi sẽ nhìn coi, và ngươi trở nên rực rỡ, tim ngươi sẽ rạo rực và sẽ phồng lên. Bởi vì những kho tàng bể khơi tuôn đến với ngươi, nguồn phú túc của chư dân sẽ tới tay ngươi. Những con lạc đà tràn ngập vây phủ lấy ngươi, những lạc đà một bướu tự xứ Mađian và Epha; tất cả những ai từ Saba đi tới, đem theo vàng và nhũ hương, và họ sẽ tuyên rao lời ca ngợi Chúa.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 71, 2. 7-8. 10-11a. 12-13

Ðáp: Lạy Chúa, mọi dân tộc trên địa cầu đều thờ lạy Chúa

Xướng: Lạy Chúa, xin ban quyền xét đoán khôn ngoan cho đức vua, và ban sự công chính cho hoàng tử, để người đoán xét dân Chúa cách công minh, và phân xử người nghèo khó cách chính trực.

Xướng: Sự công chính và nền hoà bình viên mãn sẽ triển nở trong triều đại người, cho đến khi mặt trăng không còn chiếu sáng. Và người sẽ thống trị từ biển nọ đến biển kia, từ sông cái đến tận cùng trái đất.

Xướng: Vì người sẽ giải thoát kẻ nghèo khó khỏi tay kẻ quyền thế, và sẽ cứu người bất hạnh không ai giúp đỡ. Người sẽ thương xót kẻ yếu đuối và người thiếu thốn, và cứu thoát mạng sống kẻ cùng khổ.

Xướng: Chúc tụng danh người đến muôn đời, danh người còn tồn tại lâu dài như mặt trời. Vì người, các chi họ đất hứa sẽ được chúc phúc, và các dân nước sẽ ca ngợi người.

Bài Ðọc II: Ep 3, 2-3a. 5-6

"Bây giờ được tỏ ra rằng các dân ngoại được đồng thừa tự lời hứa".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, (chắc) anh em đã nghe biết rằng: Thiên Chúa đã ban cho tôi việc phân phát ân sủng cho anh em, là theo ơn mạc khải cho tôi biết, tôi đã được thấu hiểu mầu nhiệm mà con cái loài người các thế hệ khác không được biết, nhưng nay đã mạc khải cho các thánh Tông đồ của Người, và cho các vị Tiên tri, nhờ Thánh Thần. Và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được nên đồng thừa tự, đồng một thân thể và đồng thông phần với lời hứa của Người trong Chúa Giêsu Kitô.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mt 2, 2

Alleluia, alleluia! - Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Ðông phương, và chúng tôi đã đến để triều bái Người. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 2, 1-12

"Chúng tôi từ phương Ðông đến thờ lạy Ðức Vua".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi Chúa Giêsu sinh hạ tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, trong đời vua Hêrôđê, có mấy nhà đạo sĩ từ Ðông phương tìm đến Giê-rusalem. Các ông nói: "Vua người Do-thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Ðông phương, và chúng tôi đến để triều bái Người". Nghe nói thế, vua Hêrôđê bối rối, và tất cả Giêrusalem cùng với nhà vua. Vua đã triệu tập tất cả các đại giáo trưởng và luật sĩ trong dân, và hỏi họ cho biết nơi mà Ðức Kitô sinh hạ. Họ tâu nhà vua rằng: "Tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, vì đó là lời do Ðấng Tiên tri đã chép: Cả ngươi nữa, hỡi Bêlem, đất Giuđa, không lẽ gì ngươi bé nhỏ hơn hết trong các thành trì của Giuđa, vì tự nơi ngươi sẽ xuất hiện một thủ lãnh, Người đó sẽ chăn nuôi Israel dân tộc của Ta".

Bấy giờ Hêrôđê ngầm triệu tập mấy nhà đạo sĩ tới, cặn kẽ hỏi han họ về thời giờ ngôi sao đã hiện ra. Rồi vua đã phái họ đi Bêlem và dặn rằng: "Các khanh hãy đi điều tra cẩn thận về Hài Nhi, rồi khi đã gặp thấy, hãy báo tin lại cho Trẫm, để cả Trẫm cũng đến triều bái Người". Nghe nhà vua nói, họ lên đường. Và kìa ngôi sao họ xem thấy ở Ðông phương, lại đi trước họ, mãi cho tới nơi và đậu lại trên chỗ Hài Nhi ở. Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng. Và khi tiến vào nhà, họ đã gặp thấy Hài Nhi và Bà Maria Mẹ Người, và họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người. Rồi, mở kho tàng ra, họ đã dâng tiến Người lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược. Và khi nhận được lời mộng báo đừng trở lại với Hêrôđê, họ đã qua đường khác trở về xứ sở mình.

Ðó là lời Chúa.
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:04 05/01/2018
33. THƠ TẶNG KẺ CẮP
Ở Ngô Trung có một lão nho sinh tên là Trầm Văn Khanh, nhà rất bần hàn.
Một hôm, ông ta chuyên tâm đọc sách đến nửa đêm thì bổng thoáng thấy tên trộm lẻn vào phòng ăn cắp đồ mà không lấy được thứ gì, ông ta bèn nuốt nước miếng chậm rải nói với nó:
- “Được anh đến thăm, xin tặng anh một bài thơ, được chứ ?”
Thế là ngâm thơ:
- “Gió lạnh tối trăng đêm xa xôi, phụ anh chừ đến một lần gặp. Chỉ có tam thư tứ lược cổ, cũng có thể đi dạy nhi ấu nhi.”
Tên ăn trộm nghe xong liền cười lớn và bỏ đi.
(Lụy Ngoã tập)

Suy tư 33:
Bình tĩnh là phương thế hay nhất để đối diện với nghịch cảnh, nó như một cái neo để làm cho con tàu không bị sóng lớn đẩy đi.
Người bình tĩnh là người biết tự kềm chế mình, là người biết để cho phong ba qua đi mà không la lối thoá mạ, là người biết mĩm cười trước khó khăn mà không dao động tinh thần.
Bình tĩnh để đối phó với nghịch cảnh cũng như cầu nguyện để chiến thắng với cơn cám dỗ, do đó mà người Ki-tô hữu không những bình tĩnh để đối diện với cám dỗ mà còn cầu nguyện để tăng gia sự bình tĩnh nơi họ, và như thế có thể nói: cầu nguyện để được bình tĩnh là thói quen của những người khôn ngoan luôn cậy trông vào ơn của Chúa giúp trong mọi hoàn cảnh đặc biệt của họ, đó là sự bình tĩnh của người Ki-tô hữu không ỷ lại sức mình, nhưng cậy nhờ ơn Chúa giúp.
Lão nho sinh rất bình tĩnh đối diện với tên ăn trộm khi làm thơ tặng cho nó bởi vì trong nhà chẳng có gì để cho tên trộm lấy, cũng vậy, người Ki-tô hữu luôn bình tĩnh khi cơn cám dỗ đến bởi vì họ biết rằng, họ còn có Thiên Chúa và ân sủng của Ngài để chiến thắng cám dỗ của ma quỷ.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

---------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholicnews.com
http://nhantai.info
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (Lễ Hiển Linh)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:05 05/01/2018
Chúa Nhật
LỄ CHÚA HIỂN LINH


Tin mừng : Mt 2, 1-12.
“Từ phương Đông chúng tôi đến thờ lạy Ngài.”


Bạn thân mến,
Đã có ít là một lần trong cuộc sống, người ta hỏi bạn Thiên Chúa ở đâu bạn không thấy sao lại tin vào Ngài ! Và tôi tin chắc rằng bạn sẽ có hai thái độ khi nghe câu hỏi ấy: một là tránh né nói qua loa vài câu cho chiếu lệ, hai là tận tình bày tỏ niềm tin của mình vào Thiên Chúa .
Ba nhà chiêm tinh cũng đã hỏi những người dân thành Giê-ru-sa-lem như thế: “Đức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Ngài xuất hiện ở phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Ngài.” Một câu hỏi đã đánh thức niềm mong đợi Đấng Mes-si-a của dân Do Thái, một câu hỏi đã làm cho các thượng tế phải lần giở sách Thánh Kinh ra để đọc lại, một câu hỏi đã làm cho vua Hê-rô-đê bối rối lo sợ và bất an trong tâm hồn.
Người ta không nhìn thấy Thiên Chúa nên mới hỏi chúng ta, họ hỏi chúng ta vì chúng ta tin vào sự hiện hữu và tình yêu của Ngài đối với nhân loại. Người ta hỏi chúng ta về Đức Chúa Giê-su vì họ không nhìn thấy Đức Chúa Giê-su bằng xương bằng thịt, nhưng họ chỉ nhìn thấy niềm tin của bạn và tôi nói riêng, và của toàn thể người Ki-tô hữu nói chung, họ thấy niềm tin mãnh liệt của chúng ta vào Đức Chúa Giê-su khi chúng ta xả thân phục vụ tha nhân, họ nhìn thấy niềm tin vào Đức Chúa Giê-su của chúng ta, khi chúng ta hết lòng yêu thương tha nhân như chính mình, và nhất là họ nhìn thấy chúng ta biết tha thứ cho tha nhân khi họ xúc phạm đến mình.
Bạn thân mến,
Ngày lễ Hiển Linh là một dịp để bạn và tôi suy nghĩ lại niềm tin của mình vào Đức Chúa Giê-su, là dịp để bạn và tôi coi lại cuộc sống của mình có phù hợp với tinh thần sứ mệnh mà chúng ta đã lãnh nhận trong ngày chịu bí tích Rửa Tội hay không, sứ mệnh đó chính là đem Chúa đến cho mọi người, tức là truyền giáo vậy.
Không phải chỉ có ba nhà chiêm tinh hỏi dân thành Giê-ru-sa-lem mà thôi, nhưng hôm nay vẫn còn có nhiều người sẽ hỏi bạn và tôi về Thiên Chúa, về Đức Chúa Giê-su là ai, Ngài là Đấng nào mà bạn và tôi sẽ sống chết cho niềm tin vào tình yêu của Ngài. Đó là dịp để bạn và tôi sống và làm chứng cho Phúc Âm vậy.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
----------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholicnews.com
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:06 05/01/2018

24. Có những lúc con cầu xin mà không được là bởi vì con cầu xin cái không đúng, hoặc lập chí bất định, hoặc qúa sơ sài, hoặc bởi vì cầu xin cái không ích lợi, hoặc là vì con ngưng việc cầu nguyện.

(Thánh Basil tiến sĩ)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa, trong "Cách ngôn thần học tu đức"

---------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholicnews.com
http://nhantai.info
 
Suy Niệm Chúa Nhật Lễ Hiển Linh
Lm. Anthony Trung Thành
09:18 05/01/2018
Theo dòng lịch sử cứu độ, Thiên Chúa luôn tỏ mình ra cho con người. Ngài tỏ mình ra nhằm mục đích cho con người biết ý định của Ngài, là muốn cho con người được tham dự vào sự sống đời đời của Ngài.

Nhiều lần Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho con người bằng lời nói: Ngài nói với ông Mô-sê, nói với các tiên tri. Sau đó, Mô-sê và các tiên tri nói lại với dân chúng. Chẳng hạn, Ngài nói với Mô-sê về ý định của Ngài là muốn đưa dân Is-ra-en thoát khỏi ách nô lệ Ai-cập để về Đất Hứa. Mô-sê đi nói điều đó cho dân chúng biết (x. Xh 6,1-13).

Nhiều lần Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho con người bằng hành động: Chẳng hạn, Ngài cho nước Biển đỏ dựng đứng như bức tường thành để dân Is-ra-en đi qua (x. Xh 14, 15-31) hay cho mưa diêm sinh và lửa từ trời thiêu đốt thành Xơ-đôm và Gô-mô-ra vì tội lỗi của họ (x. St 19,1-29)…

Ngài còn tỏ mình ta theo từng giai đoạn khác nhau của lịch sử cứu độ: Vào năm 1850 (TCN), Ngài tỏ mình ra cho ông Áp-ra-ham và thử lòng trung thành của ông qua việc đòi ông hiến tế đứa con duy nhất là I-xa-ác. Ông Áp-ra-ham đã vâng nghe và làm đúng như lời Thiên Chúa, nhưng được Thiên thần can ngăn. Thấy được lòng trung thành của ông, nên Thiên Chúa hứa sẽ ban cho ông một dân tộc, một dòng dõi đông đúc như sao trên trời và như cát ngoài bãi biển (x. St 22,1-19); vào năm 1250 (TCN), Ngài tỏ mình ra cho ông Mô-sê qua bụi cây bốc cháy và cho ông biết Ngài là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, I-xa-ác, Gia-cóp, tổ phụ người Do Thái và ý định của Ngài là đưa dân Ít-ra-en ra khỏi ách thống trị nô lệ Ai-cập (x. Xh 3, 1-22); vào năm 1000 (TCN), qua Na-than, Thiên Chúa hứa với vua Đa-vít rằng Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra trong dòng dõi của ông (x. 2Sm 7,11-16); từ năm 721 (TCN), Thiên Chúa tiếp tục nói với dân chúng qua các tiên tri như I-sai-a, A-mốt, Hô-sê, Giê-rê-mi-a, Ê-dê-ki-en…; Cuối cùng, Thiên Chúa tỏ mình ra cách trọn vẹn nơi Đức Giê-su Ki-tô. Vì thế, ngày lễ Giáng sinh là ngày Thiên Chúa tỏ mình ra cho dân Do Thái. Chính các Thiên thần báo tin cho các mục đồng rằng: “Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa.” (Lc 2,11). Còn ngày lễ Hiển linh mà chúng ta mừng kính hôm nay gọi là ngày lễ Thiên Chúa tỏ mình ra cho dân ngoại qua ngôi sao dẫn đường. Rồi, ông Si-mê-on nhận ra trẻ Hài nhi là Đấng Cứu Thế nhờ Thánh Thần linh hứng (x. 2,22-28). Bà An-na cũng được ơn nói tiên tri về Hài Nhi cho mọi người (x. Lc 2,36-38).

Trong ba năm đời sống công khai, Đức Giê-su cũng tỏ mình ra cho các môn đệ và dân chúng bằng lời nói và các phép lạ Ngài làm. Ngài cho biết: Ngài là ai? Thiên Chúa là Đấng nào? Thiên Chúa có mấy ngôi? Nhiệm vụ của từng Ngôi như thế nào? Ngài còn mạc khải cho biết nhiều điều liên quan đến Thiên Chúa, đến thế giới thiêng liêng, đến số phận đời đời của con người và vũ trụ này. Sau ba năm đời sống công khai, Ngài đã chịu chết, sống lại và lên trời. Đến ngày tận cùng của thế giới, Ngài lại ngự đến để phán xét kẻ sống và kẻ chết.

Như vậy, nếu không có những lần Thiên Chúa tỏ mình ra, nếu không có Đức Giêsu mặc khải thì con người sẽ không biết Thiên Chúa là ai, ý định của Ngài như thế nào. Cũng vậy, các mục đồng sẽ không biết Đức Giê-su là Đấng Cứu Thế nếu không được các Thiên thần loan báo. Các đạo sỹ cũng không biết Đức Giê-su nếu không có ngôi sao dẫn đường chỉ lối. Các tông đồ sẽ không biết về Thiên Chúa và các phẩm tính của Ngài nếu Đức Giê-su không mạc khải cho họ. Mỗi người kitô hữu chúng ta sẽ không biết Đức Giê-su Ki-tô nếu Giáo hội, cha mẹ, thầy cô giáo lý viên…không dạy dỗ chúng ta. Những người ngoại giáo sẽ không biết về Đức Giê-su Ki-tô nếu người kitô hữu không nói cho họ biết.

Vì thế, ngày hôm nay, Thiên Chúa vẫn muốn tiếp tục tỏ mình ra cho nhân loại qua trung gian các kitô hữu. Ngài tỏ mình ra qua lời nói và hành động của chúng ta. Chúng ta có thể giới thiệu về Chúa bằng lời nói như Thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê đã làm. Chúng ta có thể giới thiệu về Chúa bằng việc làm bác ái yêu thương như Mẹ Tê-rê-xa Cal-cut-ta đã làm. Trong bài đọc I hôm nay, ngôn sứ I-sai-a mời gọi chúng ta “Hãy tỏa sáng ra” (Is 60,1). Chúng ta hãy “tỏa sáng” giáo huấn của Đức Giê-su cho hết thảy mọi người: hãy tỏa sáng tình thương tới những nơi có oán ghét hận thù; hãy tỏa sáng sự thứ tha tới những nơi có khinh khi nhục mạ; hãy tỏa sáng sự hòa giải tới những nơi đang có mâu thuẫn bất đồng; hãy tỏa sáng chân lý tới những nơi có giả dối sai lầm; hãy tỏa sáng đức tin tới những nơi đang có hoàn nghi ngờ vực; hãy tỏa sáng niềm hy vọng tới những nơi đang có nản chí sờn lòng; hãy đem ánh sáng vào những nơi đang có bóng tối mây mù; hãy tỏa sáng niềm an vui vào những nơi đang có u sầu buồn bã.

Làm được như vậy, mọi người sẽ nhận biết Thiên Chúa là Đấng nào hay ít nữa là họ biết chúng ta là con cái của Ngài. Câu chuyện sau đây làm chứng cho chúng ta thấy điều đó: Một buổi tối lạnh lẽo trong kỳ nghỉ lễ, có một cậu bé độ sáu bảy tuổi đứng bên ngoài một tủ kính bầy hàng của một cửa hiệu. Cậu bé không có giầy, quần áo thì rách rưới bẩn thỉu.

Một phụ nữ đi ngang qua và chợt nhìn thấy cậu bé. Bà đọc thấy được một niềm mong ước trong đôi mắt xanh xao của em. Bà cầm tay em dắt vào cửa hiệu, rồi mua cho em một đôi giầy mới, một bộ đồ mới ấm áp.

Sau đó, cả hai đi ra khỏi cửa hiệu và người phụ nữ nói với cậu bé: “Bây giờ về nhà, chúc cháu hưởng một kỳ lễ vui vẻ.” Cậu bé ngước nhìn bà và hỏi: “Bà có phải là Thượng Đế không ?” Người phụ nữ mỉm cười và trả lời: “Không phải đâu cháu, ta chỉ là một trong những người con của Ngài mà thôi.” Bấy giờ cậu bé mới reo lên: “Cháu biết là thế nào bà cũng phải có họ với Thượng Đế mà.” (Bài viết có sử dụng dữ liệu trên Internet).

Ước mong rằng lời nói và việc làm của chúng ta giúp người khác nhận ra Thiên Chúa. Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, vì yêu thương nhân loại chúng con nên Chúa đã tỏ mình ra cho chúng con nhận biết Chúa. Xin cho chúng con luôn tin yêu Chúa. Xin cho chúng con biết dùng lời nói và việc làm để giới thiệu về Chúa cho anh chị em mình. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành
 
Suy niệm Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
09:20 05/01/2018
Tiếp theo lễ Chúa Hiển Linh, Phụng vụ của Giáo Hội mời gọi chúng ta cử hành lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, kết thúc mùa Giáng sinh. Lễ này đã được các Giáo phụ quan tâm đặc biệt ngay từ những thời kỳ đầu, vì tầm quan trọng đặc biệt có tính cổ thời của nó. Đây là lễ được mừng sớm nhất, chỉ sau lễ Phục sinh, vì nó bao hàm lời rao giảng của các Tông Đồ, là điểm khởi hành cho tất cả những việc mà các Tông Đồ phải làm chứng cho (x. Tđcv 1, 21-22; 10, 37-41). Thứ đến, đây là lần đầu tiên, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi được mạc khải một cách đầy đủ và rõ ràng. Lý do nữa là phép rửa của Chúa Giêsu nơi sông Giordan loan báo trước cho phép rửa bằng Máu của Chúa trên Thập Giá, và tượng trưng cho toàn bộ những hoạt động có tính cách bí tích của Ðấng Cứu Thế. Để thực hiện ơn cứu rỗi nhân loại, Ngài đặt mình vào hàng ngũ các tội nhân, mặc dù Ngài là Đấng vô tội, nhưng Ngài đã mang trên mình tất cả tội lỗi của nhân loại. Hành động khiêm nhường và tự hủy này, đã được Chúa Cha chứng dám : " Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha" (Mc 1, 11). Cùng với Đức Giêsu, Chúa Thánh Thần xuất hiện dưới hình chim bồ câu đậu xuống trên Người, để chỉ cho chúng ta tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh mà chúng ta sẽ thấy diễn ra tương tự nơi biến cố Chúa Biến Hình.

Câu hỏi được đặt ra trước hết là tại sao Chúa Giêsu là Đấng vô tội sao lại đến xin Gioan làm phép rửa?

Thánh Ghê-gô-ri-ô, giám mục Na-di-en cho biết : "Có thể là Chúa muốn thánh hoá kẻ sắp làm phép rửa cho Chúa, nhưng chắc chắn để chôn vùi trọn vẹn con người A-đam cũ trong dòng nước. Thật vậy, trước khi thanh tẩy ta và để thanh tẩy ta, Chúa thánh hoá sông Gio-đan ; vì Người vừa là thần khí vừa là xác phàm, nên Người cũng muốn nhờ Thần Khí và nước để đưa chúng ta vào đạo". Nên dù Gioan làm phép rửa, ông cũng chỉ là đèn đối với Mặt Trời, tiếng nói với Lời, phù rể đối với Chàng Rể, người cao trọng nhất trong số những người sinh bởi đàn bà với Trưởng Tử mọi loài thọ sinh, người nhảy mừng trong dạ mẹ với Đấng được thờ lạy ngay khi còn trong lòng mẹ, người tiền hô hiện tại và tương lai với Đấng vừa xuất hiện và sẽ xuất hiện. Quả thật, Gioan biết rằng mình sẽ được thanh tẩy bằng cuộc tử đạo. (Trích bài giảng của thánh Grêgôriô, giám mục Na-di-en). Thánh Phêrô Kim Ngôn giải thích rằng, khi Gioan làm phép rửa cho Chúa Giêsu thì : "Tôi tớ đóng vai chủ, con người đóng vai Thiên Chúa, ông Gio-an đóng vai Đức Ki-tô ; ông đóng vai đó để lãnh ơn thứ tha chứ không phải để ban phát". Nên Gioan giảng: " Phần tôi, tôi đã rửa anh em trong nước, nhưng Người, Người sẽ rửa anh em trong Thánh Thần" (Mc 1, 8). Đây là phép lạ vĩ đại đã xảy ra sau khi Đấng Cứu Thế chịu phép rửa ; phép lạ này là khúc dạo đầu cho những gì sẽ xảy ra. Đây không phải là Thiên Đàng khi xưa đóng lại vì tội của Ađam nay mở ra, mà chính trời mở ra : " Khi vừa lên khỏi nước, Người liền thấy trời mở ra, thấy Thánh Thần như chim bồ câu ngự xuống trên mình " (Mc 1,10).

Tại sao khi Chúa Giêsu vừa lên khỏi nước, trời lại mở ra?

Chúa Giê-su vừa bước lên khỏi nước lúc ấy trời mở ra là Chúa Giêsu nâng thế gian lên cao với Ngài. Vì xưa kia, khi bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng và bị lưỡi gươm lửa cấm đoán, chính A-đam đã đóng cửa trời lại, không cho mình mà cũng không cho con cháu vào. Nay nhờ Chúa Giêsu mà cửa trời được mở ra.

Trời mở ra, còn mạc khải cho Gioan Tẩy Giả và những người Do Thái biết Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Theo thánh Gioan Kim Khẩu, điều này muốn dạy chúng ta rằng, một sự tương tự vô hình cũng xảy ra khi chúng ta chịu Phép Rửa Tội: Chúa Thánh Thần cũng ngự vào tâm hồn của chúng ta. Ngài không ngự đến một cách hữu hình, bởi vì chúng ta không cần: đức tin hiện nay là đủ... Thiên Chúa mở cửa trời để kêu gọi chúng ta hướng về trời, vì quê hương chúng ta là quê trời, và mách bảo chúng ta rằng, chúng ta không có gì ở dưới đất.

Tại sao Chúa Thánh Thần lại lấy hình một con chim bồ câu mà hiện xuống?

Lý do là vì chim bồ câu rất dịu dàng và trong sạch, và Chúa Thánh Thần là thần khí dịu êm và an bình. Chim bồ câu cũng nhắc cho chúng ta nhớ lại một sự kiện chúng ta đọc thấy trong Cựu Ước khi trái đất bị ngập do lũ lụt và toàn thể loài người trong nguy cơ hư mất, chim bồ câu ngậm cành ôlui xuất hiện để báo sự chấm dứt của cơn đại hồng thủy, tin vui hòa bình cho toàn thế giới. Giờ đây, tất cả những điều này cũng tiên báo về tương lai. Khi tất cả đã hư mất, nay được giải thoát và đổi mới, điều gì đã xảy ra khi nước lũ đến ngày hôm nay như là một lũ lụt của ân sủng và lòng thương xót Chúa... Chim bồ câu, thay vì ngậm một cành ô liu báo cho Noe là người duy nhất bước ra khỏi tầu để đặt chân lên mặt đất. Nay Chim bồ câu báo tin trận hồng thuỷ tràn ngập thế gian đã lui đi, thế gian không còn phải chìm ngập trong cảnh trầm luân muôn đời nữa, phẩm giá ơn gọi làm con Thiên Chúa của chúng ta được phục hồi, và lôi kéo hết thảy mọi người lên Thiên Đàng.

Lời ngôn sứ nói : "Tiếng Chúa vang rền trên nước… Tiếng Chúa uy linh tung sấm sét" (Tv 28). Tiếng nào vậy ? "Này là tôi tớ Ta mà Ta nâng đỡ, là người Ta chọn, Ta hài lòng về người. Ta ban Thần trí Ta trên người" (Is 42, 1). Đây là tiếng từ trời vọng xuống để làm chứng cho Đấng từ trời mà đến. Tiếng đó bày tỏ lòng tôn trọng thân xác dưới hình chim bồ câu, vì thân xác đã được thần hoá, khi Thiên Chúa tự tỏ mình ra trong thân xác :"Con là Con yêu dấu của Cha ; Con đẹp lòng Cha"(Mc 1, 11).

Vậy, phép rửa của Chúa Giêsu và phép rửa của chúng ta có liên kết chặt chẽ với nhau. Phụng Vụ của ngày lễ này đã hát lên như sau: "Đức Kitô chịu phép rửa, cả trần gian được thánh hoá, chúng ta được tha thứ tội lỗi, được thanh tẩy nhờ nước và Thánh Thần" (Tiền xướng của Kinh Bênêdictus, của Giờ Kinh Sáng). Chúng ta hãy thanh tẩy mình cho thanh sạch, hãy tiếp tục thanh tẩy cho thanh sạch hoàn toàn và đem lòng tôn kính mà tưởng niệm ngày Đức Ki-tô chịu phép rửa, và hãy mừng lễ cách xứng đáng. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Lễ Đức Chúa Giê-su chịu phép rửa
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:41 05/01/2018
LỄ ĐỨC CHÚA GIÊ-SU CHỊU PHÉP RỬA

Tin mừng: Mc 1, 7-11.
“Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về con.”


Bạn thân mến,
Trong thân phận làm người, Đức Chúa Giê-su đã trở thành mẫu gương khiêm hạ tuyệt vời cho chúng ta, khi Ngài chịu phép rửa nơi sông Gio-đan, mặc dù Ngài không cần sám hối ăn năn, bởi vì Ngài là Đấng vô tội đang hiện diện giữa những người tội lỗi để trở nên nguồn ơn cứu độ cho nhân loại. Trong tâm tình ấy, bạn và tôi suy niệm về câu Lời Chúa trên đây:
1. Con là Con yêu dấu của Cha...
Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người giống hình ảnh của Ngài, nhưng từ thuở tạo thiên lập địa đến nay, Thiên Chúa chưa gọi ai là con yêu dấu của mình, ngoại trừ một mình Đức Chúa Giê-su. Bởi vì sự vâng lời và hy sinh của Ngài đã làm cho khuôn mặt của yêu thương của Đức Chúa Cha được tỏ hiện nơi nhân loại; bởi vì Đức Chúa Giê-su là trưởng tử của Đức Chúa Cha và là anh cả của nhân loại dám hy sinh mạng sống của mình để cho những đàn em qua muôn thế hệ được sống; bởi vì tự cung lòng Đức Chúa Cha, Ngài đã hiện hữu với Cha ngay từ thưở hằng có đời đời, là hình ảnh vô hình của Cha hiện diện trước mặt nhân loại...
2. Cha hài lòng về con.
Một đứa con biết vâng lời cha mẹ, biết nhìn thấy yêu thương và hy sinh của cha mẹ đối với bản thân mình, thì luôn làm đẹp lòng cha mẹ, đó chính là người con làm đẹp mặt nở mày cha mẹ mình nhất.
Đức Chúa Cha đã hài lòng về Con Một của mình –Đức Chúa Giê-su- vì sự hy sinh cao cả của Ngài cho nhân loại, cho phần rỗi đời đời của mỗi người trong chúng ta, sự hy sinh này đẹp như là của lễ toàn thiêu, mà Đức Chúa Giê-su phải hiến dâng trẹn thánh giá đã làm đẹp lòng Đức Chúa Cha mọi đàng.
Nhưng có một lý do quan trọng khác mà Đức Chúa Cha xác thật Đức Giê-su là con yêu dấu của mình, đó là Cha đem Con giới thiệu công khai cho nhân loại biết khi Ngài chuẩn bị công khai rao giảng Tin Mừng Nước Trời, Ngài chính là Đấng cứu độ nhân loại, là nguồn mạch sự sống đời đời, ai tin vào Ngài thì đồng thời cũng tin vào Chúa Cha, ai yêu mến Ngài thì cũng sẽ yêu mến Chúa Cha.
Bạn thân mến,
Ngày lễ Chúa Giê-su chịu phép rửa, làm cho bạn và tôi nhớ lại bản thân mình đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội để trở thành con cái của Thiên Chúa, để trở nên môn đệ của Đức Chúa Giê-su, và như thế bạn và tôi đều có bổn phận loan báo tin vui Nước Trời cho mọi người biết, loan báo tin mừng bình an của Đức Chúa Giê-su cho mọi người chung quanh chúng ta.
Đức Chúa Giê-su đã được Chúa Cha công khai giới thiệu cho mọi người khi Ngài chịu phép rửa ở sông Gio-đan, bạn và tôi cũng được Đức Chúa Giê-su công khai sai đi làm chứng cho Ngài khi chúng ta lãnh bí tích Rửa Tội. Nhưng có lúc nào bạn và tôi hồi tâm suy nghĩ đến hồng ân to lớn ấy mà Chúa Giê-su đã ban cho chúng ta không ? Chúng ta có lấy cuộc sống của mình để giới thiệu và làm chứng cho tình yêu của Đức Chúa Giê-su giữa cuộc đời này không ?
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholicnews.com
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Fides: Hàng trăm sinh viên Ấn Giáo cực đoan tấn công một trường cao đẳng Công Giáo
Đặng Tự Do
16:50 05/01/2018
Trong những năm qua, được kích động bởi các giáo sĩ Ấn Giáo, một bộ phận các tín hữu Hindu tại Ấn Độ thường có những biểu hiện tiêu cực trước việc mừng đón Giáng Sinh trong xã hội. Nhẹ nhàng thì tẩy chay, cấm con cái tham gia; bạo lực hơn thì tấn công vào các nhà thờ đang cử hành thánh lễ hay các địa điểm tụ tập hát thánh ca Giáng Sinh.

Các hành động bạo lực thường được thực hiện bởi những người bình dân, ít học. Tuy nhiên, trong bản tin ngày 5 tháng Giêng, thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc lên tiếng cảnh báo về một làn sóng bạo lực nguy hiểm lần đầu tiên xuất phát từ các học sinh và sinh viên, là những người được hưởng một nền giáo dục nhất định.

Hàng trăm cảnh sát đã được triển khai tại trường Cao Đẳng Đức Maria ở thành phố Vidisha, giáo phận Sagar thuộc bang Madhya Pradesh, miền trung Ấn Độ sau khi hàng trăm sinh viên Hindu đe doạ thực hiện các nghi lễ Ấn Giáo trong khuôn viên nhà trường.

Đức Giám Mục Theodore Mascarenhas, Tổng thư ký Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Ấn Độ, là người đang theo dõi vấn đề, nói với Fides như sau:

“Hàng trăm sinh viên đã tràn vào bên trong nhà trường vào ngày 30 tháng 12 mặc dù có tới 20 cảnh sát đang hiện diện. Sau khi trật tự được tái lập, họ đe dọa sẽ thực hiện nghi thức Aarti Bharat Mata, tức là nghi thức xông hương cho nữ thần Durga, được coi là hiện thân quốc gia của Ấn Độ, và các nữ thần Hindu khác trong trường.”

Ngài cho biết thêm:

“Cảnh sát đã tung ra một lực lượng lớn để bảo vệ nhà trường sau khi có tin trên báo chí là vào ngày 4 tháng Giêng, hơn 900 sinh viên sẽ xông vào nhà trường một lần nữa để ‘thánh hiến’ nhà trường này cho các nữ thần Hindu. Chúng ta cần phải cầu nguyện nhiều hơn. Chúng tôi vẫn đang liên lạc thường xuyên với Bộ Nội vụ liên bang”

Tưởng cũng nên nhắc lại rằng trong mùa Giáng sinh, một nhóm giáo dân và các linh mục tại Satna đã bị tấn công khi họ hát thánh ca Giáng sinh
 
Đức Thánh Cha mời gọi hãy cầu nguyện cho tự do tôn giáo ở Châu Á
Thanh Quảng sdb
17:07 05/01/2018
Đức Thánh Cha mời gọi hãy cầu nguyện cho tự do tôn giáo ở Châu Á

Trong bức Thông điệp gửi đi bằng video, Đức Thánh Cha công bố ý cầu nguyện cho tháng Giêng này là “hãy cầu nguyện cho tự do tôn giáo ở Châu Á”.
Đức Thánh Cha xin tất cả đừng quên những ai đang tranh đấu cho đức tin vào tự do.
Trong bản văn của Thông điệp Video này Đức Thánh Cha nói: Trong một xã hội văn hoá đa dạng của Châu Á, Giáo Hội phải đối diện với nhiều mặt và trong thực tế nhiệm vụ của Giáo Hội lại càng khó khăn hơn khi đối diện với các nhóm thiểu số.
Những thách đố và những khó khăn này cần được đi sâu vào các truyền thống tôn giáo thiểu số khác, với những con người cụ thể hầu chúng ta có thể chia sẻ những ước mơ một cách khôn ngoan trong sự thật và trong ơn linh thánh.
Khi chúng ta nhớ đến những người bị bách hại vì tín ngưỡng của họ, chúng ta cần vượt lên những khác biệt về lễ nghi hay nguyên tắc: Chúng ta đặt mình vào tâm trạng của những người người đang tranh đấu để gìn giữ bản sắc tôn giáo của họ.
Chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả chúng, để các Kitô hữu, và các tôn giáo thiểu số khác ở các nước châu Á, được tự do thực hành đức tin của họ một cách sung mãn.
 
Đức Hồng Y Vinko Puljić : 10,000 người Công Giáo di tản khỏi Bosnia mỗi năm vì bị kỳ thị
Đặng Tự Do
17:32 05/01/2018
Bosnia và Herzegovina đã từ lâu không được nhắc đến trên báo chí. Chính thức, cuộc nội chiến tàn bạo ở Nam Tư cũ đã kết thúc với Hiệp định Dayton năm 1995. Tuy nhiên, những vết thương của chiến tranh vẫn còn tiếp tục rỉ máu - đặc biệt là trong sự phân biệt đối xử đối với người Công Giáo. Khi cuộc xung đột đang diễn ra, ít nhất nửa triệu người Công Giáo đã bị xua đuổi khỏi quốc gia này.

Đức Hồng Y Vinko Puljic, là tổng giám mục Vrhbosna , đã lại báo động về số phận của người Công Giáo trong nước, phần lớn là người Croatia . Khoảng 10,000 người Công Giáo đang phải di tản ra nước ngoài mỗi năm.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, Đức Hồng Y cho biết như sau:

Thưa Đức Hồng Y, xin ngài cho biết khái quát về tình hình hiện tại của người Công Giáo ở Bosnia và Herzegovina

Trong chiến tranh và ngay sau đó, hầu hết người Công Giáo bị trục xuất khỏi nhà cửa của họ và có rất nhiều những vụ phá hoại và cướp bóc đã xảy ra. Sau chiến tranh, họ không nhận được sự hỗ trợ về mặt chính trị hay tài chính để quay trở lại. Các điều khoản của hiệp định Dayton đã không được thực hiện trong thực tế, và những người phải chịu đựng nhiều nhất là những người Công Giáo Croatia thiểu số. Họ gặp nhiều khó khăn để bảo vệ các quyền cơ bản của mình. Hiện nay tình trạng mất an ninh ngày càng đáng báo động, một số người Công Giáo Croatia đã phải rời khỏi đất nước vì lý do này. Họ quan tâm đến tương lai của con cái họ.

Điều gì làm họ hoảng sợ nhất, thưa Đức Hồng Y?

Không có quyền bình đẳng đối với họ trong những miền mà người Công Giáo là thiểu số so với đa số dân là người Hồi giáo hay Chính thống Serbia. Phân biệt đối xử được thể hiện rõ rệt trong các điều khoản chính trị và hành chính, nhất là ở nơi làm việc. Chúng tôi rất âu lo cho tương lai. Nếu không có người Croatia ở đó, thì người Công Giáo càng ít đi rất nhiều.

Đức Hồng Y có thấy bất kỳ dấu hiệu tích cực nào không?

Giáo hội ở Bosnia và Herzegovina đang cố gắng hoạt động như thể mọi thứ đều bình thường; chúng tôi đang cố gắng mang lại cảm giác tự tin và hy vọng cho tương lai. Điều này đang được thực hiện thông qua công việc mục vụ và bác ái của chúng tôi và cũng thông qua hệ thống trường học của chúng tôi. Chúng ta phải là muối đất trong tình huống bi thảm này và tiếp tục đứng thẳng lên trong các vấn đề về nhân quyền.

Các Kitô hữu đóng góp như thế nào để vượt qua những hậu quả của chiến tranh, thưa Đức Hồng Y?

Chúng tôi cho rằng thật là một ân sủng lớn lao để được sống đức tin của mình. Chúng tôi kín múc hy vọng và sức mạnh từ lời cầu nguyện cộng đồng và cá nhân. Thánh Lễ Chúa Nhật và các cuộc hành hương của chúng tôi là một nguồn sức mạnh quan trọng. Chúa Giêsu đã đến với chúng ta trong thực tại của con người, và do đó chúng ta nên trải nghiệm Giáng sinh trong mọi chiều kích thực tại của nó. Trước Hài Nhi Giêsu, chúng ta được kêu gọi để minh chứng rằng tình yêu của Thiên Chúa là nguồn vui đích thực của chúng ta. Vì tất cả chúng ta đều là những thụ tạo được Chúa yêu thương.

Cũng giống như Thiên Chúa đã đến và sống giữa chúng ta, Emmanuel là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, vì vậy chúng ta cũng phải gần gũi với nhau và gần gũi với Chúa hơn. Tôi thiết nghĩ chúng ta phải chữa lành các vết thương bằng cách tha thứ cho nhau và phó thác mọi sự cho sự quan phòng và tình yêu của Thiên Chúa.
 
Đức Hồng Y Tổng Giám mục Caracas: Các cuộc bầu cử cần phải được minh bạch
Đặng Tự Do
18:21 05/01/2018
Trong thông điệp năm mới, Đức Hồng Y Jorge Urosa Savino Tổng Giám mục Caracas bày tỏ sự mong đợi của ngài rằng các cuộc bầu cử trong năm mới sẽ minh bạch với các kết quả mà các công dân có thể tin tưởng, để giảm bớt cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đang ảnh hưởng đến đất nước.

Ngài nói: “Năm 2017 là một năm rất bi thảm đối với Venezuela, đánh dấu bởi bạo lực chính trị với số người thiệt mạng lên đến hơn 120 người trong các cuộc tấn công vào những người biểu tình. Venezuela đang trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, với siêu lạm phát và tình trạng thiếu lương thực và thuốc men.”

Tổng thống Nicolas Maduro, sẽ được bầu lại vào năm nay, khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào năm 2019. Tháng 7 năm ngoái, một trò hề bầu cử do Maduro đạo diễn đã dẫn tới việc thành lập một Quốc hội Lập hiến, thay thế cho Quốc hội, nơi các thành phần đối lập chiếm đa số.

Các cuộc biểu tình quần chúng chống lại Quốc hội Lập hiến đã được tổ chức, trong đó hơn 120 người đã bị các lực lượng an ninh giết chết.

Sau khi bác bỏ bạo lực “từ mọi phía” và khuyến khích các tín hữu bảo vệ hoà bình và các quyền của mọi người, Đức Hồng Y nói rằng “để giải quyết tình trạng hiện nay, bắt nguồn từ các băng hoại chính trị, cần phải tổ chức các cuộc bầu cử tổng thống đã được hiến pháp quy định. Để làm điều đó, cần đảm bảo các điều kiện công bằng và hợp lý cho các cuộc bầu cử minh bạch mang lại các kết quả mà người dân có thể tin cậy được.”

Thông điệp đầu năm mới được ký bởi Đức Hồng Y và bốn vị Giám Mục Phụ Tá của ngài và được đọc trong tất cả các giáo xứ của tổng giáo phận Caracas trong hai ngày 6 và 7 tháng Giêng.

Đức Hồng Y và các vị Giám Mục Phụ Tá cũng đã nhắc lại lời kêu gọi thả “các tù nhân bị giam giữ vì những hoạt động chính trị”.

Hơn 180 tù nhân chính trị đã bị bắt ở Venezuela và chính phủ tuyên bố đã thả 80 người trong số họ như là một cử chỉ thiện chí vào dịp Giáng sinh.

Với tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng, Đức Hồng Y và các vị Giám Mục Phụ Tá đã lên tiếng kêu gọi đoàn kết với những người nghèo qua những hành động cụ thể nhằm giảm bớt bi kịch của người nghèo, đặc biệt là các trẻ em suy dinh dưỡng.

Sự thất vọng tại Venezuela đã dâng cao trong nhiều năm do các chính sách kinh tế tồi tệ dẫn đến tỷ lệ lạm phát cao, thiếu các nhu yếu phẩm cơ bản như sữa, lương thực hàng ngày và thuốc men.
 
Đức Cha Thiệu Chúc Mẫn được trả tự do sau 7 tháng bị bắt
Đặng Tự Do
18:47 05/01/2018
Đức Cha Thiệu Chúc Mẫn bị công an bắt ngày 18 tháng 5 năm 2017 và bị đưa đi biệt tích khỏi giáo phận của ngài đã được trả tự do hôm 2 tháng Giêng.

Trong bản tin hôm 4 tháng Giêng, thông tấn xã AsiaNews của Hiệp Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo cho biết Đức Cha Phêrô Mẫn hiện đang ở thành phố Tể Ninh, Tỉnh Thanh Hải cách Ôn Châu 2,500 cây số, có lẽ để điều trị sau thời gian lao tù. Hiện nay, ngài được thong thả, không bị các công an kèm chặt như trước đây.

Hiện chưa rõ lý do tại sao Đức Cha được trả tự do. Các tín hữu Công Giáo tin rằng đây là kết quả chiến dịch ăn chay và cầu nguyện cho ngài do Giáo phận Ôn Châu tổ chức từ ngày 18 tháng 12 năm ngoái và được phổ biến trên toàn thế giới.

Có lẽ bọn cầm quyền Trung Quốc không muốn vụ này có một ảnh hưởng quốc tế sâu rộng hơn. Thật thế, trong những tháng qua, Đại sứ Đức tại Bắc Kinh, là Ông Michael Clauss liên tục gây sức ép với bọn cầm quyền Bắc Kinh về vụ Đức Cha Thiệu Chúc Mẫn và cả Tòa Thánh cũng bày tỏ mối quan tâm sâu xa đối với số phận của ngài.

Đức Cha Thiệu Chúc Mẫn, năm nay 54 tuổi, được Tòa Thánh công nhận nhưng bọn cầm quyền Bắc Kinh không nhìn nhận ngài là Giám Mục. Trong những tháng qua, công an đã ép ngài phải gia nhập Hội Công Giáo Yêu Nước Trung Quốc, một cơ quan ngoại vi của đảng cộng sản được thành hình để biến Giáo Hội Trung Quốc thành một Giáo hội tự trị, độc lập với Tòa Thánh và Giáo Hội hoàn vũ.

Giáo phận Ôn châu hiện có 70 linh mục và 130 ngàn tín hữu trong đó có hơn 80 ngàn thuộc Giáo Hội thầm lặng.
 
Đức Thánh Cha bất ngờ viếng thăm bệnh viện Bambino Gèsu
Đặng Tự Do
19:10 05/01/2018
Trong khuôn khổ nối dài các cuộc viếng thăm ngày thứ Sáu đã được bắt đầu trong năm thánh Lòng Thương Xót, lúc 3 giờ chiều ngày 5 tháng Giêng, Đức Thánh Cha đã đến thăm cơ sở Palidoro của bệnh viện nhi đồng Bambino Gèsu - Chúa Hài Đồng Giêsu, cạnh bờ biển, cách Rôma khoảng 30 cây số.

Đến nơi, Đức Thánh Cha đã được hướng dẫn thăm các khu vực khác nhau trong nhà thương, chào thăm khoảng 120 em bệnh nhân đang được điều trị tại đây, cùng với cha mẹ các em.

Đức Thánh Cha đã tặng quà cho cả 120 trẻ em đang điều trị tại bệnh viện này và cha mẹ các em như một cử chỉ chia sẻ với họ những mệt mỏi và đau đớn hàng ngày. Một lưu ý ngắn gọn của phòng báo chí Tòa Thánh báo cáo rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói chuyện với nhiều người, và trao tặng cho mỗi người một món quà. Những người được gặp gỡ với Đức Thánh Cha xúc động sâu sắc, ngạc nhiên, vui mừng và reo cười.

Cơ sở Palidoro, được Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục thành lập vào năm 1978, với ý hướng chuyên về điều trị bệnh bại liệt. Chỉ trong vòng vài năm sau đó bệnh viện đã trở thành một trung tâm y tế và phẫu thuật tiên phong.
 
Đức Hồng Y tổng trưởng Bộ Giáo Sĩ nói không có chức tư tế đích thực nếu không có tình bạn với Chúa Giêsu
Đặng Tự Do
19:18 05/01/2018
Đức Hồng Y Beniamino Stella, tổng trưởng Bộ Giáo Sĩ, đã cử hành Thánh Lễ hôm 4 tháng Giêng tại Đại Chủng viện Pháp ở Rôma.

Không bao giờ được “bỏ qua tầm quan trọng của Chúa Giêsu”, Đức Hồng Y nhấn mạnh như trên, khi ngài kêu gọi các chủng sinh phải tăng cường mối quan hệ của họ với Chúa Kitô thông qua việc cầu nguyện và đọc Thánh Kinh.

Đức Hồng Y Stella nói thêm: “Chúng ta có thể là những nhà quản trị giỏi, có được những tước vị quan trọng, có phẩm chất của một người quản lý, hoặc cũng có thể là những chuyên gia về phụng vụ và các nghi thức thiêng liêng, nhưng nếu không có Chúa Giêsu thì sẽ không có chức tư tế đích thực.”
 
Đức Giáo Hoàng: Chúng ta hãy cầu nguyện cho tự do tôn giáo ở Châu Á
Đặng Tự Do
22:31 05/01/2018
Trong thông điệp video đầu năm mới trình bày những ý cầu nguyện trong tháng Giêng, Đức Thánh Cha yêu cầu chúng ta đừng quên những ai đang phải vật lộn để có được tự do sống đức tin của mình.

Đức Thánh Cha nói:

Trong thế giới văn hoá đa dạng ở Châu Á, Giáo Hội đang phải đối mặt với nhiều rủi ro và sứ mạng của Giáo Hội ngày trở nên khó khăn hơn vì thực tế là các Kitô hữu chỉ là thiểu số trong xã hội.

Những rủi ro này, và những thách thức này các truyền thống tôn giáo thiểu số khác cũng gặp phải. Họ cũng là những người mong muốn hiểu biết sự khôn ngoan, sự thật và sự thánh thiện.

Khi chúng ta nghĩ đến những người bị bách hại vì tôn giáo, chúng ta vượt lên trên những khác biệt về lễ nghi hay hệ phái: Chúng ta đặt mình bên cạnh những người nam nữ đang phải chiến đấu để có thể giữ được bản sắc tôn giáo của mình.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả mọi người, xin cho các Kitô hữu, và các nhóm tôn giáo thiểu số khác ở các nước châu Á, có thể thực hành đức tin của họ trong tự do đầy đủ.
 
Đền Thờ Thánh Phêrô được trang bị đàn phong cầm điện tử cho các buổi cử hành Phụng Vụ của Đức Giáo Hoàng
Đặng Tự Do
23:13 05/01/2018
Đàn Đại Phong Cầm tại Bàn Thờ Ngai Tòa Thánh Phêrô
Một đàn phong cầm điện tử (digital organ) mới tinh và thật tối tân đã được lắp đặt tại Đền Thờ Thánh Phêrô cho các buổi lễ của Đức Giáo Hoàng. Giám đốc ca đoàn Sistina nói rằng cây đàn này đáp ứng các nhu cầu thiết thực về âm thanh trong đền thờ và các cải cách Phụng Vụ của Công đồng Vatican II.

Đức Ông Massimo Palombella, Giám đốc Ca đoàn Sistina của Tòa Thánh nói: “Những nhu cầu mới đòi hỏi phải có những giải pháp mới”.

Nhận xét của Đức Ông đã được đưa ra sau khi những lời khen ngợi nổi lên trước những tiếng đàn thánh thót lần đầu tiên được nghe thấy tại Đền Thờ Thánh Phêrô trong thánh lễ Vọng Giáng Sinh 24 tháng 12 vừa qua.

Đàn phong cầm điện tử này đã được công ty Allen Organ, một công ty hàng đầu tại Hoa Kỳ về đàn phong cầm trong suốt 70 năm qua, trao tặng cho Tòa Thánh.

Đức Ông Palombella nói rằng hệ thống mới này có thể lấp đầy “tuyệt vời” toàn bộ không gian âm thanh của một trong những nơi thờ phượng lớn nhất thế giới.

Đàn Đại Phong Cầm truyền thống

Mặc dù có sự xuất hiện của đàn phong cầm điện tử mới này trong các buổi lễ lớn, đàn Đại Phong Cầm truyền thống với những ống sáo tuyệt đẹp vẫn là một điều không thể thay thế được trong các sự kiện được tổ chức tại Bàn thờ Ngai Tòa Thánh Phêrô.

Đức Ông. Palombella nói: “Nó thực sự hoàn hảo cho không gian ở đó, vang vọng mọi chiều kích với những âm thanh thật sự của các ống sáo, mà không cần bất cứ máy khuếch đại nào”.

Tuy nhiên, trong các nghi thức được tổ chức tại bàn thờ chính, âm thanh phát ra từ đàn Đại Phong Cầm cần phải được thu lại bằng các microphone và phát lại qua các máy tăng âm kỹ thuật số khắp Đền Thờ và Quảng trường Thánh Phêrô. Phương pháp này gây ra các biến dạng âm thanh không thể tránh khỏi và có khá nhiều vấn đề liên quan đến những tiếng ồn hậu cảnh (background noise).

Các buổi cử hành của Đức Giáo Hoàng và Công đồng Vatican II

Vấn đề làm đầy âm thanh trong Đền Thờ Thánh Phêrô chỉ xảy ra sau Công đồng Vatican II.

Đức Ông Palombella giải thích rằng “trước Công đồng Vatican II, các buổi lễ của Đức Giáo Hoàng thường được tổ chức tại nhà nguyện Sistina, và vấn đề phát sóng trên thế giới cũng như sử dụng microphone để tăng âm không được đặt ra. Lúc đó, thậm chí chúng ta cũng không có và cũng chẳng cần có đàn Đại Phong Cầm. Sau này, chúng ta mới có các cử hành Phụng Vụ tại Đền Thờ Thánh Phêrô, nhưng chỉ gói gọn tại Bàn thờ Ngai Tòa Thánh Phêrô, và đàn Đại Phong Cầm là hoàn hảo cho không gian âm thanh này.”

“Sau cuộc cải cách phụng vụ của Công đồng Vatican II, toàn bộ Đền Thờ Thánh Phêrô mới bắt đầu được sử dụng cho các cử hành Phụng Vụ của Đức Giáo Hoàng. Điều này đòi hỏi một sự tìm kiếm liên tục các giải pháp khuếch đại âm thanh chất lượng cao. Nó cũng đòi hỏi những nỗ lực phối hợp bởi, trước tiên, là các chuyên gia của đài Vatican - ngày nay chúng ta gọi là Vatican media – với Deutsche Grammaphon, và RAI”.

Một truyền thống sống động

Năm tháng dần qua, nhu cầu và công nghệ thay đổi đòi phải có các giải pháp mới.

Đàn phong cầm điện tử cho Đền Thờ Thánh Phêrô là một cách mới để đáp ứng nhu cầu âm nhạc do Công đồng Vatican II đặt ra cho một Giáo hội sẵn sàng đối thoại với thế giới đương đại và luôn luôn cố gắng truyền bá vẻ đẹp và thực tế sống động của truyền thống.
 
Lễ Giáng sinh và lễ Hiển Linh trong nghệ thuật Kitô Giáo tiên khởi
Đặng Tự Do
23:36 05/01/2018
Khi Giáo Hội cử hành tuần Bát Nhật Lễ Giáng Sinh, Vatican News đã đưa ra một đoạn video miêu tả về lễ Giáng sinh và lễ Hiển Linh trên các tác phẩm nghệ thuật của các Kitô hữu tiên khởi trưng bày trong bảo tàng viện Vatican.

Mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa và việc tỏ mình ra của Ngài cho nhân loại (Epiphany) là những đặc điểm chính trong các tác phẩm của các nghệ nhân Kitô Giáo tiên khởi khi họ cố gắng dùng nghệ thuật để trình bày những câu chuyện về ơn Cứu Rỗi.

Trong số những chủ đề đầu tiên được linh hứng bởi các sách Phúc Âm, các họa sĩ Kitô Giáo thường chú ý đến biến cố ba vua thờ lạy Hài nhi Giêsu (Mátthêu 2: 1-12), và mô tả biến cố này như việc hoàn thành các lời tiên tri trong Kinh thánh, theo đó Đấng Mết-si-a sẽ được thờ lạy bởi các vua của trái đất này.

Trong những thập kỷ đầu của thế kỷ 4, đặc biệt là sau khi Lễ Giáng sinh bắt đầu được cử hành cách trang trọng trong Phụng Vụ như một ngày đại lễ, các cảnh khác liên quan đến sự ra đời của Chúa Giêsu đã lan rộng, chẳng hạn như những người chăn cừu thờ lạy Hài Nhi Giêsu, nhất là cảnh hang đá với Hài Nhi Giêsu nằm trong máng cỏ cùng với mẹ Maria, và Thánh Giuse.

Các bức tranh, và ảnh tượng được trưng bày trong bảo tàng viện Pio Cristiano - tất cả được chạm khắc vào thế kỷ thứ 4 - chứng tỏ sự lan truyền rộng rãi của những cảnh này trong nghệ thuật Kitô Giáo tiên khởi.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Nhị thể hay nhất thể ?
Đinh Văn Tiến Hùng
09:38 05/01/2018
Hiện nay đảng Cộng sản Việt Nam đang thâu tóm quyền lực ‘Nhất thể hóa’: Bí thư kiêm luôn Chủ tịch.
Âm mưu đó đang dọn đường cho Nguyễn Phú Trọng vừa là Tổng bí thư đảng kiêm luôn Chủ tịch nước.


*”Cộng Sản là loài cỏ dại, mọc trên hoang tàn của chiến tranh,
là loài trùng độc sinh sôi nảy nở trên rác rưởi cuộc đời.”
( Đức Đạt-lai-lạt-ma )

*”Chế độ Cộng Sản mà tôi đã mang cả cuộc đời ra phục vụ,
chỉ toàn là sự tuyên truyền và các cán bộ đảng trong đó có tôi,
chỉ điều hành quốc gia bằng sự dối trá.”
( Cựu TBT Đảng Cộng Sản Liên Sô Mikhail Gorbachev )


-Việt Nam Cộng Sản tranh quyền,
‘Đỉnh cao trí tuệ’ xỏ xiên tình người,
Vậy xin đóng góp đôi lời,
Tự mình xướng họa trò đời đảo điên.

*Xướng.
Nhị thể, nhất thể cũng thế thôi,
Bạch tuộc luôn luôn vẫn nhiều vòi.
Chủ tịch phân chia thêm rắc rối,
Bí thư kiêm cả tiện cho rồi,
Đại Quang đứng đó làm chi nữa,
Phú Trọng ngồi đây cũng đủ rồi.
Chỉ khổ dân đen làm nô lệ,
Nhị thể, nhất thể cũng thế thôi !

*Họa.
Nhị thể, nhất thể cũng thế thôi,
Chỉ khổ cho dân sống nổi trôi,
Trung quốc ông Bình thâu quyền lực,
Việt nam chú Trọng muốn đổi đời.
Cộng Sản vượt xa thời phong kiến,
Giặc Hồ bám gót kiếp tôi đòi.
Dân Việt cầu xin trời giáng phạt,
Nhị thể, nhất thể cũng hết thời !

ĐINH VĂN TIẾN HÙNG
 
Phiên tòa vượt biên giới
Hà Minh Thảo
18:30 05/01/2018
PHIÊN TÒA VƯỢT BIÊN GIỚI

Ngày 27.12.2017, thẩm quyền Tư pháp Hà Nội loan báo sẽ xét xử vụ án Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh cùng 20 nghi can khác thuộc Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVN) vào ngày 08.01.2018. Phiên tòa dự trù kéo dài hai tuần giữa lúc chính quyền cộng sản do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo đang mở rộng chiến dịch bài trừ nạn tham nhũng. Ðây là phiên tòa sơ thẩm xử vụ án tham nhũng làm thất thoát ngân quỹ tổng cộng 5,2 triệu mỹ kim.

I./ PHIÊN TÒA XỬ THAM NHŨNG GỘC…

Trong phiên xử này, Tòa án nhân dân Hà Nội sẽ tiến hành xét xử vụ án ‘cố ý làm trái qui định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng’ và ‘tham ô tài sản’ theo các điều 165 và 278 Bộ Luật Hình sự, sau khi Viện Kiểm sát Tối cao hoàn tất cáo trạng truy tố đồng chí Đinh La Thăng, cựu Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), và cựu đảng viên Trịnh Xuân Thanh, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), cùng các tòng phạm khác hôm 26.12.2017. Trường hợp ông này thêm gia trọng vì trước khi rời đảng, hắn đã hài tội Ðảng trưởng Nguyễn Phú Trọng, kẻ nắm quyền sinh sát đồng bào Việt chúng ta. Sau đó, y đã trốn sang Cộng hòa Liên bang Ðức, rồi tự trở về đầu thú, như lời Việt cộng nói, nhưng dư luận trong ngoài nước chỉ nghe theo thẩm quyền Ðức cho rằng ‘Thanh đã bị bắt cóc’.

A. Phiên tòa diễn ra trong hoàn cảnh nào ?

1. Chế độ cộng sản : cơ chế gây nên tham nhũng.

Thời gian gần đây, truyền thông và kể cả các quan chức Ðỏ đã nhiều lần nhắc đến tham nhũng như một 'quốc nạn'. Việt cộng đang được xếp thứ 113 trong số 176 nước về chỉ số tham nhũng, cao hơn Thái Lan, Phi Luật Tân, và Myanmar (Tổ chức Minh bạch Quốc tế năm 2016).

Ngày 05.10.2017, tại Tòa án Hà Nội, khi bị cáo Châu Thị Thu Nga và luật sư Hoàng Văn Hướng, đề cập đến số tiền 1,5 triệu mỹ kim (khoảng 30 tỉ đồng) mà bà Nga đã khai là dùng để ‘chạy’ chức đại biểu Quốc hội cho bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch cơ quan này. Thật đúng ‘quy trình’ kiểm duyệt, máy truyền hình từ Phòng xử sang Phòng báo chí bị mất tiếng… Tại sao không làm rõ vấn đề bằng đưa vấn đề ra ánh sáng : Hành pháp điều tra, Tư pháp xét xử theo luật do Lập pháp qui định.

Hơn 20 vụ đại án tham nhũng được nêu lên, hơn 30 đồng chí cao cấp bị khởi tố, tạm giam chờ ngày trả lời trước vành móng ngựa. Các bản án từ tử hình trở xuống đều được dự kiến và loan truyền. Phải chăng đó là một hình thức tham nhũng khác, nếu tội nhân hay gia đình thấm nhuần ‘thủ tục đầu tiên’ phổ biến trong chế độ. Tại Tòa án nhân dân, tranh tụng giữa quan tòa và luật sư chỉ là hình thức, chiếu lệ. Luật thì có cả một rừng, nhưng người ta thích xài luật rừng rút từ túi ra.

Tuy nhiên, cướp chính quyền từ năm 1945, đảng rất kinh nghiệm và khéo léo. Tại Hội nghị Trung ương 6 được khai mạc ngày 04.10.2017, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã không có một thông tin chính thức nào về ‘đôi hổ Đinh La Thăng và Nguyễn Văn Bình’ như đã dự báo trước. Ngày nay, số phận Ðinh La Thăng đã được an bài… Nguyễn Văn Bình và các quan tham cùng phe sắp trở thành những ‘khúc củi’ để đưa vào lò đốt của Tổng bí thư. Dứt khoát và hợp lý nhất, chủ lò phải là một đồng chí được ví như Hoa Sen :

‘Trong đầm không gì đẹp bằng sen,

Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng,

Nhị vàng bông trắng lá xanh,

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn’.

Chế độ XHCN (có người đọc là ‘xạo hết chổ nói’ chỉ là một cơ chế độc đoán, đạo đức giả đã tạo điều kiện cho tham nhũng phát triển. Cấp trên không làm gương cho cấp dưới vì chúng muốn cấp dưới biết cần có quà biếu cho chúng. Do đó, toàn đảng nẩy nở lý tưởng ‘không tham nhũng là dại, hãy tham gia phe nhóm để ăn chia, bảo vệ che chở nhau, khiến tham nhũng trở thành quốc nạn, đụt khoét ngân sách, đua đòi lối sống buông thả, ăn chơi, hưởng lạc với ‘bồ nhí nam nữ’, cướp nhà cửa, biệt thự đồng bào’.

2. Lò đốt củi tham nhũng.

Ngày 31.07.2017, qua các báo quốc doanh, Bộ Công an công bố ‘củi khô’ Trịnh Xuân Thanh đã tự về nước để đầu thú Cơ quan An ninh điều tra, sau gần một năm trốn lệnh truy nã khắp nước và quốc tế. Cùng ngày, tại trụ sở Trung ương Ðảng, Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống tham nhũng, phiên họp thứ 12, ông Nguyễn Phú Trọng, trong niềm hy vọng nhờ những lời khai của Trịnh Xuân Thanh để diệt tham nhũng, đã đề cao ‘Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy’: « Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công ».

Sau một thời gian lình xình, như đánh trống bỏ dùi, gần như nguội lạnh, trong thời gian trước sau Hội nghị Trung ương 6, Tư lịnh chống tham nhũng đã lên gân, vung tay bảo kiếm, để tóm Ðinh La Thăng vào ‘kho củi’ với Trịnh Xuân Thanh để, ngày 08.01.2018, hành động ‘cho tất cả củi khô lẫn củi tươi vào lò đã nóng cho thiêu cháy hết’, với phương châm ‘tích cực, khẩn trương, triệt để, theo đúng pháp luật’.

Trong đêm bước sang năm mới 2018, tại thành phố các nước, người dân cùng du khách quên đi thời sự chính trị, để thưởng thức pháo bông, vui chơi và ăn uống thoải mái, nhưng tại Hà Nội, việc đốt lò đã bắt đầu với những khúc củi ‘tép riu’ địa phương. Các khúc củi được đốt trong một cái lò đặc biệt, sáng chế bởi Bác Trọng để ‘ta đốt ta’. Lửa lập lòe cháy, đốt cháy củi phát ra những tiếng nổ được tạm thay thế pháo bông đón giao thừa dương lịch. Vì là lò đốt đặc biệt, nên cần phải có loại ‘siêu củi’ mà người dân có thể tìm thấy khắp nơi trong rừng xã hội chủ nghĩa, thiên đàng cộng sản.

3. Những khúc củi đầu tiên.

Do đảng viên có nhiều thứ : thứ thuộc Trung ương kể cả đã là thành viên Bộ Chính trị ; loại hai thưộc Ðịa phương và, vào giờ chót, có thể nói đến ‘củi Quốc tế’, vừa bị bắt giải về Hà Nội hôm 04.01.2018 từ Tân Gia Ba.

- Củi Trung ương Ðinh La Thăng.

Ðây là cựu Ủy viên Bộ Chính trị đầu tiên bị đề nghị truy tố trong nhiều thập niên qua. Trước đây, Hoàng Văn Hoan, cựu ủy viên Bộ Chính trị và cựu Phó Chủ tịch Quốc hội, đã bị kết án tử hình vắng mặt về tội phản bội sau khi đào thoát sang Trung cộng. Thật nực cười cho chế độ cộng sản, ngày nay, ‘theo Trung cộng là điều kiện ắt có và đủ để ‘làm lớn’. Bản cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cáo buộc ông Thăng phạm tội ‘cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng’ trong vụ án xảy ra tại PVN và PVC. Khung hình phạt dự trù cao nhất là 20 năm tù.

Về việc biện hộ, ông Thăng nhờ bốn luật sư và ông Thanh trao quyền này cho bảy luật sư bào chữa. Luật sư Nguyễn Huy Thiệp, biện hộ cho ông Thăng nói với báo Pháp Luật là ông đã ba lần dự cung với thân chủ mình và cho biết quan điểm ông Thăng là ‘sai đến đâu, ông sẽ nhận trách nhiệm đến đấy, cái gì không sai thì cần xem xét cho ông ấy… ông xin tha tội cho những người đã thi hành lệnh ‘sai’ của ông, nhưng dứt khoát không xin tha cho những ai ‘chiếm đoạt, dù chỉ một đồng’.

- Củi Ðịa phương Trịnh Xuân Thanh.

Ông Thanh là cấp dưới thân tín của ông Thăng phạm hai tội: ‘Cố ý làm trái qui định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng’ và ‘Tham ô tài sản’ với khung hình phạt tổng cộng có thể là án tử hình.

- Củi Quốc tế Phan Văn Anh Vũ.

Ðây là một sĩ quan cấp tá công an tính báo Tổng cục 5, đội lốt đại gia địa ốc kinh doanh bằng đe dọa các đối tác trong các cuộc đấu giá, mua bán tại Ðà Nẵng, có tiếng là Mafia. Khoe rằng mình có hồ sơ mật về ‘mật vụ Việt bắt có Trịnh Xuân Thanh tại Ðức’. Chạy đến Singapore, ông tìm cách xin tị nạn tại Ðức. Do mang hai hộ chiếu với tên khác nhau, nhà chức trách nơi này bắt, trục xuất và trao cho Việt cộng ngày 04.01.2018. Ngày 22.12.2017, Công an Việt cộng đã phát lệnh truy nã ông Vũ, rồi khởi tố về tội ‘cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước’. Quyết định trao Vũ Nhôm về nước mang tính cách chính trị hơn là pháp lý. Thêm một nước nữa dính líu vào trò chơi vĩ đại ‘Ðốt Lò’ diệt trừ tham nhũng.

II./ …. VƯỢT BIÊN GIỚI.

A. Câu chuyện bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.

Ngày 23.07.2017, ông Thanh cùng một nữ cán bộ Bộ Công thương (tình nhân hay cò mòi ?) đã bị mật vụ Việt võ trang khống chế bắt cóc tại công viên Tiergarten, cưởng chế ra đường, đưa lên một chiếc xe đợi sẵn, mang bảng số Cộng hòa Séc. Nhờ chiếc xe này có gắn GPS ghi lại hành trình của xe đã giúp nhà cầm quyền Cộng hòa Liên bang Ðức tiến hành cuộc điều tra một cách chính xác. Tuy nhiên, giới chức Ngoại giao và cảnh sát Ðức đã kín tiếng để chờ cộng đảng Hà Nội lên tiếng trước bằng bịa đặt ra sao. Ðúng vậy, ngày 30.07.2017, những tin ‘Trịnh Xuân Thanh đầu thú’ được loan truyền, nhưng Tướng công an Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, vẫn nói ‘Ðến giờ tôi vẫn chưa có thông tin gì’. Ngày 31.07.2017, Trịnh Xuân Thanh bất thần đến phòng trực Ban Hình sự của Bộ Công an để ‘đầu thú’.

Như tại các quốc gia độc lập, tôn trọng luật pháp và bảo vệ chủ quyền quốc gia khác, việc mang theo vũ khí xâm nhập lãnh thổ Đức để bắt cóc người sẽ ảnh hưởng nặng nề đến quan hệ ngoại giao Ðức-Việt. Ngày 02.08.2017, bộ Ngoại giao Liên bang Đức ra thông cáo báo chí buộc Việt Nam vi phạm nghiêm trọng pháp luật Đức và luật quốc tế khi cho những người võ trang bắt cóc ông Thanh, một người đã xin tị nạn tại Đức và đang được xem xét. Hôm sau, ‘con két Thu Hằng’ cất tiếng : ‘Liên quan đến phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức xung quanh vụ việc Trịnh Xuân Thanh, tôi lấy làm tiếc về phát biểu của vị này ngày 2-8... Tôi hiểu vụ việc Trịnh Xuân Thanh được rất nhiều người quan tâm...’.

Thời gian trôi đi, Chính phủ Ðức cũng chỉ có những cử chỉ nhè nhẹ đối với Việt cộng với lý do để giúp đỡ người Việt đau khổ trong nước. Ðó chỉ là ngụy biện mà thôi vì, không lẽ quý Lãnh đạo anh minh thế giới không biết ‘Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt’ không do Người Dân bầu lên và nhà nước tham nhũng này đã lấy tiền viện trợ đi mua nhà ở ngoại quốc, nhất là tại Hoa Kỳ.

Gần đây, theo kết quả điều tra của mình, giới thẩm quyền Ðức đã biết ‘Toàn bộ việc lên kế hoạch và thực hiện bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh do Trung tướng Ðường Minh Hưng, Phó Tổng cục trưởng Cục an ninh, Bộ Công an chỉ đạo, với sự cộng tác của Sứ quán Việt. Ðương sự đã có mặt tại hiện trường Berlin từ ngày 16.07.2017. Nhiều quốc gia trên thế giới đã và vẫn viện trợ, hợp tác và đào tạo mật vụ cho Bộ Công an để chống khủng bố. Nhưng, giờ đây, chính cơ quan được cho tiền này, quay ra khủng bố ngay trên nước Ðức và đánh đập đồng bào trong và ngoài nước.

Ngày 20.12.2017, nhân viên Sứ quán Ðức có cho đài VOA (Tiếng nói Mỹ quốc) biết họ dự định sẽ ‘quan sát’ phiên tòa xử Trịnh Xuân Thanh. Lúc 20 giờ ngày 04.01.2018, bà Petra Schlagenhauf, luật sư người Ðức của ông Thanh thụ lý hồ sơ xin tị nạn ở đó, đã bị ‘cấm vào Việt Nam’ và phải đáp phi cơ lại Bangkok ngay. Sáng sớm ngày 05.01.2018, từ Thái Lan, bà luật sư này gởi một email cho VOA cho biết bà đang chờ chuyến bay về Berlin và nói ‘Họ không cho tôi biết lý do vì sao nhưng tôi có nghe thấy họ nói với nhau rằng tôi là ‘luật sư của ông Thanh’… ‘Đại sứ Đức đã nói chuyện về trường hợp của tôi với phía Việt Nam nhưng không có kết quả’. Dĩ nhiên, một lần nữa, Việt Nam XHCN, từng là thành viên Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, dùng bàn tay sắt với một một quốc gia Ðức từng cho chúng tiền, nhưng những viện trợ quốc tế này không đến tay đồng bào nghèo Việt Nam đâu!. Cuối cùng, VOA, trong Bản tin ngày 05.01.2018, cho biết ‘không thể liên lạc ngay lập tức với Sứ quán Ðức ở Hà Nội để biết thêm chi tiết về vụ việc’.

Theo tin Thoibao.de, tại Berlin hôm 05.01.2018, đáp trả thái độ của Việt Nam, Bộ Ngoại giao Đức đã triệu tập Đại sứ Việt Nam tại Đức Đoàn Xuân Hưng đến để trao đổi về các vấn đề liên quan đến phiên tòa xét xử ông Trịnh Xuân Thanh và yêu cầu giải thích lý do Việt Nam từ chối cho luật sư Petra Schlagenhauf nhập cảnh ngày 04.01.2018 tại sân bay Nội Bài.

B. Hành động giữa Hành pháp và Lập pháp đối với Việt Nam thật khác nhau.

Tại Liên hiệp Âu châu, Dân biểu Nghị viên Tổ chức Quốc tế này đã biểu quyết khá nhiều các Nghị quyết (Résolutions, không có hiệu lực cưỡng hành). Nghị quyết gần đây được thông qua ngày 14.12.2017 bởi đa số tuyệt đối (100% số phiếu bầu), bao gồm năm chính đảng lớn từ cực hữu đến cực tả. Không một dân biểu nào bênh vực chế độ cộng sản Việt mà tất cả đều lên án sự vi phạm nhân quyền của chúng qua các trường hợp tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa và Mẹ Nấm Nguyễn Thị Như Quỳnh. Hơn thế nữa, vị Phó Chủ tịch tuyên bố rất bất mãn khi giới ngoại giao Việt cộng gởi thơ can thiệp tiến trình nghị luận của cơ quan Lập pháp dân cử này. Trong khi đó, các viên chức Hành pháp đến Việt Nam có mời những công dân can đảm Việt đến gặp, nhưng khi họ bị công an, côn đồ chận, đánh đập, bắt bớ thì các Vị hành pháp này im tiếng.

C. Một kinh nghiệm.

Cá nhân chúng tôi đã dự cuộc Hội luận với đề tài ‘Ðông Nam Á, nơi Dân chủ bị khước từ và Tự do bị thãm sát : Tình hình ở Miến điện, Lào và Việt Nam’ diễn ra trong hai ngày 16 và 17.09.2002 tại Nghị viện Âu châu (Brussels – Bỉ quốc) do đảng Cấp tiến Liên quốc, khối Dân chủ Tự do Nghị viện Âu châu và Diễn đàn Dân chủ Á châu kết hợp tổ chức.

Buổi chiều ngày thứ nhất, một bất ngờ thích thú khi Hội luận được tiếp đón bà dân biểu Patricia McKenna, đảng Xanh, Phó trưởng phái đoàn Nghị viện Âu châu đến Việt Nam để gặp Hòa Thượng Thích quảng Ðộ và Linh mục Nguyễn văn Lý, vừa từ Việt Nam và Cam bốt về tới Brussels. Bà cho biết là Phái đoàn đã gặp phải một bức tường gạch cao của nhà cầm quyền Việt Nam dựng lên, nên mỗi khi chúng tôi nêu vấn đề tự do tôn giáo và tự do chánh trị, hoặc khi nhắc đến những cá nhân đang bị cầm tù hay quản chế. Phía Hà nội không chịu công nhận sự việc những vị lãnh đạo các tôn giáo nầy đang bị tù đày vì lý do tín ngưõng của họ.

Ðây là lần đầu tiên tôi đến Việt Nam, tôi cảm nhận một sự bưng bít, một xã hội bị kiềm chế, người dân không có quyền lập các tổ chức phi chánh phủ dưới bất cứ hình thức nào và những tổ chức phi chánh phủ mà chúng tôi gặp đều là những tổ chức quốc tế mà quyền lên tiếng cũng bị hạn chế, nên sự tiếp xúc bị giới hạn, nếu không, họ bị mời ra khỏi nước Việt. Sự kiện không có tự do truyền thông đại chúng, nên chúng tôi không thể tiếp xúc với báo chí.

Tôi chưa từng chứng kiến một quốc gia nào như thế. Cam bốt, với bao nhiêu vấn đề, nhưng ít nhất đối lập cũng được cho phép hiện hữu. Trái lại ở Việt Nam, chẳng có một không gian nào cho bất cứ tư tưởng chánh trị nào, hiệp hội công dân nào và, trên hết, không có báo chí. Thật là nan giải.

Một bà đại biểu Quốc hội Việt Nam hỏi tôi khi bà xin đi gặp tù nhân Việt ở Âu châu, bà cũng không được phép gặp. Tôi yêu cầu bà cho biết chính xác nơi nào thì bà không đềø cập tới nữa. Sau đó. Tôi được biêát bà nầy vừa cầm đầu phái đoàn Việt Nam và vị nầy chẳng ai khác hơn là Ðại sứ Việt Nam tại Brussels.

Hà Minh Thảo

 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Chúng tôi đã nhìn thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên phương Đông
LM Đa Minh Nguyễn Ngọc Long
09:22 05/01/2018
Sao là vật thể tinh tú trên nền trời do Thiên Chúa tạo dựng vào ngày tạo dựng thứ tư ( St 1,16) chiếu tỏa ánh sáng vào ban đêm.

Nhưng với con người xưa nay các vì sao vẫn luôn là một bí hiểm còn chất chứa nhiều bí ẩn chưa hay không khám phá ra hết được. Vì thế từ mọi thời đại con người đã thiết lập khoa thiên văn để tìm hiểu khảo cứu về các vì sao trên trời.

Những nhà chiêm tinh, mà xưa nay vẫn gọi là Ba Vua đã nghiên cứu và nhận ra ngôi sao của Vua hài nhi Giêsu xuất hiện trên nền trời, khi Chúa Giesu sinh ra ở Bethlehem, nước Do Thái: „Chúng tôi đã nhìn thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên phương Đông…“ ( Mt 2, 2).

Thánh sử Mattheo không như Thánh sử Luca đã đưa các mục đồng là nhân chứng Chúa Giêsu Kito đã sinh ra làm người, nhưng đã đưa các Vị chiêm tinh ngành thiên văn là nhân chứng Chúa Giêsu Kitô đã sinh ra

Các mục đồng theo như lời Thiên Thần hiện đến báo tin cho họ. Và họ đã đến thăm thờ lạy hài nhi Giêsu. Họ là những nhân chứng đầu tiên về biến cố Chúa Giêsu gáng sinh làm người ( Lc 2, 10-11).

Còn các nhà chiêm tinh ngành thiên văn đã theo ngôi sao của hài nhi Giêsu xuất hiện trên nền trời hướng dẫn tìm đến thăm viếng cùng tặng qùa cho hài nhi Giêsu mới sinh ra. Họ là những nhân chứng từ miền xa bên phương Đông tới chứng kiến biến cố Chúa Giêsu sinh xuống trần gian. ( Mt 2, 2)

Các nhà chiêm tinh ngành thiên văn là ai, và tại sao họ lại tìm đến hài nhi Giêsu?

Chính xác về thân thế sự nghiệp cùng nguồn gốc xứ sở của họ, cùng có bao nhiêu người của họ, không có sử sách nói về, ngoài Kinh Thánh nói họ là những nhà chiêm tinh về thiên văn đến từ phương Đông. Nhưng có thể hiểu theo thời đó họ là những vị Tư Tế và khôn ngoan của tôn giáo vùng bên Ba Tư.

Những người như thế hiểu biết được nghệ thuật về những điều bí ẩn và có thể lý giải giấc mơ. Họ có thể hiểu cắt nghĩa về những sự siêu nhiên, cùng làm ảo thuật.

Họ cũng có khả năng về thiên văn, tìm hiểu cắt nghĩa những dấu chỉ của các ngôi sao trên nền trời.

Họ là những người lương dân không thuộc về Do Thái giáo. ( Joachim Gnilka, Das Matthaeusevangelium 1,1-13,58, Sonderausgabe, Herder 2000, trang 35-36)

Đức Giáo Hoàng Benedickt XVI. có suy tư về những nhà chiêm tinh, bác học ngành thiên văn:

„ Những vị nầy như trong Phúc âm theo Thánh Mattheo nói đến, không chỉ là những nhà nghiên cứu về thiên văn các ngôi sao. Họ là những nhà khôn ngoan thông thái. Họ biểu hiện cho sức năng động nội tâm, họ tự mình bước qua lằn ranh giới của các tôn giáo, để đi tìm kiếm sự chân thật, tìm kiếm Thiên Chúa thật và đồng thời tìm đến ý nghĩa khởi thủy của triết lý ….

Tầm hiểu biết về vũ trụ quan của những vị này đã dẫn đưa họ tìm đường đến vị vua của dân Do Thái mới sinh ra. Như thế chúng ta được phép kết luận rằng họ đã đến với Chúa Giêsu Kitô và đã tự mình bước vượt qua lằn ranh của khoa học đã vạch ra cho họ.

Họ một cách nào đó đứng về phía nối dõi theo tổ phụ Abraham, người đã nghe tiếng Thiên Chúa kêu gọi từ bỏ quê hương đi đến miền đất nước xa lạ.

Họ theo một cách khác nối dõi theo triết học Sokrates và thắc mắc của ông về tôn giáo còn bí ẩn để đi tìm sự chân thật. Trong ý nghĩa như thế, họ là những khuôn mặt tiên khởi dọn đường đi tìm kiếm sự chân thật cho mọi giai đoạn thời đại.

Xưa nay theo truyền thống nói kể đến ba vị chiêm tinh tìm đến thờ hài nhi Giêsu, là đại diện cho ba châu lục: Phi châu, Á châu và Âu châu. Hình ảnh Vị Vua da mầu đen nói lên trong nước Chúa Giêsu Kitô không có sự khác biệt về mầu da chủng tộc nguồn gốc. Nhân loại tập hợp thông nhất trong Chúa Kito, và họ không vì thế mà mất bỏ căn tính, sự phong phú giầu sang khác biệt của mình.

Sau này ba vị Vua được cắt nghĩa là biểu tượng cho ba giai đoạn đời sống con người: Thời trẻ, lúc trưởng thành và lúc tuổi gìa.. Cũng vậy, sự cắt nghĩa phân chia theo giai đoạn khác nhau của đời sống con người nói lên ý nghĩa sự hợp nhất trong cộng đoàn với Chúa Giêsu của con người và tìm được sự thống nhất nội tâm.

Nhưng ý nghĩa căn bản mang yếu tố quyết định là những nhà khôn ngoan thông thái phương Đông đã bắt đầu một khởi sự. Họ đã làm công việc khởi đầu lên đường của con người đi tìm kiếm Chúa Giêsu Kitô. Họ mở ra một cuộc rước, cuộc hành hương kéo dài qua suốt toàn dòng lịch sử. Họ không chỉ đại diện cho con người đi tìm kiếm Chúa Giêsu Kitô, nhưng đại diện nói lên sự trông mong chờ đợi nội tâm của đời sống tinh thần con người, cùng cho phong trào sự chuyển động của các tôn gíao và lý trí con người đi tìm đến với Chúa Giêsu Kitô. ( Joseph Ratzinger, Benedickt XVI. JESUS von Nazareth, Prolog die Kindheitsgeschichten, Herder 2012, 4. Kapitel , tr. 104- 106).

Đền thờ Chúa giáng sinh bên Bethlehem được xây dựng từ thời Thánh nữ Helena, mẹ Vua Constantino vào thế kỷ thứ tư. Và Thánh Hieronymo đã đến cư ngụ trong một căn phòng ở dưới hầm bên đưới đền thờ ngay từ năm 386 sau Chúa giáng sinh để dịch bộ Kinh Thánh Vulgata từ tiếng Hylạp sang tiếng Latinh. Đền thờ cũng trải qua nhiều giai đoạn thay đổi về xây dựng thêm bớt cùng người chủ quán xuyến trông coi.

Vào thế kỷ thứ 7. quãng năm 614 những thánh đường khác trong đất thánh của đế quốc Byzantin bị quân Ba Tư chiếm đóng tàn phá, nhưng đền thờ Chúa giáng sinh không bị tàn phá. Vì khi quân Ba Tư tới đền thờ họ thấy ở trên tường nơi cửa ra vào có hình Ba Vua mặc phẩm phục theo Đông phương. Họ cho rằng tổ tiên của họ đã tới nơi đây, nên họ kính trọng không phá hủy đền thờ. Đó là lý do cắt nghĩa nguồn gốc về con số Ba, cùng nguồn gốc của ba vị phát xuất từ Ba Tư, và đền thờ không bị phá hủy.

Chúng ta đã ngắm thấy nhiều ngôi sao trên nền trời vào ban đêm do Thiên Chúa tạo dựng trong công trình thiên nhiên trời đất. Những ngôi sao chiếu soi chỉ phương hướng trong trời đất.

Và chúng ta cũng đã sống trải qua với những ngôi sao do con người biến chế vẽ tạo làm ra. Đó là những ngôi sao trang trí, hoặc mang ý nghía biểu trưng ý thức hệ nào đó.

Nhưng trước sau chúng ta tin vào Chúa Giêsu, như các nhà chiêm tinh bày tỏ tuyên xưng „ Chúng tôi đã nhìn thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi tìm đến bái lạy Người.“ ( Mt 2, 2)

Và đức tin chúng ta dõi theo ngôi sao Chúa Giêsu thành Bethlehem, chứ không phải những ngôi sao khác.( Đức Cố Hồng Y Joachim Meisner 1933-1917).

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long

 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Bình Minh
Lê Trị
09:39 05/01/2018
BÌNH MINH
Ảnh của Lê Trị
Bình minh e ấp giấc đông
Tận miền xa đó mây hồng còn mơ
Hương đêm cũng đã dậy chờ
Hạt mai rửa mặt trăng tờ còn vương
(Trích thơ của Dã Tràng Cát)